Thursday, March 26, 2015

Hiếu đạo thăng hoa cuộc sống.

Bài học: Hiếu đạo thăng hoa cuộc sống. Kinh Như Thị Thuyết (CVI) (Cat. 7) (It. 109)

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 8-4-2014, Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Bài học ngày hôm nay đưa chúng ta trở về một hình ảnh truyền thống rất quen thuộc trong gia đình người Phương Đông từ thuở xưa cũng như trong những gia đình Phật Giáo, đó là chữ hiếu hay hiếu hạnh được thắp sáng ở trong đời sống gia đình.   

Có lẽ khi đề cập đến chữ hiếu hầu hết chúng ta ngày hôm nay có cảm nhận đây là một giai đoạn lịch sử của đất nước, lịch sử của dân tộc, nền văn hoá của chúng ta đang bị giao động mạnh và có những thay đổi rất lớn. Hình ảnh thờ Cha kính Mẹ ngày hôm nay trong các gia đình càng ngày càng khác thời xưa. Cha Mẹ và con cái ảnh hưởng nền văn hoá mới đặc biệt ảnh hưởng văn hóa phương Tây. Nhiều khi người ta muốn nói lên sự hội nhập của những người trẻ và qua đó Cha Mẹ trở thành một hình ảnh già nua lỗi thời không có đủ khả năng để hướng dẫn con trong một xã hội có sự thay đổi rất nhiều.

 Chúng ta cũng nói đến chủ nghĩa cá nhân, con cái lớn lên cần có một không gian tương đối riêng biệt, bây giờ người ta nói nhiều đến privacy tức là sự riêng tư. Chính sự riêng tư này con cái cảm thấy mình khó có thể sống chung với Cha Mẹ, muốn rời ra nhà riêng để có thể đi về hàng ngày không ai ngó không ai nói, đặc biệt có những quan hệ tình cảm dễ dàng hơn. 

 Người ta cũng nói đến một hình ảnh xã hội bây giờ ai cũng bận sinh kế cha mẹ ở nhà nếu không giữ cháu được,  nếu không phụ việc nhà được thì cha mẹ ở với con trở thành một gánh nặng. Do vậy nhiều gia đình cha mẹ tự nuôi con lớn lên rồi con có cuộc sống riêng cha mẹ lại phải tự thui thủi lo thân mình.

  Chúng tôi nói đến một số khía cạnh không phải ảnh hưởng văn hóa trào lưu mà ảnh hưởng đến kinh tế ảnh hưởng đến triết lý sống cá nhân. Ngày nay những điều này đã làm lung lay những giá trị truyền thống giữa Cha Mẹ và con cái ở trong những gia đình ảnh hưởng văn hóa phương Đông, văn hóa truyền thống hay văn hóa Phật Giáo.

Điều chúng ta làm ngày hôm nay chúng ta trở về với một đoạn kinh rất xưa đã được Đức Thế Tôn giảng cách đây hơn 25 thế kỷ. Ở đó Đức Phật Ngài đề cập đến những giá trị rất cụ thể thực tế ở trong mỗi gia đình. Và từ đó Đức Phật Ngài đã dùng những giá trị truyền thống giá trị này chỉ mang tánh cách tín ngưỡng. Thời xưa, giòng tín ngưỡng tôn giáo trở thành một cái gì rất nặng ở trong đời sống, có nhiều khi người ta sùng bái thờ phượng tín ngưỡng nhiều hơn là trọng những giá trị quen thuộc gần gủi trong đời sống hàng ngày. 

Đây là một bài kinh gồm 4 chi pháp. Và trong 4 chi pháp này chúng tôi rất tiếc không hiểu tại sao trong những bản kinh của HT Minh Châu và những bản kinh được san định sau này người ta đã bỏ đi một đoạn rất quan trọng. Thành ra chúng ta đọc thường cảm thấy có 3 chi pháp hoặc nếu đọc không kỹ thì chỉ còn có 2 chi pháp.

Như đoạn kinh:

Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm thiên. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận như các đạo sư thời xưa. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận là đáng được cúng dường.

 Đoạn này nói: Phạm Thiên, bậc đạo sư thời xưa, đáng được cúng dường cho chúng ta có tất cả 3 chi pháp thôi. 

 - Chi pháp đầu tiên: Ngang hàng với Phạm Thiên. Chữ Sabrahmakāni nghĩa là ngang bằng với Phạm Thiên 
  - Chi pháp thứ hai: Câu Sapubbācariyakāni thì ở đây họ dịch là bậc Đạo Sư thời xưa.
  - Chi pháp thứ ba: là Sāhuneyyakāni là xứng đáng được cúng dường. 

 Chúng ta nên lưu ý, chúng ta đang học ở trong phần pháp 4 chi. Trong phần pháp 4 chi này Đức Phật Ngài đưa ra hình ảnh của cha mẹ có 4 điều được ví dụ, và 4 pháp này có giá trị rất phổ cập vào thời cổ ở trong các gia đình. 

