Thursday, August 11, 2016

Kinh Xúc Động - Tăng Chi Bộ - TT Giác Đẳng

Kinh Xúc Ðộng - Tăng Chi Bộ 

Bài học giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 19-7-2016

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Bài học này chúng tôi có một số điều trình bày bởi vì cũng có một chút phước duyên được đi hành hương 4 cảnh động tâm, chiêm bái 4 Thánh Tích và cũng có tổ chức hướng dẫn các phái đoàn đi chiêm bái các Thánh tích.

Chánh văn:
- "Có bốn trú xứ, này các Tỷ-kheo, khi một tín nam thấy cần phải xúc động mãnh liệt. Thế nào là bốn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Như Lai sanh. Ðây là trú xứ khi một tín nam thấy, cần phải xúc động mãnh liệt. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Như Lai đã giác ngộ Vô Thượng Chánh Ðẳng Giác. Ðây là trú xứ khi một tín nam thấy, cần phải xúc động mãnh liệt. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Như Lai chuyển pháp luân vô thượng. Ðây là trú xứ khi một tín nam thấy, cần phải xúc động mãnh liệt. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Như Lai đã nhập Niết-bàn giới, không có dư. Ðây là trú xứ khi một tín nam thấy, cần phải xúc động mãnh liệt".

1. Điểm thứ nhất-  Việc đầu tiên chúng tôi muốn chia sẻ khi chúng ta đến một Thánh tích dù là nơi Đản Sanh, Thành Đạo, Chuyển Pháp Luân, hay nơi Viên Tịch Niết-Bàn sự cảm nhận của chúng ta, sự cảm xúc của chúng ta tùy thuộc nhiều vào trình độ hiểu biết, vào niềm tin và vào sự khéo léo. 

Nhiều người bỏ ra tiền bạc rất nhiều để làm một chuyến đi hành hương nhưng lại được lợi lạc rất ít vì lý do họ quá bận tâm đến những cái dơ của xứ Ấn Độ khi đến từ những nơi sạch sẽ như bên Âu Mỹ chẳng hạn. Cái phiền ở tại Ấn Độ khi những tiện nghi không được như chúng ta mong muốn. Hoặc giả thất vọng khi chúng ta nghĩ tưởng Thánh Địa như thế này Thánh Địa như thế kia. Nếu quí vị đã từng đến thăm những ngôi chùa vĩ đại tại Trung Hoa, Nhật Bản, Miến Điện, Thái Lan rồi quí vị sang Ấn Độ thì thật ra những kỳ vọng khi chúng ta đến chiêm bái các Thánh Tích, không giống như vậy. 

Đi hành hương đặc biệt đi chiêm bái bốn Thánh Tích là một trắc nghiệm rất lớn về niềm tin của chúng ta, chúng ta hiểu Phật như thế nào? Chúng tôi lấy một ví dụ nhiều người tin Phật đơn thuần nghĩ Đức Phật rất linh thiêng, Ngài có rất nhiều quyền lực. Họ đến những ngôi chùa vĩ đại có những bàn Phật rất trang nghiêm, họ đã quỳ hàng giờ để cầu nguyện. Thậm chí nghe người này nói đi biển thấy Quan Thế Âm Bồ Tát thị hiện như vậy, đi đâu thấy Phật thị hiện như vầy v.v... Họ tin Phật tại họ nghĩ đến sự linh thiêng gia hộ. 

Khi đến những Thánh tích một số bị hoang tàn bị hư hỏng theo thời gian hay bị phá hủy bởi người Hồi giáo nhiều người thất vọng là quyền lực linh thiêng của Đức Phật ở đâu mà Ngài để những nơi Thánh tích xảy ra trường hợp như vậy? Thật ra nếu quí vị hỏi chúng tôi câu hỏi đó chúng tôi sẽ mời quí vị đến tất cả những Thánh tích những di tích của những vị giáo chủ lớn trên thế giới, tất cả những ngôi đền dù đó là đền cổ của Hy Lạp, kim tự tháp thờ Mặt Trời ở vùng cao nguyên miền trung Mexico thuộc nền văn minh Maya, những ngôi chùa vĩ đại v.v... đểu bị tàn phá theo thời gian.

 Đức Phật chưa bao giờ Ngài dạy chúng ta tin Ngài bằng quyền lực bậc siêu nhiên Ngài sẽ bảo vệ ban phước cho chúng ta và thay vào đó Ngài cho những lời dậy rất là minh triết: 

- "Tất cả các hành là vô thường, các con phải tinh tấn"

 Đức Phật đã dạy chúng ta dù đó là đẹp, dù là xấu, dù là thô, dù là tế, bất cứ hiện tượng nào của pháp hành đều là vô thường.

Cũng có những người đi hành hương với tâm tư đi tìm về vùng đất Phật hay Phật quốc phải gặp những con người rất đẹp, có đạo tâm, rất dễ thương, nhưng mà rồi có một vài nơi khi đến họ thất vọng vì thấy những người đi ăn xin bám theo mình như đỉa đói, những viên chức chính quyền lại rất khó chịu khó ưa. Và thậm chí đôi khi trên con đường hành hương chúng ta không được đón nhận thân thiện. Con người chúng ta ngày hôm nay dễ ru ngủ mình bằng kỳ vọng của sự thân thiện, bằng kỳ vọng đẹp, mình đi đến chỗ nào chỗ đó phải vui, phải đẹp, phải tiện nghi, phải thế này, phải thế kia. 

