Thursday, March 7, 2019

Kinh Potthapàda Phần I - [bản ngã và linh hồn] - TT Giác Đẳng

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
9. Kinh Potthapàda 
Phần I - [bản ngã và linh hồn]

TT Giác Đẳng giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, phần 1, ngày 21-8-2019.

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Bài kinh Potthapàda đặc biệt lợi ích cho chúng ta khi nói về một đề tài gây nhiều tranh luận, nhất là những người học Phật Pháp đôi khi cảm thấy khó hiễu nhưng nếu chúng ta hiểu bài kinh này thì dễ dàng hiểu đề tài liên quan đến bản ngãlinh hồn.

Nhiều lần, một số Phật tử đặt ra câu hỏi về vô ngã hay không có linh hồn, và Phật tử rất là khó chịu bởi vì đa số Phật tử, nhất là Phật tử Việt Nam ảnh hưởng truyền thống Bắc Tông thì chữ linh hồn được xem như một cái gì đó rất tự nhiên là con người có hai phần; phần hồn và phần xác.

Nói chung, ở một mức độ nào đó Phật Giáo Đại Thừa và Phật Giáo Nguyên Thủy đồng ý với nhau về tánh không hay tánh giả hợp của thân và tâm.  Nhưng trong hình thức của Phật giáo dân gian trong đó ảnh hưởng của Lão Giáo thì câu chuyện về linh hồn người Phật tử Việt Nam thường hiểu thì nhận thức quan niệm gần với Bà La Môn giáo hơn là Phật Giáo, đây là điều phải nhìn nhận. Và có lẽ một trong những tác phẩm đầu tiên gây ra chấn động nhiều cho Phật Giáo Việt Nam đó là cuốn Đức Phật và Phật Pháp của Ngài Narada Maha Thera, trong đó Phật Giáo không có nói về một linh hồn hay không nói về cái ngã thường tại. Không nói về ngã thì có nhiều người cố gắng hiểu nhưng nói về không có linh hồn mình nghe nó kỳ, nhất là người đời thì lo về phần thể xác, đạo thì lo về phần linh hồn. 

Về chữ linh hồn (tâm hồn), chúng tôi thỉnh thoảng cũng có nói một vài chữ liên quan đến điểm này. Sư Trưởng là người học về A Tỳ Đàm và nghiêm túc về Phật học Sư Trưởng không muốn dùng chữ tâm hồn. Nhưng trong ý nghĩa nói về một người có tâm hiền thiện người đời dùng từ "Tâm hồn cao thượng" thì nhắc đến một ý nghĩa khác.

Đại để, chúng ta nên hiểu phần đông quan niệm cái ngã thật sự của mình không nằm ở thân mà nằm ở tâm, tâm ở đây là "danh" theo Phật học, người đời nói là linh hồn, con người gồm hai phần là linh hồn và thể xác.

Trước nhất, quan niệm về linh hồn lại đi với quan niệm về chân ngã hay về bản ngã, bản ngã nằm ở linh hồn nói theo kinh Phật đặc biệt là Vi Diệu Pháp là "thọ là ta, ta là thọ, trong thọ có ta, trong ta có thọ, tưởng là ta, ta là tưởng, trong tưởng có ta, trong ta có tưởng, hành và thức cũng vậy". Điều đó xem linh hồn là bản ngã.

Chúng ta cũng thường quan niệm thể xác thì thay đổi như nay mạnh mai đau, lúc đói lúc no, lúc lạnh lúc nóng, lúc trẻ lúc già thấy rõ ràng. Nhưng nhiều người quan niệm về linh hồn thì thường hằng bất biến, đó là hằng tưởng không thay đổi và chính vì hằng tưởng như vậy mới thật sự là ta, mới thật sự là chân ngã, đó là một quan niệm. 

Về sau này người ta có quan niệm tương đối tinh tế hơn, họ quan niệm nội tâm có hai phần; một phần là mộng thức một phần là chân tâm. Mộng thức là tạp niệm là phiền não, giống như nhiều bụi bao che chung quanh viên ngọc, viên ngọc được ví dụ là chân tâm, phiền não bao quanh gọi là mộng thức.
 Thì sự hiện diện một lúc có cả chân tâm và mộng thức giống như viên ngọc bị bao phủ, mang tánh cách quan niệm thường thức của cái nhìn bình thường, nhất là Phật Giáo Trung Hoa hay Phật Giáo Đại Thừa. Còn trong kinh tạng thì không nói sự tồn tại cùng lúc cả hai chân tâm, một lần tâm sinh diệt chỉ có một sát na, trong cái vòng sinh diệt thì mỗi lần từng sát na sanh và diệt và không thể nói là có ở trong đó cái gì gọi là chân tâm mặc dầu ở trong A Tỳ Đàm có đề cập đến ý tưởng đó, có một thứ gọi là tâm một thứ là thuộc tánh của tâm hay tâm vương và tâm sở. Tâm vương và tâm sở là hai ý niệm hoàn toàn khác với khái niệm về chân tâm và mộng thức. Chúng ta cần hiểu như vậy để chúng ta có khái niệm về bài kinh này và đây là bài kinh rất lợi lạc để mình tìm hiểu về quan niệm bản ngã và linh hồn.

Duyên khởi của bài kinh

Một buổi sáng, ở chùa Kỳ Viên, Đức Thế Tôn Ngài đi khất thực, một sinh hoạt bình thường ở trong đời sống của Ngài, có khi Ngài đi một mình, có khi Ngài đi với người thị giả, có khi Ngài đi với Chư Tăng, có khi Ngài đến nhà Phật tử để trai tăng. Hôm đó, Ngài thấy còn sớm nên Ngài đi đến khu vườn Ekasàlaka khu vườn nghỉ mát của Hoàng Hậu Malika là Phật tử và là Hoàng Hậu của vua Ba Tư Nặc. Theo lời thuật lại của Tôn Giả Ananda, lúc bấy giờ tại khu vườn có một số vị du sĩ ngoại đạo ở trong đó có du sĩ Potthapàda là một vị du sĩ ngoại giáo tương đối có kiến thức uyên bác và đồng thời người tánh nhũn nhặn không cao ngạo và là một người có trí ở trong sự đàm luận bằng trí tuệ. Như thường lệ các vị tu sĩ ngoại đạo thấy Đức Phật từ xa đến họ nói với nhau nên giữ sự yên lặng thanh tịnh, họ nói 

- "Samôn Cồ Đàm không tán thán sự tranh luận chỉ tán thán sự thanh tịnh thôi". 

Ở đây có hai nghĩa:

1. Một là họ có sự tôn trọng Đức Phật, thời đó Đức Phật là bậc Đạo Sư lớn và cũng có sự tôn trọng phần nào.

2.  Điều thứ hai là họ không muốn Đức Phật đánh giá thấp họ do đó khi thấy Đức Phật đến họ nhắc nhở nhau nói nhỏ lại. 

Khi đến Đức Phật Ngài hỏi các vị đang bàn cái gì thì thật sự trước khi Đức Phật đến những đề tài họ bàn là phù phiếm, là phiếm luận. Du sĩ Potthapàda thưa:

- Bạch Đức Thế Tôn xin Đức Thế Tôn đừng để ý đến những gì họ đang bàn và xin Ngài hoan hỉ trả lời cho một câu hỏi. "

Câu hỏi là:

-  "Tăng thượng tưởng diệt như thế nào, sanh như thế nào, nó có nhân có duyên hay là tự nó? 

Trong câu hỏi vị này dùng chữ  abhisaññā trong bài kinh dịch là tăng thượng tưởng, chữ abhisaññā này người Balamôn giáo dùng giống như chúng tôi dùng chữ chân tâm để đối với vọng thức, chân tâm là một thực thể thật sự con người còn vọng thức là những tạp tưởng ở bên ngoài.

Ở đây, chữ saññā  theo trong Phật học có nhiều ý nghĩa. Saññā ở đây không nên hiểu đơn thuần là nhớ là tưởng, mà saññā là sự nhận thức hiện tại do kinh nghiệm của quá khứ. Ví dụ như qúi vị đang ngồi ở trước máy theo dõi Chư Tăng giảng Phật Pháp trong paltalk, những giòng chữ qúi vị đọc được trên màn hình và những ý tưởng qúi vị đang nghe Chư Tăng giảng tất cả điều đó không đơn thuần là chỉ nghe và chỉ suy nghĩ mà nó dựa trên kinh nghiệm quá khứ, không có kinh nghiệm quá khứ chúng ta không nhận được mặt chữ a, b, c, không nhận dạng ráp lại thành từng chữ do các mẫu tự và cũng không có nhận diện chữ ở trong câu và một người hoàn toàn không biết gì thì họ hoàn toàn không đọc được. Dĩ nhiên, dòng chữ mình đọc được là mình nhận biết được, cái biết đó là do mình đã từng trải từng biết. HT Nhất Hạnh khi còn nghiên cứu về duy thức có viết một cuốn sách lấy bút hiệu Thạc Đức trước năm 1975, "vấn đề nhận thức qua duy thức học"  HT dùng chữ nhận thức để nói về chữ saññā là tưởng hay tưởng tri. 

Hồi nhỏ chúng ta đi học làm luận văn thường dùng chữ tri giác là biết, là cảm được, là nhận thức được là do kinh nghiệm từng trải.

Trong bài kinh, du sĩ ngoại đạo Potthapàda nêu lên vấn đề là abhisaññā thượng tưởng nghĩa giống như chân ngã hay chân tâm, đối ngược lại với vọng thức. 

Câu hỏi của các vị này hỏi về sự sanh diệt. Một số các tu sĩ ngoại đạo nói: "Không nhân, không duyên, các tưởng của con người sanh và diệt. Khi tưởng sanh con người có tưởng, khi tưởng diệt con người không có tưởng, đó là một quan niệm.

Tưởng là tự ngã con người, tưởng có đến và đi, khi tưởng đến con người có tưởng, khi tưởng đi con người không có tưởng.  Như câu chuyện "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" tức là có linh hồn đi từ thân xác này sang thân xác khác, linh hồn nhập vào thân xác này thì con người có tưởng, khi không còn thân xác này nữa thì không có tưởng. Một số vị quan niệm rằng tưởng là một thực chất là một thực thể mà các vị Samôn Bàlamôn có năng lực có thể kéo tưởng đó ra khỏi xác con người, có khi tưởng nhập vào người này nhập vào người kia. Đó là một giải thích.

Đức Phật Ngài không trả lời từng câu, Đức Phật Ngài dạy nếu  những vị nào nói tưởng không do nhân không do duyên thì đã sai từ ban đầu. Chính do nhân do duyên thì tưởng sanh diệt và Đức Phật Ngài lời nói có những trường hợp do sự tu tập làm đoạn tận một số tưởng và có một số trường hợp tu tập làm cho tưởng sanh. 

Chúng ta tạm ngưng phần chánh kinh ở đây để nói về nhận thức của chúng ta về thế giới này.

Chúng tôi và ĐĐ Nguyên Thông đang sống trong ngôi chùa và trong cùng một thành phố, nếu có ai hỏi, dường như chúng tôi và ĐĐ Nguyên Thông đều nói khác về biết chùa Pháp Luân, biết thành phố Houston. Tại vì mình đang sống ở chùa đang sống trong thành phố nhưng kỳ thật sự cảm nhận (nhận thức) của ĐĐ Nguyên Thông về chùa Pháp Luân về thành phố Houston rất khác với chúng tôi. Vì tùy thuộc vào quá khứ của mỗi người. 

Chúng tôi sống ở đây mấy mươi năm và trải qua rất nhiều sinh hoạt, bởi vậy chúng tôi nghĩ về thành phố Houston có khác, ĐĐ Nguyên Thông là người mới đến thành phố sau nên nhận xét về thành phố Houston có khác. Ở  trong ngôi chùa cũng là chánh điện, cũng hội trường, cũng tăng xá, cũng Phật cảnh đó nhưng chúng tôi nằm trong cương vị Trụ Trì thì nhìn chùa có khác, ĐĐ Nguyên Thông nhìn chùa có khác. 

