Monday, June 30, 2014

Học có bằng cấp cao có được coi là có trí tuệ lớn, có trí năng sáng suốt không?

Hỏi: “Thưa quí sư, nếu người học y, học luật mà không học Phật pháp, ra hành nghề y, nghề luật sư cũng như những người học giáo lý Thiên chúa, đạo Hồi trở thành linh mục, giáo sĩ. Họ có được coi là có trí tuệ lớn mạnh, có trí năng sáng suốt không?”

(Câu hỏi trong lớp Diệu Pháp, thời kinh Pháp Cú, Minh Hạnh chuyển biên)

 TT. Giác Đẳng:  Nói về trí năng thì những ai có trình độ học cao mang tính cách chuyên môn trong lãnh vực nào thì trí năng của họ rất cao trong lãnh vực của họ.

Trí trong Đạo Phật, chúng ta thường nghe có ba lọai trí: Trí văn, trí tư và trí tu.

 Đối với một người như chúng ta, người Phật tử, nếu chúng ta học Phật pháp mà chúng ta không có tu tập thì chúng ta chỉ đạt được trí văn và trí tư thôi. Trí văn là trí do học hỏi ở bên ngoài. Trí tư là do khả năng tư duy của chúng ta. Nhưng trí tu là những gì chúng ta thấy và biết được do tâm tư tu tập, vắng lặng phiền não. Khi chúng ta bớt đi phiền não chúng ta thấy sự việc nó khác hơn một người có phiền não mà cố gắng lý luận về vấn đề này. 

Chúng tôi thường gặp những bi kịch xảy ra trong các ngôi chùa là một số các Phật tử quen giải quyết khó khăn bằng lý lẽ của mình. Khi lý sự nhiều quá thì câu chuyện càng lúc càng tệ thêm. Ngay lúc đó nếu có một ai có đủ ảnh hưởng để kêu gọi mọi người bình tĩnh cố gắng tụng kinh, cố gắng niệm Phật, cố gắng lo tu tập sẽ hóa giải được nhiều vấn đề. 

Nhiều vấn đề của đời sống được hóa giải không phải do lý luận hay kiến văn của chúng ta mà có nhiều gút mắc của đời sống hóa giải được do chúng ta có thể nhìn thấy với một nội tâm bình thản hơn, khách quan hơn. Đức Phật gọi là một nội tâm có tu tập.

Nội tâm có tu tập tức là đem tri kiến của mình chuyển hóa được nội tại của mình là một câu chuyện hoàn toàn khác với tri thức ở bên ngòai. 

Trong câu hỏi của một Phật tử vừa hỏi, thì xin thưa là có lẽ chúng ta không cần có so sánh về những người theo đạo khác hay ngành nào. Nhưng đối với Đạo Phật thì những người trí thức, những người xem như có trình độ chuyên môn trong lãnh vực nào đó thì phải nói rằng những người này nếu họ khéo léo để chuyển hóa khả năng để đào sâu ngành nghề của họ qua những lý lẽ chân thật của đời sống thì có lẽ họ đạt nhiều lợi lạc. Nhưng không may là đa số chúng ta khi có học vị hay có địa vị nào trong xã hội thì chúng ta thấy là khó khăn để ngồi xuống lắng nghe những chuyện bình thường. 

Chúng tôi nhớ rằng năm 1992, chúng tôi có được dịp đến thăm một cơ sở là Siam Society, là một hội về văn hóa của Thái Lan. Tại  cơ sở Siam Society có một văn phòng lớn để triển lãm sách và những công trình của ngài Buddhaghosa tại Thái Lan. Ngài Buddhaghosa thường được biết trong sách vở của Việt Nam là ngài Phật Sứ. Ngài có ảnh hưởng rất lớn trong giới trí thức tại Thái Lan. Chúng tôi đến đó đứng quan sát những tác phẩm của ngài, những công trình của ngài và có một vài người Thái Lan họ đến, họ hỏi chúng tôi có nói tiếng Anh được không thì chúng tôi có đàm luận với họ trong giây lát thì mới hiểu được họ tâm tư rằng, với họ một người có trình độ học vấn cao thì khó có thể đem họ thân cận với chư tăng được. Tại vì họ sống tương đối có thế giới biệt lập hơn. Nó cũng có lợi và cũng có thiệt thòi. Còn những người bình dân thì có sự thân cận nên họ hấp thụ một cách dễ dàng nhanh chóng. Trong trường hợp này những người này họ có cái may là họ gặp được ngài Buddhaghosa, một vị tăng có ảnh hưởng lớn trong giới trí thức là vì ngài đề xướng rất nhiều cái nhìn mới của Đạo Phật, một cái nhìn dựa trên quan niệm là y cứ vào kinh điển mà không y cứ vào phong tục tập quán. Dĩ nhiên những lời dạy của ngài Buddhaghosa không đơn giản để người ta tiêu hóa. Chúng tôi tìm thấy ngay cả sau này cũng có một số vị tăng Việt Nam khi chuyển dịch lời dạy của ngài sang tiếng Việt thì cũng có thêm thắt đôi chút, xem ngài là một con người đi ngược lại với truyền thống cũ. Tuy nhiên quan niệm của ngài Buddhaghosa gợi cho chúng ta ý nghĩa rất là quan trọng trong câu trả lời này rằng một con người có trình độ chuyên môn nào đó thì tuy rằng khả năng lý luận của họ có nhưng không chừng điều đó họ có thể xa rời với thực tại mà thực tại đôi lúc không cần với trình độ như vậy. 

Ngài Ajahn Chah có những lúc nói về những người da trắng. Ngài có rất nhiều đệ tử người Tây phương và người ta hỏi ngài những người đó khác biệt với những người Thái như thế nào thì ngài nói rằng những người đó là over educative, tức là những người đó học nhiều quá. Khi mà học nhiều quá thì cái gì cũng có ý kiến, cái gì cũng phê bình hết. Ngó cái gì thì cũng là thế này, cũng là thế kia. Đến lúc nào đó mà họ chịu ngồi yên xuống để lắng nghe thì cũng là một cơ hội rất là hiếm. Không riêng gì người cư sĩ mà ngay cả chư tăng cũng vậy. Khi qúi thầy là trụ trì một ngôi chùa lớn hay có chức vụ hoặc giả học chuyên ngành một ngành nào đó thì đôi lúc rất khó có thể để quí thầy ngồi nghe quí vị thiền sư nói chuyện. Bởi vì lời lẽ rất là mộc mạc. Tuy rằng mộc mạc nhưng rất là cụ thể có thể thực hành được. Đây là trở ngại của chúng ta. 

Nên trí thì có ba lọai trí; mà trí văn và trí tư thì bất cứ ai đi học trong đời sống này đều có thể có điều này. Nhưng trí tu đòi hỏi có tâm tư, một tâm tư ít phiền não. Quí Phật tử nào có thì giờ đọc kinh Từ Bi, còn gọi  là kinh Thương Yêu. Con người muốn phát triển lòng từ bi thì phải có những đức tánh, những điều kiện căn bản mới giúp chúng ta được. Ví dụ như không có rộn ràng, lục căn luôn trong sáng, trí tuệ mới hiển minh. Tâm tư không rộn ràng, được trong sáng, những chuyện đó chúng ta không nghĩ tới, nhưng chính sự trong sáng của tâm tư chúng ta đến gần với sự vật tốt hơn là một người mà tâm tư họ chộn rộn quá nhiều? 

Ở đây trả lời tóm lại là trí tu là cái gì làm cho con đường hành trình tâm linh của Đạo Phật khác với những tôn giáo khác. Và chính trí tu làm cho người Phật tử đứng ở ngoài nấc thang về trình độ học lực. Và khi nói đến trí tu thì đề cập đến những con người có thể hội nhập với giáo pháp. Thể nhập với giáo pháp như là chúng ta hít thở, chúng ta đi đứng, chúng ta sống, tắm gội trong bầu khí quyển trong lành. Điều này là điều rất bình thường đối với một người tu tập nhưng là một chuyện rất khó khăn với những người có nhiều trình độ hay họ được huấn luyện trong một môi trường khác.

Sunday, June 29, 2014

Thế nào là tâm bị điều kiện hóa?

Hỏi:“Thế nào là tâm bị điều kiện hóa?” 
(Câu hỏi trong lớp Diệu Pháp, thời giảng kinh Pháp Cú, Minh Hạnh chuyển biên)
TT. Giác Đẳng: Chúng tôi lấy ví dụ, qúi vị đang nhìn màn ảnh Paltalk của computer. Nhưng nếu chúng ta không nhìn Paltalk mà chỉ ngó computer là computer thì có lẽ cảm gíác của chúng ta đối với computer khác đi. Nhưng bởi vì chúng ta có chương trình Paltalk rồi lại có những người quen xa gần trong Paltalk, lại có một số đề tài chúng ta muốn được nghe, được biết nên chi khi ngồi trước computer, chúng ta cảm thấy computer nó khác đi. Khi chúng ta nhìn một thành phố cũng vậy. Một trăm, một ngàn người ở trong thành phố, không phải là một thành phố mà tất cả mọi người đều nhìn thấy giống nhau hết. Mỗi người nhìn thấy thành phố trong sự cảm nhận riêng của mình. Cũng thành phố đó có những người nhìn thấy rất khô khan và ảm đạm. Cũng thành phố đó nhưng có những người nhìn thấy rất xa lạ. 

Bởi vì sao? Bởi vì, chúng ta bị những điều kiện khác nhau chi phối. Về văn hóa, về giáo dục, về lợi tức, về nguồn gốc, về công việc làm của mình. Và nếu một nơi nào đó, một quán ăn nào đó mà qúi vị đã bắt đầu một cuộc tình thì quí vị sẽ nhìn quán ăn đó khác hơn quán ăn mà qúi vị đã đến đó để đi mua những bữa ăn trưa trong những ngày đi làm, rất vội vã, đến rồi đi. 

