Thursday, July 21, 2016

Kinh Tránh Né - Tăng Chi Bộ - TT Giác Đẳng

Kinh Tránh Né - Tăng Chi Bộ

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 6-4-2016

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Như chúng tôi nói có một số bài kinh trong chánh văn Phạm ngữ tương đối dễ hiểu nhưng khi dịch sang tiếng Việt khó hiểu, ví dụ ở đây mở đầu chúng ta có chữ "trừ khử sự thật cá nhân" dịch như vậy ở trong tiếng Việt không biết là đang nói cái gì.

- Tỷ-kheo trừ khử sự thật cá nhân, này các Tỷ-kheo, đã từ bỏ hoàn toàn các tầm cầu hay thân hành được khinh an, vị ấy được gọi là vị độc hành.
Và này các Tỷ-kheo thế nào là Tỷ-kheo đã trừ khử sự thật cá nhân?

Điều quan trọng trong đời sống tu tập là chúng ta tránh né những cạm bẫy, tương tự như mình làm một chuyến đi vào trong rừng kiếm củi, người đi trong rừng lâu năm họ nhắc chúng ta coi chừng rắn, những hố sụp, những gai độc chẳng hạn. Thật ra những điều đó là những điều đáng lo ngại hơn những chuyện khác. 

Đức Phật trong cái nhìn của bậc Đạo Sư Ngài dạy chúng ta biết trong đời sống tu tập có một số cạm bẫy chúng ta rất dễ rơi vào. 

1 - Đầu tiên, chữ anunapajjika là những sự thực phù phiếm hay những sự thật không liên hệ đến cá nhân. Nói một cách khác là sự khao khát để thỏa mãn tri thức. Thỏa mãn tri thức ở đây tương tự như có những người bị bịnh mọt sách cứ ôm sách vở đọc hoài, đọc hết ngày này qua ngày khác. Thật ra đọc sách cũng là một chuyện tốt nhưng nếu chỉ tập trung vào sách vở không bắt tay làm chuyện gì hết thì không có lợi gì cho đời mặc dù sách vở cũng là chuyện tốt.

Một điểm chúng ta thấy ngày hôm nay con người càng có nhiều dụng cụ nhất là viễn vọng kính  Hubble hay Chandra, hoặc giả những phi thuyền đi rất xa đi đến những nơi trước kia chúng ta chưa hề biết. Khi nhìn ra ngoài vũ trụ mênh mông chúng ta có những câu hỏi: "Phải chăng địa cầu chúng ta chỉ là một vật thể rất rất nhỏ bé ở trong hàng tỉ tỉ vật thể của vũ trụ này? Phải chăng có nơi nào đó có sự sống như chúng ta? Và chúng ta cũng hiểu được một số nguyên tắc về sự vận chuyển của vũ trụ hay hiện tượng của thiên hà. Nhưng, chúng ta tự đặt câu hỏi đến mức độ nào là ranh giới của vũ trụ? Vũ trụ lớn đến mức độ nào? Nó là vô tận hay hữu tận, vô biên hay hữu biên? Nếu chúng ta đọc những bài viết về thiên văn học sẽ thấy sự tò mò đó là vô cùng vô tận. 

Đời sống của người tu tập phải coi chừng có sự khao khát về tri thức, khao khát về sự hiểu biết. Nhưng, sự khao khát hiểu biết đó chỉ hướng vào sự thật phù phiếm nó không liên hệ đến giác ngộ giải thoát. 

Có nhiều người ngày hôm nay đôi khi biết rất nhiều thứ nhưng nấu cơm thì không biết nấu, người thân chung quanh bệnh mình không biết chăm sóc như thế nào, mình có kiến thức rất rộng rãi nhưng sự xử thế không biết sống như thế nào đó mang lại an lạc cho những người chung quanh mình. 