-  Thứ nhất: Chữ brahmakāni dịch là Phạm Thiên hay Sáng Tạo Chủ hay Tạo Hóa hay đấng Thượng Đế. Trong nền tín ngưỡng của Ấn Giáo tin rằng Phạm Thiên là vị sáng tạo ra thế giới này và do vậy họ thờ phượng Phạm Thiên. Phạm Thiên là những bậc có đức tánh từ bi hỉ xả, bậc hoàn toàn thanh tịnh thì thờ Phạm Thiên. Đức Phật Ngài ví dụ nếu nói về sáng tạo thì Cha Mẹ sanh ra con, Cha Mẹ xứng đáng được gọi là Phạm Thiên.

 -  Thứ hai: Chữ  Sapubbadevatāni bị bỏ xót không có trong bản dịch. Chữ Sapubbadevatāni chúng ta dịch là những bậc Chư Thiên thời cổ đại hay Chư Thiên thời trước. Chư Thiên thời trước ở đây có ý nghĩa rất đặc biệt nhưng không hiểu tại sao ở trong bản kinh của HT Minh Châu hồi xưa chúng tôi đi học thì có nhưng sau này họ bỏ chữ Chư Thiên thời cổ. Chư Thiên thời cổ nếu nhìn trong tất cả những tôn giáo họ đều có một cách thờ là ít thờ phượng những vị Thiên Thần những vị Long Thần Hộ Pháp mà hiện nay họ chỉ thờ những bậc Chư Thiên thời xưa được ghi ở trong sách vở. Và theo lớp tín ngưỡng thì lề lối tín ngưỡng quen. Bây giờ đến các chùa hay các nhà thờ hay đến những nơi đền thờ tín ngưỡng Chư Thiên thì họ vẽ Chư Thiên mặc những xiêm y hay mặc áo thời cổ chứ không ai vẽ Chư Thiên mặc áo vét. Ý chúng tôi muốn nói một điều rằng trong nền văn hóa tín ngưỡng con người ngày xưa Chư Thiên rất gần với loài người, ngày xưa Chư Thiên thường hiện ra để giúp con người như chúng ta nghe trong những câu chuyện thần thoại cổ tích chẳng hạn, Chư Thiên hồi xưa là những vị dạy dỗ giúp đỡ hướng dẫn loài người để xây dựng lên những giá trị ở trong cuộc đời này. Chúng tôi lấy ví dụ, nếu qúi vị đi về một vài thành phố cổ của Ấn Độ hay của Tích Lan và ở tại đó có những thạch động rất tinh vi người ta tin rằng Chư Thiên đã giúp cho những người thợ điêu khắc tạc những pho tượng những bức họa thì mới đẹp mới đạt được những tác phẩm kỳ vĩ như vậy. Nói tóm lại bây giờ khi người ta thờ phượng các vị Thiên Thần các vị Chư Thiên thờ phượng Chư Thiên thời cổ chứ không ai nói Chư Thiên thời bây giờ. Thì chữ Sapubbadevatāni là Chư Thiên thời cổ. 

-    Thứ Ba: chữ Sapubbācariyakāni tức là vị đạo sư thời trước hay là đạo sư ban đầu. Ở đây dịch là  Tiên Sư trong tiếng Việt, chúng ta phải dùng chữ Tiên Sư hay Thánh Tổ. Tiên Sư hay Thánh Tổ là một người tạo ra hay lập ra một truyền thống một trường phái một sự khởi nguồn. Như ở VN chúng ta hay có chữ "Các vị Tổ", bên Phật Giáo Bắc Truyền thường thờ các vị Tổ, Tổ là người bắt đầu một tông phái. Ở ngoài nhân gian một số người làm các nghề như nghề biển, nghề mộc, nghề rèn hoặc giả nghề ca hát cũng có tổ của họ, gọi là tổ nghiệp tức là các vị lập ra nghề đó và ngày hôm nay chúng tôi thỉnh thoảng  vẫn thấy một số các vị ca sĩ khi họ có chương trình lớn họ cũng cúng tổ. Ngày xưa thân phụ chúng tôi đi lính cũng có bàn thờ Tiên Sư bàn thờ Tổ ở trong quân đội. Người Trung Hoa thì những vị cảnh sát thờ Quan Công gọi là Quan Nhị Ca tức là Quan Công rồi có hình ảnh một vị tổ nào đó nhưng thường thường biểu trưng cho sự trung nghĩa cang cường, họ thờ Quan Công hay họ thờ Quan Công Trường Quan Đế là vị Tổ. 

 Khi nói đến cha mẹ Đức Phật Ngài dạy cha mẹ là những vị Tiên Sư, những vị Thánh Tổ, những vị Tổ Nghiệp, những vị Tổ bắt đầu của một truyền thống giống như cha mẹ là vị Thầy đầu tiên dạy cho con biết ăn, biết nói, biết đi, biết đứng, biết đi vào cuộc đời. Ở một đoạn khác Đức Phật gọi là giới thiệu con đi vào cuộc đời thì chữ đó đặc biệt để chỉ cho cha mẹ đồng nghĩa là Tiên Sư.

