Monday, November 9, 2015

Vô Thường, Khổ, Vô ngã sự thật luôn là vậy

Vô Thường, Khổ, Vô ngã sự thật luôn là vậy

TT Giác Ðẳng trong room Phật Pháp Buddhadhamma ngày 17-03-2010, Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng:Trong một bài pháp thoại ngắn chúng ta có thể cùng nhau nhìn vào một vấn đề mà chúng tôi thấy rằng nếu chúng ta phân tích cho kỹ thì có liên hệ đến nhiều khía cạnh hết sức trọng yếu đến đạo của người Phật tử và nói chung là tất cả những người theo những tín ngưỡng đạo giáo.

Trước nhất là chúng ta vẫn thường thấy ở trong các hệ thống tôn giáo nói đến vị Thượng Đế. Người ta thường nghĩ rằng Thượng Đế là vị sáng tạo chủ, là người tạo ra thế giới này. Và những vị giáo chủ tôn giáo ra đời mà tạo ra một nền đạo lớn như là Ki Tô giáo hay là Hồi giáo thì người ta tin rằng những vị đó là những vị mang phúc âm, mang thông điệp của Thượng Đế đến loài người. Và nếu con người phụng thờ vinh danh Thượng Đế thì Thượng Đế sẽ tạo ra những điều tốt lành cho con người và không tạo ra những điều bất hạnh cho thế gian này. Do đó việc tạo tác của Thượng Đế từ lời cầu nguyện của các tín đồ các tôn giáo nó trở thành một nguyên lý căn bản một tính lý nền tảng của tất cả các tôn giáo, đặc biệt là trong hệ thống thần ngã, cho dù là đa thần hay nhất thần, thì người ta vẫn nghĩ rằng bằng lời cầu nguyện con người sẽ làm cảm động Thượng Đế và khi Thượng Đế cảm động thì sẽ tạo ra những điều mà con người mong mỏi và không tạo ra những điều làm con người sợ hãi.

Điều đó nếu chúng ta thấy kỹ và có suy nghiệm về giáo pháp của Đức Phật thì rõ ràng là giáo pháp của Đức Phật được đặt trên một cơ sở hoàn toàn khác. Ở trong Phật ngôn hôm nay, chúng ta thấy rằng không riêng Đức Phật mà tất cả Chư Phật tức là tất cả những bậc Chánh Đẳng Chánh Giác đã ra đời trong quá khứ, hiện tại, và tương lai, các Ngài đều là những bậc giác ngộ, giác ngộ sự thật, tuyên thuyết sự thật, tức là khi các Ngài tuyên thuyết những gì mà các Ngài thấy, biết, giác ngộ, thì chúng sanh đi theo con đường mà các Ngài hướng dẫn để khám phá ra sự thật. Vì vậy Chư Phật không phải là vị tạo ra thế gian này và những chân lý đó không phải là sản phẩm dồi nặn bởi Chư Phật. Thay vào đó thì chân lý là điều mà được Chư Phật đại ngộ, và các Ngài giảng giải những gì gọi là hữu ích cho thế gian. Chúng ta phải dựa lên trên nền tảng này để hiểu tại sao Đức Thế Tôn có nhiều lần khẳng định rằng:

"Các con phải tự nỗ lực, các đấng Như Lai chỉ là bậc đạo sư tức là bậc thầy dạy."

Và khi chúng ta hiểu được cái vị thế này thì chúng ta hiểu rằng những gì Đức Phật Ngài làm cho thế gian này thì Đức Thế Tôn đã làm, phần còn lại là những gì chúng ta cần phải làm, thì chúng ta nên biết rõ hơn là chỉ ngồi đó mà cầu mong rằng Đức Phật sẽ mang lại pháp nhãn, sẽ mang lại tuệ giác, sẽ mang lại đạo quả cho mình.

Đề tài này thì không phải chỉ đơn giản như vậy. Ở đây thì chúng tôi xin được nói đến ba phần của pháp thoại này:

1) Phần thứ nhất: Chúng ta thử dành một ít thì giờ để chiêm nghiệm về Vô thường, Khổ não, Vô ngã là những chân lý mà Đức Phật Ngài đã khẳng định rằng dầu Chư Phật có ra đời hay không thì những sự thật đó vẫn là một thực hữu, vẫn là một sự tồn tại không thể khác hơn ở trong thế gian này.

2) Ở trong điểm thứ hai: Chúng ta thử thẩm định lại xem trong kho tàng kinh điển của đạo Phật thì phần nào là phần mà Đức Phật Ngài tuyên thuyết về sự thật, phần nào là phần do Đức Phật Ngài chế định. Chế định ở đây tức là Đức Phật Ngài là vị đã đưa ra những gì có tánh cách là thi thiết, có tánh cách là giai đoạn, tùy theo mỗi vị Phật, tùy theo mỗi văn hóa, tùy theo mỗi quốc độ, tùy theo căn cơ chúng sanh.

3) Sau cùng thì chúng ta thử bàn về một điểm là ở trong kinh điển Phật Giáo Bắc Truyền hãy dùng chữ phương tiện "paya". Phương tiện nghĩa là cái gì giả mà tạm gọi là bày ra, và những gì phương tiện chỉ mục đích dẫn đến cứu cánh. Thật sự ở một phương diện nào đó Phật Giáo Đại Thừa cũng có cách này cách khác hao hao giống như câu nói mà chúng ta hay nói là "cứu cánh biện minh cho phương tiện." Thì chúng ta thử thẩm định giữa những pháp môn tu tập cái nào khế hợp với sự thật và cái nào mang tánh cách phương tiện mà hiển bày.

Bây giờ chúng ta đi vào phần đầu tiên. Ở đây chúng ta khoan nói đến cả một hệ thống kinh điển rộng lớn tức là Tam Tạng kinh điển là Kinh, Luật, Vi Diệu Pháp, chúng ta không nói đến những pháp trợ đạo như Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, Tứ Niệm Xứ v.v... chúng ta cũng không nói đến một hệ thống kinh điển như là một kho tàng rộng lớn mà chúng ta đặc biệt tập chú và ba pháp là Vô thường, Khổ, Vô ngã, và vì đó là điểm chính mà Đức Phật Ngài đề cập trong bài kinh này, từ chỗ đó thì chúng ta sẽ bước sang phần hai và phần ba.

Vô thường là gì?