Tinh thần thực tiễn rất quan trọng, quan trọng đến đỗi Đức Phật Ngài ví dụ người tu phải hiểu như mình đang bị mũi tên bắn vào, việc quan trọng nhất là nhổ mũi tên đó ra chứ không phải ngồi đó để tìm hiểu ai là người bắn mình, người đó đến từ đâu, giòng họ như thế nào? v.v... và v.v... Đi tìm người bắn mình nghĩ chuyện đó cũng nên tìm lắm nhưng kỳ thực mình sẽ chết trước khi biết được những chuyện đó. Người phát nguyện bỏ tất cả đi vào chùa tu tập ăn cơm của đàn na tín thí, sống một cuộc đời tu tập thì mình nên hiểu cái gì thuộc về kiến văn phù phiếm nên có chừng mực chứ không nên là tất cả. Bệnh lớn nhất của tôn giáo là bệnh bao biện, chúng ta thường muốn từ cái nhìn của tôn giáo đi giải thích tất cả mọi chuyện ở trên cuộc đời này. Đó là một điểm sai theo trong Đạo Phật. Mục đích của đời sống tu tập không phải là trả lời cho tất cả mọi việc mọi thứ từ khoa học, kỹ thuật, văn học v.v.. mình không tìm được câu trả lời đó và mình nên tìm cái gì thiết yếu cho đời sống thật sự. Điều này không dễ dàng, người tu có thể bỏ rất nhiều thứ nhưng bệnh khao khát về tri thức đôi khi trở thành một chứng bệnh nan y bất trị, nhưng mình không chịu ngồi xuống để tu tập cứ lúc nào cũng muốn tìm hiểu.

Có một nhà Sư người Nhật sang Miến Điện tu thiền nhưng khi sang Miến Điện ông lại say sưa với nền kiến trúc chùa tháp của Miến Điện, vị này bỏ ra 8 năm như vậy đến khi gặp Ngài Tangpulu Ngài rày bỏ nhà bỏ cửa bỏ quê hương để đi mà chỉ tìm được mớ kiến thức về nghệ thuật đối với người đời có giá trị còn đối với người tu không có giá trị gì hết, người tu đến đây không phải để tìm hiểu những chuyện đó, mà quan trọng là làm sao ngồi xuống sống với hơi thở của mình, sao sống với thân tâm của mình. 

Mười điểm ở đây đề cập như thế giới thường còn hay không thường còn, tức là một ngày nào đó mọi người đều giải thoát hết và biển trầm luân cạn không còn nữa. Hay thế giới hửu biên hay vô biên, vũ trụ này có ranh giới hay không ranh giới, nếu có ranh giới thì ngoài ranh giới là cái gì v.v... và v.v... điều đó không có cần thiết. Vì vậy chúng ta phải coi chừng cái bệnh khao khát với tri thức.

2 - Điểm thứ hai Đức Phật gọi là từ bỏ tầm cầu, tầm cầu ở đây là sự truy cầu:

Dục tầm là thỏa mãn những cái gì thuộc về sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc. Ví dụ, mình xây chùa bỏ quá nhiều đầu tư vào trong đó, suốt đời làm sao mình xây ngôi chùa hoàn hảo, ngôi chùa đẹp, ngôi chùa lớn, điều đó thật sự Đức Phật Ngài không khen ngợi. Quí vị đừng hiểu lầm là chúng tôi chỉ trích người xây chùa, không phải. Có những người thật sự tốt rất tốt cho họ nếu họ phát tâm làm việc đó. Nhưng nếu mình đi tu tập mà mình quá nặng về những chuyện đó thì làm hỏng đi giá trị thật sự của đời sống phạm hạnh. Mình đi tu không phải là để xây chùa, hay đi tìm một thế giới của thanh âm làm sao cho tụng kinh thiệt là hay, hay là viết những bản nhạc đạo rất là hay. Thậm chí có nhiều vị còn cảm nhận việc tụng kinh hay là một nghệ thuật cao nhất mà họ có thể có trong chùa được. Thật ra việc đó đối với Đức Phật Ngài gọi là đó chỉ là sự thỏa mãn, là dục tầm.

