Thursday, March 22, 2018

Các Lậu Hoặc - TT Giác Đẳng

Chương 6 - VI. Ðại Phẩm - (IX) (63)Kinh Phương Cách Thâm Nhập Chư Pháp - 

Đoạn 6: Các Lậu Hoặc

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 31-7-2017

Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Chúng ta tiếp tục bài về Sự thâm nhập chư pháp và bài học với bố cục chúng ta nhìn thấy Đức Phật giảng 6 đoạn Ngài nói về dục, thọ, tưởng.

Hôm nay chúng ta nói về các Lậu Hoặc. Ngài Bodhi trong một bài viết liên quan đến bài kinh này, Ngài nói bài kinh này cho nội dung của 3 lãnh vực quan trọng đó là: Nhân sinh quan của Đạo Phật, con đường tu chính của Phật Pháp và sự chuyển hóa nội tâm. Cho dù chúng ta hiểu bằng cách nào đi nữa thì mỗi một phần của đề tài ngày hôm nay đều đặc biệt quan trọng, một phần bài kinh này dù nói về dục, dù đó là thọ, dù đó là tưởng, dù đó là lậu hoặc, hay là nghiệp, hoặc là khổ, trong mỗi phần như vậy Đức Phật đã trình bày nhiều phương diện khác nhau.

Trước nhất chúng ta phải: 

1. Nhận diện lậu hoặc là gì?
2. Thế nào là duyên khởi của lậu hoặc.
3. Thế nào là hệ quả của lậu hoặc.
4. Thế nào là sự đoạn diệt của lậu hoặc.
5. Và thế nào là con đường dẫn đến sự đoạn diệt các lậu hoặc. 

Khi nhìn một pháp với nhiều phương diện khác nhau hầu như chúng ta thấy rõ ràng được một điểm Đức Phật Ngài khuyên chúng ta nên biết được sự việc một cách tận tường một cách đa diện hơn là một chiều hay một mấu chốt nào đó.

Bài học ngày hôm nay là một thí dụ khi chúng ta đề cập đến chữ lậu hoặc, thông thường những người Phật tử những người học Phật Pháp thường nghĩ đến phiền não nhưng kỳ thực chữ lậu hoặc này là phiền não nhưng  phiền não ở trong một vai trò khác hơn chúng ta thường quan niệm.

1. Nhận diện lậu hoặc là gì?

Trong tiếng Anh dịch là stain tức là vết nhơ, ô nhiễm, vết bẩn.

Tiếng Việt Nam đôi khi dịch chữ lậu hoặc rất khó dịch. Chữ Asrava Ngài An Thế Cao dịch là lậu hoặc và về sau này Ngài Huyền Trang cũng dùng chữ lậu hoặc

Chữ lậu có nghĩa là thấm, là lan. Như mình nhỏ một giọt mực lên tờ giấy chậm nó lan ra, như chúng ta thấy trường hợp vết dầu thấm sâu vào trong giấy trong vải.

Chữ hoặc được hiểu như là cái gì mơ hồ, cái gì chúng ta khó nhận ra, một thứ tác động không có lộ diện. Đây là một điểm rất khó để chúng ta hiểu thuật ngữ Phật học. 

Ví dụ như một người đi chùa làm phước với tâm trong sạch dâng cúng Đức Phật một bình hoa đẹp, chúng ta nhìn bằng tâm trong sạch kính Đức Phật thờ Đức Phật, nhưng ở tận cùng phía sau còn nhen nhúm những động lực thầm kín. Chúng ta dâng hoa, thay vì dâng những thứ khác bởi vì chúng ta thích hoa đẹp, hay chúng ta muốn đời sau được đẹp được sáng được tươi thì chúng ta dâng hoa lên Đức Phật. Một hành động có thể rất thiện một tâm rất thiện nhưng ẩn một động lực thầm kín ở phía sau. 

Chẳng hạn, đối với người đời cái gì thô tháo cái gì dễ thấy ở bên ngoài thì chúng ta rất dễ thấy đây là thiện đây là bất thiện, nhưng đối với lậu hoặc  hầu như tất cả những hành vi của chúng ta dù là thiện hay bất thiện đều có tác động thầm kín tác động mơ hồ mình không thấy được, cái tác động không lộ diện ra ngoài và cái tác động đó là nguyên nhân dẫn đến sanh tử, nó bao trùm và ghê gớm hơn những gì chúng ta nhìn thấy.

