Monday, February 26, 2018

Kinh Hữu Học (I) (31) - Kinh Tăng Chi Bộ - Anguttara Nikaya - TT Giác Đẳng

Kinh Tăng Chi Bộ - Anguttara Nikaya
Chương 6
IV. Phẩm Chư Thiên

(I) (31) Hữu Học 

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 26-6-2017

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Bài học hôm nay có những chi pháp tương đối dễ hiểu trên phương diện suy luận nhưng không đơn giản trên phương diện thực hành.

Trước hết:

Chữ Sekha có nghĩa là bậc Thánh đang trên đường tu tập.

Chữ Asekha là bậc Thánh đã hoàn tất việc tu tập đạt đến quả vị tột bực, là bậc đạt đến từ sơ quả, nhị đạo nhị quả, tam đạo tam quả, tứ đạo tứ quả, hay bậc A-la-hán quả. Trong danh từ chuyên môn chữ Hán gọi là bậc Thánh Hữu Học. Phải nói đây là một trong những danh từ chữ Hán đôi khi sài chúng tôi rất miễn cưỡng là bởi vì dịch như vậy chúng ta thường hay có sự hiểu lầm hữu học là người có học và Asekha dịch là bậc vô học, ở đây người Việt Nam chúng ta cho là bậc không có học gì hết. Chữ hữu học và vô học không có nghĩa như vậy.

 Ở đây chữ Sekha có nghĩa là bậc Thánh đang tu tập và Asekha là bậc Thánh đã hoàn tất hành trình tu tập, sanh đã tận phạm hạnh đã thành những gì nên làm đã làm.

 Đối với tất cả chúng ta những người chưa chứng Thánh quả, chúng ta là Puthujjanaphàm phu
Nhưng phàm phu có hai hạng:  

1 - Một là vô văn phàm phu (assutavā puthujjano) không thấy các bậc Thánh, không thông hiểu pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh. 

2 - Một hạng phàm phu khác có học pháp các bậc Thánh đang trên đường từ sơ đạo cho đến tứ đạo, những vị chắc chắn sẽ hoàn tất cuộc hành trình, các Ngài mẫu mực là những hình ảnh tiêu biểu cho giáo pháp của Đức Phật, trên phương diện nào đó các Ngài thuộc về sàvakasangha là những vị tượng trưng cho tăng chúng đã được nghe đã được hấp thụ tức là đã bước vào giòng Thánh vức, đã trưởng thành trong ngôi nhà giáo pháp và các vị hợp lại thành cộng đồng Tăng chúng gồm bốn đôi tám vị, những bậc này là những bậc Thiện Hạnh, Trực Hạnh, Như Hạnh, Chánh Hạnh xứng đáng được quí trọng, được nghinh đón, được chắp tay cúng dường, là phước điền vô thượng ở đời. 

Với 6 pháp trong bài học hôm nay nói lên khuynh hướng cố hữu của những vị  tu tập đang trên đường đạt đến viên mãn giải thoát. Sáu pháp này lại là 6 nguyên tắc được áp dụng triệt để tại các tu viện và tạo nên truyền thống rất quan trọng ở Thái Lan gọi là truyền thống Lâm Tăng, Chư Tăng sống trong rừng. Tại Trung Hoa và Việt Nam chùa ở những nơi rừng núi đồi thường gọi là Sơn Môn là những tu viện ở trên núi nhưng chữ Sơn Môn tại Huế thì người ta đề cập đến pháp phái nhiều hơn thí dụ như tu theo tổ Liễu Quán chẳng hạn. Những ngôi chùa những ngôi tổ đình đại tự chia theo dòng tu từ Thầy rồi truyền xuống trò thành bao nhiêu nhánh phân chia họ gọi là Sơn Môn là một pháp phái. Và chữ Sơn Môn đúng nghĩa là Forest monastery tức là những tu viện đúng nghĩa tu viện. Ở tại Thái Lan có hai truyền thống khác biệt rõ rệt một là thôn Tăng là Chư Tăng ở làng tức là mỗi một làng hay một thành phố có một ngôi chùa để phục vụ cho một số Phật tử, thông thường chùa làng giới hạn là mỗi làng một ngôi chùa nhưng nếu  là chùa rừng hay Wat Pah thì ở đâu cũng có thể cất được. Và đời sống của Chư Tăng ở tại các tu viện này áp dụng 6 nguyên tắc này như là 6 thanh quy chính yếu để huấn luyện để tu tập.

