Thursday, December 19, 2019

Bốn tu tập thiền định - TT Giác Đẳng

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
33. Kinh Phúng tụng (Sangìti sutta)
PHÁP BỐN CHI 4.5

Bốn tu tập thiền định


Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma  ngày 5 tháng 3, năm 2019

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Trong tiếng Phạn, cũng như trong thuật ngữ Phật học tiếng Việt, chúng ta cần phân biệt rõ chữ định

Định là nhất tâm, hay tập trú vào cái gì đó, là sự tập trung.  Và định được xem như là một chi trong năm chi thiền. Nhưng, định còn nói đến một ý nghĩa khác đó là, sự tu luyện tâm bằng sự phát triển định lực

Người Trung Hoa không dịch chữ Samādhi là định,  thường họ âm thành chữ tam muội. 

Chữ tam muội ở đây được hiểu là định, nhưng đạt đến mức độ cao có năng lực gọi là định lực.

Khi đề cập đến samādhibhāvanātu tập định, thường bao gồm cả hai:

 - Thiền chỉ (Samatha), và Thiền quán (Vipassana)

 -  Hay chúng ta nói địnhniệm.

 Định là, khả năng an chỉ, trụ tâm, không để tâm chạy theo cái này cái kia, để tâm an trụ vào một cảnh. Ví dụ, ánh sáng mặt trời do kính hội tụ gom vào một chỗ, tạo ra ánh sáng, tạo ra sức nóng, tạo ra lửa có thể làm cháy được, đó là định.

Niệm là, một sự sắc sảo, sắc bén, biết rõ, biết một cách tỉnh táo. 

Một lúc mình lo nhiều chuyện quá, do lo nhiều chuyện, không có chuyện nào thật sự tập trung, gọi là tản tâm, hay tán tâm, hay phân tâm. Sự phân tâm khiến chúng ta không thể đào sâu vào chuyện gì. Đó là, hiểu bình thường nhất, hiểu thường thức nhất, chúng ta nói thế giới của định, và không có định. 

Còn niệm là sự tỉnh táo, ví dụ, làm việc gì đó, trong công việc đó, mình biết rất rõ từng li, từng tí, từng cử chỉ một, và mình để hết tâm ý vào trong đó. 

Niệmđịnh là hai lãnh vực của sự tu tập nội tại, của tam muội định. 

Chữ tam muội định là, âm của chữ Samādhi, ở đây, được hiểu là, định, đạt đến mức độ cao có năng lực gọi là định lực.

Trong bài học này, Tôn Giả Xá Lợi Phất nhắc lại một đoạn kinh trong Tương Ưng kinh, có đoạn về bốn mục đích của tam muội định.  Với bốn mục đích này, chúng ta có thể thấy được, nhận rõ được những thành quả cụ thể của thiền định.

 1 - Mục đích đầu tiên của định là được sống hiện tại lạc trú, ở cả hai phương diện, phương diện thân và phương diện tâm. 

-  Căn bản là, thân năm uẩn của chúng ta luôn luôn có phiền lụy, nào là, bệnh tật, đau nhức, mệt mỏi, uể oải, và nó có những nhu cầu đòi hỏi, như là, đói, khát, đại tiện, tiểu tiện, đó là cái khó chịu của thân mà chúng ta phải giải quyết. 

- Và tâm của chúng ta, nếu không có tu tập, nó nằm trong căn bản của các thị dục, như là, sắc, thinh, khí, vị, xúc. Bởi vì tâm sống trong thị dục, chúng ta luôn luôn bị năm trạng thái khiến không được an lạc, đó là, dục tham, sân hận, hôn thùy, trạo hối, hoài nghi. Nói theo ngôn ngữ thường thức, đó là, sự ham muốn, sự ghét bỏ, sự mệt mỏi, sự giao động, và sự phân vân. Năm trạng thái này, nếu đi sâu vào thiền định thấy rất rõ nó là những ngăn ngại, nó thuộc về một phần của một người sống trong cảnh dục, như chúng ta lái một chiếc xe cũ, vì cũ nên có nhiều vấn đề, như là, xe chạy hao xăng, dễ hư, bể máy, bị chảy nhớt v.v... 

Tương tự như vậy, thân và tâm của chúng ta ở trong cảnh dục không được an lạc. Cho đến khi nào nó vượt ra khỏi lãnh vực đó, đạt được các tầng thiền có, tầm, tứ, hỉ, lạc, định. Thì, tầm, tứ, hỉ, lạc, định, khắc chế năm triền cái, lúc bấy giờ một vị như vậy gọi là đạt được hiện tại lạc trú. Về điểm này, chúng ta có thể lấy một ví dụ, trong đời sống hàng ngày là, mình sống còn có đi làm, thì mình còn có tiền, còn có thị phi, còn phải ràng buột vào thì giờ, cho đến khi nào mình không phải đi làm nữa mà mình vẫn có thể có tiền, có thể tự sống được, và có thể sống trong sự sắp đặt cuộc sống của mình về ngày giờ, thì tự nhiên mình có sự an lạc khác, chúng tôi tạm thí dụ thôi.

 Hạnh phúc mình có như là, có nhà, có xe, có bạn bè, nói chung là, hạnh phúc của sắc, thinh, khí, vị, xúc v.v.... Hạnh phúc đó cho dù đạt đến mức độ tối đa, như là, chỗ ăn ở được, tế nhị, cao sang, đầy đủ, như làm vua chẳng hạn, thì nó vẫn luôn luôn có sự hệ lụy là, chúng ta bị xâu xé giữa cái thích, và cái không thích, giữa sự mệt mỏi và giao động, và sự lưỡng lự. Bởi vì, mình không biết chọn cái nào. Thì khi một vị tu tập thiền định, với năm chi thiền, tầm, tứ, hỉ, lạc, định, thì vị đó cho phép mình an trú trong một cảnh giới an lạc hơn, ngay ở trong kiếp sống này, khi mặc dầu mang thân làm người.

Có một lần Tôn Giả Asaji, là một trong năm anh em Kiều Trần Như, là vị, đã khai tâm cho Tôn Giả Xá Lợi Phất, Tôn Giả Asaji chứng quả Thánh Alahan bằng tuệ, Ngài không chứng đắc thiền. Khi Ngài bịnh nặng Đức Phật đến Ngài có gợi ý hỏi:

- Này Assaji, Ông có điều gì phân vân và cảm thấy hối tiếc gì không?

- Bạch Thế Tôn, con có nhiều phân vân, có nhiều hối tiếc! Sau khi cố gắng làm cho lắng xuống cơn bịnh, con sống với thân hành, do vậy con không chứng được Thiền định.  

 Tôn Giả Asaji, dầu là vị Alahan cũng thấy tiếc rằng mình đã không có tu tập  thiền định, tức là thiền chứng, bởi vì thiền chứng sẽ được hiện tại lạc trú và có khả năng khắc chế thân bịnh. Khắc chế tức là an trú vào trong đó nhẹ nhàng khinh khoái. Lúc bấy giờ Đức Phật Ngài đã dạy Tôn Giả Asaji nhìn mà không tướng, dĩ nhiên, là vị Alahan, thì đối với không tướng, Ngài dễ dàng thể nhập vào, nhờ vậy Tôn Giả được dễ chịu.

Thì ở đây, một ý nghĩa rõ ràng của hiện tại lạc trú là, tự thân mình là suối nguồn hạnh phúc, tự tâm mình là suối nguồn an lạc, không cần vay mượn hạnh phúc bên ngoài. Đời sống chúng ta khi cần có, sắc, thinh, khí, vị, xúc, giống như mình đi vay mượn người ta vậy. Khi không có, sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc, mình cảm thấy thiếu thốn. Do vậy đời sống ngoại giới là, đời sống với một thứ hạnh phúc vay mượn. Thí dụ, khi mới vào trong trường thiền, tự nhiên mình rời khỏi thế giới của, ăn, uống, vui chơi, đi vào trong đó chỉ một thiền thất giản dị, không điện, không nước, trống vắng, mình cảm thấy buồn, cảm thấy trống trải, mất nhiều ngày để chúng ta có thể làm quen, có thể thích nghi được, bởi vì đơn giản là, thế giới hàng ngày của chúng ta là thế giới của vay mượn, chúng ta vay mượn từ ngoại cảnh. Như mình muốn ăn ngon, đâu phải mình ngồi đó tự nhiên sáng chiều có đồ ăn ngon, mình phải nấu, mình phải mua, mình phải làm thế nào tạo ra có đồ ăn ngon. Do vậy, ngũ dục là một thứ hạnh phúc vay mượn. Còn hạnh phúc của một người có thiền chứng có, tầm, tứ, hỉ, lạc, định, là tự tâm có thể an lạc được. Do đó, chữ gọi là, hiện tại lạc trú, là mục đích đầu tiên của tam muội định. 

