Thursday, March 26, 2015

Hiếu đạo thăng hoa cuộc sống.

Bài học: Hiếu đạo thăng hoa cuộc sống. Kinh Như Thị Thuyết (CVI) (Cat. 7) (It. 109)

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 8-4-2014, Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Bài học ngày hôm nay đưa chúng ta trở về một hình ảnh truyền thống rất quen thuộc trong gia đình người Phương Đông từ thuở xưa cũng như trong những gia đình Phật Giáo, đó là chữ hiếu hay hiếu hạnh được thắp sáng ở trong đời sống gia đình.   

Có lẽ khi đề cập đến chữ hiếu hầu hết chúng ta ngày hôm nay có cảm nhận đây là một giai đoạn lịch sử của đất nước, lịch sử của dân tộc, nền văn hoá của chúng ta đang bị giao động mạnh và có những thay đổi rất lớn. Hình ảnh thờ Cha kính Mẹ ngày hôm nay trong các gia đình càng ngày càng khác thời xưa. Cha Mẹ và con cái ảnh hưởng nền văn hoá mới đặc biệt ảnh hưởng văn hóa phương Tây. Nhiều khi người ta muốn nói lên sự hội nhập của những người trẻ và qua đó Cha Mẹ trở thành một hình ảnh già nua lỗi thời không có đủ khả năng để hướng dẫn con trong một xã hội có sự thay đổi rất nhiều.

 Chúng ta cũng nói đến chủ nghĩa cá nhân, con cái lớn lên cần có một không gian tương đối riêng biệt, bây giờ người ta nói nhiều đến privacy tức là sự riêng tư. Chính sự riêng tư này con cái cảm thấy mình khó có thể sống chung với Cha Mẹ, muốn rời ra nhà riêng để có thể đi về hàng ngày không ai ngó không ai nói, đặc biệt có những quan hệ tình cảm dễ dàng hơn. 

 Người ta cũng nói đến một hình ảnh xã hội bây giờ ai cũng bận sinh kế cha mẹ ở nhà nếu không giữ cháu được,  nếu không phụ việc nhà được thì cha mẹ ở với con trở thành một gánh nặng. Do vậy nhiều gia đình cha mẹ tự nuôi con lớn lên rồi con có cuộc sống riêng cha mẹ lại phải tự thui thủi lo thân mình.

  Chúng tôi nói đến một số khía cạnh không phải ảnh hưởng văn hóa trào lưu mà ảnh hưởng đến kinh tế ảnh hưởng đến triết lý sống cá nhân. Ngày nay những điều này đã làm lung lay những giá trị truyền thống giữa Cha Mẹ và con cái ở trong những gia đình ảnh hưởng văn hóa phương Đông, văn hóa truyền thống hay văn hóa Phật Giáo.

Điều chúng ta làm ngày hôm nay chúng ta trở về với một đoạn kinh rất xưa đã được Đức Thế Tôn giảng cách đây hơn 25 thế kỷ. Ở đó Đức Phật Ngài đề cập đến những giá trị rất cụ thể thực tế ở trong mỗi gia đình. Và từ đó Đức Phật Ngài đã dùng những giá trị truyền thống giá trị này chỉ mang tánh cách tín ngưỡng. Thời xưa, giòng tín ngưỡng tôn giáo trở thành một cái gì rất nặng ở trong đời sống, có nhiều khi người ta sùng bái thờ phượng tín ngưỡng nhiều hơn là trọng những giá trị quen thuộc gần gủi trong đời sống hàng ngày. 

Đây là một bài kinh gồm 4 chi pháp. Và trong 4 chi pháp này chúng tôi rất tiếc không hiểu tại sao trong những bản kinh của HT Minh Châu và những bản kinh được san định sau này người ta đã bỏ đi một đoạn rất quan trọng. Thành ra chúng ta đọc thường cảm thấy có 3 chi pháp hoặc nếu đọc không kỹ thì chỉ còn có 2 chi pháp.

Như đoạn kinh:

Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm thiên. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận như các đạo sư thời xưa. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận là đáng được cúng dường.

 Đoạn này nói: Phạm Thiên, bậc đạo sư thời xưa, đáng được cúng dường cho chúng ta có tất cả 3 chi pháp thôi. 

 - Chi pháp đầu tiên: Ngang hàng với Phạm Thiên. Chữ Sabrahmakāni nghĩa là ngang bằng với Phạm Thiên 
  - Chi pháp thứ hai: Câu Sapubbācariyakāni thì ở đây họ dịch là bậc Đạo Sư thời xưa.
  - Chi pháp thứ ba: là Sāhuneyyakāni là xứng đáng được cúng dường. 

 Chúng ta nên lưu ý, chúng ta đang học ở trong phần pháp 4 chi. Trong phần pháp 4 chi này Đức Phật Ngài đưa ra hình ảnh của cha mẹ có 4 điều được ví dụ, và 4 pháp này có giá trị rất phổ cập vào thời cổ ở trong các gia đình. 

-  Thứ nhất: Chữ brahmakāni dịch là Phạm Thiên hay Sáng Tạo Chủ hay Tạo Hóa hay đấng Thượng Đế. Trong nền tín ngưỡng của Ấn Giáo tin rằng Phạm Thiên là vị sáng tạo ra thế giới này và do vậy họ thờ phượng Phạm Thiên. Phạm Thiên là những bậc có đức tánh từ bi hỉ xả, bậc hoàn toàn thanh tịnh thì thờ Phạm Thiên. Đức Phật Ngài ví dụ nếu nói về sáng tạo thì Cha Mẹ sanh ra con, Cha Mẹ xứng đáng được gọi là Phạm Thiên.

 -  Thứ hai: Chữ  Sapubbadevatāni bị bỏ xót không có trong bản dịch. Chữ Sapubbadevatāni chúng ta dịch là những bậc Chư Thiên thời cổ đại hay Chư Thiên thời trước. Chư Thiên thời trước ở đây có ý nghĩa rất đặc biệt nhưng không hiểu tại sao ở trong bản kinh của HT Minh Châu hồi xưa chúng tôi đi học thì có nhưng sau này họ bỏ chữ Chư Thiên thời cổ. Chư Thiên thời cổ nếu nhìn trong tất cả những tôn giáo họ đều có một cách thờ là ít thờ phượng những vị Thiên Thần những vị Long Thần Hộ Pháp mà hiện nay họ chỉ thờ những bậc Chư Thiên thời xưa được ghi ở trong sách vở. Và theo lớp tín ngưỡng thì lề lối tín ngưỡng quen. Bây giờ đến các chùa hay các nhà thờ hay đến những nơi đền thờ tín ngưỡng Chư Thiên thì họ vẽ Chư Thiên mặc những xiêm y hay mặc áo thời cổ chứ không ai vẽ Chư Thiên mặc áo vét. Ý chúng tôi muốn nói một điều rằng trong nền văn hóa tín ngưỡng con người ngày xưa Chư Thiên rất gần với loài người, ngày xưa Chư Thiên thường hiện ra để giúp con người như chúng ta nghe trong những câu chuyện thần thoại cổ tích chẳng hạn, Chư Thiên hồi xưa là những vị dạy dỗ giúp đỡ hướng dẫn loài người để xây dựng lên những giá trị ở trong cuộc đời này. Chúng tôi lấy ví dụ, nếu qúi vị đi về một vài thành phố cổ của Ấn Độ hay của Tích Lan và ở tại đó có những thạch động rất tinh vi người ta tin rằng Chư Thiên đã giúp cho những người thợ điêu khắc tạc những pho tượng những bức họa thì mới đẹp mới đạt được những tác phẩm kỳ vĩ như vậy. Nói tóm lại bây giờ khi người ta thờ phượng các vị Thiên Thần các vị Chư Thiên thờ phượng Chư Thiên thời cổ chứ không ai nói Chư Thiên thời bây giờ. Thì chữ Sapubbadevatāni là Chư Thiên thời cổ. 

-    Thứ Ba: chữ Sapubbācariyakāni tức là vị đạo sư thời trước hay là đạo sư ban đầu. Ở đây dịch là  Tiên Sư trong tiếng Việt, chúng ta phải dùng chữ Tiên Sư hay Thánh Tổ. Tiên Sư hay Thánh Tổ là một người tạo ra hay lập ra một truyền thống một trường phái một sự khởi nguồn. Như ở VN chúng ta hay có chữ "Các vị Tổ", bên Phật Giáo Bắc Truyền thường thờ các vị Tổ, Tổ là người bắt đầu một tông phái. Ở ngoài nhân gian một số người làm các nghề như nghề biển, nghề mộc, nghề rèn hoặc giả nghề ca hát cũng có tổ của họ, gọi là tổ nghiệp tức là các vị lập ra nghề đó và ngày hôm nay chúng tôi thỉnh thoảng  vẫn thấy một số các vị ca sĩ khi họ có chương trình lớn họ cũng cúng tổ. Ngày xưa thân phụ chúng tôi đi lính cũng có bàn thờ Tiên Sư bàn thờ Tổ ở trong quân đội. Người Trung Hoa thì những vị cảnh sát thờ Quan Công gọi là Quan Nhị Ca tức là Quan Công rồi có hình ảnh một vị tổ nào đó nhưng thường thường biểu trưng cho sự trung nghĩa cang cường, họ thờ Quan Công hay họ thờ Quan Công Trường Quan Đế là vị Tổ. 

 Khi nói đến cha mẹ Đức Phật Ngài dạy cha mẹ là những vị Tiên Sư, những vị Thánh Tổ, những vị Tổ Nghiệp, những vị Tổ bắt đầu của một truyền thống giống như cha mẹ là vị Thầy đầu tiên dạy cho con biết ăn, biết nói, biết đi, biết đứng, biết đi vào cuộc đời. Ở một đoạn khác Đức Phật gọi là giới thiệu con đi vào cuộc đời thì chữ đó đặc biệt để chỉ cho cha mẹ đồng nghĩa là Tiên Sư.

   Đầu tiên Cha Mẹ được ngang bằng với Phạm Thiên, Cha Mẹ được ngang bằng với những vị Chư Thiên thời xưa, Cha Mẹ được ngang bằng với những vị Tiên Sư tức là bậc Thầy khởi đầu truyền thống nào đó. 

-  Thứ tư : Chữ Sahuniyakani nghĩa là cha mẹ là những bậc đáng lễ bái trong nếp sống tín ngưỡng của chúng ta. Đúng ra chữ sahuniya là lễ bái cũng được, cúng dường cũng được nhưng chúng ta gọi thờ phượng. Thờ phượng ở đây tức là ví dụ như qúi vị thấy có nhiều gia đình người ta thờ Thần Tài, thờ Ông Địa, thờ bà Mẹ Sanh v.v... và người ta đặt một  cái trang thật trang trọng thắp hương, để bông hoa cúng thì những bậc như vậy gọi là bậc sahuniya là bậc đáng để thờ phượng. Một điều là chúng ta hay thờ phượng Thánh Thần nhưng Đừc Phật dạy Cha Mẹ là những bậc đáng thờ phượng thì chúng ta nên thờ phượng Cha Mẹ.

Ở đây chúng ta nói trở lại trong đoạn đầu tiên Đức Phật Ngài đặc biệt đề cập đến hình ảnh nguyên một gia đình, gia đình đó hiếu hạnh được thắp sáng, tức là ở trong gia đình đó có thờ Cha kính Mẹ, có phụng dưỡng Cha Mẹ và có sự chăm sóc Cha Mẹ của con cái. 

