Monday, May 25, 2020

Kinh Bất Đoạn - TT Giác Đẳng giảng

Trung Bộ Kinh - Majjhima Nikaya

111. Kinh Bất Ðoạn  (Anupada Sutta)


Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma  ngày 27 tháng 4, năm 2020
Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Đa số các bài kinh, chúng ta được nghe về lý pháp, sau đó liên hệ đến một nhân vật nào đó. Riêng về bài kinh hôm nay, ngược lại chúng ta được nghe về một nhân vật và, qua đó chúng ta hiểu về lý pháp. Tôn giả Sàriputta, một vị đệ tử được biết đến tối ưu về trí tuệ ở trong số các hàng đệ tử Phật.

 Ngay khi tôn giả Xá Lợi Phất và tôn giả Mục Kiền Liên đến với giáo Pháp Đức Phật, Đức Phật đã cho Chư Tăng biết đó sẽ là hai vị thượng thủ thinh văn. Tôn giả đến với Đức Thế Tôn nếu tính thời gian theo lịch của chúng ta vào tháng Giêng nhưng, theo lịch của Ấn Độ bắt đầu năm mới vào tháng Vesak, chứ không phải tháng Giêng như chúng ta. Tháng Vesak vào tháng 4, âm lịch tôn giả Xá Lợi Phất và tôn giả Mục Kiền Liên cũng như Ngài Ca Diếp trở thành đệ tử của Đức Thế Tôn chỉ một thời gian ngắn sau khi Đức Thế Tôn thành đạo, từ đó trở đi tôn giả Xá Lợi Phất và tôn giả Mục Kiền Liên trở thành vị giáo thọ trong tăng chúng. Ngoài trọng trách Đức Phật giao phó hướng dẫn tăng chúng, tôn giả Xá Lợi Phất cũng là một vị thầy hướng dẫn  nhiều người mới xuất gia kể cả những sadi nhỏ tuổi, đặc biệt giao phó như tôn giả La Hầu La.

Công việc của tôn giả Xá Lợi Phất là khai tâm hay hướng dẫn về pháp học, Ngài Mục Kiền Liên hướng dẫn về pháp hành về thiền định. 

Công việc của tôn giả Xá Lợi Phất hướng dẫn Chư Tăng trình tự thứ lớp từ ngày này qua ngày khác khi sống trong chùa, dạy có trường lớp có giáo trình. 

Đức Phật Ngài chỉ giảng dạy có tánh cách giáo trình khi Ngài lên khung trời Đao Lợi thuyết pháp vào hạ thứ 7, với thần lực của Ngài, trong thời gian dài 3 tháng Đức Thế Tôn có một bài pháp dài nhất, Ngài giảng dạy có lớp lang, còn ngoài ra đa phần Đức Phật Ngài giảng do kế cơ ứng hợp với trường hợp, hoàn cảnh, căn tánh của chúng sanh, chúng ta thấy rất nhiều pháp thoại của Đức Phật giảng trong kinh điển, cũng có vài bài pháp rất dài như Kinh Phạm võng (Brahmajàla Sutta), kinh Sa Môn Quả (Sàmannaphala Sutta). 

Nhưng đa phần, các bài pháp có giáo trình sắp xếp thường tôn giả Xá Lợi Phất giảng dạy. Chúng ta đã từng đọc bài kinh Tệ Túc hay kinh Thập Thượng, những bài kinh này cho chúng ta thấy Ngài đã hướng dẫn Chư Tăng bằng một giáo trình từ đầu chí cuối. 

Trong kinh ghi nhiều tác phẩm quan trọng như tác phẩm Abhidhamma -Tạng Diệu Pháp, phần lớn hầu hết Tạng Diệu Pháp là do tôn giả Xá Lợi Phất giảng dạy. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên với một người đọc kinh điển và có thì giờ học các tạng khác nhau của Tam Tạng kinh điển, kinh, luật, Atỳđàm v.v... 