Cũng thời một đối tượng, cũng thời một hình ảnh nhưng sự lãnh hội của chúng ta hòan tòan khác, bởi vì sao? Bởi vì tâm của chúng ta bị điều kiện chi phối. 

Ngay cả khi chúng ta đọc một trang kinh hay nhìn một pho tượng Phật thì sự cảm nhận pho tượng Phật hay sự cảm nhận ý lý trong trang kinh hay những lời nghe pháp không phải giống nhau. Vì sao? Bởi vì nó tùy thuộc vào trình độ của chúng ta và nó tùy vào lúc đó chúng ta vui hay chúng ta buồn. 

Nhìn một món ăn rất là ngon nhưng lúc chúng ta khi no khác, chúng ta khi đói khác. Có những người có kinh nghiệm đi chợ họ nói rằng những lúc đói bụng mình đi chợ thì mình mua đồ rất bừa bãi, mua đồ rất nhiều và có thể mua đồ về không ăn. Nhưng khi mình no hay không đói lắm thì mình đi chợ mua đồ một cách rất chừng mực. Đó là điều tự nhiên. 

Chúng ta đừng quên rằng tâm tư của chúng ta, khả năng lượng định trực tiếp, cái gọi là trực giác, đánh giá sự vật một cách trung thực là một cơ hội rất hiếm hoi. Đa phần đời sống, chúng ta rất chủ quan. Chúng ta đem vào đó những thành kiến, những định kiến để đánh giá sự vật. Chúng ta đừng tin là chúng ta có thái độ hoàn toàn khách quan trong đời sống. Không có đâu! Chúng ta là người của dục giới thì chúng ta phải dùng tâm dục giới. Những tâm dục giới cho chúng ta một phản ứng khác, một cảm nhận khác về cuộc sống. 

Nếu chúng ta là một vị đã chứng thiền thì nhìn thế gian này khác. Chúng ta là người Phật tử, chúng ta nhìn cái đạo nó khác. Chúng ta là người khỏe mạnh, chúng ta nhìn cuộc sống là khác. Khi nào chúng ta bịnh họan, chúng ta nhìn cuộc đời bi quan hơn. Điều đó cho chúng ta thấy rằng tâm của chúng ta luôn bị chi phối bởi nhiều điều kiện. Có thể chúng ta cho rằng một giây phút nào đó tâm của chúng ta thật sự vượt thoát, nghĩa là đứng trên tất cả những tế toái, đứng trên tất cả những phiền lụy, đứng trên tất cả những chi phối. Nhưng thực sự chỉ có những bậc giác ngộ, giải thoát hoàn toàn như  Đức Phật thì tâm lúc đó không còn bị chi phối, bị điều kiện. Mà điều kiện ở đây là sự bao trùm của vô minh và sự chi phối mãnh liệt của khát ái./.

Saturday, June 28, 2014

Quán niệm sự khổ trong đời sống

Hỏi: Quán niệm sự khổ trong đời sống

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 26-6-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Chúng ta biết cái khổ đến trong đời sống một phần là do nhân quả của quá khứ. Thí dụ một người sát sanh trộm cắp trong đời trước đời này sanh ra thì nhận quả của sát sanh trộm cắp do nghiệp của quá khứ. Dĩ nhiên chúng ta cũng nghe câu kinh Pháp Cú : 
Ý dẫn đầu các pháp
Ý chủ trì, tạo tác
Nếu ngôn từ, hành động
Với tâm ý nhiễm ác
Khổ theo tựa bánh xe
Đi sau dấu chân bò
Thì chúng ta hiểu khổ đó từ nghiệp và nghiệp cũng đến từ tâm chủ trương tạo tác của chúng ta. Nhưng đó là câu chuyện của quá khứ. 

Rồi chúng ta hiểu khổ cũng đến do sự tự nhiên của pháp hành, ví dụ như có sanh thì phải có tử, đời sống có sanh thì phải có diệt bản chất của pháp hành là như vậy. Mình sống ở trong cuộc đời này có người rất thân như cha mẹ hay những người thân của mình và những người thân đó có nghiệp riêng, rồi họ sanh ra đời, sống với chúng ta một thời gian rồi họ ra đi. Thì chúng ta nên hiểu cái khổ đó là cái khổ tự nhiên của các pháp. 

Chúng ta nói cái khổ thứ nhất là do nghiệp xấu của quá khứ. 
Rồi chúng ta nói cái khổ tự nhiên của các pháp. 

Nhưng mà rồi bài kinh ngày hôm nay cũng như nhiều đoạn kinh khác cho chúng ta thấy rằng có  thứ khổ nữa là do sự nhận thức. Đối với một hành giả tu tập nhất là tu tập thiền quán thì về điều này cần được quán tưởng cần được thấy rõ. 

Chúng tôi có được cơ duyên sống ở chùa Ngài Ajahn Chah 2 năm và trong 2 năm đó  chúng tôi được nghe nhiều pháp thoại qua các băng giảng đã được dịch lại. Ngài Ajahn Chah là một trong những vị Thiền Sư nói rất nhiều về cái nhìn của chúng ta, về sự nhận thức của chúng ta nó làm cho chúng ta khổ. 

Ví dụ, một hành giả hay một vị tỳ kheo sống cô đơn tủi thân, Ngài đề cập đến hình ảnh của một người đi xuất gia rồi trong lúc sự thiếu thốn nhìn lại mình buồn và tủi thân là sao mình đi tu  mà không ai giúp, không ai hộ độ, không có được Phật tử lưu tâm. Thì thật ra khi chúng ta mới nhìn thấy tâm trạng buồn như vậy thì dễ hiểu thôi, hợp tình hợp lý thôi, mình đi xuất gia nhưng không được sự giúp đỡ của đàn tín thì mình buồn, buồn  thấy rằng tại sao các vị khác tu không bằng mình hay thế này thế kia lại được nhiều hơn mình do sự quen biết, nên mình lại tủi thân.

  Ngài Ajahn Chah khuyên: 
- Thứ nhất mình nên hiểu rằng đó là những lúc rất tốt để chúng ta tu tập thiền quán. 
- Thứ hai, thật ra cái khổ cái vui ở trong lúc đó phần lớn tùy thuộc vào nhận thức của chúng ta. 

Nhận thức là như vầy, cái nhìn của chúng ta trong cuộc sống từ hoàn cảnh ở bên ngoài dẫn đến chỗ tủi thân thì nó trải qua một cuộc xào nấu trong tâm tư của mình, sự xào nấu đó là mình so sánh, mình so đo. Ví dụ, như tại sao người ta cũng vậy mình cũng vậy mà người ta được mình không được. Hay hoặc giả cách nhìn của chúng ta là mình đi tu mà người ta không có nghĩ đến mình thì tự nhiên mình buồn. 

Ngài khuyên; mình hãy nhìn lại xem phản ứng của mình ra sao, và lúc đó thì mình sẽ thấy rằng hầu hết những cái vui và những cái khổ đều đến từ nhận thức hết. Từ cái nhìn cái thái độ  sống của chúng ta và chính thái độ sống tích cực làm cho chúng ta vượt qua những điều đó. Một vị hành giả mà thường xuyên tu tập thì thấy rằng phần lớn những cảm xúc vui buồn bi lụy trong cuộc sống đều do cái nhìn của mình. Nếu mình chưa nhìn ra thì mình chưa tu được. Mình chưa có nhìn thấy do thái độ của mình, do sự nhận thức của mình thì lúc bấy giờ mình hay đổ lỗi tại vì Sư Cả ở chùa hay tại vì Thiền Sư hay tại hội chúng hay tại hoàn cảnh này hoàn cảnh khác. 
Nói một cách khác, khi nào mình khổ quá thì mình ngồi xuống tự nhắc chính mình là do tâm mình không khéo tu nên mình khổ, nếu tâm mình khéo tu thì ở trong những hoàn cảnh như vậy ít nhất mình cũng có thể quán tưởng được, ít nhất mình dùng cơ hội đó để khai triển tuệ quán được. 

Và có lẽ, đạo Phật là một tôn giáo rất đặc biệt nhìn sự đau khổ của nghịch cảnh để thắp sáng tuệ giác của mình. Giống như chúng ta dùng hai viên đá chạm vào nhau để xẹt ra lửa. Thì chính những cái khổ của đời sống những bất toại nguyện làm cho chúng ta có những ý thức rất chân xác về cuộc sống. 

Thật ra, nếu chúng ta nhìn cho kỹ thì những cái đẹp những cái vừa ý nó ru ngủ chúng ta nhiều hơn là cái đau khổ. Và nếu chúng ta thấy được sự đau khổ nó giúp cho chúng ta nhiều ở trong việc tỉnh táo hơn để nhìn lại nỗi đau khổ của mình để bớt dễ ngươi, bớt ỷ lại, bớt ru ngủ, bớt thụ hưởng hơn thì lúc bấy giờ chúng ta có thể thấy được tự tại hơn thong dong hơn là mình ngồi đó mình oán trách. Không có một người tu nào luôn luôn đổ thừa cho người khác mà tu được. Mình đổ thừa đây là tại vị này làm cho mình khổ, tại người kia làm cho mình khổ. Cái tại này tại kia làm cho cuộc sống phiền, làm cho cuộc sống không giải quyết được gì. 