2 - Mục đích thứ hai, mục đích này hơi khó hiểu một chút, bởi vì nó vượt ngoài cảnh giới chúng ta. Thí dụ, trong đời sống hàng ngày gọi là biến mãn không có hạn cuộc. 
Biến mãn không hạn cuộc là, chúng ta thấy đất là đất, nước là nước, thấy cái nào ra cái đó, do vậy tất cả những thứ đó nó thành ngại tướng của chúng ta.  Ngại tướng là, nó ngăn ngại chúng ta. 

Tôn Giả Xá Lợi Phất Ngài nói: "Với một người có định lực, thì một đống củi khô có thể biến thành đại địa." Tức là, họ xử dụng tâm lực, họ thấy một đống củi khô biến thành đại địa. Ở đây, chúng ta gọi là một trạng thái biến mãn.

Trạng thái biến mãn này rất khó hiểu. Chúng tôi tạm lấy ba thí dụ để chúng ta hiểu rõ về chữ biến mãn. 

Ví dụ, có câu nói là, "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ." Ở đây, người có tâm buồn nhìn cả thế giới buồn, tại vì mình buồn cả thế giới buồn, mặc dầu mình buồn chuyện này, không nhất thiết chuyện kia nó buồn, nhưng khi mình buồn, mình nhìn thấy trời cũng buồn, thấy hoa cũng buồn, thấy lá cũng buồn, thấy mưa cũng buồn. 

Và, còn có trường hợp khác, người ta nói ngược lại, người ta nói: "Ngày sẽ đẹp, ngày vui như nắng mới, đêm mưa bay, đêm diễm ảo vô cùng, ta hạnh phúc trong mọi vùng khí hậu, bởi người vui muôn vật hãy vui chung".  Tức là, khi mình vui, cái vui nhuộm cả thế giới này. Một người làm văn hóa, họ nhìn cả thế giới này là văn hóa, họ thấy gì cũng văn hóa. Một người làm chính trị họ thấy cả thế giới này cái gì cũng nhuộm màu chính trị. Cái đó chúng ta gọi là sự biến mãn, sự biến mãn đó không nhất thiết là hiện tại đối với chúng ta, nó chỉ là một cái nhìn chủ quan, chúng tôi tạm gọi là cái nhìn chủ quan. 

Trong một trường hợp duy nhất của thiền định, sự chủ quan đó gọi là biến mãn là, một hành giả niệm đề mục màu xanh, vị đó có thể nhìn cả thế giới này màu xanh. Một hành giả niệm đề mục hư không, vị đó có thể nhìn thấy cả thế giới này là hư không. Nhưng, trong cả thế giới hư không, họ có thể bước qua bức tường được. Một hành giả niệm đề mục lửa thì hóa ra lửa. Đối với hành giả, hạn cuộc của đêm, của ngày, của thực, của giả, không còn nữa, mà do sự biến hiện của tâm thức, sự biến mãn, cái này hơi khó hiểu.

 Tại sao hành giả làm được chuyện đó, khi mình tu tập đến một mức độ nào đó, mình hiểu sự chủ quan của tâm, nếu nó diệu dụng, nếu nó khéo ấn dụng của thiền định, nó có thể bao phủ, có thể biến mãn, có thể trùm khắp.

 Có một vị đệ tử Phật, xuất gia rồi hoàn tục, sau đó xuất gia nữa và chứng thiền, sau đó vì ra đời rồi phạm tội bị bắt, ở trong lúc bị bắt, bị còng, vị này thấy một hình ảnh gợi nhắc lại đề mục thiền định, và với đề mục thiền định, vị đó chứng thiền, và bay lên hư không, tại vì vị này vượt thoát ra khỏi điều đó.

Một người sắp chết, người này đã từng dâng y đến Chư Tăng, trong lúc hấp hối người này thấy lửa địa ngục, nhìn thấy màu lửa vàng người này nhớ màu y. 

Hoặc giả, một vị tỳ kheo niệm đề mục về xương, khi có một thiếu nữ đi ngang, người thiếu nữ này cười, một lát sau người chồng của người nữ đó đi tìm, hỏi ngài có thấy người đàn bà đi ngang qua không, Ngài trả lời là, Ngài chỉ thấy bộ xương v.v...

 Điều này khó hiểu đối với chúng ta, nhưng thật ra nó rất đơn giản. Một khi mình tập trú vào điều gì đó thì nó chỉ là như vậy thôi. Chúng tôi lấy một ví dụ là, kỳ rồi Chư Tăng đi qua thành phố Luang Prabang, thành phố là cố đô của Lào, nổi tiếng với nhiều ngôi chùa và tu viện Phật Giáo, chúng tôi biết Chư Tăng có nhiều vị cũng có mặt ở tại đó, nhưng mỗi vị có cái nhìn khác nhau, thí dụ, TT Tuệ Siêu băng khoăn về vấn đề Chư Tăng học thế nào, Chư Tăng tu thế nào, Phật giáo tồn tại thế nào, tại vì đó là cảnh giới của TT Tuệ Siêu. Vị khác đi qua bên đó nhìn thấy được nghệ thuật đẹp, tại vì vị đó băng khoăn về nghệ thuật. Khi chúng ta nhìn sự việc trên một góc nhìn nào đó mà thật sự có đủ tinh tế, đủ định lực, đủ bén nhạy, thì cái nhìn chủ quan có thể biến mãn là bao phủ cả việc đó.

 Như chúng tôi ví dụ hồi nãy, nếu một người vui thì, "ngày sẽ đẹp, vui như nắng mới, đêm mưa bay, đêm diễm ảo vô cùng, ta hạnh phúc trong mỗi vùng khí hậu, bởi người vui muôn vật hãy vui chung", dầu là trời mưa trời nắng gì mình cũng vui được, nhưng một người đã buồn rồi thì "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ".

Đó là một trạng thái biến mãn ở mức độ thường thức, mức độ chủ quan nhất, trong đời sống của mình. Khi Tôn Giả Xá Lợi Phất Ngài nhìn một đống củi khô, Ngài nói với Chư Tăng rằng: "đống củi khô này qua năng lực của tam muội định thì có thể biến thành đại địa". Thật ra câu nói đó không phải dễ hiểu, phải là người tu tập mới có thể hiểu được chuyện đó, phải hiểu được chuyện đó mới thấy được khả năng biến mãn đó. Thành ra ở đây Ngài  nói rằng:

Này các Hiền giả, ở đây, vị Tỷ-kheo, tác ý quang minh tưởng, an trú tưởng ban ngày, ban ngày thế nào ban đêm như vậy, ban đêm thế nào ban ngày như vậy.

Sự biến mãn, khi vị này thể nhập vào đề mục ánh sáng, ở đây, dùng chữ quang tưởng, hay màu sắc ánh sáng, thì ngày và đêm, không còn là vấn đề nữa, tại vì, ngày và đêm trở thành một sự biến mãn của tâm, nó không lệ thuộc vào ngoại cảnh nữa, nên ngày và đêm giống nhau, như vậy tâm mở rộng không có đóng kín, tạo ra một tâm có hào quang. Thật ra, hào quang ở đây chúng ta nói là ánh sáng.

3 - Mục đích thứ ba, tu tập thiền định dẫn đến chánh niệmtỉnh giác. Chánh niệm, tỉnh giác, ở đây, Ngài nói đến ba phương diện, và ba phương diện này chúng ta rất khó theo dõi được, bởi vì, bản thân của chúng ta là, ở thế bị động, do bị động mình không có nắm rõ, người ta không biết rõ đến như thế nào, đời sống chúng ta là, trời đẹp mình vui, trời mưa mình buồn, người ta khen mình nở mũi, người ta chê mình cảm thấy mình xuống tinh thần.