Chúng ta lấy ví dụ như có những người rất kiêu mạn nói chuyện rất cao ngạo chúng ta dễ nhận biết người đó là người cao mạn, nhưng có những người họ thỏa mãn được tự ngã của họ bằng một cách nào đó chúng ta thấy họ rất khiêm tốn rất nhẹ nhàng nhưng đằng sau đó nó cũng liên hệ đến thị dục huyễn ngã, liên hệ ngã chấp mà chúng ta không nói được.

 Đối với một người Phật tử: vô minhái là hai động lực nằm ở phía sau, đôi khi chúng ta thấy được ái, thí dụ mình thấy cái áo thích quá, một món ăn ngon mình thích quá, thấy một người đẹp mình thích quá, những cái đó nhìn thấy rất dễ nhưng ái đó còn ăn sâu dấu kín tiềm ẩn ở trong nhiều trạng thái đôi khi chúng ta rất khó biết, có khi chúng ta cả cuộc đời sống một kiếp nhưng vẫn không nhận ra mặt mũi của ái ra sao. Vô minh cũng vậy rất là khó.

Thì chữ lậu hoặc ở đây chúng ta nên hiểu đó là những tác động những động lực những ảnh hưởng dấu mặt tiềm ẩn nhưng lại bao trùm tất cả sở hành của chúng ta trong đời này và là nhân dẫn đến luân hồi sanh tử. Đối với các lậu hoặc chúng ta không dễ dàng để nhận diện cái này là tốt cái kia là xấu, có những thứ rất là thiện ví dụ như chúng ta đi bố thí ở đâu chúng ta mong rằng đời sau được giàu có, chúng ta mong đời sau được đầy đủ, đời sau mình được sung túc không đói kém thì thật ra mong rằng đời sau mình là ai mình sẽ như thế nào thì ở trong đó nó đã có lậu hoặc rồi. Dĩ nhiên nói như vậy chúng ta sẽ nói rằng "như vậy không ai dám làm chuyện gì, mình làm chuyện gì cũng có lậu hoặc trong đó".

Do vậy Đức Phật Ngài dạy chúng ta nên biết sự sai biệt của các lậu hoặc
Ở đây có 3 thứ lậu hoặc: 

1. Dục lậu - Kāmāsava
2. Hữu lậu - Bhavāsava
3. Vô minh lậu - Avijjāsava

1. Dục lậu là ái, là ý muốn  (Kāmāsava).

Ý muốn thể hiện rất thô, như chúng ta quá thích cái gì đó, muốn danh, muốn lợi, muốn ăn ngon, muốn mặc đẹp. Nhưng đằng sau cái muốn đó còn có một thứ rất dễ sợ đó là ý muốn, vì thấy đời sống vô vị chúng ta phải luôn luôn tìm xem một cái gì đó để thoả mãn, tìm một cái gì đó để hưởng thụ. Cái ái này mình mới nhìn thì nó rất vô tội nhưng kỳ thực ái này là một thứ khao khát, ví dụ như bình thường mình ăn mặn nên khát nước, cái khao khát đó khiến cho chúng ta luôn luôn dõi mắt về phương trời xa xăm, luôn luôn truy cầu và luôn luôn cảm thấy mình không bằng lòng với hiện tại, mình không thể ngồi xuống thanh thản nhìn vào hơi thở, mình phải đi tìm cái gì đó, chúng ta gọi là dục hay là ái

Khi nói đến ý muốn nó là một lực đẩy tâm mình, chúng ta luôn luôn đi tìm luôn luôn truy cầu.

2. Lậu hoặc thứ 2 là Hữu Lậu. (Bhavāsava),

Hửu - Bhavāsavaa là mình muốn trở thành một ai đó, tôi sẽ là một người tốt, tôi sẽ là một người nổi tiếng, tôi sẽ là một người được trọng vọng v.v.... Cái hữu lậu này nói lên một thứ mà ở trong ngôn ngữ thường thức gọi là thị dục huyễn ngã "tôi là ai", "tôi muốn tôi như thế nào", "tôi phải như thế này" và "tôi phải như thế kia".

