Tuesday, November 25, 2014

Làm thế nào chúng ta giải thoát được khổ đau tạo nên do lòng ái dục không biết thoả mãn và lòng tham mù quáng?

Hỏi: Làm thế nào chúng ta giải thoát được khổ đau tạo nên do lòng ái dục không biết thoả mãn và lòng tham mù quáng?

(Câu hỏi trong lớp Diệu Pháp, thời giảng kinh Pháp Cú, Minh Hạnh chuyển biên ngày 11-25-2014)

TT Giác Đẳng: Về điểm này, trước nhất chúng ta nên theo tinh thần của Đạo Phật: chúng ta nhận chân ra một chân lý đó là không ai có thể thoả mãn được lòng tham của mình. Bởi vì lòng tham tự nó nếu nó thoả mãn, nếu nó bằng lòng thì nó không tham nữa, nếu biết đủ rồi không ham muốn thì không sanh lòng tham nữa, đã là lòng tham có nghĩa là một sự hi cầu một sự tìm kiếm và bản chất tìm kiếm đó không phải vì nó đạt được những gì muốn nó sẽ bằng lòng nằm ở tại đó. Dĩ nhiên, chúng ta rất dễ bị nó gạt, chúng ta nghĩ rằng nếu mình có một chiếc xe như vậy, có một ngôi nhà như vậy, mình được sống với một người như vậy thì mình cảm thấy đầy đủ và không bao giờ mình đòi hỏi thêm cái gì nữa hết. Nhưng bản chất của tham ái thì nó vốn không như vậy. 

Thứ hai, ái dục là một trong những căn để phiền não mà căn để phiền não đó có thể nói rằng về sức chi phối đời sống không thua gì vô minh. Có nghĩa vô minh và ái dục là hai tác năng rất lớn ở trong việc chi phối cả sự hiện hữu của chúng sanh ở trong cuộc đời này. Do vậy, không phải thứ phiền não thường như ham ăn mê ngủ, nó có thể xuất hiện với rất nhiều tướng trạng khác nhau từ trong một con người hết sức thô thiển. Thí dụ như  nhậu nhẹt, cờ bạc v.v... cho đến ngay cả một vị có tâm hướng cầu vào trong cảnh giới hết sức tế nhị như muốn sanh về cõi phạm thiên Đức Phật gọi là dục ái, hữu ái, và phi hữu ái. Thì hữu ái và phi hữu ái nằm ở mức độ rất tế nhị, tế nhị đến đỗi một người bình thường chúng ta không nhận ra. 

Nên chi trong câu hỏi làm thế nào mình giải thoát khổ đau tạo nên do lòng ái dục?

Trong quan niệm bình thường của chúng ta, chúng ta chỉ nhìn nếu mình thương anh A, hay thương cô B, bây giờ anh A hay cô B đó chết đi hay không sống với mình nữa thì mình khổ, cái đó là khổ ái dục thường thức.  

Nhưng chữ "ái dục" đạo Phật đề cập đến là cả một sự đi tìm kiếm. Chúng ta có mặt chuyện đó không ai có thể làm chúng ta không có mặt được. Nhưng có mặt thì chúng ta phải đi tới cũng như người ta nói sống phải có hi vọng. Thì con người đi tới là phải truy tìm ở tương lai cái gì đó. 

Dù đó là dục ái, hữu ái hay phi hữu ái, thì ái dục hiện hữu với hình thức hết sức tế nhị như một người tha thiết để ăn một chiếc bánh kẹp ngon miệng. Hay một người rất say mê một câu thơ. Hoặc giả một người rất sung sướng tìm ở trong nét bút thư pháp của mình có thể trong thư pháp của mình làm vài đường nét rất mãn nguyện.  Ba cảnh giới đó hầu như ba cảnh giới khác biệt và có cái thô có cái tế. Nhưng cả ba đều có sự dính mắc của ái dục.

 Nói như vậy để thấy rằng: khi hỏi làm thế nào chúng ta giải thoát được khổ đau của ái dục? Nó tương đương với sự giải thoát sanh tử sự chứng ngộ đạo quả. 

Ngay trong đời sống này, nói đến một cảm giác đam mê hay một sự dính mắc làm cho mình đau khổ. Một trong những cách làm giảm bớt sự đau khổ đó là chúng ta biết sự vừa chừng. Sự vừa chừng này có ý nghĩa rất hay  thông thường chúng ta thường bỏ qua. 

Trong đạo Phật có  chữ  "Upekkha" một chữ nói về khả năng quân bình giữa vui và khổ, người ta thường dịch là "Xả" có nghĩa trạng thái thản nhiên. Chữ Từ, Bi, Hỉ, Xả  không có ý nghĩa như vậy. Chữ "Hỉ Xả" trong đạo Phật có nghĩa một trạng thái tâm quân bình không có chênh lệch. Ở trong sớ giải ví dụ chữ  "Upekkha" giống như một người đánh xe người đó phải điều khiển hai con ngựa song hành không có con nào vượt trội quá. Nếu trong đời sống này chúng ta có được những niềm vui và những điềm vui rất lớn thì trong lúc vui chúng ta cứ vui không có sao nhưng chúng ta cũng nhớ rằng niềm vui này rồi  cũng sẽ đi qua và nếu chúng ta quá vui với điều đó có nghĩa lúc chúng ta khổ  chúng ta sẽ khổ nhiều. Nói một cách đơn giản, người ta khen mình mình sung sướng bao nhiêu khi người ta chê mình mình khổ bấy nhiêu, không có ai khi người ta khen mình mình sung sướng và khi người ta chê mình thì lại thản nhiên được.

Do vậy, khi mình vui với cái chúng ta cảm thấy hân hoan với hạnh phúc chúng ta cũng nhớ rằng cái giá phải trả cho cảm xúc đó là gặp những trái ý nghịch lòng chúng ta lại khổ hơn. Sự quân bình ở đây rất cần thiết để làm giảm bớt sự đau khổ. Có thể nói trong suốt cả đời người của chúng ta, chúng ta giống như quả lắc của đồng hồ nó từ bên phía bên này đưa qua phía bên kia, từ phía bên kia nó trở lại phía bên này, và nó không bao giờ đưa qua phía bên trái và trở lại phía giữa nằm yên hay đưa bên phải rồi trở về nằm yên ở giữa, nó càng kéo qua bên phải nhiều thì nó sẽ đưa về bên trái nhiều chừng đó, nó đưa về bên trái nhiều bao nhiêu thì nó đưa về bên phải nhiều chừng đó. Đó là luật tự nhiên của đời sống.

Vì vậy, thỉnh thoảng chúng ta nên tự nhắc mình để chúng ta tìm được  sự điềm đạm, tìm được sự quân bình trong cảm xúc để rồi chúng ta không để tâm của mình phiêu lưu quá xa đến đỗi chúng ta quá vui với cái gì đó rồi khi buồn lên thì buồn da diết buồn đến đỗi không có thể cứu được, đó là điều không may chúng ta đã không hiểu được cảm xúc của mình và chúng ta đã để cho nó được bộc phát mà hoàn toàn không có một sự tu tập, không có như lý tác ý và chúng ta phải trả giá rất đắc cho điều đó./.

Friday, November 21, 2014

Phải chăng Phật giáo dạy có một linh hồn bất tử?

Hỏi: Phải chăng Phật giáo dạy có một linh hồn bất tử?

(Câu hỏi trong lớp Diệu Pháp, thời giảng kinh Pháp Cú. Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Theo Phật giáo dạy rất rõ ràng là mỗi một con người có hai thành phần đó là thân và tâm, và chúng ta có thể đi xa hơn ở trong lời dạy của Đức Phật dạy về ngũ uẩn; phần thân là sắc uẩn và phần tâm là thọ, tưởng, hành, thức.

Khi nói đến phần tâm là thọ, tưởng, hành, thức. Thì chúng ta nói đến:

- Cảm thọ như vui buồn, không vui không buồn.

- Tưởng tức là chúng ta nói đến trí tính đến kinh nghiệm như tưởng tri, như  chúng ta đề cập đến cái gì mình trải qua nó trở thành một phần tồn đọng lại ở trong tâm tư của mình. 