Đời sống mình luôn luôn bị động như vậy, nhưng với một vị có chánh niệm, tỉnh thức, tỉnh giác, vị đó hiểu tâm mình qua ba phương diện gọi là, thọ, tưởng, và tầm.

Thọ tức là, tâm cảm thọ trực tiếp, cảm thọ từ ấn tượng trực tiếp, cảnh tốt, cảnh xấu, tạo cho chúng ta, khổ, lạc, ưu, hỉ, xả, vị đó biết rõ. Ví dụ là, mình tu tập thiền quán, hay lúc tu tập thiền quán, mình thấy được chân mình bị đau nhức, mình biết là đau nhức, nhưng, lúc dễ chịu mình phải biết nó dễ chịu, thoải mái mình biết thoải mái, không thoải mái mình biết không thoải mái, phấn khởi mình biết là phấn khởi, buồn nản mình biết là buồn nản, điều đó chúng ta gọi là khả năng ghi nhận cảm thọ. 

Tưởng - saññā là, những gì vừa xảy ra, khi tâm mình chợt lo lắng, hay chợt buồn, mình biết tâm buồn, tâm lo. Dĩ nhiên, khi mình biết cái đó nó đã xảy ra rồi, nó vừa xảy ra, chúng ta nói theo động từ quá khứ, đã hoàn thành, hay là, quá khứ tiếp diễn, cái gì vừa xảy ra, cái gì vừa xảy ra nó vẫn còn lưu lại ấn tượng, và hành giả biết rõ điều đó gọi là, tưởng - saññā  

Chữ tầm - Vitakka, có nghĩa là, sự hướng tâm. Ví dụ, đang tu thiền, tự nhiên, mình nghĩ làm sao để cất cái thiền viện trong tương lai như thế này, hay là, đang tu thiền, mình móng tâm sẽ gặp vị thiền sư để đặt câu hỏi này, câu hỏi kia, hay đang hành thiền, mình nghĩ đến chuyện chừng nào mình rời trường thiền, mình rời trường thiền mình sẽ làm cái này, làm cái kia v.v...  đó gọi là sự suy nghĩ, sự hướng tâm.

Thì ba trạng thái gọi là, thọ, tưởng, và tầm, nếu mình biết rõ thì cái biết đó gọi là tỉnh giác. Điều này hơi khó hiểu đối với chúng ta một chút, nếu chúng ta không quen với thiền Tứ Niệm Xứ. Có nghĩa là, chúng ta chỉ có một thứ tâm mà thôi, mỗi lần chúng ta có một thứ tâm. Ví dụ, chuyện mình ghi nhận nó không hẳn là cái gì đang xảy ra, khi mình ghi nhận, mình ghi nhận bằng chánh niệm cái gì đó vừa xảy ra, thì cái vừa xảy ra nhưng nó còn để lại ấn tượng, cái tưởng, cái saññā trong mình, mình thấy, mình ghi nhận, mình biết rõ điểm đó.

Ngay cả một hành giả đang đi kinh hành, hành giả muốn đứng lại, hay, muốn quay qua, thì cái muốn đó cũng được tính là Vitakkatầm, tức là sự suy tính

Và khi hành giả đang đi kinh hành, nghe tiếng chim kêu chẳng hạn, sau đó, tiếng chim kêu đó không còn nữa, nhưng hành giả vẫn ghi nhận là có âm thanh và có nghe, đó là, nhĩ thức và âm thanh. Điều đó cũng là một phần của saññā. 

4 - Mục đích thứ tư. Sau phần tỉnh giác là mục đích của thiền định, đó là, đoạn tận các lậu hoặc, đây là một cái gì rất lớn đối với hành giả. Căn bản của đoạn tận các lậu hoặc là, xoá tan sở chấp đối với năm thủ uẩn. Năm thủ uẩn đó là, sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Năm thủ uẩn này muốn thấy nó hành giả phải có một cách nắm bắt, gọi là sanh và diệt. Ví dụ, cảm thọ sanh cảm thọ diệt. Ban đầu, chúng ta hay chạy theo cảm thọ, và dựa trên cảm thọ chúng ta phản ứng, chúng ta đổ lỗi. Hay là, chúng ta có niềm tin thế này, quan niệm thế kia về cảm thọ. nhưng một khi những cảm thọ đến, đi, sanh diệt, như là, vui, buồn, không vui, không buồn, và chúng ta thường ghi nhận, thì chúng ta chợt nhận ra rằng nó rất phi cá nhân, rất là vô ngã

Tại vì bản chất  nó như vậy, nó không thể nào vui hoài, nó không thể nào buồn hoài, nó không thể nào bình thản hoài, mình muốn nó vui hoài cũng không được, mình muốn nó buồn hoài cũng không được, mình muốn nó bình thản hoài cũng không được, tại vì cảm thọ có tất cả những thứ đó. Thành ra, khi ban đầu mình chỉ ghi nhận cảm thọ sanh rồi cảm thọ diệt, rồi mình cũng có một chút vui, một chút buồn là do ông A, do bà B làm cho mình buồn, hay do hôm nay mình khỏe hay không khỏe.

Nhưng lâu ngày mình thấy cảm thọ có tự tánh sanh diệt, thân mình cũng vậy, thọ cũng vậy, tưởng uẩn cũng vậy, hành uẩn cũng vậy, thức uẩn cũng vậy. Đọc kinh Vô Ngã Tướng, hành giả thấy rõ là do mình quán xét năm uẩn, đặc biệt là quán xét tánh sanh diệt của nó lâu ngày hành giả hiểu cái gọi là "tôi" là "ta" là sự kết hợp của năm uẩn, và năm uẩn này có tự tánh riêng của nó, mặc dầu mình nghĩ, sắc uẩn phải như thế này, đừng như thế kia, thọ uẩn phải như thế này, đừng như thế kia. Nhưng thật ra, khả năng chúng ta làm chủ không có, đơn giản là, nếu thân sắc uẩn mình làm chủ nó được thì mình bảo nó đừng già, mình bảo nó đừng lão hoá, mình bảo nó đừng có bệnh, bảo đừng chết, nhưng đâu có bảo được. Thân mình mình không có chủ quyền như thế nào thì, thọ, tưởng, hành, thức, gìống hệt như vậy. Cho đến lúc đó hành giả có một thái độ tương đối thản nhiên đối với năm uẩn này, nó không có chuyện gì mình phải ồn ào, phải lớn chuyện, phải phản ứng như vậy, và khi hành giả thấy được rõ năm uẩn với tánh sanh diệt với tự tánh như vậy, với ba hiện tướng là, luôn luôn biến đổi gọi là vô thường, và nó không thể làm mình thỏa mãn hoàn toàn gọi là khổ, và mình không có chủ quyền đối với nó là vô ngã, thì hành giả đoạn tận được các lậu hoặc.

Cả bốn mục đích này của tam muội định đều dựa trên tính chuyên trì. Như trong kinh Pháp Cú Đức Phật Ngài nói rằng: "có thiền định thì trí tuệ phát sanh, không thiền định thì trí tuệ diệt", thiền định đó là tam muội định. Một sự hiểu do nghe từ tai này đi qua tai khác, một sự hiểu biết của chúng ta dựa trên suy luận, đó là một chuyện khác, nhưng một khi mình đã thật sự, sống bền, sống liên tục, bền bỉ, sống bằng định lực, với những điều này sẽ dẫn đến những thành tựu mà chúng ta không lừa được.

Thì ở đây, chúng tôi muốn nói trong pháp tu của Đạo Phật về giới định tuệ chúng ta có cả ba pháp là, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, và Chánh Định. Một cách tu tập đúng của Chánh Tinh Tấn đó là, nỗ lực liên tục. Nỗ lực liên tục là lúc nào cũng nỗ lực, dù, trời nắng, trời mưa, không có bỏ dở nửa chừng, điều này tạo cho chúng ta tăng trưởng định, và định làm tăng trưởng niệm.  Và khi Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định kết hợp lại nó dẫn hành giả đạt đến cả bốn mục đích chúng ta thấy tại đây. 

Thật sự, thiền định của ngoại đạo chỉ chú trọng đến hai điều đó là, khả năng đạt thiền chứng và biến mãn, tức là, khả năng định lực để biến mãn. Nhưng hai phần sau, chỉ riêng Phật Giáo mới nói đến chánh niệm tỉnh giác, và đoạn tận lậu hoặc.

