Thursday, June 21, 2018

Lưỡi Đao Kề Cổ - Quán Tưởng Khổ - TT Giác Đẳng

Kinh Tăng Chi Bộ - Anguttara Nikaya - Chương 6 - X. Phẩm Lợi Ích

 (VIII) (103) Lưỡi Đao Kề Cổ - Quán Tưởng Khổ


Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 2-9-2017.

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng:  Mở đầu bài kinh, Đức Phật dạy:

1. -Chư Tỷ-kheo, khi thấy được sáu lợi ích nầy thật là  đủ để vị Tỷ-kheo an trú trong nhận thức khổ não đối với tất cả pháp hữu vi một cách không có giới hạn. Thế nào là sáu?

Chúng tôi dùng Nhận Thức ở đây là một chữ tương đối quen thuộc ở trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Ở trong thuật ngữ chuyên mục của Phật học gọi là TưởngSanna. Mình nhận ra một cái gì đó do mình đã từng biết, ví dụ như mình đã từng sài tiền bây giờ cầm tiền mình biết đó là tiền. Nhận diện được, biết được chúng ta gọi là nhận thức.

Chữ nhận thức là Sanna thì dễ hiểu. Chữ tưởng thật ra là chữ rất quan trọng. Nhưng chữ tưởng trong tiếng Việt lại mang hàm ý khác,  như người ta thấy cái này tưởng là cái kia, chữ tưởng là hiểu lầm. Hoặc giả là đi sâu vào có khi chúng ta gọi là tưởng nhớ, nghĩ về cái gì đó. Thật ra chữ Tưởng không phải như vậy mà Tưởng là nhận biết hiện tại do đã từng trải chúng ta tạm gọi là Nhận Thức.

Đời sống của chúng ta trải qua nhiều biến động đau thương, nói cách khác, những gì đã xảy ra không đánh động được tuệ giác của chúng ta, nhưng nếu có thì giờ nhìn lại chúng ta thấy một người mình vốn quen biết 10 năm về trước bây giờ nhìn lại dung nhan ấy đã thay đổi rất nhiều, phải nhìn nhận quả là vô thường. Hồi trước mình rất thích một chiếc xe và lúc mua xe phấn khởi như thế nào bây giờ sau vài năm không còn thích chiếc xe đó nữa nhưng mỗi tháng phải trả bill nợ xe hàng tháng ngán ngẩm, lúc đó thấy quả thật là khổ. 

Quá khứ không phải lúc nào cũng xấu nhưng nếu nó là một bài học tốt thì đủ cho chúng ta thắp sáng trí tuệ mình. Chúng ta đừng quên chính Đức Phật trong đêm thành đạo Ngài cũng đã từng nhìn về quá khứ và Ngài nhìn về không phải dĩ vãng năm ba năm mà là nhiều đời nhiều kiếp chúng ta gọi đó là Túc Mạng Minh. Qua đó Ngài cũng nhận thấy nhiều đầu mối liên hệ  nhân này quả kia cái đó gọi là Túc Mạng Minh. Và Ngài cũng nhìn thấy những phiền não đây là ái dục, và ái dục là anh thợ đã tạo ra nhà cửa, căn nhà này và thân này, cuộc sống này, và sự hiện hữu này là kết tinh của ái của anh thợ xây nhà. Ngài thành tựu được Lậu Tận Minh

Ở đây không phải chúng ta sống để tư tưởng quá khứ nhưng chúng ta học những kinh nghiệm quá khứ thí dụ như thử nhìn lại một vài chuyện nào đó xảy ra cách đây 5 năm lúc đó giữa mình và một người nào đó có một cuộc tranh chấp lời qua tiếng lại, ngay lúc tranh chấp lời qua tiếng lại mình thấy chuyện đó rất lớn, chuyện đó là chuyện mình muốn dở sống dở chết muốn ăn thua đủ nhưng 5 năm trôi qua rồi bây giờ nhìn lại nó chỉ là phù du.

 Chúng tôi nhớ hồi nhỏ đi học trong trường thỉnh thoảng bạn bè có những đụng chạm xích mích đôi khi đánh nhau và lúc đó mình thấy lớn chuyện. Hay ở trong chùa đôi khi anh em huynh đệ có những buồn phiền nhau, ngay giờ phút đó mình thấy lớn chuyện, sau 10 năm, 20 năm, 30 năm nhìn lại đó chỉ là dĩ vãng nhạt nhòa, lúc đó mình thấy nó lớn nhưng thật sự nó không lớn. Nếu mình khéo nghĩ và mình biết nghĩ chúng ta sẽ thấy có thể xử dụng được dĩ vãng để biết được các dục, biết về sự vô thường, biết về sự khổ, chúng ta gọi là Tưởng hay sự Nhận Thức

Trong bài kinh này Đức Phật có thêm một chữ, Đức Phật chỉ dùng một chữ rất quan trọng là:
 Ukkhittāsika - không có hạn cuộc hay là không có giới hạn. 

