Saturday, July 15, 2017

Tâm Triền Phược - TT Giác Đẳng

(VI) (206) Tâm Triền Phược - Kinh Tăng Chi Bộ -  XXI. Phẩm Kimbila 

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 4-5-2017

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Bài kinh hôm nay nói về  năm tâm triền phược,  5 sự trói buột này khiến chúng ta không thể đi tới, nó trói buột mình lại và vì sự trói buột đó làm mình không đi tới được tức là mình không vận dụng được tiềm năng của mình. Có một bí mật muôn thuở trong kiếp nhân sinh nếu so về tài trí về sức khỏe thì giữa người này và người khác đôi khi rất khó để thấy được tại sao người này hơn người kia nhất là về tư chất thông minh về tài năng, nhưng nhìn vào những thành tựu nhất là sự thành tựu về con đường tu tập thì có sự chênh lệch rất lớn. 

Trong đời sống có câu nói: "Người ta làm được thì mình làm được", chuyện đó đúng, nhưng mình cũng phải nói thêm cũng tài đó sức đó trí năng đó nhưng mình bị trói buột thì mình không thể đi xa không thể đào sâu được, nhưng nếu chúng ta thong dong thì có thể đi được rất xa. Cái chìa khóa của sự tiến bộ, chìa khóa của khả năng đi tới chính là mình có cắt đứt được những sợi dây cột trói mình không?  

Làm việc trong một tổ chức hay theo đuổi một kế hoạch gì đôi khi vấn đề không phải là mình không đủ sức không đủ khả năng, mà mình không đi tới được tại vì mình bị bó tay bị cột lại và mình phải thấy được cái cột đó như thế nào. 

Một người xuất gia, một người hành giả vào trường thiền để hành thiền, ở tuổi thanh xuân còn trẻ sức khỏe còn nhiều thế nhưng tại sao lại dậm chân một chỗ không đi đến được?

 Đức Phật Ngài dạy một người tu tập muốn đi tới thì tâm phải hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, và tinh tấn. Nhưng tại sao mình không hướng tới những điều đó được là bởi vì do tham ái, do khát ái nên sinh nhiệt não. Lấy ví dụ, có những lần chúng tôi đi xa với một số Phật tử từ thành phố này sang thành phố kia, chuyện lên xe khởi hành để lên đường rất nhanh rất gọn rất thoải mái nhưng nhiều lúc bị cản trở bởi vì một người trong phái đoàn họ có lý do để trì hoãn ở lại thành phố đó vì họ chờ đợi một gói quà từ đâu gửi về, hoặc muốn gặp một người nào đó hay họ lưu luyến muốn ở lâu hơn, thì người muốn ở lại lâu họ câu giờ càng chậm lại càng tốt và đó là lý do khiến cho cả phái đoàn bị phiền toái là tại sao mình cứ chờ đợi hoài mình không lên đường được.

 Một hành giả tu tập phải để ý đến khuynh hướng, mình hướng về cái gì đó hay mình muốn dậm chân tại chỗ. Mình muốn nắm níu cái đang có hay mình muốn đi tới, điều đó chỉ là đường tơ kẽ tóc. Một người cũng đi kinh hành cũng ngồi thiền, cũng tụng kinh, cuộc sống ở trong thiền viện người hành giả nhìn bên ngoài thì mình không có thể phân biệt được là người đó đang đi về hướng nào nhưng chính bản thân của vị hành giả đó phải thấy được hai hướng một là nỗ lực tinh tấn đi tới, hai là muốn dậm chân một chỗ.

