Wednesday, May 18, 2016

Suy Tư và hành động - Kinh Tăng Chi Bộ

Suy Tư và hành động - Kinh Tăng Chi Bộ

Bài học được giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 15-5-2012

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Bài học hôm nay cho chúng ta cái nhìn chung thực và rõ ràng về điều người ta thường tranh luận giữa pháp học và pháp hành. Có người cho rằng học nhiều thì vô ích do đó chỉ nên hành thôi. Ở trên thực tế Đức Phật Ngài không đề cập đến vấn đề học và hành như cách chúng ta nói, Đức Phật Ngài nêu nên hai sức mạnh:

1. Sức mạnh của tư sát (chữ tư sát ở đây là suy tư và quán sát).
2. Và sức mạnh của sự tu tập.

 - Trước nhất là chúng ta nói về sức mạnh của suy tư và quán sát. 

Trong nhiều bài kinh, như kinh Hạnh Phúc Đức Phật Ngài có đề cập đến đa văn hay là đúng thời nghe pháp hay đúng thời đàm luận pháp.

Như vậy, kiến thức đầy đủ cũng tốt miễn là kiến thức đó được chân chánh, do có kiến thức chân chánh chúng ta mới làm đúng, kiến thức chân chánh  có những khả năng hoán chuyển rất lớn trong đời sống của chúng ta. 

Chúng tôi lấy một ví dụ là trong bốn Pháp Niệm Xứ, pháp Niệm Xứ chúng ta biết thuộc pháp hành nhưng có cái gọi là pháp quán niệm xứ. Pháp Quán Niệm Xứ là chúng ta nhìn thân và tâm này, qua thân và tâm đó chúng ta suy niệm về những thể tài của Pháp như 5 Triền Cái hay Tứ Diệu Đế, Thất Giác Chi v.v 

Thì nếu một người muốn suy tư về pháp Quán Niệm Xứ người đó cũng phải có tri kiến có kiến văn của cả hai pháp học và pháp hành chứ không đơn thuần chỉ ngồi nhìn thân tâm là đủ.

Do vậy, biết chính xác của chúng ta là biết về nhân quả, để biết về nhân quả Đức Phật Ngài dạy chúng ta biết quán sát về nhân quả và quán sát về nhân quả là một trong cơ sở của chánh kiến từ những việc làm đơn giản ở trong đời sống hàng ngày. Thí dụ như mình thấy người nào sống bằng tâm sân hận độc ác thì người đó chịu quả khổ. 

Nhưng chúng ta có thể nghiệm lấy như Khổ và Nhân Sanh Khổ hay Sự Diệt Khổ và Con Đường Đưa Đến Sự Diệt Khổ những điều đó cũng mang tánh nhân quả hay mang tính tác động do có cái này nên cái kia sanh khởi. Thì trong lý Thập Nhị Duyên Khởi hay là trong lý Tứ Đế hoặc giả trong lý Nghiệp Báo đều là hệ luận mang tính tư sát. Mang tính tư sát tức là chúng ta quán xét  quan sát và suy tư. Từ sự quan sát và suy tư này chúng ta chợt nhận ra những đầu mối liên hệ với nhau.

Bây giờ chúng ta thử ôn nhắc một bài kinh khác, bài kinh này được Đức Phật Ngài giảng trong Tăng Chi Bộ kinh, trong bài kinh đó Đức Thế Tôn Ngài đặc biệt nói đến sức mạnh của chánh kiến. Chánh kiến tức là thấy biết chân chánh hay thấy biết đúng đắn. Dĩ nhiên, sự thấy biết này đến từ sự tư sát mà ra, nó đến từ sự quán sát suy tư mà ra. Đức Phật Ngài cho biết có rất nhiều trường hợp có chánh kiến những pháp thiện chưa sanh được sanh những pháp thiện đã sanh rồi được tăng trưởng, và những ác pháp chưa sanh không sanh và những ác pháp đã sanh rồi thì bị tàn lụn hay đoạn diệt đi. Nhưng cũng trong bài kinh đó Đức Thế Tôn Ngài dạy những đoạn rất thú vị, thí dụ Ngài dạy chúng sanh có chánh kiến sau khi thân hoại mệnh chung thì sanh về cõi an lạc, và chúng sanh có tà kiến sau khi thân hoại mệnh chung sanh vào cõi khổ. Do hiểu sai chấp sai chúng sanh sanh vào đọa xứ và do hiểu đúng thấy đúng chúng sanh sanh vào cõi an lạc.

