Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
9. Kinh Potthapàda
Phần III - Những gì Phật dạy và những gì Phật không dạy
ĐĐ Huy Niệm giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 23 tháng 8, năm 2018
Minh Hạnh chuyển biên
ĐĐ Huy Niệm: Ngày hôm nay một vấn đề quan trọng chúng ta cần phải quan tâm, đó là vấn đề sanh tử một việc lớn mình cần phải lưu ý.
Đối với những người khi còn vướng bận việc bương trải của đời sống thế tục, sống tốt cũng có, xấu cũng có, giàu cũng có, nghèo cũng có, cảm thọ vui buồn cũng có, thăng trầm cũng có v.v... Nhưng chung qui có một việc không biết rõ sau khi mệnh chung mình sẽ đi về đâu và như thế nào?
Việc này, trong thời xa xưa có những người muốn tìm kiếm sự an ổn, tìm kiếm một nơi hạnh phúc tuyệt đối, người ta đã nghĩ đến vấn đề sau khi chết mình sẽ đi về đâu. Các giáo phái ngoại đạo thời bấy giờ cũng đưa ra nhiều tư tưởng những suy nghĩ, nhưng tất cả những việc họ nhận định phần lớn đều không có cơ sở vững chắc.
Biết rõ như thế, Đức Phật Ngài không trả lời những câu hỏi về bản chất của cuộc sống ngay trong cái ngã, cái thân xác này, sanh mạng này là một hay là hai, còn hay không còn sau khi chết v.v... Ngài không trả lời nhưng Ngài hỏi ngược lại những sự hiểu biết của họ xem như thế nào. Thì khi được hỏi lại như vậy có thể nói rằng tất cả mọi người đều không ai trả lời được bởi vì kỳ thực bản thân họ cũng không biết rõ về điều đó, và khi không biết rõ điều gì, về mục đích gì mình đưa ra một điều xác quyết thì nó không có xác đáng.
Trong kinh Tevijja (Tam Minh) của Trường Bộ Kinh, Đức Thế Tôn Ngài đưa ra một hình ảnh "một người muốn xây tại ngã tư đường một cái thang để leo lên lầu. Có người hỏi: "Này bạn, Ông muốn xây một cái thang để leo lên lầu, vậy Ông có biết lầu ấy là về hướng Ðông, hay về hướng Tây, hay về hướng Bắc, hay về hướng Nam? Nhà lầu ấy cao hay thấp, hay trung bình?". Ðược hỏi vậy, vị ấy trả lời không biết. Có người hỏi: "Này bạn, như vậy có phải Ông xây một cái thang để leo lên một cái lầu mà Ông không biết, không thấy?". Hỏi vậy, vị ấy trả lời phải. Sự kiện như vậy, thời lời nói người kia là không chánh xác, hợp lý."
Ở trong phần lớn chúng sanh chỉ quan tâm đến những gì trước mắt những lợi lạc, tầm cầu những hạnh phúc trước mắt. Nhưng cũng có những người trí hướng cao hơn muốn tìm kiếm cái gì tốt đẹp hơn và mong có được hạnh phúc thật sự mỹ mãn. Tuy nhiên trên bước đường tìm kiếm phương pháp và đạo lộ đó có thể nói rằng tất cả đều nhận định theo một nhận thức sai lầm tại dựa trên những căn cứ không xác thực.
Về vấn đề sanh tử, vấn đề tồn tại hay không tồn tại của một chúng sanh được xem như là đã giải thoát, hoặc thế giới này có giới hạn hay không giới hạn v.v... đó là những câu hỏi không có lợi ích thiết thực cho nên Đức Thế Tôn Ngài không trả lời.
Chúng ta nên nhớ không trả lời có hai trường hợp: một trường hợp không trả lời vì mình không biết cho nên mình làm thinh. Trường hợp thứ hai không trả lời bởi vì mình biết nhưng việc đó không có cần thiết không lợi ích và có thể trả lời người nghe không được lợi lạc và người nghe cũng không hiểu gì thì như vậy sự trả lời đó nó chỉ làm thêm vô nghĩa.
