Monday, March 31, 2014

Giảm thiểu tham dục như thế nào?

Hỏi: Giảm thiểu tham dục như thế nào?

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 12-3-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Hàng ngày chúng ta nghe được nhiều tin tức nói về những con người vì họ quá tham một cái gì đó mà dẫn đến chỗ ngoại vong, dẫn đến chỗ thân bại danh liệt, dẫn đến chỗ rất là bi đát ở chung cuộc đoạn đời của họ, tại vì họ có quá nhiều sự tham lam. Đó là hình ảnh lớn để chúng ta nghiệm thấy rằng cái tham nếu chúng ta không có hiểu và không kềm chế thì nó dẫn chúng ta đến những cuộc phiêu lưu rất nguy hiểm cho cuộc sống.

Chúng ta cũng có một phạm trù khác để nói về tham, đó là, ở trong cuộc sống này cái gì chúng ta dính mắc, cái gì mà chúng ta bị ràng buộc nhiều thì cái đó là khổ, cho dù đó là tài sản, địa vị, chùa chiền, hay bất cứ điều gì hễ dính mắc thì chúng ta có khổ. Thì đó cũng là phạm trù mà chúng ta có thể suy nghĩ. 

Nhưng mà, có một bài học rất lợi ích liên quan đến sự thực hành là, ở trong kinh dạy rằng tâm tham thì luôn luôn đuổi bắt, ham muốn, truy cầu, thì mình dùng định tâm để làm giảm sự ham muốn sự truy cầu. Định tức là tập trung một chỗ, tập trú vào hiện tại. Nếu đời sống chúng ta lúc nào cũng tham, lúc nào cũng mơ mộng thì chúng ta thường không để tâm vào hiện tại được. Đây là một bi kịch của cuộc sống chúng ta. Có nhiều người suốt cuộc đời đi theo một mục đích gì đó nhưng mà cuối cùng nhìn lại thì thấy rằng ngay cả cái mình có mình cũng không hưởng được.

Nếu qúi vị nào sống tại Hoa Kỳ, thường nghe nói "American Dream - Giấc mơ của người Hoa kỳ". Giấc mơ đó là làm việc thật nhiều, họ có quyền theo đuổi các mục tiêu của họ trong cuộc sống qua sự làm việc siêng năng và tự ý chọn lựa. Một người có thể đặt ra chỉ tiêu cao nhất của họ là đạt được thành công về tài chánh, và vì thế họ nỗ lực để đạt được điều đó theo kiểu cách rất Mỹ bằng khả năng hơn mình. Nhưng mà, rồi vì làm việc nhiều nên không có thì giờ bên nhau, để hiểu nhau, và đưa đến vợ chồng ly dị, sức khỏe thì cạn kiệt. Khi đến tuổi già mình có một số tiền và mình không biết là mình đã đánh mất cái qúi nhất của đời sống đó là gia đình, đó là tuổi xuân, đó là sức khỏe. 

Thì chúng ta nhận ra một sự việc là tham có một phạm trù tương đối là nằm kế bên chúng ta. Chúng ta nhận diện nó và chúng ta hướng tâm về hiện tại. Thí dụ, hôm nay mở cửa sổ ra có mặt trời có nắng đẹp, bước ra bên ngoài mình sống hoà nhập trọn vẹn với hiện tại. Chúng tôi nói chuyện này qúi vị cảm thấy lạ lắm tại vì khi nghe nói bài học ly tham tức là bài học đó mình không được ham muốn cái gì hết, nhưng kỳ thật chúng ta nên nhớ rằng tâm tham là tâm rượt đuổi, tâm đuổi bắt mà tâm tham thường không cho phép chúng ta sống với hiện tại, và chính tâm định giảm thiểu lòng tham, định tức là tập trung vào hiện tại. 

Chúng tôi vẫn thường ngồi xuống tụng vài trang kinh và cảm được lời Phật dạy. Thì thay vì mình ngồi xuống mơ chuyện này mình tính chuyện kia thì mình đặt trọn vẹn tâm tư để tụng một trang kinh với tâm định thì cái đó cũng là một cái đẹp. Do đó bài học về tâm tham là bài học lớn là bài học mà Đức Phật Ngài dạy rằng chính cái ham muốn sanh lo sợ, ham muốn sanh sầu muộn, đó là bài học lớn đối với tất cả hành giả tu tập ./.

Sunday, March 30, 2014

Xả ly không dính mắc là gì?

Hỏi: Xả ly không dính mắc là gì?

(Thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên)

TTGiác Đẳng: Xả ly không dính mắc, là không dính mắc bất cứ một điểm nào hết. Về điểm này là một điểm rất tế nhị được đề cập đến trong Phật pháp, nhưng đặc biệt đối với những vị hành thiền khi tâm có một dính mắc, một cái gì khiến cho chúng ta không thể buông bỏ được, thì ở tại đó tâm của chúng ta chênh vênh. Nói một cách khác là cái gì đến được thì phải đi được, cái gì nhấc lên thì phải bỏ xuống được. 

Tiếng Anh có chữ "let it go." Let it go là nếu ngày hôm nay chúng ta đi đến một buổi hội chợ, buổi hội chợ rất là vui, rất huyên náo, rồi chúng ta trở về cứ luyến tiếc và mơ ước là làm sao mỗi ngày đều có hội chợ như vậy, khi người ta cho biết là hội chợ không còn tổ chức nữa thì chúng ta cảm thấy rất buồn, điều đó có nghĩa là chúng ta không thể để những thứ đó ra đi mà không có một sự dính mắc. 

Những điều dính mắc này Ngài Ajahn Liam Ngài thường ví dụ như một người đi đường nhìn thấy những tảng đá rồi thích những tảng đá cứ nhặt lên bỏ vào trong túi của mình lâu ngày trĩu nặng trên đôi vai, không phải chỉ có những viên sỏi, những khối đá nhỏ mà có khi cả tảng đá lớn chúng ta cũng vác trên vai nữa, nhưng chúng ta thường làm vậy ở trong cuộc đời này, ít có khi nào chúng ta chịu đặt nó xuống. Một vị thiền sư được mời sang thăm viếng Âu Châu trong lúc đi trên xe lửa thì vị này lại nói một thí dụ; với một người không có thiền định họ giống như một người lên xe lửa mà tay vẫn còn cầm cái vali nặng không chịu buông xuống, bởi vì nếu chúng ta để vali xuống thì chúng ta và cái vali đó cũng sẽ đến nơi đến chốn, còn nếu chúng ta cầm trên tay thì cái vali đó dĩ nhiên cũng theo chúng ta đến nơi đến chốn, nhưng chúng phải mệt mỏi phải bận tay và phải vất vả hơn nhiều là vì phải cầm cái vali đó suốt cuộc hành trình. Và Ngài nói  "hãy đặt cái vali đó xuống." Ở đây nó không tạo cho chúng ta một cảm giác là nghèo nàn hay một cảm giác chúng ta rời xa cái mình thích, mà nó cho chúng ta một cảm giác thật sự thanh thản là tại vì chúng ta không cố nắm lấy nó.

Chúng tôi nhớ hồi còn nhỏ, có đôi lúc nhìn thấy trẻ em chơi một món đồ chơi gì đó khi đi ngủ vẫn còn nắm ở trong tay không chịu buông ra, và ngay cả buổi tối khi đi ngủ thì vẫn cố nắm giữ với tâm tư sợ ai sẽ lấy đi món đồ chơi của mình.

 Nói tóm lại, khi tâm không chịu xả ly một cái gì đó thì chúng ta gặp một vấn đề là hầu hết tất cả năng lực tâm trí đều hướng về một chỗ, lệ thuộc vào một chỗ, và vì vậy nó không thể còn có năng lực để cho những thứ khác được. Thì trước nhất những người có trí tuệ ở trong cuộc đời này thì biết thế nào là phải buông những vật mà mình đã nhấc lên, và thế nào là bỏ những vật mà mình đã núm níu lại. Hễ cái gì đến được thì cái đó phải đi được thì như vậy gọi là hạnh xả ly "cajanti".

Thì người hiền nhân đối với cái vui cái khổ không giao động nhiều. Đức Phật không chỉ nói đến sự khổ mà Ngài nói cả cái vui, hễ đối với cái vui mà chúng ta càng đam mê mãnh liệt chừng nào thì tới khi gặp cái khổ chúng ta lại da diết chừng đó. Nói một cách khác là trước những lời khen mà chúng ta càng cảm thấy sung sướng thì đối với lời chê bai người khác dành cho mình thì càng bị chấn động mãnh liệt về đời sống nội tại. Bởi vì chúng ta đã để cho tâm của chúng ta bị chi phối bởi lời khen thì không có lý do gì đối với tiếng chê của người khác mà chúng ta giữ tâm bình thản được hết. Do vậy người ta tìm một sự quân bình rất đáng kể.

Thật ra chữ xả mà người ta hiểu thông thường đó là sự bỏ ra. Thí dụ như người ta hiểu từ bi hỉ xả, xả ở đây tức là tha thứ, xả ở đây tức là không chấp vào cái lỗi của chúng sanh. Và có nhiều người hiểu chữ xả có nghĩa là sự thản nhiên. Nhưng chữ xả chữ "upekkha" trong đạo Phật thật sự thì có nghĩa là quân bình, ở trong sớ giải chú giải rằng; giống như một người đánh xe song mã tức là một chiếc xe hai con ngựa, thì nếu con ngựa này chạy trước con ngựa kia, con ngựa này chạy nhanh hơn con ngựa kia thì chiếc xe không thể đi được, mà hai con ngựa phải song hành, kể cả vị trí trước sau và kể cả vận tốc. Thì sự song hành như vậy mới dẫn tới được. Thì tâm hành xả nó có thể không phải là một trạng thái thản nhiên, mà tâm hành xả đó là tâm biết quân bình. Ví dụ như trường hợp khi chúng ta vui thì chúng ta cũng hiểu rằng vui thế nào là vừa phải, không có quá đáng, không có hỉ hả đến độ mà đến khi chuyện khác ngược lại xảy ra thì làm cho chúng ta phản ứng hết sức là sầu khổ. Người ta có thể khen mình một câu và qúi vị có thể cảm thấy vui lòng, cái chuyện đó cũng không làm chết ai hết. Nhưng đừng quá nặng về lời khen của người khác, bởi vì nếu qúi vị xem quá trọng lời khen của người khác thì qúi vị sẽ hết sức là nhạy cảm đối với lời chê của người khác, và như vậy chúng ta không giữ được sự quân bình. Và cái quân bình đó đúng là nghĩa của chữ upekkha.

