Friday, December 29, 2017

Kinh Mát Lạnh (I) (85) - Kinh Tăng Chi Bộ - Anguttara Nikaya - TT Giác Đẳng

 Kinh Tăng Chi Bộ - Anguttara Nikaya

Kinh Mát Lạnh (I) (85) -

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 22-8-2017

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Bài học hôm nay dịch rất hay nhưng dể hiểu lầm về chữ thanh lương

Chữ thanh lương ở trong chữ Hán có hai nghĩa: 

1) Nghĩa là tốt như lương hảo hay lương gia 
2) Chữ lương cũng là một âm khác nghĩa là mát, thí dụ như lương thủy hay lương phong.

 Ở đây, chữ lương không nghĩa là thanh lương, không nghĩa là tốt. Mà chữ lương nghĩa là mát dịu và sự mát dịu ở đây chỉ cho Niết-bàn, như chúng ta nói "vô thượng thanh lương" chỉ cho sự dập tắt hoàn toàn phiền não. Đối ngược với phiền não là thanh lương là sự mát dịu an tịnh. 

Do vậy chúng ta nên chú ý chữ lương ở đây là một trạng thái, một từ khác chỉ cho Niết-bàn, chỉ cho sự giải thoát, chỉ cho sự lắng đọng phiền não có nghĩa là trạng thái mát mẻ tịch tịnh. 

Bên cạnh đó là một pháp điều tâm. Nói đến trạng thái điều tâm, điều tâm tức là một vị hành giả làm thế nào sống với cuộc sống nội tại của mình qua 6 phương cách được ví dụ như một người đánh xe. Người đánh xe lúc nào nên đánh vào con ngựa, lúc nào nên điều khiển con ngựa, lúc nào nên để con ngựa tự chạy, mình nhìn nó một cách thản nhiên. Đây là những trạng thái đặc biệt chúng ta đã gặp trong Thanh Tịnh Đạo nói về phương pháp tu tập 

Trong cái nhìn thông thường để nói về điều đáng qúi đáng trọng người ta thường hay đề cập đến thứ bậc như học vị hay địa vị, danh vị, một người nói đến tiến sĩ cử nhân, một người nói đến chủ tịch hay tổng thư ký, một người nói đến quyền này quyền kia, đó là cái nhìn của bình thường. Khi chúng ta đi vào trong thế giới của sự tu tập điểm đầu tiên chúng ta biết là nói về trạng thái của tâm hay khả năng dụng tâm, nó có sự khác biệt rất lớn của một người  khi đối diện với nghịch cảnh đâm ra phiền não bực bội và cũng có người đối diện với phiền não đối diện với việc trái ý nghịch lòng thì tâm họ tương đối hòa ái mát mẻ không có nung nấu bởi phiền não không có phản ứng với sự phẫn nộ. 

Đó là điều chúng ta nói trong cuộc sống hàng ngày nhưng khi đi vào trong thế giới của sự sâu lắng, thế giới riêng biệt, thì lúc bấy giờ đặc biệt là người ta nói đến tâm thái tức là trạng thái của nội tâm. Chúng tôi nhớ hồi còn nhỏ có lúc rất mê đọc chuyện chưởng kiếm hiệp của Kim Dung, và trong những tác phẩm lớn của Kim Dung có tác phẩm Tiếu Ngạo Giang Hồ, trong đó có một ý niệm tác giả Kim Dung đã đưa vào trong quyển tiểu thuyết này liên quan đến võ học và liên quan đến kiếm thuật khác đó là kiếm tôngý tông. Kiếm tông thì đặc biệt nói về những đường kiếm nhanh như thế nào chậm như thế nào, khi mà đạt đến ý tông tức là cũng múa kiếm nhưng  không phải theo những cái thế, mà đặc biệt là đạt đến chỗ ảo diệu của dụng tâm. 

