Thursday, January 30, 2014

Chánh Niệm trong cuộc sống hàng ngày qua ví dụ cái cột buồm.

Hỏi: Chánh Niệm trong cuộc sống hàng ngày qua ví dụ cái cột buồm.

(Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 16-1-2014, Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Như chúng ta được nghe TT Tuệ Siêu giảng bài kinh "Ví dụ về đặc tính của cột buồm" thì hình ảnh của cột buồm đó là chịu đựng những dây thừng, dây đai để cho cánh buồm làm chỗ dựa, làm cho những sợi giây điều khiển bởi sức gió thổi thì nó không bị trùng giữ cho cột buồm chắc chắn vững chãi, có sức chịu.

 Riêng đối với hành giả tu tập Chánh Niệm thì đầu tiên nên hiểu chánh niệm nghĩa là gì?

 Chánh niệm có nhiều cách định nghĩa: Chánh niệm được hiểu là sự ghi nhận, được hiểu như là sự tỉnh táo, được hiểu như là ý thức cái gì đang xảy ra. 

Ý thức cái gì đang xảy ra có lẽ là dễ hiểu nhất trong từ ngữ mà chúng ta thường đề cập. Điểm đặc biệt của Chánh Niệm là bất cứ điều gì xảy ra cho dù là,đẹp, là xấu, là vui, là buồn, là hay,là dở, là xấu hay tốt thì đều là đối tượng của Chánh Niệm. 

Thí dụ hôm nay, qúi vị lên chùa trưng một bình hoa trên bàn Phật và cảm thấy rất hoan hỉ trong lòng. Thì cứ để tự nhiên cho sự hoan hỉ sanh khởi. Nhưng mình nên có một chút ý thức là tâm đang hoan hỉ. 

Mình biết hay không biết, nhưng khi nghe người nào đó nói là có người khác họ chỉ trích việc này việc kia về mình, mình cảm thấy rất bực bội phiền hà thì mình nên ý thức rằng tâm mình đang bực bội đang phiền não. 

Rồi, sau một ngày làm việc mệt mỏi ở chùa về nhà mình cảm thấy rằng tay chân rã rời,  khi ngồi xuống một chỗ thì mình mới ý thức được sự  rã rời đó. 

Ở đây, chúng ta cần lưu ý những điều rất quan trọng của Chánh Niệm là sự ghi nhận chứ không cần phải có phản ứng, mình không cần phải làm gì hết chỉ cần nhận ra thấy rõ cái đó đang xảy ra. 

Chúng ta thường phản ứng. Khi mình nghe chuyện buồn phiền thì mình hay phản ứng với chính cái buồn phiền đó. Khi mình mệt thì mình phản ứng về chuyện đó. 

Bây giờ Chánh Niệm, việc đầu tiên là đem việc đó vào trong tầm nhìn của Chánh Niệm. Đơn giản như vậy. Chánh Niệm thì không đòi hỏi nhiều. Chánh Niệm là chỉ có ý thức liên tục về cái gì đang xảy ra. Cái nhìn đó không phải dễ, tại vì thói quen của chúng ta khi mình thấy chuyện gì mình cũng phản ứng. 

Nhưng, bây giờ mình chỉ ghi nhận. Mình ghi nhận mình đang tinh tấn, mình đang lười biếng, đang vui, đang buồn. Những gì đang xảy ra thì mình chỉ ghi nhận. 

Và ban đầu thì chúng ta hay dễ bị những chi phối này dẫn chúng ta đi lạc hướng. Người Trung Hoa ngày xưa có câu: "điệu hỏa ly sơn" là làm sao để đánh lạc hướng khiến cho chúng ta hướng sự chú ý ra ngoài. Ví dụ, mình là một người không thích bị phê bình chỉ trích, khi người ta chỉ trích mình thì cảm giác đầu tiên là cảm thấy bị động, cảm thấy khó chịu. Thường thường khi mình nghe người ta chỉ trích mình thì mình hay chỉ trích lại, mình nghĩ người đó cũng xấu, người đó đâu có gì tốt, người đó không bằng mình. Thì cái tâm mà chỉ trích cái phản ứng đó thì mình cũng nên biết là phản ứng thôi, tâm đang phản ứng, tâm đang bực bội biết mình đang bực bội.  Cái hay của Chánh Niệm là mình không cần phải suy nghĩ nhiều, không cần phải tìm ra một phản ứng mà chỉ ghi nhận và lẳng lặng ghi nhận thấy rõ trạng thái xảy ra ở trong thân và tâm của mình 

Về điểm này, có một số điểm rất lợi ích nếu chúng ta thường để ý đến tư thế hoặc là đi, hoặc là đứng, hoặc là nằm, hoặc là ngồi, thì chúng ta sẽ thấy rằng ở mỗi một tư thế như vậy tâm thái của chúng ta có khác. Có nhiều lúc có những tư thế phiền não lúc mình nằm thì có mà lúc ngồi thì không có. Có những sự phóng tâm lúc mình đi có nhưng lúc mình nằm không có. Có những cảm giác mà lúc mình nằm ngồi thì có mà đi đứng thì không có.  Bởi vậy, có một số trường hợp hành giả giảm bớt phiền não của mình bằng cách thay đổi oai nghi thay đổi tư thế, nhưng đó không phải là điều chúng ta bàn tại đây, mà chúng ta nhìn vào cái tư thế của mình đang đứng, đang ngồi, đang nằm, và biết là mình thấy rằng cái tâm của mình cũng như cái tư thế đó nhiều người rất là khó tin điều đó, có nhiều người họ suy nghĩ nhiều thì họ phải đi nhiều nhưng khi đứng lại thì không suy nghĩ được. Có người phóng tâm lúc đi tới đi lui nhưng lúc nằm xuống họ không phóng tâm nữa (mình nên để ý đến chuyện đó). Giống như hơi thở, không phải hơi thở nào cũng giống nhau, lúc mình thanh thản thở nó khác và lúc mình đang bực bội thì thở khác, mình đang ham muốn chuyện gì đó mình thở khác. Qua hơi thở mình tập được tánh hiện thực của nội tâm của mình.

Một điểm nữa, trong đời sống của chúng ta có những sự việc xảy ra tương đối rất nổi bậc, sợ khổ chẳng hạn. Đa số chúng ta đều rất sợ khổ, tại vì khi cái khổ nó đến mình cảm thấy đau, cảm thấy xót dạ, cảm thấy chua xót. 

Bây giờ với Chánh Niệm là chúng ta tập nhìn mặt mũi sự khổ đó. Ví dụ như mình có tánh hay tủi thân hay có tánh bực bội hay là buồn phiền chuyện gì đó thì bây giờ thay vì mình cứ chạy theo nỗi buồn mình nhai đi nhai lại, bây giờ mình thử tập nhìn nó xem nó làm sao, nhìn cái buồn phiền nó đến với đời sống mình coi nó làm sao, chúng ta phải ngạc nhiên mà thấy rằng nỗi buồn phiền đó đến nó cũng bị chi phối bởi nhiều điều kiện. Qúi vị để ý, có những thứ mà khi mình bị bệnh mình lại cảm thấy bị chi phối nhiều mà những lúc mình khỏe thì mình không bị chi phối nhiều, lúc mình vui mình dễ tha thứ mà lúc mình buồn chuyện nhỏ mình cũng bực bội. 

Thì chuyện vui buồn hay hoan hi hay bực bội đến một phần từ bên ngoài nhưng một phần từ bên trong nội tâm của chúng ta do phản ứng nội tâm. Nên một hành giả, một đệ tử Phật tu tập thì mình nên biết được là phải nên duy trì Chánh Niệm đối với tất cả mọi trường hợp vui khổ không vui không khổ. 

Nói cách khác là, lúc đời sống bị  xáo trộn, lúc đời sống được hưng phấn, hoặc giả là lúc đời sống bình thường ở trong cả ba thời gian đó đều là cơ hội tốt để phát triển Chánh Niệm. 

Nếu không có chuyện gì làm, mình tập sống với hơi thở, tập nhìn vào hơi thở. Mình ngồi đợi xe chẳng hạn, thì  mình ngồi lẳng lặng nhìn vào hơi thở. Mình đi máy bay đường dài thì thay vì mình ngồi đó bực bội thì mình ngồi nhìn vào hơi thở. Nhìn vào hơi thở thường chúng ta có những thói quen cảm thấy thú vị. Tại vì nó làm cho chúng ta cảm thấy vững lòng. Hoàn cảnh nào mình cũng tu tập chánh niệm được. Hoàn cảnh nào cũng là cơ sở tạo nên Chánh Niệm. 

Khi mình có Chánh Niệm thì mình không sợ những điều khổ. Tâm của mình hay né, né cái này né cái kia. Các Ngài Thiền Sư các Ngài thường nói rằng đời sống mình là luôn né tránh sự khổ. Mình ngồi chán rồi mình đứng dạy, đứng dạy chán rồi mình đi, đi chán rồi mình ngồi, ngồi chán rồi nằm, mình thay đổi liên tục như vậy để tránh né cái khổ. 

Bây giờ, mình ngồi thiền sự đau nhức khởi lên, mới ngồi không quen thì cảm thấy chân đau nhức thì thay vì đổi chân liền mình tập nhìn vào cái đau nhức đó. Ban đầu thì mình thấy cái đau nhức mình sợ mình muốn đứng dạy hay là mình muốn cho mau hết giờ. Bây giờ mình tập nhìn vào cái đau nhức đó, nhìn trong vòng mươi phút, không được thì thôi, nhưng cứ tập nhìn vào cái đau nhức khi sự đau nhức hiện lên. 

Thì qúi vị biết, ban đầu chúng ta sợ đau nhức nhưng nhìn một lúc thì chúng ta thấy cái đau nhức có cơn của nó, nó đến nếu mình chịu đựng được thì nó đi, và mình trở lại bình thường, nếu mình không ráng thì mình không ngồi được.

