Thursday, April 9, 2015

Một việc mang lại nhiều phước đức

Bài Pháp: Một việc mang lại nhiều phước đức - Kinh Như Thị Thuyết (XIX) (Ek II, 9) (It. 11)

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 18-5-2014, Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Khi đề cập đến Tăng chúng, chúng ta nhìn thấy Đức Thế Tôn từ buổi sơ khởi Ngài duy tri truyền thống của Chư Phật quá khứ cũng như vị lai xem việc thiết lập Tăng chúng là một việc rất quan trọng. 

Người Phật tử thời Đức Thế Tôn còn tại thế khi xác nhận bản thân của mình là một người theo Đức Phật thì luôn luôn đọc lên ba câu: 

Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi - Con nguyện qui y Phật.
 Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi - Con nguyện qui y Pháp. 
 Saṅghaṃ saraṇaṃ gacchāmi - Con nguyện qui y Tăng

 Ngày hôm nay qúi Phật tử đi qua nước Ấn Độ câu 3 Tam Qui đó trở thành 3 câu đặc trưng để khẳng định mình là người Phật tử. Người theo Ấn Giáo bình thường họ cũng biết được một đặc điểm của  Phật Giáo khác với tôn giáo khác vì người Phật tử không phải chỉ quy y Phật còn quy y lời dạy của Đức Phật và quy y cộng đồng Tăng chúng. 

Chư Tăng là phạm âm của chữ Saṅghaṃ có nghĩa là Tăng-già hay Tăng đoàn, Ở đây, điều đặc biệt nói đến số đông nói đến sự kết hợp. Về điểm này một người Phật tử trung bình có đi chùa hiểu điều đó rất ư là quan trọng.

Như chúng ta biết Tăng có hai. Về sau này người ta nói có Thánh Tăng và Hiền Tăng. Nhưng thật ra sự phân định giữa Thánh Tăng và Hiền Tăng là cái gì không rõ ràng.

Chư Tăng được phân ra làm hai:

- Một là  Savaka-saṃgha - bậc Thánh Tăng, những vị đã thành tựu quả vị Tu Đà Hườn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm hay A La Hán, những vị này trưởng thành từ giáo pháp từ sự khai thị của Đức Phật và bản thân đã thành tựu được niềm tin trọn vẹn không bao giờ thay đổi bởi vì các vị đã đoạn tận phiền não đoạn tận các kiết sử.   

- Thứ hai là  Bhikkhu saṃgha hay Tỳ Kheo Tăng, đôi khi chúng ta dịch là Hiền Tăng. Nhưng thật ra chữ Bhikhu sangkha không phải là Hiền Tăng.  Bhikkhu saṃgha có thể bao gồm Thánh Tăng và Hiền Tăng nhưng ở đây được chỉ cho những vị được thọ giới theo luật định Đức Phật đã ban hành và sống giữa cộng đồng Tăng chúng có đơn vị từ 4 vị trở lên gọi là Bhikkhu saṃgha gọi là Tỳ Kheo Tăng. Ở trong cách dịch của người Anh họ thường dịch là conventional Sangha tức là Tăng thể do qui ước. Qui ước ở đây tức là những vị thọ giới và sau khi thọ giới thì vị này trở thành một vị Tỳ Kheo và 4 vị Tỳ Kheo trở lên thì gọi là một đơn vị Tăng saṃgha. 

Đặc tính của Tăng Đức Phật dạy có nghĩa là thuộc về cộng đồng, phải có số đông tối thiểu 4 vị. Nhưng căn bản ở đây khi nói đến việc của Tăng tức là việc chung. Khi nói đến việc Tăng là phải lấy quyết định bởi đa số. Khi nói đến việc Tăng việc đó phải vượt ngoài khỏi phạm vi cá nhân. Lấy một thí dụ, đời sống hàng ngày có lớn có nhỏ, một vị lớn muốn như vậy mình nhỏ nghe lời nhưng khi đã đưa vào phiên họp của Tăng đoàn rồi thì ý kiến của số đông và ngay cả vị nhỏ  ý kiến cũng ngang bằng với vị lớn, nếu trong một tăng sự một vị trẻ tuổi không đồng thuận  Chư Tăng phải giải quyết chuyện đó cho đến khi mọi thứ được thông qua. 

