Monday, April 20, 2015

Kinh Mi Tiên Vấn Đáp - Ví dụ về đặc tính của hạt giống

Kinh Mi Tiên Vấn Đáp - Ví dụ về đặc tính của hạt giống

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 12-01-2014, Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Bài học hôm nay cho chúng ta trở  về với hiện tượng thiên nhiên của thực vật đó là hạt giống. Hạt giống có hai đặc tính:

1. Thứ nhất, từ một đơn vị nhỏ được gieo xuống nó tạo ra nhiều kết quả.
2. Thứ hai, đa số các hạt giống khi gieo xuống cần đất được dọn sạch để  không bị chen lấn hay bị lấn áp bởi những cây hoang cỏ dại.

Hai đặc tính này thật sự là hai điều tất cả hành giả tu tập đều nên biết.

1- Nói về đặc tánh thứ 1. Từ một chủng tử nhỏ tạo ra kết quả lớn. 

Với người buôn bán một lời một là đã khá. Nhưng với người nông nếu gieo 1 giạ lúa giống được kết quả 2 giạ lúa thì chắc chắn không ai gieo. Tại vì đối với nông gia không thể giống như thương gia một lời một được. Chúng ta thấy 1 hạt lúa gieo xuống tạo thành 1 bông lúa và bông lúa đó cho nhiều hạt. Đôi khi nhìn thấy những cây cao bóng cả lớn chúng ta có thể nghĩ nó từ một chủng tử rất nhỏ. Có vị nào nhìn thấy cây xoài lớn như một đại thụ đôi khi đầy trái nhưng sự bắt đầu đó từ một hột xoài khiêm tốn về kích thước, khiêm tốn về số lượng, chỉ một mà sanh ra muôn ngàn. Thật ra ở trong thiên nhiên có rất nhiều loại chủng tử hay hạt giống từ 1 sanh ra muôn ngàn.

Trong sự tu tập cũng tương tự như vậy. Nhiều khi chúng ta không nhận thức về điều này, do đó chúng ta cảm thấy mòn mỏi và không phấn khởi vì mình tu hoài không tới đâu, làm nhiều không được kết quả gì. Thật tình, có khi chúng ta không nhận ra điều đó, nhưng nếu chúng ta có cái nhìn chân sát về sự hành đạo chúng ta sẽ thấy ảnh hưởng rất lớn trong đời sống của mình.

Chúng tôi khi còn nhỏ sống với thân mẫu, Mẹ chúng tôi nhiều khi sai làm việc gì đó và chúng tôi làm rất cẩu thả làm cho có thì Mẹ chúng tôi hay nói rằng "làm giống như trả nợ qủi thần". Chúng ta đôi khi làm việc gì một cách miễn cưỡng, làm cho có làm bởi vì chúng ta không có sự hưng phấn, chúng ta không thấy được việc mình làm có kết quả nhiều. Chúng tôi biết có rất nhiều Phật tử đi chùa tu tập và cuộc sống tinh thần của những người này được phát triển về nhiều phương diện, nó bắt đầu từ hạt giống chúng ta gọi hạt giống Bồ Đề. Một lần nào đó trong cuộc đời được nghe một bài pháp và cảm nhận một cách sâu sắc một cách thấm thía từ bài pháp đó và khiến cho người đó trở nên thay đổi và họ lựa chọn đời sống tinh thần. Chúng ta có thể hiểu một sự chuyển hướng, một giai đoạn như vậy khởi nguồn từ một hạt giống hay chủng tử lành hay hạt giống Bồ Đề. 

Ở đây, bài kinh đặc biệt nói về giới. Một người nào đó phát nguyện thọ trì ngũ giới, Bát Quan Trai giới, Sadi giới, Tỳ kheo giới. Ở trong sự phát nguyện làm cho người đó có sự hoan hỉ, làm cho người đó có được lòng tự tin và từ đó người đó đi tới.

