Thursday, November 14, 2019

Bốn thức trú - TT Giác Đẳng

Trường Bộ Kinh - Dìgha Nikàya
33. Kinh Phúng tụng (Sangìti sutta)
PHÁP BỐN CHI 4.8

xviii) Bốn thức trú

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma  ngày 18 tháng 3, năm 2019

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Bài học hôm nay đề cập đến nhiều lãnh vực then chốt của Phật Pháp, ở trong đó có giáo lý duyên khởi, giáo lý vô ngã, và pháp quán của tứ niệm xứ. Để chúng ta có thể thấy được điều này, trước nhất chúng ta nên có khái niệm thức trong bài kinh này đề cập đến là thức uẩn, một nằm trong năm uẩn, bốn thức trú còn lại là bốn uẩn kia sắc, thọ, tưởng, hành.

Thật ra, đa số qúi Phật tử trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma này được nghe nhiều về năm uẩn, nhưng cũng có những vị mới vào sau này, do đó chúng tôi xin nhắc lại ý nghĩa của năm uẩn.

Theo Phật học thì năm uẩn là năm thành phần của con người:

Uẩn đầu tiên gọi là sắc uẩn là cái gì thuộc về vật chất như thân thể, đầu, mình, tay, chân của chúng ta. Và những gì liên hệ đến vật chất trong thân thể của chúng ta như mắt thấy, tai nghe, mũi ngửi, lưỡi nếm v.v.... Bốn uẩn còn lại là thọ, tưởng, hành, thức, chúng ta gọi là danh uẩn thuộc về nội tâm.

Khi nói đến thọ, tưởng, hành, thức, chúng ta thấy bốn pháp này ngang nhau, tuy nhiên bài kinh này đặc biệt chú trọng đến thức uẩn là trọng tâm, còn thọ, tưởng, hành là cái gì mà thức uẩn y cứ, cũng như sắc uẩn, chúng ta sẽ nói chuyện đó sau, bây giờ chúng ta có định nghĩa rõ ràng về thọ, tưởng, hành, thức.

Thọ uẩn

Thọ ở đây là cảm thọ. Nếu chúng ta nhìn vào bức tranh vẽ của Phật Giáo Tây Tạng, wheel of life - bánh xe của đời sống chúng ta sẽ thấy đó là mũi tên đâm vào con mắt. Chữ thọ ở đây là dành chịu, chúng ta nói là cảm giác được hay bị gì đó đều thuộc về cảm giác thọ. Ví dụ như vui hay khổ, không vui không khổ. Đôi khi chi tiết hơn thì khổ và lạc được xem như là sự khó chịu và sự dễ chịu của thân, ưu và hỉ là sự khó chịu và dễ chịu của tâm, và xả là trạng thái không khổ không lạc.

Ở trong đời sống này cảm thọ là thước đo của hạnh phúc, chúng ta thường phản ứng theo cảm thọ, xem một cuốn phim vui hay thì mình thích xem hoài, xem một cuốn phim không vui mình không thích xem, đi nghe pháp cũng vậy, một buổi tu tập cũng vậy, chỗ nào nghe pháp thấy nói chuyện vui vẻ thì chúng ta thích nghe, còn chỗ nào nghe pháp trầm lắng chúng ta không thích nghe. 

Thì như vậy cảm thọ có ảnh hưởng lớn trong đời sống của chúng ta, đó là khổ, lạc, ưu, hỉ, xả. 

Tưởng uẩn

Tưởng uẩn, chữ tưởng ở đây là kinh nghiệm hay trải nghiệm ở trong tâm lý học Tây Phương (Psychology) dùng chữ learning nghĩa là hấp thụ, là sự giáo dục, là cái gì chúng ta từng trải qua. 