Tại vì sao? Tại vì bất cứ cái gì  mình nhận thức có nên lệ thuộc vào cảnh đó hay không mà nó còn lệ thuộc vào quá khứ, nó tùy thuộc vào cảnh, nó tùy thuộc sự hoạt động của mình. Cũng như cũng nhìn trái táo nhưng lúc mình đói bụng mình nhìn nó khác và lúc mình no mình nhìn nó khác, cũng là nhìn một tượng Phật thôi nhưng sự cảm nhận của chúng ta trong lòng hoàn toàn khác tại vì dựa trên quá khứ và trình độ của mình. Ví dụ như ĐĐ Nguyên Thông rất thích bông hoa cây cảnh trồng cây trong vườn thì cảm nhận về bông hoa cây cảnh khác với một người nào đó không thích cây cảnh. 

Vì vậy, chúng ta cùng sống trong một thế giới nhưng nhận thức lại rất khác, sự khác biệt đó là do những điều kiện như khi đói mình nhìn trái táo nó khác với khi no, tại vì không phải chỉ có trái táo mà nó còn có cái no cái đói trong lòng mình. Mình nhìn cái chuông cái mõ nếu mình giỏi về nghi thức thì có cái nhìn khác với người không giỏi về nghi thức. Người ta hay tưởng cái này cái kia ngay cả Thượng Đế nhưng một điều rằng God hay Thượng Đế mặc dầu nói có một chữ nhưng sự nhận thức của mỗi người mỗi khác, tùy vào quá khứ tùy vào trình độ và xuất thân của mình là ai thì nhận thức đều có khác. Vì vậy cả thế giới này ngay cả trong paltalk này cùng paltalk và cùng mở ra cùng nghe như vậy nhưng không phải mọi người nghe giống nhau cảm nhận giống nhau, thì điều đó nó lại còn do nhiều nhân nhiều duyên.

- Điểm đầu tiên Đức Phật dạy: "Ai nói nhận thức không do nhân không do duyên thì tự nó là sai". Bởi vì rõ ràng tất cả những gì chúng ta nhận thức đều do nhân do duyên, không thể có chuyện gì không do nhân không do duyên. Đó là điểm đầu tiên Đức Phật Ngài trả lời.

Tiếp theo Đức Phật Ngài dạy có "một điểm nhiều người thường nghĩ là sự nhận thức hay linh hồn là cái gì không thể thay đổi được" về điểm này căn bản rất sai.

 Mặc dù người ta nói là "giang sơn dể đổi bản tính khó rời" nhưng nếu sự nhận thức không thay đổi được, giòng tâm thức không thay đổi được thì sự tu tập không có giá trị. Chính vì có thể thay đổi được nên sự tu tập có giá trị. Chúng tôi lấy một ví dụ là có một thời nào đó khi chưa tu tập mình nghe người ta khen hay chê tâm của mình phản ứng rất mạnh, nhưng không có nghĩa là trạng thái tâm đó phải là như vậy và nó vĩnh viễn là như vậy, nếu chúng ta khéo tu một thời gian và chúng ta khéo suy nghĩ khéo quán tưởng một thời gian thì mình ít bị chi phối bởi cái khen chê. Sự nhận thức, sự nhìn của chúng ta với bao nhiêu sự việc trong đời sống cũng vậy. Hay hồi còn nhỏ mình có tánh rất hiếu thắng muốn cái gì phải muốn cho được, phải ăn thua đủ, nhưng lớn lên do sự tu tập mình đầm lắng đi và khi mình đầm lắng đi mình nhìn thấy sự hơn thua không còn quan trọng nữa. Thì hồi nãy, mấu chốt của điểm hồi nãy mình vừa trình bày đó là nhận thức có nhân có duyên chứ không phải là không nhân không duyên. Đó là điểm đầu tiên chúng ta phải biết.

- Điểm thứ hai, trong bài kinh này Đức Phật có nhắc lại một đoạn rất dài nhưng bài kinh đã lượt bớt đó là đoạn nói về Samôn quả và con đường tu tập giới định tuệ ở trong đó có giới học tăng thượng, định học tăng thượng, tuệ học tăng thượng, tâm giải thoát tăng thượng, và tuệ giải thoát tăng thượng.  Đức Phật Ngài dạy đó là một tuyến trình tu tập, ở trong tuyến trình tu tập đó  làm cho nhận thức của chúng ta thay đổi chứ không phải không thay đổi.

Người ta nói "cái nết đánh chết cũng không chừa" đó là câu nói về người nào đó tánh nết hoàn toàn không thay đổi được, đúng là mình rất khó thay đổi tánh nết, rất khó thay đổi tâm tính người khác. Nhưng nếu một người muốn thay đổi tâm tính của mình chịu khó tu tập thì vẫn có thể thay đổi, điều đó chứng minh rõ ràng. Mình có đi vào chùa tu thì mới thấy rằng năm dài tháng rộng làm cho mình có những thay đổi. Như vậy, một người có trí thì hiểu chính sự tu tập, đặc biệt sự tu tập về giới định tuệ sẽ thay đổi nhận thức của chúng ta, điều đó có.

Ở đây, du sĩ ngoại đạo Potthapàda hỏi thêm:

"trong thế giới của nhận thức chỉ có một đỉnh điểm hay nhiều đỉnh điểm?"  

Đức Phật Ngài dạy:

- "Như Lai không nói là một, Như Lai không nói nhiều đỉnh điểm, có cả hai trường hợp".

Lý do rất đơn giản, chúng ta nói nhiều phương diện, một phương diện tuyệt đối, ví dụ như những vị tu tập về thiền không vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ, không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu, phi tưởng phi phi tưởng cũng là một đỉnh điểm, nhưng ngay cả trong đời sống hàng ngày của chúng ta thì mỗi một nhận thức, mỗi một cảm xúc, mỗi một phương diện luôn luôn có đỉnh điểm và từ đỉnh điểm đó đôi khi đối với mình  không quan trọng nữa.

Ngài Trungpa Rinpoche là một nhà Sư Tây Tạng nổi tiếng thời còn rất trẻ rất giỏi về biện luận, viết nhiều sách về Phật Học bằng tiếng Anh, ông nói một thí dụ là khi ông còn ở Tây Tạng thì cái gì thuộc về Phật Giáo Tây Tạng thì cao điểm hết, rồi sau đó đi qua Ấn Đột sống trong bối cảnh của Ấn Độ vị này lại hướng đến nhiều cái mà vị này nghĩ là cao siêu nhất, nhưng rồi qua bên Anh thì lại có những cao điểm khác, rồi qua bên Mỹ lại có những cao điểm khác. Thì điều đó cho chúng ta thấy rằng ở trong thế giới nhận thức của con người có những thứ ở một lúc nào đó chúng ta thấy nó rất quan trọng rồi tự nhiên nó lại nguội tắc đi, mình phải biết chuyện đó, có nhiều vị thích làm vườn đi đâu làm gì cũng tập trung tâm ý làm vườn, rồi thời gian chán lại đi chùa, rồi có thời gian thích ngồi thiền, có thời gian thích đi du lịch, có nhiều đỉnh điểm khác nhau. 

Đức Phật Ngài dạy Ngài không nói là có một hay có nhiều, có nhiều người chỉ có một thôi, có người lại có nhiều, thì như vậy chúng ta trước khi có một  kết luận là nhận thức có sanh có diệt hay không, linh hồn có trường cửu hay không, nhận thức có sanh có diệt hay không, nhận thức có nhân có duyên hay không, thì chúng ta nên chịu khó thành thực nhận ra, chúng ta dùng cái gì đó rất bình thường ở trong đời sống để mình thấy một điều là nếu sự cảm nhận không do nhân do duyên thì cảm nhận của tất cả chúng ta đều phải giống nhau hết, nhưng bởi vì tất cả sự nhận thức của chúng ta lúc còn sống tùy thuộc vào quá khứ, tùy thuộc vào trình độ giáo dục, tùy thuộc vào sức khỏe của chúng ta v.v... thì những điều kiện đó nó lại do nhân do duyên. 

Và một điểm khác chúng ta biết là nhiều người họ cũng nói "giang sơn dễ đổi bản tính khó rời" nhưng kỳ thật ở trong Đạo Phật niềm tin của chúng ta cơ sở về tu tập đó là tâm có thể chuyển hóa được, tức là nhận thức có thể chuyển hóa được. Có một lúc nào đó danh lợi đối với chúng ta là cái gì tuyệt đối quan trọng nhưng có lúc nó không ra gì hết, nó không là gì hết có thể là "Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao", có lúc nặng như thái sơn có lúc nhẹ như lông hồng. 

Thì như vậy sự nhận thức của chúng ta có nhiều đỉnh điểm khác nhau, nó không phải là một đỉnh điểm.

Và đặc biệt chúng ta nên nhớ người ngoại đạo có nói đến linh hồn, nhưng nếu nói đến linh hồn là cái gì thường hằng bất biến không thay đổi không do nhân duyên sanh diệt thì như vậy sự tu tập không có giá trị, tại vì linh hồn nó vốn bất biến nó không thể thay đổi được thì mình tu tập để làm cái gì. 

Đạo Phật dạy rằng tâm thức, đời sống chúng ta có tâm thức, tâm thức là một diễn trình có sanh có diệt tiếp nối lẫn nhau và tiến trình sanh diệt tâm thức đó có thay đổi do sự tu tập. 

Con người có thể có lúc rất ác nhưng do sự cải hóa của Phật Pháp có thể thay đổi được. Và con người có thể thiện nhưng vì lý do gì đó có thể trở lên ác, do vậy mình nên cố gắng tinh tấn. 

Trong kinh dạy "khi khởi lên niệm ác mình nên cố gắng tránh liền tại vì ác niệm sẽ lan nhanh. Nhưng khi mình khởi lên niệm thiện cố gắng gìn giữ tại vì niệm thiện dễ bị mai một"

Điều đó cho chúng ta trong nỗ lực tu tập có ảnh hưởng thật sự đến giòng tâm thức của mình, nếu bây giờ tu tập mình lý luận linh hồn không có điều kiện, không có nhân, không có duyên, và linh hồn đó không thay đổi, mình làm gì không thay đổi, thì thật ra tất cả chuyện tu tập của chúng ta đều vô nghĩa tại mình tu cũng vậy và không tu cũng vậy thôi. 

Đó là tại sao Đức Phật Ngài bỏ rất nhiều thì giờ để nói về con đường giới định tuệ, tâm giải thoát, tuệ giải thoát ở đây, tại vì qua đó Đức Phật Ngài cho thấy một người tu giới thì từ giới họ có thể qua định, từ định qua tuệ, từng bước một mình thấy rõ có thể thay đổi được.

Bài kinh Potthapàda là bài kinh đặc biệt thú vị nói về linh hồn và bản ngã. Bài kinh chia làm bốn phần, hôm nay trình bày phần một, nếu người Phật tử hiểu rõ bốn phần trong bài kinh này thì hiểu tại sao Ngài Narada Maha There viết trong quyển Đức Phật và Phật Pháp là Phật giáo không dạy có linh hồn thường hằng bất biến và Phật Giáo không giảng một bản ngã, chúng ta có thể hiễu rõ hơn là chúng ta chỉ nói phủ nhận đơn thuần ./.

(Còn tiếp phần II, III, IV)

Kinh Potthapàda Phần II - [bản ngã và linh hồn] - TT Giác Đẳng

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
9. Kinh Potthapàda 
Phần II - [bản ngã và linh hồn]

TT Giác Đẳng giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma, ngày 22-8-2019.