 Thì thị dục huyễn ngã này được xem như là một cách dự phỏng. Cũng như, chúng ta viễn tưởng về bản thân của mình khi còn nhỏ mình muốn được thương yêu, lớn lên mình muốn là người thành công, lớn lên một chút nữa mình muốn được trọng vọng, lớn hơn một chút mình muốn khi chết đi người ta sẽ nhớ tới mình. Huyễn ngã này là một cái gì đó rất khó để chúng ta có thể hiểu hết về nó, nó là cái gì đó rất thầm kín về bản thân của mình, nhưng thật ra nó là một sự dự phỏng rất nghèo nàn.

Chúng ta cứ tưởng tượng mình cầm một cây viết vẽ về chính mình, hay  mình chọn trong số vô số hình ảnh mình nói "tôi là như vầy", mình muốn mình như thế này mình như thế kia, mình là như thế nào đi nữa thì nó cũng nghèo nàn. Giống như khi còn nhỏ chúng ta mơ ướt lớn lên sẽ làm thế này sẽ làm thế kia, nhưng có đi có sống thì tất cả những mơ đó chỉ là ước mơ thơ dại của ngày nào đó. Chúng ta không hiểu cuộc sống, khi chúng ta ra đời cái cao điểm của nó chúng ta cũng không thấy, mà cái tận cùng của đáy vực  chúng ta chưa bao giờ nghĩ ra và chúng ta là ai giữa thế giới này chúng ta cũng không biết được hết nhưng chúng ta khao khát. Chúng ta khao khát trong cuộc đời này là chúng ta có một định nghĩa "tôi là như vậy tôi là thế này, tôi là thế kia ,tôi phải là thế này ,tôi phải là thế kia".  Điều đó chúng ta gọi là hữu lậu. 

Chữ Hữu là sự có mặt, sự trở thành (to be comming), sẽ trở thành ai đó, là cái gì đó, trở thành thế này hoặc thế kia. Nhưng dù vậy, hữu lậu còn khó hiểu hơn vô minh lậu. 

3. Vô minh lậu là gì? (Avijjāsava)

Vô minh là vốn không biết đâu là đường đi, đâu là lối về, đâu là là giá trị chân thật, và do cái không biết đó chúng ta ngược xuôi bơi lội trong cuộc đời này và chúng ta luôn luôn nghĩ rằng mình biết nhưng thật sự mình không biết gì. Bây giờ, nhìn lại thời gian vừa qua mình thử hỏi tại sao lúc đó đã không chọn lựa thế này, biết thế mình không làm thế kia. 

Thật ra tất cả mình đều không biết, nếu biết thì chuyện nó khác rồi. giả xử chúng ta biết thế nào là Niết-bàn thì đã không có vật vã với sanh tử, nếu chúng ta biết cái gì thật sự tốt cho mình thì đã không lặn hụp phí thì giờ trong cuộc sống này và nếu chúng ta biết được thật sự đó thì vòng sinh tử chấm dứt, phiền não đã đoạn, nhưng mà không.

 Cách đây hai ba hôm có một bản tin nói ông Bezos người sáng lập ra công ty thương mại điện tử Amazon, trong một ngày do cổ phiếu của Amazon tăng vọt ông đã trở thành một người giàu nhất trên thế giới, ngày nay  thì cổ phiếu này xuống một chút nhưng lúc đó tạm thời trong một ngày ông đã qua mặt ông Bill Gate người có trên 89  ngàn tỉ dollars tài sản thì lúc đó ông Bezos có hơn 90 ngàn tỉ. Năm 2010 tài sản ông Bezos chỉ có 12 triệu thôi nhưng suốt thời gian mấy năm qua đã tăng vọt, nếu lúc đó ai biết mà mua cổ phiếu Amazon thì giàu. nếu mọi người đã biết cổ phiếu Amazon tăng vọt như vậy đầu tư vào đó họ giàu, chuyện đó là đúng, nhưng khi mọi người đã biết rồi nó sẽ không tăng vọt được nữa. Giá trị của cổ phiếu là những bất ngờ, giá trị của thị trường chứng khoán là cái không biết lúc nào cũng có người mua và lúc nào cũng có người bán, lúc nào cũng có người tin đây là lúc tốt nhất để bán và lúc nào cũng có người nghĩ đây là lúc tốt nhất để mua. Đó là luật chơi, đó là tự nhiên của cuộc sống, chúng ta đánh cuộc với thời gian, đó là một canh bạc.

Đời sống của chúng ta cũng vậy, nếu chúng ta thật sự biết rõ đây là sanh, đây là diệt, đây là hạnh phúc, đây là đau khổ, đây là luân hồi sanh tử, đây là Niết-bàn thì chúng ta đã không hiện diện trong cuộc đời này. 