Rất là khó để chúng ta hình dung khi Đức Phật còn tại thế, có một vị Tỳ Kheo học pháp từ Đức Phật lại có thể giảng giải chánh pháp bằng một cách rất độc đáo của mình như tôn giả Xá Lợi Phất, vị đó phải là, một vị có thẩm quyền, phải có sự tin cậy của Đức Phật và, phải có trình độ sư phạm rất cao, nhà giáo đúng nghĩa một nhà giáo.

Trong bài kinh này, Đức Phật Ngài tán thán tôn giả Xá Lợi Phất, người có trí tuệ rộng lớn, trí tuệ riêng rẽ, trí tuệ thù thắng, trí tuệ một cách phấn khích, trí tuệ một cách thiện xảo. Nhưng, lời tán thán đó không đơn thuần là lời tán thán, thí dụ, chúng ta nói một người nào đó giỏi, người đó hay, nhiều khi chúng ta dừng lại ở đó. Trong cái giỏi, cái hay, cái đẹp, hoặc giả, vì chúng ta nghèo nàn, hoặc giả không chỉ nghèo nàn ngôn ngữ, đôi khi chúng ta nghèo nàn ý tưởng, mình nói họ đẹp nhưng mình không nói được tại sao họ đẹp, mình nói người đó giỏi nhưng mình không nói được tại sao họ giỏi, mình nói người đó hay nhưng mình không biết tại sao người đó hay.  trong trường hợp này, Đức Phật Ngài nói lên lời tán thán với bậc đệ nhất thượng thủ Thinh Văn, Ngài đã có những mô tả và, những mô tả này trở thành một bài học lớn đối với chúng ta về, Thiền Chỉ và Thiền Quán.

Những ai tu Tứ Niệm Xứ, trong giai đoạn đầu chúng ta thường lấn cấn giữa hai trạng thái định và niệm. 

Định là sự tập trung.
Niệm là sự ghi nhận, sự quán chiếu.

 Nhưng, niệm lại là cơ sở của trí nhớ, niệm là cơ sở của tuệ quán. 

Thí dụ, chúng ta có thể quán về vô thường. Sự quán về vô thường chúng ta dựa trên sự suy diễn hoàn toàn. Sự suy diễn là, hoa nở sẽ tàn, trước đây 3 tháng không có đại dịch, bây giờ có đại dịch, đó là vô thường. Điều đó là sự quán chiếu về vô thường, nhưng nó thuần về phương diện suy tưởng, nó không có năng lực của định. 

Năng lực của định là một sự gắng chặt, sự kiên định, tạo ra năng lực. Chúng ta gọi là, năng lực của Samadhi, năng lực tam muội. 

Chúng tôi thường lấy ví dụ, một người nói chuyện hay phải có hai khả năng; một là ý tưởng, hai là khả năng xử dụng ngôn ngữ. Có những người có ý tưởng rất đẹp nhưng, khả năng ngôn ngữ của họ có vấn đề. 

Khi chúng ta nói về ngữ pháp, nói về mỹ từ pháp, nói về từ vựng, vốn liếng từ vựng và sự hiểu biết về văn phạm càng nhiều càng chính xác lời nói có lực của lời nói, lực của một người biết về  từ ngữ, biết về ngữ pháp. 

Tương tự, chúng ta ví dụ định và ý tưởng mình muốn phô diễn, như nói về chuyện văn chương, chuyện triết lý, điều đó giống như là quán. Và hai điều này kết hợp một cách nhuần nhuyễn tạo thành một câu nói, một bài nói, một án văn rất đẹp, rất hay.

Thử tưởng tượng, một người nói những điều cao siêu rất hay nhưng, ngôn ngữ họ không có nhiều, họ nói chuyện có quá nhiều trùng lập, lập tới lập lui, tại vì họ không có nhiều danh từ, nhiều khi không nhất thiết phải trùng lập, nhưng tại vì không có đủ ngôn ngữ thành ra họ chỉ nói chữ đó nói tới nói lui. 