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Hầu như mỗi ngày chúng ta thức dậy những chuyện được mất hơn thua vui buồn đều liên hệ đến "của ta", "là ta", là "tự ngã của ta". Nếu chuyện cháy nhà tại California mà chuyện đó không liên quan đến người thân của mình thì mình rất dửng dưng, nhưng nếu tại đó có một người thân thì mình lo lắng tại vì có "của ta" ở đó. Một thí dụ ở Mỹ đang có hai thái cực là; có những người hoàn toàn không thích Tổng Thống Donal Trump và có những người thì sùng bái Tổng Thống Donald Trump như vị thần thánh nghĩa là bất cứ cái gì TT Donal Trump làm là đúng hết. Hai cực đoan đó trở thành vui buồn lẫn lộn hàng ngày của người Mỹ, sáng mở tin tức ra thấy có cái gì để binh vực hay chống đối TT Donal Trump thì người ta vui, buồn, đó là "người của tôi, tôi ủng hộ".

 Ngày hôm nay con người luôn luôn tìm một thẻ căn cước cho chính mình "tôi là ai". Đặt câu hỏi "tôi là ai", có 3 câu trả lời: 

1. Câu trả lời đầu tiên là bản ngã chính là xác thân của mình, cái gì thuộc về vật chất, cái gì có thể xúc chạm, có thể thấy được, thí dụ như ngoại hình là đẹp, là xấu, là thế này, thế kia v.v... thì cái đó là về vật chất. 

Về điều này, như hiện tượng ngày hôm nay ở Hàn quốc một xứ sở nổi tiếng về giải phẩu thẩm mỹ, cứ 10 người đàn ông thì 7 người đi giải phẩu thẩm mỹ, do kỹ thuật rất cao ngành này rất tiến bộ nên chi người ta có thể sửa khuôn mặt của mình qua nhiều hình dạng khác nhau như mình muốn. Có một bài hát VN tên là "Những gì còn lại" ở trong bài hát đó đã nói người ta sửa mắt môi rồi người ta thay cả tim óc, rồi mai mốt người ta thay luôn cả quá khứ, lúc đó mình nhìn thấy nhau không còn chân thật là mình nữa mà là những người xa lạ, bây giờ còn thật với nhau thì thương nhau đi mai mốt toàn là những người xa lạ. Thì điều này cũng là một ý nghĩa nói lên cho chúng ta thấy con người thường liên tưởng hay kết nối giữa ngoại hình của chúng ta, giữa vật chất của chúng ta, vật chất là sắc uẩn với cái gọi là "Tôi" là "Ta". Mình chụp một tấm hình nào đó mình nghĩ là đó là "Tôi" lúc mình đứng cười rạng rỡ, nhưng có ai chụp tấm hình mình xấu mình bỏ tấm hình đó đi. Thật ra hình xấu cũng là hình của mình, hình đẹp cũng là hình của mình, có điều mình thích hay không thích, mình thật sự nghĩ bản ngã có giá trị nào đó.

 Đức Phật Ngài dạy cái nhìn đó là sai, bởi vì có chuyện trớ trêu đó là có những người thương một người nào đó nhưng không sống chung được, ba bốn mươi năm sau gặp lại cũng người tên đó nhưng bây giờ tâm tính khác, dung mạo ở ngoài khác, thời gian thay đổi. Giống chúng ta nói về sữa, buổi sáng đến buổi chiều sữa chua rồi nhưng nó cũng vẫn là sữa. Thì ý niệm đầu tiên chúng ta nói tính thay đổi, tính giả hợp, và con người thì nghĩ "Tôi" là người thế này "Tôi" là người thế kia, "Tôi" là người đẹp là người cao, "Tôi" là một người thấp, "Tôi" là một người da trắng da đen v.v... nhưng  kỳ thật cái "Tôi" nếu gọi đó là cái "Tôi" thì nên biết cái đó có thay đổi. 

Ở trong một cái nhìn khác, bản ngã là tất cả cái gì thuộc về "Ý sở thành". "Ý sở thành" ở đây chúng ta nói đến một thế giới của mình, trong thế giới đó là tập hợp, chúng ta sống cho qua ngày, như chúng tôi và Chư Tăng sống trong chùa từ nhỏ cho tới lớn thì thế giới chùa là thế giới của mình, mình gọi nó là của mình, đó là chùa, kinh kệ đó, tượng Phật, Phật tử đó, đối với nhà Sư đó là thế giới của mình. Một người hoàn toàn xa lạ với thế giới đó, họ là người làm ăn buôn bán bên ngoài thì thương trường là thế giới của họ, có những người  làm chính trị thì ở trong thế giới chính trị tất cả những chuyện hơn thua bầu cử đắc cử thất cử v.v... là thế giới của họ. 

Thì phải chăng thế giới "ý sở thành" nó bao gồm cả vật chất và tâm tưởng là ngã?

 Đức Phật Ngài dạy thế giới gọi là "Ý sở thành" nó cũng hỗn độn và cũng thay đổi như thành phần vật chất của chúng ta. 

- Ý sở thành là Mano-pubbañgamā dhammā – mano. 

Thế giới vô sắc vô tướng là arupaloka alakkhana . 

Ở đây, chúng ta nói đến tâm thức người ta hay nói đến linh hồn, nhưng Đức Phật Ngài cũng cho chúng ta thấy nếu nó là cái ngã thật sự thì nó không thay đổi, nhưng cái gọi là thọ, tưởng, hành, thức, cái cảm thọ, cái tri giác của chúng ta thì nó vẫn thay đổi thường xuyên.

Chúng ta trở lại một câu chuyện rất cổ điển ở trong tác phẩm nổi tiếng của Phật Giáo, tác phẩm Milinda Vấn Đạo (Milinda Panha) vua Milinda hỏi Tôn Giả Nagasena (Tôn Giả Na Tiên): 

- Ngài tên là gì?

Ngài Nagasena trả lời

- Bần Tăng tên là Nagasena hay là Na Tiên

- Như vậy Na Tiên là chỗ nào? Tóc, lông, móng, răng, da v.v..., hỏi không chỗ nào là Na Tiên thì như vậy Ngài nói dối chăng?

Câu trả lời của Ngài Nagasena không trả lời là Ngài có nói dối hay không nói dối mà Ngài hỏi rằng:

- Hoàng Thượng đến đây bằng gì?

- Trẫm đến đây bằng long xa.

- Như vậy cái gọi long xa là chỗ nào? có phải cái mui xe là long xa không? có phải bánh xe là long xa không? có phải gọng xe là long xa không? hỏi không có chỗ nào là long xa hết thì như vậy Hoàng Thượng có nói dối chăng?

Đây là một câu chuyện cổ điển trong kinh Milinda Panha. Cái gọi là "Tôi" là "Ta" trước nhất là một sự tập hợp của nhiều thành tố, nếu chúng ta nêu một thành tố mà chúng ta nói là "Tôi" là "Ta" thì tự nó đã sai, sai từ ban đầu. Ví dụ, ngũ uẩn là sắc, tưởng, thọ, hành, thức mà chúng ta nói sắc uẩn là "Ta" hay thọ uẩn là "Ta" hành uẩn là "Ta" thức uẩn là "Ta"  cũng giống như khi chúng ta nói về cái xe, như cái xe của chùa chẳng hạn, xe của chùa là gì? bánh xe là cái xe, mui xe là cái xe, cái cản là xe thì nói như vậy nó không đúng, tại vì cái gọi là chiếc xe nó là một tổng hợp của nhiều thứ.

Một bức ảnh chụp trong một thời khắc ngắn ngủi, mình mặc thật đẹp đứng chụp hình đem về treo trên tường mình nói đó là hình của tôi, đó là tôi, không ai phủ nhận hết nhưng ở trên thực tế thì cái đó không phải là tất cả, tại mặt của mình không phải lúc nào cũng đẹp như vậy, mặt mình lúc nào cũng phải cười tươi như vậy, cũng duyên dáng như vậy. Con người mình có nhiều khuôn mặt, khuôn mặt ngái ngủ, khuôn mặt mới thức dậy, khuôn mặt đang giận dữ thì nếu gom lại để gọi cái nào là cái ta thì khó gọi lắm, tại vì mỗi cái nó khác nhau lúc này lúc khác, chúng ta chọn cái nào đẹp nhất mình gọi đó là "Tôi" nhưng thật ra nó không phải là tất cả, nó chỉ là một bức ảnh chụp trong một thời khắc nào đó vẻ mặt trang trọng, nó không phải là tất cả cái gọi con người của mình.

Rất dễ dàng để chúng ta rơi vào trong kiến chấp về vật chất, không có thời nào con người nặng về sở chấp qua vật chất thô phù, vật chất thô phù chỉ cho không gian về chiếm hữu vật chất, thí dụ như ngoại hình của mình, hay hoặc giả âm thanh của mình, hoặc giả một cái gì đó thuộc về sắc tướng. Chúng ta quên những điều đó chỉ có giá trị trong một khoản khắc và nó không bền vững. Chúng ta sẽ thay đổi và sự thay đổi mình không kiểm soát được. Chỉ riêng về con người mình không thể giữ mãi sự trẻ trung, có lúc chúng ta sẽ già, khi già cũng cho chúng ta hình ảnh khác.

Nhưng đa phần con người quan niệm "Tôi, Ta" nằm ở sắc uẩn nhiều, nằm ở vật chất nhiều, cái thân do cơm bánh nuôi tạo ra, cái thân chúng ta hay chụp hình, cái thân chúng ta có thể trao chuốt cho nó quần là áo lụa, và đôi khi một ảo giác của chúng ta đó là mình là một người đeo một cái đồng hồ đắc tiền mặc bộ đồ rất sang thì đó cái "Tôi" được tôn vinh lên như vậy là "Tôi" tốt "Tôi" đẹp.

 Thật ra, nếu chúng ta đọc kỹ ở tại đây sắc uẩn hay thân thể hay về vật chất nó không phải tất cả thuộc về thân, thì có những người lại sống miên man trong một thế giới ý sở thành (manomazo). Ý sở thành nghĩa là gì mình sống hụp lặn ở trong một thế giới như một nhà thơ thì có thế giới của thi ca, làm chính trị thì có chính trường, làm văn hóa thì nhìn khác một bác sĩ một y sĩ thì nhìn thế giới có khác, mà trong thế giới đó có cao, có thấp, có cách thế này, có cách thế khác, mình đặt để là "Tôi" ở trong vị trí nào đó tuy nhiên điều đó cũng không có nghĩa là tất cả.

 Có một lần chúng tôi đi với một vị HT đi công việc, khi ra ngoài phi trường không biết HT đeo cái gì ở trong người làm cho nhân viên phi trường xét rất kỹ, sau đó ra ngoài HT bực bội nói: "Bên Mỹ này họ không biết gì về già trẻ hết, mình là ông cụ già làm sao khủng bố được, mình là ông thầy tu làm sao khủng bố được v.v... và cách họ xét làm cho mình rất là khó chịu". HT nói như vậy, tại vì chúng tôi biết HT ở chùa là vị HT trưởng lão có đệ tử đông, lúc nào người ta cũng kính trọng, lúc nào người ta cũng đối xử cung kính, ra phi trường gặp nhân viên phi trường xét thì khó chịu lắm. Nhưng kỳ thực HT đang sống ngoài thế giới của mình nên thấy khó chịu. Do đó người ta thường hay trở về trong tháp ngà ở trong thế giới riêng tư của mình, tại vì ở trong thế giới đó chúng ta có thể bơi lội nhởn nhơ giống như thế giới thuộc về mình nhưng kỳ thật cảnh giới đó không thuộc về ai hết, không có cảnh giới nào thuộc về ai. Như chúng tôi thưa với qúi Phật tử là chúng tôi sống trong ngôi chùa bất quá thì chùa là chỗ quen thuộc thôi chứ ngôi chùa không phải là tất cả thuộc về của mình, mà ngôi chùa có sự tồn tại riêng, có sự vận hành riêng, nhưng mình quen sống ở trong một thế giới của quen thuộc, thế giới của tư duy.

- Điều thứ ba, khi con người không tìm thấy một sự ổn cố thật sự, một sự ổn định thật sự ở vật chất mới nghĩ ra như vậy ngã là linh hồn, chính cái ngã là tri thức là tri giác, chính cái ngã là phần nội tâm, chính tâm thức là ngã. 