Lấy ví dụ như chúng ta lớn lên trong văn hóa Việt Nam thì cái đẹp của chúng ta, cái quan niệm về đẹp, quan niệm về cái hay, quan niệm về anh hùng, quan niệm về mỹ thuật v.v... đều ảnh hưởng Việt Nam. Khi mình ngồi trước một mâm thức ăn của Việt-Nam chúng ta cảm giác khác với thức ăn Ấn-Độ, tại sao khác, là bởi vì văn hoá của chúng ta lớn lên, đó là cái chúng ta hấp thụ. Hay hoặc giả sự giáo dục trong gia đình, hay hoặc giả khả năng xử dụng ngôn ngữ của chúng ta, khả năng xử dụng ngôn ngữ cũng là cái gì chúng ta hấp thụ, chúng ta học, chúng ta trải nghiệm làm quen, một người quen nói tiếng Anh mà nói một cách phản xạ khác với một người không quen nói tiếng Anh, tất cả điều đó đều liên quan đến tưởng uẩn. 

Tưởng uẩn là cái gì chúng ta từng trải, chúng ta được giáo dục, được hấp thụ, tức là từ hoàn toàn xa lạ với chúng ta nó trở thành cái gì đó của chúng ta, như trong tâm lý học Tây Phương thường nói ví dụ về con chó đói người ta vừa cho nó ăn vừa đánh một tiếng kẻng, về sau không cho nó ăn mà đánh tiếng kẻng thì tự nhiên nó nhớ lại có tiếng kẻng là có bữa ăn của nó, thì đó cũng là tưởng uẩn một thứ saññā một cái gì chạng lại trong đời sống là tưởng uẩn.

Hành uẩn

Hành uẩn ở đây là cái gì rất rộng, nói một cách khác chúng ta hiển hành là sự phân biệt, sự lựa chọn, sự quyết định, sự phán đoán, sự hành động hoặc thiện hoặc ác, hoặc không thiện không ác. Nhưng hành uẩn mang một ý nghĩa vận hành nguồn máy của tâm thức bên cạnh thọ và tưởng. Thật ra hành uẩn nói theo A Tỳ Đàm rất rộng, ví dụ như là thọ là sở hữu thọ, tưởng là tưởng, nhưng hành uẩn lại là 50 tâm sở còn lại.

Thức uẩn

Sau cùng là thức uẩn. Thức uẩn là sự nhận biết đối với cảnh sắc. Cái biết đối với cảnh thinh là thính giác, cái biết đối với mùi là tỉ thức hay là khứu giác. Thì thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác là ý thức, đó là những cái biết. 

Khi chúng ta có một dịp nào đó đọc đồ biểu do HT Tịnh Sự vẽ dựa trên Vi Diệu Pháp mà Chư Tăng thường hay nói bảng nêu chi pháp. Ở trong đồ biểu đó nói về nội tâm, một bên là tâm, cái tâm đó gọi là thức uẩn, một bên nữa là những tâm sở hay thuộc tánh của tâm. Trong thuộc tánh của tâm bao gồm thọ, tưởng và hành. Mình phải nhìn trên đồ biểu như vậy thì mới hiểu tại sao thức uẩn đóng một vai trò quan trọng. Tại vì tâm chúng ta có 6 thứ tâm là nhãn, nhĩ,  tỉ, thiệt, thân, ý thức. Nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức trong đồ biểu bảng nêu chi pháp gọi là thức uẩn, nhưng bên cạnh đó chúng ta có một phần nữa là tâm sở.

Do đó, trong Vi Diệu Pháp tâm có thể tính là 121 nhưng cũng tính là một, cái tâm này đôi khi Đức Phật Ngài định nghĩa tâm này chói sáng, tại vì tâm này biết cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh khí, cảnh xúc nhưng cái tâm này nó bị đóng khung bị hạn cuộc. 

Khi mình nhìn vào danh uẩn danh pháp tức là thuộc về tâm thì A Tỳ Đàm chia rõ là tâm tâm sở. Tâm vươngtâm sở, hay tâm thuộc tánh của tâm thì tâm thuộc về thức uẩn và những thuộc tánh của tâm thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn.
Chúng ta đã nói sơ về sắc, thọ, tưởng, hành, thức, bây giờ trở lại điều bài kinh nói hôm nay, đó là thức uẩn. Thức ở đây là thức uẩnthức ở đây gồm có nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, thì thức này lại bị đóng khung, bị lệ thuộc bởi bốn uẩn kia.

Thức lấy sắc làm sở y. 

