Thursday, May 29, 2014

Tại sao có người bình sinh không có nhiều thiện tâm nhưng giờ phút cuối đời lại có tâm trong sạch?

Hỏi.  Tại sao có người bình sinh không có nhiều thiện tâm nhưng giờ phút cuối đời lại có tâm trong sạch? 

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 21-5-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Chúng tôi xin chia sẻ 3 điểm:

- 1. Thứ nhất, trong cuộc sống chúng ta cố gắng bỏ những oan kết với chúng sanh khác. Oan kết ở đây là hiềm hận, oan trái, bực bội. Bởi vì hại tư duy hay oan trái làm cho đầu óc của chúng ta cứ nghĩ hoài sự hận thù. Ở trong thế giới chúng ta sống lúc nào buổi sáng thức dạy hay buổi tối đi ngủ mà mình cứ nghĩ đến oan kết của mình nghĩ đến người khác thì thật sự không biết mình được cái gì nhưng chắc chắn một điều rất phiền não. Trong lúc mình còn oan kết với người khác mà nếu lỡ lúc đó mình nhắm mắt ra đi hoặc như mình bị tai nạn xe cộ thì thật sự buồn lắm. Tại vì sao vậy? Tại vì không có cái oan kết nào không có hận thù. Do vậy khi nào tâm của mình có phiền não về người khác mình không phải là thánh nhân, mình không thể nào nói là tâm mình không phiền não. Nhưng bây giờ mình tập cởi bỏ oan trái. Và lâu lâu chúng ta cũng nên nguyện: "Nguyện cho con dứt trừ mọi phiền não oan trái",  buổi sáng buổi chiều nguyện như vậy. Mình oan kết không được cái gì hết nhất là mình có phiền não đụng chạm người này đụng chạm người kia, mình nên cởi bỏ những oan kết đó. Mình nhớ như vầy là oan kết với người tức là thiệt thòi cho mình, hại cho mình, tại sao mình phải làm chuyện hại cho mình, để làm cái gì.

-2. Việc thứ hai, điều mình nên nhớ đó là đừng tin vào phiền não. Có một điểm rất là lạ. Ngay cả những người tu Phật học Phật như chúng ta khi ở trong đời sống hàng ngày chúng ta vẫn tin vào những phiền não trong đời sống. Thí dụ như chúng tôi thấy có những người sống suốt ngày cứ tính toán những chuyện hơn thua với người khác, tính toán chuyện dùng thủ đoạn này mưu chước khác mà nghĩ đó là sự khôn ngoan. Thật ra không khôn ngoan gì hết, hễ tâm mình  chất chứa bao nhiên sự mưu mô thủ đoạn toan tính hại người tâm mình không an lạc. Thì giờ đó mình đọc Phật ngôn, thì giờ đó để mình chiêm nghiệm Phật ngôn, thì giờ đó để mình ngồi niệm hơi thở có ích hơn là mình ngồi đó tính toán, nhưng có nhiều người rất tin vào chuyện đó, giống như mình đi làm ăn mình tin vào chuyện tính toán thì đối với người sống lúc nào cũng nghĩ chuyện ăn thua đủ với người khác. Cái đó chẳng lợi ích gì hết. Chúng ta nhớ rằng đừng tin vào phiền não. Ngài Ajahn Chah nói là sức thuyết phục của phiền não rất dễ sợ nó làm cho mình thấy rằng mình nên có phiền não mình nên tin vào phiền não mình sống với phiền não và người tu phải là người đừng tin vào phiền não. Giống như trong nhà mình có người bạn tốt bạn xấu nhưng nếu mình tin vào bạn xấu thì mình chết, mình đừng tin vào phiền não. Phiền não thì ai cũng có nhưng mình ngồi xuống mình nghĩ rằng đây là tham, đây là sân, đây là phiền não, đừng có tin nó, chẳng có gì tốt đẹp ở phiền não để mà tin được.

3. Sau cùng, trong đời sống chúng ta có rất nhiều việc làm tốt việc làm thiện thì chúng ta nên nhớ dù đó là một chuyến đi hành hương, dù đó là bộ lễ dâng y mà mình làm, dù đó là công việc làm thiện tốt việc hoan hỉ. Có nhiều người trong cuộc sống họ thích có những món đồ mà họ hoan hỉ như một cái áo đẹp làm họ hoan hỉ, một cái xe làm họ hoan hỉ. Nhưng họ không nghĩ đến là mình nên nhớ chuyện phước mình làm hoan hỉ. Chuyện phước mình làm hoan hỉ rất là quan trọng, cái đó là tư lương, cái đó là hành trang của chúng ta để mình đi vào cuối đời và do vậy khi lâu lâu mình làm được việc gì đó thì mình nhớ, giả xử như mình sang Ấn Độ hành hương có những lần ngồi dưới cội Bồ Đề nơi Đức Thế Tôn thành đạo, đến chỗ Đức Thế Tôn chuyển Pháp Luân, đến chỗ Đức Thế Tôn nhập Niết-bàn, đến chỗ Đức Thế Tôn ra đời tại vườn Lâm Tỳ Ni, nhớ in sâu khắc kín vào trong lòng làm sao để chúng ta đừng quên rằng mình có đi hành hương có về những nơi liên quan đến những sự kiện quan trọng về cuộc đời của Đức Phật. Hay lần nào đó chúng ta làm được chuyện gì cảm thấy vui trong việc tạo phước thì nên nhớ, cố nhớ và nhớ một cách rất rõ nhớ một cách hoan hỉ với điều thiện mình làm thì điều đó vẫn tốt hơn là nhớ những chuyện phiền não khác. 

Thành ra trong cuộc sống rất đơn giản, hễ mình sống tích cực thì đời sống mình vui. Mình sống tiêu cực thì đời sống mình buồn. Buổi sáng chúng ta thức dạy buổi tối chúng ta đi ngủ mà trong lòng chúng ta cứ luẩn quẩn chuyện phiền não thì có lẽ chúng ta không an lạc được. Và không ai có thể giúp chúng ta được điều đó. 

Đức Phật dạy rằng có một chuyện những người thân của mình ngay cả cha mẹ quyến thuộc không làm được cho mình đó là tâm hướng chánh, mình phải tự làm cho mình việc đó, không ai có thể nhồi nhét trong đầu mình để tâm mình được chánh. Tâm mình hướng thượng, hướng chánh đó là điều tất cả chúng ta thường nhắc nhở chính mình và bài học ngày hôm nay là bài học rất quan trọng, bài học đó quan trọng đối với chúng ta hơn nhiều bài học mà chúng ta thường thấy bởi vì cảnh giới tương lai của chúng ta thật sự là quyết định bởi chính mình, nó quyết định bởi chính mình là chúng ta nên đặc biệt quan tâm đến tâm thái của mình, chúng ta thường sống với phiền não hay chúng ta thường sống với thiện pháp. Chúng ta hãy mong cho bản thân của mình và mong cho tất cả chúng sanh dứt trừ mọi oan kết, xin cho tâm của chúng ta được an lạc và xin cho trí của chúng ta được sáng suốt ./.   

Wednesday, May 28, 2014

"Sợ ma" thế nào thật sự tốt cho người tu tập?

Hỏi: "Sợ ma" thế nào thật sự tốt cho người tu tập?

TT Giác Đẳng: Ở trong đời sống của chúng ta thì chúng ta có hai cách nhìn về sự việc:

Một là chúng ta nhìn sự việc một cách tích cực những gì rất là tốt, nhưng mà đồng thời chúng ta cũng không nghĩ đến những gì mà nó chi phối chúng ta, người mà chỉ nhìn một thứ thì rất là nguy hiểm.

Ma không nên trở thành nỗi ám ảnh đến nỗi chúng ta không làm được chuyện gì nhưng mà nó cũng không nên là một điều để chúng ta xem thường, chúng ta đặc biệt rất cẩn trọng.

Giống như với một người lái xe trên đường lúc nào cũng lo sợ, lúc nào cũng ngại  thì không lái xe được nhưng mà nếu lái xe nghĩ rằng mọi thứ xem không có gì nguy hiểm thì đó cũng là một điều rất nguy.

Để có cái nhìn tương đối là quân bình đủ để chúng ta đi tới đủ để chúng ta cẩn trọng thì đó là cái nhìn rất là tốt ./.

Tuesday, May 27, 2014

Phải chăng thay vì suy diễn niết bàn là gì thì người tu Phật nên trầm tư về sự khổ và sự giải thoát khổ? -

Hỏi. Phải chăng thay vì suy diễn niết bàn là gì thì người tu Phật nên trầm tư về sự khổ và sự giải thoát khổ? -

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 13-5-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Tuệ Siêu: Thật sự là như vậy. Với danh từ Niết-bàn giải thích bằng ngôn ngữ chúng ta khó nắm bắt được, khó hiểu được còn nói chi là chúng ta mong đạt đến trạng thái Niết-bàn.Thì thay vì như vậy, người Phật tử chúng ta nên suy tư về sự khổ và được sự giải thoát khổ như vậy gần gủi hơn và thấm thía hơn. 

Khi đi trên một con đường xa xôi chúng ta mệt mỏi, thay vì nghĩ đến nơi chốn chúng ta sẽ đến thì chúng ta hãy nhìn từng bước đi của mình và chúng ta cố gắng làm ngắn con đường bằng cách bước nhanh hơn một chút. Thì khi chúng ta bước nhanh hơn, tăng tốc độ bước chân thì khi ấy chúng ta sẽ nhanh chóng đạt đến đích điểm. 

Nên chi ở đây,  vấn đề chúng ta suy diễn Niết-bàn là gì điều đó một số người có suy diễn được nhưng nếu như chúng ta không nằm trong số người đó thì chúng ta không cần phải suy diễn gì hết. Cúng ta suy diễn cách khác, là nhận thức sự khổ đau dầy vò cuộc sống như thế nào và sự chấm dứt khổ đau đó ra sao, chúng ta cứ suy như thế thì chúng ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng và thiết thực hơn. 

Chúng tôi cũng quen cách nhận thức như vậy, mặc dầu trong lúc dạy thì có định nghĩa về Niết-bàn nói đến Niết-bàn phân tách cho các Tăng ni biết Phật tử biết. Nhưng khi chúng tôi gặp những hoàn cảnh nghiệt ngã hay là những buổi chiều đi kinh hành qua lại dưới ánh nắng hoàng hôn chúng tôi ngẫm nghĩ về cuộc đời và chúng tôi nhận thức rằng cuộc đời đau khổ như thế nào. Buổi chiều hoàng hôn khung trời ảm đạm trong cảnh mặt trời lặn mà suy nghĩ về sự khổ mình đã từng đeo mang, rồi lại suy nghĩ đến trạng thái giải thoát của sự khổ thì lúc đó tâm khắn khích hơn và cảm thấy an lành hơn. Hơn là chúng ta nghĩ đến Niết-bàn là gì. 

Bởi vì, các Phật tử chúng ta đều nghĩ rằng khi chúng ta nói như vậy là chúng ta phải nguyện Niết-bàn, không phải, chúng ta làm phước thì chúng ta vẫn nguyện câu là: Idam. vata me puññam. nibbànassa paccayo hotu nguyện phước này làm duyên đến Niết-bàn. 

Nhưng có điều vấn đề sự khổ và sự giải thoát khổ hay đoạn tận khổ đồng nghĩa với Niết-bàn, do đó nếu chúng ta không suy diễn tìm hiểu Niết-bàn là gì thì chúng ta có thể nhận thức trầm tư về sự khổ, về giải thoát khổ, điều đó cũng thiết thực cho mình,

 Mỗi một người chúng ta có cách suy nghĩ khác. Nếu chúng ta thật sự khắn khích với danh từ Niết-bàn thì chúng ta cứ suy nghĩ về Niết-bàn không sao cả. Chỉ có điều là ở trong bài kinh Căn Bản Pháp Môn Mulapariyaya Sutta trong Trung Bộ Kinh thì Đức Phật cũng nhắc đến:

 "Kẻ vô văn phàm phu nghĩ đến Niết-bàn, am hiểu Niết-bàn chấp bản ngã với Niết-bàn. Còn đối với bậc Thánh, đối với bậc có trí tuệ nhờ có sự nghe pháp từ Đức Phật và các vị đại đệ tử của Đức Phật cho nên người đó chỉ cần cảm nhận được tất cả là khổ và có sự xuất ly sự khổ hay giải thoát khổ". 