Về điểm này, thì đó là một giai đoạn tương đối tế nhị cũng giống như trong binh pháp người ta nói có hai khả năng cầm quân của một vị tướng. Có những vị tướng khi ra trận thì tính toán bằng những con số, địa hình là như vậy, binh lính là như vậy, vũ khí là như vậy, chiến thuật là như vậy. Nhưng có  vị tướng đạt đến mức ảo diệu hơn nhìn thấy thế trận là có thể cảm nhận trận này đánh thua hay thắng, trong Anh ngữ gọi là instinct chúng ta gọi là bản năng, nhưng có chữ khác là intuitiontrực giác, do trực giác chúng ta biết trận này mình đánh thắng hay thua, thì do trực giác ít qua sự toan tính cân đo đong đếm mà trực giác là sự nhận thức của một người lão luyện, khi chúng ta đi vào trạng thái này thì thật sự không dễ dàng để chúng ta hiểu trừ khi giữa người này và người kia cùng trình độ khả năng tâm ý tương thông. 

Cũng thời đọc một quyển sách cũng thời có khả năng ngôn ngữ một người lão luyện quen thuộc với sách vở với đề tài mình đọc thì người này đọc với tâm điềm tỉnh trầm lắng nhưng có người đọc một cách sôi nổi hào hứng và hai trạng thái đó không biết ai hơn ai. Đi hành hương cũng vậy, đi làm phước cũng vậy, có những người đi làm phước bằng tâm háo hức nô nức, cũng có người đi làm phước bằng tâm tương đối điềm đạm thành thạo vì quá quen thuộc và làm. Thì ở đây có một sự đôi co chúng ta nên dụng tâm như thế nào ở trong đời sống tu tập và đây là một bí quyết. Có những người quan niệm mình đi vào thế giới của sự tu tập là mình phải đi vào thế giới đó bằng sự nhiệt thành cũng có người quan niệm mình phải đi vào thế giới đó bằng sự thanh thản vì chỉ đến với Phật Pháp thanh thản thì dễ điềm đạm lắng đọng tâm hồn, nhưng cũng có người nói sự thanh thản đó thiếu chất của nó.

Bài kinh này trả lời rất quan trọng. Trong  Visuddhimagga-Thanh Tịnh Đạo từ đoạn 136 tới 147  Ngài Buddhaghosa đặc biệt dạy về điều này, có 6 công đoạn mà một hành giả phải biết và trong 6 công đoạn này chúng ta có một cách ứng xử khác nhau đối với nội tâm của chính mình:

- Có những lúc tâm cần phải chế ngự tức là phải áp đảo tâm.
- Có những lúc tâm cần được khích lệ.
- Có những lúc tâm cần được thăng hoa.
- Có những lúc tâm cần được bình thản.
- Có những lúc tâm cần ở trong trạng thái hướng thượng.
- Và có những lúc tâm cần hướng vào không tánh. 

Sáu pháp này nếu một người tinh luyện có khả năng xuất nhập tự tại sẽ an trú vào trạng thái nào mà mình muốn.

1 - Áp Đảo và khích lệ

Áp đảo và khích lệ là hai trạng thái đối ngược nhau nhưng đều cần cho tâm. Ở trong pháp trị nước người ta có khoan và nghiêm. Khoan tức là sự bao dung, nghiêm tức là chính sách nghiêm khắc. Trong kinh có câu chuyện, có một vị Chuyển Luân Vương vị vua mới lên ngôi, khi người ta dẫn đến một người ăn trộm nhà vua hỏi:

- Tại sao ngươi đi ăn trộm làm chuyện phi pháp?

Người đó trả lời:

- Tại vì con nghèo nên phải đi ăn trộm.