Bây giờ chúng ta nói là thức lấy sắc làm sở y. Thế nào là lấy sắc làm sở y? Thí dụ như mình nói thân của chúng ta có về dạng thức, về điều kiện, về tự tánh tự nhiên. Chúng tôi lấy một đơn giản là nhiều khi mình nhìn một vật gì đó mình nghĩ nó đẹp hay xấu là do mỹ quan của mình, do sự hiểu biết của mình, do đầu óc nghệ thuật của mình. 

Nhưng kỳ thật, đừng quên bên cạnh mắt thẩm mỹ của mình chúng ta còn lệ thuộc vào một thứ đó là lệ thuộc vào thần kinh nhãn hay con mắt, cái nhìn của mắt chúng ta đối với cái rõ cái không rõ, đối với màu sắc thì  khác nhau. Lấy ví dụ, có những trái cây trong rừng rất ngon với con khỉ nhưng không ngon với chúng ta, có những thức ăn rất ngon với chúng ta mà không ngon với con khỉ, mình nghĩ cái nhìn của mắt giống nhau, nhưng không phải như vậy, có những màu sắc con mắt của con khỉ nhìn được mà mắt chúng ta không nhìn được. Có những âm thanh con chó có thể nghe được mà chúng ta không thể nghe được, có những mùi con gấu có thể đánh hơi được từ 10 cây số trong khi đó chúng ta không thể đánh hơi mùi như vậy được. Cái gọi là nhĩ thức, nhãn thức, tỉ thức, thiệt thức, trước nhất nó lệ thuộc vào mắt, tai, mũi, lưỡi, thân của chúng ta, nếu chúng ta nắm lấy một điều gì đó cho  đó là ngã, là tuyệt đối, nó là như vậy, nó có giá trị như vậy thì chúng ta có vấn đề.

Thế giới của nhận thức chúng ta nghĩ nó như thế này, nó như thế kia, nó đẹp, nó độc lập, nó hay, nhưng thật sự nó lệ thuộc vào thọ, vào tưởng, vào hành, vào sắc, sắc, thọ, tưởng, hành

Lệ thuộc vào sắc, lấy ví dụ như chúng ta cũng nhìn một trái chuối hay trái táo nhưng khi đói bụng mình nhìn nó khác, và lúc không đói bụng mình nhìn nó khác, đó là nhận thức của chúng ta lệ thuộc vào sắc uẩn. Về điều này, người Mỹ trình bày rất rõ ràng là khi chúng ta đang đói đừng đi siêu thị mua thực phẩm tại vì chúng ta sẽ chất rất nhiều đồ lên xe đẩy để mua thực phẩm vì chúng ta đang đói, cái nhận thức của chúng ta lệ thuộc vào thân của chúng ta. Sư Trưởng nói mình tu tập nên ý thức được là lúc bệnh đầu óc mình suy nghĩ rất bi quan, mình nên suy nghĩ chuyện gì trong lúc thân mình khỏe, thí dụ tắm xong mình khỏe hay buổi sáng sớm chẳng hạn, còn lúc mình mệt mỏi mình nhìn sự việc bi quan hơn, thành ra sắc uẩn, cái sắc của chúng ta ảnh hưởng rất nhiều.

Thọ uẩn là cảm giác khổ, lạc, ưu, hỉ, xả ảnh hưởng từ cái nhìn của chúng ta, một người ở trong đời sống có quá nhiều cảm thọ vui buồn thông thường cái nhìn không được trung thực. Trong sự tu tập có một gợi ý rất quan trọng là tâm của chúng ta càng ở cảm giác thọ xả thì chúng ta càng nhìn sự việc nó xáo trộn, chuyện này dễ hiểu, khi tâm thanh thản mình nhìn sự việc khác, khi mình quá vui hay quá buồn mình nhìn thấy sự việc khác và đó là điều người tu tập cần phải để ý. 

Thức của chúng ta cũng y sở trên thọ uẩn. Những người không tu tập Tứ Niệm Xứ, đôi khi cuộc sống họ về cái nhìn cái nhận định của họ lệ thuộc vào cảm thọ quá nhiều, cái khổ, lạc, ưu, hỉ, xả quá nhiều, mình thấy thế giới của vị đó cái gì cũng khác, cái gọi là đẹp, xấu, hay, dở, cái đáng khả ái hay không khả ái nó đều dựa trên cảm thọ, vì vậy một người sống mà tâm họ an lạc thì lượng định  đánh giá cuộc sống của họ khác, người sống tâm không an lạc thì nhận định đánh giá cũng khác, điều này chúng ta phải coi chừng.

