Thursday, March 7, 2019

Kinh Potthapàda Phần II - [bản ngã và linh hồn] - TT Giác Đẳng

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
9. Kinh Potthapàda 
Phần II - [bản ngã và linh hồn]

TT Giác Đẳng giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma, ngày 22-8-2019.

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Hầu như mỗi ngày chúng ta thức dậy những chuyện được mất hơn thua vui buồn đều liên hệ đến "của ta", "là ta", là "tự ngã của ta". Nếu chuyện cháy nhà tại California mà chuyện đó không liên quan đến người thân của mình thì mình rất dửng dưng, nhưng nếu tại đó có một người thân thì mình lo lắng tại vì có "của ta" ở đó. Một thí dụ ở Mỹ đang có hai thái cực là; có những người hoàn toàn không thích Tổng Thống Donal Trump và có những người thì sùng bái Tổng Thống Donald Trump như vị thần thánh nghĩa là bất cứ cái gì TT Donal Trump làm là đúng hết. Hai cực đoan đó trở thành vui buồn lẫn lộn hàng ngày của người Mỹ, sáng mở tin tức ra thấy có cái gì để binh vực hay chống đối TT Donal Trump thì người ta vui, buồn, đó là "người của tôi, tôi ủng hộ".

 Ngày hôm nay con người luôn luôn tìm một thẻ căn cước cho chính mình "tôi là ai". Đặt câu hỏi "tôi là ai", có 3 câu trả lời: 

1. Câu trả lời đầu tiên là bản ngã chính là xác thân của mình, cái gì thuộc về vật chất, cái gì có thể xúc chạm, có thể thấy được, thí dụ như ngoại hình là đẹp, là xấu, là thế này, thế kia v.v... thì cái đó là về vật chất. 

Về điều này, như hiện tượng ngày hôm nay ở Hàn quốc một xứ sở nổi tiếng về giải phẩu thẩm mỹ, cứ 10 người đàn ông thì 7 người đi giải phẩu thẩm mỹ, do kỹ thuật rất cao ngành này rất tiến bộ nên chi người ta có thể sửa khuôn mặt của mình qua nhiều hình dạng khác nhau như mình muốn. Có một bài hát VN tên là "Những gì còn lại" ở trong bài hát đó đã nói người ta sửa mắt môi rồi người ta thay cả tim óc, rồi mai mốt người ta thay luôn cả quá khứ, lúc đó mình nhìn thấy nhau không còn chân thật là mình nữa mà là những người xa lạ, bây giờ còn thật với nhau thì thương nhau đi mai mốt toàn là những người xa lạ. Thì điều này cũng là một ý nghĩa nói lên cho chúng ta thấy con người thường liên tưởng hay kết nối giữa ngoại hình của chúng ta, giữa vật chất của chúng ta, vật chất là sắc uẩn với cái gọi là "Tôi" là "Ta". Mình chụp một tấm hình nào đó mình nghĩ là đó là "Tôi" lúc mình đứng cười rạng rỡ, nhưng có ai chụp tấm hình mình xấu mình bỏ tấm hình đó đi. Thật ra hình xấu cũng là hình của mình, hình đẹp cũng là hình của mình, có điều mình thích hay không thích, mình thật sự nghĩ bản ngã có giá trị nào đó.

 Đức Phật Ngài dạy cái nhìn đó là sai, bởi vì có chuyện trớ trêu đó là có những người thương một người nào đó nhưng không sống chung được, ba bốn mươi năm sau gặp lại cũng người tên đó nhưng bây giờ tâm tính khác, dung mạo ở ngoài khác, thời gian thay đổi. Giống chúng ta nói về sữa, buổi sáng đến buổi chiều sữa chua rồi nhưng nó cũng vẫn là sữa. Thì ý niệm đầu tiên chúng ta nói tính thay đổi, tính giả hợp, và con người thì nghĩ "Tôi" là người thế này "Tôi" là người thế kia, "Tôi" là người đẹp là người cao, "Tôi" là một người thấp, "Tôi" là một người da trắng da đen v.v... nhưng  kỳ thật cái "Tôi" nếu gọi đó là cái "Tôi" thì nên biết cái đó có thay đổi. 

