Wednesday, April 29, 2020

Năm dục công đức - TT Giác Đẳng giảng

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
33. Kinh Phúng tụng (Sangìti sutta)
PHÁP NĂM CHI phần 5.3
Iii) Năm dục công đức



Iii) Năm dục công đức: Sắc do nhãn nhận thức. Sắc này khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn. Tiếng do tai nhận thức … Hương do mũi nhận thức … Vị do lưỡi nhận thức … Xúc do thân cảm xúc là khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn (pañca kāmaguṇā. cakkhuviññeyyā rūpā iṭṭhā kantā manāpā piyarūpā kāmūpasañhitā rajanīyā , sotaviññeyyā saddā... ghānaviññeyyā gandhā... jivhāviññeyyā rasā... kāyaviññeyyā phoṭṭhabbā iṭṭhā kantā manāpā piyarūpā kāmūpasañhitā rajanīyā.).

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma  ngày 15 tháng 4, năm 2019
Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Hôm nay chúng ta học đề tài rất quen thuộc, tuy vậy, lại là một đề tài lớn ở trong Phật học và, từ đề tài này chúng ta có thể nhận thức được sự tương quan giữa pháp học và pháp hành.

Ở đây, bài học hôm nay nói về năm pháp, năm pháp này làm tăng trưởng sự ham muốn ở trong đời sống của chúng ta và, dĩ nhiên, những pháp này đề cập một cách cụ thể trực tiếp cái gì thuộc về mắt thấy, trong kinh điển gọi là cảnh sắc, cảnh sắc đó, đẹp, vừa ý, khiến chúng ta thích thú, cái đó chúng ta gọi là sắc đẹp.

Sắc do nhãn nhận thức.

Sắc đẹp, bao gồm một thế giới rộng lớn, ở trong đó có những ngoại hình đẹp của người khác phái như là, nam đối với nữ, nữ đối với nam. Hay hoặc giả, vẻ đẹp của thành phố, vẻ đẹp của quần áo, quần là áo lụa, vẻ đẹp của một bức tranh. 

Thế giới của mắt là một thế giới rộng, ở trong thế giới đó người ta bỏ ra rất nhiều tiền để xây dựng những ngôi nhà đẹp tại những đô thị đẹp và, ngay cả bây giờ người ta đầu tư một số tiền rất lớn để giải phẩu thẩm mỹ làm cho khuôn mặt đẹp, làm cho người đẹp có sự thu hút quyến rũ nhiều hơn. 

Chỉ riêng một thứ thuộc về con mắt của chúng ta khiến cho thế giới này tốn không biết bao nhiêu tiền đó là, thời trang. Quần áo mặc thì có lúc rộng có lúc hẹp, có lúc màu này màu kia, kiểu này kiểu kia, nhưng, tất cả đều chỉ là những phương cách để làm thoả mãn con mắt của chúng ta. Khi nói đến thời trang, không biết bao nhiêu ngôn ngữ có thể nói đủ về yêu cầu của con mắt, nhưng rõ ràng là hễ con mắt, thấy cảnh đẹp, thấy sắc đẹp, chúng ta sanh lòng ham muốn, còn nếu không có, chúng ta đi tầm cầu, nếu cần, chúng ta điều chỉnh.

Tiếng do tai nhận thức.

Điều thứ hai, làm tăng sự ham muốn đó là âm thanh khả ái, khả ý, tiếng hay. Tai của chúng ta có nhu cầu nhất định, chúng ta thích nghe lời nói ngọt ngào dễ đi vào lòng người, chúng ta thích nghe những tiếng dễ nghe, như người ta nói rằng, "chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe". 

Nhưng còn hơn thế nữa, chúng ta có một lãnh vực lớn trong đời sống là âm nhạc. Âm nhạc là một thế giới của nghệ thuật âm thanh tạo nên những tiết tấu, những cung bậc làm cho tai chúng ta cảm thấy thích thú. Dĩ nhiên là, âm nhạc có một vai trò lớn trong xã hội loài người. Chúng ta chi không biết bao nhiêu tiền để có được những bản nhạc hay, dù đó là thể loại nhạc cổ điển hay là nhạc đương đại, dù đó là nhạc Đông hay Tây, dù đó là nhạc Tây Phương hay nhạc Ngũ Âm, chúng ta vẫn luôn luôn đi tìm cái gì đó mới, cái gì đó thêm làm cho thỏa mãn tai của mình.

Hương do mũi nhận thức.