Thí dụ, những người mới học tiếng Anh, họ chỉ biết hai chữ là, good hay bad (tốt hay xấu), họ nói cái gì cũng chỉ có chữ good hay bad, (cái gì cũng tốt và xấu hết). Nhưng, đôi khi ở trong ý tưởng họ không phải lúc nào cũng chỉ có tốt và xấu, có khi nói chuyện đó bad (xấu) nhưng xấu thậm tệ thì phải dùng chữ horrible (kinh khủng), hoặc có khi dùng chữ terrible (khủng khiếp), nhưng họ chỉ biết một chữ là bad. Còn về good là tốt cũng vậy, có nhiều chữ để chỉ cho chữ tốt. 

Thí dụ là như vậy, mình phải có nhiều từ vựng khác nhau, khi mình nói có ý tưởng nhưng nghèo dụng ngữ.

Chúng ta có một cái ví dụ khác về niệm và định, một người ra làm ăn buôn bán có nhiều sáng kiến, có nhiều mặt hàng, khách đến cửa hàng rất thích thú để mua nhưng, vốn họ không có nhiều, vốn họ cạn thành ra sự xoay sở của họ hạn hẹp. Một người ra làm ăn buôn bán có nguồn vốn dồi dào thì, ngoài  khả năng điều hành quản trị, ngoài khả năng để làm cho có nhiều mặt hàng phong phú, có nhiều dịch vụ, họ còn có một thứ đó là nguồn vốn của họ nhiều và, nhờ nguồn vốn đó việc buôn bán của họ ổn định, đặc biệt thu hút khách. Như vậy, vốn chúng ta  gọi là Định (samadhi) và, những sáng kiến chúng ta gọi là Vipassana (Thiền Quán). Chúng tôi tạm thí dụ như vậy hi vọng quí vị hiểu.

Cũng giống như trong âm nhạc, một bản nhạc hay chúng ta nói đến lời của bản nhạc, tiết tấu của bản nhạc. Nhưng, bên cạnh lời của bản nhạc còn có hòa âm phối khí nữa, có nhiều khi bản nhạc rất hay nhưng hoà âm dở  không thành bản nhạc hay.

Vì vậy ở đây, samadha với vipassana, định và niệm là hai cái lực;

-  Một bên là samadha dẫn đến tâm giải thoát. 

- Một bên là vipassana dẫn đến tuệ giải thoát.

Thật ra, năng lực chính của tâm giải thoát là định lực nhưng, định lực đó ban đầu đi với tầm, tứ, hỉ, lạc, xả. Từ từ nhuần nhuyễn hơn chỉ có tứ, hỉ, lạc, không có tầm. Nhuần nhuyễn hơn nữa không có tầm, tứ, chỉ có lạc và định và sau cùng thì không có lạc, chỉ có xả và định.

 Samadha tạo cho người ta có một tâm lực, một vốn liếng, vốn liếng đó đủ mạnh đủ chắc. Như chúng tôi đã thí dụ, một người có nhiều ý tưởng là một lẽ nhưng, dụng ngữ nghèo nàn đôi khi họ phô diễn ý tưởng của họ một cách rất nghèo nàn, mặc dầu, họ có nhiều ý tưởng hay vì họ không có đủ ngôn ngữ, như mình học một sinh ngữ mới không có nhiều dụng ngữ đôi khi mình nói lập đi lập lại. 

Ở đây, ưu tiên của Phật Pháp là thiền quán, chúng ta nói thẳng như vậy, đó là tuệ giải thoát. Tuệ giải thoát ở đây là, mình thấy rõ được thực tính của vạn pháp. Nhưng, điều đó không có nghĩa là, khi chúng ta đề cập đến tuệ giải thoát, chúng ta coi thường tâm giải thoát. Bởi vì, chúng ta biết những trở ngại trong cuộc sống của chúng ta, trở ngại đời sống nội tâm, có năm ngăn ngại là, tham dục, sân độc, hôn thụy, trạo hối, phóng dật. Những trạng thái đó chỉ thật sự được áp đảo, được sua tan do sự thực hành thiền chỉ, thực hành liên tục, thực hành bền bỉ, có định lực, có tầm, tứ, hỉ, lạc, định, mới xua được những trở ngại của đời sống nội tâm.

