Tuesday, June 23, 2020

Kinh Nhập Tức, Xuất Tức Niệm - TT Giác Đẳng giảng

Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya

118. Kinh Nhập Tức, Xuất Tức Niệm
(Kinh Quán Niệm Hơi Thở) (Anàpànasati Sutta) 



Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma  ngày 6 tháng 5, năm 2020

Minh Hạnh chuyển biên

Phần 1

TT Giác Đẳng: Bài kinh hôm nay, đặc biệt quan trọng về hai phương diện, pháp học cũng như pháp hành. 

Tựa đề của bài kinh này, vì lý do đặc biệt, nên chúng ta dùng một ít thì giờ để nói về tựa đề bài kinh. 

Nếu dịch cho ngắn gọn, dễ hiểu, chúng ta dịch là kinh "Niệm Hơi Thở". Trong tiếng Phạn, chữ hơi thở, đối với người hành thiền hơi thở là đủ để niệm, hơi thở ra, hơi thở vào. Giống như trong tiếng Anh, thay vì mắt kính chúng ta gọi là glass, thì khi nói cặp mắt kính chúng ta nói về số nhiều là glasses

Trong Phạn văn, thay vì chỉ nói hơi thở, ở đây có chữ Anàpànasati nghĩa là niệm hơi thở ra hơi thở vào. 

Dịch theo chữ Hán là kinh "Nhập Tức, Xuất Tức Niệm". 

Nhập tức là thở vào.

Xuất tức là hơi thở ra. 

Một số các học giả thời xưa, ở trong đó có Ngài An Thế Cao, Thiền sư Khương Tăng Hội của Thiền tông Việt Nam, có lẽ vì lý do đặc biệt họ thường không dịch nghĩa mà phiên âm. Ví dụ, chữ Bát Nhã thay vì dịch là trí tuệ, nhưng họ cảm thấy chữ trí tuệ không đủ trang trọng, tôn nghiêm, thành ra họ không dịch là trí tuệ mà họ âm là Bát Nhã, mặc dầu có thể dịch được, như trường hợp chữ Nam Mô, và chữ Bát Nhã chúng ta vừa đề cập. Do vậy ở đây, thay vì người ta dịch là kinh "Thở ra thở vào" thì họ không dịch vào mà họ nói theo âm là kinh "An Ban Thủ Ý"

An ban thủ ý là chữ phiên âm của  Anàpànasati.

Duyên khởi của bài kinh, Đức Phật Ngài thuyết ở chùa Pubbarama, ngôi chùa do bà Visakha cúng dường Đức Phật tại thành Xá Vệ. Đó là thời kỳ cực thịnh của Phật Giáo. 

Kinh đô Xá Vệ, xứ Kosala còn gọi là Kiều Tát La, một trong 16 vương quốc ở trong châu thổ sông Hằng thời bấy giờ. Kosala với Ma Kiệt Đà là hai vương quốc lớn nhất,  Xá Vệ trở thành một kinh đô lớn thời Đức Phật còn tại thế. Ở tại kinh đô này ngoài vua Ba Tư Nặc là một vị vua có tâm sùng kính Đức Phật, còn có hai vị đại thí chủ, ông Cấp Cô Độc và bà Visakha là đệ nhất nam cư sĩ và đệ nhất nữ cư sĩ. Thời bấy giờ cũng giống như hôm nay Xá Vệ là một nơi tương đối mưa thuận gió hoà, Xá Vệ rất  khác với Vương Xá, mùa nóng không nóng như Vương Xá, mùa lạnh không lạnh như Vương Xá, thời tiết có thể nói tốt nhất. Chư Tăng những đệ tử Phật sống đông đảo ở tại các làng mạc chung quanh Xá Vệ, riêng tại chùa Kỳ Viên lúc đó một số lớn các vị đại đệ tử của Đức Phật như tôn giả Xá Lợi Phất, tôn giả Mục Kiền Liên, Ngài Maha Chiên Diên, Ngài A Nậu Đà La, tôn giả Ananda v.v..., những vị này không những là những vị Thánh đệ tử ưu tú của Đức Phật lại là, những vị giáo thọ rất có trách nhiệm được đề cập đến trong bài kinh này, các Ngài hướng dẫn từng nhóm những vị Tỳ Kheo vào tu tập.

Trong ngày Bố Tác, ngày trăng tròn, Đức Phật tuyên bố Ngài rất hài lòng với sinh hoạt của Tăng chúng. Từ khung cảnh một đêm trăng tròn sáng đẹp, Đức Phật ngồi giữa, Tăng chúng vây chung quanh, ở trong đó có nhiều bậc giáo thọ ưu tú, Ngài đã giảng bài kinh Nhập Tức, Xuất Tức Niệm.

Trước khi đi vào bài kinh, chúng tôi đề cập đến ba thí dụ, để chúng ta tạm hiểu pháp niệm hơi thở ảnh hưởng đến những pháp khác như thế nào. 

Chúng ta biết Kinh Tứ Niệm Xứ, có bốn pháp niệm là, niệm thân, niệm thọ, niệm tâm và niệm pháp.

 Trong pháp niệm thân có 9 pháp là, niệm hơi thở, niệm đại oai nghi, niệm tiểu oai nghi (bốn oai nghi; đi, đứng, nằm, ngồi), niệm tứ đại, niệm về  bất tịnh, niệm về tử thi, niệm về hài cốt. Trong những pháp niệm này hơi thở đứng đầu, đôi khi chúng ta có cảm tưởng hơi thở là một ở trong 9 pháp niệm thân, niệm thân là một ở trong bốn lãnh vực quán niệm của Tứ Niệm Xứ, nhưng kỳ thực, niệm hơi thở không đơn giản chỉ là một ở trong số những điều được đề cập đến, để hiểu những điều này, chúng ta có thể lấy ba thí dụ, và trong ba thí dụ này hi vọng rằng chúng ta có thể nhận ra phần nào vị thế quan trọng của pháp niệm hơi thở ở trong pháp Tứ Niệm Xứ. 