Ở trong một cái nhìn khác, bản ngã là tất cả cái gì thuộc về "Ý sở thành". "Ý sở thành" ở đây chúng ta nói đến một thế giới của mình, trong thế giới đó là tập hợp, chúng ta sống cho qua ngày, như chúng tôi và Chư Tăng sống trong chùa từ nhỏ cho tới lớn thì thế giới chùa là thế giới của mình, mình gọi nó là của mình, đó là chùa, kinh kệ đó, tượng Phật, Phật tử đó, đối với nhà Sư đó là thế giới của mình. Một người hoàn toàn xa lạ với thế giới đó, họ là người làm ăn buôn bán bên ngoài thì thương trường là thế giới của họ, có những người  làm chính trị thì ở trong thế giới chính trị tất cả những chuyện hơn thua bầu cử đắc cử thất cử v.v... là thế giới của họ. 

Thì phải chăng thế giới "ý sở thành" nó bao gồm cả vật chất và tâm tưởng là ngã?

 Đức Phật Ngài dạy thế giới gọi là "Ý sở thành" nó cũng hỗn độn và cũng thay đổi như thành phần vật chất của chúng ta. 

- Ý sở thành là Mano-pubbañgamā dhammā – mano. 

Thế giới vô sắc vô tướng là arupaloka alakkhana . 

Ở đây, chúng ta nói đến tâm thức người ta hay nói đến linh hồn, nhưng Đức Phật Ngài cũng cho chúng ta thấy nếu nó là cái ngã thật sự thì nó không thay đổi, nhưng cái gọi là thọ, tưởng, hành, thức, cái cảm thọ, cái tri giác của chúng ta thì nó vẫn thay đổi thường xuyên.

Chúng ta trở lại một câu chuyện rất cổ điển ở trong tác phẩm nổi tiếng của Phật Giáo, tác phẩm Milinda Vấn Đạo (Milinda Panha) vua Milinda hỏi Tôn Giả Nagasena (Tôn Giả Na Tiên): 

- Ngài tên là gì?

Ngài Nagasena trả lời

- Bần Tăng tên là Nagasena hay là Na Tiên

- Như vậy Na Tiên là chỗ nào? Tóc, lông, móng, răng, da v.v..., hỏi không chỗ nào là Na Tiên thì như vậy Ngài nói dối chăng?

Câu trả lời của Ngài Nagasena không trả lời là Ngài có nói dối hay không nói dối mà Ngài hỏi rằng:

- Hoàng Thượng đến đây bằng gì?

- Trẫm đến đây bằng long xa.

- Như vậy cái gọi long xa là chỗ nào? có phải cái mui xe là long xa không? có phải bánh xe là long xa không? có phải gọng xe là long xa không? hỏi không có chỗ nào là long xa hết thì như vậy Hoàng Thượng có nói dối chăng?

Đây là một câu chuyện cổ điển trong kinh Milinda Panha. Cái gọi là "Tôi" là "Ta" trước nhất là một sự tập hợp của nhiều thành tố, nếu chúng ta nêu một thành tố mà chúng ta nói là "Tôi" là "Ta" thì tự nó đã sai, sai từ ban đầu. Ví dụ, ngũ uẩn là sắc, tưởng, thọ, hành, thức mà chúng ta nói sắc uẩn là "Ta" hay thọ uẩn là "Ta" hành uẩn là "Ta" thức uẩn là "Ta"  cũng giống như khi chúng ta nói về cái xe, như cái xe của chùa chẳng hạn, xe của chùa là gì? bánh xe là cái xe, mui xe là cái xe, cái cản là xe thì nói như vậy nó không đúng, tại vì cái gọi là chiếc xe nó là một tổng hợp của nhiều thứ.

Một bức ảnh chụp trong một thời khắc ngắn ngủi, mình mặc thật đẹp đứng chụp hình đem về treo trên tường mình nói đó là hình của tôi, đó là tôi, không ai phủ nhận hết nhưng ở trên thực tế thì cái đó không phải là tất cả, tại mặt của mình không phải lúc nào cũng đẹp như vậy, mặt mình lúc nào cũng phải cười tươi như vậy, cũng duyên dáng như vậy. Con người mình có nhiều khuôn mặt, khuôn mặt ngái ngủ, khuôn mặt mới thức dậy, khuôn mặt đang giận dữ thì nếu gom lại để gọi cái nào là cái ta thì khó gọi lắm, tại vì mỗi cái nó khác nhau lúc này lúc khác, chúng ta chọn cái nào đẹp nhất mình gọi đó là "Tôi" nhưng thật ra nó không phải là tất cả, nó chỉ là một bức ảnh chụp trong một thời khắc nào đó vẻ mặt trang trọng, nó không phải là tất cả cái gọi con người của mình.