 Đôi khi, một số người không nghiên cứu về chuyện này nói rằng, thiền chứng là chuyện không cần thiết, nó chỉ là một cái gì gọi là optional (không bắt buộc) mình có cũng được, có thì tốt, không có cũng không sao.

Đồng ý, Đức Phật không nói là ai tu tập thiền đều đắc chứng các tầng thiền nhưng, ở đây chúng ta phải nói samadha là, làm cái gì thì phải tập trung. Ví dụ, nói mình quán vô thường mà mình chỉ quán trên sách vở, nhìn một vườn hoa, hoặc giả, đọc tin tức rồi mình nói cuộc sống là, vô thường, khổ, vô ngã.

Ý tưởng đó chỉ chợt đến chợt đi, nhiều lúc những ý tưởng đó thay đổi đời sống của mình nhưng, đôi lúc không đủ mạnh như  chúng ta có giờ ngồi thiền, trong lúc chúng ta ngồi thiền, chúng ta xử dụng một đề mục cột tâm là hơi thở, khi đi để ý đến bước chân. Tập trung như vậy định và niệm được sanh khởi đầy đủ xung mãn. 

Từ định và niệm thí dụ như là; 

Ban đầu, vị hành giả chỉ làm sao để thuần thục thoải mái với, hơi thở ra, hơi thở vô. 

Đi tới một giai đoạn xa hơn là, vị đó có thể biết được hơi thở ra dài , hơi thở vô dài, hơi thở ra ngắn, hơi thở vô ngắn.

Đi xa hơn nữa, vị đó thở một cách không bị xáo trộn, không bị áp lực, thở một cách tự nhiên, gọi là an tịnh thân hành.

Đi xa hơn chút nữa, vị đó thở và có cảm giác trọn hơi thở, cảm giác toàn thân tôi thở vô, cảm giác toàn thân tôi thở ra. 

Cho đến khi quán vô thường vị ấy thở vô, quán vô thường vị ấy thở ra. 

Thì, quán vô thường vị ấy thở vô, quán vô thường vị ấy thở ra là, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chỉ và quán. 

Quán thấy sự vô thường nhưng, vô thường phải đi với hơi thở, điều này rất  khó để diễn tả cho một người mới tu tập.

Giống như, một người tập yoga phải có những động tác đi với hơi thở, gập người xuống ngẩn người lên, cong người bên phải, cong người bên trái, những thao tác này luôn luôn đi với hơi thở. Nếu những thao tác của yoga không đi với hơi thở thì giảm đi hiệu lực rất nhiều. Các thao tác đó, chúng ta tạm gọi là quán và, hơi thở gọi là chỉ. 

Hay là, người ta có thể hát rất hay nhưng khi hát trật nhịp, một người hát vừa có luyến láy của âm thanh nhưng đồng thời hát đúng nhịp, đúng theo tiếng đàn thì đó, là sự kết hợp nhuần nhuyễn, ở đây chúng ta nói sự kết hợp chỉ và quán.

Bây giờ, chúng ta bước sang một phương diện khác, con người chúng ta thường ít khi làm việc gì,  nắm rõ, biết rõ, cái gì mình đang làm. Nắm rõ biết rõ cái gì mình đang an trú, ở trong trạng thái nào, thông thường chúng ta phải hỏi người khác, người đó phải giải thích mình như vậy là như vậy. 

Ví dụ, trường hợp một người nhiễm bịnh Covid-19, có người nhiễm Covid-19 bị ho, bị nóng, họ không biết là họ đang ở trong trạng thái nào, ở trong tình trạng nào, họ phải gọi bác sĩ. Nhưng, nếu đã là một vị bác sĩ, đặc biệt là vị bác sĩ chữa bịnh Covid-19, khi nghe người bịnh tả trong người bị sốt như vậy, bị ho khan như vậy, bị mất vị giác khứu giác, người bịnh nói đang ở trong giai đoạn nào, đang bị cái gì thì, bác sĩ có thể biết. 