Sống với Chánh Niệm hay ở chỗ là nó không nằm ở vị thế phê phán mà chỉ là lẳng lặng nhìn vào sự việc, nhìn một cách chậm rãi, nhìn một cách rất rõ ràng, ý thức được cái gì sanh cái gì diệt cái gì đến và đi. 

Người tu tập  có Chánh Niệm một thời gian thì thấy rằng cuộc sống là một gìòng chảy, nó luôn luôn là kết nối của Sanh và Diệt, từ cái vui buồn, cái khỏe hay không khỏe, từ cái cảm giác hạnh phúc hay khổ đau, từ những biến cố ngày và đêm, tất cả chỉ là sự luân lưu tuần hoàn giữa cái vui cái khổ cái đến và đi như là một giòng chảy. Cái quan trọng là mình nhìn có kỹ hay không. 

Chúng tôi nhớ hồi nhỏ có nghe được một mệnh đề là "Bóng nguyệt giòng sông" tức là bóng trăng ở trên giòng nước chảy, giòng nước thì thật sự không đứng yên một chỗ luôn luôn nó chảy, bóng trăng cũng vậy, ở một giây phút nào đó mình thấy bóng trăng hiện ở giòng sông mình nghĩ rằng nó nằm yên một chỗ nhưng kỳ thật thì không, nó có một giây phút nào đó nhưng mặt nước luôn luôn vẫn chảy và cái đó chỉ bóng trăng thôi. Nhưng, "bóng nguyệt giòng sông" thì cũng giống như cái vui cái buồn của cuộc sống này đây. Nếu chúng ta nghĩ cho kỹ thì chúng ta như một giòng sông và bao nhiêu hiện tượng về vui buồn, thương ghét, đúng sai, phải quấy nó giống như bóng nguyệt giống như bóng trăng, mà thấy bóng trăng hiện ở giòng sông không có nghĩa là trăng nằm trong sông là mọi thứ đứng yên một chỗ, ngay trên mặt hồ phẳng lặng cũng vậy, mọi thứ luôn luôn là tuôn chảy, nhưng chúng ta dở sống dở chết với chuyện đó, chúng ta làm lớn chuyện đó, và luôn luôn chúng ta nghĩ mình phải thế này phải thế kia. 

Thật ra đối với mười chuyện vui buồn xảy trong đời sống thì chỉ có một hay hai chuyện đáng để cho chúng ta phản ứng, còn lại chỉ là chuyện phù du. 

Cụ Nguyễn Du khi nói về cảm xúc nàng Kiều khi thăm mộ Đạm Tiên. Cụ Nguyễn Du đã gói ghém rất nhiều khi viết về Đoạn Trường Tân Thanh, nhưng phải nói một điều rằng trong câu mình thường nghe rất có thiền vị đó là "Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa!”.

 Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa. Con người chúng ta có những cái rất phù phiếm. Chuyện vui buồn ở đâu đó mà nó trở thành chuyện vui buồn của mình. Chuyện thị phi ở đâu đó mà nó trở thành phản ứng sống chết của mình. Và cái chuyện mà mình phản ứng một cách quá nông nỗi, một cách quá nồng nhiệt, một cách quá nồng nàn, hay là quá ơ hờ với chuyện gì đó nó vốn là tình trạng cách biệt, tại vì chúng ta không có thấy được chuyện gì đang xảy ra trong cuộc sống. 

Và khả năng để nhìn vào mặt mũi của vui của buồn, của không vui không buồn, của đi, của đứng, của nằm, của ngồi, của thở vào thở ra thì là cả một nghệ thuật sống. Cái sống với Chánh Niệm cho phép chúng ta nhìn sự việc một cách càng ngày càng khách quan hơn, mình đứng ở ngoài mình nhìn hơn là mình phản ứng

 Thì khi mình tu tập Chánh Niệm thuần thục lâu ngày thì mình tin vào Chánh Niệm của mình hơn là tin vào những chi phối từ bên ngoài. Tin vào Chánh Niệm là trong hoàn cảnh nào cũng đem tất cả những gì xảy ra ở trong tầm nhìn của Chánh Niệm để ghi nhận, để thấy, để biết. Đơn giản như vậy.

Chúng tôi rất thích Chánh Niệm ở một điểm là ở trong cái nhìn của Chánh Niệm không cần là tốt, là xấu, là hay, là dở, là thế này, là thế khác, mình vui thì cái vui đó cũng là đối tượng của Chánh Niệm, và buồn thì cái buồn cũng là đối tượng của Chánh Niệm, mình khổ thì khổ cũng là đối tượng của Chánh Niệm, mình sung sướng thì nỗi sung sướng đó cũng là đối tượng của Chánh Niệm, như vậy thôi. Công việc của chúng ta là nhìn, nhìn một cách lẳng lặng, nhìn một cách rõ ràng. Nhìn để làm gì? Nhìn để chúng ta ý thức được việc gì xảy ra về thân và tâm của mình.

Đối với chúng tôi, ở trong cuộc sống có rất nhiều trường hợp  mà chúng tôi cảm thấy mình phí rất nhiều năng lực để hoang phí, không biết bao nhiêu cái chi phối và từ chỗ đó mình hiểu rằng cuộc sống có Chánh Niệm giúp cho chúng ta giảm sự hoang phí. Giả sử như trong một ngày từ lúc chúng ta thức dạy đến lúc chúng ta đi ngủ mà chúng ta phải suy nghĩ quá nhiều đối với những cái vui buồn thương ghét như Đức Phật Ngài dạy tám ngọn gió đời là; khen chê vui khổ đặng mất vinh nhục, chúng ta bị chi phối bởi nó nhiều thì tâm của chúng ta bị mất đi cái nội lực tại vì mình có phản ứng với những chuyện đó. 

Vị thế của Chánh Niệm là chỉ nhìn, nhìn một cách rõ ràng, nhìn một cách rộng rãi và nhìn tiếp tục nhìn, vui cũng được buồn cũng được, đẹp cũng được xấu cũng được, hay cũng được dở cũng được. Tại vì mình bực bội để làm gì? bực bội chỉ để bực bội thôi.

Chúng tôi nhớ một câu chuyện. Hồi xưa, chúng tôi có đến dự khóa tu ở West Virgina tại thiền viện Bhavana Society, có một giai thoại chuyện nhỏ nhưng lâu lâu nghĩ cũng  buồn cười là, có một vị Sư người Canada xuất gia tại chùa của Ngài Gunaratana. Thì tư cách của Ngài Gunaratana  Ngài tổ chức giống đa số các tự viện thiền là Chư Tăng đến giờ dùng cơm thì lấy bình bát bưng đến bàn thức ăn, ở trên bàn người ta sắp xếp tất cả mọi thứ, thức ăn và đồ ngọt và mình ăn gì thì để vào bình bát sau đó về chỗ ngồi, tụng kinh xong thì thọ thực, thọ thực xong rồi thì mỗi người tự đi rửa bình bát của mình ở trong nhà bếp, tại nơi đó có một hàng dài để những bồn để rửa bình bát, một lần như vậy thì có chừng mười vị có thể đứng rửa bát được. Và câu chuyện chúng tôi muốn kể đó là lúc đó chúng tôi phải nói rằng không có cẩn thận lắm thành ra khi mở nước thì nước văng lên mạnh và do vậy khi chúng tôi rửa bình bát xong thì ở phía trước ngực y áo  chúng tôi bị ướt vì nước trong bồn văng ra. Thì vị Sư người Canada có lẽ Sư thấy chúng tôi như vậy một vài lần, rồi một lần vào buổi trưa chúng tôi ra bên ngoài để dọn dẹp thì Sư nói với chúng tôi là: "Sư Jotika, tôi thật sự có cảm giác rất khó chịu khi mà Sư rửa bình bát để nước văng vào y như vậy, mỗi lần Sư rửa xong thấy y của Sư dính nước sao tôi khó chịu, tôi chịu không nổi, tôi muốn rửa bình bát giùm cho Sư" Thì chúng tôi hiểu được tâm trạng của Sư đó. 

Có nhiều khi mình bực bội khó chịu mặc dù đó không phải là việc của mình mà mình bực quá thì mình cũng không biết làm sao. Thì đó chỉ là một thí dụ thôi, có rất nhiều thí dụ như vậy ở trong đời sống này, chúng ta vui hay buồn, thích hay không thích với những chuyện mà gọi là "khéo dư nước mắt khóc người đời xưa" cái chuyện đó là chuyện của thiên hạ nhưng mà mình vẫn lôi kéo cái vui cái buồn vào mình.

Cũng như qúi vị nghe câu chuyện của Triệu Khuông Dẫn, người sáng lập ra nhà Tống ở bên Trung Quốc. Đó là thời còn thanh niên trai trẻ, Triệu Khuông Dẫn vào xem cải lương xem hát tuồng thì thấy cảnh một người cầm dao cầm mác rượt đuổi một người phụ nữ mang thai và trong lúc đang xem như vậy thì nổi cơn bực tức lên và vị này từ ở dưới chỗ ghế ngồi của khán giả giương cung bắn chết người diễn viên. Thì thật ra cái cảnh mà một người rượt đuổi một phụ nữ mang thai vừa chạy vừa cầu cứu thì chuyện đó nếu ở ngoài đời thì bất nhẫn thật, nhưng dùng cung tên bắn một diễn viên thì mình quên rằng người kia chỉ là diễn viên. Như khi chúng ta xem phim thường hay thích nhân vật này không thích nhân vật kia, nói cho cùng những người đóng vai ác hay vai đáng ghét mà họ đóng mà mình ghét được tức là họ đóng vai đó thành công rất là xuất sắc rất nhập vai. 