 Đúng là chúng ta có nhìn thấy vô thường, chúng ta có nhìn thấy khổ, chúng ta có nhìn thấy vô ngã nhưng chúng ta nhìn rất phiến diện, chúng ta chỉ nhìn một mặt, kiểu chúng ta nhìn như người mù rờ voi, kiểu chúng ta nhìn là có những cái chúng ta nhìn trung thực có những cái chúng ta không nhìn trung thực. Thật sự mà nói, bài kinh này một lần nữa cho chúng ta thấm thía khi chúng ta đọc câu:

Sabbe Sankhàrà aniccà'ti. (tất cả pháp hữu vi là vô thường)
Sabbe sankhàrà dukkhà ti .(Tất cả các pháp hữu vi là khổ)
Sabbe Dhammà anattà ti.(Tất cả các pháp là vô ngã)

Chữ "tất cả" ở đây rất quan trọng, tất cả là nói chung, nói toàn vẹn, nói hết, không có một ngõ ngách nào, không có một mảng nào mà nó còn lại để nó lừa dối chúng ta. Chúng ta thử đọc bài kinh Vô Ngã khi Đức Phật dạy:

- Này các Tỳ Kheo, cho nên các uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn nào, thức nào, dù trong đời quá khứ, hiện tại, vị lai, bên trong, bên ngoài, thô thiển, vi tế, hạ liệt, thù thắng, gần hoặc xa, sắc uẩn ấy chỉ là sắc thôi, thọ chỉ là thọ thôi, tưởng chỉ là tưởng thôi, hành chỉ là hành thôi, thức chỉ là thức thôi.

Có những người có bịnh quên và quên một cách khôn ngoan, như mượn tiền người ta thì quên nhưng khi người ta mượn tiền mình thì mình không quên, lỗi lầm người khác thì mình nhớ nhưng chịu ơn của người khác thì mình không nhớ, điều đó gọi là "select of memory" nghĩa là "trí nhớ có sự lựa chọn". Nhiều khi nhìn nhận quá khứ mình buồn, hiện tại mình buồn, nhưng chúng ta vẫn có cái gì đó trong tâm sâu kín mình vẫn luôn ảo giác là tương lai sẽ đẹp. vì vậy có nhiều người họ sống luôn mơ mộng về tương lai và họ nghĩ rằng tương lai luôn đẹp hơn hiện tại và quá khứ. Ngược lại có những người bi quan tương lai không thích hiện tại nhưng họ nhắc nhiều về quá khứ vang bóng một thời thuở oanh liệt nào đó trong cuộc đời, và họ nhắc đi nhắc lại điều đó, đối với họ không có gì đẹp như quá khứ. Thậm chí đôi khi trở thành trào lưu thời thượng nữa, nghĩa là người ta luôn luôn nhắc đến thời đại hoàng kim nào đó, người ta luôn luôn nhắc đến thời đại hôm qua. 

Chúng tôi có quen với một người đặc biệt luôn nhìn vào quá khứ là đẹp, người này nói thời cộng sản sau 1975 không bằng thời quốc gia,  thời quốc gia không bằng thời Pháp, và ông cụ này luôn luôn nhắc thời xưa cá đầy sông đầy ruộng, lúa làm một mùa ăn không hết, ông kể đủ thứ. Ông cụ không phải là không có lý nhưng  nếu mình sống chỉ có quá khứ là đẹp hơn hết thì cũng có nhiều người nói quá khứ là xấu, thật ra cái đẹp cái tốt không thuộc về quá khứ hiện tại hay tương lai mà do thói quen của chúng ta là dõi mắt về phía trước, dõi mắt về phía sau. 

 Vì vậy Đức Phật dạy khi chúng ta nhìn sự vật mà nhìn theo cái nhìn của tam tướng phải có dứt khoát. Đúng ra quá khứ, hiện tại, vị lai không khác nhau, quá khứ là hiện tại đã trôi qua, và hiện tại sẽ là quá khứ, và hiện tại cũng đã từng là tương lai, và tương lai rồi cũng sẽ là hiện tại rồi nó cũng trôi về quá khứ. 

Nhà thơ Bùi Giáng là một nhà thơ có tài của Việt Nam ông dịch một câu thơ trong vở kịch Hamlet  kịch bản của nhà soạn kịch  Shakespeare người nước Anh, mới nghe thì rất khôi hài "Hởi ôi, vừa mới đêm qua cũng là đêm trước giờ là đêm sau." Nghe rất khôi hài thật sự nhưng quả thật là quá khứ vị lai thì cũng vậy thôi. 

Cái mà chúng ta gọi là hiện tại thì nó sẽ trôi về quá khứ và nó đã từng là tương lai và tương lai nó sẽ trở về với hiện tại và nó trôi vào quá khứ. Thời gian nó là như vậy, thời gian là cái gì khó hiểu nhưng  ở đó nó là cạm bẫy cho nhận thức của chúng ta, cảm bẫy làm nhận thức chúng ta không nhận thức được điều đó. Do vậy có số người luôn luôn ảo tưởng về tương lai, và có những người sống nặng quá khứ, nhưng một khi Đức Phật Ngài dạy rằng hãy nhìn tất cả một cách không có giới hạn dù quá khứ, dù hiện tại, dù tương lai, bên trong, bên ngoài, chúng ta thấy rõ ràng giống như họ nói  "văn của mình, vợ của người, đứng núi này trông núi nọ", hay đôi khi cũng cái đó nhưng của người khác thì xấu mà của mình thì tốt, đôi khi cũng một thứ đó thôi mà mình làm thì thấy nó tốt nhưng người khác làm thì mình thấy bực. Điều đó nhiều khi chúng ta phải để ý nội giới và ngoại giới cũng làm chúng ta thiên vị, chúng ta không thấy được toàn diện, không phải chỉ quá khứ, hiện tại, vị lai, bên trong, bên ngoài, thô thiển, hay vi tế.

