Tuesday, October 28, 2014

Pháp nhẫn nại rất quan trọng với người tu tập

 Hỏi: Pháp nhẫn nại rất quan trọng với người tu tập 

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 19-10-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Trong cuộc sống chúng ta sống chúng ta càng hiểu được sự nhẫn nại rất ư quan trọng đối với người tu tập. Đức Phật Ngài trong rất nhiều đoạn kinh Ngài đề cập đến sự nhẫn nại không phải chỉ quan tâm đến sự giao tiếp với người khác mà mình phải nhẫn nại với những khó khăn từ bản thân của mình với chính mình, với những sự thiếu thốn triền miên của đời sống vị tu sĩ. 

Thí dụ, buổi sáng mỗi ngày có cafe uống bây giờ không có cafe chúng ta khó chịu, đó cũng là cái để chúng ta thực hành sự nhẫn nại của mình. Hay hoặc giả chúng ta quen sống với tiện nghi bây giờ đến chỗ nào không có tiện nghi mình phải nhẫn nại chịu đựng. Thật ra thời Đức Phật còn tại thế cái nóng cái lạnh của Ấn Độ cũng giống bây giờ. Ngày hôm nay nếu chúng ta có dịp đi sang xứ Ấn Độ sẽ thấy chung quanh châu thổ sông Hằng trời nóng thì rất nóng và trời lạnh thì rất lạnh, vị nào đi hành hương vào cuối năm sang Ấn Độ sẽ rất thích vì cảm nhận khí hậu mát mẻ khô ráo, nhưng chúng tôi nói chuyện với những người sống lâu ở đó họ phải chịu đựng cái nóng chảy mỡ vào mùa hè và cái lạnh vào mùa đông thì lạnh buốt xương. Sự chịu đựng với thời tiết với muỗi mòng nắng gió cũng là một sự chịu đựng rất quan trọng.

Hay hoặc giả đời sống chúng ta có nhiều chuyện không như ý, có những ngày liên tục nhiều chuyện xảy ra, không có việc nào làm hài lòng chúng ta, những lúc đó chúng ta đâm ra bực bội cáu kỉnh, chúng ta phải nhớ rằng đó là những dịp để chúng ta thực hành hạnh nhẫn nại. 

Đôi khi có những người họ tấn công đả kích họ trêu ghẹo mình xem ra tuy là lớn chuyện nhưng không bằng cá nhân của mình trong những khó khăn trong những hoàn cảnh không được như ý. Một điểm điển hình Đức Phật Ngài dạy: "Một vị tỳ kheo tu tập khi có đầy đủ 4 món vật dụng tức là đầy đủ về y phục, thực phẩm, chỗ ở, và thuốc men mà vị đó sống thái độ kham nhẫn sống với thái độ an hoà thì Như Lai chưa gọi vị Tỳ Kheo đó là kham nhẫn, cho đến khi nào sống trong điều kiện thiếu thốn thì mình mới thấy sự kham nhẫn như thế nào"

Ở bên Mỹ,  thành phố New Orleans là thành phố có nhiều dân Việt Nam định cư. Khi bão Katrina tàn phá thành phố, rất nhiều người tập trung vào các trung tâm trốn bão. Ở trong trung tâm trốn bão cái gì cũng thiếu thốn, về chỗ ở, về thức ăn, và phải chờ đợi và chờ đợi. Chúng ta sống ở một quốc gia đầy đủ thì thật sự bữa ăn không có nghĩa gì hết nhưng khi cơn bão kéo đến tàn phá thành phố chúng ta sống trong một nơi như trại tạm cư để trốn bão thì chúng ta thấy bản năng của con người khi đói mình dễ cau có dễ bực bội với những người chung quanh mình. 