Phạm trù sinh hoạt của một vị Phật có 3 hình thức:
1 - Khi Ngài tái sanh.
2 - Khi Ngài thuyết một bài pháp nào đó nổi tiếng.
3 - Tuệ vức.
Phạm trù thứ 3 tuệ vức, trong kinh nói tuệ vức của Đức Thế Tôn thì sự hiểu biết của trí tuệ không có giới hạn. Do vậy, có thể nói có những điều Đức Phật Ngài không trả lời bởi vì Ngài thấy không có lợi ích và cũng không có cần thiết để trả lời.
Một trong số 4 điều đối với trí tuệ phàm phu mình không nên suy nghĩ bởi vì khi suy nghĩ sẽ không làm rõ ra được mọi chuyện và hơn nữa sự suy nghĩ đó chỉ làm tâm thêm bấn loạn. Đó là
Bốn điều bất khả tư nghì (Acinteyya), bốn điều không thể suy nghĩ đối với phàm phu:
1. Phật vức (Buddhavisayo), cảnh giới trí tuệ của Đức Phật, lãnh vực nhất thiết chủng trí của Đức Phật. Đây là điều bất khả tư nghì đối với phàm phu. Phật vức, cảnh giới trí tuệ của Đức Phật, mình đừng có suy nghĩ sự hiểu biết của Đức Phật đến mức độ nào ra sao, Ngài hiểu biết những gì, có giới hạnh hay không giới hạn, suy nghĩ đến chuyện đó mình không thể nào suy nghĩ được.
2. Thiền vức (Jhānavisayo), năng lực thiền định thần thông. Đây là điều bất khả tư nghì đối với phàm phu. Pháp này thuộc về thực chứng tu chứng, ngồi suy nghĩ nó càng thêm phức tạp
3. Nghiệp quả (Kammavipāko), quả dị thục của nghiệp dị thời. Đây là điều bất khả tư nghì đối với phàm phu. Ý nói đến nghiệp quả một cách chi tiết chứ không phải là mình học về nhân quả theo nghiệp, trọng nghiệp đó là thuộc về lãnh vực Kammavipāko là muốn nói đến những chi li. Chẳng hạn chúng sanh này từ đâu đến, tại sao lại có mặt ở đây, rồi do nghiệp gì, duyên gì một cách chính xác chi tiết thì khả năng này đối với năng lực của phàm phu không thể hiểu được.
4. Vũ trụ quan hay thế giới tư duy (Lokacintā), các hiện tượng về vũ trụ như tinh tú, mặt trăng, mặt trời... tại sao có? Đây là điều bất khả tư nghì đối với phàm phu.)
Bốn điều này không thuộc về phạm trù của phàm phu để có thể hiểu biết để thắc mắc, bởi vì hai nguyên nhân:
- Nguyên nhân thứ nhất là không có lợi ích.
- Nguyên nhân thứ hai nó thuộc về năng lực của bản thân không đến thì mình không có thể nào suy nghĩ đo lường được. Nó không có lợi ích, chẳng hạn như mình suy nghĩ đến vấn đề không biết số lượng chúng sanh trong đời này hữu hạn hay vô hạn, thế giới này hữu biên hay là vô biên.
Do nguyên nhân như vậy, Đức Thế Tôn Ngài không trả lời những câu hỏi đó, Đức Phật Ngài chỉ trả lời những câu hỏi xác thực rõ ràng trong phạm vi của người nghe thuộc về phàm trí, có thể làm được, có thể hiểu được, có thể nhận thức được, và nhất là có sự lợi ích thiết thực hiện tại, Ngài chỉ ra khổ, nguyên nhân sanh khổ, sự diệt khổ, và cách thức tu tập con đường để đạt đến sự diệt khổ.