Đức Phật Ngài đưa ra hai trường hợp chúng ta cũng tìm thấy trong bài kinh đó là Đức Phật dạy người nào có chánh kiến thì nhìn vấn đề một cách khéo nhìn - yonisomanasikāra -  khéo tác ý hay như lý tác ý hay khéo suy tư. Người nào có tà kiến thì người đó rơi vào tình trạng không khéo suy tư không khéo tác ý nhìn mọi vấn đề thiển cận hơn. Nếu chúng ta nhìn vấn đề như lý tác ý thì chúng ta không rơi vào trong trường hợp nhìn vấn đề một cách tiêu cực quá hay là nhìn vấn đề với ác tâm ác ý về những người khác hay là chúng ta nhìn vấn đề một cách không thiện xảo khiến mình phải buồn phiền. Rồi nếu chúng ta có được như ý tác ý thì chúng ta nhìn vấn đề một cách tích cực hơn. Thì như vậy ở đây chúng ta thấy một khía cạnh khác là năng lực của sự quán sát.

Cũng trong bài kinh đó Đức Phật Ngài nói là: "phàm có tư tâm sở hay có chủ tâm tạo tác nào, có ướt nguyện nào, có pháp hành nào mà đi với chánh kiến thì đều dẫn đến an lạc. Nếu một người có cái nhìn đúng thấy đúng thì cái ướt nguyện mà người đó có cái hành động mà người đó có đều được hướng theo hết tại vì nó ảnh hưởng bởi chánh kiến." 

Chúng ta chỉ trích một đoạn như vậy từ đoạn đó thì chúng ta thấy được sức mạnh của suy tư và quán sát có ảnh hưởng lớn đến đời sống của chúng ta. Về điểm này rất nhiều người không coi quan trọng lắm, ví dụ như khi họ muốn hành thiền hay họ muốn tu tập một pháp gì cao siêu hay  muốn thay đổi đời sống của họ thì họ chỉ muốn có ai đó cho công thức nhỏ và từ công thức nhỏ đó họ có thể có những thành tựu lớn nhưng họ lại coi thường giá trị của chánh kiến giá trị của sự tinh sát. Nói một cách khác là họ lười suy nghĩ họ lười tìm hiểu và do lười suy nghĩ lười tìm hiểu này cuộc sống có nhiều trì trệ nhất định. 

Chúng tôi có một vài dịp được sống và được tiếp xúc với những vị hoan hỉ ở trong Phật Pháp, họ hoan hỉ với cái gì họ đang làm. Cái chung chung mà chúng tôi nhận thấy nhất là những vị xuất gia sống trong chùa những vị đó đều có một khả năng chung đó là khả năng tư sát, khả năng quán sát và suy tư. Khả năng quan sát và suy tư một cách thiện xảo một cách đúng thì nó làm cho con người tốt hơn.