 Đức Phật Ngài dạy trong kinh một câu đối với nhiều người xuất gia cũng như tại gia đọc cho có đọc hay nghĩ đó là một câu ca ngợi. Đức Phật dạy rằng khi một đàn ngựa đem đến trước nhà vua thì con ngựa được huấn luyện một cách thuần thục sẽ là con ngựa được nhà vua lựa chọn gọi là con tuấn mã. Trong đời sống tu tập vị Samôn thuần hóa cuộc sống của mình thì chính là nơi quy ngưỡng của nhân thiên. Nói một cách khác, từ khả năng tự chủ tự chế khép mình vào một số sự thực hành về các loại giới Đức Phật ban hành, một vị Tăng sĩ một vị hành giả có thể tự tạo cho mình một niềm tin  một cơ sở và cơ sở này làm sức bật làm điểm tựa cho vị này đi tới. Trong các trường thiền nhiều vị hành giả được khuyến khích bắt đầu với sự tu tập thường  Bát Quan Trai giới và đôi khi ngũ giới, và có một số trường thiền khuyên hành giả nên tuân  thủ về giới học tăng thượng tức là Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, và Chánh Mạng. Ví dụ vào trong trường thiền một hành giả có thể xin giới không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối, không uống rượu thì nếu tinh tấn hơn nữa đặc biệt ngày nay qúi vị sang một số trường thiền của Ngài Ajahn Chah như tu viện Abhayagiri ở bên Anh quốc chẳng hạn, thì 8 giới gọi là Bát Quan Trai trở thành thanh qui của tu viện và thanh qui của hành giả. Không sát hại sinh vật, không lấy của không cho, không quan hệ nam nữ, không nói sai sự thật, không uống rượu và dùng các chất say, không ăn phi thời, không ca vũ nhạc kịch hay thưởng thức ca vũ nhạc kịch, không xử dụng hương liệu những đồ trang sức và không nằm ngồi chỗ cao sang, những điều đó người ta có thể thực hành do hoàn cảnh, ví dụ mình vào trong trường thiền thì không có điều kiện để làm những thứ đó nhưng nếu một người phát nguyện hành trì trong sạch 8 giới như vậy thì  tạo cho vị này niềm hoan hỉ, tạo cho vị này một chút tự tin mình có thể làm được, mình có thể thay đổi một chút gì về cuộc sống của mình và từ chỗ đó khích lệ hành giả đi tới.

 Ở trong đời của chúng tôi có một kỷ niệm, hồi nhỏ chúng tôi bị nói đớt, nói đớt nghĩa là một chữ nói không được, khổ là chúng tôi không nói được chữ "đ" mà tên của chúng tôi khi sanh ra ông thân đặt là "Phạm Thành Đẳng" và chữ "Đẳng" bắt đầu là chữ "đ", mỗi lần ai hỏi "con tên gì?" thì chúng tôi trả lời là "dạ con tên Ăng" chứ không nói tên "Đẳng" được, chúng tôi nói đớt như vậy suốt cả từ nhỏ cho đến khi lên trung học. Và khi chúng tôi mới vào trong chùa  gặp Sư Trưởng, Sư Trưởng có một quyết tâm làm thế nào chúng tôi có thể nói được chữ "đ". Chúng tôi nhớ Sư Trưởng tập cho chúng tôi nhiều cách kể cả câu chúng tôi không bao giờ quên được trong đời là "đắm đuối đầu đường đi đớ đẩn", mình nói một chữ đã đớt rồi bây giờ nói nhiều chữ sao nói được nhưng cũng ráng nói cũng cố nói. Chúng tôi nhớ vào chùa được khoảng 3 tuần lễ thì chúng tôi nói được chữ "đ", chúng tôi chạy lên nói với Sư Trưởng là con đã nói được rồi. Từ đó chúng tôi có tự tin nhiều hơn. Ngày xưa mỗi lần nói chuyện chúng tôi rất ngại tại vì mình nói đớt mình nói người ta cười nhưng khi đã nói được chữ đó mình có lòng tự tin một chút thì bắt đầu đi tới.