Nghĩa là không có để cho tâm tư của mình lên cao hay xuống thấp. Lên cao xuống thấp ở đây là nó tương tự như một chiếc lá ở giữa cơn sóng, sóng có thể đưa mình lên cao hay đưa mình xuống thấp. Con người của chúng ta có những ngày thấy rằng thiên hạ đưa mình lên tận mây xanh, và có những ngày thì họ nhận mình xuống tận dưới bùn. Nhưng nghĩ cho cùng thì lên cao xuống thấp đó là tại vì chúng ta để cho cuộc đời đưa chúng ta lên và  để cuộc đời nhận chìm chúng ta xuống bằng cách là chúng ta mất đi sự an nhiên tự tại của mình. Nếu chúng ta an nhiên tự tại thì một trong những điều lợi là chúng ta sẽ không có cảnh ba chìm bảy nổi, không có cảnh thăng trầm của đời sống nội tại và chúng ta tiếp tục đi tới, chỉ có những người nào tâm hồn tương đối quân bình không có nhiều chìm nổi thì người đó mới có thể đi tới.

Đối với một người dính mắc một điều gì thì do sự dính mắc đó họ trở nên không thoả mãn, đó là dấu hiệu của sự không thoả mãn. Nếu họ đã thoả mãn thì họ đã không dính mắc, sự dính mắc là dấu hiệu của một đời sống không có thoả mãn, và bởi vì không thoả mãn nó sẽ dẫn đến một biểu lộ của cái không thoả mãn này. Với một người thiện trí thì một hình ảnh ngược lại là, người thiện trí biết an nhiên tại vì họ hiểu được giá trị của sự quân bình, và bởi vì họ hiểu được giá trị quân bình nên đối với cái vui và cái khổ ở trong cuộc đời họ sẽ không để tâm tư của họ bị chi phối thái quá. Không quá vui và không quá khổ. Chúng ta không để tâm của chúng ta cười mà cười đến như điên cười đến mất tự chủ, và khóc đến đỗi không ai có thể dỗ mình nín được. Bởi vì chúng ta đánh mất đi cái khả năng quân bình của mình. Điều này cũng nhắc cho chúng ta một việc khác nữa là ở đây không có nghĩa là chúng ta phải lãnh đạm với tất cả, nhưng chúng ta không có quá đáng, không đi vào cực đoan. Chúng ta có thể vui vì những chuyện hài lòng và không vui vì chuyện hài lòng của cuộc sống, nhưng cái vui và cái không vui này cũng nên có chừng mực, nếu chúng ta vui mà quá chừng mực quá mức độ cho phép thì khi chúng ta buồn thì chúng ta cũng không tự chủ được./.

Friday, March 28, 2014

Ngài Mahā Kassapa quán tưởng cảm thọ như thế nào khi ăn thực phẩm do người cùi cúng dường?

Hỏi: Ngài  Mahā Kassapa đi khất thực gặp người bịnh cùi trong khi đang vụng về để thức ăn vào trong bát của Ngài Kassapa người ấy làm rớt một ngón tay lở lói lọt vào trong bát, lúc đó Ngài Kassapa thản nhiên như Ngài không để ý, đến khi trên đường khất thực trở về đến một chân tường thành ngồi xuống thì Ngài điềm nhiên gắp ngón tay đó ra khỏi bát rồi Ngài trộn vật thực lên và ăn bình thường. Thì khi ăn Ngài quán tưởng cảm thọ như thế nào để có thể ăn được? 

(Câu hỏi trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 22-3-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TTTuệ Quyền: Quả thật thì đây là một hành động của Ngài Kassapa thọ thực mà tâm không bị tham luyến ở trong vật thực. Điều thứ nhất, đó là Ngài Kassapa Ngài là đệ nhất về hạnh tu đầu đà. Đối với Ngài Kassapa đó là một điều. 

Còn hỏi Ngài thọ thực với cảm thọ gì. Đối với Chư Thánh hiền Tăng thì không có lạc, không có khổ. Các Ngài không có tâm bất thiện không có tâm ác, không tâm tham, không tâm sân, không si, mà chính là phi khổ phi lạc, không vui không thích cũng không buồn. Hành động của Ngài đúng ra để lại cho đời một gương hạnh tốt. 

Còn chuyện người tu ăn phải quán tưởng. Đức Phật nói ăn mà không quán tưởng thà ăn hạt cơm sắt hơn là ăn không quán tưởng. Thì khi Đức Phật ăn Ngài quán tưởng. Người tu đừng nói chi là Ngài Kassapa, một người phàm phu tu tập nếu như vị ấy có tâm ly tham, không có tâm đắm tham trong vật thực, ăn mà không bị tham đắm. Riêng hạnh này dạy cho người sau cho đời sau khi một người cùi đặt bát cúng dường Ngài và đã làm rơi lóng tay cùi vào trong bát và Ngài khi đến chỗ ngồi thọ thực thì Ngài gắp lóng tay bỏ ra ngoài và Ngài vẫn thọ thực bình thường. Thì ở đây dạy cho chúng ta rằng không phải như vậy mà sợ bởi vì sự nhờm gớm mà trong khi ăn đối với người tu phải biết quán tưởng nguyên chất quán tưởng nhờm gớm đang khi ăn và sau khi ăn, các vật thực này nguyên chất ta ăn vật thực này để duy trì xác thân để tu tập không phải ta ăn vật thực này để thân cường tráng để được đẹp. Thì với tâm người tu là quán như vậy.

Còn nếu chúng ta ăn mà chúng ta sợ dơ, thì chúng ta không ăn được, người cùi làm rớt ngón tay lở lót vào bát chúng ta, thời bây giờ chúng ta sợ vi trùng, không hạp vệ sinh chúng ta không dám ăn. Đó là một vấn đề.
Thì chúng ta suy nghĩ như thế nào. Đối với các Ngài, dĩ nhiên rằng sự tu tập của các Ngài tu hạnh đầu đà, các Ngài có sức khỏe mạnh cho nên có sức đề kháng mạnh. Nhiều khi chưa chắc thân bị bịnh mà do tâm của chúng ta bị bịnh thì nhiều. Cái vi trùng thuộc về tâm của chúng ta nó cắn nó xé và nó gây nên tham ái và chúng ta sẽ đau khổ. Còn vì không hợp vệ sinh rồi ăn vào bị bịnh thì cũng phải là tùy duyên, chứ không phải lúc nào chúng ta cũng đổ bịnh. 

Và đây chính là một gương sáng cho các bậc tu hành, không coi vật thực là điều lớn lao. Kinh Pháp Cú có câu: 
Ai sống chuộng mỹ tướng
Không phòng hộ các căn
Ăn uống không tiết độ
Biếng lười không nỗ lực
Ma áp đảo kẻ ấy
Như gió thổi cây yếu

Ai sống quán bất tịnh
Khéo gìn giữ các căn
Tiết chế trong ẩm thực
Với tịnh tín chuyên cần
Ma không thể áp chế
Như gió cuồng núi đá

Tâm của vị ấy đã vững vàng bởi do việc khéo quán bất tịnh, tâm đã khéo rồi. Chứ không phải như tâm phàm phu của chúng ta còn sợ sệt. Bởi vì vị Thánh đệ tử tứ quả là vị đoạn lậu vô sanh, đoạn lậu sanh tử đau khổ, không còn tâm ác, tâm không vui không buồn, khi tâm thiện có mặt thì sẽ có quả thiện, mà khi tâm ác thì sẽ có quả ác. Các Ngài không còn sanh tử thì làm sao còn ác tâm, cho nên cảm thọ của Ngài là phi khổ phi lạc.

Do vậy, chúng tôi xin trả lời là, khi Ngài thọ dụng vật thực của người cùi thì cảm thọ của Ngài không khổ không lạc. Chắc chắn là sự thật, vì vị Thánh tứ quả như Ngài Kassapa, vị đã đoạn lậu, vị đã không còn sanh tử đoạn đầu khổ sanh không có thiện không có ác trong lòng vị đó. Bởi vì không có quả sanh, nếu có quả sanh sẽ còn tái sanh. Nếu còn tái sanh thì không còn ý nghĩa của āsavakkhaya là bậc vô học của bậc chấm dứt sanh tử phiền não, chấm dứt không còn đau khổ sanh tử. 

Hay nói đơn giản hơn:
 Ái diệt thì thủ diệt. 
Thủ diệt thì không sanh hữu nghiệp hữu.
 Không có sanh hữu nghiệp hữu thì không có già chết sầu bi khổ não. 
Không có già chết sầu bi khổ não thì không có vô minh. 
Do vô minh diệt, không có dư tàn, nên các hành diệt.

Thursday, March 27, 2014

So sánh thực phẩm thích hợp hay chế độ ẩm thực kham khổ thì điều nào thích hợp cho hành giả tu tập?

Hỏi:  So sánh thực phẩm thích hợp hay chế độ ẩm thực kham khổ thì điều nào thích hợp cho hành giả tu tập?
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 21-2-2014, Minh Hạnh chuyển biên và tóm tắt)

TT Pháp Đăng: Trong câu hỏi này, nếu người có học A Tỳ Đàm thì sẽ thấy được "thiệt thức thọ xả sanh quả thiện, thiệt thức phi thọ xả sanh quả bất thiện". Một người đi khất thực được thực phẩm ăn vừa lòng khả ý thì do phước của kiếp trước, còn người đi khất thực không được vật thực hoặc được vật thực mà không vừa lòng mình là do quả bất thiện từ kiếp trước.

Trong kinh Pháp Cú, câu chuyện kể về Trưởng Lão Anuruddha  là người thoát khỏi tham dục không màn về lợi dưỡng, là người có phước nên được Chư Thiên và nhân loại cúng dường những thực phẩm rất nhiều sau khi chư tỳ kheo ăn xong vẫn còn rất nhiều, những vị tỳ kheo nghĩ rằng Trưởng Lão Anuruddha muốn phô trương thân thuộc và thí chủ của mình! Đức Phật Ngài mới dạy rằng vì Chư Thiên và nhân loại tri ơn Ngài Anuruddha nên họ cúng dường như vậy.