Nhà vua nghe như vậy sai đem ra một ít tiền:

- "Ngươi hãy cầm số tiền này về làm vốn sinh kế lương thiện đừng đi ăn trộm nữa" 

Nhà vua nghĩ mình đã giải quyết một sự việc giúp cho một người hoàn lương, đã làm một việc rất nên làm, nhưng từ câu chuyện đó được lan truyền đi về sau này có nhiều người ăn trộm tại vì nghĩ ăn trộm sẽ bị vua bắt mà lính của nhà vua bắt vô gặp nhà vua sẽ được tiền để về làm ăn thì như vậy cách tốt nhất nhanh nhất để có vốn làm ăn là đi ăn trộm để được lính bắt. Và khi có nhiều người ăn trộm như vậy nhà vua nghĩ rằng mình cho tiền ăn trộm thì ăn trộm tăng nhiều hơn do vậy mình phải có một biện pháp nghiêm. Khi người ta dẫn đến nhà vua một người ăn trộm nhà vua ra lệnh đem đi chém đầu ở ngã ba đường để làm gương răn đe thiên hạ. Khi nhà vua quyết định không cho tiền những người ăn trộm để họ về làm vốn sanh nhai mà đem chém đầu thì nhà vua nghĩ rằng biện pháp mạnh như vậy sẽ làm cho người dân sợ không đi ăn trộm nữa. Ở trong kinh nói lúc đó khi bắt đầu có sự trừng phạt nghiêm khắc chẳng những người ta không bớt đi ăn trộm mà họ vẫn đi ăn trộm và mang theo vũ khí để đề phòng khi lính bắt họ sẽ tự vệ chống trả được, khi có nhiều đao trượng binh khí thì sanh ra sát sanh tại vì họ mang theo binh khí khi họ ăn trộm họ đánh đập giết người chủ nhà, và khi sát sanh nhiều thì bao nhiêu tệ nạn xảy ra. 

Ở trong lịch sử Trung Hoa có hai nhân vật chủ trương pháp trị giống như ngày nay bên Hoa Kỳ họ theo chánh sách Law and Order - Luật Pháp và Trật Tự đó là Vệ ƯỡngVương An Thạch. Đời chiến quốc thì Vệ Ưỡng là một pháp gia chủ trương là dùng luật lệ rất hà khắc và về sau này An Thạch  cũng vậy nhưng cả hai nền pháp trị đó đều thất bại. Do vậy để tạo ra sự quân bình lúc nào cần khoan thì khoan lúc nào cần nghiêm thì nghiêm. 

Nó là một nghệ thuật, như dạy con nếu nghiêm khắc quá con không nhận được tình thương của cha mẹ nhưng nếu thương con quá thì con cũng hư. Do vậy Đức Phật dạy đối với tâm của chúng ta, lúc nào cần áp đảo thì áp đảo lúc nào cần khuyến khích thì nên khuyến khích. 

Hai cặp đầu tiên này sự quân bình rất khó, cần phải cẩn thận tại vì bản thân của hành giả ít có đối xử với tâm của mình phải chăng, chúng ta thường rơi vào cực đoan là hễ mình chế ngự tâm mình thì lúc nào cũng đàn áp mà mình khích lệ tâm mình thì lúc nào cũng nuông chìu nó. 

Thì ở đây Đức Phật nói biết lúc được khích lệ và biết lúc nên áp đảo. Giả xử như trong trường hợp tâm mình giải đãi nhiều quá hoặc giả tâm của chúng ta mông lung thì đó là lúc chúng ta cần áp đảo, nhưng khi tâm chúng ta suy sụp tâm chúng ta bị buồn nản thì đó không là lúc nên áp đảo mà lúc đó chúng ta nên khích lệ tâm của mình.

2. - Hân Hoan và Trú Xả

Hai pháp tiếp theo có những lúc trong sự tu tập chúng ta cần hân hoan nhưng  có những lúc trong sự tu tập chúng ta cần bình thản, trong bài kinh này gọi là trú xả là bình thản. Trong Thanh Tịnh Đạo đề cập đến hình ảnh của một người đánh xe khi lấy trớn khởi hành thì cần hô cần hét cần làm sao cho con ngựa phấn chấn đi tới, nhưng một khi đạt được vận tốc bình quân vận tốc mình cảm thấy được rồi thì nên giữ yên như vậy và đừng can dự nhiều.

