Friday, May 2, 2014

Phải chăng một hành giả hộ trì pháp thì được pháp hộ trì ?

Hỏi: Phải chăng một hành giả hộ trì pháp thì được pháp hộ trì ? 

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 10-4-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Chúng ta hãy nói về một điểm, đó là sự phòng hộ. Ở trong các thiền đường những vị thiền sự thường nêu lên một điểm là hành giả bảo vệ pháp thì sẽ được pháp bảo vệ. Về điểm này thì người Việt Nam chúng ta hay nói nhưng mà có tánh cách rất thế gian. Thí dụ như chúng ta nói hộ pháp, hộ đạo, và mình có cảm tưởng như là mình phải có được sức mạnh phải có đồng tiền mình đứng ra cố để bảo vệ chánh pháp mà ngày hôm nay thì chúng ta thấy rất nhiều những danh xưng rất là to lớn để bảo vệ. 

Nhưng mà kỳ thực thì chúng ta thấy rằng ở đây có một cái yếu chỉ rất quan trọng là chúng ta bảo vệ pháp, chúng ta hộ trì pháp cách nào và chúng ta sẽ được pháp hộ trì lại chúng ta như thế nào?

"Ai hộ trì pháp người đó sẽ được pháp hộ trì" đó là câu nhắc nhở các vị thiền sư thường nhắc tất cả chúng ta. Lấy ví dụ như qúi Phật tử đọc bài kinh ngày hôm nay thì chúng ta thấy rằng giới bổn được hộ trì, giới bổn tức là những học giới được Đức Phật nêu ra:

Nếu chúng ta hộ trì giới bổn thì giới bổn sẽ hộ trì lại chúng ta. 
và nếu chúng ta hộ trì chánh niệm thì chánh niệm hộ trì chúng ta.
Nếu chúng ta hộ trì chánh trí thì chánh trí sẽ hộ trì chúng ta.
Nếu chúng ta hổ tri sự kham nhẫn  thì sự kham nhẫn cũng sẽ hộ trì chúng ta.
Nếu chúng ta gìn giữ sự tinh cần thì sự tinh cần cũng sẽ hộ trì chúng ta.

Ở đây, không phải là một cách chơi chữ, nhưng trên thực tế, chúng ta biết những yếu tính này giúp đỡ cho chúng ta rất nhiều trong sự tu tập.

Một đặc điểm của xã hội Tây Phương, ngày nay người ta rất thành công trên phương diện đời đó là học có phương pháp, làm việc có phương pháp, kiếm tiền có phương pháp. Trong kho tàng minh triết của Phương Đông chúng ta thì phải nhận là Phật Giáo cũng như một số các tôn giáo khác nhưng đặc biệt riêng về Phật Giáo thì không đơn thuần nói đến niềm tin mà Đức Phật đặc biệt Ngài nói nhiều về phương pháp.

 Và phương pháp ở đây nêu rõ rằng đây là điều được đơn cử, nếu một người muốn hộ trì giới bổn thì người đó phải hiểu rõ giới bổn, không những hiểu rõ giới bổn mà người đó còn trung thành với giới bổn. Nếu người đó muốn hộ trì chánh niệm thì người đó phải hiểu rõ và gìn giữ chánh niệm. 

Thì ban đầu chúng ta có cảm giác như mình phải ra sức rất nhiều, mình sẽ phải ra công rất nhiều. Và có một số người thấy rằng mình bỏ sức bỏ công mà không đi đến đâu hết, mình tu một cách trầy trật thôi. Nhưng những lúc đó chúng ta quên đi rằng thiện pháp chưa được trưởng dưỡng đúng mức chưa được lớn mạnh trong chúng ta, khi thiện pháp lớn mạnh trong chúng ta thì chúng ta sẽ được hưởng lợi. 

Lấy một thí dụ, không khí sinh hoạt ở trong rơom của chúng ta ở tại đây, một người mới vào thì không thấy gì nhưng nếu sinh hoạt lâu thì qúi vị thấy rằng chúng ta có những nguyên tắc và chúng ta nhất định phải bảo vệ. Thí dụ như, cho dù các vị giảng sư là ai nói điều gì thì cũng phải y cứ trên 3 tạng kinh điển, đó là một nguyên tắc, chúng ta không có nói bừa bãi, chúng ta không nói thực ý nghĩ riêng tư, chúng ta không nói theo kiểu cãi trầy cãi cối mà người ta nói có sách mách có chứng, như ở đây cái gì chúng ta nói chúng ta phải dựa trên kinh điển, nói bằng nguyên tắc.