Vô minh là không biết, thật ra chữ Buddha chúng ta thường dùng để gọi Đức Phật, chữ Phật là chữ đối lập với vô minh. 

Ở trong đời sống của chúng ta từ phản ứng, từ thái độ vui buồn, từ cách hành xử hoặc thô hoặc tế đều dựa trên một lực rất lớn gọi là vô minh. Sự thiếu hiểu biết khiến chúng ta trở nên khôi hài, khiến chúng ta trở nên nông cạn, khiến chúng ta trở nên buồi cười vì nó là vô minh. Nếu chúng ta thật sự biết như Đức Phật đã biết, như những vị Thánh Đệ Tử những vị đã hoàn toàn giải thoát đã biết thì chúng ta đã không hiện diện tại đây. 

Nhiều khi đọc một số những bài viết tranh luận người này chửi người kia, người kia chửi người nọ, và ai cũng muốn tỏ rằng mình thật sự biết, nhưng kỳ thật chúng ta đều không biết, nếu chúng ta thật sự biết thì chúng ta yên lặng, nếu chúng ta thật sự biết thì chúng ta không phiền não, nếu chúng ta thật sự biết chúng ta sẽ dùng thì giờ của mình cho cái gì tốt hơn là ngồi đó tranh luận hơn thua, nhưng điều này rất khó, tuyệt đối là khó. Vô minh là cái gì khó hiểu nhất, mình nghĩ ở trong giờ phút đó mình đã làm việc đó bởi vì mình có suy nghĩ  nó là điều tốt nhất mà mình biết bằng tất cả sự sáng suốt của mình, nhưng năm dài tháng rộng trôi qua nhìn lại hỏi tại sao lúc đó mình làm như vậy, tại vì vô minh lúc đó mình làm vì không biết. 

Nếu giờ này chúng ta biết có một kho tàng có giá trị thật sự, nếu giờ này chúng ta biết một thứ hạnh phúc mà thứ hạnh phúc đó vượt khỏi tất cả những phiền não, nếu giờ này chúng ta biết được những giá trị cao cả nhất thì chúng ta không lẩn quẩn với cái tầm thường, chúng ta sẽ không có lặn hụp ở trong sông mê bể khổ, và chúng ta đã không cảm thấy chơi vơi giữa sa mạc cuộc đời. Nhưng quả thật, ở trong lúc này chúng ta không biết, cái không biết đó giống như một người đi trong đêm tối không đuốt không đèn không hải đăng ở giữa biển và không có ánh sáng nào để định hướng không có sao bắc đẩu ở trên trời tối đen như mực mà đi và tiếp tục đi, chúng ta đi và tiếp tục đi như vậy. 

Tại sao chúng ta đi? Tại vì chúng ta không can tâm đứng lại. Tại sao chúng ta đi? Tại vì có cái gì thôi thúc chúng ta phải đi, nhưng chúng ta đi bằng sự không biết.

Vô minh cũng tương tự như vậy, chúng ta đi trong bóng đêm, chúng ta đi ngược xuôi giữa cuộc đời tại vì chúng ta không biết.

Chúng tôi đọc câu chuyện của người Nhật: 

Một người ra đường thấy một anh đeo balô ngồi ở bên đường mới hỏi:

-  Anh bạn từ đâu tới và đi về đâu

 Người này trả lời:

- Tôi là một người lang thang, chưa biết đi đâu về đâu. 

Thì người kia nói: 

- Bạn thật là hạnh phúc, tại vì bạn sống tự do, còn tôi có vợ có mái nhà có con cái, thành ra ngoài sở làm là phải về nhà và đi đâu cũng phải có lời giải thích hợp lý cho người bạn đời.

Thì anh kia mới nói:

- Thật ra không biết tôi hạnh phúc hay anh hạnh phúc. Tôi đi từ nơi này đến nơi khác bởi vì không có một chỗ để trở về không có một mái ấm. Còn anh thì đi từ nơi này sang nơi khác vì anh có một chỗ để trở về, nhưng cũng là cái cột để cột chân anh.