Thí dụ thứ nhất.

Những nhà tâm lý học hiện đại làm một trắc nghiệm về sự liên tưởng, đại để, người ta dùng cách cho một con chó ăn, mỗi lần trước khi bắt đầu cho nó ăn người ta lắc chuông, dần dà con chó mỗi lần nghe tiếng chuông thì nó lại nghĩ đến bữa ăn, nhiều ngày như vậy, cho đến một ngày khi người ta lắc chuông mà không cho nó ăn, người ta thấy chất vị toan trong bao tử nó vẫn tiết ra miệng, tức là có phản ứng đối với vấn đề ăn uống đi kèm với tiếng chuông, điều này người ta gọi là learning process (điều chỉnh thói quen theo nhu cầu) là một cách chúng ta hấp thụ cái này nó liên tưởng đến cái kia.

Rất dễ dàng, ở trong đời sống của chúng ta hầu hết những thói quen và bản năng đi chung với cái gì đó, chúng ta gọi là ăn kèm. Đôi khi chúng ta không để ý, nhưng từ trong bản năng bình thường thì hơi thở gắng liền với một số hoạt động ở trong đời sống của chúng ta. 

Một người hành thiền hiểu được là, khi chúng ta sợ thì hơi thở khác, khi chúng ta ham muốn thì hơi thở khác, khi chúng ta giận thì hơi thở khác, khi tâm thanh thản thì hơi thở khác. 

Con người đôi khi không nhận ra rằng, hơi thở đi kèm chung với một số các cảm xúc. Nếu chúng ta có thể điều tức (điều chỉnh hơi thở) là chúng ta có thể nhìn vào hơi thở, và có thể thở một cách nhẹ nhàng thì, nó cũng cho chúng ta một khả năng khác là điều tâm (điều chỉnh tâm).
Điều tức với điều tâm đi chung với nhau.

Thí dụ thứ hai.

Trong một thí dụ thứ hai, những người làm thơ họ biết một số những niêm luật. Ngày xưa chúng tôi nghe Sư Trưởng nói những người có căn bản về thơ Đường, họ làm thơ tự do rất hay, mặc dầu thơ tự do phá cách, mặc dầu thơ tự do họ làm đôi khi không bị ràng buộc ở trong những luật như khai thừa, phá luận của Đường luật chẳng hạn, nhưng bởi vì họ đã có căn bản về thơ Đường, do đó họ làm thơ tự do, thơ của họ rất đẹp, từ gieo vần cũng như chuyển thể họ chuyển rất đẹp. Ở trong số các nhà thơ tương đối làm thơ tự do đẹp phải kể đến thi hào Vũ Hoàng Chương, Tản Đà, những vị đó đều có căn bản về thơ Đường, do đó, khi làm thơ tự do không có tánh cách đi quá đà hay tạo thành một mớ hỗn độn, như những nhà thơ về sau này không có căn bản về Đường luật. 

Thì chúng ta thấy rằng, không nhất thiết một người làm thơ luôn luôn nhớ đến niêm luật, nhưng vì thói quen về cách gieo vần, về cách đối xứng giữa chữ này với chữ kia thành ra lời rất đẹp, không hẳn là lúc nào cũng chỉ đơn thuần  biết mà không có căn bản, cái này đi với cái kia, một sự liên đới cũng giống như hơi thở và những pháp niệm khác của đời sống.

Thí dụ thứ ba. 

Hồi trước, chúng tôi ở gần HT Hộ Giác, thường thấy Ngài dạy về pháp thực hành Yoga, Ngài nói: "rất nhiều người khi tập Yoga họ quan trọng động tác. Nhưng, một người tập Yoga lâu, người đó phải hiểu rằng, động tác phải đi với hơi thở và, hơi thở là chủ vị, chứ động tác không là chủ vị, thí dụ, họ chuyển từ tư thế này sang tư thế khác, trong mỗi một tư thế như vậy đều có những thao tác, và những thao tác này phải đi đúng với hơi thở, thì mới có kết quả". 

Mới nghe thì rất rối, cũng giống như một người tập hát, luyến láy cho đẹp đã là mệt rồi, mà phải hát cho đúng với nhịp điệu lại khó nữa, nếu không hát đúng với nhịp điệu lâu ngày sẽ hư đi. Như vậy, chúng ta nói, ở trong suy nghĩ, ở trong sự cảm xúc, hay là, ở trong cuộc sống sự biểu đạt của tâm ý cảm xúc có hình thức gọi là ăn kèm, nó đi theo với một nhịp điệu và nhịp điệu đó chúng ta gọi là hơi thở.

Lấy một ví dụ, với một người biết về cơn giận của mình và người đó có một khả năng điều tức, người đó sẽ thấy cơn giận đi theo hơi thở. Ở trong sớ giải có nhắc đến là bản thân của chúng ta, những người có phiền não, nó đi theo một số tư thế, thí dụ, tham, sân, đi với tư thế, đi, đứng, ngồi, nằm. Khi chúng ta chuyển tư thế thì cảm xúc thay đổi theo tư thế. Hơi thở tương tự như vậy, nghĩa là, nếu chúng ta có khả năng nhìn vào hơi thở ra vào, chúng ta có thể làm cho cảm xúc thay đổi. Tương tự như, người ta nắm vào mạch ở cườm tay chúng ta có thể biết được nhịp tim. Hơi thở là một biểu thị của cảm xúc.

