Hỏi: Có trường hợp nào theo Phật Pháp một người "không nên thọ giới và trì giới" ?
(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 22 -12-2013, Minh Hạnh chuyển biên)
TT Giác Đẳng: Người Việt Nam hay nói "Hễ mình thọ giới mà không giữ được thì có tội".
Thật ra, có những trường hợp thật sự có tội và có trường hợp chỉ là đứt giới.
Như, người Phật tử thọ trì ngũ giới; không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối, không uống rượu. Rồi tới một lúc nào đó do lý do gì mà người đó sát sanh thì trong trường hợp này vị đó bị đứt giới. Nhưng giới bị đứt đó không phải là cái tội của bị đứt giới mà là hết phước của sự giữ giới. Tuy nhiên, nó vẫn có cái nghiệp của sự sát sanh. Tức là khi vị đó sát sanh thì vị đó có cái nghiệp riêng của sự sát sanh, nhưng vị đó không giữ ngũ giới trong sạch nữa thì là hết cái phước của người giữ giới. Trường hợp đó chúng ta phải nói như vậy.
Có những trường hợp, một người giữ Bát Quan Trai giới mà buổi chiều cảm thấy rất đói bụng hay hoặc giả vì uống thuốc bụng cồn cào nên vị đó ăn chiều. Thì khi ăn bữa chiều như vậy làm việc giữ Bát Quan Trai giới không còn thành tựu nữa. Trong trường hợp đó có thể nói rằng không có phước tiếp tục của giữ giới Bát Quan Trai nhưng sự ăn chiều không mang lại tội, không mang lại quả của nghiệp.
Chúng tôi hy vọng rằng chúng tôi nói như vậy thì qúi vị có thể hiểu được.
Ở trong trường hợp của một vị xuất gia là sadi và tỳ kheo thì giới có nhiều hạng giới khác nhau. Thí dụ, vị sadi thì có mười điều học, có mười điều hành phạt, và có mười điều tẩn xuất. Thì điều học, điều hành phạt và điều tẩn xuất có sự chế tài riêng mình không thể nói đại loại chung được.
Vị tỳ kheo có những giới bị tẩn xuất, có những giới bị cấm phòng, có những giới có thể sám hối, và thái độ đối với giới thì lại rất khác biệt đối với người cư sĩ.
Về điểm này chúng tôi không có thể đi sâu vào để giảng ở tại đây tại vì là vấn đề li chi liên quan đến giới luật của người xuất gia nhưng chúng tôi nói đại khái để qúi vị thấy rằng khi mình giữ giới nó có một phần thuộc về nghiệp và một phần thuộc về pháp làm cho mình thanh tịnh. Lấy ví dụ, trong ngày thọ Bát Quan Trai mà quí vị lại trang điểm thì đứt giới Bát Quan Trai nhưng không gọi là nghiệp được, không gọi là phạm nghiệp. Về điều đó chúng ta cũng phải hiểu rõ. Có những trường hợp một người phạm giới vì họ không ý thức được và họ xem thường giới thì thái độ khác nhưng mà có người phạm giới vì sự không tự chủ vạn bất đắc dĩ thì nó lại là chuyện khác.
Bây giờ chúng tôi nói sang một ý nghĩa khác về giới liên quan đến định.
Ở trong kinh nói là "giới năng sanh định". Chữ "giới năng sanh định" thì phải nói thuộc về ba thứ là, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng. Ba giới này mà giữ trong sạch thì lại tạo điều kiện để cho Chánh Định để cho Định Học tăng trưởng.
Định Học ở đây là Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định. Hay nói cách khác một người tu thiền khi vào trong trường thiền chúng ta phải giữ cả ba giới Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng để thiền định được tăng tiến.
Ví dụ như, một vị hành thiền mà vẫn còn nói lời nhảm nhí vô ích, thí dụ như tới giờ mình lên hành thiền nhưng khi vừa rời khỏi chánh điện hay rời khỏi thiền đường thì mình nói chuyện nhảm nhí với các bạn hữu. Thì trong trường hợp một người nói như vậy thì lời nói của người đó không được chân chánh và điều đó mang lại cái hại rất lớn cho sự tu tập.