Chúng ta cứ suy nghĩ như vậy thôi thì cũng thành tựu ./. 

Monday, May 26, 2014

Lấy cái khổ làm điểm tựa làm sức bật để tu tập.

Hỏi: Lấy cái khổ làm điểm tựa làm sức bật để tu tập.

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 13-5-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Nói về khổ. Đây là một tâm sự ở trong lòng chúng tôi. Mỗi lần chúng tôi gặp những khó khăn những khổ sở thì chúng tôi luôn nghĩ là những điều này giúp cho mình tha thiết hơn mong mỏi hơn để hướng cầu Niết-bàn. Do đó chúng tôi nghĩ đó là một điểm tựa. 

Và những người quen với chúng tôi thường nói rằng Sư Giác Đẳng có vẻ là lạc quan. Thật ra chúng tôi không phải lạc quan theo kiểu bình thường nhưng chúng tôi thấy rằng cảnh thuận thì mình cũng hoan hỉ, nếu cảnh nghịch thì nó làm cho mình đến gần với tiêu chí giải thoát hơn, mỗi lần nghĩ về. 

Và chúng tôi nghĩ rằng nếu trong cuộc sống mà nghĩ như vậy thì mình sẽ không bao giờ tuyệt vọng, mình sẽ không bao giờ cảm thấy cuộc đời đi vào chỗ cùng cực bế tắt. 

Đọc trong kinh điển thấy các đệ tử của Đức Phật thường thường khi các vị đối diện với cái khổ và những cái khổ mà hầu như không chịu được nữa thì các vị vẫn luôn luôn tìm thấy một khai lộ. Khai lộ đó là nhìn cái khổ đó để làm điểm tựa làm sức bật, làm một trợ lực để đứng dạy.

Và do vậy chúng ta hãy tin tưởng và mạnh mẽ tin tưởng một điều là với một người học Phật và hiểu Phật Pháp thì ở trong mọi hoàn cảnh nếu chúng ta chịu khó tận dụng, nếu chúng ta chịu khó mở mắt và nếu chúng ta chịu khó suy nghĩ thì không có trường hợp nào bế tắt.

 Bài học về khổ  có một ý nghĩa rất sâu sắc là sự khổ có thể là cái gì dìm chúng ta xuống nhưng mà sự khổ cũng là điểm tựa để giúp chúng ta đứng dạy. Thì quan trọng là mình chọn thái độ nào.  

Và nếu mình chọn được thái độ dùng cái khổ làm điểm tựa đứng dạy thì chúng tôi tin rằng ở đó chúng ta thấy Phật Pháp nhiệm màu cho chúng ta rất nhiều sự an ủi cho chúng ta rất nhiều sự nâng đỡ ./.

Sunday, May 25, 2014

tâm có tu tập dễ sử dụng còn tâm không tu tập lại khó sử dụng ?

Hỏi : Tâm thì khi nào cũng có thể khởi sanh, chỉ cần có sự tiếp xúc giữa các căn và các cảnh là có tâm xuất hiện. Vậy tại sao trong một câu Phật Ngôn, Đức Phật dạy rằng: tâm có tu tập dễ sử dụng còn tâm không tu tập lại khó sử dụng ? 

(Câu hỏi được hỏi trong rơom lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên) 

TT Pháp Đăng: Tâm thường thường sanh diệt rất mau, những loại tâm bất thiện sanh diệt rất nhiều, nhưng ngược lại những tâm như tâm từ, tâm bi, tâm hỉ, tâm xả hay những tâm đạo quả nhiều khi cả cuộc đời của mình trong giòng luân hồi dài mà tâm đạo không sanh diệt. Đức Phật Ngài dạy rằng những tâm bất thiện sanh lên rất nhiều và những tâm đó sanh ra chỉ gây ra những tổn hại cho mình, cho người, cho đời này, và cho đời sau. Còn những tâm mang lại lợi ích cho mình, cho người, cho đời này, cho đời sau, và đưa đến sự giác ngộ giải thoát thì đó là những tâm tốt đẹp, như vậy những tâm này cần phải tu tập.

Thói thường thì làm ác ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt, ăn vặt thì quen miệng. Những người quen tánh ăn cắp ăn trộm hay ăn vặt, mình chỉ cần kêu họ bỏ tánh đó cũng là khó vì họ đã quen tánh rồi. Một lời nói chân ngôn, một lời nói không vì thương, không vì ghét, không vì si mê, không vì sợ, những lời nói này cần phải học hỏi và cần phải có chánh niệm mới có thể nói được. Lời nói đem lại lợi ích cho mình, cho người, cho đời này, cho đời sau. Mà kêu họ nói thì họ nói không được.

Do vậy Đức Phật Ngài khuyên là: Cho dù khó cách mấy thì mình cũng phải cố gắng tác ý, cố gắng tu tập, cố gắng nói những điều lành, điều tốt, hoặc tu tập những tâm lành, tâm tốt, làm sao mình cố gắng tu tập cho nó vững mạnh, nếu không cố gắng tu tập thì sẽ đưa đến khổ đau cho mình.

Một người đắc được đề mục thiền từ tâm, lúc đắc thì có một sát na thiền thôi, nhưng khi họ nhập thiền thì có nhiều sát na, nhưng thật sự thì Đức Phật Ngài nói rằng mình khởi lên từ tâm là điều rất khó, nhưng mình duy trì được từ tâm tu tập cho viên mãn là điều rất khó, cần phải có một sự nỗ lực rất nhiều,

Đức Phật Ngài so sánh một người làm phước bố thí cúng dường nhưng chỉ bằng 1/16 của người có thiền tâm thôi. Một người đắc được thiền bốn vô lượng tâm phước chỉ bằng 1/16 của người thành tựu được tâm siêu thế. Thành ra nhiều khi chúng ta thấy rằng có những tâm siêu thế chỉ sanh lên suốt cuộc đời của mình chỉ sanh một lần thôi. Ví dụ như tâm sơ đạo, thì trong cuộc đời của mình tâm sơ đạo chỉ sanh một lần trong suốt vòng luân hồi rất là dài, nhưng có những loại tâm sanh lên hoài là những tâm tham, tâm sân, tâm si thì tâm này dẫn mình luân hồi rất nhiều rồi mình vẫn bị luân hồi hoài cũng vì những tâm bất thiện này. Những tâm thiện dẫn mình sanh lên những cõi vui nhưng rồi những cõi vui đó cũng hết vì thuộc tính của lành thiện chỉ cho ra quả lành, nó không sanh được những tâm siêu thế

Chúng ta làm sao sanh lên những tâm thiện, những tâm thiền, những tâm đạo, tâm quả, thì điều này cần phải có trong sự tu tập, và tu tập thì mình mới có thể viên mãn được. Và sử dụng được tâm thì Đức Phật Ngài dạy rằng đạt tới thiền định hay đạo quả là những tâm thiện. Những tâm thiện như là mình thính pháp, thuyết pháp, cải chánh tri kiến, cung kính, phục vụ, hồi hướng, tùy hỉ phước, bố thí, trì giới, tu tiến. Trong tâm thiện làm 10 việc lành này ta thấy rằng nghe pháp cũng là điều rất khó, thính pháp, thuyết pháp, cũng rất là khó, rồi cải chánh tri kiến, cung kính, phục vụ, hồi hướng, phước tùy hỉ, bố thí, trì giới, tu tiến cũng rất khó. Những tâm thiện này cần phải làm cho viên mãn, viên mãn là từ tâm thiện này có thể làm đường cho tâm thiền sanh lên, từ những tâm thiện này làm cho tâm thiền vô sắc sanh lên, những tâm thiện này làm cho tâm siêu thế sanh lên.

Đó là những điều Đức Phật Ngài dạy rằng mình làm sao làm cho tốt đẹp trong tâm thiện này. Như cơn mưa lớn đổ lên suối, suối đổ xuống những con rạch, những con rạch đổ về sông, sông đổ về biển, viên mãn là như vậy. Người nào thấy khổ thì người đó khởi lòng tin, và người nào khởi lòng tin thì người đó sẽ tu tập thân cận bậc thiện nhân hoặc nghe diệu pháp, rồi tu tập giới định tuệ, rồi đắc thiền định đạo quả thần thông thắng trí, thì như vậy từ cái này đi đến cái kia, nên những tâm thiện khó làm lắm, nếu mình làm được nó đưa mình sanh về cõi trời người, cho mình được hạnh phúc lâu dài, nhưng tâm này rất khó làm chứ không phải dễ làm. Nên Đức Phật Ngài nói rằng mình ráng làm sao xử dụng tâm của mình mà có lợi ích cho mình, cho người, lợi ích đời này, đời sau. Mình ráng tu tập, cố gắng tu tập, chánh niệm tỉnh giác liên tục thì như vậy cũng có thể sanh lên những tâm đạo, tâm quả, tâm thiền, đó là ý của câu Phật Ngôn là như vậy./.

Saturday, May 24, 2014

Quán niệm thực tướng của cảm thọ

Hỏi: Quán niệm thực tướng của cảm thọ

(Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 26-3-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Đề tài hôm nay nói về cảm thọ, và có lẽ ngôn ngữ bình thường của chúng ta gần nhất để chúng ta hiểu đó là cảm xúc; cảm xúc của vui, của buồn, và của không vui không buồn. Nói đơn giản hơn, chúng ta thường xem vui hoặc khổ cũng như không vui không khổ là một sự an bày, mình may mắn thì được vui mà số phận hẩm hiu hay vận hạn không tốt thì mình khổ, và có khi thì chúng ta hoan hỉ với sự bình thản nhưng có nhiều khi chúng ta cảm thấy chán nản nếu cuộc sống luôn luôn ở trong mức độ tương đối là chậm là buổn nản. 

Với một người đọc kinh sách và đặc biệt là chúng ta có sống với pháp hành thì chúng ta hiểu rằng cảm thọ là một đề tài lớn, quan trọng ở đây đó là thái độ đối với cảm thọ. Nói một cách khác, một người tu tập phản ứng đối với vui như thế nào, phản ứng đối với khổ như thế nào, phản ứng với không vui không khổ như thế nào, nó nói lên sự trưởng thành của người đó đối với sự việc. 

Khi chúng ta gặp niềm vui thì chúng ta hay tin tưởng 100%  đây là điều tốt cho mình, đây là điều may mắn cho mình, đây là điều hoàn toàn nên có. Và bởi vì chúng ta thấy hoàn toàn nên có nên chi chúng ta ôm chầm lấy nó chúng ta khăng khăng không buông không bỏ nó ra, nhất định là mình phải được vui. Và cái gì làm cho mình không vui thì mình buồn mình chống đối. Và mình xem cảm giác sung sướng vui vẻ là một cảm giác nhất định mình phải có và không ai có thể từ chối mình điều đó được. 

Thật ra, hạnh phúc không đơn thuần chỉ là cảm xúc cho dù cảm xúc rất vui. Chúng tôi lấy ví dụ, có một người nào đó họ không hiểu về chúng ta nhiều nhưng họ khen chúng ta một câu rằng chị đẹp quá, anh tài quá hay thầy nói pháp hay quá và chúng ta nghe như vậy chúng ta cảm thấy rất sung sướng. Ở trên thực tế, người khen và người chê chúng ta chưa chắc là họ đã biết rõ về chúng ta và chưa chắc lời khen đó đã thành thật và lời khen đó không hẳn làm cho chúng ta tốt hơn và rất có thể làm cho chúng ta xấu hơn nhưng chúng ta chỉ sung sướng khi chúng ta được khen.