Bây giờ chúng ta nói đến chuyện liên quan đến ngôn ngữ ở tại đây và, đây là một vấn đề rất dễ gây ra hiểu lầm ở trong những bản dịch.

Ở trong tiếng Phạn Pali có những động từ nguyên thể, không dùng khi nói chuyện, khi chúng ta nói, chúng ta nói theo ngôi thứ nhất, ngôi thứ hai và ngôi thứ ba. Khi chia thì chia theo thời, đặc biệt về ngôi rất quan trọng. Ngôi thứ nhất ở trong tiếng Anh là ngôi thứ ba trong tiếng Phạn. Ngôi thứ ba trong tiếng Phạn là ngôi thứ nhất trong tiếng Anh. 

Ví dụ, chúng ta nói "anh ấy thấy", "bà ấy thấy" dùng chữ "passati", anh thấy chị thấy là "passasāmīti",chúng tôi thấy là "passama". 

Động từ bắt buộc luôn luôn được chia, động từ không thể không chia.

Ví dụ, trong Phạn văn, chúng ta nói assasati thở, thở vô, hay assasissāmīti

Thì trong bài kinh dịch, khi thở vào vị ấy biết rõ tôi thở vào, khi thở ra vị ấy biết rõ tôi thở ra. Chữ "tôi" ở đây không cần thiết, chữ "tôi" là họ cố gắng dịch từ Phạn văn.

Như hồi nãy chúng tôi nói, "assasissāmīti" hay "passasāmīti", vì không thể nào có một động từ ở trong một câu không chia theo ngôi, chia theo ngôi ở đây, dĩ nhiên, đối với hành giả đang ghi nhận hơi thở của mình. 

Thành ra, chúng ta nên bỏ chữ "tôi". Nói một cách khác, chỉ có thở, không có người thở, có cảm thọ, không có người cảm thọ. Về điểm này chúng ta nên nhớ.

Trong Nhập Tức, Xuất Tức Niệm có tất cả 16 pháp niệm, 16 pháp niệm dựa trên pháp niệm hơi thở đối với 4 lãnh vực là, niệm thân, niệm thọ, niệm tâm, niệm pháp.

 Điều này, chúng ta cần phải chú ý bởi vì, hơi thở được xem là căn bản đem áp dụng cho tất cả mọi trường hợp. 

Thành ra, một vị có thể vừa quán thân, quán thọ, quán tâm, quán pháp, bằng cách này cách khác nhưng vị đó đều phải trở về với hơi thở của mình, hơi thở là một bản doanh chính, một hậu cứ. Trong kinh đôi khi dùng chữ là "bản địa", bản địa là một căn cứ chính, từ chỗ đó chúng ta xuất phát đi hành quân ra trận rồi trở về căn cứ chính là, niệm hơi thở.

Khi đề cập đến pháp niệm hơi thở ra hơi thở vào thì, hơi thở có ba điều đặc biệt ở trong cuộc sống.

1- Thứ nhất là, hơi thở lúc nào cũng có, khi chúng ta còn sống, còn hơi thở, khi không còn thở nữa, chúng ta chết, và hơi thở luôn luôn có. Ví dụ như có người niệm bằng xâu chuỗi, khi không có xâu chuỗi họ không niệm được, một người niệm nhờ vào một chiếc lá từ lúc xanh tới lúc lá vàng, khi không có lá xanh lá vàng, không có hoa nở hoa tàn, họ không niệm được, nhưng hơi thở đặc biệt lúc nào cũng có. Đó là đặc điểm của hơi thở.

2. Thứ hai là, đặc điểm hơi thở có hai nhịp điệu, nhịp điệu ra và nhịp điệu vào, do vậy, không có quá ít và không quá nhiều, nếu quá nhiều thì sẽ rối, không có nhịp điệu nào hết tâm chúng ta sẽ rơi vào trong tình trạng không phân biệt được, không có sự tương phản. Hơi thở ra và hơi thở vào, trong hai tiết tấu đó cho chúng ta có khả năng phân biệt, có một sự tương phản giữa hơi thở ra hơi thở vào, như vậy, tâm của chúng ta sẽ không rơi vào tình trạng muội lược. 

Muội lược, có nghĩa khi quan sát trạng thái gì lâu, tâm chúng ta rơi vào trong trạng thái không rõ ràng, không phân biệt được. Sự biết rõ hơi thở ra hơi thở vào, tránh cho chúng ta rơi vào trong tình trạng muội lược.

3. Điều thứ ba, một điểm rất đặc biệt của hơi thở khác với những đề mục khác đó là, hơi thở là một biểu thị của cảm xúc và biểu thị của toàn bộ cuộc sống, giống như người ta bắt mạch biết được nhịp tim. 

Ở trong đời sống, nếu quen với pháp hành thiền hơi thở, chúng ta biết khi mình vui hơi thở khác, khi mình buồn hơi thở khác, khi mình lo sợ hơi thở khác. 

Một người làm quen với hơi thở chỉ cần một vài giây phút trở lại hơi thở sẽ hiểu được tâm thái của mình như thế nào. Chuyện này là chuyện rất quan trọng. Chẳng những biết được tâm thái mình như thế nào. Một người điều tức người đó có thể điều tâm được. Nếu mình hiểu sự liên hê mật thiết giữa hơi thở và tâm thái của mình người đó có một khả năng tương đối có thể tự chủ được một phần nào đó. Thí dụ, người ta nói, khi những người nổi cơn giận phẫn nộ nếu có thể ngồi lại hít vào thật sâu thở ra thật chậm, trong vài ba hơi thở, cũng giúp ích rất nhiều để chúng ta có thể đưa tâm trở về với sự bình lặng, hay, ít nhất làm nguội đi cơn giận dữ, cơn phẫn nộ. Đó là việc rất quan trọng. Thật ra, sự điều tức liên quan đến điều tâm và, nhìn vào hơi thở có thể biết được tâm thái của mình.