Đức Phật nói chung cả gia đình đó, Ngài nói rằng gia đình đó tiêu biểu cho một hệ thống tính lý một truyền thống tín ngưỡng cao đẹp. Và truyền thống tín ngưỡng cao đẹp người ta thường đề cập đến gồm 4 khía cạnh, 4 bản sắc. Thứ nhất, ở trong những truyền thống tín ngưỡng người ta nói đến một vị Thượng Đế tối tôn, một vị Thượng Đế sáng tạo ở đây chúng ta gọi là Brahma tức là Phạm Thiên. Ở Ấn Độ họ dùng chữ Phạm Thiên là những bậc thanh tịnh tối thượng họ thờ phượng một vị tối tôn hay một vị Thượng Đế, đó là điểm đầu tiên.

Điểm thứ hai. Thờ những bậc Chư Thiên và Chư Thiên ở đây chúng ta nói Chư Thiên thời xưa tức là những bậc Long Thần Hộ Pháp những bậc Thiện Thần. Chúng ta thấy trong đa số những tín ngưỡng  về Thần giáo ngoài vị Thượng Đế ngoài đấng thờ phượng linh thiêng nhất thì họ thờ Thánh thờ Thần. Chúng tôi lấy ví dụ, trong Phật giáo một số người ngoài thờ Phật người ta còn thờ Chư Thiên. Bên Thiên chúa giáo họ có Chúa ba ngôi là Chúa Cha, Chúa con, Chúa Thánh Thần, thì Chúa Thánh Thần được hiểu là những vị Thiên Thần những vị Chư Thiên. Đó là một khía cạnh khác của tín lý.

-  Và khía cạnh tín lý thứ ba ở trong các tín ngưỡng thường đề cập đến đó là những vị Tổ tức là những vị Thầy ban đầu, những vị đã khai sinh, những vị gọi là Thánh Tổ hay là những bậc sơ Tổ hay bậc Tiên Sư. Chữ Tiên Sư ngày xưa là chữ rất là đẹp nhưng sau này ở miền Bắc nhiều khi người ta dùng chữ Tiên Sư để chửi ai đó thành ra đôi khi người miền Nam nghe chữ Tiên Sư thì liên tưởng đến câu chửi nhiều hơn. Nhưng chữ Tiên Sư rất đẹp, chữ Tiên Sư được xem như là bậc Thầy bậc Tổ đã khai sáng đã bày ra cái gì đó gọi là hiển bày, như là vị tổ lập lên Pháp Hoa Tông, vị tổ Thiền Tông, vị Tổ Tịnh Độ Tông chẳng hạn, bên Phật Giáo Bắc Truyền  có những vị tổ. 

- Rồi sau cùng Cha Mẹ những bậc xứng đáng để thờ phượng để lễ bái tức là ở trong gia đình có những chuyện tôn trọng, có những chuyện kiêng kỵ, có những chuyện cúng dường, có những chuyện tụng niệm, tất cả những chuyện đó thì Cha Mẹ đều xứng đáng. 

Khi xưa đối với Đức Phật thì bốn phương diện này bốn yếu tính này  của tín ngưỡng trở thành một cái gì đó ăn sâu gắn chặt vào trong nếp tâm linh, cái nếp chúng ta gọi là tôn giáo ở trong các xã hội. Thì riêng ở trong cái nhìn của Đức Phật, Ngài dạy cha mẹ là những bậc xứng đáng để mang 4 yếu tính về tôn giáo đó: 

1. Thứ nhất khi chúng ta nói đến Thượng Đế hay Sáng Tạo Chủ thì cha mẹ là bậc sanh ra con, cho dù bất cứ lý do gì nhưng từ chỗ không có tạo ra có, nhờ có cha mẹ chúng ta mới có ngày hôm nay, do vậy, chúng ta xem Cha Mẹ là Thượng Đế. Nếu người con nghĩ Cha Mẹ là Thượng Đế thì không có chuyện gì sai trái, điều đó hoàn toàn đúng với tôn ý của Đức Phật, Cha Mẹ là tạo hóa, Cha Mẹ là những bậc tạo ra mình thì Cha Mẹ là đấng tạo hóa của mình. 

2.  Cha Mẹ là những bậc Chư Thiên thời cổ. Chúng ta gọi là những bậc Cổ Đức. Chư Thiên thời cổ là Chư Thiên linh, những vị Chư Thiên, những vị Thiên Thần để thờ phượng. Đối với chúng ta ở trong cuộc sống lúc tối lửa tắt đèn lúc hữu sự cần đến sự đùn bọc, cần đến sự góp lời góp ý, cần đến sự giúp đỡ chúng ta đều cần đến Cha Mẹ. Chúng tôi nhớ ở trong rất nhiều đoạn kinh Đức Phật Ngài đặc biệt dạy những xã hội nào có những thành viên trong xã hội biết qúi trọng những vị lớn tuổi những vị niên trưởng như chúng ta thường nói là "Đãi lão khất ngôn" là tìm sự che chở, tìm sự cố vấn, tìm sự chỉ điểm chỉ vẽ của những người lớn tuổi thì xã hội đó hưng thịnh. Thì phải nói đôi khi chúng ta sống ở trong cuộc sống này chúng ta rất tự thị, tự thị nghĩ mình không cần những người đi trước và mình nghĩ  mình khôn hơn những người đi trước. Thí dụ như thời bây giờ nhiều khi con cái cập nhật mau hơn cha mẹ, nó học computer nhanh hơn hay nó học những công nghệ những khoa kỷ giỏi hơn, nhiều khi cha mẹ mua cái điện thoại thông minh chẳng hạn, smart phone về thì con cái lại nhanh giỏi hơn và chỉ dẫn Cha Mẹ. Tuy nhiên ngày xưa có câu nói dễ thương "Ở tuổi trẻ mình nghĩ con hơn Cha Mẹ. Nhưng đến tuổi nào đó mình nghĩ mình bằng cha mẹ. Tới khi mình lớn mình già rồi mình thấy mình thua Cha Mẹ". Cũng giống như bản thân của chúng tôi khi chúng tôi mới về sống với Ngài Hộ Giác chúng tôi nghĩ mình có nhiều cái mình nên làm theo ý của mình hay hơn là theo ý của Ngài, tại vì mình mới lớn lên mình nghĩ rằng mình làm vậy, nhưng thời gian sau thì thấy Ngài là người có nhiều kinh nghiệm thành ra mình trao đổi với Ngài, rồi thời gian khi Ngài lớn tuổi thì mình càng sống càng nhận ra thì mình nói rằng mình rất khó so bì với kinh nghiệm từng trải của Ngài. Thì lúc đó chúng tôi ngay cả bây giờ khi chúng tôi nói chuyện với qúi Phật tử ở đây chúng tôi nhớ lại những gì Ngài đã sống, những sự cư xử những cách sống của Ngài chúng tôi cũng phải nói có những điều học cả đời học cũng không được. 

3. Khi mình xem Cha Mẹ là những bậc Thầy  đầu tiên phải nói rằng Cha Mẹ dạy dỗ chúng ta rất nhiều. Người ta nói "con chim có tổ người có tông" và nếu chúng ta hiểu được gốc gác của chúng ta, chúng ta hiểu sự bắt nguồn của chúng ta thì chúng ta sẽ hiểu được bản thân của mình rất nhiều. Mình muốn hiểu chính mình thì mình nên hiểu Cha Mẹ mình là ai, xuất xứ xuất thân mình như thế nào, mình nên hiểu sự giáo dưỡng của mình ra sao, những giá trị mình được hấp thụ thời trẻ như thế nào, thì những điều đó giúp chúng ta đi vào trong cuộc đời mình hiểu bản thân của mình nhiều hơn. Một chuyện đơn giản như bây giờ qúi vị ít gặp Sư Trưởng, hôm nay Sư Trưởng đang nằm trong bệnh viện. Sư Trưởng trước kia thường sinh hoạt trong rơom Phật Pháp Buđdadhamma này. Sư Trưởng là sư cậu của chúng tôi là vị Thầy đưa chúng tôi vào đạo. Khi chúng tôi ra nước ngoài chúng tôi có nhận ra một điều Sư Trưởng là vị đã thổi vào trong lòng chúng tôi lòng nhiệt huyết để hoằng pháp, để học Phật Pháp, để chia sẻ Phật Pháp với người khác. Lúc mới vào chùa Sư Trưởng đã làm cho chúng tôi thấy chuyện đó đẹp thiêng liêng, chuyện đó là chuyện mình nên đầu tư cả cuộc đời mình,  chúng tôi có nhận rằng lớn lên khi đi ra bên ngoài làm việc sinh hoạt đó đây những gì Sư Trưởng hàm dưỡng đã gieo vào trong lòng chúng tôi nó vẫn sống trong lòng cho đến bây giờ. Bây giờ chúng tôi phải thưa qúi vị rằng nếu cho chúng tôi sống một nơi đầy đủ tiện nghi cuộc sống rất tốt mọi thứ chỉ có chữ nhàn mà không có làm việc Phật Pháp thì thật ra chúng tôi cảm thấy cuộc đời không có ý nghĩa. Tại sao chuyện đó lại là một lẽ sống trong cuộc đời chúng tôi, phải nói rằng chuyện đó chúng tôi học từ Sư Trưởng hồi nhỏ. Cái mầm mống cái chủng tử gieo vào trong lòng mình hồi nhỏ nó lớn lên như vậy nhiều khi làm việc Phật Pháp có cực nhưng có ý nghĩa cuộc sống, còn bây giờ mình ăn không ngồi rồi vô tích sự không làm gì hết hay mình ngồi đó sống hưởng thụ cho dù mình có giàu đến đâu cho dù có được gì đi nữa thì thật sự cũng vô nghĩa.

Khi mình hiểu gốc của mình là ai lúc đó mình hiểu bản thân của mình nhiều hơn, đó là điều quan trọng . Thật ra con cái nhiều khi không có nghĩ mình cần phải hiểu về Cha Mẹ nhưng chuyện đó  rất là sai. Tại vì mình muốn hiểu bản thân của mình thì mình phải hiểu Cha Mẹ. Mình muốn hiểu bản thân mình thì mình phải hiểu  văn hóa của mình. Mình là người Việt Nam nếu mình muốn hiểu bản thân mình mà mình không hiểu về văn hóa VN , không hiểu gốc của mình thì mình không có hiểu bản thân mình, tại đó là nơi xuất xứ của mình.

4. Sau cùng, ở trong cuộc sống chúng ta nên có những thiêng liêng, có những giá trị để thờ phượng. Nếu sống trong một ngôi nhà có bàn ghế có phương tiện đầy đủ nhưng không có bàn thờ, thì người Á Châu chúng ta nhất là người VN không có bàn thờ thì thiếu sự thiêng liêng, do sự thờ phượng làm cho đời sống của chúng ta có ý nghĩa, do sự thờ phượng mình cảm thấy mình yên tâm như được che chở  Đức Phật dạy rằng cha mẹ là những bậc đáng cho mình thờ phượng, đáng cho mình đảnh lễ, đáng cho mình cúng dường. Cúng dường tức là những ngày đầu năm đầu tháng những ngày lễ quan trọng mình đảnh lễ. Chúng tôi nhớ rằng lúc Ngài HT còn sống những giờ phút rất an lạc của chúng tôi là những ngày đầu năm sau đêm giao thừa buổi sáng hôm sau khi thức dậy mùng một tết lo đón Phật tử đến cùng lên lễ Phật sau đó  khoảng gần 11, 12 giờ  chúng tôi với Chư Tăng xuống dưới tịnh thất của Ngài, chúng tôi mang trà và chuẩn bị một phong thư màu đỏ để cúng dường và những lễ phẩm đảnh lễ chúc thọ mừng tuổi Ngài. Thật ra chuyện đó không phải là chuyện đời, mà là có một bậc Trưởng Lão để mình đảnh lễ để mình kính qúi thì cuộc sống mình có giá trị. 

