Tuesday, April 18, 2017

Phải chăng những bài kinh cầu siêu nói về Vô Thường, khổ và Vô Ngã chỉ nên tụng cho người chết

Hỏi: Phải chăng những bài kinh cầu siêu nói về Vô Thường, khổ và Vô Ngã chỉ nên tụng cho người chết? 

Câu hỏi trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày10 tháng 4, 2017. Minh Hạnh chuyển biên

TT Tuệ Siêu:  Thật ra ở trong Phật Giáo Truyền Thống Nguyên Thủy hay là Phật Giáo Nam Tông không có gọi là cầu siêu chẳng qua "nhập gia tùy tục, đáo xứ tùy dân". 

Khi Phật Giáo Nam Tông truyền sang Việt Nam dân chúng Việt Nam đã theo truyền thống lâu đời Phật Giáo Bắc Tông nên có những bài kinh cầu an kinh cầu siêu. Chư Tăng theo truyền thống Nguyên Thủy không tụng những bài kinh được gọi là cầu siêu, không có gì gọi là cầu siêu cả. Nói như vậy qúi vị Phật tử đừng ngạc nhiên là từ trước đến giờ đi chùa cúng dường Chư Tăng thỉnh Chư Tăng tụng kinh cầu siêu hoặc cầu an hóa ra là Chư Tăng không có tụng cầu siêu cầu an gì hết. -  Không phải như vậy 

Cầu siêu là không phải cầu khẩn Đức Phật Ngài cứu rỗi cho người chết siêu thoát. Không cầu ai để cứu rỗi cho thân nhân mình hết mà chỉ là Chư Tăng biết rõ thường người chết thường hay lưu luyến vương vấn  nhà cửa con cái tài sản, họ lưu luyến tái sanh không được, họ không muốn tái sanh lên, mà chỉ muốn sanh làm Chư Thiên loại thấp ở trong nhà hoặc là a tu la ma quỉ, bây giờ Chư Tăng đến tụng những bài kệ Saṃvejanīyagāthā là các bài kệ động tâm nói về pháp Vô Thường, Khổ, Vô Ngã hay nói sắc thân này là tạm bợ sẽ phải chết, nói về quán xét về sự Già, sự Bệnh, sự Chết hay quán Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. 

Vong linh của người quá vãng còn vương vấn ở đâu đó nghe được lời kệ như vậy hiểu được thấu đáo sẽ tỉnh ngộ nghĩ rằng cuộc đời này là giả tạm, cái này không phải của ta, tài sản này con cháu này trước đây trong đời quá khứ mình cũng đã từng chia tay đã từng biệt ly với người thân người thương rồi bây giờ cũng vậy thôi, cuộc đời là như vậy cho nên tâm xả bỏ và siêu thoát sẽ không còn vương vấn, họ đi tái sanh ở cảnh giới cao hơn.

Ngài HT của chúng tôi Ngài có nhắc một câu chuyện nói về ý nghĩa cầu siêu như sau: Có một nhà thơ đi ngao du sơn thủy đến một ngôi làng ông dừng dưới một cội cây bên đường, cội cây có hai nhánh một bên là tổ chim quạ một bên là tổ chim tu hú. Truyền thuyết giống chim quạ là giống chim có hiếu, khi chim con được cha mẹ nuôi lớn lên nó chưa bỏ tổ, nó chỉ kiếm mồi về nuôi dưỡng cha mẹ già yếu ở trong tổ nó nuôi dưỡng hoài cho đến khi  chim cha chim mẹ già rồi chết  lúc đó nó mới bỏ tổ đi, đó là giống chim quạ có hiếu như vậy, giống chim tu hú ngược lại nghĩa là khi còn nhỏ được chim cha chim mẹ tha mồi về nuôi đến khi chim con lớn lên đủ lông đủ cánh trước khi nó muốn ra riêng nó phải đánh cha đánh mẹ hễ nó thua thì nó còn tiếp tục ở lại trong tổ của cha mẹ nuôi tiếp còn khi nó thắng rồi thì lúc bấy giờ nó được phép ra riêng tức là nó đi kiếm ăn một mình lúc đó xem như nó đủ sức mạnh để sống tự lập. Điều này theo nhân gian người ta gọi là bất hiếu. 