Trong tất cả mọi trường hợp tính hời hợt phần lớn tạo nên cái nhìn sai và phiến diện. Người ta nói rằng con người sống ở thế kỷ này chúng ta quá bận rộn do quá bận rộn chúng ta ít có thì giờ để sống và sống có chiều sâu thường là chúng ta sống hời hợt. Trong sự hời hợt chúng ta suy nghĩ vội vàng kết luận vội vàng và chúng ta dễ tạo ra những lầm lẫn từ sự vội vàng đó. Nghe lầm ắt nói lại lầm, một thông tin chúng ta ghi nhận được chúng ta cũng không có thì giờ để phân tích cặn kẽ để tìm hiểu xem nó có chính xác nó có tốt hay xấu, con người mà sống hời hợt quá không chịu suy tư và quán sát thì rất dễ rơi vào trong những trường hợp tự mình biến mình thành nạn nhân của những tin đồn của những lời đàm tiếu. Đôi khi chúng ta không đủ kiên nhẫn để lắng nghe người khác, con người mà thiếu sự suy tư và quán sát đôi khi chúng ta sống giống như sống ở trong một văn phòng chúng ta không có thì giờ để đào sâu để thẩm thấu. Bởi vì sao vậy? Bởi vì cuộc sống hời hợt quá. 

Đức Phật dạy về chữ tư sát ở đây chúng ta nên hiểu ở trong rất nhiều góc cạnh như hồi nãy chúng tôi có nhắc một đoạn trong Tăng Chi Bộ kinh Đức Phật Ngài nêu lên 6 điểm và chúng ta phải nhìn đặt lại giá trị của sự tư sát, bởi vì Đức Phật Ngài nói do có chánh kiến người đó có như lý tác ý, không có chánh kiến người đó không có như lý tác ý, do có chánh kiến thì phần lớn những tư tâm sở tức là chủ tâm tạo tác cái ước muốn v.v của chúng ta  đều đi theo cái nhìn đúng đó, do có chánh kiến khi thân hoại mệnh chung chúng sanh sanh vào cõi an lạc bởi vì thấy đúng thọ trì đúng.

Bài kinh này riêng đoạn đầu đã cho chúng ta thấy giá trị của  pháp học, đó là khả năng suy tư miễn là sự suy tư đó dựa trên lý nhân quả. Đức Phật Ngài giảng pháp Ngài nêu rất rõ, Ngài cho chúng ta biết giữa thân hành, khẩu hành, và ý hành của mình nhân quả đời này và đời sau người này đạt đến sự tư sát một cách chân chánh một cách hiền thiện.

Bây giờ chúng ta nói sang một khía cạnh khác sau đó chúng ta trở lại toàn bộ đề tài này.

- 2. sức mạnh của sự tu tập 

Sức mạnh của sự tu tập, một người bình thường có thể nói "mình chịu khó đọc kinh sách nghe pháp như vậy mình cũng tu rồi mình đâu cần tu gì khác" Nhưng sự tu tập ở đây Đức Phật Ngài đề cập đến khả năng tôi luyện. Khả năng tôi luyện khác hơn là chúng ta hiểu bình thường ở trong đời sống. Để nói về khả năng tôi luyện này chúng tôi cũng nói đến 5 pháp triền cái hay là 5 pháp ngăn ngại trong đời sống chúng ta, từ 5 pháp triền cái này chúng ta sẽ hiểu được một phần giá trị của sự tu tập. Theo Đức Phật thì tâm của chúng sinh đặc biệt ở trong dục giới có 5 pháp làm cho chúng ta thường bị xáo trộn bị phiền não:

 1. Tham dục: Tham dục là cấu uế của tâm làm mất đi khả năng tỉnh táo của mình, chúng ta đuổi bắt những gì mà mình thích, 

2. Sân hận: Sân hận là sự bực bội khó chịu và căng thẳng, điều hơn nữa là sự bực bội khó chịu đó tồn đọng tiếp tục ở trong lòng của chúng ta tạo cho chúng ta trạng thái nóng nảy bực bội không được an lạc. 

3. Hôn trầm thụy miên: Hôn trầm thụy miên hay hôn thụy hôn trầm là trạng thái dã dượi buồn ngủ uể oải làm chúng ta mất đi sự phấn chấn mất đi khả năng tỉnh táo bén nhạy với hoàn cảnh.