Đức Phật dạy người Phật tử khi làm phước thì nghĩ đến số đông làm sao cho Phật Pháp được trường tồn chứ không phải mình làm phước mình nhắm vào cá nhân của vị này hay cá nhân của vị kia. Về điểm này làm thay đổi rất lớn cách người Phật tử liên hệ với người xuất gia. Có nhiều lúc người Phật tử rất có lòng nhưng vì không hiểu đạo tạo nên tạo ra những hệ lụy tại vì quá sùng bái một vị thầy mà quên đi số đông. 

Do vậy khi đề cập đến đề tài này,  ngày hôm nay đầu tiên chúng ta phải khẳng định khi Đức Phật giảng về Tăng, Ngài đề cập đến cái chung, đề cập đến đại chúng, đề cập đến cộng đồng, và những ý nghĩa đó có giá trị lớn về Phật Pháp. Dù một vị xuất gia hay người tại gia khi làm việc Phật sự nghĩ đến điều đó thuộc về số đông.

Bây giờ chúng ta nói sang lãnh vực khác. Nhân chứng Phật Giáo được điểm bằng những giai đoạn Tăng chúng hòa hợp hay chia rẽ. Thời Đức Thế Tôn còn tại thế có hai sự kiện và hai sự kiện đó được ghi đậm ở trong lịch sử.

1. Sự kiện đầu tiên, chư Tỳ Kheo Tăng tại chùa Ghositàràma  ở Kosambì (Kiều Thường Di) có sự chia rẽ. Sự chia rẽ này đơn thuần một bên đồ chúng của một vị chuyên về Luật, một bên đồ chúng chuyên về kinh về Pháp vì chuyện nhỏ trong lúc xử dụng nhà vệ sinh rồi tranh cãi với nhau. Đại để, một vị đệ tử bên trì Luật đi vào nhà vệ sinh thấy gáo nước không úp xuống, và hỏi ra mới biết do đệ tử của vị Pháp Sư bên trì kinh đã bất cẩn như vậy. Ở trong Luật có dạy rằng cái gáo phải úp xuống. Chỉ như vậy thôi, một gáo nước úp xuống hay để ngửa nhưng không khéo lan rộng, cá nhân chỉ trích cá nhân, nhóm này chỉ trích nhóm kia, phủ binh phủ, huyện binh huyện, và cuối cùng 2 nhóm Tỳ Kheo một nhóm đệ tử của vị Luật Sư, một nhóm là đệ tử của vị Pháp Sư chỉ trích lẫn nhau, việc đó dẫn đến Đức Phật Ngài muốn dạy cho một bài học Ngài phải đi vào trong rừng an cư 3 tháng. Lúc bấy giờ vì chuyện  phân hóa do sự ra đi của Đức Phật ra đi của bậc Đạo Sư vào trong rừng đã tạo sự xét lại của tất cả Chư Tăng ở trong chùa Ghositàràma, Phật tử, và kể cả những vị Chư Thiên ủng hộ các vị này. Và rồi họ đã nhờ tôn giả Ananda đi vào rừng để thỉnh Đức Thế Tôn trở về.

Sự kiện thứ hai: cũng là một điều được ghi lại, đó là trường hợp của Đề Bà Đạt Đa. Đề Bà Đạt Đa muốn lãnh đạo Tăng chúng muốn là người đứng trên Tăng chúng nên Đề Bà Đạt Đa đã đến xin Đức Phật phê chuẩn cho 5 điều luật tuyệt đối. Ví dụ như vị Tỳ Kheo suốt đời chỉ mặc y phấn tảo chứ không mặc y do đàn tín cũng dường, vị Tỳ Kheo suốt đời ở dưới cội cây chứ không thể ở trong am thất, vị Tỳ Kheo suốt đời đi khất thực chứ không thọ nhận ở nhà trai tăng chẳng hạn. Những điều Đề Bà Đạt Đa đưa ra là những điều Đức Phật Ngài dạy Chư Tỳ Kheo có thể làm như vậy hay không làm như vậy, Đức Phật dành sự lựa chọn đó cho cá nhân hơn là Ngài đưa ra luật tuyệt đối. Đề Bà Đạt Đa vin vào lý do đó nói rằng ý muốn làm tốt cho Chư Tăng, muốn đưa ra những điều kiện cao qúi cho Chư Tăng mà Đức Phật không chấp nhận nên đã rủ một số Chư Tỳ Kheo trẻ mới tu không hiểu đạo đi theo mình. Đức Phật đã dạy hai tôn giả là Ngài Xá Lợi Phất và Ngài Mục Kiền Liên đến ngọn núi nơi Đề Bà Đạt Đa đang có mặt cùng với các vị Tỳ Kheo bỏ đi. Ở tại đó 2 vị Thượng Thủ Thinh Văn đã dùng pháp thoại để khuyến dạy Chư Tỳ Kheo, cuối cùng mang 500 vị đó về. Nhưng Đề Bà Đạt Đa vẫn phạm tội chia rẽ Tăng. 