Thật sự, người ta đã quên đi những cuộc hành hương vĩ đại ở trong lịch sử nhân loại và trong lịch sử Phật Giáo không phải là con đường đầy hoa thơm cỏ lạ như vậy. Ngài Huyền Trang từng bị ăn cướp bắt trói cướp sạch đồ, Ngài Pháp Hiển còn tệ hại hơn nữa bị họ lột không còn một mảnh vải che thân may là có những người thương xót giúp đỡ, Ngài Nghĩa Tịnh tưởng đâu bỏ xác ở xứ người bởi vì những chứng bệnh do phong thổ khác biệt. 

Chúng tôi muốn nói một điểm như vầy, những người có niềm tin tôn giáo thường sống nặng về lý tưởng, sống nặng về kỳ vọng và thường hay ru ngủ mình với những gì mình nghĩ rằng màu nhiệm linh thiêng và đôi khi khiến người ta xa rời thực tế. Chúng tôi biết có một vị HT có ngôi chùa lớn ở Texas trong một chuyến đi sang Ấn Độ đã nói : "Tưởng đâu Phật tích là to tát vĩ đại nhưng mà chỉ còn lại mấy miếng gạch ngói hoang tàn thôi". Quí vị tưởng tượng là một vị tu sĩ sống trong chùa đi sang Phật tích mà ngồi tưởng tượng chỗ đó phải lớn như Vatican, phải thế này phải thế kia, khi đến các Thánh tích Phật giáo tại Ấn Độ thấy hoang tàn thì thất vọng, đó là một vị Hoà Thượng Nam Tông. Có nhiều người đi hành hương Ấn Độ về điều họ nói chỉ về thức ăn, về nhà vệ sinh, chỉ về những bất tiện của Thánh tích, của những nơi họ đi qua, họ không có sự chuẩn bị tâm lý và họ đánh mất rất nhiều lợi ích. 

Cuộc sống của chúng ta là một cuộc hành trình và nếu trên hành trình đó  chúng ta trải qua những giai đoạn, những đoạn đường không được đẹp đoạn đường gồ ghề và chúng ta bất mãn và chúng ta bực bội thì đó là tự mình, tự tâm mình, vấn đề không phải là cuộc hành trình đó mà vấn đề là tại vì chúng ta không chuẩn bị về tâm lý.

Chúng tôi chia sẻ về vấn đề hành hương. Có 2 điểm đối nghịch nhau giữa Nam Truyền và Bắc Truyền, điều này tạo nên một sự khác biệt sâu sắc khi đi hành hương người Phật tử phải biết và người học Phật phải biết. 

Với Phật giáo Bắc Truyền Đức Thế Tôn thành đạo từ vô lượng kiếp và tất cả những gì Ngài hiển lộ trong đời sống của Ngài,  trong suốt cuộc đời của Ngài sanh ra là Thái Tử, lớn lên lập gia đình rồi từ bỏ Ngai vàng vợ con đi xuất gia rồi viên tịch Niết-bàn chỉ là một sự thị hiện để độ chúng sanh. Chúng ta nói theo ngôn ngữ bình thường chỉ là sự đóng vai tức là Ngài phải đóng nhập vai đó, Ngài phải đóng vai đó để cho chúng sanh thấy mà thay đổi nhưng thực chất phía sau Ngài đã là vị Phật, Ngài đã là một vị có rất nhiều quyền phép, Ngài đã là vị rất tự tại trong cuộc đời bởi vì Ngài đã thành đạo lâu rồi bây giờ cái gì Ngài làm chỉ là sự hiển hóa chỉ là sự hiển thị ra bên ngoài để chúng sanh tin.

Nhưng quan điểm đó không được chia sẻ bởi Phật tử thọ trì kinh tạng Pali Phật Giáo Nam Truyền. Khi đi hành hương đến những chỗ Ngài tu khổ hạnh đến những đoạn đường Ngài đã đi qua trời nóng trời lạnh, đến những cam khổ, đến những gì Ngài đối diện trong đời sống đều là thật rất thật, chúng ta nói theo người Hoa Kỳ là face value (như vậy là như vậy). Đức Thế Tôn Ngài không cố tình làm như vậy mà Ngài đã đối diện với như vậy Ngài đã trải qua như vậy. 

Đã có một sự trái trống rất lớn khác biệt giữa hai truyền thống Phật Giáo trong vấn đề chiêm bái đó là:

- Phật Giáo Bắc Truyền, chúng tôi nói ở đây là có một số lớn không phải hầu hết đạt đạo về vấn đề linh thiêng của Đức Phật. Cái linh thiêng đó là họ nói đi họ cầu nguyện thế này họ cảm nhận thế kia rồi về nói lý do tại sao mình chiêm bái. 

- Nhưng trong quan niệm của kinh Pali của những người Phật tử Nam Truyền thì chúng ta về chiêm bái là để cảm nhận sự cao cả, cảm nhận sự vĩ đại của Đức Phật, cảm nhận một bậc Đại Giác đã đi như vậy, đã đến như vậy, đã sống như vậy, đã hoằng hóa như vậy và điều đó có một giá trị lớn đối với tất cả chúng ta. 