 Nếu mình có dịp đọc tiểu thuyết hay xem phim thì thấy có những người sống ở trong những gia đình giàu có, hầu như họ muốn gì được đó suốt ngày chỉ ăn chơi nghĩ đến tiêu tiền mà không làm việc gì hết. Nhìn ở bên ngoài thì họ rất hạnh phúc, nhưng kỳ thực hạnh phúc đó là hạnh phúc tình cờ, hạnh phúc của họ là thứ hạnh phúc làm cho mình hư thân làm cho mình mất đi nghĩa khí, hạnh phúc đó là một thứ hạnh phúc hoàn toàn lệ thuộc, lệ thuộc vào cha vào mẹ vào tài sản được thừa kế. Tất cả những điều đó ảnh hưởng và chi phối cuộc sống của chúng ta rất lớn. 

Nên chi thái độ đối với cái vui đã như vậy rồi tới khi chúng ta gặp khổ thì có nhiều người gặp khổ rất là sợ. Chúng ta chỉ muốn được bình an, chúng ta không muốn những điều trái ý nghịch lòng. Mình đang có chuyện vui mà đi đường gặp cảnh sát cho vé phạt mình cũng buồn. Đồng thời mình sống cố gắng làm tốt cho đời nhưng tai bay họa gởi thị phi làm cho chúng ta nản lòng thì chúng ta cũng buồn. 

Nói cách khác, chúng ta rất sợ khổ sợ tai họa bất trắc. Chúng ta sợ cảm giác khổ vì vậy chúng ta luôn luôn bao che phủ lên mình những quần áo tốt nhất để mình ra ngoài mình hãnh diện và luôn luôn mình muốn có sự bảo vệ để mình có cảm giác an toàn không lo lắng và luôn luôn mình muốn khổ không có xảy ra. Do vậy mình ngồi một lúc cảm thấy ê ẩm tay chân thì mình đứng dạy, đứng mỏi chân thì mình ngồi xuống, chúng ta luôn luôn chạy trốn cảm giác không thoải mái. Cảm giác chạy trốn né tránh đó cũng là một phần rất căn bản ở trong thái độ của chúng ta. 

Cảm giác không khổ không lạc, có nhiều người không quan trọng điều này, chúng ta quan trọng về vui hay khổ thôi, nhưng kỳ thực cái không vui không khổ nó ảnh hưởng chúng ta nhiều lắm. Có nhiều người xem không vui không khổ là vô vị lạt lẽo, người ta hay dùng chữ "lạt như nước ốc", chúng tôi sống ở miền quê chúng tôi thấy nước ốc cũng không lạt như người ta nghĩ "lạt như nước ốc". Và rồi có nhiều người bám vào cảm giác thanh thản sau một quãng đời quá nhiều thăng trầm quá nhiều phiền lụy đến từ con cháu. Họ muốn tu theo chữ "nhàn" của Lão Trang là làm sao mình giữ được tâm bình lặng. Và rồi có nhiều người xem tâm thanh thản là lý tưởng, là hoài bão lớn trong cuộc sống hướng đến. 

Kỳ thật, những điều chúng tôi vừa kể, thái độ chúng tôi vừa đề cập đến những thái độ đó được Đức Phật Ngài dạy là thái độ của kẻ vô văn phàm phu tức là một người phàm nhân không thông hiểu đạo lý của bậc Thánh.

Bây giờ, chúng ta bước qua phần tiếp theo. Khi nói về cảm thọ hay cảm xúc thì còn có một thứ khác quan trọng đó là thái độ đối với chúng ta, thái độ của chúng ta đối với cảm xúc.

 Ở đây Đức Phật Ngài đơn cử ra ba trường hợp: 

- Thứ nhất lạc thọ là khổ:  Bậc thiện trí hay người có trí tuệ sẽ thấy rằng chính lạc thọ cũng là khổ, chính hạnh phúc là khổ. Chúng ta lấy một ví dụ như vầy, là người thì thích ăn uống nhưng ít có ai nhận thấy rằng ăn uống là cái hệ lụy, đến lúc nào đó mà mình cảm thấy chuyện ăn uống nó là một hệ lụy thì lúc đó chúng ta mới hiểu nó là khổ. Có nhiều người nghĩ rằng mình thủ đắc tài sản lớn là hạnh phúc nhưng cũng có những người thấy rằng tài sản lớn chỉ là đối tượng dòm ngó tranh chấp thị phi, nhiều gia đình rất khổ không phải vì nghèo mà khổ mà vì có tài sản nằm xuống chia chác cho con cái đã là vấn đề khổ rồi, mình sống mình tất bật để làm tạo dựng tài sản khi chết thì con cháu dành giựt chia chác tài sản.

Có những người quan niệm hạnh phúc là có cái gì sang trọng,  như lái xe rất sang, ở căn nhà tốt, sài cái gì rất qúi giá. Chúng tôi biết là ở trên thị trường có những món khó diễn tả như là một cái đồng hồ, một cái điện thoại Android Phone rất sang trọng có thể trị giá 20,000 cho tới 50,000 dollars và người ta có những chiếc đồng hồ chúng tôi đã tận mắt thấy tại Genève đồng hồ Patek Philippe trị giá 50,000 Mỹ kim. Nhưng những thứ cao sang đắc đỏ nó mang cho chúng ta bao nhiêu cảm giác hạnh phúc của sự tự tôn tự hào mà bên cạnh đó là sư lo lắng bị mất, bên cạnh đó mình có nhiều lý do khác để đắn đo để lo lắng. Cái rõ nhất,  xã hội Mỹ là một nền văn hóa, xã hội Mỹ là một nền kinh tế cho người ta rất nhiều như nhà, xe hơi và có được sự bảo đảm này bảo đảm khác, nhưng bù lại thì chúng ta phải trả giá cho những cái mà mình có. Người ta nói rằng đời người làm việc cực như con trâu, không biết có con trâu nào cày hai job không nhưng  chúng tôi đã thấy ở bên Mỹ có người làm hai việc người ta gọi là đi cày 2 job, thì thiệt sự cực. 

Lạc thọ có cái giá phải trả của nó. Và cụ Nguyễn Du thường nói:  "Chữ tài liền với chữ tai một vần" hay là : "Lạ gì bỉ sắc tư phong, trời xanh quen thói má hồng đánh ghen". Người ta nói là "tài mệnh tương đấu", cái này có thì sanh ra liền cái khác chứ không hẳn là mình chỉ có hạnh phúc không thôi. Chính thực ra, Ngài Buddhaghosa đã nói: "hầu hết những cảm thọ lạc của chúng ta giống như con chó cắn chủ, mình tưng tiu mình thích con chó nhưng lâu lâu nó táp mình" thì chính cảm thọ hạnh phúc cảm thọ lạc nó làm cho chúng ta khổ rất nhiều. Nhiều người sống trong cuộc đời không có tình yêu thì thôi nhưng có tình yêu thì chính tình yêu làm cho mình khổ, khổ quá đôi khi bất an, phải chi mình biết tình yêu khổ như vậy thì mình không yêu. Hay có nhiều người họ ham mê một địa vị nào đó họ bằng cách này cách khác để có được điều đó nhưng khi điều đó không còn nữa thì họ rất khổ. Mình nhìn những người đó mình nghĩ rằng phải chi những người đó họ không có những thứ đó thì bây giờ họ không khổ nhiều như vậy. 

Đời sống của chúng ta là như vậy, đời sống hạnh phúc đó và khổ đau đó. Mấy hôm nay chúng ta nghe nói đến những người thân nhân của những hành khác trên máy bay MH 307, chuyến bay đó cho đến giờ này người ta vẫn chưa biết nó rớt ở đâu một cách chính xác, rớt ở đâu đó ở miền nam của Ấn Độ Dương, thật sự thân nhân của họ rất khổ. Và khi chúng ta thấy thân nhân của họ khổ thì chúng ta có thể mường tượng được một điều rằng những người khổ nhất là những người có quan hệ rất tốt đẹp. Một người có bạn trai đi trên chuyến đi đó người này chỉ cầu mong chiếc máy bay đừng rớt ngoài biển mà rớt đâu đó trong rừng và những người này bị bắt làm con tin và chính phủ sẽ tìm cách cứu họ v.v... Và khi chúng ta nhìn thấy được ở trong cái gì mà xa hoa mỹ lệ, ở trong quan hệ mặn nồng, ở trong cuộc sống càng nhiều khoái lạc thì nó hứa hẹn sự khổ, nó hứa hẹn cái giá chúng ta phải trả rất cao. Và đồng thời những thứ đó  cũng làm cho  chúng ta bớt đi khả năng để định hướng ở trong cuộc sống. Đó là chúng ta nói mặt trái của lạc thọ mà Đức Phật dạy đó là quán tưởng lạc thọ là khổ. 

Nhưng bên cạnh đó nó có một thứ nữa đó là chữ khổ trong đạo Phật được định nghĩa Dukkha là rỗng không là bất toàn là không thoả mãn. Cái không thoả mãn này là cái gì nó tự nhiên, trong cuộc sống chúng ta không có cái đó thì mình muốn có cái đó, mà muốn có cái đó rồi thì mình không thoả mãn được. Thế giới là khát ái, thế giới là nô lệ cho tham ái là như vậy, là nô lệ cho khát ái là như vậy. 

Nói một cách khác, hành giả ở trong trường thiền tu tập khi gặp bữa ăn rất ngon thì thay vì hoan hỉ với bữa ăn đó thì nhớ rằng nếu mình quá thích thú về những bữa ăn đó, bữa ăn sau nếu không được như vậy mình sẽ thất vọng, mình sẽ nản sẽ buồn sẽ không ăn ngon miệng nữa. 

Rồi chúng ta cũng nói đến một cái sự kiện khác về lạc thọ là rỗng không, lạc thọ là không làm được cho chúng ta hài lòng hoàn toàn. Bất cứ điều gì trong đời sống mà chúng ta nghĩ rằng tốt nhất, đẹp nhất, hay nhất chúng ta muốn nhiều nhất mình may mắn có được thì hãy nhìn thử xem chúng ta vui với cái đó bao lâu. Có những lần chúng tôi nhìn thấy Chư Tăng qua Mỹ ở chùa mà gửi xin sở Di Trú giấy thường trú mà sở Di Trú chấp nhận visa 3 năm vị đó mừng lắm, rồi sau 3 năm xin thẻ xanh được thẻ xanh cũng mừng lắm và khi thi được quốc tịch cũng mừng lắm. Nhưng chúng ta nhớ như vầy, nhiều lúc mình xem cái đó là một lý tưởng tuyệt đối là mình được như vậy mình không còn cần cái gì nữa mình chỉ cần chừng đó thôi nhưng thật ra chúng ta tiếp tục mong cầu, và chính hạnh phúc nó cũng là trở ngại cho hành giả tu tập ở trên phương diện sự đòi hỏi bản thân mình phải có được cái này mình phải có được cái kia. Và cái mà hạnh phúc mình mong mỏi mình được cái này mình được cái kia nó cũng khiến cho ở trong sự tu tập không tập trung được. 

Điểm thứ Hai. Bây giờ Đức Phật Ngài dạy khổ thọ là mũi tên. Mũi tên là cái gì đâm vào trong người tạo nên sự nhức nhối và nó tạo nhu cầu cấp thiết là phải nhổ mũi tên đó ra. Chúng ta thấy rõ ràng chuyện đó là chuyện đau buốt. Thí dụ có dịp nào đó chúng ta mất cái gì mà chúng ta rất là qúi mình cảm thấy nuối tiếc khôn cùng hay hoặc giả tự nhiên một người rất tử tế với mình bây giờ mình nghe tin họ phản bội mình, mình cảm thấy rất buồn, cái buồn đó như là không có gì diễn tả được. Hay gặp cảnh sanh diệt, một người rất thân của mình mà người đó ra đi thì thật sự nó như một mũi tên đâm vào trong người. Đức Phật dạy hình ảnh mũi tên Đức Phật Ngài cho chúng ta biết là nó bắn vào trong da trong thịt chúng ta không thể ngồi yên được chúng ta phải giải phẩu lấy nó ra và lúc chúng ta giải phẩu lấy nó ra thì chúng ta chỉ xử nó một cách rất trực tiếp mũi tên thì mình phải lấy nó ra đơn giản như vậy. 