Vô thường nghĩa là cái gì không đứng lại một chỗ. Chúng tôi lấy một ví dụ là chúng ta xem một cuốn phim hay, hoặc thỉnh thoảng đọc những quyển chuyện hay. Ví dụ như đã có một thời trẻ chúng tôi rất thích những tác phẩm của Kim Dung, tác phẩm đó là những tác phẩm dài đã tạo nên những nhân vật có cá tính độc đáo, những nhân vật đó chúng ta có thể tìm thấy được cả một bức tranh sống động về con người, và chúng ta có thể gọi là những đại tác phẩm. Chúng tôi không nói rằng ở trên thế giới này không có những tác phẩm tương tự, thật ra Đông cũng như Tây có những tác phẩm vĩ đại ví dụ như Chiến Tranh và Hoà Bình của Lev Nikolayevich Tolstoy chẳng hạn. Nhưng riêng về tác phẩm của Kim Dung thì thật sự đã làm say mê bao nhiêu người là tại vì chúng ta thấy được có rất nhiều nhân vật, rất nhiều tình tiết, về sau này những tác phẩm này được chuyển thành phim ảnh, những cuốn phim dài mà chúng ta gọi là phim bộ, có những bộ 4, 5 chục tập có khi 5, 6 chục tập.

Khi coi những cuốn phim này thì chúng ta thấy rằng tình tiết luôn luôn diễn tiến, nghĩa là nó đi tới, giả sử như chúng ta thích câu chuyện Thần Điêu Hiệp Lữ. Thì chúng ta có thể bắt đầu bằng câu chuyện Dương Quá hồi còn nhỏ đã sống như thế nào, rồi gặp Quách Tỉnh Hoàng Dung ra sao, rồi được gởi lên phái Toàn Chân Giáo học đạo như thế nào, rồi qua bên cổ mộ gặp Tiểu Long Nữ ra sao. Rồi nó không dừng lại tại đó. Có những cảnh rất là thơ mộng nhưng mà cái thơ mộng đó nó phải đi tới. Tại vì nó là chuyện, nó là phim. Nó đi tới rồi cho dù đoạn đó hay hay đoạn đó dở thì nó cũng phải đi tới. Rồi chia tay với Tiểu Long Nữ một lúc, rồi cũng lưu lạc giang hồ, rồi cũng gặp bao nhiêu là tang thương bao nhiêu là nghịch cảnh, bao nhiêu là dâu bể đổi thay, rồi cuối cùng cũng trở về gặp Tiểu Long Nữ sau 16 năm trường xa cách.

Thì chúng ta thấy câu chuyện đó nó có tánh cách đi tới. Nhưng đặc điểm của câu chuyện đó là dầu nó hay nó hấp dẫn thế nào đi nữa, nó không đứng lại một chỗ, và nó không dừng lại một chỗ, mà nó cứ đi tới, mà hễ nó đi tới thì nó có thể đi tới hoài được. Đâu có cái gì mà đi tới hoài, rồi cuối cùng nó cũng phải kết thúc. Thì chúng ta thấy rằng sau 16 năm hội ngộ gặp lại nhau, rồi Dương Quá rồi Tiểu Long Nữ về lại thành Tương Dương tạo ra chiến công hiển hách, rồi chia tay với Quách Tường v.v...và v.v... Thì bây giờ nó lại đến một hồi phải kết thúc. Nhiều khi câu chuyện hay quá và chúng ta cảm thấy tiếc nuối rằng tại sao nó lại kết thúc, phải chi nó còn thêm nữa. Về sau này chúng tôi có nhận thấy một điều có lẽ là vì nhiều người bắt mạch được tâm trạng đó nên chi người ta đã viết ra những bộ cũng mượn danh Kim Dung thí dụ như Hậu Thần Điêu Hiệp Lữ, hay Hậu Cô Gái Đồ Long chẳng hạn, tức là viết thêm và những tác phẩm đó thường không có hay, đúng ra thì nó mất đi những lạc thú ban đầu của một người từ thưở hàn vi hay là từ thời long đong lận đận cho đến khi thành danh thành tài, cho đến khi tạo ra được những điều hiển hách cho cuộc đời. Đúng ra trong nền văn hóa Trung Hoa họ có thành ngữ gọi là "công thành thân thối" tức là trong thời kỳ khởi dựng sự nghiệp lập giang sơn thì có bao nhiêu điều hiển hách, nhưng đến khi mọi thứ đã xong suôi rồi, tạo nên đại nghiệp rồi, thì một người làm tướng nên biết rút lui, vì ở lại thì có nhiều phiền phức. Thì những cuộc kết thúc đó thường tạo cho chúng ta nhiều tiếc nuối. Nhưng mà nó không thể không kết thúc được.

Nhưng vấn đề tại đây của chúng ta nhìn vào vấn đề đó là tất cả những cái hay cái đẹp cái hấp dẫn của thế gian này luôn luôn đi theo đà gọi là diễn tiến hay là biến chuyển. Đúng như chữ mà người Trung Hoa có chữ là "dịch", "dịch" có nghĩa là thay đổi, có nghĩa là biến hóa, nó không nằm yên được, nó bằng cách này hay bằng cách khác, âm dương tướng tượng sanh ra bát quái, bát quái sanh ra bao nhiêu quẻ, rồi chúng ta mới thấy rằng cuộc sống nó là sự kết hợp nó không nằm yên và cái không nằm yên một chỗ đạo Phật gọi là "Vô Thường."

Cái vấn đề của "Vô Thường" là nằm ở chỗ nào? Vấn đề của Vô Thường là tâm tư của chúng ta thì muốn mọi thứ những gì mà tốt nhất đẹp nhất thì nó nằm yên một chỗ. Chúng tôi lấy ví dụ là không có cái gì nói rõ nên điều này như kỹ thuật chụp hình ngày nay. Ngày xưa trong những chuyến đi xa chúng tôi thấy trong 10 người đi thì có 2, 3 người mang máy chụp hình theo mà thôi, lý do là phim lúc đó rất đắc, rửa ra hình cũng rất là đắc tiền và những người nào ưa thích chụp ảnh lắm mới chụp, còn bây giờ thì hầu như 10 người thì hết 9 người là có máy chụp hình tại vì máy chụp hình bây giờ là digital, và khi chụp hình thì chúng ta thường chụp lại những giây phút đẹp nhất, ngay cả khuôn mặt bình thường không đẹp nhưng có nhiều người ăn ảnh thì đứng lại chụp một tấm hình ở trong một cảnh rất là đẹp, trong một giây phút rất đáng nhớ. Những tấm ảnh đó lâu lâu chúng ta muốn coi lại, chúng ta muốn thời gian như đóng khung. Thời gian như đóng khung chúng ta tạm gọi như trong khoa học "time capsule". Time capsule là chúng ta thu góp những dữ kiện nào đó của một thời đại nào đó gom lại gìn giữ, giữ nguyên không cho nó thay đổi để 1000 năm sau những người đời sau họ khai quật lên họ biết rằng là thời đó có như vậy xảy ra. Chúng ta nhiều khi muốn thời gian được đông lạnh nghĩa là nó ở một sự trạng nào đó nguyên vẹn, như là một tấm hình rất đẹp.