Một lần, chúng tôi đi ghé vào một trạm nghỉ tại biên giới Oklahoma với Texas, ở đây có bán một chiếc nhẫn đổi màu, bình thường chiếc nhẫn màu xanh lá cây nhưng, khi đeo vào người đang nổi cơn giận thì nó màu đen, khi người ta vui thì nó màu đỏ, lúc người ta sợ nó màu vàng, trở về nó ra màu xanh lá cây lại. Chúng tôi không biết độ chính xác của chiếc nhẫn như thế nào, nhưng nó cũng là điểm thú vị, khi người ta đeo chiếc nhẫn đó vào nó cho chúng ta biết về cảm xúc nội tại. 

Chúng tôi dùng câu chuyện chiếc nhẫn đó để nói lên một điều là, hơi thở một lúc nào đó hành giả thường theo dõi hơi thở thì chúng ta ở vào thế chủ động hơn là bị động, có nghĩa là, chúng ta nắm được một phần nào đó trong việc đối diện với cảm xúc của mình.

Bây giờ, trong cách tu tập nội tại, Đức Phật đề cập đến hai yếu tố; Samatha là thiền chỉ và, vipassana là thiền quán. 

Yếu tố thiền chỉ, một yếu tố tập trung gọi là định.

Yếu tố Vipassana gọi là, quán hay niệm, khả năng tỉnh táo. 

Mới nghe thì rất đơn giản nhưng, hai khả năng này đôi khi mâu thuẫn với nhau, mâu thuẫn ở điểm nào?

 ở đây:

- Khi tu tập pháp niệm-Vipassana, chúng ta có khả năng ghi nhận những gì đang xảy ra ở thân tâm của mình, ví dụ, trong lúc chúng ta đang ngồi thiền, mình khởi tâm lo lắng về một chuyện ở nhà không biết cửa có khóa không, trước khi đi gas đã tắt chưa, hay hoặc giả, lo lắng một chuyện gì đó. Một người tu tập thiền quán-Vipassana phải có khả năng ghi nhận sự lo lắng đó, chúng ta nhận rõ cảm xúc lo lắng đó. 

Khả năng của Vipassana của quán là biết được những tánh khí như vui buồn do sự tu tập, vui buồn do sự tự nhiên của vật chất. Chúng ta gọi vui buồn thuộc về sự tu tập và, vui buồn không thuộc về sự tu tập, hay cảm giác của nội tâm. Thì phép quán cho phép chúng ta xử dụng tất cả những đối tượng trở thành đề mục của sự tu tập. Đây là một điểm rất đẹp, rất tốt của Vipassana. 

- Nhưng, Vipassana cần một tánh cách của Samadhi là, cái neo để cột lại, tại vì, nếu không khéo chúng ta sẽ bị rơi vào tình trạng điệu hỏa ly sơn. Điệu hỏa ly sơn, có nghĩa là tâm mình dong duỗi theo một đối tượng nào đó, bỏ trống hậu cứ bản địa của mình.

(Người xưa, họ có chiến thuật để đánh lạc hướng, thí dụ, có một viên võ tướng đi theo để bảo vệ cho vị vua, nếu muốn bắt vị vua đó thì họ cho một người lạ xuất hiện để khiến cho vị võ tướng đó phải phản ứng và truy đuổi theo và, khi vị võ tướng truy đuổi theo người khác bỏ quên ông vua, họ cho người vào bắt ông vua. Đó gọi là điệu hổ ly sơn). 

Một người tu tập Tứ Niệm Xứ phải biết có hai cách thế, nếu chúng ta khéo thì nó bổ túc cho nhau, chúng ta không khéo thì hai cách thế này lại mâu thuẫn nhau đó là, Samatha và Vipassana. 

Samatha là thiền chỉ là tập trú.

Vipassana là thiền quán, là khả năng ghi nhận tất cả những hiện tượng. Nếu chúng ta chỉ ghi nhận những hiện tượng xảy ra mà mình không có cái neo, không có cách để trở về với hơi thở ở trong thời điểm thích hợp, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng tản tâm, tức là tâm của chúng ta chy bắt theo thứ này và thứ khác, kể cả điều đó là một âm thanh xảy ra, hay một cảm giác đau nhức trong thân của chúng ta, đau nhức tay chân của chúng ta, hoặc sự lo âu. Thành ra, hành giả phải có một bản địa, tức là trở về với hơi thở.

Khi xưa, thân phụ của chúng tôi trong lính, chúng tôi biết người ta có một cách gọi là đi kích, tức là mỗi buổi tối họ gửi một toán lính đi nằm ở chung quanh đồn bót, họ phải chia ra ai giữ hậu cứ, ai đi kích, ở trong trường hợp có giặc đánh úp thì bên trong giúp cho bên ngoài, bên ngoài giúp cho bên trong. Thí dụ, bên trong có súng cối, có đại liên, còn ở bên ngoài có những hầm trú, có những phương tiện để tiếp trợ cho bên trong. Bên trong tiếp trợ bên ngoài, bên ngoài tiếp trợ bên trong, nếu chỉ có bên ngoài không có bên trong thì hỏng, chỉ có bên trong mà không có bên ngoài thì sẽ bị bao vây.

Cách thế này, cũng tương tự như một người khi bắt đầu vào niệm hơi thở, đôi lúc rất lúng túng, bởi vì, người ta chỉ niệm hơi thở và cố gắng để làm cho tâm không bị chi phối bởi những thứ khác, do họ cố tập trung vào hơi thở, họ không chịu ghi nhận những hiện tượng khác đang sanh khởi, cũng giống như một đồn lính chỉ tập trung một chỗ rất dễ bị bao vây. Lâu ngày nó tạo nên sự căng thẳng của một người chỉ biết tập trung vào hơi thở không có thấy những điểm khác, cuộc sống của chúng ta trở nên bất bình thường. 