 Thí dụ mình thành lập một tổ chức sinh hoạt ở trong chùa hay trong giai đoạn nào đó thì mình phấn khởi nhưng không phải phấn khởi hoài đến một giai đoạn bảo hoà giai đoạn cần làm mọi việc bằng cái nhìn tương đối nhẹ nhàng nhất trú xả nhất không có huyên náo. Chúng tôi nhớ hồi mới  thành lập chùa có Ngài HT về chùa Phật tử cứ lui tới hoài mà lui tới thời gian chúng tôi không làm được gì hết cứ vài ba giờ đồng hồ có người lui tới phải ngồi nói chuyện mất nhiều thì giờ, thì đến giai đoạn nào đó mình phải bảo hoà, bảo hoà ở đây là trạng thái trú xả tức là nếu chuyện đó đã chạy rồi, nếu chuyện đó nó đã tự nó tiếp tục được rồi, nếu chuyện đó đã bắt chớn được rồi thì mình nên giữ tâm tương đối, tương đối là nhẹ nhàng để mắt nhìn không có buông lơi nhưng không có hào hứng quá. Thành ra giữ sự hân hoan và tâm bình thản là hai trạng thái đều cần, không phải lúc nào mình cũng nồng nàn không phải lúc nào cũng nhiệt tình mà có đôi lúc chúng ta cũng cần có trạng thái bảo hòa, trạng thái thanh thản.

3. Trạng thái hướng thượng và trạng thái hướng về Niết-bàn

Cặp thứ ba cũng là hai trạng thái đối lập, một trạng thái là hướng thượng gọi là tầm cầu cái cao qúi và một trạng thái khác gọi là hướng về Niết-bàn tránh thân kiến. 

Ở đây chúng ta lấy ví dụ, là một thời gian nào đó đi học thì người ta nên tha thiết sẽ học ra trường để làm ông này bà kia được làm chức này chức khác, nhưng nếu một người sau khi thành tài đỗ đạt rồi mà lúc nào cũng nghĩ đến địa vị, lúc nào cũng nghĩ đến mình là ai thì chúng ta sẽ gặp rắc rối là tại vì quá nặng về danh quá nặng về địa vị thì chúng ta sẽ khổ. Hành giả có những giai đoạn nên nghĩ đến cái gì đẹp cái gì cao cả cái gì tốt, và khi chúng ta có cái đẹp có cái cao cả chúng ta cần rất cẩn trọng tại vì nếu không chúng ta sẽ rơi vào thân kiến, nếu không thì chúng ta sẽ rơi vào chuyện là muốn đánh bóng bản ngã của mình, ưa chuộng tự ngã của mình và cái ngã tính trở thành một chướng ngại. 

Đây cũng là điểm tế nhị khác, rất là khó tại vì làm thế nào mà con người có thể hướng thượng, hướng thượng là gì? Là mong cho mình được tốt hơn được đẹp hơn nhưng trong cái mong cho mình được tốt mong cho mình được đẹp hơn thì cũng phải né tránh một điều là làm sao không rơi vào  ngã chấp không rơi vào chấp thủ "đây là tôi, đây là tự ngã của tôi" chuyện vừa làm cho mình được tốt làm cho mình được đẹp làm cho mình được an trú vào thiện pháp, đồng thời làm sao để tâm của mình không ngã chấp không nghĩ rằng "đây là ta, đây là của ta, đây là tự ngã của ta" thì đó cũng là vấn đề. 

