Sunday, February 23, 2014

Chúng ta nên làm quen với cách nhìn của Nhân Quả

Hỏi: Chúng ta nên làm quen với cách nhìn của Nhân Quả

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Chúng ta thường nghe trong nhân gian có một câu thành ngữ để chỉ một người có kiến văn quảng bác  "người thấy xa hiểu rộng". Một người thấy xa, giống như một người đánh cờ có thể thấy trước năm bảy nước cờ. Hiểu rộng, có nghĩa là có một kiến thức tầm cỡ thấy nhiều việc, học được nhiều môn, và có tiếp xúc rộng rãi trong cuộc đời. Một phương diện căn bản Đạo Phật nói đến một người trí là người thấy xa hiểu rộng, tầm nhìn của vị đó dựa trên tinh thần Nhân Quả. Tinh thần Nhân Quả là một điều cho chúng ta hiểu rằng những sự việc ở trong thế gian này không phải cái gì chúng ta nhìn trước mắt nghĩa là chúng ta hiểu hết câu chuyện. Cái mà chúng ta hiểu trước mắt chỉ là một phần câu chuyện mà thậm chí là hiểu một phần rất nhỏ của câu chuyện. Tương tựa như chúng ta nhìn một đóa hoa đẹp, đóa hoa đẹp đó có thể là muôn sắc muôn màu hết sức rạng rỡ, nhưng sự kết thúc của cái đẹp đó chúng ta không thấy được, đời sống của một kiếp người cũng vậy.

Tại Hoa Kỳ có ngành học gọi là Criminal Psychology tức là ngành học gọi là "Tội phạm học", trong những quyển viết về tội phạm học có ghi một trường hợp đó là những người có hành vi tội ác trong cuộc đời thường họ chỉ nghĩ đến cái vị ngọt, họ nghĩ đến cái gì gọi là khoái lạc, họ nghĩ đến cái gì làm cho họ thoả mãn. Như trường hợp chúng ta đang ấm ức trong lòng điều gì mà chúng ta có thể tuông ra hết những ấm ức của mình thì trong lúc đó chúng ta cảm thấy trong lòng rất là khoái, ở trong lòng rất là sung sướng để mình có thể tuông ra những lời nói mà mình vốn bình thường không bao giờ nói đến. Nhưng lúc  có thể nói hết, sau đó chúng ta lại hối hận là mình đã lỡ nói những lời như vậy. Hình như khuynh hướng chung của tất cả chúng ta là luôn luôn đi tìm một sự thỏa mãn ở giây phút nào đó.

  Không may cho những người làm những ác nghiệp là những người này nhất thời chỉ thấy được cái mặt ở bên ngoài, và ngay cả cái mặt đó đôi lúc người ta cũng không ý thức rằng cái tâm bất thiện để làm những việc bất thiện đó nó cũng nông nỗi, nó cũng nóng nảy, nó cũng phiền lụy không kém.

Do vậy một việc chúng ta phải ghi nhận ở tại đây là đối với những người ác cái nhìn của họ nó rất là hạn hẹp, rất là cục bộ, không nhìn xa chỉ nhìn thấy nhất thời cái gì trước mặt mà thôi. 

Nên chi, thì giờ nào chúng ta có được để suy tư và đặc biệt là để làm quen với cách nhìn của Nhân Quả, cách nhìn đó không phải chỉ có lợi cho đời này mà có lợi cả cho đời sau, nó là duyên lành rất tốt. Nếu trong cuộc sống này chúng ta tập bắt đầu sống suy nghĩ những gì liên quan đến Nhân Quả, chúng ta thấy được vị ngọt, thấy được nguy hiểm, và thấy được sự xuất ly, thấy vấn đề nó không phải chỉ có một chuyện mà thôi. Như một đứa nhỏ thấy lửa đẹp nó chỉ thích chơi với lửa nhưng không hiểu rằng lửa có thể tạo ra những tai nạn khủng khiếp. Còn khi chúng ta lớn lên rồi thì sự hiểu biết có chừng mực, vấn đề như vậy và bên cạnh đó nó còn có nhiều sự việc khác, chúng ta thấy cả một thế giới này có nhiều thảm kịch xảy ra chỉ vì đơn giản một điều rằng những người tạo nên thảm kịch đó họ chỉ thấy được phần thưởng nhất thời, và phần thưởng đó thật sự không đủ để cho họ phải trả cái giá như vậy.

 Nhưng vấn đề ở đây không phải là nghe đi nghe lại mà vấn đề ở đây là chúng ta có thể tắm gội ở trong những tư tưởng rất gần với lý Nhân Quả, những tư tưởng rất gần với lý Nhân Quả đó thắp sáng được ý thức và ý thức đó hết sức là quan trọng giữa kiếp người vốn nằm ở trong quên lãng này.

