Saturday, September 22, 2018

Tri Túc - TT Giác Đẳng

Kinh Tăng Chi Bộ - Anguttara Nikaya - Chương 6 -  XI. Phẩm Ba Pháp
(VIII) (114) Tri Túc

Bài học giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 11 tháng 9, 2017.

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Bài kinh hôm nay cũng giống một số các bài kinh vừa qua rất ngắn gọn nhưng chứa đựng những triết lý thâm sâu của cuộc sống. Đây là những gì liên hệ đến đời sống hàng ngày tạo cho chúng ta một cái nhìn nhân sinh quan về cuộc sống, cái nhìn này ảnh hưởng toàn bộ cuộc sống của chúng ta và riêng đối với một vị Tỳ Kheo, một người tu tập điều này lại ảnh hưởng rất lớn, đời sống của chúng ta có thay đổi là dựa trên cái nhìn này. Thật ra, một lãnh vực phiền não sanh khởi rất nhiều đó là sự hưởng dục những nhu yếu của đời sống. 

Trong danh từ của xã hội ngày hôm nay người ta gọi là tiêu thụ. Mình hưởng dục như thế nào để được an lạc không thái quá thì gọi đó là một cách sống phải chăng, và nếu nói cho hoa mỹ đó là một nghệ thuật sống. Không ai trong chúng ta phủ nhận thời đại ngày hôm nay là thời đại chúng ta có rất nhiều. Chúng tôi nhớ hơn 40 năm về trước lúc TT Tuệ Siêu và chúng tôi vào chùa tu một bộ y rất là qúi, lúc bấy giờ vải mắc, thuốc nhuộm cũng mắc, có một bộ y cho đàng hoàng là cả một vấn đề chứ không dễ dàng, lúc đó chúng tôi là sadi và thường khi người lớn mặc y có dư hoặc y cũ cho thì mừng, ngày hôm nay thì có rất nhiều, y áo rất dễ dàng để tìm kiếm. 

Thực phẩm cũng vậy, có một thời gian nào đó chúng ta thường tìm kiếm gì ăn cho bổ, càng có nhiều thức ăn thì càng bổ, bây giờ thì chúng ta đi vào một giai kỳ mới mà ở trong thời gian này mình thấy rõ ràng là một chứng bịnh xảy ra ở nhiều quốc gia là bịnh béo phì, người ta đưa ra những phương pháp để giảm cân. Đó là một hiện tượng của thời đại. Nhưng cho dù những điều đó có tánh cách giai đoạn lúc thiếu thốn lúc dư giả thì có những bí quyết của cuộc sống mang lại sự an lạc cho cuộc sống và tất cả chúng ta đều có thể tìm thấy lợi lạc nếu chúng ta áp dụng.

1 - Pháp không có tri túc - asantuṭṭhitā

Trong bài kinh này Pháp thứ nhất là Đức Thế Tôn dạy cho chúng ta là Pháp không có tri túc.
Không có tri túc nghĩa là không bằng lòng cái mình có. Lấy ví dụ, ngày hôm nay chúng ta đi chơi đâu đó trước khi đi đã chuẩn bị một số thức ăn mang theo và khi chúng ta đến nơi mở ra ăn chúng ta thấy không có vui lắm tại vì nó thiếu món này thiếu món kia, đôi khi chúng ta vừa ăn vừa nói "Phải chi mình có cái này, phải chi mình có cái kia mới ngon."

Thật ra những điều đó mang tánh so đo, mặc dầu bữa ăn không tệ và chúng ta ngồi giữa đường có chừng đó thức ăn nhưng chúng ta vẫn so sánh lúc ở nhà hay lúc ăn ở nhà hàng và sự so sánh này làm cho mình cảm thấy thiếu, làm cảm thấy không được hoan hỉ, thì ngay đó chúng ta nhận ra mặt mũi của sự không tri túc.