Rất dễ dàng để chúng ta rơi vào trong kiến chấp về vật chất, không có thời nào con người nặng về sở chấp qua vật chất thô phù, vật chất thô phù chỉ cho không gian về chiếm hữu vật chất, thí dụ như ngoại hình của mình, hay hoặc giả âm thanh của mình, hoặc giả một cái gì đó thuộc về sắc tướng. Chúng ta quên những điều đó chỉ có giá trị trong một khoản khắc và nó không bền vững. Chúng ta sẽ thay đổi và sự thay đổi mình không kiểm soát được. Chỉ riêng về con người mình không thể giữ mãi sự trẻ trung, có lúc chúng ta sẽ già, khi già cũng cho chúng ta hình ảnh khác.

Nhưng đa phần con người quan niệm "Tôi, Ta" nằm ở sắc uẩn nhiều, nằm ở vật chất nhiều, cái thân do cơm bánh nuôi tạo ra, cái thân chúng ta hay chụp hình, cái thân chúng ta có thể trao chuốt cho nó quần là áo lụa, và đôi khi một ảo giác của chúng ta đó là mình là một người đeo một cái đồng hồ đắc tiền mặc bộ đồ rất sang thì đó cái "Tôi" được tôn vinh lên như vậy là "Tôi" tốt "Tôi" đẹp.

 Thật ra, nếu chúng ta đọc kỹ ở tại đây sắc uẩn hay thân thể hay về vật chất nó không phải tất cả thuộc về thân, thì có những người lại sống miên man trong một thế giới ý sở thành (manomazo). Ý sở thành nghĩa là gì mình sống hụp lặn ở trong một thế giới như một nhà thơ thì có thế giới của thi ca, làm chính trị thì có chính trường, làm văn hóa thì nhìn khác một bác sĩ một y sĩ thì nhìn thế giới có khác, mà trong thế giới đó có cao, có thấp, có cách thế này, có cách thế khác, mình đặt để là "Tôi" ở trong vị trí nào đó tuy nhiên điều đó cũng không có nghĩa là tất cả.

 Có một lần chúng tôi đi với một vị HT đi công việc, khi ra ngoài phi trường không biết HT đeo cái gì ở trong người làm cho nhân viên phi trường xét rất kỹ, sau đó ra ngoài HT bực bội nói: "Bên Mỹ này họ không biết gì về già trẻ hết, mình là ông cụ già làm sao khủng bố được, mình là ông thầy tu làm sao khủng bố được v.v... và cách họ xét làm cho mình rất là khó chịu". HT nói như vậy, tại vì chúng tôi biết HT ở chùa là vị HT trưởng lão có đệ tử đông, lúc nào người ta cũng kính trọng, lúc nào người ta cũng đối xử cung kính, ra phi trường gặp nhân viên phi trường xét thì khó chịu lắm. Nhưng kỳ thực HT đang sống ngoài thế giới của mình nên thấy khó chịu. Do đó người ta thường hay trở về trong tháp ngà ở trong thế giới riêng tư của mình, tại vì ở trong thế giới đó chúng ta có thể bơi lội nhởn nhơ giống như thế giới thuộc về mình nhưng kỳ thật cảnh giới đó không thuộc về ai hết, không có cảnh giới nào thuộc về ai. Như chúng tôi thưa với qúi Phật tử là chúng tôi sống trong ngôi chùa bất quá thì chùa là chỗ quen thuộc thôi chứ ngôi chùa không phải là tất cả thuộc về của mình, mà ngôi chùa có sự tồn tại riêng, có sự vận hành riêng, nhưng mình quen sống ở trong một thế giới của quen thuộc, thế giới của tư duy.

- Điều thứ ba, khi con người không tìm thấy một sự ổn cố thật sự, một sự ổn định thật sự ở vật chất mới nghĩ ra như vậy ngã là linh hồn, chính cái ngã là tri thức là tri giác, chính cái ngã là phần nội tâm, chính tâm thức là ngã. 