Một hành giả tu tập không phải chỉ biết khuôn mặt với thái độ hợp tình hợp lý đối với lạc thọ mà còn đối với khổ thọ nữa. Chúng ta thử lấy thí dụ.

 Thí dụ về ngồi thiền, khi tay chân vừa mỏi vừa tê chút xíu là chúng ta cảm thấy nản trí liền, cảm thấy muốn rút lui liền, cảm thấy muốn mở mắt coi giờ xem gần tới giờ chưa để mình có thể đứng dậy. Các vị thiền sư thường khuyên rằng nếu mình cứ thay đổi tư thế hoài nó chỉ lợi là nó bớt đau một chút nhưng nó làm cho chúng ta sợ hãi và né tránh cảm thọ khổ. Thật ra mình tu tập mình phải tập hạnh làm lơ hay làm lì với cái khổ, kệ nó tê chân một chút nhưng mình ráng một chút. Và cái khổ nó đến thì mình có nhu cầu cấp thiết là mình nhổ mũi tên đó ra, mình chỉ đơn giản nhổ mũi tên đó ra đừng liệu toan lo lắng gì khác. 

Thật ra, bài học về khổ là bài học lớn trong Phật Pháp. Đức Phật Ngài  dạy về điều này với nhiều bối cảnh khác nhau và cho đến ngày hôm nay thì chúng tôi cũng nói với qúi vị là một người bình thường chưa chắc đã hiểu rõ cái khổ mà Đức Phật định nghĩa cái khổ như thế nào, nhưng một hành giả tu tập thì có điều như vầy là biết cái khổ thọ đang gây sự nhức nhối cho mình như một người bị mũi tên và do vậy chúng ta phải tin tấn làm việc gì đó.

Điểm thứ ba: mà chúng ta đề cập ở tại đây  cảm giác không khổ không lạc thì Đức Phật Ngài dạy chúng ta nên quán là cảm thọ là vô thường.

Cái thú vị ở đây trong bài học này là 3 cảm thọ Đức Phật dạy ở trong 3 thái độ khác nhau:
 Cảm thọ lạc nên xem nó là khổ, nên thấy mặt trái của nó, và hiểu tại sao nó đem đến cho chúng ta khổ. 
Cảm thọ khổ như là mũi tên có nhu cầu cần thiết để chúng ta nhổ mũi tên đó ra. 
Nhưng cảm thọ không khổ không lạc, tức là cảm thấy bình thường nó là cái gì dễ làm cho chúng ta ngủ quên làm cho chúng ta say sưa, làm cho chúng ta cảm thấy hờ hững và cảm giác đó không lâu. 

Có những người nói; sau mấy mươi năm lăn lộn ở trong cuộc đời để dành được một số tiền rồi chỉ muốn sống cho yên ả không cần làm chuyện gì chỉ cần yên ả tuổi già, người đó đinh ninh rằng mình có thể ôm trọn cái tâm tư thanh thản đó, con lớn rồi ra ngoài rồi bây giờ mình không phải lo, mình đã về hưu rồi không có tất bật với công ăn việc làm và bây giờ bạn bè đều chết rồi mình không còn phải suy nghĩ. Nhưng Đức Phật dạy rằng chính cái cảm giác không khổ không lạc như chúng ta thấy bình thường nó cũng làm cho chúng ta thối thất  là tại vì chúng ta không thấy rằng nó vô thường, cuộc sống luôn luôn bị chi phối rất nhiều thứ và nó không có gì để yên cho chúng ta hoài. Cái cảm giác thanh thản nhẹ nhàng coi vậy mà khó lắm. Khó để cho chúng ta nhận ra, khó để cho chúng ta có phản ứng hợp tình hợp lý, khó để chúng ta không bị thối thất. Nên biết là cảm giác đó không lâu, cái cảm giác thản nhiên, cảm giác của cảm thọ quả thật là nó không tồn tại lâu bởi vì không có cái này cũng có cái kia chi phối.

Và trong bài học này thì đặc biệt trong đời sống hàng ngày thì nó cũng tốt, nhưng lợi lạc nhất cho người hành Tứ Niệm Xứ. Như chúng ta được biết rằng trong 4 lãnh vực để quán niệm, trong bốn cảnh giới đối tượng để quán niệm là thân, thọ và tâm và pháp. Thọ là lãnh vực lớn, cảm thọ là một yếu tố lớn chi phối đời sống của chúng ta và cảm thọ đó cần được đưa vào chánh niệm, cần được nhận thức, cần được liễu tri. Trong kinh Tứ Niệm Xứ Đức Phật Ngài đặc biệt Ngài nhấn mạnh tới. 

Do vậy, khi một hành giả tu tập về Tứ Niệm Xứ thì không thể không nằm lòng bài học về cảm thọ và chúng tôi biết chắc rằng nhiều vị thường hay bỏ quên cảm thọ ở trong đề mục tu thiền của mình nhưng trước sau gì sớm muộn chúng ta phải đối diện với nó. Tại vì sao vậy? Cuộc sống luôn luôn có vui có khổ và có những giờ phút không vui không khổ qua đó chúng ta thấy sự vô thường, qua đó chúng ta thấy sự khổ và cũng qua đó chúng ta thấy sự vô ngã của cuộc sống, qua đó chúng ta thấy sự vô chừng của tâm tư của chúng ta, và qua đó chúng ta sẽ bớt chuyện đổ lỗi cho người này cho người khác. 

Một cách tốt để một người hiểu được cảm thọ của mình đó là hành giả khi ngồi thiền hay trong đời sống hàng ngày thử cho mình một thách thức mà qua đó chúng ta có thể  hiểu được. Chúng tôi nhớ lần đầu tiên ở trường thiền Ngài Ajahn Chah. Từ bên Mỹ qua người ta sắp xếp cho chúng tôi ở trong một thiền thất, ở trong thiền thất mà cái thiền thất đó thật  sự  nhỏ lắm, cái giường ngủ để vừa vào đầu giường cuối giường không có dư, mà nó là một góc vuông, qúi vị không thể tưởng tượng. Nhưng cái khổ nhất là nó không có điện thì mình không thể sạt điện, cái gì cần thì sài pin, đem pin đi nhưng pin không cung cấp nhiều và do vậy sau một ngày ở trong cái thiền thất chúng tôi học ra điểm đầu tiên là mình cảm thấy rất là vô vị  rất là chán, tự nhiên mình ngồi đó mình nghĩ không biết phải làm gì. Và khi chúng tôi lên đảnh lễ Ngài thiền sư và trình bày với Ngài về ý nghĩ của chúng tôi thì Ngài trả lời "chuyện đó là bình thường", ban đầu thì mình quen với đời sống có TV có báo chí có internet có cái này cái kia bây giờ sống không có tự nhiên cảm thấy trống trải. Qúi vị muốn biết cái đó thì ngày nào qúi vị bỏ điện thoại cầm tay ở nhà đừng đụng tới internet đôi khi có nhiều vị chịu không nổi. 

Và đối với chúng ta thì cảm thọ nó là một  đề tài quan trọng nhưng đối với hành giả tu tập thì phải biết cách xử lý. Thí dụ như mình đang ngồi thiền chân mình bị tê hay đang ngồi thiền cảm thấy khó chịu những cái khó chịu nhỏ thôi nhưng ảnh hưởng chúng ta nhiều. 

Chúng tôi nhớ hồi xưa chúng tôi có quen với một vị sư người Úc, Sư đó rất phiền não một chuyện là Sư đó lên chánh điện ngồi thiền mà có ông ngồi kế bên, ông là cư sĩ vô chùa tu, ông đó ngồi thiền bữa nào cũng ngủ quên mà ngáy rất lớn, và khi ông ngáy lớn như vậy thì ông làm cho vị sư người Úc khó chịu, mình tu thiền mà lên ngồi ngủ trong giờ hành thiền thì không thể chấp nhận được rồi mà còn ngáy lớn nữa thì nó chi phối người chung quanh. Thì vị Sư người Úc  chỉ nói như vậy rồi có một ngày Sư đem chuyện đó nói với Thầy Cả trong chùa, Thầy Cả mỉm cười Thầy nói rằng ở trong những trường hợp như vậy mình lấy đó để mà quán tưởng.

Đức Phật dạy đề tài cảm thọ là đề tài lớn. Và ở đây Đức Phật gợi ý cho chúng ta rất nhiều:

- Nên quán lạc thọ là khổ, chúng ta thấy được thực tướng,  thấy được bề trái của nó, và đừng để quá khổ về nó. 
- Thứ nữa chúng ta thấy khổ thọ là mũi tên nhắc cho chúng ta biết về cái tướng trầm kha của đời sống một căn bịnh mang tánh cách cấp tính và chúng ta phải làm cái gì đó hơn là đoán mũi tên và không làm gì hết.
- Và sau cùng thì chúng ta nên biết cách để xử lý biết cách để có thái độ hợp tình hợp lý với cái cảm giác không khổ không lạc. Có nhiều người nhìn cảnh không khổ không lạc là cái buồn chán nhưng cũng có những người lại dính mắc vào trạng thái đó ngày lại qua ngày bình thường, bình thường là cái mà chúng ta thích.

Chúng tôi muốn cùng với tất cả qúi Phật tử đọc lại một lần ở trong bài học ngày hôm nay mà chúng tôi nghĩ rằng đây là những lời được dạy rất đẹp do bà Khujjuttara ghi nhớ lại lời dạy của Đức Phật và sau này Chư Tăng đã trùng tụng kết tập Tam Tạng và trở thành tác phẩm gối đầu giường như qúi vị biết rằng khi chúng ta phân bộ phận kinh điển khi Đức Phật còn trụ thế thì cũng đã được đề cập đến và đây là bài học ngày hôm nay:

Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba cảm thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này các Tỷ-kheo, lạc thọ cần phải được xem như là khổ. Khổ thọ cần phải được xem như là mũi tên. Bất khổ bất lạc thọ cần phải được xem như là vô thường. Vì rằng này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã xem lạc thọ như là khổ, đã xem khổ thọ như là mũi tên, đã xem bất khổ bất lạc thọ như là vô thường, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo này gọi là bậc Thánh đã chơn chánh thấy, đã chặt đứt ái, đã giải toả kiết sử đã chơn chánh thắng tri mạn, đã đoạn tận khổ đau.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Ai thấy lạc là khổ,
Thấy khổ là mũi tên,
Thấy bất khổ bất lạc
Thọ ấy là vô thường,
Tỷ-kheo ấy thật sự
Ðã thấy thật chơn chánh,
Chính tại ở nơi đây,
Từ đấy được giải thoát.
Thành tựu được thắng trí,
Bậc ẩn sĩ an tịnh
Chắc chắn đã vượt qua
Các ách nạn trói buộc.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.

Đó là vài điều chúng tôi muốn chia sẻ với qúi vị về ý nghĩa bài học ngày hôm nay liên quan đến 3 cảm thọ./.

Friday, May 23, 2014

Phải chăng bài kinh hôm nay dạy rằng: không làm ác nghiệp chưa đủ mà còn phải làm các việc lành nữa?

Hỏi: Phải chăng bài kinh hôm nay dạy rằng: không làm ác nghiệp chưa đủ mà còn phải làm các việc lành nữa?