Bài kinh ngày hôm nay Đức Phật đặc biệt Ngài dùng từ "sītibhāva

sīti là mát lạnh
 bhāva là trạng thái
 sītibhāva là một trạng thái thanh lương

Trong bài kinh này dùng chữ "vô thượng thanh lương", từ vựng này là từ vựng khó hiểu đối với người bình thường. Như trong tiếng Anh có chữ cool  người Mỹ hay nói "you cool" để chỉ cho một người có một sắc thái độc đáo một người chúng ta tạm gọi trong cụm từ "hư trần bất nhiễm trần" tức là mình sống trong thế giới đó nhưng mình không bị ảnh hưởng với thế giới đó mình giữ được bản sắc của mình. Và chữ vô thượng thanh lương ở đây chỉ cho một trạng thái mát mẻ không bị nhiệt não về phía bên này nhiệt não phiá bên kia.

Chúng ta thấy khi đi sâu vào thế giới của nội tại, đi sâu vào thế giới của tu tập, ngay cả cái tốt nhất của mình thì mình vẫn có thể bị rơi vào cạm bẫy, ngay cả nỗ lực của mình cũng có thể rơi vào cạm bẫy, để có thể lèo lách có thể đi băng ngang qua một nơi có nhiều tảng đá ngầm thì đó là cái khéo. 

Ngày xưa có câu chuyện, có những người thông thạo địa hình cất nhà trên một hòn đảo chung quanh có rất nhiều tảng đá ngầm, chỉ có họ mới có thể chèo thuyền đi vào bên trong đảo, người không biết thì đến đó dễ va vào đá ngầm và rất là khó vào đó được vì nước ở trên nhìn thấy bằng phẳng nhưng những đá ngầm ở dưới  không thể thấy được. Ngay cả hải quân Hoa Kỳ thỉnh thoảng bị tai nạn xảy ra ở gần bãi biển Nhật Bản vì bị mắc cạn, một chiếc tàu chiến khu trục hạm có bao nhiêu là máy móc mà bị mắc cạn là chuyện khó nghĩ nhưng chuyện đó cũng có thể xảy ra được trong thời đại này. Thì đối với tất cả chúng ta để tránh cảm bẫy rất là khó ở trong đời sống tu tập. 

Ở đây, Đức Phật đề cập đến 6 pháp này Ngài cho chúng ta biết mỗi một pháp đều có cái lợi và hại đòi hỏi cái khéo của chúng ta.

 Cặp đầu tiên Đức Phật dạy phải biết áp đảo áp chế tâm mình nhưng cũng phải biết lúc nào nên khích lệ tâm mình, mình nuông chìu quá nó cũng hư mà mình đàn áp nhiều quá nó cũng hư. Chẳng hạn, có những vị cha mẹ con làm gì sai thì đánh, đánh riết đứa nhỏ khờ, và có nhiều bậc cha mẹ chìu con quá, thật ra các bậc cha mẹ  dạy con nên có khoan có nghiêm, ngày xưa người ta có lý tưởng là cha mẹ là đấng nghiêm từ, mẹ thì rất thương yêu con là từ mẫu và cha thì rất nghiêm khắc gọi là nghiêm phụ, chữ nghiêm từ chỉ cho hai trạng thái vừa thương vừa cưng con nhưng vừa nghiêm nhưng không có khắc nghiệt, làm thế nào có cả hai vừa từ và vừa nghiêm thì con mới lớn lên một cách lành mạnh được. 

Tâm của chúng ta cũng vậy, ở đây Đức Phật dạy biết lúc nào nên áp đảo và biết lúc nào nên làm tâm phấn chấn, khích lệ tâm của mình, đó là sự tế nhị.  Biết lúc nào nên hân hoan và biết lúc nào nên hành xả. Hân hoan nghĩa là làm cho tâm phấn chấn, nhưng trú xả tức là nếu chuyện đó nó đã phất rồi thì mình đừng can thiệp vào nữa nên để tuần tự cho nó đi tới từ từ, tại vì một khi nó bộc phát rồi mình còn làm thêm nữa thì nó lại dư thừa cái dư thừa đó nó lại khiến cho đời sống của mình xáo trộn thêm. Thí dụ, ngày xưa một máy xe vận hành thổi càng nhiều xăng vào trong máy  thì máy mạnh nhưng thổi nhiều xăng nó dư không cần thiết và tạo ra ô nhiễm vì khói xăng và tốn kém xăng. Ngày nay người ta tạo ra hệ thống tự động để điều chỉnh lúc nào máy đã có trớn rồi không cần thiết phun thêm xăng vào, máy chạy ít xăng hơn và không gây ra ô nhiễm vì khói xăng. 