Hay hoặc giả, một người muốn tu thiền nhưng người đó vẫn làm nghề bán rượu, hay bán thuốc độc, hay bán khí giới, hay bán người, bán thú, hay hoặc giả là một người nuôi mạng bằng sự tổn hại đến chúng sanh khác bằng cách này hay cách khác thì điều đó gọi là sinh kế không được hiền thiện. Và sinh kế không được hiền thiện đó thì khiến cho người tu tập khó khăn không tăng trưởng được
Vì vậy, khi một người thật sự muốn tu tập thiền định thì người đó phải có cả ba thứ tức là Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng.
Trong kinh khi nói đến Bát Chánh Đạo thì: Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng thuộc về Giới Học tăng thượng. Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định là Định Học Tăng thượng.
Thì Chánh Niệm được xem như là một phương pháp để tăng trưởng Chánh Niệm.
Chánh Định được xem là một phương pháp để tăng trưởng định lực hay là khả năng tập trung.
Nhưng Chánh Tinh Tấn với một người tu thiền là vị đó dùng thì giờ và dùng nỗ lực của đời sống làm sao cho ác pháp được bào mòn và thiện pháp được tăng trưởng thì cái đó gọi là Chánh Tinh Tấn.
Thì khi một người thực hành Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định cách của vị này thực hành rất khác với một người đời sống bình thường. Chúng tôi lấy một ví dụ như người Phật tử có thể thọ Bát Quan Trai giới hay là làm công quả như nấu ăn, làm chuyện này chuyện kia, thì việc nấu ăn hay đi chùa làm công quả không ảnh hưởng nhiều bởi ngày Bát Quan Trai giới. Nhưng khi một người tu tập thiền định vào trong trường thiền mà mình giữ Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng được thanh tịnh thì điều đó ảnh hưởng rất lớn đối với một vị hành giả tu tập.
Như hồi nãy chúng tôi nói ở trong trường hợp một người tu thiền thì cảm xúc của người tu thiền rất là quan trọng. Thí dụ mình muốn lừa gạt người khác bằng cách nói dối hay mình muốn chia rẽ người khác bằng cách nói đâm thọc hay muốn đay nghiến người khác bằng lời nói độc ác, hay mình có thái độ rảnh rỗi quá không có chuyện gì làm nên nói nhảm nhí vô ích, thì những lời nói đó ảnh hưởng rất lớn với một người tu thiền nói. Nếu chúng ta có bốn lời nói đó thì lúc mình ngồi xuống tâm mình không yên, nó có sự liên quan với nhau, điều đó lạ lắm. Người ta nói là câu "miệng tôi thì nói ác nhưng mà khẩu xà thì tâm Phật" nhưng trong trường hợp này khẩu xà thì tâm không là tâm Phật được, mặc dầu người ta nói "khẩu xà tâm Phật" nhưng với một người tu tập Bát Chánh Đạo hay tu tập tam học thì hễ khẩu ác thì tâm không thể nào sanh tâm Phật được. Bởi vậy người ta nói "giới năng sanh định" là vậy
Chúng tôi cũng nói một liên quan khác đến giới là khả năng tự tin của một người. Khả năng tự tin đến từ một nguyên tắc quyết định, ví dụ như mình có tính hay nói xấu người khác, mình hay nói thế này thế kia thì tâm của mình khi nào nghe ai giận ai phiền mình là mình sợ mình hỏi tới hỏi lui, hỏi tại sao chị giận tôi tại sao anh giận tôi, nhưng một người dứt khoát không nói xấu người khác thì người ta có giận thì ngồi lắng tai nghe chứ tâm mình không nơm nớp lo sợ tức là mình không có tật thì giật mình. Thì đặc biệt đó là một người giữ ngũ giới hay giữ Bát Quan Trai giới đúng nghĩa, trong sạch, thì tâm của người đó rất là điềm đạm, tâm của người đó rất là vững, tâm người đó không bị tán loạn. Đó là một ảnh hưởng rất xâu đậm của giữ giới.