 Chánh niệm tỉnh giác có nghĩa là không phải chỉ có tu tập, mà hành giả phải có đủ khả năng tỉnh táo đối với thọ, đối với tưởng, đối với tầm.

Và nói đến đoạn tận lậu hoặc là hành giả thấy được tánh sanhdiệt của năm uẩn.

Thì hai pháp sau là hai mục đích rất quan trọng ở trong thiền định Phật Giáo.

Về ngoại giáo, chúng tôi nói ngoại giáo là, Ấn Độ, thật ra ngày xưa người Ấn Độ họ có trình độ tu tập rất cao, dĩ nhiên, không phải tất cả người Ấn Độ đạt đến trình độ cao đó, Đức Phật Ngài cho biết có nhiều vị ẩn sĩ, nhiều vị đạo sĩ đã chứng thiền, chứng thần thông. 

Thì chứng thiền, chứng thần thông, thiền chứng là, chúng ta nói đến hiện tại lạc trú, thần thông là chúng ta nói đến đạt đến biến mãn.

Phải đến khi bậc Chánh Đẳng Chánh Giác ra đời, Ngài đặc biệt nói đến Chánh Niệm, Tỉnh Thức, tức là, khả năng biết rõ nội tâm qua ba phương diện là, thọ, tưởng và tầm, và đoạn tận phiền não, chặt đứt các kiết sử là do thấy rõ sanh diệt, thấy rõ ba hiện tướng: vô thường, khổ, vô ngã,đoạn tận được chấp thủ đối với năm uẩn mà chúng ta gọi là cắt đứt các kiết sử ./.


Thursday, November 28, 2019

Bốn thiền - TT Giác Đẳng giảng

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
33. Kinh Phúng tụng (Sangìti sutta)
PHÁP BỐN CHI 4.4

iv) Bốn thiền


Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma  ngày 4 tháng 3, năm 2019

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Bài học hôm nay nói về bốn thiền. Một đặc điểm trong kinh điển, Đức Phật Ngài dạy, khả năng của chúng ta phải sống tách rời khỏi sự chi phối của năm cảnh: sắc, thinh, khí, vị, xúc. 

Đối với đời sống bình thường của chúng ta, sắc, thinh, khí, vị, xúc là lạc thú, hay gọi là dục lạc. 

Như mình nghe một bản nhạc hay, ăn một món ngon, đó là những dục lạc của đời sống. Cũng giống nhiều thứ dục lạc khác trong đời sống này, nó có hai phương diện, một phương diện là sự hưởng thụ, và một phương diện là sự lệ thuộc. 

Chúng ta ăn ngon cũng là một sự hưởng thụ, nhưng bên cạnh đó, cũng có sự phiền toái của cái ăn. Ví dụ như món ăn đó, mình không có thì không được, hay hoặc giả đi đến chỗ nào thức ăn của họ hoàn toàn không giống như  chúng ta nghĩ, lúc đó chúng ta thấy một sự sai biệt rất lớn, khi mình ăn những thứ không quen miệng, không vừa miệng. Và rồi mình ngửi những thứ mình cảm thấy không có mùi thơm. Mắt mình thấy những thứ không khả ái khả ý. Thì bây giờ chúng ta sẽ thấy, mình có một sự lệ thuộc nhất định. 

Nếu muốn biết rõ điều này, chúng ta cứ thử đi xa, đi đến một nơi nào đó, mọi thứ sinh hoạt đều khác lạ, từ thời tiết, cho đến thực phẩm, thì mình thấy rằng mình có sự lệ thuộc. Và khi mình đã lệ thuộc rồi, lúc bấy giờ, cái tự nhiên của tâm chúng ta là, dính vào năm triền cái, hay là, năm triền phượt cái. Năm triền phượt cái là, sự yêu thích, sự khó chịu, sự uể oải dã dượi, sự giao động và sự phân vân. Nói theo danh từ Phật học là, tham dục, sân hận, hôn thùy, trạo hối và hoài nghi. Những trạng thái tâm này vốn là, phản ứng tự nhiên đối với năm cảnh dục, hễ mình có thích cái này, thì mình có ghét cái kia.

Các dục khi mình hưởng dục bằng mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Giống chiếc xe chạy một hồi có lúc nó phải nghỉ. Do nó chạy một lúc nó nghỉ thành ra khả năng bị mệt mỏi nhiều. 

Ở trong kỹ thuật ngày nay người ta nói hai thứ: một thứ gọi là mechanical là về máy móc, một thứ gọi là digitization là về số hóa. 

Cái gì thuộc về máy móc (mechanical) thì dễ hư tại vì nhiều bộ phận, bộ phận này chạy cọ sát vào bộ phận kia phải có dầu có nhớt, việc chuyển tải vận hành một nguồn máy móc tương đối đòi hỏi có sự nghỉ ngơi nhiều, như máy xe chạy lâu quá nó yếu. Những cái gì thuộc về số hóa thì độ bền nó cao.

Cũng tương tự như vậy, cuộc sống này khi hưởng thụ năm cảnh bằng, sắc, thinh, khí, vị, xúc, chúng ta phải xử dụng năm thần kinh là, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và do vậy người ta dễ dàng rơi vào trạng thái buồn ngủ. Mình thích cái nào nhiều, mình thích cái này thì bực bội cái kia, đâm ra mệt mỏi, buồn ngủ và dễ bị giao động. Giao động ở đây là, tâm mình không có định tỉnh mạnh. Con người mình sống ở trong cảnh dục càng nhiều tâm dễ bị căng thẳng, dễ vui, dễ buồn, dễ nóng giận, thiếu kiên nhẫn, tại vì chúng ta quen sống với năm cảnh dục, và nó dẫn chúng ta đến chỗ là chúng ta thường bị hoài nghi lưỡng lự v.v... đó là hiện tượng tự nhiên của tâm. Thí dụ như lái xe đi đến một nơi nào đó mình không biết quẹo trái hay quẹo phải, nó sanh ra trạng thái trù trừ. Mình đi vào thành phố lạ, sự trù trừ làm cho mình ngập ngừng. Ngoại giới luôn luôn cho chúng ta nhiều sự phân vân khác với nội giới, thế giới nội tại ít phân vân hơn.

Thì năm pháp: yêu thích, bực bội, dã dượi, giao động, và phân vân, năm pháp đó là
 năm căn bệnh cố hữu của người sống trong cảnh dục. Để vượt qua năm trạng thái này, Đức Phật Ngài có dạy hành giả nên huân tập năm chi thiền là, tầm, tứ, hỉ, lạc, định. 

Tầm
Tầm tức là khả năng hướng tâm, hướng một cách nhanh chóng, hướng một cách mau mắn vào đề mục thiền của mình. Thí dụ, một người quen học Phật Pháp để tâm mình hướng đến Phật Pháp rất nhanh, hay một người quen nói tiếng Anh thì nhập vào khả năng nói tiếng Anh rất nhanh. nhưng nếu làm cái gì đó mình không quen thì khả năng hướng tâm về chỗ đó không có nhanh, và chúng ta thường có tình trạng mất một ít thì giờ để có thể gom tâm.

Hướng tâm gọi là tầm.

Tứ 
Gắng bó với đối tượng gọi là tứ, chúng ta gọi là khắng khít hay gắng bó, hay áp sát tâm của mình vào. Các nhà chú giải dùng thí dụ con ong, tầm giống như con ong bay đến bông hoa, và tứ là con ong bay quanh bông hoa.

Hỉ
Hỉ là trạng thái hân hoan, hân hoan khi làm cái gì đó chúng ta cảm thấy thoải mái. Lấy ví dụ, chúng ta thích làm vườn, có một ngày đẹp trời ai kêu mình ra làm vườn, mình cảm thấy không khó chịu, và cảm thấy không mệt mỏi, mình cảm thấy rất sung sướng để làm vườn. Có nhiều thứ trong đời sống mình làm chuyện gì đó, tâm mình đặc biệt hân hoan thích làm, thì đó gọi là hỉ.

Lạc
Lạc là trạng thái hưởng cảnh. Tầm giống như con ong bay đến đóa hoa, tứ giống như con ong bay chung quanh đóa hoa. Tầm là hướng tâm đến, tứ là sự gắng bó với đối tượng. Hỉlạc hơi khó phân biệt một chút, thí dụ mình đang khát nước ai cho mình ly nước trái cây chẳng hạn, tự nhiên nhìn thấy ly nước đó ngon, thì cái mình thấy nó ngon mình hân hoan gọi là hỉ, nhưng mình uống vào thấy hết khát thì cái đó gọi là lạc, nó khác biệt hơn một chút. 