Hữu tầm nghĩa là đi truy cầu mình sẽ trở thành một ai đó, mình sẽ làm trụ trì, mình sẽ làm thiền sư, mình sẽ làm người có địa vị cao có học vị cao, mình sẽ làm thế này mình sẽ làm thế kia. Ý tưởng đi truy cầu về hữu tầm có nghĩa muốn mình sẽ trở thành cái gì, mình trở thành một ai đó. Nhưng hiện tại thở vô thở ra mình không biết, hiện tại thân tâm mình ra sao mình cũng không biết, hiện tại mình bị phiền não chi phối mình cũng không biết, mình chỉ muốn là mình sẽ trở thành ai đó, gọi là hữu tầm.

3. Thứ ba: "Phạm hạnh tầm cầu được khinh an" thực ra ở đây không rõ nghĩa mạch văn. Tức là tầm cầu sự khinh an trong đời sống tu. Ví dụ quí vị ở ngoài đời mệt mỏi quá bây giờ muốn vô chùa để tìm một chốn bình an. Đi tu không phải là đi tìm một chốn bình an. Nếu một người quan niệm mình vào chùa để đi tìm chốn bình an trong đó, là mình hoàn toàn sai, sai trên thực tế và sai trên căn bản của sự tu tập. Ở đây căn bản tu tập không phải là đi tu để đi tìm sự bình yên, ở ngoài đời khổ quá mình đi chùa để bình yên, không phải. Sai ở trong thực tế là ngay cả bây giờ quí vị vô chùa thì cũng không tìm được sự bình an như ở nhà, ở nhà quí vị có thể tìm sự bình an như đói có cơm ăn nhưng nếu mình vào chùa tu thì có nhiều thứ chuyện thành ra đi vô chùa đi tìm sự bình yên là sai.

 Ngài Ajahn Jayasaro có chỉ trích một việc về một khuynh hướng thiền rất tai hại là người Mỹ ca ngợi Thiền Tứ Niệm Xứ là meditation relaxation. Relaxation tức là thư giãn, học cách nào để relax.  Thiền không phải là relax, relaxation là sự thư giãn không phải là mục đích của thiền. Thật sự điều này rất nguy hiểm là chúng ta tu tập mà chúng ta đi tìm sự thoải mái. Người tu tập không đi tìm sự thoải mái cũng không đi tìm sự hành xác. Mình không cố ý hành xác tức là không khổ hạnh cũng không có cố ý tìm sự thoải mái mà chỉ làm sao để thắp sáng chánh niệm. 

Thắp sáng chánh niệm nghĩa là sự tỉnh táo biết rõ cái gì đang xảy ra, chứ không phải là đi tìm một cái gối êm ấm để nằm, tìm một thế giới cảm thấy thoải mái bình yên, mình tu tập rồi có tiền đi tìm một miếng đất hay tìm một cái cốc nào đó có chim hót suối reo để ở, cái đó không phải là cuộc sống của phạm hạnh. Ngay cả một buổi sáng thức dậy ngồi thiền không lẽ mình đi tìm sự trong lành buổi sáng rồi mình ngồi đó cảm thấy con người mình phiêu phưởng, cái đó không phải là mục đích của phạm hạnh. 

Mục đích của phạm hạnh không phải đi tìm sự khinh an, không phải đi tìm sự nhàn rỗi. Thật sự mà nói nếu trong câu chuyện tu tập cái gì luôn là chướng ngại thì làm cho mình khổ sở nhưng cái gì thoải mái thì làm mình bị ru ngủ làm mình bị trì trệ. Nó tương tự như vầy, khi mình đi học nếu lúc nào cũng đi tìm cái vui cái thoải mái cái thích thú thì sẽ thất bại, làm việc gì cũng thất bại, có nhiều người nghĩ mình làm phước phải hoan hỉ, mình đi chùa mình phải cảm thấy yên tịnh, mình tu tập mình phải cảm thấy thanh thản không có phiền não. Những cái cày đặt trước con trâu như vậy những điều kiện mình đưa ra như vậy chỉ tự mình làm cản trở chính mình.