Chúng tôi có gặp những người họ mở miệng ra là than khổ và trách móc, lớn tuổi thì trách móc con cháu rồi có nhiều khi trong cuộc sống tình cảm thì trách người bạn đời của mình, hay ở trong chùa trách người này người kia. Sự trách móc đó không giải quyết được gì hết. Chúng tôi ít bao giờ thấy trong cuộc sống mà trách móc để có thể giải quyết vấn đề. Chúng tôi đồng ý có những người rất bình thường nếu họ đừng có làm phiền người khác,  nếu họ đừng có gây khổ cho người khác thì thật sự là người mình có thể đến gần với họ. Tại vì sao? Chúng ta cứ tưởng tượng  ở trong cuộc sống mà có một người lúc nào cũng đòi hỏi, lúc nào cũng trách móc, lúc nào cũng phiền hà thì ai cũng tránh ai cũng sợ. Mình muốn nói chuyện với một người mà người đó họ cho mình thư giãn thoải mái thì mình mới thích nói chuyện còn mình nói chuyện mà lúc nào mình cũng đem tất cả phiền lụy trút lên đầu người ngồi nghe những đau khổ của mình. Thì thật sự nó chỉ dẫn mình từ sự cô đơn đến sự cô đơn thôi.

Và vì vậy, trong cái nhìn của một người tu tập trước nhất mình ý thức một cách rất rõ ràng những cái khổ nó đến từ thái độ sống của chúng ta. Thái độ tiêu cực hay thái độ tích cực và thái độ đó không nhất thiết vì hoàn cảnh mà thái độ đó là do sự trưởng thành của chúng ta. Đồng ý, không phải chúng ta lúc nào cũng may mắn. Đồng ý, không phải lúc nào chúng ta cũng mãn nguyện. Và đồng ý, là những người chung quanh họ có những khuyết điểm. Nhưng không phải vì sự bất toàn của đời sống. Bởi vì đời sống không hoàn hảo mà chúng ta nổi đóa lên, hay là chúng ta bực bội, hay là chúng ta thống trách. Ngày nào nếu mình cũng thống trách thì điều gì mình cũng thống trách được hết, trời mưa cũng than được, đi ra đường kẹt xe mình cũng bực bội được, mình làm việc với người đồng sự mà không như ý mình cũng bực bội được. Nếu tính mình hay bực bội hay cáu bẩn và hay gắt gỏng hay phiền hà thì ở trong thế giới này không phải có một trăm, một ngàn, một triệu lần mà là tất cả mọi thứ đều làm cho mình phiền. Cái thế giới nhận thức của chúng ta rất quan trọng. 

Thành ra, một người hiểu đạo khác với người không hiểu đạo đó là mình hiểu rõ, hiểu rất rõ thái độ sống của chúng ta. Sự nhận thức của chúng ta có ảnh hưởng lớn. Trong kinh Đức Phật Ngài dùng một chữ chúng ta phải học rất nhiều:
- Yoniso-manasikāra là Khéo Tác Ý hay là Chánh Tư Niệm hay là Như Lý Tác Y.
- Ayoniso-manasikāra là Không Khéo Tác Ý hoặc là Không Khéo Nhìn, hay nhìn một cách vụng về. 

Hai điều này đối với hành giả tu tập rất quan trọng. 

Thật ra Yoniso-manasikāra là một thứ trí tuệ, có 3 thứ trí tuệ rất diệu dụng trong đời sống chúng ta: 
-1. Một là sự tỉnh thức sáng suốt của Chánh Niệm. 
-2. Thứ hai chúng ta gọi là Chánh Niệm và Tỉnh Giác là sự bén nhạy với cái gì đó đang xảy ra trên thân và tâm của mình. 
-3. Và thứ ba là cái khéo nhìn, khéo nhận thức, khéo lãnh hội. Thì cái khéo nhìn, khéo nhận thức, khéo lãnh hội làm cho đời sống của chúng ta khác đi. 

Chúng tôi, cuộc đời sống trong chùa đi nhiều được dịp tiếp xúc với qúi Phật tử chúng tôi có thể nói một điều mà không sợ lầm lẫn rằng những người hạnh phúc chúng tôi được biết không nhất thiết là họ giàu, những người sống an lạc không nhất thiết là họ thành công ở trên phương diện này phương diện khác, mà những người sống an lạc hạnh phúc là do cái nhìn của họ có tích cực, do đời sống của họ có cái nhìn rất thông rất thoáng. Nói theo Phật Pháp chúng ta nói là người hiểu đạo. 

Tại sao chúng ta nên học Phật Pháp? Tại sao chúng ta nên lắng nghe lời Đức Phật dạy? Chính ra, ngày hôm qua chúng tôi có nói chuyện với một Phật tử thì  vị Phật tử này nói rằng Phật Giáo nên khuyến khích người Phật tử bắt chước đạo Kỳ Na Giáo là đi vào thương trường đi buôn bán làm giàu, mình làm giàu thì mang lại lợi lạc cho mình mang lại lợi lạc cho đạo. Thật ra, Đức Phật Ngài không có chống việc người Phật tử phát triển tài sản. Đức Phật Ngài cũng không có chống chuyện người Phật tử nên tìm sự thành công trong cuộc sống. Nhưng Ngài đặc biệt lưu ý chúng ta cho dù sự thành bại bên ngoài ra sao đi nữa thì  sự nhận thức chân xác là quan trọng.

 TT Tuệ Siêu vừa nói: " Chân thật biết chân thật, phi chân biết phi chân" tức là khổ đau hạnh phúc nó đến từ thế giới nhận thức của chúng ta nhiều. Cái nhìn của chúng ta có được đúng với sự thật hay không, có tích cực hay không, thì nó ảnh hưởng chúng ta, ảnh hưởng rất lớn trong đời sống. Vì vậy nếu một ngày nào đó khi chúng ta nhìn lại hỏi rằng mình có thật sự hiểu Phật Pháp hay không thì ngoài sự nhận thức về nhân quả về giáo lý duyên khởi người Phật tử cần có thái độ thứ nhất là hạnh phúc và khổ đau tùy thuộc rất nhiều vào thái độ vào cái nhìn của chúng ta đối với cuộc sống. Và thái độ nhìn đó là chúng ta hiểu rằng đó là nhận thức, đó là phản ứng của chúng ta với thế giới này. Và trong nhận thức đó nó có chất của trí tuệ và chất của không trí tuệ. Có trí tuệ thì chúng ta nhìn thấy xuyên thấu, ví dụ như mình gặp trời mưa xuống làm trở ngại công việc của mình làm cho mình bực mình thay vì bực mình thì mình nghĩ rằng nắng mưa là bịnh của trời chuyện đó tự nhiên thôi, không phải mưa chỉ một mình mình mà mưa tất cả mọi người đều bị mưa, nhiều người chung quanh bị mưa thì bữa này làm không được như ý thì thôi chờ bữa khác. Mình ngồi đó bực bội cũng vậy thôi. Thí dụ như vậy. 

Điểm quan trọng của Phật Pháp là cho chúng ta đặt lại vấn đề. Thay vì ngồi đó mà giận mà phiền mà đổ lỗi thế này thế kia thì chúng ta nhìn sự việc làm sao để cho phiền não không sanh khởi, phiền não bớt sanh khởi thì chúng ta bớt khổ. Còn nếu mình càng nhìn mà phiền não càng nhiều thì đó là tự mình chuốt lấy, như cụ Nguyễn Du viết tâm trạng là "khéo dư nước mắt khóc người thời xưa". 

Đời sống của chúng ta như Ngài Ajahn Liem cũng nói là, có những người đi trên đường thấy có cái gì cũng bốc lên bỏ vào bị riết nó nặng, đeo nặng đầy vai. Đời sống của chúng ta từ sáng tới chiều nhiều khi chúng ta nhặt lên những thứ rất phiền, nhặt lên những thứ rất nặng nề để khổ thôi. Mình thấy được chuyện đó nó đến thì cho nó đến, cái gì nó đi thì cho nó đi. 

Và mình quan niệm rằng cuộc sống ra sao thì ra nhưng tinh thần của chúng ta phải sáng. Tinh thần của chúng ta phải nhẹ nhàng. Cái nhìn của chúng ta phải thấu đạt. Chúng ta nhìn cuộc sống từ một góc cạnh đó là mình nhận rằng hễ mình khổ là do mình không khéo tu. Mình khổ là do mình không biết chuyện gì xảy ra mình đổ thừa chuyện đó tại hoàn cảnh, tại công ăn việc làm, tại kinh tế, tại chiến tranh, tại vợ, tại con, tại bạn bè. 

Mình nên quán rằng mình khổ tại mình không khéo tu. 

Nếu mình khéo tu thì dù một người khổ cùng cực như nàng Patàcàrà đi nữa cũng tìm thấy ánh sáng của trí tuệ. Hễ khi nào mình khổ thì cũng có thể tìm thấy được ánh sáng của trí tuệ. Hễ khi nào mình khổ mình nhắc là mình đang khổ thay vì ngồi đó trách móc người khác. Chúng ta có trách móc cũng vậy thôi, chúng ta trách móc cuộc đời cả trăm năm thì cũng không đi đến đâu hết. 

Nhưng mình thấy được việc do mình chưa chịu khó tu tập thì việc đó thay đổi rất nhiều, nó không đơn giản như là chúng ta nghĩ, chúng ta nên đặt lại vấn đề ./. 

Friday, June 27, 2014

Một số người phân chia thiện pháp thành nhân đạo, thiên đạo và Phật đạo. Sự phân chi như vậy có trong kinh điển Nguyên Thuỷ chăng?

Hỏi. Một số người phân chia thiện pháp thành nhân đạo, thiên đạo và Phật đạo. Sự phân chi như vậy có trong kinh điển Nguyên Thuỷ chăng?

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 15-6-2014 - Minh Hạnh chuyển biên)

TT Pháp Tân: Điều này thật sự ở bên Phật Giáo Bắc Truyền thường hay phân chia thí dụ Thập Thiện là Thiên Đạo, Ngũ Giới là Nhân Đạo chẳng hạn, rồi Thinh Văn, Duyên Giác, Phật Thừa v.v... thì những phân chia đó là Phật giáo sau này.