Kỳ rồi chúng tôi đi Thái Lan gặp thân mẫu khi ra phi trường, bà cụ ngồi trên xe lăn, mấy anh em huynh đệ chúng tôi như TT Tuệ Siêu, chúng tôi, sư Pháp Nhiên và vài Phật tử đứng chụp một tấm hình. Chúng tôi về rất thích tấm hình đó tại vì bà cụ ngồi trên xe khuôn mặt rất tươi tắn và mấy anh em đứng chung quanh. Khi nhìn tấm hình thì chúng tôi nghĩ đến chuyện sẽ rửa tấm hình đó để trên bàn để mỗi lần nhớ về bà cụ hay nhớ mấy huynh đệ thì nhìn, tấm hình rất đẹp. Nhưng chúng tôi cũng hiểu rằng đó là những giây phút rất ngắn ngủi, ngắn ngủi như chúng ta đưa máy chụp hình lên bấm một cái thì ngay lúc đó tấm ảnh đó giữ lại. Và chúng ta nói cuộc đời nó là như vậy. Nhưng thật sự cuộc đời không phải là như vậy. Tấm ảnh mà chúng ta thấy được chúng ta đem vào lòng nó chỉ là một phút giây ngắn ngủi, cái phút giây đó là gì? phút giây đó là hình ảnh mà chúng ta cố gắng giữ lại về cuộc sống này và chúng ta quên đi những thứ khác.

Khi xem một cuốn phim thì chúng ta có thể cho một phần nào đó đứng lại giây phút mà chúng ta thích nhất, ở cái nét mặt nào thích nhất, ở một bối cảnh nào mình thích nhất. Nhưng cuộc sống của chúng ta không thể nào làm cho nó đứng lại, chúng ta không có một phép nhiệm màu làm đông lạnh thời gian khiến cho thời gian không thay đổi, tại vì cuộc sống là hằng chuyển, cuộc sống là luôn luôn biến dạng, biến thể, biến dịch, cuộc sống là luôn luôn đi tới, và hễ nó đi tới thì đại khái là chúng ta thấy mọi sự là nó có bắt đầu, rồi nó có diễn tiến, và nó kết thúc.

Đức Phật nói cái pháp nó tập khởi như vậy rồi nó diệt tận như vậy. Giây phút rất vui vẻ mà nó đến với cuộc sống chúng ta là nó do lý do này lý do khác, rồi nó tập khởi tức là nó bắt đầu, rồi nó tồn tại trong khoảng khắc nào đó, nhưng rồi nó cũng kết thúc, nó không thể đứng lại được. Đó là định luật của Vô thường. Thì nếu chúng ta nghiệm cho kỹ về cuộc sống vô thường thì chúng ta sẽ hiểu một điều là như vầy, tất cả những sự việc ở chung quanh mình hằng ngày từ gia đình quyến thuộc bạn bè chùa chiền, đến nỗi mà hệ thống chính trị kinh tế, đến cả thế giới này, cả cái hành tinh chúng ta ở, tất cả thế giới này nó luôn luôn hiện hữu ở trong một trạng thái nào đó và nó tiếp tục. Có thể chúng ta thấy là mình sanh ra thì núi Thất Sơn vẫn có đó, dãy Hi Mã Lạp Sơn vẫn có đó, biển Thái Bình Dương vẫn có đó, bây giờ tất cả vẫn như vậy. Không phải. Có thể rằng là sự có mặt của chúng ta trong cuộc sống này quá ngắn ngủi, mà có thể rằng chúng ta không đủ sự tinh tế để cảm nhận rằng những thứ đó có thay đổi. Những thứ đó thay đổi và chúng ta cũng thay đổi. Thế giới bên ngoài cũng thay đổi, thế giới trong lòng chúng ta vẫn thay đổi, chúng ta không nhận ra được điều này, chúng ta luôn luôn đi tìm một cái gì đó gọi là an lạc, đi tìm một cái gì đó đứng lại, đi tìm một cái gì đó không thay đổi, chúng ta gọi là thế giới vĩnh hằng.

Chúng ta mơ ước nhiều về điều đó, chúng ta mơ ước gìn giữ điều đó giống như chúng ta xem một cuốn phim hay quá thì chúng ta luôn luôn mong mỏi được tiếp tục sống với những nhân vật, sống với những tình tiết, sống với cốt chuyện như vậy. Nhưng mà rồi có cuốn phim nào không đến hồi kết thúc, có câu chuyện nào không có tàn cuộc, và đến lúc cuối cùng rồi thì chúng ta cảm thấy tiếc nuối và những người làm ra những điều đó họ cho rằng sự tiếc nuối là sự thành công của những người sáng tác. Nhưng chúng ta tự hỏi trong lòng rằng đã có bao nhiêu thứ đến và đi trong cuộc đời của mình mà nó nằm lại một chỗ không thay đổi. Và khi mọi thứ thay đổi như vậy thường tạo cho chúng ta bao nhiêu là những bâng khuân, bao nhiêu là những ngán ngẩm, bao nhiêu là những buồn chán, bao nhiêu là bực bội, và đời sống của chúng ta mãi mãi đi tìm cái gì ổn khuất nhất.

Thời đại chúng ta đang sống có một chuyện rất chớ trêu là mình luôn luôn đi tìm cái gì tốt nhất trong cuộc đời này, chiếc xe mình lựa chọn cũng là chiếc xe tốt nhất, cái máy computer mình chọn cũng là cái máy computer tốt nhất, bộ đồ mình mua cũng là tốt nhất, cái máy mình sài cũng là tốt nhất. Nhưng mà cái nhất đó nó được bao lâu, có những cái nhất được một năm, có cái được sáu tháng, có cái được ba ngày, quần áo thì theo mùa, máy móc thì cũng có lúc cái này đến thì cái kia đi. Chúng ta luôn luôn đi tìm một sự dừng lại, đi tìm sự đứng lại, đi tìm một bức tranh được chụp ở một giai đoạn nào đó rất đẹp, chúng ta nói là tuyệt hảo nhất và mong rằng những thứ đó sẽ không thay đổi nhưng mà rồi mỗi thứ cũng thay đổi, cái thay đổi đó có nhiều lý do, nhưng chúng ta nói như vậy là người ta nói rằng hoặc là cảnh thay đổi hoặc là người thay đổi. Cụ Nguyễn Du đã từng viết một câu thơ từ chữ Hán được dịch ra là "Trước sau nào thấy bóng người, hoa đào năm cũ còn người đó đâu." Chúng ta nói "Đào hoa y cựu tiếu đông phong" mình đi về một nơi cảnh cũ tìm lại hình bóng của ngày xưa rồi ở đó hoa đào vẫn nở cảnh cũ vẫn còn đó mà người đã đi đâu. Thì cái đó chúng ta nói cảnh ở bên ngoài nhưng chúng ta cũng cần nói ở trong lòng của chúng ta thay đổi rất là nhiều.