Chúng ta thấy ở đây Đức Phật Ngài đề cập đến 6 pháp dẫn đến sự thối đọa và 6 pháp dẫn đến sự tinh tiến.

- Sáu pháp dẫn đến thối đọa là: ưa công việc,  ưa nói chuyện, ưa ngủ nghỉ, các căn không phòng hộ. 

- Và 6 pháp tu tập tinh tiến là: không ưa công việc, không ưa nói chuyện, không ưa ngủ nghỉ, không ưa hội chúng, các căn có phòng hộ và ăn uống có tiết độ.

1- Công việc

Chúng ta nói một cách cụ thể về công việc. Dĩ nhiên tại một ngôi chùa nào cũng có một số việc nhất định cần làm đôi khi làm rất vất vả, nội việc quét dọn trong ngoài, việc tiếp xúc với Phật tử, việc hoằng pháp thì cũng rất bận rộn. Tại Thái Lan hay Miến Điện các vị Sư Cả tức là những vị Trụ Trì các ngôi chùa thường phải ngồi rất nhiều, buổi sáng lên trên giảng đường ngồi để tiếp xúc với những vị thí chủ họ đến cúng dường phải nói đạo cho họ nghe, và buổi trưa cũng phải tiếp xúc với những vị thí chủ những Phật tử khi họ đến chùa, có vài nơi công việc đó giao cho vị tri khách đa phần người ta đến xin gặp Sư Cả. Công việc của vị Sư Cả trong chùa không phải là công việc quanh năm suốt tháng như chúng ta ở đây đa phần các quốc gia Phật Giáo giai đoạn nào xây cất thì xây cất nhưng giai đoạn xây cất xong thì Chư Tăng trở về với đời sống tịnh tu, đó là chuyện lý tưởng.

Khi Chúng tôi ở chùa Ngài Ajahn Chah thi tại đây chùa quy định 2 chương trình chấp tác trong một ngày: 3 giờ thức, 3:30 lên ngồi thiền, 4:30 xả thiền tụng kinh đến 5 giờ, sau đó có 30 phút chấp tác. 30 phút chấp tác là Chư Tăng từ Sư Cả xuống đến tất cả mọi người phân chia thành từng nhóm một lo quét sân, quét giảng đường, dọn dẹp nhà vệ sinh, dọn dẹp chánh điện trong nửa giờ đó phải xong việc dọn dẹp đó là chấp tác buổi sáng sau đó Chư Tăng mới đi khất thực. Điều này có nghĩa là khi đi khất thực trở về bước vào trong chùa thì chùa sạch sẽ từ trước ra sau, và các vị thí chủ đến từ xa từ thủ đô Bangkok hay là từ phố vào chùa thấy lúc nào cũng sạch sẽ đẹp đẽ, đó là chấp tác buổi sáng. Sau đó Chư Tăng đi khất thực về rồi chuẩn bị độ cơm, độ cơm xong khoảng 12 giờ cho đến 3 giờ trưa có 3 tiếng đồng hồ là giờ Chư Tăng chấp tác như múc nước giếng đổ vào các lu cho đầy, quét dọn những con đường trong chùa kể cả quét dọn giảng đường một lần nữa không phải chờ dơ mới quét vì chánh điện phải được quét sạch, rồi phải đi tìm củi khô trong những khu rừng chặt ra để đó để nhuộm y để giặt y. Sau 3 giờ chấp tác các vị đi rửa tay rồi lên cốc của Ngài Cả để uống nước những thứ nước được cho phép uống buổi chiều rồi đi về cốc để chuẩn bị tu tập nghỉ ngơi, 6 giờ chiều tụng kinh, tụng kinh xong nếu bữa đó không phải là ngày tụng giới thì mọi người về am thất của mình để tu tập.