 Trong Phật Giáo Nguyên Thủy thì không có sự phân chia rõ ràng,  không có phân chia cái này dành cho Thiên đạo, cái này dành cho Nhân đạo, ai làm cái này thì sanh lại làm người, ai làm cái này sanh lại Chư Thiên, thực hiện pháp này thì làm bậc Thinh Văn hay là Bồ Tát. Như trong kinh tạng Pali Đức Phật dạy về ngũ giới; không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối, và không uống rượu Ngài dạy đủ hết nhưng Ngài không có phân là pháp này mình thực hành thì sanh lại làm người, rồi pháp này thực hành thì sanh làm Chư Thiên, rồi pháp này tu thì trở thành bậc Thinh Văn, rồi pháp này tu thì thành bậc Duyên Giác chẳng hạn. Điều đó không có trong kinh tạng Pali.

Trong kinh Pali Đức Phật đã dạy hết các điều đó nhưng có một điều thí dụ như trong ngũ giới có 5 điều là không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối, không uống rượu thì trong nghĩa đó các bậc xuất gia không phải tu tập để sanh về thiên giới hay sanh lại làm người. Nhưng các bậc xuất gia cũng phải hành trì những điều đó tức là không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối là để đoạn trừ những phiền não bợn nhơ ở trong nội tâm bằng sự giữ giới của chính mình, bằng sự thực hành tu tập thiền định của chính mình, bằng sự tu tập tuệ quán của chính mình  là để ngăn trừ chặt đứt gọt bỏ bớt những phiền não ở trong nội tâm. Và có thể là do việc hành thiện của mình trong việc giữ giới để mình ngăn chặn nghiệp xấu không đưa đến quả khổ không làm cho ô nhiễm tâm mình. 

Cho nên, một vị hành giả tu tập là phải giữ giới. Còn mức độ mình hành tới đâu, mình đoạn tận phiền não ở mức độ nào, và mình tạo nghiệp thiện ở mức độ nào. Thí dụ như mình tạo nghiệp nhân nào để mình sanh lên cõi trời và mình tránh những nhân nào để mình không sanh vào cảnh khổ thì điều đó cũng mới chỉ là nhân để tránh quả khổ, và nhân để dẫn đến quả an vui quả lành.  

Còn tiến xa một bước nữa thì hành giả thực hành là để cho nội tâm của mình bỏ bớt những phiền não,  rồi hành vi của mình thì không tạo các nghiệp bất thiện,  để tâm của mình trong sạch để hướng đến sự giải thoát.

Đức Phật không phân chia tu tập Tâm Từ thì sanh về cõi Phạm Thiên, hay tu tập Tâm Từ gọi là Từ Vô Lượng trong cái nghĩa do tâm từ đó mà vị hành giả đạt được sự giải thoát. Thì nếu ở mức độ nào đó thì vị hành giả đó thực hành tâm từ trong cái nghĩa của tâm từ thì không phải chỉ có an vui cho chúng sanh mát mẻ mà Tâm Từ Tâm Bi cũng trong cái nghĩa là Từ Tâm Giải Thoát thì nó cũng đã đạt đến chỗ vị hành giả đó có thể đạt được sự giải thoát chứ không phải là chỉ đem đến sự an vui và không phải chỉ giới hạn là sanh trong cõi trời Phạm Thiên. 

Nhưng mình hành ở một mức nào thì chính mức độ đó dẫn mình đi đến sự an lạc ở mức độ đó hoặc mình có thể đạt được sự giải thoát là do việc mình gột sạch bớt những phiền não ở trong nội tâm của mình, mình gột sạch được nhiều chừng nào thì mình sẽ được an lạc nhiều chừng nấy và đến khi nào mình gột sạch hết tất cả  phiền não ở trong nội tâm của mình trong đó có kiến chấp, tà kiến, trong đó có  tham sân si, có ngã mạn chẳng hạn, Còn nếu vướng một chút gì đó thì mình chưa được giải thoát mình còn chấp theo định kiến của mình theo quan điểm của mình rồi mình chấp theo thường kiến hoặc theo đoạn kiến thì chấp đó vẫn còn kẹt và khi mình còn kẹt thì mình vẫn còn phiền não và do vậy thì còn luân hồi. 

Những pháp tuy rằng Phật dạy như vậy nhưng cũng không phân chia cái này là đưa đến Thiên Đạo hay Nhân Đạo nhưng trong trường hợp khi Đức Phật gặp đối tượng nào, đối tượng đó trình độ tới đâu thì Phật giảng pháp tương xứng ở mức độ đó, thí dụ như gặp hàng cư sĩ là vua chúa là thứ dân rồi là quan quân hoặc là Bà La Môn thì tùy theo mỗi đối tượng mà Đức Phật Ngài thuyết pháp giáo hóa độ cho chúng sanh đó bởi Đức Phật Ngài đã hiểu được căn tánh căn cơ của chúng sinh đó và Ngài đã dạy cho pháp đó như vậy.

Chính điều đó, con người thực hành pháp của Phật thì Phật dạy có nhiều và mỗi pháp này sẽ tương trợ cho pháp kia và chính pháp thấp này mình hiểu trong một mức độ nào đó mình hành ở một mức độ nào thì nó ở bậc thấp, nhưng mình hành ở mức độ nào thì nó sẽ là cao, và một mức độ nào là đưa mình đến cõi gọi là tái sanh ở cõi người, cõi trời, hoặc là mình có thể là nhân để tiến đến sự giải thoát. 

Thí dụ như bây giờ mình tu thiền. Thật sự ra thì không phải nói tu thiền rồi sanh về cõi trời Phạm Thiên mà nếu tu thiền mình chưa đắc định thì mình cũng đâu thể sanh về cõi trời Phạm Thiên được mà chỉ có một chút nào đó an tịnh nội tâm, thì nó cũng là nhân để cho mình sanh ở cảnh giới an vui chứ không hẳn là mình phải sanh ở cảnh giới Phạm Thiên sắc giới. Khi nào mình đắc định được tức là đắc được Sơ Thiền, Nhị  Thiền, Tam Thiền. Tứ Thiền mình mới sanh được về những cảnh giới đó. 

Tóm lại, trong kinh Nguyên Thủy đặc biệt trong kinh điển Pali Đức Phật Ngài thuyết pháp có nhiều đối tượng khác nhau và do mỗi đối tượng Đức Phật Ngài tùy theo mà Đức Phật Ngài giảng dạy pháp tương xứng để người đó nghe rồi tu tập và giác ngộ để được lợi lạc đối với người đó. Rồi cũng bằng pháp ấy nhưng nếu như một người hành xâu xa hơn nữa thì chính pháp đó có thể dẫn dắt người đó đi đến sự giải thoát là do việc thực hành của mỗi người. Và tâm của mình mà dứt sạch phiền não ở mức độ nào mình sẽ có được sự an tịnh ở mức độ đó. Mình dứt sạch được nhiều phiền não mình sẽ được sự an tịnh nhiều chừng nấy. Và mình dứt hết phiền não thì mình sẽ được giải thoát ./.

Thursday, June 26, 2014

Hạng chúng sanh nào tái sanh vào cảnh giới tương ưng với sự mong muốn?

Hỏi: Hạng chúng sanh nào tái sanh vào cảnh giới tương ưng với sự mong muốn?

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, ngày 15-6-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Pháp Đăng:  Chúng sanh nào tái sanh vào cảnh giới tương ưng với sự mong muốn thì chúng sanh đó phải có sự tương đồng. Trong kinh Đức Phật Ngài dạy người nam và người nữ muốn tái sanh về cõi trời an trú cùng với chư thiên cõi Trời  thì có 5 điều: Chư thiên có đức tin mình có đức tin, chư thiên có bố thí mình có bố thí, chư thiên có giới mình có giới, chư thiên có đa văn mình có đa văn, chư thiên có trí tuệ mình có tri tuệ. Thì như vậy mình sẽ tái sanh về cõi Chư Thiên nếu xét về 5 phương diện này trong kinh Tăng Chi.

Khi nói đến hạng chúng sanh tái sanh vào cảnh giới tương ưng với sự mong muốn, thì trong câu chuyện Bồ Tát giữ Bát Quan Trai giới nửa ngày được tái sanh làm con vua. Một thanh niên nghèo làm công tại một nhà trưởng giả, vào buổi chiều sau khi làm xong công việc về người thanh niên chưa ăn cơm thì nghe ông trưởng giả nói giữ giới sẽ được tái sanh vào cõi phước cõi người làm vua chúa. Nghe nói như vậy, người thanh niên xin được thọ giới nửa ngày còn lại. Người thanh niên này trong lúc thọ giới thấy cảnh đức vua cùng đoàn binh đi diễn hành trong thành nên đã ước mơ được làm vua trong một kiếp sau. Thì chàng thanh niên đó sau khi chết đã tái sanh vào làm con vua và được thọ hưởng ngai vàng. Chành thanh niên đó chính là tiền thân của đức Bồ Tát. Khi đức Bồ Tát thành tựu Chánh Đẳng Chánh Giác với túc mạng minh Ngài đã nhớ lại trong một kiếp Ngài thọ giới có nửa ngày và Ngài được hưởng phước làm vua.

 Nên khi nói đến một người có thiện nghiệp và có được ước mơ, thì chúng ta nhìn vào chuyện thọ giới nửa ngày của đức Bồ Tát, cũng có đức tin, cũng có trí tuệ, cũng có giới, cũng có bố thí, có hi sinh bản thân mình trong sự tu tập đó nên sau khi chết được tái sanh làm con vua là chuyện bình thường thôi. Tại vì Đức Phật Ngài nói rằng chúng sanh với nguyện vọng hằng dẫn dắt chúng sanh và  phước chúng sanh đã làm. Thí dụ bố thí hay tri giới hay tu tiến kiếp sau mình sẽ sanh làm chư thiên, nếu mình thực hành những thiện pháp đó.