Thô thiển hay vi tế, ví dụ như mình nói cuộc đời là khổ, nhưng chỉ cuộc sống làm nông lam lũ mới là khổ, mình cứ tưởng tượng nếu mình là ông hoàng bà chúa sống trong cung điện thì hạnh phúc, tưởng tượng như vậy. Thật ra điều đó đa số chúng ta nghĩ như vậy nhưng rồi phải đọc sách nhiều, phải coi phim nhiều thì chúng ta mới thấy rằng đời sống của một vương gia công chúa sống trong hoàng cung bao nhiêu nước mắt bao nhiêu đau thương thậm chí còn khổ hơn đời sống bên ngoài nữa. Nhưng chúng ta vốn không thấy điều đó chúng ta nghĩ  chỉ có mình làm lương ba cọc ba đồng làm lương công nhật mình mới khổ chứ ông hoàng bà chúa tiền bạc như núi không bao giờ khổ hết, thật ra ai cũng khổ. Thành ra không chỉ thấy quá khứ, hiện tại, vị lai, bên trong, bên ngoài, thô thiển, vi tế, hạ liệt, hay thù thắng. 

Hạ liệt thù thắng, ví dụ, nói cõi trần của mình có sanh lão bịnh tử là khổ, mình nghĩ sanh làm Chư Thiên sanh làm Phạm Thiên, rồi mình nghĩ tu tiên đạt đến kim cang bất hoại như hình ảnh của những vị tiên sống trên núi như người trung hoa vẽ vời ra nhưng thật ra khi chúng ta hiểu Phật Pháp thì chúng ta thấy rằng chúng sanh ở cõi nào cũng bị vô thường khổ vô ngã chi phối.

Thành ra, bên trong, bên ngoài, thô thiển, vi tế, hạ liệt, thù thắng, gần hoặc xa. Cái gần hoặc xa đó cái cự ly cái khoảng cách gần hoặc xa đó ảnh hưởng chúng ta nhiều lắm. Có những người chỉ biết cái gì gần mình là nhất không để ý cái xa, có những người để ý cái gì xa thì tốt cái gì ở gần thì không có tốt. Cái cự ly đó cũng ảnh hưởng chúng ta rất nhiều, giống như người ta nói đa số những anh hùng là người ở xa người ở gần mình thì mình không để ý. Nhà văn lỗi lạc người Pháp Victor Hugo ông viết ra những vần thơ những tác phẩm rất vĩ đại rất  đẹp nhưng đôi khi ông cư xử với những người thân của mình thì ông rất keo kiệt không đẹp như những vần thơ của ông. Chuyện đó rất bình thường, tại vì cuộc sống của chúng ta mỗi người sự ứng xử và nhận thức của chúng ta ảnh hưởng ở những khoảng cách. Cũng có những người ví dụ như chúng ta sống bên Mỹ nhiều người có thể bỏ ra 2 ngàn để làm một bữa tiệc đãi bạn bè chung quanh để nhậu nhẹt để đi chơi nhưng gửi 1, 2 trăm cho người thân ở xa thì họ cảm thấy lớn họ tiếc tiền, nhưng ngược lại cũng có người gửi vài ba ngàn đồng cho người thân ở Việt Nam thì họ không tiếc mà sài cho người ở gần thì tiếc. Điều đó chúng ta nên hiểu khoảng cách nó cũng tạo cho chúng ta một cảm giác một cảm nhận là nặng hay nhẹ, trọng hay khinh. Và thường thường người ta nói khi mình thích một người nào đó đôi khi khoảng cách không quan trọng, người mình không thích ở cách càng gần mình càng khó chịu. Nhưng thật ra  gần hay xa nó không ảnh hưởng nhiều như chúng ta nghĩ, nó chỉ là ảo giác. 

Nói một cách khác, khi Đức Phật dạy mọi sự vật là khổ mà không có hạn cuộc không có giới hạn, có nghĩa là nhìn một cách toàn diện, nhìn một cách xuyên xúc, nhìn một cách thấu triệt, dù là quá khứ, hiện tại, vị lai, bên trong, bên ngoài, thô thiển, vi tế, hạ liệt, thù thắng gần hoặc xa đều phải nhận thức giống nhau.

Sự nhận thức giống nhau rất là khó, chúng tôi lấy một ví dụ, một người học về hóa học con mắt họ nhìn tất cả các nơi mọi sự vật đều là hóa học, một nhà thơ nhìn cả thế giới đều là thơ chứ không phải chỉ có chỗ này có thơ chỗ kia không có thơ, ngày xưa người ta nói những nhà danh họa chỉ vẽ được bức tranh đẹp khi nào họ vẽ người đẹp cảnh đẹp nhưng về sau này họ mới khám phá một bức tranh đẹp một bức tranh có giá trị không nhất thiết chỉ vẽ người đẹp cảnh đẹp mà đôi khi họ vẽ một khuôn mặt già nua khắc khổ nhưng bằng nét bút tài hoa thì bức tranh đó vẫn có giá trị. Thì ở đây điều Đức Phật dạy khi chúng ta có thể lãnh hội được ý nghĩa của khổ ở trong tất cả các hành các pháp hữu vi không có hạn cuộc thì lúc đó chúng ta mới thấy được những lợi ích thiết thực.

Câu kinh đầu tiên rất là ngắn, câu đầu tiên là:

 1. -Chư Tỷ-kheo, khi thấy được sáu lợi ích nầy thật là  đủ để vị Tỷ-kheo an trú trong nhận thức khổ não đối với tất cả pháp hữu vi một cách không có giới hạn.