Chúng tôi nhớ, hồi thời xưa ở miền quê khi ông bà nói chuyện, những người họ có những nguyên tắc nhất định ở trong đời sống của họ, ví dụ như, cái gì họ nói là họ phải làm, hay là họ nói mấy giờ thì họ phải làm mấy giờ, hay là hoặc giả họ có nguyên tắc là hễ gọi là bạn bè với nhau thì khi hữu sự thì không bỏ, dĩ nhiên những điều đó là ảnh hưởng bởi quan niệm chúng ta gọi là quân tử Tàu tức là quan niệm quân tử của người Trung Hoa, nhưng những người này họ thực hành điều đó một thời gian quen nó lại tạo cho họ một lòng tự tin một nghị lực. Tự tin và nghị lực nghĩa là nguyên tắc đó họ giữ lâu ngày nó trở thành một sức mạnh, trong đời sống nội tâm họ thấy họ tự tin lắm. Họ tin rằng họ có sống với một pháp nào đó như là bồ tát hành ba la mật thì có khi các vị đó đặt trọn đời sống cho pháp bố thí, cho pháp trì giới, hay là xuất gia, hay là tinh tấn, trí tuệ, chân thật, nhẫn nại, rồi từ tâm, rồi trí nguyện, rồi hành xả, những pháp nào mà vị đó tuân giữ, chúng ta gọi là hành ba la mật hạnh.
Khi hành một thiện pháp nào thì làm cho thiện pháp đó là chỗ nương hay chỗ y cứ của tâm mình thì tâm của mình nó vững. Chúng tôi lấy ví dụ trong cuộc đời này mình ra đời mình biết là không ai giỏi hoàn toàn hết nhưng mỗi người đều có sở trường sở đắc, ví dụ mình giỏi về văn chương chữ nghĩa, mình giỏi về khoa học, mình giỏi về một ngành nghề nào đó và khi mình có được cái ngành nghề giỏi đó mặc dầu những thứ khác mình không biết hoặc mình biết ít thôi nhưng mình lại có đủ sự tự tin. Còn người đi vào đời không có sở trường sở đắc gì thì đôi khi hoang mang lo sợ nơm nớp là vì mình không có tự tin ở chính mình.
Thì người giữ giới là người tạo cho mình sự tự tin. Đôi khi những vị nào tâm yếu đuối, tâm trạng hay lo sợ, tâm trạng không có tự tin thì thử giữ năm giới hay giữ Bát Quan Trai giới. Ban đầu giữ năm giới mình phát nguyện là giữ giới trong một ngày, đôi khi chúng tôi muốn có đề nghị người Phật tử như vậy.
Nhưng người Phật tử Việt Nam thì không quan tâm về điểm này, như là có những ngày Rằm ngày 30, hay ngày trai, hay Rằm tháng Bảy, hay đầu năm đầu tháng phát nguyện ăn chay là ngày đó mình chỉ ăn rau cỏ chứ không ăn thịt cá và mình nghĩ như vậy là tốt.
Thật ra thì quan niệm về ăn chay ở trong một ngày thì có cái tốt ăn chay, nhưng nếu qúi Phật tử phát tâm cho đủ ngày nào đó mình phát tâm thọ trì Ngũ giới trọn một ngày hay giữ Bát Quan Trai giới trọn một ngày. Qúi vị thử qúi vị sẽ thấy rằng sau một ngày mà giữ Ngũ Giới sau một ngày giữ Bát Quan Trai giới thì mình có chút tự tin là mình có thể làm được cái gì cho chính mình, mình có cái pháp đó.
Người Phật tử Việt Nam quen là chỉ có được là ăn chay thôi nhưng việc giữ Ngũ giới, Bát Quan Trai giới nó không đơn thuần chỉ là cử một điều hai điều mà mình thọ trì một giới nào đó cho chọn một ngày.