Định
Định, là khả năng bền, khả năng có thể kéo dài lâu, khả năng an trụ. Một dấu hiệu của thiếu tâm định là, chụp cái này, buông cái kia, chụp cái kia, buông cái nọ. Giống đứa trẻ nhỏ cho nó đồ chơi, ở mỗi đồ chơi nó chỉ chơi trong một khoản khắc rất ngắn, chán đồ chơi đó nó quăng đi, và đi tìm cái khác, đó là tâm của con nít. Tâm của chúng ta vốn không bền, muốn biết điều đó mình thử theo dõi hơi thở, theo dõi bước chân, hay niệm Phật, mình thấy ban đầu tâm để ý tới, nhưng trong vài ba phút thì bắt đầu sang cái khác. Cái không bền trong kinh được ví dụ như con khỉ chuyền cành, hay tâm viên ý mã, tâm giống như con khỉ chuyền cành, con khỉ không ngồi yên được, con khi chuyền từ cành này, qua cành kia, không có nghĩa là cành kia tốt hơn cành này, nhưng cái tật của nó là phải chuyền, nó nhảy tung tăng, đó không phải do nhu cầu, mà là do thói quen, thói tật nó như vậy. 

Đời sống của chúng ta cũng vậy, tâm của chúng ta không trụ lâu, khó trụ lâu, trừ khi có cái gì đặc biệt, chúng ta mới gắng bó, bình thường nó chạy từ nơi này sang nơi khác. Nhiều người nói ngày hôm nay mình dùng Ipad để  coi phim cả giờ đồng hồ, hay mình có thể vào internet cả giờ đồng hồ, như vậy là mình có trụ tâm, không phải, cứ tưởng tượng là mình xem phim, hết cuốn phim này đến cuốn phim khác, chứ mình không coi một thứ. Vào internet cũng vậy, không một màn ảnh internet nào mình coi quá 5 hay 10 phút, mình coi cái này, rồi lại đi qua cái khác. Do vậy tâm của chúng ta không có độ bền đối với sự việc, cái bền bỉ cho chúng ta có thể an lạc tâm tư lâu hơn.

Năm pháp tầm, tứ, hỉ, lạc, định đối trị lại năm pháp là:
 
Tầm (Vitakka): Có tác dụng đối trị hôn trầm, và thụy miên, trạng thái buồn ngủ, dã dượi của tâm.

Tứ (Vicāra): Đối trị hoài nghi, trạng thái lưởng lự phân vân.

Hỷ (Pīti): Đối trị sân, trạng thái buồn bực khó chịu.

Lạc (Sukha): Đối trị trạng thái phóng dật, trạng thái tán loạn, lao chao.

Ðịnh (Ekaggatā): Đối trị sự tham dục, trạng thái ái nhiểm, vọng mống.

 Mỗi chi thiền như vậy đối trị với một pháp cái. Một vị thành thạo năm pháp cái để đối trị năm chi phần, đầu tiên, vị đó hưởng thụ: 

 - Một là,  trạng thái hỉ, lạc do ly dục sân, trạng thái hỉ, lạc ở đây là, cảm thấy hân hoan, thoải mái, do tâm không còn bị chi phối bởi dục. Có tầmtứ tức là có đủ năm chi thiền, tầm, tứ, hỉ, lạc, định

 - Rồi, nếu vị đó thuần thục trạng thái thiền một thời gian thì không còn cần hướng tâm, không còn cần quán sát tâm nữa, vị ấy có thể bắt tay ngay vào việc. Lấy ví dụ, khi đã thạo việc gì, mình thể nhập vào công việc rất nhanh, khi chưa thạo việc, mình phải làm nóng máy. Tức là, tầmtứ là hướng tâm, áp sát tâm, rồi mình mới có thể có khả năng để hân hoan, để hưởng cảnh. Nhưng, trong trường hợp một người đã thuần thục, họ bớt tầm, tứ, chỉ còn hỉ, lạcđịnh, gọi là nhị thiền.

 - Sau một thời gian, do sự thuần thục, vị này không còn trạng thái hân hoan, hân hoan cái gì mới, hân hoan cái gì chưa có vừa mới có. Một khi đã đạt đến chỗ thành thạo rồi thì thể nhập ngay lập tức, hưởng cảnh ngay lập tức gọi là lạc, không có hỉ. Trạng thái này gọi là tam thiền, tức là chỉ có lạcđịnh.

 - Và một khi đã gắng bó nhiều, thuần thục nhiều, đã quen với cảnh rồi, thì lúc đó nó trả mình về với tâm điềm đạm nhiên nhiên gọi là, định xả, gọi là tứ thiền.

Thì ở đây:

 Ban đầu rời bỏ cảnh giới của dục, rời bỏ năm pháp cái, hành giả chứng và trú trạng thái sơ thiền, có năm chi thiền tầm, tứ, hỉ, lạc, định đầy đủ. 

Nhưng, sau đó do sự thuần thục hành giả chứng nhị thiền, một trạng thái hỉ, lạc, xả, và không tầm, không tứ

Qua trạng thái tam thiền, hỉ không còn, chỉ còn lại lạcđịnh.

Qua trạng thái tứ thiền, lạc cũng biến mất, nhường chỗ lại cho xả

Với năm chi thiền này, được ví dụ với cảnh giới của nội tâm của chúng ta, trong cuộc sống hàng ngày. 

Khi đọc những chi thiền này, có thể mình nói "oh, mấy chi thiền này là, những thiền chứng xa xôi với đời sống lắm". Nhưng, nếu mình nhìn lại đời sống, qua những mô tả các thiền chứng này, mình hiểu được trạng thái của nội tâm. Ví dụ, tại sao tâm chúng ta thường căng thẳng, tại sao chúng ta thường bực bội, tại sao chúng ta thường không an lạc, những câu hỏi đó đối với người đời thì họ thường đổ thừa, mình không an lạc là do vợ, do chồng, do người này, người kia, do lý do này, lý do khác. Nhưng, với một người có hiểu Phật Pháp, có tu tập, thì hiểu đơn giản là, tại vì nội tâm của chúng ta không được tu tập đúng, không được tôi luyện đúng. Hễ nó không được tôi luyện đúng, thì nó gặp cái cảnh đó, cảnh đó dẫn đến chi phối, làm cho tâm bị rơi vào trong năm triền cái, do vậy mình không có an lạc.

Khi mình nói về bốn thiền của kinh tạng, chúng ta nên nhớ trong Vi-Diệu-Pháp chia làm năm thiền, như một đoạn trước, chúng ta học là, ở trong kinh tạng chia làm bốn thiền, bởi vì sơ thiền là đủ năm chi thiền. Bước qua nhị thiền thì không có tầm, không có tứ. Nhưng, riêng đối với Vi-Diệu-Pháp hay A-Tỳ-Đàm thì sơ thiền là có đủ năm chi thiền, nhị thiền là có tứ mà không có tầm, tam thiền là không có tầm không có tứ, và tứ thiền là có lạc có định, và ngũ thiền là chỉ có định và xả. 

Có nghĩa là, dù bốn hay năm thiền theo Vi Diệu Pháp hay A Tỳ Đàm cũng dựa trên năm chi thiền tầm, tứ, hỉ, lạc, định. Tuy nhiên đối với Vi-Diệu-Pháp li chi hơn, có phân biệt là có tứ mà không có tầm. Điều này, ở trong bài kinh Thập Thượng cũng có nhìn nhận, có đề cập đến, và trong kinh tạng nhiều chỗ cũng đề cập đến. Nhưng, cách phân biệt bình thường chỉ có bốn thiền. Thật ra, cũng không có khác biệt gì lớn.

Khi chúng ta đề cập đến bốn thiền này, mình hiểu đó là một cảnh giới rất cao của Samadhi, gọi là tam muội. Hành giả xử dụng một đề mục như đất, nước, lửa, gió, để tập trung vào đó phát hiện tâm ý. 

