Saturday, May 10, 2014

Phải chăng pháp quá khứ, pháp hiện tại, pháp vị lai chỉ là một? -

Hỏi.  Phải chăng pháp quá khứ, pháp hiện tại, pháp vị lai chỉ là một? -

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 5-5-2014, Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Ở trong Vi Diệu Pháp, chi pháp của quá khứ, hiện tại, vị lai đều là một. Cái gì là chi pháp của quá khứ đó là tất cả pháp hữu vi, đó là tâm, thuộc tánh của tâm, sắc pháp đã xảy ra, đã hiện hữu ở trong quá khứ và pháp hiện tại là những điều đó đang có mặt đang hiện hữu. Trong tương lai là cái đó nó sẽ đến.

Thật ra,  nói về thời điểm, cũng chừng đó, cũng điều đó, nhưng mà rồi nó sẽ trôi về quá khứ. Cũng chừng đó điều đã xảy ra trong hiện tại và nó sẽ xảy ra trong tương lai. Thì như vậy trên phương diện chi pháp thì quá khứ, hiện tại, vị lai  pháp giống nhau. Nghĩa là cái gì hiện tại nó sẽ trôi về quá khứ. Như bây giờ chúng tôi đang ngồi trước máy nói chuyện với qúi vị ở đây, màn ảnh này, con người này, những người nghe, người nói, tất cả những điều đó đang xảy ra nhưng mà rồi chắc chắn không thể thay đổi được nó là vị lai của ngày hôm qua và nó là quá khứ của ngày mai và nó là hiện tại của giờ phút này. Nên chi trên phương diện chi pháp thì quá khứ, hiện tại, vị lai không khác nhau chỉ khác chăng là ở thời điểm nào chúng ta nói mà thôi. Tất cả hiện tại sẽ là quá khứ, thời gian không đứng lại. Và thời gian là một điều gì chúng ta rất khó nhận thức và khó hiểu theo sự tồn tại của cuộc sống.

Bây giờ, nói điều này nghe đôi khi chúng ta có cảm giác rất lạ, nhưng xin thưa rằng bản thân của chúng ta khi chúng ta đang sống, đang làm việc, đang có thế giới gì đó chỉ cần một vài tích tắc thì nó đã là quá khứ, rồi tới ngày mai này thì nó cũng là quá khứ cách một ngày, rồi một tháng nữa thì nó là quá khứ hết một tháng, rồi một năm nữa nó là quá khứ của một năm. Có một câu nói rất cải lương rất sáo ngữ nhưng đó là một sự thật đó là "rồi tất cả sẽ đi vào dĩ vãng" tất cả sẽ trở thành quá khứ. Khi nó trở thành quá khứ thì chúng ta không có nhồi nặn nó được, khi nó trở thành quá khứ thì nó chỉ là một đống tro tàn, nếu chúng ta muốn đem ra đốt lại đống tro tàn thì chúng ta đốt không được tại sự việc đó nó đã là như vậy rồi. 

Thì bây giờ, ở trong giây phút này mỗi chúng ta sống chúng ta nên ý thức rằng từng khoẳng khắc một, từng câu chuyện một đi qua, đó cũng là một câu khác trong cải lương chúng tôi đã nghe hồi xưa và rồi tất cả sẽ đi qua, chúng ta hiểu nó như vậy. 

Bởi vậy, một người hiểu được thời gian thì hiểu được là nếu chúng ta có sống thì chúng ta hãy sống trọn vẹn với hiện tại, nếu chúng ta không sống với hiện tại mà chúng ta sống lơ là, chúng ta sống một cách rất hờ hững với hiện tại thì khi nó trở thành quá khứ và chúng ta ngồi đó chúng ta có đào, có sới, có cắt, có chia, có nhai, có nếm gì thì cũng không được tại vì nó là sự đã rồi. 

Ở trong chúng ta có nhiều người không nhận ra điều này nên khi chúng ta sống chúng ta thường có thái độ lạ lắm, thái độ đó là hình như mọi sự vật đều đứng yên và khi nói mọi sự vật đều đứng yên có nghĩa là cái gì nó mãi mãi như vậy, một người thân của chúng ta, một cảnh đẹp nào đó, một trải nghiệm nào đó, mình nghĩ rằng nó sẽ nằm yên ở đó. Nhưng nó không nằm yên tại chỗ đó. 

Một quãng đời quả thật ảnh hưởng chúng tôi rất nhiều đó là riêng đối với Ngài HT Hộ Giác chúng tôi sống với Ngài từ lúc Ngài còn khỏe, rồi sau đó Ngài già, rồi Ngài bịnh, rồi Ngài ra đi. Một tuần lễ trước đó chúng tôi nhớ rằng chúng tôi còn ngồi nói chuyện với Ngài, Ngài nằm trên giường bệnh, Ngài nói chuyện rất rõ ràng, Ngài đọc Phạn ngữ, Ngài cười một cách rất hiền hoà và rồi một tuần sau đó thì chúng tôi đi ra ngoài lò hỏa thiêu  để rước di cốt của Ngài trở về, cầm ở trong tay một mớ xương đã thiêu rồi đã hoả táng rồi cái di cốt của Ngài cầm trên tay nó cho chúng tôi cảm giác thiệt ra là rất là khó nghĩ trong cuộc đời, một người thân của mình mà trước đó một tuần lễ là một người sống như vậy bây giờ chỉ còn là một mớ tro tàn. Thì thưa qúi vị, cái gì đó khi nó xảy ra chúng ta không có trở lại được. 

Một người tu tập, một người tu tập Tứ Niệm Xứ sẽ hiểu rằng mình có làm gì đi nữa thì làm trong giờ phút này, một khi chuyện đó nó trôi qua thì mình không sửa, không làm gì được hết. Có nghĩa là cái chủ tâm, cái tác ý, cái niệm của chúng ta đối với hiện tại nó còn có khả năng là mình đã nhận thức cách này, mình đã quyết định cách kia. Tuy nhiên, một khi nó đã qua rồi thì chúng ta không làm gì khác hơn được. Như ngày hôm qua Giáo Hội tổ chức Đại Lễ Phật Đản tại chùa Liên Hoa, chương trình là như vậy, tính toán là như vậy thì có làm gì thì làm trước đó và làm gì là làm trong khi đó. Bây giờ nhìn lại thì nhìn lại thôi chứ chuyện đã qua rồi thì mình không làm gì khác hơn nó đã là như vậy.

 Do vậy, với một người tu tập ý thức rất rõ về thời gian bởi vì ở cái yếu tính của thời gian nó cho chúng ta biết rằng ở thời điểm nào chúng ta có thể làm khác hơn được có thể tư duy cách này hay tư duy cách kia. Nhưng một khi mà nó đã trở về quá khứ thì chúng ta hoàn toàn không làm gì được ./.

No comments:

Post a Comment