Tuesday, May 6, 2014

Một người bình thường cũng có thể áp dụng Bát Chánh Đạo thực hành Bát Chánh Đạo như thế nào?

Hỏi: Một người bình thường cũng có thể áp dụng Bát Chánh Đạo thực hành Bát Chánh Đạo như thế nào?

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 19-4-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Có một điều chúng tôi nói rất nhiều lần nhưng hôm nay chúng tôi cũng xin lập lại.  Bản thân của chúng tôi là một vị tu sĩ học Phật Pháp nhiều khi chúng tôi cảm thấy rất tiếc và cũng có thể tạm gọi là rất buồn vì người Phật tử chúng ta không có bỏ thì giờ để suy niệm và đào sâu vào Bát Chánh Đạo. Thật ra thì chúng ta biết rằng trong bài kinh Chuyển Pháp Luân hay tất cả những bài nói về Tứ Diệu Đế thì Đức Phật Ngài đều nói rõ là Bát Chánh Đạo đó là câu trả lời thế nào là con đường diệt khổ và bản thân của chúng ta là người Phật tử không thể không suy nghĩ về điều này. 

Chúng ta có nhiều cách để suy nghĩ. Nhưng riêng trong phần suy nghĩ của chúng tôi ngày hôm nay thì chúng tôi xin được chia sẻ là một người bình thường cũng có thể áp dụng Bát Chánh Đạo thực hành Bát Chánh Đạo.

Dĩ nhiên, khi người Phật tử nói đến Giới Định Huệ đôi khi nghe tương tự như một cái gì đó rất chuyên môn của người xuất gia. Đúng như vậy, khi người xuất gia đào sâu vào Giới Định Tuệ thì nó có rất nhiều chuyên môn. 

Nhưng riêng với đời sống cư sĩ hàng ngày nếu một người có chủ tâm hành trì Bát Chánh Đạo thì chúng ta cũng có thể thực hành được, ba pháp, chúng ta gọi là giới phần hay là ba sự kiêng cử: Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng.

Chánh Ngữ: Nếu mình thật sự tu tập thì bớt đi những lời nói phạm vào những điều như nói dối, nói chia rẽ, nói độc ác, nói vô ích. Chúng ta có thể làm được trong đời sống đó là chúng ta bớt đi nói chuyện phiếm, những lời nói tào lao nói phiếm luận, chúng ta bớt đi nói lời vô ích. Chuyện này rất quan trọng. Khi chúng ta nói chuyện phiếm nhiều là thái độ sống của chúng ta thì giờ có quá dư, cuộc sống quá thừa do đó chúng ta mới dành thì giờ nói chuyện phiếm. Nếu người bình thường thì nói chuyện phiếm chẳng có tội gì hết nhưng với một người Phật tử hiểu đạo thì nói chuyện phiếm là một thái độ phung phí, đời sống chúng ta không có chuyện gì quan trọng hơn để làm. Khi chúng ta có nhiều việc quan trọng để làm thì chúng ta không ngồi đó để nói chuyện tào lao nói chuyện phiếm. Dấu hiệu nói chuyện phiếm là một vấn đề nghiêm trọng.  Hay là nói lời chia rẽ, trong đời sống của chúng ta hay thích gây sự chú ý hay tạo tình cảm của người khác chúng ta đem chuyện người này nói chuyện người kia. Chúng tôi biết rằng có những người lạ lắm họ thích nói chuyện của người khác để cho thấy rằng họ biết chuyện, họ biết được nhiều chuyện và họ quan trọng nhưng họ không ngờ rằng trong lời nói của họ gây ra thương tổn cho rất nhiều người, họ đem chuyện người này qua người khác. Thì mình bớt đi nói chuyện người khác, bớt nói lời nhảm nhí, bớt nói lời chia rẽ, bớt nói lời độc ác, lởi nào thấy hung dữ ác độc nhất là rủa xả chửi bới thì mình tránh và dĩ nhiên lời nói dối thì mình tránh. Mình kiêng cử như vậy gọi là Chánh Ngữ.