Nhưng, năm chi thiền này cũng có thể hiểu, và áp dụng trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Ví dụ, tầm là sự hướng tâm, cái gì mình thường hướng tâm, thường nghĩ tới, thì sự hướng tâm đó, chúng ta nhanh chóng để chú ý, nhanh chóng nhập cuộc. Người không có tầm mạnh, làm việc gì cũng lớ ngớ, cũng bỡ ngỡ, và làm cái gì cũng bắt đầu chậm chạp, bởi vì nó mất thời gian dài để chúng ta có thể thể nhập được. 

Một người quen nấu ăn, chỉ cần bước vào trong bếp, với một ít rau cải, một ít thực phẩm, họ nghĩ ngay đến nấu món ăn. Một người không quen nấu ăn, ngồi suy nghĩ hoài, về món ăn nào thích hợp để nấu. Hay một người làm thơ thành thạo, đi vào thế giới của thơ rất nhanh, còn người không thạo về làm thơ, để có cảm hứng, để có thể tuông ra những giòng thơ, giòng thi tứ, thì thật sự mất thời gian rất nhiều. Thành ra tầmtứ quan trọng ở chỗ mình làm thường, mình thành thuần thục. Tầm là hướng tâm, tứ là sự gắng bó, hướng tâm nhiều, gắng bó nhiều, chúng ta mau chóng thể nhập.

Hỉ, lạc. Trong đời sống này hỉ là hân hoan, lạc là sự hưởng cảnh. Hân hoan ở đây nghĩa là niềm vui, cái gì làm mình có vui thì mình làm nhanh và thoải mái, cái gì mình làm mà không vui thì thật sự giống như mình bị bắt buộc, hay gọi là trả nợ quỉ thần. Chúng tôi lấy ví dụ, qúi vị học Phật Pháp ở đây là do qúi vị thích vào học, thích nghe pháp, thì qúi vị hân hoan. Sự hân hoan làm cho qúi vị dễ nghe pháp. Ngồi thiền cũng vậy, tụng kinh cũng vậy, bất cứ cái gì mình làm mà ở đó có sự hân hoan, ở đó có sự yêu thích, thì gọi là pháp hỉ, mình làm có thoải mái. Người không có hân hoan thì làm nó cho có, người ta gọi là "vui là vui gượng kẻo là". Làm cho có vậy thì mệt lắm, cực khổ lắm. Như cũng thời tụng kinh có người tụng kinh họ rất là vui, rất là thoải mái, có người tụng kinh rất khó khăn, cái quan trọng là có hân hoan hay không hân hoan. Làm vườn cũng vậy, học Phật Pháp cũng vậy, bất cứ việc gì. Cái pháp hỉ, cái niềm vui, nó làm cho chúng ta làm việc chơn chu, nhẹ nhàng, không có nặng nề.

Định là nước bền, định là sự bền bỉ, các Thiền Sư thường hay ví dụ, ánh sáng mặt trời nếu dùng kính lúp gom ánh sáng vào sẽ tạo ra sức nóng, ra lửa, tương tự như vậy tâm của chúng ta hàng ngày nó bàng bạc ở khắp nơi, miên man hết nhảy qua bên này, nó nhảy qua bên kia, nó không tạo được tâm lực, sức mạnh của tâm. Nếu tâm của chúng ta tập trú thật sâu, thật mạnh, thật bền, vào một cái gì đó sẽ tạo ra màu nhiệm, phép màu nhiệm đó chúng ta không tưởng được. Chúng tôi thấy trong đời sống hàng ngày, làm việc gì mình tập trung hoài, nó tạo ra trí tuệ, tạo ra niềm an lạc, tạo nhiều thứ. Nhưng đặc biệt, người càng trưởng thành, người càng giỏi ở lãnh vực gì đó, thì khả năng định tâm, khả năng bền bỉ trong chuyện đó luôn luôn phải có. Người sống hời hợt, thường không tập trung, không tập trung thì khó bao giờ họ đi chỗ nào cho xuyên thấu, cho thấu triệt được. Nên sự bền bỉ giúp chúng ta đạt đến sự thuần thục. Do vậy, tam muội định là, năng lực tập trung, và nó tạo ra năng lực màu nhiệm, tạo ra rất nhiều điều đáng để chúng ta hoan hỉ trong cuộc sống này.

Năm chi thiền này không phải là những gì khó hiểu, nhưng chúng ta cần phải nhớ. Và năm chi thiền này tạo nền tảng giúp chúng ta vượt thoát khỏi các chi phối của năm dục: sắc, thinh, khí, vị, xúc. Ở đây là, nói về một phần tự nhiên của đời sống chúng ta ./.

Thursday, November 14, 2019

Bốn thức trú - TT Giác Đẳng

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
33. Kinh Phúng tụng (Sangìti sutta)
PHÁP BỐN CHI 4.8

xviii) Bốn thức trú

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma  ngày 18 tháng 3, năm 2019

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Bài học hôm nay đề cập đến nhiều lãnh vực then chốt của Phật Pháp, ở trong đó có giáo lý duyên khởi, giáo lý vô ngã, và pháp quán của tứ niệm xứ. Để chúng ta có thể thấy được điều này, trước nhất chúng ta nên có khái niệm thức trong bài kinh này đề cập đến là thức uẩn, một nằm trong năm uẩn, bốn thức trú còn lại là bốn uẩn kia sắc, thọ, tưởng, hành.

Thật ra, đa số qúi Phật tử trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma này được nghe nhiều về năm uẩn, nhưng cũng có những vị mới vào sau này, do đó chúng tôi xin nhắc lại ý nghĩa của năm uẩn.

Theo Phật học thì năm uẩn là năm thành phần của con người:

Uẩn đầu tiên gọi là sắc uẩn là cái gì thuộc về vật chất như thân thể, đầu, mình, tay, chân của chúng ta. Và những gì liên hệ đến vật chất trong thân thể của chúng ta như mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm v.v.... Bốn uẩn còn lại là thọ, tưởng, hành, thức, chúng ta gọi là danh uẩn thuộc về nội tâm.

Khi nói đến thọ, tưởng, hành, thức, chúng ta thấy bốn pháp này ngang nhau, tuy nhiên bài kinh này đặc biệt chú trọng đến thức uẩn là trọng tâm, còn thọ, tưởng, hành là cái gì mà thức uẩn y cứ, cũng như sắc uẩn, chúng ta sẽ nói chuyện đó sau, bây giờ chúng ta có định nghĩa rõ ràng về thọ, tưởng, hành, thức.

Thọ uẩn

Thọ ở đây là cảm thọ. Nếu chúng ta nhìn vào bức tranh vẽ của Phật Giáo Tây Tạng, wheel of life - bánh xe của đời sống chúng ta sẽ thấy đó là mũi tên đâm vào con mắt. Chữ thọ ở đây là dành chịu, chúng ta nói là cảm giác được hay bị gì đó đều thuộc về cảm giác thọ. Ví dụ như vui hay khổ, không vui không khổ. Đôi khi chi tiết hơn thì khổ và lạc được xem như là sự khó chịu và sự dễ chịu của thân, ưu và hỉ là sự khó chịu và dễ chịu của tâm, và xả là trạng thái không khổ không lạc.

Ở trong đời sống này cảm thọ là thước đo của hạnh phúc, chúng ta thường phản ứng theo cảm thọ, xem một cuốn phim vui hay thì mình thích xem hoài, xem một cuốn phim không vui mình không thích xem, đi nghe pháp cũng vậy, một buổi tu tập cũng vậy, chỗ nào nghe pháp thấy nói chuyện vui vẻ thì chúng ta thích nghe, còn chỗ nào nghe pháp trầm lắng chúng ta không thích nghe. 

Thì như vậy cảm thọ có ảnh hưởng lớn trong đời sống của chúng ta, đó là khổ, lạc, ưu, hỉ, xả. 

Tưởng uẩn

Tưởng uẩn, chữ tưởng ở đây là kinh nghiệm hay trải nghiệm ở trong tâm lý học Tây Phương (Psychology) dùng chữ learning nghĩa là hấp thụ, là sự giáo dục, là cái gì chúng ta từng trải qua. 