Như vậy, nhiều khi chúng ta thấy là một vị Tỳ Kheo đi khất thực được những vật thực vừa lòng khả ý thì theo Phật Pháp họ là người có phước. Còn những vị Tỳ Kheo không có phước thì họ ăn những vật thực không vừa lòng mình

 Còn nói theo quan kiến con người thì nhiều khi người ta suy nghĩ mình ăn kham khổ mới là người tu, nhưng cũng có nhiều người họ nghĩ rằng mình ăn uống  thoải mái thì dễ tu hơn. Thì đó chỉ là quan kiến thôi.

 Đức Phật thì Ngài không dạy như vậy.  Ngài nói người không có phước thì quả trổ sanh cho người đó quả không tốt, người gieo nhân tốt thì quả trổ sanh tốt, Ngài nói theo chánh pháp. Thì Ngài dạy rằng vị tỳ khưu ăn uống sao cho vừa chừng để mình khỏe. Chúng ta thấy, Đức Phật trong thời gian sáu năm tu khổ hạnh, Ngài chỉ dùng chút ít vật thực, mỗi lần chỉ một chút thôi, một ít nước đậu xanh hay rau cỏ, hay đậu đỏ, hay đậu trắng thì thân thể trở nên cực kỳ gầy yếu. Vì thiếu vật thực, những bộ phận lớn và nhỏ trong thân ốm gầy không khác nào những cọng cỏ ống. Sau đó, Ngài thấy rằng khổ hạnh chỉ làm giảm suy trí thức và mệt mỏi tinh thần, Ngài liền dứt khoát từ bỏ lối tu ấy, cũng như trước kia đã từ bỏ lối sống lợi dưỡng, chỉ làm chậm trễ tiến bộ khoa học, và Ngài chọn con đường "Trung Đạo" mà sau sẽ trở thành một trong những đặc điểm của Giáo Lý Ngài. Ngài ngồi dưới cội Bồ Đề Ngài ăn cơm với sữa đề hồ đủ dinh dưỡng và Ngài đã chứng đắc đạo quả Giác Ngộ.

 Thì chúng ta thấy, Đức Phật Ngài dạy một người muốn chứng đắc đạo quả thì phải có trú xứ thích hợp, vật thực thích hợp, còn một người ăn uống không phù hợp thì khó chứng đắc đạo quả. Như trong một câu chuyện kinh Pháp Cú khác: Lão bà ở một làng an cư lạc nghiệp tên Màtika, thấy sáu mươi Tỳ Kheo tu tập thiền quán mà ăn uống vật thực không thích hợp nên tu tập không đắt được cận định. Bà biết được nên đã hộ trì Chư Tăng dâng cúng cháo đặc nấu thật ngon với gia vị chọn lọc trong ba tháng thì các vị Tỳ Kheo đắc đạo quả Alahan.

Nhìn vào những câu chuyện này thì chúng ta thấy muốn khỏe thì ăn như thế nào vừa đủ hay vừa chừng. Còn người ăn uống kham khổ hạn chế thì không có sức khỏe. Một người tu tập thiền có sức khỏe thì ngồi thiền tốt hoặc đi kinh hành tốt còn nguời ăn uống kham khổ quá không đủ sức khỏe ngồi thiền cũng không tốt và đi kinh hành cũng không tốt, vị đó khó định tỉnh được. Nên người ăn uống vừa chừng cảm thọ lạc thân khinh an hỉ sanh định tỉnh rồi tri kiến sanh. Ăn uống kham khổ quá thì đói khát hoằng hành thì khó mà thành đạo quả

Có lần chúng tôi đi tu tập bên Miến Điện. Buổi sáng mình ăn cũng vừa chừng rồi đi xếp hàng đi bát đến 10:30 là đói run luôn. Thì thật sự đói như vậy mình ngồi kham nhẫn cái đói không thể nào đi kinh hành, mình cũng không tập trung chánh niệm được. Còn bữa nào ăn uống tương đối vừa no thì khi đi kinh hành hay tới chiều đi kinh hành hay ngồi thiền được. Ăn uống mà thiếu thốn thì đói kinh khủng lắm nhất là cái người hành thiền mà đi đứng nằm ngồi không tu tập được

Như ngoài đời, có nhiều người vì sợ mập, muốn giữ eo nên ăn uống kiêng kem thiếu thốn đến khi vào sở làm việc vì ăn uống thiếu nên cơ thể yếu rồi bị xỉu, không làm được việc

Do vậy, phải biết vừa chừng, tự bản thân mình biết vừa chừng để có đủ sức tu tập. Người ta đặt để ra nhiều điều, nhưng mình phải biết tự bản thân mình, khi bước vào thực hành mới thấy được sức mình. Ăn uống sao cơ thể mình không bịnh hoạn là tốt./.

Wednesday, March 26, 2014

Chúng ta làm thế nào để thay đổi cái nhìn của nhiều Phật tử Việt Nam là những "tu sĩ nghèo" là kém tài, thiếu phước?

Hỏi: Chúng ta làm thế nào để thay đổi cái nhìn của nhiều Phật tử Việt Nam là những "tu sĩ nghèo" là kém tài, thiếu phước? 

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 21-2-2014, Minh Hạnh chuyển biên

TT Tuệ Siêu: Có những người Phật tử bây giờ có cái nhìn đối với vị tu sĩ nghèo, nhất là những vị tu sĩ như là sống đời sống thiếu thốn không phát sanh lợi lộc nhiều và ăn mặc bần hàn rách rướm họ cho rằng như vậy là vị này bất tài thiếu phước. 

Nhưng mà, điều đó đúng hay sai, và chúng ta làm thế nào để thay đổi cái nhìn của những người Phật tử này.

Ở đây, thật ra thì cũng không phải là họ nhìn như vậy là sai hoàn toàn. Trước hết là chúng tôi nói tại sao cái nhìn của họ cũng có thể là đúng. 

Nếu vào thời Đức Phật, những vị  Tỳ Kheo đầu đà hoặc là những vị Tỳ Kheo sống viễn ly, tri túc thị dục với hạnh thanh bạch và ý tưởng quyết chứng đạt quả vị Alahan, cuộc sống thanh bạch là hạnh tỳ kheo thời Đức Phật trông nghèo nàn thì điều đó nếu một người cư sĩ nhìn thấy họ cho rằng những vị  tu sĩ họ nghèo nàn là tại thiếu phước là sai. Còn thời nay, tìm hiểu vị tỳ kheo mà nghèo nàn thanh hạnh do sự tri túc thì khó tìm. Ngày nay một số những vị đều có ý thích có được lợi lộc có được danh phận nhưng mà khổ nỗi là các vị không có khả năng các vị đó không có thể là vị tỳ kheo thông suốt kinh điển để có thể hoằng pháp hay là một vị trụ trì một ngôi chùa hay là một vị giảng sư của hội chúng v.v... đủ khả năng, vị đó xuất gia dần dần bị quên lãng vị này có đời sống thiếu thốn thì trong trường hợp này những người Phật tử thời nay khi họ nhìn thấy như vậy thì họ nói rằng những vị tu sĩ nghèo đó là những vị tại  thiếu phước, nói như vậy không phải là họ nói sai, họ nói đúng mà đúng với thời bây giờ.

 Do vậy, chúng ta không thể làm gì để thay đổi cái nhìn của người Phật tử. Bởi vì nếu chúng ta thay đổi cách nhìn như vậy là chúng ta khuyến khích những vị tu sĩ không siêng năng, không có trí tuệ học Pháp, không phải là bậc đa văn cột trụ rườn cột của giáo pháp cũng không có công hạnh tu tập gì. Chẳng lẽ chúng ta khuyến khích những người cư sĩ đi đến đảnh lễ cúng dường cho các vị đó, như vậy làm cho người Phật tử họ bị mất phước cúng dường họ chỉ được ít phước thôi. Hoặc là không chừng khi chúng ta đã thay đổi cái nhìn của họ khiến cho những người Phật tử này thấy thành phần Tăng sĩ không có trí tuệ  sẽ làm yếu kém Phật Giáo và nếu nuôi dưỡng nâng đỡ giúp đỡ họ thì thời gian sau đó họ sẽ rơi vào mai một.

Cho nên chúng tôi nghĩ rằng; chúng ta chỉ giải thích cho những người Phật tử như thế nào là một vị tỳ kheo trung thực chân chánh ở trong Phật Giáo, thế nào là một vị tỳ kheo sống thiểu dục tri túc để cho họ biết họ nhận định một cách chính xác một vị Tỳ Kheo chân chánh họ gặp được để họ không bị nhầm lẫn. Chứ còn nếu mà gặp những vị tu sĩ đi lang thang rồi Phật tử cứ nghe nói rằng những vị Tỳ Kheo rách rướt lang thang như thế này có lẽ là những vị đó sống thanh hạnh rồi cùng nhau cúng dường thì những vị tu sĩ đó được cái đà các vị đó mạn tăng trưởng và không chịu tu tập để thăng tiến. Thì trong trường hợp này chí nguy.

Chúng tôi qua những năm tháng tu tập giữa Tăng chúng, chúng tôi cũng gặp rất nhiều những vị như vậy, cho nên quan niệm của chúng tôi là những vị Tăng sĩ không cần phải giàu có sung túc có chùa to Phật lớn nhưng miễn là trong những phút trò chuyện trao đổi đôi ba câu pháp mà vị đó tỏ ra thông tuệ hiểu được kinh điển và có chánh tri kiến thì lúc bấy giờ thì cho dù vị Tăng sĩ này bên ngoài có vẻ là nghèo nhưng chúng tôi rất là trân trọng chúng tôi khuyến khích cho những người Phật tử cúng dường cho các vị đó. Còn đối với những vị mới xuất gia xong không học Pháp, vì số tu sĩ ở tại Việt Nam phần lớn chúng tôi biết được đôi khi khi gặp các vị này lang thang như vậy thì chúng tôi chỉ nhìn bằng tâm xả, nhưng nếu như Phật tử có đến hỏi chúng tôi là những vị này đáng được cúng dường hộ độ hay không thì lúc bấy giờ chúng tôi sẽ giải thích cho họ. Bởi vì ở đây chúng ta vừa phải có tâm từ bi mà vừa phải có tâm kính trọng Giáo Pháp muốn nâng đỡ Giáo Pháp thì không nên vẽ vời thêm nhiều cái cột bị mối mọt như thế. Vấn đề này cũng khó lắm.