Chúng ta đọc lại trong giòng lịch sử của Đạo Phật thì trải qua rất nhiều giai đoạn trùng tụng kinh điển:

- Khởi điểm đầu tiên, Ngài Maha Ca Diếp. Trong thời gian Đức Thế Tôn Niết-bàn cho đến Đức Thế Tôn viên tịch, Ngài Ca Diếp tình cờ nghe được một vị Tỳ Kheo nói với những vị Tỳ Kheo khác: "Tại sao các pháp hữu lại khóc khi Đức Phật viên tịch, vị Đại Samon đã viên tịch rồi thì không có ai tiếp tục đặt ra luật điều này nên làm, điều kia không nên làm." Thay vì cảm nhận sự ra đi của Đức Phật là sự mất mát thì vị Tỳ Kheo bán thế xuất gia đó lại nghĩ Đức Phật ra đi rồi không còn những luật lệ gắt gao nữa. Ngài Maha Ca Diếp nghe như vậy đã dẫn đến quyết định làm sao để duy trì giáo pháp và Ngài đã quyết định mời thỉnh 500 Tỳ Thánh Tăng cùng vân tập về thành Vương Xá 3 tháng sau khi Đức Phật viên tịch để làm một việc đó là kết tập kinh điển trùng tụng lại những lời dạy của Đức Phật để khẳng định nền tảng của giáo pháp. Và kết quả là chúng ta có cuộc kết tập Tam Tạng lần thứ nhất. 

- Cuộc kết tập Tam Tạng lần thứ hai diễn ra tại thành Vesàli, lý do có một nhóm Tỳ Kheo gọi là nhóm Tỳ Kheo  xứ Vajji cũng có 10 điều có tánh cách phân hóa liên quan đến Luật tạng và Ngài Yassa một vị trưởng lão Thánh Tăng cũng đã triệu tập cuộc kết tập Tam Tạng và chủ toạ là Ngài Thánh Tăng Revata. 

- Vào thời vua A Dục, lúc bấy giờ Phật Giáo phát triển cực thịnh được sự ủng hộ rộng rãi của dân gian và triều đình. Chính vì vậy đã tạo nên tình trạng rất phức tạp bộ phái, phân hóa về tư tưởng, phân hóa về Tăng chúng. Vua A Dục đã ra rất nhiều biện pháp ở trong tư cách và quyền lực của mình. Ngày hôm nay về thăm Thánh Địa nơi Đức Thế Tôn chuyển Pháp Luân vườn Lộc Giả tại Isipatana, thành Benares gần Vàrànasi chúng ta thấy ở trong Thánh Địa nơi Đức Thế Tôn chuyển Pháp Luân có một trụ đá do vua A Dục xây dựng, trụ đá đó vẫn còn ghi rõ "đây là điều do vua A Dục ban hành, nếu những ai cố tình tạo sự chia rẽ trong Tăng chúng sẽ bị phạt nặng nề". Đầu của trụ đá đó có ý nghĩa "Chánh Pháp Vô Úy" ngày hôm nay trở thành quốc huy của Ấn Độ. Vua A Dục đã ủng hộ mạnh mẽ tuyệt đối cho công cuộc kết tập Tam Tạng lần thứ ba tại Pàtaliputta, người thủ tọa là Ngài Moggalliputta-Tissa tức là Ngài Mục Liên Đế Tu.  