4. Hoài nghi: Hoài nghi là trạng thái lưỡng lự phân vân. Sự lưỡng lự phân vân là tại vì một phần do thói quen, một phần do chúng ta không biết được vấn đề chúng ta thiếu sự quyết định một cách nhanh chóng. Thì sự lưỡng lự phân vân làm cho chúng ta ngần ngừ chập chờn không làm được quyết định gì hết. Chúng tôi lấy ví dụ, trường hợp một người lái xe tới ngã rẽ nhưng  không làm quyết định rẽ bên này hay bên kia, ở bên Mỹ tại những ngã rẽ họ thường để mấy thùng phi bên trong đựng nước khi nào người ta lỡ đụng vào thì thùng nước bị vỡ ra nó giảm đi độ công phá do sức mạnh đụng và người ta vẫn đụng rất là thường tại vì người ta không biết là chạy bên này hay chạy bên kia rốt cuộc không chạy đi đâu mà đụng vào giữa. Thí dụ này chúng ta cũng hiểu được một phần của sự lưỡng lự phân vân.

5. Sau cùng trạng thái giao động gọi là trạo hối hay phóng dật, sự giao động  là tâm tư yếu tán loạn.
Thì 5 pháp là; tham dục, sân hận, hôn trầm, hoài nghi, phóng dật là 5 pháp ngăn ngại. Khi chúng ta nhìn vào 5 pháp này chúng ta sẽ thấy được tại sao tâm tư của chúng ta thường không an lạc, bởi vì sanh làm người làm chúng sanh ở cõi dục giới nhất là chúng sanh không có đoạn tận phiền não, thì 5 pháp này luôn luôn quấy nhiễu và tạo cho chúng ta những sự nhiệt não ở trong lòng. Để đối trị 5 pháp này không đơn giản chỉ suy tư hay chỉ học hay nghiên cứu mà chúng ta có thể đoạn tận 5 pháp này. 

Bởi vì ở đây Đức Phật Ngài cũng giảng rất rõ tường tận, lấy ví dụ như hành giả ngồi niệm hơi thở hay hành giả tu tập một đề tài nào đó thì trong sự tu tập đó hành giả phát triển 5 chi phần trong kinh gọi là Tầm, Tứ, Hỉ, Lạc và Định.

 - Tầm là khả năng hướng tâm. Chúng tôi lấy ví dụ là mình quen cái gì thì mình dễ hướng tâm đến cái đó, nếu quí Phật tử chưa quen với paltalk buổi sáng vào  thấy mình bị chi phối bị lấn cấn nhiều thứ rồi mình mới từ từ mới vào trong paltalk được, còn một người ngày nào cũng vào quen paltalk chúng tôi lấy trường hợp như bản thân của chúng tôi và các vị giảng sư hay các vị trong ban điều hành nếu máy computer đã mở sẵn thì chỉ cần nửa phút là có thể vào trong room một cách dễ dàng và rất dễ dàng để tập trung vì công chuyện đã quen thuộc với chúng ta. Thì nói cách khác, nếu chúng ta thực hành cái gì lâu ngày bền bỉ chúng ta rất dễ hướng tâm đến, một hành giả hành thiền về hơi thở lâu ngày quen  để ý như hành giả vừa ngồi xuống là có thể tập trung vào hơi thở ngay, trong khi một người không quen họ phải mất thời gian dài chừng vài phút mới bắt đầu hướng tâm đến hơi thở được và khả năng trở về với hơi thở, khả năng hướng đến hơi thở, khả năng hướng đến đề mục và hướng một cách nhanh chóng chúng ta gọi là tầm. 

- Tứ là khả năng áp sát dán sát vào đối tượng. Có khi mình có khả năng hướng đến tức là mình muốn nghĩ về hơi thở thì mình nghĩ vào hơi thở hay là mình muốn tập trú vào cái gì thì mình tập trú được liền nhưng mình không có khả năng bám sát, trong kinh thí dụ Tầm giống như con ong bay hướng về cái hoa nhưng mà Tứ là khả năng con ong bay chung quanh cái hoa để quan sát, Tứ ở đây là khả năng cột tâm hay quán sát hay hướng tâm để hoà quyện hay bám sát đối tượng tức là Tứ.

