Monday, February 29, 2016

Kinh Kẻ Lọc Vàng - Tăng Chi Bộ - TT Giác Đẳng

Kinh kẻ lọc vàng  - Tăng Chi Bộ - Phẩm Hạt Muối

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 7-11-2015, Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Đức Phật đưa ra hình ảnh kẻ lọc vàng. Qúi Phật tử có ai đã từng xem phim tài liệu về những người đi tìm vàng. Riêng chúng tôi không được biết nhiều về cách đi tìm vàng của người  VN hay các xứ Á Châu. Tại Hoa Kỳ  có những phong trào Gold Rush nghĩa là đi tìm vàng như ở chung quanh biên giới Nevada và California hay ở Yukon gần Alaska chẳng hạn.

 Vàng ở trong thiên nhiên thường là những miếng vàng hay bụi vàng, những bụi vàng thường hoà với cát sạn sỏi. Chúng ta nghe như vậy cảm thấy rất thất vọng. Nhưng thật ra, chúng tôi không biết  vàng ở trong thiên nhiên  có bao giờ có khối vàng thật lớn hay không nhưng đa phần người ta dùng chữ đi đãi vàng. Đi đãi vàng  là họ tìm đến những giòng suối hay đào những nơi có vàng trộn lẫn ở trong đất cát, rồi  sàng lọc  rửa cho đến khi nào vàng được lấy ra riêng và cát sạn lấy ra riêng, loại vàng đó gọi là vàng tạp gồm có những bụi vàng hay những miểng vàng nhỏ. Để có một khối vàng hay có một miếng vàng lớn như chúng ta thấy vàng từng lượng hay  từng khối, người ta phải dùng một loại lửa,  đặc biệt là vàng chịu được lửa, vàng không bị  biến hoại nhưng nó có thể ở nhiệt độ nóng tan chảy quến với nhau. Người ta dùng lửa để vàng  tuôn chảy và vàng kết lại thành khối. Khi nó kết lại thành khối như vậy chúng ta gọi là vàng đã đến mức độ tinh lọc. Tnh lọc nghĩa là trở thành vàng ròng không bị pha tạp bởi những quấy nhiễm. 

  Thì ở đây, Đức Phật Ngài dùng 2 công đoạn để chỉ cho 2 phương pháp luyện tâm.

1. Công đoạn đầu tiên, Tăng Thượng Tâm, tức là dùng tâm tốt, tâm lành, tâm thiện để đẩy lui những ác tâm những bất thiện tâm. 

2. Khi tâm giảm bớt những quấy nhiễm rồi và muốn đạt đến chỗ cao siêu hơn  Ngài dạy  phải tìm cách để quân bình 3 thứ:  tác ý về định, tác ý về cần và tác ý về xả. 

Về điểm này là một bài học cao siêu cho những người tu tập về thiền định. Nhưng chúng ta có thể hiểu nôm na những điều đó trong đời sống hàng ngày và nó trở thành bài học có giá trị. 

Chúng tôi sẽ trình bày những điều này trong ngôn ngữ bình thường trong đời sống hằng ngày của chúng ta, chúng tôi không có đào sâu vào khía cạnh thiền định, và ở đoạn cuối chúng tôi sẽ trở lại nói ý chính của bài kinh này.

Trong cuộc sống của chúng ta có những  người có được những đặc điểm như trí nhớ rất tốt, sự phán đoán rất chính xác, tâm của họ có sức chịu đựng bền bỉ hơn người khác, hoặc giả đời sống của họ có vẻ như ít có bị giao động bởi những phiền lụy ở bên ngoài. Để được tâm như vậy những người này họ cần có Tăng Thượng Tâm. 

Tăng Thượng Tâm ở đây là tâm khéo bỏ  những tạp nhiệm, bỏ những tâm bất thiện. Trong trường hợp đời sống của chúng ta bị chi phối bởi quá nhiều hận thù, bởi quá nhiều những tâm ganh tị tật đố, hay tâm sân hận thì điều đó cản trở trí nhớ của chúng ta,  cản trở khả năng phán đoán của chúng ta, và cản trở khả năng tinh tế trong sự cảm nhận.