Thế nào là thức lấy tưởng làm sở y? 

Thức lấy tưởng làm sở y là sự nhận thức của chúng ta đối với sắc, khinh, khí, vị, xúc dựa trên trải nghiệm của quá khứ, dựa trên kinh nghiệm của quá khứ. Trong tâm lý học thường đưa ra một điểm là nhiều khi có một người nói nặng mình một câu trong lúc đó người này đang đội một nón màu lam hay màu xanh thì sau này chính màu lam màu xanh tạo cho chúng ta một sự liên tưởng mình thấy ai đội nón màu lam hay màu xanh tự nhiên mình không có cảm tình tại vì đã có một người mặc áo màu lam màu xanh nói nặng chúng ta một câu. Thì trên phương diện tâm lý tưởng uẩn ảnh hưởng nhiều đến cả cuộc đời của chúng ta. Tại sao chúng ta thấy chiếc áo dài của Việt Nam đẹp hơn áo kimono của Nhật, tạo sao chúng ta thích ăn canh chua hơn càri của Ấn Độ, tại sao chúng ta thích mùi nước mắm hơn mùi bơ mùi sữa, đó là vấn đề, thật ra nó là một sự trải nghiệm của quá khứ và kinh nghiệm đó dần dà tạo nên cái thức rất chủ quan cuộc sống, và mặc dầu chúng ta hiểu rằng nó không phải tuyệt đối nhưng mình nên biết nó là chủ quan.

Trong kinh Đại Bổn, đọc một đoạn trong đề mục cũng thấy là Đức Phật Ngài dạy quan niệm về ngã, quan niệm tôi là thế này, tôi là thế kia, thật ra điều đó đều bị chi phối bởi sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Đặc biệt khi chúng ta đang nói ở đây tưởng là sự trải nghiệm thì chúng ta đừng quá tin vào nó, "tôi" là như vậy đó, cái đó là phải tuyệt đối là phải đẹp, cái đó là ngã, cái đó chính là cái tôi. Thật ra "tôi" có thể là đủ thứ, nó có thể là a, có thể là b, là c, tại vì cái này sanh nó hiện hữu mình thích quá mình nói "tôi" là như vậy, nhưng không có nghĩa khi cái đó biến mất ngã chấp chúng ta không có, về điểm này thì chúng ta càng học nhất là càng hành Tứ Niệm Xứ thì chúng ta thấy quan niệm về "ngã" về "tôi" là ảo giác, nó thật sự là ảo giác, chúng ta định đặt nó, chúng ta đóng khung nó, nhưng chúng ta quên nó hiển khởi là do điều kiện, điều kiện của sắc của thọ, tưởng, hành, thức, nhưng ở đây đặc biệt khi Đức Phật nói thế giới nhận thức của chúng ta, thức uẩn của chúng ta lệ thuộc vào thọ.

Hành uẩn, hành uẩn ở đây là một cái gì rộng lớn trong đời sống. Như chúng tôi nói hành uẩn không phải chỉ là quyết định về thiện, về ác, về đúng, về sai, mà hành uẩn là sự lựa chọn, là một sự phê phán, là quan niệm về sự vận hành. Hành uẩn là cái gì đó thuộc về ngoài thức uẩn, ngoài thọ uẩn, ngoài tưởng uẩn, thật ra trong năm uẩn thì hành uẩn tương đối rộng và khó định nghĩa nhất. Học A Tỳ Đàm chúng ta thấy tại sao 50 thuộc tánh hay 50 tâm sở thuộc về hành uẩn. 