Như ngày hôm nay, TT Tuệ Siêu giảng về mục đích của đời sống phạm hạnh thì ở đây chúng ta nói đến phòng hộ và nói đến đoạn trừ thì cả hai điều đó chúng ta phải dựa trên những gì ghi lại trong kinh điển như Thanh Tịnh Đạo hay bản sớ giải. 

Nếu chúng ta trung thành với nguyên tắc đó cho dù chúng ta là ai làm gì đi nữa nhưng hễ nói đến lời dạy của Đức Phật thì chúng ta y cứ trên Tam Tạng kinh điển, và không nói bừa bãi. Mình nói thì phải nói đàng hoàng, đó là một nguyên tắc, và nếu chúng ta trung thành nguyên tắc đó thì chính điều đó lại bảo vệ chúng ta. 

Hay hoặc giả chúng ta có nguyên tắc khác là học Phật Pháp thì học với sự cung kính đối với đạo tràng, sự cung kính đối với chư vị Giảng Sư, sự cung kính đối với thính chúng. Và chúng ta không dùng không khí và thì giờ ở tại đây cho những thứ mà nó làm bớt đi sự kính trọng đó mặc dầu đây là thế giới ảo. Nhưng mà rồi nó vẫn có sự kính trọng pháp nhất định và do sự kính trọng đó chúng ta có một đạo tràng trang nghiêm. 

Thì ban đầu chúng ta bảo vệ nguyên tắc đó nhưng nguyên tắc lại bảo vệ chúng ta. Hay hoặc giả chúng ta có  nguyên tắc rất rõ ràng là mình học theo lời Đức Phật dạy thì mình nói thì nên nói chân thật nói với tâm từ không nói với tâm sân, nói đúng thời không nói phi thời chẳng hạn. Thì những gì chúng ta nói tại đây là những nguyên tắc Đức Phật dạy thì chúng ta gìn giữ nguyên tắc đó trước và những nguyên tắc đó trở lại gìn giữ chúng ta 

Nói cách khác, nếu chúng ta đi sâu vào thế giới của Phật Pháp thì những pháp nào một hành giả thọ trì. 
-Chữ thọ ở đây là hấp thụ học hỏi,
- chữ trì là hành trì là tu tập. 

Thì nếu chúng ta thọ trì một pháp gì đó và chúng ta kiên tâm để gìn giữ pháp đó tồn tại trong cuộc sống của chúng ta được thể hiện trong cuộc sống của chúng ta. Thì những pháp được chúng ta gìn giữ thọ trì bảo lưu nó pháp đó sẽ trở lại để hộ trì gìn giữ chúng ta. Có sự tương tác rất là đặc biệt. 

Ở bất cứ nơi nào mà có sự tranh luận, bất cứ nơi nào mà có chuyện bất an. 

Thì chúng ta đặt vấn đề rằng ở tại đó chúng ta có làm nổi trội, chúng ta có nêu rõ vai trò của chánh pháp không? và thiện pháp ở đó có được tôn xưng. Thiện pháp ở tại đó có được hộ trì. Thiện pháp, ở có được chúng ta vinh danh không? 

Nếu thiện pháp ở đó được chúng ta hộ trì gìn giữ thì thiện pháp đó sẽ thăng hoa. Chúng ta sẽ làm cho chúng ta được đẹp.

Và do vậy từ trong gia đình trong chùa ở trong tất cả các đạo tràng thì chúng ta thấy rằng người nào hộ trì pháp thì người đó sẽ được pháp hộ trì. Việc đó nó tự nhiên như vậy, rất là tự nhiên.

 Phải có nguyên lý nào, nguyên tắc nào đẹp đã được Đức Phật truyền dạy và chúng ta thực hành thì chúng ta sẽ thấy rằng những điều đó không phải là chúng ta bỏ công ra rồi như công dã tràng, bỏ công ra mà không biết được cái gì. 
Hễ mình gìn giữ những thiện pháp thì những thiện pháp sẽ gìn giữ chúng ta. 
Chúng ta hộ trì pháp đó thì pháp đó hộ trì chúng ta./.

No comments:

Post a Comment