Ở đây, Đức Phật Ngài đặc biệt dạy những người muốn thành tựu thiền định và thần thông phải bỏ những tạp niệm. Nhưng ngay trong đời sống hàng ngày  nếu chúng ta khéo thì cũng có thể gạn lọc  bớt đi những phiền não trong tâm.

 Và rồi xa hơn nữa, Đức Phật dạy khi đã có Tăng Thượng Tâm rồi thỉnh thoảng mình phải có tác ý về định, tác ý về sự tinh tấn, và đặc biệt của một hành giả tu tập cần tác ý về xả.

   Những tác ý này tương tự như,  một người đã học ra trường, một người đã có những thành tựu nhưng trong sự thành tựu họ phải tìm cách để gìn giữ. Thí dụ, qúi vị nào  ở Mỹ biết lái xe hiểu rằng một chiếc xe  sản xuất để chúng ta chạy được ở mức độ tương đối tốt, hoàn chỉnh rồi, nhưng thỉnh thoảng chúng ta cũng phải thay nhớt, phải đi làm thăng bằng (alignment) những bánh xe và chúng ta phải tune up (bảo trì xe) v.v..... 

Ở đây Đức Phật Ngài nói đến một trình độ cao hơn và trình độ này phải được chúng ta nhìn tương tự như  một người Phật tử mới đi chùa có những ngỡ ngàng, trong sự ngỡ ngàng này mình phải làm thế nào đó gắng bó với chùa, nhưng một khi đi chùa đã thuần thục đã quen rồi thì việc đi chùa lại đòi hỏi những thứ quân bình khác.

Trước nhất,  Đức Phật Ngài dạy tác ý về định, tức khả năng tập trung khả năng chuyên chú. Chúng tôi thưa ngay cả Chư Tăng học Phật Pháp, giảng Phật Pháp, sinh hoạt Phật Pháp hàng ngày nhưng lâu lâu cũng phải tự nhắc nhở mình phải tập trung nhiều hơn, thiếu sự tập trung thì không có chiều sâu. Tập trung ở đây có nghĩa, giả xử như bài kinh đó có những đề tài cần phải nghiên cứu mình phải bỏ thì giờ ra đào sâu và nếu cần thì phải tra cứu hơn nữa, cần nữa thì phải so sánh giữa bài viết của vị này và vị khác, đó gọi là đào sâu. Đào sâu xoáy vào đó là một trạng thái của định. Do có sự xoáy sâu vào một pháp nào đó tâm của chúng ta thật sự gắng bó  và ở trên đó chúng ta sẽ hiểu chuyện nhiều hơn.

Chính ở trong đời sống đôi khi chúng ta ít có khi hiểu được chiều sâu của nội tâm của chúng ta. Cũng thời trang sách đó đôi lúc chúng ta hiểu thấm thía,  đôi khi chúng ta đọc hời hợt. Thật ra, Chư Tăng quen thuộc với việc này hơn ai hết. Cũng bài kinh đó mình tụng mỗi ngày nhưng có những thời gian mình tụng cho có tụng thôi nhưng thời gian khác chúng ta lại thấm thía.  Ví dụ, hồi chúng tôi còn nhỏ vào trong chùa học kinh Ratana Sutta kinh Châu Báu, lúc đó học kinh Châu Báu tụng cách khác đọc cách khác nhưng  lớn lên bây giờ đọc lại  có thấm thía cách khác. Thì chuyện xoáy sâu đào sâu vào đó là mức độ của định.

 Khi chúng ta quá đặt nặng về định, ví dụ như trong bài học  hôm nay Đức Phật Ngài dạy thỉnh thoảng nên có  tác ý về tướng của định, thỉnh thoảng tác ý về tướng của cần, tại vì nếu chúng ta định nhiều quá có thể dẫn đến thụ động, thụ động ở đây tức là buông bỏ những thứ khác. Trong đời sống khi nào chúng ta tập trung nhiều  quá vào một thứ đôi khi chúng ta quên bẳng những việc khác.

Về bài học này, chúng tôi có được nghe Ngài Ajahn Chah giảng nhiều lần một người phải có quân bình, vừa tu tập thiền định nhưng cũng nhắc nhở mình về những bổn phận đối với Thầy Tổ, bổn phận đối với các bạn đạo ở trong chùa, và bổn phận đối với đàn na tín thí để tạo sự quân bình. 