   Đầu tiên Cha Mẹ được ngang bằng với Phạm Thiên, Cha Mẹ được ngang bằng với những vị Chư Thiên thời xưa, Cha Mẹ được ngang bằng với những vị Tiên Sư tức là bậc Thầy khởi đầu truyền thống nào đó. 

-  Thứ tư : Chữ Sahuniyakani nghĩa là cha mẹ là những bậc đáng lễ bái trong nếp sống tín ngưỡng của chúng ta. Đúng ra chữ sahuniya là lễ bái cũng được, cúng dường cũng được nhưng chúng ta gọi thờ phượng. Thờ phượng ở đây tức là ví dụ như qúi vị thấy có nhiều gia đình người ta thờ Thần Tài, thờ Ông Địa, thờ bà Mẹ Sanh v.v... và người ta đặt một  cái trang thật trang trọng thắp hương, để bông hoa cúng thì những bậc như vậy gọi là bậc sahuniya là bậc đáng để thờ phượng. Một điều là chúng ta hay thờ phượng Thánh Thần nhưng Đừc Phật dạy Cha Mẹ là những bậc đáng thờ phượng thì chúng ta nên thờ phượng Cha Mẹ.

Ở đây chúng ta nói trở lại trong đoạn đầu tiên Đức Phật Ngài đặc biệt đề cập đến hình ảnh nguyên một gia đình, gia đình đó hiếu hạnh được thắp sáng, tức là ở trong gia đình đó có thờ Cha kính Mẹ, có phụng dưỡng Cha Mẹ và có sự chăm sóc Cha Mẹ của con cái. 

Đức Phật nói chung cả gia đình đó, Ngài nói rằng gia đình đó tiêu biểu cho một hệ thống tính lý một truyền thống tín ngưỡng cao đẹp. Và truyền thống tín ngưỡng cao đẹp người ta thường đề cập đến gồm 4 khía cạnh, 4 bản sắc. Thứ nhất, ở trong những truyền thống tín ngưỡng người ta nói đến một vị Thượng Đế tối tôn, một vị Thượng Đế sáng tạo ở đây chúng ta gọi là Brahma tức là Phạm Thiên. Ở Ấn Độ họ dùng chữ Phạm Thiên là những bậc thanh tịnh tối thượng họ thờ phượng một vị tối tôn hay một vị Thượng Đế, đó là điểm đầu tiên.

Điểm thứ hai. Thờ những bậc Chư Thiên và Chư Thiên ở đây chúng ta nói Chư Thiên thời xưa tức là những bậc Long Thần Hộ Pháp những bậc Thiện Thần. Chúng ta thấy trong đa số những tín ngưỡng  về Thần giáo ngoài vị Thượng Đế ngoài đấng thờ phượng linh thiêng nhất thì họ thờ Thánh thờ Thần. Chúng tôi lấy ví dụ, trong Phật giáo một số người ngoài thờ Phật người ta còn thờ Chư Thiên. Bên Thiên chúa giáo họ có Chúa ba ngôi là Chúa Cha, Chúa con, Chúa Thánh Thần, thì Chúa Thánh Thần được hiểu là những vị Thiên Thần những vị Chư Thiên. Đó là một khía cạnh khác của tín lý.

-  Và khía cạnh tín lý thứ ba ở trong các tín ngưỡng thường đề cập đến đó là những vị Tổ tức là những vị Thầy ban đầu, những vị đã khai sinh, những vị gọi là Thánh Tổ hay là những bậc sơ Tổ hay bậc Tiên Sư. Chữ Tiên Sư ngày xưa là chữ rất là đẹp nhưng sau này ở miền Bắc nhiều khi người ta dùng chữ Tiên Sư để chửi ai đó thành ra đôi khi người miền Nam nghe chữ Tiên Sư thì liên tưởng đến câu chửi nhiều hơn. Nhưng chữ Tiên Sư rất đẹp, chữ Tiên Sư được xem như là bậc Thầy bậc Tổ đã khai sáng đã bày ra cái gì đó gọi là hiển bày, như là vị tổ lập lên Pháp Hoa Tông, vị tổ Thiền Tông, vị Tổ Tịnh Độ Tông chẳng hạn, bên Phật Giáo Bắc Truyền  có những vị tổ. 

- Rồi sau cùng Cha Mẹ những bậc xứng đáng để thờ phượng để lễ bái tức là ở trong gia đình có những chuyện tôn trọng, có những chuyện kiêng kỵ, có những chuyện cúng dường, có những chuyện tụng niệm, tất cả những chuyện đó thì Cha Mẹ đều xứng đáng. 