Ở đây, chúng ta nói như vầy, nhìn vào những giai đoạn lịch sử của Đạo Phật thì hầu hết những khúc quanh đều do sự phân hóa của Tăng chúng và giai đoạn hưng thịnh của Tăng chúng sau đó đều là kết quả của một nỗ lực kết hợp. Đối với thời nào Phật giáo suy hay Phật giáo thịnh thì cứ xem thời nào càng có nhiều phân hóa càng có nhiều chia rẽ thì Phật giáo càng suy, thời nào càng có nhiều kết hợp thì Phật giáo càng mạnh. Chúng tôi làm việc trong giáo hội chúng tôi hiểu điều đó, khi càng manh nha nhiều vấn đề càng manh nha nhiều những phân hóa thì tạo nên tình trạng phân liệt mà Phật giáo chia rẽ thì sẽ đi vào chỗ yếu, Phật Giáo đi vào chỗ chia rẽ thì hầu như Chư Tăng không tu tập được một cách an ổn và  người Phật tử không tu tập được một cách tinh tiến trước những chia rẽ như vậy. Đối với giới tu hành chúng ta đặc biệt nói đến cái gì liên quan đến đời sống nội tâm, liên quan đến chánh kiến, và cũng liên quan đến cảm xúc, liên quan đến quyền lực, và điều đó rất dễ bị phân hóa, dễ bị chi phối. Phải nói một điều, cái vui, cái buồn, cái hay, cái dở, cái khen, cái chê nó thường chi phối và nó tạo ra rất nhiều phân hóa ở trong cộng đồng Tăng chúng. Người Phật tử cư sĩ và ngay cả những người xuất gia cần phải luôn luôn tự nhắc và luôn luôn cảnh giác về điều này chúng ta dễ bị chi phối, chúng ta dễ bị chia rẽ chúng ta dễ phân hóa.

Thời xưa khi chúng tôi sống ở Việt Nam, sự việc vợ chồng ly dị nhau là chuyện to lớn nhất ở trong làng xã, lúc đó tại miền quê chúng tôi sống có thể nói chuyện vợ chồng bỏ nhau là chuyện không tưởng tượng được, ít khi nào nghe chuyện ly dị, nhưng khi chúng tôi sang bên Mỹ thì càng lúc nghe càng nhiều và điều đó trở thành thực tế tất cả mọi người đều phải đối diện. Nhiều nhà xã hội học nói như vầy; thật ra khi hai người thương nhau họ phải tự cảnh giác về khả năng phải chia tay, khả năng ly dị rất cao, và họ không nên lý tưởng không nên tin vào hoàn toàn chuyện để yên như vậy thì nó sẽ tồn tại nó sẽ keo sơn gắn bó, không phải, mà nó rất dễ dàng bị chi phối, dễ dàng bị đe dọa và dễ dàng để dẫn đến chỗ ly dị. Ý thức đó làm cho người ta tỉnh táo hơn, ý thức đó làm cho người ta cố gắng hơn ở trong việc gìn giữ sự hòa hài và gia tăng nỗ lực để vun bồi tình cảm giữa vợ chồng. 

Thì thưa qúi vị đó là câu chuyện của xã hội ở bên ngoài. 

Câu chuyện ở trong chùa, có đi có sống và có làm việc chúng ta mới hiểu rất dễ dàng để tạo nên sự phân hóa giữa chùa này và chùa khác, giữa vị xuất gia này và vị xuất gia khác, giữa pháp môn này đến pháp môn khác, giữa tông phái này với tông phái khác. Chúng tôi lấy ví dụ, trong cộng đồng của chúng ta có nhiều vị Thầy nói: "cách tốt nhất là đừng làm gì hết thì không ai chỉ trích, mình làm thế nào cũng là tấm bia để tạo ra búa rìu cho người ta nhắm vào". Không có một vị cao tăng nào làm việc Phật sự ở trong cộng đồng Việt Nam không bị chỉ trích và chỉ trích nặng nề. Tại vì sao vậy? Tại vì lý do đơn giản là người ta thích chỉ trích, và sự thành công lớn mạnh của mình một hội chúng, một pháp môn tông phái, đôi khi được xem là sự đe dọa về sự tồn tại của những vị khác. Cách nay khoảng chừng 20 năm chúng tôi nhớ lúc đó một số các Tăng sĩ của các viện Phật GiáoTây Tạng ở Ấn Độ sang Hoa Kỳ để sinh hoạt hoằng pháp và gây qũi để nuôi những tu viện đó. Thật ra thì chúng tôi cũng rất thương những nhà Sư Tây Tạng bởi vì họ đồng cảnh ngộ như chúng ta, họ đến từ một quê hương nhiều khổ đau, không phải chiến tranh như Việt Nam nhưng quê hương đó bị xâm lăng bởi Trung cộng đó là đất nước Tây Tạng. Nhưng sau khi các vị Tây Tạng làm việc một thời gian tại Hoa Kỳ và Âu Châu, Úc thì đã tạo nên một sự chống đối mãnh liệt của nhiều Tăng ni và Phật tử Việt Nam, lý do đơn giản thôi, nói theo tiếng Mỹ là collision interests hay là sự va chạm quyền lợi. Một số Phật tử Việt Nam theo Tây Tạng thì họ có một thái độ rất lạ khi họ theo các nhà Sư Tây Tạng thì họ chỉ ủng hộ những nhà Sư Tây Tạng và họ chỉ trích Phật giáo Việt Nam, chỉ trích Chư Tăng Việt Nam trong lúc phái đoàn Tây Tạng rất nhờ những ngôi chùa Việt Nam để hoạt động. Những người Việt Nam ủng hộ Tây Tạng họ có thái độ là khi họ cần thì họ gọi còn khi nào không cần thì họ không đến chùa. Chúng tôi đã nghe rất nhiều rất nhiều qúi Thầy qúi sư cô ở các ngôi chùa họ than phiền về các phái đoàn Phật giáo Tây Tạng. Nhưng bình thường, chúng tôi biết rằng các phái đoàn Tây Tạng không đến đỗi nhưng phần lớn do những người Phật tử Việt Nam ủng hộ những phái đoàn đó không khéo làm việc. Thí dụ, chúng tôi sống ở trong chùa chúng tôi biết một nhà sư gọi là tốt trong việc hoằng pháp thì vị đó sẽ không tạo cho những người Phật tử chỉ biết có mình mà không biết người khác, tại vì sao vậy, tại vì nếu một người tu sĩ giảng đạo chỉ muốn tín đồ biết cá nhân mình thôi, nếu mai vị đó mất hoặc họ hoàn tục thì những người Phật tử họ bỏ đạo.