Mùi thơm, còn gọi là khí, chữ khí dùng để chỉ về mùi, gồm cả mùi thơm lẫn mùi thối. Nhưng, chữ hương đặc biệt chỉ cho mùi thơm. Mùi thơm ở đây chúng ta nói về mùi mình thích, ví dụ, mùi của hoa, mùi của dầu thơm, ngay cả mùi nước mắm, mùi sầu riêng đối với nhiều người  thích thì cho là thơm. Chữ hương ở đây được xử dụng để chỉ cho mùi thơm. Cũng giống như cảnh sắc, cảnh thinh, thì hương là mùi khả ái khả ý, cả một thế giới đó chúng ta chi rất nhiều tiền, chúng ta bận tâm rất nhiều.

Có lần chúng tôi đọc thống kê về thị trường nước hoa của Âu Châu, một năm người ta tiêu sài trên 15 tỷ Mỹ kim cho nước hoa. Không có nghi ngờ gì, nước hoa là một kỹ nghệ sản xuất lớn. Nhưng, chúng ta cũng nói rằng ở trong cuộc sống hàng ngày có nhiều thứ mùi thơm khiến chúng ta bận tâm tốn tiền tốn thì giờ tìm kiếm. Các hãng xe hơi như hãng xe Lexus, Mercedes v.v.... người ta nghiên cứu  nên để mùi thơm trong xe, khi người mua mở cửa xe với mùi thơm đó họ cảm thấy muốn mua, đó là ấn tượng đầu tiên cho người muốn mua xe, con người thích như vậy. Và, trong căn nhà bình thường mình nghĩ không có mùi nhưng kỳ thật nó có mùi nhè nhẹ. Người ta nói nếu mình lau nhà với loại mùi nào đó thí dụ như ocean spray, hay mùi cây thông thì cho mình cảm thấy sạch hơn những mùi khác và, do vậy có những hóa chất  họ sản xuất ra những mùi đó. 

Nói chung thì, mùi hương thơm chi phối một lãnh vực lớn trong đời sống của mình.

Vị do lưỡi nhận thức 

Chúng ta nói đến cảnh vị, cảnh vị ở đây là, chua, cay, mặn, ngọt, đó là những vị chính, ví dụ, thức ăn, cũng là thức ăn có những vị nếm vào chúng ta cảm thấy ngon, có những vị chúng ta nếm vào cảm thấy buồn nôn. Chúng ta lớn lên với ẩm thực, với văn hóa ẩm thực của một dân tộc. Dĩ nhiên là, chúng ta có thói quen và thói quen đó đóng khung trong một số phương diện nhất định là, mình thèm món đó, mình phải ăn món đó, mình muốn ăn món đó. Không ai có thể phủ nhận rằng ẩm thực là một lãnh vực lớn của xã hội loài người và, dĩ nhiên trong cuộc sống chúng ta.

 Chúng tôi nhớ có lần ngồi nói chuyện với Ajahn Anando, vị trụ trì của Ireka Harama bên Anh Quốc. Đang ngồi nói chuyện thì có vị Sư người Mỹ hỏi vị này là:

-  "Ajahn đi xuất gia là người dạy dỗ Chư Tăng, vậy Ajahn nghĩ rằng cái gì chi phối đời sống tu mình nhiều?"

 Ngài Ajahn Anando nói rằng:

- "Người ta nói đến nhiều thứ nhưng chúng ta có một thứ nên quan tâm là, đừng bao giờ xem nhẹ những thứ bình thường trong đời sống, có những thứ bình thường trong đời sống chi phối chúng ta rất lớn, thí dụ như, ngủ, ăn. Có những vị ngồi thiền lại buồn ngủ tại vì hôn trầm là căn bịnh lớn, ăn cũng vậy."

Và, Ngài Ajahn Anando kể kinh nghiệm chính bản thân của mình là, có những khi đời sống xuất gia không có cái gì để hưởng, bấy giờ cái ăn là lớn, lúc đó ăn cảm thấy rất ngon miệng, lâu ngày ý thức rằng mình phải chánh niệm về việc ăn uống.

Xúc do thân cảm xúc 

Chúng ta nói đến cảnh xúc. Cảnh xúc ở đây, cái gì đụng chạm qua xúc giác của thân, thí dụ, giường, nệm, ghế, thậm chí, quần áo mình mặc, quần áo mình mặc không chỉ đẹp của thời trang, mẫu mã mà, còn tạo cho chúng ta  xúc giác thoải mái, mình mặc bộ đồ vải lụa mềm cảm thấy thoải mái dễ chịu, mình mặc bộ đồ vải thô cảm thấy cứng, cảm thấy khó chịu, vì vậy tại sao người giàu bỏ nhiều tiền mua tơ lụa. 