 Cho nên, để làm được công việc thay đổi cái nhìn của người Phật tử Việt Nam cho rằng những tu sĩ nghèo là thiếu phước thì trong trường hợp này chúng ta phải giải thích phải nhắc nhở cho họ nghe về hạnh tu thiểu dục tri túc thật sự của vị tỳ kheo hiểu Phật Pháp và đồng thời chúng ta phải biết rõ những vị đó vẻ bề ngoài thanh thản thiểu dục là do tri túc hay là kém tài thiếu phước ./.




Hỏi: Chúng ta làm thế nào để thay đổi cái nhìn của nhiều Phật tử Việt Nam là những "tu sĩ nghèo" là kém tài, thiếu phước? 

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 21-2-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TTGiác Đẳng:  Như lời TTTuệ Siêu nói thì quả thật có những tệ nạn là một số các vị Tăng sĩ khi xuất gia rồi không chịu trao dồi khả năng, tăng trưởng kiến thức Phật Pháp và làm phụng sự. 

Ở đời người ta nói như vầy: "Có những người nghèo là vì cái hạnh mà cũng có người nghèo vì bất tài". Cũng như có những người ở dơ tại vì họ lôi thôi, nhưng có những người ở dơ tại vì họ không có chú trọng đến việc nhỏ mà chỉ lo đến việc lớn. Chúng tôi nói như vậy không phải là để biện mình chuyện mình ở dơ. Nhưng có những người lúc nào cũng sạch sẽ, thì thật ra đôi khi củng có điểm tốt, nhưng không phải người lúc nào cũng sạch sẽ là người không tốt, đôi khi cũng tốt.  

Nói chung, chúng tôi nhớ câu chuyện. Vua Ba Tư Nặc đang ngồi với Đức Phật thì có một số các vị tu sĩ tu khổ hạnh đi ngang và những vị này loả thể thì vua Ba Tư Nặc đứng lên đảnh lễ những vị đó như đảnh lễ vị Alahan thì Đức Phật Ngài dạy là chỉ có bậc Alahan mới biết rõ ai là Alahan. 

Hình ảnh đó cũng nhắc cho chúng ta thấy rằng thật sự con người có nhiều khi rất là cực đoan trong lối sống mà sự cực đoan đó không nghĩa là biểu chưng trong giá trị đáng hoan hỉ.

Chúng ta cũng phải nhìn nhận trong các quốc gia Phật Giáo thì người Phật tử có sự nương nhờ ở chùa với các vị Tăng và với các bậc thiện trí. Do vậy, những vị nào nghèo vì hạnh tu thì người ta cũng biết mà do thiếu phước thì người ta cũng biết. Cũng như có những vị sống sung túc do tà mạn thì người ta cũng biết, sung túc là do phước đức của mình thì người ta cũng biết.

Nên chi. Để có một sự phân biệt cho rõ thì không phải là dễ dàng. 

Có một số có khuynh hướng là thái quá. Như là các nhà Sư Tích Lan mà càng có nhiều bằng cấp thì người ta càng hoan hỉ, bằng cấp này bằng cấp kia người ta cho đó là sự thành tựu rất lớn, người ta rất là ngưỡng mộ. Một nhà Sư Tích Lan khi học ra tiến sĩ rồi có những bằng cấp như MB, BA này nọ thì họ cũng viết một loạt phía sau tên của nhà Sư. Chuyện phô trương bằng cấp là chuyện hoàn toàn có thể chấp nhận được ở Tích Lan, về học vị của mình.

  Còn ở Đài Loan thì, những vị  tu sĩ ở Đài Loan mà càng giàu thì Phật tử càng hoan hỉ, người Hoa ở Đài Loan họ quan niệm rằng người tu sĩ đó giàu vì có phước. Thành ra ở bên đó hầu như những ngôi chùa lớn đều có cơ sở kinh tế tự túc, thậm chí những hệ thống lớn như Phật Quang Sơn hay là Trung Đài Thiền Tự  v.v... đều có cơ sở kinh tế lớn. Và các Ngài ở bên đó có vị có thể nói rằng có hàng trăm triệu cũng có, tại vì quan niệm người Đài Loan thì tu sĩ càng giàu thì càng phước.

4. Và nếu qúi vị đến Tây Tạng thì qúi vị thấy rằng những vị Tăng sĩ Tây Tạng càng bày vẽ nghi lễ cúng kiếng càng rồm rà thì Phật tử càng hoan hỉ. Xứ Tây Tạng họ thích nghi lễ rườm rà.

Còn qúi vị sang bên Thái Lan, Chư Tăng Thái Lan có những kiểu cách riêng, ví dụ y thì phải mặc y kiểu đó phải làm như vậy như vậy, ở trong chùa càng khó khăn nhiều, các vị Sư Cả bày ra nhiều việc khó khăn là một kiểu cách riêng. Nếu ở Việt Nam thì đôi khi gọi là lập dị nhưng bên Thái Lan thì xem đó là sự xuất sắc của tông phái của họ.

 Nói chung thì, mỗi nền  văn hóa có một số những dị biệt, có một khuynh hướng, và mỗi thời đại nó có trào lưu nhất định. Người đời họ nói rằng: trong một quốc gia phát triển thì dân trí phải cao, ở trong một nền đạo mà những tín đồ có kiến thức tốt về giáo pháp thì đạo đó phát triển mạnh.

Chúng ta là người Phật tử nên nắm cái chính yếu cái cơ bản, chúng ta hiểu rõ Phật Pháp được học từ trong kinh điển và từ đó chúng ta có cái nhìn sáng sủa quang đãng đối với thế giới bên ngoài tốt hơn. Còn nếu chúng ta không nhìn những điều đó thì nó trở thành một vấn nạn. Chúng tôi lấy ví dụ là ở Mỹ ngôi chùa nào lớn và thịnh thì những ngôi chùa đó có nhiều đám tang, tức là việc cúng đám rất là nổi bậc, chúng tôi không thấy có ngôi chùa Việt Nam nào ở Mỹ phát triển mà không có cúng đám, và việc cúng đám đó trở thành một lẽ sống huyết mạch của Phật Giáo Việt Nam ở hải ngoại. Bây giờ thì có nhiều Thầy qua bên Mỹ bày đủ thứ chuyện, nghi lễ đám tang càng lúc càng rườm rà. Và Phật tử thỉnh một vị Thầy về làm đám mà họ thấy qúi Thầy tụng kinh ngắn quá hay làm mà không có nghi lễ đặc biệt thế này thế kia thì họ không hoan hỉ, thậm chí họ còn áp dụng những nghi lễ của Tây Tạng như là chết rồi để yên trong 2, 3 ngày không đụng đến  v.v... Bây giờ người ta đang chạy theo thời thượng là nghi lễ càng rườm rà thì càng tốt, chùa mà nhiều đám cúng thì đó là chùa thịnh Phật tử. Và thậm chí là có những ngày lễ họ không quan trọng nội dung của buổi lễ mà họ quan trọng hôm đó có nhiều đám tang có những người đến rất là đông là tại vì có 5, 3 cái đám tang nhập lại thì người đến tham dự cũng đầy chánh điện do đó cái nghi lễ đó họ quan trọng nhiều hơn là những hình thức khác.

Thì nói chung, là chúng ta là người tu Phật ở trong mỗi thời đại phải tỉnh táo, chúng ta phải tăng trưởng kiến thức của mình. Người ta nói rằng: "đi tìm cái giá trị chân thật của cuộc đời giống như là ngọc trong đá", đá thì nhiều nhưng ngọc thì ít và người đi tìm cái giá trị chân thật. thì không phải dễ.

Nói chung, dù rằng có Thầy dù rằng có chùa, dù rằng có tông phái nhưng chuyện tu đó là ai khôn thì nhờ mà dại thì chịu, nghe nó phũ phàng nhưng nếu chúng ta không có trí tuệ thì thật sự không ai cứu nổi chúng ta, chúng ta phải cẩn thận về điểm này./.

Tuesday, March 25, 2014

Làm thế nào để những kêu gọi tạo phước không thành gánh nặng cho người cư sĩ?

Hỏi. Làm thế nào để những kêu gọi tạo phước không thành gánh nặng cho người cư sĩ?

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 18-2-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TTTuệ Siêu: Ở trong Luật Tạng cũng như trong Kinh Tạng - trong Tăng Chi Bộ kinh, Đức Phật Ngài thuyết về những đức tánh của một vị trụ trì gọi là āvāsika-bhikkhu một vị tỳ kheo sở tại, trong đó có một vài điều tức là một vị tỳ kheo trụ  trì phải biết cách để hướng dẫn cho người cư sĩ làm phước cho chùa hay làm phước cho chư vị khách tăng. Nhưng điều đó không có nghĩa là làm một vị trụ trì là đi quyên góp kêu gọi quá đáng khiến cho những người cư sĩ họ cảm thấy khó khăn cảm thấy như bị bắt buộc trong việc cúng dường thời như vậy sẽ làm cho những người chưa có niềm tin thì họ không có niềm tin còn những người đã có niềm tin rồi thì họ sẽ mất niềm tin.

Đây cũng là một điều phải tế nhị. Có bốn điều khi một vị tỳ kheo hướng dẫn cho người khác làm phước  và kêu gọi người khác làm phước cần biết:

1. Điều thứ nhất, một vị trụ trì nên có lòng bi mẫn thương xót đến người cư sĩ, không nên làm khó khăn cho người cư sĩ trong việc họ làm phước, mà chỉ nghĩ rằng đây là một cơ hội để cho người cư sĩ tạo phước, chẳng hạn như là cúng dường hùn phước xây chùa, xây tăng xá, xây chánh điện v.v... và để nuôi tăng, thì vị trụ trì có trách nhiệm kêu gọi hướng dẫn cho người cư sĩ, nhưng với lòng bi mẫn chỉ thông báo cho người cư sĩ biết thôi, chi gặp người cư sĩ trong lúc thuyết pháp thì giải thích cho họ nghe những phước báu cần thiết cho đời sống của người cư sĩ đem đến hạnh phúc an lạc, phước báu đó bằng sự cúng dường đến Chư Tăng. Thì bấy giờ tùy theo khả năng mà họ có thể cúng dường ít nhiều về công về của ở trong việc làm này trong việc xây dựng này v.v... Thì như vậy phải bằng tâm từ bi, chứ không phải là lợi dụng niềm tin đó mà mình vắt cho khô cạn.

