Friday, February 28, 2014

chúng ta có thể sống có thủy có chung với những gì mà mình đang theo đuổi.

Hỏi: chúng ta có thể sống có thủy có chung với những gì mà mình đang theo đuổi.

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Câu chuyện tiền thân Đức Phật, trong đời quá khứ xa xưa có một con vẹt, và con vẹt này sống ở trên một ngọn cây, và cây sung này bị mưa gió bão bùng làm cho trốc gốc, bị tàn phá hư hại rất nặng. Nhưng con vẹt không vì đó mà bỏ cây sung ra đi, và con vẹt vẫn ở đó sống với cây sung như từ bao giờ. Tấm lòng thủy chung với cây sung đó, bởi vì con vẹt thấy rằng trong lúc cây sung xinh đẹp vẫn cho nó có bóng mát, cho nó thức ăn, cho một nơi tạm trú, bây giờ cây sung không còn như ngày xưa nữa, nhưng những giá trị cố hữu, những giá trị gì mà cây sung đã ban cho con vẹt này vẫn không thay đổi, cái đẹp ở bên ngoài, những cái tơi tả của nhánh lá sau một cơn giông không có nghĩa vì vậy mà khiến cho con vẹt rời bỏ cây sung đó ra đi.

Chúng ta nghe câu chuyện này, nghe bằng cảm giác nào cũng được, suy nghĩ như thế nào cũng được, tuy nhiên, ở đây có một gợi ý một điều chúng ta phải suy nghĩ rằng;  khi một người đã nhìn thấy được giá trị nội tại rồi, thì ở đâu cũng giống nhau hết;  "Trong trời đất nơi nào không quán trọ, tâm tư vô danh lai khứ cũng vô danh". Thì thấy trong lòng người mà đã tìm được giá trị cho chính mình, dù ở trong rừng sâu hay thị thành, ở nơi thâm sơn cùng cốc hay ở chốn phồn hoa đô hội, sự việc này cũng chỉ là ngoại cảnh chứ không nhất thiết ảnh hưởng khi mà một người đã tìm thấy được giá trị, và giá trị này Đức Phật Ngài nói rất rõ, giá trị mà vị Tỳ kheo này đã ưa thích trong sự tinh cần và thấy được sợ hãi cuộc sống phóng dật.

Chúng tôi không biết rằng nghe câu chuyện về con vẹt sống ở dưới cây sung, sau một cơn bão cây sung đã bị tơi tả trước những ngọn cuồng phong, đã bị nằm bẹp xuống trốc gốc, nhưng vẫn cho con vẹt một nơi dung thân, con vẹt không bỏ nơi đó đi, không hiểu quí vị nghe câu chuyện đó, quí vị có thấy một chút gì rung động trong lòng không. Nhưng phải nói rằng khi chúng tôi đọc câu chuyện đó, chúng tôi cũng cảm nhận ở đó có một cái gì rất đẹp.

Thật ra ở trong thế giới loài vật, thỉnh thoảng có những con vật rất lạ, ví dụ như con voi từ nhỏ lớn lên suốt cả hơn 50 năm tuổi thọ, con voi nếu không có tai nạn nào khác thì nó luôn luôn sống ở trong bầy, trong bầy đó có cha, có mẹ, cũng có thể là thế hệ trước nữa có 5, 7 con, quần tụ một bầy như vậy, không bao giờ đi hoang bên ngoài. Và chúng tôi biết rằng có một loại hạc, khi chúng tôi về thăm Hắc Long Giang ở bên Trung Quốc, người ta nói những loại hạc này rất đặc biệt, tuổi thọ cũng trên dưới 50 năm, và khi những con hạc này lớn lên, con trống và con mái nó đã sống chung với nhau suốt cuộc đời như vậy, cho dù con trống có chết đi thì con mái dần dà sẽ chết theo hay nó sẽ sống cô lẻ một mình chứ không có bước sang thuyền khác.

Ở trong cảnh giới của loài vật thỉnh thoảng những nhà nghiên cứu về sinh vật học, cho chúng ta biết những bí mật, những bí mật này khiến chúng ta liên tưởng đến câu chuyện ở trong Túc Sanh truyện, và chúng tôi hoàn toàn hiểu rằng những câu chuyện nói về những con vật nó trung thành với một nơi ở, hay có những con chó bị thất lạc nhiều tháng vẫn cố gắng để tìm về ngôi nhà của mình, là những chuyện hoàn toàn thật sự xảy ra trong kiếp sống chúng ta được biết ngày hôm nay.

Tuy vậy cái đẹp của câu chuyện là con vẹt đó có thể bay đi tìm đến một khung trời hoa mộng, có thể tìm đến những cây sung tàng cao bóng mát, cảnh trí đẹp đẽ hơn là cây sung đã bị trốc gốc, nhưng bởi vì con vẹt đó đã ý thức rằng đây là cây sung mà mình đã sống, và cái gì cây sung cho mình vẫn là giá trị trước sau như một, đây cũng là nơi nương thân, và thật sự nó không nở bỏ cây sung mà đi. Chúng ta thấy hình ảnh đó đẹp quá, nó đẹp như là một bài thơ, nó đẹp như một câu chuyện ngụ ngôn, và chúng tôi tin rằng nếu chúng ta có thể đem những câu chuyện đó trở thành một đề tài, trở thành một công án để chiêm nghiệm trong đời sống của chúng ta, thì mình hiểu rằng ngày hôm nay cuộc sống quả là thay đổi rất nhiều.

Ngày xưa Khổng Tử có nói một điều là một người làm nông giỏi, không vì mất mùa mà vị này bỏ các công việc đồng áng sinh kế của mình, một người đi buôn thạo nghề cũng không vì một vài lần lỗi lã mà bỏ nghề, và một người quân tử hiểu đạo thì cho dù có sự thăng trầm trong đời sống cũng không bỏ đạo. Cái thủy chung đối với đạo nó là một cái gì rất khó, nhưng nếu chúng ta đã giữ được nó, thì chúng ta sẽ tìm thấy ở đó có phần thưởng rất lớn.

Chúng tôi nhớ rằng những tháng ngày đầu khi sang trại tỵ nạn, chúng tôi có gặp một số người họ tuyên truyền " nếu mình sống ở trại tỵ nạn, mình bỏ Đạo Phật để theo đạo Thiên Chúa giáo, thì những người bảo trợ ở bên Mỹ, bên Âu Châu họ sẽ bảo trợ mình nhanh chóng hơn". Điều này hoàn toàn sai, và có một số người sang đây, họ được nhà thờ bảo trợ, và những Mục Sư và những hội viên trong nhà thờ cũng muốn họ đổi đạo, nhưng chúng tôi gặp rất nhiều người, họ nhất định khư khư không bỏ đạo, và những khi nghe những câu chuyện như vậy, chúng tôi rất thích thú để nghe những kinh nghiệm họ giữ đạo như thế nào, họ đã tìm như thế nào để một mực thủy chung với một niềm tin. Chúng tôi không nói rằng những vị đó là những vị Tu Đà Hườn, không nói rằng những vị đó thành tựu được niềm tin bất thối, những vị đó có thể là những người rất bình thường, nhưng khi các vị đó đã cảm nhận được ở Phật, ở Pháp, ở Tăng một cái gì đó mà các vị không bỏ được, thì những vị này quả thật giống như trường hợp mà Đức Phật Ngài đã dạy ở trong kinh điển: " Một vị Tỳ kheo đã tìm thấy được giá trị chân thật ở trong lòng mình, không vì hoàn cảnh ở bên ngoài, mà làm cho mình thay đổi đi cuộc sống".

Cuộc sống thay đổi không ngừng, trong cái thay đổi không ngừng đó, chúng ta làm cái gì đó mà chúng ta có thể giữ lại được cái gốc của mình, giữ được bản chất của mình, khiến chúng ta không bị thai hóa, khiến chúng ta không bị biến dạng đi, khiến chúng ta không bị mất cội nguồn của mình. Những người cầu đạo giải thoái, chúng tôi luôn luôn tin rằng, chúng ta sẽ phải tìm thấy một giá trị chân thật, mà qua đó chúng ta có thể sống có thủy có chung với những gì mà mình đang theo đuổi.

Thursday, February 27, 2014

Một người làm việc thiện nên chấp nhận sự khen chê như thế nào?

Hỏi: Một người làm việc thiện nên chấp nhận sự khen chê như thế nào?

(Câu hỏi trong lớp Diệu Pháp, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng : Đức Phật thường dạy rằng: "Trong cuộc sống không ai không bị chê trách". Thật ra trong đời sống một người có thiện tâm thường làm những việc lành việc thiện thì cũng có kẻ thương và có người ghét, và việc đó rất đương nhiên. Trong cái thương cái ghét đó chúng ta có thể cảm nhận được là nếu chúng ta đã lựa chọn làm việc thiện thì chúng ta phải chấp nhận. Cái gì cũng phải có cái giá của nó. Và nếu chúng ta không làm gì hết thì cũng có người thương kẻ ghét chứ không phải khi chúng ta làm việc này hay việc kia thì mới có người ghét kẻ thương chúng ta. Do vậy bậc thiện trí ở trong đời sẽ không để mình bận tâm nhiều đến những việc đó, điều mình đáng bận tâm là những gì chúng ta làm thật sự có lợi ích, thật sự nó có ý nghĩa hay không. Những lời dạy của Đức Phật đó từ ngàn xưa nhưng cho đến hôm nay vẫn giống như vậy không có gì thay đổi. 

 Đối với một người đem Phật pháp vào trong cuộc đời, thì có một điểm rất tế nhị của mỗi chúng ta là: Một số người Phật tử có đôi lúc có thể nói rằng tâm tư không có thái độ tích cực ở trong việc phổ biến Phật pháp ra bên ngoài. Và có một số người thì quá tích cực, tích cực đến đỗi họ nghĩ cái gì mình tin phải là đúng, và cái gì mình tin rồi đem áp đặt lên người khác. Cả hai đều là cực đoan hết. Chúng ta không nên nghĩ rằng cái gì mình gọi là đúng mình phải áp đặt lên cho người khác và bắt người khác làm theo mình, nhưng chúng ta cũng không nên hờ hững trong việc giảng giải chánh pháp, bởi vì chúng ta hãy xem việc đem Phật pháp đến người khác như là một sự chia sẻ. Gọi là chia sẻ có nghĩa là cái gì mình có, và cái gì mình nghĩ rằng hay, mình nghĩ rằng tốt đẹp, cái gì mình nghĩ là lợi ích, thì mình hãy ban tặng cho người khác. Và trong sự cống hiến đó nếu được đón nhận thì tốt mà nếu không được đón nhận thì cũng không lấy đó mà làm buồn. Không phải ai cũng có thể đón nhận điều thiện bằng một tâm tư sẵn sàng và điều đó là điều chúng ta phải chấp nhận.