Chúng tôi có nhiều lần trình bày với qúi Phật tử rằng: thật ra tuổi trẻ của chúng tôi có một điều rất êm đềm đó là quê ngoại, quê ngoại của chúng tôi có một con kinh đào và ở trong sân nhà ngoại thì đằng sau có một cái hố, ở trước mặt nhà thì có con kinh đào, và ở giữa có một khu vườn có một mảnh ruộng, và trong khu vườn đó được chia làm nhiều mảnh mà người miền nam gọi là cái líp, và giữa những cái líp này có những con mương những cái ao được đào. Những buổi trưa hè nắng ăn cơm xong thì chúng tôi thích đi xuồng dọc theo những cái líp tìm những trái ổi, những trái cam trái, trái chuối chín cây rất là thú vị. Sau đó chúng tôi rời quê ngoại để vào chùa tu rồi lên Sàigòn, nhiều năm sau trở về lại thì chúng tôi nghĩ rằng quê ngoại không thay đổi nhiều nhưng mà ở trong lòng mình thì thật sự thay đổi nhiều, có thể rằng bây giờ thấy con kinh nhỏ hơn, bây giờ thấy thế giới ngày xưa mình thấy rất êm đềm nó không êm đềm như vậy, có những buổi mình đi xuồng ở trên líp buổi trưa hè và xin cho cuộc sống dừng lại, nhưng bây giờ mình thấy cuộc sống đó buồn chán quá, nó đơn giản quá.

Thật ra vấn đề nó nằm ở chỗ này, vấn đề nằm ở chỗ là tâm và cảnh đều thay đổi hết, thế giới bên ngoài cũng thay đổi và thế giới trong lòng của chúng ta cũng thay đổi, và sự thay đổi đó nhiều khi chúng ta không để ý ở một điều là chúng ta có cưỡng cầu, có cố gắng nắm níu, và cái cố gắng nắm níu lại chúng ta có cố gắng sửa đổi thời gian lại giống như là khi mình coi phim, tại sao chúng ta thích coi phim, là tại vì chúng ta có thể quay ngược phim trở lại, có thể cho phim chạy qua đoạn khác, có thể làm cho nó đứng lại. Và chúng ta nghĩ rằng chúng ta cố ý nắm níu lại một hình ảnh nào đó như vậy nhưng tất cả đều thay đổi. Và vì vậy khi chúng ta nghiệm về lý Vô thường thì chúng ta phải hiểu rằng mỗi một tuổi mỗi một giai đoạn thì chúng ta nhìn cuộc đời khác đi và thế giới này nó cũng từ đó mà khác đi.

Ba mươi năm trước chúng tôi đặt chân đến Mỹ, nước Mỹ ngày đó và bây giờ khác nhau, và không phải đất nước Mỹ ngày đó và bây giờ khác nhau mà tâm tư của chúng tôi ngày đó là một người 17, 18 tuổi, đặt chân đến xứ lạ quê người nhìn thấy nước Mỹ như thế nào và hôm nay chúng tôi nhìn lại nó cũng khác nhau, cái sự thay đổi đó nó liên tục, nó liên tục bởi vậy Đức Phật Ngài dạy rằng:

"Một ở trong cái khôn ngoan nhất của chúng sanh trong cuộc đời này là thấy được tính tập khởi và tính đoạn diệt của các Pháp, tức là thấy được tính sanh và tính diệt của các Pháp."

Và thậm chí Đức Phật khẳng định một điều rằng "Ai sống trăm năm mà không thấy được pháp sanh diệt thì không bằng sống một ngày mà thấy được pháp sanh diệt."

Tại vì sao? Tại vì chúng ta hiểu được những thứ đó thay đổi rất nhiều và nếu chúng ta hiểu được mọi thứ thay đổi thì thái độ sống của chúng ta cái vui cái buồn cái sự chấp nhất của chúng ta sẽ khác đi hơn là chúng ta khư khư nghĩ "à! nó muôn năm phải như vậy và lúc nào nó cũng phải như vậy."

Khổ não.

Một khía cạnh khác mà phần hai Đức Phật giảng trong Phật Ngôn này đó là Khổ não. Chữ khổ ở đây thật ra rất là khó dịch. Chữ khổ có ba hình thức:

Thứ nhất sự khổ là điều gì trái ý nghịch lòng. Chúng tôi lấy ví dụ như mình không thích ăn cay mà bây giờ ăn món cay quá, mình thích người ta khen mình mà bây giờ người ta chê mình, hoặc giả mình thích đi đến một nơi sạch sẽ lịch sự mà bây giờ người ta đưa đến một nơi dơ quá, và người ta bất nhã quá, thì gọi là trái ý nghịch lòng thì cái đó là cái khổ. Cái khổ nó đơn giản là trái ý nghịch lòng ai cũng hiểu hết.

Có một thứ khổ khác mà chúng ta có thể nói là nó gần với ý nghĩa của kinh điển hơn là sự khổ không toại nguyện hay là không thoả mãn. Nghĩa là ở trong cuộc sống này chúng ta muốn đi tìm một cái gì đó từ bộ quần áo mình mặc, từ cái máy mình sài, từ một người bạn đường mà mình muốn chia sẻ cuộc sống, và một kiểu sống, một cách sống nào đó gọi là lý tưởng 100% nhưng rồi chúng ta đi mãi mãi mà không tìm thấy. Cái gì cũng có tánh tương đối của nó. Ví dụ như một người sống ở VN khổ quá họ nói rằng qua Mỹ thì mới sung sướng, nhưng qua Mỹ rồi họ mới thấy là qua Mỹ cũng có cái được cái không được. Một người độc thân thì nghĩ là mình có gia đình cuộc sống mình sẽ tốt hơn, lập gia đình rồi mình hiểu là có cái được có cái không được. Rồi cuộc sống của chúng ta hồi không có chiếc xe thì mình thấy là có chiếc xe sẽ giải quyết được mọi vấn đề nhưng khi có chiếc xe rồi thì cũng có cái được cũng có cái không được. Cái bất toàn của đời sống nó khiến chúng ta không hoàn toàn thoả mãn, không hoàn toàn hài lòng về cuộc đời này, chính vì vậy mà mỗi chúng ta luôn luôn sống ở sự trăn trở. Hồi còn trẻ thì có cái trăn trở của tuổi trẻ, lúc mình già có cái trăn trở của tuổi già, lúc mình nghèo thì có cái lao đao lận đận của người nghèo, lúc mình dư giả tiền bạc thì mình cũng có cái phải lo phải buồn phải lo lắng liệu toan của người có tiền. Nói chung cuộc sống là bất toàn và trong cuộc sống bất toàn đó thì nó luôn luôn dẫn chúng ta đến một tình trạng đó là không hài lòng, không mãn nguyện.