Thì chúng tôi thấy rằng cái vui buồn của chúng ta đối với cuộc đời nó cũng vui buồn như cuốn phim, như là bây giờ chúng tôi được nghe có bộ phim có đến 800 tập trong một bộ thì chúng ta xem phim thì chúng ta vui chúng ta buồn với nhân vật này nhân vật kia kỳ thật thì tất cả những  gì được diễn trong cuốn phim nó chỉ là do người đạo diễn tạo nên thôi. 

Thì cuộc đời có nhiều khi như một cuốn phim, chúng ta tập trôi một cách lẳng lặng không phản ứng không bực bội giống như là mình ở bên ngoài phim thì phim là phim và người diễn là người diễn như vậy Chánh Niệm cho chúng ta được sự dẻo dai được sức bền bỉ đối với sự việc tại vì Chánh Niệm càng thuần thục thì  càng ít bị chi phối bởi những thứ phiền não ở bên ngoài mà chỉ nhìn và không phản ứng gì./.

Wednesday, January 29, 2014

Sự chướng ngại lớn nhất của sự tu hành là gì?

Hỏi : Sự chướng ngại lớn nhất của sự tu hành là gì? Xin sư từ bi giải thích cho chúng con

. (Kinh Pháp Cú kệ 80 giảng trong lớp Diệu Pháp, Như Trúc chuyển biên )

TT Trí Siêu: Thật ra khi chúng ta nói sự trở ngại lớn nhất trong đời sống tu hành thì chúng ta không thể khẳng định cái gì là trở ngại lớn nhất vì mỗi người có một cá tánh khác nhau, có lập trường khác nhau, có sở hành khác nhau. Chính vì cá tánh sai biệt giữa mỗi người cho nên tất cả những người tu hành đều có một chướng ngại tinh thần của bản thân nên chúng ta không thể nói một cách quả quyết rằng chướng ngại tu hành lớn nhất là gì.

Nhưng ở đây khi chúng tôi trình bày với các Phật tử về chướng ngại lớn nhất thì chúng tôi cũng xin được nói sơ qua về 6 cá tánh của chúng sanh. Có một số chúng sanh nặng về tánh ái tham, có những người nặng về tánh sân, có những người nặng về tánh si, có những người nặng về tánh tầm, hay là tư tưởng nghĩ ngợi nhiều, có những người nặng về tánh đức tin, có những người thiên về tánh trí tuệ.

Nếu như một người nặng về tánh ái, tâm ái luyến nặng thì đối với người đó, sự chướng ngại lớn lao nhất trong việc tu tập là khi họ gặp cảnh khả ái khả ý, gặp những cảnh hoan hỷ thích ý, họ khởi lên tâm ái luyến thì phiền não ái tham nầy là chướng ngại lớn nhất cho sự tu hành của họ.

Còn đối với người có tánh sân thì trở ngại lớn nhất của họ là sân độc cái, với tâm bất mãn, bức xúc với cảnh trái ý nghịch lòng, đó là trở ngại lớn nhất của họ.

Còn người có tánh si thì sự trở ngại lớn nhất của họ là sự dốt nát, sự thiếu hiểu biết, hay chúng ta gọi là vô minh. Đây là sự trở ngại lớn nhất của họ trong việc thực hành pháp đưa đến trạng thái giải thóat hay đạt đến cảnh giới cao hơn.

Còn với người có tánh tầm thì trở ngại lớn nhất của họ là có ngoại cảnh chi phối. Khi đó tâm của người nầy liền rời khỏi đề mục trong hiện tại và họ phóng túng, nghĩ ngợi về những cảnh đến gần nhất. Đây là trở ngại cho người có tánh tầm.

Người có tánh đức tin thì trở ngại lớn nhất là thiếu sự thẩm sát. Khi một người nặng về niềm tin nhưng không có trí tuệ để thẩm sát, để suy xét các sự việc xảy ra thì lúc bấy giờ là trở ngại lớn nhất cho việc tu hành vì họ gặp cái gì họ cũng tin, nghe cái gì cũng tin, ai nói sao cũng tin, phải cũng tin mà quấy cũng tin, chánh cũng tin mà tà cũng tin.

Người nặng về trí tuệ thì trở ngại lớn nhất của họ, ngược lại tức là thiếu đức tin cho việc tu tập. Người có trí tuệ nhiều thì gặp gì cũng suy diễn ra, gặp gì cũng có thể nghiên cứu suy xét nhưng vì thiếu niềm tin nên dễ bị sự hoài nghi chi phối, đối với những hạng người nầy họ phải dẹp bỏ tâm hoài nghi thì mới tiến tu trong Phật Pháp được.

Vì do cá tánh khác nhau nên mỗi người có sự trở ngại khác nhau. Ở đây chúng ta tùy theo cá tánh của mình và chúng ta nên biết trở ngại của mình là gì thì chúng ta sẽ khắc phục ở chỗ đó. Chúng ta khắc phục bằng cách chúng ta dùng trí tuệ để suy xét những trở ngại đó để loại trừ nó ra. Hoặc là chúng ta kham nhẫn hoặc chúng ta né tránh. Ở đây, câu hỏi nầy là một câu hỏi có giá trị nhưng nếu trả lời một chiều thì không hoàn toàn đem lại lợi ích lớn lao cho mọi người. Trong sự tu tập của chúng ta, đối với kẻ phàm phu chưa thấu triệt pháp của bậc thánh, chưa liễu tri được chân tướng của vạn pháp, chưa đạt được mục đích giải thóat thật sự thì lúc bấy giờ đối với tâm tánh phàm phu, chúng ta còn rất nhiều chướng ngại, đường đi của chúng ta rất nhiêu khê, do đó sự tu tập của chúng ta, chúng ta phải tự mình dẹp bỏ những chướng ngại tinh thần để chúng ta thành tựu được sự tu tập tốt đẹp

Tuesday, January 28, 2014

Năng lực của Định

Hỏi: Năng lực của Định

(Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên)

TTGiác Đẳng: Trong kinh điển của đạo Phật trên phương diện pháp hành thì chữ Định được dịch qua nhiều chữ Phạn khác nhau, đôi khi chúng ta dịch là Samadhi cũng là Định, hay là Tam Muội, hay là Ekaggata là Nhất Tâm cũng là Định.

Chữ Định ở tại đây khi chúng ta dùng chữ Samadhi có nghĩa là cái gì đó chúng ta chú ý, làm quen, sống với nó mà lập đi lập lại nhiều lần thì nó cho chúng ta một kết quả khác. 

Một thí dụ các vị Thiền Sư hay dùng. Mình nấu nồi cơm mà mình nấu một lúc rồi tắt rồi nấu rồi tắt, tức là nó không có tánh cách liên tục, không có tánh cách bền, không có độ thường xuyên liên tục thì cơm sẽ bị sình cho dù chúng ta nấu bao nhiêu phút đi nữa, nếu chúng ta nấu một chút rồi tắt thì nồi cơm sẽ bị nguội và khi nấu lại rồi tắt thì kết quả là cơm sẽ bị sình. Thì một hành giả khi ngồi thiền mà ngồi thiền một chút rồi chạy ra ngoài tán ngẫu hay vui chơi nghe nhạc v.v... rồi trở vô ngồi thiền tiếp tục thì điều đó làm cho chúng ta mất đi sự bền bỉ vì nó không được liên tục. Mình làm cái gì cũng vậy, nếu việc đó là việc mình làm một cách liên tục một cách bền bỉ thì nó tạo ra năng lực của tâm định.

Năng lực của tâm định có ba khía cạnh mà chúng ta nói đến tại đây là; từ lúc chúng ta không có định cho đến lúc có định nó là một hướng đi đối nghịch ở một điểm là ban đầu chúng ta tập trung vào một thứ chúng ta cảm thấy rất chán. Tại sao rất chán? Là tại vì bản chất của chúng ta con người sống ở cõi dục giới có những pháp mà Đức Phật gọi là pháp ngăn ngại pháp triền cái ở trong đó có cái tham, tham là đi truy tìm, ở trong kinh thường nói là truy tìm chỗ này truy tìm chỗ kia. Giống như một đứa nhỏ lăng xăng chơi đồ chơi này chán nó kiếm cái khác, nó ngồi không yên giống như con lật đật. Và người mà có khả năng về tâm định đầu tiên là phải vượt qua trạng thái nhàm chán đó. Ví dụ như hàng ngày mình nghe pháp, hàng ngày mình nói chuyện điện thoại, hàng ngày mình lên internet, và khi mình vào internet, mình nói chuyện điện thoại, mình phải làm việc này việc kia thì tâm mình liên tục nhảy từ chỗ này nhảy qua chỗ kia."Tâm viên ý mã" thái độ chuyền từ cành này qua cành khác, chuyển từ đối tượng này qua đối tượng khác, đó là trạng thái phan duyên, trạng thái tự nhiên của tâm chúng ta nó phan duyên theo từng cảnh, túc là nó đi theo cái này cái khác, và chúng ta tạm gọi đó là sự đa dạng, sự phong phú, sự khởi sắc. Nhưng sự đa dạng phong phú và khởi sắc đó khiến cho chúng ta mất đi khả năng tập trú vào một chỗ.

Khi chúng ta bắt đầu tập trú vào một chỗ, tạm gọi là mình cột nó vào trong hơi thở thì giai đoạn đầu rất là nhàm chán, cái giai đoạn nhàm chán đó là giai đoạn tất nhiên là phải có, bắt buộc phải có. Một ở trong những trạng thái đi ngược lại với tâm định của chúng ta nhiều nhất là internet, có những người họ sống với internet hầu như là ba bốn tiếng, có khi cả ngày, là tại vì ở trên đó cho chúng ta muôn thứ, hết tìm cái này lại bắt qua tìm cái kia. Và tại sao kỷ thuật internet lại được người ta đem vào đời sống nhiều như vậy? Là tại vì nó phù hợp với cá tính của chúng ta. 