Ở trong gia đình con cái biết kính Cha Mẹ. Chúng tôi nhớ là bây giờ người ta không còn giữ lẽ này nhưng ngày xưa ở trong nhà bộ phản hay bộ ngựa nơi bộ ván chỗ Ông Bà Cha Mẹ ngồi con cái không được phép leo lên, mình chỉ lên đó khi lau dọn hoặc cầm cái chổi quét vậy thôi, cái ghế nào Ông Bà Cha Mẹ ngồi mình không được phép ngồi. Bây giờ, chúng tôi thấy trong xã hội người ta không còn quan trọng điều đó, nếu có Cha Mẹ ngồi còn không có Cha Mẹ thì mình leo lên ngồi chứ không có chuyện nể trọng như vậy. Thời xưa trong nhà có Ông Bà Cha Mẹ thì con cháu đi cũng nhè nhẹ hay mình nói năng cũng giữ lễ. Ví dụ như thân mẫu của chúng tôi muốn rày con hay muốn đánh con thì kêu ra đâu đó đánh hay la chứ không ở trước mặt Ông Ngoại Bà Ngoại Ông Nội Bà Nội mà la mắng con. Bây giờ người ta không có quan trọng chuyện đó, như Cha Mẹ ngồi đó nhưng mình giận con thì mình vẫn chửi vẫn rủa xả con mình thì chuyện mình rủa xả con mình không có liên quan đến Cha Mẹ nhưng có Cha Mẹ ở đó mình chửi con tức là thiếu sự kính trọng đối với Cha Mẹ. Thời trước chúng ta thường có lệ khi có khách đến nhà mình không đem con cái ra chửi, có giận con thì nói nhỏ nhẹ hay kêu nó ra sau nhà nói chờ khách về thì biết, không bao giờ có khách ở đó mình chửi con, mình chửi con tức là mình sân si thì giống như mình thiếu sự tôn trọng với khách. Đối với khách như vậy, còn đối với Cha Mẹ phải có thái độ kiêng kính, thái độ biết nghĩ đến, thái độ biết kính trọng đó là sự thờ phượng. Nghĩa là ở trong cuộc sống mình phải có cái  gì đó trang nghiêm, trong cuộc sống mình phải có cái gì đó đẹp để mình gìn giữ. Ví dụ như, có nhiều khi chúng tôi cũng nhắc qúi Phật tử mình nói chuyện nhảm chơi thì mình nói chuyện ở ngoài sân ở đâu đó nhưng khi bước vào trong chánh điện thì nên giữ yên lặng tôn trọng. Người VN, nhất là Phật tử VN đôi khi không được cái đó, vô trong chánh điện khi nào tụng kinh là tụng kinh, nghe pháp là nghe pháp, nhưng trước khi đó vào trong chánh điện thì cũng nói chuyện ông này nói chuyện bà kia, ngồi trong chánh điện trước bàn Phật nói những chuyện nhảm nhí hay  có những lời cãi cọ qua lại tức là Đức Phật ngồi đó mình lạy Ngài giống như bậc thiêng liêng mà mình lên đó cãi vả nói chuyện xấu người này người kia thì lâu ngày tạm gọi là mất linh, tức là chỗ đó không phải là chỗ thiêng liêng đối với mình nhiều nữa, chỗ thiêng liêng mình bước vào mình giữ sự yên lặng. Người đời nói một câu nghe hơi kỳ, người ta nói có nhiều khi những người đi làm nghề mãi dâm họ hỏng 9 phương nhưng họ còn một phương để dung thân, thì ở trong cuộc đời mình cho dù là 4 phương 8 hướng có bao nhiêu phiền lụy phải có một chỗ thiêng liêng, chỗ thiêng liêng để quay về hướng về, thiêng liêng đó là bàn thờ, thiêng liêng đó là mình ngồi vô trong chánh điện khi mình vô ngồi trong đó thì mình thấy chỗ đó là chỗ thiêng liêng để mình có sự kiêng nể. Và chính điểm đó nó làm cho cuộc sống mình có giá trị. 

Bốn điểm chúng tôi nói tại đây và chúng tôi nhắc lại ở trong bản chánh kinh thiếu một đoạn dịch thành ra còn có 3 thôi nhưng chúng ta phải dịch lại cho đủ 4 chi pháp là:

 1. Đức Phật Ngài dạy trong những gia đình nào hiếu hạnh được thắp sáng thì gia đình đó được xem như ngang bằng với Phạm Thiên.

2. Những gia đình nào con cái hiếu hạnh với Cha Mẹ  được thắp sáng thì gia đình đó được xem ngang bằng với Chư Thiên thời trước Chư Thiên thời xưa.

3. Trong gia đình nào con cái thờ kính Cha Mẹ hiếu hạnh thì ngang bằng với những bậc Tiên Sư, tức là những bậc Thầy ban đầu, những bậc Tiên Tổ. 

4. Sau cùng, ở trong gia đình nào con cái hiếu hạnh được thắp sáng thì gia đình đó đáng cúng dường.

Chúng ta thấy đầu tiên Đức Phật nói chung một gia đình nhưng sau đó Đức Phật nói rõ tại sao. Tại vì Cha Mẹ xem như đấng tạo hóa, Cha Mẹ được xem như đấng hộ trì, Cha Mẹ như một đấng khai sáng hướng dẫn con vào cuộc đời, Cha Mẹ được xem là những bậc thiêng liêng để thờ phượng. Thì bốn giá trị này tạo ra hình hài của con, che chở nuôi dưỡng con lớn lên giới thiệu con đi vào đời và là một nơi thiêng liêng để cho con tìm thấy những giá trị cao đẹp. Thì cả 4 điều đó đều là những giá trị mà một người con có thể tôn sùng Cha Mẹ, 4 điều này đều là những giá trị rất phổ cập trong những truyền thống tôn giáo, những truyền thống tín ngưỡng. Và ở đây cũng phải nói thêm một điều là chúng ta thường đặt rất nặng về tín ngưỡng, chúng tôi thấy có những gia đình người ta thờ Thần Tài hay thờ bà Mẹ Sanh, thờ Quan Công, họ thờ rất trang trọng rất cung kính nhưng đối với Cha Mẹ ở nhà thì mình gọi là phang ngang bửa củi đi ngang về tắt không biết Cha Mẹ là gì, điều đó rất là đáng tiếc. Tại vì sao vậy? Tại sao mình có thể thờ Thánh Thần, mình thờ Chư Thiên mà mình không có tôn kính được Cha Mẹ.  

Đức Phật Ngài có một cách giảng dạy rất đẹp. Ngài biết con người sống luôn luôn trong văn hóa sản sinh ra những tín ngưỡng, sản sinh ra niềm  tin, nhưng nếu niềm tin đó được đặt đúng chỗ thì rất đẹp. Như trong kinh Thi Ca La Việt Đức Phật buổi sáng Ngài đi vào thành Vương Xá Ngài thấy thanh niên Singàlaka đứng giữa ngã tư đường để lễ bái sáu phương, chúng ta thường thấy ở VN Cha Mẹ ngày xưa cũng hay lễ lạy sáu phương tức là lạy hướng này hướng kia, Đức Phật hỏi tại sao thì thanh niên Singàlaka trả lời rằng: 

"Bạch Đức Thế Tôn, Thân Phụ con trước khi qua đời dạy hàng ngày phải lễ bái như vậy" 

Đức Phật Ngài mở đầu bằng câu rất ý niệm rất đẹp Ngài nói rằng:

- "Sự lễ bái lục phương ở trong đạo lý của bậc Thánh có khác"

Thanh niên Singàlaka khẩn Đức Phật giảng giải thế nào là lễ bái lục phương ở trong đạo lý của bậc Thánh. 

Đức Phật Ngài dạy những phương hướng tiêu biểu cho những sự liên hệ với đời sống của mình, thí dụ phương Đông nói lên đạo Cha Mẹ và con cái, phương Nam nói về đạo Thầy trò, phương Tây nói về vợ con, phương Bắc nói về bạn bè, phương trên nói về Samon với cư sĩ Tăng tục, phương dưới nói về người chủ và người làm. Những phương tiện đó là những quan hệ trong đời sống chúng ta và những quan hệ đó cần được cẩn trọng cân nhắc kỹ lưỡng không nên xem thường. Thí dụ như mình lạy phương Đông rất chí thành nhưng ở nhà mình chửi Cha mắng Mẹ không có thờ kính Cha Mẹ hay mình lạy phương Tây rất chí thành nhưng trong đạo nghĩa vợ chồng thì mình không quan trọng không để ý. Thì Đức Phật Ngài dạy rằng thay vì lễ bái lục phương thì mình nghĩ rằng lễ bái lục phương đó tức là mình ở giữa và 6 phương đó là 6 sự quan hệ trong cuộc sống của mình thì những quan hệ đó rất quan trọng để chúng ta trân trọng để chúng ta dành cho tâm trí của mình. Thì ở tại đây nếp tín ngưỡng chúng ta thấy đa số tôn giáo nói đến một vị Thượng Đế nói đến một vị tạo hóa như bên Ky-Tô giáo họ thờ Chúa Trời, bên Lão giáo nói về Ngọc Hoàng Thượng Đế hay bên Hindu nói đến Phạm Thiên, Bà La Môn giáo hay Ấn giáo một đấng tạo hóa là giá trị đầu tiên thì Đức Phật dạy Cha Mẹ cũng nên thờ như là giá trị, Cha Mẹ như là đấng tạo hóa tại vì Cha Mẹ tạo ra hình hài của con.

Rồi chúng ta nói đến những bậc Chư Thiên, Thiên Thần, tức là những vị hộ trì ở trong đạo Giáo thì ngoài việc thờ đấng Tạo Hóa thì họ cũng thờ những vị Chư Thiên. Ở đây dùng chữ Chư Thiên thời cổ tại vì Chư Thiên bây giờ không có linh Chư Thiên ở trong truyền thuyết trong huyền thoại thì linh hơn người ta thờ. Chúng ta thấy ở trong các chùa người ta thờ ngài Giám Trai, ngài Hộ Pháp, ông Thiện, ông Ác, Thiên Long Bát Bộ chẳng hạn thì Cha Mẹ là những vị Thiên Thần, Cha Mẹ là Chư Thiên. Chúng ta cũng hay thờ các vị Tổ, các vị Tiên Sư các vị tổ nghiệp, hay trong các tông phái có các vị Tổ, thì Cha Mẹ cũng là vị Thầy đầu tiên, những vị đã mở ra truyền thống đã giới thiệu con đi vào cuộc đời.

 Ở trong các tín ngưỡng đều có giá trị của thờ phượng. thờ phượng làm cho con người biết qui ngưỡng, con người biết trang trọng, Cha Mẹ là bậc rất xứng đáng để thờ phượng, rất xứng đáng để tôn kính, rất xứng đáng để cúng dường.

Thì 4 giá trị này của Cha Mẹ  tạo nên một truyền thống rất đẹp về hiếu hạnh. Đầu tiên Đức Phật Ngài đặc biệt giảng về giá trị một gia đình có truyền thống hiếu hạnh có giá trị hiếu hạnh nhưng đoạn sau Đức Phật Ngài nhắc là Cha Mẹ có 4 đức tánh đối với con cái. Bài học ngày hôm nay là bài học rất gần với cuộc sống chúng ta và chúng ta nên nhớ một điều rằng mỗi chúng ta đang sống trong một giai đoạn mà lịch sử con người dù là Đông hay Tây, dù là Âu hay Á  đang bị giao động rất mạnh trước những thách thức của thời đại. 

Thời đại này là thời đại người ta tôn sùng tuổi trẻ nhiều, sự trẻ trung làm người ta cảm thấy hãnh diện và người ta hay xem thường đôi khi miệt thị tuổi già. 