Thì ở đây chúng ta nói thêm hai chữ khác nữa: Khổ não - dukkha trong đạo Phật là chữ rất khó dịch. Dukkha là một đề tài lớn, bởi vì Tứ Diệu Đế là một giáo lý phổ quát trong đó nói về sự khổ, nhân sinh khổ, sự diệt khổ, và con đường đưa đến sự diệt khổ. Không có người học Phật nào hiểu chữ khổ chữ dukkha một cách mơ hồ mà người đó có khả năng đi sâu vào Phật Pháp, người học Phật Pháp phải hiểu chữ khổ là gì.

Thì ngay cả khi chúng ta đọc một số tự điển bây giờ nhìn vào chữ "tam đồ khổ". Tam đồ khổ người ta giải thích rất phiến diện, người ta giải thích tam đồ khổ là khổ của địa ngục như là hỏa khổ, như là khổ của ngã quỉ, khổ của bàng sanh v.v... để nói lên tam đồ khổ của đạo Phật. 

Đạo Phật đề cập đến sự khổ nhiều khía cạnh, cái khổ khổ, những sầu bi, những khổ não là khổ rồi, nhưng có những hành khổ, có những hoại khổ. Hành khổ ở đây tức là chúng ta nói đến một cái nhìn rộng hơn. Chữ khổ người Anh dịch là unsatisfactoriness là không có mãn nguyện không có hài lòng, chúng ta gọi là bất toại, imperfection là không hoàn hảo hay là bất toàn,  và thường chúng ta dịch chữ bất toàn, bất toại. 

Tại sao bất toàn bất toại? Thứ nhất là cuộc sống này nó không hoàn hảo, nó luôn luôn có một khía cạnh nào đó khiến chúng ta không thể mãn nguyện hoàn toàn, sự bất toàn mặt này và bất toại đầu kia làm cho chúng ta hụt hẫn làm cho chúng ta cảm thấy thất vọng. 

Ví dụ như vầy, chúng ta hiểu được chữ dukkha như sau, một người bỏ ra một món tiền lớn để mua một chiếc đồng hồ mắc tiền, hay một cái điện thoại mắc tiền, hay một chiếc xe mắc tiền, và khi chúng ta bỏ ra một món tiền bởi vì mình có tiền mình giàu có thì điều chúng ta kỳ vọng là cái đó phải hoàn hảo, không ai mua cái đồng hồ khám phá ra giây đeo có tỳ vết hay may không khéo, hay mặt kiếng bị trầy, mình muốn nó thật sự hoàn hảo. Tất cả chúng ta đều đam mê với sự hoàn hảo cái gì cũng tốt, cái gì cũng đẹp, cái gì cũng hoàn toàn, một người bạn đời, một người yêu mình cũng muốn người đó hoàn toàn, cái nhà mình mua cũng hoàn toàn, chiếc xe mình chạy cũng hoàn toàn, một người bạn cũng là người hoàn toàn. Nhưng trong cái hoàn toàn đó nó có cái gì đó mà nó không hoàn hảo, nghĩa là nó có khiếm khuyết như một nhạc sĩ đó viết câu :"Dường như trong em ta cái điều tuyệt vọng." Cái điều tuyệt vọng tức là một cái gì đó mặc dầu mình thấy bên ngoài là tốt là đẹp là hay, nó có cái gì đó mà bản thân mình thấy thất vọng thấy nó không được hoàn hảo. 

Tại vì sao? Tại vì 2 lý do:

- Lý do thứ nhất, là tự tánh của nó là vốn đã không hoàn hảo. Tự tánh của nó là gì? là các pháp nó được cái này thì nó không được cái kia. Cũng như người Tây Phương nói "bạn không thể vừa ăn cái bánh vừa thủ đắc cái bánh" tức là cái bánh mình ăn rồi thì nó không còn nữa, và nếu mình muốn nó còn thì mình không được ăn, mình không thể cùng lúc vừa ăn vừa giữ cái bánh. Cuộc sống nó là như vậy.

- Lý do thứ hai, cuộc sống nó luôn luôn đặt chúng ta vào trong tình trạng chọn lựa, đúng là mình có cả hai sự chọn lựa nhưng mình không thể có trong một lần cả hai, muốn nó là sự lựa chọn lưỡng toàn, đầu này cũng tốt đầu kia cũng tốt, nhưng đời sống không bao giờ có sự lưỡng toàn như vậy, được cái này thì mất cái kia, được cái kia thì mất cái này. 

Thường quan hệ giữa con người với con người từ tài sản vật chất, giống như nhiều người họ nghĩ nước Mỹ là một thiên đàng tại vì ở đó làm ra tiền, nhưng rồi khi qua Mỹ người ta sớm nhận ra rằng để làm ra tiền thì người ta phải lao khổ người ta phải làm việc rất nhiều chứ không phải qua Mỹ tự nhiên ngồi trên đống tiền,  nó có cái giá phải trả cho nó. Đời sống con người thành công ai cũng muốn nhưng thành công có giá của nó, một địa vị cao là một điều làm cho người ta hãnh diện nhưng điều đó "gót danh lợi bùn pha sắc sám" nó có vô số khía cạnh ở trong đời sống, là đời sống nó vốn bất toàn.

