Friday, December 29, 2017

Kinh Mát Lạnh (I) (85) - Kinh Tăng Chi Bộ - Anguttara Nikaya - TT Giác Đẳng

 Kinh Tăng Chi Bộ - Anguttara Nikaya

Kinh Mát Lạnh (I) (85) -

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 22-8-2017

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Bài học hôm nay dịch rất hay nhưng dể hiểu lầm về chữ thanh lương

Chữ thanh lương ở trong chữ Hán có hai nghĩa: 

1) Nghĩa là tốt như lương hảo hay lương gia 
2) Chữ lương cũng là một âm khác nghĩa là mát, thí dụ như lương thủy hay lương phong.

 Ở đây, chữ lương không nghĩa là thanh lương, không nghĩa là tốt. Mà chữ lương nghĩa là mát dịu và sự mát dịu ở đây chỉ cho Niết-bàn, như chúng ta nói "vô thượng thanh lương" chỉ cho sự dập tắt hoàn toàn phiền não. Đối ngược với phiền não là thanh lương là sự mát dịu an tịnh. 

Do vậy chúng ta nên chú ý chữ lương ở đây là một trạng thái, một từ khác chỉ cho Niết-bàn, chỉ cho sự giải thoát, chỉ cho sự lắng đọng phiền não có nghĩa là trạng thái mát mẻ tịch tịnh. 

Bên cạnh đó là một pháp điều tâm. Nói đến trạng thái điều tâm, điều tâm tức là một vị hành giả làm thế nào sống với cuộc sống nội tại của mình qua 6 phương cách được ví dụ như một người đánh xe. Người đánh xe lúc nào nên đánh vào con ngựa, lúc nào nên điều khiển con ngựa, lúc nào nên để con ngựa tự chạy, mình nhìn nó một cách thản nhiên. Đây là những trạng thái đặc biệt chúng ta đã gặp trong Thanh Tịnh Đạo nói về phương pháp tu tập 

Trong cái nhìn thông thường để nói về điều đáng qúi đáng trọng người ta thường hay đề cập đến thứ bậc như học vị hay địa vị, danh vị, một người nói đến tiến sĩ cử nhân, một người nói đến chủ tịch hay tổng thư ký, một người nói đến quyền này quyền kia, đó là cái nhìn của bình thường. Khi chúng ta đi vào trong thế giới của sự tu tập điểm đầu tiên chúng ta biết là nói về trạng thái của tâm hay khả năng dụng tâm, nó có sự khác biệt rất lớn của một người  khi đối diện với nghịch cảnh đâm ra phiền não bực bội và cũng có người đối diện với phiền não đối diện với việc trái ý nghịch lòng thì tâm họ tương đối hòa ái mát mẻ không có nung nấu bởi phiền não không có phản ứng với sự phẫn nộ. 

Đó là điều chúng ta nói trong cuộc sống hàng ngày nhưng khi đi vào trong thế giới của sự sâu lắng, thế giới riêng biệt, thì lúc bấy giờ đặc biệt là người ta nói đến tâm thái tức là trạng thái của nội tâm. Chúng tôi nhớ hồi còn nhỏ có lúc rất mê đọc chuyện chưởng kiếm hiệp của Kim Dung, và trong những tác phẩm lớn của Kim Dung có tác phẩm Tiếu Ngạo Giang Hồ, trong đó có một ý niệm tác giả Kim Dung đã đưa vào trong quyển tiểu thuyết này liên quan đến võ học và liên quan đến kiếm thuật khác đó là kiếm tôngý tông. Kiếm tông thì đặc biệt nói về những đường kiếm nhanh như thế nào chậm như thế nào, khi mà đạt đến ý tông tức là cũng múa kiếm nhưng  không phải theo những cái thế, mà đặc biệt là đạt đến chỗ ảo diệu của dụng tâm. 

Về điểm này, thì đó là một giai đoạn tương đối tế nhị cũng giống như trong binh pháp người ta nói có hai khả năng cầm quân của một vị tướng. Có những vị tướng khi ra trận thì tính toán bằng những con số, địa hình là như vậy, binh lính là như vậy, vũ khí là như vậy, chiến thuật là như vậy. Nhưng có  vị tướng đạt đến mức ảo diệu hơn nhìn thấy thế trận là có thể cảm nhận trận này đánh thua hay thắng, trong Anh ngữ gọi là instinct chúng ta gọi là bản năng, nhưng có chữ khác là intuitiontrực giác, do trực giác chúng ta biết trận này mình đánh thắng hay thua, thì do trực giác ít qua sự toan tính cân đo đong đếm mà trực giác là sự nhận thức của một người lão luyện, khi chúng ta đi vào trạng thái này thì thật sự không dễ dàng để chúng ta hiểu trừ khi giữa người này và người kia cùng trình độ khả năng tâm ý tương thông. 

Cũng thời đọc một quyển sách cũng thời có khả năng ngôn ngữ một người lão luyện quen thuộc với sách vở với đề tài mình đọc thì người này đọc với tâm điềm tỉnh trầm lắng nhưng có người đọc một cách sôi nổi hào hứng và hai trạng thái đó không biết ai hơn ai. Đi hành hương cũng vậy, đi làm phước cũng vậy, có những người đi làm phước bằng tâm háo hức nô nức, cũng có người đi làm phước bằng tâm tương đối điềm đạm thành thạo vì quá quen thuộc và làm. Thì ở đây có một sự đôi co chúng ta nên dụng tâm như thế nào ở trong đời sống tu tập và đây là một bí quyết. Có những người quan niệm mình đi vào thế giới của sự tu tập là mình phải đi vào thế giới đó bằng sự nhiệt thành cũng có người quan niệm mình phải đi vào thế giới đó bằng sự thanh thản vì chỉ đến với Phật Pháp thanh thản thì dễ điềm đạm lắng đọng tâm hồn, nhưng cũng có người nói sự thanh thản đó thiếu chất của nó.

Bài kinh này trả lời rất quan trọng. Trong  Visuddhimagga-Thanh Tịnh Đạo từ đoạn 136 tới 147  Ngài Buddhaghosa đặc biệt dạy về điều này, có 6 công đoạn mà một hành giả phải biết và trong 6 công đoạn này chúng ta có một cách ứng xử khác nhau đối với nội tâm của chính mình:

- Có những lúc tâm cần phải chế ngự tức là phải áp đảo tâm.
- Có những lúc tâm cần được khích lệ.
- Có những lúc tâm cần được thăng hoa.
- Có những lúc tâm cần được bình thản.
- Có những lúc tâm cần ở trong trạng thái hướng thượng.
- Và có những lúc tâm cần hướng vào không tánh. 

Sáu pháp này nếu một người tinh luyện có khả năng xuất nhập tự tại sẽ an trú vào trạng thái nào mà mình muốn.

1 - Áp Đảo và khích lệ

Áp đảo và khích lệ là hai trạng thái đối ngược nhau nhưng đều cần cho tâm. Ở trong pháp trị nước người ta có khoan và nghiêm. Khoan tức là sự bao dung, nghiêm tức là chính sách nghiêm khắc. Trong kinh có câu chuyện, có một vị Chuyển Luân Vương vị vua mới lên ngôi, khi người ta dẫn đến một người ăn trộm nhà vua hỏi:

- Tại sao ngươi đi ăn trộm làm chuyện phi pháp?

Người đó trả lời:

- Tại vì con nghèo nên phải đi ăn trộm.

Nhà vua nghe như vậy sai đem ra một ít tiền:

- "Ngươi hãy cầm số tiền này về làm vốn sinh kế lương thiện đừng đi ăn trộm nữa" 

Nhà vua nghĩ mình đã giải quyết một sự việc giúp cho một người hoàn lương, đã làm một việc rất nên làm, nhưng từ câu chuyện đó được lan truyền đi về sau này có nhiều người ăn trộm tại vì nghĩ ăn trộm sẽ bị vua bắt mà lính của nhà vua bắt vô gặp nhà vua sẽ được tiền để về làm ăn thì như vậy cách tốt nhất nhanh nhất để có vốn làm ăn là đi ăn trộm để được lính bắt. Và khi có nhiều người ăn trộm như vậy nhà vua nghĩ rằng mình cho tiền ăn trộm thì ăn trộm tăng nhiều hơn do vậy mình phải có một biện pháp nghiêm. Khi người ta dẫn đến nhà vua một người ăn trộm nhà vua ra lệnh đem đi chém đầu ở ngã ba đường để làm gương răn đe thiên hạ. Khi nhà vua quyết định không cho tiền những người ăn trộm để họ về làm vốn sanh nhai mà đem chém đầu thì nhà vua nghĩ rằng biện pháp mạnh như vậy sẽ làm cho người dân sợ không đi ăn trộm nữa. Ở trong kinh nói lúc đó khi bắt đầu có sự trừng phạt nghiêm khắc chẳng những người ta không bớt đi ăn trộm mà họ vẫn đi ăn trộm và mang theo vũ khí để đề phòng khi lính bắt họ sẽ tự vệ chống trả được, khi có nhiều đao trượng binh khí thì sanh ra sát sanh tại vì họ mang theo binh khí khi họ ăn trộm họ đánh đập giết người chủ nhà, và khi sát sanh nhiều thì bao nhiêu tệ nạn xảy ra. 

Ở trong lịch sử Trung Hoa có hai nhân vật chủ trương pháp trị giống như ngày nay bên Hoa Kỳ họ theo chánh sách Law and Order - Luật Pháp và Trật Tự đó là Vệ ƯỡngVương An Thạch. Đời chiến quốc thì Vệ Ưỡng là một pháp gia chủ trương là dùng luật lệ rất hà khắc và về sau này An Thạch  cũng vậy nhưng cả hai nền pháp trị đó đều thất bại. Do vậy để tạo ra sự quân bình lúc nào cần khoan thì khoan lúc nào cần nghiêm thì nghiêm. 

Nó là một nghệ thuật, như dạy con nếu nghiêm khắc quá con không nhận được tình thương của cha mẹ nhưng nếu thương con quá thì con cũng hư. Do vậy Đức Phật dạy đối với tâm của chúng ta, lúc nào cần áp đảo thì áp đảo lúc nào cần khuyến khích thì nên khuyến khích. 

Hai cặp đầu tiên này sự quân bình rất khó, cần phải cẩn thận tại vì bản thân của hành giả ít có đối xử với tâm của mình phải chăng, chúng ta thường rơi vào cực đoan là hễ mình chế ngự tâm mình thì lúc nào cũng đàn áp mà mình khích lệ tâm mình thì lúc nào cũng nuông chìu nó. 

Thì ở đây Đức Phật nói biết lúc được khích lệ và biết lúc nên áp đảo. Giả xử như trong trường hợp tâm mình giải đãi nhiều quá hoặc giả tâm của chúng ta mông lung thì đó là lúc chúng ta cần áp đảo, nhưng khi tâm chúng ta suy sụp tâm chúng ta bị buồn nản thì đó không là lúc nên áp đảo mà lúc đó chúng ta nên khích lệ tâm của mình.

2. - Hân Hoan và Trú Xả

Hai pháp tiếp theo có những lúc trong sự tu tập chúng ta cần hân hoan nhưng  có những lúc trong sự tu tập chúng ta cần bình thản, trong bài kinh này gọi là trú xả là bình thản. Trong Thanh Tịnh Đạo đề cập đến hình ảnh của một người đánh xe khi lấy trớn khởi hành thì cần hô cần hét cần làm sao cho con ngựa phấn chấn đi tới, nhưng một khi đạt được vận tốc bình quân vận tốc mình cảm thấy được rồi thì nên giữ yên như vậy và đừng can dự nhiều.

 Thí dụ mình thành lập một tổ chức sinh hoạt ở trong chùa hay trong giai đoạn nào đó thì mình phấn khởi nhưng không phải phấn khởi hoài đến một giai đoạn bảo hoà giai đoạn cần làm mọi việc bằng cái nhìn tương đối nhẹ nhàng nhất trú xả nhất không có huyên náo. Chúng tôi nhớ hồi mới  thành lập chùa có Ngài HT về chùa Phật tử cứ lui tới hoài mà lui tới thời gian chúng tôi không làm được gì hết cứ vài ba giờ đồng hồ có người lui tới phải ngồi nói chuyện mất nhiều thì giờ, thì đến giai đoạn nào đó mình phải bảo hoà, bảo hoà ở đây là trạng thái trú xả tức là nếu chuyện đó đã chạy rồi, nếu chuyện đó nó đã tự nó tiếp tục được rồi, nếu chuyện đó đã bắt chớn được rồi thì mình nên giữ tâm tương đối, tương đối là nhẹ nhàng để mắt nhìn không có buông lơi nhưng không có hào hứng quá. Thành ra giữ sự hân hoan và tâm bình thản là hai trạng thái đều cần, không phải lúc nào mình cũng nồng nàn không phải lúc nào cũng nhiệt tình mà có đôi lúc chúng ta cũng cần có trạng thái bảo hòa, trạng thái thanh thản.