- Hành là một chủ trương về thiện ác tức là một trạng thái, một chủ kiến của đời sống, cái gì nên làm cái gì không nên làm như thế này hay như thế khác v.v.... chữ hành hiểu rất rộng và hành là cơ sở tạo ra nghiệp báo trong đó có tư tâm sở chúng ta gọi là cetana. 

- Thức là cái biết của các giác quan, ví dụ cái biết của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Cái biết ở đây là cái biết của thị giác, của thính giác, của khứu giác, của vị giác, của xúc giác là những cái biết chúng ta hiểu là cái biết rất muội lượt nghĩa là nó biết trực tiếp đối với cảnh.

Thì 4 thành phần này thọ, tưởng, hành, thức là kết cấu của cái chúng ta gọi là tâm hay là đời sống nội tại. Đạo Phật giảng đời sống nội tại là như vậy, giảng giải tâm là như vậy, người ta cũng có thể gọi nó là linh hồn nhưng gọi linh hồn bất tử thì là một ý niệm hoàn toàn không có trong đạo Phật, tại vì tâm thức cũng là một cái gì được thành tựu được hiện hữu bởi nhân và duyên và khi nó hiện hữu bởi nhân và duyên thì nó có sanh thì có diệt chứ nó không thể là bất tử được.

 Chúng ta hãy nghiệm một điểm như vầy là cảm thọ và những trạng thái khác ở trong đời sống nội tại của chúng ta nó thay đổi vào buổi sáng vào buổi chiều, những lúc chúng ta ngồi ở trong rơom nghe pháp và những lúc chúng ta mở băng video lên để nghe nhạc thì tâm tư chúng ta hoàn toàn khác nhau. Đạo Phật không phải là một tôn giáo duy vật mà nói rằng vai trò của tâm là xuống hàng thứ yếu mà đạo Phật nói rằng tâm thức có một vai trò chủ vị rất quan trọng nhưng không có nghĩa vì vậy đạo Phật theo giáo lý duy tâm hay duy linh mà nói rằng có một thứ linh hồn bất tử. Người ta chỉ đi từ cực đoan này qua cực đoan khác. Đạo Phật dạy rằng có một trạng thái nội tại chúng ta gọi là tâm hay danh pháp, nhưng những trạng thái của danh pháp dù là thọ, tưởng, hành, hay thức thì tất cả đều tiếp nối, nó là một tiến trình tiếp nối những sát na, hết sanh rồi diệt rồi sanh trong những tiến trình đó, và trong những tiến trình đó thì từng chặp tư tưởng có khi vui, có khi buồn, có khi không vui không buồn, có khi rất muội lượt như tâm hộ kiếp hữu phần và có khi rất sinh động như những trạng thái tâm đối với những cảnh khách quan v.v... 

Phải nói ở đây có hai ý niệm về linh hồn bất tử:

- Một ý niệm đầu tiên là ý niệm đến từ giáo lý thần ngã và gần gủi với đạo Phật nhất đó là Hindu hay còn gọi là Ấn Độ giáo ngày hôm nay, ngày xưa chúng ta gọi là Bàlamôn giáo. Thì Bàlamôn giáo ra đời trước đạo Phật rất lâu và đạo Bàlamôn giáo chủ trương con người là một linh căn và linh căn này được tách rời ra khỏi đại ngã trở thành một linh căn vất vưỡng ở trong kiếp trầm luân này và đến một thời điểm nào đó linh căn sẽ trở về với đại ngã. 

- Rồi chúng ta lại nói đến một quan niệm khác về một linh hồn bất tử, ở đây là một trạng thái tồn tại mà trạng thái tồn tại như một sức sống. Ví dụ như trong thân của chúng ta bằng tứ đại bằng xương bằng thịt này, có thể thân đó có thể bị nắng mưa bị bịnh tật làm cho suy yếu, hoặc giả sẽ bị già bị chết đi. Nhưng cái gọi là đời sống nội tâm của chúng ta thì không có một dấu hiệu gì mà đời sống nội tâm đó sẽ suy thoái sẽ giảm thiểu sức sống dù là một hài nhi sơ sinh, một người trung niên, hay một lão niên và cuối cùng chết đi và sanh một kiếp khác thì mỗi giai đoạn có một trạng thái khác nhau. Ví dụ như trạng thái của hài nhi sơ sinh, trạng thái của một em bé 8, 9, 10 tuổi, trạng thái của một người lớn tuổi, trạng thái tâm của một người già nhưng sức sống nội tại thì sức sống của tâm linh là sức sống đó nó là một sức sống vượt xa sự tồn tại của vật chất. Đối với vật chất thì sự tồn tại chỉ mang tánh cách hạn cuộc là sức khoẻ con người ở chủng loại như vậy, sức khoẻ con người cái thân tứ đại cho phép chúng ta là như vậy nhưng đời sống nội tâm thì rất khó để có thể nói rằng nó sanh diệt suy yếu giống như con người. 

Thành ra quan niệm về linh hồn bất tử là quan niệm của Bàlamôn giáo nhưng đạo Phật có nói đến một sự kiện đó là tâm là một trạng thái mà trạng thái này sức sống của nó, sự tồn tại của nó, và tiến trình sinh tử của tâm vượt xa yếu tố hiện hữu của thể xác của thân. 

Nói một cách khác thì nó tương tự như cái linh kiện chúng ta nạp vào trong máy điện toán và những linh kiện này thì có thể được xử dụng trong máy này hoặc máy khác và khả năng tồn tại của nó lớn hơn tự cái máy. Tại vì tự cái phần gọi là cương liệu của cái máy thấy nó rõ ràng cụ thể, chúng ta có thể rờ, có thể cầm nó được nhưng rồi khả năng để tồn tại của nó rất hạn chế, nó chỉ tồn tại dựa trên một cá thể và nó không có thể tồn tại lâu dài được. 

Nên ở đây, chúng ta có thể quan niệm rằng quan niệm một linh hồn bất tử  không thay đổi cho dù thay đổi qua cảm xúc vui buồn thì quan niệm đó không hề có trong đạo Phật.

Đạo Phật nói đến một trạng thái tâm là danh pháp đó là một trạng thái có sanh có diệt nó là một tiến trình kết nối của nhiều sát na sanh diệt. Nhưng riêng về trạng thái gọi là linh hồn bất tử tức là người ta có thể dùng cái đó để nói đến một trạng thái nội tại mà sức tồn tại nó vượt xa sự tồn tại của thể xác thì điều đó đạo Phật có nhìn nhận. Đạo Phật dạy rằng  sự tồn tại,  khả năng tồn tại của tâm thức lớn và vượt xa tất cả cái gì chúng ta có thể tưởng tượng được. Chúng ta có thể cầm một cái chip của Intel như là Intel Phantom 3 nó có thể lên tới 2.5, 2.8 Megahertz, nhưng trong một tích tắc mà nó có thể xử lý (process  khoảng vài ba triệu dữ kiện (data) thì cái đó vẫn còn rất ít, rất chậm so với khả năng của nội tâm. Hầu như, dầu tâm tư của một đứa bé đi nữa thì khả năng để làm việc để mà process những cái data đó nó vượt xa cái máy chúng ta có ngày hôm nay. 

Nói như vậy để chúng ta thấy rằng đề cập đến tâm thì tâm là một sự hiện hữu chúng ta gọi là mầu nhiệm cũng được nhưng nó vượt xa sự hiện hữu rất hạn chế của vật chất của sắc thân của chúng ta ./.

Thursday, November 20, 2014

nghiên cứu kinh điển Tam Tạng nên đọc thế nào và bắt đầu từ đâu cho đúng đắn?