Xúc giác còn bao gồm những lãnh vực khác lớn như là lục dục, những nhu cầu quan trọng của cuộc sống này. Như trường hợp, chúng ta có cái khăn choàng thì không phải chỉ đẹp mà phải vừa đẹp vừa phải êm, cũng thuộc về xúc giác.

Năm cảnh; sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc, làm tăng lục dục, nó cũng là những gì mà nó liên hệ nhiều với thế giới vật chất và, nó cũng đóng nhiều vai trò trong văn hóa của chúng ta. Ví dụ, nói về:

1. Thời trang mẫu mã quần áo về cảnh sắc,

2. Về âm nhạc chúng ta nghe thuộc về cảnh thinh, 

3. Về nước hoa thuộc về hương, hay là khí, là hương thơm,

4. Về ẩm thực chúng ta nói là cảnh vị,

5. Thân cảm xúc như là giường nệm êm ái v.v... 

Cả năm điều này thuộc về vật chất và, nó có sự chi phối ở trong lẫn ngoài, nội giới, ngoại giới. Thí dụ, chúng ta có một tiết tấu ở trong lòng riêng của mình (thuộc về nội giới), nhưng khi nghe một ca sĩ nào hát với một tiếng hát thánh thót, làn hơi phong phú, sự luyến láy có sức thu hút thì thuộc về ngoại giới, cái gì thuộc về ngoại giới thì nó vô cùng.

Trong một lần chúng tôi đi cùng phái đoàn đến thành phố Hồng Kông, bỗng nhiên, chúng tôi nhớ trong kinh chuyển Pháp Luân Thánh Vương có nhắc đến những đô thị sầm uất có 10 câu nói người dân thường hay nói là, hãy ăn đi, hãy uống đi, hãy hưởng thụ đi, v.v... Trong thế giới của chúng ta ngày hôm nay cũng vậy, một thế giới các cảnh giới dục lạc thừa thãi khắp mọi nơi và, chẳng những vậy nó đạt đến mức độ rất tinh tế.

Khi chúng tôi còn nhỏ, không xa đâu, cách đây hơn 50 năm, ở miền quê mỗi khi có bộ quần áo mới thì rất mừng, đến tiệm may nào đó đặt may rồi chờ đợi, bây giờ chỉ có nửa tiếng thôi mình thấy có biết bao nhiêu quần áo ở ngoài cửa hàng bách hóa, ở  các tiệm quần áo, để người ta lựa chọn, những quần áo này được may bằng nhiều loại vải vóc vật liệu khác nhau và, có thể nhập cảng từ châu lục này qua châu lục kia, từ góc độ này qua góc độ kia. Sự xuất cảng như vậy làm cho quần áo trở lên đa dạng, sẵn sàng. 

Chúng ta sống trong một thế giới mà quảng cáo là một kỹ nghệ lớn, ngay chính sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc, làm chúng ta bị cuốn hút, nhưng, thêm vào đó còn có kỹ nghệ quảng cáo ầm ĩ, quảng cáo ấn tượng, khiến  chúng ta tiêu sài rất nhiều tiền.

Cuộc sống của chúng ta ngày nay đạt đến nhiều sự ảo diệu, ví dụ, một chiếc Iphone cầm trên tay, đẹp về hình thức, âm thanh hay, tiện dụng về những chức năng thì, với những điều đó đủ sức, đã là quá đủ để cuốn hút chúng ta rồi. Thành ra, thời đại mình sống hiện nay là những sản phẩm tiêu thụ chẳng những đẹp về mẫu mã, tiện lợi về những chức năng mà ngành quảng cáo còn tạo sức hút cho chúng ta rất lớn.

Thì bây giờ, chúng ta nói qua loa về, sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc như vậy, những điều đó rất đơn giản, rất dễ hiểu.

Nhưng, chúng ta phải nói đến điểm thứ hai tiếp theo là, tất cả những thứ đó là phúc hay là họa?