Thì ở đây chúng ta lấy cái dễ hiểu nhất, đời sống hàng ngày sự lựa chọn của chúng ta là làm cái này đúng cái kia sai, cái này hay cái kia dở, cái này là cái mình lựa chọn cái kia mình không lựa chọn, những giá trị định đặt đó ảnh hưởng đến thức uẩn của chúng ta rất nhiều. Câu nói "người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" là chúng ta nói về thọ uẩn nó nhuộm người ta, nhuộm cả một thức uẩn. Nhưng khi chúng ta nói như vầy là một người theo đuổi về chính trị, về văn hóa, về giáo dục, sự theo đuổi đó là thái độ phát xuất từ hành uẩn, và khi họ theo đuổi chính trị họ thấy thế giới này nhuộm một màu chính trị hết, họ theo đuổi về vấn đề khoa học họ thấy thế giới nhuộm màu khoa học, họ theo đuổi vấn đề tài chánh họ thấy thế giới nhuộm vấn đề tài chánh, đó là tại sao chúng ta nói rằng hành uẩn là sở y của thức uẩn. 

Trong Bát Chánh Đạo, nói về Chánh Mạng là nuôi mạng chân chánh, ở đó ghi nhận một người làm nghề đánh cá nghề đó là nghề sát sanh, hay một người làm nghề gì đó liên quan đến chuyện rượu chè say sưa chẳng hạn, thì do họ sống bằng nghề tà mạng họ không thể đi xa hơn ở trong sự tu tập, tại vì nghề ảnh hưởng nghiệp, nghề ảnh hưởng đến nhận thức của chúng ta ở trong đời sống. Theo những nhà nghiên cứu thì ở trong xã hội nhất là tại Hoa Kỳ có cả hàng trăm hiệu xe khác nhau, nhưng giới luật sư họ chuộng một loại xe nào đó, giới bác sĩ chọn loại xe nào đó, người thương gia chuộng loại xe khác, không phải là tất cả nhưng đa số trong giới đó họ muốn lựa chọn một chiếc xe nghiêm túc, chiếc xe sang trọng, chiếc xe bền v.v.... tại họ chọn chiếc xe đó họ nhận chiếc xe đó đẹp theo nghề của họ, điều đó ảnh hưởng đến cuộc sống rất nhiều.
Thông thường chúng ta nói về năm uẩn; sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn, thì chúng ta không để ý nhiều nhưng thật ra thức uẩn hay là tâm là chủ đạo. Hồi nãy chúng tôi có nói ở trong Vi Diệu Pháp dầu chúng ta phân chia pháp hữu vi có hai là danh pháp và sắc pháp, danh pháp có hai và tâm là sở hữu, nhưng kỳ thật Vi Diệu Pháp nhấn mạnh đến danh pháp và trong danh pháp nhấn mạnh đến tâm và tâm đó chính là thức uẩn, học Vi Diệu Pháp chúng ta sẽ thấy điều đó.

 Thì thức uẩn ở đây là chủ đạo, đặc biệt nó bị điều kiện hóa, bị lệ thuộc bị tùy thuộc, ở đây chúng ta dùng chữ sở y chữ ūpāyaṃphương tiện, nhưng chữ ūpāyaṃ ở đây chúng ta dịch là sở y là cái gì để nương và những nhận định những nhận thức nhưng đôi khi sự nhận thức  sai lệch, cường điệu, hay  sự nhận thức đó là ảo giác, nó bị ảnh hưởng bởi sắc, bởi thọ, bởi tưởng, bởi hành, chúng ta hiểu như vậy. 

Ví dụ như bữa ăn đó mình ăn ngon hay không ngon, thì cũng món đó thôi, cũng nhà bếp đó, cũng hương vị đó nhưng trong người chúng ta khỏe hay không khỏe, đó là thức lệ thuộc vào thân vào sắc uẩn. 

Và cũng thời nhận thức sự việc đó nhưng tâm cảnh chúng ta lúc vui lúc buồn  cũng tạo ra nhận thức khác.

Thì như vậy, nhận thức tuy là chủ quan, nhưng chủ quan đó bị lệ thuộc vào bốn uẩn kia là sắc, thọ, tưởng, và hành.

Đối với hành giả hành Tứ Niệm Xứ nhận thức điều này là một điều lợi lạc cho chúng ta để xóa đi ảo giác. 

Thì thưa qúi vị, xin được kết thúc bài nói chuyện ở đây về thức lấy sắc, thọ, tưởng, hành, làm sở y ./. 

No comments:

Post a Comment