Nhưng với Đức Phật Ngài dạy, tự tâm thức có bốn thành tố đó là cảm thọ hay thọ uẩn, nhận thức như khi từng trải gọi là tưởng uẩn, sự lựa chọn phân biệt thiện ác, phân biệt cái này cái kia gọi là hành uẩn, và sau cùng các giác quan như thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng gọi là thức uẩn, thì đối với Đức Phật cả bốn  thọ, tưởng, hành, thức đều là giả hợp đều là vô thường.

 Nếu chúng ta nhìn cho rõ, nhìn cho kỹ, nhìn cho khách quan thì nó cũng vậy và chúng ta bám víu một thí dụ nói là "Tôi buồn" thì chữ buồn đó là cảm thọ và cảm thọ đó chính là "Tôi", "Tôi" là cảm thọ, ở trong cảm thọ có "Tôi", có "Tôi" ở trong cảm thọ. Có người họ giận hoài cứ đem một chuyện gì đó nói người khác họ làm cho mình buồn lòng nhưng thực sự tại vì mình quá trung thành với một cảm giác, mình luôn luôn tin đó là cảm giác, đó là "Tôi", "Tôi" buồn. Về việc này rất khó để chúng ta hiểu nếu chúng ta không tu tập thiền Tứ Niệm Xứ, nếu chúng ta tu tập thiền Tứ Niệm Xứ mình dễ dàng nhận ra những cái gọi là vui, buồn, đau ốm, hay khổ lạc, tất cả đều là giai đoạn, tất cả đều là sanh rồi diệt, nó không tồn tại, và khi nó không tồn tại việc nắm níu là chuyện của mình, nhai đi nhai lại là chuyện của mình chứ thật sự vấn đề nó đã qua lâu rồi. 

Lấy một ví dụ, có ai đó cách đây 10 năm nói một câu làm cho mình rất buồn bây giờ nghĩ lại mình rất giận thì mình giận câu chuyện 10 năm, chúng ta thường giận như vậy nhưng hỏi bây giờ người đó đã chết, câu chuyện đã qua rồi và cái gì còn lại đó là sự bám víu của mình là mình hồi tưởng lại và trong hồi tưởng đó mình có giận dữ. Trong Cổ Học Tinh Hoa có một câu chuyện; một người được xem như có lòng tự trọng tự ái cao là một người có quyền chức nằm chiêm bao thấy một người đi vào trong nhà mạ lị mình nhổ nước bọt vào mặt mình rồi đi, thì người này tức tối, tại vì xưa này mình là người rất tự trọng ai cũng tôn trọng mình bây giờ có một người vào nhổ nước bọt vào mặt mình mạ lị mình rồi đi ra, bực quá thức dậy rồi giận người trong mộng, nhưng giận ai bây giờ, cái đó rất là khó bởi vì là một người trong chiêm bao nhưng rõ ràng chuyện đó mình có thấy, và do cái thấy mà mình nghĩ rằng "Tôi" đã bị mạ lị, bây giờ chỉ còn có một cách thôi là mình hãy nhìn đó là ảo giác chiêm bao không có thật, và cái "Tôi" cái "Ta" đó cũng không có thật, nó chỉ là chiêm bao.

Câu chuyện đó rất ví von một điểm là đời sống của mình giống như chiêm bao, những gì được mất hơn thua là một giai đoạn, sanh đó rồi diệt đó, rồi nó đi qua như nước chảy qua cầu, bây giờ mình nắm níu lại, mình đem nó sào đi sào lại, nhai đi nhai lại, đó là do níu kéo của mình nhưng không có nghĩa là mình níu kéo được quá khứ, không có nghĩa là mình thay đổi được quá khứ, hay không có nghĩa là mình có thể tô hồng chuốt lục làm mới lại quá khứ, không phải như vậy, tại quá khứ là quá khứ,

Ở đây, Đức Phật Ngài cho chúng ta biết cả ba ý tưởng vật chất chính là tự ngã cũng không đúng. Ngài không nói là hai cũng không nói là một. Như Ngài Na Tiên nói với vua Milinda cái gọi là long xa hay xe của vua là tổng hợp của mui xe của vành xe của bánh xe của niềng xe, bây giờ mình lấy bộ phận nào ra hỏi cái đó có phải là long xa không thì thật sự không thể nói được, nó là một phần của long xa nhưng nó không phải là tất cả long xa. 

Thì như vậy ngay trong cả sự hiện hữu đều có tính giả hợp hay tập hợp do kết cấu nhiều bộ phận nhiều đơn vị lại thì chúng ta gọi là nó, là xe, là tôi, là ta  nhưng kỳ thật thì nếu nhìn cho kỹ nó chỉ là sự kết cấu của nhiều bộ phận.

Chúng tôi nhớ có những buổi lễ qúi Phật tử đi chùa nói "Sư bữa nay làm lễ hay quá" nhưng khi nghe qúi vị kể cái mà qúi vị thích thì quả thật không có gì liên quan đến chúng tôi nhiều, hay tại vì bông hoa trên bàn thờ đẹp cũng do Phật tử nào đó, hay vì cảnh trang nghiêm Chư Tăng về đông nên trang nghiêm, hay là chương trình nhạc lễ trên chánh điện là vì do các Phật tử tập hợp lại, mọi người nghĩ tất cả do chúng tôi nhưng thật sự không phải, đó là sự kết hợp của nhiều thứ. 

Thành ra, khi nhìn thấy cuộc sống này trong cái gọi là giả hợp thì rõ ràng Đức Phật Ngài nói danh cũng như sắc, nói một cách cụ thể hơn là sắc uẩn, thọ uẩn, hành uẩn, thức uẩn là tập hợp của nhiều điều kiện, và mình cứ xem cái đó là "Tôi", cái đó là "tự ngã của tôi" thì trước nhất nó là ảo tưởng, và thứ hai nó làm cho mình khổ nhiều, khi nói:

 - "của Tôi" gọi là ngã sở.

- đây là "Tôi" là ngã chấp.

- và đây là "tự ngã của tôi" là mạn tùy miên. 

Thì mạn tùy miên đây là "tự ngã của Tôi" nó làm cho chúng ta có sự so đo với người khác, là mình bằng người khác, mình hơn người khác,

Ví dụ, mình mua bộ quần áo loại mắc tiền (đồ hiệu) mặc và đi ra ngoài đường rất hãnh diện, và hãnh diện với ai nếu mọi người đều mặc đồ hiệu thì mình không hãnh diện nhưng tại vì chỉ có mình mặc hay một vài người mặc  thì mình hãnh diện là mình đẹp hơn người khác, mình sang hơn người khác. Nhưng kỳ thật bộ đồ đó cũng không làm cho mình sang hơn, bộ đồ chỉ là bộ đồ thôi nhưng là ảo giác cá nhân của mình. 

Điểm này rất tế nhị khi chúng ta hiểu được tánh cách giả hợp, mình không đặt sở chấp của mình, ngã sở là của tôi, ngã chấp là tôi, mạn tùy miên có nghĩa là đây là tự ngã của tôi để có sự so sánh hơn thua kém đối với người khác. Và cả 3 cái đó đều dẫn chúng ta đến một hệ quả đó là khổ, mình cứ nghĩ là khi mình nghĩ cái này là "Của Tôi", tôi là "Tự ngã của tôi" mình sẽ sung sướng nhưng thật ra trong cái nhìn của Phật học qua lời dạy của Đức Phật chúng ta khổ rất là nhiều, chúng ta bị kẹt ở đó rất là nhiều, chúng ta bị kẹt giống như một người nằm chiêm bao bị người khác nhổ nước bọt vào mặt khi tỉnh dạy giận mà không biết giận ai.

Thì ở tại đây, điều Phật học dạy chúng ta không phải đặt vấn đề là ngã ở vật chất, hay là ngã ở linh hồn, hay là ngã ở trong thế giới sở tạo của tâm thức, mà ở tại đây là làm sao đối với tất cả những hiện tượng dù là sắc uẩn, thọ uẩn, hành uẩn, thức uẩn đừng có chấp thủ đây là của tôi, đây là tôi, đây là tự ngã của tôi.

Tôn Giả Rahula được Đức Phật nhắc đến nhiều lần là nên thấy tất cả, quán tưởng tất cả đây không phải là của "Tôi" không phải là "Tôi" không phải tự ngã của "Tôi", để làm gì? để mình có thể vượt ra ngoài những sự nắm níu sự cố chấp sở chấp của mình.

Câu chuyện chúng ta nói chân ngã là ở vật chất ở thế giới mình tư duy ,mình sống, hay ở nội tâm của mình, Đức Phật Ngài không dạy chúng ta đi tìm cái chân ngã đó. Thật ra có nhiều vị bây giờ cố tình giảng, ví dụ như kỳ rồi chúng tôi đi dự lễ Phật Đản ngồi kế bên một vị Thầy cũng có tiếng tăm giảng sư và vị này rất tự hào và giảng câu Đức Bồ Tát khi sơ sinh Ngài nói:  

  "Thiên thượng thiên hạ, Duy ngã độc tôn, thử sanh cùng kiếp , vô hữu hậu lai."

Chữ "duy ngã độc tôn" không phải là Ngài nói cái tôi của Ngài mà Ngài nói về cái ngã là cao qúi nhất. Thì vị này cố gắng giảng để cho thấy Đức Phật Ngài đề cập đến một chân ngã, cái chân ngã đó chính là cái đích thực mình đi tìm. Tuy nhiên nếu hiểu cho kỹ thì cách nói đó chỉ là cách nói vẽ rắn thêm chân. Trong nguyên văn Phạn ngữ không có nói đến cái ngã và tự ngã như vậy, và Đức Phật Ngài cũng không bao giờ Ngài dạy chúng ta nên đi tìm cái gọi là cái ngã mà thay vào đó thì Đức Phật Ngài khuyên chúng ta sống như thế nào mà tháo gỡ được ngã chấp, cái kẹt của chúng ta.

Đức Phật hỏi: "Khi thấy được sắc uẩn, thọ uẩn, hành uẩn, thức uẩn là thường hay vô thường?"

- Bạch Đức Thế Tôn là vô thường, 

- Cái gì vô thường là khổ hay vui?

- Bạch Đức Thế Tôn những gì vô thường là khổ.

- Những gì vô thường là khổ thì có nên nói rằng đó là ta là của ta tự ngã của ta chăng? 

- Bạch Đức Thế Tôn chẳng nên. 

Đức Phật dạy:

-  Này Chư Tỳ Kheo, do vậy sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn nào dù trong đời quá khứ, vị lai, hiện tại, bên trong, bên ngoài, thô thiển, vi tế, thù thắng, hạ liệt, thấp cao, thì các sắc đó chỉ là sắc thôi, thọ chỉ là thọ thôi, tưởng chỉ là tưởng thôi, hành chỉ là hành thôi, thức chỉ là thức thôi, các con nên nhận thức và chánh trí đúng theo thực tướng như vậy nó chẳng phải là ta, chẳng phải là của ta, chẳng phải là tự ngã của ta.

Đức Phật Ngài dạy như vậy là để chúng ta có khả năng buông xả, có khả năng buông bỏ tất cả những vướng vấp ở trong đời sống, chúng ta thường rất dễ vướng vấp với thân này, với cảm thọ này, với tri giác này, với sở hành này, và với các giác quan này, và bởi vì vướng vấp đó đến từ quan niệm đây là "Tôi", đây là của "Tôi", đây là "tự ngã của Tôi".

Vì vậy một câu hỏi ngoại đạo thường đưa ra là 

-"cái gì là cái chân ngã của mình?" Chân ngã là nhận thức hay chân ngã là linh hồn không? Cái ngã đó là gì? Cái gì thật sự là của ta?

Trong kinh Đức Phật Ngài luôn luôn Ngài dạy chúng ta cố gắng tìm sự thật,  mấu chốt của sự thật là tất cả đều thay đổi, do sự thay đổi nên không có gì hoàn hảo, do nó thay đổi không hoàn hảo nên chúng ta không gọi là mình có quyền. 

Đó là ý nghĩa của Vô Thường, Khổ, Vô Ngã.