Nhưng cái không hài lòng mãn nguyện lớn nhất có lẽ nó đến từ chỗ này, từ chỗ vô thường, cái gì có sanh thì phải có diệt, do có sanh lên phải có diệt, do vậy trong tận cùng tâm thức của chúng ta luôn luôn có sự bất an, luôn luôn có sự hoài nghi. Bây giờ chúng ta nói một chuyện như vầy là có người nào đó lớn lên trong cuộc đời này bị phản bội trong tình yêu và từ đó về sau thì họ thù hận họ nghi ngờ tất cả những mối tình, thì chuyện đó dễ hiểu với chúng ta lắm. Nhưng bây giờ chúng ta tự hỏi rằng nếu trong cuộc đời của chúng ta không phải chỉ có một chuyện làm chúng ta thất vọng mà nó có hàng trăm hàng ngàn chuyện làm chúng ta thất vọng thì chúng ta có nghi ngờ cuộc sống không, chắc chắn là có, nhưng mà quả thật trong đời sống của chúng ta có hàng trăm ngàn thứ để chúng ta thất vọng, tại vì những điều mà chúng ta mơ ước, giống như Tô Đông Pha nói rằng: "Vị đáo sanh bình hàn bất tiếu, đáo đắc hoàn lai vô biệt sự, lô sơn yên toạ triết giang triều." Khi chưa đi đến thì mình thấy nó đẹp thấy mơ ướt đủ điều hết, nhưng đến rồi thì thấy nó cũng vậy thôi, và cái cũng vậy đó khi mình trở về thì mình thấy nó vẫn là nó nhưng trong tâm tư mình cái thái độ đã khác đi rồi.

Do vậy chúng ta phải nói rằng một trong ý nghĩa của sự khổ đó là bất toại nguyện hay nói một cách khác chữ dukkha. Chữ duk có nghĩa là rỗng không nghĩa là chúng ta không tìm thấy cái lõi của nó chúng ta không tìm thấy cái tuyệt đối của nó. Trong kinh ví dụ như là một củ hành hay một cây chuốt, chúng ta cứ lột ra từng lớp này rồi lớp nữa rồi lớp nữa rồi cuối cùng thì tất cả chỉ là những lớp mà nó bọc lại với nhau, chúng ta không tìm ra cái lõi.

Thì vấn đề của chữ khổ Đức Phật Ngài dạy đó là bất toại nguyện nghĩa là về đời sống này không bao giờ có sự thoả mãn hoàn toàn và điều đó là một điều chắc chắn khi Đức Phật dạy rằng:

"Này các tỳ kheo cái gì vô thường thì cái đó là khổ."

Tức là cái gì mà nó thay đổi diễn biến. Tại vì chính cái yếu tố vô thường đó nó khiến cho chúng ta không tìm thấy một sự an lành. Chính yếu tố vô thường đó nó không cho chúng ta một chỗ nương tựa vĩnh hằng. Chính sự vô thường đó nó là một sự đe dọa bất tường, luôn luôn lúc nào nó cũng nói với chúng ta rằng "à! cái đó nó có sanh rồi nó có diệt, nó có đến rồi nó có đi, cho dù đó là người thân của mình, cho dù đó là tài sản của mình, cho dù đó là gì gì đi nữa thì nó luôn luôn có đến và có đi. Và điều này đối với Đức Phật thật sự là quan trọng, thật sự là cần phải lưu ý, phải hiểu, và phải lãnh hội.

Vô Ngã

Bây giờ chúng ta nói sang đoạn thứ ba của bài kinh này Đức Phật nói về sự vô ngã.

Chữ vô ngã ở tại đây là một chữ mà chúng ta dễ dị ứng. Tại sao chúng ta dị ứng? Tại vì hầu hết tất cả những cái gì mà chúng ta cảm thấy là có ý nghĩa trong cuộc đời này nó đều liên quan đến ngã và ngã sở hết, "đây là tôi", "đây là của tôi." Một căn nhà có đẹp đến đâu, một cuộc sống có vui đến đâu, nhưng mà căn nhà đó và cuộc sống đó không phải là của mình thì nó không có ý nghĩa gì hết. Giống như qúi vị coi phim đọc chuyện mà thấy rằng có ai đó sống trong cảnh thần tiên như Lưu Nguyễn lạc thiên thai, hay chúng ta nói đời sống của một vị công chúa đẹp như câu chuyện thần thoại cổ tích, hoặc của ai đó, của các tài tử, nhà tỉ phú thì chúng ta không mảy may màng đến tại vì cái đó không phải của mình. Cái gì mà gọi là của mình thì mình mới cảm thấy có ý nghĩa. Cái gì mà gọi là của mình là mình thì mình mới cảm thấy rằng thật sự mình tha thiết.

Bây giờ vấn đề của chúng ta nằm ở chỗ nào? Cái gọi là của mình thì đối với Đức Phật rất là đơn giản để định nghĩa. Cái gì mà mình có thể muốn nó như thế này muốn nó như thế kia thì cái đó mới thật sự là của mình, nếu mình muốn nó như vậy mà nó làm như vậy thì mới thật sự là của mình. Ví dụ như bây giờ qúi vị có một người thân mà qúi vị muốn người thân đó chìu qúi vị, người thân đó lo cho qúi vị, chú ý đến qúi vị, mà người đó đáp ứng thì mới gọi là người thân. Còn nếu người đó họ không quan tâm gì đến qúi vị gì hết, qúi vị nói đông họ nói tây, qúi vị muốn cái này họ làm cái khác, thì như vậy không gọi là người thân được. Thành ra khi cái gì gọi là của mình thì nó phải đi với cái định lý là nó phải như thế này phải như thế kia, đừng như thế nọ thì nó mới là của mình