Tại vì sao vậy? Tại vì có kỳ vọng ở đó, có mong mỏi. Sự kỳ vọng và mong mỏi đó mới nhìn rất vô hại. Ví dụ, bây giờ cuộc đời mình phiền toái quá mình nói mình đi tu thiền hay vào chùa tu để không phiền toái. Nhưng thái độ đi tu để không phiền toái đó không phải là mục đích của phạm hạnh. Mục đích của phạm hạnh là ở trong đời sống hiện tại có chánh niệm tỉnh giác, xa hơn nữa là giác ngộ giải thoát chặt đứt phiền não. Chứ không phải vô chùa để tìm một chốn bình yên. Cái chốn bình yên mình mơ ước rất là thơ mộng rất êm đềm rất đẹp nó được minh họa như một cõi thiên thai, một cảnh giới thần tiên nào đó, cái đó nó không phải hoàn toàn là mục đích phạm hạnh. Bởi vậy đôi khi chúng ta nghe nói mình tu để kiếp sau lên thiên đàng hay cực lạc hay về cảnh giới nào đó và mình muốn đưa ra hình ảnh rất thơ mộng rất đẹp rất trang nghiêm.

Thỉnh thoảng chúng tôi đến Đài Loan, thấy có một vài ngôi chùa người ta cố gắng để làm một cái gọi là cực lạc thế giới thì chúng tôi phải nhìn nhận rất đẹp, ở trong cực lạc thế giới đó có hoa, có kiểng, có núi, có hồ, có chùa, có tháp mọi thứ thơ mộng. Nhưng trong cái nhìn thật sự của thiền quán những cảnh giới gọi là rất thơ mộng đó nó chỉ ru ngủ chúng ta nhiều hơn là có giá trị tỉnh thức. Nói điều đó thì có lẽ là một số vị sẽ bị đụng chạm nhưng mục đích của đời sống tu tập không phải là đi tìm một cảnh giới cực lạc, không phải như vậy,  mà là cái gì đó chúng ta có khả năng thắp sáng chánh niệm tỉnh táo nhận biết, nếu chúng ta có thể ngồi xuống trong một giờ lẳng lặng nhìn hơi thở ra hay vô thì đối với Đức Phật điều đó quan trọng hơn là chúng ta tìm đến một nơi mỗi thứ đều đẹp, mỗi thứ đều tốt, mỗi thứ đều thoả mãn, cái thỏa mãn của mắt của tai của mũi lưỡi mà thôi. 

Trong câu thứ hai Đức Phật giảng: "Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đã từ bỏ hoàn toàn các tầm cầu?"

Ở đây, này các Tỷ-kheo, đối với Tỷ-kheo, dục tầm cầu được đoạn tận, hữu tầm cầu được đoạn tận, Phạm hạnh tầm cầu được khinh an. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo đã từ bỏ hoàn toàn các tầm cầu.

- Dục tầm là thỏa mãn các giác quan của mình như tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc gọi là dục tầm. 
- Hữu tầm là mình mong muốn trở thành một ai đó, trở thành ông này vị kia, trở thành thiền sư, trở thành vị viện chủ, trở thành vị pháp sư, thiền sư, ngay cả muốn người ta biết mình là người tu đàng hoàng thì cũng là vấn đề. 