Lấy ví dụ như chúng ta lớn lên trong văn hóa Việt Nam thì cái đẹp của chúng ta, cái quan niệm về đẹp, quan niệm về cái hay, quan niệm về anh hùng, quan niệm về mỹ thuật v.v... đều ảnh hưởng Việt Nam. Khi mình ngồi trước một mâm thức ăn của Việt-Nam chúng ta cảm giác khác với thức ăn Ấn-Độ, tại sao khác, là bởi vì văn hoá của chúng ta lớn lên, đó là cái chúng ta hấp thụ. Hay hoặc giả sự giáo dục trong gia đình, hay hoặc giả khả năng xử dụng ngôn ngữ của chúng ta, khả năng xử dụng ngôn ngữ cũng là cái gì chúng ta hấp thụ, chúng ta học, chúng ta trải nghiệm làm quen, một người quen nói tiếng Anh mà nói một cách phản xạ khác với một người không quen nói tiếng Anh, tất cả điều đó đều liên quan đến tưởng uẩn. 

Tưởng uẩn là cái gì chúng ta từng trải, chúng ta được giáo dục, được hấp thụ, tức là từ hoàn toàn xa lạ với chúng ta nó trở thành cái gì đó của chúng ta, như trong tâm lý học Tây Phương thường nói ví dụ về con chó đói người ta vừa cho nó ăn vừa đánh một tiếng kẻng, về sau không cho nó ăn mà đánh tiếng kẻng thì tự nhiên nó nhớ lại có tiếng kẻng là có bữa ăn của nó, thì đó cũng là tưởng uẩn một thứ saññā một cái gì chạng lại trong đời sống là tưởng uẩn.

Hành uẩn

Hành uẩn ở đây là cái gì rất rộng, nói một cách khác chúng ta hiển hành là sự phân biệt, sự lựa chọn, sự quyết định, sự phán đoán, sự hành động hoặc thiện hoặc ác, hoặc không thiện không ác. Nhưng hành uẩn mang một ý nghĩa vận hành nguồn máy của tâm thức bên cạnh thọ và tưởng. Thật ra hành uẩn nói theo A Tỳ Đàm rất rộng, ví dụ như là thọ là sở hữu thọ, tưởng là tưởng, nhưng hành uẩn lại là 50 tâm sở còn lại.

Thức uẩn

Sau cùng là thức uẩn. Thức uẩn là sự nhận biết đối với cảnh sắc. Cái biết đối với cảnh thinh là thính giác, cái biết đối với mùi là tỉ thức hay là khứu giác. Thì thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác là ý thức, đó là những cái biết. 

Khi chúng ta có một dịp nào đó đọc đồ biểu do HT Tịnh Sự vẽ dựa trên Vi Diệu Pháp mà Chư Tăng thường hay nói bảng nêu chi pháp. Ở trong đồ biểu đó nói về nội tâm, một bên là tâm, cái tâm đó gọi là thức uẩn, một bên nữa là những tâm sở hay thuộc tánh của tâm. Trong thuộc tánh của tâm bao gồm thọ, tưởng và hành. Mình phải nhìn trên đồ biểu như vậy thì mới hiểu tại sao thức uẩn đóng một vai trò quan trọng. Tại vì tâm chúng ta có 6 thứ tâm là nhãn, nhĩ,  tỉ, thiệt, thân, ý thức. Nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức trong đồ biểu bảng nêu chi pháp gọi là thức uẩn, nhưng bên cạnh đó chúng ta có một phần nữa là tâm sở.

Do đó, trong Vi Diệu Pháp tâm có thể tính là 121 nhưng cũng tính là một, cái tâm này đôi khi Đức Phật Ngài định nghĩa tâm này chói sáng, tại vì tâm này biết cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh khí, cảnh xúc nhưng cái tâm này nó bị đóng khung bị hạn cuộc. 

Khi mình nhìn vào danh uẩn danh pháp tức là thuộc về tâm thì A Tỳ Đàm chia rõ là tâm tâm sở. Tâm vươngtâm sở, hay tâm thuộc tánh của tâm thì tâm thuộc về thức uẩn và những thuộc tánh của tâm thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn.
Chúng ta đã nói sơ về sắc, thọ, tưởng, hành, thức, bây giờ trở lại điều bài kinh nói hôm nay, đó là thức uẩn. Thức ở đây là thức uẩnthức ở đây gồm có nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, thì thức này lại bị đóng khung, bị lệ thuộc bởi bốn uẩn kia.

Thức lấy sắc làm sở y. 

Bây giờ chúng ta nói là thức lấy sắc làm sở y. Thế nào là lấy sắc làm sở y? Thí dụ như mình nói thân của chúng ta có về dạng thức, về điều kiện, về tự tánh tự nhiên. Chúng tôi lấy một đơn giản là nhiều khi mình nhìn một vật gì đó mình nghĩ nó đẹp hay xấu là do mỹ quan của mình, do sự hiểu biết của mình, do đầu óc nghệ thuật của mình. 

Nhưng kỳ thật, đừng quên bên cạnh mắt thẩm mỹ của mình chúng ta còn lệ thuộc vào một thứ đó là lệ thuộc vào thần kinh nhãn hay con mắt, cái nhìn của mắt chúng ta đối với cái rõ cái không rõ, đối với màu sắc thì  khác nhau. Lấy ví dụ, có những trái cây trong rừng rất ngon với con khỉ nhưng không ngon với chúng ta, có những thức ăn rất ngon với chúng ta mà không ngon với con khỉ, mình nghĩ cái nhìn của mắt giống nhau, nhưng không phải như vậy, có những màu sắc con mắt của con khỉ nhìn được mà mắt chúng ta không nhìn được. Có những âm thanh con chó có thể nghe được mà chúng ta không thể nghe được, có những mùi con gấu có thể đánh hơi được từ 10 cây số trong khi đó chúng ta không thể đánh hơi mùi như vậy được. Cái gọi là nhĩ thức, nhãn thức, tỉ thức, thiệt thức, trước nhất nó lệ thuộc vào mắt, tai, mũi, lưỡi, thân của chúng ta, nếu chúng ta nắm lấy một điều gì đó cho  đó là ngã, là tuyệt đối, nó là như vậy, nó có giá trị như vậy thì chúng ta có vấn đề.

Thế giới của nhận thức chúng ta nghĩ nó như thế này, nó như thế kia, nó đẹp, nó độc lập, nó hay, nhưng thật sự nó lệ thuộc vào thọ, vào tưởng, vào hành, vào sắc, sắc, thọ, tưởng, hành

Lệ thuộc vào sắc, lấy ví dụ như chúng ta cũng nhìn một trái chuối hay trái táo nhưng khi đói bụng mình nhìn nó khác, và lúc không đói bụng mình nhìn nó khác, đó là nhận thức của chúng ta lệ thuộc vào sắc uẩn. Về điều này, người Mỹ trình bày rất rõ ràng là khi chúng ta đang đói đừng đi siêu thị mua thực phẩm tại vì chúng ta sẽ chất rất nhiều đồ lên xe đẩy để mua thực phẩm vì chúng ta đang đói, cái nhận thức của chúng ta lệ thuộc vào thân của chúng ta. Sư Trưởng nói mình tu tập nên ý thức được là lúc bệnh đầu óc mình suy nghĩ rất bi quan, mình nên suy nghĩ chuyện gì trong lúc thân mình khỏe, thí dụ tắm xong mình khỏe hay buổi sáng sớm chẳng hạn, còn lúc mình mệt mỏi mình nhìn sự việc bi quan hơn, thành ra sắc uẩn, cái sắc của chúng ta ảnh hưởng rất nhiều.

Thọ uẩn là cảm giác khổ, lạc, ưu, hỉ, xả ảnh hưởng từ cái nhìn của chúng ta, một người ở trong đời sống có quá nhiều cảm thọ vui buồn thông thường cái nhìn không được trung thực. Trong sự tu tập có một gợi ý rất quan trọng là tâm của chúng ta càng ở cảm giác thọ xả thì chúng ta càng nhìn sự việc nó xáo trộn, chuyện này dễ hiểu, khi tâm thanh thản mình nhìn sự việc khác, khi mình quá vui hay quá buồn mình nhìn thấy sự việc khác và đó là điều người tu tập cần phải để ý. 