Trong cuộc đời này, không có chuyện gì mình có thể làm cho tất cả mọi người vừa lòng hết, chúng ta hãy vui mà thấy rằng ở trong cuộc sống này chúng ta có làm được những việc có ý nghĩa, những việc mà chúng ta nghĩ là tốt. Nhưng đừng bao giờ vui mà nghĩ rằng mình đang được tất cả mọi người thương mến,. Thật ra thì sự thương mến dành cho chúng ta thì chỉ có một số nào đó mà thôi, có những người họ có thiện cảm với chúng ta họ không nói thì chúng ta cũng không biết được. Nhưng chắc chắn một điều rằng trên đời này không có người không bị chê, ở trên đời này có một người mà ai cũng thương hết là không có. Nói như cụ Nguyễn Hiến Lê là "trên đời không có thứ quái vật đó." Thứ quái vật đó nghĩa là ở trên đời không có ai mà được tất cả mọi người bằng lòng hết, nên cái chuyện làm bằng lòng hết cả mọi người thì nó không phải cái mục đích của chúng ta. Chúng ta nên lấy một tâm hồn dung hoà, nghĩa là chấp nhận một cách tương đối trong đời sống. Nếu ở trong cuộc sống của mình mà trong 10 người mình thân cận chỉ có 5 người thương mình thì kể ra cũng may mắn rồi, ở trong 5 người thương mình mà có được ba người cùng chia sẻ công việc với mình cũng là may mắn, trong 3 người chia sẻ công việc mà có được một người hiểu thì cũng đã là một việc may mắn rồi.

Wednesday, February 26, 2014

Tích lũy cái gì mang đến sự an lạc?

Hỏi: Tích lũy cái gì mang đến sự an lạc?

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Tuệ Siêu: Nếu tất cả chúng ta đều hiểu được giá trị của điều thiện thì chắc chắn sẽ hoan hỷ, an trú trong điều thiện.

Khi nói đến điều thiện, chúng ta đừng nghĩ rằng việc thực hành theo thiện pháp chỉ là một hình thức sinh hoạt của tôn giáo mà nên biết rằng giá trị thật sự của điều thiện là một chân lý hiển nhiên trong đời sống hàng ngày của mỗi chúng sanh. Nếu tất cả chúng sanh đều làm việc thiện, khởi lên tâm thiện, an trú trong pháp thiện thì chúng sanh sẽ được an lạc, hạnh phúc.

Nói đến điều thiện – điều phước thì chúng ta phải biết rằng chúng ta làm việc thiện thể hiện qua thân bằng hành động, qua miệng bằng lời nói, qua tư tưởng bằng suy nghĩ và thân nghiệp thiện, miệng nghiệp thiện, ý nghiệp thiện do tiến trình của dòng tư tưởng của tâm đổng lực thiện và khi khởi lên tâm đổng lực thiện thì bao giờ tâm sở phối hợp với tâm thiện cũng là những tâm tốt đẹp, sơ phát. Bởi vậy, một người an trú trong việc thiện, dù quả nghiệp thiện chưa phát sanh kịp thời nhưng do tính chất tốt đẹp đó tương ứng với tâm thiện sẽ trợ cho thân tâm được an lạc bằng cách là thường cận y duyên

Nói như vậy không có nghĩa là khi làm điều thiện chính nhờ môi trường thiện pháp này làm phát sanh những thiện pháp khác. Vì quen sống tâm thiện thì dễ dàng tới với những tâm thiện khác. Nếu những tâm thiện, pháp thiện này thường xuyên có mặt, thường xuyên sanh khởi trong lộ trình tư tưởng của chúng sanh thì chúng sanh đó sống niềm an lạc.

Quả dị thục của pháp thiện bao giờ cũng là quả tốt đẹp cho chúng ta được hạnh phúc, sung sướng hân hoan trong đời sau. Tuy nhiên, có một vấn đề ta nên hiểu là đối với một người khi làm nhiều thiện phước cũng có khi người đó gặp những cảnh bất hạnh, cảnh phiền muộn, sự không như ý, thì điều này là do nghiệp.

Trong những loại nghiệp, nghiệp thiện hoặc nghiệp ác trổ quả theo thời kỳ: có hiện báo nghiệp, có sanh báo nghiệp và có hậu báo nghiệp. Hiện báo nghiệp là nghiệp chúng ta đang làm trong kiếp này và sanh quả cũng trong kiếp này, một người làm phước trong kiếp này có thể trong bảy ngày sẽ phát sanh lên được quả phước y như ý nguyện, đó là trường hợp hiện báo nghiệp.

Sanh báo nghiệp là thiện nghiệp tạo được trong đời sống này và phải đợi đến khi ta mạng chung và sanh ở cảnh giới khác thì nghiệp này mới sanh lên quả dị thục. Cũng có những trường hợp hậu báo nghiệp là nghiệp ta tạo kiếp này và sau đó vì lý do gì mà đời kế tiếp không trổ quả được mãi cho đến đời thứ ba trở đi mới trổ quả dị thục thiện nghiệp hay báo nghiệp. Một người sống trong thiện pháp, làm việc thiện trong hiện tại nhưng vẫn gặp chuyện chẳng lành, tai ương là do hậu báo ác nghiệp trong quá khứ đến thời kỳ trổ quả bởi vì công lực của ác nghiệp quá khứ mạnh hơn thiện nghiệp ngay trong hiện tại và lấn lướt nên trổ quả xấu trong kiếp sống hiện tại, vậy ta đừng nghĩ là thiện ác không có quả báo và không có công bằng. Cho nên những người thường nói rằng tại sao tôi ăn hiền ở lành, tôi làm những điều phước báu những điều công đức nhưng vẫn gặp phải những tai ương thì trong trường hợp đó chúng ta đừng bao giờ nghĩ rằng thiện ác không có quả báo công bằng, mà là rất công bằng bởi vì trong quá khứ chúng ta đã tạo nghiệp ác quá mạnh còn ngay trong hiện tại thì chúng ta tạo việc thiện lơ là hay chưa đúng mức, chúng ta làm việc này với trạng thái tâm lý không đúng mức chưa đạt đến mức để khiến cho trổ quả trong hiện tại. Trước mắt chúng ta thấy những người vẫn sống trong hiền thiện mà gặp phải cảnh không tốt đẹp

Đời sống chúng ta cũng vậy, đừng nghĩ rằng thường xuyên làm phước thiện là đã xây dựng được hàng rào che chắn không rơi vào cạm bẫy, tai hoạ. Những kẻ phàm phu như chúng ta, sống trong cuộc đời có thiện ác lẫn lộn thì không thể cân lựợng được trọng lực của thiện và ác quá khứ thế nào nên hiện tại ta không an trú trong thiện pháp và quả bất thiện phát ra là vậy. Tuy nhiên, cũng đừng vì điều đó mà ta bỏ quên thiện pháp.

Trong đời sống hàng ngày của chúng ta khi an trú trong thiện pháp sẽ được an lạc, sẽ được hoan hỷ bởi vì với tư tưởng an lành sẽ giúp cho có đời sống an lành. Nói cụ thể hiện tại các chứng bệnh như trầm uất, cao huyết áp, đau đầu, stress, bệnh tim, gan, bộ máy tiêu hoá, các vị bác sĩ, các nhà khoa học cho biết phần lớn ảnh hưởng do tâm lý của bệnh nhân khi người ấy lo âu, suy nghĩ nhiều có thể làm rối loạn có thể gây bịnh tim mạnh, trầm cảm, cao áp huyết v.v...

Tất cả những sự lo âu, nghĩ ngợi, buồn bực, sự bất mãn đều là trạng thái tâm bất thiện. Khi chúng ta sống trong thiện pháp thì tư tưởng sẽ nhẹ nhàng, và chính do tư tưởng nhẹ nhàng thoải mái vô tư như vậy cho nên điều hoà được sắc tâm. 

Một người an trú trong thiện pháp suốt ngày và đêm người này cảm thấy nhẹ nhàng, cảm thấy hưng phấn, cảm thấy cuộc đời không có gì là khổ ải cả, nếu như người này an trú trong thiện, nếu họ quán xét về sự khổ thì họ chỉ thấy sự khổ trọng đại như là khổ sanh, khổ già, khổ bệnh và khổ chết, họ thấy sự khổ đó, chứ còn sự phiền muộn trong đời sống hàng ngày thì không có. Một sự lợi ích khác nữa là khi chúng ta an trú trong các việc thiện chúng ta làm, chúng ta đã có được một môi trường thuận lợi để cho thiệp pháp phát sanh lên, cho thiện quả trong quá khứ phát sanh lên.

Tuesday, February 25, 2014

Nếu khéo nghĩ khéo suy tư khéo vận dụng trí tuệ của mình thì chúng ta sẽ thấy giảm thiểu được rất nhiều sự phiền não

Hỏi: Nếu khéo nghĩ khéo suy tư khéo vận dụng trí tuệ của mình thì chúng ta sẽ thấy giảm thiểu được rất nhiều sự phiền não 

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Khi chúng tôi còn nhỏ có đọc một vài tác phẩm nói về đức điềm tỉnh. Đức điềm tỉnh là một đức được xem như nói lên phong thái của người trượng phu, của một người trưởng thành,của một người có giáo dục. Nhưng sau này chúng tôi nhớ lại khi đọc các bản kinh và so sánh quan niệm giữa đạo và đời thì chúng ta thấy rằng sự điềm tỉnh không đơn giản là một điều mà chúng ta có thể thực tập chỉ vì nhờ trí tuệ, mà ở đó cũng cần đến một sự thật là sự trưởng thành thấy biết cái gì nên làm ở trong trường hợp chúng ta phải đối diện bất ngờ với những tai họa của đời sống, đời sống này thì có trăm ngàn thứ bất ngờ. TT Viên Minh trong một bài viết trong quyển "Thư thầy trò" TT nói rằng cuộc sống của chúng ta giống như một người đánh tennis, chúng ta phải chuẩn bị cho những cú đánh bất ngờ và đừng đòi hỏi rằng ở trong cuộc đời này đến với chúng ta một cách lớp lang tuần tự. Phải nói rằng với những sự cố bất ngờ xảy ra trong đời sống con người của chúng ta dễ rơi vào một phản ứng hết sức là bản năng, không có chuẩn bị và không thể đối phó hợp tình hợp lý được, chúng ta thường hay hụt hẫn vì nhất thời không biết phải làm gì hơn.