Ông nhà thơ này thấy vậy ứng khẩu thành thơ: 

Lộ phùng nhất mộc sinh lưỡng nhi
Nhất nhi hoan hỉ nhất ưu bi  
Hiếu thuận hoàn sinh hiếu thuận tử

Ông làm tới đây thì bí đến câu thứ tư trì không ra để cho nó ăn vần và đúng nghĩa, ông đi tới đi lui ông ngâm nga 3 câu đó hoài tư tưởng bị bế tắt ông uất ức rồi chết sanh làm ma cứ ở luẩn quẩn ở cột cây, dân làng sáng chiều nhất là trời tối có việc phải đi qua đường vắng người ngang qua cội cây nghe tiếng ngâm thơ chỉ ngâm 3 câu đó họ sợ quá làm miếu thờ. Một dạo nọ một vị quan mới đổi về nhậm chức ở huyện, vị quan đi kinh lý để thăm dò nhân tình tại địa phương này sinh sống như thế nào tập tục văn hóa như thế nào để ông  biết mà trị dân. Khi ông đi ngang con đường thấy dưới cội cây có miếu thờ ông hỏi các vị bô lão trong làng tại sao ở đây có cái miếu thờ thì các vị bô lão trong làng tường thuật cho ông quan nghe, ông quan khởi lên suy nghĩ:

- "Như vậy, nhà thơ này không có siêu thoát được vì uất ức vì một câu tìm không ra"

Ông quan nhân sự tùng sự kêu dân làng lập đàn tràng, lúc đó ông ta cũng thắp hương cúng vái rồi ông ta đặt bút xuống và khấn vái :

- "Ngài sống khôn thác linh ngày hôm nay hạ quan đến đây được biết sự việc hạ quan sẻ giúp cho Ngài được mãn nguyện, hạ quan sẽ làm tiếp câu thứ tư."

Ông ta chỉ phê bút viết xong ba câu kia ông viết tiếp:

- Ngỗ nghịch hoàn sanh ngỗ nghịch nhi

Rồi ông ta bắt đầu đọc bài văn tế đó: 

- Lộ phùng nhất mộc sinh lưỡng nhi
Nhất nhi hoan hỉ nhất ưu bi  
Hiếu thuận hoàn sinh hiếu thuận tử
Ngỗ nghịch hoàn sanh ngỗ nghịch nhi

Bốn câu đó tròn như cái thúng, bốn câu thất ngôn tứ tuyệt có nghĩa là:

"Lộ phùng nhất mộc sinh lưỡng nhi" đi giữa đường gặp một cây chia thành hai nhánh một bên thì hoan hỉ một bên thì sầu bi, giống hiếu thuận thì sanh con hiếu thuận, giống ngỗ nghịch  thì sanh con cũng ngỗ nghịch, chỉ cho giống chim tu hú nghĩa là lớn lên đánh cha mẹ thắng rồi thì mới bay đi tự lập mà hễ thua thì cha mẹ phải nuôi, đó gọi là giống ngỗ nghịch.

Ông ta làm xong bài văn tế và ông ta phụ hoạ thêm câu thứ tư để tròn đủ  vần thơ xong ông đốt tờ văn điếu đó, từ đó về sau người ta không còn nghe tiếng ngâm thơ vào buổi chiều tối dân làng không còn sợ, lúc đó dân làng nghĩ chắc nhà thơ này đã siêu thoát nên họ tháo gỡ cái miếu ở dọc đường không thờ nữa, bởi vì thờ cái miếu đi ngang cũng lạnh xương sống.

Ở đây, chúng  tôi nhắc lại để qúi vị hiểu ý nghĩa của cầu siêu là không phải chúng ta cầu ai hết nhưng mà giúp cho người khác siêu thoát. 

Giúp bằng cách nào? 

Nghĩa là, khi người chết với tâm uất ức chẳng hạn bị người ta thù giết chết rồi sanh làm atula ma quỉ để hù nhát dân làng v.v... lúc bấy giờ các vị tỳ kheo rải tâm từ đến loài phi nhân đó và đọc lên những Phật ngôn Đức Phật Ngài đã thuyết về sự đời là vô thường, là giả tạm, là khổ đau sầu muộn, là vô ngã rỗng không, có thân đây bị già bị chết lẽ thường tình v.v... đọc những câu Phật ngôn đó để cho họ nghe họ hiểu và khi họ thâm nhập được Pháp, hiểu được Pháp, liễu tri được Pháp thì họ sẽ từ bỏ sự hận thù hay từ bỏ sự vấn vương con cái tài sản để siêu thoát đi vào cảnh giới khác. Ý nghĩa cầu siêu là như vậy.