Nhưng với Đức Phật Ngài dạy, tự tâm thức có bốn thành tố đó là cảm thọ hay thọ uẩn, nhận thức như khi từng trải gọi là tưởng uẩn, sự lựa chọn phân biệt thiện ác, phân biệt cái này cái kia gọi là hành uẩn, và sau cùng các giác quan như thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng gọi là thức uẩn, thì đối với Đức Phật cả bốn  thọ, tưởng, hành, thức đều là giả hợp đều là vô thường.

 Nếu chúng ta nhìn cho rõ, nhìn cho kỹ, nhìn cho khách quan thì nó cũng vậy và chúng ta bám víu một thí dụ nói là "Tôi buồn" thì chữ buồn đó là cảm thọ và cảm thọ đó chính là "Tôi", "Tôi" là cảm thọ, ở trong cảm thọ có "Tôi", có "Tôi" ở trong cảm thọ. Có người họ giận hoài cứ đem một chuyện gì đó nói người khác họ làm cho mình buồn lòng nhưng thực sự tại vì mình quá trung thành với một cảm giác, mình luôn luôn tin đó là cảm giác, đó là "Tôi", "Tôi" buồn. Về việc này rất khó để chúng ta hiểu nếu chúng ta không tu tập thiền Tứ Niệm Xứ, nếu chúng ta tu tập thiền Tứ Niệm Xứ mình dễ dàng nhận ra những cái gọi là vui, buồn, đau ốm, hay khổ lạc, tất cả đều là giai đoạn, tất cả đều là sanh rồi diệt, nó không tồn tại, và khi nó không tồn tại việc nắm níu là chuyện của mình, nhai đi nhai lại là chuyện của mình chứ thật sự vấn đề nó đã qua lâu rồi. 

Lấy một ví dụ, có ai đó cách đây 10 năm nói một câu làm cho mình rất buồn bây giờ nghĩ lại mình rất giận thì mình giận câu chuyện 10 năm, chúng ta thường giận như vậy nhưng hỏi bây giờ người đó đã chết, câu chuyện đã qua rồi và cái gì còn lại đó là sự bám víu của mình là mình hồi tưởng lại và trong hồi tưởng đó mình có giận dữ. Trong Cổ Học Tinh Hoa có một câu chuyện; một người được xem như có lòng tự trọng tự ái cao là một người có quyền chức nằm chiêm bao thấy một người đi vào trong nhà mạ lị mình nhổ nước bọt vào mặt mình rồi đi, thì người này tức tối, tại vì xưa này mình là người rất tự trọng ai cũng tôn trọng mình bây giờ có một người vào nhổ nước bọt vào mặt mình mạ lị mình rồi đi ra, bực quá thức dậy rồi giận người trong mộng, nhưng giận ai bây giờ, cái đó rất là khó bởi vì là một người trong chiêm bao nhưng rõ ràng chuyện đó mình có thấy, và do cái thấy mà mình nghĩ rằng "Tôi" đã bị mạ lị, bây giờ chỉ còn có một cách thôi là mình hãy nhìn đó là ảo giác chiêm bao không có thật, và cái "Tôi" cái "Ta" đó cũng không có thật, nó chỉ là chiêm bao.

Câu chuyện đó rất ví von một điểm là đời sống của mình giống như chiêm bao, những gì được mất hơn thua là một giai đoạn, sanh đó rồi diệt đó, rồi nó đi qua như nước chảy qua cầu, bây giờ mình nắm níu lại, mình đem nó sào đi sào lại, nhai đi nhai lại, đó là do níu kéo của mình nhưng không có nghĩa là mình níu kéo được quá khứ, không có nghĩa là mình thay đổi được quá khứ, hay không có nghĩa là mình có thể tô hồng chuốt lục làm mới lại quá khứ, không phải như vậy, tại quá khứ là quá khứ,

Ở đây, Đức Phật Ngài cho chúng ta biết cả ba ý tưởng vật chất chính là tự ngã cũng không đúng. Ngài không nói là hai cũng không nói là một. Như Ngài Na Tiên nói với vua Milinda cái gọi là long xa hay xe của vua là tổng hợp của mui xe của vành xe của bánh xe của niềng xe, bây giờ mình lấy bộ phận nào ra hỏi cái đó có phải là long xa không thì thật sự không thể nói được, nó là một phần của long xa nhưng nó không phải là tất cả long xa. 