Đó là ý nghĩa bài học hôm nay, phân đoạn 2.

Ngài mai chúng ta bước qua phân đọan 3, Đức Phật Ngài không dạy thế giới vật chất là ta nó là bản ngã, Đức Phật cũng không dạy thế giới do ý sở tạo là bản ngã, Đức Phật Ngài cũng không dạy tâm thức là bản ngã, có nhiều vị Balamon và có nhiều vị hỏi:

- "Vậy chứ sự sống và ngã là một hay hai?" 

Đức Phật Ngài không xác định trả lời hay không trả lời. Và lý do tại sao Ngài không trả lời thì ngày mai chúng ta sẽ nghe đoạn đó nghe lời giải thích rất là lợi lạc khi một lần nữa câu hỏi cổ điển Đức Phật Ngài không trả lời ./.

Xem tiếp phần III 

Kinh Potthapàda - Phần I I I - Những gì Phật dạy và những gì Phật không day

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
9. Kinh Potthapàda 

Phần III - Những gì Phật dạy và những gì Phật không dạy

ĐĐ Huy Niệm giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 23 tháng 8, năm 2018

Minh Hạnh chuyển biên

ĐĐ Huy Niệm: Ngày hôm nay một vấn đề quan trọng chúng ta cần phải quan tâm, đó là vấn đề sanh tử một việc lớn mình cần phải lưu ý. 

Đối với những người khi còn vướng bận việc bương trải của đời sống thế tục,  sống tốt cũng có, xấu cũng có, giàu cũng có, nghèo cũng có, cảm thọ vui buồn cũng có, thăng trầm cũng có v.v... Nhưng chung qui  có một việc  không biết rõ sau khi mệnh chung  mình sẽ đi về đâu và như thế nào?

 Việc này, trong thời xa xưa có những người muốn tìm kiếm sự an ổn, tìm kiếm một nơi hạnh phúc tuyệt đối, người ta đã nghĩ đến vấn đề sau khi chết mình sẽ đi về đâu. Các giáo phái ngoại đạo thời bấy giờ cũng đưa ra nhiều tư tưởng những suy nghĩ, nhưng tất cả những việc họ nhận định phần lớn đều không có cơ sở vững chắc. 

Biết rõ như thế, Đức Phật Ngài không trả lời những câu hỏi về bản chất của cuộc sống ngay trong cái ngã, cái thân xác này, sanh mạng này là một hay là hai, còn hay không còn sau khi chết v.v... Ngài không trả lời nhưng Ngài hỏi ngược lại những sự hiểu biết của họ xem như thế nào. Thì khi được hỏi lại như vậy có thể nói rằng tất cả mọi người đều không ai trả lời được bởi vì kỳ thực bản thân họ cũng không biết rõ về điều đó, và khi không biết rõ điều gì, về mục đích gì mình đưa ra một điều xác quyết thì nó không có xác đáng. 

Trong kinh Tevijja (Tam Minh) của Trường Bộ Kinh, Đức Thế Tôn Ngài đưa ra một hình ảnh "một người muốn xây tại ngã tư đường một cái thang để leo lên lầu. Có người hỏi: "Này bạn, Ông muốn xây một cái thang để leo lên lầu, vậy Ông có biết lầu ấy là về hướng Ðông, hay về hướng Tây, hay về hướng Bắc, hay về hướng Nam? Nhà lầu ấy cao hay thấp, hay trung bình?". Ðược hỏi vậy, vị ấy trả lời không biết. Có người hỏi: "Này bạn, như vậy có phải Ông xây một cái thang để leo lên một cái lầu mà Ông không biết, không thấy?". Hỏi vậy, vị ấy trả lời phải. Sự kiện như vậy, thời  lời nói người kia là không chánh xác, hợp lý."

Ở trong phần lớn chúng sanh chỉ quan tâm đến những gì trước mắt những lợi lạc, tầm cầu những hạnh phúc trước mắt. Nhưng cũng có những người trí hướng cao hơn muốn tìm kiếm cái gì tốt đẹp hơn và mong có được  hạnh phúc thật sự mỹ mãn. Tuy nhiên trên bước đường tìm kiếm phương pháp và đạo lộ đó có thể nói rằng tất cả đều nhận định theo một nhận thức sai lầm tại dựa trên những căn cứ không xác thực. 

Về vấn đề sanh tử, vấn đề tồn tại hay không tồn tại của một chúng sanh được xem như là đã giải thoát, hoặc thế giới này có giới hạn hay không giới hạn v.v... đó là những câu hỏi không có lợi ích thiết thực cho nên Đức Thế Tôn Ngài không trả lời.

Chúng ta nên nhớ không trả lời có hai trường hợp: một trường hợp không trả lời vì mình không biết cho nên mình làm thinh. Trường hợp thứ hai không trả lời bởi vì mình biết nhưng việc đó không có cần thiết không lợi ích và có thể trả lời người nghe không được lợi lạc và người nghe cũng không hiểu gì thì như vậy sự trả lời đó nó chỉ làm thêm vô nghĩa. 

Phạm trù sinh hoạt của một vị Phật có 3 hình thức:

1 - Khi Ngài tái sanh.

2 - Khi Ngài thuyết một bài pháp nào đó nổi tiếng.

3 - Tuệ vức.

Phạm trù thứ 3 tuệ vức, trong kinh nói tuệ vức của Đức Thế Tôn thì sự hiểu biết của trí tuệ không có giới hạn. Do vậy, có thể nói có những điều Đức Phật Ngài không trả lời bởi vì Ngài thấy không có lợi ích và cũng không có cần thiết để trả lời. 

Một trong số 4 điều đối với trí tuệ phàm phu mình không nên suy nghĩ bởi vì khi suy nghĩ sẽ không làm rõ ra được mọi chuyện và hơn nữa sự suy nghĩ đó chỉ làm tâm thêm bấn loạn. Đó là

Bốn điều bất khả tư nghì (Acinteyya), bốn điều không thể suy nghĩ đối với  phàm phu:

1. Phật vức (Buddhavisayo), cảnh giới trí tuệ của Đức Phật, lãnh vực nhất thiết chủng trí của Đức Phật. Đây là điều bất khả tư nghì đối với phàm phu. Phật vức, cảnh giới trí tuệ của Đức Phật, mình đừng có suy nghĩ sự hiểu biết của Đức Phật đến mức độ nào ra sao, Ngài hiểu biết những gì, có giới hạnh hay không giới hạn, suy nghĩ đến chuyện đó mình không thể nào suy nghĩ được.

2. Thiền vức (Jhānavisayo), năng lực thiền định thần thông. Đây là điều bất khả tư nghì đối với phàm phu. Pháp này thuộc về thực chứng tu chứng,  ngồi suy nghĩ nó càng thêm phức tạp 

3. Nghiệp quả (Kammavipāko), quả dị thục của nghiệp dị thời. Đây là điều bất khả tư nghì đối với phàm phu. Ý nói đến nghiệp quả một cách chi tiết chứ không phải là mình học về nhân quả theo nghiệp, trọng nghiệp đó là thuộc về lãnh vực Kammavipāko là muốn nói đến những chi li. Chẳng hạn  chúng sanh này từ đâu đến, tại sao lại có mặt ở đây, rồi do nghiệp gì, duyên gì một cách chính xác chi tiết thì khả năng này đối với năng lực của phàm phu không thể hiểu được. 

4. Vũ trụ quan hay thế giới tư duy (Lokacintā), các hiện tượng về vũ trụ như tinh tú, mặt trăng, mặt trời... tại sao có? Đây là điều bất khả tư nghì đối với phàm phu.)

Bốn điều này không thuộc về phạm trù của phàm phu để có thể hiểu biết để thắc mắc, bởi vì hai nguyên nhân: 

 - Nguyên nhân thứ nhất là không có lợi ích. 

- Nguyên nhân thứ hai nó thuộc về năng lực của bản thân không đến thì mình không có thể nào suy nghĩ đo lường được. Nó không có lợi ích, chẳng hạn như mình suy nghĩ đến vấn đề không biết số lượng chúng sanh trong đời này hữu hạn hay vô hạn, thế giới này hữu biên hay là vô biên. 

Do nguyên nhân như vậy, Đức Thế Tôn Ngài không trả lời những câu hỏi đó, Đức Phật Ngài chỉ trả lời những câu hỏi xác thực rõ ràng trong phạm vi của người nghe thuộc về phàm trí, có thể làm được, có thể hiểu được, có thể nhận thức được, và nhất là có sự lợi ích thiết thực hiện tại, Ngài chỉ ra khổ, nguyên nhân sanh khổ, sự diệt khổ, và cách thức tu tập con đường để đạt đến sự diệt khổ.

Nói đến chuyện này, sư nhớ đến một câu chuyện của một anh cư sĩ lâm vào một hoàn cảnh khó khăn trong đời sống và anh đến hỏi sư về vận mệnh:

"Con không biết còn thọ bao lâu nữa? Sự khó khăn của con bây giờ sẽ còn tiếp diễn đến khi nào trong kiếp sống này, rồi chừng nào mới chấm dứt?" 

Trong trường hợp này, lúc đó sư nói:

 "Bây giờ làm sao sư có thể giám sát về tương lai của anh, cái khổ, cái khó khăn này hiện giờ sẽ tiếp diễn hay không tiếp diễn, và nó sẽ còn tiếp diễn đến bao giờ, và sự thoát khổ của anh, giai đoạn mới sung sướng hạnh phúc chừng nào mới có mặt, và nó có mặt rồi nó sẽ duy trì được hay không, duy trì đến bao giờ?  Điều đó không nằm trong năng lực của Sư, Sư không có khả năng trả lời cho anh những việc đó và hơn nữa những câu hỏi đó thật ra nó cũng không thiết thực. Điều quan trọng Sư có thể nói cho anh biết nguyên nhân tại sao anh lại bị vô hoàn cảnh như vậy, và chúng ta cần phải áp dụng những phương pháp nào để khắc phục ngay trong hiện tại và cứ như thế mình cứ tiếp tục tiếp tục làm đến đâu nó sẽ có sự chuyển biến đến đó. Bởi vì nguyên tắc của pháp hữu vi là không bao giờ thường còn, không bao giờ có sanh mà không có diệt, đó là nguyên tắc cố định"

Đức Phật Ngài tuyên bố:  Sabbe sankhara aniccati - Các pháp hữu vi là vô thường

Chuyện pháp hữu vi thường còn là chuyện không bao giờ có, sư lấy nguyên tắc để nói cho anh ấy hiểu và sư nói: "Bây giờ anh đừng có thắc mắc đến vấn đề là mình còn khổ bao lâu, chừng nào thì vận may của mình đến, chừng nào nó mới bắt đầu rực rỡ và nó sẽ kéo dài bao lâu? nghĩ đến chuyện đó không lợi ích, vì nó không thiết thực, chỉ nên nghĩ đến chuyện đang bị như vậy và do nguyên nhân gì. Và chúng ta cần phải áp dụng những phương pháp ngay trong hiện tại để khắc phục khó khăn, giải quyết ngay trong hiện tại."

 Nghe như vậy anh cũng làm theo và từ từ trải qua một tháng sau anh quay lại kể cho Sư nghe về bối cảnh của mình, và Sư thấy rõ ràng có sự triển tiến hơn, Chẳng hạn như lúc trước trong nhà xào xáo bởi vì gia đình gặp khó khăn túng thiếu mọi bề, nhưng khi áp dụng phương pháp tri túc theo nhu cầu của bản thân thì khắc phục được và đồng thời giải quyết những vấn đề pháp lý liên quan đến những việc thiếu nợ, cộng thêm áp dụng những phương pháp tu tập về tâm lý làm cho gia đình có sự hoan hỉ và chấp nhận thực trạng, lúc bấy giờ ổn hơn sau một tháng anh quay trở lại trình bày

 - "Mỗi lần họ tới đòi nợ thì con sợ lắm, rồi con sân hận có thể dẫn đến ẩu đả, nhưng nay con kham nhẫn chấp nhận để cho người ta mắng nhiết do tâm, con có những lời nói ngọt lời giải thích, hứa hẹn sẽ trả dần dần như vậy người ta đến nhiều lần rồi người ta cũng thôi."