Nhưng chúng ta nói như vầy, khi còn trong giai đoạn bắt đầu một hành giả tu tập với tâm định thì hành giả phải vượt qua giai đoạn nhàm chán đó, khi vượt qua giai đoạn nhàm chán đó thì một lúc hành giả sẽ đạt đến chỗ mà mình cảm thấy rằng dễ dàng để tập trung và trong sự tập trung đó mình đạt đến một trạng thái trong đạo Phật gọi là khinh an là cảm thấy nhẹ nhàng cảm thấy là mình không bị bức rức không bị buồn chán không bị buồn nản. Và lúc bấy giờ có sự khinh an đó thì đời sống mình cảm thấy thật sự là nhẹ nhàng, thật sự là sống, thật sự thoải mái với điều đó.

Chúng tôi lấy một ví dụ là một người còn trẻ mới lớn lên họ có quá nhiều sự lựa chọn về hướng đi của đời sống, họ chụp cái này buông cái kia. Thì thật ra họ đang bị dằn co bởi nhiều thứ. Và khi bị dằn co nhiều thứ như vậy đến một lúc nào đó họ tìm được một công việc mà họ thật sự thích, họ thật sự tìm được một nơi họ thật sự sống được, họ thật sự tìm được nơi mà họ an lập được, thì khi họ tìm được nơi an lập thì tự nhiên họ cảm thấy rất nhẹ nhàng không còn bị trì kéo không còn bị dằn co bởi nhiều thứ nữa, thì lúc đó là họ đạt đến mức độ khinh an nhẹ nhàng. Hành giả đầu tiên khi tu tập về định lực thì ai cũng biết rằng tâm của chúng ta vốn chạy nhảy lung tung, nó đuổi bắt nhiều thứ bây giờ giữ nó ngồi yên chỗ thì nó bực bội giống như là một con khỉ bị cột vào cây, rồi đến lúc nào đó tâm mình thuần hơn một chút thì mình sẽ cảm thấy dễ chịu  nhẹ nhàng thoải mái và lúc đó chúng ta lại đạt đến một cái giá trị của Samadhi một cái lực của samadhi, đó là sự lắng đọng.

Trong từ ngữ của Thất Giác Chi đôi khi định nghĩa là khinh an hay là tịnh giác chi, chữ tịnh và chữ khinh an được định nghĩa chung, nhưng chữ tịnh được hiểu là sự lắng đọng. Sự lắng đọng của tâm tư làm cho tâm tư của chúng ta được trong sáng, cái trong sáng đó là năng lực của Samadhi là năng lực của Định. Đời sống của chúng ta lúc nào mà có trăm muôn ngàn mối đủ thứ chuyện lăn xăn thì thật ra chúng ta sống thì có sống nhưng chúng ta không có chiều sâu, chúng ta ăn, ngủ cũng không cảm thấy thật sự là ăn, ngủ, thì nói đến làm việc chúng ta cũng không đặt hết tâm tư để làm việc. Tuy nhiên, khi đời sống của chúng ta có tập trung rồi thì nó có lắng đọng, nó có lắng đọng rồi thì có sự định tịnh. Chữ định tịnh rất là hay, định là sự tập trú và tịnh giống như chúng tôi gọi là nước trong lắng xuống. Sự định tịnh làm cho mình nhận thức rõ, và cảm thấy mọi thứ không còn những lộn xộn, không còn những dày xéo, không còn những trăn trở nữa, đó là sức mạnh của Định.

Nhưng để đạt đến sự định tịnh như vậy chúng ta sẽ thấy bên cạnh đó hành giả sẽ có khả năng gọi là cái đức bền, là sự bền bỉ của chúng ta đối với chuyện gì. Trong cuộc sống của chúng tôi thật sự rất thích những giá trị mà nó bền bỉ. Ví dụ như có nhiều Phật tử đi chùa thì rất thích những người mà gọi là đại thí chủ chẳng hạn, nhưng đối với chúng tôi thì những Phật tử lâu năm, hai ba chục năm đi chùa quen biết nhau thì chúng tôi rất là cảm kích người Phật tử đó. Và một chuyện khác trong đời sống là mình làm chuyện gì đó mà mình có khả năng bền bỉ ví dụ như trường hợp chúng tôi làm rơom Phật Pháp Buđdhadhamma này trước là rơom Diệu Pháp. Thật ra chúng tôi hiểu rằng năng lực thì mỗi ai làm việc cũng có nhiều cách làm việc khác nhau nhưng đối với chúng tôi là không cần làm nhiều mà làm một ngày 2 tiếng đồng hồ mà một số chư tăng một số Phật tử có thể duy trì rơom từ ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, đó là điều chúng tôi cảm thấy quan trọng. Bởi vì trong đời sống của Thiền môn có một số sinh hoạt mà được giữ thường xuyên, những lợi ích những sinh hoạt đó tạo cho chúng ta khả năng làm việc gì một cách bền bỉ.

Chúng ta đừng tưởng rằng chữ bền bỉ này không liên quan gì đến chữ định, chữ bền bỉ có nghĩa là gắng bó với một cái gì đó trong thời gian dài rất dài. Khi chúng ta gắng bó thời gian rất dài thì sẽ nhận ra được cái giá trị là chúng ta thoải mái hơn, dễ chịu hơn và từ chỗ đó chúng ta đạt được sự thuần thục. Thật ra thì nói về cái chuyện ganh tài đua sức thì ở trong đời này người ta nói "núi cao hơn núi người cao hơn người" nhưng có một điều mà ít có người có được cái khả năng gọi là bền bỉ kiên nhẫn liên tục gắng bó với cái gì đó lâu dài. Và khi chúng ta tu tập mà chúng ta thấy được chuyện đó thì chúng ta sẽ rất là hoan hỉ.

Chúng ta không cần phải làm một việc gì đại sự to tát nhưng đối với hơi thở của mình cái khả năng mình có thể theo dõi nó thường xuyên, rồi đối với cuộc sống của mình, những sinh hoạt tu học nào đó mà mình có thể làm bền bỉ từ tháng này qua tháng khác bởi vì trong lý duyên hệ của Phật Pháp có cái gọi là thường thân y duyên hay là thường cận y duyên, cái gì mà chúng ta làm thường thì nó bền.

Thì đối với chúng tôi, định lực là chúng ta có thể tập trú vào một cái gì đó mà trên cái đối tượng đó chúng ta trở đi trở lại tiếp tục và tiếp tục thì gọi là định lực. Khi nói đến chữ "Định" thì đa phần là chúng ta nói đến cái nghĩa của Ekaggata là tập trung vào một điểm nhưng trên thực tế chữ Samadhi là tính chất bền bỉ.

Khi nói đến Giới Định Tuệ thì trong chữ "Định" bao gồm cả Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định thì chúng ta hiểu là chữ "Định" ở đây có thể gom lại tất cả những năng lực của tâm vào một trọng điểm, trọng điểm đó là gì thì chúng ta có thể biết được. Và thứ hai nữa là chữ "Định" có nghĩa là chúng ta có khả năng bền bỉ trên phương diện nội tại tập trú vào chuyện gì đó. 

Và điểm thứ ba là chúng ta có thể đạt đến mức độ khinh an và định tịnh. Thì với trạng thái đó giúp ích rất nhiều cho tuệ quán. Chúng ta khi làm chuyện gì mà đã thạo tay rồi thì làm rất nhanh rất gọn và rất đẹp. Cái nhanh cái gọn cái đẹp đó là một kết quả tự nhiên của sự thuần thục.

Chúng tôi nghe nhiều Phật tử làm việc ở các công ty lớn của Hoa Kỳ, làm ráp nối giây chuyền ở bên Mỹ thường gọi là assembly, khi có một sản phẩm đến trước mặt là họ phải ráp, phải làm này kia trong một thời gian ngắn để kịp chuyền qua người kế tiếp. Ban đầu khi họ mới vào làm thì rất là lúng túng và có nhiều người nói với chúng tôi rằng làm liên tay như vậy cực quá có thể khóc được, đứng lâu quá làm lâu quá mỏi tay mỏi chân có thể khóc được, nhưng một khi đã làm quen rồi thì người ta phát giác ra rằng người Việt Nam làm rất giỏi tại vì làm rất nhanh rất chính xác và rất có phẩm chất, bởi vì chúng ta làm thạo nghề. Chúng tôi để ý thấy rằng một trong đặc điểm của người Việt Nam là khi nào mình làm cái gì rất là quen thuộc thì thật sự mình có sự thành thạo mà ở trong kinh gọi là sự thuần thục, cái sự thuần thục đó cho phép chúng ta có những khả năng chúng ta không tưởng tượng được. Cái gì cũng vậy, hễ cái gì gọi là tinh luyện, tinh luyện nghĩa là việc đó chúng ta đạt đến cảnh giới ảo diệu của nó rồi thì mình thấy rất nhẹ nhàng để làm, rất thoải mái để có thể đồng hành với nó và đồng thời chúng ta làm việc đó một cách rất là tinh tế. 

Monday, January 27, 2014

Chúng ta nên áp dụng Phật Pháp vào trong đời sống

Hỏi: Chúng ta nên áp dụng Phật Pháp vào trong đời sống

(Bài giảng trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Phải nói rằng chúng ta rất dễ thỏa mãn với học thuyết, với chữ nghĩa và với những gì trình bày qua ngôn ngữ. Đó là một điều rất tự nhiên của đời sống. Bởi vì trên phương diện truyền thông có thể nói ý nghĩa và lý lẽ được trình bày một cách rõ ràng và trong sáng thì hầu như nó làm cho chúng ta có nhiều thỏa mãn. Cần thiết hơn nữa, cao hơn nữa, là tác dụng của điều đó trong đời sống. Với đức Phật thì có một khoảng cách rất xa giữa lý thuyết và sự áp dụng của lý thuyết đó. Ngày hôm nay chúng ta có hai lãnh vực, một là khoa học, hai là kỹ thuật. Khoa học cho ta biết về lý thuyết căn bản của sự vật, về vật lý, về hóa học v.v. Nhưng kỹ thuật là làm thế nào để áp dụng điều đó vào trong đời sống hằng ngày. Ở ngòai đời dĩ nhiên người ta thường hay nói đến điều đó và trong đạo người ta cũng nói đến điều đó. Nhưng ở ngòai đời thì dễ dàng vì họ có nhu cầu về phát triển, về tiền bạc. 