- Hỉ là trạng thái hân hoan, hỉ này là hỉ của định lực không phải hỉ bình thường. Trong kinh lấy ví dụ hỉ giống như một người khát nước mà thấy được ly nước.

- Lạc trạng thái Lạc ở đây được hiểu như một sự hưởng cảnh hay thật sự là an lạc do sự hân hoan do sự tu tập mang lại. Thật ra lạc và hỉ đến từ khả năng do cách ly những  phiền não. Chúng tôi lấy ví dụ, nếu chúng ta thường bị chi phối bởi tham dục hôn trầm thụy miên thì chúng ta không có được trạng thái nhẹ nhàng hân hoan như pháp hỉ và an lạc chúng ta nói ở đây. 

- Định là khả năng tập trung nó chịu trách nhiệm cho độ bền nghĩa là con người tâm của chúng ta thường buông cái này bắt cái kia gìống như con khỉ truyền cành, nhưng định là khả năng chúng ta có thể tập trú một cách bền bỉ liên tục từ chập tư tưởng này qua chập tư tưởng khác cùng một đối tượng chúng ta gọi là định.

Thì 5 chi phần này đối trị 5 triền cái:

 - Ví dụ Tầm là khả năng hướng tâm thì đối trị được hôn trầm.

- Tứ, khả năng chi thiền tứ thì đối trị hoài nghi là sự bám sát lấy đối tượng cho nên nó diệt trừ được. 

- Hỉ sự hân hoan thì đối trị sân. 

- Lạc là sự hưởng cảnh thì đối trị trạng thái giao động.

 - Định hay là giác tâm thì đối trị tham dục. Tham dục khiến chúng ta chạy đuổi bắt cái này phan viên cái kia nhưng mà riêng về định thì nó khiến chúng ta ở yên một chỗ, an trụ một chỗ. 

Những chi phần này không phải chúng tôi đưa ra ở tại đây làm cho qúi vị thấy khác về giá trị của sự tu tập. Sự tu tập ở đây tức là khả năng có thể giảm thiểu, có thể bào mòn, có thể đoạn diệt những phiền não. Và phiền não được liệt kê ở tại đây rất căn bản,. Như chúng ta nói tham dục, sân hận, hôn trầm, hoài nghi, phóng dật là những pháp ngăn ngại nhiều thứ trong đời sống và chỉ có việc phát triển những chi thiền Tầm, Tứ, Hỉ, Lạc, Định mới đối trị được 5 phiền não này.

 Khi chúng ta nhìn vào 5 chi thiền Tầm, Tứ, Hỉ, Lạc, Định chúng ta hiểu là những pháp này cần được tu tập mới có được chứ không đơn giản là sự suy tư  sự quan sát mà thôi. 

Sự tu tập ở đây cái là gì đó đi ngược lại với thói quen của mình. Thói quen của mình là bình thường mình hay tìm cái này, mình thích tìm cái kia, bây giờ mình không còn đi tìm cái mình thích mà mình ngồi xuống tập nhìn vào hơi thở tập nhìn vào cảm thọ của mình, mình sống ngược lại. Hay  thói quen của mình thông thường mình hướng ngoại ,mình thích vô internet, mình thích đọc báo, thích nghe radio, thích nói chuyện phiếm bây giờ mình ngồi xuống tập trung vào hơi thở của mình. Hoặc giả thông thường tâm của chúng ta có thói quen là phản ứng bây giờ mình tu tập rồi mình sống ngược lại thói quen thay vì mình phản ứng mình chỉ lẳng lặng nhìn nó và sau đó trở về lại với hơi thở. 

Thì sự tu tập này là sức mạnh thứ hai có tánh cách làm chúng ta thay đổi đời sống nội tại của mình.