Tức là, có những người ở trong trạng thái đó nhưng họ không biết mình ở trong trạng thái đó. Mình ở trạng thái nào biết trạng thái đó là một chuyện hết sức khó khăn. Kể cả trường hợp, trong đời sống chúng ta nói một cách tầm thường là, tâm mình xấu, tâm mình ác, tâm mình sân hận, tâm mình ganh tị, tâm mình bỏn xẻn, ngay lúc đó, mình biết mình đang ở tâm bỏn xẻn, tâm ganh tị, là chuyện khó. Nếu mình đang bỏn xẻn mà mình biết mình bỏn xẻn thì người mình sẽ khác đi. 

Khi mình tu thiền cũng vậy. Người hành giả khi tu thiền tâm có định biết tâm có định, tâm không định biết tâm không định, tâm tầm thường biết tâm tầm thường, tâm lao chao biết tâm lao chao, tâm cao thượng biết tâm cao thượng. Điều đó không phải dễ, một người không có trí tuệ nhiều thường thường cảm thấy lúng túng, cảm thấy mất phương hướng khi ngồi xuống ngồi thiền, bởi vì, họ nói rằng họ không tập trung được hơi thở.

 Nhưng, một người có trí tuệ, được hướng dẫn đầy đủ, hôm nào tinh tấn vị đó ý thức rõ hôm nay tinh tấn, hôm nào lười biếng vị đó ý thức rõ mình lười biếng, hôm nào tâm loạn động biết rõ tâm loạn động và, mình đi theo tâm loạn động đó nhìn vào mặt mũi sự loạn động đó, hôm nào tâm phóng dật suy nghĩ mình cũng dùng đó làm đối tượng để quán chiếu. Có nghĩa là, một người có khả năng nhìn lại mặt mũi của mình, giống như người ta nói, hãy đưa bàn tay lên nhìn vào bàn tay của mình thì rất khó, chúng ta có thể nhìn chuyện này nhìn chuyện kia nhưng nhìn trở lại chính mình rất khó.

Tôn giả Xá Lợi Phất, đặc biệt Ngài có khả năng nhìn và, nhìn một cách rất xâu sắc trên phương diện Xúc, Thọ, Tưởng, Tư, Định, Mạng, Căn, Ý. Ngài nhìn một cách rất xâu sắc về, Tầm, Tứ, Thắng, Giải, Cần, Hỉ, Dục, những trạng thái tế nhị của tâm, Ngài nhìn rất rõ và, chẳng những Ngài nhìn rõ, Ngài còn có sự quán chiếu trước kia nó không có, bây giờ nó có, hay trong tương lai cũng có, như vậy nó không phải là ta, không phải của ta.

Ngài có thể nhìn thấy được sự vô thường, tánh sanh diệt trước kia không có, bây giờ có sanh rồi nó diệt, tại vì, không có trạng thái nào nằm yên một chỗ, Ngài thấy được cái sanh cái diệt của nó, Ngài thấy được tự tánh của nó, 

Chẳng những như vậy, Ngài còn có một trí tuệ biết đây không phải là điểm dừng, còn phải đi tới. Điều đó quan trọng, chúng ta thường khi hễ nhập một trạng thái gì đó đẹp quá, mình dừng lại tại đó.