Để đối trị lại pháp không tri túc, đơn giản đó là chúng ta tu hành tri túc. Bí quyết của tu hành tri túc là bằng lòng cái mình có. Đầu tiên chúng ta cần ý thức, ý thức rất rõ và ý thức khẳng định nếu để đòi hỏi thì không biết bao nhiêu là đủ. Ví dụ, mình đang kẹt tiền bây giờ có tiền mình giải quyết chuyện đó thì mình sẽ vui, nhưng có tiền rồi mình cũng không vui, phải chi mình dư giả một ít, có dư giả rồi thì mình cũng chưa vui, mình lại muốn giàu lên một chút rồi phải giàu nhiều mình mới vui.

Tôn Giả Ratthapala nói: "Thế giới là khiếm khuyết nô lệ cho tham ái" . Ở đây cũng một cách nói khác của không tri túc là: "bao nhiêu cũng không đủ" cái bao nhiêu cũng không đủ xảy ra nhan nhãn ở trong đời sống, một đứa con được cha mẹ nuông chiều, cha mẹ đầu tắt mặt tối để mua cho con quần áo đẹp, mua máy móc xe cộ nhưng đứa con không bao giờ thấy thoả mãn vẫn tiếp tục thấy mình thua kém bạn bè, thì đó gọi là không đủ. Mình đang đi trên một chuyến hành trình trong cuộc hành trình này cái gì mình có mang theo cũng không tệ nhưng dĩ nhiên không được khá hoàn toàn thì thay vì mình vui với cái gì có mình cứ cảm thấy trong lòng không thoải mái phải chi mình có cái này phải chi mình có cái kia. Và khi mình có ý thức được bao nhiêu thì cũng không đủ, biết đủ thì đủ mà chờ đủ thì không biết chừng nào đủ, như câu nói người xưa "Tri túc tiện túc hà thời túc". 

Chúng ta đưa tâm tư mình về với trạng thái vừa lòng thoả mãn, bằng lòng với cái gì đang có, vui với cái gì mình đang có, điều đó cho chúng ta một thứ hạnh phúc gọi là hạnh phúc trong hiện tại. 

Thật ra, nếu nghĩ cho kỹ, một người không tri túc là thường dựa trên hai thái độ một là so sánh với quá khứ, hai là mơ mộng tương lai. Ở trong quá khứ mình đã từng ăn từng mặc như vậy, mình đã ăn những thức ăn rất ngon với đầy đủ gia vị bây giờ ăn thiếu một chút mình cảm thấy không vui, mình không bằng lòng với chuyện đó. Mơ mộng về tương lai là nghĩ rằng mình đi đâu đó có cái này có cái kia thì nhất, đó là về tương lai. Quá khứ và tương lai, một cái đã qua một cái chưa tới nó không phải là thực tại, thực tại là cái gì đang có trước mặt và nếu mình bằng lòng với cái đang có, vui với cái đang có thì chúng ta thực sự là sống với hiện tại. 

Do vậy, một người sống tri túc đôi khi bị hiểu lầm là một người sống cầu an, an phận thủ thường. Khi nói an phận thủ thường thì bị chỉ trích là người không biết phấn đấu. Phấn đấu là một chuyện khác nhưng bí quyết để bằng lòng với cái mình đang có, vui với cái mình đang có, lại là một chuyện khác, hai cái đó khác xa. 

Chúng ta vẫn có thể phấn đấu nhưng nếu chúng ta khéo thì vui với cái mình đang có. Lấy ví dụ là sáng hôm nay chúng tôi đi ra lễ tháp Xá Lợi, trong lòng có hai niềm vui, niềm vui thứ nhất là tối qua bão vào Tampa, Florida. Sáng nay nói chuyện với Sư Trí Tịnh được biết mọi việc ở đó bình yên. Năm nay chúng tôi và Sư Trí Tịnh ở hai nơi giữa hai cơn bão là bão Harvey và bão Irma bão nào cũng lớn nhưng bão đi qua bình yên thì tốt rồi.  Và thứ hai chúng tôi ra tháp vào một ngày đẹp mát mẻ, nhìn lên bảo tháp thấy trong lòng hoan hỉ, thì đó cũng là một niềm an lạc. Nếu mình không ý thức được niềm an lạc đó, không sống với giờ phút an lạc đó mình cứ nghĩ làm việc này được cái kia được cái nọ nghĩ xa xôi thì chuyện mình nghĩ cũng chẳng tội vạ gì nhưng nếu suy nghĩ về tương lai nhiều quá hay mình nhớ tiếc quá khứ nhiều quá mình đánh rơi giờ phút hiện tại thì đúng là sự thiệt thòi. Món ăn có trước mặt không chịu ăn cứ ngồi nhớ hồi trước mình đã ăn những món ăn ngon hay ở trong tương lai mình sẽ tìm thức ăn ngon hơn như vậy, do mình nghĩ quá nhiều về quá khứ hay mình ảo tưởng quá nhiều về tương lai thì mình đánh mất hiện tại, hiện tại là cái gì mình có.

