Hỏi: Định nghĩa Giới là gì?
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên
TT Giác Đẳng: Thật ra không phải chỉ có đạo Phật mới nói đến giới luật mà trong nhiều tôn giáo khác cũng có nhắc đến giới luật. Trong bối cảnh tôn giáo xứ Ấn Độ thời Đức Phật ra đời, Giới có rất nhiều nghĩa. Đức Phật nói yếu tính của Giới hay nghĩa lý thật sự của Giới là chủ tâm từ bỏ, sự chủ tâm không làm cái gì đó.
Chúng tôi lấy ví dụ trong room chúng ta có mặt tại đây, khi vào trong room có một số luật nhất định, luật về phát biểu, luật về text chat, hay luật làm sao để trung thành với nội dung mà vị chủ room đưa ra chẳng hạn. Chúng ta phải nói rằng những nguyên tắc này đôi khi rất tối thiểu nhưng chính nguyên tắc này được mọi người thọ trì chúng ta mới có thể làm tốt được. Còn vào room ai muốn làm gì thì làm chúng ta không thể làm trong room sinh hoạt tốt được. Nó gíông như mình lái xe trên đường, tuy rằng những luật đều là do ước định, nghĩa là con người đặt ra luật đó. Nhưng chính nhờ luật đó tai nạn được giảm thiểu và chúng ta lái xe được vững lòng, ví dụ đoạn đường đó ai ưu tiên và ai không ưu tiên. Sự công bằng ở đây không phải là mọi người đều bình đẳng với nhau. Công bằng ở đây, nếu ai đi trên đường ưu tiên thì người đó được ưu tiên và ai đi trên đường không ưu tiên thì người đó phải nhường. Chúng ta gọi đó là luật dù trời mưa trời nắng, dù có cảnh sát hay không có cảnh sát. Như vậy mới an toàn và sự đi lại của chúng ta mới gọi là tạm ổn. Những người không theo luật này, thứ nhất người đó tự đẩy mình ra ngoài cuộc chơi, đẩy mình ra ngoài xã hội chúng ta gọi là sống ngoài vòng pháp luật.
Giới là một bước đầu, một người chưa tu tập cao siêu như thiền định, một người chưa có trí giác như một người muốn thành tựu về tuệ thì Giới là cái gì đầu tiên của Giáo pháp mình có thể nắm được. Nắm được ở đây không phải chuyện gì mình cũng có thể làm được hết. Có một số việc nhất định là mình không thể làm. Chúng tôi lấy ví dụ một người Phật tử giữ năm giới hay giữ bát quan trai giới, trong cuộc sống hằng ngày chúng ta có rất nhiều sinh hoạt, nào là đi chợ, xã giao, nói chuyện điện thoại v.v…Trong số những việc chúng ta làm hằng ngày có một số việc chúng ta nhất định không làm, không thể làm được. Ví dụ như chúng ta giữ giới không sát sanh, nếu mình giết con vật có thức tánh, và đối tượng đó là con vật có thức tánh, mình biết con vật có thức tánh , mình sẽ không làm tổn hại loài đó, mình sẽ không cướp đi mạng sống của loài đó. Chúng ta gọi đó là Giới.
Giới này cụ thể hơn luân lý vì luân lý có tính rất mơ hồ. Ví dụ như nói anh em huynh đệ phải đùm bọc, phải thương với nhau. Điều đó như là một lời khuyên mang tính cách mơ hồ. Hỏi thương như thế nào là thương? Nhưng giới rất rõ ràng. Trong chữ Hán người ta dùng chữ Giới lễ tức là từ bỏ có nguyên tắc, có một cái gì rất cụ thể để mình nắm được.
Con vật có thức tánh,
Biết con vật có thức tánh,
Cố ý giết
Ráng sức giết
Con vật chết vì sự ráng sức giết đó
Năm chi phần đó cộng lại là sát sanh. Nhìn vào năm chi phần này chúng ta thấy rất rõ.
Đúng ra thái độ đối với giới là một thái độ đầu tiên của sự phân biệt về cái gì tốt cái gì xấu, cái gì nên làm, hay không nên làm. Chúng ta gọi là một người đã bắt đầu đối thoại với chính mình. Một người đã bắt đầu đặt rõ vấn đề với đời sống mình. Nếu trong cuộc sống của chúng ta không có những nguyên tắc, cái nhà sẽ thành cái chợ và cuộc sống của chúng ta rất hoang dã. Dĩ nhiên có nhiều người tôn trọng điều này một cách rất tuyệt đối, có nhiều người mang tính uyển chuyển linh động. Nhưng nếu chúng ta đưa tất cả những nguyên tắc của đời sống mà không có những hướng dẫn cụ thể, đời sống của chúng ta không biết sẽ đi về đâu.
Lúc nhỏ chúng tôi đi vào trong chợ. Cái chợ là chỗ thập phương bá tánh đến, nghĩa là người tứ xứ đến chợ và trong chợ bày bán hàng hoá la liệt. Trong tuổi thơ chúng tôi nhớ rằng đó là một đám đông lớn vào buổi sáng, dần dà đi với mẹ ra chợ buôn bán chúng tôi thấy rằng trong chợ có cái luật nhất định. Chỗ đó là chỗ của mình, mình đóng tiền lệ phí hằng ngày thì mình được quyền ở chỗ đó. Nó phải có luật lệ nào cho phép mình đi trễ mình vẫn còn chỗ đó không ai chiếm dụng chỗ của mình được. Và trong chợ có một nguyên tắc của mua của bán, có những lịch sự. Dĩ nhiên có những người đi ra ngoài cái lịch sự đó nguyên tắc mua bán đó, có thể là họ ăn gian nói dối v.v…Nhưng căn bản vẫn có một số nguyên tắc nhất định trong sự trao đổi hàng hoá, như nguyên tắc về tiền bạc, nguyên tắc về cân, cân nặng cân nhẹ v.v… Tất cả những điều đó.
Người trung Hoa sớm nhận ra điều này gọi đó là chữ Lễ. Lễ -Nghĩa nhưng Lễ rất quan trọng , trong Lễ là một định đặc cho nguời ta thấy rằng cái gì nên làm cái gì không nên làm, cái gì hợp tình cái gì hợp lý trong cách thờ vua, thờ cha thờ mẹ, trong cách đối xử với nhau đối với láng giềng, và thế nào là đạo của người quân tử. Nói chúng chữ Lễ trong văn hoá Trung Hoa rất quan trọng.
Trong đạo Phật cái gọi là Giới cũng là một cách giúp cho hành giả nhận ra được mình có thể làm được cái gì đó với bản thân mình. Có nhiều người nói rằng, “Mình không thể ngồi thiền được, mình không thể đọc kinh được , mình không thể nghe pháp được”. Nhưng căn bản ai cũng có thể làm được một số việc như giữ ngũ giới, giữ bát quan trai giới. Chính sự giũ giới này cho mình thấy được mình có khả năng nói chuyện với chính mình. Bây giờ đối với chính bản thân chúng ta mà chúng ta không có khả năng nói rằng, “À, mình làm được hay không làm được, điều này mình không nói được”. Như vậy, chứng tỏ rằng mình rất bất lực với chính mình. Một khi mình thấy được có một số điều phải tuân thủ và cuộc sống nhất định phải sống trong khuôn khổ, trật tự, thời gian đầu cảm thấy rất khó chịu, dần dà trở thành một thói quen và lâu ngày người ta tìm được sự an lạc, một sự an lạc thật sự, không phải chỉ an lạc với chính mình mà còn an lạc ở chỗ mình sống chung với những người có giới.
No comments:
Post a Comment