Minh cứ tưởng tượng sống trong một ngôi nhà hay trong một ngôi chùa, những người thành viên ở trong đó cứ tập trung vào sách vở làm con mọt sách  không làm chuyện gì khác. Chúng tôi đã từng sống với những vị Sư như vậy, tối ngày chỉ biết cầm quyển sách để nghiên cứu thôi không lo chuyện chung một thời gian rồi không sống được với ai hết. Tại vì sao vậy? Tại vì mình sống ở trong chùa cũng nên chia sẻ gánh nặng với người khác, không ai phục vụ mình hoài. Thành ra Đức Phật nói nếu một người không tác ý về tướng định người đó không có chiều sâu, nhưng nếu vị đó tập trung quá nhiều vào tướng định sẽ trở nên thụ động (đây là điểm tế nhị). Để trị sự thụ động vị này phải tác ý vào sự tinh cần. 

Sự tinh cần ở đây tức là sự tinh tấn có cố gắng, mình làm cái gì đó mình có nỗ lực có cố gắng  thay vì mình bằng lòng chấp nhận thì mình cố ráng thêm.  Sự tinh tấn đó rất tốt, nó giúp cho mình vượt khỏi trạng thái thụ động. Nhưng  nó lại có một  điểm yếu, một  nhược điểm chúng ta phải để ý không khéo sự tinh tấn khiến chúng ta bị trạo cử tức là bị trao động.

Chữ trạo cử dùng trong chữ Hán, có nghĩa mái chèo khua động nước. Như mặt hồ đang yên tịnh mình bơi xuồng dùng mái chèo khua động thì mặt hồ  gợn sóng. Chữ trạo cử là mái chèo làm cho dậy sóng. Nếu tâm của chúng ta trạo cử nhiều quá, động nhiều quá thì có sự bất an, tâm của chúng ta động nhiều quá thì có những bất lợi tức là bị vọng động bị giao động. 

Thường thường, trong công việc thấy  nhiều việc phải làm, mình muốn làm nhiều việc thì tốt vì mình là người tích cực. Nhưng cũng có cái dở đôi khi  nó làm cho tâm tư của mình không được an lạc không được ổn định, tại vì mình thấy cái nào cũng có tánh cách cấp thời. Qúi vị Phật tử nhớ câu thành ngữ "bói ra ma quét nhà ra rác", nhà ở mình cầm chổi quét là có rác, một người tinh tấn tìm công việc này việc kia thì thấy nhiều việc làm, đủ thứ việc làm. Nhưng nếu chúng ta không khéo sẽ trở thành vọng động trở thành giao động. Đức Phật Ngài khuyên tác ý về tâm xả tức là tác ý về sự quân bình. Chữ xả ở đây có nghĩa mình biết có việc cần làm nhưng mình cũng hiểu rằng mình nên làm nhưng không nên đòi hỏi phải làm hết, tại vì làm hết không biết chừng nào hết, thành ra làm thì cứ làm nhưng làm ở mức độ vừa phải, cái đó gọi là sự quân bình.

 Đây là một điểm tương đối tế nhị, không phải một điều đễ hiểu trong cuộc sống của chúng ta. Lo bản thân mình quá thành ra thụ động, lo thế giới này quá thì người trở nên giao động. Do vậy mình phải có tâm xả để có chừng mực, mình có lo cho mình cũng nên lo cho đời, lo việc này lo việc kia chứ không nên chỉ tập trung vào một sự việc mà không để ý đến những thứ khác, đó là xả. 

Ba thứ Đức Phật Ngài nhắc chúng ta ở đây:

- Đặc biệt chúng ta nên để ý đến định để ý đến sự chuyên chú, nhưng cũng phải coi chừng định mang lại cho chúng ta chiều sâu nhưng định cũng đưa chúng ta đến trạng thái thụ động. 

- Rồi chúng ta phải tác ý vào sự tinh tấn. Sự tinh tấn mang lại cho chúng ta sự tích cực.

- Nhưng không khéo sự tinh tấn đó mang lại cho chúng ta sự giao động, do đó chúng ta phải có xả. 
Những điều này Đức Phật Ngài ân cần dặn dò chúng ta bởi vì con đường đi  như vậy, trạng thái nội tâm của chúng ta như vậy. Bài học đó không phải bài học của người tu thiền định mà còn là bài học ngay trong đời sống hàng ngày.