3. Trạng thái hướng thượng và trạng thái hướng về Niết-bàn

Cặp thứ ba cũng là hai trạng thái đối lập, một trạng thái là hướng thượng gọi là tầm cầu cái cao qúi và một trạng thái khác gọi là hướng về Niết-bàn tránh thân kiến. 

Ở đây chúng ta lấy ví dụ, là một thời gian nào đó đi học thì người ta nên tha thiết sẽ học ra trường để làm ông này bà kia được làm chức này chức khác, nhưng nếu một người sau khi thành tài đỗ đạt rồi mà lúc nào cũng nghĩ đến địa vị, lúc nào cũng nghĩ đến mình là ai thì chúng ta sẽ gặp rắc rối là tại vì quá nặng về danh quá nặng về địa vị thì chúng ta sẽ khổ. Hành giả có những giai đoạn nên nghĩ đến cái gì đẹp cái gì cao cả cái gì tốt, và khi chúng ta có cái đẹp có cái cao cả chúng ta cần rất cẩn trọng tại vì nếu không chúng ta sẽ rơi vào thân kiến, nếu không thì chúng ta sẽ rơi vào chuyện là muốn đánh bóng bản ngã của mình, ưa chuộng tự ngã của mình và cái ngã tính trở thành một chướng ngại. 

Đây cũng là điểm tế nhị khác, rất là khó tại vì làm thế nào mà con người có thể hướng thượng, hướng thượng là gì? Là mong cho mình được tốt hơn được đẹp hơn nhưng trong cái mong cho mình được tốt mong cho mình được đẹp hơn thì cũng phải né tránh một điều là làm sao không rơi vào  ngã chấp không rơi vào chấp thủ "đây là tôi, đây là tự ngã của tôi" chuyện vừa làm cho mình được tốt làm cho mình được đẹp làm cho mình được an trú vào thiện pháp, đồng thời làm sao để tâm của mình không ngã chấp không nghĩ rằng "đây là ta, đây là của ta, đây là tự ngã của ta" thì đó cũng là vấn đề. 

Bài kinh ngày hôm nay Đức Phật đặc biệt Ngài dùng từ "sītibhāva

sīti là mát lạnh
 bhāva là trạng thái
 sītibhāva là một trạng thái thanh lương

Trong bài kinh này dùng chữ "vô thượng thanh lương", từ vựng này là từ vựng khó hiểu đối với người bình thường. Như trong tiếng Anh có chữ cool  người Mỹ hay nói "you cool" để chỉ cho một người có một sắc thái độc đáo một người chúng ta tạm gọi trong cụm từ "hư trần bất nhiễm trần" tức là mình sống trong thế giới đó nhưng mình không bị ảnh hưởng với thế giới đó mình giữ được bản sắc của mình. Và chữ vô thượng thanh lương ở đây chỉ cho một trạng thái mát mẻ không bị nhiệt não về phía bên này nhiệt não phiá bên kia.

Chúng ta thấy khi đi sâu vào thế giới của nội tại, đi sâu vào thế giới của tu tập, ngay cả cái tốt nhất của mình thì mình vẫn có thể bị rơi vào cạm bẫy, ngay cả nỗ lực của mình cũng có thể rơi vào cạm bẫy, để có thể lèo lách có thể đi băng ngang qua một nơi có nhiều tảng đá ngầm thì đó là cái khéo. 

Ngày xưa có câu chuyện, có những người thông thạo địa hình cất nhà trên một hòn đảo chung quanh có rất nhiều tảng đá ngầm, chỉ có họ mới có thể chèo thuyền đi vào bên trong đảo, người không biết thì đến đó dễ va vào đá ngầm và rất là khó vào đó được vì nước ở trên nhìn thấy bằng phẳng nhưng những đá ngầm ở dưới  không thể thấy được. Ngay cả hải quân Hoa Kỳ thỉnh thoảng bị tai nạn xảy ra ở gần bãi biển Nhật Bản vì bị mắc cạn, một chiếc tàu chiến khu trục hạm có bao nhiêu là máy móc mà bị mắc cạn là chuyện khó nghĩ nhưng chuyện đó cũng có thể xảy ra được trong thời đại này. Thì đối với tất cả chúng ta để tránh cảm bẫy rất là khó ở trong đời sống tu tập. 

Ở đây, Đức Phật đề cập đến 6 pháp này Ngài cho chúng ta biết mỗi một pháp đều có cái lợi và hại đòi hỏi cái khéo của chúng ta.

 Cặp đầu tiên Đức Phật dạy phải biết áp đảo áp chế tâm mình nhưng cũng phải biết lúc nào nên khích lệ tâm mình, mình nuông chìu quá nó cũng hư mà mình đàn áp nhiều quá nó cũng hư. Chẳng hạn, có những vị cha mẹ con làm gì sai thì đánh, đánh riết đứa nhỏ khờ, và có nhiều bậc cha mẹ chìu con quá, thật ra các bậc cha mẹ  dạy con nên có khoan có nghiêm, ngày xưa người ta có lý tưởng là cha mẹ là đấng nghiêm từ, mẹ thì rất thương yêu con là từ mẫu và cha thì rất nghiêm khắc gọi là nghiêm phụ, chữ nghiêm từ chỉ cho hai trạng thái vừa thương vừa cưng con nhưng vừa nghiêm nhưng không có khắc nghiệt, làm thế nào có cả hai vừa từ và vừa nghiêm thì con mới lớn lên một cách lành mạnh được. 

Tâm của chúng ta cũng vậy, ở đây Đức Phật dạy biết lúc nào nên áp đảo và biết lúc nào nên làm tâm phấn chấn, khích lệ tâm của mình, đó là sự tế nhị.  Biết lúc nào nên hân hoan và biết lúc nào nên hành xả. Hân hoan nghĩa là làm cho tâm phấn chấn, nhưng trú xả tức là nếu chuyện đó nó đã phất rồi thì mình đừng can thiệp vào nữa nên để tuần tự cho nó đi tới từ từ, tại vì một khi nó bộc phát rồi mình còn làm thêm nữa thì nó lại dư thừa cái dư thừa đó nó lại khiến cho đời sống của mình xáo trộn thêm. Thí dụ, ngày xưa một máy xe vận hành thổi càng nhiều xăng vào trong máy  thì máy mạnh nhưng thổi nhiều xăng nó dư không cần thiết và tạo ra ô nhiễm vì khói xăng và tốn kém xăng. Ngày nay người ta tạo ra hệ thống tự động để điều chỉnh lúc nào máy đã có trớn rồi không cần thiết phun thêm xăng vào, máy chạy ít xăng hơn và không gây ra ô nhiễm vì khói xăng. 

Đối với chúng ta có những lúc nên để tâm mình phấn chấn, mình làm việc đó mình nên hân hoan, làm việc đó mình nên có sự hào hứng, nhưng có những lúc nên để cho tâm của chúng ta thanh thản, nên để tâm chúng ta lắng đọng. Một người ngồi thiền mà hăng hái quá, lúc nào cũng mê ngồi thiền thích ngồi thiền quá, ngồi thiền giống như ghiền thì thật sự không có ngồi thiền được, ngồi thiền là phải trầm lặng phải thanh thản. Thành ra biết được lúc phải thanh thản, biết lúc hân hoan đó là một nghệ thuật. 

Nhưng chúng tôi nghĩ trạng thái sau là trạng thái khó nhất, tức là cặp sau cùng là trạng thái hướng thượng và trạng thái an trú vào không tướng tức là không có thân kiến. Hướng thượng là mình nghĩ làm sao để mình được tốt được cao qúi, nhưng khi mình được cao qúi, "ai cao qúi", "là tôi là ta" đó là vướng vào ngã chấp thì cũng sai.

 Nhưng nếu ở trong đời sống cái gì cũng nghĩ rằng cái này "không phải là tôi, không phải là của tôi, không phải tự ngã của tôi, tất cả đều là không hết" thì đó cũng là vấn đề, tại vì chúng ta không có thành tựu đến đỉnh điểm của sự tu tập không thành tựu cái tốt đẹp của sự tu tập. Thì như vậy giữa sự hướng thượng giữa sự tự làm cho mình cao qúi vượt khỏi ngã chấp  lại là một sự không đơn giản, nó là một điểm tế nhị.

Bài kinh hôm nay Đức Phật đề cập chữ "sītibhāva" và ở đây chúng ta dịch là sự "thanh lương" tức là sự mát mẻ, ở đây là "tối thượng thanh lương" là đạt đến một trạng thái đôi khi trong tiếng Anh dùng chữ "cool" mình không dịch chữ "cool" được, chữ "cool" mang nặng tánh chất văn hóa xã hội vừa độc đáo vừa cá biệt vừa không bị ảnh hưởng và nó tạo cho chúng ta thấy được ở trong thế giới của cảnh giới tu tập thì ở trong cảnh giới đó đôi khi đòi hỏi chúng ta phải "cool" như vậy, tức là biết ứng xử một cách hợp tình hợp lý. 

Tính ra là 6 pháp nhưng chúng ta có 3 cặp và mỗi một cặp nó đều có một cái sự đối xứng mà chúng ta cần:

 - Biết lúc nào nên chế ngự nên áp chế tâm, biết lúc nào nên khuyến khích tâm.

- Biết lúc nào nên hân hoan, biết lúc nào nên trú xả.

- Biết lúc nào nên làm cho mình được cao qúi, và biết lúc nào nên an trú vào cảnh giới của không tướng mà không có ngã chấp.

Thì điều đó đòi hỏi sự quân bình. Quân bình là một nghệ thuật, cái gì cũng vậy, giữa cái cực đoan bên này và cái cực đoan bên kia nó chỉ là một đường tơ kẻ tóc, giữa hai cực đoan là trạng thái trung đạo điểm nằm giữa nó chỉ là đường tơ kẻ tóc nhưng ai biết được cái đường tơ kẽ tóc là người đã nắm được cái chìa khóa của sự tu tập./.

Sunday, November 26, 2017

Kinh Ngày và Đêm - Tăng Chi Bộ - Chương 6 VIII. - TT Giác Đẳng

Tăng Chi Bộ - Chương 6
VIII. Phẩm A-La-Hán
(X) (84) Ngày và Ðêm

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 21-8-2017

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Bài kinh này là bài kinh cuối cùng của phẩm Alahán. Alahán là bậc vô sanh, là  Ứng Cúng, là bậc hoàn toàn giải thoát. Trong phẩm này Đức Phật đề cập đến nhiều pháp và những pháp đó cho chúng ta thấy sự tương phản giữa đời sống của bậc giải thoát và đời sống của một phàm phu, đời sống của một người hướng cầu giải thoát và đời sống của một người đang thối đoạ đang đi xuống. Sự tương phản đó cho chúng ta nhiều bài học rất quan trọng về cuộc sống. 

Trong bài học hôm nay, một lần nữa Đức Phật đưa ra 2 hình ảnh tương phản: một là đời sống được thăng tiến trong thiện pháp, hai là đời sống thối đọa trong thiện pháp. Tức là đời sống đi lên và đời sống đi xuống, đời sống có tiến bộ và đời sống bị tổn giảm.

Tựa đề bài kinh là Kinh Ngày và Đêm (Rattidivasa Sutta). Ngày và Đêm là một cách nói như ngày hôm nay chúng ta nói trong 24 giờ trọn cuộc sống của chúng ta bao gồm bất cứ khi nào bất cứ lúc nào các hành hoạt của chúng ta đi đứng nằm ngồi, ăn uống ngủ nghỉ sinh hoạt. Với 6 pháp chúng ta có thể thấy mình đang bị thối đọa và với 6 pháp mình đang được thăng tiến.