 Đời sống tri túc ngoài ý nghĩa bằng lòng còn ý nghĩa sống trong hiện tại, sự bằng lòng đó dựa trên ý thức rất rõ là muốn bao nhiêu cũng không đủ bao nhiêu cũng không hài lòng, và không bao giờ biết đủ. Cuộc sống con người mình có giàu bao nhiêu cũng không đủ, có danh bao nhiêu cũng không đủ, có tài bao nhiêu cũng không đủ, tại vì bản chất của nó là như vậy. Mình nên thật sự cảm kích cái gì cuộc đời cho mình. 

Chúng ta thấy một ý nghĩa khác từ sự tri túc đó là mình tri túc thì mình biết ơn, không tri túc thì mình sống vô ơn. Một người sống không tri túc cứ nghĩ người ta phải làm cho mình một ơn huệ rất lớn thì mình mới cảm kích nhưng khi mình biết tri túc người ta cho mình một bữa cơm, một ly nước, một nụ cười thân tình, một vài giây phút đầm ấm thì cũng quá đủ để mình cảm kích, và khi mình cảm kích như vậy là mình cũng sống hạnh phúc trong giờ phút đó. Nhiều khi đời sống con người không tri túc người ta có cho mình một bữa ăn ngon đi nữa, cho mình những giây phút thân tình đi nữa thì mình ngồi đó mơ tưởng xa xôi cũng không cảm thấy an lạc phút đó, mình không thể sống kết nối với thực tại sống hiện hữu trong hiện tại, 

Cái gì rất là khó hiểu ở trong Phật Pháp khi đề cập đến tri túc hay đời sống trong hiện tại, người không tri túc thì khó mà cảm kích, khó cảm kích thì khó mà biết ơn, bởi vì khi mình biết ơn người nào thì thật sự mình phải nhìn ra cái giá trị người đó họ làm gì cho mình. Chúng tôi lấy ví dụ là có những người Phật tử không phải máu mủ ruột thịt gì khi mình đến thăm nhà qúi vị đó qúi vị cho một bữa cơm với tất cả thân tình. Có những người rất là bận rộn họ bỏ thì giờ đến chùa để nấu bữa cơm cho Chư Tăng, không cần biết bữa cơm đó nhiều hay ít, ngon hay dở, món mặn hay món lạt nhưng điều quan trọng là nếu họ đã làm cho mình như vậy mà mình không đủ khả năng để cảm kích thì thật sự mình khó chìu chuộng, thật sự mình rất khó nuôi, và thật sự điều mình thiếu sự cảm kích gọi là vô ơn. 

Thì như vậy đời sống tri túc ảnh hưởng chúng ta rất nhiều phương diện chứ không đơn giản là mình vui hay không vui với hiện tại, sống trong hiện tại nó cũng là một biểu thị của hạnh tri túc. Biết cảm kích cái mình đã có, biết ơn với người cho mình cũng là tri túc. Và đặc biệt là mình nên biết một lý lẽ căn bản của Phật Pháp là tâm mình luôn luôn sống với khát ái (tanha) và nếu không khéo mình quên đi rằng mình cho nó bao nhiêu chiều nó bao nhiêu cũng không đủ. Nói một cách khác, trong cái nhìn của người tu Phật thì tâm mình giống một đứa con nít nó đòi hoài, những đứa con nít đòi mình cho mà nó không mãn nguyện, mình cho cái này nó đòi cái khác. Thành ra khi mình vào sự tu tập một ý thức rất quan trọng trong cuộc sống là tâm của mình, sự đòi hỏi của mình, mình đòi hỏi bao nhiêu cũng không đủ.