Con đường thanh lọc tâm được Đức Phật Ngài ví dụ như một người lọc vàng trải qua hai công đoạn: Công đoạn đầu tiên là tách rời bụi vàng ra khỏi sạn sỏi cát để cho vàng được thanh lọc. Nhưng muốn đạt tới chỗ tinh luyện làm sao cho những bụi vàng kết lại với nhau người ta phải dùng lửa cao, ngày xưa người ta không có lửa ga như bây giờ mà họ phải thục ống bể, họ phải làm sao cho có lửa cao, nhờ sức nóng vàng sẽ chảy ra và sẽ quến lại   họ đổ vào khuôn thành một khối. 

Tương tự như vậy tâm của chúng ta phải được tôi luyện phải được tinh luyện để đạt đến chỗ thù diệu. Ở đây Đức Phật Ngài dùng những hình ảnh như thần thông, có sáu thứ thần thông như thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm thông,  biến hoá thông, rồi lậu tận thông v.v... Những thần thông chúng ta được biết tất cả những thần thông này đều là cao điểm của nội tâm được tinh luyện. Nhưng để đạt đến nội tâm tinh luyện phải trải qua nhiều công đoạn Đức Phật Ngài đã dạy cho chúng ta.

  Với một hành giả ở trong hướng tu tập chúng ta được biết qua lời dạy của Đức Phật có cách để chúng ta đạt được điều đó chứ không phải là một mơ ước hảo. 

Khi chúng tôi còn nhỏ ở bên Việt Nam học sách vở về những công trình khoa học thấy giống như  cái gì  mơ ước, nhưng khi sang bên Mỹ thấy những cách họ đào tạo bên đây là những gì mình học được thì làm được. Người ta được huấn luyện cho ra trường trở thành người làm hơn là ngồi đó suy nghĩ. Tương tự như vậy, chúng ta học bây giờ đa số học về lý thuyết chúng ta không thấy được khả năng áp dụng ở trong đời sống hàng ngày, nhưng thời Đức Thế Tôn còn tại thế  những bài học như ngày hôm nay là bài học rất cụ thể cho những vị tu tập, nó có phương pháp có cái cách để chúng ta đạt được điều này. 

Chúng tôi cũng xin nói lại: 

- Với một người Phật tử đời sống tu tập để thanh lọc tâm ý, trước nhất chúng ta phải có ý thức gạn bỏ những tâm tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến v.v... Những cái đó bỏ bớt, thí dụ mình có tánh hay nói xấu người khác ,hay có tâm ganh tị người khác, hoặc giả có nuôi thù hận người khác v.v.. những thứ đó mình nên bỏ bớt. Bỏ bớt không phải  vì lý do  mình muốn làm cho mình tốt hơn người khác, mình hơn người khác, mà lý do là tâm mình càng chứa những tạp chất đó không có lợi gì cho mình hết. Chúng ta hay nghĩ đến chuyện thế này thế khác nhưng nếu nhìn qua cái nhìn của Phật học chúng ta càng có nhiều tạp niệm tâm chúng ta càng không an lạc, nếu chúng ta càng có tạp niệm tâm chúng ta càng phiền toái. Do vậy, ở đây khi chúng ta tu tập  chúng ta biết rõ những tạp niệm đó cần phải gạn lọc. 

Và khi tạp niệm được gạn lọc tâm của chúng ta chưa chắc đủ mạnh, tâm đó mới chỉ thanh tịnh thôi, tâm đó mới chỉ là bớt phiền não thô. Nhưng tâm đó  phải được tinh luyện giống như vàng sau khi lọc sạch rồi nó vẫn còn những bụi vàng rời rạc mình phải dùng lửa cao thổi nó chảy ra nước quết lại đổ vào khung trở thành vàng khối.

-  Tương tự như vậy, hành giả tinh luyện bằng tác ý đến tướng định, tác ý đến tướng cần, và tác ý đến tướng xả. Những điều này giúp cho chúng ta rất nhiều.