Như vậy, về công việc một ngày có 2 giờ chấp tác: buổi sáng 30 phút, buổi chiều kéo dài 3 tiếng. Những công việc chấp tác này không phải là công việc tùy thích mà là công việc luân lưu, trọng yếu của các truyền thống tu tập ở các chùa đó là không có cố định một vị chuyên làm một việc mà công việc thay đổi liên tục để không bị dính mắc, thí dụ như bữa nay dọn dẹp chánh điện ngày mai gánh nước ngày mốt kiếm củi có nghĩa là giống như những người lính được phân công, hễ phân chia việc nào thì làm việc đó đơn giản là như vậy. 

2 - Thứ hai là không ưa nói chuyện.

Ở trong chùa Chư Tăng mà tụ họp để tán ngẫu sẽ bị đuổi ra khỏi chùa, đó là một qui tắc và ở trong chùa khi tất cả mọi người chấp tác xong tụ tập tại cốc của Ngài Cả, tầng trên có phòng nhỏ Ngài Cả ở tầng dưới rất rộng tất cả Chư Tăng, sadi, tu nữ, cư sĩ ở chùa tập trung tại đây uống nước thì lúc đó có thể trình bạch hay hỏi đạo, Ngài Cả sẽ chỉ dẫn trả lời, còn bình thường Chư Tăng tụ họp sẽ bị cảnh cáo nếu tái diễn lần thứ hai sẽ bị đuổi ra khỏi chùa. Phải nói rằng khi mới đến chúng tôi chỉ có một cách để nói chuyện  với Chư Tăng đó là thời gian đi khất thực, tại vì từ trong chùa đi vào trong làng đi về khoảng 6, 7 cây số và khi vào trong làng khất thực khoảng chừng 20 phút là đầy bình bát trên đường trở về băng ngang qua cánh đồng ruộng đa phần mình có thể tận dụng thời gian đó để trao đổi một vài việc, nhưng nói chuyện trên đường thì chỉ là nói chuyện chứ không phải là chuyện có thể ngồi tán ngẫu trên đường được, chuyện cần thì nói, đó cũng là cách hạn chế tật ưa nói chuyện, ai có bịnh hay nói vào trong các tu viện dễ dàng trị bịnh.

3. Ưa ngủ nghỉ 

Tại các tu viện chỉ được ngủ từ 10 giờ tối đến 3 giờ sáng có 5 tiếng đó là thời gian trung bình không quá dư không quá thiếu cho các thiền sinh. Thông thường khi mình đến chùa làm việc từ sáng cho đến chiều tối 10 giờ là ngủ không cần thuốc ngủ vì mệt quá và vì thiếu ngủ, ngủ như vậy thành thói quen đến 3 giờ sáng thì kiểng đánh thức dậy và 3:30 thì vân tập lên chánh điện để tụng kinh sáng và ngồi thiền. Tâm của mình, nếu thiếu ngủ tâm khó tập trung nhưng ngủ nhiều quá thì tâm lại muội lược không bén nhạy. Chúng ta để ý ít có vị nào đầu óc tinh tế mà ngủ nhiều, người mình  ngủ nhiều đâm ra lười biếng, khi chúng tôi còn nhỏ ở nhà với ông ngoại và bà thân không hiểu sao ở nhà thường dùng chữ nhớt thây tức là ngủ nhiều quá không biết có nhớt thây không nhưng tâm mình bị muội lược. Một việc trong trường thiền thấy rõ là ngủ nhiều quá thì tâm mình dật dừ chứ không phải ngủ nhiều là hạnh phúc, đừng nghĩ ngủ nhiều là mình khỏe. Quí vị để ý khi mình có thì giờ ngủ nhiều một chút khi thức dậy dật dừ, đó là kinh nghiệm cuộc sống thiếu ngủ thì khó tập trung mà ngủ nhiều thì tâm trở nên muội lược không còn bén nhạy nữa, mà ngủ vừa phải, và thông thường ở các tu viện họ cho ngủ 5 tiếng là không dư và không thiếu.