Nếu chúng ta đi trên một con đường lầy lội. Ngày hôm nay, không biết có vị nào sống ở xứ người còn nhớ đến những con đường lầy lội của quê hương, chúng tôi xa quê hương đã lâu không biết những con đường đó còn lại hôm nay hay không, nhưng nhớ rằng lúc còn ở Việt Nam những khi trời mưa thì đường lầy lội, mang dép Nhật, dép đó đi đến đâu thì bùn văng lên ở phía sau và làm y áo phía sau cũng dính bùn, đi ở trên con đường lầy lội nếu giả xử như một người trợt té và làm văng nước trúng mình thì chúng ta có thể ngồi đó trách tại sao người kia vô ý làm sình vấy bẩn vào người của mình, nhưng mà rồi chúng ta lại quên đi một điều rằng bởi vì đi trên con đường lầy lội thì chuyện đó vốn rất thường xảy ra, đó không phải là lỗi tại mình không phải lỗi tại người mà là lỗi của sự luân hồi. 

Có ai sống trong biển trầm luân này mà có thể thoát khỏi được những hệ lụy của kiếp người, chúng ta có thể tìm thấy ý nghĩa này ở trong rất nhiều trường hợp từ hôn nhân cho đến xã hội cho đến những bối cảnh mà chúng ta gọi là cuộc sống hợp quần của đông đảo, người như trong một tổ chức, hay trong một cộng đồng, hoặc giả là trong một chợ đời cũng vậy. Chúng ta đi vào trong một buổi chợ thì ở đó có những điều được điều không được, và đó là bản chất thật sự của đời sống. 

Thì, có một khuynh hướng cố hữu trong mỗi chúng ta là đối diện với rất nhiều trường hợp, trong những trường hợp chúng ta không hài lòng, hay gặp phải một việc gì bực bội thì thường hay tìm một người để qui trách để đổ lỗi tại vì sự đổ lỗi đó có khi làm chúng ta hả dạ nguôi ngoai cơn giận. Như lúc còn nhỏ , nếu chúng ta chạy lỡ vấp phải ghế rồi té và người lớn thường lấy roi đánh vào cái ghế đó để làm hả dạ chúng ta. Chúng ta thường tìm một đối tượng một người nào đó để làm vật thế thân và trút cơn giận lên người đó. 

Nhưng với Đức Phật và với chư vị thánh nhân giải thoát thì thái độ đó là một thái độ rất trẻ con, làm sao có thể sống ở trong kiếp trầm luân như một người nhuộm vải mà tay không bị dính màu, làm sao mà tay không dính màu được, chuyện đó là chuyện chắc chắn phải có, đã lăn lộn ở trong cõi hồng trần này thì cái vui cái buồn cái phiền não là một việc chắc chắn không thể nào không có được. Điều này nó cũng soi sáng cho chúng ta một ý nghĩa rất quan trọng là cái thấy chân chánh nó dẫn đến giải thoát và sự giải thoát đó vượt xa tất cả những giá trị khác về đạo đức về luân lý về quả chứng. Cho dù mình ở địa vị nào, cho dù chúng ta là ai và cho dù chúng ta học thức đến đâu đi nữa mà cái thấy của chúng ta không được toàn diện, cái biết của chúng ta không được tinh xác, thì chúng ta rất khó tiêu hoá và rất khó để có thể đón nhận điều trái ý nghịch lòng, mà có thể chúng ta lại là một người tự mình là nạn nhân và làm cho người khác cũng trở thành nạn nhân của cái nhìn hết sức lệch lạc của cuộc sống.

Trong đời sống hàng ngày của chúng ta những người phàm nhân, nếu có ý thức thật sự trong sáng, thật sự rõ ràng thì chúng ta cũng sẽ hoá giải được rất nhiều phiền muộn . Có thể là chúng ta phiền muộn nhưng sau đó nếu khéo nghĩ khéo suy tư khéo vận dụng trí tuệ của mình thì chúng ta sẽ thấy giảm thiểu được rất nhiều sự phiền não bực bội bởi vì chúng ta nhìn vấn đề một cách thông suốt. 

Trong cuộc sống luân hồi này nói đến nghiệp quả phiền não, không những chỉ nói đến nghiệp quả phiền não mà nói đến bao nhiêu cái ràng buột chi chít của vòng sinh hoá mà trong vòng sinh hoá đó hoàn toàn mờ mịt với chúng ta. Nói một cách mang máng thì chúng ta là người tạo rất nhiều nghiệp ở trong quá khứ mà trong số nghiệp đó có cả nghiệp thiện lẫn bất thiện. Và dĩ nhiên,  nghiệp bất thiện nhiều hơn là nghiệp thiện. Nghiệp thiện thì thỉnh thoảng chúng ta mới có nhân duyên làm và việc bất thiện thì vô số. Chúng ta có cả một kho tàng vừa là tài sản vừa là thuốc nổ tai họa, chúng ta thừa tự cái nghiệp của mình tức là chúng ta kê vai gánh cả quá khứ một cái quá khứ mà không thể giải thoát dễ dàng được, và cái gì chúng ta đã tài bồi ở trong quá khứ dù là công đức dù là thiện nghiệp lớn đến đâu thì nó vẫn khó so sánh được với nghiệp bất thiện mà chúng ta đã tạo. Hãy nhìn trong đời sống hàng ngày, chúng ta có cả một quá khứ mà mình rất mơ hồ nhưng chúng ta tin chắc biết là có kiếp quá khứ, không phải một kiếp mà vô lượng kiếp quá khứ, với bao nhiêu nghiệp quả và nó sẵn sàng để trổ.

Một người hiểu như vậy thì người đó sẽ viễn ly thế gian và hướng cầu giải thoát. Sự hướng cầu giải thoát nói lên một ý thức rất rõ ràng về tại sao cuộc sống lại có nhiều hệ lụy như vậy, tại sao cuộc sống có nhiều thương đau như vậy. 

Monday, February 24, 2014

Trong kinh thường đề cập tới quả phúc của một người tu tập (như trì giới) là "tiếng lành đồn xa

Hỏi: Trong kinh thường đề cập tới quả phúc của một người tu tập (như trì giới) là "tiếng lành đồn xa".  Điều đó có thật sự đáng hoan hỷ với người tu tập?

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 15-1-2014, Minh Hạnh chuyển biên

TT Pháp Tân: Có hai loại phước: phước hữu lậu và phước vô lậu hay còn gọi là công đức hữu lậu và công đức vô lậu. Mục đích của Đạo Phật tu tập là để đạt đến sự giải thoát cứu cánh  phạm hạnh

 Và ở đây chúng ta thấy rằng, một vị hành giả tu tập trong cả trọn đời của mình hoặc là từ nhiều kiếp mình tu tập thì vị hành giả không ngừng bổ túc ba la mật, không ngừng nghỉ tạo các công đức thiện sự khi có được sự tinh tấn có được chí nguyện có được nhiều yếu tố phụ thuộc khác để vị ấy có thể thành tựu con đường phạm hạnh thì phải đòi hỏi cái vị đó trải qua nhiều công phu tu tập, nhiều pháp độ ba la mật được thực hành một cách trọn vẹn được vun bồi các thiện nghiệp trong đó bao gồm cả phước hữu lậu cũng như là phước vô lậu.

Chúng ta nói về một người giữ giới tốt đẹp thì có được 5 quả báu: thu hoặch được tài sản, tiếng lành đồn xa, dạn dĩ trước hội chúng, tâm được yên tịnh hoặc là sau khi lâm chung sanh vào cảnh giới an vui. 

Thì trong 5 quả báu có một điều là một vị giữ giới thì sẽ được tiếng lành đồn xa. 

Ở đây, giữ giới cũng có nhiều mức độ nhiếu cấp độ, bậc thượng, bậc trung rồi bậc hạ. Một vị tu tập trong đời sống phạm hạnh thì mục đích tu tập không phải chỉ thành tựu ở giới. Trong bài kinh "Lõi Cây" Đức Phật Ngài  có ví dụ là một người đi tìm lõi cây thì không phải là người đó chỉ thấy được vỏ cây, hay là giác cây ngoài, giác cây trong thì người đó thoả mãn  hay tự mãn với  điều mình có được, cũng như Đức Phật Ngài dạy không phải trì giới được tốt đẹp được mọi người ca ngợi  khen tặng rồi mình dừng lại ở tại đó, mà mục đích của người đi tìm lõi cây là tìm làm sao cho ra được lõi cây tức là đạt được cái cứu cánh của phạm hạnh, tức là thành tựu Giới Định và Tuệ. 

Và muốn tuệ có định thì vị đó phải thành tựu về giới. Nhưng giới không phải là mục đích cuối cùng mặc dù công phu của vị đó đạt thành tựu về giới là chúng ta thấy không phải là dễ dàng.

Một người thành tựu về giới thì có Tứ thanh tịnh giới:
 1) Biệt biệt giải thoát thu thúc giới.
2) Lục căn thu thúc giới.
3) Chánh mạng thu thúc giới .
4) Quán tưởng thọ vật dụng giới.

Thì vị đó thành tựu về giới nhưng khi thành tựu về giới vị đó không phải là thỏa mãn hay là tự mãn với những thành quả mình đã làm được cho nên người khác mà khen tặng thì chuyện đó là chuyện mà tất nhiên giống như câu người xưa họ nói: "Hữu xạ tự nhiên hương". Người giữ giới được được tốt đẹp hay tu hành tốt đẹp thì tự nhiên là tiếng lành đồn xa. Trong kinh Pháp Cú Đức Phật Ngài dạy: mùi hương của các loài hoa mùi hương bay ngát khắp phương nhưng cũng chỉ có giới hạn, nó chỉ tỏa ra một không gian nhất định nào đó thôi chứ không thể bay hết cả tứ phương không thể bay lên cõi trời. Nhưng, một người giữ giới trong sạch được trời người đều khen tặng hương đó bay tỏa khắp cõi trời cõi người ở đâu cũng có thể nghe dầu là vị đó ở thâm sơn cùng cốc, ở một nơi thâm sâu lắm không ai bước tới nhưng vị đó do giữ giới trong sạch tiếng thơm bay đồn vang bay lên cõi trời. Nhưng mục đích của vị đó không phải chỉ thành tựu ở giới  mà thành tựu ở định và thành tựu ở tuệ.

Mục đích của đời sống tu tập là đạt được cứu cánh phạm hạnh. Tu tập làm sao để loại bỏ phiền não. Thì căn nguyên của phiền não chính cội rễ đưa đến luân hồi. Nhưng, người tu tập thì làm sao tu để Giới và Định được tốt đẹp được thành tựu thì vị đó mới có thể cắt đứt được phiền não, thành tựu cứu cánh phạm hạnh.