Như vậy, hạng chúng sanh không có sanh vào cảnh giới tương ứng. Thí dụ chư thiên có lòng tin mà mình không có lòng tin, chư thiên có bố thí mình lại bỏn xẻn, chư thiên có giới hạnh mình không có giới hạnh, chư thiên có trí tuệ mình không có trí tuệ, chư thiên đa văn mình không đa văn thì như vậy mình không đồng với chư thiên được còn khi mình thấy chư thiên có 5 điều thiện như vậy thì mình cũng có 5 điều thiện thì mình sẽ tái sanh cộng trú với chư thiên. Như vậy hạng người nào không tái sanh vào cảnh giới mình mong muốn đó là người không có phước gọi chung là không có thiện tâm. 

Theo trong A Tỳ Đàm dạy tâm thiện sẽ tái sanh vào cõi thiện, thường tâm thiện hợp trí hay tâm thiện ly trí cho mình sanh vào 7 cõi vui dục giới. 

Cõi Sơ Thiền chia ra thành 3 cõi. 
Cõi Phạm Chúng Thiên là cảnh giới của những người Ðắc Sơ Thiền bực thấp nên sanh vào cõi nầy làm đồ chúng cho Ðại Phạm Thiên. 
Cõi Phạm Phụ Thiên là cảnh giới của những vị đắc Sơ Thiền bực Trung nên sanh vào cõi nầy; các vị Phạm Phụ Thiên được xem như những vị Tổng Trưởng của Ðại Phạm Thiên.
Cõi Ðại Phạm Thiên là cảnh giới của những vị đắc Sơ Thiền bậc thượng.

Từng thứ nhì là từng Nhị Thiền tức là cảnh giới của những vị đắc Nhị và Tam Thiền; cũng do căn cơ và Quả báu khác nhau nên cũng chia thành 3 cõi: 
Cõi Thiểu Quang Thiên là cõi của những vị chứng Nhị và Tam Thiền bậc thấp; những vị Trời cõi nầy có hào quang ít.
 Cõi Vô Lượng Quang Thiên là cõi của những người đắc Nhị và Tam Thiền bậc Trung thì sanh về cõi nầy và Chư Thiên cõi nầy có hào quang chiếu sáng không thể đo lường được.
 Cõi Quang Âm Thiên là cảnh giới của những vị đắc Nhị và Tam Thiền bậc Thượng và những vị Chư Thiên ở cõi nầy mỗi khi nói hào quang túa ra rực rỡ.

Từng thứ ba là từng Tam Thiền tức là cảnh giới của những vị đắc Tứ Thiền; cũng có 3 cõi:

Cõi Thiểu Tịnh Thiên là cõi của các vị đắc Tứ Thiền bực Hạ, cõi nầy Chư Thiên có hào quang sáng nhưng chưa phải trong sáng hoàn toàn
 Cõi Vô Lượng Tịnh Thiên là cảnh giới của những người đắc Tứ Thiền bực Trung sanh về đây và Chư Thiên cõi nầy có hào quang trong sáng không thể lường được.
 Cõi Biến Tịnh Thiên là cảnh giới của những vị đắc Tứ Thiền bậc Thượng. Chư Thiên cõi nầy có hào quang trong sáng biến mãn khắp nơi.

 Từng thứ tư là từng Tứ Thiền tức là cảnh giới của những vị đắc Ngũ Thiền; cũng có 3 cõi:

Cõi Quảng Quả là cảnh giới của những vị đắc Ngũ Thiền hưởng Quả báu to lớn.
 Cõi Vô Tưởng là cảnh giới của các vị đắc Ngũ Thiền nhưng vì chán nản Tâm Thức nên nguyện chuyển sang Thiền không Tâm. Người ở cõi nầy giống như hình tượng nghĩa là chỉ có thể xác nhưng không có Tâm thức.

 Đó là theo A Tỳ Đàm.

Trong Phật giáo nói về tâm tử tâm quả tục sinh, một người có nguyện vọng hay ao ước và người đó có thiện pháp như giữ giới hay bố thí hay mình có trí tuệ tức là mình mong mỏi sanh làm chư thiên thì mình nỗ lực tu tập nỗ lực hành trì, nỗ lực trao dồi Tam Tạng kinh điển, có thiện tâm duy trì thì lực của tâm tử cho ra tâm tục sinh vào cõi trời. 

Đức Phật Ngài dạy nhân quả, làm nghiệp thiện bằng tâm thiện dục giới thì quả cũng là quả thiện tâm cũng là tâm thiện, pháp thiện sanh vào cảnh giới hiền thiện. Nên người có nghiệp đen mà sanh quả trắng thì không có, chẳng hạn như sát sanh, trộm cắp, tà dâm uống rượu là nghiệp đen mà muốn sanh vào cõi trời là không được, giống như người lấy cát muốn nấu thành cơm thì không thể được, nhưng nếu người đó lấy gạo mà nấu thành cơm thì chắc nấu được dù có cầu nguyện hay không cầu nguyện thì cũng nấu thành cơm . 

Thì cũng như vậy, một người muốn tái sanh vào cảnh giới tương ưng với mong muốn như cõi Chư Thiên thì Đức Phật Ngài dạy chư thiên có 5 đức tính mà mình có như vậy thì mình sẽ đồng đẳng với chư thiên và mình sẽ tái sanh vào cõi trời./.

 thì đó là 5 điều, thường thườngqúi vị thấy vậy chứ một tâm thiện thì có nhiều tâm sở tịnh hảo sanh khởi, nên chi mình giữ một việc thiện như giữ giới, bố thí như tài thí pháp thí vô úy thí, mình có lòng tin vào nhân quả, có sự tinh tấn có trí tuệ như Chư Thiên thì mình khi tái sanh sẽ được cộng trú với Chư Thiên như mình mong muốn./.

Wednesday, June 25, 2014

Làm thế nào để có thể nhận thức một bậc đã nhập sơ quả Tu Đà Hườn, có đặc điểm nào để hiểu?

Hỏi: Làm thế nào để có thể nhận thức một bậc đã nhập sơ quả Tu Đà Hườn, có đặc điểm nào để hiểu?

(Câu hỏi trong lớp Diệu Pháp thời giảng kinh Pháp Cú, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Thật ra, nói về việc đắc đạo chứng quả thì chỉ có Đức Phật Ngài mới là người có thể xác nhận rõ ràng vị nào đắc đạo chứng quả. Chúng tôi xin thưa với qúi vị, trong giới luật của một vị tỳ kheo nếu chúng ta không đắc đạo chứng quả mà mình nói rằng mình đắc đạo chứng quả là phạm trọng giới, còn nếu chúng ta thật sự có đắc đạo chứng quả mà mình nói mình đắc đạo chứng quả thì vẫn phạm ưng đối trị. 

Và có thể nói, rất khó khăn để chúng ta biết được một người nào thật sự đã đắc đạo chứng quả hay chưa. Dĩ nhiên ở trong kinh có đề cập đến một số tiêu chuẩn của một vị Thánh Tu Đà Hườn. 

Ví dụ, một vị Thánh Tu Đà Hườn không bao giờ có những hành vi khuất lấp, rất thành thật về đời sống hạnh kiểm của mình, không bao giờ phạm đến tam qui, không bao giờ làm những trọng nghiệp như phạm ngũ giới chẳng hạn. Tuy vậy, chúng ta không thể dựa đơn cử trên một số các hình thức ở bên ngoài mà chúng ta xác định vị này đắc đạo chứng quả.

 Chúng tôi xin thưa về điểm này chúng ta phải hết sức cẩn trọng. Chúng tôi sống ở trong chùa thường thấy hai sự việc mà có lẽ chúng ta phải nên cẩn thận: 

- Một là sự việc liên quan đến xá lợi của Phật, càng lúc càng có nhiều người nói rằng đây là xá lợi và kia là xá lợi, nói nhiều như vậy thật sự không lợi ích cho Phật Pháp mà trái lại rất có hại.
- Một hiện tượng khác đó là có một số người nói rằng vị này đắc đạo vị kia chứng quả v.v.... sự việc như vậy là việc thiếu trách nhiệm là bởi vì không dễ dàng để chúng ta xác nhận một người đắc đạo chứng quả bằng hình thức bên ngoài.

Chúng tôi lấy ví dụ là bà Visakha bà đắc quả Tu Đà Hườn vào năm 7 tuổi khi lớn lên bà vẫn có một đời sống gia đình đời sống vật chất mà người ở ngoài chỉ nhìn thấy thì khó biết đó là một vị Tu Đà Hườn nhưng Đức Phật đã cho biết như vậy. Có thể nói rằng trong rất nhiều trường hợp ngay cả các vị tỳ kheo thời Đức Phật còn tại thế vẫn còn những hoài nghi có những ngờ vực đối với một số các vị giải thoát thì huống chi đối với chúng ta ngày hôm nay. 

Nên về điểm này của câu hỏi thì chúng tôi thưa rằng chúng ta nên cẩn thận. Ở trong kinh sách thì đề cập đến một vị chứng quả nhập lưu thì có những đặc điểm như đã đoạn được thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, niềm tin Tam Bảo là niềm tin bất thối, không bao giờ phạm các ác nghiệp như ngũ giới, vị này không có thái độ che dấu khuất lấp những hành vi không tốt đẹp của mình. Thì đây là một trong những cái đặc điểm của một vị Thánh Sơ Quả và chúng ta được nghe nói trong kinh như vậy nhưng hoàn toàn không nên dùng điều này để đánh giá bất cứ ai tại vì hình thức bề ngoài không đủ để chúng ta xác nhận và chúng ta cẩn thận giống như là đối với trường hợp xá lợi của Đức Phật như vậy ./.

