Monday, September 30, 2013

Đức Phật Ngài thuyết pháp có phải là do nhân cúng dường?

Hỏi: Đức Phật Ngài thuyết pháp có phải là do nhân cúng dường?

(Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, ngày 19-4-2013, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng giảng: Trước nhất Đức Phật Ngài đưa ra một câu hỏi và từ câu hỏi này Ngài muốn hỏi các tỳ kheo nghĩ như thế nào:

- Có phải là Đức Phật Ngài thuyết pháp là do nhân cúng dường vật thực, hay là do cúng dường y áo, hay là do cúng dường sàn toạ, hay là do sự thành bại hơn thua phải không?

Thì các vị Tỳ Kheo trả lời là 'không'.

Câu hỏi đó rất là đơn giản nhưng mà câu hỏi mở đầu đó Đức Phật Ngài đã ân cần nhắc cho Chư Tỳ Kheo biết rằng giá trị của chánh pháp nằm ở một chỗ cao qúi hơn là cái quan niệm nhân ngã bỉ thử hơn thua bình thường của chúng ta.

Thật ra thì khi chúng ta đọc đoạn đó nếu chúng ta suy nghĩ cho kỹ thì sẽ thấy rằng trong đời sống những điều như là kinh điển, giáo lý, tư kiến, thường dùng để làm lợi khí dẫn đến hơn thua. Chúng tôi không biết là qúi Phật tử đã có nhiều dịp lắng nghe những chuyện tranh tụng lời qua tiếng lại, thật ra nếu chúng ta nhìn thật kỹ thì đa phần ở trong đó chỉ là vấn đề cá nhân, chỉ là vấn đề hơn thua, chỉ là vấn đề nhân ngã bỉ thử ,mà nó không có một cái giá trị cao đẹp nào hết.

Một người Phật tử chân chính, một người hiểu Phật Pháp thì luôn luôn phải nhớ trong lòng phải tâm niệm rất là kỹ là Đức Phật Ngài thuyết pháp không phải là vì lợi lộc như là y áo sàn toạ thực phẩm và cũng không phải là vì sự thành bại, mà Ngài thuyết pháp chỉ thuần một điểm là vì lòng bi mẫn đối với cuộc đời. Lòng bi mẫn đó là gì? Là Đức Phật Ngài thấy chúng sanh khổ, Ngài thấy chúng sanh sống trong vô minh, Ngài muốn cho chúng ta chuyển mê khai ngộ, đó là lòng bi mẫn của Đức Phật.

Như vậy đó, một người vào đạo rồi sống trong đạo là người trước nhất phải có một cái nhìn rất chân xác về giá trị mục đích của giáo pháp. Nếu chúng ta đánh mất đi cái mục đích và giá trị đó thì chúng ta rất là dễ dẫn đến chỗ sai lạc. Ngày hôm nay chúng ta thấy đầy dãy những cuộc tranh luận mà đem Phật Pháp ra tranh luận, mới nghe thì lại tưởng như là tranh luận để được hưởng lợi lạc, tranh luận để biết hư thực nhưng trên thực tế thì sự tranh luận đó đánh mất đi mục đích của giáo pháp.

Chúng ta phải thường tâm niệm rằng giáo pháp Đức Phật giảng cho chúng ta là một giáo pháp rất cao qúi, giáo pháp đó được giảng không phải là vì Đức Phật Ngài muốn cái gì đó cho Ngài kể cả danh kể cả lợi kể cả hơn thua thành bại và giáo pháp đó Đức Phật Ngài giảng cho chúng ta thuần với mục đích là vì lòng đại bi của Ngài, Ngài thấy chúng sanh khổ chúng sanh vô minh Ngài giảng. Nếu chúng ta quên đi điều này thì chúng ta quên đi một điểm rất lớn của giáo pháp. Giáo pháp là để chuyển mê khai ngộ ly khổ đắc lạc chứ giáo pháp không phải là dùng để làm lợi khí để làm vũ khí miệng lưỡi để tranh chấp tranh tụng lẫn nhau.

Sunday, September 29, 2013

Tính cách đồng nhất như sự vô thường có cần được nhận thức bằng kiến văn bác học chăng?

Hỏi:  Tính cách đồng nhất như sự vô thường có cần được nhận thức bằng kiến văn bác học chăng? 

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, ngày 3-9-2013,Minh Hạnh chuyển biên và tóm tắt)

 TT Tuệ Quyền: Đứng trên cái nhìn của nhất thể thì chúng ta nhớ một điều vô thường là cái giá trị sự thật, dầu muốn hay là không muốn nó cũng là như thế, dầu cho người có học cao hay là người không học cao thì mọi người đều biết rằng cuối cùng cũng chết, không ai có thể trường sanh bất tử thì điều đó dẫu người thông mình mẫn tuệ hay một người tầm thường nhất thì cũng biết chuyện đó. Con người cũng sẽ già, cũng sẽ bịnh, rồi cũng sẽ chết, đây là sự thật. Nhưng con người cố tình tránh né sự thật đó. Một sự thật không cần phải có một kiến văn quảng đại, không cần thiết phải học cao hiểu rộng mới thấy được sự thật này.

 Có những người, chúng ta gọi theo người dân miền Nam gọi là bình dân học vụ, hay là kiểu người dân miền quê, họ là dân quê họ ít tiếp nhận nền văn minh những cái học cao hiểu rộng như những người khác hay có những triết lý hay có những hình ảnh gì đẹp nhưng người dân quê có một tính chất hết sức là nhẹ nhàng, đó chính là, họ biết rồi họ cũng sẽ chết, họ biết rồi họ sẽ bịnh, họ biết rồi họ sẽ buông tất cả, nên đời sống của họ khác hơn các miền xứ khác bởi vì họ cảm thấy rất là bình thường rất nhẹ nhàng. Người dân quê miền Nam sống rất nhẹ nhàng và sống rất thực tế bởi vì họ biết ngày hôm nay xử lý ngày hôm nay chứ không biết ngày xa, bởi vì sự thật ngày sau ra sao mình không biết, người dân miền Nam họ biết rằng làm cho lắm hiểu biết cho nhiều cũng là như thế rồi họ cũng sẽ ra đi rồi họ cũng sẽ biến chuyển. Những người dân miền Nam sống rất là đơn giản rất là nhẹ nhàng, không lễ nghi không đòi hỏi, không keo kiệt hoặc là có sự sợ sệt suy tính đắn đo nhiều như dân miền Trung và miền Bắc, bởi vì sao, chúng tôi muốn nói như thế này để nói lên tính dân bình thường bởi vì người ta biết sự tình nó như vậy và rồi làm cho lắm làm cho nhiều cũng là như thế. 

 Đây cũng là do cách sống, bây giờ chúng ta thấy, ví dụ, chẳng hạn như người nghèo họ ý niệm rằng đời sống thân phận hay nghiệp quả của họ nghèo, họ an phận thủ thừa trong cái nghèo thì điều đó không cần bằng kiến văn lớn lao gì cả mà họ biết, họ không đua đòi, không phải làm các điều ác. Mặt khác sống đời sống bình nhật đôi khi chúng ta không cần thiết phải có một sự học hiểu về giáo lý, học hiểu về cuộc đời, học hiểu về nhiều giá trị lớn lao mà chúng ta thấy chỉ bình thường thôi, chúng ta lại có một sự sắp xếp sự lo lắng sự tính toán tốt đẹp, đó là cái gì, cuộc sống này rồi 20 năm cuộc đời 60 năm cuộc đời 30 năm cuộc đời và cuộc đời không thể như là mơ không thể như mình tính mình muốn. 

  Người dân gian có câu: "mình tính không bằng trời tính" sự chấp nhận đó trên sự suy nghĩ của họ bằng kiến văn mà cái đó là sụ thật, cũng vậy, tin vào Phật Pháp thì chuyện mình tính không bằng nhân duyên nghiệp quả của mình. Chúng ta đã suy xét, đã đo lường đong đo chắc đếm một cách đầy đủ một cách tốt đẹp nhất nhưng cuối cùng nó cũng do điều kiện khách quan điều kiện chủ quan hay điều kiện gì đó mà không thành tựu, thì chúng ta thấy một sự tình như vậy và khi chúng ta hiểu mình tính không bằng trời tính hay mình tính không bằng cái nhân duyên, thì đó chính là cái gì cái hiểu biết không cần phải có một cái kiến văn quảng đại của nhà bác học tốt đẹp để hiểu, không phải như vậy, rất là nhẹ nhàng rất là bình thường và sự đời này nó đổi thay.
  
  Có câu nói "cha mẹ sanh con chứ không sanh lòng" hoặc "cha mẹ sanh con trời sinh tính", đó là theo dân gian thôi nhưng hiểu theo Phật Pháp là do nghiệp quả của chính nó. Và có thể nói rằng cuộc sống này cuộc đời này chúng ta không thể làm chủ nghiệp của mình hay nói theo Phật Pháp thì chúng ta không thể làm chủ cái cái nghiệp của mình. Bởi vì ta không biết rằng liệu chúng ta sống hôm nay còn có sống tới ngày mai hay không, mà do sự vô thường của cuộc sống này. Có một số người nói đừng suy đừng tính cho nhiều lo lắng ôm ấp chấp giữ cho nhiều rồi cuối cùng chúng ta chết, khi đến bàn tay không ra đi cũng bàn tay không thì cũng là một sự hiểu biết ý niệm về sự vô thường ý niệm về cái vô ngã rất là lớn.  Một sự thật không cần phải có một kiến văn quảng đại, không cần thiết phải học cao hiểu rộng mới thấy được sự thật này./.
  

Thế nào là hạng người bóng tối hướng đến ánh sáng (tamo hoti jotitarāyano)?

Hỏi. Thế nào là hạng người bóng tối hướng đến ánh sáng (tamo hoti jotitarāyano)?

(Bài giảng trong lợp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)


TT Giác Đẳng giảng: Từ chỗ tối đi đến chỗ sáng thì chúng ta phải nhìn nhận trong một số các hình thái xã hội đặc biệt ở tại Hoa Kỳ lại cho chúng ta hình ảnh rất đẹp. Chúng tôi lấy ví dụ như là đất nước Hoa Kỳ chỉ có vọn vẹn 300 năm mà người ta xây dựng một quốc gia hùng cường vào bậc nhất thế giới, là tại vì xã hội này bảo đảm sự tự do phát triển của mỗi cá nhân. Chúng tôi không nói qua định cư ở Hoa Kỳ thì ai muốn làm sao cũng được nhưng mình phải nhìn nhận rằng có những người ban đầu họ khởi sự rất bình thường như ông Steve Jobs một người sáng lập ra công ty Apple mà ngày nay có Iphone cho chúng ta sài, ông lập công ty Apple từ trong một garage nhỏ ở San Francisco. Lúc bấy giờ mà so sánh với hãng IBM thì thật sự hai anh thanh niên nhỏ chế ra những cái computer trong garage mà so với công ty IBM thì không có nghĩa gì hết, nhưng ngày nay thì công ty Apple đã qua mặt công ty IBM. Điều đó cũng nhắc cho chúng ta thấy một sự kiện đó là người Mỹ ở xã hội Hoa Kỳ là xã hội họ không thích hay họ không chủ trương sự áp đặt có tánh cách lời nói quan lại thư lại mà thay vào đó là có luật chơi công bằng, nếu một người chịu khó, nếu một người có tinh thần sáng tạo, có thực tài, thì người đó vẫn có thể vương lên được. Riêng trong Đạo Phật thì Đức Phật Ngài không nói rằng cái sáng cái tối ở đây nó chỉ thuần có nghĩa là tầm thường, thành công hay địa vị thấp, địa vị cao. Ngài không nói như vậy. Ngài chỉ gọi chỗ "tối" ở đây là cái hoàn cảnh bất lợi khi sanh ra, thí dụ như nhà nghèo, ví dụ như khuyết tật, thí dụ như trong gia cấp thấp, nhưng chỗ "sáng" ở đây thì Đức Phật Ngài cho chúng ta một ý tưởng hoàn toàn khác, chỗ "sáng" ở đây Ngài không nói rằng người đó đạt bằng cấp cao hay người đó thế này thế kia, có địa vị trong xã hội. Mà cái "sáng" ở đây Đức Phật dạy rằng người đó đã thể hiện được thiện pháp ở trong đời sống của họ.

Chúng tôi có dịp đi cứu trợ bên Miến Điện, đi cùng với chúng tôi có mười mấy người Phật tử. Chúng tôi về những vùng để cứu trợ đó có cảm giác rất lạ lùng, chưa bao giờ đi đâu cứu trợ mà cảm giác nó đến với chúng tôi như vậy. Tất cả là 17 người ở trong đó có vài ba vị xuất gia còn lại là Phật tử đi về một nơi rất nghèo, rất hẻo lánh mà Việt Nam gọi là vùng sâu vùng xa. Nơi đó những người dân chân lấm tay bùn, nghèo khổ hoang dã, khi chúng tôi đến đó thì thấy cái chất của Phật Pháp cái chất của đạo của thiện tâm của những người đó ngời sáng, họ sáng trong sự thành thật của họ, ở trong tấm lòng của họ đối với Tam Bảo và họ tỏa sáng trong thiện pháp. Khi chúng tôi nhìn thì có thể nói chúng tôi có ít sự so sánh, nhưng phải nói số mười mấy người đến từ Úc từ Âu Châu từ Hoa Kỳ sang cứu trợ thì nếu đem những người này so sánh với những nạn nhân của thiên tai, thì những người từ Úc, Hoa Kỳ, Âu Châu qua nếu được chăng thì được về phương diện từ các quốc gia tương đối có tiền bạc hơn nhưng về đạo tâm về tư cách về chất thiện thì không thể so sánh với những người ở vùng quê đó được. Chúng tôi lấy ví dụ là họ có thể ngồi nghe Chư Tăng thuyết pháp trong thời gian một tiếng rất trang nghiêm thanh tịnh và bằng một thái độ rất cung kính là chúng tôi hiểu rằng Phật Pháp ở trong lòng họ có rất nhiều. Vì vậy những điều đó khiến cho chúng tôi nhớ đến Đức Phật Ngài dạy rằng có những người sanh ra ở trong bóng tối họ đi đến chỗ sáng, thì ở đó chúng tôi thấy rõ ràng là những người đó là những người miền quê những người sống ở những vùng hẻo lánh xa xôi nhưng nhờ vào Phật Pháp nhờ chất thiện ở trong lòng họ làm cho họ tỏa sáng. Thì thật ra trong phái đoàn ai cũng thương họ. Và chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng ngày nay ở giữa thành phố rất lớn có cuộc sống xã hội cực kỳ tinh vi, tinh vi về kỹ thuật, tinh vi về luật pháp, tinh vi về hệ thống phương tiện mà có những con người mà người ta gọi là những con quái vật, họ làm bao nhiêu những tội ác đối với xã hội là vì ở trong lòng họ không có chất thiện.
Thì như vậy khi Đức Phật Ngài nói rằng từ chỗ sáng đi đến chỗ tối, Ngài không nói rằng con người từ địa vị từ hoàn cảnh giai cấp thấp đến giai cấp cao, Ngài không nói như vậy, nhưng Ngài nói rằng: lẽ ra con người sanh ra trong nền giáo dục bị hạn chế như vậy thì họ không thể có được một tâm hồn hướng thượng hướng thiện cao như vậy, nhưng chuyện đó có, ở trong lịch sử của con người, có những con người tương đối rất gần với chúng ta, chúng tôi nói ví dụ như là tiến sĩ Ambedka, ông là một người xuất thân từ giai cấp cùng đinh của xã hội Ấn Độ, ông vươn lên trở thành một luật sư nổi tiếng và là người viết ra hiến pháp của Ấn Độ, là người đã đưa hàng triệu người Ấn Độ trở về với Đạo Phật. Thì Đức Phật Ngài trong lời nói rất giản dị của Ngài, Ngài đã khẳng định một điều rằng cái cá thể của người sanh ra trong một giai cấp cùng đinh (sumìta) được phép vào trong giáo pháp là tại vì Ngài thấy rằng cái tiềm chất tu tập để trở thành một người tốt có chứ không phải là không có. Và về điểm này thì Đạo Phật đã mang lại một niềm hi vọng rất lớn cho rất nhiều người vì cái khả thể đó chứ không phải Đức Phật Ngài nói rằng ở giai cấp nào thì vĩnh viễn ở giai cấp như vậy.