Đối với chúng ta có những lúc nên để tâm mình phấn chấn, mình làm việc đó mình nên hân hoan, làm việc đó mình nên có sự hào hứng, nhưng có những lúc nên để cho tâm của chúng ta thanh thản, nên để tâm chúng ta lắng đọng. Một người ngồi thiền mà hăng hái quá, lúc nào cũng mê ngồi thiền thích ngồi thiền quá, ngồi thiền giống như ghiền thì thật sự không có ngồi thiền được, ngồi thiền là phải trầm lặng phải thanh thản. Thành ra biết được lúc phải thanh thản, biết lúc hân hoan đó là một nghệ thuật. 

Nhưng chúng tôi nghĩ trạng thái sau là trạng thái khó nhất, tức là cặp sau cùng là trạng thái hướng thượng và trạng thái an trú vào không tướng tức là không có thân kiến. Hướng thượng là mình nghĩ làm sao để mình được tốt được cao qúi, nhưng khi mình được cao qúi, "ai cao qúi", "là tôi là ta" đó là vướng vào ngã chấp thì cũng sai.

 Nhưng nếu ở trong đời sống cái gì cũng nghĩ rằng cái này "không phải là tôi, không phải là của tôi, không phải tự ngã của tôi, tất cả đều là không hết" thì đó cũng là vấn đề, tại vì chúng ta không có thành tựu đến đỉnh điểm của sự tu tập không thành tựu cái tốt đẹp của sự tu tập. Thì như vậy giữa sự hướng thượng giữa sự tự làm cho mình cao qúi vượt khỏi ngã chấp  lại là một sự không đơn giản, nó là một điểm tế nhị.

Bài kinh hôm nay Đức Phật đề cập chữ "sītibhāva" và ở đây chúng ta dịch là sự "thanh lương" tức là sự mát mẻ, ở đây là "tối thượng thanh lương" là đạt đến một trạng thái đôi khi trong tiếng Anh dùng chữ "cool" mình không dịch chữ "cool" được, chữ "cool" mang nặng tánh chất văn hóa xã hội vừa độc đáo vừa cá biệt vừa không bị ảnh hưởng và nó tạo cho chúng ta thấy được ở trong thế giới của cảnh giới tu tập thì ở trong cảnh giới đó đôi khi đòi hỏi chúng ta phải "cool" như vậy, tức là biết ứng xử một cách hợp tình hợp lý. 

Tính ra là 6 pháp nhưng chúng ta có 3 cặp và mỗi một cặp nó đều có một cái sự đối xứng mà chúng ta cần:

 - Biết lúc nào nên chế ngự nên áp chế tâm, biết lúc nào nên khuyến khích tâm.

- Biết lúc nào nên hân hoan, biết lúc nào nên trú xả.

- Biết lúc nào nên làm cho mình được cao qúi, và biết lúc nào nên an trú vào cảnh giới của không tướng mà không có ngã chấp.

Thì điều đó đòi hỏi sự quân bình. Quân bình là một nghệ thuật, cái gì cũng vậy, giữa cái cực đoan bên này và cái cực đoan bên kia nó chỉ là một đường tơ kẻ tóc, giữa hai cực đoan là trạng thái trung đạo điểm nằm giữa nó chỉ là đường tơ kẻ tóc nhưng ai biết được cái đường tơ kẽ tóc là người đã nắm được cái chìa khóa của sự tu tập./.