Ngày hôm nay người ta dùng chữ "sức bật", là có cái gì đẩy mình đi tới. Đó là một sự khởi sự, đó là sự bắt đầu. Và đối với sự khỏi sự bắt đầu này trở nên rất khiêm tốn nhưng nó đủ sức bật cho mình đi tới. Có một hiện tượng thường xảy ra ở nhiều người Phật tử đó là chúng ta quen sống với một thứ triết lý rất cao rộng, có nhiều người chưa thực hành gì đã nói đến Tánh Không  đã nói đến Trí Tuệ Bát Nhã, đã nói đến Phá Chấp. Khi chúng ta nói những gì quá cao quá xa quá rộng rồi sau cuộc mạn đàm đó chúng ta lại trở về với cái gì rất tầm thường trong đời sống, mình cảm thấy không phải mình bàn chuyện đạo mà mình đang coi một phim rất hay ở trong rạp người ta chiếu cho mình xem một câu chuyện, một thế giới, mà thế giới đó rất huyền ảo, thế giới rất đẹp, nhưng sau khi vãng tuồng rồi hết phim rồi mình bước ra bên ngoài trở về với thực tại, con đường đó, bước chân đó, cuộc sống đó nó tầm thường  nó không diễm lệ nó không đẹp như trong cuốn phim, đôi khi ta cảm thấy hụt hẫn. Nhưng phải nói một khi mình triết lý nhiều quá mà mình không có sự bắt đầu thì chúng ta thiếu cơ sở thiếu căn bản. 

Khi TT Tuệ Siêu và chúng tôi mới vào chùa nhận thấy sống trong chùa cũng thọ Bát Quan Trai nhưng những ngày Bát Quan Trai giới thì vui lắm, ngày hôm nay phải nói rằng không khí đó không còn nữa, ngày xưa mỗi lần thọ Bát Quan Trai hay một đêm thọ đầu đà mình rất mong mỏi rất trông để tới ngày đó và có lẽ về sau này khi hồi tưởng lại những năm tháng đó chúng tôi nhận ra chính những năm tháng đó đã là một sức bật đưa chúng tôi đi ở trong cuộc đời tu tập có bao nhiêu niềm tin bao nhiêu sự hoan hỉ và bao nhiêu sự mời gọi lên đường. Sự khởi sự luôn luôn quan trọng. Và khi sự khởi sự gọi là một hạt giống gieo xuống thì hạt giống đó tuy nhỏ bé tuy khiêm tốn nhưng phải có khả năng đâm chồi nảy lộc, phải có khả năng tiếp nối, phải có khả năng lớn mạnh. Đây là một ở trong những bí ẩn lớn nhất của sự tu tập. Có những người sống trong chùa rất lâu đi chùa rất nhiều nhưng họ không có khả năng lớn mạnh ở trong giáo pháp, ngược lại có những người chỉ mới tiếp xúc với giáo pháp đã có thể vươn dậy, vươn dậy rất nhanh, niềm tin của họ, giới của họ, sự tu tập của họ, sự hoan hỉ ở trong chánh pháp của họ lớn mạnh nhanh chóng, bởi vì sao vậy? họ gieo được hạt giống tốt. 

Tất cả những người làm nông đều biết hạt giống quan trọng. Ví dụ trồng bắp mình phải lựa hạt giống tốt, mình trồng khoai mì phải lựa những khúc thân khoai mì khỏe chứ không phải khúc non, khi mình trồng mía thì mình cũng phải lựa những hom mía nào tốt nhất để trồng xuống. Chúng tôi nhớ hồi nhỏ sống ở quên ngoại thấy ông ngoại muốn làm giống ớt hay giống cây gì thì ông ngoại lựa trái tốt nhất giữ lại, chúng tôi thắc mắc tại sao không lấy những trái đèo những trái hư như vậy khỏi phí sao lại lấy trái tốt nhất, ông ngoại giải thích trái tốt nhất cho hạt tốt nhất và hạt tốt thì mọc lên cây tốt. Bây giờ người ta nhận thấy trong thiên nhiên những gì thuộc về hạt giống không phải nó có khả năng để làm thay đổi chất đạm mà nó còn có những dưỡng chất những dưỡng tố mà dưỡng tố đó rất tốt cho sức khỏe chứ nó không phải mình nói hạt đó còn quá nhỏ nó không đáng kể gì. Ngày hôm nay người ta có dùng cây mạ, thí dụ cây mạ của lúa mì họ xay ra lấy nước uống, những mầm bắt đầu cuộc sống bởi vì nó là điểm bắt đầu nên nó hàm chứa rất nhiều những dưỡng tố quan trọng. Đó là chúng ta nói về phương diện sinh học.