Friday, September 27, 2013

Thế nào là hạng người hoa ngữ (pupphabhānī)?

Hỏi:  Thế nào là hạng người hoa ngữ (pupphabhānī)?

(Bài giảng trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng giảng: Đức Phật gọi là lời nói như hoa, ở đây dịch là hoa ngữ. Hoa là một kết tinh của thực vật, cây cỏ cho chúng ta những đoá hoa có màu có sắc có hương thơm, mà thường nói đến hoa chúng ta nói cái gì làm đẹp cho đời sống. Thật ra thì, nếu chúng ta đọc kỹ lời của Đức Phật dạy, một lời nói ngược lại với phẫn ngữ là nói như hoa, lời nói của chân thật, hay chúng ta gọi là chân thật ngôn một thứ lời nói có tôn trọng sự thật, có khi lời nói đó lại vụng không phải là lời nói khéo nhưng là một lời nói thật thì bao giờ cũng có giá trị nhất định của nó. Dĩ nhiên, Đức Phật Ngài cũng dạy chúng ta nói đúng sự thật và nói bằng tâm từ, nói đúng thời, nói có lợi ích chứ không phải nhìn một khía cạnh thật mà thôi, nhưng một lời nói thật là lời nói khó nói.

Chúng ta đang sống ở trong một thời đại mà con người thường bị phân chia, đôi lúc do người ta đứng bên này do người ta đứng bên kia người ta không có can đảm nói lên sự thật. Chúng tôi lấy một trường hợp, xã hội Hoa Kỳ là một xã hội tương đối tiến bộ rất nhiều ở trong khả năng tranh biện, nhưng chúng ta thấy những chữ như là "liberal-chủ nghia tự do" người ta đã dán nhãn hiệu cho một thứ đi quá đà là một thứ phá hủy truyền thống cố hữu của xã hội mà trở thành một thứ nhãn hiệu đôi khi trở thành án tử hình đối với các ứng cử viên. Hoặc giả, có một thời nào đó tại Việt Nam khi người ta nói người ta chỉ nói rập khuôn theo chính quyền thôi, mà hễ nói sự thật thì dễ dàng đi học tập cải tạo. Chúng ta cũng thấy con người sống trong gia đình hay trong đạo giáo cũng vậy, nhiều lúc chúng ta đứng trong một phe phái, một bên nào đó và chúng ta không dám nói ra lời nói sự thật. Sự thật nó là đơn giản như vầy, có nhiều khi mình nghe một người nào đó kết án người khác là người xấu xa hoàn toàn thì chúng ta cũng thử ngồi xuống để xét lại coi người đó có hoàn toàn xấu như vậy không. Bà Dorothy Hinshaw nói: ở trong mười trường hợp người ta kết tội một người nào đó là xấu thì có chín trường hợp đó là lời nói phóng đại quá đáng. Cũng như khi chúng ta thích một người nào chúng ta khen người đó thì cũng không hẳn là người đó tốt 100%. Người có trí là người hiểu vấn đề một cách trung thực, thí dụ mình biết rõ người đó tốt thì mình nói tốt mà xấu thì nói xấu, con người của chúng ta hay dễ a dua theo người khác dễ xu hướng theo người khác mà thường thường là chúng ta tự biến mình thành nạn nhân.

Chúng tôi làm trụ trì một ngôi chùa, chúng tôi biết vô số trường hợp những người Phật tử trở thành nạn nhân của những người chia rẽ phe phái, mà thật ra mình không có thì giờ để giải thích, thí dụ như một Phật tử đang đi chùa đang làm việc tốt thì người khác họ đến nói Anh hay chị không nên làm cho cái chùa đó vì chùa đó theo cộng sản hay chùa đó có ông Thầy thế này hay Phật tử thế kia, lời nói làm họ nản lòng, những chuyện đó rất là nhiều. Đôi khi Phật tử đến hỏi chúng tôi vậy chứ trong trường hợp như vậy chúng tôi làm trụ trì thì nên làm cái gì thì thú thật với qúi vị thường khi chúng tôi phải nói rằng mạng ai thì nấy giữ thôi, chúng ta không thể nào thanh minh cho cả thế giới này, chúng ta không thể nào đứng ra bảo vệ cho cả thế giới này, chúng ta chỉ biết rằng có những người họ luôn luôn nhắm vào các đối tượng nhẹ dạ để lôi kéo theo su hướng nào đó.

Thật ra có nhiều người hỏi chúng tôi vậy chứ hiểm họa của chế độ cộng sản là gì? Thì chúng tôi phải nói rằng một hiểm họa lớn của chế độ cộng sản là họ bỏ ra một số tiền khổng lồ cái tư nguyên khổng lồ để làm một bộ máy tuyên truyền và kéo vô số những người rất nhẹ dạ tin vào điều gì. Chúng tôi lấy ví dụ như ở trong những cộng đồng khác như cộng đồng Nhật Bản, Đại Hàn không bị như cộng đồng chúng ta, cộng đồng của chúng ta bị phân hóa rất nhiều bởi bên này và bên kia, phải nói rằng chính sách về lâu về dài của chúng ta không dẫn đến sự đoàn kết như mọi người nghĩ mà nó dẫn đến sự chia rẽ, mà sự chia rẽ nhất thời nó có lợi cho bên này hay bên kia nhưng về lâu dài nó là đại họa cho dân tộc. Qúi vị thấy là người Việt Nam không tin người Việt Nam, có những người họ chống bên này chống bên kia chỉ đơn giản là tại vì họ thấy người đó không giống như mình, không theo mình.

Thì như vậy ở trong thời đại của chúng ta Đức Phật cho biết là thời đại con người có nhiều sân tâm là thời đại làm con người giảm đi trí tuệ. Sân tâm là chúng ta sống ở trong một thời đại mà con người rất dễ dàng bị tác động, người này xấu người kia xấu, mình không thích người này, mình không thích người kia, và lúc nào mình cũng nặng về cái vui cái buồn, mình quên đi những thứ cần thiết. Chúng tôi làm việc Phật sự ví dụ như làm việc trong diễn đàn Phật Pháp như là rơom Phật Pháp Buddhadhamma hay ở trong một ngôi chùa thì thấy rằng tất cả những người làm việc họ đều là những người rất tốt rất thiện chí, nhưng mà sao những người tốt đó họ không có thể nào thoải mái hoàn toàn với người tốt? Thật ra chúng ta biết ai cũng có đụng chạm với nhau và sự đụng chạm của con người khiến người ta binh vực nhau, người ta lôi kéo bè phái và từ từ họ bôi tro trét trấu lên người nào đó thì người đó phải chịu là xấu hoàn toàn, nhưng ở trên thực tế thì người đó hoàn toàn không xấu như vậy.

Con người của chúng ta khi Đức Phật Ngài nói lời nói như hoa là lời nói đủ can đảm để nói một cách trung thực, đủ can đảm để vượt lên trên cái vui cái buồn, cái thương cái ghét, cái phe phái, và lời nói trung thực là lời nói như hoa, là lời nói có tôn trọng sự thật. Không may cho chúng ta là chúng ta rất ít khi có được nhiều bằng chứng về việc đó, có nhiều tấm gương sáng về việc đó, mà phần lớn là chúng ta hoặc là đứng bên này hoặc là đứng bên kia.

Thì chúng ta thấy rõ ràng Đức Phật Ngài định nghĩa lời nói như phẫn hay lời nói là như hoa thì nó chỉ là đối ngược với cái gọi là tôn trọng sự thật và không tôn trọng sự thật, và sự thật ở đây như là cái chuẩn để chúng ta lượng định vấn đề. Thật ra không phải trên phương diện xã hội mà ở trên phương diện đạo giáo cũng vậy, hễ người ta mà tin vào cái gì đó, thích cái gì đó thì cái đó tốt, mà hễ họ không tin và không thích cái gì đó thì thấy cái gì cũng xấu hết.

Chúng tôi có quen một người, người đó sống ở trại tỵ nạn bên Thái Lan. Trong thời gian sống ở trại họ cũng được ra bên ngoài vì lý do sao đó, và khi được sang Mỹ thì người đó nói rằng họ rất ghét Phật giáo Thái Lan nói riêng và Phật giáo Nam Tông nói chung. Thì có một lần vị đó nói chuyện với chúng tôi rằng không ưa Phật giáo Nam Tông, chúng tôi mới hỏi tại sao thì vị đó nói rằng có hai điều mà vị đó không thích là vì vị đó nghe một vị Hoà Thượng nói thì thấy có lý: thứ nhất là Phật giáo Nam Tông không ăn chay, thứ hai là nhà sư Nam Tông mặc quần không ống, tức là y nội giống như chúng ta mặc sàrông. Thì chúng tôi cũng không nói gì, tại vì đời sống con người mỗi người họ có cái thích và cái không thích thôi, chúng tôi chỉ cười, nhưng nếu hai lý do đó trở thành hai điều đáng bực mình đáng để giận thì kể ra nó cũng là một điểm thú vị là vì trong đời sống con người có nhiều sở thích không giống nhau. Một chuyện trớ trêu là người ta nói ghét của nào trời giao của đó. Thì vị đó sau khi định cư ở Mỹ mười năm có một người cháu đi học đại học và người cháu đó làm trong một tổ chức gọi là bảo vệ Tây Tạng, bênh vực cho Tây Tạng và cuối cùng thì người cháu dẫn vị này đến gặp Đức Dalai Lama và mở đầu quen sau đó trở thành Phật tử Mật Tông Tây Tạng, thì khi vị này theo Phật Giáo Mật Tông Tây Tạng thì phải nói là vị này sùng tín Phật Giáo Tây Tạng đến mức cực độ, tức là tất cả cái gì liên quan đến Phật Giáo Tây Tạng đều là vĩ đại và các vị Lama đều là thần thánh hết. Thì có một lần vị đó đến gặp chúng tôi nói chuyện liên quan đến xã hội chứ không phải là về đạo giáo và khi gặp chúng tôi thì vị đó cũng bày tỏ là bây giờ vị đó cũng là một Phật tử đi theo Phật Giáo Tây Tạng, thì chúng tôi nhớ câu chuyện nhiều năm về trước cùng nói chuyện với nhau, gặp lại chúng tôi hỏi bây giờ sao đạo hữu có thể theo Phật giáo Mật Tông được, Phật Giáo Mật Tông họ cũng không ăn chay và cũng mặc quần không ống sao đạo hữu chấp nhận được, thì lúc bấy giờ ông nói "ồ! bây giờ Sư nói mới nhớ, tại sao chuyện đó hồi xưa có vấn đề mà bây giờ lại không có."

Thì thưa qúi vị, cái đó chỉ là cảm tính của con người , cảm tính con người rất là kỳ cục, hễ cái gì mình ghét thì mình tìm lý do để mình ghét nhưng hễ cái gì mình thương thì mình không để ý đến chuyện đó. Thành ra con người ở trong sự suy nghĩ trong ngôn ngữ mà có khả năng để tôn trọng sự thật chúng ta tạm gọi là khách quan một chút thì thật sự là chuyện khó chứ không phải là dễ, rất là khó, tại vì tính khí con người chúng ta là vậy nhưng mà một khi chúng ta có phê phán nặng nề với người khác thì chúng ta đừng nghĩ rằng người bị phê phán là nạn nhân khi mà mình không tôn trọng sự thật thì lời nói của mình là lời nói thiên vị là lời nói một chiều là lời nói không khách quan của mình, tự nó nó biến mình trở thành một nạn nhân. Người có trí thì hiểu như vầy là mình không nên biến mình thành nạn nhân.

Chúng tôi đã có rất nhiều năm thường hay cổ võ qúi Phật tử nên đi du lịch, không phải vì chúng tôi thích đi du lịch mà chúng tôi muốn người khác đi du lịch nhưng chúng tôi nhận thấy một điều là con người chúng ta có quá nhiều thành kiến, có nhiều định kiến, khi chúng ta đi tiếp xúc với nhiều văn hóa khác nhau thì cái đó sẽ giảm thiểu nhiều đi. Và khi đi du lịch chúng ta nhận thấy một điều rằng cái đối tượng mình ghét nhất thì không phải họ là nạn nhân mà chính cái sự thù ghét nó đã biến mình trở thành nạn nhân. Một người có trí thì không tự biến mình trở thành một nạn nhân. Chúng tôi thưa qúi Phật tử là thật ra kinh nghiệm đi du lịch đôi khi cho chúng ta những bài học rất lớn. Chúng tôi lấy ví dụ như cả thế giới thì dân tộc nào cũng có cái bịnh đó là mình ghét dân tộc này ghét dân tộc khác, người Pháp không ưa người Anh nhưng hồi Đệ Nhị Thế Chiến thì Người Anh sang giúp người Pháp, hay người Việt Nam với Cambuchia thì không thích nhau, hay người Việt Nam chửi người Tàu mặc dù mình học sách thánh hiền của Tàu v.v..., nói chung đó là do chúng ta gần nhau ảnh hưởng với nhau, người Đại Hàn họ cũng ăn sushi, họ cũng có nhiều cái bắt chước theo người Nhật nhưng họ lại rất ghét người Nhật. Thì đến một mức độ nào đó chúng ta nhận ra rằng sự ghét của chúng ta đối với người khác chỉ làm cho chúng ta sống hạn hẹp thêm, làm cho chúng ta phiền toái, làm cho chúng ta mất đi tánh cách khách quan. Sự khách quan là cái gì rất cần thiết để cho chúng ta có thể nói như vầy: mình thương người nào thì mình cũng biết được cái nhượt điểm của người đó, mà mình ghét người nào mình cũng biết được cái ưu điểm của người đó. Đó không phải là chuyện dễ.