Hay khi qúi Phật tử mà sắp đi hành hương Ấn Độ chẳng hạn thì mình biết là trong thời gian hành hương là hai tuần lễ thì mình phát nguyện trong hai tuần lễ đó mình giữ năm giới rất trong sạch thì nguyên cả chuyến đi đó qúi vị sẽ thấy khác hơn mình có tự tin hơn là mình không có giữ năm giới.
Chư Tăng thì không có thọ giới kiểu đó mà Chư Tăng có cách tu gọi là Hạnh Đầu Đà. Hạnh Đầu Đà tức là khoảng thời gian nào đó mình phát nguyện là mình chỉ thọ trì pháp đầu đà đối với y phục như vậy, đối với thực phẩm như vậy, đối với sinh hoạt như vậy, mình thọ trì trong thời gian đó thì cũng tạo cho mình một quy tắc sống. Và qúi vị nhớ là chuyện mình giữ giới, chuyện mình làm đúng hay làm sai, thường thường là mình làm mình biết thôi chứ không ai biết cho mình. Ví dụ như qúi vị nói giữ giới mà chúng ta giữ giới mà chúng ta giữ giới trong sạch hay không trong sạch thì chỉ mình biết, đâu ai biết hay không biết cho mình. Nhưng mình giữ như vậy mang lại cho mình một sức mạnh làm cho mình có lòng tự tin.
Khi chúng ta làm phước như: bố thí, cúng dường. Ví dụ, qúi Phật tử phát tâm tổ chức lễ Tăng Y hay là phát tâm để làm lễ trai Tăng xin cầu an thì trong thời gian đó qúi vị cũng nên thọ trì giới như là thọ trì Ngũ giới hay Bát Quan Trai giới. Trrong kinh nói rằng khi mình làm một thiện pháp mà mình có giữ giới thì thiện pháp đó mang lại nhiều phước. Tương tự như trong kinh nói: mình muốn nhuộm một tấm vải và tấm vải đó được giặt sạch thì khi nhuộm tấm vải màu sẽ khác, và tấm vải không sạch thì sự nhuộm lại khác. Cũng tương tự như vậy, khi chúng ta muốn làm việc gì như khi hành hương sang Miến Điện để làm phước như lễ trai Tăng ở thành phố Mandalay hay ở Bago thì khi phát tâm trai Tăng thì chúng tôi thấy qúi vị có cố gắng bỏ tiền bạc bỏ công sức và lâu lâu chúng tôi nói với những người Phật tử thân nên phát tâm thọ giới cho trong sạch trong chuyến đi đó, ví dụ như trước khi mình khởi hành đi thì mình phát nguyện là "con xin thọ trì Ngũ giới hay Bát Quan Trai giới (nếu đi lại vấn đề khó khăn cho thọ Bát Quan Trai giới thì giữ Ngũ giới) thì thiệt ra khi mình làm phước mà mình có giữ giới thì chuyện giữ giới đó được tốt đẹp hơn nhiều lắm.
Có nhiều lúc những thứ chúng ta làm có tánh cách phong tục, có tánh cách tập quán. Ví dụ như là, người Việt Nam khi có chuyện gì thường hay nguyện, chẳng hạn nguyện sẽ ăn chay khi mình thi đậu, hoặc để mình tai qua nạn khỏi thì mình cạo đầu. Nhưng kỳ thật, đó là giới cấm thủ nhiều hơn. Tại sao vậy? Thí dụ, mình nói mình tu mà nếu mình được thi đậu thì mình sẽ tu, còn nếu không đậu thì sao? nếu không đậu thì không tu. Thí dụ mình nói thi đậu thì mình xuống tóc, không thi đậu thì không xuống tóc, mình thi đậu mình ăn chay không thi đậu không ăn chay. Trên phương diện nhân quả thì không hợp lý tại vì mình nên làm phước trước rồi mình phát nguyện chứ bây giờ mình trả giá là nếu mình được chuyện đó thì mình sẽ làm chuyện đó để trả lễ, thì có tánh cách như cầu nguyện thần linh chứ không có tánh cách như người Phật tử thật sự tạo phước.
