Tuesday, April 17, 2018

Như lai nói : Y chỉ vào Thiền, các lậu hoặc được đoạn tận - TT Tuệ Siêu

Thảo luận: Như lai nói : Y chỉ vào Thiền, các lậu hoặc được đoạn tận ( jhānaṃ nissāya āsavānaṃ khayaṃ vadāmi) mang ý nghĩa thế nào? 

Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 14-3-2018 

Minh Hạnh chuyển biên

TT Tuệ Siêu: Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật Ngài dạy: Natthi jhānaṁ apaññassa, paññā natthi ajhāyato

Natthi jhānaṁ apaññassa - Người không có tuệ thì không có thiền
paññā natthi ajhāyato - Người không tu thiền thì không có tri tuệ
- Natthi jhānaṁ apaññassa, paññā natthi ajhāyato
 - người không tuệ thì không có thiền, người không tu thiền thì không có tuệ

Chỉ có trường hợp: 

yamhi jhānañ-ca paññā ca sa ve Nibbānasantike. - người có thiền và có trí tuệ nhất định nhập Niết-bàn

Tức là chứng Niết-bàn - Nibbānasantike

Thì ở đây, rõ ràng trong câu kinh Pháp cú này cũng như trong bài kinh Tăng Chi Bộ (V) (36) Thiền, Đức Phật Ngài  khẳng định Y chỉ vào Thiền, các lậu hoặc được đoạn tận. Chúng ta phải hiểu ý nghĩa như thế nào khi nói đến y chỉ vào thiền có tuệ quán đoạn trừ lậu hoặc.

Trong bộ Visuddhimagga - Thanh Tịnh Đạo đề cập đến 3 phần là:

- Giới hay  Tăng Thượng Giới - Adhisīla, 
- Định - Samadhi - hay là Tăng thượng tâm - Adhicitta
- Tuệ hay là Tăng Thượng Tuệ paññā hay Adhipaññā

Như vậy, trong bộ chú giải Thanh Tịnh Đạo đặc biệt nhắc đến Giới là nền tảng sanh định, định làm nền tảng sanh tuệ .

Định làm nền tảng sanh tuệ là nói theo Tam Học gồm có 3 chi phần:

Trong Bát Chánh Đạo thì Chánh tinh tấn (Sammāvāyāmo), Chánh niệm (Sammāsati), Chánh định (Sammāsamādhi) thuộc về Tăng Thượng Tâm hay là định học.

Khi nói đến  Chánh ngữ (Sammāvācā), Chánh nghiệp (Sammākammanto), Chánh mạng (Sammā-ājīvo) thuộc về Tăng Thượng Giới.

Và Chánh kiến (Sammādiṭṭhi), Chánh tư duy (Sammāsaṅkappo) thì thuộc về tuệ. 

Chúng ta phải hiểu như vậy. 

Cho nên khi chúng ta nói thiền ở đây bao gồm cả sự nhiệt tâm (ātappa) sato hay là sati tức là niệm vững chắc, niệm bén nhạy và thứ ba nữa là Samadhi, hay samadho là sự an trú hay sự an định

 Như vậy rõ ràng nếu tâm chúng ta bị phóng dật biếng nhác thì tuệ không thể  phát triển mạnh mẽ được. Cho nên chính vì thiền định sẽ thay đổi cuộc sống của vị hành giả, vị hành giả mà có thiền định là vị hành giả có sự nhiệt tâm mà có sự nhiệt tâm thì tuệ sẽ phát sanh.

Rồi lại nữa, vị hành giả có được thiền định thì có chánh niệm bén nhạy. Một người không tu thiền đừng nghĩ rằng sẽ có chánh niệm, mà thường hay quên trước quên sau bởi vì tâm phóng dật tâm thất niệm. Còn đối với người có tu tập thiền thì người đó chánh niệm bén nhạy. Chúng tôi nói có tu tập thiền ở đây là tu thiền thật sự chứ không phải tu thiền theo phong trào gọi là tu thiền nhưng ngồi lim dim ngủ gật, đó không phải là loại thiền để tạo sự tinh tấn và có chánh niệm.

3. - Thứ ba là, hễ tu tập thiền thì tâm định rất mạnh mẽ, gọi là Tăng Thượng Tâm, tâm định mạnh mẽ an trú vững vàng trên đề mục, khi cần quán xét sắc thọ tưởng hình thức là vô thường, khổ và vô ngã thì trí tuệ phải dựa trên nền tảng của định mới soi thấu được,

 Giống như khi người ta muốn khoan một lỗ ở trên miếng gỗ hay trên tường mà cầm cây khoan không vững nó cứ chạy qua bên đây chạy qua bên kia, nhít qua nhít lại một hồi là lỗ tầy quầy hoặc không đưa được mũi khoan vào điểm mình muốn khoan, nhất là trên tường có gắng gạch men. Thì lúc bấy giờ người ta phải dùng cái đinh nhỏ hoặc một cái mũi nhọn bằng thép  khẻ lên trên miếng gạch men dán trên tường để cho nó có một dấu bể nhỏ (nếu đóng mạnh thì bể luôn miếng gạch men) người ta đóng làm cái dấu xong rồi tựa mũi khoan vào cái dấu đó thì mũi khoan không chạy đâu hết, khi mũi khoan không chạy đâu thì tức khắc nó sẽ xuyên thủng bức tường. 