Trong bài kinh Phước Nghiệp Sự  về ba pháp căn bản làm phước là bố thí, trì giới, tu tiến thiền định. Thì pháp thứ ba nên đưọc hiểu là những pháp hành giúp chúng ta tăng trưởng các chi thiền và giảm thiểu các triền cái, chúng ta gọi là sự tu tập. Và muốn giảm thiểu những pháp triền cái này đòi hỏi sự tôi luyện chứ không có đơn thuần suy tư mà được. Chúng tôi lấy 2 thí dụ mình nhìn rất rõ đó là định và niệm. Định tức là khả năng tập trung, tập trung liên tục bền bỉ trên một đối tượng chúng ta gọi là định. Niệm ở đây là khả năng quán sát cho pháp đó rõ ràng.

Bài kinh này chỉ nói có hai đoạn là sức mạnh của tư sát tức là sự suy tư và quán sát và sức mạnh thứ hai là sức mạnh của sự tu tập. Chúng tôi muốn dùng cơ sở của 2 bài kinh, một bài kinh hồi nãy chúng tôi nói trong Tăng Chi Bộ kinh là Đức Phật Ngài nói do chánh kiến nên chi những thiện pháp chưa sanh được sanh những thiện pháp đã sanh thì được tăng trưởng, ác pháp nào chưa sanh không sanh những ác pháp đã sanh bị đoạn diệt. Tức là chánh kiến hổ trợ cho chánh tinh tấn. Nhưng mà rồi Đức Phật Ngài đi xa hơn cũng trong bài kinh đó Đức Phật Ngài dạy do có chánh kiến nên một chúng sanh có tư tâm sở hay có chủ trương tạo tác hay có ướt nguyện thì tư tâm sở đó ướt nguyện đó đều là hiền thiện hết. Do có chánh kiến sau khi thân hoại mạng chung tâm thái của chúng ta nhờ có chánh kiến nó sẽ hướng đến cõi an lạc, do đó chúng ta sanh vào cõi an lạc, tuy nhiên đó là sức mạnh của tư sát. Sức mạnh của tư sát là mang lại chánh kiến mang cái hiểu rõ nhân quả. 

Nhưng với đoạn thứ hai Đức Phật Ngài dạy sức mạnh của sự tu tập thì chúng ta nghiệm cho kỹ về 5 triền cái và sự đối trị 5 triền cái:

 Tứ đối trị hoài nghi
Hỉ thì đối trị sân hận
Lạc thì đối trị trạo hối
Và nhất tâm (Định) thì đối trị tham dục.

Những pháp Tầm, Tứ, Hỉ, Lạc, Định này do sự suy tư mà ra và nó cần sự tôi luyện, càng tu tập chúng ta càng có được 5 pháp này. Ví dụ như Phật tử hàng ngày có thể ngồi thiền  trong một giờ hay trong những khoá thiền hành giả sẽ thấy  5 pháp này dần dà sẽ trở thành một cơ sở của sự tu tập, khả năng hướng tâm, khả năng áp chặt tâm trên đề mục, khả năng hân hoan, khả năng thẩm thấu an lạc, và khả năng tập trú thì 5 khả năng là Tầm Tứ Hỉ Lạc Định có thể giúp cho chúng ta giảm thiểu từ từ hoặc giả là bào mòn đi 5 triền cái mà chúng tôi vừa kể. 

Thì ở đây, chúng ta nhìn thấy 2 sức mạnh tuy khác nhau nhưng lại bổ xung cho nhau và cũng có thể bình thường chúng ta chỉ thấy một sức mạnh chúng ta nghĩ là đủ nhất là sức mạnh của sự thấy biết trên quan sát của suy tư.

Ở trong một bài giảng khác Đức Phật Ngài cũng dạy 3 loại trí: Trí do nghe do học là trí văn, do suy tư gọi là trí tư,  trí tu là do tu tập. Hai loại trí đầu  có thể nằm ở trong sự quán sát và trí tu nằm ở trong sự hành thiền. 