Như chúng ta làm việc trong paltlak rơom Phật Pháp Buddhadhamma đối với nhiều Phật tử thì ở đây chỉ là ảo thôi nhưng rồi có những ngày rất hoan hỉ, có những ngày Sư Trưởng cầm mic nói được, TT Tuệ Siêu vào cũng thoải mái, rồi TT Pháp Tân, TT Pháp Đăng, TT Tuệ Quyền, ĐĐ Pháp Tín tất cả mọi người đều vào hết thì thật hoan hỉ, chúng tôi gọi đó là ngày đẹp trời. Nhưng cũng có những ngày bị trục trặc nghĩa là giảng sư thì thiếu mà đường truyền thì off and on, và thậm chí những người Phật tử cũng ít người, và ở trong rơom cũng bị trục trặc kỹ thuật khi nói nghe được khi không. Lúc đó chúng ta cần sự kiên nhẫn, lúc đó chúng ta cần một thái độ rất nhẹ nhàng, đó là lúc chúng ta tu tập hạnh nhẫn nại chứ không phải chờ đến người khác họ chửi mắng chúng ta mới tu tập được. Tại vì hoàn cảnh không có như ý. Ai trong chúng ta cũng mong hoàn cảnh như ý. Nhưng cuộc sống không được thuận buồm xuôi gió, không được mọi thứ đều thuận hết, thì chúng ta nên hiểu và chúng ta nên chấp nhận. 

Đời sống con người không phải lúc nào cũng dễ chịu, nhiều lúc có những việc rất khó nếu chúng ta lợi dụng được thì chúng ta rất có thể tu được hạnh nhẫn nại. Thí dụ như mình đi một chuyến đi xa và trong chuyến đi xa đó hoặc là quá trễ hoặc là quá sớm hoặc là quá dư hoặc là thiếu hoặc thế này hoặc thế kia, ngày hôm nay chúng ta sống thời đại có rất nhiều tiền bạc có rất nhiều tiện nghi và chúng ta hay thường dùng tiền bạc để giải quyết khiếm khuyết những  thiếu thốn trong cuộc hành trình và chúng ta cũng thấy được rằng chính là do khả năng giải quyết đó làm cho chúng ta thiếu sự kiên nhẫn. Mình lên chiếc xe  ngồi, mình nóng lòng thì cũng đi đến chỗ mà không nóng lòng mình cũng đi đến chỗ, nhưng lên xe lại nóng lòng về vấn đề chừng nào tới, còn bao lâu tới, những lúc đó mình có đặt vấn đề còn bao lâu nữa tới hay là thế này thế kia nó cũng vậy thôi, tại vì mọi việc tùy vào tài xế, mọi việc tùy vào điều kiện đường xá. Nhưng chúng ta vẫn nóng lòng, mình đến đó cũng vậy mình ngồi trên xe cũng vậy.

 Do vậy, việc tu tập nhất là niệm hơi thở giúp cho chúng ta rất nhiều. Niệm hơi thở giống như chúng ta đi một hành trình trong cuộc đời mình vội vã cũng vậy không vội vã cũng vậy lúc nào chúng ta cũng thở, lúc nào cũng có hơi thở ra tiếp nối hơi thở vào, hơi thở vào tiếp nối hơi thở ra, chúng ta phải quan tâm phải bình tâm để nhìn vào hơi thở, nhìn thật khách quan thật tỉnh táo và thật nhẹ nhàng, cứ thở và nhìn hơi thở, hơi thở vô biết thở vô, hơi thở ra biết hơi thở ra, tinh tế một chút, hơi thở vô ngắn biết hơi thở vô ngắn, hơi thở ra ngắn biết hơi thở ra ngắn, hơi thở vô dài biết hơi thở vô dài, hơi thở ra dài biết hơi thở ra dài. Và thuần thục hơn tinh tế hơn thì chúng ta có thể làm một việc khác đó là chúng ta có thể cảm nhận bằng cách nhìn hơi thở và thân của chúng ta là sự vận hành hợp nhất. 

"An tịnh thân hành tôi thở vô, an tịnh thân hành tôi thở ra". Mình thở vào thở ra với thân với hơi thở rất nhẹ nhàng, rất ổn cố không quá nặng nề. "An tịnh tâm hành tôi thở vô, an tịnh tâm hành tôi thở ra". Tức là tâm không còn đòi cái này chạy qua cái kia. 