Tương tự như vậy, chúng ta phải hiểu như thế nào là tuệ, nhất là tuệ quán vô thường, khổ, vô ngã để diệt trừ các lậu hoặc phiền não thì tuệ đó phải dựa trên định tâm, tâm định thì tuệ mới có sự quán chiếu ngũ uẩn một cách tường tận rõ ràng được, cho nên chính vì vậy một người tu tập thiền nếu cần thì họ chuyển qua tuệ quán họ đắc đạo quả nhanh. 

Cũng có trường hợp một số vị hành giả vì không có duyên đối với Thiền Hiệp Thế, vị đó do đời quá khứ làm phước tu tập thiền quán, làm phước mà có tuệ quán liên quan đến pháp quán. Đức Phật  Ngài  nói làm phước liên quan đến pháp quán tức là khi làm phước gì, bố thí hay trì giới gì cũng quán vô thường khổ, vô ngã quen đi cho nên bây giờ chỉ cần nghe Đức Phật thuyết pháp là đắc đạo quả Alahán. Trong trường hợp này chúng ta phải nói rằng là đối với vị đó thì không cần định ở trong pháp thiền, không y chỉ vào thiền vị đó cũng vẫn chứng đạt được, nhưng cũng chỉ là số ít thôi. Hồi thời Đức Phật số vị hành giả không y chỉ thiền mà đoạn tận các lậu hoặc thì chỉ số ít thôi còn đa phần các vị hành giả khác thì phải dựa trên phương diện thiền.

Nhưng, thiền ở đây chúng ta cần phải hiểu khi một người hành thiền  sẽ dẫn đến 3 loại định,

1. Sát na định (Khaṇikasamādhi). Vị hành giả tu tập thiền khi có Sát na định (Khaṇikasamādhi) vị đó tương đối vững mặc dầu chỉ chớp nhoáng đủ để cho tuệ quán phát sanh để phá trừ phiền não, nhưng cao cấp hơn chút xiú nữa thì thiền dẫn đến trạng thái thứ hai là:

2. Trạng thái cận định (upacārasamādhi) thì kiên cố hơn, thí dụ một người hành thiền có ấn chứng hỉ lạc phát sanh, dựa theo đó mặc dầu chưa đắc thiền  nhưng đã có ấn chứng có hỉ lạc rồi thì vị đó chuyển sang tuệ quán cũng được.

3. Trạng thái thứ 3 là An chỉ định  (Appanāsamādhi).Khi thiền đến nơi đến chốn thì đạt đến kiên cố định hay an chỉ định  (Appanāsamādhi), định này thuộc về thiền sắc giới vô sắc giới rồi, là sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền. 

Ở đây không nhất thiết, chúng tôi dùng chữ "không nhất thiết" mặc dầu Đức Phật Ngài dạy là y cứ vào sơ thiền nhị thiền mà các lậu hoặc được đoạn trừ đoạn tận là đức Phật Ngài muốn nói đến một trạng thái hoàn chỉnh của một vị tu tập đạt đến giải thoát. 

Cũng có trường hợp ngoại lệ nhưng trường hợp ngoại lệ đó không đi thứ lớp thì cũng không sao. Thí dụ như bây giờ trên thế giới mặc dầu trong ngành giáo dục người ta đưa ra thứ tự cho các em nhỏ  6, 7 tuổi cho vô học mẫu giáo, rồi lên lớp một, rồi lên lớp hai, lớp ba, lớp bốn, lớp năm, hết tiểu học rồi lên trung học, hết trung học lên đại học, hết đại học rồi chuyển qua làm nghiên cứu sinh và khi tốt nghiệp cử nhân hay là nghiên cứu sinh để làm luận án thạc sĩ hay tiến sĩ  theo thứ lớp tuần tự như vậy, nhưng cũng có những em bé thông minh học giỏi nhất là ở các nước phương tây họ chuộng trí tuệ cho nên họ cho những đứa bé vượt lớp không cần theo trình tự vẫn đạt được bằng cấp miễn làm sao vượt trội mấy môn. Thì trong trường hợp này chúng ta miễn, trường hợp ngoại lệ đó không thể đưa vào nguyên tắc được.

 Còn trường hợp này Đức Phật Ngài nói đưa vào thiền để các lậu hoặc đoạn tận là đưa vào nguyên tắc tu tập. 

Đó là câu trả lời tóm tắt của chúng tôi ./.