Chánh Nghiệp là ba trọng nghiệp;  chúng ta tránh là sát sanh, trộm cắp, và tà hạnh chúng ta tránh ba trọng nghiệp đó thì chúng ta đỡ rất nhiều việc.

Chánh Mạng là: mình thử hỏi bây giờ mình là người tu tập vậy sinh kế của mình có được chân chánh hay không, sự nuôi mạng của mình hàng ngày cái ăn cái mặc của mình có từ bàn tay lương thiện của mình hay không, nếu nghề nào có nhiều tiền nhưng là nghề bất chánh bỏ đi và chúng ta làm nghề tương đối đủ ăn đủ sống. 

Thật ra, thời đại bây giờ nhất là chúng ta sống ở các quốc gia kỹ nghệ có nhiều nghề rất lương thiện tuy không giàu có gì nhưng nó lương thiện thì chúng ta nên chọn nghề đó, dĩ nhiên không phải nghề lương thiện là nghề lương thấp nhưng nói chung là hễ cái gì như nghề đi đánh cá được nhiều tiền trong khi đó mình làm nghề assembly thì ít tiền thì thà mình chọn nghề assembly mà mình không tạo nghiệp.

Nói tóm lại, sự nuôi mạng của mình ảnh hưởng tận cùng ở trong tâm thức của mình. Và nếu chúng ta kiêng cử không nuôi mạng bất chánh, không có những ngôn ngữ bất chánh, không có những hạnh nghiệp bất chánh thì chúng ta gọi là giới phần. 

Định phần.
Trong đời sống của chúng ta có ba thứ; chúng ta thiếu đó là chất liệu của nội tại, đó là chúng ta thiếu nghị lực hay là thiếu năng lực.

 Chánh Tinh Tấn: Con người chúng ta thường uể oải thường lười biếng không có chủ kiến. Thí dụ qúi Phật tử nghe có khoá tu ghi danh tham dự. Còn nghe có chuyện đi chơi mà chỗ đó không tốt mình không, vì mình đi tu  mình tham dự khóa tu tâm thiện tăng, mà mình đi chơi chỗ đó thì tâm bất thiện tăng. Thì sự lựa chọn đó nói lên năng lực của chúng ta. Hay ở trong đời sống mình đi đến chùa thấy người nào, hay nói chuyện tào lao nói chuyện lôi thôi, hay ngồi lê đôi mách thì chúng ta tránh và người nào thường tu tập thì chúng ta thường làm bạn. Thái độ chọn bạn cũng là Chánh Tin Tấn. Chánh Tinh Tấn, Đức Phật dạy là gì đó biết ngăn ngừa điều bất thiện, đoạn trừ điều bất thiện, biết gìn giữ điều thiện, và biết tạo cơ hội cho pháp thiện sanh khởi, Đức Phật gọi là Chánh Tinh Tấn của người tu tập

 Chánh Niệm tức là khả năng tỉnh thức. Khả năng tỉnh thức rất quan trọng. Mỗi chúng ta đều nên làm một việc là buổi sáng chúng ta nên có giờ yên lặng một mình để nhìn lại thân tâm của mình, sáng nay mình thức dạy như thế nào. Thật ra có nhiều người quan trọng buổi sáng thức dạy phải tụng kinh, tụng kinh thì là điều tốt nhưng quan trọng nhất đó là chúng ta sống một mình thanh tịnh phản tỉnh. Nếu chúng ta nhìn được hơi thở ra hơi thở vào thì quá tốt. 

Buổi sáng nào đó yên tịnh, ở trong sự yên tịnh đó chúng ta phản ảnh về thân tâm của mình như Đức Phật Ngài dạy Tôn Giả Rahula nhìn lại ngày hôm qua mình đã làm những chuyện gì thiện những chuyện gì bất thiện.