Khi qúi vị Phật tử gặp chuyện khó khăn như trường hợp ở trong nhà công ăn việc làm khó khăn, hay con cái gặp khó khăn hay gặp những chuyện chướng duyên thì mình đừng có phát nguyện như là kiểu người ta thường nói: "xin cho con tai qua nạn khỏi con sẽ cạo đầu". Thật ra mình phát nguyện như vậy nó có tánh cách là phong tục. Mình muốn cầu nguyện thì ít nhất mình cũng làm phước gì đó,ì mình nên bắt chước người Phật tử ở các quốc gia Phật Giáo là khi mong mỏi điều gì thì mình nên bố thí, nên trì giới, nên tham thiền, nên bố thí. Thí dụ như khi mình mong mỏi điều gì thì mình nên làm lễ trai tăng, nên để bát, hay nên cho người nghèo hay cho cái gì đó gọi là bố thí. Còn trì giới là mình phát nguyện là mình giữ Ngũ giới hay Bát Quan Trai giới rồi mình phát nguyện. Tham thiền tức là mình tu tập tâm từ. Rồi từ chỗ đó mình phát nguyện tức là mình tạo phước trước rồi phát nguyện chớ không phải là mình vái mình cầu xin rồi mình nói nếu mình được thì mình trả lễ
Ở chùa có nhiều chuyện, như có Phật tử họ vái cái gì đó thí dụ như con của họ cho ra trường thì họ nguyện sẽ cạo tóc rồi họ đến chùa lấy cái kéo đưa Chư Tăng xin Chư Tăng kéo cắt một chút tóc, nhìn thấy rất có vẻ rất thành tâm nhưng ở trên thực tế cái đó (qúi Phật tử đừng giận) chúng tôi nói đó là giới cấm thủ. Giới cấm thủ tức là mình làm cái đó có tánh cách là niềm tin dị đoan hay theo phong tục. Như vậy không có cơ sở của Phật Pháp, làm như vậy không có dẫn mình đi về đâu hết. Qúi vị tưởng tượng là mình xin một cái gì đó mình cạo đầu, cái cạo đầu của mình đâu có lợi lạc cho ai đâu, đâu có lợi lạc cho mình hay lợi lạc cho người khác, có nhiều khi qúi vị cạo đầu xong qúi vị cảm thấy buồn phiền rồi phải đội tóc giả rồi mình thế này thế kia thành ra những chuyện đó mình nên thay đổi vì nó là phong tục.
Phải nói rằng, quê hương của chúng ta người Phật tử không hiểu đạo nhiều, chúng ta sống với phong tục nhiều hơn là Phật Pháp. Chúng ta cố gắng để hiểu rõ cái gì là giới cấm thủ và cái gì là giữ giới thật sự.
Qúi Phật tử khi nào muốn làm lễ trai tăng hay muốn nguyện một điều gì đó, hay mình đi hành hương, hay mình phát tâm làm phước thì mình nên giữ giới nhất là Bát Quan Trai giới hay giữ Ngũ giới giữ trong một ngày một đêm, ha giữ trong ba ngày. Tại các quốc gia Phật Giáo có trường hợp người ta giữ ba tháng nhất là ba tháng an cư.
Chúng tôi thấy có một cái đẹp ở các quốc gia Phật Giáo là ngày Phật Đản hay lễ Rằm tháng Giêng hay là những lễ nào đó thì những người Phật tử tầng lớp Phật tử gọi là cư sĩ áo trắng tức là họ mặc đồ trắng họ vào trong chùa rồi giữ giới rồi sống trong chùa. Sở dĩ gọi là cư sĩ áo trắng là để phân biệt với những người cư sĩ bình thường, người cư sĩ bình thường thì không thọ Bát Quan Trai người cư sĩ áo trắng thì thọ Bát Quan Trai và họ ở trong chùa ba tháng hay một tuần hay ba ngày. Điều đó cho thấy họ đang phát tâm tu. Việc tu tập như vậy đúng nghĩa là theo lời Đức Phật dạy là hễ mình muốn có phước thì mình nên tạo phước như bố thí, trì giới, tham thiền chứ không phải là mình làm cho có.