Vì vậy chữ dukkha đôi khi nó đồng nghĩa với rỗng không. Rỗng không là ở đây tức là mình đi tìm cái lõi ở trong củ hành hay ở thân cây chuối, củ hành chính nó có vấn đề là nó không có lõi, mình cứ lột từ lớp này qua lớp khác nhưng rồi cuối cùng đã là phù ảo, nó giống nhau, lớp đầu tiên và lớp sau cùng giống nhau, thì cuộc sống nó là như vậy, nó không có lõi, chúng ta đã đi từ sự hy vọng này đến sự hy vọng khác, hồi nhỏ thì mình mong lớn lên mình trông cậy vào chuyện học hành có học vị, rồi trông cậy vào hôn nhân, có hôn nhân trông cậy vào con cái, con cái trông cậy vào chính phủ hưu trí về già, luôn luôn thân phận của chúng ta ở trong kinh Phật nói giống như hình ảnh một con ngựa bị treo bó cỏ phía trước mõm và dõi mắt đi theo phía trước nhưng mà chúng ta không bao giờ thỏa mãn vì cuộc sống nó bất toàn, nó làm cho chúng ta rỗng không, chính bản thân của chúng ta không thể thoả mãn. 

Chúng ta phải nhìn nhận là Tôn Giả Ratthapala Ngài từng nhắc "Thế giới là khiếm khuyết, nô lệ cho tham ái". Nô lệ cho tham ái tức là chúng ta giống như một người bị bịnh ngứa ngãi hoài không đã ngứa, bị khát nước uống nước muối uống hoài không hết khát. Chúng ta đã từng tự mình lừa dối mình là có cái đó thì tôi sẽ hạnh phúc, nhưng  không, có cái đó rồi vẫn không hạnh phúc, có cái đó rồi bỏ vào một xó nào đó rồi lại đi tìm và đời sống chúng ta tiếp tục đi tìm tiếp tục đi tìm. 

Vì vậy trong ý nghĩa chữ dukkha nói trong kinh Phật hiểu ý nghĩa  ba khía cạnh có thể chính xác đó mới thật sự là tam đồ khổ: Như là khổ khổ, hành khổ, họai khổ.

- Điều thứ nhất,  trong ý nghĩa tổng quát, người Phật tử nên hiểu là cuộc sống nó là rỗng không, không có cái lõi, giống như củ hành lột hoài không thấy lõi. 

- Điều thứ hai. Cuộc sống là bất toàn, vì cuộc sống vốn không hoàn hảo, chúng ta không thể có hết và chúng ta chỉ lựa chọn một trong hai và nó tốt cái này nó xấu cái kia, được cái này mất cái kia. 

- Điều thứ ba là cuộc sống không bao giờ hoàn toàn mãn nguyện và không bao giờ thoả mãn hết, đó là chữ dukkha.

 Không phải là sự bi quan nhưng Đức Phật Ngài dạy đó là bản chất của hữu vi pháp, pháp hữu vi ở đây trong tiếng Anh dịch là concoctiness là cái gì đó, concocted là cái gì kết cấu bởi nhiều nhân nhiều duyên chúng ta gọi là kết cấu.

Chúng ta lấy thí dụ đại khái chữ Sankhara là các hành, nó giống như là một cái công ty mở ra với nhiều phần hùn, và bởi vì nó có nhiều phần hùn thành ra nhiều rắc rối, ai cũng muốn làm chủ, người đòi kiểu này người đòi kiểu kia người đòi kiểu nọ, thành ra bản chất của các hành là sự kết hợp của nhiều điều kiện. Ví dụ, một bữa ăn ngon không phải thức ăn ngon là đủ mà cách ăn ngon nữa và đôi khi chúng ta phải đói, phải thèm ăn, thành ra bữa ăn ngon đòi hỏi nhiều lý do hợp lại. Mình lái xe an toàn thì tài xế phải giỏi, chiếc xe phải tốt, đường phải tốt, thời tiết phải tốt v.v... nó nhiều điều kiện chứ không phải một điều kiện. 

Thì cuộc sống của chúng ta Đức Phật gọi là pháp hành hay là pháp hữu vi nó dựa trên một nguyên lý là một sự tổng hợp của nhiều thành tố, không may ý muốn của chúng ta chỉ là một trong những thành tố đó. Và có đôi lúc chúng ta không có ý muốn nữa, như mình sinh ra mình đâu lựa chọn mình là người Việt Nam, mình sanh ra mình cũng không lựa chọn ai là cha ai là mẹ mình, ngay cả trong cuộc sống. Cụ Nguyễn Du nói: "Những diều trông thấy mà đau đớn lòng"  mình không thích thấy mà dôi khi cũng phải thấy, không thích nghe đôi khi cũng phải nghe, không thích sống nơi đó đôi khi cũng phải sống nơi đó, hỏi tại sao vậy? tại vì là sự đưa đẩy, ở cái tuổi nào đó thì con người mình tin rằng tất cả đều do sự lựa chọn của ý trí, nhưng mà rồi ngưòi ta cũng nói là "lục thập nhĩ thuận" ở tuổi 60 rồi tự nhiên mình thuận theo tại vì mình muốn sống tại Seattle nhưng rồi mình lại về sống tại New Orleans, mình muốn làm nghề này nhưng rốt cuộc mình làm nghề kia, ai cũng muốn làm giàu nhưng rốt cuộc cũng phải đi làm cho chính quyền làm cho công sở, như vậy là cuộc sống không phải hoàn toàn theo ý muốn mình. 

Chúng tôi có nhận thức là nó có nhiều nhân duyên, Đức Phật gọi là một mớ hỗn độn, là một sự kết hợp. Cuộc sống của chúng ta có quá khứ, có hiện tại, và có tương lai, nó trộn với nhau, nó có ảnh hưởng chi phối của quả của nghiệp và ảnh hưởng sức ý trí của tâm, ảnh hưởng giữa mình và người, giữa cuộc sống và môi trường.  