Khi xưa đối với Đức Phật thì bốn phương diện này bốn yếu tính này  của tín ngưỡng trở thành một cái gì đó ăn sâu gắn chặt vào trong nếp tâm linh, cái nếp chúng ta gọi là tôn giáo ở trong các xã hội. Thì riêng ở trong cái nhìn của Đức Phật, Ngài dạy cha mẹ là những bậc xứng đáng để mang 4 yếu tính về tôn giáo đó: 

1. Thứ nhất khi chúng ta nói đến Thượng Đế hay Sáng Tạo Chủ thì cha mẹ là bậc sanh ra con, cho dù bất cứ lý do gì nhưng từ chỗ không có tạo ra có, nhờ có cha mẹ chúng ta mới có ngày hôm nay, do vậy, chúng ta xem Cha Mẹ là Thượng Đế. Nếu người con nghĩ Cha Mẹ là Thượng Đế thì không có chuyện gì sai trái, điều đó hoàn toàn đúng với tôn ý của Đức Phật, Cha Mẹ là tạo hóa, Cha Mẹ là những bậc tạo ra mình thì Cha Mẹ là đấng tạo hóa của mình. 

2.  Cha Mẹ là những bậc Chư Thiên thời cổ. Chúng ta gọi là những bậc Cổ Đức. Chư Thiên thời cổ là Chư Thiên linh, những vị Chư Thiên, những vị Thiên Thần để thờ phượng. Đối với chúng ta ở trong cuộc sống lúc tối lửa tắt đèn lúc hữu sự cần đến sự đùn bọc, cần đến sự góp lời góp ý, cần đến sự giúp đỡ chúng ta đều cần đến Cha Mẹ. Chúng tôi nhớ ở trong rất nhiều đoạn kinh Đức Phật Ngài đặc biệt dạy những xã hội nào có những thành viên trong xã hội biết qúi trọng những vị lớn tuổi những vị niên trưởng như chúng ta thường nói là "Đãi lão khất ngôn" là tìm sự che chở, tìm sự cố vấn, tìm sự chỉ điểm chỉ vẽ của những người lớn tuổi thì xã hội đó hưng thịnh. Thì phải nói đôi khi chúng ta sống ở trong cuộc sống này chúng ta rất tự thị, tự thị nghĩ mình không cần những người đi trước và mình nghĩ  mình khôn hơn những người đi trước. Thí dụ như thời bây giờ nhiều khi con cái cập nhật mau hơn cha mẹ, nó học computer nhanh hơn hay nó học những công nghệ những khoa kỷ giỏi hơn, nhiều khi cha mẹ mua cái điện thoại thông minh chẳng hạn, smart phone về thì con cái lại nhanh giỏi hơn và chỉ dẫn Cha Mẹ. Tuy nhiên ngày xưa có câu nói dễ thương "Ở tuổi trẻ mình nghĩ con hơn Cha Mẹ. Nhưng đến tuổi nào đó mình nghĩ mình bằng cha mẹ. Tới khi mình lớn mình già rồi mình thấy mình thua Cha Mẹ". Cũng giống như bản thân của chúng tôi khi chúng tôi mới về sống với Ngài Hộ Giác chúng tôi nghĩ mình có nhiều cái mình nên làm theo ý của mình hay hơn là theo ý của Ngài, tại vì mình mới lớn lên mình nghĩ rằng mình làm vậy, nhưng thời gian sau thì thấy Ngài là người có nhiều kinh nghiệm thành ra mình trao đổi với Ngài, rồi thời gian khi Ngài lớn tuổi thì mình càng sống càng nhận ra thì mình nói rằng mình rất khó so bì với kinh nghiệm từng trải của Ngài. Thì lúc đó chúng tôi ngay cả bây giờ khi chúng tôi nói chuyện với qúi Phật tử ở đây chúng tôi nhớ lại những gì Ngài đã sống, những sự cư xử những cách sống của Ngài chúng tôi cũng phải nói có những điều học cả đời học cũng không được. 