Khả năng tỉnh giác với cái gì vừa xảy ra đang xảy ra ở trên thân tâm của mình gọi là Chánh Niệm. Thì khả năng tỉnh thức là một ở trong những yếu tố rất quan trọng của nội tâm. Lúc nào mình sống mà mình lăn xăn quá, lúc nào mình sống mà bị chi phối nhiều quá, lúc nào mình sống căn thẳng quá thì mình nhớ là lúc đó mình không tỉnh thức, lúc đó mình thiếu Chánh Niệm. Lúc nào mình hay quên trước quên sau, lúc nào mình hay tâm trí mình hay lơ là thì đó là thiếu Chánh Niệm. Mỉnh có nghị lực là Chánh Tin Tấn nhưng mình phải có khả năng tỉnh thức hay là có khả năng Chánh Niệm thì Chánh Niệm đó là một chất liệu của nội tại rất quan trọng.
Chánh Định là khả năng tập trung. Khả năng tập trung nghĩa là hễ mình làm cái gì đó mà mình làm thường làm lâu thì nó có cái lực của nó. Các vị Thiền Sư thường giảng là kính hội tụ (kính lúp) để dưới ánh mặt trời nó tập trung một chỗ thì nó tạo ra ánh sáng. Người Phật tử khi tu tập Chánh Định thì thấy rằng điều gì mình làm đi làm lại lâu ngày mình thạo. Giả sử như qúi Phật tử vào Paltalk nghe pháp, mới vào nghe thì mình nghe lõm bõm lõm bõm nhưng nghe lâu rồi quen thuộc cách giảng cách nói của vị giảng sư. Thì càng lúc qúi vị nghe càng tinh tế hơn, sự bám trụ, sự kiên định, sự tập trung, sự bền bỉ nó làm cho chúng ta thạo việc. 

Ngày xưa, chúng ta nghe chuyện ông lão rót dầu qua lỗ nhỏ của đồng xu một cách thành thạo thì do quen tay. Cái gì mình làm thường làm hoài thì nó đạt đến trình độ cao. Cái gì mình làm hoài thì tự nhiên nó bền bỉ. Mình cứ làm lập đi lập lại thì nó tạo ra cái lực của cái gọi là tập trung. 

Chúng tôi để ý thấy rằng hễ trong chùa mà vị nào thường tụng kinh thì vị đó tụng hay, vị nào thường nói pháp thì vị đó nói pháp rõ các chi pháp. Vị nào thường làm việc gì đó thì vị đó làm thoải mái, ví dụ qúi vị thường rửa chén hay thường nấu ăn thì lâu ngày công việc dễ dàng do sự kiên tâm bền bỉ với sự tập trung vào công việc.

Tâm của chúng ta hay bị tảng tâm, đời sống con người chúng ta bây giờ bị chi phối nhiều quá nào là internet, nào chuyện đông chuyện tây, chuyện thời sự chuyện thị phi v.v... Nhưng có những việc mình nên tập trung, việc tập trung đó giúp cho chúng ta rất nhiều. Điều này gọi là Chánh Định. 

Và dĩ nhiên, cái tuyệt nhất của Định là qúi vị có thể ngồi xuống nhìn hơi thở ra hơi thở vào, có thể là hôm nay mình chỉ tập trung được 3, 4 hơi thở nhưng ngày mai mình có thể tập trung được 10 hơi thở, ngày mốt mình tập trung liên tục 15, 20 hơi thở, bữa kia mình có thể tập trung liên tục nửa giờ, bữa nọ  tập trung được một giờ. Cứ tiếp tục làm, tiếp tục tập trung vào hơi thở làm đi làm lại cái sức bền đó sẽ cho chúng ta những năng lực kỳ diệu đó là Định. 

Và bây giờ khi chúng ta nói đến Chánh Tinh Tấn cho chúng ta Nghị Lực hay Năng Lực.
Chánh Niệm cho chúng ta Tỉnh Thức.
 Chánh Định cho chúng ta khả năng Tập Trung.