Thời đại này là thời đại con cái nhiều khi nghĩ mình cập nhật mau hơn Cha Mẹ, mình khôn hơn Cha Mẹ, chứ mình không có thích câu nói "cá không ăn muối cá ươn con cãi Cha Mẹ trăm đường con hư"

Thời đại này là thời đại chủ nghĩa cá nhân thích thoát ly gia đình. Chúng tôi sống tại thành phố Houston có những gia đình Cha Mẹ tạo mãi một căn nhà rất lớn có nhiều phòng để cho con cái ở mỗi phòng có phòng tắm riêng v.v... nhưng con cái cũng tách rời ra bên ngoài mướn căn hộ hay mua nhà ở riêng là tại vì muốn được tự do. Đây là thời đại người ta sùng bái chủ nghĩa cá nhân.

Rồi đây là thời đại người ta không có coi nặng chuyện thờ Cha kính Mẹ. Ngày xưa mình nói mình hỗn với Cha Mẹ là tội, bất hiếu với Cha Mẹ là tội, nói nặng với Cha Mẹ là tội. Bây giờ thì đôi khi xem Cha Mẹ bằng mình, thậm chí người ta nói "ngày xưa Cha Mẹ đặt đâu con ngồi đó, bây giờ con cái đặt đâu Cha Mẹ ngồi đó". Và chúng tôi thấy có nhiều gia đình nói ra thì thật rất xót xa đó là con mình cưng cháu nhiều hơn thương Cha Mẹ, muốn bảo lãnh Cha Mẹ qua giữ con rồi con lỡ té trầy thì mình trách Cha trách Mẹ  xem Cha Mẹ như người ở. Hình ảnh đó làm chúng ta đau lòng. Cha Mẹ nuôi chúng ta hồi còn nhỏ bây giờ chúng ta xem Cha Mẹ giống như người ăn ở, và con mình lớn lên mình thương nó Cha Mẹ ngày xưa thương mình bây giờ mình có chuyện gì mình nặng nhẹ Cha Mẹ thì phải nói rằng chưa bao giờ một thời đại những giá trị truyền thống bị giao động bị nghiêng ngả như thời đại ngày hôm nay. Và chúng ta trọng dụng cái gì còn lại. Mình nói cuộc sống vô thường mình không thể đòi hỏi mọi thứ theo hoài, nó sẽ thay đổi, dần dà ngày nào đó xã hội VN cũng giống như xã hội Tây Phương. Ở Tây Phương có nhiều khi con cái đi làm Cha Mẹ vô bệnh viện cũng không nghỉ làm, cũng ưu tiên là công việc làm, rồi chết thì đem đi chôn vậy thôi chứ không có sớm thăm tối viếng. Rồi lâu ngày người ta thấy rằng sự có mặt của Cha Mẹ không quan trọng trong cuộc đời mình.

Chúng ta đọc lại những giòng kinh xưa đọc lại lời của Đức Phật dạy để chúng ta hiểu được đối với cái nhìn của bậc đại giác vị Phật thì hiếu hạnh có giá trị rất đẹp, có giá trị rất cao qúi, có cái gì đó làm chúng ta thăng hoa cuộc sống. Và chúng ta là người con Phật chúng ta nên nhớ hiếu đạo là một phần lời dạy của Đức Phật, hiếu đạo là con đường dẫn đến Thiên giới, hiếu đạo khiến cho Thiên Chủ Đế Thích có được ngôi vị Thiên Vương, Thiên Chủ. Hiếu đạo là một điều chư vị Bồ Tát các vị hành đạo đều thực hành. Và không có một gia đình nào hay một cá nhân nào bất hiếu có thể tiến bộ xa hơn ở trong đời sống tu tập. Điều đó cũng là một điều gợi nhắc rất lớn cho chúng ta trong cái nhìn của Phật Pháp đối với chữ hiếu đối với sự quan hệ thiêng liêng giữa cha mẹ và con cái./.   

Monday, March 16, 2015

Bốn Diệu Đế được giảng cho người có trí

 Đề tài: Bốn Diệu Đế được giảng cho người có trí

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 23-3-2014, Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Bài học ngày hôm nay không đơn giản chỉ để suy tư chúng ta còn tìm thấy được nhiều qua sự thực hành. Chúng tôi chia sẻ bài giảng này từ hai điều chúng tôi đã được nghe trực tiếp: Một điều từ Ngài Payutto, bây giờ Ngài có tên là Bhramagunabhorn, chúng tôi có duyên ở với Ngài 7 ngày. Trong thời gian  7 ngày chúng tôi có thưa chuyện với Ngài về đề tài này. Và người thứ hai chúng tôi muốn nói ở tại đây là Thiền Sư U Pandita, Ngài là truyền nhân của Ngài Mahasi Sayadaw, một lần chúng tôi  được nghe Ngài giảng tại tiểu bang Massachusetts về pháp hành Tứ Niệm Xứ trong đó có bài giảng này.

 Do đó chúng tôi sẽ trình bày đề tài qua hai phương diện Pháp Học và Pháp Hành.

Trên phương diện Pháp Học. 

 Điểm thứ nhất:Trong đời sống khi nói đến trí tuệ chúng ta có thể thấy một tướng đó là sự tinh tế. Lấy ví dụ, chúng ta muốn biết một người có trí tuệ nhiều hay không có trí tuệ nhiều mình để cho người đó làm một việc gì thì ban đầu ai mới làm việc cũng lọng cọng làm không khéo. Nhưng người không có trí họ làm nhiều lần thậm chí cả đời cũng không khéo nổi,  người có trí sau một vài lần làm một việc gì họ sẽ cải thiện được và họ sẽ làm  tiến bộ hơn ở trong việc làm và càng lúc càng tinh tế.

 Chúng tôi thấy ở những quốc gia chậm tiến một cái gì người ta chế tạo thì người ta chỉ sài cái đó cả đời, nhưng ở quốc gia tiến bộ người ta thay đổi rất nhiều, một sản phẩm được chế tạo ra mỗi năm sản phẩm mới càng tốt hơn. Thì chuyện tinh tế trong đời sống là dấu hiệu làm chúng ta cải thiện được cuộc sống. Lấy một ví dụ trong đời sống hàng ngày mình cũng nấu ăn nhưng có những người nấu hoài không ngon, có những người nấu chỉ một thời gian ngắn lại ngon. Hay mình đọc kinh điển với nhiều người cả đời đọc thì đọc để nhớ kinh đó nói như vậy thôi nhưng không cảm thấy thấm thía. Thậm chí chúng tôi có nghe một vị thầy nói với chúng tôi là có nhiều người nghĩ chuyện tụng kinh không cần phải khéo nhưng thật ra tụng kinh rất cần nhiều điều khéo léo. Có những người càng tụng thì càng hay và có những người tụng cả đời cũng vậy thôi.

Ở đây, có một điều chắc chắn chúng ta thấy sự tinh tế là dấu hiệu của một người có trí, Ngài Payutto nói trong cuộc sống của chúng ta có những sự việc lập đi lập lại và chúng ta không học được bài học đó. Lấy ví dụ, thất bại hay đau khổ. Một người  không học được bài học từ sự đau khổ của mình từ sự thất bại của mình lúc nào họ cũng vấp váp cũng lập đi lập lại những lầm lỡ  họ đã có. Ví dụ như mình mới ra đời người ta nói một câu nặng hay người ta chê mình thì mình buồn mình giận đó là bình thường. Nhưng nếu mình đã sống lâu đã từng trải nhiều một vài việc nhỏ cũng làm cho mình động lòng thì thật sự mình không học được từ những bài học trước, chuyện mình học được bài học trước đó là một dấu hiệu của một người có trí. Người có trí thì trong cuộc sống họ có dấu hiệu tiến bộ, dấu hiệu thay đổi. Và sự từng trải cho người ta nhận thức tốt hơn, đặc biệt đối với sự đau khổ. Đó là điểm đầu tiên.

- Điểm thứ hai. Ở đây có một chuyện hơi khó tin người có trí khác với người không trí đó là người có trí khi mình có vấn đề như mình bị bịnh mình biết mình bị bịnh, mình có vấn đề mình biết mình có vấn đề. Trong kinh có một câu Đức Phật dạy "Người ngu biết mình ngu nhờ vậy thành người trí, người ngu tưởng mình trí thì người ấy thật là trí ngu". Tức là, mình không có đủ trí tuệ mình không có sự sáng suốt nhưng mình cứ nghĩ rằng mình khôn, mình hay mình giỏi thì thật ra mình chưa thấy được vấn đề. Bởi vậy ai nhìn thấy được tình trạng của đời sống, tình trạng bản thân của mình thì chuyện đó không dễ. 

Trong kinh Thánh Cầu, có đoạn nói: Khi Đức Thế Tôn còn là một vị hoàng tử sống trong cung vàng điện ngọc Ngài tự suy nghĩ :

"Tại sao mình bị sanh già đau chết chi phối mình lại đi tìm cái bị sanh già đau chết chi phối".

Thì cũng vậy thôi, mình đang bị sanh già đau chết chi phối đi tìm cái cũng bị sanh già đau chết chi phối thì mình tìm để làm gì?. Nhưng nếu câu đó mình đọc cho thật kỹ thì mình thấy rằng không phải ai cũng vậy, tất cả chúng ta đều có những cái khổ. Lấy ví dụ, mình thường khổ sở về mất mát tổn hại tài sản nhưng chúng ta vẫn tạo thêm tài sản. Tại vì sao? Tại vì chúng ta chưa sợ sự mất mát đó.

Có lần Đức Phật Ngài thấy bà Visakha buồn vì một người cháu rất yêu thương bị chết thì Ngài hỏi :

- "Visakha con có muốn đông đảo con cháu không?" 

Bà Visakha nói:

-"Bạch Đức Thế Tôn, Con rất muốn, con rất thương con cháu, thậm chí đông đảo cả  thành Xá Vệ này con cũng hoan hỉ". 

Thì Đức Phật dạy: 

"Trong thành Xá Vệ ngày nào cũng có người chết nếu con có con cháu đông cả thành Xá Vệ thì ngày nào cũng phải khóc cho những đứa cháu thương yêu của mình

Lời Đức Phật dạy rất đơn giản nhưng cho chúng ta thấy một người sống trong chỗ đau khổ mà nghĩ đến chuyện mình hết đau khổ là chuyện không dễ. Thành ra khi nói pháp Tứ Đế: Đây Là Khổ, Đây Là Nhân Sanh Khổ, đây là Sự Diệt Khổ, đây là Con Đường Dẫn Đến Sự Diệt Khổ, Đức Phật dạy  pháp này dạy cho người có trí.

Điều thứ ba: Ngài Payutto đề cập đến sự  nhận thức trên phương diện nhân quả. Sự nhận thức đó là nhận thức của người có trí tuệ. Chúng ta thấy trong xã hội người ta càng ít học Phật Pháp người ta càng mê tín, người ta chỉ nghĩ đến chuyện đơn giản mình rời đổi phong thủy, mình đổi chữ ký hay mình làm cái này làm cái kia cuộc đời mình sẽ khá hơn. Nhưng kỳ thật, một người hiểu lý nhân quả tin rằng chính hành động của mình, chính chuyện thiện, bất thiện của mình sẽ là yếu tổ để hoán chuyển cuộc sống. Đối với Đức Phật không có chuyện gì sanh ra do ngẫu nhiên, nó đều có nhân có duyên. Hạnh phúc và khổ đau đều tương tự như vậy. Khi nói đến hạnh phúc nói đến khổ đau chúng ta đều biết có nhân có duyên. Một lúc nào đó tự nhiên mình buồn, tự nhiên mình cảm thấy trống trải, thay vì sự trống trải buồn nản đó mình nghĩ  không biết tại sao mình buồn, nhưng thật ra nếu mình hiểu nguyên nhân của nó mình sẽ thấy có nguyên nhân chứ không phải là không có nguyên nhân. Và biết được cuộc sống trên phương diện nhân quả Đức Phật dạy rằng đó là cái nhìn của người có trí. 