Chúng ta thấy rằng khi nói đến 5 quả báu của người giữ giới trong đó có quả báu là được tiếng lành đồn xa. Các vị hiền triết, các vị thánh tăng thì thành tựu được giới ,còn đối với những người phàm tăng thì đã và đang làm cho mình được thanh tịnh thành tựu về giới, thì như vậy, con đường phạm hạnh không phải là dừng lại ở chỗ nào đó, hay là được người ta khen không phải vì vậy mà mình dừng lại, người ta chê cũng không phải vì vậy mà vị đó buồn, khen chê là việc của cuộc đời. 

Trong đời sống phạm hạnh là để làm sao đạt được thành tựu con đường phạm hạnh tức là nhờ tu tập Giới trong sạch, Định được viên mãn, Tuệ được viên mãn thì vị đó mới có thể thành tựu được cứu cánh phạm hạnh. Cho nên ở đây, với tiếng lành đồn xa giống như câu "hữu xạ tự nhiên hương" vị ấy không phải dừng lại ở chỗ đó mà ở chỗ là đi tìm lõi cây không phải tìm vỏ cây ở bên ngoài cũng không phải là tìm nhánh lá ở bên ngoài không phải là tìm cái giác ở bên ngoài, mà mục đích của vị đó là tìm lõi cây thành tựu được quả giải thoát trong tương lai mà một vị tu tập theo Đạo Phật muốn đạt được ./.

Sunday, February 23, 2014

Chúng ta nên làm quen với cách nhìn của Nhân Quả

Hỏi: Chúng ta nên làm quen với cách nhìn của Nhân Quả

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Chúng ta thường nghe trong nhân gian có một câu thành ngữ để chỉ một người có kiến văn quảng bác  "người thấy xa hiểu rộng". Một người thấy xa, giống như một người đánh cờ có thể thấy trước năm bảy nước cờ. Hiểu rộng, có nghĩa là có một kiến thức tầm cỡ thấy nhiều việc, học được nhiều môn, và có tiếp xúc rộng rãi trong cuộc đời. Một phương diện căn bản Đạo Phật nói đến một người trí là người thấy xa hiểu rộng, tầm nhìn của vị đó dựa trên tinh thần Nhân Quả. Tinh thần Nhân Quả là một điều cho chúng ta hiểu rằng những sự việc ở trong thế gian này không phải cái gì chúng ta nhìn trước mắt nghĩa là chúng ta hiểu hết câu chuyện. Cái mà chúng ta hiểu trước mắt chỉ là một phần câu chuyện mà thậm chí là hiểu một phần rất nhỏ của câu chuyện. Tương tựa như chúng ta nhìn một đóa hoa đẹp, đóa hoa đẹp đó có thể là muôn sắc muôn màu hết sức rạng rỡ, nhưng sự kết thúc của cái đẹp đó chúng ta không thấy được, đời sống của một kiếp người cũng vậy.

Tại Hoa Kỳ có ngành học gọi là Criminal Psychology tức là ngành học gọi là "Tội phạm học", trong những quyển viết về tội phạm học có ghi một trường hợp đó là những người có hành vi tội ác trong cuộc đời thường họ chỉ nghĩ đến cái vị ngọt, họ nghĩ đến cái gì gọi là khoái lạc, họ nghĩ đến cái gì làm cho họ thoả mãn. Như trường hợp chúng ta đang ấm ức trong lòng điều gì mà chúng ta có thể tuông ra hết những ấm ức của mình thì trong lúc đó chúng ta cảm thấy trong lòng rất là khoái, ở trong lòng rất là sung sướng để mình có thể tuông ra những lời nói mà mình vốn bình thường không bao giờ nói đến. Nhưng lúc  có thể nói hết, sau đó chúng ta lại hối hận là mình đã lỡ nói những lời như vậy. Hình như khuynh hướng chung của tất cả chúng ta là luôn luôn đi tìm một sự thỏa mãn ở giây phút nào đó.

  Không may cho những người làm những ác nghiệp là những người này nhất thời chỉ thấy được cái mặt ở bên ngoài, và ngay cả cái mặt đó đôi lúc người ta cũng không ý thức rằng cái tâm bất thiện để làm những việc bất thiện đó nó cũng nông nỗi, nó cũng nóng nảy, nó cũng phiền lụy không kém.

Do vậy một việc chúng ta phải ghi nhận ở tại đây là đối với những người ác cái nhìn của họ nó rất là hạn hẹp, rất là cục bộ, không nhìn xa chỉ nhìn thấy nhất thời cái gì trước mặt mà thôi. 

Nên chi, thì giờ nào chúng ta có được để suy tư và đặc biệt là để làm quen với cách nhìn của Nhân Quả, cách nhìn đó không phải chỉ có lợi cho đời này mà có lợi cả cho đời sau, nó là duyên lành rất tốt. Nếu trong cuộc sống này chúng ta tập bắt đầu sống suy nghĩ những gì liên quan đến Nhân Quả, chúng ta thấy được vị ngọt, thấy được nguy hiểm, và thấy được sự xuất ly, thấy vấn đề nó không phải chỉ có một chuyện mà thôi. Như một đứa nhỏ thấy lửa đẹp nó chỉ thích chơi với lửa nhưng không hiểu rằng lửa có thể tạo ra những tai nạn khủng khiếp. Còn khi chúng ta lớn lên rồi thì sự hiểu biết có chừng mực, vấn đề như vậy và bên cạnh đó nó còn có nhiều sự việc khác, chúng ta thấy cả một thế giới này có nhiều thảm kịch xảy ra chỉ vì đơn giản một điều rằng những người tạo nên thảm kịch đó họ chỉ thấy được phần thưởng nhất thời, và phần thưởng đó thật sự không đủ để cho họ phải trả cái giá như vậy.

 Nhưng vấn đề ở đây không phải là nghe đi nghe lại mà vấn đề ở đây là chúng ta có thể tắm gội ở trong những tư tưởng rất gần với lý Nhân Quả, những tư tưởng rất gần với lý Nhân Quả đó thắp sáng được ý thức và ý thức đó hết sức là quan trọng giữa kiếp người vốn nằm ở trong quên lãng này.

Chúng ta rất dễ bị lãng quên. Có nhiều trẻ em nhập cuộc chơi, mặt mày hí hửng và những giọt nước mắt vẫn chưa khô ở trên má là bởi vì cái vui cái buồn bất chợt, nó chợt đến chợt đi và em đó hoàn toàn không có ý thức được cái gì ở trong cuộc sống này. Ở một chừng mực nào đó thì chúng ta cũng vậy, chúng ta vẫn vui khi giọt nước mắt vẫn còn ở trên má của mình, chúng ta vẫn hào hứng nhập cuộc mặc dầu cái đau thương vẫn còn đó và cái đau thương đó vẫn vương vấn ở đâu đó trong tâm tư của mình. Và còn tệ hại hơn nữa là khoảng đường trước mắt đầy chông gai nguy hiểm nó cho chúng ta biết rằng sẽ có nhiều tai hoạ đang chờ đợi, nhưng chúng ta vẫn ưa thích, vẫn vui vẻ, vẫn có kỳ vọng để bước vào cuộc trầm luân. 

Phải thấy được điều này thì chúng ta mới thấy rằng tại sao một bậc thiện trí ý thức giữa cuộc đời này không bám víu vào trầm luân sanh tử,  không có cảm thấy rằng mình đang có thể ngủ yên trên đống lửa được. Là bởi vì sao? Bởi vì các vị đó có trí tuệ, hiểu được tại sao Đức Phật dạy rằng đời sống của chúng ta là đời sống bị phủ lấy bởi vô minh, bị phủ lấy bởi một màn đêm tăm tối mà trong đó chúng ta hoàn toàn biết rất ít về bước chân kế tiếp của mình, không biết bước chân đó đưa chúng ta xơ xảy vào một cạm bẫy xơ xảy vào một hố sâu, đạp trên đầu một con rắn độc, chúng ta hoàn toàn không biết được những bước đi sắp tới của mình và cái gì chúng ta biết được bây giờ đó là vị ngọt của đời sống.


Bởi vì có những người chỉ thấy được vị ngọt, có những người bình tâm hơn thì thấy rằng cuộc sống có vui có khổ nhưng trong cái vui cái khổ này chúng ta hoàn toàn mù tịt về một giải pháp. Cuộc sống hầu như không có giải pháp. Cuối cùng rồi chúng ta chỉ nói được một câu "trời kêu ai nấy dạ" là cuộc sống tới đâu thì hay tới đó chứ chúng ta không biết phải làm thế nào. 

Và một lần nữa chúng tôi nhắc qúi vị một điều rằng trong cái nhìn của một vị Giác Ngộ và trong Phật nhãn của Ngài, Ngài thấy rằng hầu như rất ít những vị tín đồ của các ngoại đạo được sanh về cõi trời, chỉ có một giáo phái duy nhất mà giáo phái đó dạy về Nghiệp, ở trong giáo pháp đề cập về Nghiệp có tín đồ tín đồ sanh thiên. Thì chuyện này là một chuyện rất dễ sợ. Nhưng phải nói rằng trong bất cứ một tôn giáo nào mà không có  căn bản về giáo lý Nghiệp Báo về Nhân Quả thì ở đó không có tín đồ sanh về cõi trời đừng nói chi đến giải thoát. 

Điều này là một điều chúng ta phải suy nghĩ và khi nói đến Nhân Quả thì chúng ta lại nói thêm một việc khác nữa là đề cập đến Nhân Quả, đề cập đến cái nhìn toàn diện về cuộc sống, thì cũng chính ở tại đó Đức Phật Ngài cho chúng ta hiểu rằng mỗi con người phải tự chịu trách nhiệm về hành động của mình.

Và câu nói người ta thường đề cập đến ở bên ngoài là đạo nào cũng dạy làm lành lánh dữ, nhưng làm lành lánh dữ mà vì giáo điều, vì đó là điều răn thì nó khác với làm lành lánh dữ là do dựa trên tinh thần Nhân Quả. Tinh thần Nhân Quả cho chúng ta một ý thức khác hoàn toàn. Đôi lúc qúi vị nhìn thấy quan niệm Nhân Quả ở đây không có hình dáng của Phật, không có hình ảnh của Thượng Đế, không hình ảnh của thần linh, không có quyền phép thưởng phạt.