Hai điểm này rất trái ngược với nhau. Vì vậy khi đi hành hương chúng ta phải hiểu, chúng tôi lấy ví dụ vị Hoà Thượng ở Texas khi đi hành hương qua Ấn Độ nói rằng nếu Đức Phật Ngài linh thiêng tại sao Ngài không gìn giữ những nơi Thánh địa đó vẹn toàn không bị Hồi giáo xâm chiếm tàn phá. Thật ra quan niệm đó không phải là một quan niệm xác thực mặc dầu vị Hòa Thượng đó tu theo Nam Tông và cũng là người lớn tuổi có suy nghĩ nhưng chúng ta cảm nhận Đức Phật như vậy, chúng ta đảnh lể một pho tượng rồi tình cờ bị cơn sóng thần tsunami hay bị sao đó mà pho tượng Phật bị bể bị hư thì chúng ta cũng phải nói pho tượng Phật đó tại sao nói linh thiêng tại sao không giử hoài, tại sao bị hư hỏng. Pho tượng là pho tượng, một người Phật tử tỉnh táo không ai nghĩ Đức Phật phải bảo vệ pho tượng đó, Đức Thế Tôn Ngài không có bận thì giờ để bảo vệ tất cả những pho tượng của Ngài ở trên thế gian này. Đây là một vài điểm chúng tôi muốn nói với quí vị là đi hành hương phải chuẩn bị tâm lý. 

2. Điểm thứ hai:  Đa số đi hành hương Ấn Độ bận tâm về số tiền mình chi ra, đi hành hương vì người quen, nhưng hai điều đó không quan trọng, điều quan trọng nhất phải biết trong chuyến đi hành hương đó mình làm cái gì, mình hiểu được điều gì và mình nghe được điều gì. Chúng tôi biết có nhiều người tìm những tour tương đối rẻ rồi đi qua Ấn Độ người ta chỉ đây là chỗ Đức Phật thành đạo rồi vô lạy, đây là chỗ Đức Phật Đản Sanh rồi vô lạy, lạy xong đi ra hay tụng bài kinh rồi đi ra, như vậy không đủ, chúng tôi phải nói thật sự là không đủ. 

Khi chúng ta đến một nơi có những sự kiện lịch sử mang tầm vóc quan trọng, ví dụ như Thánh địa nơi Đức Thế Tôn chuyển Pháp Luân là nơi Đức Thế Tôn thuyết pháp đầu tiên đó là Đại Tháp Dhamek đó là nơi Đức Thế Tôn đã cho 5 vị Tý Kheo xuất gia đầu tiên, nơi bắt đầu thời kỳ giáo pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Nơi hình thành đầy đủ ba ngôi báu Phật Pháp Tăng, một nơi đánh dấu cha mẹ của Yasa đã đến gặp Đức Thế Tôn đã qui y. Lần đầu tiên có một người Phật tử qui y Tam Bảo như thế nào? Tam Bảo xuất hiện như thế nào? Những điều đó người ta không biết, tại vì họ không quan trọng đến lịch sử, họ chỉ nói đây là nơi Đức Phật chuyển Pháp Luân. 

Thậm chí nếu đi mà chúng ta không hiểu rõ về kinh Chuyển Pháp Luân Đức Phật dạy điều gì? Sự cô đọng ra sao? Nền tảng của giáo pháp đã được giảng dạy như thế nào? Dẫn mọi người đến để chiêm bái Thánh tích Phật chuyển Pháp Luân mà các vị đó coi giáo lý Tứ Đế không có gì quan trọng hết thì thật sự đáng tội nghiệp. Mình đi không phải quan trọng là tiền, không phải quan trọng đó là người quen hay là tiện nghi, mà quan trọng là ở mỗi một chỗ như vậy mình được hiểu gì, cảm nhận điều gì. 
Thật sự mỗi một Thánh tích là một đạo tràng, mỗi một Thánh tích là một chương lịch sử rất quan trọng, mỗi một Thánh tích khẳng định một số những giá trị rất cao quí đối với người Phật tử trên thế giới. Nhưng rất tiếc người ta đi theo dịch vụ, người ta đi theo sự quen biết bình thường và đi cho có đi không cảm nhận trọn vẹn điều đó. 

Khi đi hành hương sang Ấn Độ cũng phải khéo để sắp xếp lộ trình. Ba nơi người ta thường đến Ấn Độ đầu tiên là New Delhi thủ đô Ấn Độ hoặc giả Bombay một thành phố Nam Ấn, hoặc giả thành phố Kathmandu của quốc gia Nepal. Tùy vào chỗ mình đi người ta tạo ra một hành trình thí dụ như lộ trình New Delhi thường đến đó rồi đa số phái đoàn cách rẻ nhất là lấy xe lửa, đi xe lửa ở tại Ấn Độ là một ác mộng đối với những người hành hương, nhà ga như một biển người rất nhiều chuột chạy ở dưới đường rầy, chạy tới chạy lui tung tăng thoải mái và sô bồ vô cùng, có nhiều người sang Ấn Độ mới đến Tân Đề Li ngủ một đêm sáng ra nhà ga thấy cảnh như vậy khóc đòi về. Một cách tiện nhất là lộ trình từ New Delhi hay Bombay lấy máy bay bay đến Varanasi nơi có Thánh tích Sarnath nơi Đức Thế Tôn chuyển Pháp Luân. 