Nói đến chuyện này, sư nhớ đến một câu chuyện của một anh cư sĩ lâm vào một hoàn cảnh khó khăn trong đời sống và anh đến hỏi sư về vận mệnh:
- "Con không biết còn thọ bao lâu nữa? Sự khó khăn của con bây giờ sẽ còn tiếp diễn đến khi nào trong kiếp sống này, rồi chừng nào mới chấm dứt?"
Trong trường hợp này, lúc đó sư nói:
"Bây giờ làm sao sư có thể giám sát về tương lai của anh, cái khổ, cái khó khăn này hiện giờ sẽ tiếp diễn hay không tiếp diễn, và nó sẽ còn tiếp diễn đến bao giờ, và sự thoát khổ của anh, giai đoạn mới sung sướng hạnh phúc chừng nào mới có mặt, và nó có mặt rồi nó sẽ duy trì được hay không, duy trì đến bao giờ? Điều đó không nằm trong năng lực của Sư, Sư không có khả năng trả lời cho anh những việc đó và hơn nữa những câu hỏi đó thật ra nó cũng không thiết thực. Điều quan trọng Sư có thể nói cho anh biết nguyên nhân tại sao anh lại bị vô hoàn cảnh như vậy, và chúng ta cần phải áp dụng những phương pháp nào để khắc phục ngay trong hiện tại và cứ như thế mình cứ tiếp tục tiếp tục làm đến đâu nó sẽ có sự chuyển biến đến đó. Bởi vì nguyên tắc của pháp hữu vi là không bao giờ thường còn, không bao giờ có sanh mà không có diệt, đó là nguyên tắc cố định".
Đức Phật Ngài tuyên bố: Sabbe sankhara aniccati - Các pháp hữu vi là vô thường
Chuyện pháp hữu vi thường còn là chuyện không bao giờ có, sư lấy nguyên tắc để nói cho anh ấy hiểu và sư nói: "Bây giờ anh đừng có thắc mắc đến vấn đề là mình còn khổ bao lâu, chừng nào thì vận may của mình đến, chừng nào nó mới bắt đầu rực rỡ và nó sẽ kéo dài bao lâu? nghĩ đến chuyện đó không lợi ích, vì nó không thiết thực, chỉ nên nghĩ đến chuyện đang bị như vậy và do nguyên nhân gì. Và chúng ta cần phải áp dụng những phương pháp ngay trong hiện tại để khắc phục khó khăn, giải quyết ngay trong hiện tại."
Nghe như vậy anh cũng làm theo và từ từ trải qua một tháng sau anh quay lại kể cho Sư nghe về bối cảnh của mình, và Sư thấy rõ ràng có sự triển tiến hơn, Chẳng hạn như lúc trước trong nhà xào xáo bởi vì gia đình gặp khó khăn túng thiếu mọi bề, nhưng khi áp dụng phương pháp tri túc theo nhu cầu của bản thân thì khắc phục được và đồng thời giải quyết những vấn đề pháp lý liên quan đến những việc thiếu nợ, cộng thêm áp dụng những phương pháp tu tập về tâm lý làm cho gia đình có sự hoan hỉ và chấp nhận thực trạng, lúc bấy giờ ổn hơn sau một tháng anh quay trở lại trình bày
- "Mỗi lần họ tới đòi nợ thì con sợ lắm, rồi con sân hận có thể dẫn đến ẩu đả, nhưng nay con kham nhẫn chấp nhận để cho người ta mắng nhiết do tâm, con có những lời nói ngọt lời giải thích, hứa hẹn sẽ trả dần dần như vậy người ta đến nhiều lần rồi người ta cũng thôi."
Anh lại tiếp tục hỏi: "Sư ơi khi nào con mới hết"
Cũng chứng nào tật đó, bịnh cũ tái phát, mục tiêu quan trọng mình đang làm thì không làm cứ đi hỏi mấy chuyện đâu đâu.
- Sư nhắc lại với anh một lần nữa là những gì Sư đã hướng dẫn với anh để giải quyết ngay trong hiện tại nguyên nhân xảy ra khắc phục được, đã có sự chuyển biến khác, đúng không? cái áp lực về gia đình và về tâm lý cũng như về bối cảnh sống trong gia đình nó khác và từ những người liên quan cũng bớt đi áp lực hơn cho anh đúng không?