 Hình ảnh Nhân Quả mà Đức Phật nói ở đây rất giản dị nhưng rất là thiên nhiên, trong cái tự nhiên đó Nhân và Quả như là một định luật như là một điều tự nhiên, không có một vị phán quan, không có một sự phán xét nằm ở giữa, và tinh thần Nhân Quả đó không nói đến một ngày đại thẩm phán, một ngày phán xét của lúc tận thế, mà Nhân Quả ở đây là nhân quả nhãn tiền chúng ta có thể thấy được Nhân Quả đó cũng có thể là Nhân Quả mà nó để lại cả một hậu quả lớn lao về sau này. Nên khi nói về nghiệp nói về Nhân Quả thì khôn cùng, chúng ta không bao giờ có thể hiểu hết vấn đề Nhân Quả trong đời sống này và hiểu như vậy chúng ta trở nên khiêm tốn, hiểu như vậy chúng ta thấy rằng tại sao chúng ta cần đến Phật, hiểu như vậy chúng ta mới thấy tại sao chúng ta cần những giờ phút để chúng ta có thể nghe pháp để chúng ta có thể suy niệm Phật pháp.

Saturday, February 22, 2014

Câu "tướng tùy tâm sinh" có đúng theo tinh thần của Phật Pháp chăng?

Hỏi: Câu "tướng tùy tâm sinh" có đúng theo tinh thần của Phật Pháp chăng?

(Câu hỏi được hỏi trong rơom Diệu Pháp , Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng giảng: Đây là câu chúng ta thường nghe quí Thầy, đặc biệt là quí Thầy ở các ngôi chùa miền Trung nói rất nhiều. Khi người ta đề cập đến câu " tướng tùy tâm sinh", thì đa phần chúng ta nói đến sự liên hệ mật thiết giữa điều gì gọi là tánh hạnh ở bên ngoài và đời sống nội tại ở bên trong của chúng ta, hai điều đó ảnh hưởng trực tiếp với nhau.

Như người ta nói ở ngoài đời có câu nói là "văn tức là người", điều gì để trên giấy mực mà chúng ta diễn đạt bằng ngôn ngữ, thì ngôn ngữ đó, giòng chữ đó, văn chương đó nói lên cá tính của con người, do vậy người ta dùng điều này như một luận cứ để nói rằng tánh hạnh ở bên ngoài là biểu chưng cho trong lòng. Nếu ở bên ngoài chúng ta uy nghi, tế hạnh, cách đi, cách đứng, cách ăn, cách nói hết sức tế nhị tốt đẹp, thì ở trong đời sống nội tại của chúng ta cũng tốt đẹp như vậy, tuy nhiên đây là vấn đề chúng ta phải đặc câu hỏi, bởi vì hình thức ở bên ngoài đôi khi chúng ta không có đủ để lượng đựng hết ẩn ý ở trong lòng.

Có những người rất khéo, và họ rất khéo đóng kịch, chúng ta lấy ví dụ những diễn viên điện ảnh chẳng hạn, có thể ở bên ngoài hay một cách nào đó thì họ cho chúng ta những ấn tượng rất đẹp, nhưng rồi cuộc sống nội tại của họ, có bao nhiêu thứ hết sức là nhiêu khê, hết sức là rắc rối, hết sức là phiền toái chứ không như ở bên ngoài. Và chúng tôi cũng được biết rằng, có nhiều người viết văn rất hay, văn rất trong sáng, nhưng đời sống nội tại của họ đầy rãy những gúc mắc. Một số các thi sĩ khi họ viết những giòng chữ liên quan đến thi ca, họ viết điều đẹp, điều tác kiệt, nhưng đời sống của họ rất ích kỷ, ích kỷ đến độ tàn nhẫn và chúng ta được biết như vậy.
Hãy nói đến Victor Hugo là một thi hào của Pháp, ông có những vần thơ bất hủ dành cho không phải những người đương thời, mà cả bao nhiêu thế hệ về sau này. Nhưng phải nói rằng đời sống của ông có nhiều khuyết điểm rất lớn, ví dụ ông là người rất bủn xỉn, và tính toán từng xu từng cắc với một người tình mà đem trọn vẹn tình cảm dành cho ông. Hoặc giả Victor Hugo là một người mà đã có lúc ông mơ ước rằng người ta dùng tên của ông để đặt cho thành phố Paris, dùng tên của ông đặt cho con đường Saint Elysée. Và phải nói rằng khi chúng ta nói như vậy, thì Victor Hugo không phải là một người có thể thể hiện được hoàn toàn vẻ đẹp của văn thơ của ông, mặc dầu lời văn của ông rất chau chuốt, rất diễm lệ, rất đẹp.

Và rồi nếu có vị nào có dịp đọc tiểu sử của ông Leo Tolstoy một văn hào khác của Nga, mà chúng ta được biết qua những tác phẩm như "Chiến Tranh và Hoà Bình" chẳng hạn, phải nói rằng đời sống của ông có nhiều đầy dãy những sự mâu thuẫm, mâu thuẫn giữa trong và bên ngoài, ông hô hào bãi bỏ nô lệ, nhưng những điền trang mênh mông của ông thường muớn rất nhiều những người nô dịch làm việc, ông là người chống đối rất mạnh về sự có mặt của người đàn bà trong cuộc đời, nhưng người ta nói rằng ông Leo Tolstoy không thể sống một ngày mà không có đàn bà. Ông cũng nói rất nhiều về bao nhiêu thứ mà người ta tôn sùng ông như bậc thánh, tuy nhiên đời sống của ông có rất nhiều phức tạp, và phải nói rằng ông Leo Tolstoy là người sống với muôn ngàn sự mâu thuẫn.

Thì bây giờ câu người ta nói "tướng tự tâm sinh" nó chỉ có đúng ở một phương diện là như vầy, là thường thường nó chiêu cảm đời sống bằng cách này hay cách khác, nhưng chúng ta đừng quên rằng có đôi lúc, nội tâm một con người hoàn toàn không giống như ngoại hình của họ. Ngoại hình của họ vốn là do nghiệp ở quá khứ, một nghiệp nào đó chi phối, như Bucatara bị lưng gù là do nghiệp ở quá khứ có một lời nói khinh xuất, phạm thượng, tuy nhiên Bucatara có một nội tâm rất trong sáng, và là một người trí tuệ phi thường, đã được Đức Phật Ngài khen ngợi, và đã để cho chúng ta những tác phẩm rất có giá trị .

Phải nói rằng trong cách nói đại loại thì ngoại hình nói nên rất nhiều về tánh chất của nội tại, tuy nhiên chúng ta không lấy điều đó để làm một điều câu chấp, nghĩa là đặt tuyệt đối quá. Có những con người tuy rằng ở bên ngoài, mới nhìn thì chúng ta không có thiện cảm, không thấy họ có vẻ đẹp khả ái, nhưng họ có một tâm hồn rất dễ mến, có những con người thì ngược lại ở bên ngoài của họ thì hết sức là đáng cho chúng ta để ý, nhưng trong lòng họ thì trống rỗng, việc đó chúng ta gặp rất thường.

Và ý tưởng gọi là võ đoán, hay ý tưởng chúng ta nhận định một cách vội vã thì rất dễ dẫn cho chúng ta đến cái nhìn tai hại. Câu trả lời là như vậy
. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Friday, February 21, 2014

Ngoài con đường thiền định phải chăng không có phương pháp nào để diệt trừ tam độc tham sân si để có sự giải thoát trong đạo Phật ?

Hỏi : Ngoài con đường thiền định phải chăng không có phương pháp nào để diệt trừ tam độc tham sân si để có sự giải thoát trong đạo Phật ? 

(Câu hỏi được hỏi trong rơom Diệu Pháp , Minh Hạnh chuyển biên)

TT Tuệ Siêu trả lời : Nếu chúng ta nói chữ thiền định, chữ thiền Chana hay gọi là thiền na là chúng ta nói theo nghĩa chung,là ý nghĩa rất thoáng, như là tư tưởng thiền, hành thiền thì như vậy, ngoài phương pháp thiền định sẽ không cọ̀n con đường nào khác để diệt trừ tham sân si đưa đến sự giải thoát cả, nhưng nếu ở đây nếu ta dùng ý nghĩa thiền với một ý niệm là sự tu tập thiền chỉ, tu tập thiền quán, thì chúng ta chỉ giới hạn trong việc tu tập thiền định bằng những án sứ, bằng những thiền án Tứ Niệm xứ, hoặc là những công án thuộc về nghiệp xứ, như mười đề mục Kasina chẳng hạn.

Thì khi chúng ta giới hạn chữ thiền định trong những đề mục như thế, chúng ta có thể nói rằng ngoài con đường thiền định này, vẫn có thể với một phương pháp khác, với một pháp môn khác để chúng ta có thể diệt trừ phiền não tam độc tham sân si đưa đến sự giải thoát, điều này chúng ta có thể đọc qua bài kinh Sabbàsava sutta kinh Nhất Thiết Lậu Hoặc ở Trung Bộ Kinh quyển một.

Ở đây những phiền não lậu hoặc cần được đoạn trừ bằng bảy cách, tức là đoạn trừ bằng tri kiến, tức là không tác ý đến chuyện không đáng tác ý, mà chỉ tác ý đến những gì cần tác ý. Một người có trí tuệ tri kiến chân chánh, không phải bận rộn, không phải tác ý đến những vấn đề không đáng, như là suy nghĩ về có tự ngã hay không có tự ngã v.v... trong trường hợp đó với tri kiến thẳng tiến như vậy, thì người này có thể đoạn trừ được các lậu hoặc phiền não, trong các lậu hoặc phiền não đó thì tham si là chủ yếu.