 Ví dụ như vào trong trường thiền có những ngày tháng yên tĩnh cây cao bóng mát am thất tĩnh mịch thoải mái. Có lần chúng tôi cùng Sư Minh Tấn đến thăm trường thiền Bhavana Society ở tiểu bang West Viginia của Ngài Gunaratana, nơi mà chúng tôi đã hai lần cách nay mấy mươi năm có lần ở 6 tháng có lần ở 3 tháng, thì phải nhận là người Mỹ có cách xây cất trường thiền rất dễ thương với những am thất hết sức yên tĩnh và chung quanh là cây cối, chúng tôi nhớ có năm chúng tôi ở vào mùa thu phong cảnh rất đẹp, cảnh mùa xuân cũng vậy. Nhiều người Phật tử Việt Nam đến tu thiền trong lúc đi hành thiền vị Thiền Sư nhắc nhở : "Ở đây không phải là chỗ để hưởng thụ giờ phút êm đềm mà chúng ta phải tinh tấn bởi vì nếu không tinh tấn mà chỉ hưởng thụ những giờ phút êm đềm đó thì chúng ta bị trì trệ". Thì ở đây mấu chốt của vấn đề là tâm của chúng ta có hướng về nỗ lực có hướng về sự tinh tấn hay không? hay bỗng dưng nó có những lý do thầm kín chúng ta cảm thấy mãn nguyện cảm thấy thích thú và muốn dừng lại tại đó.

 Ở đây Đức Phật đưa lên 5 điều ràng buột:

1- Ràng buột thứ nhất là đối với cái dục.

Một người có thể bị ru ngủ có thể bị dậm chân một chỗ, họ bị cột trói và sợi giây cột trói này vô hình bản thân mình không biết không hay, cái cột trói này là cột trói đối với các dục. Các dục ở đây là những gì khả ái khả ý, những điều mình cảm thấy vừa lòng. Có người  thích vườn hoa đầy hương thơm hay hoặc giả có nhiều người thích thú ở một nơi nào đó tại vì tìm thấy được một nụ cười rất thân thiện rất dễ mến của người nào đó, có người thích đất trời mênh mông, cảnh trí hùng vĩ của núi rừng. Mới nghĩ một thoáng thì những điều đó hoàn toàn vô hại nhưng thật tế mà nói với một hành giả ở đây Đức Phật đề cập đến những cột trói này Ngài đề cập đến những vị tu tập nhiều hơn là những vị không tu tập. 

Một vị tu tập mà tâm hướng về những điều khả ái khả ý thì vị đó không bao giờ muốn nỗ lực muốn cố gắng hơn. Trường hợp đó Đức Phật gọi là rơi vào trong lợi dưỡng. Và đó là bịnh của nhiều người tu tập, chúng ta gọi là căn bịnh của nhà giàu. Chúng tôi đã đến thăm viếng nhiều thiền viện ở Đài Loan, Nhật Bản, Đại Hàn chưa có thời đại nào mà các thiền viện được xây dựng với những tiện nghi tối đa, dĩ nhiên không phải là ăn chơi hưởng thụ nhưng nhiều tiện nghi thoải mái về mọi thứ cái thoải mái đó cho mình một cảm giác thích thú để ở, thích thú để nương náu. Nhưng vấn đề không nằm ở chỗ là làm cho mình thích thú hay không mà chính vì sự thích thú đó khiến cho mình đánh mấy đi sự tinh tấn muốn đi tới muốn vượt thoát. Đây là ràng buột thứ nhất.

2 - Sự ràng buột thứ hai là sự ràng buột về thân. 

Thân là một phần của ngã tính, thân là phần gì rõ nét hơn là tâm. Có thể một người mang một tâm nhiều phiền não mà người đó chưa bao giờ nhận dạng được tâm của mình như thế nào nhưng một người có ái luyến về thân thì người đó rõ ràng thấy chiều cao mình như vậy, mặt mũi mình như vậy, diện mạo mình như vậy, sự trẻ trung của mình như vậy, mình được hãnh diện là mình đẹp, mình có chiều cao, mình có thế này mình có thế kia. Thậm chí có nhiều người bỏ nhiều thì giờ để trao chuốt màu da của mình. Thật ra chăm sóc về sức khỏe của mình là tốt, làm sao cho mình khỏe khoắn. Bình thường một người chăm sóc sức khỏe, chăm sóc thân mình thì cũng không phải là vấn đề lớn nhưng nếu một người tu tập mà quá nặng về thân của mình thì sẽ là vấn đề. 