 Một chuyện đầu tiên để tạo nên sự hoà hợp của Tăng chúng phải là cái nhìn có chiều dài rất thoáng, đừng nghĩ Phật tử của mình, đạo là đạo của mình, mình chỉ biết chừng đó thôi. Muốn duy trì Phật Pháp muốn Phật giáo phát triển thì mình phải có cái nhìn chung cái nhìn lâu dài chứ không thể nào chỉ biết có một vị Thầy, chỉ biết có một người. Do vậy nếu một vị tu sĩ nào có thành công đến đâu đi nữa nhưng tạo thành một người Phật tử chỉ biết Thầy của mình, chỉ biết chùa của mình, chỉ biết nhóm của mình, và luôn luôn chống đối chỉ trích những nhóm khác thì thường những vị đó không nghĩ đến đại cuộc, không nghĩ đến cái chung, cái đó là sai. Do vậy khi chúng ta là một người Phật tử hiểu đạo chúng ta cố gắng để đào tạo ra tầng lớp người có thể nhìn sự tồn tại Phật pháp không phải sự tồn tại của một ngôi chùa, của một nhóm, hay của một ông Thầy. 

Điều thứ hai, liên quan đến sự hòa hợp Tăng chúng. Kinh nghiệm ở trong giòng lịch sử của Đạo Phật chúng ta có các cuộc kết tập Tam Tạng. Tại vì Phật Pháp có tồn tại, tồn tại một cách mạnh mẽ, tồn tại một cách hiển nhiên, tồn tại một cách rõ nét thì 4 chúng đệ tử Phật mới từ đó được lợi lạc mới từ đó được đoàn kết. Nói một cách khác sự hưng thịnh của Phật Pháp tức là tức là sự hưng thịnh của Phật Giáo, không bao giờ có trường hợp Phật Giáo hưng thịnh mà không có cái chất của Phật Pháp, có thể người ta thấy chùa xây rất lớn rất đẹp nhưng cái lớn cái đẹp của ngôi chùa không nhất thiết là sự hưng thịnh của Phật giáo. Sự hưng thịnh của Phật giáo khi nào Giáo Pháp được hưng thịnh, khi nào mà Phật Pháp được người Phật tử ưa chuộng gặp nhau nhắc nhau mình nên học Phật Pháp, mình nên tu pháp này nên tu pháp kia. Như vậy một người Phật tử hiểu đạo khẳng định một điều rằng sự hưng thịnh của giáo pháp, sự tồn tại hoà thuận của Tăng già, sự hoà hợp hòa thuận của 4 chúng nằm ở chỗ hưng thịnh của giáo pháp và ngọn đèn của giáo pháp phải thắp sáng. Ở bất cứ trường hợp nào khi chúng ta nghĩ đến chuyện duy trì phát triển Phật giáo thì điều đầu tiên chúng ta nghĩ là làm sao để phổ biến Phật pháp. Chúng ta có bệnh là chúng ta nghĩ làm những chuyện rất lớn như đi hoằng dương chánh pháp, đào tạo tăng tài v.v... nhưng chúng ta không chịu làm cái nhỏ, chúng ta không chịu làm chuyện rất kiên nhẫn. Bây giờ chúng tôi nói như vầy là phần lớn những ngôi chùa vào ngày Chủ Nhật thường chú trọng cúng kiếng tại vì cúng kiếng có tiền, nhưng người ta không chịu trọng đến chuyện hướng dẫn Phật Pháp. Chúng tôi không chịu các vị Sư làm việc này làm việc kia được nhưng đụng tới chuyện thuyết pháp là các vị rất mặc cảm không muốn thuyết pháp, mặc dù mình đi tu. Và nếu Phật Pháp suy tàn thì chúng ta cũng suy tàn nhưng lại không muốn làm chuyện đó và nếu có làm thì rất miễn cưỡng. Một điều tệ hại hơn nữa những đại lễ người ta quảng cáo phần lớn chương trình văn nghệ ca sĩ này hát ca sĩ kia hát để thu hút quần chúng nhưng không để ý những pháp hội phải thuyết pháp. Tại vì sao vậy? Tại vì vấn đề của chúng ta là chúng ta không đặt nặng việc đó, chúng ta phải đặt nặng việc đó, đặt nặng chuyện phát huy Phật Pháp và chúng ta phải chấp nhận một điều là cho dù ít người nhưng số ít đó có nghĩ có nhớ có qúi trọng Phật Pháp vẫn tốt hơn một số đông người không có mục đích gì hết. Điều đó là điều tất cả mọi chúng ta cần khẳng định Phật Pháp chính là chất liệu mang chúng ta lại với nhau chứ không phải là danh, không phải là lợi, không phải là thế lực, không phải thế này hay thế khác, mà chính là Phật Pháp.