Chúng tôi nhớ có một năm đi Ấn Độ, đi với một vị thầy và vị thầy này sau nhiều ngày đi qua Ấn Độ thì mấy người ăn xin và mấy người phục dịch trong khách sạn làm cho vị này bực mình quá thì vị này mới nói với chúng tôi rằng: "không hiểu sao ở bên Mỹ mấy người Ấn Độ họ qua Mỹ họ làm bác sĩ làm giáo sư, họ thông thái quá, nhưng mà sao mấy người ở Ấn Độ họ lại ngu quá." Nhưng điều buồn cười nhất là vị đó trong một lần cầm microphone ở trên xe bus mà có chúng tôi tại đó thì vị đó tuyên bố như vầy: "Tất cả những người Ấn Độ thông minh, một là họ vào trong rừng tu nhập Niết-bàn hết rồi, hai là qua Mỹ làm bác sĩ giáo sư, còn những người ở lại Ấn Độ đang điều hành toàn là những người ngu dốt." Tại vì vị này quá giận những người Ấn Độ. Nhưng mà thưa quí vị, khi thầy đó tức mà nói như vậy thì chúng tôi cũng phải nhìn nhận một điều là con người của chúng ta khi giận thì hay nói quá lời về chuyện gì đó. Thật ra thì ở xứ nào cũng có người này và người khác và chúng tôi cũng đồng ý là những người ăn xin hay một số người đi theo làm tiền khách du lịch thì cũng phiền thật. Nhưng nếu chúng ta nhìn ở một mặt khác, những người dân sống nghĩa là đại chúng khắp nơi họ vẫn có nhiều điểm mà chúng ta có thể học có thể cảm kích ở họ. Thành ra lời nói mà Đức Phật Ngài đặc biệt Ngài nói về lời nói như phẩn hay lời nói như hoa thì khác biệt ở chỗ là có tôn trọng sự thật hay không, thái độ khách quan của chúng ta rất là quan trọng..

Thursday, September 26, 2013

Vấn đề ẩm thực trong Phật Giáo.

Hỏi:  Vấn đề ẩm thực trong Phật Giáo.

(Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, ngày 12-8-2013 Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Ở đây, có một số điểm về vấn đề ẩm thực trong Phật giáo xin được nhắc. Đây là một ttong những vấn đề tế nhị tạo ra rất nhiều tranh cãi nhưng nó cũng tạo ra nhiều cái thú vị cho chúng ta khi bàn về điểm này. 

Trước nhất, chúng ta nên nhìn vấn đề qua ba điểm chính rồi từ ba điểm chính này chúng ta sẽ đi vào những chi tiết.
- 1. Điểm đầu tiên, trong kinh điển Phật Pháp, Đức Phật Ngài khuyên chúng ta nên đi theo con đường trung đạo. Trung đạo là cái gì vừa phải không có cực đoan không có tuyệt đối quá. Chữ trung đạo ở đây hàm ý  phải làm thế nào mà không có quá dính mắc với thân nhưng cũng không quá bỏ bê trong việc giữ gìn sức khoẻ, thì đó gọi là vừa phải.

- 2. Từ quan niệm trung đạo chúng ta đưa đến một quan niệm khác gọi là dễ nuôi, tức là đời sống của một vị tu sĩ sống trong giáo pháp của Đức Phật không nên làm gánh nặng cho người khác. Thật sự mà nói thì trừ một vài trường hợp nào đó một vài vị tăng sĩ có được điều kiện đa phần đi xuất gia đời sống nhờ vào đàn tín, nhưng nếu mình luôn luôn làm gánh nặng cho người khác thì thật ra điều này không phải là điều tốt cho vị tu sĩ. Một vị tu sĩ đi đâu mà sự sống của mình trờ thành nỗi phiền cho người khác thì chẳng những là nó không đẹp mà còn làm mất đức tin cho người khác nữa. Nên Đức Phật Ngài dạy người tu sĩ nên sống dễ dưỡng dễ nuôi. 

Có nhiều người đạc biệt nghĩ rằng mình sống kiểu này là tốt kiểu kia là tốt và cứ sống một kiểu thôi và đôi khi gây ra khó khăn thì chúng ta nên hiểu rằng căn bản của người tăng sĩ như là một khất sĩ không phải là người có quyền lựa chọn. Nếu mình là một người tu sĩ sống nhờ vào tín thí mà mình đòi hỏi phải sống thế này đòi hỏi phải sống thế kia thì điều đó trở thành gánh nặng. Do vậy người tăng sĩ căn bản là người dễ nuôi.

- 3. Nhưng điểm thứ ba, chúng ta cũng nên hiểu là nếu trong vấn đề thực phẩm mà có sự trái trống lại với cơ thể, ví dụ mình có những món ăn làm cho mình ngứa nhiều, có những món ăn làm ảnh hưởng đến một cơ phận nào đó trong cơ thể chúng ta, ví dụ như ăn ngọt quá ảnh hưởng đến lá lách của chúng ta chẳng hạn, hay chúng ta ăn mặn quá thì làm áp huyết cao, những việc đó chúng ta nên giảm thiểu tức là mình làm sao đó lựa chọn thức ăn tương đối là thích hợp và sự lựa chọn của vị tu sĩ thay vì đòi hỏi thì vị tu sĩ có thể bớt đi những thứ mà mình không ăn được. Ví dụ, Phật tử cúng dường một mâm cơm thì có những thứ mình ăn được có những thứ mình ăn không được, cái nào ăn không được ví dụ như mình bị áp huyết cao mà thấy thức ăn mặn quá thì ăn món rau. Thực ra thức ăn của Việt Nam mình đa dạng. Một hình ảnh mà xem không được đẹp là, ví dụ như có những thứ chỉ có tánh cách vừa miệng thôi thí dụ như mình thích ăn ớt khi vào ăn mà không thấy ớt thì mình kêu người này người kia phải tìm ớt, rồi không có ớt thì mình cằn nhằn chẳng hạn thì đó không là hình ảnh của vị tu sĩ Phật Giáo, thay vì chuyện đó mình nghĩ là chuyện nhỏ nhưng căn bản mà nói thì một vị tu sĩ không nên đòi hỏi người ta phải cúng cái này cúng cái kia vừa khẩu vị của mình. 

Ý chúng tôi muốn nói ở tại đây là, cái nhìn của Đức Phật Ngài dạy mình là không nhất thiết cái gì người ta cúng mình cũng phải ăn hết cái mà người ta cúng mình, đó là quan niệm của người Trung Hoa, quan niệm của Phật Giáo Bắc Truyền, ở trong Phật Giáo Nam Truyền thì chuyện mình ăn không phải là ăn hết mà ăn cái nào thích hợp, còn cái không thích hợp thì mình không ăn và mình có quyền không ăn. Cái mình không ăn khác hơn là cái mình đòi hỏi là phải là cái này phải là cái kia. Thì đôi khi trên phương diện giới luật Đức Phật Ngài có uyển chuyển về điều này khi Ngài ban hành những học giới như vị Tỳ kheo không nên đòi hỏi là mình không nên nói là mình cần cái gì về thực phẩm nhưng nếu như vị Tỳ kheo bị bịnh thì có thể chấp nhận được. Chúng ta đọc ở trong kinh thì chúng ta thấy rằng Đức Phật Ngài dạy: một vị Tỳ kheo bịnh thì Ngài cho rất nhiều sự uyển chuyển.

Tuy vậy, căn bản đời sống của người tu sĩ Phật Giáo nên là dễ dạy, cuộc sống của mình mà nó làm nặng nề làm khó khăn cho người khác nhiều quá thì không có nên. Do vậy, đối với một vị tu sĩ Phật Giáo truyền thống thì điểm này là điểm còn quan trọng hơn. Vị tu sĩ khi ngồi ăn thì không nên khen không nên chê, Phật tử nào hỏi thì chỉ nên nói là "được" chứ không nên chê món này chê món kia, tại đó là vật cúng dường của tín thí. Và chúng ta nhớ một điều rằng căn bản của đời sống tu sĩ không thể nào mình đưa ra một cái lối sống đặc biệt một kiểu riêng đặc biệt mà áp dụng cho tất cả mọi người, mình nhớ là về điểm này tương đối là tế nhị, mình sống làm sao đừng là gánh nặng cho người khác.

Và có một vài điểm trong giới luật hồi xưa chúng ta không có hiểu và bây giờ thì từ từ chúng ta có thể nhận ra được, thật sự thì không phải mình ăn thức ăn bổ dưỡng mà nó khỏe, theo Đức Phật dạy thì ăn điều độ là cách khỏe nhất và kinh nghiệm này chúng tôi cũng được nghe nhiều vị nói về những người sống trường thọ, không phải là họ cần đến những thức ăn cao lương mỹ vị hoặc sơn hào hải vị mà họ sống lâu, mà họ ăn không quá ít không quá nhiều và ăn vào giờ cố định trong ngày không ăn vặt nhiều, khi ăn điều độ thì khỏe, ở trong kinh Đức Phật Ngài quan trọng điều này hơn là những điều khác. 

Thật ra cách sống  ngày hôm nay chúng ta không quan trọng sự điều độ, điều độ ở đây nghĩa là được hiểu theo ba cách:
 - Cách thứ nhất là ăn đúng giờ, ví dụ như ngày hôm nay mình ăn 12 giờ thì ngày mai cũng ăn vào lúc 12 giờ, đến giờ đó cơ thể chúng ta tự nó tiết ra chất dịch dưỡng để nó tiêu hóa, gọi là ăn đúng giờ. 
 - Thứ hai là ăn đúng lượng, theo trong kinh Đức Phật dạy là mình không nên ăn quá no, giả sử như còn ba bốn miếng cơm nữa no thì mình nên ngừng lại là ăn đúng lượng. 
 - Thứ ba, ở trong kinh cũng có dạy đến một điều mà chúng ta thấy bây giờ càng lúc người ta càng đồng ý, hồi xưa không đồng ý là nên ăn buổi sáng nhưng nên giảm bớt ăn buổi tối thật ra cuộc sống của chúng ta ảnh hưởng người Tây Phương thời gian dài chúng ta quan niệm rằng mình sống theo người Tây Phương là tốt nhưng bây giờ thì người Tây Phương họ cũng đồng ý là ăn buổi tối nhiều nó không tốt cho cơ thể, cơ thể nên nhẹ nhàng vào buổi tối nhưng buổi sáng thức dậy thì nên ăn uống đầy đủ, hồi còn nhỏ thì chúng tôi không biết về điểm này, thường thường có nhiều khi cũng nghe những lời chê phê phán là tại sao không ăn buổi chiều ăn buổi chiều là tốt nhưng về sau này thấy rằng ăn buổi chiều không tốt như là ăn buổi sáng, nhiều người Tây Phương họ cũng đồng ý về điểm đó. 

 Đức Phật Ngài có dạy một số phương pháp liên quan đến sức khỏe mặc dầu Ngài không muốn cho các vị tỳ kheo để ý quá nhiều về sức khỏe, ví dụ như là Ngài dạy là giữ răng sạch, miệng sạch thì ăn ngon miệng hơn và nó dễ tiêu hóa hơn, răng với miệng không sạch thì ăn không có tiêu hóa. Ngày xưa nước Ấn Độ người ta xử dụng những cây trà răng, ở Mỹ thì chúng tôi không biết,  ở Việt Nam có cây xoan cây sầu đông, mình chặt nhánh và đập tưa ra thì cũng trà răng được và ở trong đó có chất fluoride có thể làm thuốc đánh răng được, bây giờ chúng ta có thuốc đánh răng nên cũng tốt. Tong kinh, Đức Phật dạy nếu chúng ta muốn sức khỏe tốt thì chúng ta nên giữ răng và miệng sạch. 

 Thứ hai nữa đó là, ở đây chúng tôi không nói hết được nhưng chúng tôi nói một số điểm liên quan đến dưỡng sinh Đức Phật Ngài dạy. Hồi nãy chúng tôi nói là ăn uống điều độ tức là ăn uống đúng thời, bữa nay ăn giờ đó mai ăn cũng giờ đó mốt ăn cũng ăn giờ đó luôn luôn vào giờ đó ăn là tốt. Ăn đúng lượng, tức là ăn không quá no, rồi giữ răng sạch sẽ, Đức Phật Ngài dạy là ăn xong thì mình đi kinh hành tốt cho sức khỏe, đi kinh hành là cách đi chậm chậm, vừa đi vừa chánh niệm, thay vì ăn xong nằm ngủ liền hay ngồi liền thì Đức Phật dạy ăn đi kinh hành đi bộ là sống lâu. Đó là một cách mà Đức Phật dạy dưỡng sinh.

(Những điều chúng tôi nói ở tại đây nếu qúi vị nào cần tham khảo chúng tôi có thể cho biết xuất xứ ở trong các bản kinh để quí vị biết trong kinh Đức Phật Ngài có dạy như vậy.)

Đức Phật Ngài cũng dạy rằng ăn cháo vào buổi sáng rất là tốt, hồi trước chúng tôi không biết điểm này nhưng sau này chúng tôi mới biết là một cách để tăng appetite (sự ngon miệng) là ăn cháo, giả xử như buổi sáng sớm thì buổi chưa mình cảm thấy mau đói, qúi vị để ý buổi sáng không ăn gì hết thì buổi trưa chưa chắc mình đã thấy đói bụng nhưng mình ăn cháo khoảng 10, 11 giờ mình thấy đói bụng tại vì cháo giúp cho bộ tiêu hóa của chúng ta làm việc, và làm chúng ta mau đói và chúng ta ăn dễ hơn ăn thấy ngon miệng hơn, Đức Phật dạy ăn cháo là một điều tốt liên quan đến sức khỏe.