Hỏi: Nếu nghiên cứu kinh điển Tam Tạng con nên đọc thế nào và bắt đầu từ đâu cho đúng đắn? - 

(Câu hỏi trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 19-11-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Tuệ Siêu: Ở đây, vấn đề chúng ta nghiên cứu Tam Tạng bắt đầu từ đâu cho đúng? Thì điều này mênh mông quá. Bởi vì sao? Một người nghiên cứu với tư cách một học giả phải nghiên cứu cách khác, có phương pháp nghiên cứu. Một người nghiên cứu Tam Tạng để hiểu và thực hành tu tập chúng ta phải nghiên cứu cách khác. Một vị nghiên cứu Tam Tạng kinh điển trong vai trò vị Pháp Sư vai trò Giảng Sư để đi dạy thuyết giảng giáo pháp có cách riêng nghiên cứu khác nữa.

Ở đây, trong ba trường hợp chúng tôi chỉ nói trường hợp rất phổ thông để cho các Phật tử chúng ta được biết việc người Phật tử nghiên cứu kinh điển bắt đầu từ đâu.

Kính thưa qúi vị. Nghiên cứu Tam Tạng kinh điển, trong tạng Luật và tạng Vi Diệu Pháp để mở đường mở lối cho việc tu học về sau được tiến bộ thì không phải người Phật tử chúng ta đầu tiên vào đọc từng bài kinh trong Trường Bộ, Trung Bộ, Tăng Chi, Tương Ưng, hay chúng ta đọc qua bộ Pháp Tụ, bộ Phân Tích của tạng Vi Diệu Pháp, và chúng ta càng không cần thiết phải đọc bộ Luật của Tỳ Khưu Ni, Luật Tỳ Khưu Tăng hay Luật Đại Phẩm, Tiểu Phẩm. 

Trước hết Phật tử chúng ta tự hỏi rằng mình là người sơ cơ mới vào trong Phật Pháp thì bây giờ mình phải bắt đầu từ đâu để học Phật Pháp. Người Phật tử chúng ta trước hết phải tự đặt ra ba câu hỏi. 

1) Đạo Phật đã dạy những gì? Tức là đưa đến mục đích gì trong việc tu tập? 

Chúng ta phải tìm hiểu giáo pháp này trước. Khi chúng ta tìm hiểu biết rõ được mục đích của giáo pháp như trong bài kinh Tương Ưng, cái vị Tỳ Kheo bạch hỏi Đức Phật: 

- Bạch Đức Thế Tôn, khi các du sĩ ngoại đạo hỏi chúng con vì mục đích gì các ông sống đời sống phạm hạnh dưới sự hướng dẫn của Samôn Gotama? Các vị Tỳ Kheo đáp rằng: "thưa các hành giả vì mục đích đoạn tận khổ, liễu tri khổ chúng tôi sống đời sống phạm hạnh dưới sự hướng dẫn của Đức Thế Tôn bậc đạo sư chúng tôi".  Các vị Tỳ Kheo mới hỏi Đức Thế Tôn "khi chúng con trả lời như vậy chúng con có trả lời đúng pháp hay không? trả lời như vậy có chống trái lại với tôn ý của Đức Thế Tôn không? 

 Đức Thế Tôn Ngài bảo rằng:

- Này các tỳ kheo các người trả lời như vậy chính xác không có chống trái. Và Đức Phật Ngài xác định: Là vì mục đích liễu tri khổ đoạn tận khổ mà đời sống phạm hạnh này được thực hành". 

Rồi trong một bài kinh khác, Đức Phật Ngài dạy:

 - Này các Tỳ Kheo, xưa và nay Như Lai chỉ dạy về sự khổ và sự diệt khổ.

Chúng ta nắm hai đoạn kinh đó để hiểu rõ mục đích của giáo pháp. 

2) Sau khi hiểu rõ mục đích của giáo pháp chúng ta tìm hiểu thêm là muốn đạt đến mục đích đó phải thực hành những gì? 

Lúc bấy giờ qúi vị đọc những bài kinh Đức Phật Ngài đã dạy trong Trung Bộ Kinh như bài kinh như Kinh Thánh Cầu, hoặc là những bài kinh liên quan đến pháp hành chẳng hạn bài kinh Cẩu Hành Giả, Tê Ngưu Hành Giả. 

Chúng ta nghiên cứu những bài kinh đó, Đức Phật Ngài đã dạy chúng ta những pháp môn để tu tập. Khi chúng ta biết rõ được pháp môn tu tập đó rồi thì chúng ta sẽ thực hành. Bắt đầu chúng ta có trí thức Phật Pháp, trước hết chúng ta hiểu rõ mục đích của sự tu tập này là gì để chúng ta khỏi đi hoang mang tìm hiểu cái này cái kia. 

Có số người nghĩ đi vào chùa để tụng kinh lạy Phật hay để cầu nguyện v.v... Còn khi chúng ta hiểu mục đích giáo pháp này thì chúng ta vững tâm rằng chúng ta đi đến để chúng ta chấm dứt sự khổ đau trong cuộc đời này. 

Và thứ hai nữa chúng ta tìm hiểu về pháp môn tu tập, những pháp môn tu tập nằm rải rác trong kinh Trường Bộ hay Tương Ưng hay Tăng Chi thì qúi vị nên xem các kinh đó trước, nghiên cứu các kinh đó trước để chúng ta biết rõ pháp môn tu tập.

3) Đến giai đoạn thứ ba chúng ta mới bắt đầu tìm hiểu bằng cách nào để mình nắm vững được giáo pháp mà mình không bị sai lạc?

 Ở đây, giai đoạn thứ ba này buộc lòng chúng ta phải học về nội dung của Vi Diệu Pháp về Ngũ Uẩn, Thập Nhị Xứ, Thập Bát Giới, Tứ Diệu Đế. Sau khi chúng ta học thông suốt những điều này rồi thì mới tìm hiểu về diễn trình của tâm pháp, diễn trình của sắc pháp và sự tương quan giữa danh và sắc. 
Sau khi chúng ta nắm vững được nội dung Vi Diệu Pháp rồi thì chúng ta mới bắt đầu nghiên cứu tạng kinh 5 bộ, chúng ta đọc đến đâu chỗ nào không hiểu thì chúng ta có trí thức Vi Diệu Pháp để giải quyết tất cả. 

Rồi chúng ta học về tạng Luật, nhưng tạng Luật chỉ cần thiết cho đời sống bậc xuất gia thôi, còn người cư sĩ chúng ta nếu cần thì cũng chỉ đọc qua Đại Phẩm, Tiểu Phẩm để chúng ta tìm hiểu đời sống sinh hoạt của Tăng đoàn có liên quan đến người cư sĩ mà Đức Phật Ngài đã dạy để cho cư sĩ chúng ta biết cách khi đi đến tiếp cận với Chư Tăng, chúng ta sẽ hoàn thành trách nhiệm của người cư sĩ không để cho Chư Tăng phạm luật v.v... hoặc là chúng ta có thể giúp đỡ cho Chư Tăng thành tựu được cách sinh hoạt luật lệ mà các vị đó không bị phạm tội. Chẳng hạn như cuộc dâng cúng như thế nào hay trong cách chúng ta hộ độ Chư Tăng như thế nào v.v... 

Đó là phương pháp người cư sĩ chúng ta học Tam Tạng kinh điển là vậy. Còn nếu nói học Tam Tạng để nghiên cứu như một vị học giả, hay nghiên cứu như một vị pháp sư để làm Giảng Sư làm Pháp Sư thì nhiều cách. Ở  trong thời lượng như vầy chúng tôi không thể nói hết được. Chúng tôi xin trả lời một cách đại khái để qúi vị biết là như vậy./.

Sunday, November 16, 2014

niềm tin không có trí tuệ thì sao và nếu có trí tuệ có niềm tin thì sao?

HỏiTrong niềm tin phải có trí tuệ, nếu niềm tin không có trí tuệ thì sao và nếu có trí tuệ có niềm tin thì sao?

(Câu hỏi trong lớp Diệu Pháp, thời kinh Pháp Cú, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Trí tuệ và niềm tin đều là hai căn bản của sự tu tập. Khi chúng ta nói về ngũ căn: tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn và huệ căn thì niềm tin thuộc về tín căn và trí tuệ thuộc về huệ căn. Và 5 căn này cũng còn là 5 sức mạnh mang tánh cách chủ lực để làm căn bản cho thiền định giác ngộ và 5 sức mạnh này cũng tương tự như vậy cũng tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực và huệ lực. 