Căn bản mà nói thì nghiệp báo một người sống ở đời có được những dục lạc, sắc, thinh, khí, vị, xúc và, khả ái, khả ý, còn gọi là, sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc. Có được những thứ đó có nghĩa là mình có phước, người không phước sanh ra ở đời lấy nước mắt chan cơm mà ăn, mặc quần áo thô xấu, ở nhà chật chội. Người có phước sanh ra đời nói theo kinh điển bắc truyền là, y báo và chánh báo đều tốt,  do phước báu khiến cho họ có đủ mọi thứ. Chúng ta thường đồng tình với điều đó vì nghĩ rằng đời sống mình có được bữa ăn ngon, mua được bức tranh đẹp, nghe bản nhạc hay, tất cả những điều đó đều là do phước.

Tuy nhiên, Đức Phật Ngài không phủ nhận điều đó, nhưng, Ngài dạy rằng những thứ khả ái khả ý đó, nó có ngoài vị ngọt, nó còn có thứ nguy hiểm là làm tăng trưởng sự ham muốn của chúng ta. 

Mới nói điều này mình cảm thấy bình thường là, con người chúng ta có tri giác, có bi quan, chúng ta biết phân biệt, cái hay, cái xấu, cái tốt và cái không tốt, cái ngon, cái dở, thì, sự ham muốn nó không có gì, nó rất là bình thường. Nhưng, sự ham muốn có ba khuyết điểm và, cả ba khuyết điểm này đều rất nguy hiểm. 

1. Khuyết điểm đầu tiên là, sự ham muốn sanh phiền não, phiền não này tạo nên nghiệp. Mình thích cái gì quá mình phải có nó, mình phải tiếp tục có nó, mình phải chiếm hữu và, thường khi mình phải trả giá rất đắc. Tại sao chúng ta đi làm đầu tắt mặt tối, tại vì chúng ta quá muốn cái gì đó.

Cách đây không lâu, chúng tôi có nhắc đến câu chuyện bi kịch của loài người đó là, một thanh niên Trung quốc quá thích Ipad, bán thận của mình để mua Ipad, người ta đã trả nhiều tiền để mua thận. Khi chúng ta quá muốn cái gì đó chúng ta sẵn sàng đánh đổi, đó là chúng ta nói rằng phiền não, tiền sanh ra nghiệp. Tất cả can qua chiến tranh giữa quốc gia này với quốc gia khác, ở trong kinh Đức Phật dạy rằng, con tranh chấp với cha, cha tranh chấp với con, vợ tranh chấp với chồng, chồng tranh chấp với vợ, anh em tranh chấp nhau, những điều đó đến từ sự ham muốn này, và do có sự ham muốn như vậy chúng ta gọi ham muốn là phiền não tạo ra nghiệp. Đó là khuyết điểm thứ nhất.

2. Khuyết điểm thứ hai là, hễ quá thích cái gì đó thì tâm của chúng ta không có điềm đạm với những thứ mình không thích, con người mình càng thích cái này thì mình càng bất mãn với cái đối lập với nó. Khi nào mình đi đâu nghe một người nào đó nói rằng ghét cái này ghét cái kia mà họ ghét cay ghét đắng thì, chúng ta nên hiểu giá trị ngược lại là có cái gì đó họ rất là thích, cái gì đó  họ dính mắc. Không bao giờ chúng ta quá thích một thứ gì mà chúng ta giữ được tâm quân bình với thứ đối lập. Giống như cái chuông lắc đồng hồ hễ nó qua bên phải nhiều thì nó qua bên trái nhiều, qua bên trái thì nó qua bên phải, chúng ta không thể làm nó qua bên phải rồi trở về đứng giữa rồi mới qua bên trái. Cái quá thích, quá yêu, quá quí, quá khao khát thì, nó cũng là nguồn đẻ ra, quá bất mãn, quá ghét bỏ, quá bực bội. 

Thế giới nào, thời giờ nào, giai đoạn nào, xã hội nào mà, con người nặng về lòng dục thì con người nặng về vật chất, hai cái đó đi chung với nhau và, không bao giờ tham nhiều, sân nhiều mà thiếu si trong đó, si nằm trong tham và sân. Lấy ví dụ đơn giản là, khi mình đi học thì mình bớt đi chơi, tại vì khi mình đi chơi, mình quá thích, mình quá ghiền, mình quá bận tâm đến việc chơi, mình sao lãng việc học. Chuyện đó đơn giản, chuyện đi chơi không phải là cái tội nhưng bỏ học là cái tội. Đời sống con người chúng ta, ví dụ, bây giờ muốn tâm mình an tịnh mà tâm mình nhiều tham quá, nhiều sân quá, nhiều si quá, nó không an tịnh được. Thành ra ở đây, không phải là chuyện tổ tông gọi đó là một thứ tội lỗi, nhưng, trong quan điểm của Ki Tô giáo gọi "sin" là tội lỗi. Nó là một hệ lụy tự nhiên của kiếp sống và, cái hệ lụy tự nhiên đó Đức Phật Ngài dạy rất rõ ràng, hễ mình thấy cái khả ái khả ý thì mình thích, nhưng, bên cạnh đó thì tâm không ổn định được, tâm chúng ta bị xáo trộn.

Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật Ngài có ví dụ như vầy, nếu để mình quá đắm nhiễm theo dục lạc, mình giống như mái nhà vụng lợp nước mưa thấm vào, tâm của chúng ta khéo tu bớt đi đắm nhiễm giống như mái nhà khéo lợp nước mưa không thấm vào.

 Ở trong một thí dụ khác rất tượng hình là, người sống buông thả theo dục lạc khi đối diện với pháp thế gian, giống như gió lay cây yếu, người tâm ít phiền não giống như gió thổi núi đá vậy. Cuồng phong thổi núi đá thì núi đá không hề hấn gì,  nhưng, nếu cuồng phong thổi cây yếu, cây sẽ đổ. 

Ở đây có gợi ý, nếu tâm mình sống trong dục lạc thì tâm mình không mạnh được nó giống như gió lay cây yếu, nó dễ buồn, dễ giận và, nếu tâm mình muốn an tịnh phải bớt dục lạc xuống một chút, phải sống quân bình, sống nhẹ nhàng hơn. 

Tại các nước Nhật Bản và Trung Hoa, người ta có những đề nghị thay thế những thú vui trần tục mình bằng những thú vui nhẹ nhàng như học về thư pháp, uống trà, học làm vườn. Trong kinh, Đức Phật nói rằng, những thứ đó cũng làm cho chúng ta chấp mê, ví dụ, chúng ta quá thích làm vườn, cái đẹp của hoa, cái đẹp của vườn cảnh cũng làm chúng ta say mê, làm chúng ta chấp, nó quan trọng với mình quá thì nó cũng chi phối mình, mặc dầu đỡ hơn nhậu nhẹt, đỡ hơn cần sa ma túy.

Khuyết điểm thứ hai của dục lạc chúng ta nói đến phiền não, sự ham muốn  là điều kiện tạo ra sự bất mãn, mình càng thích cái khả ái thì mình càng bất mãn với những điều trái ý nghịch lòng, và sự bất mãn đó làm cho mình khổ.

3. Khuyết điểm thứ ba của dục lạc là hạnh phúc của sự vay mượn, hình thức vay mượn là, phải có một nguồn cung ứng nào đó mình mới vui, tự một mình thì không vui, thí dụ, mình thích nghe âm nhạc thì phải có ca sĩ hát hay, phải có phương tiện để ghi âm, rồi phổ biến trên youtube rồi ghi âm trong mp3 player để chúng ta nghe được, do vậy, khi có lý do gì không có âm nhạc nữa thì mình cảm thấy buồn thấy thiếu. Mình muốn ăn ngon phải có người nấu, người nấu đó phải là người nấu ngon, bây giờ mình thích ăn ngon  không có người nấu ngon, mình trở nên trống vắng thiếu cái gì đó, phải đi tiệm ăn chẳng hạn,

 Thì như vậy, những dục lạc của trần gian như, sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc, nó có một cái phiền là phải có sự cung ứng và phần lớn đến từ bên ngoài. Một vị bắt đầu tu thiền, một vị bắt đầu sống nội tâm là vị có thể tạo nên suối nguồn an lạc ở trong lòng, ví dụ, như nói rằng một trạng thái hỉ lạc do ly dục sanh có tầm có tứ chẳng hạn thì, những pháp tầm tứ hỉ lạc định là những pháp an tịnh an lạc đến từ sự tu tập nội tại. Đơn giản như vầy là, nếu mình tự lực cánh sinh được thì đời sống thoải mái hơn, còn nếu mình nghèo cứ phải đi xin đầu này đầu nọ khi người ta không cho nữa thì mình khổ.

Thì khuyết điểm lớn của năm cảnh dục lạc ở đây thuộc về vật chất, thuộc về ngoại giới và, khi chúng ta quá nghiền quá chấp vào rồi, chúng ta đi tìm nguồn cung ứng, gọi đó là thứ hạnh phúc vay mượn, và khi mình trở về với chính mình, mình ngồi lại nhìn chính mình, sống trong yên tịnh, không có chuyện gì ngoài chính mình thì, mình không vui, mình không hạnh phúc, mình không an lạc. 