4. Ưa hội chúng 

Tức là thích đám đông thí dụ như là thích tiệc tùng, thích hội họp với thích có một số người nào đó để la cà những việc không cần thiết, tại các tu viện mình sống chung với Chư Tăng, buổi sáng tụng kinh cùng nhau, buổi tối tụng kinh cùng nhau, buổi sáng dùng cơm giống nhau, những ngày bố tát thì tụng bố tát nhưng không sống theo nhóm không sống theo một đám đông mà thường xuyên để dành nhiều thì giờ sống độc cư. 

5. Các căn phòng hộ

Các căn ở đây chỉ cho mắt tai mũi lưỡi thân ý, chúng ta thích nhìn cái đẹp và thấy đẹp lại ưa nhìn, tai thích nghe tiếng hay. Chưa có thời đại nào có được nhiều phương tiện để thấy để ngắm thậm chí còn ngửi còn nếm còn xúc chạm như là thời đại này, đây là thời đại có rất nhiều dục lạc.

Có nhiều điểm liên quan đến giới luật  nếu một vị biết ứng xử sẽ tránh được, tránh thôi chứ không phải là hoàn toàn, ví dụ như đi vào trong xóm con mắt không nhìn láo liên, nhìn trước mặt mình, nhìn bước đi, và thậm chí trong luật có đưa ra mình đi vào trong làng tầm mắt nhìn bao xa để gọi là tiết chế, và ngay cả khi có thí chủ đến cúng dường mình cũng không nhìn mặt họ. Bây giờ điều đó hơi khó khăn. Trong văn hóa của Á Châu đặc biệt văn hóa ở các quốc gia Phật Giáo rất thích hợp để Chư Tăng thu thúc phòng hộ các căn nhưng tại Mỹ hay tại Âu Châu chẳng hạn mình nói chuyện với người khác mình không nhìn mặt người khác thì bị xem là không có lịch sự  không đàng hoàng. Nhưng thật sự là ngày xưa Chư Tăng cũng có nhiều vị do nhìn vào các vị thí chủ mà sanh ra phiền não. Thật ra đời sống con người ở trong thời gian tu tập sự lôi cuốn giữa nam và nữ là một khía cạnh rất tế nhị, một vài cái nhìn mà không cẩn thận nó có thể làm cho tâm mình thối chuyển. 

Nói chung, đời sống trong tu viện sắc đẹp tiếng hay mùi thơm vị ngon xúc lạc đều phải hạn chế như hạn chế đối với mắt, hạn chế đối với tai, hạn chế đối với mũi, hạn chế đối với lưỡi. Lưỡi tương đối rất khó, ở trong chùa mình không được yêu cầu ăn những thực phẩm mình muốn trừ khi bị bịnh và nguyên tắc là người ta cho gì ăn cái đó.

 Ở trong cách tu của Phật Giáo Bắc Truyền thì tương đối, trong tu viện sắp xếp là phải ăn thức ăn thích hợp do đó khi mình yêu cầu Phật tử nấu cái này cái kia cho mình ăn thì được.

Nhưng thật sự trong nguyên tắc của chư Tăng Phật Giáo Nguyên Thủy người ta cho gì ăn cái đó, khi đi khất thực mình không có lựa chọn và khi mình trở về cũng không có lựa chọn. Và nếu các vị sống nghiêm trì thì cũng không được nghĩ đến ngày mai mình ăn cái gì mà căn bản là người ta cúng gì mình ăn đó không có suy tính trước. Và đồng thời trong ngày giờ ăn chỉ buổi sáng còn buổi chiều chỉ được uống nước đó cũng là cách để thu thúc thiệt căn. 

