Tuesday, June 10, 2014

Mình nhường nhịn nên họ cố tình làm tới , mình nhẫn nhịn như vậy mình có ích kỷ không?

Câu hỏi: tự nhiếp phục tâm để thắng mình là lời Phật thuyết giảng. Xin cho con hỏi con người giảo hoạt họ biết mình nhường nhịn nên họ cố tình làm tới , mình nhẫn nhịn như vậy mình có ích kỷ không?

(Câu hỏi trong lớp giảng kinh Pháp Cú - Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Có thể nói đem đạo ứng xử với bản thân mình đã khó rồi mà đạo đem vào cuộc đời để mình thay đổi cuộc đời thì đó là một chuyện khó khác. Ở thế gian này có rất nhiều nhà tù, có rất nhiều luật lệ về hình luật, thế mà con người vẫn có bao nhiêu ngõ ngách để làm những việc sai lầm. Một vài cách cư xử của mình thật ra không đủ để chúng ta đánh giá là mình có dung túng hay không dung túng. 

Thật ra, thái độ nhường nhịn chúng tôi không biết có phải là thái độ tự chế tự chủ hay không.  Một con người nhẫn nại là mình không có tự lao vào những cuộc phiêu lưu tranh chấp vô ích, nhưng điều đó không có nghĩa là mình thu lại không biết làm gì hết. 

Nhìn vào hình ảnh của Chư Phật và các đệ tử của Ngài đối với Ma Vương, đối với những thế lực đen tối và đối với cuộc đời thì các Ngài không giống như một người tự mình co rút vào một thế giới riêng. Thậm chí có đôi lúc Đức Phật Ngài dùng hình ảnh con voi đi vào trận phải chịu lằn tên mũi đạn của cuộc đời. 

Về điều này chúng ta có thể nói rằng trong việc tu tập thiện pháp và hành xử cá nhân của một người ở giữa cuộc đời này chúng ta có một số giá trị mà mình tuân giữ điều này là điều tốt điều này nên làm thì chúng ta làm chúng ta giữ thôi chứ không nhất thiết là mình làm điều đó vì mình phải cúi mình trước người khác.

 Dĩ nhiên, trong sự giao tế nhiều khi sự tiến thủ cũng cần. Ví dụ như Đức Phật Ngài dạy rằng một người Tỳ Kheo có thể để cho 5 hạng người ăn trước mình, ở trong đó có vua có tướng cướp v.v... Thì nếu vua và tướng cướp muốn ăn trước mình thì cứ để cho họ ăn trước, lý do là điều đó nói lên khả năng tiến thủ của mình trong sự cư xử. 

Nhưng riêng về sự nhường nhịn thì thật ra rất khó để nói ở tại đây nhường nhịn là như thế nào? Nếu nhường nhịn có nghĩa là mình đi vào cuộc đời ai làm việc gì mình cũng kệ, cũng xuôi tay bỏ mặc thì có lẽ mình sẽ không bao giờ làm được chuyện gì. Nên chi trong cái hiểu đạo  mình thấy tinh thần người Phật tử là cái gì mình tin rằng tốt đẹp, cái gì cần phải làm thì chúng ta cứ làm và chúng ta cứ đi tới tiến tới theo những gì mình tin rằng tốt đẹp. Còn việc có dung túng hay không dung túng, cảm hóa hay không cảm hóa đó là một chuyện khác. 

Không có nghĩa chúng ta làm công việc của mình mà mình có thể cảm hóa được người, cũng không có nghĩa khi chúng ta nhẫn nại  là chúng ta dung túng cuộc đời tại vì cuộc đời giống như gió như mây. Sự nhẫn nại của chúng ta là làm sao để mình khỏi phải bị lệch hướng, mình khỏi bị xao động chứ không có nghĩa sự nhẫn nại của chúng ta là nhằm mục đích gì đó để thay đổi cuộc diện của cuộc đời.