2. Điều thứ hai, chúng tôi nghĩ rằng một vị trụ trì hay một vị tỳ kheo mà đi quyên góp người khác, điều này chỉ hơn vì lợi ích của Tăng chúng chứ không có vì lợi ích cho cá nhân, đó là điều tối kị mà hễ kêu gọi vì tăng chúng thì được nhưng mà kêu gọi để người ta đóng góp cho cá nhân mình thì điều đó không nên.

3. Điều thứ ba, khi kêu gọi quyên góp như vậy thì tùy lòng hảo tâm của người khác kẻ ít người nhiều và luôn luôn có sự trân trọng chớ không phải là đưa ra một mức độ nhất định. Ví dụ như không thể quyên góp bảo mọi người phải đóng bao nhiêu tiền giống như đi thu thuế, điều đó không nên. Tức là để tùy theo khả năng của người đó đóng góp bao nhiêu thì tiếp nhận bấy nhiêu và vẫn có sự hoan hỉ sẵn sàng. Có câu chuyện,ngày xưa, ở trong làng làm lễ trai tăng tập thể ,có ông thiện nam là một cư sĩ, ông ta đi từ đầu làng tới cuối làng kêu gọi mọi người hùn phước để làm lễ trai tăng ngày mai cúng dường cả ngàn vị tỳ kheo. Thì mọi người tùy theo công sức mà hùn phước, có một ông bá hộ tên mèo, tại sao gọi ông bá hộ mèo, tại vì ông bá hộ này ông biủ xỉu, ông nghĩ rằng nếu ông thiện nam này đến xin mình hùn phước mình không hùn thì coi cũng kỳ mà hùn nhiều quá thì tốn kém, cho nên ông nhúm đầu ngón tay lại rồi bốc một nhúm gạo đưa cho ông thiện nam đó xem như là hùn phước. Thì mọi người thấy nên gọi ông ta là bá hộ như mèo ông ta chụm lại giống như con mèo. Nhưng khi xong buổi lễ làm phước thì ông bá hộ mèo khởi lên tâm bực bội khó chịu nghĩ rằng chắc có lẽ ông thiện nam này trong lúc nói lên những lời cảm tạ đến những người đã hùn phước cúng dường thì chắc kể đến ta thì sẽ nói xấu ta. Cho nên ông cho người đến theo dõi cuộc lễ trai tăng. Khi gần mãn buổi lễ thì ông thiện nam hoan hỉ vui vẻ tán thán chung kẻ ít người nhiều, ông hồi hướng chia phước hết đều tất cả. Người nhà ông bá hộ về báo lại thì ông bá hộ động lòng và cũng hoan hỉ, từ đó ông bắt đầu bỏ tiền của ra để ủng hộ trong việc cúng dường v.v...

Thì đây là bài học cho người cư sĩ nhưng là một vị xuất gia chúng ta cũng phải biết rằng khi chúng ta kêu gọi người khác làm phước thì tùy theo lòng hảo tâm ít hay nhiều chúng ta cũng đều trân quí dầu cho một vài món đồ hay là nhiều tiền bạc chúng ta cũng đều hoan hỉ.

4. Điều thứ tư. Đối với một người đi quyên góp, một vị tỳ kheo một vị trụ trì đi quyên góp người khác để xây dựng chùa chiền v.v... thì luôn luôn vị đó phải có đủ khả năng để khích lệ sách tấn người khác bằng những pháp thoại hoan hỉ trong việc người ta đóng góp cúng dường chớ không phải là chỉ có tài đi kêu gọi người khác khuyến khích người khác đóng góp rồi sau khi nhận xong thì bỏ mặc không làm cho họ có sự hoan hỉ trong pháp, điều này không nên.

Chúng tôi nghĩ rằng là nếu một vị tỳ kheo, vị trụ trì có đủ bốn yếu tố này thì trong sự quyên góp đó là tốt. Còn ngược lại thì trở thành quá đáng sẽ không đưa đến sự tốt đẹp./.

Monday, March 24, 2014

Sự phẫn nộ

Hỏi: Sự phẫn nộ

(Bài giảng trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)         

TT Giác Đẳng: Có thể nói rằng ít khi nào chúng ta nhìn thấy một sự việc rộng ở trên căn đế phiền não. Khi mình bực bội điều gì mình chỉ nhắm vào đối tượng A, đối tượng B, ai làm mình bực.  Và nếu ai làm cho mình bực thì mình qui trách cho người đó, kể như xong chuyện. Nhưng, Ðức Phật thì Ngài nói đến những trạng thái tham sân. Trạng thái sân đến từ nhiều căn đế, mà chúng ta rất khó có thể tưởng tượng, nếu chúng ta không phải là người hiểu Phật Pháp.

          Thật ra thì những phiền não trong lòng chúng ta không phải nó tự phát mà nó do nhân do duyên và thông thường những phiền não này nó cấu kết với nhau.  Cái hiện tượng mình thường rất thích điều này và tự nhiên nó làm mình không thích điều khác, đó là điều đương nhiên và rất thường thấy.  Ví dụ như, chúng ta xem một cuốn phim, chúng ta hết sức tán thưởng một nhân vật, thì trong sự tán thưởng một nhân vật ở trong cuốn phim đó, chúng ta lại đem tâm bực ghét, không ưa thích những người làm ngược lại, đối nghịch lại người đó.  Chúng ta càng  thương người nào nhiều, chúng ta lại càng ghét người khác nhiều, ít khi nào cái thương và cái ghét hiện diện như là  một chiều và thông thường nó là một mặt của đồng tiền hai mặt.

          Ngài Budditasa là một trong những vị danh Tăng cận đại của  Phật Giáo tại Thái Lan, Ngài đả nói chuyện rất nhiều về trường hợp về một con chó hay cắn, nó tương tự như là hạnh phúc trong đời sống của mình, có những thứ  mình nghĩ rằng nó hoàn toàn đáng hoan hỷ, đáng thỏa thích. Nhưng ngược lại, chúng ta quên rằng nó có những dị ứng những biến chứng mà những biến chứng này đã khiến chúng ta căm ghét đối với những thứ khác. Và cả hai trường hợp đều đưa chúng ta vào tình trạng là quá thích thứ này và quá ghét thứ khác.

              Theo Ðạo Phật thì mỗi chúng ta có sợi dây xích, những cái phiền nó kềng chúng ta lại, Ðạo Phật gọi là những kiết sử. Chúng ta cứ thử hỏi như thế này, có những lần chúng ta rất lo sợ về một điểm gì đó nó trĩu nặng trên vai của mình, và mình muốn vuợt ra khỏi điều đó mà chúng ta không vượt được. Hoặc giả, bỗng nhiên nhất thời có ai nói một câu gì mà làm cho chúng ta tự ái, thì chúng ta sẽ trở về trăn trở trằn trọc với câu nói đó. Thì quả thật lúc đó chúng ta thấy rằng có một sợ dây vô hình nó cột chúng ta lại. Cái kiết sử hay thằng thúc mà Đức Phật Ngài đề cập đến, là những sợi dây kiết sử đến từ nội tâm của chúng ta, và sân phẫn nộ nó là một trong những cái gây ra kiết sử đó. Và hiện tướng của nó ở bên ngoài thì chúng ta thấy rằng ở đó có kiêu mạn, ở đó có phẫn nộ ,con người cảm thấy rằng mình như thế này, mình như thế kia ,và mình phải được như thế này, mình phải được như thế khác, và mình là ai, mình thường tự nhận mình qua một nhãn hiệu nào và mình khổ với nhãn hiệu đó.

        Con người ở trong xã hội ngày hôm nay vẫn thường cảm thấy tự hào khi mình có một học vị, hay là có một địa vị , mình thuộc giai cấp trung lưu, mình thuộc giai cấp thượng lưu, mình là vị trụ trì , mình là một người nhân sĩ trong xã hội, mình là một nhà lãnh đạo, mình là thế này thế kia v.v... đó chính là cái niềm hãnh diện. Nhưng mà chính niềm hãnh diện đó cũng là thước đo cho sự phẫn nộ của mình. Khi chúng ta có quan niệm mà càng cao trọng về bản thân của mình, khi mà mình bị xúc phạm thì cái quan niệm cao trọng đó trở thành một cái tầng cao, một cái giai tầng cao của sự phẫn nộ, vì nếu chúng ta là một con người bình thường thì chúng ta đã không phẫn nộ.

              Ở trong đời sống chúng ta tự thấy mình quan trọng. Bỗng nhiên mình bị người khác chỉ trích mình. Chúng ta càng đánh giá mình càng cao thì tự mình càng chuốt lấy cái khổ nhiều, mình nghĩ rằng mình phải là thế này mình phải là một như thế khác, thì khi mình không gặp những trái ý nghịch lòng thì mình cảm thấy rất là buồn, buồn nhiều lắm
            
             Đức Phật đã dạy do mình chấp trước vào danh sắc. Danh sắc ở đây được nói là thân tâm, và khi Đạo Phật nói về danh sắc về thân tâm Đạo Phật chỉ đến là chúng ta có thể chấp vào hình tướng của mình và có thể chấp vào những cái vui cái buồn ở trong lòng mình, đây là ta, đây là của ta, đây là tự ngã của ta, và ở đâu có sự dính mắc có cái vươn mang như vậy thì ở đó có phiền lụy. 

Nếu trong cuộc sống của chúng ta, mà là cuộc sống vượt ngoài sự đối đãi thì chúng ta cảm thấy thảnh thơi hơn nhiều, bài học này là bài học lớn của những bậc Mâu Ni, bài học lớn của các bậc đại sĩ, bài học lớn của những bậc minh triết mà chúng ta rất là khó tiêu hóa.

      Ai trong chúng ta đi vào trong cuộc đời cũng mong rằng mình bước lên những nấc thang của xã hội, và mình được trở thành con người thế này và con người như thế khác, trong lúc chúng ta quên rằng những điều đó sẽ dẫn chúng ta trả một cái giá quá lớn. Cái giá lớn nhất không phải là chúng ta bị đưa đẩy vào những hoàn cảnh nghiệt ngã, mà giá quá lớn là chúng ta phải khổ sở với nó nhiều hơn và chúng ta cứ dùng những điều đó như là cái được. Nhưng trong Đạo Phật nói là cái đó không phải là cái được mà cái đó là cái khổ.
               