Người Nhựt rất giỏi trong việc đem áp dụng những phát minh của Tây phương. Chúng tôi nhớ có một bài viết về kỹ thuật gọi là physiologic. Physiologic là kỹ thuật làm thể nào để cho máy móc có thể họat động một cách uyển chuyển chứ không chỉ có thể tắt và mở. Một sáng chế physiologic do hai người Hoa kỳ đưa ra vào thập niên 50. Nhưng vì mới mẻ nên không ai áp dụng cho đến khi người Nhật đem áp dụng vào máy điều hòa không khí, vào xe điện ngầm và nhiều thứ khác, có thể mang lại lợi nhuận khổng lồ từ sự ứng dụng này. Đó là câu chuyện của thế gian. 

Còn câu chuyện trong đạo của chúng ta thì phải nói trên phương diện Phật học. Trong xã hội ngày hôm nay đặc biệt đào tạo rất nhiều học giả. Những lần chúng tôi đến thăm đại học Wisconsin hay Santa Barbara ở California thì có thể nói rằng có rất nhiều vị giáo sư sự hiểu biết của họ về Phật pháp là cả một công trình nghiên cứu. Khi nói chuyện với họ về A tỳ đàm hay hoặc giả một số đề tài mang tính hiểu biết thì phải nói rằng họ nắm rất vững. Tuy nhiên đối với cuộc sống của họ ngòai đời thì không áp dụng hành trì Phật pháp.

Ngược lại khi chúng tôi đến các vùng nông thôn của các xứ Phật giáo như Miến Điện hay Thái Lan. Ở đây dân chúng trình độ thế học không cao, và chỉ nghe Chư Tăng nói pháp thôi chứ không có học trường lớp, thế nhưng, tâm hồn của họ rất thuần thành và họ sống rất gần với đạo. Khi thân nhân của họ qua đời, cách suy tư của họ, cách nhìn của họ và cách họ tạo phước đề hồi hướng thì phải nói là cả một sự ứng dụng lời dạy của đức Phật trong từng phần một. 

Hơn ai hết, có thể nói đức Phật là một vị Thiên Nhân Chi Đạo Sư và Ngài cũng là Điều Ngự Trượng Phu. Ngài hướng dẫn chúng ta tu tập và đồng thời Ngài cũng biết rõ căn bệnh trầm kha của tất cả chúng ta. Vì vậy trong đạo Phật có cả một kho tàng kinh điển có thể nói là đồ sộ hơn bất cứ bộ kinh điển của tôn giáo nào. Bên cạnh đó, đức Phật do nhiều trường hợp, trong nhiều Phật ngôn chúng ta tìm thấy. Mặc dù đức Phật Ngài dạy cho tất cả chúng ta rất nhiều thứ, nhưng ngài luôn luôn nhắc đi nhắc lại một điều là chúng ta hãy tìm cơ hội, tùy khả năng, tùy điều kiện. Có lúc đức Phật Ngài kêu gọi một cách đặc biệt tha thiết: “Này các tỳ kheo, đây là ngôi nhà trống, đây là khu rừng, đây là cội cây, các con hãy đến đó thiền định, tu tập, tinh tấn, không nên giải đãi.” Những lời dạy ân cần của đức Phật luôn kéo chúng ta về với một thực tại là giáo pháp chỉ có thể được cảm nhận đầy đủ, được lãnh hội đầy đủ khi nào mình đem ứng dụng được những điều này trong cuộc sống.

Ở Việt nam của chúng ta, là nơi có thể nói chương trình giáo dục hết sức nặng nề. Rất nhiều trường hợp thanh niên Việt Nam ra trường với bằng tú tài có đôi lúc không biết làm gì để tự mình nuôi nổi bản thân của mình. Với bằng cấp đó, ngày xưa với bằng tú tài còn được gọi là ông tú, nhưng lại không có khả năng áp dụng điều đó vào cuộc sống. Tại các nước Âu Châu, người ta đã nhận ra một điều vô cùng quan trọng là đối với tuổi 16 là bước qua Senior High Schơol (tương đương với tú tài 1), chương trình giáo dục là chuyển qua chương trình huấn nghệ, tức là dạy nghề. Từ 16 đến 18 tuổi, sau hai năm học nghề đó nếu họ không thể học lên đại học họ vẫn tiếp tục theo đuổi ngành chuyên môn nào đó, dở nhứt họ cũng có tay nghề để họ có thể đi làm. Đi làm một cách thành thạo, có khả năng tốt trong việc mưu sinh.

Khả năng ứng dụng kiến thức vào đời sống ngày càng trở nên nhu cầu lớn. Vấn đề thật đặc biệt nêu ra đối với chúng ta là những người Phật tử làm thế nào trước kho tàng kinh điển mênh mông, bát ngát về đạo Phật. Chúng ta nghe, chúng ta nói, chúng ta hấp thụ, chúng ta bàn bạc mà có thể chuyển những thứ đó trở thành sức sống thực sự trong đời sống của mình. Ví dụ nói về vô thường, nghĩ trong đầu về vô thường, làm thế nào chúng ta có thể tìm thấy sự vô thường đó ngay ở trong cảm giác của mình, ngay trong những biến động của đời sống mình thì đó lại là chuyện hòan tòan khác.

Những người phát tâm tu thiền Tứ Niệm Xứ. Họ đến một khóa thiền 15, 20 ngày. Khi trở về họ trình bày cảm giác của họ là hồi xưa họ cứ tưởng việc học, việc nói là để cho họ đến gần với Phật pháp. Nhưng sau một thời gian tu tập thì họ thấy có khỏang cách rất lớn. Rất lớn giữa khả năng hiểu, khả năng trình bày và khả năng có thể ứng dụng trong đời sống hằng ngày. 

Ví dụ, chúng ta nói về chánh niệm. Chánh niệm theo định nghĩa thì được xem như là sự quan sát, sự ghi nhận, sự tỉnh táo, thấy biết đúng những gì đang xảy ra, nhứt là những gì xảy ra với thân tâm của mình. Chúng ta có thể định nghĩa một cách đại lọai như vậy. Nhưng khi một hành giả ngồi xuống trong nửa giờ, một giờ để tu tập chánh niệm thì câu chuyện không có giản dị như vậy.

Thí dụ khi chúng ta quan sát ghi nhận, nhưng có bao nhiêu thứ nảy sanh một lúc: nào là tâm tư phóng dật của mình, sự đau nhức của cơ thể, rồi nhìn trước mặt là hơi thở ra vào, tiếng động ở chung quanh, rồi giờ giấc thiền định. Ngay lúc đó thực tại phơi bày trước mặt chúng ta không phải chỉ là cái gì nhịp nhàng, mà thân và tâm của mình giống như một cái chợ. Nó giống như cái chợ nghĩa là muôn màu muôn sắc, những thứ để chú ý.

Chúng ta là người biết đi chợ thì làm sao có thể bước vào chợ đó mà không để cho mình bị lôi cuốn đi về tám hướng, không ngừng chú ý đến trăm ngàn thứ, mà chúng ta chỉ đi vào trong đó biết được đường đi, nẻo về. Biết được cái gì phải lựa chọn, biết được cái mình muốn mua, biết phải trả giá như thế nào, biết được cách sắp xếp lớp lang như thế nào để cuối cùng chúng ta có một giỏ thực phẩm mang về.

Đem chuyện đi chợ mà ví dụ về thiền thì rất khôi hài. Nhưng cũng tương tựa như vậy. Từ khi mình ngồi xuống để bắt đầu tu tập chánh niệm, thì không đơn giản như người ta nghĩ là ngồi xuống nhìn hơi thở ra vào. Phải mất một thời gian rất dài để người ta có thể quan sát những gì đang xảy ra để có khả năng trở về với nền tảng căn bản của mình là hơi thở. Thông thường nếu chúng ta không có kinh nghiệm, hễ chúng ta phóng tâm, chúng ta đau nhức thì một hồi, chúng ta lạc mất đề tài, đề mục chính của mình là hơi thở.

Với một người tu tập chánh niệm thì không có gì xảy ra ở thân tâm mình mà nó không phải là đối tượng của chánh niệm. Dù chúng ta tinh cần hay chúng ta không tin cần, dù là chúng ta khỏe hay chúng ta không khỏe, dù thỏai mái hay khó chịu, dù chúng ta ngồi thiền có tập trung được hay không tập trung được thì những trạng thái đó đối với con mắt của chánh niệm nó không có vấn đề gì hết. Cái gì xảy ra, chúng ta ghi nhận như vậy. Nhưng không phải là việc dễ dàng với một người mới vào tu tập. Chúng ta hay có thái độ phản ứng với nó. Thay vì chúng ta ghi nhận là mình đang tinh tấn hay đang dã dượi, mình đang phân tâm, cái tâm của mình thế này hay thế khác mà mình ghi nhận như vậy. Thì chúng ta lại phản ứng với nó. Hoặc là vui, hoặc là buồn, thậm chí có khi chúng ta đứng dậy, chúng ta không ngồi nữa.

Với một người có bản lãnh về chánh niệm thì đem tất cả những thứ đó đặt ra trước mặt mình. Cho dù nó có ra sao chăng nữa thì chỉ quan sát mà không có phản ứng. Đó là một phương diện hoàn toàn khác với chánh niệm mà chúng tôi trình bày trong buổi giảng này.