 Có một gia đình Phật tử trai tăng rất lâu năm, thông lệ mỗi lần trai tăng chúng tôi nhắc Pháp, không lẽ cứ cứ tán thán về sự bố thí cúng dường hoài,  lâu lâu chúng tôi cũng nghe lời tác bạch của họ: "rằng thân giả tạm chúng con hiểu được chết cũng bỏ đi tất cả chỉ có phước báu là chỗ nương tựa trong ngày vị lai" v.v... họ tác bạch nghe hay, chúng tôi sách tấn khích lệ  nên nói về sự đời cái thân giả tạm bệnh chết vô thường phải cố gắng làm phước, rồi chúng tôi có giải thích cho họ nghe ý nghĩa Chư Tăng sẽ tụng kinh không phải chúc là sự sống lâu, sắc đẹp, an vui, sức mạnh, sẽ tấn tài  tấn hoá, sự sang cả đến cho người v.v.... nếu mà chúc tụng như vậy sáo ngữ quá do đó chúng tôi sẽ báo trước cho họ là hôm nay Chư Tăng sẽ tụng những bài kinh để nghe và quán tưởng sự đời. 

Chẳng hạn như: Bài kinh SAMVEJANĪYA GĀTHĀ - CÁC KỆ ĐỘNG TÂM. Đoạn như sau:

- "Sabbe sattā marisanti,
Maraṇantaṃ hi jīvitaṃ,
Yathākammaṃ gamissanti,
Puññapāpabhalūpagā,
Nirayaṃ pāpakammantā,
Puññakammā ca sugatiṃ,
Tasmā kareyya kalyāṇaṃ,
Nicayaṃ samparāyikaṃ,
Puññāni paralokasmiṃ,
Pattiṭṭhā honti pāṇiṇaṃ.- 

Tất cả chúng sanh sẽ phải chết vì mạng sống này có sự chết kết thúc, chúng sanh sẽ ra đi tùy theo nghiệp, chúng sanh nào làm thiện thì được sanh về nhàn cảnh và chúng sanh nào làm việc bất thiện thì bị sanh xuống địa ngục, cho nên người trí phải nhanh chóng làm các việc phước làm chỗ hậu cứ nương tựa cho ngày vị lai" v.v.... 

Thật ra bài kinh đó là một trong những bài kinh cầu siêu. 

Bài kinh "Paticca-samuppada" - vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên sắc cũng là bài kinh cầu siêu.

Hoặc trong bài kinh SAMVEJANĪYA GĀTHĀ - CÁC KỆ ĐỘNG TÂM  tụng đoạn

 Na gāmadhammo nigamassa dhammo,
Na cāpiyaṃ ekakulassa dhammo,
Sabbassa lokassa sadevakassa, 
Eseva dhammo yadidaṃ aniccatā

Pháp vô thường nó là định luật chung chứ không phải để riêng cho một người hay một gia tộc hay một xóm làng nào hết mà chung cho nhân loại cho Chư Thiên, Phạm Thiên luôn ai cũng bị pháp vô thường chi phối. 

Tụng  những bài kinh đó các thí chủ Phật tử có tâm hành thiện hiểu được  ý nghĩa nên rất hoan hỉ. Nhưng với các Phật tử khác không hiểu thì chúng tôi rất dè dặt. Khi chúng tôi đến các đám ma cũng chỉ tụng Anicca vata sankhara - các hành là vô thường là pháp sanh diệt v.v... mà bây giờ tới ngày họ trai tăng mà chúng tôi cũng tụng Anicca vata sankhara - các hành là vô thường là pháp sanh diệt họ không hiểu thì họ sanh phiền não họ tưởng đâu mình trù cho họ chết cho nên trong trường hợp chúng tôi cũng tùy người để chúng tôi tụng kinh.

 Chúng tôi nhắc lại, trong Phật giáo không cầu ai để siêu thoát cho ai được,  mà chúng sanh siêu hay đọa là do tùy theo nghiệp của mỗi chúng sanh và chuyện đau khổ hay hạnh phúc ở trong cuộc đời tùy theo nghiệp mà chúng sanh đó đã làm thiện hoặc ác. Cho nên ở đây vấn đề ý nghĩa của cầu siêu thì chúng tôi nói là "nhập gia tùy tục, đáo xứ tùy dân" tại vì sống ở quốc độ này dân chúng họ quen dùng từ cầu an cầu siêu họ thỉnh thì Chư Tăng phải làm phải tụng kinh an lành là kinh Maṅgalasutta, tụng kinh cầu siêu là kinh Saṃvejanīyagāthā chỉ vậy thôi./.