Vì vậy, Đạo Phật nói đến pháp học và pháp hành, cái sức mạnh lớn là sức mạnh của tư sát sức mạnh của sự tu tập. Biết suy tư là một nghệ thuật sống, nói đến đoạn này chúng tôi nhớ Hermann Hesse một văn hào đã dựng lên tác phẩm rất nổi tiếng là Siddhartha được dịch là câu chuyện giòng sông, ở trong đó có đề cập đến một trong khả năng của vị Samon mà Tất Đạt từng kể cho Kiều Lan nghe đó là khả năng nhịn đói và khả năng suy tư, suy tư ở đây không phải là miên man mà suy tư ở đây là khả năng quán sát.

 Và trong Kinh Đại Bát Niết Bàn của Trung Bộ Kinh, Đức Phật Ngài nói là "do không biết Tứ Diệu Đế mà Như Lai và các con đã luân hồi từ vô lượng kiếp" thì một cách nhẹ nhàng chúng ta dễ dàng nhận thấy con người của chúng ta đã có quá nhiều tiền kiếp để lại những thói quen và những thói quen nhất định những thói quen đó khiến cho chúng ta tiếp tục trôi lăn trong khổ ải. Và sự tu tập là sống ngược lại với thói quen, tập quán, hay phong tục. Cái thói quen coi vậy nó không dễ sợ bằng cái thói quen của thường thân y duyên, thói quen của bản thân.

Thì bài kinh này nhắc chúng ta 2 sức mạnh; sức mạnh của tư sát và sức mạnh của sự tu tập. Một người hiểu giá trị của hai sức mạnh này thì biết sự khai dụng sức mạnh này đúng thời đúng lúc, biết như vậy sẽ giúp chúng ta rất  nhiều trong đời sống.

Để kết thúc buổi giảng bài kinh này chúng ta có thể nói như vầy là, riêng với một người tu tập thì pháp học cũng quan trọng và pháp hành cũng quan trọng, khả năng tư sát quan trọng và nỗ lực tu tập cũng ảnh hưởng lớn đến con người của mình. Rất nhiều trường hợp chúng ta chuyển hóa nội tâm chúng ta thay đổi nhờ chánh kiến, nhờ sự hiểu biết chân chánh, nhờ sự tư sát nhưng cũng phải nhấn mạnh thêm một điểm là hầu hết tất cả chúng ta đều cần đến sự tu tập phát triển những chi thiền như là Tầm, Tứ, Hỉ, Lạc, Định để làm giảm thiểu sự chi phối của 5 triền cái. Được như vậy chúng ta an lạc, được như vậy thì chúng ta tăng tiến, và được như vậy thì chúng ta sẽ nhận ra cái giá trị thật sự của giáo pháp. 

Nếu chúng ta chỉ nhận thấy sức mạnh của tư sát thì chúng ta quá nặng về pháp học chúng ta quá nặng sự suy tư,  nhưng chúng ta không có đủ điều kiện phát triển định và niệm, nhờ vào sự hiểu biết giá trị của sự tu tập và áp dụng sự tu tập do đó chúng ta có khả năng tăng trưởng Định và Niệm. Nói ngôn từ  thì nó xa xôi lắm nếu chúng ta có hành thiền thì một vị thiền sinh ngay trong sơ cơ cũng đã cảm nhận điều là chúng ta tu tập bởi vì chúng ta thiếu hai chất liệu quan trọng là Định và Niệm, Định tức là khả năng tập trung, Niệm tức là khả năng ghi nhận quán sát hay là chánh niệm đối với việc gì đang xảy ra một cách rõ ràng một cách liên tục một cách bền bỉ. Thì hai cái Định Niệm này không đơn giản do sự suy tư mà ra được, cả hai cái Định Niệm này nó phải do sự tu tập mà ra, thì chúng ta thấy cái lợi thế của cả hai sức mạnh này và từ đó chúng ta phát triển đúng mức ./. 

Tuesday, May 10, 2016

Như thế nào để không cảm thấy cô đơn khi thiếu vắng tình thương

Câu hỏi: Một người từ thuở nhỏ cho đến lớn không có được tình thương của cha mẹ vì không sống gần cha mẹ đời sống như vậy rất lẻ loi cô đơn thì làm thế nào để tâm hồn được an lạc khi cảm thấy cô đơn và lẻ loi ?