Bây giờ câu hỏi được đặt ra, ví dụ chúng ta có niềm tin mà không có trí huệ, có trí huệ mà không có niềm tin.

Trước nhất, trên phương diện thường thức nếu chúng ta chỉ có niềm tin mà  không có trí huệ thì quả thật niềm tin của chúng ta không được xác đáng tại vì nó không có căn bản. Đúng ra chữ "niềm tin" là một chữ rất khó nói một cách chính xác. Ví dụ, chúng ta dùng chữ trong tiếng Việt là "tin" và "tín tâm", mặc dầu chữ "tin" dịch từ chữ "tín" ra, nhưng chữ "niềm tin" của chúng ta có thể là người ta nói sao mình tin như vậy thì niềm tin đó không được dùng như người Việt Nam dùng chữ "tín". 

Chữ "tín" ở đây, ví dụ ở trong tiếng Anh chúng ta có những chữ  believe,  chữ faith,  và chữ confident. 
Chữ "confident" là làm tin tưởng,  
Còn chữ "faith"  là tin nhưng mà có sự xác thực có căn bản
 Còn "believe" là có thể  người ta nói thì chúng ta nghe và chúng ta tin theo mà thôi

 Do vậy, "niềm tin" mà  gọi là "faith", gọi là "confident" là một sự tự  tin, một niềm tin tưởng mà tin tưởng đó có cơ sở thì niềm tin đó phải có trí tuệ. Và đặc biệt ở trong trường hợp chúng ta nói đến Tam Bảo chúng ta nói đến là một người Phật tử thì niềm tin luôn luôn rất cần với trí tuệ. 

Có trí tuệ mà không có niềm tin thì sao? 

Thật ra, ở một phương diện nào đó trí tuệ nếu nói đó là trí tuệ chánh trí thì chánh trí cũng dẫn đến niềm tin. Ví dụ như  trí tuệ của vị Tu Đà Hườn là dẫn đến niềm tin bất thối và trí tuệ đó là trí tuệ tạo ra niềm tin. Có rất nhiều người nhờ vào trí tuệ của mình mà phát triển được niềm tin nên chi cái trí tuệ gọi là chánh trí là trí tuệ dẫn đến niềm tin chứ không phải chánh trí dẫn đến không có niềm tin. Dĩ nhiên, có một số trí tuệ thuộc về thế trí viễn thông, có một số trí tuệ chỉ là kiến giải thông thường của đời sống. Thì những thứ trí tuệ này đôi lúc làm cho chúng ta xa lạ với Tam Bảo, làm cho chúng ta xa lạ với lý nhân quả và trí tuệ này không đủ căn bản để đi tới xa hơn trong lãnh vực nội tại.

Bởi vì theo trong kinh thì 5 lực hay 5 căn mà chúng ta gọi là tín, tấn, niệm, định, huệ nó phải quân bình nghĩa là không có cái nào trội quá và không có cái nào kém quá, bởi vì cái trội và cái kém của những thứ này sẽ tạo ra phiền não. Ví dụ như tham, sân rồi hôn trầm, thụy miên, hoài nghi, phóng dật nếu chúng ta chỉ dùng trí nhiều quá thì chúng ta có thể sanh ra sự phóng dật, nếu chúng ta nặng về định quá thì chúng ta có thể sanh ra hôn thụy chẳng hạn. Những thứ đó đòi hỏi chúng ta một sự quân bình nên chi về phương diện thiền định thì 5 căn cần phải quân bình không riêng gì tín căn hay huệ căn mà kể cả tấn, niệm, định tức là những căn còn lại đều phải có sự quân bình. Nhưng ở trên phương diện thường thức bên ngoài thì trí tuệ không có niềm tin là một trí tuệ vô cùng nguy hiểm, nó nguy hiểm ở đây là bởi vì đó là thứ trí tuệ không có căn bản, nó là thứ trí tuệ chỉ làm cho chúng ta đi từ sự hoang mang, sự giao động này đến sự giao động khác và chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng xã hội ngày hôm nay là một xã hội phát triển vượt bật về khoa học và kỹ thuật. Nhưng ở tại học đường phần lớn những con người tại các quốc gia kỹ nghệ thì gặp một sự khủng khoảng niềm tin, họ thấy rằng khoa học càng lúc càng làm cho họ bị sụp đổ căn bản về tính lý của tôn giáo. Và bây giờ họ không muốn trở thành kẻ vô thần nhưng họ cũng phải trở thành một kẻ không biết dựa vào đâu, một chỗ trống rất lớn trong đời sống nội tại, 

Còn việc có đức tin mà không có trí tuệ thì việc đó chúng ta cũng thấy rất nhiều người là người ta tin thì mình tin, xã hội đưa đẩy chúng ta ra sao thì chúng ta sẽ theo như vậy, chúng ta không có chủ kiến gì rõ ràng, không có sự nhận định, chúng ta cũng rất dễ dàng tự biến mình thành những nạn nhân của những niềm tin không có cơ sở ./.

Thursday, November 13, 2014

Thế nào là hình ảnh của tình bạn lâu dài?

Hỏi: Thế nào là hình ảnh của tình bạn lâu dài?

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, ngày 10-9-2014, Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Nói về tình bạn, trước nhất chúng ta đọc kỹ bài kinh Singàlovàda hay Thi-Ca-La-Việt trong Trường Bộ Kinh, người gia chủ Singàlaka ra ngoài để lễ bái sáu phương, gặp Đức thế Tôn thì Đức Thế Tôn dạy đó là cách lễ bái các phương hướng trên dưới đông tây nam bắc là theo tín ngưỡng dân gian, và ở trong giới luật của bậc Thánh thì lễ bái sáu phương tượng trưng cho lòng cung kính quan tâm đối với 6 quan hệ trong đời sống như quan hệ giữa cha mẹ  với con cái, giữa vợ với chồng, giữa bằng hữu v.v... Thì quan hệ bạn bè là một trong 6 phương một người cần tôn trọng. 

Điều đó khẳng định quan hệ bạn bè không phải quan hệ có cũng được không có cũng được. Người ta nghĩ rằng những thứ quan hệ khác như con rể, vợ chồng, quan hệ cha mẹ con cái, ngay cả quan hệ của người chủ với người làm là quan trọng. Còn quan hệ bạn bè thì thiếu gì ở đâu mình lượm cũng được. Không hẳn như vậy. Bạn bè cũng ảnh hưởng lớn đến đời sống của chúng ta. Do đó ở trong rất nhiều trường hợp trong kinh điển chúng ta thấy rằng hảo bạn hữu hay bạn tốt, thiện hữu, bạn lành là những điều được nói đi nói lại rất nhiều ở trong các bài kinh. 

Ngày hôm nay, người ta bắt đầu dần dà nhận ra một điểm mà người Ấn Độ thời xa xưa họ cũng đã nhận thấy được đó là một số các quan hệ có tánh cách khuôn khổ truyền thống như quan hệ giữa cha mẹ và con cái, vợ chồng, thì lâu ngày dầy tháng nói lên được chất liệu của một thứ tình bạn. Ở đây không phải là xem thường nhưng chữ bạn ở đây là tình con người có sự thân thiện. Ở bên Mỹ họ nói rằng cha mẹ khó khăn với con cái quá thì nhiều khi tạo thành khoảng cách mà khoảng cách đó khó tạo sự cảm thông giữa cha mẹ và con cái. Do đó cha mẹ là cha mẹ, con cái là con cái. Nhưng nếu xây dựng được một thứ thân thiện như tình bạn con cái có thể tâm sự với cha mẹ, cha mẹ có thể tâm sự với con cái thì như vậy sẽ hiểu nhau nhiều hơn. 