Ở trong trường thiền Wat Nong Pah Pong Ngài Ajahn Chah có để một câu trên con đường đi rất hay, đó là "Personal desire is not the problem". Mục đích đời sống phạm hạnh không phải để mình trở thành một vị thánh hay người cao thượng, hay mình có những ý tưởng cao thượng, mà là sự thật như thế nào mình biết rõ như vậy. Điều này quan trọng. Đời sống của mình không phải mình nói tu để mình trở nên cao quí, trở nên cao thượng hay trở nên thế này thế kia mà là cái gì nó vô thường biết nó là vô thường, cái gì khổ biết là khổ, cái gì vô ngã biết là vô ngã, mình thở vô biết thở vô, thở ra biết thở ra, tâm của mình cao thượng biết tâm cao thượng, tâm mình thấp hèn biết tâm thấp hèn. Chứ không phải mình tu là để mình muốn mình trở thành cái này, trở thành cái kia. 

Chúng tôi hy vọng rằng chúng tôi nói như vậy không làm cho quí vị lộn xộn nhưng mà: 

Đại khái: hữu tầm là chúng ta muốn trở thành người này, trở thành người kia, điều này không cần cho người tu. Người tu nên biết hiện tại tốt biết là tốt, xấu biết là xấu, điều đó mới là quan trọng, cái gì sanh biết sanh, cái gì diệt biết diệt, hơi thở vô biết hơi thở vô, hơi thở ra biết hơi thở ra. Chứ không phải mình tu để mình trở thành người cao quí hay mình trở thành thế này thế kia. Có những người nói chỉ muốn sống giản dị và đi đâu cũng đòi chỗ ở phải giản dị, ăn giản dị, cái giản dị của người này trở thành thứ cầu kỳ. Ngày hôm nay có nhiều người muốn có kiểu sống giản dị mà kiểu sống đó lại trở thành một điểm phiền cho nhiều người chung quanh. 

Chúng ta sống làm sao cho cuộc sống mình dễ nuôi đừng làm rộn ràng làm phiền người khác, không cần người ta phải chú ý đến mình, nhẹ nhàng không làm phiền ai, mình không trở thành gánh nặng cho ai, Đức Phật gọi cuộc sống như vậy là nên. Còn nếu mình đòi hỏi, và khi người ta cho mình vô nơi có nhiều màu sắc mình nói không, tôi muốn nơi không có màu sắc, người ta cho mình vật tốt mình nói không, phải đi tìm cho tôi cái gì giản dị, như vậy nó trở thành một kiểu sống một lối sống đặc biệt thì lối sống đặc biệt đó  cũng là một sự đòi hỏi. Thành ra điểm thứ nhất không phải sự trừ khử sự thật cá nhân mà là sự đi truy tìm những chân lý phù phiếm không liên hệ đến giải thoát. Đó là ý nghỉa của câu thứ nhất. 

Câu thứ hai là đi truy cầu sự thỏa mãn mắt tai mũi lưỡi thân, đi truy cầu sự thỏa mãn mình là ai, hay là đi tìm sự an tịnh. Đó là ý nghĩa của câu thứ hai.

 Câu thứ 3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo thân hành được khinh an?

Thân hành được khinh an, trong kinh Phật đề cập đến thân hành là đề cập đến hơi thở, tâm hành là đề cập đến tầm hay sự đi truy cầu. Thân hành trong Phật Pháp là hơi thở rất quan trọng, nếu tu tập một lúc chúng ta sẽ nhận ra được hơi thở đi liền với nhu cầu của thân, hơi thở đi liền với trạng thái của tâm. Mấu chốt nằm ở chỗ này là tâm mình an tịnh thì hơi thở tế nhị, tâm mình phiền não thì hơi thở nặng nề. 

Về điểm này có một dịp khác chúng tôi sẽ nói. 

Trong sự điều tức, hiện tại lạc trú trong sự hoá giải trước tuế toái của cuộc sống, người tu tập hoá giải bằng sự an tịnh của hơi thở là vượt qua những lạc thọ, khổ thọ và đạt đến xả thọ, về điểm này liên hệ đến các chi thiền đây là một công phu rất lớn ở trong Phật Pháp, và là một trong những khó nhất của người tu tập tại vì nó không nằm ở trong thế giới của tri thức sự hiểu biết mà ở trong sự thuần thục của sự tu tập. Đạo Phật gọi là Samadhi. 