Ba pháp đầu tiên, pháp thứ nhất ở trong đó gồm 3 pháp nhỏ, nhưng 3 pháp nhỏ này được xem như là 3 góc của một phiến đá và 3 pháp này đi chung nhau, 

1. Pháp thứ nhất, Gồm nhiều ham muốn, hay phiền lụy và không tri túc

Nhiều ham muốn là mình luôn luôn muốn cái gì tốt nhất, cái gì nhiều nhất, và cái gì hài lòng nhất, cái đó gọi là nhiều ham muốn.

 Ví dụ như đời sống của một người cư sĩ bình thường đi làm việc có tiền mua xe thì mua xe tốt nhất, ở nhà thì nhà tốt nhất, mặc bộ đồ cũng tốt nhất. Cái tốt nhất của mình là mình đạt đến cái gì mình nghĩ rằng có thể hãnh diện nó là đặc biệt là tốt, nhưng đó là đời sống của một người không tu tập một người cư sĩ tại gia một người cư sĩ đi làm.

Một vị xuất gia những cái gì mình xử dụng trong đời sống là của đàn tín cúng dường. Thí dụ họ cúng cho mình một đôi dép thì cũng không thể người xuất gia đòi hỏi một đôi dép phải là tốt nhất, hoặc cúng dường bộ y cũng không thể đòi hỏi bộ y tốt nhất, và nếu cái gì mình cũng mong cầu là được tốt nhất thì ở đây Đức Phật dạy đó là mahaicchā tức là đòi hỏi quá đáng, đòi hỏi nhiều. Đòi hỏi quá đáng, ở đây dịch là nhiều ham muốn 

Maha nghĩa là lớn
 Icchā nghĩa là đòi hỏi

Người ham muốn cái gì cũng nhất, cũng đặc biệt, cái gì cũng là thiệt là tốt thì người đó thường bị bực bội, bị bất mãn (vighàta) tại vì mình muốn nhiều quá mà không được đâm ra bực bội. Có những người phiền hà cả ngày, tâm  không vui vì muốn được cái này cái kia mà không được nên khó chịu. Ví dụ một vị tỳ kheo được vị cư sĩ mang thức ăn đến cúng dường mà nếu thức ăn  không vừa lòng thì nhăn nhó giống như người ta đụng chạm gì đến mình nhưng thực ra chỉ vì món ăn không vừa ý mình làm mình bực bội. Hay là người ta cúng dường bộ y không như mình mong mỏi nó tốt mà nó không tốt mình đâm bực bội, hoặc giả có trăm thứ bực bội thì cái phiền hà phiền lụy  bực bội đó là vighàta.
Và một góc khác của một vấn đề là không có tri túc (asantuṭṭhi) là mình không thoả mãn không hài lòng mình không dễ dàng chấp nhận một cách thoải mái những gì mình có trong tứ vật dụng như y phục, chỗ ở, thuốc men. 

Nhìn lại 3 pháp này, ham muốn nhiều quá thường dẫn chúng ta đến bực bội khi mà cái gì muốn có mà mình không được, sự bực bội đó sự ham muốn đó nó có góc cạnh khác cho chúng ta thấy rằng chúng ta không có tri túc, một người tri túc là người bằng lòng với cái gì phát sanh đến cho mình, lấy ví dụ như đến giờ ăn cơm ngày hôm đó là một ngày vị thí chủ tương đối nghèo, họ mang thức ăn đạm bạc đến thì mình vẫn ăn và ăn một cách rất ngon lành chứ không chê là tại vì nghĩ rằng người ta có lòng mang đến cho mình và sự cúng dường của họ là sự phát tâm, mình có ăn là hoan hỉ rồi đó là sự tri túc. Hay hoặc giả đời sống mình cái gì mình có mình nên vui với nó. Có những người trong đời sống họ không bao giờ vui với cái gì mà mình có, lúc nào cũng nghĩ cái tốt hơn và đem cái tốt hơn để so sánh và do vậy không vui với cái hiện tại, nhưng đời sống của một vị tu tập nên tập tri túc. Như y áo để mặc, thực phẩm để ăn có ở mức độ nào đó không đói không lạnh như vậy mình cũng hoan hỉ rồi, thì đó là sự tri túc.

Do vậy pháp đầu tiên cho chúng ta thấy có 3 góc cạnh tạo thành hình tam giác, nó giống như 3 góc của một phiến đá là ham muốn quá độ, hay phiền hà bực bội và không tri túc. 

Người không tri túc thì luôn luôn muốn thêm không bao giờ thấy đủ và người không tri túc luôn luôn bực bội những gì mình đã có và 3 pháp này chúng là 3 góc của một phiến đá nó liên kết nhau. 

Đức Phật dạy chúng ta sống một trong những yếu tố của một vị tu tập là dễ nuôi, dễ nuôi là đừng làm khó người khác về cái ăn cái mặc cái ở của mình, có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít, có ngon ăn ngon, có dở thì ăn dở. Đôi khi chúng ta hay chú trọng đến những gì mình ăn, nhưng thật sự cách mình ăn rất quan trọng, mình ăn như thế nào mà mình không làm phiền hà người khác, không gây khó khăn người khác, ăn thế nào mà nó không phải là chuyện tạo nên vấn đề lớn khiến cho người khác phải nhọc sức về mình. Thật tình mà nói thì thí dụ như chúng tôi xuất gia qúi Phật tử đến chùa qúi Phật tử rất là lo lắng qúi vị tìm cái gì đó thích hợp với Chư Tăng đó là tấm lòng của qúi Phật tử nhưng riêng với đời sống của Chư Tăng thì đúng nghĩa đời sống samôn là một vị khất sĩ không phải là một người lựa chọn, một vị khất sĩ là người sống dễ dãi.

 Đức Phật khi là một vị hoàng tử Ngài rời thành Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ) vào ngày trăng tròn thángVesak. Ngày hôm sau Ngài từ giả Channa (Xa Nặc) người hầu của mình,  Xa Nặc đã lên ngựa Kiền Trắc trở về thành Ca Tỳ La Vệ mang những vật trang sức áo mão thì lúc bấy giờ Đức Bổn Sư của chúng ta ngay trong ngày đầu tiên Ngài với chiếc bình bát trên tay đi khất thực trong làng, người ta đặt vào đó những thực phẩm mặn có, ngọt có, ngon có, dở có, sạch có, dơ có, Ngài trở về dưới gốc cây, ở trong đời Ngài từ nhỏ cho tới lớn 29 năm trong khuôn vàng điện ngọc chưa bao giờ Ngài thọ thực những thức ăn gọi là hỗn tạp nhiều thứ nhiều mùi vị khó ăn như vậy và trong kinh diễn tả lúc đó cảm giác lợm giọng muốn mửa, có lẽ Ngài cảm thấy muốn lợm giọng nhưng mà rồi Ngài bằng tất cả nghị lực của Ngài quán tưởng và Ngài tự nhủ với chính Ngài đây là thực phẩm mà Ngài sẽ ăn từ đây cho đến trọn đời. Sự tự nhủ rất đẹp và Ngài đã ăn hết thực phẩm đó. Buổi tối hôm đó Ngài đã ngủ dưới một gốc cây không có người hầu, không có người canh gác, Ngài ngủ như một vị tu sĩ lang thang ở giữa núi rừng không có chỗ nào để trú. Và chúng ta hãy nghĩ Ngài là một ông hoàng chưa bao giờ gót chân son của Ngài đi chân trần bây giờ Ngài đi bằng chân không và Ngài đã sống như vậy cho đến khi Ngài viên tịch, hình ảnh đó nhắc nhở chúng ta một cái gì rất cao cả ở trong một nếp sống mà một khi mình tu tập đó cuộc sống tất nhiên. Ngày hôm nay đôi khi chúng ta đòi hỏi hơi nhiều khi mình vào trong một tu viện, một ngôi chùa hay một thiền viện thì chỗ ăn như thế này, chỗ ở như thế kia. Khi mà sự kỳ vọng nó làm cho chúng ta không dễ nuôi, đời sống đi tu là người ta sống được thì mình phải sống được, người ta sống thế nào thì mình sống thế đó trừ khi trong người có bịnh thì Đức Phật cho phép nên lựa cái gì thích hợp, nên yêu cầu gì thích hợp, nếu chúng ta bình thường thì yếu tố dễ nuôi là một yếu tính quan trọng của đời sống tu tập. 

Và chúng ta nhớ một điều rằng nếu mình không tri túc thì hai pháp khác cũng đi kèm đó là nhiều ham muốn và nhiều bất mãn, mình không hài lòng cái mình có thì lại muốn những thứ khác và muốn không được thì đâm ra bất mãn. Thật ra nó là 3 góc của một phiến đá và 3 pháp đó luôn luôn đi chung với nhau.

2. Pháp thứ hai: có niềm tin. 

Niềm tin tạo cho chúng ta một sự nhắc nhở, mỗi chúng ta đều là phàm phu, mỗi chúng ta đều có những giây phút sống giải đãi, mỗi chúng ta đều có những giây phút bị phiền não chi phối nhưng chính niềm tin đưa chúng ta trở về với những giá trị cao cả. Chúng ta đi vào các ngôi chùa thường đến lạy Phật bằng niềm tin, chúng ta đi vào những nơi tôn nghiêm với sự cung kính bằng niềm tin. Thí dụ, một vị tu sĩ xuất gia hay một vị cư sĩ khi lên chánh điện đó không phải là chỗ mình ngồi nói chuyện phiếm, cũng không phải là nơi mình bàn những chuyện không đâu ra đâu, khi mình lên chánh điện phải biết đó là nơi thờ Phật giữ tâm rất cung kính. Một điều chắc chắn như vầy là nếu chúng ta vào trong chánh điện chúng ta nói những chuyện không đâu ra đâu nhất là gây gỗ trong chánh điện thì lát nữa tại chỗ đó mình qùy lạy Phật tâm mình không thành kính, nhưng nếu chúng ta bước vào trong chánh điện mình nghĩ rằng đây là nơi thờ phượng Đức Phật bằng tất cả sự tôn kính, nói nhỏ lại vừa đủ nghe nếu cần, và ngồi một cách trang nghiêm thì chỗ trang nghiêm đó sẽ làm tâm của chúng ta được trang nghiêm và chúng ta tụng kinh tốt hơn, chúng ta sẽ ngồi thiền tốt hơn tại vì ở đó có niềm tin thể hiện trong đời sống chúng ta là chúng ta có làm phước. Niềm tin ở đây là niềm tin ở tam bảo, niềm tin ở nghiệp báo, niềm tin ở Chư Thiên. 

Ngày hôm nay có nhiều người niềm tin của họ là chuyện gì cũng tin vào phong thủy, không tin vào Tam Bảo, cái gì cũng tin vào thầy bói. Ngay cả chúng tôi sống ở chùa có những người Phật tử vào chùa nhiều khi họ không quan tâm đến cầu nguyện nhiều mà cứ nghĩ đến chuyện làm phong thủy. Nó khổ là niềm tin đó ảnh hưởng chúng ta. Chúng ta phải có chánh tín, chúng ta phải có niềm tin mạnh mẽ ở Tam Bảo, tin ở phước báu, tin ở Chư Thiên và niềm tin đó là một sự nhắc nhở sẽ làm cho chúng ta trở lại với cái giá trị tốt đẹp sau những giây phút giải đãi trong cuộc sống của mình.

Ngài Ajahn Chah và rất nhiều vị Thiền Sư thường nhắc nhở rất kỹ là khi mình lên pháp xá trước khi ngồi thì lạy Phật 3 lạy, và buổi tối chánh điện ở hướng nào thì quay về hướng đó lạy Phật 3 lạy rồi đi ngủ, ở trong phòng tuy chỉ có một mình nhưng sự lạy Đức Phật đảnh lễ Đức Phật thường xuyên làm chúng ta tăng trưởng niềm tôn kính, và điều đó củng cố đức tin của mình. Hoặc giả khi chúng ta trong cuộc sống gặp những khó khăn thay vì mình sợ hãi, khi gặp khó khăn thì mình bực bội bất mãn, hay khi mình gặp khó khăn mình gọi điện thoại mình nói chuyện tâm sự người này người kia, thì chuyện gặp khó khăn với một người có niềm tin việc đầu tiên mình nghĩ đến Tam Bảo.