Tương tựa. Một hành giả tu tập luôn luôn ý thức mình phải biết chọn hạt giống tốt nhất và bắt đầu từ đó. Phật giáo Bắc Truyền có một tác phẩm ảnh hưởng rất lớn là "Phát bồ đề tâm" đã trở thành một giáo thuyết rất quan trọng trong Phật giáo Tây Tạng. Nhưng nếu chúng ta nói chuyện với các vị Kim Cang Đại Sư của Tây Tạng chúng ta thấy thật ra lý thuyết phát Bồ Đề tâm đơn giản đó là làm thế nào một chủng tử thiện, một chủng tử lành có thể được gieo trồng làm cho hưng phấn tạo nên một sự bắt đầu rất vững trãi mạnh mẽ để có thể lớn dần để có thể đi tới trong hành trình tu tập của mình. Nhiều người không xem nặng việc này. Bởi vì vạn sự khởi đầu nan, mới bắt đầu luôn luôn khó khăn nhưng cũng không hẳn như vậy, nếu chúng ta suy nghĩ kỹ lại, nếu chúng ta có khả năng nhìn lại trong cuộc sống những gì mình làm thì đa phần điểm bắt đầu. Người Trung Hoa họ thường nói câu điểm xuất phát. Điểm bắt đầu đó là điểm rất quan trọng, điểm bắt đầu đó chủng tử được gieo xuống nó thay đổi cả kiếp người, nó thay đổi cuộc sống. Nên một hành giả phải thấy được khi mình tu tập không có nghĩa là mình ngồi đó dệt mộng mơ về một cái gì xa xăm một phương trời viễn mộng. Sự tu tập là hãy gieo vào trong lòng mình một chủng tử thiện một hạt giống lành và hạt giống đó đủ khả năng để lớn mạnh cho dù hạt giống đó là một sự khởi đầu rất khiêm tốn nhưng nó lại là cái đích điểm ban đầu và cũng ảnh hưởng cho đến đích điểm sau cùng chúng ta hướng đến. Nên đặc tính thứ nhất của hạt giống là cái gì nhỏ bé khiêm tốn nhưng hết sức quan trọng cho cả hành trình cuộc sống về sau này. Một người có trí biết gieo cho mình hạt giống lành hạt giống thiện. 

Trong cuộc sống của chúng tôi có một vài điều phải thưa rằng ảnh hưởng chúng tôi rất lớn, và chúng tôi tạm nghĩ đó là những hạt giống. Chúng tôi đơn cử 3 thí dụ:

 1- Thí dụ đầu tiên, hồi nhỏ chúng tôi đọc một đoạn kinh Đức Phật dạy "Này Chư Tỳ kheo, Như Lai nói một người phát khởi tâm từ đến vô lượng chúng sinh cho dù trong mỗi khoản khắc mảy may như một khảy ngón tay thì quả báu vô lượng". Thật ra chúng tôi nghiệm không ra chuyện đó, bởi vì nghĩ một con người muốn có lòng từ bi phải trải qua bao nhiêu công quả, bao nhiêu đóng góp lớn lao và nó đòi hỏi bao nhiêu thì giờ, cái phát triển lòng từ bi trong khảy móng tay mà được công đức vô lượng cái đó khó hiểu quá. Nhưng sau này dần dà chúng tôi nhận ra được một điểm là nếu có một thời khắc nào đó trong cuộc đời của mình mà thời khắc đó mình hoàn toàn thành thật với chính mình, ở một nơi thanh vắng một mình ở trong đền tháp và nguyện mong cho tất cả chúng sanh được an lạc. Chuyện nguyện mong cho tất cả chúng sanh an lạc kể cả những người quen thân, những người xa lạ, những người chung quanh, và những người mình không thấy được, những người thân thương với mình, và những người thù nghịch với mình, những loài rất lớn, những chúng sanh rất nhỏ. Chỉ với tâm mong cho tất cả chúng sanh đó được an lành thì như vậy là một hạt giống gieo xuống đủ đẹp, một hạt giống gieo xuống đủ cho chúng ta có một giây phút thanh thản nhưng rất cần thiết. 