Khi nghe nói về giới định huệ thì chữ Samadhi. Một trong những dấu ấn để cho thấy trình độ cao của Samadhi của Định của Tam Muội đó là sự tế nhị của hơi thở. Đại khái, có nhiều sự tu tập như tu tiên, luyện tinh khí thần của Trung Hoa hay các vị Du Già, Yoga của Ấn Độ điểm này điểm kia nhưng riêng đối với Đạo Phật sự tu tập nằm ở chữ Samadhi. Giới chỉ cho kỷ cương, giới chỉ cho sự thấu triệt hiểu biết nhưng Định là công phu tu tập. Định-Samadhi là tam muội, công phu, cái công phu bản thân dựa trên hơi thở, hơi thở đạo Phật gọi là thân hành. 

Trong thế giới thân hành có nhịp đập, khi bệnh bác sĩ bắt mạch mình mà mạch nhanh quá cũng có vấn đề mà chậm quá cũng có vất đề, mạch điều hòa đôi khi nó ở  mức nhẹ nhàng. Thì mạch không phải tất cả nhưng mạch là một dấu ấn một sự biểu thị của sức khỏe, bắt mạch thì biết nhiều về sức khỏe hơi thở nhanh hay chậm, hơi thở là thân hành được xem như sự biểu thị của Samadhi.

Một người làm một cuộc cách mạng, một người không đi theo xu thế ở đây Đức Phật gọi là mạn. Thí dụ như mình tu cho dù mình tu nhiều hay tu ít cũng hay nghĩ về cái "tôi" cái "ta". Đó là điểm rất tế nhị. Đức Phật Ngài thường dạy đối với dù là sắc, thọ, tưởng, hành, thức thì cũng không nên đó là "ta", là "của ta", là "tự ngã của ta". Trường hợp chúng ta hay gặp phải đó là ý nghĩ về bản thân của mình "tôi cao qúi" "tôi là người phải được trọng vọng". Lấy một ví dụ Đức Phật Ngài thường nhắc một vị tỳ kheo cho dù tu đến bao nhiêu hạ hay trở thành vị trưởng lão chẳng hạn, trở thành vị pháp sư, thì có những điều nên tâm niệm ghi nhớ thí dụ sự sống của mình phải nhờ nơi kẻ thế gian, đi khất thực thì đi bằng chân không và nhớ một điều bản thân của mình sống là do sự giúp đỡ của đàn na tín thí thì không có gì phải tự hào. Ngã tính trong đời sống là một cái gì cực kỳ tế nhị. Chữ attamana Đức Phật Ngài dùng chỉ cho ý tưởng về tôi là cái gì, chúng ta nên nhớ điều này nó ăn sâu nó tiềm tài cực kỳ sâu thẳm đôi khi mình đi đến đâu nó đi theo tới đó.

Một câu chuyện, chúng tôi nghe ông ngoại kể về người cha vợ với con rể ở chung.