 Chúng tôi ở với Ngài Hộ Giác thỉnh thoảng nhiều khi gặp những chuyện khó khăn trong đời sống, nhất là làm việc giáo hội, chúng tôi phải nói là làm việc trầy da tróc vẩy chứ không thường và khi làm việc khó khăn như vậy chúng tôi lên chánh điện tụng kinh, và sau khi tụng kinh chúng tôi chia phước đến Chư Thiên, đó là thái độ của niềm tin, chúng ta sống mà không có niềm tin mạnh mẽ thì mình dễ trôi dạt, niềm tin là định hướng cho mình sống, mình tin vào Tam Bảo.

 Ngài Ajahn Sumedho là một tăng sĩ người Mỹ, một điều chúng tôi rất kính Ngài là khi chúng tôi gặp Ngài ở Bangkok Thái Lan, chúng tôi nói chuyện với Ngài là đời sống của chúng tôi có nhiều khó khăn, lúc đó Ngài khuyên Ngài nói khi Ngài qua Thái Lan thời gian đầu Ngài gặp nhiều chuyện đôi khi Ngài không biết làm gì nữa nhưng Ngài cứ niệm câu tam quy:

Buddham saranam gacchami,
Dhammam saranam gacchami,
Sangham saranam gacchami

là 
con về nương tựa với Phật,
con xin nương tựa với Pháp,
con xin nương tựa với Tăng.

Khi gặp khó khăn mình tự nhắc lấy mình là:

 con xin nương tựa Phật
 con xin nương tựa Pháp
 con xin nương tựa Tăng. 

Sự nhắc nhở đó lợi cho mình cảm thấy vững lòng, và khi mình có được niềm tin mạnh mẽ thì đó là năng lực vô hình. Người  biết Phật Pháp, có quy y Tam Bảo mà không xem Phật Pháp Tăng là nơi nương tựa thì thật sự rất đáng tiếc tại vì mình mất đi chỗ tựa rất lớn. Một đứa con còn nhỏ khi gặp chuyện gì nguy hiểm cũng kêu mẹ cha tức là nghĩ tới chỗ nương tựa có cha có mẹ thì bình an cảm thấy ấm áp. Đời sống tu tập cũng vậy, khi gặp khó khăn hãy niệm Tam Bảo.

 Buddham saranam gacchami, 
Dhammam saranam gacchami,
Sangham saranam gacchami

con về nương tựa với Phật,
con xin nương tựa với Pháp,
con xin nương tựa với Tăng.

Trong kinh dạy rằng: con người thường đi đến các cội cây các miếu đền để nương tựa, nhưng những ai nương tựa Phật nương tựa Pháp nương tựa Tăng tìm thấy sự nương tựa cao qúi. Mình tu tập thì phải có đức tin, đức tin rất quan trọng.

3. Pháp thứ ba, có giới hạnh

Đời sống của chúng ta phải có nguyên tắc cái gì mình làm được, cái gì mình không làm được. Những nguyên tắc này dựa trên giới bổn Đức Phật Ngài dạy cho chúng ta. Cuộc sống không có nguyên tắc thì mình sẽ đi quá lằn ranh, tốt hơn hết là mình sống ở trong một khuôn khổ khả dĩ làm cho mình cảm thấy yên tâm là mình sống như vậy là được. Thí dụ, một người phát nguyện giữ Thập Thiện hay giữ Bát Quan Trai Giới, hay giữ Ngũ Giới chỉ đơn giản một điều mình giữ làm sao khẩu nghiệp của mình không nói dối, không nói đâm thọc, không nói độc ác, không nói nhảm nhí vô ích và nguyện giữ những điều đó  mình cảm thấy lợi ích, đó là nguyên tắc sống đó đời sống giới hạnh mà Đức Phật Ngài dạy rất đẹp. 

Ngài Narada trong quyển Đức Phật và Phật Pháp Ngài chia chữ giới ra 3 cấp độ:

- Cấp độ đầu tiên ở trong 10 pháp balamật, Ngài viết là những nguyên tắc sống như trong kinh Thi Ca La Việt, thí dụ cha mẹ đối với con cái, con cái đối với cha mẹ, vợ đối với chồng, chồng đối với vợ, bạn bè đối với nhau, thầy trò đối với nhau, chủ tớ đối với nhau, tăng tục đối với nhau. Những nguyên tắc đó là những nguyên tắc sống và nếu những người sống với những nguyên tắc đó thì cũng là một thứ giới hạnh.

- Cấp độ thứ hai có tánh cách liên hệ đến 3 nghiệp của chúng ta là thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp tức là mình tránh xa thập ác. 

Thập ác là:
 Thân thì có 3 không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh
Khẩu không nói dối, không nói đâm thọc, không nói lời độc ác, không nói nhảm nhí vô ích.
Ý không tham ác, sân ác, tà kiến ác.

- Cấp độ thứ ba là giới mình thọ trì như thọ Bát Quan Trai hay thọ Ngũ Giới, Tỳ Kheo Giới v.v... cấp độ thứ ba.

Thì dù ở cấp độ nào đi nữa đời sống mình có một số nguyên tắc mình phải tuân giữ. Chúng tôi nói cách giữ giới rất là đẹp đó là mình chỉ lập tâm không bao giờ nói xấu sau lưng người khác, bực bội thì yên lặng vậy thôi nói ra nói vô thì cũng vậy, không nói xấu, đó cũng là cách để mình tránh nói lời chia rẽ, tránh được nói lời độc ác nói lời nhảm nhí vô ích. Hay là mình nguyện không nói lời độc ác, không nói lời đay nghiến, không nói lời làm cho người khác buồn phiền, mình nên nói lời nói với tâm từ. 

Nói chung, Đức Phật Ngài không có đòi hỏi, Ngài không có điều răn, nhưng Ngài có cho chúng ta biết có nhiều giới hạnh và những thứ giới hạnh đó nếu chúng ta phát tâm thọ trì thì đời sống chúng ta đẹp, nhất là ở trong các thiền viện có thanh qui và thanh qui này các vị thiền sư dạy một người vào trong thiền viện thọ trì những thanh qui này và chấp nhận một cách hoan hỉ thì điều đó là có lòng tự tin.

4 - Pháp thứ tư, có sự tinh cần, có sự cố gắng.

Sự cố gắng ở đây là một nỗ lực không ngừng nghỉ, nỗ lực đi xa hơn, nỗ lực muốn làm tốt hơn. Thái độ biếng nhác lười biếng trong đời sống là sống cho qua ngày, sống xem như mình có quá dư thời gian không biết làm gì cứ lo ăn lo ngủ rồi thời gian đi qua không làm được chuyện gì tốt để cống hiến thì đời sống biếng nhác nó không đơn thuần là chúng ta không tiến bộ mà bắt chúng ta trả giá rất đắc là những thiện pháp sẽ tổn giảm và những ác pháp sẽ tăng trưởng. 

Về điều này chúng tôi thường nghe một số bậc thầy đưa ra thí dụ một mảnh đất trống nếu siêng năng trồng trọt thì phải dọn đất cho sạch nhưng nếu để miếng đất trống như vậy không có nghĩa là miếng đất trống sẽ nằm yên như vậy, cỏ dại và những cây hoa những dây leo sẽ mọc lên và khi nó mọc lên chúng ta sẽ thấy càng ngày nó càng tệ hại thêm. Ở bên Mỹ về điều này chúng tôi thấy đôi khi một căn nhà bỏ trống bị mục mau hư, thậm chí một cây săng có người buôn bán tự nhiên trông nó bình thường, mình đi ngang qua quanh năm suốt tháng thấy nó bình thường, nhưng nếu cây săng đó bỏ hoang một vài tháng cỏ mọc từ trong những khe hở ximăng, ở trên chỗ có đất, thì chẳng những vậy những bông cỏ theo gió bay lên trên nóc của những cây săng bỏ hoang và mọc cỏ trên đó, còn bình thường nếu cây săng có sinh hoạt cỏ không mọc tại vì có người săn sóc cỏ ở dưới không mọc thì không có bông cỏ bay lên nóc để mọc cỏ ở trên nóc, thường một nơi 5, 7 tháng không được xử dụng tới cảnh rất tiêu sơ hoang tàn tại vì bỏ trống không người coi sóc. 

Đức Phật Ngài dạy trong kinh Pháp Cú  "Kinh không tụng làm nhớp kinh" tức là quyển kinh không tụng thì bụi đóng. Sự biếng nhác bắt chúng ta phải trả giá rất lớn. Ở trong đời sống không ai thiếu tinh cần, không ai trong đời sống biếng nhác mà không bị ác pháp chi phối. Đời sống là một đời sống có nỗ lực, có cống hiến, có cố gắng. Một khi đời sống không có cống hiến, không có cố gắng thì giống như miếng đất mình không xử dụng tới để trống dây leo sẽ mọc, cỏ hoang sẽ mọc, cây dại sẽ mọc, điều đó là điều chắc chắn, không tránh khỏi. 

Riêng trong kinh Pháp Cú, Đức Phật Ngài nói rất nhiều về điều này. Ví dụ Ngài đưa ra hình ảnh "Bậc trí luôn luôn nỗ lực bỏ lại sau lưng con ngựa hèn", con ngựa hèn thì không thể nào tiến tới được tại vì nó không có nghị lực. Hay hoặc giả Ngài dạy những người sống buông thả lười biếng sống như chết rồi tại vì vô vị, họ không trân trọng thời gian, không trân trọng những giây phút mình đã có. Một người tinh tấn thì họ thấy thời giờ mình có, sức khỏe mình có, điều kiện mình có nó luôn là vốn liếng rất qúi để tạo ra những gì tốt đẹp. Còn một người làm biếng thì thân họ dù khỏe thì giờ họ dù có, thậm chí tiền bạc phương tiện họ có nhưng họ lười biếng thì họ thấy những thứ đó là những thứ nặng nề không sài được. Đức Phật Ngài dạy người lười biếng giống như chết rồi, Ngài nói người tinh cần thì họ được bất tử và buông thả thì giống như chết rồi.

5 - Pháp thứ 5, ở đây là pháp có chánh niệm. 

Chánh niệm tức là khả năng thường hướng sự chú ý vào thân tâm mình, biết mình làm gì nói gì và thường sống không có sự quên lãng, một người sống hướng ngoại nhiều quá, một người ít khi nhìn lại thân tâm của mình, ít khi nhìn lại quán chiếu thân tâm của mình, ít có để ý đến cái gì mình đang làm thì thường mình sống trong sự quên lãng. Đức Phật Ngài dùng ở tại đây  muṭṭhassati là sống trong sự thất niệm, sống quên lãng.

 HT Nhất Hạnh có một câu kinh "Nguyện muôn loài chúng sanh, bỏ cõi lãng quên, quay về tâm tỉnh thức" 

Cõi lãng quên là sống quên trước quên sau và quên chính mình là ai. Thường hay có ví dụ là con chó săn mồi, nó chỉ biết chạy để săn mồi, bất chấp nguy hiểm để chạy theo con mồi, nó không biết bản thân của nó là ai.  Ngài Ajahn Chah  có ví dụ về con gà người ta nuôi cho nó lớn, nó cố tình ăn cho lớn rồi người ta làm thịt, nó không biết thân phận nó là ai, nó thích ăn để mập để người ta làm thịt. Đời sống của chúng ta sống trong sự lãng quên, sự lãng quên khác biệt với chữ Buddha hay Phật Đà là bậc tỉnh thức sống là biết mình.

 Ví dụ như mình không tri nhân, tri quả, tri bỉ, tri kỷ, tri thời, tri hội, và tri độ, mình không biết mình là ai và không biết người khác là ai, mình không biết nguyên nhân nào tạo ra quả này và không biết việc làm này tạo ra quả nào, mình cũng không biết thời gian nào thích hợp, mình cũng không biết thời lượng nào thích hợp, mình không biết đám đông nào thích hợp, và mình cũng không biết mình là ai, đó là sống trong sự quên lãng. Người sống biết mình là biết nói vừa chừng, biết nói thích hợp, biết nói những điều thích hợp, biết hành động thích hợp ít khi lỡ lời, ít khi có những việc làm sau này phải ân hận. 