Chúng ta rất dễ bị lãng quên. Có nhiều trẻ em nhập cuộc chơi, mặt mày hí hửng và những giọt nước mắt vẫn chưa khô ở trên má là bởi vì cái vui cái buồn bất chợt, nó chợt đến chợt đi và em đó hoàn toàn không có ý thức được cái gì ở trong cuộc sống này. Ở một chừng mực nào đó thì chúng ta cũng vậy, chúng ta vẫn vui khi giọt nước mắt vẫn còn ở trên má của mình, chúng ta vẫn hào hứng nhập cuộc mặc dầu cái đau thương vẫn còn đó và cái đau thương đó vẫn vương vấn ở đâu đó trong tâm tư của mình. Và còn tệ hại hơn nữa là khoảng đường trước mắt đầy chông gai nguy hiểm nó cho chúng ta biết rằng sẽ có nhiều tai hoạ đang chờ đợi, nhưng chúng ta vẫn ưa thích, vẫn vui vẻ, vẫn có kỳ vọng để bước vào cuộc trầm luân. 

Phải thấy được điều này thì chúng ta mới thấy rằng tại sao một bậc thiện trí ý thức giữa cuộc đời này không bám víu vào trầm luân sanh tử,  không có cảm thấy rằng mình đang có thể ngủ yên trên đống lửa được. Là bởi vì sao? Bởi vì các vị đó có trí tuệ, hiểu được tại sao Đức Phật dạy rằng đời sống của chúng ta là đời sống bị phủ lấy bởi vô minh, bị phủ lấy bởi một màn đêm tăm tối mà trong đó chúng ta hoàn toàn biết rất ít về bước chân kế tiếp của mình, không biết bước chân đó đưa chúng ta xơ xảy vào một cạm bẫy xơ xảy vào một hố sâu, đạp trên đầu một con rắn độc, chúng ta hoàn toàn không biết được những bước đi sắp tới của mình và cái gì chúng ta biết được bây giờ đó là vị ngọt của đời sống.


Bởi vì có những người chỉ thấy được vị ngọt, có những người bình tâm hơn thì thấy rằng cuộc sống có vui có khổ nhưng trong cái vui cái khổ này chúng ta hoàn toàn mù tịt về một giải pháp. Cuộc sống hầu như không có giải pháp. Cuối cùng rồi chúng ta chỉ nói được một câu "trời kêu ai nấy dạ" là cuộc sống tới đâu thì hay tới đó chứ chúng ta không biết phải làm thế nào. 

Và một lần nữa chúng tôi nhắc qúi vị một điều rằng trong cái nhìn của một vị Giác Ngộ và trong Phật nhãn của Ngài, Ngài thấy rằng hầu như rất ít những vị tín đồ của các ngoại đạo được sanh về cõi trời, chỉ có một giáo phái duy nhất mà giáo phái đó dạy về Nghiệp, ở trong giáo pháp đề cập về Nghiệp có tín đồ tín đồ sanh thiên. Thì chuyện này là một chuyện rất dễ sợ. Nhưng phải nói rằng trong bất cứ một tôn giáo nào mà không có  căn bản về giáo lý Nghiệp Báo về Nhân Quả thì ở đó không có tín đồ sanh về cõi trời đừng nói chi đến giải thoát. 

Điều này là một điều chúng ta phải suy nghĩ và khi nói đến Nhân Quả thì chúng ta lại nói thêm một việc khác nữa là đề cập đến Nhân Quả, đề cập đến cái nhìn toàn diện về cuộc sống, thì cũng chính ở tại đó Đức Phật Ngài cho chúng ta hiểu rằng mỗi con người phải tự chịu trách nhiệm về hành động của mình.

Và câu nói người ta thường đề cập đến ở bên ngoài là đạo nào cũng dạy làm lành lánh dữ, nhưng làm lành lánh dữ mà vì giáo điều, vì đó là điều răn thì nó khác với làm lành lánh dữ là do dựa trên tinh thần Nhân Quả. Tinh thần Nhân Quả cho chúng ta một ý thức khác hoàn toàn. Đôi lúc qúi vị nhìn thấy quan niệm Nhân Quả ở đây không có hình dáng của Phật, không có hình ảnh của Thượng Đế, không hình ảnh của thần linh, không có quyền phép thưởng phạt.

 Hình ảnh Nhân Quả mà Đức Phật nói ở đây rất giản dị nhưng rất là thiên nhiên, trong cái tự nhiên đó Nhân và Quả như là một định luật như là một điều tự nhiên, không có một vị phán quan, không có một sự phán xét nằm ở giữa, và tinh thần Nhân Quả đó không nói đến một ngày đại thẩm phán, một ngày phán xét của lúc tận thế, mà Nhân Quả ở đây là nhân quả nhãn tiền chúng ta có thể thấy được Nhân Quả đó cũng có thể là Nhân Quả mà nó để lại cả một hậu quả lớn lao về sau này. Nên khi nói về nghiệp nói về Nhân Quả thì khôn cùng, chúng ta không bao giờ có thể hiểu hết vấn đề Nhân Quả trong đời sống này và hiểu như vậy chúng ta trở nên khiêm tốn, hiểu như vậy chúng ta thấy rằng tại sao chúng ta cần đến Phật, hiểu như vậy chúng ta mới thấy tại sao chúng ta cần những giờ phút để chúng ta có thể nghe pháp để chúng ta có thể suy niệm Phật pháp.

No comments:

Post a Comment