 Ở bên Việt Nam miền quê buổi tối không có đèn, trời thì tối căm, câu chuyện hài hước được kể là bữa đó ở trong nhà có làm bánh rất ngon nhưng làm xong không được ăn vì chưa cúng, bánh cất trong tủ đồ ăn để chờ sáng mai cúng xong rồi cả nhà ăn. Chàng rể mới nghĩ ra một chuyện là buổi tối cả nhà ngủ  mình lén đi nhè nhẹ ra tủ ăn một vài cái, nhưng buổi tốt đen thì làm sao thấy lối đi ông mới nghĩ kiếm một sợi giây cột vào cái tủ để thức ăn rồi leo lên giường ngủ. Nhưng đầu giây bên kia cột vào cái tủ còn đầu này lúc ngủ nó rớt hồi nào không biết không có đèn pin để biết nó nằm ở đâu, anh rể mới cột vào chân anh. Việc làm của anh con rể này không qua mắt được ông già vợ, ông già vợ mới cắc cớ tháo đầu giây ở chỗ tủ đồ ăn đem cột qua cái giường của ông, ông nghĩ người con rể đi lò mò tìm đồ ăn đến gặp ông thì chắc là một phen hốt hoảng. Thì đúng như vậy, đến khi mọi người ngủ rồi thì người con rể đi tìm lấy đồ ăn thì lại đụng ông già vợ và lúc đó mới giựt mình là đầu giây này không phải dẫn đến tủ đồ ăn mà lại đụng ông già vợ, chú này sợ quá phóng chạy và lúc phóng chạy thì sự việc xảy ra là một đầu giây thì cột vô chân mình và một đầu kia lại cột vô thanh giường một cái nẹp bằng tre, ở miền quê người ta đóng giường bằng tre nó có cái nẹp, vì giựt mạnh quá cái nẹp đó xúc ra. Khi người con rể sợ quá nhảy ra ngoài ao nhảy ngang qua cái ao thì sợi giây có cái nẹp tre nó đánh trúng vào chân của mình, chú đó nghĩ ông già vợ hay quá buổi tối đen mình nhảy ngang ao trời tối căm mà ông phang mình mấy cái mà cái nào cũng trúng hết. Đó là chuyện vui, cái nẹp tre cột vào sợ giây mà sợi giây cột vô chân mình thành ra mình đi đâu cái cây cũng đánh trúng chân mình rồi nghĩ trời tối ông già giỏi quá quăng cái nào trúng cái đó. 

Chúng tôi kể chuyện này là một thí dụ về mạn trong đời sống của mình. Mình bỏ nhà đi tu đó là chuyện hay nhưng mình tự hào mình là người dám bỏ nhà đi tu, đó cũng gọi là sự kiêu mạn. Mình thấy những người khác không tụng kinh mình tự hào là mình tụng kinh nhiều, mình tụng kinh đều đặn thì đó cũng là sự kiêu mạn. Hoặc, ai tu không thành pháp sư chứ mình tu thành pháp sư đó là kiêu mạn.  Cái mạn nó giống như cái nẹp tre mà cột vào sợi giây đi đâu nó phang mình trúng cái đó là tại vì đầu kia sợi giây cột vô chân của mình. Con người mình đi tu phải cẩn thận, ngay cả trong tận cùng sâu thẳm của mình thì cái "tôi" cái "ta" cái "tự hào" liên hệ đến ngã tính nó vẫn tồn tại. Đức Phật dạy người nào cắt được ngã mạn được xem là người làm cuộc cách mạng. Chữ panitito trong chữ Hán họ dịch là "thoái khứ giả" tức là một người có khả năng trở về, thay vì mọi người họ bị lôi kéo đi còn mình có khả năng quay lại có khả năng trở về, không phải dễ dàng. Ở đây không biết tại sao dịch là độc cư, không phải là độc cư không phải là người độc cư.

Thì bốn pháp này là bốn pháp chúng ta phải rất cẩn thận, coi chừng nó vẩn tồn tại ở trong đời sống của chúng ta và chúng ta phải có khả năng để vượt qua:
1- Chúng ta phải vượt qua sự khao khát về tri thức.
2- Chúng ta vượt qua những truy cầu dù đó là dục cầu, hữu cầu hay phạm hạnh khinh an cầu.
3- Chúng ta phải đi đạt đến khả năng khai triển công phu của tam muội hay của định mà tiêu biểu là an tịnh thân hành chứng các thiền
4- Chúng ta phải có khả năng vượt qua sự kiêu mạn. 

Thật sự, trong đời sống hàng ngày những điều này không có giá trị lớn nhưng với một người tu tập thì những điều này là những điều giá trị cực kỳ lớn tại vì nó đạt tới chỗ rất tế nhị./.