- Điểm đầu tiên chúng tôi có nói đến là để có sự hoà hợp Tăng chúng ta phải có cái nhìn chung bớt đi cái nhìn cá nhân. 
- Điểm thứ hai chúng tôi muốn nói là chúng ta phải làm sao Phật Pháp được sáng, được mạnh, được rõ trong lòng của chúng ta thì cộng đồng Phật giáo đoàn kết với nhau nhiều.

- Bây giờ chúng ta nói đến yếu tố thứ 3. Yếu tố này đối với chúng tôi cũng là điều quan trọng không kém. Chúng ta phải cùng nhau nhấn mạnh đến sự hoà hợp và giảm thiểu tối đa những sự chia rẽ. Ngày hôm nay người ta dễ chia rẽ nhau bằng cách đem chuyện người này nói với người kia, đem chuyện người kia nói với người này, khi mình nói thì có bao nhiêu chuyện để nói. Thỉnh thoảng chúng tôi đến Đài Loan là một quốc gia rất giàu và đông Tăng ni Phật tử, nhưng Đài Loan có một chuyện rất yếu đó là Phật tử chia rẽ phân hóa. Họ theo Pháp Sư này thì họ chỉ trích Pháp Sư kia, theo vị cao Tăng này chỉ trích vị cao Tăng kia. Và ở tại Miến Điện, nhiều năm về trước chúng tôi sang để hành thiền, không khí hành thiền bên đó chúng tôi rất thích. Lúc đó chỉ có vọn vẹn một số Thiền Sư như Ngài Mahasi Sayadaw, Thiền Sư Ledi Sayadaw hay Taungpulu Savadaw, các Ngài dạy thiền ai tu thì tu. Nhưng những năm về sau này có phong trào những người Phật tử Việt Nam từ Việt Nam đi qua Miến Điện, từ Hoa Kỳ hay từ Âu Châu đi qua Miến Điện thì Phật tử Việt Nam đi đến đâu họ cũng có một cái tính đó là khen vị này chê vị kia. Chúng tôi không biết có bao giờ các vị nghĩ chúng ta chưa chắc có đủ trình độ để chỉ trích ai, mình mới vào tu có một khóa thiền thôi mình chê Ngài Mahasi thế này thế khác, chê vị này hay chê vị kia dở. Điều đó không có lợi gì cho chúng ta. Tại sao chúng ta nghĩ rằng ở trong sự tu tập chỉ có một điều và chỉ có cái này đúng còn mấy cái kia là sai, thì sự phủ nhận và sự tôn trọng một cách biên kiến nó tạo ra sự chia rẽ. 

Qúi Phật tử đi chùa cũng vậy chư tăng mỗi người có một hạnh, chư tăng mỗi vị có sự đóng góp riêng, chúng ta không thể nào có thói quen ở đời đi theo vị này chỉ trích vị kia, theo vị kia chỉ trích vị nọ rốt cuộc thì nó làm cho lộn xộn thế giới này.