 Về phương diện dưỡng sinh trong kinh cũng đề cập tắm rửa sạch sẽ cũng làm cho mình sảng khoái, làm tăng trí tuệ và cũng làm cho mình giữ được sự tươi tỉnh. Nhưng cũng có một điểm như vầy là thời xưa bên Ấn Độ có những nơi như ở thành Vương Xá nước không có nhiều, nếu Chư Tỳ Kheo đôngtắm nhiều thì các vị vua chúa các vị hoàng thân và dân chúng không đủ nước tắm, ngày xưa họ kính trọng Chư Tăng khi Chư Tăng đi tắm thì họ không ra đó tắm thành ra chiếm quá nhiều thì giờ do vậy Đức Phật Ngài đặc biệt ban hành giới luật hạn chế sự tắm của Chư Tăng. Nhưng khi hạn chế không phải là vì ít tắm là tốt mà tại vì ở chỗ thiếu nước, Đức Phật Ngài cho biết ở ngoài những nơi nào khang hiếm về nước thì Chư Tỳ kheo có thể tắm được như ở các quốc gia khác  nếu có đầy đủ nước thì tắm được. Nói tóm lại, những điều giới luật Đức Phật ban bố là tắm một tháng bao nhiêu lần thì chỉ có trong miền Trung Ấn mà thôi chứ ra ngoài Trung Ấn thì không có áp dụng. 

 Liên quan đến sức khỏe Đức Phật Ngài cũng dạy là theo lời yêu cầu của thái y Jivaka là vận động tay chân, dĩ nhiên, vị Tỳ kheo không làm việc không vận động tay chân như là quét dọn hay là chấp tác ở trong chùa thì Đức Phật cũng khuyên nên vận động tay chân. Chúng ta để ý ở trong kinh điển của Đức Phật về sức khỏe mang tính trung đạo nghĩa là chúng ta không quá chăm sóc như là lưyện võ, hay luyện yoga, luyện khí công để cho cơ thể chúng ta trở thành một lực sĩ cường tráng hay người vận động viên chuyên nghiệp, Đức Phật không dạy như vậy, nhưng Đức Phật Ngài cũng dạy là chúng ta không nên coi thường hay  bỏ phí sức khỏe hủy hoại sức khỏe của chúng ta mà ở đây có tánh cách trung đạo. Một người hiểu về Phật Pháp thì chữ trung đạo không đơn giản mà là bài học chúng ta phải nghiền ngẫm lâu lắm từ vấn đề thân cho đến tâm.
  Trong những bài học tới chúng ta sẽ nói nhiều về vấn đề này, nhưng chúng tôi cũng lưu ý qúi vị là ngày hôm nay người ta nói lung tung lắm, ngay cả chúng tôi có quen với một số Phật tử dạy võ Thiếu Lâm thì họ nhất định là võ Thiếu Lâm do tổ Đạt Ma sáng lập và võ Thiếu Lâm xuất phát từ Phật gia tức là từ nhà Phật, thậm trí họ nói Phật tổ Thích Ca Mâu Ni là vị đầu tiên dạy võ rồi sau này truyền sang Trung Hoa thành võ Thiếu Lâm, thì chúng tôi nghĩ chuyện đó hơi quá, hay mình đi tu rồi tối ngày cứ lo làm sao cho cơ thể mình được trường sinh bất tử được khỏe mạnh được thế này thế kia thì Đức Phật không dạy như vậy, mình nên hiểu mục đích để làm gì, minh giữ thân của mình là để mình nương vào phương tiện đó để tu tập, giống như có chiếc xe mình nên bảo quản nó tốt để mình sài, nhưng cũng không nên o bế nó từ sáng tới chiều cưng nó quá thì cũng không nên. Điểm này tương đối là tế nhị. Người sống biết hiểu về trung đạo khó lắm, chúng ta có tính cực đoan hễ mình làm thì mình làm không ai bằng mà hễ mình bỏ thì mình bỏ xó nó mình không muốn đụng tới, thì cả hai điều đó đối với sức khỏe Đức Phật Ngài khuyên không nên như vậy, không nên quá hoang phí sức khỏe của mình nhưng cũng không nên quá coi thường sức khỏe.

Wednesday, September 25, 2013

Tại sao trầm luân sinh tử là bức tranh bi thống của hiện hữu?

Hỏi: Tại sao trầm luân sinh tử là bức tranh bi thống của hiện hữu?

(Bài giảng trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)

TTTuệ Siêu: Nếu đã là sự khổ luân hồi thì sự tái diễn tái đi tái lại, sự tái diễn đó dù có màu sắc khác nhưng sự phác họa của thống khổ không khác. Ví dụ như trong đời quá khứ sự hiện hữu của kiếp sống vẫn là ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Và vì ngũ uẩn đó được tạo nên bởi phiền não và nghiệp. Phiền não và nghiệp tạo nên thân ngũ uẩn chịu sự vô thường, khổ sanh già, bệnh, chết. Thế rồi phiền não và nghiệp trong quá khứ tạo nên thân ngũ uẩn hiện tại. Và thân ngũ uẩn hiện tại này cũng nằm trong tình trạng khổ đau già, bệnh, và chết luôn luôn có sự thống khổ, luôn luôn có sự bức xúc, luôn luôn có sự lo sợ. Vì vậy nếu xét ngay trong đời sống hiện tai, sự hiện hữu này, cái sự khổ là như vậy. Một người có trí sẽ nhìn thấy sự sinh tử luân hồi, sự trầm luân ở tương lai nó cũng chỉ là bức tranh bi thống mà thôi chớ không phải hơn kém gì. Cho dù ở kiếp tương lai, ta có thể do phước báo mà sanh về cõi trời hay do thiền định trong hiện tại mà có thể sanh về cõi phạm thiên. Nhưng cho dù cõi nhân lọai, cõi chư thiên hay cõi phạm thiên, một sự hiện hữu ở tương lai cũng không phải là bền vững, cũng không phải là an vui tuyệt đối, không phải là hạnh phúc tuyệt đối. Ngôi nhà ngũ uẩn được tái tạo ở tương lai cũng chính do ái trong hiện tại này, nghiệp trong hiện tại này tạo ra. Tức là anh thợ cất nhà ngay trong kiếp sống này, anh thợ cất nhà ở trong quá khứ ảnh đã tạo ra thân ngũ uẩn hiện hữu hiện tại này với sự thống khổ như thế nào, với sự bi thảm như thế nào thì chính anh chàng thợ cất nhà ngay trong kiếp sống hiện tại này ảnh cũng tạo ra ngôi nhà ngũ uẩn tương lai có sự bi thống như thế đó. 

Bởi vậy khi một người Phật tử, một vị tu tập nhìn trong hiện tại thấy sự thống khổ thì họ nghĩ đến trong tương lai họ thấy rõ sự thống khổ đó và họ nhàm chán, hướng tâm viễn ly và họ quyết định làm sao dẹp bỏ ngũ uẩn. Hay nói cách khác, có bao giờ chúng ta bị chứng bịnh sốt hay không? Hay những chứng bịnh nào khác hay không? Bởi vì có thân này thì chúng ta cố gắng điều trị vượt qua cơn sốt, tuy nhiên một người có trí nghĩ rằng trong suốt cuộc đời này ta sẽ không còn chứng bịnh sốt như vậy nữa. Không bao giờ. Người có trí sẽ nghĩ rằng bây giờ là tạm thời, nhưng những lúc khác cảm nắng, cảm gió chúng ta cũng sẽ lên cơn sốt. Và với viễn cảnh bệnh sẽ phát sanh trong tương lai, người này biết rõ nỗi thống khổ của bệnh như thế nào bởi vì kinh nghiệm bản thân những chứng bệnh này đang hiện hữu. Nhưng kẻ phàm phu của chúng ta thì ít khi nào thấy được như vậy. Chúng ta có đôi lúc khổ đau trong hiện tại thì chúng ta biết rõ và chúng ta tìm cách xoa dịu nỗi khổ đau đó một cách tạm thời. Nhưng rồi chúng ta lại quên lãng sự khổ đau này sẽ tái diễn ở tương lai. Chúng ta không nhìn thấy chỗ đó. Cho nên chính vì vậy mà chúng sanh bị mãi mãi khổ đau trầm luân, sanh tử. Chỉ có người trí mới nhận ra được sự khổ ải triền miên khi còn phải luân hồi sanh tử. 

Như là Thái tử Sĩ Đạt Ta ngài đã suy nghĩ rất nhiều. Và sự suy tư này nó được lập lại thuần thục trong quá khứ nhiều đời, nhiều kiếp, từ khi ngài bị chìm thuyền giữa biển và lội được vào bờ. Ngài cảm thấy hãi hùng sống biển. với sự khổ đau đó ngài mới nhận thức được cái khổ trầm luân trong bể khổ sanh tử và phát nguyện thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác. Từ ngày đó ngài đã luôn luôn suy tư, luôn luôn kiểm nghiệm về luân hồi sinh tử là một bức tranh bi thống. Và do vậy cho nên ngay trong kiếp hiện tại này, mặc dầu xuất thân dòng hòang tộc, là một vị thái tử và đã được định kế thừa ngai vàng của vua cha nhưng ngài không bao giờ quên được sự thống khổ sẽ đến với ngài và tất cả chúng sanh trong bể khổ trầm luân. Chính vì chỗ đó mà ngài đã bỏ ra đi, một sự ra đi vĩ đại để cuối cùng ngài thành tựu quả vị Chánh Đẳng Chánh Giác, phá vỡ được ngôi nhà ngũ uẩn trong tương lai, đã tiêu diệt anh chàng thợ cất nhà. Đó là ý nghĩa chúng tôi xin trình bày cho câu  “Tại sao trầm luân sinh tử là bức tranh bi thống của hiện hữu.”

Tuesday, September 24, 2013

Phải chăng vạn pháp là vô ngã?

Hỏi: Phải chăng vạn pháp là vô ngã?

(Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên)

TTGiác Đẳng: Chữ vô ngã ở tại đây là một chữ mà chúng ta dễ dị ứng. Tại sao chúng ta dị ứng? Tại vì hầu hết tất cả những cái gì mà chúng ta cảm thấy là có ý nghĩa trong cuộc đời này nó đều liên quan đến ngã và ngã sở hết, "đây là tôi", "đây là của tôi." Một căn nhà có đẹp đến đâu, một cuộc sống có vui đến đâu, nhưng, căn nhà đó và cuộc sống đó không phải là của mình thì không có ý nghĩa gì hết. Giống như qúi vị coi phim đọc chuyện, thấy  có ai đó sống trong cảnh thần tiên như Lưu Nguyễn lạc thiên thai, hay chúng ta nói đời sống của một vị công chúa đẹp như câu chuyện thần thoại cổ tích, hoặc của ai đó, của các tài tử, nhà tỉ phú thì chúng ta không mảy may màng đến tại vì cái đó không phải của mình. Cái gì gọi là của mình thì mình mới cảm thấy có ý nghĩa. Cái gì gọi là của mình là mình thì mình mới cảm thấy rằng thật sự mình tha thiết.

Bây giờ vấn đề của chúng ta nằm ở chỗ nào? Cái gọi là của mình thì đối với Đức Phật rất là đơn giản để định nghĩa. Cái gì mình có thể muốn nó như thế này muốn nó như thế kia thì cái đó mới thật sự là của mình, nếu mình muốn nó như vậy mà nó làm như vậy thì mới thật sự là của mình. Ví dụ như bây giờ qúi vị có một người thân mà qúi vị muốn người thân đó chìu qúi vị, người thân đó lo cho qúi vị, chú ý đến qúi vị, người đó đáp ứng thì mới gọi là người thân. Còn nếu người đó họ không quan tâm gì đến qúi vị gì hết, qúi vị nói đông họ nói tây, qúi vị muốn cái này họ làm cái khác, thì như vậy không gọi là người thân được. Thành ra khi cái gì gọi là của mình thì nó phải đi với cái định lý là nó phải như thế này phải như thế kia, đừng như thế nọ thì nó mới là của mình

Nhưng, theo trong kinh Phật thì một sự thật là có rất nhiều thứ chúng ta không để ý như ngay đến bản thân của mình, thân của chúng ta, tâm của chúng ta, chúng ta muốn vậy mà nó không phải như vậy. Chúng ta khoan nói đến chuyện đất nước, khoan nói chuyện đến thế giới, khoan nói chuyện đến thời cuộc. Chúng ta nói về thân của chúng ta, tóc bạc trên đầu chúng ta biểu nó đừng bạc, không được, chúng ta già đi theo năm tháng, chúng ta không thể bảo nó đừng già, chúng ta nay bịnh mai đau biểu nó khỏe hoài cũng không được. Như vậy, nếu qúi vị nghiệm cho kỹ thì cái thân vốn có tự tánh của nó và nó không làm theo ý mình, rồi mình cãi "à! thân vì nó là vật chất mình không làm chủ nhưng mình có thể làm chủ cái tâm." Nhưng một cách đơn giản thôi, Đức Phật Ngài dạy rằng: "một vị tỳ kheo một buổi sáng mà muốn an trú vào thứ tâm nào thì an trú vào được thứ tâm đó và làm sáng chói khu rừng". Nhưng nếu người trong chúng ta mà chúng ta có thể điều khiển tâm ý như mình muốn, ví dụ như lúc mình muốn tâm mình yên, thanh thản đi ngủ thì nó lại chăn trở, nó lại thức muốn làm cái này làm cái kia, và những lúc chúng ta muốn làm nó hưng phấn muốn nó phấn khởi muốn nó phấn chấn thì nó lại thụ động nó lại buồn ngủ. Cái vui cái buồn của chúng ta cũng vậy. Một vị thi sĩ cũng phải than là "hôm nay trời lại lên cao tôi buồn chẳng biết vì sao tôi buồn" Cái buồn của mình mình cũng không biết nữa, mà cái vui của mình mình cũng không làm chủ nó. Cái vui mình muốn giữ nó hoài cũng không được, mà cái buồn mình muốn xua đuổi nó đi nó cũng không đi.