Nhưng theo trong kinh Phật thì một sự thật là có rất nhiều thứ mà chúng ta không để ý như ngay đến bản thân của mình, thân của chúng ta tâm của chúng ta, chúng ta muốn vậy mà nó không phải như vậy. Chúng ta khoan nói đến chuyện đất nước, khoan nói chuyện đến thế giới, khoan nói chuyện đến thời cuộc. Chúng ta nói về thân của chúng ta, tóc bạc trên đầu chúng ta biểu nó đừng bạc, không được, chúng ta già đi theo năm tháng, chúng ta không thể bảo nó đừng già, chúng ta nay bịnh mai đau biểu nó khỏe hoài cũng không được. Như vậy nếu qúi vị nghiệm cho kỹ thì cái thân nó vốn có tự tánh của nó và nó không làm theo ý mình, rồi mình cãi "à! thân vì nó là vật chất mình không làm chủ nhưng mình có thể làm chủ cái tâm." Nhưng một cách đơn giản thôi, Đức Phật Ngài dạy rằng một vị tỳ kheo một buổi sáng mà muốn an trú vào thứ tâm nào thì an trú vào được thứ tâm đó và làm sáng chói khu rừng. Nhưng nếu người trong chúng ta mà chúng ta có thể điều khiển tâm ý như mình muốn, ví dụ như lúc mình muốn tâm mình yên, thanh thản đi ngủ thì nó lại chăn trở, nó lại thức muốn làm cái này làm cái kia, và những lúc chúng ta muốn làm nó hưng phấn muốn nó phấn khởi muốn nó phấn chấn thì nó lại thụ động nó lại buồn ngủ. Cái vui cái buồn của chúng ta cũng vậy. Một vị thi sĩ cũng phải than là "hôm nay trời lại lên cao tôi buồn chẳng biết vì sao tôi buồn" Cái buồn của mình mình cũng không biết nữa, mà cái vui của mình mình cũng không làm chủ nó. Cái vui mình muốn giữ nó hoài cũng không được, mà cái buồn mình muốn xua đuổi nó đi nó cũng không đi.

Do vậy thế giới của chúng ta quả ra nếu chúng ta sống mà nhớ điều nên nhớ đáng nhớ thì thật ra chúng ta hạnh phúc lắm, tại vì trong cuộc đời chúng ta có nhiều kỷ niệm đẹp. Nhưng điều oái ăm là những người đã rất tốt với chúng ta, những kỷ niệm rất đẹp của chúng ta, những cảnh đẹp mà chúng ta đã đi qua thì chúng ta lại không nhớ nhiều, mà chúng ta nhớ đến ân oán, chúng ta nhớ đến cái xấu cái quấy, chúng ta nhớ đến những điều trái ý nghịch lòng, và có nhiều cái nhớ của quá khứ làm cho chúng ta bực bội làm cho chúng ta gây gỗ làm cho chúng ta khó chịu, và chúng ta không thể nào làm chủ được cái nhớ của chúng ta hoàn toàn.

Bây giờ chúng ta nói đến cái thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, thị giác, thính giác, khứu giác, xúc giác, vị giác, rồi ý thức. Chúng ta nói nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý, hay là thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, suy nghĩ. Thì qúi vị thấy rằng cũng không phải lúc nào mình cũng có thể chủ động được những cái mình thấy được, những điều gì mà mình nên thấy, muốn thấy. Có những điều nghe thấy mà đau đớn lòng như cụ Nguyễn Du nói thì chúng ta vẫn thấy chúng ta không thể xua đuổi đi được. Thế giới ở bên ngoài hầu như là nó đi vào trong đời sống của chúng ta, nó như là một cái chợ, một cái chợ là mình không biết ai là người sẽ vào, người ta sẽ bán cái gì và phiên chợ buổi đó ra sao, chúng ta chỉ biết là chúng ta đang có cái chợ thôi. Đời sống tâm tư của chúng ta cũng vậy, bao nhiêu là những cảnh buồn vui thương ghét trái ý nghịch lòng nó len lỏi đi vào đời sống của chúng ta, chúng ta không thể xua đuổi nó đi được, chúng ta không thể quẳnh mặt làm ngơ với nó được, chúng ta phải chấp nhận nó là một thực tại.

Và do vậy nếu chúng ta nghiệm cho kỹ và nếu chúng ta nói một cách thành thật thì dù là sắc, dù là thọ, dù là tưởng, dù là hành, dù là thức, đi nữa thì tất cả những thứ đó nó không thể làm theo một điều mà theo Đức Phật dạy rằng: nếu những thứ đó thật sự là của ta thì ta có thể nói rằng: nó như thế này và đừng như thế kia." Nhưng không phải là bởi vì nó là "Vô Ngã" nên mình không thể nói nó theo ý của mình được. Và hơn thế nữa thì có một thứ mà hầu như trong người của chúng ta ai cũng mơ ước hết: đó là mọi thứ đều xuôi theo ý của mình. Do vậy chúng ta mới có từ "trái ý nghịch lòng." Cái gì theo ý mình ví dụ như ngày hôm đó chúng ta làm việc gì đó mà mọi người đều nhanh nhẩu mọi người đều thiện cảm đều làm theo đúng thời khóa biểu mọi thứ như mình muốn thì mình rất là hoan hỉ. Ví dụ như hôm nay chúng ta vào trong rơom rồi có mặt đông đủ các vị giảng sư, rồi các Phật tử trong ban điều hành làm việc nhanh nhẩu chương trình tốt đẹp, paltalk không có vấn đề thì nó quá lý tưởng cho một buổi sinh hoạt. Nhưng nhiều khi nó không theo ý mình được tại vì chúng ta không quyết định được tất cả.

Một cái hoa nhiều khi đặt đúng chỗ thì nó đẹp, còn đặt không đúng chỗ thì không đẹp. Chúng tôi nhớ kỳ rồi sang bên Bangkok, và buổi chiều cuối cùng HT Huyền Việt muốn đi trên sông Chao Phraya, chúng tôi đã thuê thuyền để đi từ Watt That Kon đi đến Watt Paknam, rồi không hiểu vì sao người ta lại đưa vào một đoạn kinh đập sâu ở trong làng người ta ở. Thì thật sự lúc đó chúng tôi đã tìm thấy được hình ảnh cuộc sống của sông ngòi tức là cuộc sống rất gần gủi với đời sống nông thôn ngày xưa ở miền Nam VN, có nghĩa là ở giữa là những con kinh rạch hai bên là nhà là vườn, và trên đường đi thấy nhiều hoa như là hoa quỳnh anh, hoa hoàng yến, hoa bằng lăng, màu vàng màu tím đủ thứ hoa nở rộ. Chúng tôi tìm thấy cái gì rất thân quen rất đẹp. Chúng tôi đã nói với HT Huyền Việt là cuộc sống của chúng ta mà thỉnh thoảng được đi trở về miền quê tìm thấy hình ảnh của thiên nhiên rất là gần gủi với thời thơ ấu thì thật là một điều tuyệt vời. Thì HT Huyền Việt cũng nói: "mình muốn như vậy nhưng lớn lên cuộc đời trôi dạt thì có trăm muôn ngàn thứ mà nó không theo ý của mình được."