- Dạ thưa Sư đúng rồi.
- Vậy anh còn muốn gì nữa?
Và Sư nói thêm:
- Vậy thì anh đừng đòi hỏi nhiều cứ tiếp tục áp dụng phương pháp như vậy và bước đi từng bước, bước đi từng bước một và rồi bước đi tới đâu thì câu trả lời nó sẽ hiển lộ ra ngay chỗ đó.
Câu chuyện cho đến này thời gian đã trải qua một khỏang mấy năm rồi, hiện giờ gia đình đã an ổn, đã có chiều hướng tốt hơn rồi đã tự tích lũy tài sản được.
Trở lại vấn đề trong trường hợp có những vấn đề áp dụng ngay trong hiện tại có lợi ích thiết thực rất đơn giản gần gủi dễ hiểu và có thể làm được đó là: khổ, bây giờ mình đang có những rắc rối đối với bản thân mình, mình đang còn có mặt ở trong cuộc đời này đón nhận những thứ buồn vui v.v.... đủ thứ, những thứ khổ đủ bề. Và nguyên nhân tại sao lại như vậy, Đức Phật Ngài cũng chỉ rõ ra, Ngài cũng cho biết do lòng ham muốn của bản thân mình, ham muốn nhiều khổ nhiều, và Ngài cũng chỉ cho phương pháp tu tập rất rõ ràng, và ngay trong hiện tại khi chúng ta áp dụng những cách thức này kết quả hiện lộ ngay tại chỗ đó.
Lấy ví dụ như sau, thái độ của một người Phật tử khi chưa tu thiền trước đây đã có những lỗi lầm, chưa biết như thế nào là giới, như thế nào là bố thí v.v... bây giờ mình giữ giới sám hối những điều đó. Người Phật tử bình thường ngay trong hiện tại chúng ta ngăn ngừa chặn đứng những cái khổ chưa sanh, chúng ta không để những bất thiện sanh khởi, và những gì mình đang phải gánh chịu do nhân quá khứ tạo thì mình kham nhẫn hoan hỉ chấp nhận, không vì đó mình tiếp tục sát sanh trộm cắp v.v...
Như vậy có phải là việc giữ giới của mình nó làm hai phận sự ngăn ngừa ác pháp chưa sanh và có thể giải quyết được những khó khăn ngay trong hiện tại, khi mình tiếp tục giữ giới như vậy và làm từng bước từng bước mình làm tới đâu kết quả sẽ hiển lộ rõ ràng ngay tại đó, kể cả trong việc giữ giới thôi cũng cho được khía cạnh thiết thực hiện tại nói gì đến việc tu tập của một hành giả trong việc tu tập thiền chỉ và thiền quán.
Bây giờ mình đừng bận tâm nhiều đến những gì mình đã làm bởi vì khi mình nghĩ đến những chuyện đó cũng không lợi ích gì, nhân đã tạo chúng ta không thể nào thay đổi được. Chúng ta chỉ có thể thay đổi được là chúng ta chấn chỉnh ngay trong hiện tại, trong quá khứ mình đã tham sân si mình đã tạo những ác nghiệp về thân khẩu ý ngay trong hiện tại mình thay đổi thái độ tâm của mình đi đứng nằm ngồi có chánh niệm tỉnh giác v.v... thì như vậy mình chặn đứng được cơ hội sanh khởi của ác bất thiện pháp, đồng thời chấp nhận trả quả khổ mình đã tạo nhân trong quá khứ ngay trong hiện tại không làm cho lớn chuyện hơn.
Như vậy trong thái độ tu tập kể cả từ việc giữ giới cho đến việc chuyên tu thiền chúng ta thấy đều có hiển lộ khía cạnh này. Điều này rõ ràng, rất xác thực.