Đức Phật Ngài không bao giờ nói rằng tâm của chúng ta quyết định tất cả. Nhiều khi chúng ta cứ nói là tâm bình, thế giới bình, mình tưởng mình vui rồi thế giới mình vui, không phải như vậy. 

Đức Phật dạy rằng tâm khéo tu là được sự an lành. Nhưng mà bạn tốt mình thân cận là yếu tố quan trọng, ở xứ mình nên ở cũng là sự quan trọng, mà cái gì mình lãnh hội từ thế giới này cũng quan trọng, nó có nhiều  điều kiện pha trộn nhau, giống như là mình nấu một nồi canh, mình có nhiều vị chua, vị ngọ,t vị mặn, nêm nếm và mỗi thành tố mỗi nguyên liệu bỏ vào trong đó nó đều có sự quyết định của nó. Và do vậy cuộc sống này là vậy, cuộc sống mà gọi là pháp hữu vi là một sự kết cấu, một sự tổng hợp, một sự hòa hợp của nhiều thứ, mình có phước thì sự hoà trộn đó nó hòa điệu và nếu chúng ta thiếu phước một chút nó là một thứ ô hợp một thứ hỗn hợp và nó gây cho chúng ta nhiều sự phiền phức vô cùng. 

Quí vị cứ tưởng mình sống trong một gia đình hay trong một ngôi chùa nhiều người, bá gia bá tánh, con nhiều cha nhiều ý, ở trong một gia đình hai vợ chồng với vài đứa con thì mỗi người một ý cuối tuần đi chơi ở đâu làm gì đã thấy phiền, sống trong một ngôi chùa có hàng trăm Phật tử hàng trăm ý kiến khác nhau đôi khi nó cũng phiền. Chúng ta nói đến một quốc gia hay một cơ chế chính quyền, nó đủ thứ chuyện lộn xộn, sự hỗn độn đó là kết quả tất nhiên của một cái  chúng ta gọi là có quá nhiều thứ, có quá nhiều thành tố, có quá nhiều nhân tố, và đó là bản chất của sankhara.

Sankhara là pháp hữu vi, pháp kết cấu của nhiều thứ, pháp hành, chúng ta phải hiểu rất rõ chữ sankhara nghĩa là gì. 

Thành ra câu kinh đầu tiên ngắn nhưng quan trọng là chúng ta hiểu rõ thế nào là Sanna hay là nhận thức, thế nào là chữ khổ và thế nào là một cách không giới hạn. 

Nhưng có một chữ nữa mà chúng ta đừng quên đó là chữ "đủ"

"Thấy được sáu lợi ích nầy thật là  đủ để vị Tỷ-kheo an trú trong nhận thức khổ não đối với tất cả pháp hữu vi một cách không có giới hạn. "

Đủ ở đây là cái mức độ giống như mình uống thuốc liều lượng đạt đến điểm không quá và không thiếu để trị bịnh, đó gọi là đủ. 

 Ở đây Đức Phật dạy rằng với một người mà trong cái nhìn thấy tất cả pháp hữu vi,  ở trong đó gồm: người, cõi, nghiệp. 

- Người ở đây nói đến 12 hạng người tất cả chúng sanh trong tam giới.

 -Cõi ở đây là 31 cõi chia ra làm tam giới. 

-Nghiệp ở đây dầu là nghiệp trắng, nghiệp đen, không trắng không đen. 

Người, cõi, nghiệp, tất cả điều đó đều được nhận thức rằng thật ra  không có cái nào hoàn hảo, thật ra không có cái nào làm cho mình mãn nguyện hoàn toàn, khi một người tu Phật mà nghĩ rằng thế giới của cõi người này mình chán bây giờ mình muốn sanh về thiên đàng, sanh về tịnh độ, sanh về cõi nào đó để mình hưởng, điều đó cho thấy chúng ta chưa thấy tính phổ quát của khổ, chưa thấy được tính toàn diện của khổ và chưa thấy được rằng khổ có mặt trong mọi nơi. 

Thành ngữ người Trung Hoa nói "Tam giới như hỏa trạch - ba cõi như nhà lửa" nó không đơn giản là một điều triết lý. 

Thật sự, Đức Phật Ngài dạy mắt là lửa, tai là lửa, nhãn nhĩ tỉ thiệt thân ý, sắc thinh vị xúc pháp đều là lửa thì Ngài dạy sự nung nóng một sự nhiệt não, một sự phiền khổ. 

Và câu nói để nhận thức tất cả pháp hữu vi là khổ não một cách không có giới hạn, một cách không có hạn cuộc, câu nói đó là một câu nói lớn lắm chứ không có đơn giản, chúng ta cần hiểu rõ điều này.
Sau đoạn 1 chúng ta bước qua đoạn 2 nói về 6 lợi ích. 

1. Lợi ích đầu tiên là mình sẽ đạt được sự ngán ngẩm

Sự ngán ngẩm ở đây trong kinh Phật nói là do nhàm chán ly tham, ngán ngẩm là mình thấy không thích thú với chuyện đó nữa, nó quá đủ rồi để nhàm chán. Ở đây, Đức Phật Ngài đưa hình ảnh một người tử tội nhìn thấy thanh đao của đao phủ đưa lên là thấy phiền khổ và ngán ngẩm. 