Một yếu tố khác, Ngài Payutto đề cập pháp cho con người có trí là người có trí luôn luôn hiểu rằng để thật sự thay đổi mình phải áp dụng cái gì đó, thực hành cái gì đó chứ không thể nào một sự mơ mộng hảo mà nó đạt cho mình một cái gì hết. Ở trong đời sống mình có thể ngồi mơ và mình tin rằng mình mơ mộng thì mình sẽ đạt được nhưng trên thực tế mình phải làm cái gì đó. 

Thì trong giáo lý Bát Chánh Đạo hay là giáo lý Tứ Diệu Đế nói về Đạo Đế rất đơn giản đó là để mình có được khả năng khắc chế đối với khát ái mình phải huân tập Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Tinh Tấn,  Chánh Niệm,  Chánh Định. Những sự huân tập đó vốn chỉ tự nhiên. Một người có trí phải thấy rằng nếu mình đạt được điều gì đó mình phải làm việc đó đúng cách, đúng phương pháp. Có nhiều người bây giờ họ thích dùng chữ hên xui, lâu lâu chúng tôi cũng nói đùa là hên xui. Nhưng thật ra trong đạo Phật không có chữ hên xui, ở trong đạo Phật dạy  mình làm đúng phương pháp thì mình đạt được thành tựu, mình làm không đúng phương pháp thì mình không thành tựu được. Thành ra pháp tứ đế là pháp của người có trí.

Pháp Tứ Đế cũng hé mở cho chúng ta một ý niệm tương đối rất khó hiểu rất xa xôi. Ví dụ, Đức Phật Ngài  từng suy nghĩ nếu có một cái sanh, già, đau, chết chi phối thì nhất định phải có một cái không bị sanh, không bị già, không bị đau, không bị chết chi phối. Có bế tắc thì phải có sự khai thông. Có vấn đề bên này phải có vấn đề bên kia. Sự đánh động đó, sự khẳng định đó là thái độ của người có trí. Việc này không dễ. Chúng ta thấy một số người quá tuyệt vọng về chuyện gì đó mà tự tử, một số người luôn bi quan nghĩ cuộc đời không có gì. Nhưng thật ra cái gì cũng có giải pháp, cái gì cũng có lối thoát của nó. 

Bên Mỹ có một nghề rất lạ, thông thường người ta làm nghề đòi nợ, nhưng những người này không làm nghề đòi nợ mà làm nghề đi khất nợ. Ví dụ, có một người làm ăn buôn bán lúc đang được thời, buôn bán đang lên họ vay tiền nhà băng rất nhiều, tới khi kinh tế xuống họ nợ chồng chất, có nhiều người phải khai phá sản và phải đến toà án xin khai Chapter 11 (là Bộ Luật Phá Sản Hoa Kỳ)  để tái tổ chức cơ sở thương mại, họ được bảo vệ bởi toà án, tại vì nếu toà án không bảo vệ họ thì những chủ nợ đến xiết nợ họ và khi xiết nợ họ thì họ không làm được gì hết. Thông thường những người này có nhiều người tuyệt vọng vì khai phá sản, có nhiều người tuyệt vọng đến nỗi tự tử, có nhiều người tuyệt vọng cảm thấy cuộc đời không còn gì hết. Nhưng cũng có những người đến tìm những người đi khất nợ cho họ, thì những chuyên gia khất nợ này là những người dựa trên hồ sơ của người thiếu nợ, họ đến ngân hàng đến những chỗ cho vay tiền thuyết phục những người đó rằng: "anh này thiếu nợ như vậy bây giờ qúi vị xiết quá thì anh ta không làm được gì hết, chẳng những vậy qúi vị mất luôn chì lẫn chài thì thôi qúi vị hãy soạn ít thì giờ và anh có thể cầm cố cái  gì đó hay anh có thể cam kết cái gì đó nhưng ít nhất qúi vị còn vớt vát được" chẳng hạn . Thông thường những người làm thủ tục Chapter 11  được tái bố trí thì họ được cái lợi là họ có thời gian không phải trả nợ hay trả nợ rất ít để họ có thời gian tái bố trí lại cơ sở làm ăn của họ. Người Mỹ rất tin mình làm việc gì gặp khó khăn đều có giải pháp để giải quyết, nếu mình khôn khéo tìm được giải pháp. 

Và khi người thấm nhuần lý Tứ Đế thì hiểu có cái bị sanh, bị già, bị đau, bị chết, chi phối thì nhất định phải có cái không sanh, không già, không chết (Điều này thực sự là khó hiểu) Nhưng đúng là có một chuyện ở trên đời là mình phải nghĩ đến Niết-bàn phải nghĩ đến giải pháp giải thoát.

Cũng nói về trên phương diện Pháp Học đề cập đến giáo lý Tứ Đế sở dĩ Đức Phật gọi là giáo lý của người bậc trí, giáo lý này giống như một giáo lý bao trùm nói trên ngôn ngữ của Ngài Xá Lợi Phất giống như dấu chân tượng (dấu  chân con voi) tất cả loài thú khác trong rừng đều đặt chân mình trong lòng chân tượng thì giáo lý Tứ Diệu Đế cũng vậy, giáo lý Tứ Diệu Đế rộng lớn bao trùm giáo pháp của Đức Phật và phải có trí mới hiểu được điều này.

Những điều chúng tôi vừa mới chia sẻ với qúi Phật tử thuần trên phương diện Pháp Học. Tức là một người học hiểu về Tứ Đế người đó phải nhận thức được vấn đề của mình, người đó phải nhận thức vấn đề theo lý nhân quả, người đó phải nhận thức vấn đề ở mức độ mình chưa bao giờ nhận thức được. Ví dụ như có vấn đề khó khăn thì phải có giải pháp, có bề mặt thì phải có bề trái, có cái này thì phải có cái kia. Điều đó phải là người có trí mới nhận ra được. Và chẳng những nhận ra vấn đề mà còn nhận ra giải pháp đó cần đến phương pháp. Mình làm cái gì mình phải làm đúng phương pháp đúng cách chứ không phải nhờ vào hên xui. Như vậy là điều Đức Phật dạy giáo lý Tứ Đế là giáo lý dành cho người có trí.

Bây giờ chúng ta nói qua Pháp Hành. 

Về điểm này, trong Tam Tạng kinh điển có hai bài kinh về Tứ Niệm Xứ; một trong Trường Bộ Kinh và một ở Trung Bộ Kinh. Bài trong Trường Bộ Kinh rất dài và đầy đủ, trong đó đặc biệt đề cập đến những pháp như Tứ Diệu Đế hay Thất Giác Chi là những đề  tài của pháp quán Niệm Xứ. Như chúng ta hiểu pháp quán Niệm Xứ là mình nhận thức được thực tại qua những đề tài đã được Đức Phật Ngài giảng dạy trong kinh như 5 uẩn, 12 xứ, như Tứ Đế, Thất Giác Chi hay 5 Triền Cái chẳng hạn. Những đề tài đó thay vì từ trước đến giờ mình chỉ được nghe giảng bây giờ mình phải nhìn thấy đề tài này chính ngay trong đời sống của mình.

Chúng ta nói về sự nhận thức của Tứ Đế trong pháp hành, lấy ví dụ Đức Phật Ngài dạy:

- "Ham muốn sanh lo âu, ham muốn sanh sầu muộn, không ham muốn thì lấy đâu âu lo sầu muộn". 

Với một người hành thiền, câu nói đó phải là câu nói được thấy ngay trên thân tâm của mình. Nếu nói "ham muốn sanh lo âu" thì chúng ta phải thấy mặt mũi của nó. 

Tại sao có nhiều người hay có tật khúm núm với người nào đó, sợ hãi với người nào đó, là tại vì mình kỳ vọng, mình mong muốn điều gì đó từ người đó. Mình mong muốn từ người đó nên mình sợ người đó, mình sợ mích lòng, sợ đụng chạm, mình sợ người đó là tại vì mình cầu cạnh người đó cái gì đó. 

Hay trong đời sống mình có cái gì đó mình quá muốn, mình sợ mất, mình sợ người ta lấy đi, mình sợ thế này thế kia. Sự sợ hãi, sự bất an đến từ sự quá dính mắc  với điều gì đó. Và điều đó phải được nhận thấy ngay trong đời sống, nhận thấy trong thân và tâm của mình. Và lúc đó mình thấm thía là tại sao Đức Phật dạy: "Ham muốn sanh lo âu, ham muốn sanh sầu muộn".

Rồi chúng ta cũng nhận thức Tứ Đế trong Pháp Hành bằng tánh cách là Nhân Quả. 

Lấy ví dụ, bà Thiền Sư Ajahn Naeb, bà thường nói về danh và sắc trong đời sống. Bây giờ mình đang ngồi tự nhiên thèm uống một ly cafe rồi mình đứng dậy đi lấy ly cafe. Một người hành thiền ngay lúc đó nên nhận thức tác động giữa ý muốn và sau đó cả một quá trình của thân trên ý muốn uống cafe. Rồi chúng ta đứng dậy đi pha nhưng với một người hành thiền thì thấy rằng đó là sự liên hệ của chủ tâm của ý định và của thể hiện hành động. Khi chúng ta đọc lâu vào điểm như vậy mình thấy rằng ái dục chi phối chúng ta nhiều. Có người nghĩ rằng mình ham muốn thì nó vô thưởng vô phạt mà thật ra sự ham muốn tạo ra  căng thẳng, mình gọi stress (VN gọi là xì trét) tức là khi nào mình bị căng thẳng cái gì quá là mình tại vì mình quá mong mỏi điều đó, tại vì mình quá chờ đợi, quá hi vọng cái đó nên mình khổ. Đó cũng là cách mình hiểu giáo lý Tứ Đế.

Trong cuộc sống khi một người tu tập đạt đến chỗ yên lặng tịch tịnh thì mình bỏ ngoài tai rất nhiều điều phiền lụy, bớt đi nhiều điều phiền muộn. Điểm đó chúng ta sẽ thấy được trong ý nghĩa được Đức Phật Ngài đề cập  trong giáo lý Bát Chánh Đạo khi được thực hành sẽ cho chúng ta được nhẹ nhàng thanh thản và chúng ta sẽ cảm nhận được cái ý nghĩa của sự tịch tịnh như thế nào.

 Trong pháp hành có hai pháp đều liên hệ đến Tứ Đế và hai pháp này ở trong pháp hành đều là biểu trưng của Tứ Đế của người có trí. 

1. - Pháp thứ nhất, bình thường của một người hành giả tu tập chúng ta gọi là Yonisomanasikara tức là Như Lý Tác Ý hay Chánh Tư Niệm. Ví dụ, mình bước ra bên ngoài nói chuyện có người nào đó chê mình một câu hay họ nói anh A anh B nói xấu mình, tự nhiên mình buồn,  nhưng nếu mình có Chánh Tư Niệm mình có Yonisomanasikara tức là mình có suy nghĩ sáng suốt. Mình suy nghĩ "Chuyện khen chê là chuyện bình thường, ai cũng có bị khen chê hết",  hay nghĩ là "Người ta nghe rồi người ta nói chưa chắc chính xác" hay hoặc giả nghĩ: "chắc kiếp trước mình nói xấu người ta bây giờ người ta nói xấu mình chẳng hạn". Mình không lấy chuyện đó làm chuyện bồng bột giận dữ tại sao và tại sao thì đó gọi là Chánh Tư Niệm nó cũng là một cách nhìn lấy trí tuệ nhìn Tứ Diệu Đế . 