 2- Cách đây khoảng 5 ngày ở Mỹ người ta phạt tù 8 tháng một người đàn ông trên 60 tuổi. Nguyên nhân chúng ta khó có thể tin được, ông này đi máy bay và ngồi bên cạnh một người phụ nữ da trắng nhưng có đứa con lai da màu, và khi máy bay chuẩn bị sắp đáp xuống thì trẻ em thường bị lùng bùng lỗ tai nó khó chịu nó khóc. Chúng tôi đi máy bay gặp nhiều trường hợp con nít nhỏ khi máy bay cất cánh hay đáp xuống nó khóc. Và khi nó khóc như vậy người đàn ông này bực bội,  ông kêu là làm sao cho nó câm miệng lại, ông dùng ngôn ngữ rất nặng nề đầy tính kỳ thị. Và khi đứa nhỏ không chịu nín nó cứ khóc thì ông tán nó một bạt tai vào mặt đứa nhỏ. Người đàn ông này có thái độ kỳ thị đối với một người khác màu da khác chủng tộc và thứ hai có lẽ ông cũng đang có chuyện gì không có vui bệnh hoạn trong người thành ra ông bực mình, đứa nhỏ khóc ông phiền quá ông đánh. Bên Mỹ tội đó nặng lắm, người lớn đánh đứa nhỏ khi máy bay đang đáp xuống  làm như vậy thật sự là một điều văn hóa Mỹ không chấp nhận được và ông bị tù 8 tháng. Nhiều lần, rất là nhiều lần chúng tôi ngồi trên máy bay hay ngồi trên xe lửa, hay đứng một nơi đông người chúng tôi tự hỏi rằng ở trong giờ phút đó mình làm sao mình trải tâm từ của mình tới tất cả mọi người mong cho tất cả mọi người được an lạc mong cho tất cả chúng sanh được an lạc dù đó là người gần hoặc xa thấy hay không thấy  lớn hay nhỏ thân hay thù nghịch

 3 - Chúng tôi cũng có một pháp tu ở trên email. Một ngày có khi chúng tôi nhận 300 cái email. Như qúi vị biết bây giờ email người ta gửi đủ thứ, thượng vàng hạ cám, có người gửi thơ kiểu này có người gửi thơ kiểu kia, khi bật email lên chúng tôi nhìn danh sách dài như vậy chúng tôi cũng có pháp tu. Trong danh sách đó ngó qua chúng tôi biết  người nào ca ngợi hay ủng hộ giáo hội, họ thân hay sơ, và những người nào không ủng hộ chửi mắng v.v... khi nhìn lướt email đó chúng tôi tự hỏi làm sao mình có thể nhìn những email này mong rằng tất cả những người đó đều được an lạc. Điều đó cũng là một điểm rất lợi lạc cho chúng ta. Tại vì sao vậy, nếu buổi sáng chúng ta nhìn một danh sách email dài chúng ta phiền não chúng ta hận thù chúng ta oan trái thì mình khổ tâm tư của mình bị phiền, bây giờ mình ngồi mình nhìn và mong cho tất cả được an lạc. Phần thưởng lớn nhất trong cuộc đời sống là mình có một buổi sáng an lạc. 

Khi lên xe bus bao nhiêu người xa lạ, mình ngồi nhắm mắt chút xíu và niệm mong cho tất cả chúng sanh được an lạc,  khi ở phi trường cũng vậy. Xã hội ngày hôm nay chúng ta có nhiều dip sống giữa đám đông. Hay buổi sáng thức dậy trong lúc chờ đợi nấu nước xôi pha trà pha cafe chúng ta làm chậm rãi và mong rằng tất cả chúng sanh chung quanh được an lạc thì lúc đó chúng ta mới hiểu tại sao Đức Phật dạy: Này chư Tỳ Kheo, Như Lai nói rằng khi từ tâm khởi phát nhiều trong một khảy móng tay được công đức vô lượng". Tại vì sao vậy, ít nhất trong những giây phút đó mình thấy rằng mình không có oan trái với bất cứ loài nào, oan trái với bất cứ ai và chỉ mong như vậy thôi. 

Đời sống của chúng ta lưôn luôn bị cấn cái, tức là mình muốn tu nhưng mình còn ghét người này còn phiền người kia. Có đôi khi mình trách hờn mình nói rằng tôi muốn tu họ không cho tôi tu, nhưng thật sự không phải người ta không cho  tu mà tại tâm mình bị cấn cái thích chuyện này không thích chuyện kia. 