 Khả năng một người có thể sống thường ghi nhớ chính mình đó là phát huy chánh niệm. Thỉnh thoảng ngồi xuống nhắm mắt lại để xem mình đang thở vô hay đang thở ra, thỉnh thoảng ngồi xuống để cảm nhận mình đang vui, đang buồn, đang thoải mái hay không thoải mái hay đang thản nhiên điều này rất hay là khi nào mình có phiền não đang sân hận đang ganh tỵ hay giận dữ thì thay vì chạy theo sự giận dữ đó mình ngồi xuống nhìn vào cảm giác giận dữ đó để mình cảm nhận trọn vẹn là mình đang giận dữ, khi đang bực bội mình ngồi xuống ở một chỗ nào đó yên lặng tập nhìn vào sự bực bội của chính mình coi trạng thái như thế nào điều đó có lợi cho mình hơn là ngồi đó giận ai nhai tới nhai lui mình tìm cách trả đũa hay thù hận họ, mình nhìn lại tâm của mình lúc đó để thấy trạng thái tâm của mình.

Nếu qúi vị chưa quen thì làm thử rất là lợi lạc cho đời sống nó là một trong những yếu tố mà chúng ta gọi là Sati - Chánh Niệm, không phải là mình ráng cố gắng suy nghĩ giải quyết việc ở bên ngoài mà mình nhìn lại trong tâm của mình xem thử coi lúc đó mình đang sống với trạng thái tâm như thế nào, còn nếu bình thường không có chuyện gì thì thỉnh thoảng ngồi xuống coi mình đang thở vô hay mình đang thở ra, điều đó có lợi cho mình, khi nào mình làm biếng hay hào hứng về chuyện gì đó thì mình cũng ngồi xuống lẳng lặng nhìn vào trạng thái đó, cái khả năng nhìn đó nhìn vào hiện tại đó nó khiến cho mình tỉnh táo hơn, mình nhớ nhiều hơn là mình sống trong sự quên lãng, tâm hướng ngoại nhiều quá thì mình quên lãng, sống bận rộn nhiều quá thì mình quên lãng, sống mà ít có phản tỉnh thì mình hay sống trong quên lãng "từ bỏ cõi lãng quên quay về tỉnh thức", đó là sự màu nhiệm của đời sống.

6 - Điều thứ sáu, là trí tuệ

Điều sau cùng Đức Phật dạy là sống với trí tuệ thì thiện pháp tăng trưởng, sống không có trí tuệ thì thiện pháp tổn giảm. Trí tuệ cho chúng ta nhận định đúng phán xét nhân quả. Mình để ý lúc nào tâm của mình có thù hận, có tham lam si mê mà vắng mặt trí tuệ thường cái nhìn của mình phiến diện cái nhìn của mình một chiều mình không thấy được vấn đề.  Con người mà trí tuệ được thắp sáng là khi nào mình bình tâm lại nhìn vấn đề có nhân quả. 

Trong Phật Pháp thì trí tuệ diệu dụng ở điểm yoniso-manasikāra là khéo suy nghĩ hay khéo tác ý gọi là dấu hiệu của trí tuệ. 

Ngài Hộ Giác nói rằng "khi mất cái gì đó mình không tự trách mình không khéo giữ mà tại vì người ta khéo lấy, và khi mình còn cái gì đó mình đừng nghĩ là mình quá giỏi mà là tại vì người khác chưa muốn lấy thôi".

Đời sống mình cũng vậy, cuộc sống gặp những chuyện buồn phiền thay vì  bực tức thì mình suy nghĩ rằng cuộc sống phải có vui có buồn như trời có mưa có nắng đó là vô thường. Hay hoặc giả như Ngài Puna, Ngài cũng dùng trí tuệ để nhìn thấy yoniso-manasikāra khi Đức Phật hỏi Ngài Puna 

- "Nếu những người xứ đó chửi con thì con nghĩ sao

Ngài nói rằng: "Họ còn rất tốt tại vì họ mới chửi thôi chứ họ chưa đánh con".

Trong đời sống ai mà không chào chúng ta chút xíu thì chúng ta bực bộ, họ  làm lơ đi mình giận cũng được nhưng mình nghĩ như vậy là mình không có yoniso-manasikāra, mình nên nghĩ là người ta giận mình thay vì người ta chửi mình mà họ gặp mình họ yên lặng là họ tử tế lắm rồi, và khi họ chửi mình thì mình nghĩ như Ngài Punna rằng cũng may là họ chỉ chửi mình chứ họ có thể đánh mình hoặc nghĩ rằng họ có thể mướn xã hội đen đến giết mình được nhưng họ đã không giết mình, họ không đánh mới chửi mình thì mình nên cám ơn họ. Nói như vậy có vẻ  là quá nhưng thật ra thì nhiều khi chúng ta không ghi nhận thiện chí của chung quanh đối với mình, chung quanh người ta không nói đến mình họ cũng là tốt lắm rồi do vậy cái gọi là khéo suy nghĩ nó là dấu hiệu của trí tuệ là ít nhất là mình nhận ra được khía cạnh tích cực của nó để cho đời sống của chúng ta ít có phiền não, có trí tuệ thì đời sống của chúng ta ít phiền não.

Sáu pháp này Đức Phật Ngài dạy là sáu pháp làm cho thiện pháp tổn giảm hay thiện pháp tăng trường.

 Sáu pháp làm cho thiện pháp tổn giảm là: đối với những nhu cầu chúng ta muốn quá nhiều, bực bội quá nhiều, thiếu tri túc, và trong đời sống hàng ngày thiếu lòng tin, thiếu giới hạnh, biếng nhác, thất niệm và không có trí tuệ, 

Sáu pháp làm cho chúng ta tăng trưởng trong thiện pháp là thiểu dục, ít có phiền lụy, ít có phiền hà, có tri túc, có niềm tin, có giới hạnh, có tinh cần, có chánh niệm và có trí tuệ. 

Đức Phật Ngài dạy những điều này không phải là những điều răn mà là những chìa khóa cho cuộc sống tu tập nếu chúng ta chiêm niệm cho kỹ thì chúng ta thấy rằng những điều này là trực tiếp rất thiết thực liên hệ đến đời sống tu tập hàng ngày của mình. Mong rằng tất cả chúng ta có một cái nhìn làm sao để cho thiện pháp tăng trưởng không bị thiện pháp tổn giảm ./.

Tuesday, October 24, 2017

Tăng Chi Bộ - Phẩm Bà la môn (VII) (197) Mưa - TT Giác Đẳng

Tăng Chi Bộ - Phẩm Bà la môn
(VII) (197) Mưa

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 25-4-2017.

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Một điều rất tự nhiên, những hiện tượng thiên nhiên như mưa gió bão tố v.v... thường có một uy thế tương đối được nhiều tín đồ các tôn giáo quan tâm bởi vì liên quan đến cuộc sống. Chúng ta thường nghe những câu chuyện ngày xưa các vị vua chúa làm lễ cầu đạo hay lễ cầu mưa cho mưa thuận gió hoà. 

Và đặc biệt vùng Nam Á và Đông Nam Á bị ảnh hưởng bởi một hệ thống thời tiết không giống như bất cứ một nơi nào khác ở trên trái đất này đó là hiện tượng monsoon, là một hiện tượng được nhận biết qua thời tiết ở miền nam Việt Nam những cơn mưa hạ vào mùa hè, trời mưa mùa hè đã tạo nên một nền nông nghiệp lâu đời. Tháng Tư bắt đầu trời mưa xuống họ bắt đầu cầy bừa và năm nào mưa thuận gió hoà năm đó người ta được mùa canh tác được tốt.

 Bài học hôm nay Đức Phật nói về 5 nguyên nhân làm cho mưa không thuận gió không hoà, ở trong đó có đề cập đến các hàng phi nhân, đến chư thiên, đến Ràhu Atula vương, đến hiện tượng phẫn nộ của hoả giới mà theo như kỹ thuật ngày nay người ta gọi là sự đột biến của nhiệt độ, một hiện tượng khác là sự phẫn nộ của phong đại là gió mà thật ra là sự đột biến của áp xuất. 

Trong hiện tượng thời tiết từ ngàn xưa Đức Phật đã nói đến 2 thứ là nhiệt độ và áp xuất và ngày nay người ta cũng thấy 2 điều đó là 2 yếu tố quyết định rất quan trọng, tuy nhiên, những yếu tố còn lại sẽ làm cho chúng ta nhiều ngạc nhiên.

Theo cái nhìn thường thức đa phần mọi sự vật xảy ra do một nguyên nhân và một khi biết được nguyên nhân đó chúng ta qui hết tất cả đều do nguyên nhân đó. Nhưng đọc trong kinh sự hiện hữu và biến dịch của thế gian này xoay vần chung quanh 5 định luật. 

1) Định luật đầu tiên là, định luật về thời tiết (Utuniyāma). Định luật thời tiết là, bởi vì sự tồn tại của các tinh cầu phải đi theo đường quỹ đạo và vì đi theo đường qũy đạo do đó có 4 mùa, vì trái đất đi chung quanh qũy đạo trong một năm 365 ngày thì tự nhiên khoảng cách về hướng mặt trời khiến cho chúng ta có ngày ngắn đêm dài, ngày dài đêm ngắn, có xuân hạ thu đông, và bởi vì sự vận hành chung quanh qũy đạo nó khiến cho trái đất phải chịu ảnh hưởng thời tiết như vậy, đó là một điều tự nhiên. Chúng ta lấy thí dụ như mình ở gần bắc bán cầu những quốc gia như nơi chúng tôi đang có mặt ở tại đây là Washington, D.C có 4 mùa rõ rệt xuân hạ thu đông, thì chuyện xuân hạ thu đông và 4 mùa chúng ta không thể thay đổi được và rất khó để có thể làm gì khác hơn. Dĩ nhiên đôi khi có một vài sự việc nhưng  điều đó là do sự chi phối tự nhiên của thời tiết.

2) Định luật thứ hai là, định luật về chủng tử (Bīyaniyāma). Chủng tử tức là gieo hạt cam thì ra cây cam, gieo hạt đậu thì ra cây đậu, gieo hạt ớt thì ra cây ớt đó lả lẽ tất nhiên đó là sự tự nhiên của chủng tử, do có chủng tử nên chúng ta nói về hiện tượng di truyền, hiện tượng DNA, và do có chủng tử nên sự tồn tại của các vật thể nó có tánh cách giống nhau trong sự thừa tiếp ở thế hệ này sang thế hệ khác 
3) Định luật thứ ba là, định luật về tâm thức (Cittaniyāma), tâm biết cảnh, tâm  có sanh có diệt, những định luật đó chúng ta học qua A Tỳ Đàm, đó là một điểm tự nhiên của các pháp.

4) Định luật thứ tư là, định luật của nghiệp (Kammaniyāma) là  nghiệp lực hành vi tạo tác của chúng sanh có thiện có ác chi phối bản thân con người chi phối chung quanh, nhưng Đức Phật cũng dạy rằng chính nghiệp lực cũng chi phối thời tiết. Ngày hôm nay các nhà khoa học cố gắng nghiên cứu về sự tiêu thụ của con người và trong đó những thán khí thải ra những ô nhiễm đối với môi trường và ảnh hưởng như thế nào đối với thời tiết, nhưng không ai có đủ thẩm quyền và có cơ sở để nghiên cứu nghiệp lực ảnh hưởng như thế nào đối với thời tiết .

5) Định luật thứ năm là, định luật về pháp (Dhammaniyāma) gọi là pháp cú nhiên. Pháp cú nhiên ở đây là những sự vận hành của các pháp do nhân do duyên. Thí dụ có sanh, có diệt, có năng duyên, sở duyên, thì những định luật đó nó theo một trình tự cũng như sự tương tác tự nhiên của nó, chúng ta không can thiệp được, nó không phải là như vậy, nó là cố nhiên về pháp gọi là Dhammaniyāma.

Bài học hôm nay nói về một hiện tượng rất quen thuộc với chúng ta đó là hiện tượng mưa. 

Chúng ta đặt câu hỏi tại đây là tại sao chúng ta lại nói về mưa? 

Mưa ở tại đây, trước khi đi vào ý nghĩa của bài kinh hôm nay cũng nên nhắc mưa vốn có một ảnh hưởng lớn ở trong lịch sử và văn hóa của đạo Phật. Ví dụ như Chư Tăng có nhập hạ hàng năm, Chư Tăng Nam Tông thì nhập hạ từ rằm tháng 6 cho đến rằm tháng 9 vào đúng mùa mưa gọi là mùa monsoon. Ở các vùng Nam Á và Đông Nam Á mưa rất nhiều, Việt Nam mùa mưa thường vào mùa hè, khi mùa hè đến thì mưa nhiều do những đám mây từ Ấn Độ Dương và một phần của Thái Bình Dương tạo thành một chu kỳ đem gió nam còn gi là gió nồm tới. 