Vợ chồng  cũng  vậy, người Trung Hoa có câu "vợ chồng tương kính như tân", sống với nhau bao nhiêu năm vẫn trọng nhau như khách không có lôi thôi, không có bừa bãi, không có xem thường. Nhưng trong nền  như văn hóa Tây Phương nói rằng quan hệ bền chặt giữa vợ chồng có thể có chất liệu như một thứ tình bạn, ngoài tình yêu, ngoài bổn phận vợ chồng nó còn một thứ tình bạn. Và chữ tình bạn ở trong Đạo Phật cũng nhìn nhận một điều đó là một ở trong ý niệm cần nhất của tâm từ. Người Ấn Độ nói rằng ông cha cũng là người bạn, bà mẹ cũng là người bạn, vợ cũng là người bạn, chồng cũng là người bạn, thầy cũng là người bạn, trò cũng là người bạn. Dĩ nhiên theo cái nhìn Khổng Giáo đôi khi xem thầy như bạn là chuyện phạm thượng. Nhưng ở đây không nghĩa như vậy, ý muốn nói, cho dù có sự chênh lệch về tuổi tác về phương tiện nhưng để hộ trợ giúp đỡ thật sự cho nhau thì chúng ta phải đến chỗ gần gủi thân thiện cởi mở, hai bên có thể nói với nhau đề truyền đạt cho nhau. Người Việt Nam chúng ta có một câu nói nôm na: "Học thầy không tầy học bạn". Điều đó cũng một ý nghĩa man man như vậy. Đôi khi học với nhau trong không khí cở mở thoải mái thì người ta học được nhiều hơn. 

Nhưng vấn đề không dừng ở tại đây. Đi đường dài biết một người bạn thật sự tốt hay thật sự xấu thì phải trải qua rất nhiều, đúng là bạn bè thì không thiếu gì nhưng bạn đúng nghĩa người bạn thì thật sự không phải dễ. Chúng ta cần ý thức về điều này và chúng ta cũng cần tỉnh táo, hơn nữa những người bạn có tánh cách nhất thời có tánh cách thù tạc xã giao thì rất nhiều, còn những người có thể sống chết vì mình thì không có dễ. Chúng tôi sống ở trong chùa chúng tôi hiểu ở trong hoàn cảnh chùa còn phát triển hưng thịnh thì những người Phật tử thường xuyên tới chùa nhiều, thậm chí kêu gọi một chút thì có nhiều người hưởng ứng, nhưng trong hoàn cảnh gọi là tối lửa tắt đèn thì những người Phật tử rường cột phải nói rằng không phải là tất cả mà chỉ một số, và điều đó là điều đáng tiếc. 

Chúng tôi vẫn tin rằng những người bạn tốt là những người phải trải qua những gian khổ, trải qua những thách thức. Điều này một lần nữa cho chúng ta thấy một cái gọi là may mắn, bây giờ người ta gọi là hên xui, lớn lên trong cuộc đời có thể gọi là may mắn khi chúng ta có được những người bạn tốt đúng nghĩa là bạn tốt, nhiều năm sống trong chùa khi chúng tôi nhìn lại nếu gọi là có những may mắn lớn nhất chúng tôi có được thì chúng tôi có thể nói chính là ở điểm đã gặp được những người và những người đó đã cùng chia sẻ hành trình với chúng tôi trong một thời gian dài, họ là những người bạn chân thật, chúng tôi xem đó là những điều may mắn. Còn những người chợt đến chợt đi, những người chợt ẩn chợt hiện, những người vui thì đậu buồn thì bay thì những người đó rất nhiều. 

Thì thưa qúi vị, cũng có những trường hợp mà trường hợp này rất phổ thông chúng tôi thường hay gặp trên đời này có những hạng người họ muốn vừa lòng tất cả, họ đến với mình họ nói làm sao cho mình nghe mình vui nhưng họ đến với những kẻ chống đối mình thì họ đóng vai làm sao những kẻ chống đối mình vui, chuyện đó chúng tôi biết và chúng tôi có chứng kiến nhiều về chuyện đó. Thật ra, thì người đó nói rằng "tôi ủng hộ anh, tôi đã từng nói với anh thế này nói thế kia", cái chuyện đó là một lẽ nhưng quan trọng là sau lưng mình họ có những lời nói để làm vừa lòng những người chống đối mình hay không và chuyện đó chúng ta thấy nhan nhãn nhiều lắm, đặc biệt là sự giao thiệp phức tạp của ngày hôm nay và chúng tôi để ý thấy rằng những người đó họ không tìm thấy tình bạn chân thật của cuộc sống.

Chúng ta đọc lại những giòng chữ trong bài kinh này chúng ta phải thấy rằng Đức Phật nói rất rõ: 

Ai mở miệng tuyên bố:
Tôi là bạn của anh,
Sở hành vượt xấu hổ,
Lại khinh chán bạn mình,
Không chịu khó gắng làm,
Công việc có thể làm.
Cần biết người như vậy,
Không phải bạn của tôi

Thì câu này, đại khái có nhiều người rất dễ dàng vỗ ngực xưng "tôi là bạn tốt của anh, tôi là bạn tốt của bạn" nhưng khi họ xưng như vậy không hẳn họ là bạn tốt. Ở trong tình bạn có sự tôn trọng. Sự tôn trọng là nếu tôi thật sự qúi một người nào đó tôi không nói xấu sau lưng người đó. Nếu tôi thật sự qúi một người nào đó thì tôi sẽ tìm cách bảo vệ người đó. Giống như bây giờ mình thương một người nào đó mà ai đụng chạm đến người đó thì chúng ta tìm cách bảo vệ cho dù có mặt hay không có mặt người đó. Đó là tình bạn chân thật.

Ai đối với bạn hữu,
Chỉ làm với lời nói,
Lời nói đẹp, khả ái,
Nhưng chỉ lời nói suông,
Bậc trí biết người ấy,
Người chỉ nói, không làm

Người Việt Nam chúng ta hay nói rằng "chỉ được có cái miệng", làm bạn chỉ có cái miệng, nói thì nhiều người nói nhưng lúc cần người săn tay áo lên để làm không phải là dễ 

Người luôn luôn chú ý,
Nghi ngờ sự thiếu sót,
Tìm kiếm các nhược điểm,
Người ấy không phải bạn

Nếu chúng ta gặp một người lúc nào cũng xăm soi cũng tìm khuyết điểm để chỉ trích đòi cái này đòi cái kia thì đó không phải là người bạn. Một người bạn chân thành là một người bạn chỉ cho mình những lỗi, chỉ cho mình những khuyết điểm nhưng không phải cố tình để soi mói để trách móc. Có những người hiểu lầm về điểm này, họ nghĩ rằng một tình bạn thân có nghĩa là mình phải nói về khuyết điểm người đó khi mình nói chuyện mình cứ lôi ra "oh, anh làm cái này sai anh làm cái kia sai" họ nghĩ như vậy là chuyện họ đang đóng vai trò người bạn tốt. Điều đó không phải . Người bạn tốt khi cần nói thì nói, khi cần yên lặng thì yên lặng, khi cần khuyến khích thì khuyến khích, khi cần chỉ trích thì chỉ trích, không phải lúc nào cũng tuôn ra bao nhiêu thứ phiền hà. Bây giờ có những người họ bị những bịnh gọi là bịnh tâm thần, lúc nào họ cũng muốn chuốc ra những phiền não trong lòng họ và khi họ nói chuyện thì bao giờ họ cũng chỉ trích người này chỉ trích người kia. Chúng tôi là vị tu sĩ ở chùa có nhiều lúc gặp Phật tử họ chỉ trích từ chuyện của giáo hội đến chuyện chùa chiền đến Phật tử việc này việc kia lúc nào cũng có chuyện để than phiền, thì những người lúc nào cũng than phiền như vậy họ không phải là người bạn tốt, một người bạn tốt là có đưa ra những nhận định là đi chùa có việc này cần phải cải thiện đề nghị làm việc này rồi thôi chứ không phải là đem cả hàng trăm hàng ngàn chuyện phiền phức ra nói hoài nói hoài để làm gì, những người đó họ chỉ nói là vì bịnh tinh thần của họ là muốn chỉ trích. 