Thì lúc đó chúng tôi chợt nhớ một điều rằng những giây phút như vậy thật sự rất là hạn hữu. Là vì ý muốn của mình không quyết định tất cả, không có gì quyết định tất cả trong cuộc đời này mà nó phải là sự kết hợp của nhiều thứ. Chúng tôi lấy ví dụ là những đóa hoa hoàng yến nở đẹp thì ít nhất là chúng ta thấy nó đẹp là nó cũng phải có một cái cảnh nào đó ở trong cái không khí nào đó và ở trong thời điểm nào đó thì chúng ta mới thấy nó đẹp. Còn bình thường chúng ta thấy nó thường lắm mặc dầu có những thành phố như Chiang Mai chúng ta về thấy những đóa hoa hoàng yến nở rực rỡ màu vàng thả xuống dọc hai bên đường nhưng mà chúng tôi tin rằng những người ở đó nhiều khi họ không cảm nhận như vậy. Thành ra cái mà chúng ta nghĩ là đẹp nó đòi hỏi như vầy: giống như người ta nói một bữa ăn mà thức ăn ngon, rồi phải có người ăn ngon, rồi cách ăn nữa, và phải có lúc chúng ta cảm thấy ăn ngon thì nó mới ngon được. Do nhiều yếu tố kết hợp, do đó không có một yếu tố nào riêng lẻ độc quyền, và do không có một yếu tố riêng lẻ độc quyền do vậy mọi vật là "Vô Ngã."

Chúng ta nhớ câu nói của Ngài A Xà Chí (Assaji) là "Vạn pháp do duyên mà sanh và cũng do duyên mà diệt." và Ngài Xá Lợi Phất nghe nói như vậy thì tỏ ngộ. Cái do duyên mà sanh do duyên mà diệt là thí dụ như chúng ta nhìn thấy một cảnh tượng đẹp là do một buổi sáng mặt trời lên không khí còn trong lành còn mát mẻ và chúng ta đang có thời gian rảnh rỗi mới cảm thấy được như vậy. Nhưng nếu trong trường hợp mà buổi sáng ra đi, rồi buổi trưa về trời nóng nực, hoặc giả là chúng ta đang bận rộn không có thời gian thanh thản nữa thì ngày đó giờ đó không đẹp nữa. Nó có nhiều yếu tố để quyết định và khi nhiều yếu tố đó nó đi qua rồi nó khác đi rồi, thì mọi sự việc nó phải khác đi. Các pháp do duyên mà sanh và cũng do duyên mà diệt. Những tập hợp của nhiều nhân duyên nó cho chúng ta rất nhiều nhưng mà rồi nó cũng lấy đi rất nhiều, chúng ta không thể không biết về điều này. Thành ra Đức Phật Ngài dạy rằng đó là yếu tính của vô ngã là do nhiều nhân nhiều duyên chứ không phải do một nhân một duyên, và cái ý muốn của chúng ta nó chỉ là một ở trong nhiều yếu tố mà thôi, và đừng nghĩ nó là tất cả.

Sau khi nói về ba chân lý vô thường, khổ vô ngã thì chúng ta nên nhìn lại và tự đặt câu hỏi rằng tại sao Đức Phật Ngài dạy rằng:

"Này các tỳ kheo, cho dù Chư Phật có ra đời hay không thì những sự thật là vô thường, khổ, vô ngã nó đều hiện hữu và đó là một tự tính mà cho dù Chư Phật có nói hay không nói thì nó vẫn có đó."

Tại vì sao ? Tại vì nó là những điều tự nhiên, phải như vậy, sự thật nó là như vậy. Đó là đề tài của chúng ta ngày hôm nay. Thì vấn đề là chúng ta có khám phá, có nhìn nhận, có chấp nhận nó mà chấp nhận một cách khôn ngoan, chấp nhận với tuệ giác hay không mà thôi. Chúng ta nên hiểu điều này và vì vậy con đường tu tập của người Phật tử không phải là cầu mong rằng Đức Phật Ngài sẽ ban một phép lạ để Ngài tạo cái gì cho chúng ta, hay hoặc giả là chúng ta sẽ được Đức Phật Ngài trao cho một quả vị gì đó. Mà con đường tu tập giác ngộ của người Phật tử là đi vào cánh cửa mà chúng ta gọi là giác ngộ, sau giác ngộ là giải thoát.

Giác ngộ là gì? Giác ngộ là lãnh hội, nhận thức và chấp nhận được sự thật. Chúng ta nói lãnh hội có nghĩa mình biết nó là như vậy, nhận thức là thấy nó như vậy và chấp nhận có nghĩa là; à, sự thật nó ra sao thì mình chấp nhận nó như vậy, nó như vậy là như vậy. Ví dụ như một đứa trẻ, con cháu nuôi trong nhà mình bực mình tại sao nó phá tại sao nó quậy nhưng rồi đến lúc nào đó mình nhận ra; à con nít thì nó phải chơi đùa như vậy, mình chấp nhận nó như vậy thì nó như vậy. Hay thành phố Houston vào mùa hè thấy nóng quá sinh bực bội thì lúc nào đó chúng ta chấp nhận; à, mùa hè nó là như vậy. Thì mình không bực bội nữa. Cái đó chúng ta gọi là chấp nhận, đời sống con người của chúng ta là lãnh hội, nhận thức và chấp nhận không phải là chuyện dễ. Đức Phật Ngài nói là thấy, biết, hiểu, và xác chứng là mình thấy nó như vậy, mình hiểu nó như vậy, mình xác chứng, mình chấp nhận nó như vậy, nó phải là như vậy. Cuộc đời ở đây là một thái độ sống mà thiệt ra là một sự khôn ngoan mà Đức Phật Ngài dạy cho chúng ta không phải là vì chúng ta có khả năng để mà gọt dũa để mà nhào nặn cho sự thật nó khác hơn sự thật mà trước nhất là chúng ta phải nhận là tự tánh sự vật nó là như vậy, nó như vậy thì nhận nó là như vậy, khi mình thấy nó là như vậy thì mình không có phiền lụy một cách vô ích, không tạo sự căng thẳng cho mình một cách vô ích. Qúi vị đã sống trong thành phố kẹt xe nhiều đừng để sự kẹt xe đó làm cho qúi vị bực bội, tại vì sự kẹt xe nó là một sự thật là một điều mà quí vị phải sống với qúi vị phải chấp nhận như vậy thôi. Ví dụ sống trong cộng đồng chúng ta than thở là cộng đồng người Việt thì hay chia rẽ hay đố kỵ, cộng đồng người Việt hay nói xấu nhau, chúng ta sống trong cộng đồng người Việt thì khi nào có ai chia rẽ hay có ai đố kỵ lời nói qua tiếng lại thì chúng ta nói; à, cộng đồng của chúng ta là như vậy, chúng ta chấp nhận như vậy, tại vì sự thật nó là như vậy.