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 21-3-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Pháp Tân: Đối với việc làm ác nghiệp như thân sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối, nói lời độc ác, nói lời chia rẽ, ý thì có tham ác, sân ác, tà kiến ác. Đây là những hành động tạo nghiệp bất thiện. Với tâm bất thiện thì có thể sanh vào trong quả khổ, ác nghiệp có thể đưa đến quả khổ. 

Thật ra, mình  không làm ác nghiệp cũng chưa gọi là đủ bởi vì mình nói ngược lại trong 10 điều thiện  (puññakiriya vatthu) thì 10 việc để tạo phúc ở đây nói đến khả năng một người tạo phước bằng 10 việc khác nhau như bố thí, trì giới, tham thiền, cung kính, phục vụ v.v... 

 Nếu như một người tạo nghiệp thì đưa đến quả khổ còn ngược lại một người không sát sanh không trộm cắp không tà hạnh thì đưa đến quả an vui, nhưng như vậy chưa gọi là đủ.

Việc mình không trộm cắp chỉ dừng lại ở chỗ là thân mình không hành động điều ác thôi hoặc là khẩu mình không nói lời độc ác hoặc là ý mình không có tham ác. Do tham phát triển bộc phát mạnh nó trở thành tham ác khiến cho chúng sanh phàm phu có một hành động sai quấy từ ở lòng tham của chúng sanh đó. Hoặc do tâm sân khiến cho người đó có hành động ác thì gọi là sân ác. Hoặc do tà kiến tức là do tâm tà kiến nghĩ quấy nghĩ sai nghĩ không đúng khiến cho người đó hành động sái quấy. Thì do ý ác này có thể dẫn đến quả khổ bằng nghiệp thân ác, rồi bằng nghiệp khẩu ác, bằng nghiệp ý ác thì có thể đưa đến quả khổ.

 Mình không làm được điều thiện thì cũng chưa gọi là đúng. Bởi vì, một người phàm phu nếu như mình không tích cực làm điều thiện thì dễ dàng bị hướng tâm của mình đến các điều ác. 

Trong kinh Pháp Cú Đức Phật dạy rằng 
- "Đã làm ác thì phải bỏ mau mau, chứa ác nhất định khổ sầu luôn luôn. Mà hễ là đã làm thiện thì phải hăng say, chứa lành nhất định vui vầy luôn luôn". 

Tức là nếu như tâm của mình đã là thiện thì mình phải có khuynh hướng tốt tức là mình phải làm điều thiện chứ không thôi tâm bất thiện có thể lớn mạnh, nó có thể chi phối đời sống của mình,  mình có hành động khiến cho do tham ác hay do sân ác hay do tà kiến khiến cho mình có hành động trở  thành ác.

Mình không làm điều ác không thì cũng chưa đủ mà phải thực hiện các hạnh lành, hạnh lành ở đây là hạnh lành đưa đến quả vui. Chúng ta biết các hạnh lành như bố thí, trì giới, cung kích, phục vụ, tham thiền, thính pháp, thuyết pháp, hồi hướng phước, tùy hỉ phước, hoặc là chánh tri kiến chẳng hạn thì đây được gọi là 10 hạnh lành để tạo thiện sự hành trang cho một người tu tập.

Một người biết phiền não là sự trói buộc cho nên tích cực bỏ việc ác nhưng bên cạnh đó phải tích cực làm điều thiện, tức là thực hiện điều thiện, thực hiện điều thiện đó để xua đuổi đi các ác nghiệp. 

Trong kinh Pháp Cú Đức Phật có dạy rằng "Ai dùng các hạnh lành xóa mờ các ác nghiệp như trăng sáng mây trôi chiếu sáng rực đời này". Thì hạnh lành ở đây để xua đuổi đi các ác nghiệp do thân, do khẩu, do ý của mình tạo nên. Bởi vì nếu bằng thân sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, hoặc là khẩu nói dối, nói lời độc ác, nói lời chia rẽ, hoặc là do tâm tham ác, sân ác, hoặc tà kiến ác khiến cho mình có hành động dễ dàng đưa đến quả khổ tức là tái sanh trong cảnh giới khổ. 

Nhưng ngược lại mình tích cực làm điều thiện tức là thực hiện các công đức thiện sự, 10 điều thập thiện là không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh. Bởi vì do có làm thiện mới có thể xóa mờ được các ác nghiệp ở trong tâm của mình hoặc là hành vi của mình, các hạnh lành để bổ túc các thiện sự hướng đến sự giải thoát trong tương lai hoặc là hướng đến sự an lạc trong tương lai./.  

Thursday, May 22, 2014

Phân biệt thiện ác có là điều khó chăng?

Hỏi:  Phân biệt thiện ác có là điều khó chăng?

ĐĐ Pháp Tín: Đối với thiện và ác là hai điều cách xa nhau rõ ràng. Trong kinh có nói về thiện và bất thiện giống như mặt trời mọc và mặt trời lặn, bờ biển bên này và bờ biển bên kia hoặc là ánh sáng và bóng tối. 

Thì khi được phân ra hai thái cực như vậy, khi chúng ta phân biệt được cái nào là thiện cái nào là ác nhưng chỉ có điều là lúc tâm con người làm  mình không phân biệt được. 

Một người làm việc bất thiện do si chi phối, do vô minh chi phối, chúng ta không nhận theo thực tướng pháp mà chúng ta chỉ nhận theo phần chế định. Thí dụ chúng ta nhận diện đàn ông đàn bà, hoặc cái này qúi cái kia tốt, cái này được lợi lộc v.v.... đó là do chúng ta nhận diện theo danh chế định. Rồi từ đó những vô tàm vô qúi, phóng dật, ngã mạn v.v... những bất thiện pháp đi theo chính lúc đó chúng ta không có phân biệt được. 

Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật dạy "người ngu tưởng là ngọt khi ác chưa chín mùi, khi ác chín mùi rồi thì người ngu chịu khổ đau". Cũng như chúng ta thấy rằng có những người đi câu cá, họ thấy điều này vui họ cảm thấy thích thú, nhưng đâu biết rằng là lúc đó người ta đang tạo nghiệp rất lớn. Như chúng tôi ngồi nhìn những người câu cá họ dùng miếng mồi để câu một con cá, con cá bị nuốt lưỡi câu, người ta mới kéo con cá lên, mình nghĩ trường hợp đó nếu mình là con cá thì mình đau đớn cỡ nào. Có nhiều người nói những con cá không phải là chúng sanh nên nó không biết sự đau khổ như con người.

Khi chúng ta học  Phật Pháp rồi thì chúng ta biết con cá nếu mà ai có học thì họ đều hiểu hết  con người của mình có đầy đủ ngũ uẩn thì con cá cũng đầy đủ ngũ uẩn, nó cũng giống như mình có nghĩa là đói nó vẫn biết tìm thức ăn hoặc là nó cũng biết những cảm thọ nào đau đớn cảm thọ nào hạnh phúc. Thí dụ như qúi vị thấy rằng khi bơi trong giòng nước nó tươi tỉnh nhưng khi nó nằm trên mặt đất khô thì nó thoi thóp, mình nó giựt giựt thì như vậy nó có cảm thọ. Nó cũng có những hành động bơi tới bơi lui hoặc dành ăn với nhau thì đó là hành uẩn, nhiều khi chúng ta có sụ tranh dành quyền thế địa vị v.v... thì đó là hành uẩn, những hành động gọi là hành uẩn thì đối với con cá cũng có hành uẩn như mình nó cũng biết dành ăn. Rồi đối với  thức uẩn như khi chúng ta làm động nước nó cũng sợ hãi nó tìm cách trốn thì như vậy là thức uẩn. Tưởng uẩn, nó cũng biết chỗ đó đến ăn mồi hay chỗ đó nó đến để lánh nạn v.v... thì đó là tưởng uẩn. Còn thân hình là sắc uẩn. Thì con cá và con người đều là ngũ uẩn nhưng do hạnh nghiệp khác nhau do mình tạo thiện nghiệp nào đó nên mình cũng là ngũ uẩn nhưng ở kiếp người, mình có những sinh hoạt hạnh phúc hơn tốt hơn, còn con cá cũng là ngũ uẩn nhưng do ác nghiệp nào đó nên nó mang thân hình như vậy nó có kiếp sống như vậy.

Thì đối với một người có trí tuệ hiểu biết được như vậy, chính vì thấy nhàm chán trong cuộc đời này nên người ta tu lo tu tập. Mình quán xét do hạnh nghiệp như vậy mình được sanh làm người, do hạnh nghiệp như vậy  những chúng sanh này sanh thành loài cá, loài bàng sanh v.v... 

Thì mình hiểu được thì mình phân ra được nghiệp trắng nghiệp đen, hoặc chúng ta phân ra được quả của nghiệp còn những chúng sanh kia do vô minh dày đặc nên họ cảm thấy những trò chơi đó là sự thích thú sự tiêu dao thành ra có khi họ bị lẫn lộn. Như chúng ta biết, nghiệp bất thiện và nghiệp thiện cách xa nhau một trời một vực, nó cách xa nhau như hai thái cực nhưng tại vì lúc tâm của chúng ta bị một điều kiện nào đó chi phối. Thí dụ, những người câu cá người ta ham trong cuộc vui đó nên người ta không phân biệt ra được nghiệp nào trắng nghiệp nào đen, cái nào là đang vui trong hạnh phúc cái nào đang vui trong đau khổ, chính vì vậy mà người ta bị nhầm lẫn người ta không hiểu được những lời dạy của Đức Phật. 

Vì không nhận định được điều đó nên người ta nhầm lẫn giữa thiện và bất thiện, đó là do tâm của con người chúng ta nhầm lẫn  chứ không thề nào mà đối với thiện và bất thiện pháp mà nó được trộn lẫn, chỉ có do tâm của chúng ta nhầm lẫn về điều này và điều kia hoặc là tâm của chúng ta có khi buổi sáng chúng ta làm thiện trưa chúng ta làm điều bất thiện, chiều chúng ta làm điều thiện tối chúng ta làm điều bất thiện v.v... là do tâm của mình bị nhầm lẫn với bất thiện và thiện hoặc do mình bị chi phối bởi tham sân si sân hận, nhầm lẫn những điều thiện và bất thiện chứ đối với thiện pháp và bất thiện pháp là hai thái cực rõ ràng nhưng do tâm của chúng ta không nhận định được, chính vì vậy mà chúng ta tạo những bất thiện pháp mà chúng ta không biết ./.

Tuesday, May 20, 2014

Thế nào là thân cận bạn lành?

Hỏi: Thế nào là thân cận bạn lành?

(Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 12-5-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Đề tài thân cận bạn lành là đề tài rất quen thuộc. Nhưng đề tài này có rất nhiều điểm để chúng ta suy niệm. 

Ở trên đời này, một người bạn tốt không nhất thiết là một người bạn chúng ta thích. Có đôi khi người bạn tốt về phương diện này nhưng lại không đáp ứng nhu cầu của chúng ta về phương diện khác. Do vậy chúng ta có rất nhiều câu hỏi được đặt ra: 

Thế nào là người bạn lành ? 

Trong số bạn lành, ai là người chúng ta nên thân cận và sự thân cận đến mức độ nào mà giữa chúng ta và những người bạn có thể ở mức độ tương đối vừa phải hợp tình hợp lý?

Sau hết là chúng ta làm sao để có thể thân cận với bạn lành nhưng không tạo thành một sự lệ thuộc? 

Nói chung là, đối với đời sống người tu tập thì thân cận thiện hữu là một điều rất cần thiết nhưng không đơn giản là chúng ta biết thân cận bạn lành mà bên cạnh đó còn có nhiều câu hỏi khác chúng ta cần phải đặt ra.
Hôm nay chúng ta dành thì giờ để suy nghiệm về một Phật ngôn mà có lẽ chúng ta đã được nghe nhiều lần đó đây ở trong những bộ kinh khác. Nhưng riêng đặc biệt trong bài kinh này Đức Phật Ngài tập trú vào lời dạy đó là một người tu tập phải thấy việc thân cận với thiện hữu là một ở trong những nền tảng cho sự tu tập và cho đời sống của mình. 