2. -Một trạng thái thứ hai thường đi chung với chánh niệm gọi là Sampajañña.  Sati là ghi nhận.  Sampajañña là sự rõ ràng nhận thức trong sáng rõ ràng về cái gì đang xảy ra mà không lẫn lộn. Chúng tôi lấy ví dụ như là mình bước nhanh có vấn đề hoặc mình bước chậm có vấn đề thì người hành Tứ Niệm Xứ phải biết cái đó. Hay hoặc giả, mình không muốn ngồi thiền nữa vì cảm thấy buồn ngủ cảm thấy mệt mà đáng lẽ ra phải tinh tấn thì ngay lúc đó mình không tuân phục với sự buồn ngủ làm biếng, mình bắt đầu vận dụng trí của mình để rồi đem cái làm biếng cái dã dượi đó vào trong tầm nhìn của Sampajañña, đây là lười biếng, đây là hôn trầm thụy miên, đây là triền cái v.v... Những điều đó được hành giả thấy rõ trong đời sống. Chúng ta không hành thiền thì đối với chúng ta cuộc sống bên ngoài bất quá chỉ là điểm tô, cuộc sống bên ngoài nhiều lắm là chuyện thị phi, chuyện thù tạc, nhưng với một người hành Tứ Niệm Xứ thì dầu cái đẹp cái xấu, cái hay cái dở tất cả đều là đối tượng của chánh niệm và chánh niệm rõ ràng,  chánh niệm làm cho sự việc càng lúc càng rõ ràng. Cái rõ ràng đó tương tựa như một người làm việc gì quen tay rồi thảo việc, khi thảo việc làm không bị lọng cọng nữa. Ý thức biết rõ ràng  gọi là Sampajañña hay sự nhận thức phân biệt rõ. Sự nhận thức rõ ràng đó cũng là hình thức có trí. Thật ra Sampajañña  là một thứ trí tuệ sơ đẳng của tuệ Minh Sát và Yonisomanasikara là một hình dạng trí tuệ nhận thức sự việc một cách chính xác không để mình nhận thức phiền não, cả hai cái đều là trí tuệ. 

  Bàn về điểm này cũng hơi thừa, tại vì chúng ta đã nói rất nhiều, nói đi nói lại, mà phải nhận rằng nếu chúng ta học pháp chỉ học bằng đức tin không có trí tuệ thì chúng ta thiệt thòi nhiều, vấp váp nhiều, pháp học cũng vậy, pháp hành cũng vậy cái nào cũng cần có trí tuệ, những điều đó rất là tốt cho chúng ta.

  Mấy ngày nay sự việc chuyến máy bay của Mã Lai có thể nói là một trong những bí mật lớn trong lịch sử nhân loại, chiếc boeing 777 tự nhiên biến mất. Chúng tôi có đọc một vài bài người ta đưa ra giả thuyết nó bị những người hành tinh khác đem đi hay hoặc giả bị khủng bố bắt. Người ta đưa ra nhiều giả thuyết nhưng chưa ai xác nhận rõ ràng nó ra sao. Điều chúng tôi muốn nói tại đây cái nhìn của chúng ta sự việc như thế nào? chúng ta tò mò tại vì chuyện lạ, chúng ta có động tâm rung động trong nỗi khổ của thân nhân những người trên máy bay đó hay không? Chúng ta có thể thấy sự việc bằng tâm hờ hững, chúng ta có nhìn sự việc đó vói thái độ quan tâm nhiều. Thì cho dù chúng ta thấy thế nào đi nữa nhưng nếu có một người học về Tứ Đế sẽ thấy nhiều bài về Tứ Đế áp dụng ở trên câu chuyện của chiếc máy bay đó, nhiều giáo lý Tứ Đế áp dụng được.

  Từ bài học ngoại thân chúng ta hiểu nội thân của mình. Có những người luôn luôn khổ, luôn luôn oán trách, luôn luôn bi quan, luôn luôn tiêu cực thì với một người hành thiền hay một người hiểu lý Tứ Đế nhìn sự việc khác đi. Người không hiểu giáo lý Tứ Đế nhìn thấy khổ thì rơi nước mắt, nhưng người hiểu giáo lý Tứ Đế  thì khổ cũng là một đối tượng để quán chiếu, khổ để biết. Và chúng ta có thể thấy Tứ Đế ở khắp nơi ở trong mọi trường hợp,  từ cái vui cái buồn, từ trong công sở, từ trong nhà, ở chùa, từ chuyện mình nằm ngủ một vai ý nghĩ manh nha của chúng ta trong tâm cho đến những công việc chúng ta hoạt náo bên ngoài nhất nhất những điều đó đều có thể nhìn thấy qua lăng kính của Tứ Đế. 

 Chúng tôi hy vọng lời của Đức Phật dạy ở đây một lần nữa nhắc nhở chúng ta thấy một điều đây là giáo lý dạy cho người có trí chứ không phải giáo lý dành cho người không có trí tuệ.

  Đó là vài điều chúng tôi muốn chia sẽ với qúi vị nhân bài học ngày hôm nay./. 

Wednesday, March 4, 2015

Bốn ý nghĩa của Như Lai

Bốn ý nghĩa của Như Lai - Kinh Như Thị Thuyết - (CXII) (Cat. 13) (It. 121)

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 2 tháng 5, 2014. Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Bài kinh hôm nay, một bản dịch rất đẹp về phương diện ngôn ngữ từ vựng và bài kinh này là một bài kinh chúng ta có thể xử dụng như lời kinh tụng để nhớ cảm niệm xưng tán ân đức của Đức Phật. Ý nghĩa bài học ngày hôm nay chánh văn từ ngữ "Tathàgata" hay "Như Lai" một danh từ rất quen thuộc. Đôi khi chúng ta thường gặp trong kinh điẻn đó là một danh từ Đức Phật tự xưng chính Ngài. Nhưng chúng ta cũng thỉnh thoảng tìm thấy một số các bài viết được đề cập đến như ngôi thứ ba "các đấng Như Lai", chúng ta thường dịch như vậy. Và "Như Lai" là một từ vựng tương đối có nhiều ý nghĩa được tìm thấy rải rác đó đây ngay cả trong Tam Tạng kinh điển Pali, ở trong sớ giải, trong kinh điển Phật Giáo Bắc Truyền.

Trước nhất, ở đây chúng ta nói đến một chi tiết nhỏ trên phương diện ngữ pháp. Nếu chúng ta đọc trong tiếng Phạn thì chữ "Như Lai" được viết là  "Tathāgata". Ở đây ngay cả các nhà ngôn ngữ học cũng có sự phân hai khi dịch từ này. Tathāgata có thể nói là một cách kết hợp giữa hai từ Tathà-gata có nghĩa là một người đã đến như vậy và cũng có thể là từ Tathā-āgata nghĩa là một người đã đến như vậy.

Chúng ta biết ở trong tiếng Phạn thì chữ đến và đi là gacchati và agacchati và trong quá khứ phân từ viết là gata hay là agata. Thì ngay cả từ ngữ này trên phương diện văn phạm không định đặt được xác định rõ là đây là chữ Tathāgata hay  Tathā-āgata.

Trong Anh ngữ thường họ dịch phân đôi, phân đôi ở đây là "one who has thus come " (Tathā-gata) hoặc "one who has thus gone" (Tathā-āgata).  tức là người đã đến như vậy và người đã đi như vậy.

Chữ đến và đi ở đây trở thành chữ rất thú vị.

Thì cho dù rằng hai chữ này chính xác đi nữa "đến như vậy" hay "đi như vậy" đều có ý nghĩa rất đẹp.
Trong bản chữ Hán chọn chữ "đến như vậy". Như Lai chữ lai có nghĩa là đến. Thí dụ chúng ta nói vị lai là chưa đến, đương lai là đang đến. Do vậy nếu chúng ta đọc bản dịch chữ Hán Ngài Cưu Ma La Thập sau đó Ngài An Thế Cao và Ngài Huyền Trang đều dùng theo ý nghĩa là Tathā-āgata là bậc đến như vậy gọi là "Như Lai", chữ rất đẹp.

Trong kinh Tạng Pali đặc biệt phần sớ giải không có đề cập những ý nghĩa chữ "Như Lai" trên phương diện ngôn ngữ trên phương diện phân tích ngữ pháp.

Trong bản sớ giải của Trường Bộ Kinh do Ngài Buddhaghosa biên soạn ở trong đó Ngài đã nói đến 8 ý nghĩa của chữ Như Lai.

- Ý nghĩa thứ nhất nói rằng Ngài đã đến ở trong tính cách như vậy, có nghĩa hành trình dẫn đến giác ngộ của Ngài gìống y như hành trình giác ngộ của Chư Phật những vị tu tập Balamật hạnh đạt đến Nhất Thiết Chủng Trí, bởi vì Ngài đã xuất hiện giữa cuộc đời này theo đạo lộ Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai đều giống như vậy do đó gọi là Như Lai. Và Ngài đã hành trình như vậy, khi đến với cuộc đời này những bước đi của Ngài như vậy. Thí dụ như khi Ngài đản sanh ra đời như thế nào ở giữa bối cảnh thiêng liêng chào đời từ thai bào của Phật mẫu và cho đến những bước đi vào đời của Ngài đều có những tánh cách tương tự như Chư Phật đời quá khứ, hiện tại, vị lai do vậy Ngài được gọi là "Như Lai".

- Ý nghĩa thứ ba được đề cập là con đường chứng ngộ đạo quả Vô Thượng của Ngài đến Nhất Thiết Chủng Trí là con đường tất cả Chư Phật đều đi giống nhau. Đức Phật là bậc chiến thắng với chân lý nghĩa là từ sự nhận biết nắm rõ sự thật Ngài trở thành bậc chiến thắng gọi là Như Lai. Đức Phật là vị biết rõ chân lý, chân lý ở đây hiểu là pháp nên gọi là Như Lai. Đức Phật là bậc tuyên thuyết chân lý hay là tuyên thuyết sự thật gọi là Như Lai.

- Ý nghĩa thứ bảy, ngôn ngữ hành động của Ngài là nhất quán, Người nói gì thì làm vậy và làm sao thì nói vậy nên gọi là Như Lai.

- Ý nghĩa thứ tám, Đức Thế Tôn là bậc tối thượng Y Vương tức là vị Thầy Thuốc chữa bệnh tối thượng trong đời này nên gọi là Như Lai

Đó là một đoạn chúng ta được đọc từ sớ giải của Trường Bộ Kinh.

Có một điểm rất thú vị về chữ "Như Lai". Trong truyền thống của Phật Giáo Bắc Truyền ngày nay chư tăng bên Bắc Tông ít có khi giảng về điều này nhưng lại là một định nghĩa rất gần có thể nói rằng rất tương đồng với Phật Giáo Nam Truyền đó là lời trình bày của Ngài Long Thọ trong tác phẩm Trung Quán Luận, phẩm Niết-bàn. Ở trong phẩm Niết-bàn Ngài Long Thọ nói rằng:
"Sở dĩ gọi là "Như Lai" bởi vì không thể nói Như Lai tồn tại sau khi viên tịch Niết-bàn. Không thể nói Như Lai không tồn tại sau khi viên tịch Niết-bàn. Không thể nói vừa tồn tại vừa không tồn tại sau khi viên tịch Niết-bàn. Và cũng không thể nói là không tồn tại và cũng không tồn tại sau khi Niết-bàn".
Chúng ta nói về tứ cú bách phi.

Ngài Long Thọ Ngài nói rằng một người đạt đến trạng thái như vậy gọi là Như Lai. Về điểm này chúng ta sẽ bàn ở trong một phương diện khác nhưng phải nói rằng từ "Như Lai" được Ngài Cưu Ma La Thập dịch và sau đó cả Ngài An Thế Cao, Ngài Huyền Trang xử dụng là một từ dịch rất đẹp  Tathā-āgata.

Ở đây chúng ta có thể tìm thấy những định nghĩa do chính Đức Thế Tôn từ kim khẩu của Ngài giảng về thế nào là ý nghĩa của Như Lai và đây là một bản dịch rất đẹp:

"Điều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A La Hán nói đến và tôi đã được nghe: Này các Tỳ Kheo,  thế giới được Như Lai Chánh đẳng giác."