Do vậy, thế giới của chúng ta quả ra nếu chúng ta sống mà nhớ điều nên nhớ đáng nhớ thì thật ra chúng ta hạnh phúc lắm, tại vì trong cuộc đời chúng ta có nhiều kỷ niệm đẹp. Nhưng điều oái ăm là những người đã rất tốt với chúng ta, những kỷ niệm rất đẹp của chúng ta, những cảnh đẹp mà chúng ta đã đi qua thì chúng ta lại không nhớ nhiều, mà chúng ta nhớ đến ân oán, chúng ta nhớ đến cái xấu cái quấy, chúng ta nhớ đến những điều trái ý nghịch lòng, và có nhiều cái nhớ của quá khứ làm cho chúng ta bực bội làm cho chúng ta gây gỗ làm cho chúng ta khó chịu, và chúng ta không thể nào làm chủ được cái nhớ của chúng ta hoàn toàn.

Bây giờ, chúng ta nói đến cái thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác, vị giác, rồi ý thức. Chúng ta nói nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý, hay là thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, suy nghĩ. Thì qúi vị thấy rằng cũng không phải lúc nào mình cũng có thể chủ động được những cái mình thấy được, những điều gì mà mình nên thấy, muốn thấy. "Có những điều nghe thấy mà đau đớn lòng" như cụ Nguyễn Du nói thì chúng ta vẫn thấy chúng ta không thể xua đuổi đi được. Thế giới ở bên ngoài hầu như là nó đi vào trong đời sống của chúng ta, nó như là một cái chợ, một cái chợ là mình không biết ai là người sẽ vào, người ta sẽ bán cái gì và phiên chợ buổi đó ra sao, chúng ta chỉ biết là chúng ta đang có cái chợ thôi. Đời sống tâm tư của chúng ta cũng vậy, bao nhiêu là những cảnh buồn vui thương ghét trái ý nghịch lòng nó len lỏi đi vào đời sống của chúng ta, chúng ta không thể xua đuổi nó đi được, chúng ta không thể quẳnh mặt làm ngơ với nó được, chúng ta phải chấp nhận nó là một thực tại.

Và do vậy, nếu chúng ta nghiệm cho kỹ và nếu chúng ta nói một cách thành thật thì dù là sắc, dù là thọ, dù là tưởng, dù là hành, dù là thức, đi nữa thì tất cả những thứ đó nó không thể làm theo một điều mà theo Đức Phật dạy rằng: nếu những thứ đó thật sự là của ta thì ta có thể nói rằng: nó như thế này và đừng như thế kia." Nhưng không phải là bởi vì nó là "Vô Ngã" nên mình không thể nói nó theo ý của mình được. Và hơn thế nữa thì có một thứ mà hầu như trong người của chúng ta ai cũng mơ ước hết: đó là mọi thứ đều xuôi theo ý của mình. Do vậy chúng ta mới có từ "trái ý nghịch lòng." Cái gì theo ý mình, ví dụ như ngày hôm đó chúng ta làm việc gì đó mà mọi người đều nhanh nhẩu mọi người đều thiện cảm đều làm theo đúng thời khóa biểu mọi thứ như mình muốn thì mình rất là hoan hỉ. Ví dụ như hôm nay chúng ta vào trong rơom rồi có mặt đông đủ các vị giảng sư, rồi các Phật tử trong ban điều hành làm việc nhanh nhẩu chương trình tốt đẹp, paltalk không có vấn đề thì nó quá lý tưởng cho một buổi sinh hoạt. Nhưng nhiều khi nó không theo ý mình được tại vì chúng ta không quyết định được tất cả.

Một cái hoa nhiều khi đặt đúng chỗ thì nó đẹp, còn đặt không đúng chỗ thì không đẹp. Chúng tôi nhớ kỳ rồi sang bên Bangkok, và buổi chiều cuối cùng HT Huyền Việt muốn đi trên sông Chao Phraya, chúng tôi đã thuê thuyền để đi từ Watt That Kon đi đến Watt Paknam, rồi không hiểu vì sao người ta lại đưa vào một đoạn kinh đập sâu ở trong làng người ta ở. Thì thật sự lúc đó chúng tôi đã tìm thấy được hình ảnh cuộc sống của sông ngòi tức là cuộc sống rất gần gủi với đời sống nông thôn ngày xưa ở miền Nam VN, có nghĩa là ở giữa là những con kinh rạch hai bên là nhà là vườn, và trên đường đi thấy nhiều hoa như là hoa quỳnh anh, hoa hoàng yến, hoa bằng lăng, màu vàng màu tím đủ thứ hoa nở rộ. Chúng tôi tìm thấy cái gì rất thân quen rất đẹp. Chúng tôi đã nói với HT Huyền Việt là cuộc sống của chúng ta mà thỉnh thoảng được đi trở về miền quê tìm thấy hình ảnh của thiên nhiên rất là gần gủi với thời thơ ấu thì thật là một điều tuyệt vời. Thì HT Huyền Việt cũng nói: "mình muốn như vậy nhưng lớn lên cuộc đời trôi dạt thì có trăm muôn ngàn thứ mà nó không theo ý của mình được."

Thì lúc đó chúng tôi chợt nhớ một điều rằng những giây phút như vậy thật sự rất là hạn hữu. Là vì ý muốn của mình không quyết định tất cả, không có gì quyết định tất cả trong cuộc đời này mà nó phải là sự kết hợp của nhiều thứ. Chúng tôi lấy ví dụ là những đóa hoa hoàng yến nở đẹp thì ít nhất là chúng ta thấy nó đẹp là nó cũng phải có một cái cảnh nào đó ở trong cái không khí nào đó và ở trong thời điểm nào đó thì chúng ta mới thấy nó đẹp. Còn bình thường chúng ta thấy nó thường lắm mặc dầu có những thành phố như Chiang Mai chúng ta về thấy những đóa hoa hoàng yến nở rực rỡ màu vàng thả xuống dọc hai bên đường nhưng mà chúng tôi tin rằng những người ở đó nhiều khi họ không cảm nhận như vậy. Thành ra cái mà chúng ta nghĩ là đẹp nó đòi hỏi như vầy: giống như người ta nói một bữa ăn mà thức ăn ngon, rồi phải có người ăn ngon, rồi cách ăn nữa, và phải có lúc chúng ta cảm thấy ăn ngon thì nó mới ngon được. Do nhiều yếu tố kết hợp, do đó không có một yếu tố nào riêng lẻ độc quyền, và do không có một yếu tố riêng lẻ độc quyền do vậy mọi vật là "Vô Ngã."

Chúng ta nhớ câu nói của Ngài A Xà Chí (Assaji) là "Vạn pháp do duyên mà sanh và cũng do duyên mà diệt." và Ngài Xá Lợi Phất nghe nói như vậy thì tỏ ngộ. Cái do duyên mà sanh do duyên mà diệt là thí dụ như chúng ta nhìn thấy một cảnh tượng đẹp là do một buổi sáng mặt trời lên không khí còn trong lành còn mát mẻ và chúng ta đang có thời gian rảnh rỗi mới cảm thấy được như vậy. Nhưng nếu trong trường hợp mà buổi sáng ra đi, rồi buổi trưa về trời nóng nực, hoặc giả là chúng ta đang bận rộn không có thời gian thanh thản nữa thì ngày đó giờ đó không đẹp nữa. Nó có nhiều yếu tố để quyết định và khi nhiều yếu tố đó nó đi qua rồi nó khác đi rồi, thì mọi sự việc nó phải khác đi. Các pháp do duyên mà sanh và cũng do duyên mà diệt. Những tập hợp của nhiều nhân duyên nó cho chúng ta rất nhiều nhưng mà rồi nó cũng lấy đi rất nhiều, chúng ta không thể không biết về điều này. Thành ra Đức Phật Ngài dạy rằng đó là yếu tính của vô ngã là do nhiều nhân nhiều duyên chứ không phải do một nhân một duyên, và cái ý muốn của chúng ta nó chỉ là một ở trong nhiều yếu tố mà thôi, và đừng nghĩ nó là tất cả.

Monday, September 23, 2013

Tai sao con người có các căn tánh khác nhau?

Hỏi: Tai sao con người có các căn tánh khác nhau và người có tánh hay tham ái thì có tánh tham luyến người, tham luyến cảnh và có đức tin cái gì cũng tin ai cũng tin. Có phải là do hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh xã hội hay do tích luỹ từ nhiều đời nhiều kiếp chồng chất đến kiếp này không? Có phải thường những người có đức tin tánh tham ái luôn đi kèm không? Người đó phải tu tập pháp môn nào để diệt trừ phiền não đó?

(Bài giảng trong room Diệu Pháp , Chánh Hạnh chuyển biên)

TT Tuệ Siêu: Khi chúng ta nói về tại sao con  người có các căn tánh khác nhau, ở đây có một định lý trong A-tỳ-đàm gọi là Pakatūpanissyapaccaya thường cận y duyên là do tánh nết tập quán mà người ấy đã từng quân tập từ nhiều đời nhiều kiếp. Mỗi một đời sống sanh khởi, góp nhặt từng chút từng chút tánh tình đó, lâu ngày thành thói quen.Như người ta thường nói, 
“Ăn cắp quen tay, 
Ngủ ngày quen mắt”
Hay là, 
“ Sân quen thành nết” 
Những câu đại loại như vậy.

Nghĩa là chúng sanh trong đời này tại sao có những căn tánh khác nhau? Chúng ta nói rằng vì những thường cận y duyên của mỗi mỗi người quân tập tính tình khác nhau nên bây giờ có cá tính khác nhau. Chúng ta cũng nói thêm một điều nữa rằng, sỡ dĩ chúng sanh có căn tánh khác nhau bởi vì cái tưởng khác nhau. Tại sao cái tưởng khác nhau? Có những người thích cảnh sắc cảnh thinh cảnh khí cảnh vị cảnh xúc cảnh pháp khác nhau. Sắc tưởng, thinh tưởng, khí tưởng, vị tưởng, pháp tưởng khác nhau. Mỗi một người có sở thích khác nhau và chính do vậy nên dần dà tánh ý khác nhau. Đó là vế thứ nhất Sư xin được trình bày.

Ở đây có sáu cá tính riêng biệt căn bản của chúng sanh gọi là Carita: tánh tham ái, tánh sân hận, tánh si mê, tánh tư duy (hay gọi là tánh tầm, tầm tức là tìm kiếm, hay suy xét), tánh đức tin, tánh trí tuệ (hay tánh giác). Sáu cá tánh này là sáu cá tánh căn bản 
Thật sự chúng sanh có thể có hơn 200 cá tánh dựa vào sáu cá tánh này mà phân bổ ra. Người nặng về tính tham ái, người đó có thể nặng về tánh đức tin. Người nặng về tánh  đức tin, có thể nặng về tính tham ái nhưng người đó cũng có thể nặng về tính trí tuệ. Ngược lại cũng có người nặng về tánh trí tuệ nhưng người đó cũng có một cá tánh khác đó là cá tánh sân, hay nóng nảy.

 Nói chung theo trong chú giải Tứ niệm xứ giải về thiền quán Vipassana thì cá tánh chúng sanh khác nhau. Trong Visuddhimagga (Thanh Tịnh Đạo) cũng đề cập đến vấn đề đó. Không phải mỗi người một cá tính, như người này tánh tham, người này tánh sân, người này tánh si, tánh tầm hoặc tánh đức tin. Không phải như vậy mà một người có thể có hai ba cá tính pha trộn lại. Đó là điều chúng ta cần lưu ý .

Bây giờ chúng ta nói người có đức tin thì có tham ái, cũng tuỳ chứ không nhất thiết là như vậy. 
-Người có tâm tham ái nặng cũng có trường hợp họ không có đức tin, mà chỉ có tham ái phối hợp với tánh tầm, tánh tư duy phóng dật thôi hay tánh si.
-Còn những người có tâm tham ái cũng nặng về đức tin . Đó là những trường hợp ví dụ như đối với người dễ có tâm thương cảm  người khác, dễ có tâm kính phục người khác. Từ chỗ tâm dễ kính phục, dễ thương cảm đó họ có thể phát sanh lên tâm ái, họ có thể cùng một lúc phát sanh lên niềm tin, hai cá tính đó hổ trợ cho nhau. Tức là vì tin vào một đối tượng quá nhiều ngoại trừ ra tin tưởng nơi Đức Phật, nơi Pháp thì không có sự tham ái, không dùng niềm tin trí tuệ  thì ái tham sanh khởi. Một người có tâm tham ái và chính do tham ái đó thành thường cận y duyên thúc đẩy niềm tin sanh khởi. Thí dụ khi chúng ta có sự quyến  luyến hay có sự  hoan hỷ thiên lệch về tâm bất thiện đối với một vị Pháp sư hay một vị giảng sư. Lúc bấy giờ chúng ta có niềm tin, hễ vị ấy nói gì thuyết gì chúng ta cũng nghe theo, vị ấy trình bày điều gì chúng ta cũng cho là đúng, là hay. Từ chỗ ái tham làm nền tảng  có thể phát sanh lên niềm tin. Cho nên nói về cá tính con người rất nguy hiểm, đời sống của chúng ta rất nguy hiểm.

Ở đây trong những trường hợp đại loại như vậy, chúng ta phải tự xét mình. Nếu chúng ta cảm thấy rằng dựa trên nền tảng do đặt niềm tin trước, rồi sau đó tham ái mới phát sanh, chúng ta tu tập pháp môn khác để chúng ta có thể dẫn dắt lại đức tin của mình.

Một người khi có tâm luyến ái trước, sau đó mới đặt niềm tin, nhờ tâm luyến ái làm nền tảng cho thường cận y duyên làm năng duyên cho phát sanh lên niềm tin, ở đây chúng ta cũng phải có pháp môn khác.

Tóm lại như thế này khi chúng ta có được  niềm tin với vị ấy rồi, chính vì quá tin nên  thấy vị ấy, cái gì cũng đẹp cũng đáng kính cũng khả ái, nếu không khéo chúng ta sẽ phát sanh lên tâm tham. Khi ấy chúng ta phải tu tuệ quán, phải dùng trí tuệ để chúng ta quán xét. Tu tập trí tuệ đi song song với đức tin, bấy giờ trí tuệ đó sẽ giúp cho chúng ta có đức tin mà không có ái tham. Vì chúng ta nhận thức được tánh chất vô thường của các pháp, tính chất khổ đau của đời sống v.v.. Khi chúng ta có trí tuệ thấy rõ như vậy, chúng ta chận niềm tin đó lại, chỉ giữ niềm tin đó thôi,  không cho luyến ái phát sanh. Đó là chiêu thức thứ nhất.