Anh lại tiếp tục hỏi: "Sư ơi khi nào con mới hết"

Cũng chứng nào tật đó, bịnh cũ tái phát, mục tiêu quan trọng mình đang làm thì không làm cứ đi hỏi mấy chuyện đâu đâu. 

- Sư nhắc lại với anh một lần nữa là những gì Sư đã hướng dẫn với anh để giải quyết ngay trong hiện tại nguyên nhân xảy ra khắc phục được, đã có sự chuyển biến khác, đúng không? cái áp lực về gia đình và về tâm lý cũng như về bối cảnh sống trong gia đình nó khác và từ những người liên quan cũng bớt đi áp lực hơn cho anh đúng không? 

- Dạ thưa Sư đúng rồi.

- Vậy anh còn muốn gì nữa?

Và  Sư nói thêm:

- Vậy thì anh đừng đòi hỏi nhiều cứ tiếp tục áp dụng phương pháp như vậy và bước đi từng bước, bước đi từng bước một và rồi bước đi tới đâu thì câu trả lời nó sẽ hiển lộ ra ngay chỗ đó.

Câu chuyện cho đến này thời gian đã trải qua một khỏang  mấy năm rồi, hiện giờ gia đình đã an ổn, đã có chiều hướng tốt hơn rồi đã tự tích lũy tài sản được.

Trở lại vấn đề trong trường hợp có những vấn đề áp dụng ngay trong hiện tại có lợi ích thiết thực rất đơn giản gần gủi dễ hiểu và có thể làm được đó là: khổ, bây giờ mình đang có những rắc rối đối với bản thân mình, mình đang còn có mặt ở trong cuộc đời này đón nhận những thứ buồn vui v.v.... đủ thứ, những thứ khổ đủ bề. Và nguyên nhân tại sao lại như vậy, Đức Phật Ngài cũng chỉ rõ ra, Ngài cũng cho biết do lòng ham muốn của bản thân mình, ham muốn nhiều khổ nhiều, và Ngài cũng chỉ cho phương pháp tu tập rất rõ ràng, và  ngay trong hiện tại khi chúng ta áp dụng những cách thức này kết quả hiện lộ ngay tại chỗ đó.

Lấy ví dụ như sau, thái độ của một người Phật tử khi chưa tu thiền trước đây đã có những lỗi lầm, chưa biết như thế nào là giới, như thế nào là bố thí v.v... bây giờ mình giữ giới sám hối những điều đó. Người Phật tử bình thường ngay trong hiện tại chúng ta ngăn ngừa chặn đứng những cái khổ chưa sanh, chúng ta không để những bất thiện sanh khởi, và những gì mình đang phải gánh chịu do nhân quá khứ tạo thì mình kham nhẫn hoan hỉ chấp nhận, không vì đó mình tiếp tục sát sanh trộm cắp v.v...
Như vậy có phải là việc giữ giới của mình nó làm hai phận sự ngăn ngừa ác pháp chưa sanh và có thể giải quyết được những khó khăn ngay trong hiện tại, khi mình tiếp tục giữ giới như vậy và làm từng bước từng bước mình làm tới đâu kết quả sẽ hiển lộ rõ ràng ngay tại đó, kể cả trong việc giữ giới thôi cũng cho được khía cạnh thiết thực hiện tại nói gì đến việc tu tập của một hành giả trong việc tu tập thiền chỉ và thiền quán.

Bây giờ mình đừng bận tâm nhiều đến những gì mình đã làm bởi vì khi mình nghĩ đến những chuyện đó cũng không lợi ích gì, nhân đã tạo chúng ta không thể nào thay đổi được. Chúng ta chỉ có thể thay đổi được là chúng ta chấn chỉnh ngay trong hiện tại, trong quá khứ mình đã tham sân si mình đã tạo những ác nghiệp về thân khẩu ý ngay trong hiện tại mình thay đổi thái độ tâm của mình đi đứng nằm ngồi có chánh niệm tỉnh giác v.v... thì như vậy mình chặn đứng được cơ hội sanh khởi của ác bất thiện pháp, đồng thời chấp nhận trả quả khổ mình đã tạo nhân trong quá khứ ngay trong hiện tại không làm cho lớn chuyện hơn.

Như vậy trong thái độ tu tập kể cả từ việc giữ giới cho đến việc chuyên tu thiền chúng ta thấy đều có hiển lộ khía cạnh này. Điều này rõ ràng, rất xác thực.

 Đức Phật Ngài chỉ trả lời những vấn đề thiết thực hiện tại đây là khổ, đây là nguyên nhân sanh khổ, đây là con đường và đây là sự chấm dứt, khi mình bước đi tới đâu thì nó sẽ có sự hiển lộ đến đó rất rõ ràng. 

 Và đến khi nào chúng ta từng bước tu tập quán xét về khổ, về nguyên nhân sanh khổ, và tu tập đạo đạt đến nơi an toàn, mình sẽ tự hiểu những câu hỏi những sự thắc mắc của mình trước đây nó không có lợi ích gì, cho dù có thể mình biết được hơn những điều trước đây mình chưa biết nhưng mình cũng sẽ tận hiểu ra một điều là những vấn đề đó thật ra cũng không liên quan gì đến mình và nó không thiết thực hiện tại, nó không thể giải quyết được những vấn đề mình đang cần, mình đang bị.

Ở đây cũng như vậy, thế giới này thường hay vô thường, hữu biên hay vô biên v.v... vấn đề đó thật ra không liên quan gì đến mình, chính vì vậy Đức Phật Ngài không trả lời những câu hỏi này, Ngài chỉ đưa ra những lời khuyên những câu trả lời xác thực có lợi ích thiết thực hiện tại chúng sanh phàm phu có thể nghe hiểu được một cách rõ ràng, và trong phạm vi khả năng của chính bản thân mình.

 Đối với việc tu tập, khi người Phật tử học pháp và nghe pháp nhiều cộng thêm sự thực hành, bước đi từng bước, từng bước, nhất là trong việc tu tập nội tại thì từng bước đi của mình tới đâu sẽ có câu trả lời rất rõ ràng ngay tại điểm mình đặt chân đến, cũng giống như một người đi trong đêm tối không biết phương hướng, không biết bây giờ phải đi đâu, đường ra ở chỗ nào, và chừng nào mình sẽ đi ra khỏi nơi này. Mình đừng hỏi những câu đó và cái mình biết rất chắc chắn là những bước đi của mình ngay trong hiện tại đang có một ánh đèn cầm trên tay giúp cho mình ngay trước mắt không bị vấp đá, không đạp vô sình lầy, không bị vướng vào những chướng ngại như vậy là tốt lắm rồi. Đến khi nào đó khi mình đã đặt chân đến nơi nào đó rồi mình nhìn lại quãng đường mình đi và những hoài nghi những băng khoăng thì lúc bấy giờ mình sẽ hiểu ra được là những câu thắc mắc của bản thân mình trước đây đều không có lợi ích, bởi vì có trả lời đi nữa ngay trong thời điểm đó cũng không được gì cho bản thân mình. 

Đó là ý nghĩa của phân đoạn thứ ba chúng ta học của bài pháp ngày hôm nay. 

- Đức Phật Ngài không trả lời những câu hỏi vượt ngoài sức hiểu của phàm phu là điều thứ nhất. 

- Thứ hai, nó không có lợi ích, không liên quan gì đến mình, Ngài chỉ trả lời những câu hỏi về những pháp tu tập thiết thực giúp cho chúng ta ngay trong thời điểm chúng ta đang đi, những khó khăn đang phiền não thì mình hãy thoát ngay trong hiện tại, đang khổ bây giờ mình phải làm sao và như vậy nó sẽ có lợi ích thiết thực rõ hơn. 

Và có từng bước như vậy  đến một lúc nào đó mình mới đi được đến nơi cuối cùng bởi vì tất cả những vấn đề này thuộc về phạm vi tự thân phải tu tập mỗi bản thân của mỗi người phải áp dụng để thực hành chứ mình không ngồi suy nghĩ mà giác ngộ được. Mình không ngồi suy nghĩ được cảnh giới Niết-bàn như thế nào, mà mình phải tu tập để có thể chứng ngộ chuyện đó, chỉ khi nào mình đi trên con đường đó thì mình mới đến được nơi đó. 

Đó là phần trình bài đoạn 3 của bài kinh ./.

Xem tiếp phần IV

Kinh Potthapàda - Phần IV - Ba Thứ Ngã Chấp và Sự Hiện Hữu - TT Giác Đẳng

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
9. Kinh Potthapàda [bản ngã và linh hồn]

Phần IV: Ba Thứ Ngã Chấp và Sự Hiện Hữu

TT Giác Đẳng giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma, phần IV, ngày 24-8-2019.

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Cuộc đàm luận của Đức Phật và Potthapàda chúng ta đã thảo luận được 3 phần, hôm nay nói phần cuối của một cư sĩ tên Citta là vị huấn luyện voi, vị này về sau xuất gia.

Ở đoạn đầu bài kinh, nói về cư sĩ Citta nêu lên câu hỏi: “trong ba ngã chấp là   thô phù ngã chấp (chấp ngã lả tự thể vật chất) , ý sở thành ngã chấp (chấp ngã là thành phẩm của tư duy) ,  vô sắc ngã chấp  (chấp linh hồn phi vật chất) phải chăng khi cái nầy có thì hai cái kia không có?  

Chữ thô phù ngã chấp là mình tự nhận cái gì thuộc về ngoại hình "Tôi" là người đẹp, "Tôi" là người sang trọng bởi vì "Tô"i đi chiếc xe mắc tiền sang trọng, "Tôi" là người thời trang bởi vì "Tôi" mặc quần áo hàng hiệu". Ở đây "Tôi" là thô phù chỉ cho cái gì đối lập với cái gì của tâm thức.

Trường hợp, trong đời sống chúng ta, mình chụp một tấm hình đẹp hay mình có một tướng cách như thế này diện mạo thế kia, mình nhận đó là "Tôi". Cái "Tôi" đó thuộc về thân xác, thuộc về vật chất , cái "Tôi" đó thuộc về thô.

Có một cái "Tôi" và cái "Ta" khác gọi là bản ngã liên quan đến ý sở thành. Ví dụ, như "Tôi là một người thông minh", chúng ta nói về sự nghiệp, chúng ta nói về thế giới mình sống, "Tôi là một nhà thơ, tôi là một nhà văn", thì tất cả điều đó là ý sở thành. 

Ý sở thành ở đây tức là sự nhận thức của tâm thức thế giới ở trong đó do tâm biến hiện. Thường là những người chấp vào ý sở thành có hơi trội hơn thay vì chỉ chấp vào diện mạo hay chấp vào xe mình đi, quần áo mình mặc, thì người này lại chấp vào "Tôi" là một nhà thơ có những thi phẩm để lại cho đời hay "Tôi" là một nhà chính trị được quần chúng ủng hộ v.v... những cái đó là một thế giới riêng, thiên địa biệt hữu, một thế giới riêng trong đời này, và trong thế giới riêng đó mình cảm nhận "Tôi" là như vậy, nó đủ tất cả mọi thứ về nhân ngã bỉ thử, mọi thứ về hơn thua v.v......
vô sắc ngã chấp. Còn có một cái "Tôi" nghĩa khác, "Tôi" là một cái gì thuộc về linh hồn, cái đó không thuộc về vật chất, không thuộc về thân, nó là cái gì hằng cửu và nó thuộc về tưởng, tâm thuộc về tưởng về nhận thức, rất là khó xảy ra. Và với 3 điều này, Citta hỏi Đức Phật: Phải chăng khi mình có cái này thì không có cái kia, thí dụ mình nói:

-  "Tôi là một người đẹp"

Thì chấp bản ngã chúng ta chính là ở thân xác chứ không phải là ở linh hồn.

Nếu chúng ta nói cái "Tôi là ở linh hồn" thì chúng ta không chấp vào bản ngã là thân xác. 