Lời tâm sự của 2 người đó giống như chúng ta sống trong cuộc đời này, chúng ta sanh ra và khẳng định rằng mình có được sự hiểu biết, mình trưởng thành rồi, mình thành niên rồi, mình hiểu biết cuộc sống có đủ trí khôn đủ bản lãnh, và chúng ta quyết định làm điều này, quyết định theo đuổi lý tưởng kia, binh vực chánh kiến nọ. Mình nghĩ rằng tất cả những điều đó mình đã biết, nhưng ở một tuổi nào đó hay ở trong trường hợp đặc biệt nào đó chúng ta có dịp để bình tâm nghĩ lại 5 năm 10 năm trước mình đã quyết định như vậy, đã làm như vậy phải chăng là mình làm với tất cả sự hiểu biết? Nếu chúng ta xét cho kỹ thì chúng ta đã quyết định, đã lựa chọn, và đã hành động vì sự không hiểu biết hơn là sự hiểu biết. Điều đó chúng ta gọi là vô mình lậu.

 Thì 3 cái lậu hoặc ở trong cuộc đời mình, Đức Phật dạy là:

- Dục lậu tức là tác động thầm kín của ý muốn. 
- Hữu lậu là tác động thầm kín của thị dục huyễn ngã.
- Vô minh lậu là tác động thầm kín của sự nông cạn thiếu hiểu biết.

Ba thứ đó bao trùm tất cả sở hành của chúng sanh trong đời này, Đức Phật gọi là lậu hoặc

2. Thế nào là duyên khởi của lậu hoặc?

Và Ngài dạy thế nào là duyên khởi của lậu hoặc. Một lần nữa duyên khởi của lậu hoặc lại một điều trớ trêu là chính từ sự vô minh mà ra. Từ sự không biết chúng ta đã để cho bản thân của mình chịu sự tác động đó, chịu sự ảnh hưởng đó.

 Ví dụ như người Việt chúng ta xuất thân từ một quốc gia có nhiều chiến tranh nên cảm xúc của chúng ta rất nồng nàn, nhưng chúng ta dễ nghi kị, chúng ta dễ dàng để nguyền rủa nhau, dễ dàng chửi bới nhau, dễ dàng đoạn tình cảm nhau vì chúng ta là nạn nhân của một cuộc chiến đã kéo dài bao nhiêu thập niên trên quê hương của mình. Chúng ta là một nạn nhân, chúng ta là cục bột cuộc đời đã nặn vuông nặn tròn mà không bao giờ nhận ra điều đó, mình nghĩ rằng mình rất giỏi, mình rất hay, và mình có đủ bản lãnh để tạo điều này tạo điều kia, nhưng kỳ thật chúng ta không biết.

Hoặc, hãy nhìn một đứa nhỏ chơi một cách nguy hiểm, lăn lộn một cách thiếu thận trọng và nó làm đủ mọi cách vì nó không hề biết sự nguy hiểm nếu không có sự bảo vệ của người lớn, thật ra đièu đó chúng ta thấy là nó làm tất cả vì nó không biết. Người Mỹ rất cẩn trọng trong đồ dùng đồ chơi của con nít như cái nôi thì họ cũng có kinh nghiệm là có những đứa nhỏ đã thò đầu ra khỏi song nôi và bị kẹt, hoặc đứa nhỏ nằm sấp đôi khi bị ngộp, những vật như bao nylon hay hộp giấy không khéo để gần nó sẽ đưa vào miệng nuốt, chúng ta sống ở Mỹ thấy rằng có rất nhiều thứ người ta cảnh báo coi chừng nằm trong tầm tay của những đứa nhỏ, những lọ thuốc làm sao để khó mở, những vật dụng làm sao để đứa nhỏ không đưa vào miệng được, tại vì đã có quá nhiều trường hợp những đứa nhỏ bị thương tổn bị chết bởi vì bỏ những thứ vào trong miệng. 

Ở miền quê Việt Nam, ngày xưa người ta sanh con nhiều, như ông Ngoại chúng tôi có mười mấy người con mà rốt cuộc chỉ còn Thân Mẫu chúng tôi và Sư Trưởng thôi, chỉ còn 2 người con thôi. Và rất nhiều thành viên trong gia đình có những đứa nhỏ đã chết vì bệnh mà chết nhiều nhất là vì nó chơi ở ngoài sân rồi lọt xuống mương, sau nhà có cái mương không làm rào cản, con nít đâu biết nó bò ra tới mương rồi rớt xuống tới khi biết thì nó chết rồi. Thì những đứa nhỏ bò ra chỗ nguy hiểm nhét những thứ vào trong miệng một cách nguy hiểm, những hình ảnh thơ dại, hình ảnh thiếu hiểu biết một cách nguy hiểm đó là hình ảnh của tất cả chúng ta trong đời này, chúng ta thương, chúng ta giận, chúng ta chiến đấu, chúng ta hận thù, tất cả những điều đó là bởi vì chúng ta không biết, bởi vì chúng ta vô minh.