Tất cả chúng ta đều thấy được dễ dàng là mình chịu ảnh hưởng những người chung quanh. Thật ra phần đông không thấy được điểm này, chúng ta sống do sự đưa đẩy do sự tình cờ mình sanh ra trong một gia đình đây là cha, đây là mẹ, mình không có lựa chọn, rồi lớn lên một chút đi vào lớp học bạn bè cùng lớp chúng ta cũng không có sự lựa chọn, một tiếng sét ái tình nào đó khiến cho người ta chọn lấy một người bạn đời, chúng ta cũng không có sự lựa chọn nhiều mà có thể lựa chọn ngắn mặc dầu ai cũng nghĩ người bạn đời là mình lựa chọn tại vì người đó quan trọng nhất. Nhưng cũng phải nói nó nằm ở chỗ người ta thường nói một cách thông tục là hên xui. 

Nếu ngẫm lại cho kỹ, những người sống chung quanh mỗi chúng ta đó là do sự đưa đẩy của tình cờ ít khi là sự lựa chọn cẩn thận của chính bản thân mình. Trước khi nói về khả năng lựa chọn chúng ta hãy nói về một điều, khoảng cách gần gủi của chúng ta với một người nào đó mà ngày hôm nay người ta thường gọi là cự ly thì khoảng cách đó vốn có ảnh hưởng rất lớn đối với chúng ta. Một người thân nhưng ở xa thì đúng nghĩa câu người ta thường nói "Xa mặt cách lòng". Nhưng một người không thân, họ ở gần thì hoặc ít hoặc nhiều những giá trị của họ ảnh hưởng chúng ta.

Chúng tôi có nghe một vị thiền sư nói chuyện là vị này chưa bao giờ có ưa thích gì về uống trà nhưng rồi trong một lần đi dạy thiền thì vị đó đem theo người thị giả và người thị giả này rất thích uống trà và tới cuối chuyến đi đó thì vị thiền sư nhận ra rằng Ngài đã bắt đầu để ý đến tách trà, trà, nước sôi và những gì cần pha. Thật ra, đó là một thí dụ nhỏ. Những người chung quanh chúng ta cho chúng ta những ảnh hưởng đôi lúc rất bất ngờ về sở thích của họ, về tính tình của họ, về lối sống của họ, nó có sự ảnh hưởng qua lại, chúng ta ảnh hưởng thế giới chung quanh và thế giới chung quanh ảnh hưởng chúng ta. Có một điểm chắc chắn là trong sự ảnh hưởng đó người gần ảnh hưởng nhiều hơn người xa, và thậm chí người ta còn nói rằng "xa mặt thì cách lòng". Khi nói xa mặt cách lòng thì điều tốt là khi chúng ta gần nhau thì chúng ta lại chịu ảnh hưởng nhau rất nhiều. 

Nếu chúng ta đọc lại ở trong sách xưa thì chúng ta thấy rằng ở quá khứ xa xưa những bậc hiền trí có nhiều sự lựa chọn hơn chúng ta ngày nay. Ví dụ như khi chúng tôi đang nói chuyện với qúi vị đây, chúng tôi sống trong một ngôi chùa và không dễ dàng để chúng tôi rời bỏ ngôi chùa đi vào trong rừng sâu hay đi một nơi nào đó mà không có bận tâm tại vì có quá nhiều sự ràng buột. 

Ngày xưa các bậc thiện trí, nếu các ngài sống đời sống trong gia đình, sống đời sống trong triều đình, sống đời sống ở trong một cục diện xã hội nào đó các Ngài cảm thấy những người chung quanh là những người không đáng cho mình thân cận, không đáng cho mình tiếp xúc thì vị đó sẽ bỏ đi. 

"Nếu không gặp bạn đồng hành hiền minh chân chánh hiểu rành lối đi, như vua bỏ nước phong suy như voi rừng thẳm thà đi một mình, nếu mai gặp bạn đồng hành hiền minh chân chánh hiểu rành lối đi, tinh tường thắng phục gian nguy hãy nên hoan hỉ kết duyên bạn lành"

"Nếu không gặp bạn đồng hành,- hiền mình chân chánh hiểu rành lối đi, như vua bỏ nước phong suy như voi rừng thẳm thà đi một mình". Hình ảnh đó không phải dễ. Chúng ta ngày hôm nay vì hoàn cảnh của xã hội, vì sự thiếu nghị lực của bản thân và vì những cột trói dây mơ dễ má  do đó chúng ta không có thái độ dứt khoát. 

Nhưng có một chuyện chắc chắn, nếu chúng ta không ý thức được rằng những người chung quanh quả thật ảnh hưởng mình nhiều thì chúng ta phải coi chừng đó là cái nhìn rất chủ quan. Đừng nói đó là người lớn, người nhỏ cũng vậy, đừng nói đó là một người có địa vị quan trọng, người có địa vị không quan trọng cũng ảnh hưởng chúng ta, cái cự ly ngắn, cái khoảng cách giữa mình và người khác nó tương đối tạo nên sự tiếp xúc, thì ngôn ngữ của người đó, cái suy nghĩ của người đó, lối sống của người đó, cái khuynh hướng người đó ảnh hưởng đến mình, tại vì sao vậy? Tại vì con người luôn luôn là tái khám phá, con người luôn luôn là mô phỏng là bắt chước. Chúng tôi lấy một ví dụ là trào lưu ảnh hưởng chúng ta, máy móc ảnh hưởng chúng ta, nếu qúi vị có cái điện thoại cầm tay sài qúi vị cảm thấy vừa ý, nhưng mọi người chung quanh họ nói rằng bây giờ có cái mới hơn tốt hơn mạnh hơn, dần dà điều đó cũng làm chúng ta xét lại. Thời trang cũng vậy, tại sao người ta mặc quần áo thay đổi theo mùa theo thời, bởi vì ảnh hưởng quan niệm chung quanh, cái này mới là đúng điệu, cái này mới là đúng mốt, cái này mới đúng thời trang điều đó ảnh hưởng đến con người. Cuộc sống mà để độc lập hoàn toàn, để có thể độc lập ý trí, để có thể không tiêm nhiễm những người chung quanh thì phải nhận rằng cuộc sống phải vượt thoát. Hầu hết chúng ta chịu ảnh hưởng từ những người chung quanh rất nhiều.

Và rồi, một điểm khác chúng ta nói đến ở đây, đó là bây giờ chúng ta đồng ý là sự thân cận ảnh hưởng với chúng ta nhiều thì chúng ta cũng phải đồng ý một điều là tìm những người bạn để chúng ta thân cận.

 Chữ "bạn" ở đây được hiểu rất rộng, có thể là cha mình mẹ mình, vợ chồng, anh chị em, bạn đồng xứ, bạn đồng nghiệp, bạn đồng sở, nói chung là những người chung quanh chúng ta ảnh hưởng đến chúng ta. 

Thì trong số đó chúng ta phải có ý thức được là sự tương quan như thế nào mang tính mật thiết và sự tương quan như thế nào mang tánh cách chừng mực.

 Giống như anh em trong nhà, chúng ta có 5 hay 7 anh em thì trong số anh em đó có những người đặc biệt chúng ta thích, đặc biệt chúng ta thường chia sẻ, bây giờ người ta dùng chữ kết với một người nào đó, nhưng đại khái là ở trong số những người thân chung quanh chúng ta có người nào đó là người chúng ta thường cảm thấy mở lòng ra, chúng ta thường cảm thấy là muốn chia sẻ việc này việc kia, muốn tâm sự và thậm chí qua sự tâm sự đó chúng ta hỏi ý kiến. 

Thì thường thường cái gì giúp chúng ta làm như vậy. Người nào chịu khó lắng tai nghe chúng ta nhiều thì chúng ta thường nói chuyện, người nào thường vuốt ve tự ái của chúng ta, nói cách khác là làm cho chúng ta thoải mãn tự ái thì chúng ta thích thân cận, người nào dành cho chúng ta một cảm giác mình là người quan trọng thì chúng ta thích thân cận. Và không may những câu chuyện đó không phải là câu chuyện tốt mặc dầu chúng ta thường ưa chuộng như vậy.

 Thí dụ, có những người khéo lắng nghe, ai nói gì thì họ cũng chăm chú lắng nghe nhưng đó chỉ là một nghệ thuật đắc nhân tâm và ngoài sự lắng nghe đó họ không giúp cho chúng ta được cái gì hết, họ chỉ lắng nghe và họ là cái lỗ tai để chúng ta rót vào trong đó những tâm sự vui buồn và chúng ta cảm thấy rằng mình thương người đó mình mến người đó mình thân người đó tại vì người đó chịu nghe mình. Nhưng không hẳn một người chịu nghe mình mà có người đó có thể giúp cho mình nhiều mặc dầu trên phương diện căng thẳng nội tâm bị stress nhiều quá thì có người lắng nghe là một người rất tốt. Nhất là những người đó không nói đi, không nói lại, không đem chuyện chỗ này nói chuyện chỗ kia, là người có thể tín cẩn. Nhưng chúng ta cũng nên nhớ rằng một người lắng nghe chúng ta không nhất thiết là người mang lại cho chúng ta cái giải pháp. Và có nhiều người lắng nghe chúng ta đôi khi họ lại làm cho tình trạng chúng ta càng ngày càng tệ thêm tại vì những tâm sự miên man nó cứ đổ tuông ra quá nhiều mà trong lúc đó không ai nói về một giải pháp.

Một điểm khác là, có những người làm cho chúng ta cảm thấy quan trọng. Ở đây, chúng ta không dùng đến chữ rất nặng nề, đó là xu nịnh, nhưng chúng ta phải nói rằng có những người  họ có những lời khen có cánh, họ có những lời nói đãi bôi, đôi khi mình cảm thấy rằng chuyện đó là giả dối nhưng mình vẫn muốn nghe. Con người ai cũng có thị dục huyễn ngã, tức là quan trọng về cái tôi cái ta. Có những người bạn họ chỉ dùng những lời đẹp nhất những lời êm ái nhất những lời nghe lọt tai nhất để ca tụng mình thì tự nhiên mình có cảm tình với người đó muốn thân cận với người đó nhưng không nhất thiết là người đó mang lại cho chúng ta lợi ích gì.

Và thưa qúi vị, chúng ta cũng thích rất thích thân cận với những người có cùng sở thích với như là người thích nhậu nhẹt thích bạn nhậu nhẹt, người thích máy móc thích bạn thích máy móc, người thích thơ văn thì thích bạn biết thơ văn. Sự đồng cảm làm cho con người đến gần nhau. Nhưng chúng tôi nhớ có một học giả là cụ Nguyễn Lê có viết một câu: "không có điều gì phù phiếm cho bằng người ta lấy nhau vì tình yêu văn nghệ". Nếu người ta vì yêu văn nghệ, nếu người ta vì yêu nghệ thuật mà lấy nhau thì chưa hẳn là hạnh phúc. Và chúng ta cũng có thể nói rằng không có gì phù phiếm cho bằng bởi vì có cùng sở thích thành ra người ta thân cận nhau. Có những sở thích rất là tầm thường thí dụ như hai người cùng thích coi đá banh, hai người cùng thích nhảy đầm trở thành bạn thân, cái thân đó thật sự không dẫn chúng ta đi về đâu hết.

 Về điểm này thì nói đến một thứ trí trong đạo Phật gọi là trạch pháp, trạch pháp tức là trí tuệ phân biệt giúp chúng ta hiểu được là bản thân của mình có những ưu điểm gì nên phát triển thêm và có những khuyết điểm gì chúng ta nên bổ khuyết. 

Nói về khuyết điểm ở trong kinh Phật đề cập đến 5 trạng thái đó là tham dục, sân hận, hôn trầm thụy miên, hoài nghi và phóng dật. 