Lời dạy của Đức Phật hết sức đặc biệt, hết sức rõ nét là về ý nghĩa của  nguyên nhân sâu xa mà chúng ta khổ lụy ở trong cuộc đời này, về cái có, và về cái không có, về cái được, và về cái không được,  và về cái gì đã làm cho mình phẫn nộ, mà phẫn nộ đến cực kỳ bi phẫn bởi vì chúng ta đã không đạt được cái gì mà mình nghĩ rằng mình xứng đáng có, mình phải là và mình phải được, nên chi chúng ta khổ. 

Sunday, March 23, 2014

Người trí biết tự rèn luyện bản thân

Hỏi: Người trí biết tự rèn luyện bản thân

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Đạo Phật nhấn mạnh giá trị của sự rèn luyện bản thân. Cho dù người ta lý luận cách nào đi nữa thì sự rèn luyện bản thân mang một giá trị không thể phủ nhận trong đời sống của chúng ta.

Mỗi người sống trong thế gian này, vì nghề nghiệp, vì theo đuổi mục đích của mình, mình có thể gia công để rèn luyện một cái gì đó, thì một người có trí, một người hiểu được cuộc sống người đó sẽ tự nhiếp phục, tự thuần hoá nội tâm của mình. 

Khi nói đến văn minh của loài người tức là một xã hội có những con người được giáo dục. Và một người giáo dục là một người đuợc rèn luyện uốn nắn. Đây là một điểm đôi lúc khó nhận thấy trong Đạo Phật. Đặc biệt là Thiền Tông. Ở Việt Nam, có nhiều người khi đọc sách thiền của Nhật Bản, họ quan niệm rằng thiền có nghĩa là phá tất cả những luật mà người xuất gia phải tuân thủ. Thiền có nghĩa là phóng khoáng, có nghĩa là không cố chấp. Nhưng chúng ta đến Nhật Bản, đến thăm các trường thiền thì ngay cả thiền Zen của Nhật Bản thì công phu đào luyện vẫn là một điểm mà tất cả thiền viện nhắm vào. 

Nói một cách khác, không có một trường hợp nào ở trong những pháp môn tu tập của Đạo Phật, mà pháp môn đó chủ trương buông thả, không tự rèn luyện lấy bản thân. Trong rất nhiều đoạn kinh, Đức Phật đưa ra ví dụ, một con ngựa không được huấn luyện thì chỉ là một con ngựa hoang, mà một con ngựa hoang thì không có giá trị gì. Một người sống trong cuộc đời này, gọi là một người văn minh, là một người có trình độ tâm linh, thì người đó ít nhất phải có khả năng tự rèn luyện chính mình và sự rèn luyện này nói trong Đạo Phật chính là sự tu dưỡng nội tâm. Sự tu dưỡng nội tâm cho phép tâm tư của chúng ta được thuần hoá. Được thuần hoá ở đây tức là chúng ta có thể đến, đi, có thể suy tư, có thể hướng tâm ở trong một thế hợp tình hợp lý, tương đối có một khả năng tự chủ chứ không sống thuần với bản năng.

Nếu chúng ta đọc tất cả những điều trong kinh Phật đề cập thì Đức Phật luôn luôn nhấn mạnh một điểm là con người cần hấp thụ một nền giáo dục. Nói một cách gần gũi nhất đó là con người cần có chủ tâm rèn luyện chính mình. 

Đạo Phật quan niệm rằng đời sống nội tâm của con người là một kho báu, một sức sống và sức sống này rất kỳ diệu. Kỳ diệu đến nỗi qua đó chúng ta có thể có được nhiều lợi lạc nếu chúng ta biết chỗ để hướng tâm tư của mình. Có một buổi sáng, như buổi sáng hôm nay là buổi sáng thứ bảy ở tại Hoa Kỳ và là một chiều thứ bảy ở một nơi nào khác như ở tại Việt Nam, ở trong giờ phút này chúng ta đang hướng tâm, đang suy nghĩ một việc gì đó, thì sự hướng tâm này định đoạt rất nhiều về trạng thái tâm ở trong ngày về cuộc sống của mình sẽ sống ra sao. 

Nếu chúng ta đọc một bài kinh “Đế Thích Sở Vấn” , ở trong bài kinh này, Đức Phật có đề cập đến một trạng thái gọi là tâm hành. Tâm hành ở đây chính là tầm và tứ. Tầm tứ tức là khuynh hướng hướng tâm, một lúc nào đó, tâm của chúng ta chỉ ưa chuộng âm nhạc, một lúc nào đó tâm của chúng ta chỉ ưa thích chuyện thế sự, một lúc nào đó tâm của chúng ta chỉ ưa thích Phật Pháp. Cái khuynh hướng đến của nội tâm, cái hướng đó Đạo Phật gọi là tâm hành.

Tại sao gọi là tâm hành, tại sao gọi là tầm tứ? Đức Phật đề cập đến hơi thở thì Ngài gọi hơi thở là thân hành. Bởi vì qua hơi thở con người có những hoạt động cụ thể của thân. Vị nào mà quen tập yoga hay quen tập thiền hơi thở thì chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy rằng, những con vật hay người nào mà hơi thở ngắn, chúng ta sinh hoạt một cách khác, mà hơi thở dài thì sinh hoạt một cách khác. Cho dù hơi thở chỉ là một làn hơi đi ra đi vào, nhưng mà qua hơi thở đó nó cho chúng ta một cách sinh hoạt đặc biệt của thân. Do đó hơi thở gọi là thân hành. Và qua hơi thở, chúng ta cũng biết nhiều về thân của mình. 

Nhưng đối với tâm thì sự tầm tứ, tức sự hướng tâm, sự dán tâm của chúng ta vào một cái gì đó, nó gọi là tâm hành, tức là một phần chủ đạo của đời sống. Tầm và tứ của tâm hay tâm hành rất khó để nhận thức trong đời sống. Nó chỉ được nhận thức khi nào chúng ta tự hỏi rằng hiện tại bây giờ trong giờ phút này cái gì là cái ưu tiên số một của mình. Cái ưu tiên đó phải chăng là chúng ta đang hướng tâm để tìm một cái gì mình muốn. Chúng ta đang hướng tâm để làm sao tìm vào một cảnh giới nào đó cho chúng ta vừa ý thoả thích. Sự hướng tâm này nói lên chí hướng, nói lên nguyện vọng, nói lên hoài bão, nói lên ưu tiên của đời sống mà qua đó cuộc sống được thể hiện. 

Nội tâm của chúng ta sẽ trở nên hoang dại, nếu chúng ta không có một lập tâm là mình sẽ đặt để, sẽ rèn luyện tâm trí mình ra sao. Nếu có một buổi sáng mà chúng ta thức dậy không có một việc gì khả dĩ để làm, cho dù việc đó là dọn dẹp nhà cửa, thắp nhang bàn Phật hay bất cứ việc gì mà chúng ta thấy rằng lợi ích thì chúng ta thấy tâm hoang vu. Tâm hoang vu trôi dạt về nhiều phương hướng khác nhau. Chúng ta không biết là nó sẽ trở thành ra thứ gì. Do vậy, Đức Phật dạy rằng bậc trí biết tự rèn mình.

Ngài Hộ Tông khi còn là cư sĩ, Ngài viết một bài  “Thường tự hoá” Thường tự hoá tức là một người trí là người biết thường tự giáo hoá lấy bản thân của mình. Cuộc sống là một cuộc phiêu lưu không ngừng. ở trong cuộc phiêu lưu đó chỉ có hai thái độ; Một là thái độ mình biết chuẩn bị hành trang hợp tình hợp lý cho mình. Thứ hai là chúng ta cứ buông tay để đi theo dòng đời, cuộc đời đưa chúng ta đến đâu thì chúng ta sẽ đi về đó. 

Chúng tôi nhớ ngày xưa có đọc một bài thơ của Xuân Diệu. Bài thơ này diễn tả trong một cái thế khác hơn là chúng ta nói tại đây. Nhưng nó gợi cho chúng ta một ý rất là quan trọng. “ Thượng Đế hỡi con cuối đầu trả lại. Linh hồn con là một kiếp đi hoang. Sầu đã chín xin Ngài thôi hãy hái. Con sẽ đi dầu địa ngục hoặc thiên đàng.” Khi chúng ta nói, “con sẽ đi dầu địa ngục hoặc thiên đàng” cái đó nói lên, khi tâm của chúng ta đã buông rồi thì nó có thể trôi dạt vào bất cứ bến bờ nào. Và khi đã gọi là trôi dạt thì chúng ta không còn một cách gì tự chủ ở đời sống. 

Và điều này điều Đạo Phật dạy rằng, có những người bước đi mà bước đi để trôi dạt, bước đi để đi vào trong cuộc vô định. Bởi tự họ không tìm ra một hướng khả dĩ nào cho cuộc hành trình của họ. Vì vậy, người ta cố gắng hiểu một cách khác đi tinh thần của Đạo Phật, ở một cách giải nào đó để cho thấy rằng, cái cao diệu của Đạo Phật là nói đến một sự tự tại, không có uốn nắn, không có tôi luyện, không có rèn mình. Nhưng trên thực tế, tất cả các Pháp mà Đức Phật dạy cho chúng ta đều có mục đích rất rõ ràng, đó là cải thiện đời sống tâm linh của mình, rèn luyện tự thân của mình. Và kết quả của sự rèn luyện đó là chúng ta đạt được sự tự chủ. Không những thế mà chúng ta còn có thể làm những gì mà mình mong mỏi.

Saturday, March 22, 2014

Chúng ta nên chuẩn bị như thế nào cho giây phút cận tử?

Hỏi: Chúng ta nên chuẩn bị như thế nào cho giây phút cận tử?

(Bài giảng trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)

TTGiác Đẳng: Chúng tôi xin một ít giây phút để nói về những giờ phút sau cùng của chúng ta. Có thể qúi Phật tử thường nghĩ rằng cuộc sống của chúng ta là một sự cộng trừ nhân chia, nếu muốn đánh giá một người nào thì phải đánh giá toàn diện đời sống của họ chứ mình không thể nói một giai đoạn được hay một lúc được. Tuy vậy theo trong kinh Phật thì nghiệp báo có những giai đoạn đặc biệt quan trọng hơn những giai đoạn khác, trong những giây phút sau cùng gọi là cận tử nghiệp, giây phút lâm chung nó lại là một nhịp cầu để tiếp nối cho đời sống kế tiếp, nếu chúng ta rời bỏ thế giới này trong tâm từ buồn bã hối tiếc sân hận thì tâm tái sanh sẽ như vậy, nếu chúng ta rời bỏ thế giới này bằng tâm tư trong sạch tốt đẹp thì nó ảnh hưởng đến chúng ta một cách khác.