Đức Phật Ngài nói chính vô minh là một nền tảng, là một cơ sở, một động lực tiềm ẩn. 

Chúng ta muốn biết được lực của vô minh như thế nào thì chúng ta thử sống và cảm nhận của một ngày trời mưa bão điện cúp trong một căn nhà tối đen không có điện và lúc đó chúng ta để ý phản ứng của mình như thế nào, cũng may là mình ở trong căn nhà. Có một vài lần chúng tôi sang Ấn Độ là một xứ  điện thường bị cúp nhất là những vùng có Thánh Tích người ta sài thì nhiều nhưng sự cung cấp điện thế yếu do vậy hay bị cúp điện, những lần ngồi trong phòng khách của khách sạn điện bị cúp hoàn toàn lúc đó trời tối đen như mực những nhân viên kêu nhau ơi ới lấy đèn pin thắp đèn cầy, năm ba phút sống trong bóng đen bao trùm ở một đại sảnh hoàn toàn xa lạ thì chúng tôi cảm nhận một điều rằng cũng may là mình đã trải qua nhiều lần nếu không thì mình cũng lăng xăng trong bóng đêm bao phủ dầy đặc mình, muốn mình phải làm cái gì đó, đi tới đi lui, mặc dầu mình không biết đi đâu về đâu, không biết làm gì khi ở trong bóng tối. Đó gọi là nền tảng vô minh, cái bóng tối dễ sợ bóng tối bao trùm là một cái gì lớn hơn chúng ta nghĩ nhiều. 

Chúng tôi đọc một bài báo nói về đại dương mênh mông thì ánh sáng chỉ xuyên thấu xuống 175 thước và ở dưới mức độ đó lòng đại dương tối đen như mực, cũng như nói về phi thuyền đi ra ngoài thái không, đi ra khỏi vùng ánh sáng mặt trời chiếu tới thì nó cũng tối đen như mực, ở  những nơi ánh sáng không xuyên tới được cả một bóng tối trùm lên thì thật là khó tưởng tượng được chúng ta phản ứng ra sao. 

Nhưng nếu chúng ta hình dung vào vô minh thì chúng ta cũng thấy như vậy. Một ngày nào đó chúng ta tu tập để cảm nhận được lời dạy của Đức Phật, để hiểu rằng tất cả chúng ta sống trong đời này đều bị chi phối bởi một mãnh lực của một bóng tối phủ trùm lên cuộc sống từ lúc cất lên tiếng khóc chào đời cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, từ lúc chúng ta bắt đầu biết thương yêu, biết lo sợ, biết hận thù, từ lúc chúng ta bắt đầu muốn tìm giải thoát này, hướng qua đường hướng kia tất cả điều đó đều nằm trong bóng tối mà chúng ta không biết, bóng tối đó không phải của cuộc đời mà bóng tối đó tại vì sự có mặt của tuệ giác ở trong lòng chúng ta và đây là một điểm rất là khó hiểu. 

3. Thế nào là hệ quả của lậu hoặc

Đức Phật Ngài đề cập đến duyên khởi của các lậu hoặcvô minh, Ngài đề cập đến hệ quả của các lậu hoặc. Thường vô minh khi cái gì sanh khởi thì sự sanh khởi đó liên hệ đến bản ngã và từ đó dẫn đến phúc hành và phi phúc hành, dẫn đến bản ngã. Vì vô minh chúng ta lại có một cái nhìn đặc biệt về  ngã "tôi sẽ là thế này tôi sẽ là thế kia". 

Vì liên hệ đến ngã dẫn chúng ta đến hai thứ hành động: 

- Một là hành động mang lại phúc đức, mang lại quả vui như là bố thí trì giới để sanh thiên để sanh làm người để hưởng quả phúc của luân hồi.

- Hai là do từ đó chúng ta làm các ác nghiệp bị sanh vào cõi khổ Atula ngã quỉ v.v... 