Tuesday, June 24, 2014

Vì hoàn cảnh sống xa cha mẹ từ thuở nhỏ nên rất lẻ loi cô đơn. Làm sao để ra khỏi cảm xúc lẻ loi cô đơn?

Hỏi: Vì hoàn cảnh sống xa cha mẹ từ thuở nhỏ nên rất lẻ loi cô đơn. Làm sao để ra khỏi cảm xúc lẻ loi cô đơn?

(Câu hỏi trong lớp Diệu Pháp, thời giảng kinh Pháp Cú, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng:  Đời sống cảm xúc đối với một số chúng ta là nỗi ám ảnh rất dể sợ. Nhưng thật ra chỉ cần có một số thái độ tích cực thì chúng ta sẽ giảm bớt đi cảm giác đó nhiều, nó có thể thay đổi. Có thể nói rằng đó là một trường hợp rất tự nhiên khi tuổi thơ của chúng ta thiếu vắng tình thương thiếu sự chăm sóc và sự quan tâm của người lớn. 

Dĩ nhiên,  tùy vào cá tính của mỗi người nhưng một trong những đề nghị thường có hiệu quả nhất đó là sự tích cực trong đời sống hàng ngày của chúng ta trong việc an ủi cứu giúp kẻ khác. Không có điều gì hữu hiệu cho chúng ta bằng khi chúng ta cô đơn thì chúng ta hãy giúp những người khác bớt đi nỗi cô đơn của họ, khi chúng ta cảm thấy lẻ loi thì chúng ta hãy mang sự ấm cúng đến cho người khác. 

Nó có một cái gì rất kỳ lạ ở trong đời sống của chúng ta là chúng ta thường có khuynh hướng để giải quyết mọi vấn đề của mình nhưng càng lúng túng với những vấn đề của mình chúng ta càng tập trung vào vấn đề của mình thì chúng ta lại không giải quyết được nhiều thay vào đó thì chúng ta giải quyết những vấn đề cho người khác thì như vậy vấn đề của chúng ta tự lành lặn lấy đặc biệt trên phương diện cảm xúc. 

Chúng tôi biết rằng có rất nhiều người không phải ít mà những người này họ vượt qua những trở lực tinh thần của họ. Lấy ví dụ, họ có làm một việc gì đó mà họ hết sức là hối hận bức rức chẳng hạn lúc cha mẹ còn sanh tiền họ không thể chăm sóc cha mẹ được tốt và thay vì ngồi đó để chỉ hối hận thì họ lại bắt tay vào để giúp đỡ cho những người khác làm thế nào để có thể sống đời sống xứng đáng hơn hiếu hạnh hơn. Về điểm này chúng tôi nhận thấy rằng họ vượt qua sự hối hận của họ rất hữu hiệu. Bởi vì họ đã có thể giải quyết một vấn đề mà nó không bị  ám ảnh mà chúng ta gọi là ám ảnh của chủ thể ám ảnh chủ quan của đời sống khi mà chúng ta giúp đỡ một người khác để giảm bớt nỗi cô đơn hay giảm bớt sự đau khổ thì chúng ta được cái khách quan cái nhìn sáng suốt cái nhìn tĩnh táo và trong cái nhìn này nó sẽ tự nó giúp cho chúng ta chuyển hoá được những xúc cảm nội tại. 

Hầu như đạo Phật nói nhiều về tinh thần đại bi nói nhiều về những sự phục vụ cho tha nhân nhưng chúng ta đừng quên rằng phục vụ cho tha nhân không phải là một lý tưởng đơn thuần mà phục vụ tha nhân còn có khả năng để chuyển hoá đời sống nội tại của mình nữa. Rất nhiều việc trong đời sống hàng ngày chúng ta càng cố gắng để nghĩ đến nó thì nó càng sa lầy nó càng trì trệ và thay vào đó chúng ta hãy tạm quên đi cái chuyện "Tôi" và "Của Tôi", "Vì Tôi". Chúng ta hãy bắt đầu làm một việc gì đó cho người khác và vì người khác thì những điểm này sẽ có kết quả rất tốt. 

Nhưng đây là một đề nghị chúng tôi mong rằng đề nghị này có thể giúp cho đạo hữu được ./.

Monday, June 23, 2014

Nên xét lại chính mình hơn là tìm kiếm lỗi người.

Hỏi: Nên xét lại chính mình hơn là tìm kiếm lỗi người.

(Bài giảng trong lớp Diệu Pháp thời giảng kinh Pháp Cú, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng giảng : Đức Phật Ngài đề cập đến một tánh hạnh con người của chúng ta làm thành thói quen, hay chỉ là tật xấu đơn giản mà thôi. Trong thế gian đó có thể nói rằng bản thân của chúng ta đều có hoặc ít hoặc nhiều. Nhưng Đức Phật cho biết rằng một số thói tật xấu có thể làm nguy hại sự tu tập của chúng ta. Đó là, một người ưa tìm lỗi của người khác sẽ tạo điều kiện cho sự phiền não trong lòng mình tăng trưởng, người đó không thể đắt đạo chứng quả được. 

Hầu như chúng ta ít có nghĩ rằng những tật xấu nhỏ như vậy ảnh hưởng đến trong đời sống chúng ta, nhưng qua cái nhìn của Đức Phật thì tật xấu chỉ nhỏ, nhưng nó thường xuyên xảy ra trong đời sống và nó trở thành một phần quan trọng trong đời sống, lập đi lập lại hầu như ngày nào cũng có, nó sẽ hướng tâm tư của chúng ta đi về một cảnh giới khác hoàn toàn.

Chúng tôi được nghe Ngài Achaan Maha Boowa đã đề cập đến một sự việc: nếu chúng ta nói lời những lời nhảm nhí vô ích, tuy rằng lời nhảm nhí vô ích không hại ai, chỉ là lời nói tào lao mà thôi, lời nói nhảm nhí vô ích cho chúng ta thấy rằng một người không quí trọng thì giờ, và không có quí trọng điều gì có được ở trong cuộc sống, người đó không nhận định được điều gì nên làm và đáng làm. Điều đó cũng chứng tỏ, một người thường nói lời nhảm nhí vô ích tức là người không có mục đích gì quan trọng hơn để làm, do vậy người này tiếp tục nói nhảm nhí vô ích .

Đối với chúng ta, việc nói chuyện tào lao không có lỗi gì nặng như giết người, cướp của, nhưng đối với vị Thiền sinh hành thiền thì điều đó là điều ngăn ngại rất lớn. Ngày xưa cũng vậy, Đức Phật Ngài dạy một người sống mà chỉ nhắm vào lỗi người khác, khi người đó chỉ trích người mà không tự xét lại chính mình và không thấy rõ việc nào là việc nên làm, thì tất nhiên người đó đang làm việc hết sức tai hại, tạo điều kiện cho phiền não sanh khởi. 

Về điểm này phải nói rằng đó là một trong những nguyên nhân tại sao chúng ta sống trong thế giới ngày hôm nay, thế giới đó khiến cho chúng ta gần ác pháp và xa thiện pháp, chúng ta cảm thấy trong một thời đại con người có nhiều quyền tự do, nhất là tự do ngôn luận người ta dễ dàng phê phán, chúng ta thường phê phán rất thoải mái về cách làm việc của các cơ chế chính quyền, phê phán Thầy dạy học của mình, phê phán ông Thị Trưởng trong thành phố chúng ta đang sống, hoặc giả chúng ta phê phán bạn bè. Nhưng sự phê phán chúng ta nghĩ vô tội vạ, tỷ dụ như chúng ta phê phán về cách ăn mặc của người nào đó hợp thời trang hay không hợp thời trang, hoặc giả chúng ta phê phán người này đẹp, người kia xấu, nhưng thật ra phê phán hay chỉ trích như vậy, nó chỉ chứng tỏ cho chúng ta thấy một sự việc, chúng ta rất là nghèo nàn về mặt đời sống nội tại.

Chúng ta hãy nhắm mắt lại để hình dung một hình ảnh, một người đang có một cơ sở thương mại, làm ăn rất tốt, làm ra tiền, chúng tôi lấy vị dụ cụ thể như vậy, do việc làm ra tiền, đời sống rất sung túc, và người đó tập trung hết tinh thần vào công ăn việc làm, người đó không muốn bỏ thì giờ ra để ngồi tán ngẫu, hoặc giả nói ông A bà B, vị này tốt, vị kia xấu, hoặc giả lấy cái gì người khác làm để nói điều thị phi, làm điều để nói hơn thiệt, trong lúc điều đó thật sự không liên quan đến chúng ta.

Ở đây Đức Phật Ngài đề cập đến hai sự việc : Sự việc thứ nhất là một người thường tìm cách chỉ lỗi, chỉ trích người khác, người đó đang tạo điều kiện cho các lậu hoặc phiền não sanh khởi, bên cạnh đó thì mất khả năng tu chứng của mình. 

Chúng ta có thể nói ngắn gọn : nếu một người có tánh hay phê phán hay chỉ trích, thì người đó chỉ có thể tìm thấy cái đúng cái sai của người khác, cho dù lời chỉ trích đó là lời chỉ trích rất tinh tế, cái lỗi người khác thật sự có lỗi như vậy,người khác thật sự dở như vậy, nhưng nếu chúng ta nhìn vào đó để phê phán, chúng ta đang làm một công việc hết sức oan uổng, đó là phí phạm thì giờ của mình, thay vì thì giờ đó mình có thể làm nhiều việc khác. 