 "Thế giới được Như Lai Chánh Đẳng Giác" .


 Thế giới ở đây thường là nói về ba ý nghĩa:
1. Chữ thế giới được hiểu như là cảnh giới sanh tử thì có dục giới sắc giới và vô sắc giới.
2. Chữ thế giới ở đây gồm có các hội chúng thí dụ như là Samôn, Bàlamôn, Gia Chủ, Chư Thiên, Ma Thiên, Phạm Thiên tức là thế giới nói theo quan niệm cố hữu, cách sống cố hữu của chúng sanh trong đời này.
3. Chữ thế giới ở đây được hiểu như sự vận hành của nguồn máy sanh tử đó là duyên sinh duyên hệ. Thí dụ chúng ta nói về nghiệp quả và phiền não.

Thế giới đã được Như Lai Chánh Đẳng Giác.

Chữ Chánh Đẳng Giác ở đây: Chữ Chánh là biết đúng. Chánh Đẳng Giác hay Chánh Biến Tri, chữ Biến Tri là biết tất cả, chữ Chánh là biết đúng, biết đúng và biết tất cả. Hay nói chung Chánh Đẳng Giác thí dụ như ở trong đời này các nhà khoa học họ cũng tìm ra được nhiều cái biết nhưng những cái biết đó không nhất thiết gọi là samma (Sammasambuddho)  nó không nhất thiết giải quyết những vấn đề cách thức của đời sống. Trong chúng ta có nhiều người học nhiều hiểu rộng nhưng cái học của họ chỉ để tán gẫu để luận bàn chỉ để khẩu chiến và cái biết của họ không mang lại giá trị thiết thực cho gia đình cho xã hội. Cái biết có thể khả dĩ đúng chỗ và có thể mang đến lợi lạc là sự thoát khổ như Đức Phật dạy rằng: "Như Lai dạy về sự Khổ và sự Diệt Khổ" Đức Phật không nói đơn giản về sự Khổ, Ngài còn dạy về Diệt Khổ nữa. Như vậy gọi là Chánh Đẳng Giác. Chữ sammasambuddho ở đây chúng ta hiểu như vậy. Thông thường Chánh Đẳng Giác không được hiểu là một động từ nhưng ở đây phải hiểu là một động từ "Thế giới được Như Lai Chánh Đẳng Giác".

"Như Lai không hệ lụy đối với đời"

Đức Phật Ngài không có bất cứ một hy cầu hay bất cứ một mảy may gì mong muốn ở cuộc đời này. Có lần Đức Phật Ngài cũng dạy trong Trung Bộ Kinh:

"Thế gian tranh luận với Như Lai, Như Lai không tranh luận với thế gian".

 Đức Phật là một bậc đối với tất cả hữu vi pháp Ngài không có một mảy may dính mắc thì đừng nói chi những chuyện thế tục như  hơn thua danh lợi nhân ngã bỉ thử, điều đó không có ở Đức Phật. Thật ra cuộc đời của Đức Thế  Tôn từ một ông Hoàng sống trong cung vàng điện ngọc Ngài trở thành một bậc Mâu Ni ẩn sĩ sống ở rừng sâu núi thẳm. Đức Thế Tôn sẵn sàng sống trong rừng sâu một mình nếu có chuyện cần thiết. Đức Thế Tôn Ngài từ bỏ những phương tiện của một ông Hoàng của những gì những người đệ tử những người đàn tín vua chúa trưởng giả cung cấp, Ngài đi với đôi chân trần của Ngài, và thậm chí đã có một lần Ngài nhặt những tấm vải cũ ở bãi tha ma để làm y. Đức Thế Tôn Ngài không có bất cứ một mong mỏi gì ở cuộc đời này "Như Lai không hệ lụy với thế gian".

"Này các Tỳ Kheo, thế giới tập khởi được Như Lai Chánh Đẳng Giác".

"Thế giới tập khởi" tức là những nguyên nhân tạo thành thế giới này được Đức Thế Tôn biết rất rõ, biết rất sâu kín, không phải đời này mà nhiều đời trước, không phải chỉ là mặt nổi ở bên ngoài mà sâu thẳm ở trong mầm móng của vô minh và ái dục, tất cả đều được Như Lai quán triệt liễu tri và trong từ ngữ chính xác nhất gọi là Chánh Đẳng Giác.

"Thế giới đoạn diệt được Như Lai chánh đẳng giác".

Đức Thế Tôn không chỉ đơn giản Ngài quán triệt về sự sanh của thế giới Ngài còn quán triệt về sự diệt của thế giới. Không có một người nào cách đây 25 thế kỷ đã đưa ra những lời dạy mà lúc đó con người hoàn toàn không thể hiểu ra được, thí dụ núi Hy Mã Lạp Sơn đã có thời là biển và có thời kỳ biển cả là núi, thời đó kiến thức của loài người về những lục địa trôi, về hiện tượng địa chấn về sanh diệt của thế giới hoàn toàn chưa có. Ở trong giòng lịch sử tôn giáo của nhân loại hầu như tất cả đều nghĩ rằng trái đất này sẽ miên viễn có chăng là loài người đã đến trái đất này và trong cái thiện cái ác nó sẽ tạo nên thế giới này hỗn độn, đẹp, xấu. Và rồi một ngày ở trên trái đất này vườn địa đàng sẽ được thành lập và khi vườn điạ đàng thành lập thì nó sẽ miên viễn nó sẽ vĩnh hằng. Đức Thế Tôn không nói như vậy. Đức Thế Tôn Ngài đã nói rất rõ không phải chỉ có tấm thân của chúng ta một ngày nào đó sẽ chết đi mà tất cả những gì hiện hữu có sanh đều có diệt, sanh do duyên và diệt do duyên. Và kể cả trái đất này cho đến ngày hôm nay với sự hiểu biết về thiên văn với sự quan sát tất cả tinh cầu ở trong vũ trụ thì chúng ta thấy rằng không phải chỉ có những hành tinh như trái đất, như Thủy vương Tinh, Mộc Vương Tinh sẽ tan vỡ mà ngay cả một Thái Dương Hệ cũng sẽ bị hủy diệt, ngay cả một dãy Ngân Hà cũng sẽ hủy diệt, những Galaxy (Thiên Hà) bị tiêu diệt trong sự quan sát của những viễn vọng kính như là viễn vọng kính Hubble hay Chandra chẳng hạn. Đức Thế Tôn Ngài quán được sự sanh diệt của thế giới này.

Có những chuyện rất đơn giản khi Đức Phật Ngài dạy rằng "ba tháng nữa Như Lai sẽ viên tịch" Tôn Giả Ananda rất chấn động đã nói với tất cả xúc cảm của mình :

"Con không nghĩ rằng Đức Thế Tôn sẽ ra đi khi chưa để lại một di chúc cho Tăng chúng"

Đức Phật Ngài đã dạy Tôn Giả Ananda: "Các con còn chờ gì ở Như Lai". Sau đó trước cảm xúc mạnh mẽ lớn lao của Tôn Giả Ananda Đức Phật Ngài đã dạy:

 "Như Lai há chẳng nói cái gì có sanh thì phải có diệt".

  Bởi vì Ngài đã quán triệt được sự sanh và Ngài quán được sự diệt do vậy cái nhìn của Ngài về thế giới này rất khác với chúng ta. Mỗi chúng ta những người Phật tử khi làm việc gì từ việc chùa chiền, chuyện Giáo Hội, chuyện xa chuyện gần, chuyện bản thân hay chuyện người khác chúng ta đều nghĩ đến cái gì thật lâu dài cái gì thật là miên viễn. Nếu cái đó mình làm mà rồi nó hỏng đi thì chúng ta không chấp nhận được. Mình nghĩ đến cái gì rất là tốt, rất là bền. Mình nghĩ rằng nó phải như vậy. Nhưng kỳ thật không phải như vậy. Chúng tôi đã từng sống với một bậc danh tăng như Ngài HT Hộ Giác, Ngài có mặt, Ngài có sự đóng góp của Ngài, nhưng rồi Ngài ra đi, chúng ta khoan nói đến hình ảnh của Đức Phật, khoan nói hình ảnh của cái gì khác hon, hình ảnh của một vị trưởng lão sống gần mình, có nhiều lúc học trò đệ tử nghĩ rằng Ngài có mặt ở đó mãi mãi nhưng một lúc nào đó Ngài ra đi. Thì mới thấy rằng mình biết như vậy, mình thấy như vậy, mình vẫn còn hụt hẫn, mình vẫn còn cảm thấy bị giao động, là bởi vì sao vậy? Bởi vì tất cả quan niệm của chúng ta về thế giới này được xây dựng trên ý nghĩ rằng nếu việc đó vô thường, chỉ là tạm bợ thì không muốn làm. Hay chúng ta thường tiếc cho người đó đẹp quá sao người đó chết, giống như chỉ có những người xấu mới đáng chết người đẹp không đáng chết, người đó hiền quá sao người đó chết, giống như chỉ có người ác mới đáng chết người hiền không đáng chết, sao người đó giàu quá mà chết nhưng thật sự giàu hay nghèo gì cũng chết.

Khi chúng ta nhìn thấy được vấn đề Như Lai quán triệt sự tập khởi của thế giới, sự đoạn diệt của thế giới nó không đơn giản. Khi nói chuyện về sự tập khởi của thế giới Ngài nói do cái này có cái kia có, vô minh duyên cho hành, hành duyên cho thức, thức duyên cho sắc, sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử. Thì những cái nhìn đó là những cái nhìn rất kỳ vĩ, nó không đơn thuần thấy đến thấy đi. Đức Thế Tôn quán triệt được nguyên nhân sâu xa của sanh và diệt.

 "Này các Tỳ Kheo, con đường đi đến thế giới đoạn diệt được Như Lai Chánh Đẳng Giác"

 Không phải chỉ thấy được sự đoạn diệt Ngài thấy được con đường đi đến sự đoạn diệt. Điều này đơn giản, đó là hữu vi pháp có nghĩa là pháp tập khởi, sanh khởi do duyên cũng phải do duyên diệt.

"Này các Tỳ Kheo, trong toàn thế giới, Thiên giới, ma giới, Phạm Thiên giới cùng với quần chúng Samôn, Bàlamôn, Chư Thiên và loài người được thấy được nghe, được thọ tưởng, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu, được ý tư sát, tất cả đều được Như Lai Chánh Đẳng Giác do vậy được gọi là Như Lai.

 Chữ Loka là Thế Giới được nhận thức, ở đây có ý nghĩa:
 - Cảnh giới sanh tử khi chúng ta nói về dục giới, sắc giới, vô sắc giới nhưng chúng ta còn nói một phương diện khác về thế giới này, thế giới đó là một thế giới sinh động bao gồm sự sống, khuynh hướng cố hữu, hành động cố hữu, nhận thức cố hữu, thì ở đây là điều Đức Phật giảng về thế giới đó.
 - Thiên giới là thế giới của chúng sanh có rất nhiều phước.
 - Ma giới là thế giới của chúng sanh có nhiều uy lực ảnh hưởng chi phối đến chúng sanh khác, sự chi phối này nó tạo thành những nghiệt ngã của đời sống.
 - Phạm Thiên giới là những chúng sanh đạt đến chỗ thuần tịnh của thiền định.
- Quần chúng Samôn là quần chúng của những người tu tập bản thân, Bà la môn là những người cổ xúy hiển giáo tín ngưỡng.
-  Chư Thiên ở đây hiểu là chúng sanh sanh ra do phước, là người hiểu được chúng sanh sanh ra có phước một cách tương đối và có sự phấn đấu rất anh hùng trong thế gian này.