Ở đây, chúng tôi nói đến kinh nghiệm hồi nãy có đề cập đến với qúi Phật tử là:

- Mình làm việc mình nên tập trung, cái tập trung nó giúp cho chúng ta có chiều sâu. Chúng tôi nhớ hồi mới có paltalk Chư Tăng vào trong rơom rất  lọng cọng nhưng khi làm quen rồi làm rất nhanh, rất dễ, rất thoải mái, đó là nhờ có sự tập trung.  

- Nhưng sự tập trung đó có cái lợi nhưng cũng có điểm cần để ý: nếu cái gì mình tập trung đã quen thuộc quá nó trở thành thụ động. Qúi Phật tử làm việc quen với paltalk quá qúi vị không còn tinh tấn nữa tại vì ngày nào cũng vô rơom mở rơom làm cái này cái kia không còn tinh tấn nữa, Chư Tăng cũng vậy, mình mới học kinh Phạn mình thích lắm nhưng  mình học kinh thuộc lâu ngày quen miệng mình trở nên thụ động, người ta tụng mình cũng tụng theo không có tướng định, không tập trung, đó là thiệt thòi cho chính mình. 

- Thành ra mình phải để ý cái gì nhuần nhuyễn, cái gì quen quá nó trở nên thụ động thì mình phải tác ý sự tinh cần, mình phải nỗ lực để ý, mình nên ráng sức. 

- Nhưng sự cố gắng một chút đôi khi làm chúng ta trở lên mất sự bình lặng mà nó trở nên giao động trong kinh dùng chữ trạo cử, nhiều lúc  sự tu trở thành cái gì rất lăn xăn. Chúng tôi thấy có nhiều người nghĩ đến quê hương, nghĩ đến đất nước,  nghĩ đến chùa chiền, càng suy nghĩ  thì càng có nhiều chuyện phải lo và càng lo thì tâm mình mất đi sự quân bình, sự quân bình quan trọng lắm và do vậy Đức Phật Ngài dạy chúng ta tác ý đến xả. Xả ở đây tức làm cho quân bình lại, không quá chênh lệch. Có người mà cũng có mình, có chuyện hôm qua có chuyện hôm nay, có chuyện  gần có chuyện xa, mình nên nhớ mình không thể lo hết tất cả mọi chuyện trong đời này, mình không thể bỏ hết nhưng cũng không thể lo hết. Ví dụ như chúng tôi đi tu mình bỏ Phật tử thì không có nên, nhưng nếu cả ngày chúng tôi lúc nào cũng lo sợ người này buồn người kia giận thì chúng tôi đâu có tu được. Nhưng nếu chúng tôi nói qúi vị giận thì kệ qúi vị, qúi vị lo thì kệ qúi vị, phiền kệ qúi vị, thì cũng không phải, nó phải có cái vừa chừng của nó, cái vừa chừng gọi là Upekkha là xả, đôi khi chúng ta hiểu nó là sự  thản nhiên, xả không phải là thản nhiên, xả là sự quân bình, cái quân bình đó cũng cần, chúng ta gọi là vừa phải, mức độ vừa phải sẽ đạt tâm của chúng ta đến chỗ tinh luyện. 

 Đức Phật Ngài đặc biệt lưu ý chúng ta một điểm:  Làm gì thì làm sự tu tập nội tâm là một việc rất nên.  Làm gì thì làm sự  tu tập nội tâm là cái yếu tính quan trọng nhất ở trong tất cả. Và sự tu tập nội tâm phải có được cái mà mình gọi là phương pháp ban đầu loại bỏ tâm phiền não. 

Chúng tôi tin một điểm không phải trong thế giới của thiền định thôi ngay cả trong việc học, việc làm, việc chùa, hay trong việc thiện mình làm thì mỗi người chúng ta ban đầu làm với tâm còn chứa nhiều tạp niệm, tạp niệm đó là mình làm vì vui, mình làm vì giận, mình làm vì thế này thế kia, nhưng một lúc nào đó mình làm là bởi vì việc đó nên làm, việc đó cần làm thì mình cứ làm thôi ,và sau thời gian mình làm như vậy thì mình đạt đến khả năng đẩy việc đó đến chỗ tinh  tế hơn. Cái tinh tế đó là cái khéo, cái tinh tế đó là cái hay, tinh tế đó là thiện xảo của mỗi người. Có nhiều người họ không quen làm một việc lâu nhưng khi họ quen làm việc lâu rồi họ nằm ở tại đó không có tiến bộ.