Trường hợp này giống như, một người rời VN đi qua Mỹ làm việc, đôi khi tìm được điều kiện làm ăn khá. Chúng tôi có quen với một Phật tử, bà dẫn 4 người con từ VN qua Mỹ theo phương diện bảo lãnh, cả bốn người con đều đi làm nail, lúc đó nghề nail ở bên Mỹ rất thịnh làm rất nhiều tiền, làm một thời gian 3 người con quyết định dùng tiền đó để tự mở tiệm nail, người còn lại dùng tiền dành dụm được để đi học lại, sau này ra trường trở thành một vị bác sĩ chuyên ngành gây mê. Một người đang đi làm nail có tiền, không nghĩ mình nên tiếp tục làm ra tiền ở trong ngành đó, cô dùng tiền đó để đi học có lợi cho mình về lâu về dài. Chuyện đó là chuyện khó, tại vì mình làm ra tiền nhiều quá, chưa chắc đi làm bác sĩ gây mê được nhiều tiền như vậy, nhưng đi học lại có lợi những thứ khác. Thành ra, con người chúng ta nói thì dễ chứ để mình không bị kẹt vào cái mình đang có rất khó.

Trong dụng ngữ Phật học của người Trung Hoa, có chữ "vô sở trụ", nghĩa là tâm không kẹt vào điểm này, hay điểm kia bởi vì, khi kẹt như vậy rất khó khăn để chúng ta vượt ra khỏi điều đó. Khi nói " sở trụ" nghĩa là có nhấc lên được có đặt xuống được, có nắm được có buông được, có đến được có đi được, nó không dễ, chúng ta thường rất dễ tự thỏa mãn với những gì mang tánh cách giai đoạn, khiến chúng ta không thể đi tới, không thể đi xa hơn.

 Ngay cả khi mình vô chùa tu, được nhiều Phật tử quí, hay mình có thể xây dựng một ngôi chùa, hoặc đi thuyết pháp vài nơi, mình nghĩ  như vậy đủ rồi. Thật sự, mình không thể nghĩ như vậy đủ mà mình phải tiếp tục lên đường. Chuyện tiếp tục lên đường rất khó.

  Tôn giả Sariputta qua lời Đức Phật Ngài thuật lại, tôn giả có làm được một việc chính bản thân Đức Phật sau khi Ngài rời thành Ca Ti La Vệ, Ngài tìm đến hai vị thầy đầu tiên Uddaka Ramaputta và Alarama Kalama, những vị này có thiền chứng rất cao, một vị đắc thiền vô sở hữu, một vị đắc thiền phi tưởng phi phi tưởng, ngay khi Đức Phật Ngài thành tựu những đắc thiền đó, ngài thấy ở đây không đạt tới chỗ viên mãn giác ngộ, Ngài tiếp tục lên đường. Khả năng để tiếp tục lên đường, khả năng đi tới là một chuyện vô cùng khó khăn.

Hồi nhỏ, chúng tôi có dịp ở gần những vị Thầy như Ngài Tịnh Sự, Sư Trưởng, HT Minh Châu, hay một số các vị sau này, chúng tôi cảm nhận tất cả quí Ngài đều có một cái đức mình có thể học được là, không bao giờ tự mãn về sở học của mình, luôn luôn trong đời sống tu và học cần đi tới và, tìm cách để học hiểu. Có những vị tuổi đã lớn gần mất đi cũng còn cố gắng, điều đó chúng tôi thấy rất rõ ràng.  

Ngày xưa, chúng tôi có đọc một cuốn sách của cụ Nguyễn Hiến Lê "tự học là một nhu cầu của thời đại", trong đó nói rằng "chúng ta sống trong thời đại ngày hôm nay đừng bao giờ nghĩ rằng, trường học, tiểu học, trung học, đại học dạy đủ cho chúng ta, khi chúng ta ra ngoài đời chúng ta luôn luôn phải tiếp tục học ,phải tiếp tục để trao dồi kiến thức của mình, không thể để mình nằm yên một chỗ".

Quả thật như vậy, ngày xưa đại học dạy về computer, những ngôn ngữ của "Basic" của "Global" bây giờ hiếm khi dùng, ngành computer bây giờ phát triển mạnh. Ngay cả những vị bác sĩ, nha sĩ, kỹ sư bên này cũng phải đi tu nghiệp để biết thêm về nghề của họ, không thể nào một ngành nghề mình học cách đây 20 năm nằm yên không phát triển. Vì vậy, bên Mỹ những người mới ra trường đôi khi được trọng dụng vì họ học cái mới cập nhựt bây giờ. 