Ở đây Đức Phật Ngài dạy cho chúng ta thấy rằng nếu tôn giáo nói chung, Phật pháp nói riêng. Phật pháp ở đây không phải là Phật pháp kinh điển mà là Phật pháp trong sự hiểu biết của mình, mà sự hiểu biết đó khi diễn tả thành lời như chúng ta nghe mỗi ngày, sinh họat mỗi ngày. Chúng ta có thể rất thỏa mãn khi chúng ta nghe một câu Phật Pháp hay. Chúng ta thỏa mãn khi chúng ta trình bày vấn đề nào đó với ý nghĩa sáng sủa, dễ hiểu, dễ lãnh hội. 

Đức Phật không chê điều đó, không khích bác điều đó. Nhưng Đức Phật đã ca ngợi thuyết pháp đúng thời, thính pháp đúng thời. Đúng thời làm thiện pháp. Nhưng không có nghĩa là trong sự ngợi khen đó của Đức Phật như vậy là đủ. Như vậy là các con đã làm được điều cần phải làm. Ở bên cạnh đó thì đức Phật lưu ý chúng ta rằng những cái hoa có sắc mà không hương, lời hay mà không đem áp dụng được thì ngài nói rõ ràng là không làm thì không kết quả.

Kết quả là ở chỗ chúng ta đem áp dụng Phật pháp vào trong đời sống hay không. Chúng tôi biết rằng có những giai đọan, những thời đại mà ngay cả trong đạo người Phật tử lo sống với những từ ngữ ba hoa, dao to búa lớn. Chúng ta nghe như bao chùm luôn cả tam thiên, đại thiên xuống thế giới này. Chúng ta nói đến đại điện, chúng ta nói đến những cái mà những ý tưởng rất cao siêu, nghe rất đại đồng, nghe rất to lớn nhưng đem áp dụng trong đời sống hàng ngày thì không áp dụng được. Cái không áp dụng đó nó tạo nên vấn đề của chúng ta./.

Sunday, January 26, 2014

Sám hối như thế nào khi mình lỡ phạm đến Tam Bảo?

Hỏi : Sám hối như thế nào khi mình lỡ phạm đến Tam Bảo?

. (Câu hỏitrong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên )

TT Giác Đẳng: Việc sám hối khi mình phạm đến Tam Bảo thì ở đây là một quan niệm hết sức đặc biệt mà chúng ta phải để ý khi nào mà chúng ta phạm đến Tam Bảo. Cái tội mà hủy báng Tam Bảo là một trọng nghiệp nhưng nó có ba trường hợp.

Trường hợp thứ nhất là một người hủy báng Tam Bảo là bởi vì người này có tâm sân hận. Như trường hợp của nàng Kanà mà chúng ta được nghe đến trong bài kệ ngày hôm qua. Đó là câu chuyện của một nàng thiếu nữ từ bên nhà chồng trở về thăm nhà mẹ của mình. Rồi trong lúc về nhà của mẹ bởi vì thường khi mỗi lần về nhà thì mẹ hay làm bánh để mang về nhà chồng, lúc bà mẹ làm bánh xong thì có các vị tỳ kheo đi khuất thực đi ngang, bà mẹ thấy như vậy đem tất cả bánh cúng dường cho chư tỳ kheo, và không phải cúng cho một nhóm mà cúng cho bốn nhóm tỳ kheo như vậy trước sau, bởi vì trên con đường đi khuất thực thấy chư tăng đi ghé từng nhà, mà ai cúng xong thì tiếp tục đi tới thôi. (Thật ra Đức Phật Ngài có đặt ra luật cấm các vị tỳ kheo trong một ngôi chùa không được đi bát nhiều lần trên một con đường cũng là vì lý do này.) Thì chính vì lý do mẹ của Kana cúng dường bánh cho Chư Tỳ Kheo như vậy, nó đã tạo nên một sự việc là Kanà đã phải chờ để lấy bánh, khi lấy được bánh rồi thì chuyến đi về bị trễ, và chuyện này dẫn đến chuyện lục đục giữa vợ chồng rồi dẫn đến sự đổ vỡ của hôn nhân, và sau khi hôn nhân đổ vỡ thì Kanà về nhà mẹ mình sống và thường hay thống trách các vị tỳ kheo là tại vì các vị tỳ kheo mà nàng bị đổ vỡ hôn nhân như vậy, và vì lời nói của nàng cũng nặng chứ không phải là không nặng. Một lần Đức Phật đến nhà Ngài gọi Kanà lên và dạy cho Kanà biết về sự hơn thiệt, lúc đó Kana đã xin sám hối với Đức Phật và nghe pháp chứng được quả dự lưu như là câu chuyện Pháp Cú mà chúng ta nghe hôm qua, ở trong trường hợp đó là vì sân tâm nó khác.

Và trường hợp kế mà chúng tôi nói là vì tà kiến, tà kiến ví dụ như một người Phật tử đã qui y Tam Bảo rồi sau đó đi theo ngoại đạo mà phỉ báng lại Tam Bảo thì đó là một sự tổn hại, một sự tổn hại lớn lắm, sự tổn hại đó giống như một cây dừa hay cây cau mà chúng ta chặt đứt đầu ngọn cây thì nó khó có cơ hội mọc lại được. Một người không biết Tam Bảo, không biết Phật Pháp Tăng là gì, người đó nếu họ là người ngoại đạo hay đi theo ngoại đạo mà chỉ trích Phật Pháp Tăng thì việc đó tội không nặng, ở đây một người biết Phật Pháp Tăng đã học rồi nhưng mà vì tà kiến của mình mà đi theo ngoại giáo để phỉ báng lại Tam Bảo, thì người đó tương đương với một giới luật ở trong đạo Phật gọi là bất cộng trụ, tức là một điều không có cứu vãng được, thì người này sau này có sám hối đi nữa thì sự sám hối đó chỉ là một sự sám hối mảy may nhưng mà họ không có bao giờ có thể thành tựu lại được tam qui của mình.

Ở đây là một trường hợp rất tế nhị, một trường hợp rất đặc biệt khi đề cập đến trong luật cư sĩ.

Và thưa qúi vị, có một sự xúc phạm đến Tam Bảo khác mà ở đây đạo hữu Anidhaparami nói về sự vô ý phạm đến Tam Bảo, vô ý phạm đến Tam Bảo là trong trường hợp chúng ta học pháp mà chúng ta học sai, chúng ta diễn giảng sai lạc đi thì chúng ta tụng bài Uttamangena vandeham., tụng bài đó để xin sám hối nghiệp mà vô ý, mình có thành tâm thiện ý để diễn giảng Phật Pháp, nhưng mà mình đã diễn giảng một cách sai lạc bởi vì mình không đủ kiến thức để diễn giảng Phật Pháp, thì mình xin sám hối, thì chuyện này hoàn toàn mang một ý nghĩa khác.

Như vậy trong trường hợp phạm đến Tam Bảo chúng tôi chia ra ba phần như trên để qúi vị thấy rõ ./..

Saturday, January 25, 2014

Nên làm thiện với tâm như thế nào?

Hỏi:  Nên làm thiện với tâm như thế nào?

(Câu hỏi trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)

TT.Giác Đẳng: Phật Giáo Nam Tông thường dùng chữ "Phát tâm trong sạch".  Ví dụ có một người phật tử đi chùa thấy một công việc Phật sự và vị đó phát tâm làm phước. Người thế gian thường gọi là mạnh thường quân tức là một vị hào sản. Người hào sản là người thấy việc nghĩa thì thích làm.  Đúng nghĩa của mạnh thường quân là tích truyện của một nhân vật đời chiến quốc, một người chiêu tiếp nồng hậu các bậc anh tài được gọi là mạnh thường quân. Một người làm phước trong đạo Phật thì không phải với tinh thần đó. Một người thấy một vị Tăng có tài nên phát tâm giúp đỡ như là một vị mạnh thường quân nhưng đó không phải là tinh thần của người Phật tử. Thông thường bên truyền thống Phật Giáo Nam Tông ảnh hưởng văn hoá kinh điển Pali nên người ta nói "phát tâm trong sạch". Chữ phát tâm trong sạch được hiểu là phát khởi thiện tâm. Đôi khi người ta bỏ luôn chữ phát tâm và chỉ nói  "trong sạch", thí dụ: "người đó trong sạch với vị nào đó", thì chữ trong sạch này được hiểu như là khởi thiện tâm với một vị nào. 

Tại sao tâm thiện gọi là tâm trong sạch? Trong A Tỳ Đàm thì tâm thiện là vô tham, vô sân, vô si. 
Vô tham là tâm không dính mắc,
 Vô sân thì được hiểu là tâm mát mẻ, 
Vô si thì được hiểu là tâm sáng suốt. 

Vô tham được ví như một trạng thái tâm làm và chỉ làm chứ không mong cầu, không đòi hỏi, 
Tâm vô sân là làm với tâm mát mẻ mong mang lại an lạc cho đời cho người, 
Và vô si là làm việc với tâm sáng suốt. 

Phẩm chất của sự trong sạch tương tựa như trong nhà của chúng ta vào một ngày cuối tuần hay một ngày nào đó được dọn dẹp sạch sẽ thì chúng ta cảm thấy rất thoải mái, hoặc giả chúng ta được tắm rửa sau một ngày làm việc, chúng ta thấy người khỏe khoắn, thật ra cảm giác đó là cảm giác sạch sẽ nên cảm thấy thoải mái. Thì chữ trong sạch mang lại cho đời sống dễ chịu như vậy. 