Ở trong vài đoạn sau, chúng ta sẽ thấy có một sự nhịp nhàng giữa sự tùy quán vô thường với hơi thở, giữa cảm thọ hỉ lạc với hơi thở và, giữa những thứ khác hơi thở. Thì hai điều này phải xong hành với nhau. 

Tại sao người ta có một tranh luận lớn về chỉ và quán? Nếu một người chỉ tập trú thuần vào hơi thở và không có cảm giác để ứng phó với những trạng huống tâm thái khác của nội tâm, chúng ta rất dễ bị vấn đề tạo nên một sự căng thẳng, sự căn thẳng này thường làm cho hành giả bỏ cuộc. 

Chúng tôi lấy một ví dụ, một người hành thiền Tứ Niệm Xứ không có điều kiện là mình phải như thế này hay phải như thế khác, nếu buổi sáng thức dậy mình uể oải thì ý thức rõ sự uể oải đó, buổi sáng mình thấy đang bực bội thì  ý thức rõ sự bực bội đó, và bực bội uể oải không nên là một lý do để chúng ta bỏ sự phát triển chánh niệm, chúng ta xử dụng tất cả những điều đó làm đối tượng của chánh niệm. 

Nói một cách khác, một người đã có kinh nghiệm về chánh niệm thật sự thì họ không cần phải nói mình phải ở trạng thái tốt nhất mình mới sống với chánh niệm, hay ở trong tình huống tồi tệ nhất mới sống với chánh niệm. Ví dụ, mình nói một câu lỡ lời, hay mình bực bội, hay mình ham muốn, hoặc giả mình giận dữ, tất cả đều là đối tượng của chánh niệm. Đây là một điểm rất khó.

Như trường hợp, chúng tôi làm trụ trì trong một ngôi chùa, mới làm trụ trì người ta nói mình phải có quyền thế này, mình phải có một tư thế như thế kia v.v... Nhưng căn bản là, bất cứ ai đóng một vai trò gì, đều phải hiểu, sở dĩ mình đóng vai trò đó, bởi vì chuyện đó có những khó khăn người ta không giải quyết được, mình phải giải quyết được, một cách tối hậu, mình là trụ trì mình phải chịu tất cả trách nhiệm về ngôi chùa, không thể đổ lỗi, tại vì vị này xấu, vị kia tệ. Nhưng căn bản mà nói, tôi là trụ trì thì những chuyện xảy ra trong ngôi chùa dù tốt dù xấu, tôi phải chịu trách nhiệm và, điều đó có nghĩa, tôi phải quan sát.

Người lãnh đạo một tổ chức, nói cho cùng, mình là người phải có trách nhiệm toàn bộ, phải lắng nghe, phải quan sát, chứ không phải nói mình chỉ chọn những vai trò tốt nhất lên đọc diễn văn mình mới làm chủ tịch, mình mới lãnh đạo, không phải như vậy, mà mình phải nhận tất cả những trách nhiệm. Ngay cả trách nhiệm thuyết phục những người cộng sự của mình, dầu người đó bất đồng ý kiến với mình. 

Tương tự như vậy, khi một người hiểu được ý nghĩa chánh niệm, có nghĩa là vị đó có khả năng ý thức trong toàn thời gian, không có sự phân biệt, hay đòi hỏi tôi chỉ có thể chọn cái này làm đối tượng với chánh niệm, tôi chọn cái kia làm đối tượng với chánh niệm 

Đọc trong kinh Tứ Niệm Xứ, chúng ta sẽ thấy trong phần tâm quán niệm xứ nói rằng, tâm có định biết tâm có định, tâm không định biết tâm không định, tâm định tỉnh biết tâm định tỉnh, tâm giao động biết tâm giao động, tâm cao thượng biết tâm cao thượng, tâm tầm thường biết tâm tầm thưòng. Như vậy, vấn đề không phải tầm thường hay không tầm thường, tâm cao qúy hay thấp hèn mà, vấn đề là chúng ta có thể nhìn ra mặt mũi của nó hay không.  

Tại chùa Watt Nong Pah Pong của Ngài Ajahn, có một câu viết là "vấn đề quan trọng của người hành thiền không phải là đòi hỏi mình phải có những ý tưởng cao thượng hay  mình phải cư xử như một bậc thánh mà là, thân và tâm của mình như thế nào thì mình ghi nhận một cách tỉnh giác nó là như vậy". 

Đây là chìa khóa rất quan trọng. Vì vậy, sự khác biệt giữa một người tập trung nhiều vào quán, người đó phải có khả năng thích nghi và quán sát tất cả những gì xảy ra ở thân tâm của mình, ở trong nội giới cũng như ngoại giới ( thế giới ở bên ngoài). Nhưng, nếu chúng ta chỉ tu tập về quán đơn thuần như vậy, chúng ta sẽ mất đi một thứ quan trọng, (hồi nãy chúng tôi gọi là điệu hổ ly sơn), tức là chúng ta không có khả năng tập trung, bởi vì nó bung xung quá, bởi vì nó đa đoan quá, bởi vì nó có nhiều quá, thành ra vị này phải có một căn bản gọi là bản địa là hơi thở của mình.

Hơi thở là gì? ít nhất hành giả hiểu đó là một cơ sở, mình có thể tổ chức, có thể sắp xếp, có thể bày trí. 