Di chuyển từ Thánh tích này qua Thánh tích khác có một điều bắt buột là phải đi xe bus, và hầu như một chuyện rất cần thiết là để bớt bụi và để dễ chịu xe bus phải tốt có máy lạnh, nếu mướn xe bus rẻ tiền chạy chút xíu người ta nói máy lạnh hư và họ quay cửa xuống quí vị sẽ hứng bụi rất nhiều, ngày hôm nay đường xá Ấn Độ bụi nhiều và đi rất dễ bị bịnh vì bụi. Người đi hành hương phải có một thái độ rất tích cực đi khám phá học hỏi và thử thách với chính mình, nếu một người đi hành hương phải đúng như tiểu thư và công tử thì thật sự quí vị sẻ rất khổ sở.

Có những lộ trình có lẽ 5 năm 10 năm nữa có thay đổi nhưng ở trong xuyên suốt từ năm 1989 lần đầu tiên chúng tôi đi Ấn Độ cho đến năm vừa rồi có những con đường họ làm chưa xong, nó dài và gập ghềnh người ta không nói ổ chuột mà là ổ voi. Như vậy, một kinh nghiệm thực tế tất cả ai đi Ấn Độ kỳ vọng một chuyến đi tiện nghi thoải mái người đó sẽ thất vọng. Nhưng những tour tổ chức đi họ không dám nói điều đó sợ người ta sẽ ngại không dám đi nữa, về vấn đề tiếp thị người ta ngại nói về những điều đó nên ai muốn đi hành hương Ấn Độ phải chuẩn bị tâm lý rất nhiều về điểm này.

Mỗi một nơi đến chúng ta phải cảm nhận từ một góc cạnh nào đó mà điều đó khả dĩ có thể tạo cho chúng ta sự xúc động tinh thần ví dụ: 

Đến Bồ Đề Đạo Tràng chúng ta có thể dành ít thì giờ ngồi yên lặng nhìn cây Bồ Đề và tưởng tượng 26 thế kỷ về trước Đức Thế Tôn một vị vua từ bỏ ngai vàng đã đến đây lúc đó ở đây là rừng rậm hoang vu dưới một cột cây Ngài đã ngồi vào một đêm trăng tròn Vesak, những gì Ngài giác ngộ những gì Ngài cảm nhận đã ảnh hưởng bao nhiêu thế hệ ở tại bao nhiêu quốc độ ở trong suốt 26 thế kỷ vừa qua. Chúng ta thử nghe âm thanh tụng kinh của những người Tích Lan, những người Đài Loan, người Nhật Bản, có thể nói ngồi tại Bồ Đề Đạo Tràng thấy bao nhiêu là Phật tử từ tứ phương đổ về họ tụng kinh bằng nhiều ngôn ngữ bằng nhiều tâm lành, họ lạy Phật bằng sự thành kính chúng ta mới cảm thấy sự vi diệu Đức Phật là vị Cha Lành. Cho đến ngày nay Đức Phật vẫn còn là cội nguồn quan trọng cho mọi người. 

Đến nơi Đức Thế Tôn chuyển Pháp Luân có những giai thoại rất nhỏ nhưng ảnh hưởng rất lớn, ngay sau bài pháp đầu tiên Đức Thế Tôn bằng tuệ nhãn hiểu được tâm tư của Ngài Kiều Trần Như, lúc này Ngài Kiểu Trần Như không nói gì chỉ yên lặng nghe Đức Thế Tôn thuyết pháp nhưng Đức Phật gọi "Annata Kondanna đã tỏ ngộ - Kiều Trần Như đã tỏ ngộ", đó là một sự khẳng định, nếu Kiều Trần Như không tỏ ngộ thì Đức Thế Tôn không khẳng định được như vậy, có khi nào chúng ta tưởng tượng đến một người nói chuyện nói pháp cho ai mà nói xong khẳng định là người đó tỏ ngộ nhưng Đức Thế Tôn đã khẳng định "Annata Kondanna đã tỏ ngộ - Kiều Trần Như đã tỏ ngộ", chỉ khi Ngài thật biết thật thấy bằng cái nhìn của một vị Phật bằng hiểu rõ thì khẳng định điều đó. Nếu Ngài thuyết pháp Ngài Kiều Trần Như và các thầy Tỳ Kheo im lặng mà Ngài không hiểu không biết được các vị có giác ngộ hay không mà Ngài tuyên bố như vậy thì thật sự là một điều không tưởng. 

Có vô số những Thánh tích chúng ta đi qua liên quan đến cuộc đời của Đức Phật như núi Linh Thứu, thành phố Vesali nơi Đức Phật thành lập giáo đoàn Tỳ Kheo Ni, nơi Đức Thế Tôn còn là vị Thái Tử và rất nhiều nơi khác, nhưng 4 Thánh tích nơi Đức Thế Tôn Đản Sanh, Thành Đạo, Chuyển Pháp Luân và Niết-bàn thì riêng đối với 4 Thánh tích này người Phật tử phải cảm nhận điều gì nên cảm nhận từ góc cạnh nào đó cần cảm nhận.