Ngài Bhuddaghosa ví dụ trong cuốn Thanh Tịnh Đạo: một chuồng chứa đầy bò khi mở cửa thì con bò nằm gần cửa nhất sẽ đi ra trước nhất. Một người hiểu đạo thường trong giây phút lâm chung đa phần là người ta thường có được sự hộ niệm, có sự trợ duyên để giữ được tâm trong sạch, ở giờ phút đó khi đối diện với cái chết những trạng thái thường đến với chúng ta là sự sợ hãi phải đối diện với tử thần hay là sự tiếc nuối tài sản hay quyến luyến con cái, hoặc giả chúng ta buồn bực bởi vì việc đó người ta không làm theo ý mình v.v…. thì phải nói rằng trong cơn bịnh hoạn, trong lúc chúng ta sắp chết thường là chúng ta rời bỏ thế giới này sau một lúc vật vã với bịnh hoạn của cơ thể lúc bấy giờ tâm tư của chúng ta thường rối loạn, có khi sợ hãi, có khi rất phiền muộn.

Nếu qúy Phật tử thường xuyên đi hộ niệm, thường xuyên chứng kiến những người trong giờ phút lâm chung thì chúng ta phải đi đến một kết luận rằng đa số những người rời bỏ thế giới này tâm tư của họ ít nhẹ nhàng trong sáng bởi vì lý do rất đơn giản là ai đối diện với các chết cũng run sợ và thường thường tiếc nuối cuộc sống của mình, có những người ái luyến đối với vợ, con, tài sản v.v…

Vì vậy một người tu Phật luôn luôn phải nhớ rằng những gì chúng ta có được để thu thập trong đời sống không quan trọng bằng những gì mà chúng ta có thể bỏ lại để ra đi, chúng ta càng bỏ nhiều thì tâm tư càng nhẹ nhàng và chỉ có người hiểu đạo thì giờ phút đó không chất chứa câu chấp vào những gì mình có, bởi vì đặc biệt là chúng ta rất ít khi trong giờ phút đối diện với cái chết kề mà tâm tư nhẹ nhàng được trong sáng. 

Thì chính vì điểm này chúng ta lại tìm tới truyền thống mà mà ngay cả thời Đức Phật là một người họ cảm thấy trong người mình không còn đủ sức sống nữa họ hay thường nhờ người nhà đến để đảnh lễ Đức Phật và Chư Tăng để mong các Ngài vì lòng bi mẫn quan lâm hộ niệm. Như trường hợp ông Cấp Cô Độc thỉnh được Ngài Xá Lợi Phất đến thuyết pháp, về sau này chúng ta thấy có ghi trong Trung Bộ Kinh là bài Giáo Giới Cấp Cô Độc. Ở trong trường hợp này các vị tỳ khưu không thuyết pháp nhưng các Ngài đã tụng kinh hộ niệm bài kinh Tứ Niệm Xứ, một bài kinh mà chúng ta thường thấy trong Trung Bộ Kinh hoặc bài Đại Niệm Xứ trong Trường Bộ Kinh. Thì việc tụng niệm như vậy đã được ghi nhận từ thời Đức Phật còn tại thế, và việc tụng niệm rất đơn giản. Ngày hôm nay tại các quốc gia Phật Gíao Nam Tông, Chư Tăng vẫn còn duy trì việc tụng niệm này trong hình thức tương đối rất giản dị. Thí dụ như một người sắp lâm chung thì Chư Tăng đến bên giường người bịnh để tụng một bài kinh nói về vô thường, khổ não, vô ngã, một bài kinh nói về Phật Pháp Tăng, bài kinh nói về sự tu tập, bài kinh có khi dài khi ngắn tùy theo vị trưởng lão hướng dẫn kinh. Nhưng phần lớn người ta xem việc hộ niệm là quan trọng và nếu trong đời mình trong giây phút lâm chung có người hộ niệm tụng kinh hay thuyết pháp cho mình nghe thì đó cũng là một duyên may rất lớn, nên giây phút cận tử rất quan trọng đối với đời sống của chúng ta.

Chúng ta hãy hoan hỷ làm điều thiện, biết điều thiện mà không học tính hoan hỷ của điều thiện, đôi lúc chúng ta không thâm nhập được điều thiện, hoan hỷ là một đức tính rất lợi ích trong đời sống của chúng ta. 

Bởi vậy Đức Phật Ngài dậy rằng thiện phải có đặc tính là vô tham, vô sân, và vô si. Vô tham đặc tính là không dính mắc, vô sân là đặc tính mát mẻ, vô si là đặc tính sáng suốt, 3 đặc tính thiện pháp này được xem là đặc tính của trong sạch, một người làm thiện thì ngay trong giờ phút đó do sự trong sạch của tâm, tâm tư họ được an lạc và sau này họ cũng được an lạc, đặc biệt là nhớ nghĩ về thiện pháp của mình thì trong lòng còn hân hoan an lạc bội phần, niềm an lạc thì lớn hơn rất nhiều. Nhưng muốn được như vậy thì người đó phải làm thiện và chẵng những làm thiện mà còn thấy được giá trị của điều thiện và chẳng những thấy được giá trị của điều thiện mà còn biết vui với điều thiện. Những điều này đặc biệt có khả năng cứu giúp chúng ta trong lúc đối diện với cái chết, trong lúc chúng ta sắp sửa rời bỏ thế giới này. Có những khi chúng ta không thể trông cậy vào một ai khác mà mình phải tự cứu lấy chính mình.

Qúy vị nhớ rằng khi chúng ta đi học ở trong trường tâm tư của chúng ta càng ưa thích việc học, càng hoan hỷ với sự học thì chúng ta học nhanh, việc đó không ai giúp mình hết, tự mình phải giúp mình thôi. Có những người ở trong hôn nhân không thành công được là vì họ có một cuộc sống hôn nhân rất mệt mỏi họ không thấy một sinh thú nào trong đời sống hôn nhân. Có những người trong việc làm họ không tìm thấy sự phấn chấn nào, một sự hưng phấn nào hết mà họ chỉ thấy rằng kéo dài lê lết năm dài tháng rộng. Có những người cả cuộc đời này chỉ là gánh nặng, mặc dù ở cuối cuộc đời họ có nuối tiếc, có cố gắng nắm giữ cuộc sống này, nhưng họ không có gì để thăng hoa đời sống của họ để làm cho nội tâm được thư thái. Đức Phật dậy rằng nếu chúng ta khéo thì mỗi thiện nghiệp đó giúp cho chúng ta, có chất liệu, có sức mạnh nâng cao được trình độ tâm linh nâng cao được niềm hoan hỷ, niềm tịnh tín và nhờ như vậy chúng ta có một cảnh giới an lạc ở trong đời tiếp nối của chúng ta. 

Friday, March 21, 2014

Một vị tỳ kheo đi khất thực có qui định thời gian đi và về không? và vật thực gì mình nhận được vật gì không nhận được?

Hỏi: Một vị tỳ kheo đi khất thực có qui định thời gian đi và về không? và vật thực gì mình nhận được vật gì không nhận được?

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 18-2-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TTTuệ Siêu: Đi khất thực là việc các vị tỳ kheo làm để nuôi mạng, chúng ta phải biết rằng bậc xuất gia nuôi sống bằng hạnh khất thực, đó là hạnh của Chư Phật, Chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai các Ngài đều nuôi mạng bằng hạnh khất thực và được xem như là chánh mạng của vị tỳ kheo. 

Nhưng ở đây, chúng ta cần phải hiểu rằng hạnh nuôi mạng của Chư Phật của chư vị A la hán thì hạnh khất thực đó phải được thực hiện đúng đắn. Ngày nay, chúng ta biết ở Việt Nam có rất nhiều người lợi dụng hạnh khất thực của bậc Samôn chân chính, họ cũng đắp y mang bát đi khất thực trên đường phố. Có đôi khi chúng ta bắt gặp những người giả mạo đi khất thực có những hành vi cử chỉ như mắt láo liên tay cầm chuỗi hạt vừa đi khất thực vừa lần chuỗi hạt tạo ra vẻ một người đang tu tập v.v...Điều đó làm mất đi hình thức nghiêm trang tốt đẹp chánh mạng của Chư Phật.

Trong câu hỏi: Một vị tỳ kheo đi khất thực có qui định thời gian đi và về không? và vật thực gì mình nhận được vật gì không nhận được?

Ở đây chúng tôi trả lời tổng quát. Theo luật thì vị tỳ kheo đi khất thực, trước nhất vị này nhận vật thực vừa phải, vật thực người ta cúng dường trong bát không nên nhận quá vun tràn (quá đầy) không thể đậy nắp bát lại được - đó là điều không nên. Vị tỳ kheo đi khất thực khi nhận thấy vừa đủ để đậy nắp bát được thì ngưng lại, không đi tiếp. Đó là cách luật đã quy định nói lên sự tiết độ của một vị đi khất thực. 

Còn về thời gian, thì ở đây chúng ta hiểu rằng Đức Phật đã quy định các vị tỳ kheo chỉ ăn một ngày một buổi vào buổi sáng gọi là "thời thọ thực". Còn bắt đầu mặt trời đứng bóng cho đến sáng ngày hôm sau, một đêm và nửa ngày buổi chiều được xem là "phi thời thọ thực". Cho nên thời đi khất thực chỉ là buổi sáng khi mặt trời mọc cho đến gần trưa trừ giờ ăn ra thì phải đi thật sớm không nên để quá ngọ. Đó là cách quy định chúng ta gọi là đi khất thực theo thời gian.

Lại nữa, khi đi khất thực có quy định về những vật được thọ nhận và không được thọ nhận. Thời Đức Phật tại thế, vấn đề để tiền bạc trong phong bì không phải là vật để khất thực. Cho nên, hạnh khất thực thời xưa là không thọ nhận tiền bạc. Thậm chí, những thức ăn nào còn sống, thí dụ như gạo chưa nấu thành cơm hoặc các vật thực sống những vật nào khi đi khất thực đem về mà còn phải nấu thì không nên nhận. Bởi vì đời sống của các vị tỳ kheo hồi xưa là du phương, các vị không ở yên một chỗ hay ở chùa có bếp núc hay có người hộ tăng cho nên đi khất thực nếu thọ nhận gạo, đậu, hoặc rau củ còn sống thì không có chỗ để nấu do đó luật quy định là không nên thọ những thực phẩm còn trong tình trạng chưa nấu chín, đó là chúng ta phải chú ý.