  Chúng tôi hồi đến chùa Wat Pah Nanachat thấy một tấm bản ghi dòng chữ của Ngài Ajahn Sumedho đóng trên con đường đi: "individual desires it is not a problem - những ham muốn cá nhân nó không phải là vấn đề", ý muốn nói con người mình luôn luôn tạo ra nhiều vấn đề những vấn đề đó từ sự đòi hỏi ham muốn cá nhân, một khi bắt đầu vào cuộc tu tập thì mình phải coi ham muốn là một chứng bịnh chứ không phải là vấn đề giải quyết. Một đứa con hư mình phải nhìn thẳng vào mặt nó nói "như vậy là đủ rồi" chứ không chìu chuộng nó, mình cứ chìu chuộng nó hoài thì nó không bao giờ hết tại nó là như vậy, bản chất của nó là không bao giờ mình làm cái gì cho nó thoả mãn hết, thì tâm của mình cũng vậy. 

Thậm chí Đức Phật Ngài dạy: "dù cho mưa bạc mưa vàng cũng không làm cho lòng tham được thỏa mãn". Mình ngồi đó như vua Chuyển Luân Vương hay là người có phước vỗ tay vàng rơi xuống mình cũng không hạnh phúc được nếu tâm mình đòi hỏi hoài, đời sống của mình có biết bao nhiêu thứ, lòng tử tế cuộc đời dành cho mình, đời sống mình cơm ăn áo mặc và nhiều thứ nhưng không có gì làm cho mình bằng lòng thì thật sự mình phải thấy rằng đó là vấn đề của mình, đó là việc của mình phải giải quyết, đó là nội tâm của mình chứ không phải mình chạy đi chỗ này chỗ kia tìm cái này cái khác. Điều quan trọng khi tu hành tri túc là mình thấy được không biết bao nhiêu là đủ. 

2. Không tỉnh thức.- asampajaññaṃ.

Không tỉnh thức - asampajaññaṃ được ví dụ như lúc đang lái xe mình lo nói điện thoại, hoặc text message hay uống rượu bị say, trong khi đang xử dụng xe chạy với tốc độ nhanh đòi hỏi mình phải tỉnh táo biết vận tốc trên đường cho bao nhiêu, chỗ nào cần phải giảm tốc độ, ngó chừng trước mặt sau lưng chung quanh mình có xe hay không. Ai lái xe cũng hiểu một điều là thiếu sự tỉnh táo, thiếu sự cảnh giác, thiếu sự nhận biết rõ ràng cái gì xảy ra chung quanh mình thì điều đó tạo nên nguy hiểm. Một người say rượu lái xe đến ngã tư đèn xanh đèn đỏ vì say rượu nên không chú ý đèn đỏ họ sẽ vượt qua và tạo ra tai nạn. Điều đó cũng tương tự với một người lái xe đến đèn xanh đèn đỏ lo text message cũng sẽ gây ra tai nạn. Tiểu bang Texas  đã bắt đầu áp dụng luật phạt rất nặng những người đang lái xe mà text massage. Ngày nay text massage là một cách liên hệ giao lưu với mọi người, chúng ta nhớ một điều chúng ta có thể chờ đợi được, nhưng nếu chuyện gấp quá thì hãy tấp vào ven đường mà text massage chứ đừng vừa chạy vừa text.

Ở đây cho chúng ta thấy lái xe thì đòi hỏi sự tỉnh táo, đang lái xe mà lo làm chuyện khác mình không tỉnh táo rất dễ gây nguy hiểm. Chuyện đó tương tự trong đời sống của chúng ta. Ở trong cuộc sống của chúng ta chỉ thiếu tỉnh táo một chút thôi là mình không biết nhân không biết quả, không biết người không biết ta, không biết thời nào để làm gì cho thích hợp với đám đông đó ra sao, không biết chừng mực độ lượng thì chúng ta sẽ rơi vào nhiều vấn đề, mình nói nhiều quá một cách không cần thiết, mình nói nặng lời sau này mình phải hối hận, mình làm nhiều việc là do cái mình không tỉnh táo. 