Đây là một trong các điểm Phật Pháp khác với các tôn giáo khác, các tôn giáo khác chỉ nói đến hai thứ; một là tin Thượng Đế hai là không tin Thượng Đế, một là làm việc lành hai là làm việc dữ. Nhưng thật sự trong Phật Pháp có đề cập đến là ngay cả những việc làm phúc hành tức là những hành động có quả thiện và những hành động phi phúc hành tức là những hành động có quả khổ nó đều nằm trong sự chi phối của vô minh .Điều này trong Phật Pháp không phải dễ hiểu. 

Ngày xưa Consumer Reports làm một cuộc nghiên cứu xem tôn giáo nào là tôn giáo dễ hiểu ở trên thế giới này thì trong đó Đạo Phật là tôn giáo khó hiểu nhất. Phần đông các tôn giáo khác chỉ có bên tốt bên xấu, bên thiện bên ác nhưng Đạo Phật đôi khi dạy ở trong cõi trầm luân sinh tử này "dù ai ngược gió ai xuôi gió, nhìn lại cùng trong bể khổ thôi", dù là thiện hay bất thiện thì đều do vô minh chi phối, dù trắng hay đen cũng là sự đối đãi và điều đó không phải dễ tiêu hóa, điều đó không phải dễ nuốt. 

Phật Pháp cho chúng ta biết rằng chính lậu hoặc, lậu hoặc ở đây là dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu nó chi phối toàn bộ sở hành của chúng sanh, dù đó là thiện hay bất thiện thì đó là hệ quả của lậu hoặc.

4. Thế nào là sự đoạn diệt lậu hoặc?

Sự đoạn diệt lậu hoặc, dĩ nhiên duyên khởi của lậu hoặcvô minh thì đoạn diệt lậu hoặcdiệt tận vô minh hay nói một cách khác là thắp sáng tuệ giác

Thắp sáng tuệ giác được đề cập đến trong nhiều trường hợp, một lúc nào đó chúng ta có thể nhìn sự vật như thế nào thì nhìn như vậy không qua con mắt của định kiến, không qua sự chi phối của phiền não, cũng giống như chúng ta có thể nhìn sự vật vượt ngoài vui buồn, vượt ngoài quan niệm của văn hóa, quan niệm của ghét thương, và sự vật như thế nào mình nhìn nó là vậy, hơi thở ra hơi thở vào, cái này sanh cái kia diệt, cái này đang có mặt cái này đã biết mất, cái này trong tương lai không thể sanh khởi nữa thì nhìn cái tướng cái tánh của sự vật một cách rất vô tư một cách rất đơn thuần không bị chi phối bởi định kiến và thành kiến lâu ngày tạo thành một cái xúc tác tuệ giác và khi tuệ giác sanh khởi sẽ xoá đi sự vô minh.

5. Và thế nào là con đường dẫn đến sự đoạn diệt các lậu hoặc ?

Đức Phật dạy vô minh diệt nó làm sự đoạn diệt của các lậu hoặc và để đạt đến điều đó trong toàn bộ bài kinh này một lần nữa Đức Phật Ngài nói lên con đường dẫn đến sự đoạn diệt của các lậu hoặc cũng vẫn là Bát Chánh Đạo.

 Bát Chánh Đạo là con đường Trung Đạo, Bát Chánh Đạo là một con đường chuyển hóa con người không đơn thuần một khía cạnh một phương diện mà từ nhiều phương diện: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, cho đến Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng rồi Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định.

 Chánh Kiến, Chánh Tư Duy được xem như là cái nhìn minh sát, sự suy tư không bị chi phối bởi các phiền não.

 Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng được xem như là một đời sống tách rời khỏi các hệ lụy của bất thiện nghiệp.

 Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định  là một sự huân tập những nội lực những bản lĩnh nội tại, đó là nghị lực, đó là khả năng tập trung, đó là sự tỉnh giác. 

Thì con đường Bát Chánh hay là con đường 8 chi phần những chi phần này được xem là Trung Đạo, con đường này là con đường nối gọn ở trong ba giai đoạn Giới, Định, Tuệ

Con đường Bát Chánh Đạo là một câu trả lời của Đức Phật cho chúng sanh giải thoát khỏi sự đau khổ, chúng ta cần giải quyết vấn đề của kiếp nhân sinh bằng sự thay đổi bản thân mình. Sự thay đổi bản thân mình bắt đầu từ tu tập huân tu chứ không đơn thuần là mình chọn cái này chọn cái kia rồi nó yên chuyện, mà nó đòi hỏi công phu nhiều hơn nữa.