Thì ở đây, hành trình đi hành hương Ấn Độ,  Thánh tích Đản Sanh của Đức Thế Tôn nằm trong quận Kapilavastu là một thị trấn của Nepal sát biên giới Ấn Độ. Ngày hôm nay chúng ta về đó còn thấy trụ đá của vua A Dục đánh dấu nơi Đức Phật Đản Sanh và ở trên trụ đá đó ghi hàng chữ "Đây là nơi đản sanh của bậc Mâu Ni giòng Thích Ca". Kế bên là hồ tắm nơi Hoàng Hậu Maya đã xuống tắm sau khi hạ sanh Thái Tử. Phía trong ngôi đền thờ có một phiến đá, phiến đá đó vua Tịnh Phạn đã đánh dấu bước chân chào đời của Thái Tử Sĩ Đạt Đa được giữ yên tại đó, 3 điểm đó rất quan trọng. 

Hơn 30 ngôi chùa lớn vĩ đại được xây dựng chung quanh Thánh Địa trong một khuôn viên Liên Hiệp Quốc thành lập gọi là Trung Tâm Hòa Bình thế giới. Thánh Địa Lumbini không thay đổi nhiều nhưng chung quanh có những ngôi chùa cực kỳ tráng lệ. Chúng ta phải đi phải đến những ngôi chùa đó để hiểu được những người Phật tử trên thế giới này đã vinh danh đã giữ gìn Thánh tích như thế nào.

 Khi đến Thánh tích nơi Đức Thế Tôn thành đạo tại cội Bồ Đề còn đó cội Bồ Đề và Đại Tháp Mahabodhi do vua A Dục xây cất để đánh dấu nơi Đức Phật thành đạo. Dòng sông Niranjana (Ni Liên Thiền) vẫn chảy ngang trước mặt gần đó và nếu chúng ta đi 27 cây số về phía tây thì đến Khổ Hạnh Lâm nơi Đức Thế Tôn đã hành khổ hạnh ở trong thời gian dài. 

Thánh Địa Bồ Đề Đạo Tràng rất đặc biệt bởi vì ngôi chùa đã được vua A Dục xây dựng khoảng 20 thế kỷ sau khi Đức Thế Tôn thành đạo mà bây giờ theo thời gian thì nguyên cả công viên của chùa nằm sâu dưới lòng đất chúng ta đi chung quanh giống như đi chung quanh lòng chảo, rất thú vị, từ trên đó có một con đường quí vị đi chung quanh có thể nhìn xuống, ở tại đó thật sự là có đánh dấu 5 tuần lễ nơi Đức Thế Tôn đã ở lại sau khi Ngài thành đạo. Vào tuần lễ thứ 6 sau khi Ngài thành đạo Ngài đến bờ hồ Mucalinda cách đó khoảng 4 cây số ngày hôm nay hồ vẫn còn và nước vẫn trong nơi vua Long Vương hồ Mucalinda đã lên che mưa cho Đức Thế Tôn.  Một nơi khác nằm bên kia Dòng sông Niranjana Ngài ngồi dưới cội cây Ajapala. 

Đến Thánh Địa chúng ta có thể cảm nhận lại rất đầy đủ rất chi tiết rất tường tận những giờ phút lịch sử, Đức Thế Tôn đã đem về 3 bó cỏ tranh trải dưới cội Bồ Đề Ngài đã ngồi Ngài đã trải qua những gì trong đêm thành đạo và sau đó 7 tuần lễ Ngài lưu lại Bồ Đề Đạo Tràng trước khi lên đường chuyển Pháp Luân. 

Chúng ta đến Thánh Địa Chuyển Pháp Luân sẽ gặp đại tháp Chaukhandi đánh dấu nơi Đức Thế Tôn gặp lại 5 anh em Kiều Trần Như sau một thời gian xa cách khi Ngài chuyển từ khổ hạnh sang trung đạo 5 vị này thất vọng bỏ đi, khi Ngài gặp lại 5 vị này thì điều gì đã diễn ra trong giờ phút đó đã được vua A Dục xây cất một đại tháp đánh dấu. Đức Thế Tôn đã dẫn 5 vị Kiều Trần Như đến một nơi các vị đã ngồi xuống nghe Đức Thế Tôn thuyết pháp bài kinh Dhammcakkappavattana Sutta - kinh Chuyển Pháp Luân hay Khởi Chuyển Bánh Xe Pháp. Bài kinh Khởi Chuyển Xe Pháp này được Đức Thế Tôn giảng ở một vị trí quan trọng đó là nơi hình thành đầy đủ của Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo khi Đức Thế Tôn Ngài cho 5 vị đạo sĩ Kiều Trần Như trở thành 5 vị Tỳ Kheo và một đại tháp được xây cất tại đó.

Chúng ta cũng đến gần tháp Mùlagandhakuti là nơi xây cất và Ngài Huyền Trang đã ghi lại và tướng Alexander Cunningham đã khai quật đánh dấu nơi Đức Thế Tôn đã an cư kiết hạ mùa mưa đầu tiên tại Lộc Giả. Và ở trước mặt đó có một tháp đánh dấu nơi cha mẹ của Yasa đã đến gặp Đức Thế Tôn khi đi tìm con là Yasa, 2 ông bà là hai người cư sĩ đầu tiên đã qui y Phật, qui y Pháp, quy y Tăng trở thành vị Tu Đà Hườn. 