- Tham dục nghĩa là con người chúng ta ham hố nhiều quá, chúng ta nặng cái gì đó cứ lao đầu vào đó ham muốn nhiều quá. 

- Sân hận có nghĩa là con người chúng ta hay phẫn nộ hay bực tức hay khó chịu hay bất mãn hay chỉ trích. 

- Hôn thụy ở đây tức là uể oải, dã dượt buồn ngủ thụ động là người ham ăn ham ngủ, ở đây chúng ta nói người ham ngủ tức là thường thường sống ở trong sự dật dừ.

- Hoài nghi là con người lúc nào cũng phân vân cũng lưỡng lự lúc nào cũng nhìn cuộc đời bằng sự ngờ vực. 
- Phóng dật ở đây tức là sự giao động, sự lăng xăng, không yên không thể lắng đọng được.

Thì 5 trạng thái tham dục, sân hận, hôn thùy, hoài nghi phóng dật là 5 khuyết điểm chúng ta thường có. 

Năm ưu điểm một hành giả có thể có được chúng ta phải phát triển đó là:

- Niềm Tin là, thí dụ như một người làm phước, không phải là vì người khác ép mình làm phước mà do mình làm phước vì mình tin vào mình rất nên làm phước. Chúng tôi lấy ví dụ ở tại các quốc gia Phật giáo một học sinh sắp đi thi họ cũng làm phước để bát cho Chư Tăng, hay  một người có việc gì lo lắng thì họ cũng làm phước thì đó là họ biểu lộ niềm tin.

- Tấn Lực, là sự siêng năng, một sự nỗ lực cố gắng. Có những người đời này sống bằng nghị lực, có những người không có nghị lực. Người có nghị lực thì họ thấy rằng mình có thể làm điều này mình có thể làm điều kia. Nhưng người không có nghị lực họ làm cái gì cũng nản, nhìn cái gì cũng thấy khó. Qúi vị để ý thấy rằng một người rất giỏi dọn dẹp, họ nhìn thấy nhà bếp dơ họ bắt tay vào dọn dẹp chứ không nói như chúng ta là nhiều đồ dơ quá làm sao dọn. Nhưng người có nghị lực thì khác. Nghị lực là nhìn thấy cái đó cần dọn thì bắt đầu từ cái gì đó rồi dần dần cũng dọn hết. Một người không có nghị lực nhìn thấy một vấn đề khó khăn thì quay mặt chạy trốn thì người đó quả thật là có vấn đề. Chúng ta phải từng bước một để cải thiện, chúng ta làm được, cái đó gọi là có nghị lực hay là có Tấn Lực.

- Niệm lực, là khả năng tỉnh táo khả năng biết cái gì mình đang làm, khi chúng ta nói chuyện thì chúng ta không nói lạc đề, khi chúng ta đi đường chúng ta biết đường đi lối về, khi chúng ta làm việc gì đó thì để tâm trọn vẹn trong việc đó không làm nơi này nghĩ nơi khác. Chúng ta gọi là có Niệm Lực.

- Định lực, là khả năng tập trú, và Định Lực tạo cho chúng ta sự bền bỉ, sự kiên trì, mình có thể làm được việc đó, tiếp tục làm việc đó, và tiếp tục làm việc đó,  gọi là Định Lực. Một người mà lúc nào cũng lăn xăn, việc nào cũng không xong, làm việc này lở dở buông chạy qua việc khác, làm việc khác buông chạy qua việc khác nữa thì sự lăn xăn đó là thiếu Định Lực.

- Tuệ Lực, là khả năng hiểu, khả năng quán triệt, khả năng nhìn xuyên xúc nhân quả của vấn đề, đây là nguyên nhân, đây là hậu quả, đây là khổ, đây là nhân sanh khổ, đây là sự diệt khổ, đây là con đường đưa đến sự diệt khổ. Chúng ta gọi là Tuệ Lực.

Thì bây giờ, khi chúng ta nhận thức trong đời sống có 5 nhược điểm và 5 ưu điểm. Trong kinh dạy rằng nếu chúng ta muốn bớt đi những nhược điểm thì chúng ta tránh những người bạn nặng về những nhược điểm đó. Lấy ví dụ, nhược điểm của chúng ta là sân hận, chúng ta hay sân hay phẫn nộ, bây giờ người bạn, dầu người bạn đó là bạn tri kỷ là bạn tốt người tánh cũng nóng nảy cũng sân hận như mình thì hai người là lấy lửa đốt cho nhau, thì sự việc là như vậy. Lấy lửa đốt cho nhau có nghĩa là mình đang nổi cơn sân giận phừng phừng về việc gì đó mà lẽ ra người kia tìm cách làm nguội mình thì người này lại đổ dầu vào lửa. Chúng tôi nhớ rằng chúng tôi có quen với một cặp vợ chồng trung niên, và mỗi lần bà vợ có chuyện bất mãn với ai đó và chửi người đó thì ông chồng nhảy vào cũng chửi người đó cũng hung hăng với người đó, mà không phải là một lần mà nhiều lần như vậy thì khi chúng tôi thấy hình ảnh đó thì chúng tôi thấy rõ ràng là không biết ông chồng có thương người vợ điều gì nhưng rõ ràng là ông chồng đổ dầu vào lửa, bà vợ bất mãn người đó một nhưng ông chồng nói ra nói vô rồi bà vợ bất mãn tới hai ba thì thưa qúi vị đó thật sự không phải là sự thân cận tốt. 

Sự thân cận mà giúp cho chúng ta giảm thiểu nhược điểm của chúng ta là như vầy; mình là người có nhiều sự ham hố tham lam ham muốn cái gì đó mình gần một người ít có tâm tham thì người ít tâm tham đó họ là cái thắng điều chỉnh chúng ta. Chúng tôi nhớ là hồi chúng tôi mới về gặp Ngài Hoà Thượng Hộ Giác, chúng tôi có những cái tính như là nói nhanh, ăn nhanh, đi nhanh và làm việc gì cũng nhanh, thì chúng tôi ở với Ngài vài ba tháng thì Ngài có nhắc chúng tôi, Ngài nói mình nói nhanh có thể người ta nghe không rõ, mình ăn nhanh chưa chắc là mình ăn ngon và Ngài khuyên chúng tôi nên điều chỉnh cho chậm lại, thì về sau này chúng tôi mới thấy rằng những sự nhắc nhở của Ngài như vậy giúp cho chúng tôi nhiều. 

Thì như vậy, điều đó có nghĩa là nếu mình có một nhược điểm mà có người khác thấy được nhược điểm đó và chỉ cho chúng ta nhược điểm đó và giúp cho chúng ta điều chỉnh nhược điểm đó thì đó là tốt hơn là mình có nhược điểm mà mình đi tìm người khác có nhược điểm giống như vậy và người đó với mình kéo nhau xuống hố hết. 

Đức Phật Ngài dạy: nếu gặp người trí chỉ lỗi cho mình thì giống như là người chi kho báu mình nên thân cận với người đó. Nếu có một người nào đó họ chỉ cho mình kho báu, chỗ đó có kho vàng, chỗ đó có trầm hương, chỗ đó có vật qúi này nọ. Thì quả thật là nếu bậc trí chỉ cho mình thấy rằng bạn có nhược điểm như vậy nên điều chỉnh lại thì điều đó Đức Phật gọi là giống như người đó chỉ cho mình kho báu, mình nên hoan hỉ. 

Vì vậy khi mình nói đến chuyện thân cận bạn lành thì 

- Thứ nhất,  mình phải thấy rõ cái gì là nhược điểm, cái gì là ưu điểm, và nhược điểm nào cần được điều chỉnh, được loại bỏ, được giảm thiểu và ưu điểm nào cần được tăng trưởng. 

Con người chúng ta có điểm rất lạ là mình không thích bổ túc cái mà mình thiếu, nếu mình không thích bổ túc cái mình thiếu thì mình có vấn đề.

 Lấy ví dụ, những người hay lý luận hay học hỏi thì người đó có trí tuệ. Nhưng có nhiều người có trí tuệ mà không có đức tin thì cần gần những người có đức tin. Để chi vậy? Để mình có thêm thiện pháp.

 Chúng tôi thấy có một số vị có khuynh hướng như vầy là họ thích ngồi Thiền thích học Phật Pháp thì lại chê những người nấu ăn nấu bếp là những bà già trầu là những người đi chùa chỉ làm công quả. 

Nhưng chúng ta không thấy một điều là nếu chúng ta thích học Phật Pháp thích ngồi Thiền thì có thể là chúng ta thiên về Tuệ, chúng ta thiên về Niệm về Định nhưng đối với chúng ta là thiếu đức tin. 

Còn những người đi chùa làm công quả họ hy sinh thì họ có được đức tin và không chừng cái đức tin của họ bổ túc cho mình, mình cũng nên học hỏi.

Những bậc Thầy của chúng tôi như Ngài Tịnh Sự chẳng hạn, nói về trí tuệ thì Ngài là chủ về trí tuệ nhưng điều đó không có nghĩa là Ngài bỏ những phần đức tin, đời sống của Ngài, Ngài nhắc là nên tạo chùa tứ phương tăng rồi nên bố thí nên trì giới, Ngài nhấn mạnh về điểm đó, thì điều đó chúng tôi có thể tìm thấy ở Ngài một điều là Ngài muốn quân bình về đức tin. Thì qúi vị nhớ là chiếc xe chạy không phải chỉ có cái bánh hay cái hộp số hay là máy xe mà chiếc xe vận hành được là do nguyên một tổng thể gồm tất cả các cơ phận hợp lại.

 Đức Phật nhắc chúng ta rằng Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ đều cần được phát triển, cần được quân bình. Chúng ta có Niềm Tin rồi có NghịLlực, rồi chúng ta có sự Tỉnh Thức có Tập Trung rồi có Trí Tuệ có sự sáng suốt. Nhưng những điểm đó cũng đòi hỏi cái này nó đòi hỏi cái khác chứ không phải chỉ có một cái mà thôi. Do vậy một người khéo là người biết ai phải nên thân cận. Có một Phật tử ở chùa, cô này học không có nhiều và rất hoan hỉ làm phước nhưng về sau này chúng tôi khám phá ra cô có tính rất tốt đó là cô rất chịu khó nghe pháp. Có một vài lần cô  nghe pháp rồi cô về cô hỏi lại thì thật sự trong lòng chúng tôi rất hoan hỉ một điểm là một người sống với đức tin thường làm phước làm công quả mà chịu khó nghe pháp như vậy đó là cách bổ túc.

 Ở tại Mỹ có một hệ thống trường học, chúng tôi hy vọng một ngày nào đó hệ thống đó sẽ được đem về quê hương của chúng ta đó là Community College là Đại Học Cộng Đồng, trường học này bổ túc cho chúng ta những điểm thiếu. Thí dụ như người Việt Nam mới qua Mỹ có trình độ về toán về khoa học nhưng chúng ta thiếu về Anh ngữ thì vào trường đó họ dạy tiếng Anh bắt đầu từ đầu. Có những người họ  rất giỏi về nhân văn nhưng họ rất yếu kém về toán thì vào đó học bổ túc về toán. Họ không phải chỉ dạy bổ túc cho chúng ta biết sơ đẳng mà thậm chí giúp cho chúng ta thi vào đại học được. Thì sự bổ túc như vậy làm đẹp cuộc sống.
 Ở đây, chúng ta phải biết cân phân đây là ưu điểm, đây là khuyết điểm. Khi nói đến ưu điểm và khuyết điểm thì chúng ta cũng hiểu là ưu điểm thì cũng phải có quân bình về Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ, cả 5 đều cần được quân bình. Mình có cái này là tốt nhưng xem mình có cần thêm cái khác hay không. Và nói đến nhược điểm thì chúng ta nói rằng tham dục, sân hận, hôn thùy, hoài nghi, phóng dật chúng ta xem chúng ta nặng về cái nào và dựa trên điều đó chúng ta phải biết được người bạn nào thích hợp cho chính mình.