Thì như vậy ngay trong cả sự hiện hữu đều có tính giả hợp hay tập hợp do kết cấu nhiều bộ phận nhiều đơn vị lại thì chúng ta gọi là nó, là xe, là tôi, là ta  nhưng kỳ thật thì nếu nhìn cho kỹ nó chỉ là sự kết cấu của nhiều bộ phận.

Chúng tôi nhớ có những buổi lễ qúi Phật tử đi chùa nói "Sư bữa nay làm lễ hay quá" nhưng khi nghe qúi vị kể cái mà qúi vị thích thì quả thật không có gì liên quan đến chúng tôi nhiều, hay tại vì bông hoa trên bàn thờ đẹp cũng do Phật tử nào đó, hay vì cảnh trang nghiêm Chư Tăng về đông nên trang nghiêm, hay là chương trình nhạc lễ trên chánh điện là vì do các Phật tử tập hợp lại, mọi người nghĩ tất cả do chúng tôi nhưng thật sự không phải, đó là sự kết hợp của nhiều thứ. 

Thành ra, khi nhìn thấy cuộc sống này trong cái gọi là giả hợp thì rõ ràng Đức Phật Ngài nói danh cũng như sắc, nói một cách cụ thể hơn là sắc uẩn, thọ uẩn, hành uẩn, thức uẩn là tập hợp của nhiều điều kiện, và mình cứ xem cái đó là "Tôi", cái đó là "tự ngã của tôi" thì trước nhất nó là ảo tưởng, và thứ hai nó làm cho mình khổ nhiều, khi nói:

 - "của Tôi" gọi là ngã sở.

- đây là "Tôi" là ngã chấp.

- và đây là "tự ngã của tôi" là mạn tùy miên. 

Thì mạn tùy miên đây là "tự ngã của Tôi" nó làm cho chúng ta có sự so đo với người khác, là mình bằng người khác, mình hơn người khác,

Ví dụ, mình mua bộ quần áo loại mắc tiền (đồ hiệu) mặc và đi ra ngoài đường rất hãnh diện, và hãnh diện với ai nếu mọi người đều mặc đồ hiệu thì mình không hãnh diện nhưng tại vì chỉ có mình mặc hay một vài người mặc  thì mình hãnh diện là mình đẹp hơn người khác, mình sang hơn người khác. Nhưng kỳ thật bộ đồ đó cũng không làm cho mình sang hơn, bộ đồ chỉ là bộ đồ thôi nhưng là ảo giác cá nhân của mình. 

Điểm này rất tế nhị khi chúng ta hiểu được tánh cách giả hợp, mình không đặt sở chấp của mình, ngã sở là của tôi, ngã chấp là tôi, mạn tùy miên có nghĩa là đây là tự ngã của tôi để có sự so sánh hơn thua kém đối với người khác. Và cả 3 cái đó đều dẫn chúng ta đến một hệ quả đó là khổ, mình cứ nghĩ là khi mình nghĩ cái này là "Của Tôi", tôi là "Tự ngã của tôi" mình sẽ sung sướng nhưng thật ra trong cái nhìn của Phật học qua lời dạy của Đức Phật chúng ta khổ rất là nhiều, chúng ta bị kẹt ở đó rất là nhiều, chúng ta bị kẹt giống như một người nằm chiêm bao bị người khác nhổ nước bọt vào mặt khi tỉnh dạy giận mà không biết giận ai.

Thì ở tại đây, điều Phật học dạy chúng ta không phải đặt vấn đề là ngã ở vật chất, hay là ngã ở linh hồn, hay là ngã ở trong thế giới sở tạo của tâm thức, mà ở tại đây là làm sao đối với tất cả những hiện tượng dù là sắc uẩn, thọ uẩn, hành uẩn, thức uẩn đừng có chấp thủ đây là của tôi, đây là tôi, đây là tự ngã của tôi.

Tôn Giả Rahula được Đức Phật nhắc đến nhiều lần là nên thấy tất cả, quán tưởng tất cả đây không phải là của "Tôi" không phải là "Tôi" không phải tự ngã của "Tôi", để làm gì? để mình có thể vượt ra ngoài những sự nắm níu sự cố chấp sở chấp của mình.