Nhưng phải nói việc thu thúc các căn là một điểm rất tế nhị, thí dụ chúng ta sống ở những xứ lạnh ngủ trên nệm trên gối để thân thể được giữ ấm thì đó là một chuyện nhưng tại các quốc gia nhiệt đới mình ngủ ở trên sàn gỗ và thường chỉ trải chiếc chiếu thậm chí gối cũng bằng gỗ, ở trong chùa không có gối bằng bông giống như chúng ta sài vì gối bằng bông dễ bị dơ và không có vị nào phụ trách về gối do đó khi cần gối mình lên chánh điện có những cái gối bằng gỗ xếp làm đôi, mở gối gỗ ra kê đầu chúng ta trong đó. Khi chúng tôi mới qua buổi tối lấy khăn tắm xếp lại để lên gối gỗ cho đỡ cứng . Nhưng đại khái là sự xúc chạm của thân không êm ái không thoải mái,

 Nói tóm lại, phòng hộ đối với mắt đối với tai mũi lưỡi thân và các phòng hộ về ý cũng phải thường xuyên coi chừng và 3 vọng niệm lớn là tham sân si. 

Vọng niệm về tham là suy nghĩ ham muốn cái này muốn cái kia, vọng niệm về sân là suy nghĩ bực mình khó chịu tìm lỗi người này người khác và hận tư duy là suy nghĩ về oán thù mình bực bội mình oan trái với người này người kia đó là những vọng niệm thường có trong mình. Canh chừng 6 căn là một nghệ thuật.

 Ăn uống có tiết độ là mình sống một cách tất nhiên với những gì các thí chủ cho mình, và đồng thời ăn uống trong mức độ vừa phải. Nhưng phải nói rằng ngày hôm nay chúng ta bị một căn bịnh của thời đại mà ngày xưa cũng có nhưng ìt đó là bịnh tiểu đường. Bịnh tiểu đường bắt buộc chúng ta ở trong thời gian vài ba tiếng phải ăn không ăn thì bủn rủn tay chân nhưng ngược lại nếu mình biết tu tập thì bịnh tiểu đường cũng là một phương pháp tiết độ ẩm thực tại vì chúng ta sẽ cử bớt những món ăn mình thích, ăn món ăn nhạt nhẽo hơn, ăn món ăn tại vì nhu cầu hơn là vì thoả mãn khẩu vị.

Ở đây, khi nói đến 6 pháp này chúng ta nên nhớ một căn bản tu tập trong Phật giáo là mình tu là do tinh thần tự giác của bản thân chứ không phải mình tu là mình được huấn luyện giống như ở trong quân trường, ở trong quân trường thì có những huấn luyện viên có những sĩ quan theo dõi mình đa phần là sự tu do sự kiểm soát người khác mang tánh cách đại khái.  Ví dụ như mình tụm 5 tụm 3 để nói chuyện ngẫu nếu cẩn thận thì khó ai bắt được nhưng chúng tôi thưa như vầy khi mình vào tu tập mình không tuân thủ theo những điều này thì mình phá hỏng việc tu của mình và phí thì giờ của các vị Thiền Sư. Các vị Thiền Sư thường nhắc nhở những nguyên tắc này nếu chúng ta không tuân giữ thì làm cho sự tu tập của chúng ta không tiến bộ hoặc giả là lui sụp, mình đến sống trong chỗ tu tập mà không có tiến bộ chỉ để ở cho có ở thôi thì thật sự rất uổng phí thời gian, không ở thì tốt hơn, đơn giản như vậy. 

Vì vậy ở đây đòi hỏi sự tự giác rất cao rộng như trường hợp mình tiết độ các căn là chuyện của mình chứ không ai có thể làm cho mình, không ai nhắc sao sư không phòng hộ mắt sao sư không phòng hộ tai, lâu lâu các vị thầy nhắc còn bình thường không ai nhắc chúng ta đó là ở mỗi chúng ta tự giác. Những điều này là bí quyết để tu tập.

