Thursday, June 5, 2014

Xin cho một thí dụ là ngã mạn được giảm thiểu bằng sự liễu tri là thế nào?

Hỏi: Xin cho một thí dụ là ngã mạn được giảm thiểu bằng sự liễu tri là thế nào?

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 5-6-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

ĐĐ Pháp Tín: Nói về sự ngã mạn được giảm thiểu bằng liễu tri thì điều này rất là khó. Chúng ta có thể nhận thức được mình tham, hoặc mình sân, mình nóng nảy bực bội. Thí dụ, chúng ta nóng giận rồi ai đó nói "hở cái là sân hận, hở cái là giận" thì lúc đó mình sẽ nhận ra được liền. 

Nhưng hình thức của ngã mạn chúng ta khó nhận ra, pháp này diễn ra hằng ngày ở trong đời sống của mình. Thí dụ như có người nói "tui nghèo vậy chớ tui mộc mạc tui chất phát lắm" nói như vậy cũng là ngã mạn. Hoặc có những người ngã mạn nó thô hơn.  Chúng tôi nhớ hồi còn đi học phổ thông bên ngoài có anh một anh bạn quen lấy xe đạp chở lối chúng tôi đi lòng vòng ở ngoài đường chơi, khi đi ngang qua rạp hát anh không biết chữ nên không đọc được tựa rạp hát chiếu phim là gì, anh đố chúng tôi thì trong một hai lần đầu chúng tôi cũng trả lời vì chúng tôi tưởng đố thiệt nhưng cuối cùng mới hiểu người này không biết chữ mà thay vì hỏi mình thì mắc cở nên ngược lại hỏi đố mình, có những lúc chúng tôi cũng rắng mắt đọc tựa phim khác với tựa phim của rạp chiếu, anh nghe tưởng là đúng, thì lúc đó mới biết người này không biết chữ. 

Thời nay dù sao thanh thiếu niên cũng có phước báu nhiều hơn chứ hồi xưa lúc trước chúng tôi còn đi học thì ở xung quanh xóm có rất nhiều người không biết chữ, có nhiều người thanh niên lúc đó chúng tôi nhớ rằng là chúng tôi khoảng chừng 14 tuổi mà chơi chung với những anh 20 tuổi hoặc là người ta 17, 18 tuổi, có rất nhiều người không biết chữ. Về điều này chúng tôi cũng ấn tượng rất nhiều. Có anh chàng đó không biết chữ mà học thì ngại người ta cười tại vì lớn tuổi, rồi anh tìm những đứa nhỏ bên cạnh nhà học lớp hai lớp ba, anh mới lấy bản chữ cái anh đố mấy đứa nhỏ chữ gì rồi chúng đọc cho anh nghe và anh nhớ, một ngày anh đố mấy chữ mấy chữ, rồi anh đố người ta cách ráp lại, ngưòi ta đọc cho anh nghe, cuối cùng anh học lóm vậy mà anh học riết về sau anh đọc báo rất nhanh, đọc báo nhiều khi nào rảnh tụm lại chơi thì anh đọc báo, một thời gian anh đọc báo rất nhanh rất rõ, mọi người mới biết là anh tiến bộ một cách rất hay.

Thì qua hai thí dụ trên cho thấy rằng cũng có khi chúng ta ngã mạn mà chúng ta không biết. Nói về sụ học pháp này cũng vậy. Có người chi pháp không biết nhưng e dè mắc cở không muốn hỏi. Có đôi  lúc chúng tôi cũng tự động mình đặt ra và tự mình nói. Chúng tôi nghĩ  rằng, người nào có sự ngã mạn lớn quá thì người đó khó tiến bộ. Tại sao vậy, tại vì cứ nghĩ mình hơn người, cứ nghĩ mình giỏi hơn nguời ta thì làm sao mình học được cái hay cái giỏi của người ta.

 Thí dụ mình muốn đạt được điều, thi bất cứ ai cũng vậy người ta đều học hỏi từ người này đến người kia chứ không phải tự nhiên mà biết được, như mình thấy người kia hơn mình và người kia giỏi về lãnh vực đó nên mình mới học. 

Trong lãnh vực điều hành cũng vậy, khi chúng tôi điều hành công việc ở chùa, mình biết người này giỏi về làm bếp thì xuống bếp làm, người thì giỏi về tiếp tân thì làm việc tiếp tân. Thì nếu chúng ta biết rõ sở trường sở đoản của những người xung quanh mình sắp xếp người ta công việc đâu vào đó thì người ta làm công việc rất là tốt.

 Có những trường hợp không phải là ngã mạn. Thí dụ như, khi mình thành công việc gì mình nhìn lại quãng đường mình đi qua và mình thấy hoan hỉ thì chuyện đó không phải là ngã mạn. Tại vì kết quả có như vậy do sự nỗ lực nên khi mình suy tư điều đó không phải là mình ngã mạn. Còn nếu do những gì chúng ta có sự so sánh muốn mình hơn người hoặc mình bằng người mà cho mình hơn người, như trong trường hợp mình cũng thọ 5 giới người ta cũng thọ 5 giới mình cũng tu người ta cũng tu nhưng mình cứ nghĩ rằng mình tu với vị HT đó cao hơn hoặc mình cứ nghĩ rằng là tuy rằng mọi người cũng 5 giới nhưng mình thì cũng thọ trì 5 giới nhưng mình thọ giỏi hơn hoặc mình hiểu biết nhiều hơn hoặc mình xuất thân từ chùa danh giá hơn thì điều đó là ngã mạn. 

Qua những ví dụ chúng tôi trình bày cho qúi vị nghe thì qúi vị thấy rằng là nếu một người tu tập mình biết được pháp này sanh lên trong tâm của mình thì mình sẽ diệt được bằng cách là mình phải suy tư để cho mình biết rằng là không có cái gì hơn nhau ở thân ngũ uẩn này hết, ai cũng ngủ uẩn hết, ai cũng có sự tu tập nhưng do cái duyên cái điều kiện người có phước gặp được hoàn cảnh tốt người không có phước thì gặp hoàn cảnh trục trặc, một người biết quán xét như vậy dần dần chúng ta đè được ngã mạn xuống rồi từ từ chúng ta tu tập chúng ta thấy rõ những hành động đó mình đang ỷ mình là tôi ta v.v... mình đang có sự so sánh giữa mình với người v.v... thì lúc đó là chúng ta biết được mình có sự ngã mạn, rồi dần dần chúng ta tu tập chúng ta thấy rằng không phải mình giỏi, mà chỉ có danh pháp sắc pháp này thôi do mình nương theo ở đây để mình tạo thiện nghiệp để mình thoát khỏi giòng sanh tử luân hồi v.v... 

Thì khi mình tu tập như vậy dần dần mình mới đè được ngã mạn, rồi khi trí mình sanh khởi đến mức tột cùng thì chúng ta sẽ bứng gốc được sự ngã mạn, cái ngã mạn này coi như vậy nhưng rất khó diệt, chỉ đến khi trở thành một vị A La Hán một vị Thánh tứ quả thì mới hoàn toàn diệt trừ ngã mạn này. Thành ra chúng ta phải cố gắng tu tập, khi chúng ta liễu tri có nghĩa là chúng ta nhìn thấy được mình đang bị ngã mạn chi phối thì chúng ta dần dần mới bớt được, rồi mới có duyên nghiệp để chúng ta đoạn tận được sự ngã mạn ./.

No comments:

Post a Comment