Khi thấy được mức độ đó, chúng ta có thể mườn tượng phần nào trạng thái tâm của đức Bồ Tát khi sống trong cung vàng điện ngọc khi Ngài đi dạo 4 cửa thành thấy cảnh già đau chết, Ngài xuất gia, và Ngài suy nghĩ rằng cuộc sống này bị sanh già đau chết chi phối tại sao mình cứ luẩn quẩn sanh già đau chết chi phối và Ngài khởi lên tâm ngán ngẩm, sự ngán ngẩm đủ mạnh đủ lớn đủ thôi thúc để Ngài bỏ tất cả sau lưng mà lên đường và trở thành vị Samon. Thật ra chúng ta không hình dung nổi chuyện đó nhưng mà lớn lắm. Hay Yasa là một người sống trong cuộc sống nhung lụa nhưng trong đêm tối chỉ nhìn thấy vài hình ảnh không đẹp đã bỏ nhà ra đi và cảm thấy cả thế gian này đều là bẩn chật, thì cái đó cũng không phải là chuyện đơn giản để mình hiểu, chúng ta không lượng định được điều đó. Trong kinh Thánh Cầu khi Đức Phật kể lại lúc Ngài chưa xuất gia còn ở trong hoàng cung Ngài nghĩ tại sao mình bị sanh già đau chết chi phối mà mình lại đi tìm cái bị sanh già đau chết chi phối, tâm trạng ngán ngẩm đó là một người thấy các hành nó cũng là phiền. 

Chúng tôi lấy một ví dụ là có nhiều người tự nhiên họ được mời làm chức vụ này chức vụ kia họ không cần biết chức vụ đó làm cái gì chỉ nghe đến chức vụ là cảm thấy thích, khi một người đã trải qua nhiều thứ khi nghe đến chức vụ là thấy phiền lắm, có chức vụ là có thị phi có chức vụ là có chuyện ghen ghét, có chức vụ là có những trách nhiệm nặng nề, có phiền hà có những chuyện làm bận lòng, chức vụ đó không biết mình ăn được cái gì mà gặp toàn chuyện phiền hà trong đó mỗi lần mình nghe mình cảm thấy ngán ngẩm cực chẳng đã thì làm, và cái ngán ngẩm nó phải giống như một người tử tù nhìn thấy thanh gươm kề cổ đưa lên rồi chém xuống cổ mình. Đức Phật dùng hình ảnh thanh gươm kề cổ là một thí dụ rất mạnh như vậy mình đạt được tâm yểm ly hay tâm nhàm chán hay tâm ngán ngẩm đối với các hành đó là lợi ích thứ nhất 

2 - Lợi ích thứ hai là tâm chúng ta sẽ vượt trên cả thế gian này.

Tầm nhìn của chúng ta phải cao cái thấy mới toàn diện giống như bây giờ người ta dùng drone (một loại thiết bị bay không người lái) để khi muốn quay phim hay chụp hình từ trên cao nhìn cảnh ở dưới cho chúng ta ở một góc cạnh. Thì tâm mình vượt lên thế gian này. Trong kinh Đức Phật Ngài đưa ra hình ảnh một người leo lên lầu cao nhìn xuống những người đi lại dưới đất. Về bậc trí giữa quần sanh đang ngụp lặn, bậc trí leo lên lầu cao của trí tuệ, tâm vượt lên, cái nhìn phải vượt lên trên thì cái nhìn đó mới đủ rộng đủ sáng đủ tốt được.

3- Lợi ích thứ ba là mình thấy được Niết-bàn là tịnh lạc.

 Đời sống của chúng ta sống với sắc thinh khí vị xúc chúng ta không có dễ dàng để thấy được sự tịnh lạc của Niết-bàn. Tương tự như, một người lớn lên đi vào cuộc đời thấy ông cụ đang vui thú điền viên hàng ngày ra vườn chậm rãi tưới cây làm vườn thì những người trẻ không thấy cái gì hạnh phúc của việc làm vườn, những người trẻ phải trải qua những năm tháng dài lăn lộn nhọc nhằn rồi bây giờ họ mới trở về mới cảm nhận được thế nào là vui thú điền viên. Hay một người mới qua Mỹ chưa bao giờ sài thẻ tín dụng (credit card) mà họ xin được thẻ tín dụng thẻ credit card để vay nợ thì họ mừng lắm, nhưng sài nhiều quá phải trả nợ đến khi trả hết tiền nợ và không sài thẻ nữa thi lúc đó cảm thấy hạnh phúc vì không thiếu nợ chứ chúng ta khó cảm nhận được Niết-bàn. Và do chúng ta thấy được sự trầm thống khổ, sự trầm thống của các hành thì chúng ta mới thấy Niết-bàn là tịnh lạc, Niết-bàn đúng là một sự hạnh phúc. 

4. Lợi ích thứ tư. Các phiền não tùy miên sẽ được nhổ lên.

Khi chúng ta học về sáu lợi ích của quán pháp vô thường có một câu tương tự là các kiết sử được chặc đứt, sợi giây trói buộc được chặc đứt, thí dụ mình bị ai cột lại không nhúc nhích được làm chuyện gì cũng bị trói tay trói chân, hay mình giống như con voi con trâu bị cột chân vào cột không đi đâu được hết, đó gọi là giây kiết xử mà chặt đứt kiết xử đó là chặt đứt trói buộc. Đó là lợi ích khi quán về vô thường.

Khi quán về khổ, Đức Phật đưa ra hình ảnh các pháp phiền não tùy miên được nhổ lên.