Đối với Phật Pháp, sampajaññaṃ là sự tỉnh táo thường đi với sati là chánh niệm, chánh niệm là đem sự chú ý trở về với giờ phút hiện tại tức là không nghĩ vẩn vơ, đầu óc nghĩ vẩn vơ là bịnh muôn thuở của chúng sanh trong đời này, tất cả chúng ta đều bị như vậy, chúng ta thường bị chi phối bởi việc này và việc khác nhưng chúng ta quên rằng cho dù có nhiều việc phải lo, có nhiều việc phải nghĩ, nhưng đem sự chú ý trở về với giây phút này ở đây và bây giờ luôn luôn cho chúng ta phần thưởng rất lớn là có được sự tỉnh táo. 

Một người lính gác ở lô cốt không có tỉnh táo giặc dễ vào thành, một kỹ sư đang điều khiển toa xe lửa không tỉnh táo thì nguyên con tàu xảy ra tai nạn, một người tài xế lái xe không tỉnh táo thì đại họa đang chờ. Nhưng đời sống chúng ta không tỉnh táo thì chúng ta tạo ra rất nhiều sở hành bất thiện. 

Thật ra, người ta hay nói nhiều về bí quyết của cuộc sống nhưng bí quyết lớn nhất Đức Phật dạy chúng ta là đem sự chú ý trở về lại với giây phút hiện tại và do sự chú ý gọi là chánh niệm thì chúng ta có được tỉnh giác là biết rõ, biết rõ mình đang làm gì, biết rõ mình đang nói gì, biết rõ mình đang suy nghĩ gì, đời sống của một vị xuất gia hay một vị tu tập hay bất cứ hành giả nào mà quá bận rộn lo việc này việc kia quên đi sự tỉnh giác trong đời sống hiện tại thì Đức Phật Ngài không tán thán, điều Đức Phật Ngài thật sự tán thán là một người sống có tỉnh táo có tỉnh giác, và Ngài thường dạy rằng chánh niệm tỉnh giác là một ở trong những pháp có rất nhiều tác dụng có rất nhiều lợi lạc cho chúng ta. 

Khi Đức Phật còn tại thế và cho đến mãi về sau này trong nền văn hóa của Phật Giáo điểm quan trọng vẫn là làm thế nào tâm tư của chúng ta không có vì lý do này hay vì lý do khác mà thiếu đi sự tỉnh táo, thiếu đi sự tỉnh giác đối với hiện tại, đối với thân và tâm của mình, đối với sở hành tức là thân khẩu ý và đối với những gì chúng ta đang theo đuổi đang hướng tâm, tại vì sao vậy, tại vì cả những thứ đó nếu thiếu tỉnh táo nó đều dễ dàng gây ra họa  giống như người lái xe không tỉnh táo. Ở bên Mỹ người ta khuyên mình cho dù mình gấp đi nữa nhưng đừng lái ẩu lái nhanh tại vì lái ẩu bị cảnh sát chận lại sẽ làm chuyến đi của mình chậm hơn, khi buồn ngủ thì người ta cũng khuyên mình nên ghé vào chỗ nào đó như cây xăng hay rest area chợp mắt mươi phút lấy lại sự tỉnh táo để tiếp tục lái, những lời khuyên đó là những lời khuyên rất tốt luôn luôn giúp chúng ta thấy rằng phải lấy lại sự tỉnh táo, có được sự tỉnh táo chúng ta đi tiếp.

