Hỏi: Chúng ta học được gì qua thí dụ thiên nhiên nói về đặc tính của con khỉ?
(Thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 9-1-2014, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Con khỉ có hai đặc tính: một là nó thích cây cao bóng cả những chỗ có tàng đại thụ to lớn thì nó thích ở lại đó, và thứ hai là chỗ nào nó cảm thấy thoải mái thì sẽ ngủ lại qua đêm ở đó.
Chuyện con khỉ thích cây cao bóng cả là tại vì con khỉ thích truyền cảnh từ cành này sang cành kia như con cá thì thích hồ lớn con khỉ thì thích cây lớn cho cảnh giới thênh thang.
- Điều đầu tiên là cây cao bóng cả chúng ta hình ảnh một người tu tập nên hoan hỉ với các bậc chân nhân các bậc thiện nhân các bậc thiện trí.
- Và điều thứ hai nữa là khi con khỉ ở nơi nào mà nó cảm thấy không an toàn thì nó ngủ không được, chỗ nào an toàn thì nó ngủ. Nói cách khác, nếu nó đi đến chỗ nào mà cảm thấy buồn ngủ mà nó ngủ thì chỗ đó nó cảm thấy an toàn thoải mái, thì đó là cảnh giới của nó.
Khi chúng ta nói cây cao bóng mát được ví dụ cho người thích hợp. Khi chúng ta nói chỗ nào con khỉ cảm thấy buồn ngủ mà nó ngủ qua đêm thì chỗ đó là cảnh giới an toàn.
Thì tương tự, con khỉ thích cây cao bóng mát tương tự như hành giả thích thân cận bậc thiện trí và hành giả hoan hỉ với trú xứ với hoàn cảnh thích hợp, điều đó có nghĩa là ở đó thích hợp cho sự phát triển về chánh niệm.
Hai điều này là hai dấu hiệu rất ư quan trọng đối với một người tu tập. Chúng ta lấy ví dụ như mình làm thơ mình có nguồn thi hứng, mình ưa thích thơ gặp những người nào giỏi về thơ, có có sở thích để bàn về thơ thì mình cảm thấy vui nhiều, có cảm hứng, thì mình là người tu tập mình gặp những vị thiện trí những vị uyên thâm về Phật Pháp những vị có đức tu thì mình cảm thấy là hoan hỉ, nhất là mình tu thiền thấy những vị có tu thiền thì mình hoan hỉ điều đó giống như con khỉ thích cây cao bóng mát. Nhưng nếu qúi vị làm thơ gặp cảnh mà mình cảm thấy xúc cảnh sanh tình, mình cảm thấy mình đến chỗ đó tự nhiên mình thấy hồn thơ dạt dào thì cái đó là một cảnh giới tốt cho một người thi sĩ cho người có hồn thơ. Riêng đối với chúng ta là người tu tập một người thật sự muốn tu đi cảnh chùa nào thanh tịnh đi cảnh chùa nào có điều kiện tu tập thì điều đó thật sự hoan hỉ.
Chúng tôi có đi hành hương để ý một điểm như vầy là qúi Phật tử có hai khuynh hướng: có những Phật tử thích đi chùa những ngôi chùa đồ sộ nguy nga đẹp đẽ tráng lệ nhưng mà những ngôi chùa đó thường có du khách lui tới có nghĩa là khách khứa tấp nập, thì cũng có cái đẹp riêng. Nhưng có những người đặc biệt thích những ngôi chùa tương đối nhẹ nhàng thanh tịnh và thích hợp cho sự tu tập mà chúng ta tạm gọi là thiền vị, và khi đến chỗ đó thì mình muốn tu, có một vài nơi chúng tôi đã từng đến như ở Chiang Mai, ở Mandalay, ở núi Sakai, hoặc giả là có nhiều nơi khi đặt chân đến mình cảm thấy tâm mình rất nhẹ nhàng rất thanh thoát và muốn tu tập.
Cuộc sống của chúng ta trong chuyện tu cũng như chuyện làm thì chỉ có hai thế giới thích hợp đó là: Người và cảnh.
Người uống rượu thì họ thích bạn rượu, họ cũng thích la cà như hàng quán. Người làm việc chính trị họ thích những người bạn làm chính trị và những nơi lui tới làm chính trị. Người tu thì cũng có những bạn đạo và cũng có những cảnh giới thích hợp cho người tu.
Nhưng Người và Cảnh làm cho mình hoan hỉ thì ở đó cũng cho mình thấy rất nhiều điều về bản thân của chính mình. Đó là sự chắc nghiệm. Thí dụ như là qúi Phật tử đi du lịch thì thích nói chuyện với người đi du lịch, nhưng qúi vị thích đi du lịch thì qúi vị không thích nói chuyện với những người nhậu nhẹt, và trái lại những người đánh bài thì hay thích la cà với những người bạn đánh bài.
Thì qúi vị nhớ rằng Người và Cảnh cho chúng ta biết rất nhiều về bản thân của chúng ta. Khi nào mình đi chùa khi nào mình sống trong những thiền viện, mình đến thăm viếng những thiền viện và chỗ này mình thích quá thì đúng là người gần với Tam Bảo có gần với sự tu tập.