Đức Phật Ngài chỉ trả lời những vấn đề thiết thực hiện tại đây là khổ, đây là nguyên nhân sanh khổ, đây là con đường và đây là sự chấm dứt, khi mình bước đi tới đâu thì nó sẽ có sự hiển lộ đến đó rất rõ ràng.
Và đến khi nào chúng ta từng bước tu tập quán xét về khổ, về nguyên nhân sanh khổ, và tu tập đạo đạt đến nơi an toàn, mình sẽ tự hiểu những câu hỏi những sự thắc mắc của mình trước đây nó không có lợi ích gì, cho dù có thể mình biết được hơn những điều trước đây mình chưa biết nhưng mình cũng sẽ tận hiểu ra một điều là những vấn đề đó thật ra cũng không liên quan gì đến mình và nó không thiết thực hiện tại, nó không thể giải quyết được những vấn đề mình đang cần, mình đang bị.
Ở đây cũng như vậy, thế giới này thường hay vô thường, hữu biên hay vô biên v.v... vấn đề đó thật ra không liên quan gì đến mình, chính vì vậy Đức Phật Ngài không trả lời những câu hỏi này, Ngài chỉ đưa ra những lời khuyên những câu trả lời xác thực có lợi ích thiết thực hiện tại chúng sanh phàm phu có thể nghe hiểu được một cách rõ ràng, và trong phạm vi khả năng của chính bản thân mình.
Đối với việc tu tập, khi người Phật tử học pháp và nghe pháp nhiều cộng thêm sự thực hành, bước đi từng bước, từng bước, nhất là trong việc tu tập nội tại thì từng bước đi của mình tới đâu sẽ có câu trả lời rất rõ ràng ngay tại điểm mình đặt chân đến, cũng giống như một người đi trong đêm tối không biết phương hướng, không biết bây giờ phải đi đâu, đường ra ở chỗ nào, và chừng nào mình sẽ đi ra khỏi nơi này. Mình đừng hỏi những câu đó và cái mình biết rất chắc chắn là những bước đi của mình ngay trong hiện tại đang có một ánh đèn cầm trên tay giúp cho mình ngay trước mắt không bị vấp đá, không đạp vô sình lầy, không bị vướng vào những chướng ngại như vậy là tốt lắm rồi. Đến khi nào đó khi mình đã đặt chân đến nơi nào đó rồi mình nhìn lại quãng đường mình đi và những hoài nghi những băng khoăng thì lúc bấy giờ mình sẽ hiểu ra được là những câu thắc mắc của bản thân mình trước đây đều không có lợi ích, bởi vì có trả lời đi nữa ngay trong thời điểm đó cũng không được gì cho bản thân mình.
Đó là ý nghĩa của phân đoạn thứ ba chúng ta học của bài pháp ngày hôm nay.
- Đức Phật Ngài không trả lời những câu hỏi vượt ngoài sức hiểu của phàm phu là điều thứ nhất.
- Thứ hai, nó không có lợi ích, không liên quan gì đến mình, Ngài chỉ trả lời những câu hỏi về những pháp tu tập thiết thực giúp cho chúng ta ngay trong thời điểm chúng ta đang đi, những khó khăn đang phiền não thì mình hãy thoát ngay trong hiện tại, đang khổ bây giờ mình phải làm sao và như vậy nó sẽ có lợi ích thiết thực rõ hơn.
Và có từng bước như vậy đến một lúc nào đó mình mới đi được đến nơi cuối cùng bởi vì tất cả những vấn đề này thuộc về phạm vi tự thân phải tu tập mỗi bản thân của mỗi người phải áp dụng để thực hành chứ mình không ngồi suy nghĩ mà giác ngộ được. Mình không ngồi suy nghĩ được cảnh giới Niết-bàn như thế nào, mà mình phải tu tập để có thể chứng ngộ chuyện đó, chỉ khi nào mình đi trên con đường đó thì mình mới đến được nơi đó.
Đó là phần trình bài đoạn 3 của bài kinh ./.
Xem tiếp phần IV
No comments:
Post a Comment