Một lần Tôn Giả Lahầula lúc đó là một thanh niên mới lớn đi khất thực với Đức Phật. Tôn Giả đi phía sau nhìn Đức Thế Tôn đi trước uy nghiêm rất đẹp và Tôn Giả tự nghĩ với chính mình rằng Đức Thế Tôn bậc đạo sư của mình là cha của mình có thân tướng hảo quang minh ai cũng nói rằng mình mang nhiều nét giống Đức Thế Tôn về chiều cao về đường nét, như vậy mình trở nên tự cảm thấy hoan hỉ. Đức Thế Tôn đang đi khất thực Ngài đọc được tâm tư đó Ngài dừng lại và nhắc nhở Tôn Giả Lahầula là phải thường xuyên quán xét đây không phải là ta, không phải của ta, không phải tự ngã của ta. 

Chúng ta thấy một người biết chăm lo cho mình dường như vô hại hơn là đi gây phiền phức cho người khác, nhưng với một hành giả tu tập mà không có đủ chánh niệm để thấy rằng mình quá trau chuốc lo lắng nhiều cho thân mình thì quả thật là vấn đề khiến chúng ta không có khuynh hướng đi tới, không có khuynh hướng nỗ lực cho đời sống tinh thần. 

3 - Điều thứ ba là sự tham luyến đối với cảnh sắc.

Sắc ở đây đôi khi là các dạng thể, những điều này đặc biệt khi Phật Giáo tồn tại ở trong một nền văn hóa lâu đời thì chúng ta thấy những dạng thể mang màu sắc văn hóa một cách nhất định, nó trở nên đậm nét và nó trở nên một nhu cầu lớn. Những quốc gia Phật Giáo mà càng giàu có thì những thứ này lại trở thành những điều kiện cột trói chúng ta hơn bao giờ hết. Vị nào đã từng đi sang Nhật thì hiểu được định nghĩa của người Nhật về thế nào là một thiền thất, thế nào là một bàn Phật, thế nào là một tọa cụ, thế nào là cái gáo để múc nước, thế nào là cái lò để nấu trà, thế nào là cái bàn để viết thư pháp, tất cả những điều đó đều được trau chuốt được qui định rõ ràng và nó tạo thành những cái gì rất là cố định, nó có một qui tắt rõ ràng là ảnh hưởng theo văn hóa như vậy mới là đẹp, như vậy mới là thích hợp, như vậy là điều bắt buột phải tuân thủ, đã trở thành những thứ rào cản trở thành sợ giây trói buột. 

Trong một lần chúng tôi sang Thái Lan tu đầu đà đi với chúng tôi có Sư Sona người Canada đến tu ở chùa của Ngài Ajahn Cha. không biết vì vô tình hay là vì sự đưa đẩy sao đó chúng tôi nhận được một cái bình bát với chân bình bát đan bằng mây đã cũ bị rách và đã được vá lại. Thường thì các vị Sư sống tại các chùa trong thành phố chân bình bát của họ bằng loại stainless steel còn các vị Sư tại chùa của Ngài Ajahn Cha thuộc về Lâm Tăng nên dùng chân bình bát đan bằng mây nhìn rất đẹp và khéo. Và tại chùa không ai được giữ tiền, khi cần gì thì vị trưởng kho cung cấp hoặc xin với Thầy Cả.

Khoảng chừng 2, 3 tháng sau, một lần chúng tôi đang ngồi ở trên sala có một vị Sư không biết người xứ nào xin hoàn tục trả y bát lại cho vị trưởng kho, chúng tôi ngồi gần Ngài Cả tình cờ thấy ở trong số các vật dụng trả lại có cái chân bát đan bằng mây còn mới và đẹp và chúng tôi thấy thay vì để vị thủ kho đem về cất thì chúng tôi nói với Ngài Cả:

 - "Con có cái bình bát nó bị hư một phần con muốn đổi cái bình bát này xin Ngài hoan hỉ cho phép". 