Đức Phật có dùng chữ "cần

Đoạn 6 của bài  (IX) (63)Kinh Phương Cách Thâm Nhập Chư Pháp

"Này các Tỷ-kheo, cần phải biết các lậu hoặc, cần phải biết duyên khởi của các lậu hoặc , cần phải biết sự sai biệt của các lậu hoặc , cần phải biết các hệ quả của các lậu hoặc , cần phải biết sự đoạn diệt của các lậu hoặc , cần phải biết con đường đưa đến sự đoạn diệt của các lậu hoặc . Chính do duyên nào đã được nói như vậy? Này các Tỷ-kheo, có ba lậu hoặc này: dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu".

Tại sao chúng ta "cần", vì rõ ràng lậu hoặc là một tác động tuy thầm kín tuy  khó nhìn nhưng bao phủ lấy đời sống và khi nào chúng ta còn nằm trong vòng cương tỏa của lậu hoặc thì chúng ta không thể đạt được hạnh phúc thật sự, chúng ta không thể tránh được con đường đi vào hỏa ngục, chúng ta không thể nào thắp sáng trí giác của mình và do vậy Đức Phật Ngài dùng chữ "cần phải biết". 

Ít nhất, do cái biết đó nhân sinh quan của chúng ta tương đối chính xác hơn, nó sẽ giúp chúng ta ở một lúc nào đó do vậy dù trên phương diện pháp học hay trên phương diện pháp hành chúng ta đều cần phải biết sáu pháp. Sáu pháp đó là nói về dục, nói về thọ, nói về tưởng, nói về lậu hoặc, nói về nghiệp, nói về khổ. 

Mỗi phần như vậy chúng ta phải biết đầy đủ các phương diện:

- Chúng ta phải nhận diện như thế nào là lậu hoặc, 

- Chúng ta phải biết duyên khởi của lậu hoặc, 

- Chúng ta phải biết hệ quả của lậu hoặc,

 - Chúng ta phải biết sự sai biệt của lậu hoặc,

 - Chúng ta phải biết sự đoạn diệt của lậu hoặc, 

- Cà con đường dẫn đến sự đoạn diệt sự lậu hoặc. 

Biết như vậy mới thật sự là biết còn cái biết của chúng ta thật sự là cái biết rất mơ hồ 

Ví dụ mình nói "tôi biết ông A", cái  biết ông A là biết tên của ông A thôi như vậy không phải là biết, mình phải biết thật sự ông A không phải chỉ trên danh tính mà còn phải biết xuất thân, biết gia cảnh, biết nghề nghiệp, biết những người bạn thân, biết khuynh hướng cố hữu của người đó. Thì biết nhiều phương diện như vậy mới thật sự là biết và Đức Phật Ngài dùng chữ "Cần Biết".

Hôm nay chúng ta nói về lậu hoặc, Đức Phật Ngài khuyên chúng ta phải quan niệm mình "cần phải biết" và không những cần biết một thứ mà phải biết nhiều phương tiện, biết như vậy chúng ta mới thật sự là thâm nhập, mới thật sự thẩm thấu,  mới thật sự quán triệt. Còn nếu chúng ta biết hời hợt ở bên ngoài thì biết đó chỉ là cho có biết mà thôi.

 Khi chúng tôi còn nhỏ Sư Trưởng thường hay nói: 

ở trong đời có ba cái dốt:

- Một người biết cái không đáng biết là một sự dốt

- Không biết cái đáng biết cũng là một sự dốt

- và biết cái gì mà biết không rành cũng là sự dốt

  Nếu chúng ta nói về cảm thọ, nói về dục, nói về lậu hoặc, nói về nghiệp, nói về khổ  chúng ta chỉ định nghĩa về văn tự thôi thì thật sự cái biết đó chúng ta biết cũng chưa rành. Và tại sao Đức Phật dạy chúng ta cần phải thâu nhập tức là biết sự việc với nhiều phương diện. Mong rằng tất cả chúng ta sẽ học bài học bằng cả sự nghiêm túc, bằng tất cả thái độ chân thành, bởi vì Đức Phật Ngài đã dạy một cách rất chi tiết và Ngài đã phân tích một cách rất tế nhị để chúng ta làm sao có thể hiểu được sự việc trong mức độ tương đối  rộng lớn, đa diện đầy đủ hơn là chỉ nhìn một chiều phiến diện ./.