Đối với trường hợp ngược lại, chúng ta có tâm tham ái rồi chúng ta phát sanh niềm tin. Do sự ái luyến do sự ái mộ với một người nào đó mà chúng ta phát sanh lên niềm tin. Thí dụ một người nam chưa từng đi chùa, chưa từng nghe Phật Pháp, chưa từng hướng tâm đến việc tu tập. Nhưng với người bạn gái là một Phật tử thuần thành. Anh ta vì luyến ái cô này nên nghe theo lời cô bạn gái, cô này khéo nói khéo dẫn dắt một thời gian sau anh có niềm tin đối với Phật pháp. Anh ta xem niềm tin đối với Phật Pháp như là tinh thần là lý tưởng chung cho cả hai. Trong trường hợp này chúng ta cũng phải thận trọng, hễ có niềm tin được thì tốt, nhưng còn sự ái tham thì còn sự khổ.

Do vậy trong trường hợp này chúng ta phải tu tập gì để đoạn trừ?. Chúng tôi không muốn nói  ngay trong hiện tại chúng ta có đủ sức để đoạn trừ những ái tham. Nhưng chúng ta có thể nói rằng khi nhận thức được ái tham là khổ, là nguyên nhân sanh khổ đế. Lúc bấy giờ chúng ta phải tận diệt nó đi, giảm tốc độ nó lại, đừng để nó đi quá trớn làm cho chúng ta phải khổ và niềm tin bị lung lạc. Cho nên với người ái tham làm nền tảng cho niềm tin,  chúng ta phải thường xuyên quán thân tứ đại, quán thân thể trược, quán nhìn sự khổ. Khi chúng ta quán thân bất tịnh hay quán sự vô thường, bấy giờ tâm tham ái chúng ta giảm bớt và do đó niềm tin được trau dồi, được tô điểm trở lại.

Như vậy cả hai mặt. 
1/Một người có cá tánh nặng về niềm tin rồi từ đó phát sanh lên ái tham thì chúng ta phải tu trí tuệ. 
2/Một người lấy cá tánh tham ái làm nền tảng để phát sanh niềm tin thì phải tu tập quán thân bất tịnh. 
Thật ra Phật Pháp đa môn vì chúng sanh đa bệnh. Ở đây Sư vẫn còn là phàm Tăng,  chưa có tha tâm thông biết rõ được tâm tánh của mỗi mỗi một chúng sanh để thuyết pháp cho thích hợp. Sư chỉ y cứ vào một là kinh điển đã dạy ý nghĩa như thế nào về những pháp môn tu hành, hai là y cứ vào  kinh nghiệm tu tập của bản thân những gì Sư hiểu và tâm đắc có thể nói lên đây để gợi lại cho chư Phật tử.

Sunday, September 22, 2013

Ba loại trí tuệ được Đức Phật đề cập trong kinh điển là gì?

Hỏi: Ba loại trí tuệ được Đức Phật đề cập trong kinh điển là gì?

(Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Trí tuệ mà Đức Phật Ngài đề cập đến trong kinh điển Phật giáo, có ba loại trí tuệ:

1. Một là trí tuệ do sự thu thập. Thu thập tức là do sự hấp thụ của chúng ta từ sự giáo dục của gia đình, từ sự giáo dục của cuộc đời. Khả năng hấp thụ này càng rộng lớn thì chúng ta biết, hiểu và có thể ứng xử được trong nhiều trường hợp khác nhau. Sự hiểu biết đó Đạo Phật gọi là Văn Huệ, hay còn gọi là Trí Văn. Trí Văn là do nghe, do học, do sự lãnh hội. Điều này thì cần thiết lắm. Con người chúng ta không ai mà không biết rằng không ai có thể sanh ra đời mà biết hết tất cả chuyện đông tây nam bắc trên dưới, kể cả những vị nguyên thủ quốc gia và kể cả những người nghe nhiều học rộng thì cũng phải nhờ vào sách, báo, tin tức, internet mỗi ngày để biết chuyện đó đây. Nhưng riêng về kiến văn của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày của một người bình thường bên ngoài, và ngay cả vị xuất gia mà nếu ở trong kho tàng kinh điển chúng ta có thể tìm thấy được nhiều gợi ý của nhiều sự hướng dẫn cụ thể và nhiều nguồn trí tuệ đối với nguồn kinh điển thì đó là một điều diễm phúc rất lớn. Phải nói rằng người Phật tử có một điểm rất may mắn là chúng ta sống trong một nguồn sống tâm linh không thiếu chất liệu của trí tuệ. Chúng ta có sức hay không có sức để học thôi. Bản thân của anh em huynh đệ chúng tôi những người xuất gia sống dưới mái chùa cũng nhận ra được kinh điển là một kho tàng đồ sộ vĩ đại. Chúng ta nói đến kinh, luật, A Tỳ Đàm, mỗi một bộ, mỗi một ngành, mỗi một môn thì có rất nhiều lãnh vực, có rất nhiều phương diện khác nhau để tìm hiểu. Như vậy sống ở Phật Pháp nếu chúng ta không thấy được nguồn suối vô tận của trí tuệ, của nguồn minh triết, thì điều đó là điều thiệt thòi cho chúng ta.

2. Trí tuệ thứ hai Đạo Phật đề cập đến gọi Tư Huệ. Thật ra về điểm này thì nhiều vị Pháp Sư nhiều người hiểu chữ Tư Huệ là trí tuệ do suy tư. Nhưng chính ra cái can điểm của tư huệ rất là quan trọng, đạo Phật gọi là Yoniso manasikara (như lý tác ý). Yoniso manasikara có nghĩa là chánh tư niệm, hay là suy nghĩ đúng, suy nghĩ một cách thiện sảo, cái suy nghĩ dựa lên trên cái trí tuệ tuyệt vời của chúng ta. Cũng cùng một hoàn cảnh, cũng cùng một sự kiện mà cái nhìn cái hiểu cái sự nhận thức của chúng ta đối với vấn đề khéo hơn trong khi có nhiều người đi đến chỗ bế tắc.

Chúng tôi lấy một thí dụ là ở trong thời gian gần đây, chúng tôi có đọc một bài viết của một nhà kinh tế người Anh nói rằng nền kinh tế của thế giới tăng thịnh ở trong hai thập niên qua có để lại nhiều nhược điểm, có một hệ thống ngân hàng rất cồng kềnh, và nhân dịp khủng khoản kinh tế, tuy rằng thế giới sẽ rơi vào trong những giai đoạn rất chật vật về nhiều phương diện, nhưng nó cũng là một cơ hội tốt để người ta tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng của thế giới vốn đã lỗi thời và vốn tự nó đã nguy hại. Ý tưởng này đã được ông Thủ Tướng Anh ông Gordon Brown cũng ghi nhận. Trong thời buổi kinh tế đang khủng hoảng, ai cũng than thở, cũng cảm thấy khó chịu, cũng không dám nhìn vào vấn đề thì một nhà kinh tế gia cho chúng ta thấy một điều rằng trong hoàn cảnh đó nó cũng có cái lợi, cái lợi biết đâu chúng ta có thể tái tổ chức lại một hệ thống ngân hàng vốn đã lỗi thời đã lạc hậu và đã đang và sẽ là đầu mối đe dọa. 

Thì riêng với đời sống hàng ngày của chúng ta trong cái vui cũng vậy, trong cái khổ cũng vậy, nếu chúng ta khéo nghĩ thì ở đó bao giờ cũng có ánh sáng, cái ánh sáng đó thực là kỳ diệu, thật là màu nhiệm. Thí dụ như những đệ tử của Đức Phật được Đức Phật Ngài dạy rất nhiều lần là nhìn vấn đề một cách sáng suốt mà ngày hôm nay người ta gọi là nhìn vấn đề một cách tích cực hay là lạc quan lúc nào con người mình cũng cố gắng nghĩ vấn đề cho tốt. Nhưng chánh tư niệm là một cái gì rất đặc biệt, nhìn thấy được vấn đề như thế nào mà chúng ta gọi là lạc quan, lạc quan có nghĩa là thay vì người ta nhìn vấn đề càng lúc càng tối tăm, nhìn vấn đề càng lúc càng chồng chất phiền não phía sau, người ta nhìn vấn đề càng lúc càng đến chỗ bế tắc thì một người mà có Yoniso manasikara (như lý tác ý) là biết suy nghĩ, biết thấy, biết nhận thức. Cái nhận thức này lâu ngày cũng trở thành một đặc tính của một bậc thiện trí. 

Chúng tôi đã sống qua một thời kỳ rất khó khăn, sau năm 1975, thời đó là gạo châu củi quế, thời đó là cái gì bấp bênh vô định. Nhưng mà vào thời đó anh em huynh đệ chúng tôi có niềm tin rất mãnh liệt. Và cái ơn của vị đó chúng tôi nhớ cho đến cuối cuộc đời của mình, đó là Sư Trưởng, trong lúc khó khăn như vậy thì Sư Trưởng vẫn nhận các giới tử vào chùa, các vị sa di trẻ, và Sư Trưởng thấy rằng trong hoàn cảnh như vậy là một hoàn cảnh có nhiều người tu tập và quả thật Sư Trưởng đã đào tạo được nhiều thế hệ ở trong giai đoạn này trở thành những vị giảng sư những vị pháp sư. Và đối với chúng tôi những năm tháng về sau mà nhìn lại giai đoạn đó thì chúng tôi cho rằng đó là một ở trong những điểm son lớn nhất của cuộc đời Sư Trưởng mà chúng tôi không thể nào quên được. Ở trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, nhưng mà nghĩ như vầy, thay vì thấy bao nhiêu cái bấp bênh vô định bao nhiêu điều trái ý nghịch lòng sanh lo âu phiền não thì thời này là thời cũng tốt để người ta tu tập, và ở thời đó mà mình làm được một việc và cái việc làm đó để lại những kết quả cụ thể, chứ không phải là không có. Thì lối suy nghĩ đó nó là dấu hiệu của một bậc trí sống ở trong nhiều giai đoạn nhiều hoàn cảnh khác nhau của đời sống là một sự thể hiện cho chúng ta thấy rằng biết nghĩ, biết nhận thức và thấy được khía cạnh tích cực của vấn đề thì sẽ có lợi cho chúng ta rất nhiều.

3. Trí tuệ thứ ba mà Đức Phật Ngài dạy đó là trí tuệ đến từ sự tu tập, là trí tuệ này gắn liền với đời sống, trí tuệ này không phải do suy diễn hay do học hỏi mà trí tuệ này đến từ niệm và định, và đó là những trí tuệ rất chắc rất thật. Lấy ví dụ như với một người đã từng sống với hơi thở với tư thế đi, thế đứng, nằm, ngồi của mình, đã từng sống với thân, thọ, tâm, pháp, thì khó có thể nào mà người đó phủ nhận được sự vô thường, khó có thể nào người đó có thể phủ nhận được rằng cuộc sống nó là một kết cấu của nhiều thành phần khác nhau mà chúng ta gọi là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Thì những suy nghĩ về vô thường, khổ, vô ngã của người này không giống như bình thường của chúng ta, tại vì những vị đó thật sự thấy, thật sự sống, thật sự là đã biết như vậy. Như ngày hôm qua chúng tôi có ra phi trường rước một vị Hoà Thượng đến từ Nauy, HT sang bên Mỹ cũng năm sáu lần nhưng không bao giờ đến Houston, tại vì có nhiều người nói với HT là Houston là một nơi rất là nghiệt ngã nóng khủng khiếp. Nhưng mà rồi HT cũng thấy có cây sanh cũng có thời tiết mát mẻ. Thì chúng tôi thưa rằng, một năm chỉ có ba tháng nóng thôi chứ không phải lúc nào cũng nóng. Cái chuyện mình nghe người ta nói giả định nó là một lẽ, nhưng mình đặt chân đến đó để tự mình sát chứng lại là một lẽ khác. Chúng ta thường có cái nhìn rất võ đoán, rất là mơ hồ về cuộc sống cho đến khi thật sự chúng ta có mặt ở tại đó. Nếu một người nào học về lý vô thường, khổ, vô ngã mà học cho nghe cho suy tư thì thưa qúi vị nó chỉ cho chúng ta đến một chừng mức nào đó, nhưng mà nếu chúng ta thật sự sống với thiền quán, chúng ta thật sự áp dụng trong đời sống hàng ngày thì vô thường khổ vô ngã nó không phải là cái gì xa lạ mà là cái gì hiển nhiên, hiển nhiên giống như ngày và đêm, hiển nhiên giống như mặt trăng mặt trời, hiển nhiên giống như là hơi thở ra hơi thở vào của chúng ta.

Và bây giờ chúng ta nói đến ba loại trí tuệ đó thì chúng ta trở lại với một phương diện rất sâu kín của trí tuệ, đó là người sống với trí tuệ thì không quan niệm rằng cuộc sống là một sự đưa đẩy may rủi, cuộc sống là một sự ngẫu nhiên, mà cuộc sống là một sự thể hiện của nhân và quả trong đời sống. Ngay cả thí dụ có rất nhiều sự đau khổ của chúng ta, rất nhiều sự phiền não của chúng ta do nhận thức sai lầm, do quan niệm lệch lạc, do quan niệm không chính xác, nhưng chúng ta không nhận như vậy, khi chúng ta khổ thì chúng ta nói tại vợ làm mình khổ, tại chồng làm mình khổ, tại những người chung quanh làm mình khổ, tại hoàn cảnh làm mình khổ, tại đất nước làm mình khổ, tại cuộc đời làm mình khổ, nhưng thật ra cái khổ đó phần lớn nó đến từ cái nhìn của mình.

Saturday, September 21, 2013

5 Lợi ích của sự nghe pháp là gì?

Hỏi: 5 Lợi ích của  sự nghe pháp là gì?

(Bài giảng trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Có nhiều nghiệp trong sự tu tập của chúng ta, mới nghe thì rất bình thường nhưng lại có ảnh hưởng đối với chúng ta rất lớn. Đề tài ngày hôm nay là một thí dụ. Nghe pháp, thường xuyên nghe pháp, nghe với sự lắng tâm đầy đủ là yếu tố đặc biệt lợi ích giúp cho chúng ta tăng trưởng được sự hoan hỉ sự thanh tịnh trí tuệ, và nhiều lợi lạc khác khi chúng ta đề cập đến một người thường nghe pháp.