 Hàng ngày mình sống an lạc, mình sống mà tăng trưởng thiện pháp, mình sống để đi tới thì điều đó phải đến từ sự quyết tâm của mỗi cá nhân và Đức Phật Ngài dậy công thức là như vậy và chuyện làm như thế nào là do ở chúng ta làm chứ không ai cầm roi hay cầm gậy thúc sau lưng biểu chúng ta làm. Và những điều này không mang tính luân lý đạo đức như ngoài đời người ta nói, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nội tâm tu tập của chúng ta thí dụ như ăn ngon mình cũng có thể ăn ngon nó không có tội gì với ai hết nhưng nếu các căn mình buông thả thì mặt khác của thiện pháp sẽ bị tổn giảm và cái đó tự chúng ta biết. Tương tự như chúng tôi bị tiểu đường mà lại thích ăn ngọt và cứ ăn một cách bừa bãi thì hệ quả tiểu đường là chúng tôi chịu thôi nó không phải là vấn đề đạo đức, đơn giản là như vậy nếu như mình bị tiểu đường, điều đặc biệt của Phật Pháp là mình phải tìm cách để hiểu và để đương đầu với phiền não nội tại của mình nếu mình sống mình không có cách đương đầu với phiền não thì phiền não có trăm muôn ngàn cách để sanh khởi và ngự trị trong lòng mình.

 Trọng yếu của đạo Phật là sống sao cho bớt phiền não, bởi vì nó phiền mà nó não nữa thành ra những phiền não chỉ làm cho tâm bị dơ bợn, phiền não chỉ làm cuộc sống không được an lạc, phiền não chỉ tổn hại đến việc làm thiện pháp của mình, cách sinh hoạt như thế nào đó ở trong đời sống mà khả dĩ cho chúng ta tăng tiến, để chúng ta có thể vươn lên có những tiếng bộ trong cuộc sống. Cái khéo cái nỗ lực cái tiến bộ đó là do ý thức hoàn toàn ở chúng ta. Đôi khi nhiều người không hiểu người ta tưởng sự tu tập có nghĩa là phải có người khác cầm cây roi để răn dạy mình. Thật sự là mình đi vào trong chùa mà gặp vị thiền sư hay gặp một vị thầy chỉ cho mình tu cái đó chỉ là những bước rất sơ bộ những bước rất ban đầu, càng đi đường dài nó đòi hỏi chính chúng ta phải tự làm và mình làm thì mình biết không ai có thể làm việc đó giùm chúng ta hết, cha mẹ và bà con và tất cả những người thân của mình cho dù thương mình cách mấy đi nữa cũng không ai làm cho mình tiến bộ được trừ khi mình tiến bộ, đời sống chúng ta hàng ngày, sự học tập của mình cái vui cái buồn của mình phần lớn là do tự ý thức của mình.

Những pháp này sở dĩ gọi là pháp của bậc hữu học là bởi vì một khi các vị đã chứng đắc được Niết-bàn thì các vị thấy rõ đó là điểm phải đi tới chớ không còn miên mang chưa biết mình đi đâu về đâu. Một người đi mà biết rõ điểm tới biết rõ mục đích của hành trình thì người đó không vì vui mà bỏ cuộc hành trình, không vì giận mà bỏ cuộc hành trình, không vì khó khăn mà bỏ cuộc hành trình cứ tiếp tục đi tới, thì đó là hình ảnh của một vị Thánh hữu học, vị đã thấy Niết-bàn và đã có định hướng rõ ràng trong cuộc sống thì các vị sống thể hiện 6 pháp này đó là:

 - không ưa công việc, 
-  không ưa nói chuyện, 
-  không ưa ngủ nghỉ,
-  không ưa hội chúng, 
-  các căn có phòng hộ
 - và ăn uống có tiết độ.

Chúng ta đừng nhìn những điểm này như lời răn có tánh cách tôn giáo hay tánh cách của đạo đức, nó đơn giản là tại vì những pháp này nó liên hệ trực tiếp đến đời sống nội tâm của chúng ta và đôi khi mình chiêm nghiệm những điều này mình mới hiểu tại sao tâm mình phiền não nhiều hay là phiền não ít ./.