3. Khi mình xem Cha Mẹ là những bậc Thầy  đầu tiên phải nói rằng Cha Mẹ dạy dỗ chúng ta rất nhiều. Người ta nói "con chim có tổ người có tông" và nếu chúng ta hiểu được gốc gác của chúng ta, chúng ta hiểu sự bắt nguồn của chúng ta thì chúng ta sẽ hiểu được bản thân của mình rất nhiều. Mình muốn hiểu chính mình thì mình nên hiểu Cha Mẹ mình là ai, xuất xứ xuất thân mình như thế nào, mình nên hiểu sự giáo dưỡng của mình ra sao, những giá trị mình được hấp thụ thời trẻ như thế nào, thì những điều đó giúp chúng ta đi vào trong cuộc đời mình hiểu bản thân của mình nhiều hơn. Một chuyện đơn giản như bây giờ qúi vị ít gặp Sư Trưởng, hôm nay Sư Trưởng đang nằm trong bệnh viện. Sư Trưởng trước kia thường sinh hoạt trong rơom Phật Pháp Buđdadhamma này. Sư Trưởng là sư cậu của chúng tôi là vị Thầy đưa chúng tôi vào đạo. Khi chúng tôi ra nước ngoài chúng tôi có nhận ra một điều Sư Trưởng là vị đã thổi vào trong lòng chúng tôi lòng nhiệt huyết để hoằng pháp, để học Phật Pháp, để chia sẻ Phật Pháp với người khác. Lúc mới vào chùa Sư Trưởng đã làm cho chúng tôi thấy chuyện đó đẹp thiêng liêng, chuyện đó là chuyện mình nên đầu tư cả cuộc đời mình,  chúng tôi có nhận rằng lớn lên khi đi ra bên ngoài làm việc sinh hoạt đó đây những gì Sư Trưởng hàm dưỡng đã gieo vào trong lòng chúng tôi nó vẫn sống trong lòng cho đến bây giờ. Bây giờ chúng tôi phải thưa qúi vị rằng nếu cho chúng tôi sống một nơi đầy đủ tiện nghi cuộc sống rất tốt mọi thứ chỉ có chữ nhàn mà không có làm việc Phật Pháp thì thật ra chúng tôi cảm thấy cuộc đời không có ý nghĩa. Tại sao chuyện đó lại là một lẽ sống trong cuộc đời chúng tôi, phải nói rằng chuyện đó chúng tôi học từ Sư Trưởng hồi nhỏ. Cái mầm mống cái chủng tử gieo vào trong lòng mình hồi nhỏ nó lớn lên như vậy nhiều khi làm việc Phật Pháp có cực nhưng có ý nghĩa cuộc sống, còn bây giờ mình ăn không ngồi rồi vô tích sự không làm gì hết hay mình ngồi đó sống hưởng thụ cho dù mình có giàu đến đâu cho dù có được gì đi nữa thì thật sự cũng vô nghĩa.

Khi mình hiểu gốc của mình là ai lúc đó mình hiểu bản thân của mình nhiều hơn, đó là điều quan trọng . Thật ra con cái nhiều khi không có nghĩ mình cần phải hiểu về Cha Mẹ nhưng chuyện đó  rất là sai. Tại vì mình muốn hiểu bản thân của mình thì mình phải hiểu Cha Mẹ. Mình muốn hiểu bản thân mình thì mình phải hiểu  văn hóa của mình. Mình là người Việt Nam nếu mình muốn hiểu bản thân mình mà mình không hiểu về văn hóa VN , không hiểu gốc của mình thì mình không có hiểu bản thân mình, tại đó là nơi xuất xứ của mình.

4. Sau cùng, ở trong cuộc sống chúng ta nên có những thiêng liêng, có những giá trị để thờ phượng. Nếu sống trong một ngôi nhà có bàn ghế có phương tiện đầy đủ nhưng không có bàn thờ, thì người Á Châu chúng ta nhất là người VN không có bàn thờ thì thiếu sự thiêng liêng, do sự thờ phượng làm cho đời sống của chúng ta có ý nghĩa, do sự thờ phượng mình cảm thấy mình yên tâm như được che chở  Đức Phật dạy rằng cha mẹ là những bậc đáng cho mình thờ phượng, đáng cho mình đảnh lễ, đáng cho mình cúng dường. Cúng dường tức là những ngày đầu năm đầu tháng những ngày lễ quan trọng mình đảnh lễ. Chúng tôi nhớ rằng lúc Ngài HT còn sống những giờ phút rất an lạc của chúng tôi là những ngày đầu năm sau đêm giao thừa buổi sáng hôm sau khi thức dậy mùng một tết lo đón Phật tử đến cùng lên lễ Phật sau đó  khoảng gần 11, 12 giờ  chúng tôi với Chư Tăng xuống dưới tịnh thất của Ngài, chúng tôi mang trà và chuẩn bị một phong thư màu đỏ để cúng dường và những lễ phẩm đảnh lễ chúc thọ mừng tuổi Ngài. Thật ra chuyện đó không phải là chuyện đời, mà là có một bậc Trưởng Lão để mình đảnh lễ để mình kính qúi thì cuộc sống mình có giá trị. 