 Phải nhận rằng có nhiều trường hợp sự nhẫn nại và lòng từ của chúng ta cũng cảm hóa được người khác. Nhưng đa phần cuộc đời chỉ là cuộc đời thôi. 

Và lý do mình nhẫn nại, mình kiên nhẫn không phải đơn thuần đó là giá trị về luân lý mà mình biết rằng khi mình nhẫn nại thì con người mình sẽ không mất bình tỉnh, khi mình nhẫn nại con người mình sẽ không bị giao động nhờ như vậy mình có khả năng tồn tại tốt hơn, mình có thể theo đuổi công việc làm mình tốt hơn chứ không có nghĩa là chúng ta nhẫn nại rồi chúng ta tránh sang một bên rồi những công việc gì mình đang làm mình buông xuôi hết và mình để cho người khác làm sao thì làm. 

Thì có thể nói trong việc ứng biến của đời sống trước hết chúng ta chỉ nhìn vào tinh thần chứ chúng ta không thể đem đơn cử ra một vài chuyện ở bên ngoài mà nói được. Tại vì chuyện trong thường thức hàng ngày, ví dụ như có nhiều trường hợp khi mình gặp chuyện gì mà với một cái nhường nhịn nó đỡ gây phiền phức rất nhiều cho mình thì mình cứ nhường, nhưng làm sao khi mình nhẫn nại mà trong lòng mình có thể thanh thản được thì mình nhẫn nại, còn nếu mình nhẫn nại mà trong lòng rất bị áp bức, bị búc xúc thì mình phải đặt ra vấn đề là làm sao mình hóa giải nó bằng cách khác chứ không có đơn giản như vậy. 

Phải nói rằng lịch sử cổ kim đặc biệt trong giòng lịch sử của Phật giáo ở tất cả các quốc gia Phật giáo chứ không riêng gì Việt Nam, không riêng gì Trung Hoa, chúng tôi muốn nói đến Nhật Bản, Tây Tạng, Tích Lan, Miến Điện.  Thái Lan thì ít tại vì Thái Lan là một quốc gia độc lập, nhưng những nước như Tích Lan, Miến Điện ở trong thời kỳ thuộc địa thì chúng ta thấy rõ ràng một điều là những người mang lại nền độc lập cho xứ sở ở trong đó có một đóng góp rất lớn của những nhà Sư, không có nghĩa là điều đó nói lên một điều rằng không phải là một người Phật tử rồi chúng ta cứ nhắm mắt xuôi tai bất cứ chuyện gì của cuộc đời mình cũng né tránh hết. 

Nhưng phải nói đây là một điểm rất khó, không phải là đơn giản, mình không khéo thì chúng ta lại đi từ cuộc phiêu lưu này sang cuộc phiêu lưu khác như "vi nan thậm nan thậm nan" sống trong cuộc đời có muôn ngàn khó khăn nhưng khó khăn nhất của chúng ta có lẽ là chúng ta nắm được tinh thần của đạo tinh thần của lời Phật dạy. Dựa trên tinh thần đó thì chúng ta mới có thể xử sự được đúng mức. 

Thí dụ, chúng ta là một người tu tập lòng từ nhiều khi chúng ta đặt lòng từ ưu tiên, những việc khác thì chúng ta phải để một bên để hun đúc lòng từ của mình. Có những khi chúng ta xem giới là trọng thì kể cả bỏ mạng sống để được giữ giới thì chúng ta cũng làm được. Nhưng  điều đó không có nghĩa là tất cả mọi người đều làm như vậy. Và không có một lời dạy nào của Đức Phật là gắng ép đây là thứ luân lý mà tất cả mọi người đều phải theo. Đức Phật đã chỉ cho chúng ta cái gì hay cái gì dở và chúng ta làm. Cái hay cái dở đó nó về phương diện lý thuyết còn trên phương diện ứng dụng nếu chúng ta hiểu được tinh thần của đạo thì chúng ta thấy dễ ứng xử hơn là chúng ta chỉ đơn cử một vài ví dụ ở bên ngoài ./.

No comments:

Post a Comment