"được thấy, được nghe, được thọ tưởng, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu, được tư sát" tức là ở đây chúng ta nói về "thấy, nghe, quan niệm, kinh nghiệm, trải nghiệm, sự nhận thức, sự truy cầu hướng đi điều đó đều được Như Lai Chánh Đẳng Giác do vậy gọi là Như Lai".

Như vậy ý nghĩa đầu tiên của từ "Như Lai" nói về Phật trí, nói về tầm hiểu biết của Chư Phật, nói về cảnh giới hiểu biết của Chư Phật mênh mông vô lượng. Đây là chúng ta nói về nhiều điểm từ câu  "sự sanh sự diệt hay thế giới tập khởi thế giới đoạn diệt" rồi sau đó nói đến "con đường dẫn đến thế giới đoạn diệt", nói đến "khuynh hướng hiểu biết của chúng sanh trong đời này, tất cả đều được Như Lai Chánh Đẳng Giác do vậy Như Lai không hệ lụy với cuộc đời và Như Lai gọi là Như Lai".

Ở một điểm khác:

-  "Này các Tỷ-kheo, từ đêm Như Lai chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng giác đến đêm Ngài nhập Niết-bàn không có dư y trong thời gian ấy, điều gì Ngài nói, tuyên bố, nêu rõ lên tất cả là như vậy, không có khác được. Do vậy Ngài được gọi là Như Lai".

 Ở đây, nói đến sự nhất quán và về điểm này có sự tranh luận rất lớn của Phật giáo Bắc Truyền. Phật giáo Bắc Truyền cho rằng Đức Thế Tôn Ngài đã do phương tiện giảng giải có Đại Thừa, Tiểu Thừa và về sau này thời kỳ Bát Nhã, thời kỳ Pháp Hoa thì có khi Ngài đồng ý có khi Ngài phủ nhận. Thậm chí ngày nay cũng có người nói rằng giáo lý Tiểu Thừa là giáo lý do Đức Phật giảng nhưng sau đó Đức Phật Ngài lại chỉ trích nặng nề giáo lý Tiểu Thừa. Thật ra điều đó hoàn toàn không có trong Tam Tạng Pali . Trong Tam Tạng Pali giáo thuyết giáo lý của Đức Phật mang tính nhứt quán. "Từ đêm Như Lai thành đạo và từ thời điểm chuyển Pháp Luân cho đến khi Ngài viên tịch Niết-bàn những gì Ngài tuyên bố, những gì Ngài dạy là nhất quán là tỏ rõ không có gì khác được đều là giáo lý Tứ Đế được Như Lai giảng giải ở trong kinh chuyển Pháp Luân hay là tam học Giới Định Tuệ, ở trong những giờ phút sắp viên tịch Niết-bàn đều là nhất quán như vậy gọi là Như Lai, tức là nhất quán trong lời dạy.

Một điểm khác:

 "Này các Tỷ-kheo, Như Lai nói gì làm vậy, làm gì nói vậy. Vì rằng nói gì làm vậy, làm gì nói vậy, nên Ngài được gọi Như Lai".

  Chữ "Như Lai" ở đây chúng ta nói y hành hợp nhất, cái biết và hành động, lời nói và hành động nhất quán, Ngài là bậc Minh Hạnh Túc tức cái biết và sở hành của Ngài cũng nhất quán. Đặc biệt trong cuộc đời này có một người mà hành động không thể khác hơn với lời nói đó là Đức Phật. Lấy ví dụ, tất cả chúng ta đều  ca ngợi chữ hiếu nhưng chưa chắc chúng ta đã làm giống như chúng ta nói, chúng ta ca ngợi sự thanh tịnh nhưng chúng ta không thể sống thanh tịnh như chúng ta nói, chúng ta nói về sự dấn thân, sự hy sinh cho cuộc đời nhưng chúng ta cũng không làm được một phần nhỏ cái chúng ta nói. Thường những gì chúng ta ca ngợi chúng ta nói có chất lý tưởng nhiều hơn. Tại vì sức của chúng ta không vươn tới đó. Và có thể phiền não của chúng ta còn lại nó khiến cho chúng ta sống không như những gì chúng ta nói. Nhưng với Đức Phật Ngài là một bậc đại lực đại trí cái biết của Ngài và khả năng của Ngài cuộc sống của Ngài luôn luôn nhất quán.

  Một điểm nữa:

"Này các Tỷ-kheo, trong toàn thể thế giới, Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Như Lai là bậc chiến thắng, không bị ai chiến bại, toàn tri, toàn kiến, đại tự tại, do vậy Ngài được gọi là Như Lai".

 Không ai có thể đoạt mạng của vị Chánh Đẳng Giác, không ai có thể làm cho vị Chánh Đẳng Giác bị bắt bí không thể trả lời, không ai có thể làm gì để khiến Đức Phật bậc Chánh Đẳng Giác trở thành một người chiến bại.

  Ma vương đã từng đến dành cội bồ đoàn với Đức Phật và cuối cùng ở tại cội Bồ Đề đó Đức Thế Tôn đã an nhiên ngồi ở trên bản toạ của Ngài.

  Dạ xoa Alavaka đã từng nói: "Nếu Đức Thế Tôn không trả lời những câu hỏi của Dạ xoa Alavaka thì Dạ xoa Alavaka sẽ xé xác Đức Thế Tôn quăng qua bên kia sông Hằng.

  Đức Phật đã ung dung trả lời: "nếu người hỏi thì Như Lai sẽ trả lời nhưng không ai có thể xé xác Như Lai quăng sang bên kia bờ sông Hằng được".

Và Saccaka là một người cao ngạo biện tài đã từng tuyên bố sẽ làm cho Đức Thế Tôn run rảy với khả năng biện luận của mình và cuối cùng đã trở nên câm nín khi đứng trước Đức Phật.

   Sundarì đã từng vu cáo Đức Phật và trong sự an nhiên chánh định Đức Thế Tôn đã làm sáng tỏ sự thật.

Con voi cuồng Nàlàgiri bị phục rượu uống say đã từng tấn công Đức Thế Tôn và bằng từ tâm vô lượng Đức Thế Tôn đã chuyển hóa được voi điên.

Và nhiều câu chuyện cho chúng ta hiểu về Đức Phật là bậc chiến thắng.
 
   Thì toàn bộ ý nghĩa "Như Lai" được giảng tại đây là những ý nghĩa rất đẹp.
 
   Phật tử niệm Phật thường niệm  tên của vị Phật này tên vị Phật khác nhưng đúng ra khi chúng ta niệm Phật chúng ta niệm ân đức của Phật, niệm Phật, cảm Phật chi đức. Nhưng mỗi người đều có một cái duyên với một ân đức Phật khác nhau, có người thì rất tiến bộ khi niệm Arahan, có người rất tiến bộ khi niệm Buddho. Nhưng phải nói rằng riêng đối với bản thân của chúng tôi thì chúng tôi rất thích đọan kinh hôm nay, đoạn kinh đó trở thành một tâm kinh trở thành một điều chúng tôi thường tụng niệm khi chúng tôi đi về chiêm bái các Thánh tích Phật Giáo. Đoạn kinh này đã trở thành một điều chúng tôi thường tụng đọc khi chúng tôi đến những đền tháp những pho tượng Phật trên hành trình đi thăm viếng các quốc gia Phật Giáo. Không hiểu sao đối với chúng tôi những điều này là cái gì đi vào lòng và đọc đến thì trong lòng rất phấn khởi, rất hân hoan và cảm nhận như một giòng nước mát chảy vào lòng. Vì vậy ý nghĩa của "Như Lai" này nếu qúi Phật tử có duyên qúi vị thường trì tụng qúi vị cũng cảm thấy rất thấm thía. Chúng tôi nói rằng mỗi người có cái duyên riêng không hẳn là qúi vị hoan hỉ với đoạn kinh này mà có thể qúi vị hoan hỉ với đoạn kinh khác, nhưng riêng với đoạn kinh định nghĩa về Như Lai này đối với cá nhân chúng tôi là một khung trời cao rộng là điều gì đó rất là thấm thía

"Này các Tỷ-kheo, thế giới được Như Lai Chánh đẳng giác. Như Lai không hệ lụy đối với đời. Này các Tỷ-kheo, thế giới tập khởi được Như Lai Chánh đẳng giác; thế giới tập khởi được Như Lai đoạn tận. Này các Tỷ-kheo, thế giới đoạn diệt được Như Lai chánh đẳng giác; thế giới đoạn diệt được Như Lai giác ngộ. Này các Tỷ-kheo, con đường đưa đến thế giới đoạn diệt được Như Lai chánh đẳng giác; con đường đưa đến thế giới đoạn diệt Như Lai đã tu tập.


Cái gì này các Tỷ-kheo, trong toàn thế giới với Thiên giới, Mạ giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, được thấy, được nghe, được thọ tưởng, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu, được ý tư sát, tất cả đều được Như Lai chánh đẳng giác. Do vậy được gọi là Như Lai. Này các Tỷ-kheo, từ đêm Như Lai chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng giác đến đêm Ngài nhập Niết-bàn không có dư y trong thời gian ấy, điều gì Ngài nói, tuyên bố, nêu rõ lên tất cả là như vậy, không có khác được. Do vậy Ngài được gọi là Như Lai.



Này các Tỷ-kheo, Như Lai nói gì làm vậy, làm gì nói vậy. Vì rằng nói gì làm vậy, làm gì nói vậy, nên Ngài được gọi Như Lai.



Này các Tỷ-kheo, trong toàn thể thế giới, Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Như Lai là bậc chiến thắng, không bị ai chiến bại, toàn tri, toàn kiến, đại tự tại, do vậy Ngài được gọi là Như Lai.



Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây điều này được nói đến:



Thắng tri mọi thế giới,

Mọi thế giới như thật,
Ly hệ mọi thế giới,
Không giống mọi thế giới.
Thắng tất cả bậc trí,
Giải thoát mọi buộc ràng.
Cảm thọ tối thắng tịnh,
Niết-bàn, không sợ hãi,
Vị này đoạn lậu hoặc,
Bậc giác ngộ trí giả,
Không dao động nhiễu loạn,
Nghi ngờ được chặt đứt,
Ðạt diệt tận mọi nghiệp
Giải thoát diệt sanh y,
Là Thế Tôn, là Phật
Bậc Sư tử vô thượng,
Trong thế giới thiên giới
Chuyển bánh xe Phạm luân.
Như vậy loài Trời, Người,
Ðến quy y đức Phật,
Gặp nhau, đảnh lễ Ngài,
Vĩ đại không sanh hữu,
Ðiều phục, bậc Tối thượng,
Trong người được điều phục
An tịnh, bậc ẩn sĩ,
Những người được an tịnh.
Giải thoát bậc tối thượng,
Những người được giải thoát
Vượt qua bậc tối thắng,
Những người được vượt qua.
Như vậy họ lễ Ngài
Vĩ đại, không sanh hữu,
Thiên giới, thế giới này,
Không ai được bằng Ngài.


Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe."



Đó là vài  điểm chúng ta chiêm nghiệm về ý nghĩa của từ vựng "Như Lai". Đây là một ở trong những đoạn kinh rất hiếm hoi chúng ta tìm thấy ở trong Tam Tạng kinh điển cho chúng ta rõ nét về ý nghĩa của từ vựng chúng ta nghe rất thường, một danh từ Đức Phật tự dùng để nói về Ngài "Này các Tỳ Kheo, Như Lai đã dạy cho các con điều này Như Lai há chẳng nói điều kia". Hoặc giả, khi chúng ta đọc chữ "Như Lai" thì chúng ta biết rằng từ vựng đó đặc biệt đề cập đến Đức Phật "Tathàgata" hay " Như Lai".


Và thưa qúi vị, bài giảng đến đây xin được kết thúc./.