Varanasi muôn đời là một thành phố huyền bí, giòng sông Hằng chảy qua Varanasi đã là một sự mời gọi hàng triệu người đến đó hành hương. Varanasi là nơi khai sinh đạo Jain (Kỳ Na Giáo) , khai sinh đạo Phật, Và là một chiếc nôi rất quan trọng của Ấn Giáo. Con người phải hiểu chiều dầy của lịch sử phải hiểu sự quan trọng của tôn giáo thì mới thấy thành phố Varanasi không phải chỉ có bụi, không phải chỉ có bò đi trên đường, không phải chỉ có những con đường phố nhiều người ăn xin, mà đó là một trong những thành phố đã tồn tại liên tục ít nhất hơn 4000 năm, và từng được gọi là Kashi nơi sản xuất tơ lụa nổi tiếng nhất thời Thái Cổ, thời Trung Cổ và cho đến bây giờ Varanasi vẫn còn là nơi sản xuất tơ lụa nổi tiếng. Đại học Varanasi đã là đại học có thẩm quyền nhất về Phạn ngữ về văn học của Ấn Độ. Và Varanasi là nơi có Thánh tích chuyển Pháp Luân. Khi mình đi về đó giữa Thánh Địa và những ngôi chùa chung quanh cùng với môi trường văn hóa tôn giáo của Varanasi chúng ta mới hiểu được, chúng ta phải đem tất cả những điều đó lên để cảm để nhận được chúng ta mới thấy điều đó không đơn giản chỉ là một ngày đến rồi đi.

 Khi chúng ta về Kusinara nơi Đức Thế Tôn viên tịch Niết-bàn thì đó là một không khí khác, một không khí hoàn toàn khác, tất cả những vị nào đi hành hương thường đi vào từ tháng 10 Dương lịch cho đến tháng 3 Dương lịch chúng ta gọi là mùa khô trời không có mưa và trời mát. Sáng sớm ra Thánh Địa nhìn sương mù mờ ảo ở trong rừng xa và 2 tháp một tháp thờ Xá Lợi Phật và một nơi để gìn giữ pho tượng Niết-bàn. Chúng ta đến đó vào một buổi sáng rất tĩnh mịch ở trong sự trầm lắng chúng ta mới hiểu được sự thiêng liêng mới cảm được sự viên tịch vô dư Niết-bàn của bậc Đại Giác. Thật ra Kusinara sẽ mang cho chúng ta rất nhiều xúc động nếu chúng ta có sự thanh tịnh và có sự hiểu biết lịch sử như thế nào. 

Di tích ngôi nhà của thợ rèn Cunda nơi Đức Thế Tôn thọ thực cuối cùng, ở góc đường Pala nơi Đức Thế Tôn đã dùng tách nước cuối cùng trước khi Ngài viên tịch, và ở trên một nơi đánh dấu chỗ Đức Thế Tôn đã nằm trên một phiến đá giữa hai cây long thọ viên tịch như thế nào thì không ai có thể nói với chúng ta những điều đó trừ khi chúng ta có mặt tại chỗ, trừ khi chúng ta là một người hành hương, là một người đi chiêm bái đến đó không sợ bụi không sợ dơ quì dưới đất để lạy Phật. Và nếu chúng ta đi ra ngoài thành nơi làm lễ trà tỳ kim thân Đức Phật một nền tháp vĩ đại, chúng ta được chứng kiến nơi mà di thể của Đức Thế Tôn được trà tỳ như thế nào, xá lợi của Đức Thế Tôn được phân bố như thế nào, tất cả trở thành một cái gì rất đẹp rất cao cả về đời sống nội tâm nó rất khác với những gì chúng ta nghĩ về Đức Phật. 

Nếu một người đi hành hương Ấn Độ trước khi đến Ấn Độ hiểu Phật như thế nào và khi ra về cũng hiểu Phật như vậy thì thật là đáng tiếc. Cái sự hiểu biết bằng ánh mắt nhìn về Đức Phật phải khác biệt khi chúng ta đến các Thánh Địa. Và thật ra chúng ta thường học về lời dạy của Đức Phật qua những gì Ngài nói nhưng chính cuộc sống của Ngài chính cuộc đời của Ngài với những gì Ngài đã làm thay đổi tận cùng ở trong cái căn để của xã hội của tôn giáo Đạo Phật thời bấy giờ là điều chúng ta không thể không biết. 

Và khi chúng ta đến đó tiếp xúc với những người Ấn Độ bây giờ thấy được nền văn hóa của Ấn giáo của Balamon giáo và trở về thì chúng ta sẽ hiểu một phần nào tại sao Đức Phật vĩ đại. Không ai tu giùm chúng ta cũng như không ai cảm nhận giùm chúng ta. Thật ra có những sự hiểu biết chúng ta có thể trao tay được có thể truyền đạt. Nếu quí vị hỏi chúng tôi từ Gorakhpur về Kusinara bao nhiêu cây số? Đến Kusinara để làm gì? Ngủ ở đâu? Chúng tôi có thể nói được, nhưng trong sự cảm nhận sâu kín tận cùng thì mỗi người hành hương phải đặt để cho mình chuyện đó.

