Thursday, May 8, 2014

Tứ oai nghi trong đời sống hàng ngày.

Hỏi. Tứ oai nghi trong đời sống hàng ngày. 

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 24-4-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Nói về kinh nghiệm pháp hành, các vị Thiền Sư có cho chúng ta biết phiền não của chúng ta sanh ra trong thói quen, trong A Tỳ Đàm gọi là thường thân y duyên. Và khi thói quen đó thường gắng liền với một tư thế, có những phiền não khởi sanh ở tư thế nằm nhiều nhưng nó không khởi sanh ở tư thế đi và đứng. Có những phiền não khởi sanh ở tư thế đi nhiều mà không khởi sanh ở tư thế đứng. Và chúng ta cũng nghe một số những hướng dẫn ở trong kinh điển, thí dụ ở trong luật khi một vị Tỳ Kheo tiếp cận với môi trường phiền não hay là dễ sanh phiền não thì có thể đi hoặc đứng hoặc nằm hoặc ngồi tức là thay đổi oai nghi. Và có một chuyện khác mà chúng ta cũng biết đó là thời ĐứcThế Tôn còn tại thế thỉnh thoảng có những vị Tỳ Kheo trong lúc đang đi hay đang làm gì đó mà phiền não sanh khởi thì đứng lại. Thì về điểm này không ai biết rõ hơn là chính chúng ta.

Một thứ mà tất cả chúng ta thường gặp đó là stress hay là sự căng thẳng của nội tâm do lo âu buồn phiền việc gì đó. Những điều đó khi xảy ra có nhiều người không để ý nhưng nếu chúng ta để ý thì chúng ta thấy rằng phiền não có cái đặc biệt là nó sanh khởi trong một oai nghi nào đó. Có nhiều người mỗi lần họ bị căng thẳng hay bị phiền não họ hay nằm suy nghĩ, chúng ta gọi là nghĩ  lung. 

Thì nếu chúng ta là hành giả tu tập, khi chúng ta nằm trằn trọc thâu đêm hay chúng ta miên man về một ý tưởng nào đó như là hận thù phiền não thì có ba điều mà chúng ta nên biết.

1. Thứ nhất là, chúng ta nên ý thức rõ là mình đang bị phiền não bực bội vì hận thù ai đó. 
2. Thứ hai là, mình biết và có thái độ rõ ràng là những ý tưởng đó thật sự không tốt để ngồi đó nuôi sự sân hận người khác. 
3. Thứ ba là, chúng ta phải nhất tâm làm cái gì đó, thí dụ như mình nằm và mình cảm thấy phiền não đừng mình cố gắng nằm tiếp tục mà chúng ta hãy ngồi hay là chúng ta hãy đi kinh hành. 

Và một oai nghi tương đối giúp chúng ta nhiều đó là đứng, vì chúng ta ít khi đứng, chúng ta thường đi thường ngồi và thường nằm nhiều hơn. Đi nằm ngồi là 3 oai nghi, nhưng khi mình đứng đó là một tư thế mà phiền não đôi khi nó bị chặn ngang một cách nhất thời thì chúng ta đứng dạy, đứng một cách rất là im, hai tay xiết vào nhau, và khi qúi vị ngồi kiết già qúi vị có thể đứng và hít vào thật  chậm, thật sâu, thở ra thật chậm ở trong 3, 4 hơi thở. Mình thở như vậy vài ba hơi thở rồi trả người về với trạng thái tự nhiên. 

Một hành giả mà biết bám sát thì trong tư thế đứng, chúng ta có thể quét thân của chúng ta từ đỉnh đầu cho đến bàn chân. Và trong lúc đó chúng ta có thể làm một pháp quán tưởng đặc biệt là ghi nhận cảm thọ. Và chúng ta ghi nhận thái độ tự chế của chính mình.

 Chính ra, cả 4 oai nghi  đi đứng nằm ngồi đều có lợi với chúng ta về phương diện nào đó. Ngay cả một người tu tập Tứ Vô Lượng Tâm Đức Phật Ngài cũng khuyên là khi đi đứng nằm ngồi bao giờ còn thức tỉnh thì ghi niệm từ bi này.

Thì một tư thế chúng ta thường có khả năng tự chủ nhất là đứng. Hồi nhỏ chúng tôi ở gần Sư Trưởng và cho tới bây giờ chúng tôi và TT Tuệ Siêu thường có thói quen là mỗi lần suy nghĩ chuyện gì thì hay đi tới đi lui, và một khi chúng tôi không muốn suy nghĩ thì chúng tôi đứng lại. Vấn đề đó chỉ là thói quen. Như mình quen ngồi coi phim hay chúng ta quen nằm để suy nghĩ. 

Điểm chính chúng ta cần phải làm ở tại đây đó là chúng ta hiểu rõ những tư tưởng đó, tư tưởng  nào liên quan đến Dục, tư tưởng nào liên quan đến Sân, tư tưởng nào liên quan đến Hại tức là sự thù hận. Những phiền não như Dục Tư Duy, Sân Tư Duy, Hại Tư Duy khởi sanh thì hành giả biết rất rõ là những phiền não này không có lợi nó chỉ làm tâm căng thẳng làm cho mình mệt mỏi. Đơn giản như vậy. 

Và chúng ta phải biết là thường là chúng ta thích xào nấu, chúng ta thích hâm đi hâm lại những thứ phiền não trong đầu, đôi khi cái chuyện đó đáng lẽ không lớn chuyện không đáng như vậy. Ví dụ như một người nào thương mình và mình rất thương người đó rồi mình được biết người đó nói xấu mình thì mình phiền não rồi mình vị nhai đi nhai lại. Mình phải có ý thức rõ ràng là mình nói nhiều cũng vậy, suy nghĩ nhiều cũng vậy, phiền não nhiều cũng vậy và cố gắng để sua tan cái ý tưởng thì như vậy rất có lợi cho đời sống tu tập. Mình thay đổi các tư thế oai nghi để sua tan phiền não. 

No comments:

Post a Comment