Hiện tượng monsoon tạo ra một hệ thống về thời tiết, một nguồn máy khí hậu và ảnh hưởng đến toàn bộ nông nghiệp của vùng Nam Á. Các quốc gia thời xưa như Ấn Độ, miền nam Trung Hoa, Việt Nam, các quốc gia Đông Nam Á Thái Lan, Tích Lan, Miến Điện v.v... người ta canh tác theo thời tiết, tức là ngày xưa không có hệ thống trị thủy, không có hệ thống dẫn thủy nhập điền tốt như bây giờ, không có máy bơm nước, nhà nông cày cấy canh tác đều lệ thuộc vào mưa do vậy khi mùa mưa đến vạn vật hồi sinh, rất khác với vùng đất chúng tôi đang có mặt Washington DC bây giờ là mùa xuân ra đường thấy cây xanh đâm chồi nảy lộc rất là đẹp. Nếu qúi vị nào ở miền nam nước Việt thì mùa xuân không phải là mùa hồi sinh là vì mùa xuân vẫn còn nằm trong mùa khô, chúng ta chịu đựng như vậy cho đến tháng 6 âm lịch mới bắt đầu mưa xuống, và khi mưa xuống thì cây cỏ xanh tốt như câu kinh trong Ratana sutta  "Như cơn mưa đầu hạ, khiến ngàn cây đâm chồi, khi mùa hạ đến, mưa những trận đầu mùa, cây mới bắt đầu đâm chồi nảy lộc". Và trong mùa mưa người ta trồng lúa v.v... 

Chư Tăng có một số giới luật được Đức Phật ban hành liên quan đến mùa mưa. Thí dụ như lễ Tăng Y Kathina. Cũng là do Chư Tăng đi vào mùa mưa,  sau mùa mưa nhưng vẫn còn bị ướt do đó Đức Phật Ngài đặt ra luật phải mang theo y Tăng Già Lê. Nói chung có rất nhiều giới luật do Đức Phật ban hành liên quan đến mùa mưa. Và mùa mưa đã trở thành một phần ở trong nền văn hóa của Phật Giáo.
 Trong bài kinh ngày hôm nay có một vài đoạn kinh do lời kinh cổ của ngày xưa và để cho phù hợp với văn phong ngày hôm nay chúng ta phải điều chỉnh đôi chút về ngôn từ. 

Ví dụ, ở câu đầu: "có 5 chướng ngại cho mưa, các người đoán tướng không biết được". Người đoán tướng ở tại đây không phải là thầy xem tướng mà là những nhà khí tượng học (meteorology) những nhà tiên đoán về khí tượng. Ngày hôm nay có rất nhiều người học ngành meteorology và tiên đoán về thời tiết, thường chúng ta thấy trên báo hay trên internet đặc biệt ở trên radio, TV. Những người này ghi nhận hiện tượng gió hiện tượng mưa và có thể tiên đoán trong 5 ngày nữa hoặc 10 ngày nữa khí hậu ra sao. Chúng ta gọi là những người tiên đoán về khí tượng chứ không phải là người thầy bói xem tướng. Ở Việt Nam có môn học về thủy văn, danh từ này lấy từ Hán văn. Thường những người đi biển họ học về thủy văn hoặc  ngành khí tượng học cũng là đề quan sát thời tiết và cho người đi biển hoặc sinh hoạt hàng ngày có thể biết dự báo về thời tiết như thế nào. 

Đức Phật Ngài dạy có 5 điều tương đối bất thường và do 5 điều bất thường đó khiến cho những người dự báo thời tiết không tiên đoán chính xác được. Từ thời xa xưa thời Đức Thế Tôn xuất hiện cách đây 25 thế kỷ có nhiều vùng đất trên thế giới còn thiếu văn minh vẫn còn bán khai đời sống rất sơ khai nhưng tại vùng châu thổ sông Hằng thời bấy giờ lại có cuộc sống tương đối rất cao và họ đã có những người chuyên môn dự báo về thời tiết. 

Chúng tôi đã có dịp nói chuyện với vài người đi biển mặc dầu họ không giỏi về khoa học nhưng với kinh nghiệm này họ nhìn đường chân trời họ nhìn mây, ví dụ hồi chúng tôi còn nhỏ ông bà có dạy một số điều như nhìn mặt trăng thấy vầng sáng ở chung quanh thì biết những ngày sắp tới trời sẽ rất nắng rất nóng, hay là hoặc giả ngày nào buổi sáng có sương mù dầy đặc thì bữa đó trời không mưa. Nhưng những người đi biển họ nhìn vào sóng vào gió vào nước họ có một số tiên đoán. Ngay cả chúng ta tìm thấy ở trong Tam Quốc Chí khi đánh trận thì Gia Cát Lượng chẳng hạn cũng có những tiên đoán về thời tiết để bày binh bố trận. Do vậy từ rất xa xưa con người đã học được những kinh nghiệm về khí tượng về thủy văn để họ có thể đưa ra những lời dự báo về thời tiết.

Ở đây Đức Phật Ngài dạy có 5 nguyên nhân những người dự báo về thời tiết họ khó tiên đoán được về mưa và 5 điều này có những điểm rất thích thú.

1. Nguyên nhân thứ nhất là. Trong kinh văn dùng  lời văn cổ nói "hoả giới phẫn nộ", hoả giới được hiểu là lửa, mà lửa phẫn nộ thì kỳ thật ở đây chúng ta nói về nhiệt độ, nhiệt độ làm cho hệ thống thời tiết bị xáo trộn và rất khó tiên đoán. Ngày hôm nay chúng ta nói về nhiệt độ  đó là một hiện tượng lớn chứ không phải là chuyện đơn giản như chúng ta thấy lửa cháy bùng bùng gọi là hoả giới phẫn nộ. 

Các nhà khoa học ngày hôm nay bối rối với 2 điều độ nóng của bầu khí quyển chúng ta gọi là greenhouse effect hay hiệu ứng của lồng kính. Trái đất của chúng ta được bảo vệ bởi bầu khí quyển, không có bầu khí quyển khi trái đất xoay có lẽ mặt đất của chúng ta sẽ tạo thành những cơn bão với những tốc độ kinh hoàng là bởi vì không có bầu khí quyển bảo vệ và nhờ có bầu khí quyển bảo vệ mặc dầu trái đất xoay nhưng chúng ta cảm thấy bầu trời gần như đứng yên một chỗ. Chúng ta cứ mườn tượng là bầu khí quyển giống như một nhà kiếng và khí quyển nằm trong đó và con người do chúng ta tiêu thụ quá nhiều, ví dụ như hàng ngày chúng ta có bao nhiều ngàn chuyến bay và thải ra những chất thán khí. Nói chung, sự tiêu thụ của con người làm ô nhiễm bầu trời và tạo ra một hiện tượng làm lủng lớp màn bao bọc ozone. Các vệ tinh đã quan sát bầu trời bắc cực và nam cực thì màn ozone bị lủng như vậy và tạo ra địa cầu nóng hơn, và chúng ta được ghi nhận nhiệt độ của bầu khí quyển càng ngày càng nóng và nhiệt độ bầu khí quyển càng ngày càng nóng thì càng khó để cho chúng ta tiên liệu chính xác về diễn tiến hợp lý hợp tình của thời tiết.

 Ngày nay khoa học cũng nói đến một bí ẩn mà loài người cũng chưa có thật sự hiểu hết đó là hiện tượng gia tăng của các biển của đại dương những hiện tượng như biến đổi khí hậu (climate change) những hiện tượng này là hiện tượng tăng nhiệt độ của những vùng biển, chính là sự mời mọc rất dễ thấy để tạo nên những cơn bão khủng khiếp những cơn bão mà chúng ta gọi là typhoon hay hurricane. Thì tất cả những hiện tượng đó hurricane đi qua vùng biển nó được tăng mạnh lên bởi hiện tượng nóng của biển cả, biển càng nóng thì bão càng mạnh. Thường thường chúng ta thấy như vậy. Nhưng nói chung, nhiệt độ ở trên trái đất này dù là bầu khí quyển hay đại dương đi nữa mà có sự tăng vọt có sự tăng trưởng một cách bất thường ngoài sự dự báo của chúng ta thì điều này đã làm nên hiện tượng xáo trộn về thời tiết, và ở trong đó mưa là một hiện tượng xáo trộn đầu tiên chúng ta được biết.

2. Nguyên nhân thứ hai, một nguyên nhân Đức Phật dạy ở đây khiến cho thời tiết rất khó dự báo đó là hiện tượng "phong giới phẫn nộ". Phong tức là gió phẫn nộ chúng ta mường tượng như cuồng phong. Nhưng kỳ thực phong giới ở đây chỉ cho áp suất, cái áp suất thông thường là một sự chuyển động ở trong không khí do nhiệt độ tạo ra tức là bên nóng bên lạnh. Ở  Hoa Kỳ có hiện tượng cuồng phong, cơn lốc xoáy, tornado là do áp suất cái nóng cái lạnh gặp nhau và tạo nên những hiện tượng vòng xoáy và nó tạo lên những twisters hay những tornado rất khủng khiếp. Thì áp suất luôn luôn là những yếu tính quyết định, áp suất luôn luôn là yếu tố chi phối hiện tượng thời tiết hiện tượng mưa. Điều này rất dễ hiểu, mây thì đi theo những luồng gió, không phải luồng gió như quạt máy vào người chúng ta mà những luồng gió cực lớn những luồng gió đó có thể tạo lên những luồng mây kéo dài cả ngàn cây số ở trên bầu trời, như chúng ta thường theo dõi những bản đồ thời tiết thì mây luôn luôn bị chi phối bởi gió và áp suất trở lên khó tiên đoán thì mưa cũng trở nên khó tiên đoán, và áp suất thì thật ra nó đến từ những nguyên nhân rất bí mật. Có nhiều khi chúng ta không thật sự hiểu tại sao cũng ngày đó tháng đó mà năm trước khác năm nay lại khác. Tại sao đôi khi chúng ta thấy áp suất như vậy nhưng nó có nhiều hiện tượng đột biến. Và do vậy khi nói về phong đại nói về áp suất ở đây chúng tôi không nói đơn giản về gió mà chúng tôi nói về áp suất . Chúng ta được biết những cơn bão hurricane, có nơi gọi cyclone. Như ở Bắc Mỹ gọi là hurricane, ở phía đông Thái Bình Dương người Anh gọi là typhoon, họ nói theo người Tàu gọi là đại phong, và cyclone nói theo tiếng Ấn Độ. Thì tất cả những nơi đó bão tố đều xảy ra do sự đột biến của áp suất và tại sao sự đột biến của áp suất xảy ra ở vùng đó mà không ở vùng khác thì chúng ta không biết.

3. Nguyên nhân thứ ba. Nguyên nhân thứ ba Đức Phật Ngài đề cập đến Rahù Atula Ma Vương. Atula là loài qủi dữ, một loại chúng sanh sanh ra do tâm sân nặng. Trong loài Atula thì có những loại có phước ít, có những loại có phước nhiều, có những loài vô phước, và loại có phước nhiều là Atula Vương nhiều quyền lực. Chúng ta lấy một ví dụ, ở trong cuộc sống bình thường thì có những nhà lãnh đạo như tổng thống, thủ tướng v.v... nhưng nó có một tầng lớp chúng ta gọi là xã hội đen thì ở trong xã hội đen cũng có một trật tự  rất là mất trật tự của họ, thí dụ như có những thủ lãnh, có những đầu não, có những đầu đảng v.v... thì Atula Vương cũng là một chúng sanh mặc dầu sống trong cảnh khổ nhưng chúng sanh đó vẫn có quyền lực có quyền phép như chúng ta nói đến anh chị xã hội đen, thì những chúng sanh này cũng có thể làm đảo lộn. Ở trong bản dịch ghi "những loài Atula dùng tay thâu lấy nước rồi đổ xuống biển lớn". Hiện tượng này chúng ta thường tìm thấy là từ nước của biển cả có hiện tượng bốc hơi cực nhanh và khi bốc hơi lên thì tạo thành những đám mây và đôi khi nhiều nó trở thành những đám mây dầy đặc và nó tuông xuống thành nên mưa. 