Thí dụ, mình đánh giặc, trận địa mênh mông, kẻ thù ở bất cứ nơi nào, mình phải lập ra một bản doanh hay một căn cứ, ở trong căn cứ này chúng ta có thể làm hào lũy, thành quách, vọng gác, lô cốt, một cách bố trí. Thì ở chính bản địa, ở chính căn cứ này mình có thể làm chủ tình hình, do làm chủ tình hình mình mới xuất phát đánh những trận giặc chung quanh được. Còn nếu một trận mạc địa hình mênh mông, giặc kéo qua phía đông mình đánh qua đông, giặc kéo qua phía tây mình đánh qua tây, mình không có một căn cứ bản địa nào sẽ là vấn đề, quân lương sẽ cạn kiệt, nghệ khí sẽ đi xuống, mọi người mệt mỏi. Bởi vì sao, mình không biết đi đâu, không biết về đâu, không biết đi đâu về đâu là chuyện làm chúng ta rơi vào trong tình trạng mất phương hướng. Đó là một điểm hành giả nên tránh, không nên để cho mình mất phương hướng, phương hướng chính của mình là hơi thở.

Thì bây giờ, trong bài kinh này nói về 16 phép niệm hơi thở. Nhưng đầu tiên, chúng ta nên bắt đầu từ giản dị nhất. Người ta nói, một hành trình dài khởi sự từ bước thứ nhất, nếu một người bắt đầu một cái gì đó, họ bày ra đa đoan quá, phức tạp quá thì không bắt đầu được. Do đó, bắt đầu một cách đơn giản, đừng đòi hỏi mình nhiều. Cái khổ của một số người bắt đầu hành thiền  họ tự đưa rất nhiều thứ, rất nhiều điều kiện.

 Điều kiện đầu tiên chúng ta khởi sự đó là, làm sao để mình biết hơi thở ra và hơi thở vào, đơn giản như vậy thôi. Khoan nghĩ đến chuyện dài ngắn, khoan nghĩ đến chuyện thở một cách nhẹ nhàng hay thở tự nhiên. Đầu tiên hết là, chỉ biết hơi thở ra hơi thở vào. 

Trong một lần, chúng tôi đề cập, khi mới tập lội bị quăng xuống nước, chúng ta phải biết mấu chốt là, đừng quan tâm nước chảy, đừng quan tâm thế này thế kia, mà quan tâm lúc nào chúng ta cần nín thở, lúc nào chúng ta có thể hít vào thở ra được. Ví dụ, mặt mình đang úp trong nước làm sao mình thở?  mình phải ngoi đầu lên và, lúc ngoi đầu lên làm thế nào để lấy hơi vào, lấy dưỡng khí vào buồng phổi để tiếp tục hụp lặn trong giòng nước. Một thời gian sau chúng ta chẳng những quen thuộc với thủy tánh, chúng ta còn quen thuộc cách điều tức hơi thở, thì mình có thể lội được. Công việc đầu tiên của hành giả là đừng bận tâm nhiều vào những thứ khác, mà chỉ bắt đầu với hơi thở ra hơi thở vào.  

Đó cũng là tên bài kinh này, Nhập Tức Xuất Tức Niệm, khởi đầu là hơi thở vô biết rõ thở vô, thở ra biết rõ thở ra.

Thở vô thở ra là hai nhịp điệu, hai tiết tấu rất quan trọng. Thường thường chúng ta biết mình có thở nhưng biết một cách mơ hồ, thường thường chúng ta biết mình có thở nhưng đôi khi chúng ta lại nghĩ quá nhiều về hơi thở. 

Thật ra, ở đây phải có một cách nghĩ trung dung, chúng tôi biết có nhiều người cố gắng mô tả hơi thở là cái gì mầu nhiệm, mình thở là mình sống, chúng ta không cần phải như vậy, chúng ta không cần phải vẽ rắn thêm chân, không cần phải tô hồng chuốc lục, không cần nói cái gì quá đáng về hơi thở. Hơi thở là hơi thở, đơn giản như vậy, chỉ cần biết hơi thở vô hơi thở ra và, biết một cách rất rõ, rất thuần thục.

 Bất chợt, mình đang ngồi nói chuyện và, trong vài giây phút im lặng nào đó mình phải tự thấy được là, mình đang thở vô hay đang thở ra, đó là điều tốt.

 Mình đang đi bộ, bỗng dưng mình muốn đứng lại, khi mình đứng lại, mình biết mình đang thở vô hay đang thở ra.

Thậm chí, trong nhiều trường hợp, rất lợi lạc, nếu mình đang ngồi giữa đám đông, đang có công việc, chúng ta chỉ cần có một phút hai phút tự hỏi mình đang thở vô hay thở ra, điều đó giúp chúng ta bình tâm lại, nhưng phải biết rõ hơi thở vô, hơi thở ra.

Sau một thời gian, chúng ta đã thuần  thục, đã quen hơi thở vô hơi thở ra thì, tự sự thuần thục đó sẽ cho phép chúng ta có một sự bén nhạy hơn, đó là, mình sẽ thấy thời lượng thở bằng nhau, có khi thở vô dài, có khi thở ra dài, có khi thở vô ngắn, có khi thở ra ngắn. Thí dụ, trường hợp một người thở dốc, thở dốc đôi khi họ thở vào rất ngắn, mà họ thở ra rất dài, có trường hợp thở vào dài thở ra ngắn. Một người leo núi mệt thì hơi thở dài ngắn lại khác. Một người tâm trạng đang buồn bã đang bi quan hơi thở dài khác. Có khi nào qúi vị nghe có một tiếng thở dài dài hơn bình thường? Hành giả một khi đã rất quen rất thuần thục hơi thở ra vào sẽ thấy hơi thở hoàn toàn không giống nhau. 