 Ở đây, phải nói việc tu tập nội tâm  có hai giai đoạn: giai đoạn làm quen và giai đoạn làm tốt. Cái làm quen mình làm từ chỗ lạ  làm đến chỗ thoải mái gọi là làm quen, nhưng làm từ chỗ thoải mái đạt đến chỗ ảo diệu thì nó phải làm tốt thật sự tốt. 

Thường thường chúng ta kẹt trong hai việc: Có những người họ thấy việc  họ sợ không làm được. Chúng tôi thấy một số người mới qua Mỹ thấy người ta lái xe họ sợ không muốn lái xe, thấy người ta đi làm họ ngại không muốn đi làm. Mình phải tự nhủ là người ta làm được thì mình làm được, mình lăn vô làm, làm một lúc rồi quen. Thì cái quen đó nó chỉ cho phép mình làm được việc thôi chứ không hẳn là xuất sắc. Từ chỗ làm quen mà trở nên xuất sắc thì nó phải đi qua một công đoạn khác. Lấy ví dụ như  cũng học lái xe nhưng có những người học ra để làm thầy dạy lái xe, còn có những người lái xe cả đời họ chỉ lái thôi chứ họ không giỏi. Cũng có người làm một công việc quen rồi và  10 năm sau họ làm vẫn vậy, nhưng có những người từ chỗ làm quen và thời gian sau họ làm  xuất sắc hơn. Cái xuất sắc đó là do chính cái khả năng đi xa hơn.

 Ở đây Đức Phật Ngài đưa ra hai công đoạn làm quen tức là công đoạn đầu tiên là thanh lọc là vàng được đãi cho sạch cát sạn, nhưng khi đãi tất cả sạn sỏi ra còn lại vàng thì vàng chỉ là những hạt bụi những mảng vàng rất nhỏ rất  rời rạt, rồi người ta cần đến làm sao cho nó quết lại với nhau  họ cần phải đưa vào trong lửa, lửa có ống bể hay bây giờ họ có lửa ga chẳng hạn rồi nó chảy ra rồi họ mới cho nó vào trong một cái khuôn để tạo ra những khối vàng. Tương tự như vậy từ chỗ làm quen  chúng ta đi tới chỗ làm cho nó xuất sắc, quan trọng là do cải thiện. 

Khi chúng tôi còn là một sadi ở gần Sư Trưởng hay nhắc câu "nghề dạy nghề"  ý Sư Trưởng muốn nói khi một vị chưa thuyết pháp được thì làm sao cho mình thuyết pháp được, nhưng khi thuyết pháp rồi mình cố gắng  nghiêng cứu kinh điển cố gắng tìm phương pháp nào làm cho những người nghe  hiểu được. Chuyện đó phải là một chuyện mà mỗi người tự đi xa hơn tự làm xuất sắc hơn. Về điểm này chúng ta phải đi qua hai công đoạn khác nhau,

 Chúng tôi nhắc qúi vị là: 
1. công đoạn một:  loại bỏ bất thiện pháp để tâm của chúng ta bớt đi bất thiện pháp.

2. Công đoạn hai:
- Nhưng khi có thiện tâm rồi Đức Phật dạy thỉnh thoảng tác ý về tướng định. Tâm của chúng ta gắng bó khắng khích đào sâu có một sự cảm nhận rất tập trung. 

- Nhưng, nếu tập trung nhiều quá dẫn đến thụ động thì nên tác ý về cần tức là phải tinh tấn làm sao cho mình có hăng hái có nhiệt huyết. 

- Nhưng khi mình tác ý về tinh tấn nhiều quá tâm mình có thể bị giao động tại vì nó không có an thì nên tác ý về xả, xả làm cho tâm của mình trở lại quân bình. 

Đó là những lời Đức Phật dạy chúng ta cần phải cân nhắc.

Đó là vài điều chúng tôi muốn chia sẻ với qúi Phật tử trong bài học hôm nay trong câu chuyện Đức Phật Ngài dùng thí dụ những người lọc vàng . Ở đây  qúi vị Phật tử nào có coi những phim tài liệu ở trên Youtube về cách người ta đãi vàng thì khi đọc bài kinh này rất thấm thía lợi lạc tại vì y hệt như những gì Đức Phật Ngài giảng ở tại đây ./.