Hồi xưa khi chúng tôi về với Ngài HT Hộ Giác, mỗi khi chúng tôi gặp khó khăn Ngài hay nhắc là bỏ thì giờ nhiều để tụng kinh, bỏ thì giờ nhiều giữ tâm cho bình tỉnh lại, gặp những khó khăn mà tâm không bình tỉnh làm đời sống bị hỗn loạn thì có vấn đề là mình chuốt lấy cái họa trước. Đó là kinh nghiệm sống cả đời, kinh nghiệm đó rất là quan trọng, ở trong bất cứ hoàn cảnh nào thuận cũng như nghịch tâm của mình phải giữ tỉnh táo thì tương đối đỡ khổ, mình đỡ tạo ra tai họa, còn mình không tỉnh táo thì mình cứ lao đầu đi theo cơn lốc và mình đi đâu về đâu mình không biết được. 

Lúc chúng tôi sang ở với Ngài Ajahn Jayasaro, chúng tôi nhớ Ngài dùng chữ drifting nghĩa là trôi dạt, cái tâm trôi dạt là tâm không có tỉnh thức là nó đi theo sự đẩy đưa của cuộc sống, cuộc sống kéo mình về bên này kéo mình về bên kia làm mình trôi dạt. Ngài nói rằng một người tu tập mà để tâm mình trôi dạt thì trước nhất đó là một sự thất bại vì không tự chủ được không có chủ kiến được và đặc biệt không có sự tỉnh thức, không có sự tỉnh táo. Không có sự tỉnh thức bởi vì mình trôi dạt thì như vậy mình đánh hỏng tất cả từ bữa ăn của đàn tín, từ nỗ lực mình vào trong trường thiền tu, thành ra mình phải thắp sáng khả năng tỉnh thức. Chúng tôi nghĩ đó là những lời dạy rất là lợi lạc ở trong đời sống.

3. Pháp thứ ba ở đây chúng ta nói về đa dục và thiểu dục - .mahicchatā.

Đa dục và thiểu dục ở đây được hiểu là coi chừng ý muốn của mình, tâm của chúng ta thường muốn nhiều, muốn cái tốt nhất và muốn được phần mình. Thí dụ, đời sống con người mình có yêu cầu rất cao, ăn phải như vậy, ở phải như vậy, sinh hoạt phải như vậy, muốn cái gì thì muốn cái tốt nhất, muốn cái gì cũng muốn nhiều nhất. Thì những cái nhất đó thật ra nó là ý niệm mang tánh cách là tương đối, vì ở trên đời này không có cái gì gọi là nhất. Nhưng bởi vì yêu cầu cao quá, đòi hỏi nhiều quá làm cho đời sống chúng ta rộn ràng, làm đời sống mình phiền những người chung quanh mình. Mình sống với người nào mà họ luôn luôn có quá nhiều đòi hỏi, quá nhiều yêu sách thì nó hơi làm nóng nảy, ở gần người đó là sự bất hạnh, bởi vì người đó tự làm khổ họ và làm khổ những người chung quanh. Vì vậy một trong những thái độ sống Đức Phật dạy là chấp nhận cái tương đối đừng đòi hỏi nhiều quá đừng biến đời sống mình thành gánh nặng cho mình và gánh nặng cho người khác. Ở trong chúng ta thì thấy rất rõ ràng, cái gì mình có mình đều phải trả giá cho nó, mình có càng nhiều thì mình càng khổ vì nếu mình trả giá không đầy đủ mình không có được điều đó. 

Cái muốn được nó lại dẫn chúng ta đến một thái cực khác, đó là luôn luôn đuổi bắt và không bao giờ ngừng kiếm, cuộc sống tốt là chúng ta làm lành làm hòa với bản thân của mình nếu mà mình sống muốn quá nhiều, đòi hỏi quá nhiều thì có nghĩa là mình đặt điều kiện khó khăn với chính mình, phải có chừng đó thì mình mới hạnh phúc, phải có nhiều như vậy mình mới vui, phải đạt đến mức độ đó thì mình mới thỏa mãn thì chúng ta chưa làm khổ người khác chúng ta đã làm khổ mình, nụ cười của chúng ta sẽ không trọn vẹn, mình đi ngủ trong sự trằn trọc và đời sống lúc nào cũng tất bật. Thiểu dục là một nghệ thuật sống chúng ta đôi khi từ bỏ nó tại vì chúng ta quen sống với những yêu cầu rất cao muốn rất nhiều, nhưng bí quyết chính của đời sống là bất toại.