Trạng thái trong sạch của tâm thiện là trạng thái vô tham, vô sân và vô si nói lên một khía cạnh của thiện tâm hay là thiện pháp và khía cạnh này người nào thường sống với thiện tâm hay người nào có lắng nghe với chính mình thì lúc đó hiểu rằng tâm đó không giống như bất cứ tâm nào khác mà chúng ta có được trong đời sống bởi vì nó là chủ yếu của tâm trong sạch.

Chúng tôi muốn nói đến hiện tượng khác, một hiện tượng mang tính chất tâm lý, nhưng tâm lý hơi đặc biệt đó là hiện tượng của một người lúc sắp lâm chung. Trong kinh Phật một người sắp lâm chung họ có thể thấy một ở trong 3 điều mà chúng ta gọi là những giây phút cận tử. Họ có thể thấy kama tức là nghiệp của mình:

- Một người trước kia là một chiến sĩ xông pha ngoài trận mạc họ có thể thấy những trận đánh, hay một người chài lưới họ có thể nhớ lại hành động chài lưới của mình, hoặc giả một người tạo phước cúng dường họ nhớ lại những công việc của mình đã làm, những hình ảnh đó chúng ta gọi là nghiệp. 
- Có những người thấy nghiệp tướng như người đồ tể sắp chết thì lại nhớ đến con dao, một người nhậu nhẹt thì nhớ tới chai rượu hoặc giả người thầy giáo thì nhớ đến bảng đen phấn trắng v.v… nghiệp tướng là họ làm cái gì đó làm cho họ liên tưởng đến thứ đó thì gọi là nghiệp tướng. 
- Người ta còn thấy một thứ nữa gọi là sanh tướng hay thú tướng. Thú này không phải là loài vật mà là cảnh giới khi thọ sanh, chẳng hạn chúng ta nói thiện thú, ác thú - thú là cảnh giới tái sanh, thì cảnh giới tái sanh người ta có thể nhìn thấy chẳng hạn một người sắp mất nhìn thấy vú mẹ thì họ sanh làm người, hay họ thấy cảnh sông núi, nếu một người phải sanh vào địa ngục thì họ thấy lửa của địa ngục đang cháy phừng phừng, hoặc giả họ thấy được thiên cung thì họ sanh cõi trời.

Đức Phật Ngài thường giảng trong kinh là một người làm thiện thì thường để tâm vào việc làm, để tâm ở đây đạo Phật thường gọi là có đầy đủ tác ý suy tư trước khi làm, trong khi làm và sau khi làm, trong chữ Hán gọi đó là tư tiền, tư hiện, và tư hậu. 

Tư tiền hiện là với một người sắp làm lễ trai tăng mà người đó không chuẩn bị gì hết, chờ cho gần tới giờ chạy ra ngoài mua ít thực phẩm đem về dọn ra ăn hay nhờ người khác làm giùm cho nhanh chóng, thì người đó không chú  tâm vào trước khi làm thiện sự. Một người có chú tâm để chuẩn bị làm thì gọi là có tư tiền hiện. 

Tư hiện tức là khi mình đang làm cái gì đó mình có để tâm vào việc mình đang làm, 

Sau khi làm xong rồi mình còn nhớ nghĩ lại và hoan hỷ gọi đó là tư hậu.

 Người ta rất dễ quên những điều này, thật ra thiện pháp cũng là một đề mục tốt để chúng ta trầm tư nhớ nghĩ lại, đặc biệt là trong cuộc sống nên nhớ nghĩ những việc thiện đáng kể trong đời sống của mình, việc thiện mà có một ấn tượng rất mạnh.

Có những người làm thiện nhưng việc làm thiện đó nhỏ bé quá khiến khi họ nhớ lại họ thấy không là gì hết, chúng tôi lấy ví dụ là đối với chúng ta 1, 2 đồng không có nghĩa gì hết, chúng ta đi trên đường gặp người ăn xin đứng cầm bảng xin tiền, chúng ta quay cửa kiếng xuống và cho họ 1, 2 đồng và nếu sau này chúng ta nhớ lại thì nó không mạnh mẽ. Nhưng nếu chúng ta làm một việc gì đó mà mình bỏ tâm tư sức lực tài sản rất lớn, hoặc giả chúng ta làm trong trường hợp đặc biệt nào và sau này chúng ta nhớ lại và hết sức hoan hỷ.

Phải nói rằng, việc chuẩn bị tư lương là một việc ít khi người ta làm, do đó người ta thường cầu mong để tâm tư gắn bó cái gì đó hơn là phước nghiệp của mình đã làm. Tuy nhiên, phải có làm thiện, phải thấy được giá trị của thiện và phải hoan hỷ trong điều thiện thì hồi ức của chúng ta hay sự tưởng nhớ của chúng ta mới có giá trị, mình phải làm điều thiện là điều đó phải làm cho tâm tư mình trong sạch, con người sống 100 năm ở đời thì cũng phải có một vài giây phút mình biết quên mình, quên mình tức là hàng ngày chúng ta đi làm rất khổ công thì chúng ta nghĩ rằng mình làm cho mình, mình xây dựng tài sản của mình, mình làm vì những người thân của mình.

Có những lúc chúng ta làm thiện mà hoàn toàn không nghĩ đến "của tôi", đến tự ngã "của tôi" nữa mà chỉ làm để làm thôi. Có đôi lúc mình có mặt ở một nơi nào đó do nhân duyên nào đó để làm thôi, có đôi lúc mình có mặt ở một nơi nào đó do nhân duyên nào đó để làm và với tâm trong sạch hoàn toàn, và không những vậy chúng ta còn cảm nhận được điều thiện tức là có sự hiểu biết rằng đó là việc thiện làm với tâm trong sạch. Có người làm điều tốt nhưng họ không ý thức được đó là điều tốt, ý thức được điều tốt là việc hết sức quan trọng, phải hiểu được Phật pháp, phải hiểu được lẽ trung thực của đời sống, thì bấy giờ chúng ta mới thấy đuợc tại sao điều đó là điều thiện hay điều bất thiện.

 Đức Phật Ngài dậy rằng việc thiện phải có đặc tính là vô tham, vô sân, và vô si. Vô tham đặc tính là không dính mắc, vô sân là đặc tính mát mẻ, vô si là đặc tính sáng suốt, 3 đặc tính thiện pháp này được xem là đặc tính của trong sạch, một người làm thiện thì ngay trong giờ phút đó do sự trong sạch của tâm, tâm tư họ được an lạc và sau này họ cũng được an lạc, đặc biệt là nhớ nghĩ về thiện pháp của mình thì trong lòng còn hân hoan an lạc bội phần, niềm an lạc thì lớn hơn rất nhiều, nhưng muốn được như vậy thì người đó phải làm thiện và chẵng những làm thiện mà còn thấy được giá trị của điều thiện và chẳng những thấy được giá trị của điều thiện mà còn biết vui với điều thiện. Những điều này đặc biệt có khả năng cứu giúp chúng ta trong lúc đối diện với cái chết, trong lúc chúng ta sắp sửa rời bỏ thế giới này. Giờ phút đối diện với cái chết chúng ta không thể trông cậy vào một ai khác mà mình phải tự cứu lấy chính mình./.

Friday, January 24, 2014

Những điều cần biết khi thính Pháp hay thỉnh Chư Tăng thuyết Pháp.

Hỏi: Những điều cần biết khi thính Pháp hay thỉnh Chư Tăng thuyết Pháp.

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 7-1-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TTGiác Đẳng: Chúng tôi muốn chia sẻ một số điều mà một người Phật tử biết đạo biết đi chùa nên biết (ở những quốc gia Phật giáo thì ai cũng biết nhưng người Phật tử Việt Nam thường khi thì không biết những điều này). Đây là những điều ghi trong giới luật của một người tu sĩ khi nói Pháp cho qúi Phật tử. 

Một người tu sĩ hiểu Giới Luật Tỳ Kheo thì có những trường hợp không nói pháp cho người Phật tử nghe được nên im lặng hoặc tìm cách nói lảng. Khi một vị tu sĩ thuyết pháp với lòng tôn kính Pháp và tuân giữ theo Luật của Đức Phật Ngài ban hành thì trong những trường hợp như vầy cũng phải nói rằng rất là tế nhị để tránh đi: 

*** Trong Giới Luật cấm vị Tỳ Kheo không nên nói Pháp cho những người ở trong tay đang cầm dao, cầm gậy, cầm vũ khí. Điều đó có nghĩa nếu qúi vị đi đường có cầm cây gậy hay là đang nấu bếp tay cầm dao mà muốn hỏi đạo Chư Tăng thì nếu thật sự nghiêm túc muốn nghe thì bỏ những thứ đó xuống. Vấn đề là, có khi người ta nghe Pháp có điều gì bất mãn thì họ có thể dùng những thứ đó làm vũ khí để họ đánh vị tu sĩ. Nhưng ở đây chúng ta không nói như vậy, nhưng trong cung cách nếu một người nghe Pháp hỏi đạo mà trong tay cầm dao cầm gậy thì thật sự là không nên hỏi vì trường hợp này Chư Tăng không được thuyết pháp.

Chúng tôi biết tại các quốc gia Phật Giáo đôi khi có trường hợp một người cư sĩ đưa một người Tăng sĩ lên núi và khi họ đi thì họ cầm gậy chống nhưng đến chỗ nào cần hỏi đạo thì họ đứng lại và để cây gậy xuống một khoảng cách rồi họ chấp tay lên hỏi đạo thì như vậy là những người đó có tu ở trong chùa nên họ biết. Chúng ta có nhiều khi đi đâu mà nghe Chư Tăng nói Pháp, thí dụ như qúi Phật tử đi hành hương leo lên núi Linh Thứu có vài vị xách theo cây gậy rồi khi Chư Tăng bắt đầu giảng thì qúi vị cứ cầm gậy đứng đó. Thì không phải vì vấn đề an ninh nhưng trên một phương diện nào đó thì không đẹp khi Chư Tăng đang thuyết pháp mà qúi vị nghe mà qúi vị cầm dao cầm gậy vũ khí ở trên tay thì cái đó là cái nên để ý.