Cách đây 2 hôm một Phật tử đưa chúng tôi đến thăm thác nước Great Falls của giòng sông Potomac ở Virginia rất đẹp, và nơi đến là một công viên quốc gia nằm bên sườn đồi nơi ngày xưa vị Tổng Thống đầu tiên của Hoa Kỳ là George Washington từng lập nghiệp, nơi này ông đã thành lập một công ty để đào một con kinh đào và dùng thuyền vận chuyển hàng hoá đi từ Bắc xuống Nam và từ Nam ra Bắc. Ở tại thác nước này người ta đóng những cột trụ trên đó có ghi dấu mực nước những vụ lũ lụt trong quá khứ ở nhiều thời kỳ, chúng tôi đọc trên đó có 8 lần người ta ghi lại, lần xưa nhất là từ năm 1907 năm 1936 v.v... Thì có những mực nước lên rất cao tới ngọn cây nhưng nơi những cây cột cắm chúng tôi đến quan sát nằm trên một triền đồi, sau đó chúng tôi vào trong Visitor Center để xem lại những hình ảnh đó thì bình thường chúng ta thấy đó là một tháp nước của giòng sông Potomac nhưng khi lụt thì nó giống như một biển nước mênh mông như mùa nước nổi ở miền Tây Việt Nam vậy. 

Thật ra khó để chúng ta có thể tưởng tượng một thành phố như thành phố Houston ở tiểu bang Texas hay thành phố Memphis ở tiểu bang Tennessee thường thì mình có thể đem cả bao nhiêu nước đổ tạt ra ngoài dù một xe nước lớn đi nữa thì nước nhanh chóng ngầm vào lòng đất tan biến đi, nhưng có những trận mưa lớn ở Mỹ khi mưa xuống nước dâng lên không phải ngập đến nền nhà mà ngập đến nóc nhà, thì chúng ta tưởng tượng là bao nhiêu nước trên bầu trời tuông xuống làm cả thành phố mênh mông như vậy bị nước dâng ngập lên tới mái nhà. Ví dụ như lũ lụt ở miền Trung chẳng hạn là nước ở trên núi do phá rừng nước tràn về thì mình không nói, nhưng ở đây những bình nguyên mênh mông như Memphis ở tiểu bang Tennessee  hay ở vùng bắc của Texas bình nguyên mênh mông vậy mà nước tự nhiên dâng lên cao tới nóc nhà thì cơn mưa có chừng bao nhiêu nước mà nó khiến cho một bình nguyên bị nước dâng ngập như vậy. Thì ở trong kinh nói hiện tượng có những loại Atula Vương thâu nước từ mặt biển, chúng ta nói là tạo một hiện tượng bốc hơi rất lớn và hiện tượng bốc hơi đó đã biến thành đám mây khổng lồ và với lượng nước khổng lồ tuông xuống và tạo nên tình trạng lũ lụt.

4. Nguyên nhân thứ tư. Trong kinh có đề cập đến những Chư Thiên có tránh nhiệm vận hành các hệ thống thời tiết,  chúng ta gọi là thần mưa chẳng hạn. Ngày hôm nay trong hệ thống thời tiết thì chúng ta thấy ở trên trái đất này có những nơi mưa nhiều và có những nơi không có mưa, có những nơi hoàn toàn không có mưa hoặc mưa rất ít như sa mạc Sahara chẳng hạn. 

Tuy nhiên những nơi mưa nhiều và mưa thuận gió hoà đặc biệt là hệ thống monsoon của vùng Nam Á, nếu qúi vị nào nghiên cứu về monsoon thì qúi vị hỏi rằng tại sao cái hệ thống khí hậu đó chỉ có ở vùng Nam Á và Đông Nam Á mà nó không có ở những nơi khác thì thật sự chúng ta hoàn toàn không có câu trả lời là tại sao hiện tượng monsoon không xảy ra ở vùng Nam Mỹ hay Nam Phi, Phi Châu mà nó xảy ra ở vùng Nam Á và Đông Nam Á thì nó vẫn còn là một bí ẩn, nhưng theo trong kinh và những gì chúng ta được biết là có một số các vị Chư Thiên được ủy thác làm công việc vận hành hiện tượng thời tiết đó và những vị này có sự biếng nhác trễ nãi trong vai trò của mình do đó khiến cho thời tiết khó dự báo.

5. Nguyên nhân thứ năm. Điều sau cùng Đức Phật Ngài dạy ở tại đây là  nghiệp lực của chúng sanh. Nghiệp lực ở trong đời rất khó để tiên đoán. Có những thời kỳ chúng sanh rất hiền lương, chúng sanh đặt nặng về đời sống nội tâm đặt nặng về đạo đức. Nhưng có những thời kỳ chúng sanh rất là ác, cái ác đó tạo thành một hiện tượng. Chúng tôi ví dụ như thời xưa chuyện con cái chửi cha mắng mẹ là chuyện chúng ta ít nghe nhưng thời bây giờ chuyện con cái không những chửi cha mắng mẹ mà còn giết cha giết mẹ với những lý do rất tầm thường rất bịnh hoạn, chuyện đó xảy ra rất là nhiều. Hay có thời nào đó ăn những gì cần thiết để mà sống thôi nhưng thời bây giờ cách ăn rất là ác, họ ăn làm sao cho tươi cho sống, cái ăn đó rất là ác. Cái ác tâm cái nghiệp của chúng sanh khó lường. Và nghiệp lực chi phối thế giới này, và nó tạo nên những hiện tượng về thời khí về khí hậu bất hoà, và nó chiêu cảm nghiệp lực của chúng sanh trong cuộc đời này. 

Về điểm đó tương tự như từ rất lâu có nhiều người không tin rằng chúng ta có thể làm ô nhiễm bầu trời, bầu trời có cái gì và ai có thể làm ô nhiễm, không ai có thể nghĩ rằng chúng ta có thể làm ô nhiễm đại dương biển cả, biển lớn mênh mông người ta thảy xuống đó bao nhiêu rác bao nhiêu chất thải cũng không làm dơ được biển, cá ở trong biển rất nhiều ai có thể đánh cho hết cá được, thậm chí ngày xưa có một câu nói "Đố ai quét sạch lá rừng để ta khuyên gió gió đừng rung cây" lá rừng mình nghĩ không bao giờ có thể quét sạch hết nhưng ngày nay với tốc độ tàn phá rừng thì không chỉ lá rừng mà cây rừng tất cả đều bị tàn phá thì sự tàn phá của con người đối với thiên nhiên đối với cuộc sống và ngay cả sự an bình của xã hội ngay cả những giá trị về tinh thần cũng bị lung lay tận gốc như vậy. Chúng ta sống trong thời đại mà sự làm giàu trở thành một tiêu trí tối thượng của con người. Chúng ta đang sống trong thời đại mà sự tiêu thụ càng nhiều càng tốt, trong xã hội loài người đã phá tan tất cả những bức tường bảo vệ môi sinh, bảo vệ những giá trị. Chúng ta đang sống trong thời đại mà những gì loài người tạo thành cái nghiệp lực. Và Đức Phật Ngài đề cập đến mưa là bởi vì nghiệp lực của chúng sanh trong đời.

Rất là khó để chúng ta có thể mường tượng chúng ta có thể ảnh hưởng đến thời tiết ảnh hưởng đến cái chung như vậy, nhưng kỳ thực thì giống như chúng ta nói như vầy; Thí dụ như nước Pháp đang có cuộc bầu cử và cuộc bầu cử nước Pháp là một cuộc đối đầu giữa hai phe cực hữu và cực tả, hai phe này một bên là chủ nghĩa quốc gia làm sao đóng cửa biên giới nước Pháp lại để đưa nước Pháp trở về một quốc gia nằm trong vòng biên giới để bảo vệ biên giới của mình, một phe khác của phe trung hòa mà bên phe tả thì người ta muốn nước Pháp là thành viên của khối Liên Âu và cùng với nước Đức dẫn đầu khối Liên Âu. Cuộc bầu cử của Pháp sẽ ảnh hưởng đến Liên Âu và nước Pháp nếu bầu cho bà Le Pen thì nó sẽ dẫn đến sự sụp đổ của Liên Âu và nó sẽ làm một sự xáo trộn toàn cầu, cái dư trấn nó không phải chỉ ở tại Âu Châu mà lan sang Hoa Kỳ và chỉ riêng về những thăm dò sơ bộ của bầu cử Pháp nó đã ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán tại Tokyo, Thượng Hải, Hồng Kông cũng như ở Hoa Kỳ, Anh Quốc. Thì chúng ta thấy rằng đôi khi một số người nghĩ rằng cuộc bầu cử ở nước Pháp là chuyện của nước Pháp nhưng cái ảnh hưởng giây truyền thì ảnh hưởng rất nhiều nơi. 

Tương tự như vậy, chúng ta thấy chúng sanh ở trong đời này thí dụ như ở  thời nào đó cha mẹ không còn dạy được con cái, con cái lớn lên trở thành những người hung ác thiếu đạo đức thiếu căn bản của niềm tin, và do sự hung ác của con cái lớn lên nó làm cho cả thế hệ kế tiếp là thế hệ thiếu đạo đức thiếu giá trị về tinh thần, và nó tạo lên một trào lưu xã hội những con người chỉ biết sống theo máy móc sống theo đồng tiền và ác nghiệp sẽ tạo nhiều hơn. Do ác nghiệp tạo càng ngày càng nhiều hơn thì chất thiện càng sụt giảm và điều đó ảnh hưởng đến tất cả mọi người . Vì vậy nghiệp lực cũng ảnh hưởng rất lớn đối với sự tồn tại đối với thế giới dù là thế giới của đại tự nhiên hay là thế giới nội tại của chúng ta. 

Khi nói đến thế giới đại tự nhiên thì ở đây Đức Phật Ngài chỉ đơn cử một hiện tượng đó là mưa và chỉ riêng mưa thôi thì nó ảnh hưởng cả cuộc sống kinh tế của những vùng mưa, khi mưa không thuận gió không hòa kinh tế có vấn đề , nó ảnh hưởng toàn bộ đến cuộc sống. Do vậy ở đây chúng ta có thể nói rằng trong sự tương tác giữa yếu tố này và yếu tố kia của xã hội thì nghiệp lực là một ở trong những mấu chốt quan trọng.

Trong bài học hôm nay Đức Thế Tôn Ngài dạy có 5 nguyên nhân khiến cho những người dự báo thời tiết không tiên đoán chính xác về mưa: đó là sự đột biến của nhiệt độ, sự đột biến của áp suất, sự xáo trộn do Atula Vương Rahu tạo ra, sự xáo trộn do các vị Chư Thiên có trách nhiệm lười biếng hoặc không làm đúng bổn phận của mình, và sau cùng là do trào lưu trong nghiệp lực của chúng sanh tạo nghiệp ác nhiều hơn nghiệp thiện.

Năm nguyên nhân khiến cho những người dự báo thời tiết không chính xác đã trình bày rồi, bây giờ chúng tôi nói đến một số điều được ghi nhận trong kinh điển cũng như trong lịch sử văn hóa của đạo Phật liên quan đến mưa.

Trước nhất, qúi vị nào thường đi chùa và thỉnh thoảng quan sát những pho tượng Phật qúi vị có thể đã bắt gặp một hình ảnh Đức Phật ngồi và một con rồng 9 đầu che chung quanh Đức Phật, đó là một tác phẩm nghệ thuật minh họa ghi nhận sau khi Đức Thế Tôn thành đạo qua 7 tuần lễ ở chung quanh cội Bồ Đề và trong tuần lễ thứ 6 Đức Thế Tôn Ngài đến hồ Mucalinda ở tại đấy Đức Thế Tôn Ngài đã ngồi bên bờ hồ và nhập thiền trong 7 ngày lúc bấy giờ có một con mãng xà vương là một loại rắn rất lớn đến quấn chung quanh thân Đức Thế Tôn và dùng cái đầu che phía trên để mưa không làm ướt Ngài.

 Các nghệ nhân tạc mãng xà Mucalinda có 9 đầu là theo thần thoại của Ấn Độ, chúng tôi đọc ở trong kinh thì không có đoạn nào ghi con mãng xà Mucalinda có 9 đầu, nhưng chúng ta biết được có vài loại rắn hổ mang hay cạp nông nó có thể khi xèo cái bàn nạo lớn ra thì có thể che được, chúng ta tạm nghĩ như vậy, còn con rắn 9 đầu chúng tôi nghĩ chỉ có trong thần thoại hơn là thực tế. Đó là câu chuyện đầu tiên chúng tôi nhắc đến Đức Phật trong một lần trời mưa ở bên bờ hồ Muchanlida thành một đề tài cho nhiều tác phẩm điêu khắc nghệ thuật họa trong giòng lịch sử của đạo Phật.