Có một lần chúng tôi đến Thiền Viện Bhavana Society của Ngài Bhante Gunaratana thành lập dạy thiền. Muốn đền Thiền Viện thì phải đi đến tiểu bang Virginia và sau đó đi xe trên con đường 152 đi qua thành phố West Virginia của tiểu bang Virginia. Thiền viện nằm sâu ở trong rừng. Chúng tôi được qúi Phật tử từ Washington DC đón rồi đưa chúng tôi đến Thiền Viện trên một chiếc xe Van có 7 người Phật tử và chúng tôi nữa là 8. Thì xe khởi hành buổi sáng và đến nơi là buổi trưa. Thiền Viện tọa lạc trong khu rừng rộng 22 acres và có hơn 20 thiền thất và chung quanh là rừng, thiền viện nằm ở giữa rừng. Chúng tôi rất thích, rất hoan hỉ vì là nơi rất thanh vắng, và những người tìm về cuộc sống yên tịnh thì rất thích. Thì hầu hết trong phái đoàn ai cũng vui nghĩ rằng mình tu mà gặp cảnh này thật là lý tưởng, nhưng có một Phật tử nói với chúng tôi là "con nói thiệt với Sư, tu ở chùa nào có xe đi qua đi lại có Phật tử lui tới thì vui chứ nếu sống chỗ này trời tối xuống sao thấy nó buồn, tiếng con này con kia kêu nghe đứt từng đoạn ruột là muốn đi về không muốn tu nữa".
Thì thật sự chúng tôi hiểu, rất hiểu tâm trạng mỗi chúng ta có một thói quen, có sự gần gủi, có sự ưa thích. Nhưng, đối với sự tiến bộ với sự phát triển của mỗi người của mỗi cá nhân thì Người và Cảnh rất là quan trọng. Người ở đây đối với người tu thiền đối với người tu tập đó là bậc thiện trí đó là những bậc có tu tập và Cảnhở đây là thấy, đó là một người thích yên tịnh, một người có công việc riêng họ thích yên tịnh. Còn người gọi là lông bông không có chuyện gì làm thì họ thích la cà, họ thích cà kê dê ngỗng, thích bạn bè bạn hữu. Cho nên ở trong các thiền viện thì người tu tập họ phải chuyển từ một khuynh hướng rất thích tán ngẫu, rất thích nói chuyện nhảm nhí sang một giai đoạn rất quí thì giờ và rất mong có thì giờ yên tịnh và không có thích thú lắm đối với những chuyện ồn ào tế toái những chuyện phiền phức.
Ở đây, không phải là chuyện đúng hay sai mà là chuyện thích hợp hay không thích hợp và khi qua đó thì mình biết lâu lâu mình phải tự nhìn lấy chính mình là mình thích những người nào mình thích cảnh nào và trong cái thích đó trong cái khuynh hướng trong xu hướng đó thì cũng cho chúng ta biết rằng sự tu tập và hướng đi của chúng ta ra sao.
Tại sao từ trong quá khứ ngay cả khi Đức Thế Tôn còn tại thế thì những cảnh chùa đặc biệt ở một nơi rất thanh tịnh, chúng ta nói đến Trúc Viên, chúng ta nói đến Kỳ Viên và những ngôi chùa nổi tiếng vào thời Đức Thế Tôn còn tại thế thì những khu vườn soài của thái y Javaka, khu vườn xoài của Amrapali, hoặc giả những nơi thanh vắng đó là nơi được xem đặc biệt tiêu biểu cho đời sống cho trú xứ của Đức Phật và Chư Tăng. Thậm chí những người ngoại đạo thấy Đức Phật và các đệ tử Phật đến, họ nói rằng: "Chúng ta hãy yên tịnh ,Samon Gotama và các đệ tử Samon Gotama thích yên tịnh"
Một số người đi tu thích đi tại tu chỗ nào có bạn đạo để trò chuyện, nếu chỗ nào đi tu lủi thủi một mình thì họ thấy rất buồn. Nhưng kỳ thật đó là đi tìm chỗ có người nào mình thích để quây quần nói chuyện tối ngày.
Thật ra, cuộc sống một mình cho chúng ta hàm dưỡng được nhiều thứ. Nhưng đa số lại thích có cuộc sống tương đối là có giao tiếp, sống một mình thì cảm thấy buồn. Nên đặc biệt, với một vị vun tập chánh niệm thì một người bạn thân cận mà người đó có chánh niệm, người bạn đó ưa thích sự thanh tịnh, người bạn đó ưa thích sự giản dị, người bạn đó sống không làm phiền ai thì điều đó là điều hết sức cần thiết, hết sức thích hợp. Còn trái lại nếu chúng ta nghĩ rằng mình vô chùa tu tập ở nhà buồn quá bây giờ vô chùa tu có người nói chuyện thì đôi khi mình cảm thấy thất vọng là tại vì cảnh giới không thích hợp. Và chúng ta nhớ văn hóa của Đạo Phật là văn hóa hàm dưỡng nội tại, là huân tu chánh niệm. Nên thường thường khuynh hướng các ngôi chùa muốn đúng nghĩa ngôi chùa đó là nơi thanh tịnh để tu tập ./.
No comments:
Post a Comment