Thưa qúi vị, mình thử làm điểm này là khi nào mình gặp gì khó khăn mình ngồi thiền hay mình giữ giới đặc biệt là giữ Ngũ giới hay Bát Quan Trai giới giữ một ngày từ sáng đến chiều và một đêm thật trong sạch, hay một tuần lễ trong sạch, thì khi mình giữ giới trong sạch như vậy mình phát nguyện. Qúi vị cứ thử từ từ sẽ thấy rằng chuyện đó không khó, không phải là điều chúng ta không làm được, chúng ta vẫn dễ dàng để có thể thực hành được điều này. Và mình nên nhớ rằng phần lớn những phong tục của chúng ta nó có giới cấm thủ chứ không phải là giới mà Đức Phật ban hành. Mình tu là mình tu với Phật Pháp chứ không phải tu theo phong tục. Phong tục người đời họ bàn nhiều và không may cho chúng ta là chúng ta nghe theo tín ngưỡng nhân gian nhiều hơn là chúng ta nghe theo Phật. Chúng ta ráng tu tập ráng nghe theo Đức Phật. Đức Phật là vị giác ngộ Ngài cho chúng ta rất là nhiều soi sáng trong đời sống tại sao chúng ta không có tu theo Ngài nếu gặp Phật chúng ta không tu theo Phật thì đó là một điều rất thiệt thòi cho chúng ta.
Điểm sau cùng liên quan đến việc trì giới. Chúng tôi muốn nhắc tất cả qúi Phật tử là mình tu tập thì mình nên biết tôn trọng người giữ giới. Trong kinh nói rằng người giữ Ngũ giới trong sạch thì Chư Thiên không có đi ở trên đầu vị đó. Mình đến chùa truyền thống Phật Giáo, tại sao người ta phải mặc y, tại sao người ta phải mặc đồ trắng, tại vì ngày hôm đó những người đó là những người đang tu tập. Thí dụ như chúng ta giận bà B, bà B có chuyện gì làm phiền mình nhưng hôm đó vào chùa thấy bà mặc đồ trắng tức là bà đang giữ Bát Quan Trai, bà đang tu. Thì thật sự một người Phật tử hiểu đạo thì họ gặp người như vậy thì họ không nặng lời tại vì một người đang tu cho dù họ tu có một ngày đi nữa nhưng họ đang tu tập mình nặng lời với họ là mình tạo cái nghiệp, nên họ tránh.
Ở trong đời sống hàng ngày, nếu chúng ta có những lời đụng chạm hay xúc phạm đến những người không có giới thì quả nó nhẹ hơn là người có giới. Ví dụ như có vị nào tu Bát Quan Trai giới hay là giữ Ngũ giới dù mình có giận gì thì mình biết mình cố gắng mình tránh không nên đụng chạm đến họ tại đụng chạm đến họ thì nghiệp nặng lắm.
Một điểm nữa là, ngày nay chúng ta thấy ở trong cộng đồng Phật Giáo càng ngày càng tệ thêm là Phật tử hay chửi vì lý do này lý do khác chửi những người Phật tử khác hay chửi Chư Tăng, đôi khi Chư Tăng đứng bên này hay đứng bên kia, hay không theo giáo hội này không theo giáo hội kia, thì người ta chửi nhau.
Chúng tôi cũng phải nhắc qúi vị Phật tử một điều rằng khi mình chửi như vậy nó có ba điều phi công đức:
1. Điều phi công đức thứ nhất là nếu những người mình chửi họ là những người lớn tuổi mà mình chửi thì mình mang cái nghiệp.