Yếu tố khác chúng ta gọi là Tuệ Học đó là Chánh Kiến. Chánh Kiến là chúng ta biết nhìn vào sự vật ở trong cái nhìn có tính nhân quả, có tính là đây là vấn đề, đây là nguyên nhân của vấn đề, đây là giải pháp và đây là phương cách đạt đến giải pháp vấn đề. Đạo Phật nói là cái nhìn của Chánh Kiến là nhìn theo Tứ Đế. Thí dụ, tự nhiên mình mất một món đồ mình khổ,  thay vì mình ngồi đó trách người lấy món đồ của mình, thay vì mình ngồi đó trách con cái, trách người này người kia thì bây giờ mình ngồi nhìn vào cái khổ là mình đang mất món đồ mình khổ, cái nguyên nhân là tại chúng ta dính mắc. , cái này nó khác, Thí dụ mình mất món đồ mình nghĩ là tại ông A tại bà B ăn trộm, tại người này người kia mình bị mất cắp, là do mình dính mắc. 

Món đồ đó là món đồ cũ chúng ta bỏ ngoài đường người ta lấy mình đâu có buồn, như vậy là do dính mắc, đó là nguyên nhân sanh khổ.

Và sự diệt khổ là mình phải nhìn phải quán tưởng là bây giờ mình không bỏ nó mai mốt nó cũng bỏ mình, mình không mất bây giờ thì mất khi khác. 

Làm sao để chúng ta có thể nhìn thấy chuyện mình mất đồ mình buồn phiền nó hợp theo lý Tứ Đế thì chúng ta dần dà có Chánh Kiến. 

Hay, thỉnh thoảng trong đời sống của chúng ta khi bị người ta chỉ trích, người ta chửi mình, họ công kích, họ nói xấu mình. Thì mình có nhiều cách để suy nghĩ. Ví dụ như mình nhìn thấy khổ, chuyện thị phi, chuyện họ chửi mình nó là chuyện tự nhiên của đời sống. Mình đã sống trong cuộc đời mà mình co rút thì không nói chi, còn mình đi làm việc thì cũng có người chỉ trích có kẻ thương người ghét đó là lẽ tự nhiên của đời sống. Và từ lẽ tự nhiên đó chúng ta làm sao đừng có dính mắc tới chuyện đó thì nhìn theo Tứ Đế rất hay đó là nhìn theo Chánh Kiến

Một pháp khác làm cho tâm của chúng ta tĩnh lặng đó là chúng ta tránh những tà tư duy. Tà tư duy tức là dục tư duy, sân tư duy, và hại tư duy. 
Dục tức là sự ham muốn.
Sân là sự bất mãn
Hại là thù oán. 

Dù là ham muốn hay bất mãn thù oán với bất cứ ai cũng làm tâm chúng ta sự xáo trộn. Qúi Phật tử cứ để ý, mình sống trong cuộc đời mình ham muốn một người nào đó hay mình bất mãn người nào đó hay mình thù hận người nào đó cũng là chuyện làm xáo trộn tâm trí của mình. Chúng ta thật sự muốn tâm yên tĩnh thì chúng ta phải tránh ba thứ đó.

Nói tóm lại, hễ tâm thanh tịnh thì trí sáng suốt. Trong kinh Đức Phật Ngài dạy rõ về điều này và các vị giải thích trong sớ giải cũng có thí dụ "tấm gương mà nó bị phủ hơi nước thì không thấy rõ nhưng tấm gương mà trong sáng thì chúng ta dễ dàng phản chiếu tất cả mọi sự vật". Qúi vị nhớ rằng nhân sinh quan của chúng ta mà được thoải mái hay không là do tâm thanh tịnh. 

Tâm thanh tịnh ở đây là Chánh Tư Duy. Do cái nhìn của chúng ta hợp lý. Cái nhìn hợp lý ở đây là Chánh Kiến, nhìn theo Tứ Đế đây là vấn đề, đây là nguyên nhân của vấn đề, đây là giải thoát và đây là con đường dẫn đến giải thoát. Nói như người thường họ nói là nhìn một cách rất là có tuệ.

Thì ba điều chúng ta nên kiêng cử, ba điều chúng ta nên tránh trong sự tu tập đó là: lời nói bất chánh, hạnh nghiệp bất chánh, sự nuôi mạng bất chánh. 

Ba pháp chúng ta nên phát triển đó là năng lực của đời sống hay là Chánh Tinh Tấn, khả năng tỉnh  thức hay là Niệm và khả năng tập trung đó là Định. 