Chúng ta nói bảy pháp tùy miên, bảy pháp tiềm thùy tức là pháp ngủ ngầm hay pháp tàng ẩn, lấy ví dụ như  một miếng đất để không thấy gì nhưng nó có khả năng cỏ mọc lên mặc dầu lúc đó là đất trống. Khả năng sanh khởi phiền não lấy ví dụ khi nghe pháp mình cảm thấy rất sáng, trí mình rất an lạc nhưng rồi "giác thời tự ngộ đáo cảnh hoàn mê"  khi chúng ta trở về cuộc sống bình thường chúng ta cảm thấy phiền não sanh khởi. Bấy giờ mình an lạc nhưng mà rồi những phiền não ngủ ngầm nó luôn luôn có khả năng để khởi sanh. Điều đó chúng ta tạm gọi như  ở trong y khoa ngày nay có những con vi trùng chẳng hạn vi khuẩn candidiasis khi thân mình mạnh hệ thống đề kháng mạnh vi trùng nằm ngủ trong quần áo nhưng khi mình bị căng thẳng có nhiều lo lắng phiền muộn thì con vi trùng gây cho mình bị đẹn hoặc các bịnh này bịnh kia. Thì phiền não ngủ ngầm tiềm thùy cũng giống vậy nó không biến mất nó tiềm ẩn như lửa tiềm ẩn trong đống tro tàn và có khả năng làm cháy rừng lần nữa, thì đó cũng là một căn bệnh di căn một căn bệnh rất là phiền của đời sống chúng ta, giả dụ như  bây giờ mình đang vui nhưng có ai đến đe dọa để lấy gì của mình thì tâm bỏn xẻn khởi lên. Hay mình thấy có một người cùng nghề cùng tuổi với mình thành công hơn tự nhiên mình cũng ganh tị, cũng bỏn xẻn đủ cho chúng ta bị giông bão và chúng ta có nhiều thứ để làm cho chúng ta phiền toái.
 Do vậy một người quán tưởng về khổ thì người đó có thể hoan hỉ thấy một lợi ích là pháp ngủ ngầm pháp phiền não có thể nhổ lên, nhổ lên ở đây chúng ta tạm dùng hình ảnh như là cỏ nhổ tận gốc.

5 - Lợi ích thứ năm là ta sẽ hoàn tất việc cần làm. 

Một người khởi hành một cuộc hành trình có thể đi đến nơi về đến chốn không có vướng mắc. Tất cả những vị giác ngộ đều có ý thức rất rõ "phạm hạnh đã thành những gì nên làm đã làm" câu đó là một câu rất nặng ký, những gì nên làm đã làm tức là vị đó giống trường hợp một người đi học chăm chỉ rồi thi ra trường tốt nghiệp rồi thì không cần phải học nữa lúc đó cảm thấy sung sướng, mình đã hoàn thành việc học sau những năm dài mài đũng quần ở ghế nhà trường bây giờ thì học xong rồi cái gì cần làm đã làm thì đó là một niềm hi vọng rất lớn với một vị có khả năng quán chiếu sự khổ, đối với tất cả các hành một cách không giới hạn. 

6 - Phụng sự bậc Đạo Sư với tâm mát mẻ.

Bậc Đạo Sư ở đây chỉ cho Đức Phật. Cuộc sống của Chư Tăng sống đời sống tu tập và hoàng trì Phật Pháp đó là tôn ý của Đức Phật. Chư Tăng khi nói đến phụng sự Tam Bảo, phụng sự Bậc Đạo Sư có nghĩa là mình làm cái gì làm trong trách nhiệm và nếu sống trong quán tưởng sự khổ thì mình cảm thấy tâm tư mình nhẹ nhàng mát mẻ và chịu khó, chịu thương, chịu cực, chịu khổ mình thích nghi được dễ dàng, còn nếu sống coi thường quán tưởng về sự khổ đôi khi gặp một chút cực khó khăn thì nó làm cho chúng ta trở nên bực bội tại sao mình thế này tại sao mình thế kia. Ở đây cũng là một nghệ thuật sống là nếu chúng ta có cái nhìn đại quang có cái nhìn rộng lớn đối với cuộc đời này là khổ  như vậy bản chất là như vậy thì khả năng dung dị  khả năng chấp nhận được những trái ý nghịch lòng dễ hơn. Một người được nuông chiều được mơn trớn quá nhiều tâm tư của người đó đi đâu cái gì cũng phải đẹp cũng phải tốt cũng phải vừa ý cái gì cũng phải theo ý của mình thì khi đối diện với nỗi khổ họ sẽ không đủ kiên nhẫn. Đời sống của vị tu sĩ khi nghĩ đến sự phụng sự Tam Bảo cũng là sự phụng sự Bậc Đạo Sư thì luôn luôn nhắc nhở chúng ta một điều rằng chuyện đó nó không có dễ, chuyện đó không có đơn giản mà chuyện đó đòi hỏi nhiều phấn đấu. Nhưng nếu chúng ta thường xuyên quán tưởng về sự khổ thì chúng ta sẽ có tâm mát mẻ hơn ở trong công việc phụng sự Tam Bảo, phụng sự Bậc Đạo Sư là Đức Phật.

Đó là sáu lợi ích của một vị quán tưởng sự khổ một vị nhận thức về sự khổ đối với tất cả các hành và Đức Phật dạy chỉ đối với sáu lợi ích này là quá đủ để cho một người thường xuyên nhận thức thường quán tưởng về sự khổ./.