Chúng ta kể đến 4 điểm khác liên quan đến mưa, ở trong đó có câu chuyện được ghi trong Tương Ưng Bộ Kinh. Một lần Đức Thế Tôn Ngài đi gần bờ sông Hằng thì có một vị Balamon  tương đối có tiền xây xong một ngôi nhà kiên cố chắc chắn, và vị này khi xây xong ông rất thích thú đi chung quanh nhà nhìn thấy trời âm u vị này có cảm hứng nói rằng 

- "Nhà lớn đã xây xong, kèo cột đều vững chắc, mái ngói khéo lợp, thần mưa, mưa đi mưa đi",  

Vị Balamon này cảm thấy thích thú với công trình của mình và cảm thấy mỗi thứ đều chắc chắn nên nói một câu như tự hào về ngôi nhà của mình

-  "Thần mưa, hãy mưa đi mưa đi"

Đức Phật đi ngang qua nhìn thấy cảnh tượng đó và Ngài biết tâm trạng của vị Balamon Ngài nói với Tôn Giả Ananda rằng vị Balamon đó rất là vui rất là tự hào rất hãnh diện với ngôi nhà kiên cố của mình nhưng vị đó không biết được rằng vị đó sẽ chết trong vòng 7 ngày và khi cái chết đến thì cái nhà xây dựng vững chắc cũng vô nghĩa. Do đó Đức Phật Ngài dạy một câu kệ Pháp Cú là  người mà không có trí thì ngồi đó để mơ màng là mùa mưa này mình sống ở đây, mùa mưa tới mình làm gì làm gì, mình nghĩ  tương lai nhưng  mình không thấy được cái chết nó sẽ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nó đang chờ đợi mình, mình ỷ lại và mình làm một chương trình dài cho mai hậu vì mình không thấy cái chết.

Thi sĩ Tâm Cao đã thi hoá câu Pháp Cú đó là: 

"Một mùa thu này ta ở đây.
Rồi sang đông chí đến ngày hè sang
Người ngu cứ thế mơ màng,
Không hay nguy hiểm mãi đang đợi chờ."

Những mùa mưa luôn là những cái cách để ghi nhận một năm qua năm đến người Việt Nam của chúng ta thì có đôi khi đếm sự đi qua bằng những mùa thu, những mùa thu tới, một mùa thu là chỉ cho một năm đã qua, có người tính vào mùa xuân, có người tính vào mùa hè, nhưng mùa mưa trở thành một cái mốc thời gian hàng năm đối với nhiều người Ấn Độ, do đó :"Mùa thu này ta ở đây, rồi sang đông chí đến ngày hè sang, người ngu cứ thế mơ màng, không hay nguy hiểm mãi đang đợi chờ.

Có những câu chuyện khác nói về mưa, hình ảnh về mưa Đức Thế Tôn đã dạy trong một ý nghĩa hoàn toàn khác, đó là dùng hình ảnh của mái nhà, Ngài dạy rằng; bản thân của chúng ta được sống an lạc tốt lành là nhờ có sự che chắn, sự che chắn đó chịu sự chi phối của ngoại giới, nếu chúng ta khéo sống thì chúng ta khéo làm được một mái nhà mà mái nhà đó chúng ta có thể an ổn, nhưng nếu chúng ta không khéo thì mái nhà đó có thể bị mưa thấm dột và khi mưa thấm dột rồi thì dần dà nó bị hư. Ở tại Mỹ người ta có nói về hiện tượng nhà rất là tốt nhưng khi mái nhà bị dột tức là trời mưa xuống bị dột mình phải chữa liền nếu lâu ngày không chữa thì chính chỗ dột đó sẽ tàn phá mái nhà và chúng ta phải trả tiền rất đắc để sửa chữa căn nhà. Thì Đức Phật Ngài dùng 2 hình ảnh một mái nhà khéo lợp và một mái nhà vụng lợp, như mái nhà vụng lợp thì nước thấm vào, cũng vậy, tâm không tu thì bị tham ái chiếm ngữ, như mái nhà khéo lợp mưa không thể thấm vào, cũng vậy tâm khéo tu tham ái không chi phối.

Ngài Ajhan Cha Ngài viết trong một bài pháp tựa đề là "Ngôi nhà của chúng ta". Ngôi nhà của chúng ta tức là một tổ ấm một nơi an bình ở tại đó chúng ta sống được ổn định vững vàng. Ngài dạy một người tu tập là biết phòng hộ và biết rào chắn bởi thiện pháp làm thế nào mình không bị chi phối bởi ngoại cảnh ở bên ngoài. Chúng ta rất dễ bị chi phối thí dụ như người ta ra đường mặc áo không kín đáo thì có thể bị mưa bị gió làm cho bị cảm mạo, trời nắng trời mưa không che dù thì chúng ta bị cảm mưa cảm nắng, ở trong một ngôi nhà mái che không được kín thì chúng ta dễ bị chi phối. 

Thậm chí đôi khi Đức Phật Ngài dùng hình ảnh của một vết thương không khéo băng bó thì bụi bặm dễ bám vào và dễ sinh nhiễm trùng làm mủ và nó sẽ làm chúng ta đau đớn. Thì tương tự như vậy, cuộc sống chúng ta là một nội tâm nếu chúng ta không khéo phòng hộ thì dễ bị chi phối và khi bị chi phối thì sanh ra xáo trộn điên đảo, điên đảo vì tham, điển đảo vì sân, thành ra Đức Phật Ngài đưa ra hai mái nhà khéo lợp và mái nhà vụng lợp. Dĩ nhiên khi nói mái nhà khéo lợp mái nhà vụng lợp thì nói về mưa tốt hơn nói về nắng, trời nắng chúng ta khó biết mái nhà vụng lợp hay khéo lợp nhưng khi trời mưa xuống nước chảy vào những nơi có thể chảy được và nếu mái nhà khéo lợp thì nước không chảy vào trong nhà chúng ta được, nếu vụng lợp thì mưa có thể thấm vào và do vậy Đức Phật Ngài dùng hình ảnh mái nhà vụng lợp và mái nhà khéo lợp để chỉ cho một người vụng tu hay khéo tu và người đó có khả năng để chận ngay sự chi phối từ bên ngoài hay không bị chi phối từ bên ngoài.

Nói về mưa, ở trong kinh cũng có đề cập đến một hình ảnh khác về pháp và  dùng chữ "Pháp vũ" nghĩa là một "cơn mưa của pháp". Và hình ảnh của pháp vũ hay là cơn mưa pháp được tìm thấy trong kinh Ratana Sutta - kinh Châu Báu, trong lúc đất đai khô cằn cây cỏ héo mòn, chờ nước một cơn mưa xuống, cơn mưa đó làm cho ngàn cây đâm chồi, vạn vật hồi sinh cây cỏ tươi tốt, thì pháp của Phật  được mang tải vào trong đời đôi khi được ví dụ như cơn mưa đầu hạ và đám mưa đó không phân biệt là chỗ này chỗ kia, chỗ cao chỗ thấp, chỗ đẹp chỗ xấu, mưa gội nhuần tất cả và pháp vũ là hình ảnh của chánh pháp được tuyên lưu giữa cuộc đời này và hình ảnh của những cơn mưa pháp như câu chuyện Càn thát Bà Pancasikha đã từng nói tình yêu của một cô tiên nữ đối với Càn Thát Bà Pancasikha như thức ăn đối với kẻ đói, như cơn mưa rào đối với một nơi đang chịu nắng hạn, và như chánh pháp đối với những chúng sanh hữu duyên. 

Thì ở đây, như người khát được uống nước, như trong cơn nóng có những cơn mưa quả thật là một hình ảnh của cái gì biết thời, một sự đáp ứng, một cái gì khiến cho người ta cảm thấy hạnh phúc sung sướng. Chúng tôi có những năm sống ở miền nam California đó là một nơi tương đối khô và năm 2016 là đánh dấu lần đầu tiên California trong 8 năm dài có những cơn mưa lớn chấm dứt một cuộc hạn hán lớn. Miền nam California vào mùa hè chúng ta thấy rằng những đồi cỏ vàng vì không đủ nước và đa số núi non ở miền nam California là núi trọc tại vì không có nước để cây cỏ lớn lên. Nhưng một hình ảnh rất dễ sợ là khi trời mùa hè nắng làm cỏ khô dể cháy và lửa đi rất nhanh, lửa tạo ra gió và càng có nhiều lửa thì nhiều gió mà nhiều gió thì nhiều lửa và thỉnh thoảng có những trường hợp những cơn hỏa hoạn lan nhanh và gặp trời mưa bất thình lình xuống thì chúng ta cảm tưởng như đó là một sự cứu nguy ai cũng mừng khi mưa tuông xuống dập lửa cháy.

Trong tâm tư của chúng ta cũng vậy Đức Phật Ngài dùng chữ Kilesa chỉ tâm của chúng ta bị tham sân si  ở trong đó có hàm chứa sự nung nấu nhiệt não, nhiệt não cái gì nung nấu đốt cháy chúng ta, con người mà quá ham muốn cái gì, con người mà quá bực bội chuyện gì, hay là con người quá giao động si mê thì giống như trong tâm bị lửa đốt cháy. Lửa đốt cháy như vậy một cơn mưa xuống và đặc biệt là cơn mưa pháp làm cho tâm của chúng ta được an lành. Điều đó cũng được nói lên rất nhiều lần qua những đoạn kinh ví dụ như Kisagotami đang buồn khổ đang bị nhiệt não bởi vì đứa con duy nhất bị chết khi hiểu được pháp của Phật thì tự nhiên nhiệt não tan biến đi giống như một cơn mưa xuống.

 Và không phải một lần mà rất nhiều lần pháp thoại của Đức Thế Tôn đã là những cơn mưa rào đó là những cơn pháp vũ và cơn mưa pháp đó đã gội nhuần cho nhiều tâm hồn và đã khiến cho những con người hưởng được cái mát mẻ của chánh pháp. 

Thật ra về một phương diện nào đó thì đạo Phật dạy chúng ta lên lưu ý những giá trị của chánh pháp như trong Vi Diệu Pháp có đề cập đến thuộc tánh tịnh hảo là "tịnh khinh nhu thích thuần chánh" những trạng thái nhẹ nhàng thích nghi luân lưu luôn luôn tốt cho tâm những trạng thái nóng bức nhiệt não, những trạng thái khiến cho chúng ta sôi sục thì không lợi gì cho cuộc sống và khi chúng ta nói đến cái gì mát mẻ cái gì bình lặng cái gì thanh tịnh thì đó là mưa.

 Tại Thái Lan có một phong tục mà đối với chúng ta thì không đẹp lắm nhưng kể ra cũng vui đó là vào mùa tết của họ gọi là Songkran là ngày đầu năm của họ có tục lệ tạt nước vào nhau. Như qúi vị ở Bắc Mỹ mình đang đi mà người ta tạt nước vào mình thì khó chịu nhưng chúng ta cũng biết là mùa tết Thái Lan vào tháng Tư thì mùa nóng bắt đầu và cái oi bức nóng của mùa nóng thì nếu có ai tạt nước sạch thì cũng làm cho chúng ta mát mẻ thì điều đó cũng vui, nó phát xuất từ một thời kỳ trường hợp nào đó người ta cảm thấy dùng nước sạch tạt vào nhau giữa trời nóng làm cho con người thoải mái và nó tạo ra không khí vui tươi thì thật sự nó cũng là điều thú vị. Nhưng ở đây chúng ta nói đến cái mát của nước, cái mát của mưa và còn nhiều giai thoại nhiều câu chuyện liên quan đến mùa mưa, thí dụ trong luật tạng Đức Phật Ngài ban hành giới luật cho chư tăng có rất nhiều giới luận liên hệ đến mùa mưa và Đức Thế Tôn những nơi Ngài an cư thường Ngài đã sống trong những mùa mưa, chúng ta nói đến chùa Trúc Lâm, chùa Kỳ Viên chúng ta nói đến nhiều địa danh khác Đức Thế Tôn và Chư Tăng đã an cư qua mùa mưa. 

Mưa là đề tài lớn và đó là những điều chúng ta nói đến trong bài học hôm nay./.