Không may cho chúng ta là chúng ta sống trong một nền văn hoá như nền văn hoá Việt Nam, cái gì cũng có thể chê được, và trong nền văn hoá hay chê đó, mình nghĩ rằng khi mình nêu nên một điều lầm lỗi của người khác, có nghĩa mình là người trí thức, mình là người biết chuyện hay chuyện đúng, mình là một người có thể hiểu cái gì đúng, cái gì sai. Nếu trên thực tế chúng ta đóng vai trò kẻ phê phán, phê phán ở đây tức là chúng ta phê phán người khác, nó rất đơn giản cho biết rằng tự thân của chúng ta có rất nhiều điều cần phải thay đỗi, thường mình không thấy được rõ ràng, người ta thường nói "Chân mình thì lấm lê mê. Đi cầm bó đuốc mà rê chân người", tức là chúng ta không có xem xét chính mình, chúng ta chỉ lấy bó đuốt để xoi qua người khác coi có lấm bùn hay không, đó là thói tật chúng ta thường có trong đời sống hàng ngày của mình. 

Đức Phật Ngài dạy đó là điểm rất nghiêm trọng, chứ không đơn giản, bởi vì chúng ta là người tu đạo, ở trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta tạo điều kiện cho phiền não tăng trưởng, và nếu điều đó lại là một sự ngăn ngại cho sự tu tập của mình, nó không phải một việc tầm thường. Như vậy trong quan điểm của người tu tập chúng ta bớt đi chỉ trích, bớt đi phê bình, nếu phải nói thì nói ở mức độ nào đó rất là tình tiết, ngoài ra chúng ta không lấy điều đó là một điều thích thú, lấy điều đó phê phán người khác, để trở thành một chiếc gối ôm ở trong đời sống của mình, nghĩa là nó tha thiết với chúng ta. 

Bởi vì sao? Bởi vì Đức Phật Ngài đã dạy ở đây rất rõ ràng, đó không phải là cách tốt cho cuộc sống của chúng ta. 

Mỗi  người chúng ta dù giầu hay nghèo, dù có quyền thế hay kẻ cô thân, chúng ta chỉ có hai mươi bốn giờ một ngày không nhiều hơn và không ít hơn, và trong suốt hai mươi bốn giờ đó chúng ta sống như thế nào nó xứng đáng, sống như thế nào có ý nghĩa đó là chuyện của mỗi cá nhân, không phải chúng ta là người có bằng cấp thì chúng ta làm cho có nhiều tiện lợi hơn, hay điều đó làm chúng ta thấy có ý nghĩ hơn, Đức Phật dạy rằng nếu chúng ta vận dụng thì giờ đó làm điều gì có lợi, thì điều đó chứng tỏ rằng chúng ta biết được mục đích, biết được cái gì nên làm trong đời sống.

Đức Phật Ngài nêu nên hình ảnh một người hay chỉ trích người khác, hay phê bình người khác, người này có hai điều không có được lợi lạc:
1. Điều không lợi lạc đầu tiên, chính người này đang dọn cái ổ cho phiền não lậu hoặc tăng trưởng. 
2. Điều thứ hai, người này đang ngăn trở trên con đường dẫn đến giác ngộ giải thoát của mình.  

Có thể khi quí Phật tử nghe ở đây trường hợp này, thật sự không phải trường hợp lớn để mà nói, mà giả sử như chúng ta có gặp một người không tu tập mà như thế đó, chúng ta chỉ cười ít khi chúng ta để ý đến, nhưng với một người tu tập thì việc đó rất là nghiêm trọng .

Có một lần chúng tôi nghe một vị danh sĩ nào đó đã viết trong một quyển sách rằng, nếu một người làm việc, hay một người có trách nhiệm với đời sống, mà họ cảm thấy cuộc sống trống trải, cái đó là một sự thất bại. Bởi vì sao? Bởi vì trong cuộc sống mình không có đủ hết thì giờ để làm những việc cần thiết, lấy đâu có dư thì giờ để hoang phí. Một người có trí tuệ là người biết tận dụng cuộc sống mình cho những việc lợi ích, không phải ai ai cũng có. Nên chi trong hàm ý tuy rằng rất gián tiếp nhưng cho chúng ta thấy sự việc rằng một người chỉ biết chỉ trích hay phê phán người khác, người đó không biết rằng chính bản thân mình có rất nhiều điều mình phải tự tỉnh và mình phải tự nhìn lại, chứ không bỏ thì giờ ra để nghĩ về người khác./.

Sunday, June 22, 2014

Một người muốn xuất gia đi tu hoặc tìm đến đạo giải thoát của Đức Phật thì bắt đầu từ đâu?

Hỏi: Một người muốn xuất gia đi tu hoặc tìm đến đạo giải thoát của Đức Phật thì bắt đầu từ đâu? Làm thế nào để đi đến cái gọi là giải thoát sanh tử?  Làm sao để đạt đến đạo quả giải thoát? 

(Câu hỏi trong lớp Diệu Pháp, thời giảng kinh Pháp Cú, Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Đối với chúng ta cuộc tu là một hành trình mà duyên của cuộc hành trình đó chúng ta không thể nói là A là B là C được, có rất nhiều nẻo đến với đạo và không may cho chúng ta thường chúng ta đóng khung với quan niệm nào đó.  Thật ra quan niệm đi xuất gia hay tìm đến một vị Thầy hoặc giả là đọc một quyển sách bất cứ sinh hoạt nào thì cũng chỉ là một trong những cơ may mà qua đó chúng ta có thể khám phá ra một con đường.  

Chúng tôi nhớ có một quyển sách "Câu chuyện giòng sông" khi Tất Đạt những tháng ngày sống với Kiều Lan, Tất Đạt có nói lên một tâm tư giống như một hòn sỏi khi đã bỏ vào trong mặt nước thì tự nó sẽ tìm xuống đáy hồ, khi nó tìm đến đáy hồ, tại vì hạt sỏi đó nó có trọng lực nhất định và nó ở trong thể loảng của hồ nước tự nhiên nó phải tìm đến đáy hồ, chắc chắn như vậy.  Chúng ta cứ nhìn thấy một điều, cái gì mình thích ở trong đời sống này, cho dù mình có bị ngăn cấm đi nữa thì cuối cùng mình cũng sẽ đạt đến nếu mình thấy giá trị của nó.  

Qúi đạo hữu cứ tin tưởng một điều, vấn đề chính không phải vì mình bị chướng duyên, không phải mình bị trở ngại, không phải mình gặp khó khăn, và không phải là mình không biết cách mà vấn đề là mình thật sự mình có tha thiết với nó hay chưa? Và khi mình tha thiết rồi thì thế nào mình cũng tìm cách để đạt đến nó.  

Chúng ta quen theo cái nhìn về cuộc sống giống như người đi học võ học theo đường quyền có bài bản có thứ lớp nhưng khi ra đánh trận khi nhập cuộc thì cuộc đời không thứ lớp, không lớp lang như vậy và chúng ta rất dễ bị những thứ mình học chi phối bản thân mình. Do vậy thỉnh thoảng ở trong các giảng đường chúng tôi bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến một điều là đạo Phật ngày nay người ta học rất dễ để định nghĩa một cách khuôn sáo về một thứ gì đó. 

 Bây giờ, chúng tôi nói với qúi vị: một bản nhạc phải như vầy mới là bản nhạc hay, như vầy mới là bài thơ hay thì thật sự chúng tôi có thể trình bày quan niệm của mình nhưng nếu qúi vị hiểu rằng chỉ có chừng đó mới là bài thơ hay, chỉ có cách đó mới là bản nhạc hay thì thật sự điều đó rất là thiển cận. Tại vì khi nói một bài thơ hay cảm nhận của chúng ta có nhiều phương diện, có người cảm nhận bài thơ hay tại vì cách dùng từ xuất sắc, có nhiều người cảm nhận bài thơ hay là tại vì ý tứ của bài thơ đó có một giá trị, có nhiều người cảm nhận bài thơ hay bởi vì nghĩa rất  sâu xa mà vị thi sĩ đã có thể dùng những ngôn từ giản dị nhất để trình bày, có những người nói một bài thơ hay tại vì ngôn ngữ diễm lệ. Thì chúng tôi nói với qúi vị rằng phải như vậy mới là bài thơ hay, phải như vậy mới là bản nhạc hay thì cách nói đó rất phiến diện.  Thành ra chúng ta phải coi chừng, đặc biệt là phải coi chừng đối với cuộc tu của mình.

Nếu chúng ta đọc vào trong kinh Pháp Cú, thì chúng ta thấy được nhiều câu chuyện về những cá nhân, có những cá nhân rất may mắn như sa-di Tissa, có những cá nhân mà số phận rất là hẩm hiu ở thời gian đầu như  tỳ kheo Radhà, có những cá nhân như Sudhamma là một con người làm nhiều lầm lỗi nhưng rốt cuộc được Đức Phật soi sáng trở về.  

Người xưa có câu "Hoa khai bất chợt bừng gia địa tiết trúng lai thời viên mãn khai", hoa nở không lựa đất nhà nghèo và chúng tôi không bao giờ tin rằng có một khuôn mặt nào đó có một lối sống nào đó, có một nhân duyên nào đó mà nhất định là phải có nhân duyên đó phải có những người đó mới thấy được đạo, cũng giống như là hoa nở không chọn đất nhà nghèo nhà giàu gì hễ đúng mùa đúng tiết thì hoa nở thôi. 

Do vậy cuộc tu của chúng ta là một thứ gì rất tế nhị. Điều quan trọng là chúng ta đừng đặt để cho mình những khuôn sáo và những khuôn sáo đó làm cho chúng ta phải nhìn về một cách hết sức cục bộ hết sức hạn hẹp.

 Cũng như, chúng ta biết một người muốn có công ăn việc làm tốt thì phải có bằng cấp tốt, bằng cấp đó bảo đảm một cái gì đó về nghề nghiệp của mình. Nhưng mà rồi, cũng không có nghĩa nhất thiết những người thành công lớn ở trong đời này đều dựa trên bằng cấp học vị hết, ví dụ như ông Bill Gate,một người được xem giàu nhất thế giới hiện nay, ông chỉ là một người bỏ học nửa chừng. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta đang đi học rồi nên bỏ học nửa chừng rồi mai mốt chúng ta làm giàu, không phải như vậy. Điều đó chỉ nói lên cái bất định của thế gian này và không may cho chúng ta trên con đường tìm về với đạo chúng ta thường đóng khung trong cái nhìn của chúng ta nên nó tạo ra vấn đề.