Và Ngài Cả hoan hỉ nói: "Sư lấy đi." 

Và Ngài quay sang nói với vị thủ kho giao chân bát cho chúng tôi. Chúng tôi đem về cốc rồi quay trở lại hoàn trả lại cái chân bát cũ thì Ngài Cả còn ngồi đó và Ngài Cả nhìn tôi nói một điều:

- "Sư Jotika, thật ra nếu Sư lấy chân bát mới thì sài nó tốt nhưng nó có một cách để cho tâm mình được an lạc để tu tập thì Sư cứ sài cái cũ bởi vì cái cũ vẫn còn sài được mình sài cái cũ thì ít dính mắc hơn là sài cái mới." 

Thưa qúi vị, chúng tôi vừa đổi được cái chân bình bát mới mà chúng tôi rất thích và thật ra thì mỗi lần đi đâu cái chân bình bát cũ bị vá vì bị hư một chút thì chúng tôi cũng không vui bỗng nhiên mà nghe Ngài nhắc như vậy chúng tôi đứng lại suy nghĩ rồi chắp tay đảnh lễ Ngài nói rằng: 

- "Dạ phải

Ngài cười, và chúng tôi nói với Sư thủ kho chờ chúng tôi một chút rồi chúng tôi trở về đổi lại lấy cái chân bình bát mới đem trả lại và lấy chân bình bát cũ. Khoản chừng 1 năm rưỡi sau đó chúng tôi tình cờ đi trai tăng ở kalasin Ngài Cả ngồi bên kế chúng tôi và Ngài nhìn thấy chân bình bát cũ thì Ngài cười và hỏi:

- "Sư vẫn còn sài cái này sao?"

Chúng tôi trả lới: " Con sài cái này con thích vì Ngài nhắc con nên con sài tới bây giờ". 

Thì ngay cả khi đi đầu đà mình bỏ tất cả cho dù những vật dụng sài vừa ý như vậy, đẹp như vậy, nhưng cái đó nó trở thành cột trói. Điều đó không phải nghĩ đến nhà cao cửa rộng, nghĩ đến chùa chiền to tát, có những thứ đơn giản mà nó vẫn là sự cột trói tại vì tâm con người là như vậy, cho dù chỉ là cái chân bình bát cũ thật ra nó không tệ sài rất được nó chỉ vá lại hơi khác một chút thôi nhưng mình cũng không thấy hài lòng mình thấy rõ ràng nó bị vá lại và mình muốn có một cái chỉnh chu tức là đâu ra đó nhưng như vậy mình nặng về cái đó quá, mình phải mặc y màu như vậy, mình phải mang bình bát màu như vậy v.v... thì những điều đó trở thành những khuôn sáo mà những khuôn sáo đó trở nên ràng buộc đối với một hành giả tu tập và điều đó không ai nhắc cho mình được nếu không phải là những bậc thầy, không phải là những bậc thiện trí có thể nhắc mình được như vậy. 

4. Điều ràng buộc thứ tư là ăn uống.

Sự ràng buộc thứ tư Đức Phật dạy đó là sự hưởng thụ ăn uống, ăn cho no, ăn cho ngon, ăn cho nhiều, nghỉ ngơi, ngủ nghỉ thường những điều đó làm một khuynh hướng hưởng thụ đời sống tu tập, không phải là lớn chuyện, biết là mình sống ở trong chùa không còn gì hết chỉ còn mỗi cái ăn cái ngủ thôi thì thật sự nó không phải lớn chuyện nếu so với thế gian. Nhưng người ưa thích ăn ngủ nhiều quá không tinh tấn nỗ lực, do mình không tinh tấn nỗ lực mình bị dậm chân một chỗ, và giả xử cuộc đời mình vào chùa không làm gì hết chỉ lo ăn ngủ thì thật uổng kiếp người nhưng phải nhớ rằng đó là sợi giây ràng buộc rất lớn. Đức Phật Ngài dùng một cái cộng trừ là:

-  "Ăn cho đến thỏa thuê cho đến bụng chứa đầy, thì cuộc sống là thiên về khoái lạc sàng tọa". 