Chúng ta nên nhớ một điều là chỉ lỗi chỉ nhược điểm để xây dựng khác với thái độ luôn luôn càm ràm , luôn luôn cằn nhằn, luôn luôn gây ra những vấn đề khó khăn thì việc này chúng ta phải cẩn thận 

Với ai có thể nắm,
Như con nằm trên ngực,
Người ấy mới thật bạn,
Không bị ai chia ly.

Ở đây muốn nói sự thân thiết như một người mẹ để đứa con ở trên ngực mình vậy, có thể tìm thấy không gian rất gần gủi tìm thấy sự tương tác rất thoải mái tìm thấy sự quan tâm đầy đủ thì người đó mới thật sự là bạn.

Ai mong lợi ích quả,
Tu tập các sự kiện,
Ðem lại sự hân hoan,
Tu tập sự an lạc,
Ðem lại thưởng, tán thán,
Gánh trách nhiệm làm người.

Đoạn này nói là ở trong tình bạn chân thật cho dù lời khen hay lời chê thì đều có cùng biết rõ rằng mang lại lợi ích cho bạn của mình vì chúng ta khen có trách nhiệm và phê phán có trách nhiệm. Chuyện phê phán có trách nhiệm hay ca ngợi có trách nhiệm có nghĩa là mình ca ngợi không phải để vuốt đuôi, ca ngợi không phải chỉ là những lời nói đầu môi chót lưỡi mà chúng ta ca ngợi để khuyến khích để sách tấn bạn bè và chúng ta nói có trách nhiệm chứ không phải chúng ta chỉ là người nói để làm vui lòng để hài lòng bạn và hầu như ở trong tình bạn chuyện nghĩ đến lợi ích cho nhau rất quan trọng. Nghĩ đến lợi ích cho nhau nghĩa là mình thấy người bạn của mình đang say men chiến  thắng thay vì mình ru ngủ người bạn mình thêm thì cũng có những lời nhắc nhở người bạn mình chứ không phải là mình thấy người ta làm tốt mình khen mà mình quên đi rằng những lời khen của mình có thể làm cho người kia mất đi sự cảnh giác cái đó gọi là chúng ta nghĩ đến lợi ích

Uống xong vị viễn ly,
Uống xong vị an tịnh,
Không sợ hãi, không ác,
Hưởng vị ngọt, pháp hỷ

Câu này hướng dẫn sự tu tập quan trọng đó là người bạn gọi là thật sự hảo bạn hữu, một người bạn thiện trên con đường tu tập phải là vị có khả năng chia sớt việc viễn ly, chia sớt việc an tịnh, sống với sự vô úy, với sự không có sợ hãi, sống không bất an. Ở đây ý muốn nói một điều là trong tình bạn gọi là một người tu tập nên có đó là người bạn đó có thể chia sẻ được những giá trị của giác ngộ giải thoát, vị ngọt của chánh pháp và chúng ta có thể mang lại cho nhau chất liệu thật sự của thế nào là Phật Pháp. Thí dụ như chúng ta thương mến một người nào đó chỉ để ăn chơi, mến một người nào đó chỉ để nói cho đỡ buồn, nếu chúng ta thương mến một người nào đó chúng ta chỉ có tánh cách xã giao làm ăn thì không phải là một người bạn thật sự. Người bạn đúng nghĩa một thiện hữu là người đó có thể giúp cho nhau tiến hoá trên đường tu tập tăng trưởng được thiện pháp xa liền ác pháp hưởng được hương vị của pháp thiền. 

Thưa qúi vị, như trường hợp chúng tôi phải nói rằng làm việc ở trong palalk một trong những hạnh phúc của chúng tôi đó là sau bao nhiêu năm làm việc ở đây thì có được một số Chư Tăng các vị giảng sư những vị cùng chia sẻ với nhau việc tìm hiểu Phật Pháp. Những thì giờ chia sẻ giáo pháp chia sẻ pháp lạc đối với chúng tôi việc đó quan trọng hơn những chuyện khác. Chúng tôi rất sợ trong cuộc sống người ta chỉ quen với nhau bằng quan hệ thù tạc của cuộc đời, cái thù tạc đó nó nhiều lắm nhưng làm việc với nhau lâu cùng chia sẻ với nhau nhưng thuần về Phật Pháp thì chúng tôi nghĩ điều đó là điều đẹp điều đó là điều có giá trị hơn hết. Chúng tôi có quen vị thiền sư, vị này luôn luôn có nhiều buồn phiền trong đời sống, dễ hiểu, là vị này thích Phật Pháp và rất giỏi Phật Pháp nhưng lại không xây dựng được những người bạn chia sẻ về Phật Pháp. Và khi vị này đi vào quan hệ giao tiếp thì quan hệ giao tiếp có tánh cách làm vừa lòng đáp ứng thị hiếu nhiều hơn là một quan hệ Phật Pháp và vì vậy vị này không có niềm hoan hỉ bền chặt. Ở trong một ngôi chùa ở trong một đạo tràng quan hệ lâu bền chặc nhất không phải là ai cho ai điều gì trên phương diện tiền bạc, không phải ai giúp ai điều gì trên phương diện vật chất mà chính là chúng ta có thật sự chung niềm vui của Pháp hỉ, có thật sự giúp cho nhau để đào sâu vào lời dạy của Đức Phật, có thật sự chia sẻ giá trị hoằng pháp lợi sinh hay không, nếu chúng ta làm được chuyện đó thì chúng ta mới có thể duy trì được lâu dài. Chúng tôi không tin những quan hệ khác, những quan hệ khác thì có tánh cách nhất thời nhưng chính hiểu nhau trọng nhau là vì chúng ta chia sẻ chung những giá trị, những giá trị ở đây là vị của viễn ly vị của sự an tịnh tinh thần vô úy tinh thần xa lià bằng thiện pháp cái vui trong Phật Pháp thì cái đó mới cho chúng ta lâu dài được.

Chúng ta trở lại điều này là trong cuộc sống quan hệ bạn bè là một quan hệ cực kỳ phức tạp, cho chúng ta rất nhiều và lấy đi cũng rất nhiều, khiến cho chúng ta vui cũng nhiều và khiến cho chúng ta phiền não không ít. Và nếu chúng ta hiểu được giá trị của tình bạn chân thật như trong bài kinh này thì chúng ta sẽ đặt lại toàn bộ giá trị của: thế nào là một người bạn tốt thế nào là những điều chúng ta có thể chia được, thế nào là hình ảnh của một tình bạn lâu dài, cái gì lâu dài cái đó mới thật sự có giá trị ./.

Friday, November 7, 2014

Một người Phật tử phải thật sự an lạc mới có thể chia sẻ Phật pháp với người khác

Hỏi: Một người Phật tử phải có thật sự an lạc mới có thể chia sẻ Phật pháp với người khác.

Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 4-10-2014, Minh Hạnh chuyển biên.

TT Giác Đẳng: Phật pháp không phải chỉ mang lại lợi ích cho chúng ta khi chúng ta đắc đạo chứng quả mà ngay trong đời sống hàng ngày chúng ta cũng tìm thấy được rất nhiều lợi ích nếu chúng ta hiểu được Phật pháp và chẳng những vậy chúng ta cũng có thể chia sẽ cho người khác. Lấy ví dụ, không nhất thiết mình là một người đầu bếp rất giỏi hay nổi tiếng thì mình mới có thể chỉ người khác nấu thức ăn, nếu mình có thể nấu một vài món gì đó ngon mình cũng có thể chia sẻ cho người khác được. Sự chia sẻ đó không đòi hỏi sự hoàn hảo ở trong chúng ta nhưng nó đòi hỏi sự hiểu biết thật sự. 