Hai pháp làm cho cái nhìn của chúng ta được thông được thoáng được sáng suốt đó là Chánh Kiến là cái nhìn theo nhân quả theo Tứ Đế.

Và một nội tâm thanh tịnh tức là Chánh Tư Duy. 

Nếu chúng ta áp dụng những điều này trong đời sống thì từ từ với giáo lý Bát Chánh Đạo sẽ trở nên rất thực dụng. Giáo lý Bát Chánh Đạo trở nên rất gìn giữ chúng ta. Và đôi khi mình cũng không cần phải nghĩ chuyện quá xa vời đến đỗi mà cái đó nó là một sự tu tập miên mật một sự tu tập xa xôi nào đó mình không làm được. 

Thực ra Bát Chánh Đạo đem áp dụng được ở trong đời sống, mỗi ngày buổi sáng sớm thức dạy hay lúc đi ngủ chúng ta đều có thể nhìn thấy là mình có những giờ phút để mình ôn mình nhắc mình thực hành Bát Chánh Đạo.

 Lấy ví dụ như khi chúng ta nói về Chánh Tư Duy, bây giờ mình vô paltalk nghe pháp. Ở đây  nói chung: 
Nhưng mà lỡ mình dính mắc mình thương một người nào đó mình vô trong đó mà chỉ nghĩ đến người đó không thì tâm mình không nghe pháp được, đó là Dục Tư Duy. 

Khi mình bất mãn người nào quá vào thấy níck của họ mình bực mình đó gọi là Sân Tư Duy.

Lúc mình nghe pháp mà mình thấy người nào đó mình ghét mình hận lắm thì đó là Hận Tư Duy.

Thi những điều đó làm mình nghe pháp không được rõ ràng, tâm thái mình không ở trong một tình trạng mà chúng ta có thể nghe pháp một cách an lạc một cách thoải mái được. 

Thành ra kinh Phật dễ hiểu nhiều khi chúng ta không chịu suy niệm ra để chúng ta có thể thấy được là mình có thể áp dụng những điều này vào trong đời sống của chính mình.

Nên chúng tôi xin tóm tắt ở một điều như vầy là: Chúng ta hãy nhớ hành trình tu tập là đòi hỏi chúng ta có những kiêng cử giống như người trị bịnh không phải cái nào cũng ăn được hay là nắng mưa lúc nào cũng ra ngoài được, chúng ta phải kiên cử tránh ra ngoài sương ngoài gió và chúng ta kiêng ăn những món làm sức khỏe tệ hơn.

Mhưng mà rồi chúng ta cũng cần phải có những chất liệu những dinh dưỡng để chúng ta phát triển đó là Niệm, đó là Định, đó là Năng Lực. Và nhân sinh quan của chúng ta, cái nhìn của cuộc sống của chúng ta nó phải đẹp nó phải tốt. 

Và cái nhân sinh quan của chúng ta đẹp tốt:
1. Một là do chúng ta nhìn sự vật hợp tình hợp lý theo Tứ Đế
2. Thứ hai là do chúng ta nhìn sự vật bằng tâm rất thanh tịnh như là Chánh Tư Duy.

 Thì chúng tôi xin đúc kết điều này như là lời đúc kết cho tất cả các vị giảng sư ngày hôm nay. Mong rằng mỗi chúng ta đều dần dà trên con đường tu tập thấy Bát Chánh Đạo thật sự là quan trọng. Đó là câu trả lời của Đức Phật khi Ngài tự đặt ra câu hỏi:
- "Thế nào là con đường dẫn đến sự diệt khổ". 
Thì Ngài trả lời đó chính là: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định. 

Chúng ta đừng quên câu hỏi đó và đừng quên câu trả lời của Đức Phật. 

Và nếu chúng ta là người con Phật mà chúng ta đánh giá thấp Bát Chánh Đạo thì chúng ta chưa hiểu Phật Pháp. Chúng tôi nói điều đó không phải là lời đại ngôn nhưng chúng tôi nói điều đó như là một điều mà qúi Phật tử để tìm thấy rất nhiều ở trong kinh điển 

No comments:

Post a Comment