Và điều tuyệt vời nhất, đi hành hương không phải là những người trẻ đi hành hương thật sự có những người rất lớn tuổi, 80 tuổi, 85 tuổi đi hành hương họ đi với tâm thành. Không phải chỉ có những người giàu có tiện nghi có tiền bạc bên Mỹ hay những người đại gia thì đi hành hương tốt hơn những người không có nhiều tiền, có nhiều người chỉ đủ tiền để đóng lệ phí đi và có một ít vài ba trăm đồng để dằn túi rồi đi nhưng họ đi qua bên đó từ ngọn đèn từ bông hoa cúng Phật và từ những giờ phút họ ngồi lắng tâm tại Đạo Tràng Bồ Đề chúng tôi tin rằng họ đạt được nhiều thứ hơn là những người khác. Chúng ta không thể chỉ đơn thuần nhìn một phiến đá nhìn một pho tượng mà chúng ta hiểu được giá trị chứng đạo, trừ khi những nhà khảo cổ những người chuyên môn họ nói với chúng ta phiến đá đó được tạc như vậy được khắc như vậy từ niên lịch nào, thời gian đó tại sao con người có thể làm được chuyện như vậy và điều đó mang giá trị lớn. 

Lần đầu tiên khi đến viện bảo tàng Bharat Kala Bhavan chúng tôi bị xúc động mạnh vì lý do chúng tôi vào nhìn thấy đầu trụ đá do vua A Dục tạc bằng đá Chula đỏ đó là thời điểm 2300 năm trước lúc đó còn là vùng đất hoang dã đất nước Anh chưa có, ngôn ngữ Anh chưa có, chúng ta nói 2300 năm trước người ta đã tạc được một tuyệt phẩm thi vị đẹp ngay cả cho đến ngày hôm nay. Đầu 4 con sư tử ngó về 4 phương, ở trên là bánh xe pháp, chung quanh tạc những biểu tượng ngưu vương, bạch tượng, tuấn mã, sư tử, ở dưới nữa là một liên đài với những cánh sen rất mểm mại, rất nghệ thuật. Thật là may mắn tác phẩm nghệ thuật đó đã tồn tại với thời gian với sự tàn phá và ngày hôm nay đã là quốc huy của Ấn Độ. Nếu chúng ta không biết về giá trị thời gian thì chúng ta chưa hiểu được một nền văn hóa tầm cỡ như thế nào của Ấn Độ thời đó 2300 năm trước, Ashoka Pilla (trụ đá của vua A Dục). 

Một số người than phiền Ấn Độ dơ, Ấn Độ mê tín, Ấn Độ thế này Ấn Độ thế khác. Thật ra xã hội Ấn Độ là xã hội của tương phản. Có những người cực kỳ giàu có ở trong một căn nhà giá một tỷ dollars, ở Mỹ chúng tôi chưa nghe có ai là tỷ phú nào mà ở căn nhà trị giá 1 tỷ dollars, ngay ở giữa thành phố Mumbai trên một cao ốc trên đó có sân bay cho trực thăng và đủ thứ tiện nghi và có những người nghèo đến đỗi chỉ có một cái quần sọt ngắn và họ phải đào đất để ở trong hang giống như thời tiền sử. Có những ông Thánh có những người cực kỳ cao cả như Thánh Gandhi, thi hào Tagore, Tổng Thống Radhakrishnan. Cũng có những người rất bần tiện, bần tiện đến đỗi  vừa đi xin ăn mà vừa đòi hỏi vừa chửi bới. Thì Ấn Độ có những người rất xấu nhưng cũng có những người rất đẹp, Ấn Độ là quê hương của tương phản. Chúng ta thấy sự tương phản đó có cái nhìn khác thì chúng ta mới thấy tại sao chúng ta học được nhiều. Người Mỹ quen cuộc sống với tiện nghi ra khỏi nhà là có xe hơi đi, đến nơi nào thì từ nhà vệ sinh từ con đường đi tất cả mọi thứ đều được chính phủ hay những người khác lo tất chu đáo, đi khắp nước Mỹ chỗ nào cũng có McDonald, có Target, có Walmart rất tiện lợi để mua những thứ cần thiết. Sự tương phản của những xã hội phát triển cũng nhiều như ở Ấn Độ nhưng trong sự tương phản đó cho chúng ta hiểu được những giá trị của kinh điển tại sao có những hủ tục có những cực đoan, tại sao Đức Phật Ngài kêu gọi lời kêu gọi đầu tiên, đoạn đầu tiên trong bài pháp đầu tiên, lời nói đầu tiên của Đức Phật khi Ngài Chuyển Pháp Luân: 

- "Có hai cực đoan này, này các Tỷ-kheo, một người xuất gia phải tránh. Một là đắm say trong lợi dưỡng thấp hèn, hạ liệt, đê tiện, không lợi lạc. Hai là tự hành khổ mình, khổ đau vô ích. "

 Nếu chúng ta không có xã hội tương phản không có những cực đoan về đạo giáo không cực đoan về tri kiến thì chúng ta không cảm nhận được con đường trung đạo là gì. Do vậy, mình đi để thấy được những sự tương phản trong cuộc sống.