Đời sống con người thiếu tâm từ giống như địa ngục, lúc nào mình cũng phiền hà, lúc nào cũng có người để mình giận. Thật ra nếu để oán trách để giận hờn để phiền não chúng ta có ngàn chuyện có trăm chuyện có đủ thứ lý do để giận. Nếu chúng ta thích giận vào trong rơom sinh hoạt chúng ta cũng có lý do để giận được, vào trong pháp hội chúng ta cũng có thể giận được. Và khi tâm của chúng ta muốn cho an lạc thì chúng ta cứ an lạc thôi.

Có một lần Đức Phật thuyết pháp trong một pháp hội ở chùa Kỳ Viên, đại chúng đang tập trú để nghe Đức Phật thuyết pháp, có vài người họ lợi dụng cơ hội để móc túi, Đức Phật có nói một câu kệ ngôn. Nhưng ở đó mình thấy một điều như vầy là có người gặp Đức Phật ngồi trong pháp hội thay vì ngồi đó đón nhận hương vị của chánh pháp để khai tâm mở trí nhưng người này thì không, họ dùng cơ hội đó để móc túi.

 Đời sống của chúng ta luôn luôn có những bất hạnh như vậy. Buổi sáng sớm thức dậy một ngày mới ở bên ngoài mặt trời lên lẽ ra chúng ta bắt đầu với một ngày rất thanh tịnh, thanh thản hưng phấn. Thì không. Buổi sáng thức dậy nghĩ đến chuyện phiền hà người này oan trái với người kia để làm gì? để làm khổ mình, để làm phiền mình, và để cho mình có một ngày kém đi an lạc. Và do vậy nếu có được những giờ phút mình không có oan trái với bất cứ ai, không có hận thù bất cứ ai, không có đem tâm hãm hại bất cứ ai thì được an lạc, không sân, không hại. 

Chúng tôi nhắc câu chuyện về tâm từ  là một hạt giống và chúng tôi tin rằng tốt được gieo vào là một thí dụ.

Một thí dụ khác nói về hạt giống. Hồi chúng tôi mới vào chùa, chúng tôi thấy có một câu Phật ngôn Sư Trưởng in ở trên một cuốn sách của Sư Trưởng : "Vị Tỳ Kheo mến pháp, trú pháp, niệm pháp, hoan hỉ trong pháp, và sẽ không rời chánh pháp". Khi đọc câu đó tự nhiên chúng tôi cảm tưởng như mở ra cho mình một thế giới an lạc, thế giới đó mang lại cho mình hoan hỉ, mang lại cho mình sự an ổn, và đó là con đường đi của mình. Chúng tôi tạm nói đó là một hạt giống được gieo vào trong lòng mình, cái ấn tượng đầu đời một hạt giống một sự khởi phát ở giai đoạn nào đó nó quan trọng lắm. Chúng tôi nói lại là nó khiêm tốn nhỏ bé nhưng ảnh hưởng lớn.

2. Đặc tính thứ hai, đa số các hạt giống khi gieo xuống cần đất được dọn sạch để  không bị chen lấn hay bị lấn áp bởi những cây hoang cỏ dại.

 Và đặc tính thứ hai của hạt giống. Về điểm này tất cả những người làm ruộng làm rẫy làm vườn đều biết. Hạt giống mới gieo xuống, mầm mới được nảy sinh cần được bảo vệ và miếng đất càng dọn sạch hạt giống càng dễ tăng trưởng. Đó là nguyên tắc tất cả nhà nông nào cũng đều biết. Chúng ta đem lúa xạ trên một cánh đồng chưa làm sạch, ở miền quê đất ruộng trước mùa cày cấy cỏ hoang cỏ lát mọc nhiều thì lúa không mọc được. Người ta phải cày đất lên rồi dùng cái trục bừa đất, tức là đất họ cày lên rồi phơi nắng, những luống đất cày lên như vậy mới đè lớp cỏ chết đi, khi  mưa xuống họ trục làm sao cho đất nát vỡ vụn ra, như vậy đất sẵn sàng vừa sạch và vừa màu mỡ để cho vụ mùa sắp tới. Mình làm vườn làm rẫy cũng vậy, dọn cỏ cho sạch, nếu cỏ dại mọc chung quanh thì những cây con lên không nổi tại vì cỏ dại lấn những cây, chẳng hạn mình gieo khổ qua hay trồng đậu hay trồng cải vườn nhiều cỏ quá thì những thứ cây  không tốt được, đất phải làm cho sạch. Tương tựa như vậy với tâm, nhiều khi mình không hiểu nguyên tắc này hoặc mình hiểu nhưng không áp dụng mình nói tại sao tâm mình không được an lạc, trí mình không được sáng suốt, niềm hoan hỉ không khởi phát tại vì thiếu sự thanh tịnh. Do vậy với một người tu cơ hội bỏ bớt, cơ hội mình được yên tĩnh, cơ hội được thanh thản đối với mình có giá trị hơn sự rộn ràng hơn sự huyên náo hơn việc gọi đa sự hay bôn ba. 