Chúng ta có thể đoạn trừ phiền não bằng sự pḥòng hộ tức là gìn giữ chánh niệm khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần.
Có thể đoạn trừ phiền não lậu hoặc bằng cách thọ dụng, nghĩa là khi thọ dụng bốn món vật dụng ăn mặc ở bịnh thì có sự chi túc, và có sự quán tưởng một cách đúng pháp. 
Có thể đọan trừ phiền não lậu hoặc bằng sự kham nhẫn, tức là khi gặp hoàn cảnh trái ý nghịch ḷòng, cảm giác khó chịu về thân tâm thì có sự chịu đựng có sự kham nhẫn, điều này cũng có thể giúp cho đọan trừ được các lậu hoặc phiền não. 
Hay là đọan trừ bằng cách tránh né, tức là những nguyên nhân nào, những điều kiện nào, những môi trường nào có thể gây cho ác bất thiện pháp sanh khởi thì mình né tránh đi, như vậy thì mình cũng có thể đoạn trừ được những lậu hoặc phiền não. 
Hoặc là có thể đọan trừ bằng cách là trừ diệt, có nghĩa là không chấp nhận cho những dục niệm, sân niệm, hại niệm, tức là không cho ba tà tư duy sanh khởi, diệt trừ chúng ngay trong mầm móng, tức là vừa khi khởi lên, hay là có một mầm móng sắp sanh khởi thì phải đoạn trừ đi, như vậy nhờ đó các lậu hoặc phiền não được đoạn trừ.
Và đến phương pháp thứ bảy, pháp môn thứ bẩy mới là đoạn trừ bằng sự để tu tập. Có nghĩa là tu tập theo bảy giác chi, bảy giác chi đó là tánh chất hay phẩm cách của thiền định và khi tâm tu tập như vậy sẽ làm các phiền não lậu hoặc được đoạn trừ. Ở đây thưa quí vị, pháp môn Đức Thế Tôn thuyết giảng có rất nhiều, và khi chúng ta tu tập trong giáo pháp này, thì chuyện tu tập này ở tùy theo vị trí nào, tùy theo căn cơ chứng đạt được, Khi một vị Tỳ kheo Ni nhìn thấy những giọt nước rơi từ trên tay vị ấy rửa mặt và những giọt nước đó rơi xuống giòng nước và tan biến, vị này cảm nhận được tánh cách vô thường cũng có thể chứng ALaHán được. Khi một vị Tỳ Kheo thấy đám lửa cháy và hễ lửa đi tới đâu thì càng quét và thiêu sạch cây cỏ lớn nhỏ, thì vị Tỳ Kheo này suy xét thấy được như vậy, khởi lên tri kiến chân chánh và đoạn trừ những kiết sử lậu hoặc lớn nhỏ và chứng AlaHán. Hay nàng Tỳ Kheo Ni Tisa Gotami khi nhìn thấy ngọn nến chập chờn, ngọn lửa chập chờn trên đầu cây nến và vị này đem tâm quán xét thấy sự bấp bênh, sự tạm bợ, sự mỏng manh của kiếp sống này và vị đó chứng được quả AlaHán v.v.. có những trường hợp như vậy.

Cho nên chúng ta không thể nào bỏ qua những chi tiết đó, có như vậy thì chúng ta mới yên tâm được trong việc tu tập. "Đường nào cũng đến La Mã cả, nếu chúng ta đi" đó là một câu châm ngôn của phương Tây. Thì chúng ta nên biết rằng, chúng ta ở góc độ nào ta sẽ hành theo góc độ đó, có đôi khi phải sử dụng chi kiến để đoạn trừ, chỉ tri kiến chúng ta đoạn trừ cũng được, hay bằng sự kham nhẫn, bằng sự né tránh, bằng sự tìm diệt cũng được, bằng sự tu tập, bằng sự pḥòng hộ, bằng sự thọ dụng cách nào chúng ta cũng diệt trừ được. Nhưng khi chúng ta thực hành, thì tất cả đều phải nói rằng, chúng ta nên tập trung vào một lý duy nhất là tư tưởng thiền quán, tư tưởng thiền quán đó là quan trọng , bởi vì khi chúng ta né tránh, hay chúng ta có chánh niệm, hay là chúng ta phọ̀ng hộ , hoặc chúng ta thọ dụng, chúng ta cũng phải đều sử dụng tâm thiện và tác ý một cách chân chánh vào đề tài và khởi lên trí tuệ. Trí tuệ tu tập như thế sẽ thành tựu sự giải thoát.

Ở đây chúng ta nói như vậy để chúng ta có một lối thoáng, thoáng một chút là trong con đường chúng ta đi, chúng ta không phải lo sợ là phải đi qua cổng rào, một cửa ngõ rồi mới đi được, mà chúng ta có thể đi bằng những ngõ ngách nào cũng ra được con đường cái, thì ở đây chúng tôi chỉ xin được góp ý kiến như vậy và chắc chắn là có một điều quí vị sẽ cọ̀n có sự thắc mắc nữa, nhưng và ở đây chúng tôi không có thời gian để trình bày, đó là điều Đức Thế Tôn tuyên bố về Tứ Niệm Xứ,và Ngài tuyên bố rằng đây là con đường duy nhất để dẫn đến Niết-bàn, để dẫn đến sự giải thoát, đoạn tận khổ ưu, đọan tận tham ái ưu bi ở đời.

Thì khi chúng ta nghe nói như vậy, mà chúng tôi lại trình bày cách này quí vị sẽ có một sự nghi vấn khác, chúng tôi biết rõ là như vậy. Nhưng điều đó không sao cả khi nào có dịp thì chúng tôi sẽ trình bày trên tinh thần học hỏi và làm sáng tỏ những vấn đề thuộc về pháp, đó là một điều mà chúng tôi hết sức là hoan hỷ, và chúng tôi sẽ hẹn với quí vị một dịp nào cùng với Chư Tôn Đức để giải lý vấn đề này cho quí vị. Và bây giờ chúng tôi xin kết thúc câu trả lời ở đây. Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật 

Thursday, February 20, 2014

khi nghe người ta chửi mình, người ta đánh mình, người ta đập mình mà mình nói được lời từ bi hay có hành động từ bi được hay không?”

Hỏi: Có thể nào, khi nghe người ta chửi mình, người ta đánh mình, người ta đập mình mà mình nói được lời từ bi hay có hành động từ bi được hay không?”

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên)

TTTuệ Quyền: Chúng ta còn phàm thì chúng ta có những cách phản kháng lại. Nhưng nếu chúng ta tu tâm  thực nghiệm lời Phật dạy thì chắc chắn rằng chúng ta sẽ có cách hành xử khác hơn, phù hợp hơn để giữa chúng ta và người hại mình cảm thấy đứng dậy, cảm thấy ra về không cảm thấy thua thiệt, không cảm thấy bực tức nữa. Chúng tôi nghĩ rằng mình sẽ cố gắng thực hiện bằng cách vậy thôi. Chứ quả nhiên khi mình nghe câu nói này, kẻ thù đem hại  kẻ thù. Tức là người ta gây hại mình, thì chắc chắn mình hại lại phải không? 

Trong đời sống thường nhựt của con người như cha mẹ làm thì con chịu. Như trong phim kiếm hiệp chúng ta thấy hễ người ta giết thì người ta giết hết không chừa bất cứ cái gì. Tinh thần phong kiến hồi xưa tru di tam tộc vì người ta sợ mầm móng về sau trả thù. Cho nên không còn một cơ sở nào, một chủng tử, phần tử nào có thể là mầm móng có thể lật đổ lại. Cũng như vậy đó. Theo nghiệp duyên của Phật Pháp thì chúng ta thấy tất cả chúng sanh đều có nghiệp riêng, có điều lành, điều tốt của cá nhân họ, không ai có thể hại họ được. Sự thật, khi chúng ta hiểu Phật pháp, chúng ta tin nghiệp quả, chúng ta mới nghiệm lại. Bây giờ người ta hại mình, mình hại lại người ta có được hay không thì đó cũng là cái nghiệp của người ta thôi.

Thí dụ hôm nay chửi tui, tui chửi lại quí vị nhưng quí vị chửi một cách rất  khôn khéo. Mình liệu mình chửi được như vậy hay không? Hay người ta đánh mình một cái mình có tình huống mình đánh lại người ta hay không? Nhưng trên tinh thần của Phật, nhiều khi người ta đánh mình rồi người ta bỏ đi mình không bao giờ gặp lại. Thì sao đây? Chúng tôi muốn nói cái nghiệp của mình. Khi người ta hành động ác không phải nghiệp ác trả liền nhưng chắc chắc rằng hễ mà nhân tác động. Nghiệp tức là tư, tư hành động. Hành động ở đây có thể là thân hành động, khẩu hành động, ý hành động, chắc chắn gây nên nghiệp.

Là người Phật tử thì dù cho người ta có chửi mình, mắng mình, có hại mình thì chắc chắn thì tự người ta ôm. Mình không trả thù thì chắc chắn sẽ có nghiệp ác xảy đến cho họ. Vì chỗ này cho nên chúng tôi nghĩ rằng người Phật tử mình phải hiểu và có cái nhìn tổng quát hơn. 

Và chính ở gốc độ khác hơn đối người Phật tử như hồi nảy chúng tôi đã nói là trả thù. Mình trả thù mà cái nghiệp người ta không chết thì không bao giờ người ta chết được. Mà khi người ta không chết được thì sao? Thì chính mình đã mang thêm một nghiệp ác nữa, mình cũng tạo nên cái nhân mới nữa bởi chính mình. Rốt cuộc mình chưa hại được kẻ thù của mình, mà mình lại chính là kẻ thù của chính mình rồi. Chính mình đã tạo các nghiệp ác. Đó là câu trả lời của chúng tôi cho câu hỏi này./.

Wednesday, February 19, 2014

Nếu phát triển sự tập trung bằng một số sở thích như làm vườn, viết thư pháp ... có giúp ích cho sự tu tập chăng?

Hỏi:Nếu phát triển sự tập trung bằng một số sở thích như làm vườn, viết thư pháp ... có giúp ích cho sự tu tập chăng?

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 15-1-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Tuệ Siêu: Mặc dù, việc một vị tu sĩ khi chú tâm vào việc gì đó thì cũng được xem như là một sự cột tâm không cho trôi dạt. Nhìn thoáng qua, chúng ta tưởng chừng như điều đó cũng lợi ích như thiền định, nhưng thật ra thì điều này cũng chưa phải là một sự  tu tập tối thượng. 

Sở dĩ chúng tôi nói như vậy. Ở đây, chúng tôi giả dụ như tập trú vào công việc săm soi cây kiểng chẳng hạn, điều đó không phải là không có phóng dật. Bởi vì khi săm soi kiểng nếu nói về việc thì việc này không tệ hại bằng việc chúng ta chạy theo danh lợi. 

Nhưng sự tập trú này không đem lại lợi ích như là thiền định trong Phật Pháp phải vừa có  Chánh Niệm vừa  có Tỉnh Giác. Chánh Niệm  và Tỉnh Giác nằm trên cơ sở tâm định, ở đây ba thuộc tính Chánh Định, Chánh Niệm và Tỉnh Giác này gắng liền với nhau. Bởi vì tịnh tâm sở thuộc về sở hữu thuộc về tâm sở biến hành, biến hành tâm, rồi hễ là tâm thiện, tâm có chánh niệm thì niệm đó cũng là biến hành tịnh hảo. Rồi khi có tỉnh giác là có tưởng trí tuệ có tâm sở biến hành, ba điều này định, niệm và tuệ đi chung với nhau thì mới có lợi ích.