Có lẽ sự khác biệt giữa nền học vấn của thế gian trong sự thu thập kiến thức làm người ta chỉ đặc biệt dựa vào lý tính vào khả năng ghi nhớ trong lúc Phật Pháp thì cần đến một sự chuyên nghiệp thẩm thấu, nói một cách nôm na là chúng ta phải có khả năng tiêu hóa được cái gì chúng ta nghe. Kinh nghiệm sống ở trong chùa và đọc lại những trang sách xưa cho thấy rằng ngay cả những vị pháp sư những vị trưởng lão những bậc đa văn quảng kiến mà đối với sự nghe pháp vẫn tìm thấy ở đó vô số những lợi lạc. Pháp hay sự thật thâm sâu vi diệu là điều ngay cả Đức Phật cũng tôn kính, ngay cả các bậc Thánh cũng tôn kính Pháp. Chân lý thâm sâu vi diệu đó đôi khi chúng ta nghe một vài vị trình bày hay là đọc qua một trang sách không đủ để chúng ta có thể thâm nhập nhìn thấy tất cả mọi chiều kích của đề tài. Nhờ nhân nào đó nhờ duyên nào đó mà chúng ta có thể nhìn những gì được nghe hiểu những gì được đọc một cách khác hơn một cách tường tận hơn.

Chúng tôi xin được lấy một thí dụ như vầy: đối với một người Phật tử tuy rằng có qui y Tam Bảo rồi nhưng vẫn chưa quen với từ vựng Phật học vẫn còn xa lạ đối với kinh điển thì giống như một nàng dâu mới về nhà chồng tuy rằng đó là gia đình của chồng và đó là gia đình nàng dâu phải sống nhiều năm nhưng ở trong giai đoạn đầu mới thì vẫn ngỡ ngàng và cũng cảm thấy rằng mình với gia đình đó không phải là một mà là hai, có thể mất thời gian lâu lắm để có thể đi qua giai đoạn mà chúng ta đại loại nói rằng mình đã thật sự tìm thấy nơi đó là tổ ấm của mình là ngôi nhà thật sự của mình. Sự thân quen sự gắng bó sự thể nhập không phải là một giai đoạn đơn giản. Chúng tôi phải nói ra một điều ở tại đây cũng thời Phật Pháp nhưng đối với một số các chư vị giảng sư ở trong rơom chẳng hạn khi thường nghe thường nghiệm Phật Pháp thì khác với một người mang tánh cách học giả nghiên cứu lâu lâu nhìn vào. Chính Đức Phật có một lần một người balamon tán thán Đức Phật về những câu trả lời rất là nhanh và rất nhạy rất sâu sắc của Đức Phật thì Đức Phật đã lưu ý cho ông thấy một điều: khi một người thợ làm bánh xe chuyên môn làm lâu năm thì nói theo tiếng Việt Nam chúng ta là nhắm mắt lại cũng biết bộ phận đó nằm ở chỗ nào vì cái đó nằm ở trong ruột của mình và người đó làm với bàn tay rất thiện xảo tại vì điều đó đã trở thành một phần thật sự của đời sống.

Khi chúng ta mới đến với Phật Pháp và khi chúng ta mới nghe pháp đôi khi chúng ta vật lộn với những gì mình nghe mình học cũng giống như một người mới học lái xe nhìn thấy mình với chiếc xe là hai chứ không phải là một, khi đã quen rồi thì chúng ta có thể nghe được từng nhịp thở, có thể cảm được từng sự thay đổi. Khả năng thuần thiền định ở trong nền văn hóa của chúng ta gọi là năng lực tam muội, năng lực của định. Đối với nghe pháp có khác nhưng cũng có năng lực của sự thẩm thấu của sự thể nhập, năng lực của cái rất là thân quen, cái thân quen đó cho chúng ta một trạng thái rất khác biệt mà chỉ có những vị nào trải qua kinh nghiệm đó thì mới kham nhận được điều đó mà thôi. Chúng tôi lấy một ví dụ gần hơn là vị nào quen với máy vi tính quen với máy móc thì chính những gì liên quan đến máy móc nó có khó khăn một chút làm qúi vị cảm thấy thích thú nhưng nếu qúi vị không quen với máy móc vừa thấy hơi rắc rối một chút là đã sợ rồi. Cái quan trọng là quen hay không quen, thuần thục hay không thuần thục, và quá trình dẫn đến thuần thục đó đôi khi cần đến thời gian đôi khi cần chúng ta trải qua nhiều lần lập đi lập lại.

Có một điều rất lạ mà có lẽ bản thân của chúng tôi cảm nhận nhiều hơn hết so với tất cả các vị giảng sư và tất cả qúi Phật tử ở đây. Chúng tôi có được duyên lành là thỉnh thoảng đi đó đi đây, có khi sang Âu Châu, có lúc xuống tận miền nam như Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, ở một vùng băng giá của Canada chẳng hạn, chúng tôi có gặp những Phật tử mà những Phật tử đó chúng tôi chưa bao giờ gặp trong đời, nhưng những vị đó thường vào nghe pháp ở trong rơom Diệu Pháp này. Sự thường vào nghe pháp trong rơom khi chúng tôi gặp qúi vị đó hầu như là chúng ta nói đại loại như thế này là nói một hai câu có thể nhìn ra bà con được tại vì những người đó biết rất nhiều, biết rất nhiều về chương trình sinh hoạt, biết nhiều về tánh của Sư Trưởng, biết nhiều về giờ giấc của TT Tuệ Siêu và có nhiều khi qúi vị đó làm cho chúng tôi rất là ngạc nhiên, tại vì sao vậy, lúc đó chúng tôi mới cảm được rằng một người mà nghe pháp một ngày một buổi một giờ bất chợt thì cảm giác khác, nhưng khi chúng ta thường xuyên nghe thì chắc chắn phải khác đi. Có đôi lúc qúi vị vào trong rơom nghe pháp mỗi ngày việc đó quen giống như chúng ta ăn cơm bữa, nhưng một ngày nào đó thì chúng ta mới nhận ra rằng danh từ Phật học không còn xa lạ với mình nữa, những khái niệm mà Chư Tăng các vị giảng sư dầu nói một cách khúc chiết hoặc đi vào chi tiết tường tận không có làm cho chúng ta cảm thấy ái ngại cảm thấy nhiêu khê, mà những gì nói thoáng qua thì chúng ta cũng có thể hiểu rộng rãi. Và bây giờ thì chúng ta thấy rằng mình đối với cảnh giới của Phật Pháp rất quen, quen đến đỗi mình có thể bơi lội trong đó, có thể tắm trong đó, có thể ngâm mình ở trong đó, có thể tự tại ở trong đó như là kình ngư ở giữa đại dương mênh mông thì lúc đó là một sự thâm nhập.

Đức Phật Ngài không nói nhiều về điều này mà Ngài đề cập rất ngắn. Ở đây chúng ta nghe 5 lợi ích Đức Phật Ngài đề cập, 5 lợi ích này rất cụ thể rất thiết thực và rất dễ hiểu những pháp thường thì, được nghe những điều chưa từng nghe, và những người đã được nghe rồi thì được tỏ rõ hơn, đoạn trừ nghi hoặc, làm cho tri kiến chánh trực, làm cho tâm tịnh tín.

Lợi ích thứ nhất: - Được nghe điều chưa từng nghe.

Về điều này đôi khi nếu qúi vị hỏi Chư Tăng các vị giảng sư những đoạn kinh, những phần trích luật từ trong Tam Tạng không phải nói rằng mình đã sống trong kho tàng kinh điển lâu mà mình nhớ mình suy nghĩ tường tận hết mọi thứ. Ngay cả những vị giảng sư thường xuyên giảng kinh điển thì thỉnh thoảng đó đây cũng gặp rất nhiều đoạn mà bản thân của mình chưa từng nghe đừng nói chi với một người lâu lâu mới nghe. Chúng ta phải vui mà thấy rằng là người con Phật thừa tự được một gia tài kinh điển mênh mong, gia tài kinh điển rộng lớn, nếu chúng ta biết thì chúng ta cảm thấy cuộc sống của mình rất giàu có chỉ tại mình không chịu hưởng mà thôi. Nói rằng ý nghĩa của Tam Tạng kinh điển mà viết bằng giấy bằng mực chúng ta đọc cả đời không hết và chẳng những vậy mà thỉnh thoảng được các vị giảng sư hay là một nhân duyên nào đó chúng ta đọc một vài câu kinh thì chúng ta vẫn có thể khám phá ra rằng điều này mình chưa từng được nghe, chưa từng được biết, dầu chúng ta nghe 5, 10 năm, 20 năm thì những cái chưa từng được nghe vẫn còn. Khó có thể tưởng tượng được sự bao la của kinh điển như thế nào, tuy nhiên chúng tôi có thể khẳng định rằng đó là một kho tàng vô tận. Do vậy nghe pháp nhiều thì học được những điều chưa từng được nghe.

Lợi ích thứ hai là: - Làm tỏ rõ những điều chúng ta đã từng nghe.

Có nhiều khi chúng ta nghe Pháp một cách hời hợt. Có một lần chúng tôi gặp một vị Thầy trong lần tham dự Đại Hội Liên Hữu Phật Giáo Thế giới, lúc đó vì phân ban thành ra chúng tôi và vị này ngồi chung trong một diễn đàn và lúc bấy giờ có một vị trưởng lão người Tích Lan được mời đến để Ngài nói về sự hoằng pháp đối với những sắc dân thiểu số đối với những người nghèo và đối với những người có nhiều nhu cầu với xã hội hơn là nhu cầu của tâm linh. Thì khi Ngài Trưởng Lão nói ý kiến của Ngài thì Ngài đề cập đến giá trị của sự khổ được tìm tòi qua KHỔ ĐẾ như thế nào. Ngài lấy thí dụ để cho thấy rằng đừng nói đến người nghèo, đừng nói đến người giàu, và đừng bao giờ áp đặt rằng người đó họ nghèo quá họ chỉ lo kiếm cơm họ không lo đời sống tâm linh. Ngài muốn nói rằng ở trong thông điệp của sự đau khổ nếu chúng ta chịu khó và rất là chịu khó để nói thì ngay cả người cùng đinh nhất cũng nhận được lợi lạc. Ngài nói lên ý nghĩa của sự khổ. Thì trong giờ giải lao vị thầy đó mới nói với chúng tôi một điều rằng: sống ở trong chùa từ nhỏ đến lớn đọc bao nhiêu sách, Nam Tông có, Bắc Tông có, đi học ở trường thì học triết học mình tưởng đau khổ là đề tài rất bình thường mình chỉ nói lên chữ khổ là biết rồi nhưng bữa nay nghe HT người Tích Lan nói thì mới hiểu là còn có trăm ngàn thứ mà mình chưa hiểu hết". Câu nói vị Thầy làm chúng tôi thật sự hoan hỉ. Cơ may chúng ta nghe được một điều mà mình nghĩ rằng mình biết nhiều nhưng chính ra thì ở trong cái mình đã quá quen thuộc đó mình lại khám phá ra có những cái mình chưa biết, có những cái chưa được sáng tỏ. Điều đó có lợi chỉ những người đã thường nghe pháp mới có thể cảm được điều này.

Lợi ích thứ ba là: - Đoạn trừ nghi.

Điều này cũng là điều quan trọng. Với một người đi chùa thắp ba nén hương lạy Phật thì chuyện có hoài nghi hay không có hoài nghi với Phật Pháp đôi khi chỉ là một vấn đề của nhàn đàm thôi nhưng là một người đi trong con đường tu tập nhất là những hành giả thì chữ nghi hoặc chữ hoài nghi là một chuyện lớn. Hoài nghi được xem như là một trạng thái lưỡng lự phân vân cái lưỡng lự phân vân này không phải là thái độ của một người biết suy nghĩ, không phải hoài nghi là thái độ của một người không cả tin mà hoài nghi ở đây là một thái độ nghi ngờ một cách không có tính lý và không cho phép mình đi tới không cho phép mình làm gì hết không cho phép mình đào sâu.

Chúng ta có quyền đặt câu hỏi có quyền nêu ra nghi vấn nhưng mà nêu lên nghi vấn để tìm câu trả lời chứ không phải là thái độ lưỡng lự phân vân đứng đó trù trừ trong sự trù trừ đó tiến thoát lưỡng nan không biết quẹo trái không biết quẹo phải không biết đi tới nhưng mà cái hoài nghi đó nó trở thành một điểm lớn một điều ảnh hưởng to tát với sự tu tập của chúng ta.

Người Trung Hoa trong sự tu tập thường nói đến những phiền não là tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến. Dĩ nhiên danh sách của phiền não thì có nhiều thứ nhưng chữ mạn là cao ngạo, chữ nghi là nghi ngờ nghi hoặc. Khi nghe pháp mà chúng ta xoá tan được hoài nghi về một điểm nào đó thì là lớn chuyện. Tại đây là kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng tại sao có rất nhiều những tỳ kheo, những nam cư sĩ, nữ cư sĩ, và rất nhiều ngoại đạo, rất nhiều người không biết Phật Pháp sau khi đến nghe Đức Phật thuyết pháp mà thốt lên câu nói rằng:

"Như người đem ánh sáng vào chỗ tối, lật ngửa những gì bị úp lại, phơi bày những điều cần thấy cho kẻ có mắt, chánh pháp mà Đức Thế Tôn thuyết pháp đã khai mở trí tuệ đoạn trừ nghi hoặc, con xin qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng, những mong Đức Thế Tôn từ bi ghi nhận lấy cho con từ nay cho đến trọn đời là người qui y Tam Bảo".

Những đoạn như vậy chúng ta nghe rất nhiều ở trong kinh điển về sự trở về của những người nam của những người nữ và ngay lúc đó chúng ta có thể cảm nhận được là họ đã vượt qua một cái gút một cái mắc một cái góc tối của cuộc đời, cái góc tốt đó thường là trạng thái nghi hoặc, thường là một trạng thái mà đôi khi chúng ta nghĩ rằng nó không có gì hết. Như một người bị một chứng bịnh nào đó mà họ không thể biết cho đến khi gặp một vị danh y và vị danh y đó có khả năng chữa bịnh đã cho mình biết từ trước giờ mình có bịnh mà mình không biết bây giờ mình biết nên có khác đi. Hoài nghi đó là một điều lớn. Ngài Buddhadasa, Ngài có nói về chữ hoài nghi rằng: "Một người ngồi xuống thiền định mà với sự nghi hoặc ở trong lòng thì một milimét nhỏ để mà tiến bộ cũng không có được."

Chúng ta nhớ trong năm pháp nghi ngại gọi là năm pháp triền cái thì chữ nghi hoặc là một ở trong năm pháp triền cái, nó ảnh hưởng xâu xa đến đời sống chúng ta. Nghe pháp nhiều thì giúp cho chúng ta đoạn trừ cái nghi hoặc.

Lợi ích thứ tư: - Làm tri kiến được chân chánh.