Ở trong hoàn cảnh nào cũng vậy  mình phải cho phép mình có được một không gian tĩnh lặng có được một điều kiện để  định tâm tỉnh trí thì những chủng tử lành mới tăng trưởng. Trong kinh Từ Bi có câu: "Một người muốn phát triển tâm từ người đó cần có những điều kiện ở trong những điều kiện đó là không có rộn ràng không dính mắc với các người thân với những người cư sĩ". Ví dụ như là một nhà Sư tu tập lúc nào cũng lăng xăng quá tâm từ không trưởng dưỡng được. Hay lúc nào cũng dính mắc gia đính nào đó của người cư sĩ lui tới thường cũng khó cho sự tu tập. Nói tóm lại là tâm của mình phải ở trong điều kiện thích hợp.

 Khi Đức Phật Ngài dạy về thiền Ngài dạy: "Vị tỳ kheo đi đến khu rừng, một ngôi nhà trống, một chỗ thanh vắng". Thật ra, Đức Phật đôi khi Ngài bầy tỏ sự quan tâm sâu sắc của Ngài đối với chư vị Tỳ Kheo tu tập bị chi phối bị khuấy động bởi ngoại cảnh bên ngoài. Ngài khuyến khích chư vị Tỳ Kheo nên sống nơi thanh tịnh, nên sống nơi núi rừng để tìm cho mình ít bị chi phối.

 Một hình ảnh rất cảm động mình có đọc kinh có suy niệm thì mới cảm thấy thương, mới cảm thấy qúi. Một người sadi 7 tuổi đi vào trong làng khất thực với Thầy của mình là Ngài Xá Lợi Phất, khi nhìn thấy hình ảnh một người chuốt mũi tên, một người đẽo bánh xe, một người đào mương dẫn nước hỏi vị Thầy: 

 - "Thưa Thầy, tại sao người ta làm việc đó"

 Ngài Xá Lợi Phất trả lời: 

 - "Người ta đào mương  để dẫn nước vào ruộng, họ chuốt cây để làm tên, và họ đẽo gỗ để làm bánh xe".

 Là vị trưởng lão nhưng Ngài rất kiên nhẫn để trả lời những câu hỏi đầy tỏ mò của vị Sadi. Vị Sadi đó đã không làm uổng công vị Thầy của mình khi nghe Ngài Xá Lợi Phất giảng như vậy thì nghĩ trong lòng: "Những thứ đó vô tri nhưng nếu khéo dẫn dụ, khéo trau chuốt, khéo mài dũa thì nó sẽ trở thành những thứ đắc dụng. Tâm của mình chắc cũng phải như vậy".

 Và vị Sadi này nói một câu rất trẻ thơ nhưng cũng là câu rất đáng ca ngợi: 

 - Thưa Thầy con muốn tu, con xin được phép đi về".

 Ngài Xá Lợi Phất hình ảnh của ông Thầy rất đẹp, biết vị Sadi đang có tâm tu tập Ngài nói:

 - "Con về đi lát nữa Thầy đi khất thực về sẽ mang thức ăn về cho con". 

 Hình ảnh rất đẹp. Vị Sadi trở về chùa Kỳ Viên tìm một nơi thanh vắng trong lúc chư Tỳ Kheo đang đi khất thực. Vị Sadi tìm nơi thanh vắng để ngồi xuống hướng tâm của mình vào trong đề mục thiền. 