Căn bản mà nói, trong con đường giáo dục bản thân, ở đây chúng ta không dùng chữ giáo dục bản thân, chúng ta dùng chữ tu tập, sự tu tập đa phần con người rất dễ bằng lòng, rất dễ thỏa mãn với một chừng mực nào đó, trong chừng mực đó người đó không thể đi xa hơn được. 

Nói về chỉ và quán, tôn giả Xá Lợi Phất Ngài đạt đến một tâm thuật cao nhất từ trạng thái, sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, không vô biên thức, phi tưởng phi phi tưởng, diệt thọ tưởng định. Theo trong sớ giải khi Ngài đạt đến tầng thiền phi tưởng phi phi tưởng, lúc đó tôn giả đã chứng quả tâm giải thoát là Ngài đạt đến trạng thái phi tưởng phi phi tưởng. Về tuệ giải thoát, Ngài đạt đến  tam quả A Na Hàm và, bằng sở đắc của vị A Na Hàm về tuệ và về tâm giải thoát là bởi vì về phi tưởng phi phi tưởng Ngài nhập diệt thọ tưởng định, sau diệt thọ tưởng định, Ngài hồi quán, Ngài nhìn lại, Ngài đạt được vô lậu giải thoát.

Một vị từng bước một (chữ Anupada nghĩa là từng bước một) thì từng bước một từ, sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, mỗi một bước như vậy đối với tôn giả Xá Lợi Phất Ngài thành tựu chứng đắc rất dễ, chẳng những thành tựu chứng đắc rồi Ngài còn nhìn lại, nhìn thấy rất rõ, mọi khía cạnh của nó, bằng sự hồi quán, bằng sự quán chiếu nhìn lại, chẳng những Ngài quán chiếu ngài nhìn lại tất cả những khía cạnh như, Tầm, Tứ, Thắng giải, Cần, Hỷ và Dục v.v... Ngài còn ý thức rất rõ cái gì phải đi tới. Đến lúc Ngài thành tựu được quả vị A Na Hàm, và phi tưởng phi phi tưởng thì Ngài nhập vào trạng thái cao nhất của các thiền chứng là diệt thọ tưởng định, từ đó Ngài rời khỏi trạng thái diệt thọ tưởng định, Ngài khai triển tuệ quán trở thành một vị A La Hán. Không có ngôn ngữ nào chúng ta có thể diễn tả đủ về sự cao siêu của Ngài về phương diện này, phải nói đó là một hành trình được Đức Phật Ngài rất khen ngợi.

Cũng trong bài kinh này có câu Đức Phật dạy: "con của Đức Thế Tôn", thỉnh thoảng Đức Phật Ngài cũng dùng câu này để nói những người được trưởng thành từ giáo pháp. Khi nói "con của Đức Thế Tôn" là người thật sự  trở thành bậc thánh từ giáo pháp của Đức Thế Tôn.

 Ở đây, Đức Phật còn dạy thêm tôn giả Xá Lợi Phất còn có tư cách để triển đạt Phạm Luân tức là vận chuyển Bánh Xe Chánh Pháp. Nói một cách khác là, tôn giả Xá Lợi Phất hoàn toàn có thẩm quyền, có tư cách để giảng dạy, để quảng diễn về lời dạy của Đức Phật để hoằng hóa. Một lời dạy rất cao tột về sự lợi khen tán thán của bậc Thầy bậc Đạo Sư đối với người đệ tử và, dĩ nhiên trong trường hợp này tôn giả Xá Lợi Phất là đệ nhất về trí tuệ.

Bài kinh này, gọi là kinh bất đoạn, chữ Anupada có nghĩa là tuần tự, một hành trình thứ lớp, hành trình tuần tự từng bước một. Bài kinh đặc biệt đề cập đến một nhân vật tôn giả Xá Lợi Phất, bên cạnh đó, còn đặc biệt nói đến một điểm trọng yếu trong thiền là sự kết hợp của chỉ và quán ./.