Thì Đức Phật Ngài dạy là đúng như vậy, khi cái này có mặt thì cái kia không có tại vì cái ngã có trọng điểm nào đó khi nói về "Tôi" mình đặt trọng điểm ở tại đó. 

Về việc này cũng dễ hiểu, trong mỗi cuộc sống đôi khi người ta có những ưu tiên, thí dụ như ở tuổi nào đó người ta có ưu tiên về ngoại hình, ở tuổi nào đó người ta ưu tiên về sự nghiệp, ở tuổi nào đó người ta ưu tiên về tâm tính, mình thấy rất rõ, hay ngay cả trong một ngày nhiều khi chúng ta có thô phù ngã chấp, rồi nhiều khi chúng ta có ý sở thành ngã chấp, có nhiều khi chúng ta có vô sắc ngã chấp. Nhưng khi có cái này thì không có cái kia.

 Đây là điểm vô cùng thú vị, bởi vì chúng ta khi vầy khi khác nên cái ngã đó là một cái ngã mơ hồ, cái ngã đó là cái ngã huyển hoặc, cái ngã đó là không có thật. 

Tại vì sao chúng ta khi vầy khi khác?

Tại vì chúng ta có mặt trong nhiều cảnh giới khác nhau. 

Và ở đây, Đức Phật Ngài lại nêu lên về vấn đề thời gian là mình có mặt trong quá khứ, có mặt trong hiện tại, có mặt trong tương lai. Điều này có nghĩa là một vị Sadi lớn lên làm Thượng Tọa, rồi sau này làm Hoà Thượng, thì nói vị Sadi đó là tu sĩ cũng phải, là Thượng Tọa cũng phải, là Hoà Thượng cũng phải, nhưng 3 cái đó khác nhau, lúc là sadi khác, là Thượng Tọa khác, là Hoà Thượng khác, nếu là cái này thì không phải là cái kia, nếu là cái kia thì không là cái nọ, như vậy cho chúng ta thấy cái tính mơ hồ, chúng ta nắm một cái, chúng ta chụp một góc gọi đó là "Tôi" là "Ta" thì thật sự nó không đúng, cái gọi là "Tôi" là "Ta" theo thường thức nó là một tổng hợp của một tiến trình ở trong đó có xấu, có tốt, có hay, có dở, có nặng, có nhẹ, có lớn, có bé, có lúc thành công, có lúc thất bại.

Nếu chúng ta nhìn thấy cái gọi là "Tôi" là một tổng thể của một tiến trình quá khứ hiện tại vị lai, tiến trình đó có khi là vật thể, có khi chúng ta nói là sự nghiệp, có khi chúng ta nói đến tâm thức, thì như vậy chúng ta thấy khái niệm về "Tôi" vốn là khái niệm rất mong manh rất giả hợp. Như trường hợp chúng ta nói đến sữa, sữa người ta lấy ra từ con bò con dê ban đầu, rồi từ sữa tạo ra curd là một loại giống như yogurt, rồi từ curd tạo ra bơ, rồi nó có một loại chất sánh lại chúng ta gọi là cheese hay còn gọi là pho mai, nói chung chúng ta gọi là dairy product. Thì mặc dầu tất cả là từ sữa nhưng pho mai không phải là sữa, curd không phải là sữa, cheese không phải là sữa, bơ không phải là sữa nhưng nó là sản phẩm của sữa trong từng giai đoạn. Thì như vậy đó là sự chuyển hóa sự thay đổi, đó là sự đắp đổi từ dạng này qua dạng khác, điều này khiến cho chúng ta dễ có những ngộ nhận, bởi chúng ta nghĩ rằng nó đi từ lúc này sang lúc khác, nhưng mỗi thứ đều khác như chúng ta thấy bơ không giống như phô mai, sữa không giống phô mai nhưng tất cả đều từ dairy product nó đến từ một tiến trình.

Trong kinh điển Phật giáo thời xa xưa Đức Phật Ngài đề cập đến giáo lý duyên khởi, giáo lý duyên khởi là một cái gì rất khó hiểu thời bấy giờ, giáo lý duyên khởi mình nhìn thấy là một không phải, mà là hai cũng không phải, chúng ta nói là một là hai cũng không phải mà nó là cùng trong một tiến trình, và nếu chúng ta nhìn kỹ hơn thì nó đúng là một sự kết cấu của nhiều cái. 

Như khi người ta quay phim, bây giờ trong digital gọi là frame, bao nhiêu cái frames thí dụ 30 cái frames trong một giây thì tạo thành hình di động. Một cuốn phim ở Hollywood quay hồi xưa là do nhiều bức hình được chiếu liên tục chiếu nhanh tạo nên một hình thể di động, hình thể di động đó chúng ta gọi là di động nhưng thật sự chỉ là do chiếu nhiều trên một loạt ảnh và những tấm hình đó liên tục làm cho mình có cảm nhận nó di động, đó là một sự khám phá của loài người. 

Thì đời sống của chúng ta cũng vậy, đời sống của chúng ta vốn là một sự kết nối của nhiều tiến trình sanh diệt, Đạo Phật gọi là giáo lý duyên khởi, thành ra không hiểu giáo lý duyên khởi mà chấp thì đã sai mà nói thì càng sai, nói rằng "Tôi" ở trong quá khứ và "Tôi" bây giờ là một thì sai mà nói là hai cũng sai, tại vì cùng là một tiến trình.

 Bài học này đi vào 3 yếu tính quen thuộc và tìm thấy trong đạo Phật.

1 - Yếu tính thứ nhất, tất cả sự hiện hữu là một tiến trình kết nối của sanh diệt là một giòng chảy.

2 - Thứ hai, nếu chúng ta lấy một phần nào đó trong cuộc đời mình mà gọi  là "Tôi" là "Ta" thì hoàn toàn sai. Ví dụ, nhà diễn thuyết nổi tiếng về triết học và tinh thần, ông Krishnamurti khi còn là một đứa bé cũng đúng mà cũng sai tại vì khi là đứa bé thì ông chưa có tư tưởng triết học, sau đó ông Krishnamurti được mời làm hội trưởng hội Thông Thiên Học thì cũng phải, và sau này ông lại có tư tưởng khác, thì tên gọi Krishnamurti là tổng hợp có lúc vầy lúc khác, có khi này khi khác, mình nắm có một thời điểm một mảng đời nào đó, một giai đoạn nào đó mình gọi là nhà triết học Krishnamurti thì hoàn toàn sai, đây là một điểm rất là khó ở trong kinh điển của Phật Pháp.

3 - Thứ ba, điều này liên quan đến đời sống của chúng ta khi nói cái "Tôi" ở quá khứ, "Tôi" đã từng vinh dự như vậy, Tôi" đã từng nhục nhã như vậy, "Tôi" đã từng khổ đau như vậy, và bây giờ khi mình nghĩ lúc đó người ta đã chửi "Tôi", người ta đã hạ nhục "Tôi", người ta đã mắng "Tôi", "Tôi" đã phiền não. Lúc đó là mình phiền não bởi cái "Tôi" của quá khứ, mặc dầu hiện tại thì không có nhưng cái "Tôi" nằm ở quá khứ, mà cái "Tôi" nằm ở trong tương lai, mai mốt "Tôi" sẽ trở thành cái này, "Tôi" sẽ trở thành cái kia. Thật ra cái khó trong kinh sách của Phật Pháp không phải là ở chỗ điều Đức Phật Ngài dạy khó hiểu mà cái khó là dựa trên kinh nghiệm của đời sống chúng ta, chúng ta vốn dĩ thường chấp đây là "Tôi", đây là của "Tôi", đây là "Tự Ngã Của Tôi", bây giờ nói cái chấp đó không đúng tự nhiên mình nghe khó chấp nhận. 

Nhưng kỳ thật, trong kinh đưa ra rất nhiều thí dụ, như bài kinh Tệ Túc trong Trường Bộ Kinh, Ngài Kumàra Kassapa đưa ra 2 thí dụ chúng ta nên suy ngẫm:  

1 - Thí dụ thứ nhất. Có một người cầm cái tù và làm bằng vỏ ốc lớn thổi lên âm thanh thì một người khác thấy vậy tìm cách lấy cái tù và đó và đập bể nó để xem âm thanh nằm ở chỗ nào, nhưng khi đập nát cái tù và kiếm không thấy âm thanh, tại vì âm thanh đó vốn là một sự kết hợp giữa hơi thổi vào cái tù và, và có người thổi, biết cách thổi, có hơi thổi xuyên qua cái tù và mới tạo thành âm thanh, nếu chỉ vì muốn kiếm âm thanh mà đập cái tù và ra thì mất đi yếu tố tạo thành âm thanh và không thể tìm âm thanh như vậy. 

2 - Thí dụ thứ hai. Ngài Kumàra Kassapa kể: có một thiếu phụ là vợ lẽ cho một gia đình giàu có, sau đó người vợ và người chồng giàu có đó chết, bấy giờ người ta quy định một thời gian nào đó nhất định để họ chia của, người vợ nhỏ mới nói với những người trong gia tộc là "khoan chia của tại vì tôi đang mang thai, nếu mà qúi vị chia của sớm quá nếu tôi sanh ra con trai thì đứa con trai này phải hưởng phần lớn của tài sản thì đứa con trai đó sẽ thiệt thòi",  nhưng người ta nhất định không đợi, thì thiếu phụ này tự mình mổ bụng để lấy đứa con trai ra thì đứa con trai đó chết và bà cũng chết, tại vì ý tưởng để xác minh đó là đứa con trai cách đó là không đúng cách, đứa con trai đó phải sanh ra đúng thời gian thì đó mới là một đứa con trai thật sự được quyền thừa hưởng gia tài hay không.

Ngài  Kumàra Kassapa đề cập đến 2 thí dụ để nói nên tại sao có những người làm thiện họ không tự nguyện chết để được sanh về cõi trời, Ngài nói như vậy nhưng ở trong đó chúng ta cũng hiểu qua một cái nhìn khác với thí dụ này là một người như thế này người như thế kia phải hội đủ nhiều yếu tố,  không đơn giản một yếu tố mà có được,  ví dụ như tiếng âm thanh của tù và hay là một đứa nhỏ nhận được tài sản nó phải đúng thời đúng lúc và phải đúng cách. 

Giống như trong câu thơ:

-  "kinh sách đốt không tìm ra Xá Lợi, mà chân ngữ xưa vùi dưới lớp tro tàn". 
"Kinh sách đốt không tìm ra xá lợi mà chân ngữ xưa vùi dưới lớp tro tàn"  lời kinh đẹp không phải đem đốt rồi mình đem cúng, đúng ra, những cao siêu trong kinh phải được đọc phải được ngẫm mới tạo thành chân ngữ tạo ra những ý tưởng cao qúi, chứ nếu mình đem ra đốt thành tro rồi làm thuốc uống thì không lãnh hội được ý kinh.

Trong kinh Phật qua lời dạy của Đức Phật lý duyên sinh hay duyên khởi là những pháp sanh ra do nhân do duyên, diệt cũng do nhân do duyên. Và nhân duyên đó từ sát na này sang sát na khác, từ năm tháng này sang năm tháng khác kết thành một tiến trình và trong tiến trình đó chúng ta gọi "Tôi là như vậy"  "Ta là như vậy" nhưng quả thật mình gọi hai cũng không đúng, gọi một cũng không đúng. Như một đứa nhỏ sau này lớn lên là vị tổng thống tuy rằng một người, nhưng không thể gọi là một được tại vì đứa nhỏ tâm thức và thể xác hoàn toàn khác và khi lớn lên làm Tổng Thống tâm tính và thân xác hoàn toàn khác, nhưng mình gọi là hai không được, nói cách nào cũng sai hết.

Như vậy ý nghĩa đoạn cuối bài kinh Kinh Potthapàda cho chúng ta biết nhận thức của chúng ta về ngã, về "Tôi" là ai, "Ta" là ai, vốn thường dựa trên 3 thứ:

1 - Thô phù ngã chấp: là dựa trên vật thể như ngoại hình, như trắng đen, mập ốm, tốt xấu, đi xe này, mặc quần áo kia v.v... chúng ta gọi vật thể.