***  Một điều nên để ý nữa là: Nếu một người cung kính Pháp thì không nên hỏi Pháp khi vị tu sĩ đang đứng ngoài nắng đầu trần mà người cư sĩ che dù hoặc đội nón hoặc người cư sĩ mang dép, nếu vị sư mang giầy dép thì qúi vị mang giầy dép không có sao, nhưng nếu Chư Tăng để đầu trần chân không mà qúi vị lại mang giầy dép đội nón thì chuyện đó không có thích hợp để Chư Tăng thuyết pháp. Tại vì trên phương diện nào đó một sự cung kính đặc biệt là chúng ta cung kính đối với người thuyết pháp mà vị đó ở trong điều kiện không tiện nghi mà một người nghe Pháp thì đầy đủ tất cả những tiện nghi như vậy thì điều đó không nói lên được lòng cung kính của mình. Nên rất thường tại các quốc gia Phật giáo người ta không có đội nón không mang giày vào trong sân chùa hay là vào trong chánh điện. Việc bỏ nón, sập dù xuống, đi chân không đi vào trong chánh điện là truyền thống bởi vì thường các vị tu sĩ không có đội nón không có đi dép ở trong chánh điện. Chuyện đó thì chúng ta cũng nên nhớ, nếu qúi Phật tử thấy trường hợp nào đó mà qúi vị đang đội nón qúi vị hỏi đạo Chư Tăng mà Chư Tăng không trả lời thì qúi vị hiểu là như vậy.

*** Có những trường hợp, nếu Chư Tăng đi ở ngoài đường đi ở giữa đường mà qúi vị đi ở trong lề mà qúi vị hỏi đạo  Chư Tăng cũng không nói pháp được. Tức là mình nói pháp mà mình đi nơi xe cộ đang chạy ở giữa đường rất nguy hiểm nên lúc đó là lúc phi thời không phải là lúc để nghe Pháp Chư Tăng. Ngày xưa lề đường dành cho những người lớn đi và ở ngoài lộ thì dành cho những người nhỏ hơn. Do vậy thường thường nên biết là nếu Chư Tăng đi ở bên ngoài giữa đường qúi vị đi ở trong lề thì không nên hỏi pháp.

*** Hoặc giả là Chư Tăng ngồi ở phía sau hay là đi phía sau mà người đi ở phía trước (tức là  người đi trước thường là người dẫn đường) người đi trước hỏi gióng lại phía sau thì trường hợp đó trong luật Chư Tăng không giảng pháp được. 

Qúi vị để ý như vầy, chuyện này rất thường xảy ra, đôi khi trong xe tài xế và người ngồi ngang với tài xế ngồi phía trước rồi Chư Tăng ngồi phía sau, hỏi đạo Chư Tăng nói tới thì thật ra trừ trường hợp người bịnh, người bịnh chúng tôi nói là người đó họ ngồi phía sau bị ói mửa buồn nôn họ không chịu nổi thì họ phải ngồi phía trước thì Chư Tăng nói pháp được, còn bình thường nếu một người bình thường mà ngồi ở phía trước ngang với tài xế mà hỏi vọng Chư Tăng mà đặc biệt Chư Tăng ngồi tuốt phía sau nói thì điều đó không hợp đạo.

 *** Cũng nên để ý một điểm nữa là, hoặc giả là Chư Tăng ngồi ở dưới qúi vị ngồi ở trên giường để nói đạo, hoặc giả là Chư Tăng ngồi ở dưới qúi vị ngồi trên võng hỏi đạo thì đó cũng không phải cung cách khi mình hỏi Pháp. Mình phải có sự cung kính Pháp. Trong trường hợp một vị tỳ kheo thuyết pháp như vậy chẳng những phạm luật mà còn thiếu sự tôn kính đối với Pháp Bảo.  Ví dụ, Chư Tăng ngồi trên một băng ghế nào đó một người Phật tử khác ngồi trên võng thường thường trong sự thân thiện chúng tôi đi trong rừng có nhiều khi Phật tử ngồi trên võng có người khênh rồi sẵn tiện họ hỏi Pháp, thì lúc đó Chư Tăng phải đánh trống lãng đi chỗ khác chứ không giảng.  

*** Qúi vị nên nhớ kỹ một cung cách là khi Chư Tăng ngồi thuyết pháp Phật tử ngồi trên ghế chéo chân hay tư thế của tay chân không thích hợp chúng ta tạm gọi là vẻ nghênh ngang thì cách đó Chư Tăng cũng không nói Pháp. Chư Tăng không được nói Pháp với một người có thái độ như vậy. Ngồi nghe Pháp thì phải ngay ngắn có tâm thành cung kính. Người Tây Phương cũng có cách ngồi chéo chân khi gặp gỡ nhau, cách đó chỉ tốt về phương diện ngoại giao để cho thấy rằng mình không có mặc cảm trước người đối tác với mình. Nhưng trên phương diện nghe Pháp thì Chư Tăng nói Pháp một người nào đó mà ngồi chống nạnh hay là ngồi chéo chân thì cử chỉ đó không có đẹp và không thích hợp để Chư Tăng nói Pháp.

*** Và cũng nhớ rằng khi Chư Tăng ngồi chỗ thấp mà một người ngồi chỗ cao để nói Pháp thì Chư Tăng cũng không nên thuyết như vậy.

 Sinh hoạt trong chùa có luật gọi là Thuyết Giới tức là tụng giới bổn hàng tháng có lễ Phát Lồ Chư Tăng tụng giới bổn và khi Chư Tăng tụng thì vị tụng giới bổn phải ngồi chỗ cao nhất, cao hơn thầy cả trong chùa cao hơn vị trưởng lão tức là phải chêm một cái gối rất cao ở giữa cho vị thuyết giới ngồi tụng giới, ở các quốc gia Phật Giáo thường dùng pháp toạ, pháp tọa là chỗ rất cao trọng cho dù là một vị sadi thuyết pháp đi nữa thì cũng phải ngồi trên pháp tọa cao và Chư Tăng ở dưới, không phải vì vị sadi đó lớn hơn mà tại vì đó là sự cung kính đối với Pháp Bảo. Thí dụ như sinh hoạt ở trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma TTTuệ Siêu là người lớn hay chúng tôi  khi thỉnh ĐĐ. Pháp Tín thuyết Pháp thì phải nói "kính thỉnh ĐĐ. Pháp Tín thuyết pháp". Đó không phải là xưng hô bình thường của một vị lớn đối với vị nhỏ hạ hơn nhưng khi ở pháp toà đang giảng pháp chúng tôi phải có sự tôn kính đối với vị thuyết pháp đó là cái nguyên tắc. 

Điều rất quan trọng đó là, không biết vị thuyếp pháp ở ngoài hạ lạp như thế nào, tuổi tác như thế nào, mà vị đó là vị giảng Kinh để giảng Pháp thì mình kính trọng vị đó tức là kính trọng Pháp.

*** Rồi khi nghe pháp thì phải để ý, có những trường hợp ngoại lệ thí dụ như người bịnh, họ nằm họ ngồi thì mình thuyết pháp được. Nhưng nếu một người không bịnh mà họ nằm còn mình ngồi thuyết, thí dụ như thân thiết với nhau rồi vị đó nằm và hỏi đạo thì mình không thuyết pháp được chỉ khi nào vị đó bịnh thì có thể là mình đứng.

Đây là những điều liên quan đến giới luật chúng tôi chia sẻ với qúi Phật tử. Tất cả chúng ta nên nhớ một điều rằng một ở trong những điều làm cho Phật Pháp được hưng thịnh là lòng cung kính và cung kính đây là cung kính Phật, cung kính Pháp, cung kính Tăng, cung kính học giới, cung kính thiền định, và cung kính lễ tân. 

Ở thời nào người ta thiếu đi lòng cung kính mà chúng ta gọi là "mạt cưa, mướp đắng, dùi đục, mắm nêm"  tức là  lòng cung kính không còn nữa thì đó là dấu hiệu của sự suy tàn. Thì ở đây chúng ta cũng phải nói một điều rằng một ở trong những điều chúng ta có thể làm cho Phật Pháp được hưng thịnh là tất cả chúng ta nên giữ lòng cung kính đối với Phật Pháp. Sự cung kính đối với Phật Pháp qua nhiều hình thức nhưng những điều chúng tôi vừa nói là những điều chúng ta phải cẩn trọng, có khi Chư Tăng biết mà qúi Phật tử không biết ,và trong những trường hợp không thích hợp thì Chư Tăng hay giữ im lặng.

Nhiều khi qúi Phật tử không biết tại sao Chư Tăng im lặng không nói, tại vì lúc đó nói cũng kỳ. Thí dụ như là Chư Tăng đang đứng mà qúi Phật tử ngồi chẳng lẽ chúng tôi nói qúi vị hoan hỉ đứng lên. Hay là qúi vị đang đội nón chúng tôi đầu trần chúng tôi nói qúi vị hoan hỉ bỏ nón xuống hay là bỏ dép ra v.v... thì chuyện đó cũng không tiện nói, tốt hơn hết là nói sang chuyện khác đánh trống lảng và không đi vào đề tài Phật Pháp.
Và cũng tương tự như vậy, tất cả chúng ta trong hoàn cảnh nào thì cũng nhớ rằng chúng ta có cung kính đối với chánh pháp thì chánh pháp mới trường tồn và Phật Pháp có trường tồn thì thật sự chúng ta mới được sống ở trong ánh sáng nhiệm màu của Phật Pháp. Còn nếu chúng ta xem thường Phật Pháp xem thường những điều mình học thì là dấu hiệu của sự suy tàn và chúng ta cũng là người nhận lấy cái hệ quả của sự suy tàn đó ./.