Những bài học rất sâu sắc Đức Phật dạy chúng ta, thí dụ bài học về Vô Thường. Vô Thường trong hơi thở ra vào, Vô Thường ở trong cái vui cái buồn của chúng ta. Vô Thường ở trong xã hội bên ngoài lúc thế này lúc thế khác. Thí dụ như người Việt Nam chúng ta hay nói Mỹ thế này, Tây thế kia, Tàu thế nọ nhưng đến khi sống ở Mỹ thì mới thấy Mỹ có đủ thứ một xã hội có những giá trị cao cả, có những vụ bắn những người dân vô tội, cũng có những người quá cực đoan bắn chết những cảnh sát vô tội, đủ thứ chuyện. Đầu óc chúng ta là đầu óc muốn đưa ra một nhận định đạo là thế này, cuộc sống là thế kia, quốc gia này là thế nọ, nó luôn luôn đóng khuôn vào những giá trị lâu bền, Đức Phật chưa hề dạy chúng ta như vậy Ngài dạy cuộc sống là bương trải biến dịch không ngừng:

 - "sabbe samkhàrà aniccà -  tất cả các hành luôn biến dịch không đứng yên một chỗ".

 Và từ cái không đứng yên một chỗ nó tạo cho chúng ta một điều gì? 

Đó là sự bất an. Ai trong đời này đi vào xã hội mới, đi vào cuộc sống mới, chẳng hạn những người đi sang Mỹ cũng mong có đời sống ổn định. Ra trường mong tìm được việc làm ổn định. Lập gia đình cũng muốn một cuộc hôn nhân ổn định. Chăm sóc sức khỏe cho mình muốn sức khỏe mình được ổn định. Ổn định là một trong những chìa khóa làm chúng ta an tâm, cái gì vô định làm chúng ta bất an, nhưng mà không may là cuộc sống không ổn định, cuộc sống không nằm yên mà luôn biến đổi bài học đó lớn. 

Khi chúng ta đi hành hương nếu chúng ta đến những đại tháp rất là vĩ đại và bị tàn phá theo thời gian như ngôi đền cổ đại Borobudur bị đổ nát vùi sâu dưới rừng nhiệt đới Javas ở Indonesia, hay Đại Tháp Mahastupa, hay Mahabodhi Temple - Đại Giác tại Bồ Đề Đạo Tràng. Nhìn thấy Borobudur với những hoa văn họa tiết rất tinh vi ở bên cạnh những tàn phá theo thời gian của con người, nó là sự tương phản, đời sống là như vậy, con người làm ra những cái rất đẹp của đời sống và con người cũng tàn phá những điều đó. Thiên nhiên cũng cho chúng ta rất nhiều và cũng lấy đi rất nhiều, thời gian tạo nên nỗi đau của con người nhưng cũng là thuốc nhiệm màu để xóa bỏ nỗi đau. Không có cái gì nằm yên một chỗ. 

Lúc chúng ta đi hành hương là lúc tốt nhất để chúng ta quên đi mình là ai, nếu chúng ta đi đâu mà có câu hỏi mình là ai, mình muốn cái gì, hay là cái "tôi" cái "ta" nó to quá nó chật cả xe bus, nó chật cả cuộc hành trình. Thật ra, điều đó chúng ta không cảm nhận được gì hết. Những lúc chúng ta quên đi thật sự, quên đi mình là ai, đi để hòa mình sống cảm nhận thắp sáng được ý thức thì những lúc đó là lúc chúng ta có được những giây phút xúc động rất chân thành.

3. Điều sau cùng, chúng tôi muốn nói trong bài học hôm nay sự ra đời của vị Phật Chánh Đẳng Chánh Giác là điều hạn hữu, nếu chúng ta quì hay chúng ta ngồi thiền dưới cội Bồ Đề và cơ hội đó cho tất cả mọi người. Năm nào chúng tôi về Bồ Đề cũng mang mùng theo và đến đóng tiền xin phép ban quản trị ở lại Thánh Địa qua đêm, buổi tối chúng tôi thường nhìn vào cội Bồ Đề với sự cảm nhận đó là nơi Đức Thế Tôn đã từng ngồi thiền định tại cội Bồ Đề này, và những giây phút rất hiếm hoi, là một cơ duyên rất hiếm hoi, hiếm hoi vì nhiều thứ, những lúc đó mình phải thấy được ở trong đời này có những thứ không dễ dàng mình nên quí từng giờ, từng phút, từng giây có mặt ở đó. Thật tình mà nói một điều chúng tôi thường cảm thấy tiếc trong lòng tiếc cho rất nhiều người đi hành hương nhưng lại bận lòng nhiều với những cái vui buồn, với những cái thoải mái không thoải mái, cái thích cái không thích. Khi mình đi hành hương đó là cơ hội để tu để vượt qua những thứ đó nếu chúng ta không vượt qua những thứ đó thì thật sự chúng ta mãi mãi chỉ là người sống theo thói quen tập quán, và thói quen đó có là do sự vô minh.

 Là một cơ hội đến để vượt ra khỏi cái ngã của mình, để thật sự hiểu đây là một nơi liên quan đến một vị Chánh Đẳng Chánh Giác và điều đó có giá trị lớn một giá trị quan trọng, và nếu chúng ta biết chúng ta có thể thay đổi.

Nếu quí Phật tử nào đã từng đi hành hương và với hoàn cảnh của chúng ta ngày hôm nay rất nên đi dù chỉ một lần, và nên đi bằng sự chuẩn bị tâm tư, cầu chúc quí vị khi đến các Thánh Địa thật sự xúc động khi quỳ xuống đảnh lễ chiêm bái Thánh tích nơi Đức Thế Tôn thành đạo, nơi Đức Thế Tôn đản sanh, thành đạo, chuyển Pháp Luân và viên tịch Niết-bàn ./.