Chúng ta hãy nhìn vào ân đức Pháp Bảo về những đặc tính của Pháp Bảo thì có những điểm như:

- Svàkkhàto bhagavato dhammo - là Pháp được Đức Thế Tôn khéo giảng - nói một cách khác là Đức Thế Tôn giảng dạy có phương pháp chứ không phải là chỉ nói để nói mà thôi. Đây là một điểm hết sức là cần chúng ta để ý. Đức Phật Ngài không hướng dẫn chúng sinh chỉ bằng sự ca tụng điều thiện và chê điều ác, nhưng Ngài dạy cho chúng ta những phương pháp làm sao để huân tu chánh niệm, làm sao để trưởng dưỡng tâm từ, làm sao để tiết chế những phiền não. Như Đức Phật đã dạy, thí dụ trong kinh Nhất Thiết Lậu Hoặc, Đức Phật Ngài cho chúng ta những phương pháp làm thế nào khi chúng ta đối diện với phiền não thì chúng ta có được những trang bị gì; như là có những phiền não được diệt tận do sự do tri kiến, có những phiền não được chế ngự do sự nhẫn nại, có những phiền não chế ngự do quán tưởng trong sự thọ nhận khổ nạn. Thì chính Phật Pháp được Đức Phật dẫn dạy có phương pháp hay là có sự hướng dẫn cụ thể do vậy gọi là Svàkkhàto bhagavato dhammo. 

Sandiṭṭhiko là ý nghĩa thứ hai, là thiết thực hiện tiền. Nghĩa là chánh pháp đó chúng ta áp dụng có lợi lạc ngay trong đời hiện tại. Ví dụ như Đức Phật Ngài dạy chúng ta khi những gì xảy ra đến chung quanh chúng ta phản ứng nếu chúng ta phản ứng với khéo suy nghĩ với chánh tư niệm yoniso-manasikāra thì chúng ta có được lợi ích rất nhiều. Khéo suy nghĩ ở đây đó là cái nhìn cho nó tốt, nhìn cho chính xác. Thí dụ như bây giờ qúi Phật tử vào rơom nghe pháp có một vị giảng sư vào thuyết pháp và vị đó bị trục trặc kỹ thuật vì đường truyền nói rất khó khăn thì chúng ta có thể phản ứng là "vô nghe pháp mà nói không rõ nói chậm nói rời rạc bực mình quá", chúng ta có thể phản ứng như vậy. Nhưng nếu chúng ta nhìn lại chúng ta nghĩ rằng "thật là một sự cố gắng, mặc dù các vị gặp rất nhiều khó khăn mặc dầu đường truyền không tốt, mặc dầu cầm mic mà cứ phải trở đi trở lại hoài nhưng cho thấy rằng vị này vẫn cố gắng, vẫn dành thì giờ, vẫn tiếp tục vẫn kiên nhẫn, dầu nói một lời một chữ cho qúi Phật tử nghe Phật Pháp vị này vẫn cố gắng, thì là điều đáng hoan hỉ". Khi chúng ta nhìn vào điều đó chúng ta phản ứng khác hoàn toàn, thì Đức Phật dạy đó là  yoniso-manasikāra là khéo tác ý, khéo suy nghĩ. Khi mình suy nghĩ như vậy mình được an lạc, suy nghĩ như vậy mình không có phiền não. Thành ra pháp của Phật dạy thiết thực hiện tiền là mình áp dụng được điều nào thì điều đó mang lại lợi ích cho chúng ta trong hiện tại. Pháp của Đức Phật thiết thực hiện tiền bởi vì không phải chờ cho đến kiếp sau sau khi chết rồi chúng ta mới thấy quả đó, Pháp Đức Phật thiết thực hiện tại tại vì pháp đó trên diện hiển hoá bản thân của chúng ta.

- Một pháp khác gọi là Akāliko là vượt ngoài thời gian.  Akāliko vượt ngoài thời gian được hiểu theo nhiều ý nghĩa. Nhưng thưa qúi vị, chánh pháp được nói thẳng nói trực tiếp là ngay ở trong cuộc sống câu chuyện Đức Phật đã giảng cách đây 26 thế kỷ về trước cho đến hôm nay vẫn như vậy không hơn không kém. Và cho đến Chư Phật ở trong tương lai xuất hiện thì chúng sanh vẫn sống trong vô minh ái dục, chúng sanh vẫn hằng dưỡng tánh chất của chánh pháp, chúng sanh vẫn cần vượt qua bể khổ để đạt đến sự giác ngộ đích thực. Tất cả những điều đó là những gía trị vượt thời gian. Khi chúng ta thấy chuyện vượt thời gian là nó không bị biến tướng hay bị đánh mất giá trị theo văn hoá, theo giai đoạn, theo lịch sử, mà tại vì Phật Pháp nói rất thẳng rất rõ vào những vấn đề căn bản nhất: Vô Thường, Khổ, Vô Ngã là những pháp chúng ta biết ở mỗi thời, ở mỗi quốc độ ở mỗi cảnh giới thì đều có thể thể nghiệm được thế nào là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Do vậy Phật Pháp là Akāliko.

- Ehipassiko đến để mà thấy. Thấy ở đây tức là Phật Pháp dạy chúng ta mở rộng mắt ra nhìn thật thẳng tìm hiểu thật rõ ràng và tự mình trải nghiệm. Cái trải nghiệm của bản thân, thí dụ như Đức Phật dạy:
Tâm dẫn đầu các pháp
Tâm chủ trì, tạo tác
Nói năn hay hành động
Với tâm ý nhiễm ác
Thì khổ sẽ theo ta
Như xe theo chân con vật kéo
Tâm dẫn đầu các pháp
Tâm chủ trì, tạo tác
Nếu tâm thanh tịnh
Nói năng hay hành động
An lạc sẽ theo sau
Như bóng không rời hình

 Chúng ta cứ thử làm như vậy xem Đức Phật Ngài dạy có đúng không, ở trong tất cả mọi trường hợp rối ren, tất cả mọi trường hợp phiền lụy, tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ, tâm tạo tác thì nếu tâm chúng ta thanh tịnh mà nói năng hay hành động thì hạnh phúc có theo hay không, chúng ta cứ thử bởi vì Đức Phật dạy rằng giáo pháp của Ngài là  Ehipassiko đến để trải nghiệm đến để thực nghiệm, đến để chứng nghiệm chúng ta sẽ thấy điều đó. Bởi vậy thế hệ này qua thế hệ khác chính những người sống với Phật Pháp đem Phật Pháp vào trong cuộc sống của mình thì những người đó mới thắp sáng và cho chúng ta những giá trị, chúng ta không cần phải tranh luận nhiều, nếu chúng ta có đủ sự an lạc ở trong chánh pháp thì điều đó cho thấy rằng chánh pháp có một giá trị và chính chúng ta là người làm chứng cho việc đó 

- Opaneyyiko là chánh pháp có khả năng hướng thượng làm thăng hoa cuộc sống, làm cho đời sống của chúng ta hướng cầu đến những điều tốt đẹp hơn, là một người Phật tử ở trong chúng ta không có ai mà nghĩ rằng mình chém đầu người khác mình giết hại người vô tội, mình đả kích người khác, mình sống bằng tâm sân hận mà việc đó có lợi ích. Sự hướng thượng là đặc điểm của Phật Pháp. Opaneyyiko ở trong mọi hoàn cảnh mình làm sao tốt hơn mình làm sao làm đẹp đời làm đẹp cuộc sống của mình đó là sống hướng thượng, hướng thượng là đặc tính của Phật Pháp 

- Paccattaṃ veditabbo viññūhi là Phật Pháp dành cho người hiểu biết chứ không phải dành cho người không hiểu biết. Cuộc sống khác biệt với nhau giữa những người hiểu biết và những người không hiểu biết. Người hiểu biết có thể có cân nhắc, người hiểu biết là thấy được nhân quả, người hiểu biết là biết người biết ta, có nghĩ mình và có nghĩ người, đời sống là hiểu biết. Đức Phật dùng chữ viññūhi là bậc trí giả, bậc thiện trí hay là người hiểu biết. Thì Phật Pháp dành cho người hiểu biết không phải dành cho người cực đoan hay cho người ích kỷ.