 Câu chuyện cảm động không phải dừng ở tại đó. Ngài Xá Lợi Phật là vị Trưởng Lão khi vị đệ tử nhỏ của mình muốn tu tập và xin trở về chùa Ngài không rày còn nói "con về chùa tu rồi lát nữa Thầy mang thực phẩm về". Nhưng hình ảnh đẹp nhất một hình ảnh đẹp hơn nữa là Đức Phật bậc Thiên Nhân Chi Đạo Sư lúc đó Ngài đi khất thực về sớm Ngài ở trong hương thất Ngài thấy được vị Sadi đang nỗ lực thiền định và Thầy của vị Sadi đó là Tôn Giả Xá Lợi Phất đang trên đường về Đức Thế Tôn Ngài không muốn Tôn Giả Xá Lợi Phật mang thực phẩm đến làm giao động vị Sadi khi vị Sadi đó chưa thành tựu đạo quả, rồi Đức Phật bậc Pháp Vương Vô Thượng Ngài đã ra trước cổng chùa Kỳ Viên gặp Ngài Xá Lợi Phất Ngài hỏi chuyện như câu giờ làm Ngài Xá Lợi Phất chậm lại cho đến khi vị Sadi thành tựu quả vị Alahán thì lúc đó Đức Phật Ngài để cho Ngài Xá Lợi Phất đến gặp vị Sadi. 

 Chúng ta thấy hình ảnh của vị Trưởng Lão rất cảm thông rất kiên nhẫn với người học trò và ưu tiên cho người học trò việc tu tập và bên cạnh đó là hình ảnh của Đức Phật với tâm đại bi vô lượng Ngài nghĩ đến lợi ích của một người đang hướng cầu quả vị giải thoát và bản thân của Ngài đi làm một công việc canh chừng ngoài cổng chùa để Ngài Xá Lợi Phất không vào gặp vị Sadi. Thật ra đó là hình ảnh đẹp một bài học lớn. Có nhiều lần Đức Phật giảng trong kinh Ngài cảm thấy rất áy náy cho chư vị Tỳ Kheo tu tập chọn nơi không thích hợp để rồi làm hỏng đi sự tu tập của mình. Ở trong cuộc sống của chúng ta, ví dụ như mình đang làm chuyện gì quan trọng và có một cú điện thoại hay có những chi phối làm chúng ta dang dở nửa chừng thì thật sự nó hoài công thật sự là uổng phí. Chúng ta phải đầu tư nhiều để có được môi trường thích hợp. Và chúng ta nhớ như vầy, hạt giống cần một mảnh đất được dọn sạch được khai quang thì đời sống của chúng ta cũng vậy, chúng ta rất cần sự thanh tịnh, cần môi trường thích hợp, cần điều kiện để những hạt giống lành được trưởng dưỡng và đặc tính đó của hạt giống là bài học lớn cho hành giả trong sự tu tập.

Bài học ngày hôm nay chúng ta đề cập đến 2 đặc tính của hạt giống: 

1. Điểm thứ nhất. Hạt giống là một sự khởi sự nhỏ bé khiêm tốn nhưng từ đó mang lại những kết quả to lớn nhiều gấp bao nhiêu lần so với hạt giống, nó cũng tương tự như vậy một chủng tử thiện được gieo trồng thì tạo ra không biết bao nhiêu hoa trái trong cuộc sống.

2. Đặc điểm thứ 2. Hạt giống gieo xuống cần một nơi được phát quang được dọn sạch và chính mảnh đất được dọn sạch nó hứa hẹn một môi trường phì nhiêu một môi trường màu mỡ để cho hạt giống được tươi tốt. Thiện tâm cần hoàn cảnh thanh tịnh, thiện tâm rất cần điều kiện thích hợp để cho nó được lớn mạnh.

Thông thường vào dịp Tết người ta thường nghĩ đến chuyện năm mới cầu tài cầu lộc nhưng chúng tôi nghĩ đối với một năm mới  và nếu chúng ta có một điều đáng để hy cầu thì điều đó là mong cho những tâm lành của chúng ta gặp được những mảnh đất đã được dọn sạch để sẵn sàng cho nó lớn mạnh. Nó là sự bắt đầu rất cát tường, nó là sự bắt đầu rất tốt đẹp. Và chúng ta thật sự thấy đặt tính của hạt giống cũng là gợi ý quan trọng  nó là một ví dụ giúp cho chúng ta hiểu được điều nào là trọng điểm của sự tu tập của sự vui công bồi đức.

 Đó là vài điều chúng tôi chia sẻ về hạt giống./.          

No comments:

Post a Comment