 Lợi ích như thế nào? Là sự tập trung tư tưởng như vậy nhờ có trí tuệ tỉnh giác mới nhận ra được chân tướng hay là bản thể của pháp hữu vi là Vô Thường, Khổ và Vô Ngã, như vậy mới đoạn trừ được phiền não. Còn nếu như chỉ tập trú vào công việc như công việc trồng kiểng chẳng hạn thì chỉ giới hạn trong một khuôn khổ là không bị danh lợi chi phối nhưng vẫn có sự đắm nhiễm ở trong đó, khi nghe có cây kiểng thấy đẹp thì say mê thì trong trường hợp đó có tánh đắm nhiễm.

Lý do thứ hai, chúng tôi nói ở đây là việc tập trung bằng những sở thích làm việc này việc kia là không cần thiết để hổ trợ cho việc tu tập. Bởi vì khi tập trú vào công việc như vậy thì có những loại tùy phiền não mình không đoạn trừ được, bởi vì không có tác ý đoạn trừ cho nên không đoạn trừ được, mà không đoạn trừ phiền não được thì lúc bấy giờ nội tâm cũng trở nên cấu uế chứ không có thanh tịnh được. Bởi vì không có tuệ quán trong công việc cho nên không có tẩy sạch được phiền não như Đức Phật Ngài đã trả lời cho dạ xoa Alavaka khi dạ xoa Alavaka  hỏi Đức Phật rằng: "làm sao được thanh tịnh"  thì Đức Phật lời: "Nhờ trí tuệ mà được thanh tịnh". Cho nên ở đây vấn đề thứ hai về việc tập trú này không giúp ích cho sự  tu tập để giác ngộ đạo quả.

Lý do thứ ba, đã gọi là sở thích thì sở thích đó được nuôi dưỡng bởi dục tham và như vậy khi  có được một sở thích như thế cũng không phải là một phương pháp để tu tập hoàn chỉnh. Cho nên việc tập trung vào một sở thích điều đó chúng ta nói một cách thông thoáng thì chúng ta nói có thể dùng tạm được trong một vài trường hợp dĩ độc trị độc. Thí dụ như khi lợi đắc và cung kính đến và vị hành giả cảm thấy rằng nhất thời khó có thể kềm chế được tâm tham, tâm tham bị cuốn theo lợi đắc thì vị hành giả vị tỳ kheo tu tập nghĩ đến cách là làm sao để mình quên đi cái lợi đắc cung kính đó bằng cách tập cho mình tập trung vào sở thích như làm vườn hay viết thư pháp hoặc làm thơ chẳng hạn, điều này cũng như là một phương pháp để cấp cứu hay sơ cứu cho một chứng bịnh. Như vậy thôi. Nhưng sau đó đừng để tâm nhiễm đắm say mê bởi vì những phận sự sa môn còn nhiều chuyện phải làm khác nếu như chỉ tập trung vào sở thích đó và bị chi phối như vậy thì không phát triển được Định và Tuệ. Cho nên ở đây nếu có chăng là chúng ta chỉ dùng tạm để chúng ta tạm quên lãng cái kia.

Ở đây, trường hợp này cũng có khi Đức Phật Ngài sử dụng  trong các đệ tử như trường hợp Đức Phật Ngài nhiếp phục tỳ khưu Nanda. Tỳ khưu Nanda nguyên là em cùng cha khác mẹ với Đức Phật. Trong ngày Thái tử Nanda làm lễ thành hôn thì ở trong hoàng cung có thỉnh Đức Phật về để chứng minh và mọi người cúng dường nghe pháp. Khi ra về Đức Thế Tôn đã trao bình bát cho Thái tử Nanda ôm bình bát đi theo Ngài và khi Thái tử ôm bình bát đi theo Đức Phật thì ở trên lầu Công chúa  Janapada Kalyani đã nhìn xuống và nói những lời ngọt ngào âu yếm bảo Thái tử hãy trở về thì lúc đó Thái tử Nanda tâm bị nhiễm đắm nhưng vì kính trọng Đức Phật cho nên ôm bát đi theo định đến cổng thành Đức Thế Tôn sẽ thu bát lại nhưng mà ra đến cổng thành Đức Thế Tôn vẫn yên lặng bước đi Nanda phải đi theo chân Đức Phật cho đến vườn ngự uyển là nơi Ngài tạm lưu ngụ,  và khi đó Đức Phật Ngài khuyên Nanda nên đi xuất gia. Vì Đức Thế Tôn Ngài biết được Nanda có duyên lành kiếp này là kiếp chót chứng Alahan quả nên Đức Phật Ngài khuyên đi xuất gia. Sau khi xuất gia xong thì Nanda không thể nào yên tâm tu tập được bởi bận lòng với hình bóng của vị hôn thê vừa mới cưới nên Nanda chán nản muốn bỏ cuộc tu lúc đó Đức Thế Tôn Ngài muốn trị bịnh này Ngài đã đưa Nanda đi tham quan ở trên cõi trời Đao Lợi và cho Nanda thấy được sự kiều diễm xinh đẹp của những nàng tiên nữ, lúc đó Nanda đã so sánh sắc đẹp của những nàng tiên nữ này với Công chúa Janapada Kalyani   thì Đức Phật Ngài hứa rằng: "nếu ngươi chịu tinh tấn nỗ lực tu tập thì sau khi  mệnh chung cũng sẽ được sanh về cõi trời có cả ngàn tiên nữ như vậy hầu hạ." Nanda nghe như vậy mới có sự hoan hỉ phấn khởi trong việc tu tập nhưng rồi trong sự nỗ lực lúc ban đầu nhằm để có được các tiên nữ, Nanda đã làm đối tượng cho chư Tỳ kheo Tăng các vị Tỳ kheo thường hay gọi Nanda là người tu tập để được sanh về cõi trời làm chồng của các tiên nữ. Chọc ghẹo như thế Nanda cảm thấy hổ thẹn nên đã gát lại ý tưởng mong mỏi sanh về cõi trời và nỗ lực chuyên tâm hành sa môn pháp và chẳng mấy chốc chứng quả Alahan. Khi đã chứng quả Alahan rồi thì Tỳ kheo Nanda đã đến xin với Đức Phật rút lại lời hứa lúc trước Đức Phật bảo rằng: "khi ngươi thành tựu được quả vị đoạn lậu giải thoát thì lời hứa của Như Lai không còn giá trị nữa". 

Trong Pháp Cú Kinh mô tả thuật lại câu chuyện này rất chi tiết, ở đây chúng tôi muốn nhắc điểm này để cho chúng ta thấy rằng là có những trường hợp để đạt đến mục đích cao hơn thì Đức Phật Ngài cũng phải dùng phương tiện gợi cho người này họ hướng tâm làm sao để say mê cái sở thích khác để mà quên đi phiền não hiện tại để phá đi cái phiền não hiện tại đắm nhiễm ở cõi người v.v... rồi sau đó những việc khác xảy ra tuần tự và cuối cùng thì vị đó đã khắc phục được nhược điểm của mình và chứng đạo quả. 

Thì trong trường hợp này chúng tôi muốn nói rằng nếu khi chúng ta mới xuất gia vào trong Phật Pháp có quá nhiều sự phiền não có thể làm tâm bay nhảy đi các cảnh trần ở bên ngoài như sắc đẹp tiếng hay mùi thơm vị ngon xúc lạc. Vì vậy nếu vị này có bản lĩnh thì vị này nghĩ rằng tạm thời hãy chấp nhận một sở thích mà sở thích đó có thể cột tâm lại và không phan duyên trần cảnh bên ngoài rồi sau đó mới bắt đầu tính tiếp thì vị này nghĩ vậy và trông vào sở thích như là làm vườn hoặc là viết thư pháp hay làm thơ chẳng hạn rồi sau khi định tâm rồi nghĩa là không có thiết tha với ngoại cảnh danh lợi. Thì ở đây, trên phương diện này chúng ta thấy rằng cũng có lợi điểm giúp ích cho sự tu tập nhưng đừng quá chi phối vào công việc đó mà bỏ quên những phận sự của mình là phận sự pháp học và pháp hành. Nếu như vậy thì cũng như khi chúng ta bị bịnh có những cơn đau khởi lên bây giờ để vượt qua coon cơn đau đớn đó người ta phải tiêm vào bịnh nhân những mũi thuốc có chất á phiện để làm giảm cơn đau nhưng đó chỉ là nhất thời để làm cho bịnh nhân bớt sự đau đớn, điều này không có nghĩa là thuốc trị dứt bịnh mà chỉ là tạm thời ngăn chặn việc đau đớn thôi rồi người thầy thuốc họ phải biết cách để khống chế những cơn nghiện do loại thuốc có chất á phiện. Nhiều lúc có nhiều vấn đề giống như sự tu tập của chúng ta vậy cho nên nếu một người Phật tử chúng ta biết cách tu tập biết hành động thì thấy như vậy nhưng không phải là như vậy thấy chúng ta vẫn có những sở thích nhưng lấy những sở thích đó để cưu mang những đam mê nguy hiểm khác và cái sở thích này phải sớm từ bỏ để làm những phận sự tu tập nó tốt đẹp hơn hoàn thiện hơn ./.

Tuesday, February 18, 2014

Một người tu thiền cần biết 5 đặc điểm của con voi.

Hỏi: Một người tu thiền cần biết 5 đặc điểm của con voi.

(Câu thảo luận trong lớp Phật  Pháp Buđdhadhamma ngày 11-2-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Ngày xưa chúng tôi có ở với Ngài Taungpulu một thời gian, Ngài là vị Thầy tế độ cho chúng tôi tu Tỳ kheo và đồng thời Ngài cũng là một vị dạy thiền. Ngài hay nói về năm pháp của con voi. 

- Đặc tính thứ nhất. Ngài dạy người tu thiền thì nên có thái độ tương đối rất nặng tay đối với phiền não. 

Ở đây, chúng ta có cảm tưởng con voi những cái chân của nó rất mạnh, con voi  nó đi dẵm đạp lên cỏ thì cỏ rạp xuống, chỗ nào nó đạp thì cỏ lún xuống tại vì cái thân nó nặng. Thì thái độ mạnh tay ở đây Ngài nói:  ở trong kinh nói rằng khi niệm bất thiện khởi lên thì mình phải dẹp bỏ  liền nếu mình chần chừ để thì nó sẽ lan rất nhanh. Ngài nói thái độ của người tu thiền phải mạnh mẽ phải mạnh tay đối với phiền não. Thí dụ như là mình có sự nghi ngờ ai hay trong lúc hành thiền tâm mình nó nhớ nghĩ hay giải đãi hay nói chung là cái gì phiền não thì mình phải xóa nó đi liền, mình đừng có nói chuyện với nó, đừng có vuốt ve nó, đừng có chiều chuộng nó, đừng để cho phiền não nó làm tới. Ngài nói thái độ này là thái độ con voi dẵm lên cỏ thì cỏ bị đè bẹp. Thì điều đó nói lên cái quyết định tánh của hành giả rất là mạnh mẽ đối với phiền não.