Thì khi chúng ta đọc vào những điều đó và chúng ta tâm niệm thì 23.41 sẽ thấy rằng Phật Pháp không phải chờ đến kiếp sau hay là chờ đến khi chúng ta đắc đạo chứng quả rồi chúng ta mới nếm được hương vị Phật Pháp mà ngay cả trong giờ phút này nếu chúng ta ngồi đây chúng ta khéo hướng tâm khéo tác ý thì chúng ta cũng có nếm được hương vị Phật Pháp và điều đó có thể chia sẻ được. Khi nãy chúng tôi có trình bày với qúi vị là không phải chúng ta là một đầu bếp nổi danh thì chúng ta mới có thể chỉ cách nấu ăn ngon cho người khác nấu ăn, chúng ta có nấu món gì đó thấy ngon chúng ta có thể chia sẻ cho người khác món đó hoặc là cách làm món đó thì trong cuộc sống người Phật tử nếu chúng ta thật sự muốn hoằng pháp thì chúng ta phải thể hiện ý chí của mình, thể hiện sự tôn trọng của mình đối với tha nhân và chúng ta thể hiện sự an lạc của mình, một người Phật tử hoằng pháp muốn đem Phật Pháp đến chúng sanh khác mà bản thân chúng ta phiền não quá thì không làm được chuyện gì hết đó là điều tự nhiên. Qúi vị có bao giờ thấy rằng một người đầy tham đầy sân đầy si mà có thể giúp ích cho người khác, ít nhất người đó phải có được những cái an lạc tối thiểu, người đó phải có sự hiểu pháp tối thiểu thì mới chia sẻ cho người khác

 Về điểm này, chúng tôi tin rằng sự trường tồn của Phật Pháp đó là chính ở mỗi chúng ta, nếu chúng ta có thể thấy, có thể đem ứng dụng được Phật Pháp vào trong đời sống và tìm được những lợi lạc thiết thực chúng ta đem chia sẻ cho người khác ./.

Wednesday, November 5, 2014

Mục đích chân chánh của đời phạm hạnh là gì?

Hỏi.  Mục đích chân chánh của đời phạm hạnh là gì?

Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 14-6-2014, Minh Hạnh chuyển biên

TT Pháp Tân: Ở đây, khi nói đến mục đích chân chánh của đời sống phạm hạnh phải nói  lý tưởng muốn xuất gia để tu tập thật sự không phải vì vui hay để thụ lợi hay để trốn tránh nợ hay là cái gì đó theo quan niệm của người thế tục. Có người nói mình xuất gia vì trốn nợ, trốn việc đời, trốn cái này trốn cái kia. Rồi có người xuất gia nói rằng mình phải được hưởng thụ cái này hưởng thụ cái kia. Những người xuất gia trong nhiều cách nghĩ ngợi khác nhau nhưng đối  với một người tu hành chơn chánh mình phải xác định mình tu tập để đạt đến sự an lạc ở nội tâm, chấm dứt phiền não, đó là điều mình mong muốn.

Đường tu rất dài, có thể mình tu tập trọn cả đời, nỗ lực làm các công đức thiện sự, tránh xa những điều xấu ác từ thân khẩu ý.

Người có tâm niệm thực hành con đường phạm hạnh chân chánh thì lý tưởng tu tập để  đạt đến là đạo quả thánh nhân, đạt đến sự giải thoát với ít nhất mình cũng được an lạc ở trong đời sống hiện tại này tức là tâm mình được thanh thản, tâm mình, giảm bớt những phiền não, mặc dù  mình chưa được giải thoát nhưng giảm bớt được những sự ràng buột do phiền não mang lại hay ràng buột của đời sống thế tục. 

Mình xác định được mục đích của phạm hạnh đó là làm sao để thành tựu được sự giải thoát là đạo quả thánh nhân. Nói đến đạo quả thánh nhân thật sự là một sự dày công rất dài phải qua bao nhiêu kiếp. 

 Không biết mình đã tu tập được bao nhiêu kiếp rồi nhưng ít ra trong đời sống hiện tại mình làm được việc những điều thiện dù là điều thiện nhỏ, thí dụ mình giữ giới, cố gắng giữ giới, bên cạnh đó cũng phải bố thí cúng dường, rồi bên cạnh đó cũng phải thực hành con đường phạm hạnh của mình trong đó những tạp niệm những ý nghĩ xấu về dục hoặc sân hận hoặc hại tư duy cố gắng tránh bỏ những điều đó, và bỏ những điều tạp niệm xấu ở trong tâm nó là cái nhân để giúp cho mình đi dần đến đời sống của phạm hạnh.

Còn nếu như không nỗ lực hành trì hoặc bỏ bớt những phiền não ở trong nội tâm của mình thì thật sự đời sống phạm hạnh của mình còn dài còn lâu. 

Một vị tu hành biết được lý tưởng tu tập của mình ngay cả việc thiện nhỏ cũng cố gắng làm dù làm trong hoàn cảnh nào cũng làm việc thiện đó.

Việc thiện về thân như bố thí, cúng dường, trì giới hoặc nghe pháp hoặc suy tư Phật pháp.Việc thiện về tâm chúng ta đình chỉ tạp niệm, tu tập chánh niệm đó là mình tu tập về tâm của mình. 

Về lời nói,  không nói những lời nói ác quấy, những lời nói không tốt, những lời nói xấu ác v.v... hoặc không nói vọng ngữ. Thì những lời nói tuy mình tu tập thân khẩu và ý, lời đó nghe đi nghe lại hoài nhưng để hoàn thiện thân khẩu ý không phải là chuyện dễ.

Con đường phạm hạnh là mình bỏ được điều ác xấu và thực hiện những điều thiện còn nó đến đâu thì nó đến, bởi vì mình dứt bỏ phiền não tới đâu con đường phạm hạnh của mình nó bước gần đến đó, nó dứt điểm đến đó. Con đường phạm hạnh việc tu tập đòi hỏi lời nói việc làm và suy nghĩ của mình từ việc nhỏ việc lớn cố gắng làm cho tốt và cố gắng tránh xa những điều ác. 

Trong kinh Pháp Cú Đức Phật dạy dù ác nhỏ mình cũng chớ coi thường, tạp niệm nhỏ tuy mới manh múng trong những suy nghĩ  chưa đi đến hành động chưa đi đến lời nói nhưng mình biết gạt bỏ qua một bên bằng hướng tâm đến chánh niệm nào đó đến một đề mục nào đó tâm của mình sẽ hướng đến. Hoặc điều ác tuy thấy nó nhỏ nhưng mình cố gắng bỏ. Ngược lại đối với làm lành mình cố gắng làm dù làm trong nỗ lực đó việc làm phải suy xét đến bản chất của cuộc đời thế gian. 

Trong kinh Pháp Cú có câu "chính thân còn có ra gì huống là sự nghiệp còn chi của mình". Thì thân của mình còn không có ra gì nó cũng không phải là của mình nữa. Vì vậy Ngài Mahà Pàla nghĩ rằng thế giới vô sở hữu chủ mình đâu có bảo thân này không bịnh được, bảo nó không có gặp tai nạn được, bảo nó không già được, bảo nó không chết được, mình không bảo được điều đó cho nên mình không làm chủ được cái gì hết và vì Ngài nghĩ như vậy nên Ngài xuất gia. 

Người với mục đích chơn chánh xuất gia không phải là vì trốn nợ, không phải xuất gia vì buồn chán cái gì đó, cũng không phải xuất gia là vì muốn hưởng lợi lộc, cũng không phải muốn xuất gia để được cái gì. Mình xuất gia vì nghĩ rằng với con đường phạm hạnh của mình là mình đã hiểu Phật đã dạy con đường phạm hạnh giúp diệt trừ được những phiền não và mình bằng thiện pháp tu tập bỏ ác pháp của thân khẩu ý, và thực hiện những điều thiện ở trong nội tâm để mong rằng gạn lọc hay loại bỏ bớt những phiền não từ cái phiền não nhỏ lớn gì đó mình bỏ từ từ mình sớm muộn cũng sẽ đạt được, đi chậm đi mau cũng phải làm được do sự nỗ lực hay do sự quyết định lấy chính mình quyết định lấy điều đó và chính điều đó  mang lại sự thành tựu con đường phạm hạnh của mình, và sẽ đi đến  đích điểm cuối cùng của con đường phạm hạnh là đạt được sự giải thoát./.