Câu hỏi được giảng trong lớp Diệu Pháp thời giảng kinh Pháp Cú 2003 kệ ngôn 110 , Minh Hạnh chuyển biên 

TT Giác Đẳng: Thật ra đời sống cảm xúc đối với một số chúng ta nó là một nỗi ám ảnh rất dễ sợ. Nhưng thật ra chỉ cần có một số thái độ tích cực thì chúng ta sẽ giảm bớt đi cảm giác đó rất nhiều, nó có thể thay đổi. 

Có thể nói rằng đó là trường hợp rất tự nhiên khi tuổi thơ của chúng ta thiếu vắng tình thương, sự chăm sóc và sự quan tâm của người lớn. Dĩ nhiên, tùy vào cá tánh của mỗi người, nhưng một trong những đề nghị thường có hiệu quả nhất đó là sự tích cực trong đời sống hàng ngày của chúng ta trong việc an ủi cứu giúp cho kẻ khác. 

Không có điều gì hữu hiệu cho chúng ta bằng khi chúng ta cô đơn thì chúng ta hãy giúp những người khác bớt đi nỗi cô đơn của họ, khi chúng ta cảm thấy lẻ loi thì chúng ta hãy mang sự ấm cúng cho người khác.

Có một cái gì rất kỳ lạ ở trong đời sống của chúng ta là chúng ta thường có khuynh hướng để giải quyết những vấn đề của mình nhưng càng lúng túng vấn đề của mình thì chúng ta càng tập trung vấn đề của mình thì chúng ta lại không giải quyết được nhiều thay vào đó chúng ta đi giải quyết vấn đề cho người khác, thấy như vậy vấn đề của chúng ta tự lành lặn đặc biệt là trên phương diện cảm xúc. 

Chúng tôi biết có rất nhiều người vượt qua những trở lực tinh thần của họ, lấy ví dụ như là họ có làm một việc gì đó mà họ hết sức hối hận bứt rức. Chẳng hạn lúc cha mẹ còn sinh tiền họ không chăm sóc cha mẹ được tốt và thay vì chỉ ngồi đó để hối hận thì họ bắt tay vào để giúp đỡ cho những người khác làm thế nào để có thể sống một đời sống xứng đáng hơn có hiếu hạnh hơn. 

Về điểm này chúng tôi nhận thấy họ vượt qua sự hối hận của họ rất hữu hiệu là bởi vì họ đã có thể giải quyết vấn đề mà không bị ám ảnh của chủ thể ám ảnh chủ quan của đời sống. 

Khi chúng ta giúp đỡ người khác để giảm bớt nỗi cô đơn hay giảm bớt sự đau khổ thì chúng ta được khách quan cái nhìn sáng suốt cái nhìn tỉnh táo và trong cái nhìn này nó sẽ tự nó giúp chúng ta chuyển hóa được xúc cảm nội tại. 

Hầu như Đạo Phật nói nhiều về tinh thần đại bi, nói nhiều về sự phục vụ cho tha nhân nhưng chúng ta đừng quên rằng phục cho tha nhân nó không phải là lý tưởng đơn thuần mà phục vụ tha nhân nó còn có khả năng chuyển hóa đời sống nội tại của mình nữa. 

Rất là nhiều việc trong đời sống hàng ngày chúng ta càng cố gắng để nghĩ đến nó thì nó càng sa lầy nó càng trì trệ, thay vào đó chúng ta hãy tạm quên đi cái chuyện "là tôi" "của tôi" "vì tôi" mà chúng ta hãy bắt đầu làm việc gì đó cho người khác và vì người khác. 

Thì những điểm này sẽ có kết quả rất tốt. Nhưng đó là một đề nghị ,chúng tôi mong rằng đề nghị có thể giúp cho qúi đạo hữu được