Bây giờ chúng ta bước sang một điểm khác:

Có hai điểm chính mà chúng tôi nêu lên là chúng ta phải hiểu rằng ở trong giáo pháp của Đức Phật là điều nào là thi thiết?

Thì câu hỏi này có thể trả lời một cách đại khái nhưng mà phải học Phật lâu năm thì chúng ta mới thấy được điều này. Ví dụ như ở trong kinh điển Đức Phật những sự thật như là Duyên khởi về Tứ đế thì những sự thật đó nó vốn là những sự thật đời nào cũng vậy, Giáo lý nghiệp báo là đời nào cũng vậy thời nào cũng vậy, Chư Phật thấy như vậy, Chư Phật dạy như vậy, chúng ta gọi những pháp này giống như là trong những môn học nhà trường của chúng ta gọi là khoa học tự nhiên, hay là những điều mà tự nhiên, và những điều như trong Luật tạng , trong Giới bổn Patimokkha, Đức Phật Ngài dạy rằng tỳ kheo có bao nhiêu giới tỳ kheo ni có bao nhiêu giới v.v... thì điều đó mang tính là thi thiết hay mang tánh cách chế định, và sự chế định đó thì tùy theo mỗi một vị Phật. Ví dụ như có vị Phật ra đời thì các Ngài đặt ra luật định, có những vị Phật ra đời không đặt ra luật định mà tùy theo cái căn cơ, tùy theo hoàn cảnh cái bối cảnh sống của chúng sanh thời bấy giờ.

Sau cùng có một câu hỏi mà chúng ta nêu ra ở tại đây đó là những Pháp của Đức Phật nêu ra có tánh cách phương tiện phải không?

Chữ phương tiện ở đây là một từ mà rất là chúng ta phải cẩn trọng, chúng tôi nói một lần nữa là người học Phật phải cẩn trọng với chữ phương tiện. Chữ phương tiện có nghĩa là giả lập, có nghĩa là bày ra chứ nó không thật. Chúng tôi lấy ví dụ như bây giờ có nhiều vị thầy giảng Tịnh Độ Tông là ở thế giới Phương Tây có một cảnh giới cực lạc,i có 7 hàng cây báu, có chim ca lăng tần già v.v.... Nhưng có vị khác nói rằng điều đó Đức Phật Ngài phương tiện chế ra chúng sanh thích một cảnh giới, sanh chỗ này, chỗ kia rồi được như vậy, là Đức Phật Ngài chế ra chứ thật sự thì 7 hàng cây báu tượng trưng cho Thất Giác Chi, rồi chim ca lăng tần già tượng trưng cho cái gì đó. Chúng ta gọi đó là phương tiện mà nói. Thì khi chúng tôi đi sang Ấn Độ chúng tôi thấy có một điều như vậy là tận trong tâm của người Phật tử đi hành hương có hai khuynh hướng: một khuynh hướng xem rằng những sự kiện liên quan đến cuộc đời của Đức Phật là những điều thật. Lấy ví dụ như Ngài sanh ra là một vị Thái Tử, rồi Ngài dứt áo ra đi từ giả thê nhi, trên đường Ngài tu khổ hạnh, chúng ta đọc qua mỗi giai đoạn như vậy chúng ta cảm động tại vì đó là đời sống thật. Nhưng một lý thuyết được phổ thông trong Phật giáo Đại Thừa đó là điều đó chỉ là sự thị hiện mà thôi. Chữ thị hiện có nghĩa là bày cho thấy thôi, thị hiện giống như chúng ta tạm gọi là mình viết kịch bản chẳng hạn, tức là câu chuyện đó là một hư cấu mình viết ra để làm cảm động lòng người. Thì đối với Phật giáo Đại Thừa đa số những chi tiết về cuộc đời của Đức Phật mang tánh cách thị hiện có nghĩa là Đức Phật Ngài muốn cho những chúng sanh có căn cơ thấp căn cơ cao họ thấy họ biết như vậy thôi chứ không phải là chân lý, và những điều đó là điều không để ý thấy. Ví dụ như Đức Phật Ngài già hay Đức Phật Ngài bệnh đó chỉ là điều thị hiện chứ thật sự không phải là như vậy.

Thì chúng tôi thưa với qúi Phật tử ở một điểm này nên cẩn thận, thật ra trong giáo pháp của Đức Phật và ở trong nhiều bài kinh chúng ta thấy trong đó có bài kinh Abhaya Sutta tức là kinh Vô Uý Vương Tử, Đức Phật nhắc một điều rằng những pháp nào mà Đức Phật giảng dạy đó là Pháp có hiệu năng dẫn đến giải thoát, Đức Phật Ngài không dạy những điều phù phiếm vô ích, và những Pháp nào mà có hiệu năng giải thoát thì Pháp đó phải tương ứng với sự thật.

Tương ứng với sự thật là thế nào?

Như là đây là Tứ thần túc, Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Mgũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, Bát chánh đạo những pháp đó đều phải tương ứng với sự thật nó không phải là một phương tiện giả lập. Về điểm này là một sự khác biệt sâu sắc, là sự khác biệt lớn giữa Phật Giáo Bắc Truyền và Nam Truyền. Phật Giáo Nam Truyền tin rằng những gì liên quan đến giác ngộ giải thoát thì điều đó phải tương ứng với sự thật, và sự thật này lấy ví dụ như hôm nay chúng ta nói về Vô thường, Khổ, Vô ngã thì bốn pháp này là bốn chân lý là những phương tiện tu tập. Giác ngộ giải thoát thì nó không có gì trái chống mâu thuẫn với những lời dạy về Vô thường, Khổ não, Vô ngã điều này thì thật sự thưa qúi vị chúng tôi tin rằng các vị giảng sư sẽ nói nhiều đến về phần thảo luận.

Nói tóm lại ngày hôm nay chúng ta học một bài kinh trong này Đức Phật Ngài ân cần nói rằng những sự thật là Vô thường, Khổ, Vô ngã dù Chư Phật có ra đời hay không thì nó là một tự tánh vốn không có khác biệt không có thay đổi ở trong quá khứ, hiện tại, vị lai, điều đó là điều chúng ta nên nhớ. Và chúng tôi cũng muốn nhắc qúi Phật tử rằng ở trong lời dạy của Đức Phật thì có những lời dạy mang tính bất di bất dịch nói về hiện tượng của các Pháp nhưng mà nó có những điều do Đức Phật chế định thí dụ như Tạng Luật chẳng hạn.

Bây giờ thì chúng tôi nói gọn phần sau cùng đó là theo trong kinh điển Pali thì tất cả những gì liên quan đến sự tu tập thì điều đó phải là điều tương ứng với sự thật, nó không thể là điều giả lập không thể là điều phương tiện được và đây là sự khác biệt giữa Phật Giáo Nam Truyền và Bắc Truyền./.