Thức của chúng ta cũng y sở trên thọ uẩn. Những người không tu tập Tứ Niệm Xứ, đôi khi cuộc sống họ về cái nhìn cái nhận định của họ lệ thuộc vào cảm thọ quá nhiều, cái khổ, lạc, ưu, hỉ, xả quá nhiều, mình thấy thế giới của vị đó cái gì cũng khác, cái gọi là đẹp, xấu, hay, dở, cái đáng khả ái hay không khả ái nó đều dựa trên cảm thọ, vì vậy một người sống mà tâm họ an lạc thì lượng định  đánh giá cuộc sống của họ khác, người sống tâm không an lạc thì nhận định đánh giá cũng khác, điều này chúng ta phải coi chừng.

Thế nào là thức lấy tưởng làm sở y? 

Thức lấy tưởng làm sở y là sự nhận thức của chúng ta đối với sắc, khinh, khí, vị, xúc dựa trên trải nghiệm của quá khứ, dựa trên kinh nghiệm của quá khứ. Trong tâm lý học thường đưa ra một điểm là nhiều khi có một người nói nặng mình một câu trong lúc đó người này đang đội một nón màu lam hay màu xanh thì sau này chính màu lam màu xanh tạo cho chúng ta một sự liên tưởng mình thấy ai đội nón màu lam hay màu xanh tự nhiên mình không có cảm tình tại vì đã có một người mặc áo màu lam màu xanh nói nặng chúng ta một câu. Thì trên phương diện tâm lý tưởng uẩn ảnh hưởng nhiều đến cả cuộc đời của chúng ta. Tại sao chúng ta thấy chiếc áo dài của Việt Nam đẹp hơn áo kimono của Nhật, tạo sao chúng ta thích ăn canh chua hơn càri của Ấn Độ, tại sao chúng ta thích mùi nước mắm hơn mùi bơ mùi sữa, đó là vấn đề, thật ra nó là một sự trải nghiệm của quá khứ và kinh nghiệm đó dần dà tạo nên cái thức rất chủ quan cuộc sống, và mặc dầu chúng ta hiểu rằng nó không phải tuyệt đối nhưng mình nên biết nó là chủ quan.

Trong kinh Đại Bổn, đọc một đoạn trong đề mục cũng thấy là Đức Phật Ngài dạy quan niệm về ngã, quan niệm tôi là thế này, tôi là thế kia, thật ra điều đó đều bị chi phối bởi sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Đặc biệt khi chúng ta đang nói ở đây tưởng là sự trải nghiệm thì chúng ta đừng quá tin vào nó, "tôi" là như vậy đó, cái đó là phải tuyệt đối là phải đẹp, cái đó là ngã, cái đó chính là cái tôi. Thật ra "tôi" có thể là đủ thứ, nó có thể là a, có thể là b, là c, tại vì cái này sanh nó hiện hữu mình thích quá mình nói "tôi" là như vậy, nhưng không có nghĩa khi cái đó biến mất ngã chấp chúng ta không có, về điểm này thì chúng ta càng học nhất là càng hành Tứ Niệm Xứ thì chúng ta thấy quan niệm về "ngã" về "tôi" là ảo giác, nó thật sự là ảo giác, chúng ta định đặt nó, chúng ta đóng khung nó, nhưng chúng ta quên nó hiển khởi là do điều kiện, điều kiện của sắc của thọ, tưởng, hành, thức, nhưng ở đây đặc biệt khi Đức Phật nói thế giới nhận thức của chúng ta, thức uẩn của chúng ta lệ thuộc vào thọ.

Hành uẩn, hành uẩn ở đây là một cái gì rộng lớn trong đời sống. Như chúng tôi nói hành uẩn không phải chỉ là quyết định về thiện, về ác, về đúng, về sai, mà hành uẩn là sự lựa chọn, là một sự phê phán, là quan niệm về sự vận hành. Hành uẩn là cái gì đó thuộc về ngoài thức uẩn, ngoài thọ uẩn, ngoài tưởng uẩn, thật ra trong năm uẩn thì hành uẩn tương đối rộng và khó định nghĩa nhất. Học A Tỳ Đàm chúng ta thấy tại sao 50 thuộc tánh hay 50 tâm sở thuộc về hành uẩn. 

Thì ở đây chúng ta lấy cái dễ hiểu nhất, đời sống hàng ngày sự lựa chọn của chúng ta là làm cái này đúng cái kia sai, cái này hay cái kia dở, cái này là cái mình lựa chọn cái kia mình không lựa chọn, những giá trị định đặt đó ảnh hưởng đến thức uẩn của chúng ta rất nhiều. Câu nói "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" là chúng ta nói về thọ uẩn nó nhuộm người ta, nhuộm cả một thức uẩn. Nhưng khi chúng ta nói như vầy là một người theo đuổi về chính trị, về văn hóa, về giáo dục, sự theo đuổi đó là thái độ phát xuất từ hành uẩn, và khi họ theo đuổi chính trị họ thấy thế giới này nhuộm một màu chính trị hết, họ theo đuổi về vấn đề khoa học họ thấy thế giới nhuộm màu khoa học, họ theo đuổi vấn đề tài chánh họ thấy thế giới nhuộm vấn đề tài chánh, đó là tại sao chúng ta nói rằng hành uẩn là sở y của thức uẩn. 

Trong Bát Chánh Đạo, nói về Chánh Mạng là nuôi mạng chân chánh, ở đó ghi nhận một người làm nghề đánh cá nghề đó là nghề sát sanh, hay một người làm nghề gì đó liên quan đến chuyện rượu chè say sưa chẳng hạn, thì do họ sống bằng nghề tà mạng họ không thể đi xa hơn ở trong sự tu tập, tại vì nghề ảnh hưởng nghiệp, nghề ảnh hưởng đến nhận thức của chúng ta ở trong đời sống. Theo những nhà nghiên cứu thì ở trong xã hội nhất là tại Hoa Kỳ có cả hàng trăm hiệu xe khác nhau, nhưng giới luật sư họ chuộng một loại xe nào đó, giới bác sĩ chọn loại xe nào đó, người thương gia chuộng loại xe khác, không phải là tất cả nhưng đa số trong giới đó họ muốn lựa chọn một chiếc xe nghiêm túc, chiếc xe sang trọng, chiếc xe bền v.v.... tại họ chọn chiếc xe đó họ nhận chiếc xe đó đẹp theo nghề của họ, điều đó ảnh hưởng đến cuộc sống rất nhiều.
Thông thường chúng ta nói về năm uẩn; sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn, thì chúng ta không để ý nhiều nhưng thật ra thức uẩn hay là tâm là chủ đạo. Hồi nãy chúng tôi có nói ở trong Vi Diệu Pháp dầu chúng ta phân chia pháp hữu vi có hai là danh pháp và sắc pháp, danh pháp có hai và tâm là sở hữu, nhưng kỳ thật Vi Diệu Pháp nhấn mạnh đến danh pháp và trong danh pháp nhấn mạnh đến tâm và tâm đó chính là thức uẩn, học Vi Diệu Pháp chúng ta sẽ thấy điều đó.

 Thì thức uẩn ở đây là chủ đạo, đặc biệt nó bị điều kiện hóa, bị lệ thuộc bị tùy thuộc, ở đây chúng ta dùng chữ sở y chữ ūpāyaṃphương tiện, nhưng chữ ūpāyaṃ ở đây chúng ta dịch là sở y là cái gì để nương và những nhận định những nhận thức nhưng đôi khi sự nhận thức  sai lệch, cường điệu, hay  sự nhận thức đó là ảo giác, nó bị ảnh hưởng bởi sắc, bởi thọ, bởi tưởng, bởi hành, chúng ta hiểu như vậy. 

Ví dụ như bữa ăn đó mình ăn ngon hay không ngon, thì cũng món đó thôi, cũng nhà bếp đó, cũng hương vị đó nhưng trong người chúng ta khỏe hay không khỏe, đó là thức lệ thuộc vào thân vào sắc uẩn. 

Và cũng thời nhận thức sự việc đó nhưng tâm cảnh chúng ta lúc vui lúc buồn  cũng tạo ra nhận thức khác.

Thì như vậy, nhận thức tuy là chủ quan, nhưng chủ quan đó bị lệ thuộc vào bốn uẩn kia là sắc, thọ, tưởng, và hành.

Đối với hành giả hành Tứ Niệm Xứ nhận thức điều này là một điều lợi lạc cho chúng ta để xóa đi ảo giác. 

Thì thưa qúi vị, xin được kết thúc bài nói chuyện ở đây về thức lấy sắc, thọ, tưởng, hành, làm sở y ./.