Một kinh nghiệm lớn của các vị Thiền Sư là dạy chúng ta nên sống với nội tâm của mình. 

Chúng ta về các quốc gia Phật giáo vào những thiền viện, cho chúng ta vào ở, cho cơm ăn, hướng dẫn chúng ta, nhưng mà, những lần mình vào ở trong một am thất không điện không nước, chỉ có chiếu và gối. Khi mình mới đến chưa cảm thấy gì, nhưng, ngồi yên lặng, một giờ hai giờ đồng hồ, cảm thấy rất nhàm chán bởi vì nó trống vắng không có cái gì hết. Chúng ta quen TV, quen điện thoại, quen ăn, quen uống, quen sinh hoạt, bây giờ trở về với am thất trống như vầy cảm thấy trống vắng. 

Chúng ta học một điều rất quan trọng đó là, chúng ta vốn sống với những hạnh phúc vay mượn, với hạnh phúc của sự lăn xăng, bây giờ mình phải đi xây dựng một thứ hạnh phúc nội tại, hạnh phúc nội tại đó là có thể sống một mình, sống trong sự an tịnh, biết sống với thân với tâm của mình, và sống an lạc, nó lại là một nghệ thuật, là một điều không đơn giản và, chúng ta phải học để sống.

Khi chúng ta nói về năm dục trưởng dưỡng ở đây, chúng ta nên hiểu Đức Phật Ngài không lên án những điều đó, thậm chí Ngài dạy rằng những người có được những cảnh đẹp ở trong đời sống như, sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc do phước của quá khứ. Nhưng Ngài cũng dạy về bản chất tự nhiên của các dục là, quả của nghiệp sanh ra phiền não, và phiền não đó lại sanh ra phiền não, rồi phiền não cũng tạo ra nghiệp, tạo ra sanh tử, chúng ta gọi là, nghiệp hữu, sanh hữu. 

Chẳng những vậy, sống nặng về năm dục tạo cho chúng ta một vị thế là đi tìm những thứ hạnh phúc phải có nguồn cung ứng, mình tạo ra một phần và mình vay mượn là phần lớn, không có thì không được, là chúng ta khổ , đương nhiên chúng ta khổ. 

Do vậy, khi bắt đầu cuộc sống tu tập chúng ta phải tập sống một mình, tập sống với thân tâm, tập sống an lạc, không đi truy cầu những thứ dục lạc đó từ thế giới này bước qua thế giới kia. 

Chúng ta nhớ một điều là, Phật Pháp không lên án như Hồi giáo, Ki Tô giáo, Do Thái giáo họ dùng chữ "tội lỗi" chữ "sin", Phật Giáo không có như vậy, Đức Phật Ngài dạy cho chúng ta sống vì hiểu rằng cảnh và tâm liên hệ với nhau, chúng ta không hiểu được bản chất tự nhiên của cảnh thì tâm của chúng ta giao động, tâm chúng ta đau khổ.
 
Không phải là, chúng ta hưởng được nhiều, sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc, những điều đó không hạnh phúc, nhưng, Đức Phật Ngài dạy rằng những vị ngọt thì có, nhưng nguy hiểm lại nhiều. 

Chẳng những vậy, Đức Phật còn dạy con đường xuất ly là con đường tu tập. Mình cứ hiểu đại khái như vầy, ở trong cuộc sống này có những người mê chơi game, hay nghiện cần sa ma túy, hay hoặc giả, quá lệ thuộc thứ gì đó, thì lúc người ta đam mê những thứ đó họ nghĩ rằng những thứ đó hay, tốt đẹp. Nhưng mà rồi, nghĩ lại cho cùng là, khi mình vượt thoát khỏi mới thấy rằng, đúng ra mình ra khỏi vùng cương toả.

Dục lạc, chúng ta tạm có thể hiểu nó như là một thứ  junk food tức là đồ ăn tạp, người thích ăn hàng, ăn món này món kia, junk food đôi khi làm chúng ta thích, ăn thì ngon, nhưng junk food có nhiều cái hại của nó, là nó có cái ghiền có cái hại, đó là chúng ta nói nhẹ, nói đến xì ke ma túy thì nặng.

Đó là vài điều chúng tôi muốn nói về năm dục trưởng dưỡng./.