Cũng giống như, khi chúng tôi còn nhỏ mỗi ngày dọn cơm lên ăn, chúng tôi ăn chỉ biết là cơm thôi, có cơm thì ăn, bỏ thức ăn vào ăn ngấu nghiến, nhưng, lâu lâu nghe thân mẫu chúng tôi nói gạo kỳ này ngon, gạo kỳ này dở, chúng tôi cảm thấy có cái gì đó không cần thiết, cơm có ăn thì cần chi phải cơm ngon cơm dở. Nhưng khi lớn lên có ý thức một chút thấy rõ ràng không phải cơm nào cũng giống nhau hết, cơm thì có loại dẻo, loại không dẻo, có loại thơm, loại không thơm, có loại rời rạc, v.v... Đó là sự tinh tế, sự tinh tế đến từ sự thuần thục, sự tinh tế không phải đến từ sự điều khiển của mình. Điều này chúng ta nên biết, không nên hiểu rằng mình thở dài hay ngắn là do sự điều khiển mà là, do chúng ta có tinh tế nhận ra có một sự khác biệt ở trong việc chúng ta theo dõi hơi thở.

Chúng ta đi qua một sự thuần thục khác đó là, cảm giác toàn thân tôi thở vô, cảm giác toàn thân tôi thở ra. 

Cảm giác toàn thân ở đây, khi mới niệm hơi thở chúng ta chỉ thường tập trú vào một điểm nào đó, chúng ta chưa thấy hơi thở là một sự thể hiện toàn bộ của thân. Đây là một chi tiết rất khó niệm chúng ta có thể hiểu được, nếu chúng ta không có kinh nghiệm trải qua. 

Chúng tôi lấy một ví dụ, lúc mình mới lái xe, mình với chiếc xe là hai, một người tài xế và chiếc xe, một người điều khiển và một vật thể bị điều khiển. Đến một lúc nào đó khi mình đã lái xe quen thuộc thì mình cảm thấy mình với chiếc xe là một, mình thấy đường có nhanh chậm, quẹo trái quẹo phải, và khi quẹo trái quẹo phải mình không nói là chiếc xe phải quẹo mà mình phải điều khiển cho chiếc xe quẹo, mình cảm thấy cái quẹo đó là một sự kết hợp giữa người lái và chiếc xe một cách nhuần nhuyễn, bấy giờ mình với chiếc xe là một.

Về điểm này, một hành giả niệm hơi thở ở mức độ thuần thục và, có khả năng tinh tế thấy rõ hơi thở ra, hơi thở vào, hơi thở ngắn và dài, lúc đó hành giả sẽ cảm nhận hơi thở là một sự rung động, một biểu thị toàn bộ của thân thể, chứ nó không phải chỉ là luồng khí đi vào mũi, đi vào buồng phổi, đi vào bụng, rồi phồng rồi xẹp, không phải như vậy mà, đây là một cảm giác toàn thân.

Ở đây, mang cả hai ý nghĩa, một ý nghĩa mang tánh cách là vật thể, tức là mình có thể cảm nhận được sự rung động toàn thân của mình qua hơi thở. Khi nào, có dịp nhìn thấy một con chó đang nằm ngủ, hay một người đang nằm ngủ, chúng ta hiểu được hơi thở không phải chỉ là một luồng khí ra vào, mà nó có độ chấn động toàn bộ thân thể, lúc đó chúng ta mới thấy được cảm giác toàn thân. 

Điểm thứ hai, là lúc bấy giờ hành giả cảm giác hơi thở của mình không phải đơn thuần qua một điểm ở chóp mũi, hay hơi thở ở bụng, hay là ở buồng phổi mà là, cảm giác ở toàn thân.

Như vậy, khi nói cảm giác toàn thân thở vô, cảm giác toàn thân thở ra, tức là một trạng thái thở tạo nên sự đồng bộ của tất cả và, tất cả đi theo một cái nhịp điệu duy nhất của hơi thở. 

Về điểm này, chúng tôi tạm lấy một ví dụ, nếu qúi vị làm việc trong một tổ chức hay một ngôi chùa khi chúng ta có sinh hoạt gì đó, thí dụ, làm lễ khánh thành một pho tượng hay lễ cung nghinh xá lợi, lúc bấy giờ tất cả mọi người toàn tâm toàn ý tập trung vào trong đó gọi là, mình thở chung một nhịp thở, mình hoà điệu với nhau, bấy giờ chúng ta có cảm giác nhất tề đứng lên đồng tâm hiệp lực mọi người kết hợp với nhau đi theo một nhịp điệu. 

Khi chúng ta nói cảm giác toàn thân, bấy giờ chánh niệm hành giả rất mạnh đối với hơi thở, chánh niệm đủ mạnh để thấy tất cả mọi thứ của thân đi chung quanh với hơi thở, hơi thở trở thành điểm chính, lúc đó chúng ta thấy rằng khả năng nhìn vào hơi thở, chúng ta có thể biết rất nhiều. 

Có một lần, chúng tôi nói chuyện với một bác sĩ về cách bắt mạch, bác sĩ này có đề cập một chuyện thú vị là, khi bắt mạch họ có thể biết được nhịp tim, nhưng, không phải đơn giản chỉ nhịp tim, mà người ta có thể có được một khái niệm toàn bộ về tình trạng sức khỏe của một người, không thể nào một người với trạng thái suy nhược mạch của họ bình thường. Dĩ nhiên, bắt mạch bên Đông Y, mạch cuồng mạch trầm có khác nhau. Nhưng, mỗi một ghi nhận về tình trạng mạch của bệnh nhân, cho chúng ta thấy hình ảnh tổng quát người đó như thế nào, lúc bấy giờ, một người đã quen với hơi thở họ có một vị thế là họ ý thức toàn bộ thân của họ, đó là cảm giác toàn thân vị ấy thở vô, cảm giác toàn thân vị ấy thở ra.