Ở trong gia đình con cái biết kính Cha Mẹ. Chúng tôi nhớ là bây giờ người ta không còn giữ lẽ này nhưng ngày xưa ở trong nhà bộ phản hay bộ ngựa nơi bộ ván chỗ Ông Bà Cha Mẹ ngồi con cái không được phép leo lên, mình chỉ lên đó khi lau dọn hoặc cầm cái chổi quét vậy thôi, cái ghế nào Ông Bà Cha Mẹ ngồi mình không được phép ngồi. Bây giờ, chúng tôi thấy trong xã hội người ta không còn quan trọng điều đó, nếu có Cha Mẹ ngồi còn không có Cha Mẹ thì mình leo lên ngồi chứ không có chuyện nể trọng như vậy. Thời xưa trong nhà có Ông Bà Cha Mẹ thì con cháu đi cũng nhè nhẹ hay mình nói năng cũng giữ lễ. Ví dụ như thân mẫu của chúng tôi muốn rày con hay muốn đánh con thì kêu ra đâu đó đánh hay la chứ không ở trước mặt Ông Ngoại Bà Ngoại Ông Nội Bà Nội mà la mắng con. Bây giờ người ta không có quan trọng chuyện đó, như Cha Mẹ ngồi đó nhưng mình giận con thì mình vẫn chửi vẫn rủa xả con mình thì chuyện mình rủa xả con mình không có liên quan đến Cha Mẹ nhưng có Cha Mẹ ở đó mình chửi con tức là thiếu sự kính trọng đối với Cha Mẹ. Thời trước chúng ta thường có lệ khi có khách đến nhà mình không đem con cái ra chửi, có giận con thì nói nhỏ nhẹ hay kêu nó ra sau nhà nói chờ khách về thì biết, không bao giờ có khách ở đó mình chửi con, mình chửi con tức là mình sân si thì giống như mình thiếu sự tôn trọng với khách. Đối với khách như vậy, còn đối với Cha Mẹ phải có thái độ kiêng kính, thái độ biết nghĩ đến, thái độ biết kính trọng đó là sự thờ phượng. Nghĩa là ở trong cuộc sống mình phải có cái  gì đó trang nghiêm, trong cuộc sống mình phải có cái gì đó đẹp để mình gìn giữ. Ví dụ như, có nhiều khi chúng tôi cũng nhắc qúi Phật tử mình nói chuyện nhảm chơi thì mình nói chuyện ở ngoài sân ở đâu đó nhưng khi bước vào trong chánh điện thì nên giữ yên lặng tôn trọng. Người VN, nhất là Phật tử VN đôi khi không được cái đó, vô trong chánh điện khi nào tụng kinh là tụng kinh, nghe pháp là nghe pháp, nhưng trước khi đó vào trong chánh điện thì cũng nói chuyện ông này nói chuyện bà kia, ngồi trong chánh điện trước bàn Phật nói những chuyện nhảm nhí hay  có những lời cãi cọ qua lại tức là Đức Phật ngồi đó mình lạy Ngài giống như bậc thiêng liêng mà mình lên đó cãi vả nói chuyện xấu người này người kia thì lâu ngày tạm gọi là mất linh, tức là chỗ đó không phải là chỗ thiêng liêng đối với mình nhiều nữa, chỗ thiêng liêng mình bước vào mình giữ sự yên lặng. Người đời nói một câu nghe hơi kỳ, người ta nói có nhiều khi những người đi làm nghề mãi dâm họ hỏng 9 phương nhưng họ còn một phương để dung thân, thì ở trong cuộc đời mình cho dù là 4 phương 8 hướng có bao nhiêu phiền lụy phải có một chỗ thiêng liêng, chỗ thiêng liêng để quay về hướng về, thiêng liêng đó là bàn thờ, thiêng liêng đó là mình ngồi vô trong chánh điện khi mình vô ngồi trong đó thì mình thấy chỗ đó là chỗ thiêng liêng để mình có sự kiêng nể. Và chính điểm đó nó làm cho cuộc sống mình có giá trị. 

Bốn điểm chúng tôi nói tại đây và chúng tôi nhắc lại ở trong bản chánh kinh thiếu một đoạn dịch thành ra còn có 3 thôi nhưng chúng ta phải dịch lại cho đủ 4 chi pháp là:

 1. Đức Phật Ngài dạy trong những gia đình nào hiếu hạnh được thắp sáng thì gia đình đó được xem như ngang bằng với Phạm Thiên.

2. Những gia đình nào con cái hiếu hạnh với Cha Mẹ  được thắp sáng thì gia đình đó được xem ngang bằng với Chư Thiên thời trước Chư Thiên thời xưa.

3. Trong gia đình nào con cái thờ kính Cha Mẹ hiếu hạnh thì ngang bằng với những bậc Tiên Sư, tức là những bậc Thầy ban đầu, những bậc Tiên Tổ. 

4. Sau cùng, ở trong gia đình nào con cái hiếu hạnh được thắp sáng thì gia đình đó đáng cúng dường.

Chúng ta thấy đầu tiên Đức Phật nói chung một gia đình nhưng sau đó Đức Phật nói rõ tại sao. Tại vì Cha Mẹ xem như đấng tạo hóa, Cha Mẹ được xem như đấng hộ trì, Cha Mẹ như một đấng khai sáng hướng dẫn con vào cuộc đời, Cha Mẹ được xem là những bậc thiêng liêng để thờ phượng. Thì bốn giá trị này tạo ra hình hài của con, che chở nuôi dưỡng con lớn lên giới thiệu con đi vào đời và là một nơi thiêng liêng để cho con tìm thấy những giá trị cao đẹp. Thì cả 4 điều đó đều là những giá trị mà một người con có thể tôn sùng Cha Mẹ, 4 điều này đều là những giá trị rất phổ cập trong những truyền thống tôn giáo, những truyền thống tín ngưỡng. Và ở đây cũng phải nói thêm một điều là chúng ta thường đặt rất nặng về tín ngưỡng, chúng tôi thấy có những gia đình người ta thờ Thần Tài hay thờ bà Mẹ Sanh, thờ Quan Công, họ thờ rất trang trọng rất cung kính nhưng đối với Cha Mẹ ở nhà thì mình gọi là phang ngang bửa củi đi ngang về tắt không biết Cha Mẹ là gì, điều đó rất là đáng tiếc. Tại vì sao vậy? Tại sao mình có thể thờ Thánh Thần, mình thờ Chư Thiên mà mình không có tôn kính được Cha Mẹ.  