2 - Ý sở thành: tức là sự nghiệp, về những gì tạo nên thế giới chúng ta đang sống, tôi là người thành đạt, tôi là người làm chính trị được quần chúng ủng hộ, tôi là người cao sang v.v.... 

3 - Vô sắc ngã chấp, hay là thuộc về tâm thể. Về tâm thể thì mình chấp vật chất thì nó không tồn tại, nhưng chúng ta có một bản ngã về nhận thức (saññā), nhận thức đó tồn tại. 

Đức Phật dạy tất cả pháp do nhân mà sanh, do duyên mà sanh, do duyên mà diệt. Đặc biệt nếu mình nhìn lại thì nó có cái này không có cái kia, và ở trong quá khứ nếu nhận "Tôi" đã từng có trong quá khứ như vậy  thì chẳng lẽ cái đó nó không còn nữa thì mình không còn. Hay là ở trong tương lai tôi là như vậy đó, chẳng lẽ bây giờ tôi không có. Thí dụ như mình nghĩ  trong câu chuyện "chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng" là một người đi học nghĩ rằng mình đỗ làm trạng nguyên hay thám hoa rồi dọa nạt hàng xóm nhưng thật ra đó chỉ là ảo tưởng thôi. Ở trong tương lai "Tôi" là như vậy, trong hiện tại "Tôi" không là như vậy, nhưng hiện tại không là không có nghĩa một chúng sanh nào đó không có mặt và vì vậy nó tạo nên một giả danh, một tên gọi cho một cuộc đời làm ngã chấp thì đó là một chuyện sai. Đức Phật Ngài dạy bản thân của Ngài vẫn dùng những từ ngữ "Tôi", "Ta", "Như Lai" nhưng Ngài không nhận qua cái nhìn của ngã chấp. 

Chúng tôi nhớ câu chuyện rất cổ điển, nói là cổ điển ở đây là ở trong chùa ở đây là nói nhóm Vi Diệu Pháp, Thầy của chúng tôi đó là HT Tịnh Sự, một lần Ngài kể chuyện về Ngài Jotika một vị cao tăng từ Miến Điện sang dạy A Tỳ Đàm tại Thái Lan,  nhân một lần Ngài tới một nhà cư sĩ giảng về giáo lý vô ngã, gìống những điều chúng tôi giảng nãy giờ: 

- "Tôi là cái này tôi là cái kia nhưng thật sự nó chỉ là ảo giác và cái tôi đó không thật sự ,thành ra mình nên quán tưởng đây không phải của "Tôi", không phải là "Tôi", không phải tự ngã của "Tôi".  

Sau khi giảng xong Ngài đứng dậy, một người cư sĩ chỉ vào cái đãi còn gọi là cái dèm mà Chư Tăng thường đeo, và hỏi 

- "Cái dèm này của vị nào?"

 Ngài trả lời

- "Nó của tôi"

Thì vị cư sĩ nói rằng:

- "Sao lúc nãy Ngài nói rằng không phải của "Tôi", không phải là "Tôi", không phải tự ngã của "Tôi", bây giờ Ngài lại nói là của "Tôi"

Thì Ngài nói "Đó là nói theo thường thức, còn nếu nói theo chân đế thì nó khác." 

Và ở đây, tạo cho chúng ta 2 thế giới, một là thế giới của tri thức và một là thế giới thường tình mà chúng ta nói là nói cho cùng, nói cho tận, nói một cách tuyệt đối. Thì 2 thế giới đó, hai cảnh giới đó có hai ngôn ngữ khác nhau. Đức Phật Ngài vẫn thường dùng ngôn ngữ tục đế ngôn ngữ của thường tình nhưng ở trong ngôn ngữ Ngài xưng là "Như Lai" thì Ngài không chấp có cái ngã. Chúng tôi biết có một vài vị tu sĩ cố gắng để tìm cách giải thích về cái gọi là cái ngã qua lời dạy của Đức Phật "Ta là nơi nương tựa của ta, không ai thương ta hơn mình" rồi có câu nói "Thiên thượng thiên hạ, Duy ngã độc tôn v.v.... nhưng thật ra, cách nói đó là một cách nói xuyên tạc lời Đức Phật dạy, chúng ta đọc kỹ câu này ở trong bài kinh này thì Đức Phật Ngài nói rất rõ Ngài cũng dùng những danh từ của thế thường như vậy nhưng Ngài không có chấp cái ngã trong đó.

 Đối với nhiều người khi luận bàn về ngã, về đây là "Tôi", đây là "của Tôi",  đây là "Tự ngã của Tôi" mang tánh cách triết học và mang tánh cách như tranh luận.  Nhưng kỳ thực đối với một người tu tập thì điều đó là bước đầu để chúng ta thực hành khả năng buông xả.

 Ngài Xá Lợi Phất Ngài dạy nếu có ai chửi mắng thì mình nhớ rằng lời chửi đó là âm thanh, cái nghe đó là nhĩ căn, biết đó là âm thanh là nhĩ thức, sau đó ý suy nghĩ ở trong đó không có "Tôi" không có "Ta".

Trái với nhiều người suy nghĩ rằng mình có ngã chấp thì đời sống mình hãnh diện, mình thấy là mình có, mình thấy "Tôi" như thế này, "Tôi" như thế kia. Nhưng trong cái nhìn một góc cạnh khác của Phật học thì chính cái nhìn đó làm cho chúng ta đau khổ, hầu hết tất cả những đau khổ của chúng ta đều đến từ ngã chấp, và nó là vết thương do có một mũi tên bắn vào, Đức Phật Ngài dạy chúng ta nên nhổ mũi tên đó thay vì chúng ta lo tìm hiểu do đâu và ai đã bắn mũi tên. 

Thì tại sao Đức Phật Ngài khuyên chúng ta nên nhìn cuộc sống bằng góc cạnh của đau khổ, như Đức Phật dạy rằng "Như Lai dạy về sự khổ", khi mình nhìn bằng góc cạnh của đau khổ thì mình thấy rằng vấn đề chính là giải quyết đau khổ không phải là vấn đề tranh luận là có cái "Tôi", mình bớt đi sự đau khổ. 

Chúng tôi lấy một ví dụ là con người chúng ta ai cũng có được khen hoặc bị chê, và khi người ta khen mình bằng lời đãi bôi, không thật, nhưng mình cũng cảm thấy nở mũi cảm thấy hạnh phúc, nhưng thật ra lời khen đó hư ảo, người ta khen được thì người ta chê được, khi người ta khen khi người ta chê cái gọi là "Ta" thì mình biết rằng có lúc cũng giỏi rồi nhưng cũng có lúc mình dở. Như vậy cái "Tôi" là cái dở, hay cái "Tôi" là cái giỏi, thật ra, nói cho cùng thì lời khen và tiếng chê đó chỉ là cái gì hư ảo là hư danh, và nếu là hư danh mình không nên khoát vào, mình càng nặng lòng thì mình càng khổ. 

Trong đời sống của chúng ta hơn thua nhau một chút, hơn thua nhau một lời, hơn thua nhau trong một khoảnh khắc nó làm cho chúng ta khổ trong nhiều năm tháng. Chúng tôi có nghe một người thống trách giận một người khác vì đã làm việc gì đó xúc phạm đến họ mặc dù người kia bây giờ đã chết vài năm rồi nhưng người này vẫn còn nhắc vẫn còn nhai đi nhai lại và vẫn còn phiền còn giận. Chúng ta thấy một điều với một người học Phật hiểu Phật Pháp thật sự thì người đó đủ khả năng để cảm nhận rằng ngã chấp khiến  chúng ta đau khổ hơn là cho chúng ta được niềm vui, cái đó là cái mình phải thấy đầu tiên.

Nói chung là chấp  thân kiến thấy "Tôi" là thế này, "Tôi" là thế kia mình nói hay lắm, nhưng kỳ thật ở trong thế giới của người tu tập những điều đó là những vết thương, và những vết thương đó sẵn sàng làm cho mình nhức nhối, làm cho mình đau,  làm cho mình dễ dàng bị tấn công, dễ dàng bị xúc phạm, bị tổn thương. Khi mình đặt mình vào sự dễ dàng bị đau bị tổn thương, và mình bị đau, bị tổn thương thì đó là lỗi của mình, nhưng mình không nhận được đó là tại vì sở chấp.

Nên chi một góc nhìn khác của Phật Pháp vấn đề không phải mình đánh bóng cái "Tôi" cái "Ta" của mình, mà vấn đề là làm sao giải quyết sự đau khổ của cuộc sống. Người ta khen đáng cho mình hãnh diện thì không biết mình hạnh phúc bao nhiêu nhưng chắc chắn nếu mình vui khi người ta khen mình thì lại rất phiền não, khi người ta chê mình và cái phiền não người ta chê mình là cái giá quá đắc. 

Cụ Nguyễn Công Trứ có câu thơ" Kiếp sau xin chớ làm người, Làm cây thông đứng giữa trời mà reo". Tại vì sống giữa danh lợi gót danh lợi bùn pha sắc xám có bao nhiêu là hơn thua bao nhiêu tranh chấp, đời sống con người mệt mỏi quá chỉ muốn làm cây thông đứng giữa trời mà reo, đó là một cuộc chạy trốn đời sống, tại sao mình chạy trốn cuộc sống? tại vì mệt mỏi quá.

 Đức Phật Ngài không dạy chúng ta chạy trốn cuộc sống, Ngài dạy chúng ta nhìn thấy nó là hư ảo, nếu mình vui được  khi người ta khen thì mình sẽ rất khổ khi bị chê, nếu mình vui được khi giàu có thì mình rất khổ khi bị nghèo, nếu mình vui được khi còn trẻ, mình rất buồn khi mình già. Trong kinh Phật dạy chúng ta nên thường quán mình không thể trẻ mãi rồi có lúc phải già, mình không thể khỏe hoài có lúc mình sẽ mệt, mình không thể sống hoài có lúc mình sẽ chết, mình không thể mãi mãi sống với những người thân yêu mà mình phải chịu cảnh sanh ly tử biệt chia cách với người thân của mình, và mỗi chúng ta có nghiệp riêng của chính mình. Những quán tưởng có tánh cách cân phân là có lúc này, có lúc khác, làm cho tâm của chúng ta nhẹ nhàng, tâm của chúng ta bớt chấp thủ bớt khổ.

Một câu chuyện Đức Phật Ngài dạy trong kinh. Đức Phật có lần hỏi chư Tỳ kheo rằng:

- Này chư tỳ kheo những người quét lá rụng lá vàng ở trong sân chùa Kỳ Viên đem đốt các Thầy có buồn không? 

- Bạch Đức Thế Tôn không, 

- Tại sao không? 

- Tại vì chúng con không nghĩ nó là của ta là tự ngã của ta.

Thì ở đây, Đức Phật cũng dạy tương tự như vậy. 

Đối với chúng ta 3 ý niệm: "Ta" là "của Ta" là "tự ngã của Ta" hạnh phúc thì ít mà khổ thì nhiều, khổ vô tận, đau vô tận, tại vì nó đụng đến cái của "Ta". Một cái ghế để lăn lóc ở sân chùa không ai quan tâm đến nhưng có người lấy đem đi tự nhiên mình giận ai ăn cắp, ai lấy của chùa, mình phiền não "của tôi" "của ta". Cái này rất khó hiểu trong đời sống nhưng chúng ta trả giá cho cái đặng, cái được, cái vui, cái hạnh phúc, Ngài Buddhaghosa nói hạnh phúc đó giống như chó phản chủ, tức là chó quay lại cắn chủ, có những niềm vui nó quay lại cắn mình, niềm vui đó là niềm vui khi hãnh diện cái gọi là "Tôi" "của Tôi" là "tự ngã của Tôi" nó quay lại cắn chúng ta thì chúng ta rất là đau ./.

Hết Bài Kinh Potthapàda