Trong Thanh Tịnh Đạo, chương thứ hai nói về Định, ở trong đó có nói 5 triền cái là 5 pháp ngăn ngại. Chúng ta thấy rõ là:
Nếu chúng ta muốn giảm thiểu tham dục thì chúng ta nên thân cận với bạn ít tham.
 Nếu chúng ta muốn giảm sân hận thì nên thân cận với bạn ít sân. 
Nếu chúng ta muốn giảm hôn thùy thì chúng ta nên thân cận với bạn tinh tấn ít có hôn thùy. 
Nếu chúng ta muốn giảm sự hoài nghi thì chúng ta nên thân cận với bạn ít hoài nghi. 
Nếu chúng ta muốn giảm thiểu sự phóng dật thì nên gần bạn ít phóng dật.
Và ngược lại, nếu chúng ta thiếu đức tin thì nên thân cận với bạn nhiều đức tin. 
Nếu chúng ta muốn có nhiều nghị lực  thì chúng ta phải thân cận với bạn nhiều nghị lực.

Ở đây, vấn đề mình biết bổ túc. Như bây giờ tại Mỹ họ có chương trình rất hay. Mình đi vào trong cuộc đời này làm việc không phải mình chỉ phô diễn chỉ phát huy sở trường của mình nhưng nếu mình có những cái yếu kém gì đó thì họ có những chương trình học bổ túc, thì sự giáo dục đó giúp cho chúng ta bổ túc những cái chúng ta yếu kém, như bổ túc văn hóa hay bổ túc kỹ năng hay là bổ túc cái gì đó, sự bổ túc đó giúp cho chúng ta khả dĩ quân bình giống như cái ghế 4 chân. Qúi vị tưởng tượng có một cái ghế mà chân cao chân thấp thì nó gập ghềnh chông chênh nó không có bằng phẳng không có vững vàng. 

Thì bây giờ, khi chúng ta tìm và thân cận với bạn lành ở trong khuynh hướng như vậy thì chúng ta cũng phải ý thức được một điểm là bạn lành thì khó kiếm mà bạn ác hay là bạn xấu thì nhiều. Có câu : "Thường những người đến không tốt những người tốt không đến". Những người thật sự tốt, họ bận rộn, những người tốt thì đa phần là họ ít có thời gian chạy ra ngoài lăn xăng.

 Chúng tôi có nghe và có chứng kiến một số trường hợp đôi lúc nó ở tình trạng báo động nhưng mà rồi chúng ta có rất ít khả năng làm chuyện gì để thay đổi, nó chỉ là sự cảnh báo thôi. Đó là ngày nay chúng tôi nghe những câu chuyện ở Việt Nam hay là ở Mỹ nhưng nhiều là ở VN. Có một số các vị xuất gia một số các vị tăng ni có tính la cà nhà Phật tử, tại vì sự la cà đó như là lân la đến nhà Phật tử để làm thân lâu rồi để tạo ra sợi giây liên hệ, giây liên hệ đó để nhờ giúp đỡ việc này giúp đỡ việc khác và những người Phật tử đa số họ thích những vị tăng mà hay  la cà như vậy. Tại vì sao? Tại vì họ cảm thấy là những vị đó gần gủi  là mình quan trọng, cảm thấy mình dễ đến gần với những vị đó. Nhưng thưa, nó tạo ra nhiều phức tạp. 

Qúi vị cứ tưởng tượng một vị tu sĩ không có tu tập không có phục vụ mà cứ có thì giờ rảnh rang để đến nhà Phật tử từ sáng đến chiều, từ ngày này qua ngày khác thì không sớm thì muộn nó cũng có vấn đề phức tạp. Nhưng Phật tử thì không ý thức những chuyện đó. Ở tại các quốc gia Phật giáo thì người ta ý thức chuyện đó, những nhà sư như vậy người ta không hoan hỉ nhưng người VN thì lại thích những nhà Sư như vậy thì không trách chi chúng ta tạo nên những trường hợp phức tạp ở trong cộng đồng Phật giáo. 

Qúi vị nhớ một điều, một người làm cho mình thích một người mang lại sự thoải mái cho mình không nhất thiết là người đó là một người bạn tốt. Con người của chúng ta ngày hôm nay nhân danh rất nhiều thứ nhu cầu: như là mình cô đơn quá, mình cần có người nói chuyện, như là mình muốn có ai để thố lộ tâm sự, mình cần có người lắng nghe nhưng mà những thứ đó không tạo ra người bạn tốt. 

Bạn tốt đôi khi như tìm ngọc ở trong đá, chúng ta phải đi tìm một cách gian khổ và tiếp tục tìm cho đến ngày nào đó thật sự mình tìm một người mà mình hiểu rằng đây là người mình có thể nương nhờ được. Chuyện đó không có dễ. 

Đời sống càng ngày khiến người ta sống hai mặt và chúng ta rất khó biết được ai là người có bản lãnh thật sự, ai là người có nghị lực thật sự, ai là người có sự hiểu biết thật sự. 

Và chúng ta không hiểu một điều còn tệ hơn nữa là chúng ta dựa trên cái nhìn rất giới hạn của mình để đánh giá tất cả. Một người không giỏi về hột xoàn kim cương mà đánh giá hột xoàn kim cương thì rất là nguy hiểm. Một người không biết thế nào là thiện thế nào là bất thiện mà đánh giá thế nào là bạn tốt thế nào là bạn xấu thì rất là nguy hiểm. Tại vì sao? Tại vì chúng ta thật sự không hiểu. Chúng tôi nghe những người VN nói chuyện, đôi khi các vị chưa hành thiền một ngày mà đi sang Miến Điện nghe người này đồn người kia đồn rồi đánh giá vị thiền sư này thế này vị thiền sư kia thế kia, thật ra không có đơn giản chút nào.

 Khi chúng tôi ở miền quê chúng tôi nhớ có những người rất giỏi để nhận diện trái cây, người ta có thể búng vào trái dừa và khi họ búng vào trái dừa thì họ có thể biết được là đó là dừa mới đóng cháo, hay dừa nạo hay dừa cứng cại hay dừa khô, muốn biết dừa khô thì dễ, nhưng dừa vừa đóng cháo hay dừa nạo hay dừa cứng cại thì phải quen lắm búng mới nghe, có những người họ rất giỏi về điểm này, rất giỏi. Nhưng để tìm người giỏi đó không phải là dễ. Chúng tôi thấy có nhiều người thấy người ta búng mình cũng búng nhưng người ta búng người ta nhận ra đây là trái dừa nước ngon nước ngọt có cháo có thể ăn được, có những người họ búng mà họ làm cũng trật như thường. 

Có những người họ ghiền coi bói, thấy ai coi bói họ cũng nhờ coi. Chúng tôi phải nói rằng một trăm ông thầy bói thì hoạ hoằn lắm mới có một người tương đối có trình độ về tử vi, đa phần chỉ là lợi khẩu mà thôi, họ có cái miệng dẻo nói vậy thôi chứ thật sự không giỏi về bói nhưng họ nói làm cho người khác tin thì điều đó cho chúng ta thấy rằng sự hiểu biết khả năng lựa chọn sự đánh giá của chúng ta rất là hạn chế. Khi chúng ta nói rằng ai là người mình nên thân cận, ai là người không nên thân cận nhưng chúng ta nên hiểu là tìm được một người bạn lành, tìm được một người chúng ta có thể nương tựa được, tìm được một người mà họ thật sự có chân tài, tìm một người thật sự có đức độ thì như tìm ngọc ở trong đá. Chúng ta phải tự nhắc mình về điểm đó.

Đạt đến mức độ tinh tế để mà nhận diện đúng mức không phải ai cũng nhận diện được điều đó, đa phần chúng ta rất là hời hợt.

Điểm sau cùng chúng tôi muốn nói, ở trong Trung Bộ Kinh Đức Phật có dạy nếu chúng ta ở gần một người nào mà thấy rằng do mình ở gần người đó bất thiện pháp sanh khởi thì nên bỏ nên rời xa nơi đó càng sớm càng tốt, kể cả lúc nửa đêm cũng bỏ đi. Nhưng nếu chúng ta ở gần một người nào mà chúng ta thấy rằng thiện pháp tăng trưởng dầu người đó có la rày có trách móc dầu người đó có khiển trách chúng ta đi nữa thì chúng ta cũng nên cố gắng ở lại. 

Ông bà chúng ta nói "Ngọt mật chết ruồi, thuốc đắng đã tật". Những người nói tốt cho chúng ta những người thật sự lợi ích cho chúng ta thường là những người không có mưu đồ, những người đó không vuốt ve lòng tự ái chúng ta, những người đó không xu nịnh chúng ta thì chúng ta lại không thích. Chúng ta thích  những người nào làm cho chúng ta thoải mãn tự ái, làm cho chúng ta cảm thấy là mình quan trọng, ở gần những người đó thường là những người đó không giúp cho chúng ta được nhiều lắm. 

Do vậy Đức Phật dạy: dù ở gần một vị thầy khó nhưng mình được tiến bộ thì mình cũng nên. Nhưng nếu một người mình cảm thấy rất vui rất thoải mái khi ở gần mà chúng ta lui sụp thì chúng ta không nên. Đây là vấn đề sự lựa chọn khôn ngoan của chúng ta trong đời sống. Có những lần chúng tôi đi Á Châu ở đó có những phiên chợ đêm, người ta bán đủ thứ thượng vàng hạ cám và khi họ bán như vậy thi có những người bán hàng rất giỏi. Những người bán hàng rất giỏi không có nghĩa là mặt hàng họ bán là tốt, có những người họ rất chân chất lời chào hàng không khéo nhưng không nhất thiết là cái họ bán là dở. Nếu chúng ta chỉ muốn nghe lời ngon tiếng ngọt thì chúng ta đi chợ trời chỉ có mà chết, bởi vì chúng ta dễ bị dụ dỗ. 

Một người đi giữa chợ đời, còn cực hơn là chúng ta đi tìm một món đồ có giá trị ở trong một phiên chợ đêm. Nhưng phiên chợ đêm trời đã tối ở chung quanh có bao nhiêu người mà đồ chợ trời thì thật ra khó tìm một món nếu như nó thật sự là tốt. Nhưng điều đó vẫn còn dễ hơn là tìm một người bạn tốt ở giữa cuộc đời này. 
Dù muốn dù không đi nữa thì chúng ta phải nhìn nhận rằng những người gần chúng ta ảnh hưởng chúng ta rất nhiều, nhiều đến đỗi chúng ta không ngờ được. Chúng tôi nhớ là ngày xưa khi Sư Giác Nguyên sang Houston, Sư Giác Nguyên ở chùa một thời gian rất ngắn mà chúng tôi nghe nhiều người đã bắt đầu thay đổi giọng nói, khi họ nói chuyện họ hay nói "má nhìn không ra" cái thành ngữ "má nhìn không ra" trước kia ở trong chùa chúng tôi không nghe ai nói, chỉ khi Sư Giác Nguyên nói trong thời gian ở trong chùa thì người ta bắt đầu sài cái đó nhiều. Thì ở đây chúng ta dễ dàng nhận thấy cái ảnh hưởng của người khác.

 Đối với cuộc sống của chúng ta, chúng ta nên ý thức và chính vì cái ý thức đó làm cho chúng ta phải cân nhắc hơn bao giờ hết khi chúng ta thường qua lại, thường tiếp xúc, thường trao đổi với một người nào đó. Câu nói: "tri âm khó tìm" nhưng chúng ta phải nói rằng ở đây không phải vấn đề tri âm không một người bạn tốt rất là khó tìm, khi tìm được cũng khó được thân cận, khi thân cận cũng rất là khó để chúng ta chấp nhận sự xây dựng của người đó. Và ai là người vượt qua cửa ải đó thì người đó sẽ có thành tựu lớn ./.