- Và đặt tính thứ hai. Ngài có đề cập con voi khi nó nhìn thì nhìn bằng nguyên cả thân hình của nó chứ không phải là liếc qua liếc lại. Chuyện này mình hiểu, ở trong sinh vật học vì con voi luôn nhìn bằng hai con mắt và hai con mắt của nó thì khi nó tập trú thì nó phải hướng nguyên cả cái đầu nó chứ không phải nó liếc qua con mắt tại vì cái sóng ở giữa của nó dài hai con mắt hai bên thành ra khi nó tập trung thị lực của nó bắt buột nó phải nhìn bằng toàn thân. 

Thì ở đây, Ngài Taungpulu Ngài cũng đề cập đến, đối với hành giả những cái nhìn, những cái khuynh hướng cái chủ chương của đời sống phải mang tính gọi là toàn bộ.

 Lấy một ví dụ như mình ngồi ăn cơm, vừa ăn cơm vừa coi báo thì cái đó gọi là vừa làm cái này vừa làm cái kia, thì như vậy không có tập trung toàn bộ cuộc sống của mình. Hay hoặc giả có nhiều người đang nói chuyện với người này mà vừa nói chuyện vừa lấy điện thoại để text chat với người khác thì có nghĩa là mình ngồi đây mà tâm mình ở kia. Ngài nói; con voi khi nhìn cái gì nó nhìn bằng nguyên cả thân của nó hay ít nhất nguyên cả cái đầu của nó. Như qúi vị biết con voi không ngẩn đầu được nhiều. 

Thành ra, Ngài dạy rằng ở trong cuộc sống khi mình tập trú thì phải toàn thân của mình, khi mình đi đại tiện, tiểu tiện, khi mình ăn, khi mình nói, khi mình có mặt ở nơi nào thì mình có mặt ở đó bằng tất cả con người của mình, chứ không phải khi mình làm việc này lại nghĩ sang chuyện khác, như trường hợp mình đang lái xe vừa nói điện thoại vừa lái xe vừa nghĩ chuyện này chuyện kia. 

Nên cái nhìn của hành giả rất quan trọng. Tập trung nghĩa là tất cả mọi thứ đều phải hướng về cũng như con voi nó nhìn cái gì thì toàn thân của nó phải hướng về cái đó. Đây là cái bí quyết rất quan trọng của hành giả.

Chúng tôi nói bí quyết đầu tiên của một người ngồi thiền đó là phải mạnh tay đối với phiền não. Thứ hai là phải tập trung toàn bộ cuộc sống ở trong cái gì mà mình đang làm hoặc là mình ăn hoặc là mình nói hoặc là làm gì đó chứ không có mình nói làm bộp chộp hay nói lời rộn ràng đang làm cái này nghĩ sang chuyện kia đó là điều thứ hai. 

3. Và điều thứ ba, con voi không dính mắc với chỗ ngủ của nó. Thường thường người nào ở trong rừng biết con voi ở trong rừng sâu và đặc biệt là chúng ta quan sát những loài voi ở tại Phi Châu thì con voi có một điểm rất linh động về cuộc sống, nó biết thời tiết thay đổi, mùa mưa khác, mùa lạnh khác, những lúc khô hạn khác, do đó, người ta nói rằng con voi sống cả cuộc đời thì nó là một hành trình cái hành trình đó là nó luôn luôn đi mà nó không bao giờ nghĩ rằng có một chỗ nào đó là cái chỗ nó sẽ dừng chân vĩnh viễn, có những con voi đi nguyên một đàn hay cả một gia đình của nó hai ba thế hệ đi chung một nhóm và cuộc sống của con voi là một hành trình chứ nó không nằm một chỗ. 

Thì hành giả tu tập cũng vậy, ở trong sự tu tập hành giả phải hiểu rằng cuộc sống vốn là một hành trình và không nên để cho mình bị vướng mắc bị kẹt mình cưu mang cái gì đó. Chúng tôi lấy ví dụ,  qúi Phật tử sống ở đời thì qúi vị nghĩ đến việc lập gia đình tức là muốn dừng chân một chỗ hay là qúi vị muốn lập sự nghiệp ở nơi nào đó là quí vị muốn an cư lạc nghiệp. Nhưng tư thế của một hành giả tu tập là hiểu rằng cuộc đời vốn biến thiên, vốn vô định, và từ lúc sinh ra cho đến phút cuối cùng đó là một hành trình và hành  giả không có dính mắc. Riêng với một người tu tập thì về điểm này Ngài Taungpulu có đề cập là: Cho dù một cái am thất cho dù một nơi nào sống  rất tiện nghi hay là có một vị thí chủ hộ trì hay là chổ ở đó là chỗ thoải mái đi nữa thì cũng không nên vì vậy mà hành giả nghĩ rằng chỗ này sẽ là chỗ dừng chân của mình, chỗ này sẽ là chỗ mình định cư. Tại vì nghĩ như vậy là mình sẽ bị vướng mắc vào ngoại cảnh, chúng ta không có tiếp tục sự tu tập cho chính mình. 

Như con voi thì cuộc đời là một hành trình thì hành giả phải tiếp tục lên đường và không bao giờ dính mắc vào nơi mình sống dó là bí quyết thứ ba mà một vị hành giả khi tu tập cần để ý.

4. - Bí quyết thứ tư. Nếu chúng ta xem những cuốn phim về sự sinh sống của loài voi, thì con voi có những đặc tính là nó thích giỡn trong nước nhưng mà cái giỡn trong nước của con voi có phong thái đặc biệt là con voi không vui ở trong nước đục, nó rất sợ nước đục, những hồ nước trong thì con voi xuống thường là nó lấy cái vòi múc nước và nó tự tắm lấy. Chúng tôi nghĩ rằng qúi Phật tử cũng có nhiều lúc xem hình ảnh con voi là nó rất thưởng thức hồ nước mát hồ nước trong và trong hồ nước mát hồ nước trong mà có những thứ như là đóa sen thì thật sự con voi lại càng rất thích. 

Thì đối với một hành giả người tu tập phải biết tìm được cảnh giới an lạc ở trong giáo pháp. Con người của chúng ta một khi nào đó mà mình ngồi một nơi yên tịnh đọc một trang kinh hay đàm đạo với một vị pháp lữ mình cảm thấy hoan hỉ lúc đó mình cảm thấy chí cả nó bừng bừng trong người mình. Hay là mình cảm thấy thật sự giáo pháp đó là một cảnh giới mênh mông mà mình sống được hoan hỉ. Thì lúc đó mình thật sự là mình thâm nhập với Phật Pháp. Cái niềm hoan hỉ đó quan trọng,  cảnh giới quan trọng. 

Thành ra người tu là phải hiểu rằng nó có một nơi mà nơi đó là nơi mang cho mình những pháp hỉ pháp lạc rất là cần thiết.

5. - Sau cùng,  trong kinh nói con voi tại vì nó to lớn và trong bước đi của con voi bao giờ những bước đi cũng cân nhắc tại vì thật ra thân của nó rất nặng nếu nó đặt bàn chân không đúng chỗ thì nó sẽ tạo nên cái phiền cho nó như bị lún v.v... Thành ra trong kinh thường nói con voi có chánh niệm với bước chân của nó, nó bước chân ở đâu thì sự chú ý để ý ở đó, cái bước chân con voi khoan thai. 

Thì cách sống của hành giả là ở trong tất cả những sở hành trong tất cả những nơi mình lui tới trong tất cả nơi đi hành giả đều giữ chánh niệm. Giữ chánh niệm tức là đặt sự chú ý vào thân vào tâm vào cử chỉ của mình. Mình đang làm gì, đang nói gì, đang đi đâu, đang bước tới, đang bước lui.

Thật ra, chúng ta bàn về 5 đặt tính của con voi ở trên hai phương diện một phương diện là cuộc sống hàng ngày và điều đó đã được Chư Tăng trình bày. 

Nhưng riêng trong phần đúc kết này thì chúng tôi muốn nói đến một điểm có tánh cách giới hạn hơn, đó là lời của Ngài Taungpulu Sayadaw, Ngài đã từng đề cập đến là:
- Một người tu tập tu thiền quán nên bắt chước năm đặc tính của con voi là có một thái độ rất mạnh rất dứt khoát đối với phiền não là một thái độ mà một người tu thiền tất cả người tu thiền đều cần có nó giống như con voi khi nó đi dẵm đạp cái gì độ nặng của nó dẵm đạp.
- Và cái thứ hai là hành giả khi tập trung thì tập trung toàn bộ, điều kỵ nhất của người hành thiền là vừa làm cái này vừa làm cái kia. Con voi khi nó hướng tâm nhìn cái gì thì nó nhìn bằng nguyên cả thân mình của nó,thì hành giả cũng vậy khi tập trú là phải đem tất cả sự tập trung của mình vào một đối tượng mà thôi chứ không tản tâm bằng cách là vừa làm cái này vừa làm cái kia.
- Và con voi không dính mắc vào chỗ ngủ chỗ ở của nó, thì hành giả luôn luôn ở trong tư thế là tiếp tục lên đường không dính mắc với trú xứ và không bao giờ phải tìm một chốn bình yên hay là mình tìm một chỗ định cư hay là mình tìm một chỗ mà mình sẽ sống vĩnh viễn suốt đời, tại vì mình hiểu rằng cuộc sống nó là một hành trình đó là bí quyết thứ ba của hành giả.
- Và chúng ta cũng nhắc lại là hành giả con voi thì vui ở trong những cái hồ nước lớn, hồ nước trong mát thì hành giả cũng phải có cảnh giới ở trong giáo pháp mà thật sự mang cho mình sự an lạc và sau cùng thì bước đi khoan thai của con voi là tại vì con voi có chánh niệm nó có sự để ý đến bước chân của nó tại vì nó to thành ra nó không thể nào nhanh nhẹn như con khi truyền từ cành này qua cành kia như những con vật khác mà nó phải đi đứng đàng hoàng khoan thai. Thì hành giả nên sống ở trong chánh niệm tức là luôn luôn có sự ghi nhớ và tỉnh giác về sở hành của thân tâm mình .

Đó là năm đặc tính của con voi qua lời giảng của Ngài Taungpulu Ngài nói đặc biệt riêng cho các vị hành thiền