Đúng ra câu này là khoái lạc về ngủ nghỉ về nằm, giống như mình nằm nghỉ trưa là ngủ nghỉ với hôn trầm thụy miên. Những thứ khoái lạc của ăn ngủ là một sự ràng buộc. Đôi khi có những thứ tầm thường cũng cột trói chúng ta không khác gì những thứ lớn lao, chúng ta nên lưu ý. 

Bởi vậy, nếu chúng ta hiểu được lối sống của một người tu không phải là được khéo tổ chức không phải là có đời sống đâu ra đó, đời sống ngày hôm nay đôi khi đa số các vị thiền sinh tu tập họ hay nghĩ đến sự hướng dẫn của các vị Thiền Sư và các vị Thiền Sư thường tạo ra một trung tâm thiền một đạo tràng để tu tập và trong đạo tràng đó tổ chức như thế này tổ chức thế kia nhiều lúc những thứ này cũng là sự dính mắc cho một người tu tập.

Thời Đức Thế Tôn còn tại thế một vị tu sĩ đi khất thực thật ra không biết là khi mình bước chân ra khỏi chùa để đi khất thực mình sẽ có cái gì để ăn,  người Phật tử đặt vào trong bình bát mình trở về mình cũng không biết có cái gì để ăn, về mở ra rồi có bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Chỗ ở cũng vậy  vì cái bất định của đời sống nó khiến cho chúng ta phải gia cố đời sống nội tâm nhiều hơn, tại vì nếu đời sống nội tâm không được mạnh mẽ thì chúng ta không chịu đựng được với những trở lực từ bên ngoài. Vì vậy chúng ta nhớ một điều rằng cái gì mà nó ru ngủ chúng ta thì cái đó nó thường là sự cột trói của mình, nó ru ngủ chúng ta, nó mơn trớn chúng ta, nó làm cho chúng ta có cảm giác dễ chịu thoải mái thì nó sẽ khiến cho chúng ta không có khả năng để đối diện với sự thật, đối diện với cái vô định và không chịu tinh tấn đi tới. 

Ở Việt Nam, người ta nói rằng người miền Trung phấn đấu hơn người miền Nam, chuyện đó đúng, tại vì sao, tại vì thời tiết khắc nghiệt, bão lụt hàng năm khiến người dân miền Trung bắt buột phải phấn đấu phải dự trữ thực phẩm đề phòng những lúc tối lửa tắt đèn, người dân miền Nam thì sống ở giữa sông ngòi bữa nào đói lắm mà có chút gạo nấu cơm rồi ra phía sau hái rau bắt ốc bắt cá cũng nhiều do vậy đôi khi lại không có phấn đấu vì họ an phận với điều đó. Sự an phận với vật chất không có hại bằng sự an phận với đời sống tinh thần, khi đời sống tinh thần của chúng ta mà mình thoả mãn hài lòng thì thường mình dậm chân một chỗ.

5. Điều ràng buột thứ năm là sự mong muốn sanh thiên.

Điều sau cùng Đức Phật Ngài lưu ý tất cả chúng ta về sự suy nghĩ sanh thiên. 

Đây là một trong những nhược điểm lớn của người Phật tử nói chung và người tu Phật nói riêng là chính giáo lý nghiệp báo giáo lý về luân hồi làm một số chúng ta nghĩ đến sau khi chết, và một người mà nghĩ đến sau khi chết không ai nghĩ đến chuyện đắc đạo chứng quả, không ai nghĩ đến chuyện chứng đạt Niết Bàn, người mà thật sự muốn chứng đắt Niết Bàn là người hướng tâm vào hiện tại. Nhưng người mà không khéo thì hay nghĩ đến được sanh vào một cảnh giới nào đó thật sự an ổn thật sự hạnh phúc.  Ngay cả một số vị tu tập nghĩ mong kiếp sau được sanh về cõi trời Đâu Xuất ở đó mình sống rất an lạc, sống nghe pháp, sống bằng pháp hỉ, gặp Đức Di Lạc ra đời, mình sống ở đó rồi đắt đạo chứng quả Niết-bàn. Ý tưởng đó thật sự nó không có hại gì hết, nó cũng đúng vậy, nhưng những ý nghĩ đó nó rất là mơn trớn, nó rất là ru ngủ, nó khiến chúng ta đánh mất đi nỗ lực trong hiện tại. 