Bây giờ, khi đạo hữu  hỏi làm sao để giải thoát sanh tử? Làm sao để đạt đến đạo quả giải thoát? 
Chúng tôi một lần nữa nhắc không riêng gì đạo hữu mà tất cả qúi Phật tử có câu hỏi tương tựa, đây là một câu hỏi lớn ở trong đời sống của chúng ta, nếu chúng ta thấy được giá trị của đạo và nếu chúng ta tha thiết thì  người trả lời câu hỏi đó là chúng ta chứ không ai khác. 

Bởi vì sao? 

Bởi vì không ai có thể có một cái mô tả tường tận cho người khác được và bất cứ cái gì chúng ta diễn tả ở đây về những pháp tu nó chỉ như một người đưa ra rất nhiều toa thuốc và nếu may thì trúng bệnh mà nếu  không may thì không trúng bệnh:
 Có  những người họ giác ngộ là bởi vì họ nhìn thấy được sự vô thường của một đóa hoa. 
Có người họ giác ngộ là vì họ nhìn thấy được  bản chất lầm lỗi của mình là sai quấy.
Có người họ giác ngộ là bởi vì họ nghe một buổi pháp thoại có ý nghĩa sâu xa.

Chúng tôi hoàn toàn không có muốn là chúng ta phải có một câu trả lời rất nghèo nàn cho câu hỏi đó. Và câu hỏi đạo hữu đặt ra là một câu hỏi rất lớn, có thể rằng mỗi chúng ta phải tự trả lời cho mình. Tuy vậy nếu chúng ta tha thiết với đạo chúng ta sẽ đặt mình ở trong những hoàn cảnh mà qua hoàn cảnh đó mình có rất nhiều duyên để đến với đạo. Và có thể là từ phước báu của những kiếp quá khứ từ sự thành tâm của kiếp này và từ cái may mắn nào đó mà chúng ta có được. Chúng ta nói trên ngôn ngữ thường thức thì chúng ta có thể tìm thấy được ánh sáng. Nhưng để có một câu trả lời hoàn toàn thoả đáng thì không. Và đạo hữu đừng nghĩ rằng chỉ riêng về đạo hữu mới thắc mắc việc đó mà ngay cả Chư Tăng, ngay cả tất cả những hành giả đang tu tập đều có một câu hỏi tương tựa như vậy và câu hỏi đó là một câu hỏi rất lớn trong đời sống của mình, sự khai tâm của chúng ta nó là một điểm rất tế nhị 

Saturday, June 21, 2014

Biết lắng nghe

Hỏi: Biết lắng nghe

(Bài giảng trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Biết lắng nghe là một cụm từ rất đẹp. Người ta cho rằng một người muốn mở mang tri thức, không phải dựa trên học vị mà dựa trên thái độ hiểu biết và thái độ cầu học của mình. Cho dù một vị lớn tuổi, có học vị rất cao về tri kiến chuyên môn về lĩnh vực nào đó mà người này không còn có khả năng lắng nghe nữa thì sự học bắt đầu thụt lùi. 

Có thể nói rằng lắng nghe ở đây có nghĩa là trong tâm tư của mình lắng đọng những ý kiến phê bình, tất cả những quan niệm chủ quan của mình để tiếp nhận những cái gì được nói và được biết tới từ bên ngoài. Riêng trong Phật giáo có rất nhiều bài kinh đề cập đến điểm này. Ví dụ kinh Hạnh Phúc và kinh Chuyển Nghiệp. 

Trong kinh Hạnh Phúc Đức Phật ngài dạy, một người biết nghe là hạnh phúc tối thựơng, người có khả năng lãnh hội là hạnh phúc tối thượng. Trong bài kinh Chuyển Nghiệp thì chúng ta lại tìm thấy một Phật ngôn đề cập đến những người trong thế gian này mà thường đến gặp các vị Sa Môn, Bà la môn, bậc thiện trí để hỏi điều nào là thiện, điều nào là bất thiện. Và với những câu nghi vấn này, những sự tìm hiểu này thì người đó đang tạo nhân để đời sau sanh ra có trí tuệ. Không phải vì chúng ta đi hỏi và nhận những câu trả lời làm cho chúng ta là người có trí tuệ mà muốn nói một người đem tâm tư mình lắng đọng, đón nhận những cái gì hay, cái gì đẹp từ bên ngoài vào.

Các vị thiền sư Nhật Bản cũng có một ví dụ. Có một người đến thăm một vị thiền sư để hỏi đạo. Nhưng anh này nói huyên thuyên về những đạo lý mình đã được nghe, đã được hiểu. Vị thiền sư chỉ ngồi đó và lấy bình trà rót trà vào ly cho đến khi đầy vẫn không dừng lại. Vị khách lấy tay chận vị thiền sư thì vị thiền sư nói, đầu óc của anh giống như ly trà này, nó không còn có thể chứa đựng thêm được gì nữa. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải ở trong một tư thế có thể đón nhận được, có thể lãnh hội được, có thể lắng nghe thì chúng ta mới có thể cải thiện được cái nhìn của mình, có thể nâng cao tri kiến của mình. 

Nếu chúng ta không còn khả năng để lắng nghe nữa thì chúng ta cô lập với thế giới bên ngoài cho dù chúng ta sống trong đám đông và cho dù chúng ta có là chuyên gia về một ngành nào đi nữa. Thái độ hiểu biết, thái độ cởi mở rất quan trọng.

 Ở đây chúng ta cũng tìm thấy một hình ảnh khác ở trong kinh Phật khi đề cập đến một người biết lắng nghe. Người ta thường nói nếu chúng ta đi xem một vở kịch hay một chương trình văn nghệ để có thể cảm nhận trọn vẹn thì tâm tư chúng ta phải lắng đọng, ít nhất là nó phải yên lặng. Không có đủ tâm tư yên lặng thì chúng ta không thể hấp thụ được một điều gì hết. Chúng tôi trong đời này thật hữu duyên, hữu phúc. Đó là từ nhỏ tới lớn sống gần một số các vị tôn túc, thầy tổ. Chúng tôi cảm nhận rằng quí vị này cho dù rằng tuổi đã cao. Sáu, bảy mươi tuổi, có vị thậm chí tám mươi tuổi nhưng đối với kinh điển, sách vở thì tâm tư của quí vị này lúc nào cũng mới mẻ. Cần thiết gì để cho một vị hòa thượng lớn tuổi mà vị đó phải đọc sách, phải nghiên cứu kinh điển trong khi trong cuộc đời đã tri kíến quá nhiều. Nhưng những vị thầy, những vị hòa thượng mà tôi đã sống trong chùa thì cho dù các ngài ở tuổi nào, đối với kinh sách, đối với Phật pháp, tâm tư của các ngài lúc nào cũng mới mẻ. Các ngài có thể bỏ ra mỗi ngày hàng mấy tiếng đồng hồ để xem một quyển kinh. Mỗi lần chúng tôi nhìn hình ảnh đó, chúng tôi nghĩ là đó là hình ảnh rất đẹp. Người Trung Hoa có đề cập đến một khả năng là một đức tốt của một người cho dù đến tuổi già bóng xế vẫn không chán học, vẫn tìm thấy rằng trong lãnh vực tri thức, tâm linh có nhiều chỗ để học, để lắng nghe. 

Là một vị tỳ kheo mà vị này lúc nào cũng nói năng một cách phi thời, không đúng chỗ, đúng lúc. Nói năng thì nhiều nhưng không chịu lắng nghe, không chịu cải thiện tri thức của mình. Sống giữa tăng nhưng không biết cái gì là hợp tình, hợp lý. Có lắm lúc những người Phật tử phiền hà, phiền hà vì vị này nói những lời không đúng lúc. Ví dụ người ta đang đám cưới, người ta thỉnh chư tăng về nhà cúng dường thì vị này đem chuyện chết chóc, chuyện vô thường, khổ não ra để mà nói. Không phải là ngày xưa mà ngày nay chúng ta cũng gặp rất nhiều người nghĩ rằng hễ Phật pháp là tốt thì chỗ nào cũng nói Phật pháp được. Thật ra không phải như vậy. Có sống trong một ngôi chùa lâu và có sống đời sống tu tập thì chúng ta thấy rắng ngay cả lời nói rất thiện, rất tốt mà nói phi thời thì nó cũng có vấn đề chứ đừng nói chi là một lời nói vô duyên. Điều mà Đức Phật quở trách không phải là sự dốt nát mà Đức Phật ngài quở trách ở đây là thái độ không chịu học, thái độ không chịu lắng nghe, thái độ không chịu tự cải thiện chính mình.

Con người chúng ta đa số thường thương quí bản ngã. Thị dục bản ngã là cái gì căn bản của loài người. Chúng ta thường hãnh diện về trí kiến của mình. Nhưng sự tự hào hãnh diện đó có giá trị tốt hay không tốt thì chúng ta thấy tại đây khi một người tách biệt với thế giới bên ngoài, không còn khả năng hấp thụ những điều hay nữa thì lúc đó quả thật là có vấn đề.

Thì cho dù chúng ta bảy mươi tuổi, tám mươi tuổi mà chúng ta vẫn còn cảm thấy những buổi đàm đạo tuy là rất ngắn gọn, nhẹ nhàng nhưng nó bồi bổ cho tâm linh và những quyển sách tuy rằng những điều rất xưa, rất cũ nhưng vẫn còn giá trị để mình đọc để mình tìm hiểu thì điều đó có nghĩa là chúng ta luôn luôn gìn giữ sự trẻ trung của mình./.