Ba điều mà chúng tôi vừa trình bày nằm trong câu hỏi vừa nêu, chúng tôi cũng còn phải nói thêm một điều nữa. 

Trong cung cách đi khất thực, bài kinh Khất Thực Thanh Tịnh thuộc Trung Bộ Kinh, Tôn giả Sariputta được Đức Phật giảng giải  về hành trạng của một vị tỳ kheo khi đi khất thực, không phải là đi khất thực mà nói là đi tìm vật thực để nuôi mạng rồi tâm vị đó mong ngóng tìm kiếm nhà nào để thức ăn ngon nhà nào họ chịu cúng dường đi bát nhiều - không phải như vậy. Lúc bấy giờ vị tỳ kheo đi khất thực, từ khi bước đi thì vị tỳ kheo an trú trong sự an trú không tánh, hoặc quán xét về thân ngũ uẩn, hay là quán xét về thập nhị xứ, thập bát giới, hoặc quán xét trường hợp phiền não nào mình chưa đoạn trừ cần phải được đoạn trừ, hoặc là quán xét Pháp tức là vị này phải vừa đi vừa an trú Pháp suy niệm Pháp. Từ khi đi cho đến khi trên đường trở về vị tỳ kheo đều suy nghĩ về Pháp an trú trong Pháp. 

Thậm chí, có những vị như là Ngài Subhūti trong lúc đi khất thực Ngài nhập thiền, nhập Từ Bi Quán hay nhập Thiền Không Tánh thì như vậy để cho những người cư sĩ họ cúng dường thì họ sẽ tăng được phước báu. Chúng tôi nói thêm phần này bởi vì trong chư tăng chúng ta thỉnh thoảng có lễ hội khất thực thì chúng ta nên đi khất thực như vậy, ôm bát đi chung quanh chùa để cho Phật tử họ để bát, lúc bấy giờ những vị tỳ kheo nên suy niệm một câu Phật ngôn chẳng hạn như: 

Aniccā vata saṅkhārā, uppādavayadhammino. Uppajjitvā nirujjhanti, tesaṃ vūpasamo sukho - Các pháp hữu vi các hành là vô thường tự tánh sanh diệt, có sanh ắt có diệt, tịch tịnh pháp ấy là an lạc.

Vừa đi vừa suy niệm như thế hoặc những câu Phật ngôn khác đại loại là như vậy. Đừng để tâm ở không, nhất là trong luật nói rằng vị tỳ kheo đi khất thực không nên để tâm trống rỗng rồi nhìn ngó mặc cho người cư sĩ cúng dường hoặc là không nên để ý vật thực này tốt hay xấu, ngon hay dở v.v... mà vị này chuyên tâm an trú Pháp, vật thực nhận được bao nhiêu ăn bấy nhiêu, nhiều ăn theo nhiều, ít ăn ít, ngon ăn ngon, dở ăn theo dở chứ không để ý. 

Ngài  Mahā Kassapa đi khất thực gặp người bịnh cùi trong khi đang vụng về để thức ăn vào trong bát của Ngài Kassapa người ấy làm rớt một ngón tay lở lói lọt vào trong bát, lúc đó Ngài Kassapa thản nhiên như Ngài không để ý, đến khi trên đường khất thực trở về đến một chân tường thành ngồi xuống thì Ngài điềm nhiên gắp ngón tay đó ra khỏi bát rồi Ngài trộn vật thực lên và ăn bình thường. 

Thì ở đây, hạnh khất thực của Chư Phật của các vị Samon chân chánh là làm như thế nào để hạnh khất thực đó trở thành chánh mạng. Chứ đừng nghĩ rằng chánh mạng thanh tịnh giới là hạnh khất thực rồi mình đi khất thực giống như là kẻ cùng đinh khất cán họ lợi dụng hình thức này rồi đi tìm thức ăn để sinh sống bằng cái nghề khất thực thì đó cũng là tà mạng.

Đây là một vài điểm chúng tôi xin chia sẻ với đại chúng qua câu hỏi trên.

Thursday, March 20, 2014

Sự thân thiết giữa người xuất gia và các cư sĩ có những lợi và bất lợi thế nào trong sự tu tập?

Hỏi. Sự thân thiết giữa người xuất gia và các cư sĩ có những lợi và bất lợi thế nào trong sự tu tập? 

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 18-2-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

ĐĐ Pháp Tín: Nói về đời sống của người xuất gia thân thiết với người cư sĩ. Nếu chúng ta không thân cận với những người cư sĩ thì họ không học pháp được và thứ hai là họ không có cơ hội tạo phước. 

Nhưng mình thân cận với người cư sĩ thì cũng có điều bất lợi. Thí dụ như chúng ta thân cận nhiều quá thì mất thời gian của chúng ta và của người cư sĩ. Có nhiều khi thân cận quá chúng ta đòi hỏi cái này cái kia v.v... thì cũng làm cho người cư sĩ bị nản. 

Thành ra đường này cũng khổ đường kia cũng mệt. Vậy thì bây giờ chúng ta phải làm như thế nào?

 Trong kinh Đức Phật đã giảng rất nhiều. Có nghĩa là chúng ta không qúa thân cận, hoặc là chúng ta phải đi  con đường trung đạo, không quá hững hờ với họ chúng ta cũng không quá thân cận. Những gì trách nhiệm hay phận sự của người cư sĩ thì chúng ta để người cư sĩ làm, những điều gì thuộc về trách nhiệm của một vị tu sĩ thì vị đó sẽ thực hiện bổn phận hay phận sự của mình.

Thời xưa, khi trưởng giả Cấp Cô Độc hay bà Visahkha, mỗi ngày những vị này đến chùa đến tịnh xá, hoặc Chư Tăng cũng đến nhà những vị này để thuyếp pháp hoặc trai tăng nhiều lần. Trong kinh kể lại, mỗi ngày  trưởng giả Cấp Cô Độc cúng dường 500 vị tỳ khưu, mỗi ngày bà tín nữ Visakha cúng dường 500 vị tỳ khưu. Vào buổi chiều thì những vị trưởng giả này đi vào trong tịnh xá nơi Đức Phật ngự để nghe thuyết giảng pháp.

Vậy thì từ đó, chúng ta rút ra một kinh nghiệm là phận sự của ai thì người đó hành theo. Thí dụ như mình đi bát hoặc có những khi người cư sĩ thỉnh thì mình đến để thọ trai để thuyết pháp thì mình cứ làm theo việc đó. 

Trong kinh Pháp Cú có nói một tích chuyện: có một tín nữ đến thỉnh Chư Tăng về nhà để làm lễ trai tăng. Vi đại đức có nhiệm vụ sắp xếp những vị sư đi đến nhà thí chủ để thọ thực đã chỉ ra một vị tỳ khưu đến nhà vị cư sĩ để dự trai tăng. Khi vị tỳ khưu này đi đến nhà của người tín nữ thì bà ta đã nhắc ghế mời ngồi rồi lấy nước và giẻ lau để vị tỳ khưu này rửa chân lau chân, sau đó đã dâng phần dầu để vị này thoa chân rồi sau đó cúng dường trai tăng rồi vị tỳ kheo chúc phúc. Sau đó mỗi người trở về trú xứ của mình. Nhưng chiều đến vị tỳ khưu này lại đến nhà bà thí chủ đó để mượn cây cuốc, thì bà ta dùng cái chân để hất cái cuốc ra ngoài cho vị tỳ khưu mượn. 

Thì ở đây, chúng tôi kể tích chuyện này chúng tôi muốn nói điều liên quan ở đây: Có nhiều lúc chúng ta không có biết cách hoặc là chúng ta cái gì cũng nhờ người cư sĩ hoài thì đến một lúc nào đó người ta sẽ xem thường mình, vậy thì mình muốn không bị như vậy thì chúng ta phải hành theo đúng cái giá trị của mình. Những người cư sĩ cũng vậy. Khi nào người ta có sự phát tâm như ở trong bài kinh, những người cư sĩ phát tâm người ta nói với mình như là mình cần vật dụng gì đó hãy nói cho người ta biết thì người ta sẽ phát tâm cúng dường, nếu mà được nói trước như vậy thì khi chúng ta cần chúng ta đi đến để chúng ta khất thực hoặc là chúng ta nhận lấy những tặng phẩm đó, thì điều đó sẽ thích hợp. Còn nếu người cư sĩ lúc người ta cần mình dạy học hoặc là thuyết giảng thì lúc đó chúng ta sẽ có sự nhiệt tâm có nghĩa là mình hết mình trong sự dạy người ta học v.v...

Thì sự thân cận như vậy sẽ tạo được cái uy tín hoặc mình sẽ tạo được niềm tin cho người cư sĩ và lợi cả hai bên . Còn lúc nào không cần thiết chúng ta không nên đến nhà của người đó để nghe để ngóng hoặc là để chờ để đợi cái gì đó v.v... thì sự thân cận này sẽ làm nguy hại chẳng những mà đến bản thân của vị đó mà nó sẽ ảnh hưởng đến một cộng đồng tu tập hoặc là một tăng đoàn. Những điều đó nó sẽ làm thoái hóa giữa niềm tin của Chư Tăng và người cư sĩ Phật tử.

Qua câu thảo luận này, chúng tôi muốn nói rằng nếu chúng ta không thân thiết với người cư sĩ thì sẽ có nhiều bất lợi cho cả hai bên còn nếu chúng ta thân cận thái quá thì sẽ làm cho niềm tin của người chưa có nó không sanh khởi mà người có niềm tin rồi thì sẽ bị tổn giảm. Chúng ta nên đi theo con đường trung đạo, khi nào người cư sĩ thỉnh mình để bát hoặc làm chuyện chi đó mà thích hợp với đời sống của người tu sĩ thì chúng ta sẽ hết mình còn khi nào người ta không cần đến thì chúng ta không có sự thân cận mà vô ích phí thời gian, nếu chúng ta giữ được như vậy thì chúng ta sẽ tạo được niềm tin của người chưa có niềm tin sẽ sanh khởi, còn người đã có niềm tin rồi thì niềm tin càng ngày càng tăng trưởng ./.