Điều Đức Phật Ngài dạy: "Pháp nào khiến chúng ta tinh tấn đó là pháp của Đức Phật, và pháp nào khiến chúng ta đánh mất đi sự tinh tấn nỗ lực thì đó không phải là pháp của Đức Phật". 

Nói một cách đơn giản, nếu chúng ta hiểu lời dạy của Đức Phật thì ở trong giờ phút hiện tại này cho dù cuộc sống chung quanh có đẹp có dễ chịu có thoải mái có cái ý tưởng nào đó làm cho chúng ta cảm thấy thích thú về đời sau điều đó không quan trọng, mà quan trọng là mình có tinh tấn có nỗ lực hay không. 

Tinh tấn nỗ lực ở đây là học pháp và hành pháp, tinh tấn nỗ lực ở đây là tận dụng được thời giờ, tinh tấn nỗ lực ở đây là đối với cái sanh diệt của cuộc sống, tinh tấn nỗ lực ở đây là mình cố gắng làm cái gì cần thiết phải làm chớ có ngồi yên đó như là mình bằng lòng với cái gì mình có, vừa lòng với ý nghĩ của mình, và yếu tính đó rất quan trọng.

Chúng ta nhớ Đức Phật dạy những pháp nào đưa chúng ta hướng về tinh tấn, hướng về nỗ lực đó là pháp của Phật và pháp nào khiến chúng ta không tinh tấn thì pháp đó không phải là pháp của Phật, thì ở đây những cạm bẫy  trong sự tu tập này nó là những cột trói mà khiến chúng ta bị dậm chân khiến cho chúng ta bỏ rơi nỗ lực và điều này trừ khi ở gần một vị Thầy có kinh nghiệm và có lòng từ bi nhắc nhở chúng ta, trong đời sống bình thường ít có ai nhắc chúng ta, thấy một người mặc y là mình hoan hỉ rồi, thấy một người ở trong trường thiền mình hoan hỉ rồi, thấy một người biết tụng kinh đã hoan hỉ rồi, những cái đó nó chỉ mới là hình thức ở bên ngoài, căn bản của đời sống nội tại là chúng ta có chịu khó và chúng ta thật sự phấn đấu hay không. 

Tất cả những nền văn minh của con người đều cho chúng ta bài học rất quan trọng là một khi chúng ta sung sướng và thường thường chúng ta bị ru ngủ,  khi bị ru ngủ chúng ta sẽ đi vào chỗ thối thất. Hoa Kỳ thật sự là quốc gia tiến bộ đi tới với cái nhìn rộng thì cũng phải nói rằng đã trải qua những thời kỳ khó khăn từ những khủng hoảng kinh tế của thập niên 30 và trước đó là Đệ Nhất Thế Chiến sau đó là Đệ Nhị Thế Chiến rồi đến Chiến Tranh Lạnh và bây giờ khi Hoa Kỳ trở thành một cường quốc  không có một cường quốc nào có thể so sánh được thì tinh thần của họ bắt đầu đi xuống không còn thấy chuyện làm sao để ủng hộ lý tưởng dân chủ hoà bình trên thế giới là một cái ưu tiên của người Hoa Kỳ nữa, họ thấy chủ nghĩa quốc gia khiến cho họ nên gìn giữ hàng rào để giảm bớt di dân. họ cảm thấy làm sao cho người Hoa Kỳ lo cho chính bản thân họ được, không cần lo nước khác, thì dần dà họ sẽ rơi vào số phận của nhiều đế quốc đi xuống trong quá khứ cũng đã từng gặp như vậy. Mình phấn đấu rất nhiều, ngày nào mình còn phấn đấu còn nỗ lực còn đi lên, lúc nào mình đến cao điểm không nỗ lực không phấn đấu nữa thì mình bắt đầu đi xuống và cái giá của sự đi xuống đó là sự tàn lụi của các đế chế, của các vương quốc, của các triều đại. Vì vậy đôi khi trong đời sống này sự khó khăn không là gì đáng sợ như là cái gì gọi là khả ái, khả ý, nhẹ nhàng, êm ái, ru ngủ, mơn trớn đời sống của mình.