Đức Phật Ngài có một cách giảng dạy rất đẹp. Ngài biết con người sống luôn luôn trong văn hóa sản sinh ra những tín ngưỡng, sản sinh ra niềm  tin, nhưng nếu niềm tin đó được đặt đúng chỗ thì rất đẹp. Như trong kinh Thi Ca La Việt Đức Phật buổi sáng Ngài đi vào thành Vương Xá Ngài thấy thanh niên Singàlaka đứng giữa ngã tư đường để lễ bái sáu phương, chúng ta thường thấy ở VN Cha Mẹ ngày xưa cũng hay lễ lạy sáu phương tức là lạy hướng này hướng kia, Đức Phật hỏi tại sao thì thanh niên Singàlaka trả lời rằng: 

"Bạch Đức Thế Tôn, Thân Phụ con trước khi qua đời dạy hàng ngày phải lễ bái như vậy" 

Đức Phật Ngài mở đầu bằng câu rất ý niệm rất đẹp Ngài nói rằng:

- "Sự lễ bái lục phương ở trong đạo lý của bậc Thánh có khác"

Thanh niên Singàlaka khẩn Đức Phật giảng giải thế nào là lễ bái lục phương ở trong đạo lý của bậc Thánh. 

Đức Phật Ngài dạy những phương hướng tiêu biểu cho những sự liên hệ với đời sống của mình, thí dụ phương Đông nói lên đạo Cha Mẹ và con cái, phương Nam nói về đạo Thầy trò, phương Tây nói về vợ con, phương Bắc nói về bạn bè, phương trên nói về Samon với cư sĩ Tăng tục, phương dưới nói về người chủ và người làm. Những phương tiện đó là những quan hệ trong đời sống chúng ta và những quan hệ đó cần được cẩn trọng cân nhắc kỹ lưỡng không nên xem thường. Thí dụ như mình lạy phương Đông rất chí thành nhưng ở nhà mình chửi Cha mắng Mẹ không có thờ kính Cha Mẹ hay mình lạy phương Tây rất chí thành nhưng trong đạo nghĩa vợ chồng thì mình không quan trọng không để ý. Thì Đức Phật Ngài dạy rằng thay vì lễ bái lục phương thì mình nghĩ rằng lễ bái lục phương đó tức là mình ở giữa và 6 phương đó là 6 sự quan hệ trong cuộc sống của mình thì những quan hệ đó rất quan trọng để chúng ta trân trọng để chúng ta dành cho tâm trí của mình. Thì ở tại đây nếp tín ngưỡng chúng ta thấy đa số tôn giáo nói đến một vị Thượng Đế nói đến một vị tạo hóa như bên Ky-Tô giáo họ thờ Chúa Trời, bên Lão giáo nói về Ngọc Hoàng Thượng Đế hay bên Hindu nói đến Phạm Thiên, Bà La Môn giáo hay Ấn giáo một đấng tạo hóa là giá trị đầu tiên thì Đức Phật dạy Cha Mẹ cũng nên thờ như là giá trị, Cha Mẹ như là đấng tạo hóa tại vì Cha Mẹ tạo ra hình hài của con.

Rồi chúng ta nói đến những bậc Chư Thiên, Thiên Thần, tức là những vị hộ trì ở trong đạo Giáo thì ngoài việc thờ đấng Tạo Hóa thì họ cũng thờ những vị Chư Thiên. Ở đây dùng chữ Chư Thiên thời cổ tại vì Chư Thiên bây giờ không có linh Chư Thiên ở trong truyền thuyết trong huyền thoại thì linh hơn người ta thờ. Chúng ta thấy ở trong các chùa người ta thờ ngài Giám Trai, ngài Hộ Pháp, ông Thiện, ông Ác, Thiên Long Bát Bộ chẳng hạn thì Cha Mẹ là những vị Thiên Thần, Cha Mẹ là Chư Thiên. Chúng ta cũng hay thờ các vị Tổ, các vị Tiên Sư các vị tổ nghiệp, hay trong các tông phái có các vị Tổ, thì Cha Mẹ cũng là vị Thầy đầu tiên, những vị đã mở ra truyền thống đã giới thiệu con đi vào cuộc đời.

 Ở trong các tín ngưỡng đều có giá trị của thờ phượng. thờ phượng làm cho con người biết qui ngưỡng, con người biết trang trọng, Cha Mẹ là bậc rất xứng đáng để thờ phượng, rất xứng đáng để tôn kính, rất xứng đáng để cúng dường.