Tri kiến chân chánh, ở đây trong tiếng Anh là straight hay trong tiếng Phạn tiếng Hán chữ chánh đôi khi là thẳng thắn chân thật nó không quanh co không có ẩn khuất, cái gì đó làm cho chúng ta thấy trực tiếp hiểu trực tiếp hiểu một cách đúng một cách sáng tỏ một cách chân chánh một cách ngay thật đó là về tri kiến. Cái tri kiến chân chánh có thể có ở trong bất cứ người nào cho dù người đó chưa đoạn trừ được phiền não nhưng có hiểu biết đúng hiểu biết chân chánh, ví dụ như một người tin tưởng ở nghiệp báo thì việc đó có ý nghĩa làm cho sở hành của người đó hoàn toàn thay đổi.

Có lần chúng tôi đi với một nhóm Phật tử sang Miến Điện điều làm chúng tôi rất cảm động là một Phật tử nói với chúng tôi rằng ngày mai muốn xin để bát cúng dường đến Chư Tăng, chúng tôi có thưa với vị Sư Indaka là vị sư Miến Điện hướng dẫn chúng tôi trong chuyến viếng thăm thì Sư sắp xếp. Thường thường Phật tử mỗi lần yêu cầu để làm phước thì chúng tôi cũng sắp xếp nhưng hôm đó đặc biệt là có một cô Phật tử Vinh Diệu Tịnh ở bên Pháp gửi tiền để làm trai tăng cúng dường. Chúng tôi có cúng trai tăng tại một ngôi chùa lớn ở Bago còn lại để làm phước ở tại Rangoon. Thì ngày hôm đó thật sự là một ngày rất bình thường ở tại Miến Điện nhưng đối với phái đoàn thì là một ngày rất vui. Chư Tăng Miến Điện buổi sáng hơn 160 vị từ ở trong chùa bước ra các Ngài vấn y rất đẹp trong màu áo măng cụt ở trên tay mỗi vị cầm chiếc quạt bằng lá, chiếc quạt đó có nhiều công năng nó là một ở trong những công cụ rất thích hợp với Chư Tăng miền nhiệt đới, chúng tôi ít thấy vị nào cầm cái quạt để quạt nhưng thường để che nắng mà trong buổi lễ cầm thì trông rất trang nghiêm. Thì mỗi vị cầm một cái quạt từ trong đi ra, các Phật tử mỗi người tuần tự đến đặt vào trong bình bát thức ăn. Công việc xong rồi thì ai cũng vui vẻ hoan hỉ nhưng có một người Phật tử đã nói một câu làm cho chúng tôi cảm kích, vị đó nói rằng: "Ngày hôm qua đi con có nhiều chuyện phiền não cảm thấy không được an vui thành ra nghĩ sáng hôm nay muốn đi làm phước để bát và để bát hôm nay tự nhiên hoan hỉ quá bây giờ phiền não không có." Khi chúng tôi nghe vị Phật tử nói như vậy thì chúng tôi lại khởi sang một niềm hoan hỉ khác, điều chúng tôi nghĩ ở đây không phải là vì vị đó làm việc cúng dường mà hoan hỉ mà chúng tôi thấy được cái tri kiến chân chánh của vị đó làm chúng tôi hoan hỉ. Khi nào mình phiền, mình buồn thay vì mình ngồi đó trách người này trách người kia hay là mình ngồi đó để than thở thì mình làm phước, làm phước xong thì hoan hỉ, tại phước là cái gì gội nhuần thân tâm của mình. Do vậy khi một người Phật tử một người cư sĩ cảm thấy trong lòng buồn tự nhiên muốn đi làm phước để tâm tư được an lạc đối với chúng tôi là một nhà sư xem điều đó như là một điều hết sức hoan hỉ.

Tri kiến của chúng ta chân chánh ở chỗ là mình có bịnh thì uống thuốc nhưng thuốc ở đây là những phương thuốc thật sự có giá trị lớn về nhiều mặt; về mặt phước báu, về mặt trí tuệ, về sự thanh tịnh, về niềm tin của chúng ta.

Con người của chúng ta đa phần rất là quanh co chúng ta không có trực tiếp, không thẳng, không có rõ ràng về cái vui cái khổ đôi khi chúng ta cứ tự hỏi rằng trong cái thành, cái bại, cái đặng thất, cái vui khổ, trong đời sống của chúng ta làm gì? Thường thì chúng ta không tự hào thì cũng tự ti, chúng ta không đổ lỗi người này thì chúng ta lại qui trách vào việc kia, ít khi chúng ta tự đứng lên một cách khẳng khái tự nhận rằng cái vui cái khổ đó là chính ở sở hành của mình. Và để cho chúng ta được vui thì chúng ta nên làm cái gì đó có ý nghĩa.

Người nghe pháp nhiều thì tâm tư rất rõ rất chân chánh về chuyện này. Qúi vị để ý là một khi chúng ta nghe pháp nhiều thì chúng ta sẽ bớt đi sự trách móc đối với những người khác về cái vui cái buồn trong lòng mình. Nói cho cùng thì trên tinh thần Phật Pháp mỗi chúng ta là người chịu trách nhiệm về cái vui cái khổ của mình , mình có thể nói rằng người này làm cho mình buồn người khác làm cho mình phiền nhưng mình chỉ buồn chỉ phiền khi nào mình cho phép mình buồn phiền mà thôi nếu mình khéo xây dựng. Ngài Ajhan Chah thường nói: "xây dựng cái nhà của tâm hay nơi an dưỡng của tâm hay cảnh giới thật sự an lạc của tâm thì người ta không làm phiền mình được". Người ta có thể chửi mình, người ta có thể công kích mình, người ta có thể lấy mất đi một vài thứ sở hữu của mình nhưng người ta sẽ không uy hiếp được sự an lạc, sự trí tuệ. Nếu trí tuệ chúng ta được thắp sáng thì chúng ta sẽ giữ vững sự an lạc của mình ở trong hoàn cảnh nào cũng vậy. Và để giữ vững ngọn đèn trí tuệ đó để giữ vững tay chèo đó, thì nghe pháp làm trí tuệ của chúng ta sung mãn, làm cho tâm trở nên thanh tịnh trở nên định tỉnh. Phật Pháp là chất liệu không tạo cho chúng ta thêm những âu lo phiền muộn, qúi vị cứ để ý những giờ chúng ta vào nghe pháp không được ít thì được nhiều, không được điều này thì cũng được điều kia, nhưng không có chuyện gì gọi là phiền não trừ khi chúng ta thất niệm chúng ta đi vào những chuyện mang tánh cách cá nhân. Mỗi lần chúng tôi vào trong rơom mà thấy những người vào đôi khi khủng bố để mà phiền não để nói này nói kia những lúc đó cho chúng tôi cảm giác rằng giống như một quán nước giải khát giữa trưa hè ở đó có nước mát nước ngọt để uống mà có những người vào không uống mà những người đó vào chỉ sanh sự thôi thì thật sự đó cũng là sự thiệt thòi cho họ.

Lợi ích thứ năm: - Nghe pháp là suối nguồn của sự an lạc.

Chúng tôi cảm nhận mình có đại phước là có những bậc thầy mà chúng tôi đã từng được học trong cuộc đời như Ngài Tịnh Sự, HT Minh Châu, Sư Trưởng, Ngài Ananda Mitra, Ngài Tangulu v.v..... tất cả những vị đó đều có đặc tính là ưa chuộng sự nghe pháp qúi trọng Phật Pháp và rất là hoan hỉ ngồi xuống lắng nghe. Một hình ảnh có lẽ chúng tôi đi nhiều năm ở ngoại quốc khi nghĩ đến chúng tôi không thể không cảm kích đó là hồi nhỏ vào trong chùa lúc đó Sư Trưởng dạy những vị sadi những chú giới tử học thuộc những bài pháp và tập thuyết trình, tuổi thơ chúng tôi thích cái gì mới cái gì lạ, ví dụ như một vị lên thuyết pháp mà vị đó nói cái gì cao xa nói cái gì mới mình thích nhưng ngồi để kiên nhẫn nghe một chú giới tử đọc lại một bài pháp mà bài pháp đã từng biết rồi ai cũng biết rồi bây giờ nghe đọc lại thì thật sự mất thì giờ. Nhưng sau này dần dà lớn lên đi ra sống ở chỗ này chỗ kia chúng tôi mới thấy những hình ảnh đó rất là qúi báu, một vị thầy một vị tôn túc mà có thể ngồi nghe một môn sinh một đệ tử nhỏ trùng tụng lại pháp với tâm thanh tịnh với sự tôn trọng pháp, điều đó là điều quan trọng, cái quan trọng đó chính là sự ưa thích chánh pháp mà làm cho tâm được thanh tịnh. Chúng ta nói như vầy: đừng nói một món rau người nấu là người có giai cấp nào địa vị nào nhưng nếu họ luộc rau đúng cách rồi đem dọn ăn thì chúng ta ăn món rau đó chúng ta cảm thấy ngon. Quan trọng là chúng ta có qúi trọng Phật Pháp hay không.

Chúng tôi sinh hoạt trong rơom Diệu Pháp này rất hoan hỉ về sự đóng góp của chư vị giảng sư, thật ra không có vị nào vào trong rơom này mà vị đó không có bận rộn, Chư Tăng cố gắng thật nhiều để vào rơom với thời gian khác biệt, đối với TT Tuệ Siêu vì sức khỏe có đôi khi đi nghỉ trễ quá có ảnh hưởng nhưng cũng có cố gắng để vào, Sư Trưởng ráng ngồi nghe ráng vào để khuyến khích. Nhưng có một điều chúng ta có thể cảm nhận là tất cả đều có sự tha thiết, sự tha thiết đó một phần là vì Phật Pháp, phần nữa thì chúng ta phải nói rằng giờ sinh hoạt của chúng ta giống như một thời kinh đó là những giờ an tịnh, chúng tôi thì được sự may mắn sống ở Houston với giờ ở Houston thì không có quá sớm và không có quá trễ mà vào rơom để gặp thầy tổ gặp huynh đệ để nghe một thời kinh, chúng ta có hai giờ để lắng nghe để suy nghĩ và để chia sẻ Phật Pháp, hai giờ đó là 120 phút được sống được tu ít nhất trong cuộc đời bận rộn này ít nhất ở trong cuộc sống xa quê xa xứ xa huynh đệ thầy tổ thì chúng ta có được những giờ phút mà sống tích cực, thở chung một nhịp thở, và cảm nhận chung một bầu không khí mát mẻ, điều đó là điều an lạc.

Tâm thanh tịnh của chúng ta không phải là tự nhiên mà thanh tịnh được, nó cần chất liệu làm cho thanh tịnh. Cũng giống như mình sống ở miền quê khi nước lên thì phù sa làm nước đục người ta lấy phèn đánh vào làm nước lắng trong, khi nước trong thì chúng ta thấy nước có khác. Chánh pháp là một chất liệu làm cho tâm tư của chúng ta lắng đọng sự lắng đọng trả chúng ta về cảnh giới thanh tịnh. Đức Phật Ngài khẳng định một điều rằng:

"Dù là nói ngàn lời cũng không bằng nói một lời mà nghe xong tâm được tịnh lạc. Dù sống một trăm năm mà không được thấy chân tướng sanh diệt không bằng sống được một ngày mà thấy được pháp sanh diệt".

Đối với bậc Đại Sĩ đối với bậc Pháp Vương, Ngài xem chánh pháp quan trọng như vậy nếu chúng ta không ý thức được sự trọng đại đó thì thật ra là một điều đáng tiếc. Có một vài vị hỏi chúng tôi rằng công việc hoằng pháp ví dụ như việc chúng ta làm ở tại đây có làm mệt mỏi hay không, chúng tôi không nhìn vấn đề khía cạnh mệt mỏi mà chúng tôi muốn nhìn lại vấn đề đó là một phần của đời sống, đó là một sự may mắn, đó là một cơ duyên tốt và đó là một cảnh giới an lạc. Cuộc đời của chúng ta có quá nhiều những tế toái những phiền lụy, tại sao có những giây phút sống an lạc mà chúng ta không sống chúng ta đi đâu nữa, chúng ta làm việc gì nữa, nếu chánh pháp không đủ để gội nhuần tâm tư của chúng ta thì cái gì có sức để mà vực dậy lý tính, vực dậy ý thức, vực dậy tuệ giác của chúng ta.

Nghe Pháp được, nghe nhiều, thường nghe pháp, thì quả thật chúng ta có nhiều sự lợi lạc những lợi lạc đó được bậc Đạo Sư của chúng ta Ngài nói ở tại đây: 
Được nghe cái chưa từng nghe.
Được tỏ rõ những điều đã từng nghe
Đoạn trừ được nghi hoặc
Làm cho tâm chánh trực
Làm cho tâm tư thanh tịnh.

Cảm nhận như vậy thì chúng ta sống hoan hỉ với chánh pháp như lời của Đức Phật dạy rằng:

"Một vị tỳ kheo mến pháp trú pháp, tâm tư hằng nghe pháp, và sẽ không rời chánh pháp".

Lúc đó chúng ta thấy rằng kho tàng kinh điển bao la không phải là một thách thức trí tuệ chúng ta mà là một di sản khổng lồ Đức Phật cho phép chúng ta những người con của Ngài được thừa hưởng, chúng ta sẽ cảm thấy rằng những giờ phút sinh hoạt Phật Pháp không phải là giờ phút cực nhọc làm chúng ta khó chịu mà những giờ phút mang lại cho chúng ta suối nguồn của hoan hỉ của an lạc. Và, một ngày hai ngày chúng ta không thấy gì nhưng vài ba năm trở lại thì chúng ta thấy rằng mỗi ngày một giọt nước, một giọt nước cam lồ nhỏ xuống trong tâm tư của mình thấm nhuần đầy ắp làm cho cuộc sống của chúng ta được sung mãn được hoan hỉ thì có lẽ đòi hỏi thêm thì chúng ta đòi hỏi hơi nhiều, mà nếu chúng ta không ý thức được cái lợi lạc đó thì thật sự là một điều rất là đáng tiếc.

Chúng ta mong rằng năm điểm Đức Thế Tôn đề cập đến ở tại đây một lần nữa nhắc cho chúng ta thấy rằng chúng ta nên tiếp tục làm những gì mà chúng ta đang làm và làm với tất cả sự hoan hỉ và an lạc. Chúng tôi xin dứt lời ở tại đây và mong rằng chúng ta sẽ luôn luôn tiếp tục được an lạc trong Phật Pháp. Namo Buđdhaya./.