Đức Phật Ngài dạy có 5 sự cột trói:

- Sự cột trói của dục, 
- Sự cột trói ái luyến thuộc về thân
- Sự dính mắc về sắc
- Sự dính mắc về ngủ nghỉ
- Và sự dính mắc về thiên giới hay là sự sanh duyên đời sau sanh về kiếp này kiếp khác về cõi trời được tốt được đẹp hơn.

Những ý tưởng đó thường là cái gì ru ngủ khiến chúng ta không nỗ lực. Nỗ lực ở đây là tinh tấn, chánh niệm với giờ phút hiện tại. Ở đây Đức Phật Ngài nói câu rất dài tạo thành một mệnh đề đôi khi chúng ta cảm thấy Đức Phật Ngài nói nhiều quá nhưng thật sự rất quan trọng: 

- "Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với cái dục, không phải không tham ái, không phải không dục cầu, không phải không ái luyến, không phải không khao khát, không phải không nhiệt não, không phải không khát ái. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào đối với cái dục, không phải không tham ái... không phải không khát ái, tâm của vị ấy không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn. Nếu tâm của ai không hướng về nỗ lực, chuyên cần, kiên trì, tinh tấn, như vậy là một trạng thái trói buột thứ nhất."

Đoạn này bản dịch tiếng Việt hơi lủng củng, vì chúng tôi đang giảng nên không sửa lại được. 

Như đoạn đầu: thí dụ như đối với các dục mà không phải là không từ bỏ, không phải là không có tầm cầu, không phải là không có dính mắc, không phải là không khao khát, không phải tâm nhiệt não (phiền não), thì điều đó sẽ khiến cho vị đó không hướng về nỗ lực, về chuyên cần, kiên trì, tinh tấn thì tự nhiên nó là một sợi giây vô hình sợ giây đó nó cột chúng ta lại nó khiến chúng ta không đi tới.

Do vậy chúng ta trở lại với một vấn đề muôn thuở là con người chúng ta vốn có nhiều tiềm lực muốn làm nhiều việc kể cả việc tu tập nhưng sở dĩ chúng ta không làm được là tại vì chúng ta bị cột tay cột chân, cái gì cột tay cột chân làm chúng ta không đi tới được không đi xa được không làm được cái gì khác hơn là bởi vì chính sự dính mắc, dính mắc vào các dục, dính mắc vào thân, dính mắc vào sắc, dính mắc vào hưởng thụ ngủ nghỉ, dính mắc vào sự sanh thiên chẳng hạn. 

Và những sự dính mắc này khiến chúng ta bỏ rơi gánh nặng viễn ly không nỗ lực không tinh tấn nữa, một khi không nỗ lực chúng ta không đi xa hơn nữa mặc dầu tiềm lực thì có, nó là một bài học rất thấm thía quan trọng nếu chúng ta suy nghĩ về những điều này liên hệ đến đời sống tu tập của mỗi người, mong rằng có nhiều nghị lực để cắt đứt những sợi giây trói buột và luôn luôn làm được một việc mà các vị Thiền Sư thường nhắc chúng ta là tiếp tục phấn đấu, tiếp tục nỗ lực, tiếp tục lên đường, tiếp tục hành trình cho dù trời mưa hay nắng, cho dù thuận hay nghịch, cho dù vui hay buồn tiếp tục và tiếp tục. Đó là điều các vị Thiền Sư luôn luôn nhắc chúng ta ./.