Một người có tinh thần xây dựng thật sự muốn góp phần vào sự hoà hài, hợp quần thì người đó phải bớt chỉ trích bớt nói lời chia rẽ và phải nói điều gì có lợi lạc cho số đông. Chúng tôi biết có rất nhiều người tự nghĩ sự chỉ trích của mình là chuyện bài tà hiển chánh tức là làm tiêu diệt kẻ ác và xưng tán người thiện. Đa số những người đó chỉ làm một công việc gây ra xáo trộn. Tại vì sao vậy? tại chúng ta làm một lúc rồi nó chỉ đi từ xáo trộn cho đến xáo trộn thôi, chúng ta phải qúi trọng sự đoàn kết, qúi trọng sự hợp quần.

 Ở Houston có hai ngôi chùa là chùa Pháp Luân và chùa Liên Hoa, hai ngôi chùa cùng theo hệ phái Nam Tông thuộc GHVNTN, chúng tôi làm trụ trì chùa Pháp Luân và HT Huyền Việt làm trụ trì chùa Liên Hoa. Chúng tôi phải nói, có vô số lý do những người Phật tử thường nói ,và chúng tôi phải nói rằng nếu không khéo 2 ngôi chùa dễ mích lòng nhau. Ví dụ như cá nhân một Phật tử nào đó của chùa này chỉ trích chùa kia thì người ta không nói như vậy mà người ta nói chùa bên đó nói chùa bên này như thế này, chùa bên này nói chùa bên đó thế kia. Điều chúng tôi làm là chúng tôi không đặt nặng về những chuyện đó, chúng tôi quan niệm khi giữa Chư Tăng với nhau có sự đoàn kết, giữa 2 ngôi chùa  có sự chia sẻ những sinh hoạt, những người Phật tử quen đi lại làm việc thì như vậy là tốt và chúng ta phải thấy sự đoàn kết sự hợp tác quan trọng hơn sự chia rẽ. 

 Chia rẽ được cái gì, chia rẽ chỉ dẫn chúng ta đến từ chỗ đổ vỡ và chúng tôi không thấy ở đó có cái gì đẹp có cái gì hay hết. Điều chúng ta cần làm trong cuộc sống không phải chúng ta chỉ nghĩ đến cái chung chúng ta còn thấy một điểm chính những nỗ lực chia rẽ chỉ trích tạo thành một oan kết  tạo thành cái gì đó làm chúng ta không thể ngồi xuống để niệm "nguyện cho tất cả chúng sanh được an lạc".

  Chúng tôi làm việc Phật sự không phải chúng tôi ba phải và không phải ai chúng tôi cũng giao thiệp, nhưng có một điều chắc chắn chúng tôi muốn làm là buổi sáng hay buổi tối khi ngồi xuống niệm "nguyện tất cả chúng sanh được an lạc" chúng tôi không muốn trong tâm niệm đó có cái gì lợn cợn lấn cấn.
  
   Một khi mình ghét người này mình thù người kia vì lý do này hay lý do khác thật sự tâm chúng ta không an lạc. Bởi vậy câu niệm "nguyện cho tất cả chúng sanh được an lạc" nghe rất đơn giản nhưng không dễ tiêu hóa là bởi vì sao vậy, bởi vì chúng ta luôn luôn có những lấn cấn với cuộc đời, chúng ta ghét người tôn giáo khác, chúng ta ghét người của quốc gia khác, chúng ta ghét những cá nhân này, những cá nhân khác. Vấn đề thương ghét chứa đựng trong lòng đôi khi nó không phải vấn đề nhưng nó sẽ là vấn đề lớn nếu chúng ta để cho nó làm ngăn ngại khiến chúng ta ngồi xuống và chúng ta không thể nói một cách rất thành thực trọn vẹn câu "nguyện cho tất cả chúng sanh được an lạc". 
   
   Một người tin vào pháp, một người tôn thờ lời dạy của Đức Phật thật sự là một người tin vào tinh thần hoà hài, tin vào từ tâm, tin vào sự cởi bỏ oan trái. Và đó là một thách thức lớn cho tất cả của sự tu tập. Không có thời nào  người ta khó tu tập như thời này. Ở bên ngoài có thể xây chùa có thể làm này làm kia nhưng ở trong lòng mình để khỏi những lấn cấn đó thì khó lắm chúng ta luôn luôn phải đối diện với điều đó.