Câu chuyện chúng ta nói chân ngã là ở vật chất ở thế giới mình tư duy ,mình sống, hay ở nội tâm của mình, Đức Phật Ngài không dạy chúng ta đi tìm cái chân ngã đó. Thật ra có nhiều vị bây giờ cố tình giảng, ví dụ như kỳ rồi chúng tôi đi dự lễ Phật Đản ngồi kế bên một vị Thầy cũng có tiếng tăm giảng sư và vị này rất tự hào và giảng câu Đức Bồ Tát khi sơ sinh Ngài nói:  

  "Thiên thượng thiên hạ, Duy ngã độc tôn, thử sanh cùng kiếp , vô hữu hậu lai."

Chữ "duy ngã độc tôn" không phải là Ngài nói cái tôi của Ngài mà Ngài nói về cái ngã là cao qúi nhất. Thì vị này cố gắng giảng để cho thấy Đức Phật Ngài đề cập đến một chân ngã, cái chân ngã đó chính là cái đích thực mình đi tìm. Tuy nhiên nếu hiểu cho kỹ thì cách nói đó chỉ là cách nói vẽ rắn thêm chân. Trong nguyên văn Phạn ngữ không có nói đến cái ngã và tự ngã như vậy, và Đức Phật Ngài cũng không bao giờ Ngài dạy chúng ta nên đi tìm cái gọi là cái ngã mà thay vào đó thì Đức Phật Ngài khuyên chúng ta sống như thế nào mà tháo gỡ được ngã chấp, cái kẹt của chúng ta.

Đức Phật hỏi: "Khi thấy được sắc uẩn, thọ uẩn, hành uẩn, thức uẩn là thường hay vô thường?"

- Bạch Đức Thế Tôn là vô thường, 

- Cái gì vô thường là khổ hay vui?

- Bạch Đức Thế Tôn những gì vô thường là khổ.

- Những gì vô thường là khổ thì có nên nói rằng đó là ta là của ta tự ngã của ta chăng? 

- Bạch Đức Thế Tôn chẳng nên. 

Đức Phật dạy:

-  Này Chư Tỳ Kheo, do vậy sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn nào dù trong đời quá khứ, vị lai, hiện tại, bên trong, bên ngoài, thô thiển, vi tế, thù thắng, hạ liệt, thấp cao, thì các sắc đó chỉ là sắc thôi, thọ chỉ là thọ thôi, tưởng chỉ là tưởng thôi, hành chỉ là hành thôi, thức chỉ là thức thôi, các con nên nhận thức và chánh trí đúng theo thực tướng như vậy nó chẳng phải là ta, chẳng phải là của ta, chẳng phải là tự ngã của ta.

Đức Phật Ngài dạy như vậy là để chúng ta có khả năng buông xả, có khả năng buông bỏ tất cả những vướng vấp ở trong đời sống, chúng ta thường rất dễ vướng vấp với thân này, với cảm thọ này, với tri giác này, với sở hành này, và với các giác quan này, và bởi vì vướng vấp đó đến từ quan niệm đây là "Tôi", đây là của "Tôi", đây là "tự ngã của Tôi".

Vì vậy một câu hỏi ngoại đạo thường đưa ra là 

-"cái gì là cái chân ngã của mình?" Chân ngã là nhận thức hay chân ngã là linh hồn không? Cái ngã đó là gì? Cái gì thật sự là của ta?

Trong kinh Đức Phật Ngài luôn luôn Ngài dạy chúng ta cố gắng tìm sự thật,  mấu chốt của sự thật là tất cả đều thay đổi, do sự thay đổi nên không có gì hoàn hảo, do nó thay đổi không hoàn hảo nên chúng ta không gọi là mình có quyền. 

Đó là ý nghĩa của Vô Thường, Khổ, Vô Ngã.

Đó là ý nghĩa bài học hôm nay, phân đoạn 2.

Ngài mai chúng ta bước qua phân đọan 3, Đức Phật Ngài không dạy thế giới vật chất là ta nó là bản ngã, Đức Phật cũng không dạy thế giới do ý sở tạo là bản ngã, Đức Phật Ngài cũng không dạy tâm thức là bản ngã, có nhiều vị Balamon và có nhiều vị hỏi:

- "Vậy chứ sự sống và ngã là một hay hai?" 

Đức Phật Ngài không xác định trả lời hay không trả lời. Và lý do tại sao Ngài không trả lời thì ngày mai chúng ta sẽ nghe đoạn đó nghe lời giải thích rất là lợi lạc khi một lần nữa câu hỏi cổ điển Đức Phật Ngài không trả lời ./.

Xem tiếp phần III 

No comments:

Post a Comment