Một ví dụ chúng ta dễ tìm thấy là ngày Bát Quan Trai Giới, thật ra Bát Quan Trai Giới có khác với Ngũ Giới là Bát Quan Trai Giới là tiết chế sự ham muốn của các giác quan, dù là thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, thị giác xúc giác. 
Thị giác là mình không xem múa hát, 
Thính giác là mình không nghe âm nhạc,
 Khưú giác là mình không xử dụng nước hoa dầu thơm,
 Vị giác là mình không ăn phi thời,
 Xúc giác là mình không tiếp xúc nhục dục hay là không nằm ngồi chỗ cao sang. 

Khi mình giảm bớt những thứ đó thì có một thứ hạnh phúc mà mình không bao giờ biết, đó là hạnh phúc thiểu dục. Chúng ta thường nghĩ mình hưởng càng nhiều thì mình càng hạnh phúc, nhưng thật ra khi có tu tập Bát Quan Trai hay có đời sống nhẹ nhàng rồi thì mới thấy ở trong cái nhẹ nhàng đó quả thật cho mình hạnh phúc, mình thử dành cho bản thân của mình có những giờ phút sống trong một căn phòng trống trải có những giờ phút sống trong không gian yên tĩnh, sống cho mình những giờ phút đi bộ chầm chậm ở trên con đường trong công viên hay trong rừng, những lúc đó mình thật sự rất đơn giản chỉ chú vào bước đi không ồn ào không nặng về sắc thinh khí vị xúc, mà trong cái đơn giản, ở trong cái tịch mịch, ở trong cái an tịnh đó, tâm của mình không bị chi phối nhiều, không bị phiền não nhiều, không bị áp lực bởi đòi hỏi nhiều thì lúc đó mình mới thấy an lạc, đây là hạnh phúc của sự thiểu dục.

Điều này là một bí quyết sống hầu hết ngay cả tôn giáo người ta thường dạy chúng ta phải muốn nhiều nhưng riêng trong Phật Pháp Đức Phật Ngài dạy rất rõ là muốn nhiều chỉ làm khổ bản thân, và đời sống thiểu dục đời sống đơn giản đời sống an tịnh lại cho mình hưởng hương vị dễ có dễ tìm. Ở trong truyền thống phạm hạnh ngày xưa thời Đức Phật còn tại thế cũng như thời khi Ngài còn là Bồ Tát nhiều đời nhiều kiếp một hạnh mình thường thấy đó là hạnh Nekkhamma là xuất gia từ bỏ gia đình, sống đời sống không gia đình, sống đời sống nhẹ nhàng, sống đời sống tri túc thiểu dục, bởi vì đời sống thiểu dục đó khiến cho con người mình dễ nuôi. Tương tự như qúi Phật tử nào đó có một người cháu ở xa đến nhà qúi vị muốn nuôi cho đi học nhưng đứa cháu này nhiều nhu cầu quá nuôi không nổi, nhưng nếu nó  đơn giản không đòi hỏi mình sẽ cảm thấy thoải mái. Con người mình sống mà làm gánh nặng cho người khác thì điều đó không thoải mái lắm, cái thoải mái nhất của con người mình là trong cái giản dị mình làm được, trong cái đơn giản mình sống cho vui và mình có thì giờ để không làm gánh nặng cho  người khác.

Thì như vậy ba pháp này ba pháp mà Đức Phật dạy chúng ta là:

-  không có tri túc, không có tỉnh giác, đa dục đem lại cho chúng ta nhiều phiền phức cho mình và cho những người chung quanh mình.

-  Nhưng ngược lại đời sống chi túc đời sống tỉnh giác và đời sống thiểu dục cho chúng ta một sự an lạc và cho chúng ta nắm được thực tại đưa tâm tư trở về giờ phút này thay vì tưởng tiếc quá khứ và mơ mộng quá nhiều về tương lai./.