Bây giờ chúng ta bước sang phần tiếp theo đó là, an tịnh tâm hành thở vô, an tịnh tâm hành thở ra. Ở trong thuật ngữ Phật học có hai chữ chúng ta phải lưu ý, một là thân hành, hai là tâm hành. 

Thân hành là hơi thở, hơi thở nhẹ nhàng hay không nhẹ nhàng, hơi thở nặng hay hơi thở nhẹ, hơi thở dài hay ngắn.

Tâm hành là, tầm và tứ, tức là suy tư hay sự hướng tâm. Chữ tầm ở trong kinh Phật nghĩa là mình hướng tâm đến cái gì đó, ví dụ, mình ngồi ở đây  suy nghĩ về chuyện thế sự, ngồi đây mình suy nghĩ về triết lý, suy nghĩ về thơ văn, về âm nhạc, hướng về cái gì đó gọi là tầm. 

Tứ là tâm áp sát, tâm khắn khít, tâm gắng bó về điều gì đó. 

Đối với hành giả điều chúng ta bị chi phối nhiều nhất đó là, tầm và tứ, hay là sự phóng tâm.

Chúng tôi lấy một ví dụ, Ngài Ajahn có nói:  "khi một người hành thiền ở mức độ thuần thục, người đó hiểu không có ở đâu quan trọng hơn ở đây và, không có việc gì đáng làm hơn là chánh niệm với hơi thở trong lúc này".

Chúng ta luôn luôn bị sự phóng tâm, luôn luôn bị tầm và tứ chi phối, lôi kéo chúng ta, đáng lẽ một việc gì đó trong một tiếng đồng hồ nữa chúng ta có thể lo được bây giờ tâm bắt chúng ta phải lo, đáng lẽ là việc đó chúng ta về nhà có thể lo được nhưng bây giờ tâm bắt chúng ta phải lo, đó gọi là tầm tứ.

Sự an tịnh tâm hành, lấy ví dụ,  Phật tử thường bận rộn với công việc của hãng xưởng, bây giờ tìm về một nơi cảnh trí hữu tình, ở đó chúng ta có một sinh hoạt thanh thản, chúng ta có những giờ phút không phải bận rộn tâm trí đối với những việc khác ngoài sự hưởng thụ khung cảnh thiên nhiên, những bước chân đi bộ, hoặc giả, những giờ phút chúng ta có thể có được ở tại nơi đó, đó là an tịnh tâm hành tức là, tâm không lôi kéo chúng ta đi chỗ này, không lôi kéo chúng ta đi chỗ kia. 

Khi hành giả đã an tịnh tâm hành tức là, vị đó đã bắt đầu thoải mái với hơi thở, đã cảm thấy thư giãn với hơi thở, đã cảm thấy sung mãn ở trong chánh niệm với hơi thở.
Lấy ví dụ, có những đứa nhỏ rất thích chơi Ipad, nó làm việc gì đi nữa nhưng khi có thì giờ nó chạy đến chụp lấy cái Ipad, ngay lập tức nó dồn hết tất cả tâm trí vào Ipad và, nó không bận tâm đến những thứ khác, đến nỗi cha mẹ kêu nó rày nó. (Chúng tôi không nói đó là sự an tịnh tâm hành), nhưng, chúng tôi muốn dùng thí dụ này để làm một ví dụ là, một người đã thuần thục với hơi thở, đã thoải mái với hơi thở, thấy rằng mình đang sống với hơi thở thì, lúc đó không còn bị chèo kéo bởi những việc này và việc kia nữa ở trong lúc tập trung, chúng ta gọi là an tịnh tâm hành. Và hành giả phải biết mình đã đến mức độ như vậy.

Tóm lại:

- Hai pháp đầu, thở ra thở vào biết rõ thở ra thở vào là bước thứ nhất. 

- Hai pháp tiếp theo là, thở vô dài biết thở vô dài, thở ra dài biết thở ra dài, thở vô ngắn biết thở vô ngắn tức là, biết thời lượng của hơi thở là, bước thứ hai.

 Bước thứ ba là, khả năng để có thể cảm nhận toàn thân hơi thở là một, chứ mình không còn có trạng thái chủ và khách. Ví dụ như, một người rất thân với mình người đó phải là người không khách sáo nữa, mình coi người đó là một, mình không khách sáo nữa thì, chủ thể khách thể là một. Thì, chúng ta nói là, cảm giác toàn thân vị ấy thở vô, cảm giác toàn thân vị ấy thở ra.

 Bước thứ tư, một khả năng yên tĩnh lắng đọng, không còn bị chèo kéo, không còn bị chi phối, không còn bị lôi kéo bởi những thứ khác, chỉ toàn tâm toàn ý sống với hơi thở gọi là, an tịnh tâm hành vị ấy thở vô, an tịnh tâm hành vị ấy thở ra. Đó là giai đoạn thứ tư tương đối vị này có một sự huân tu chánh niệm tốt.

Thật ra vị nào chưa đắc đạo chứng quả mà chỉ có thoải mái với hơi thở ở trong bốn công đoạn này thì, tương đối là vị đó sẽ không mất chánh niệm, cho dù vị đó không hành thiền nữa, với kinh nghiệm về chánh niệm đã có rồi, vị đó rất nhanh chóng trở về lại với trạng thái chánh niệm.

Chúng tôi nghĩ hôm nay, chúng ta không đủ thì giờ cho bài kinh Nhập Tức, Xuất Tức Niệm,do vậy, ngày mai ngày mốt chúng ta trở lại với nội dung bài kinh An Ban Thủ Ý (Nhập Tức, Xuất Tức Niệm) với những pháp niệm về hơi thở và, với sự liên đới giữa pháp niệm hơi thở và các pháp niệm khác./.