2. Thứ hai, có thể là họ không theo giáo hội mình họ đi giáo hội khác nhưng họ là những người có tu tập mà mình chửi thì thật sự đó là một ác nghiệp mà mình tạo.
3. Và điều thứ ba không biết người ta quấy người ta sai mức độ nào nhưng mình chửi người ta là mình mang cái khẩu nghiệp rồi.
Ở trong cuộc đời này không hẳn là người theo phe mình là người tốt hoàn toàn, cũng không hẳn người không theo phe mình là người xấu hoàn toàn. Chúng sanh ở đời quen chuyện là mình hay chửi người này chửi người kia, những việc đó mình là người tu tập mình biết mình nên tránh.
Mình nhớ là một người giữ Ngũ giới trong sạch thì mình cũng không muốn đụng chạm đến họ thì đừng nói chi là các vị xuất gia bên này bên kia. Thành ra khi mình biết đạo rồi mình không có những lời nói nặng nề như vậy.
Mình nên tự nhắc mình một điều rằng trong đời sống mình có thiếu gì chuyện tốt phải làm, sao làm chi những chuyện ác nghiệp đó để làm gì. Giả sử như hôm nay mình có 24 giờ đồng hồ để sống trong một ngày và 24 giờ đồng hồ đó mình dành hết 10 tiếng đồng hồ để phiền não để chửi bới thì chuyện đó không có lợi lạc gì cho chúng ta chuyện gì hết, thay vì mình dành thì giở để chửi bới người này người kia thì bây giờ mình dành thì giờ để ngồi thanh tịnh nghe pháp đọc kinh sách, tham thiền.
Thật ra buổi sáng sớm thắp nhang thọ trì Bát Quan Trai giới hay là thọ trì Ngũ giới thì cũng là một cái an lạc cho mình bởi vì Đức Phật Ngài dạy chúng ta là mình nên làm ba việc ở trong đời sống là:
Tránh ác nghiệp, nhưng trong cái tránh ác nghiệp mình cũng nên tạo việc lành, rồi chẳng những tạo việc lành mà mình còn giữ tâm thanh tịnh.
Chúng tôi lấy ví dụ là mình không sát sanh cái đó là thiện nghiệp nhưng mình cho chúng sanh được sự an lạc, mình bố thí thực phẩm của mình cho người khác để mang lại sự sống khỏe cho người khác thì cái đó làm việc lành, giữ tâm thanh tịnh có nhiều cách nhưng tâm không vui theo sát sanh, tâm không vui theo lời nói nhảm nhí vô ích, tâm không vui theo lời nói dố,i tâm không vui theo sự trộm cắp v.v... thì giữ tâm cho thanh tịnh như vậy cũng là một cái pháp thực hành
Khi một người tu tập thì cách sống là giữ năm giới:
không sát sanh
không trộm cắp
không tà hạnh
không nói dối
không uống rượu
Thì đó là vừa không có làm điều ác mà ở trong đó có làm việc lành, ở trong đó có giữ tâm thanh tịnh. Không làm điều ác tức là mình làm việc lành là thay vì mình làm tổn hại thì bây giờ mình mang lại an lạc cho chúng sanh. Và giữ tâm thanh tịnh tức là tâm của mình đừng có vui theo những cái ác nghiệp và cái tâm mình hoan hỉ trong thiện pháp tức là tâm mình thanh tịnh.
Thì nói chung là, việc giữ giới là một pháp tu mà chúng ta phải chịu khó nghiền ngẫm chịu khó đem vào trong đời sống hàng ngày, và quan trọng là lúc nào đó tự nói chính mình "mình có thể thực hành được, nó không phải là điều vượt ngoài tầm tay của mình". Và khi mình thực hành được như vậy thì mình có lòng tự tin, mình có sự hoan hỉ, và nó có nhiều cái thành tựu. Và mình thấy rằng pháp của Đức Phật đang sống ở trong chính sinh hoạt hàng ngày của chúng ta ./.
No comments:
Post a Comment