Thì 4 giá trị này của Cha Mẹ  tạo nên một truyền thống rất đẹp về hiếu hạnh. Đầu tiên Đức Phật Ngài đặc biệt giảng về giá trị một gia đình có truyền thống hiếu hạnh có giá trị hiếu hạnh nhưng đoạn sau Đức Phật Ngài nhắc là Cha Mẹ có 4 đức tánh đối với con cái. Bài học ngày hôm nay là bài học rất gần với cuộc sống chúng ta và chúng ta nên nhớ một điều rằng mỗi chúng ta đang sống trong một giai đoạn mà lịch sử con người dù là Đông hay Tây, dù là Âu hay Á  đang bị giao động rất mạnh trước những thách thức của thời đại. 

Thời đại này là thời đại người ta tôn sùng tuổi trẻ nhiều, sự trẻ trung làm người ta cảm thấy hãnh diện và người ta hay xem thường đôi khi miệt thị tuổi già. 

Thời đại này là thời đại con cái nhiều khi nghĩ mình cập nhật mau hơn Cha Mẹ, mình khôn hơn Cha Mẹ, chứ mình không có thích câu nói "cá không ăn muối cá ươn con cãi Cha Mẹ trăm đường con hư"

Thời đại này là thời đại chủ nghĩa cá nhân thích thoát ly gia đình. Chúng tôi sống tại thành phố Houston có những gia đình Cha Mẹ tạo mãi một căn nhà rất lớn có nhiều phòng để cho con cái ở mỗi phòng có phòng tắm riêng v.v... nhưng con cái cũng tách rời ra bên ngoài mướn căn hộ hay mua nhà ở riêng là tại vì muốn được tự do. Đây là thời đại người ta sùng bái chủ nghĩa cá nhân.

Rồi đây là thời đại người ta không có coi nặng chuyện thờ Cha kính Mẹ. Ngày xưa mình nói mình hỗn với Cha Mẹ là tội, bất hiếu với Cha Mẹ là tội, nói nặng với Cha Mẹ là tội. Bây giờ thì đôi khi xem Cha Mẹ bằng mình, thậm chí người ta nói "ngày xưa Cha Mẹ đặt đâu con ngồi đó, bây giờ con cái đặt đâu Cha Mẹ ngồi đó". Và chúng tôi thấy có nhiều gia đình nói ra thì thật rất xót xa đó là con mình cưng cháu nhiều hơn thương Cha Mẹ, muốn bảo lãnh Cha Mẹ qua giữ con rồi con lỡ té trầy thì mình trách Cha trách Mẹ  xem Cha Mẹ như người ở. Hình ảnh đó làm chúng ta đau lòng. Cha Mẹ nuôi chúng ta hồi còn nhỏ bây giờ chúng ta xem Cha Mẹ giống như người ăn ở, và con mình lớn lên mình thương nó Cha Mẹ ngày xưa thương mình bây giờ mình có chuyện gì mình nặng nhẹ Cha Mẹ thì phải nói rằng chưa bao giờ một thời đại những giá trị truyền thống bị giao động bị nghiêng ngả như thời đại ngày hôm nay. Và chúng ta trọng dụng cái gì còn lại. Mình nói cuộc sống vô thường mình không thể đòi hỏi mọi thứ theo hoài, nó sẽ thay đổi, dần dà ngày nào đó xã hội VN cũng giống như xã hội Tây Phương. Ở Tây Phương có nhiều khi con cái đi làm Cha Mẹ vô bệnh viện cũng không nghỉ làm, cũng ưu tiên là công việc làm, rồi chết thì đem đi chôn vậy thôi chứ không có sớm thăm tối viếng. Rồi lâu ngày người ta thấy rằng sự có mặt của Cha Mẹ không quan trọng trong cuộc đời mình.

Chúng ta đọc lại những giòng kinh xưa đọc lại lời của Đức Phật dạy để chúng ta hiểu được đối với cái nhìn của bậc đại giác vị Phật thì hiếu hạnh có giá trị rất đẹp, có giá trị rất cao qúi, có cái gì đó làm chúng ta thăng hoa cuộc sống. Và chúng ta là người con Phật chúng ta nên nhớ hiếu đạo là một phần lời dạy của Đức Phật, hiếu đạo là con đường dẫn đến Thiên giới, hiếu đạo khiến cho Thiên Chủ Đế Thích có được ngôi vị Thiên Vương, Thiên Chủ. Hiếu đạo là một điều chư vị Bồ Tát các vị hành đạo đều thực hành. Và không có một gia đình nào hay một cá nhân nào bất hiếu có thể tiến bộ xa hơn ở trong đời sống tu tập. Điều đó cũng là một điều gợi nhắc rất lớn cho chúng ta trong cái nhìn của Phật Pháp đối với chữ hiếu đối với sự quan hệ thiêng liêng giữa cha mẹ và con cái./.   

No comments:

Post a Comment