Chúng tôi đã nói 3 điều liên quan đến sự hoà hợp của Tăng đó là: 

1. Chúng ta phải đặt nặng cái chung.
2.  Chúng ta lấy giáo pháp làm sự gắng bó của chúng ta. 
3. Sự trân trọng của chúng ta đối với tinh thần hoà hài, hợp tác, không phân hóa.

Bây giờ sang điều thứ 4. 

Chúng tôi muốn nói một yếu tính để một con người có thể tạo nên sự hoà hợp Chư Tăng và đó cũng là điều Đức Phật đề cập trong bài kinh này - đó là phước rất lớn của một người tạo nên sự hoà hợp, phước này lớn lắm. Trong 5 ngũ nghịch đại tội có tội phá hoà hợp Tăng. Phá hoà hợp Tăng là một nghiệp bất thiện rất to lớn, một ác nghiệp rất to lớn. Nhưng một người đem lại sự hoà hợp Chư Tăng thì tạo ra phước báu rất lớn. 

Tại vì sao? Chúng tôi biết ở trong chùa một khi nào Chư Tăng hoà hợp thì có bao nhiêu sự tốt đẹp đi theo và sự tốt đẹp đó đến từ nỗ lực kết hợp đó. Chúng ta luôn tích cực làm cho con người được sự hoà hợp. Ngài HT Hộ Giác là một hình ảnh rất đặc biệt về điểm này. Khi Ngài nghe một người chỉ trích một người khác, Ngài thường lắng nghe trong sự yên lặng và thông thường sau đó Ngài cố gắng để tìm một mẫu số chung để hoà giải. Dĩ nhiên không phải lần nào cũng thành công nhưng Ngài thường gởi đi một tín hiệu rất quan trọng là Ngài không thích nghe chuyện chia rẽ mà Ngài mong cho mọi người xoá đi được những tị hiềm cá nhân, tín hiệu đó rất là quan trọng.

Bây giờ chúng ta hãy nói đến một khía cạnh khác. Sau khi chúng ta chiêm nghiệm về phước báu của sự hoà hợp thì chúng ta cần nhắc nhở lẫn nhau đó là tâm của chúng ta dễ bị giao động và nếu chúng ta muốn mang lại một sự ổn định cho cuộc đời thì sự ổn định ở trong lòng phải rất là tốt. Chúng tôi không thấy ai dễ bị chia rẽ mà người đó mang lại sự đoàn kết cho người khác. Một người muốn xoá đi những phân hóa tâm người đó phải rất vững, nghe điều ác mà không su hướng theo điều ác, nghe sự tâng bốc xu nịnh mà không xu hướng theo sự tâng bốc xu nịnh, nghe người khác nói khích mà tâm vẫn điềm tỉnh thì điều đó không dễ, tại vì tâm của chúng ta dễ bị tác động. Chúng ta dễ bị tác động và nếu chúng ta muốn mang lại sự đoàn kết Chư Tăng, mang lại sự hoà hợp Chư Tăng thì tâm của người Phật tử phải rất là ổn định. Ít người có được như vậy, kiếm một người tâm ổn định rất hiếm, một người khả dĩ có thể mang lại sự hoà hợp Chư Tăng thì người đó đòi hỏi có tâm hồn rất ổn định, rất vững trãi, rất điềm đạm. Nếu ai nói gì với chúng ta chúng ta nhảy dựng lên thì chúng ta không đoàn kết được.

 Như vậy, chúng ta hãy làm một trắc nghiệm khi nào mình nghe ai nói với mình là có người xấu hoặc chỉ trích mình làm cho mình phiền lòng, chúng ta tự hỏi trong lòng là tâm của chúng ta có bị chi phối không? Thí dụ mình đang ngồi đó mình nghe nói là anh A bà B nói xấu mình, thì khi nghe như vậy mình tự hỏi trong lòng rằng chuyện mình vừa nghe có làm cho tâm mình trao đảo hay không? mình có từng xét lại lời này có khả tín hay không? Và mình có bỏ thời gian để tìm hiểu chuyện đó hay không? Chúng ta vừa nghe nói đã nhảy dựng lên và sau đó nếu mình khám phá ra lời trách cứ của mình là không đúng rồi mình mới xin lỗi sau, và đa phần lúc đó đã muộn rồi. 

  Nên chi một điều một người muốn tạo sự hoà hợp Chư Tăng đặc biệt tâm người đó phải rất hiền thiện, rất vững, và rất sáng suốt. 

  Cuộc sống không phải dễ "vi nhân nan thậm nan thậm nan" làm người rất khó./.

No comments:

Post a Comment