Chữ "tâm hành" ở đây là sự truy đuổi sự tìm kiếm cái gì để thoả mãn. "Tâm hành" trong đạo Phật Pháp gọi là "vitakka" nghĩa là "tầm cầu". Chúng ta ngồi ở đây nhưng chúng ta nghĩ đến ngày mai ra sao, lát nữa mình đến chỗ như thế nào. Chúng tôi đang đi với một phái đoàn và đang ở tạm trong khách sạn, nãy giờ chúng tôi ngồi đây nói chuyện với qúi vị thì các vị trong phái đoàn text chat hỏi trưa nay mình đi đâu và mình sẽ làm gì? Thật ra những vị đó biết cũng vậy không biết cũng vậy thôi,  tại vì sao vậy? Tại tính của chúng ta như vậy. Chúng ta có những giờ phút thanh thản buổi sáng sớm nếu vị trưởng phái đoàn đang bận thì mình cứ từ từ thong thả trước sau mình cũng đi, trước sau cũng đến và đến đó cũng vậy ngồi đây cũng vậy. Nhưng chúng ta có tính là chúng ta nôn nóng muốn biết là mình sẽ đi đâu và làm gì và sự nôn nóng đó làm cho chúng ta không có an lạc, trong tâm của chúng ta ở hiện tại này không tỉnh táo không chánh niệm. 

Nên sự nhẫn nại, chúng ta khoan nghĩ đến mình phải đối diện với nghịch cảnh, nghĩ đến nhẫn nại một chút với thái độ thư thả, thái độ nhẹ nhàng trong hiện tại này của chúng ta cũng là sự nhẫn nại. Nghệ thuật sống thật ra nằm phần lớn là ở thái độ nhẫn nại. Càng ôn hoà càng chịu đựng càng nhẫn nại thì chúng ta càng thoải mái. Có nhiều người sợ nhẫn nại mình phải gánh nặng nề, chúng ta vốn sợ gánh nặng nhưng chúng ta đổ lỗi cho nhẫn nại, không phải, nhẫn nại không phải làm cho chúng ta thêm gánh nặng thêm áp lực mà nhẫn nại làm cho chúng ta xả bớt áp lực, nhẫn nại làm cho chúng ta thích nghi với hoàn cảnh. 

Trong một mô tả của Vi Diệu Pháp đề cập đến trạng thái tâm tịnh hảo, tâm sở tịnh hảo hay những thuộc tính ở trong có những trạng thái là: Tịnh, Khinh, Nhu, Thích, Thuần, Chánh. 
Chữ tịnh là sự lắng đọng, 
Khinh là sự nhẹ nhàng, 
Nhu là sự mềm mại,
 Thích là thái độ thích nghi, 
Thuần là sự thuần thục, 
Chánh tức là ngay thẳng. 

Những trạng thái đó được mô tả tương đối là từ chuyên môn về những trạng thái tâm, nhưng thật ra nó cũng phản ảnh một phần tâm của chúng ta rất là thoải mái rất là an lạc rất là trong sáng. Đó là tịnh quang hay là tịnh hảo trong sáng tức là đẹp đối với cuộc sống này. Do vậy chúng ta phải tu tập với nhẫn nại chúng ta hãy bắt tay và tu tập tâm nhẫn nại là cứ xem mọi hoàn cảnh như là cơ hội để chúng ta tu tập hạnh nhẫn nại. Không biết là mình tu tập chứng đắc Niết-bàn thì mình sẽ ra sao. Nhưng mình cảm nhận. nếu chúng ta có được chánh niệm, có được sự nhẫn nại chúng ta sẽ có được hương vị của chánh pháp đi vào cuộc sống của mình . Và mong rằng tất cả chúng ta sẽ đạt đến điều đó. Đó là vài điều chúng tôi muốn chia sẻ ./.

Monday, October 20, 2014

Đời sống tu tập là đời sống từ bỏ dễ hay khó?

 Hỏi:Đời sống tu tập là đời sống từ bỏ dễ hay khó? 

Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 7-10-2014, Minh Hạnh chuyển biên

TT Giác Đẳng: Có một điều ngày nay khi đề cập đến sự tu tập chúng ta tự làm khó chính mình rất nhiều. Nhiều vị xuất gia chúng tôi được tiếp xúc sau một thời gian dài chán nản đời sống  thế tục các vị muốn đi xuất gia. Nhưng trước khi đi xuất gia các vị phải chuẩn bị rất nhiều kể cả một nơi an ổn, một nơi lý tưởng, kể cả điều kiện vị này hoàn toàn nghĩ rằng thích hợp cho sự tu tập. Nhưng nếu chúng ta nhìn lại hình ảnh của Đức Thế Tôn, nhìn lại hình ảnh của chư vị đệ tử Đức Thế Tôn thời Đức Phật còn tại thế thì chúng ta thấy rằng đời sống đi xuất gia khởi đầu là sự buông bỏ .  Và khi nói sự buông bỏ thì sự từ bỏ không phải ai cũng buông bỏ được, đi tìm cái gì để mình có thì dễ nhưng khi từ bỏ địa vị, danh vọng xem ra là khó. Đặc biệt ngay trong đời sống tu tập không phải là chúng ta phải có thêm cái gì, có cái này, có cái kia, mà trái lại trong đời sống tu tập là chúng ta từ bỏ. 

Thì ở đây cái khó và dễ nó nằm trong hai chiều: 
- Có những thứ dễ về phương diện ở bên ngoài thí dụ như từ chỗ mình có đến chỗ không có thì dễ.
- Nhưng cái khó đó là chúng ta có chịu bỏ hay không? Đây là vấn đề. 

Do vậy khi chúng ta nói "cái dễ,  cái khó" thì phải nói từ một vị vua bỏ ngai vàng để làm vị Samôn thì chuyện đó dễ. Và nếu một vị Samôn, nếu một người bình thường muốn được ngai vàng thì chuyện đó khó.

 Nhưng, ngược lại khi mình đã có nhiều rồi bây giờ mình buông bỏ để có đời sống nhẹ như mây bay trên trời, một đời sống rộng thênh thang, một đời sống không vướng  bận thì ở trong lòng mình đôi khi chính do cái phiền não, do sự chấp thủ, do ngã, ngã sở và mạn tùy miên khiến chúng ta không thể nào từ bỏ được những điều đó. Do đó thật sự là khó. 

Vì vậy cái khó và cái dễ ở tại đây chúng ta nên đặt lại vấn đề là nhìn nó  như thế nào để chúng ta thấy rõ dễ chỗ nào và khó chỗ nào.

 Ngay cả đối với phiền não, đối với dục lạc khi mình buông bỏ thật sự đúng là khó, và khó là do thói quen của mình nhưng bởi vì ở đây là vấn đề từ bỏ chứ không phải là vấn đề mình thêm được cái gì. Thành ra, hành giả nếu tu tập điều đó cũng là một điều khác đi.

 Chúng ta đọc lại những hình ảnh hành trình của những bậc cổ đức những người đã ra đi và làm một cuộc khướt từ vĩ đại thì chúng ta thấy rằng những vị đó đều có đặc điểm là các vị thấy được sự nguy hiểm của các dục các vị thấy được là tại sao mình cần phải làm cái gì khác hơn.

 Trong lịch sử đương đại của Phật giáo Việt Nam có Ngài HT Hộ Tông, Ngài là một vị bán thế  xuất gia.  Khi còn là cư sĩ, Ngài là vị bác sĩ thú y của Pháp ở Nam Vang và địa vị đó thời bấy giờ được người ta trọng vọng và cũng được xem như là một người có cuộc sống tương đối rất tốt đẹp về vật chất ở bên ngoài. Năm Ngài trên bốn mươi, một lần Ngài ngồi ở trong nhà nhìn thấy người vợ của Ngài đang mang bầu có hơi nặng nề thì Ngài ngồi  suy nghĩ rằng "không biết chuyện vợ chồng mình mang lại cho người vợ được cái gì nhưng nó bao nhiêu là trở ngại nhọc nhằn về thể xác lẫn tinh thần, bà vợ phải lo lắng cho mình làm bổn phận người vợ rồi phải mang nặng đẻ đau" và lúc đó Ngài nghĩ rằng "tại sao mình lại sống như vậy sao không sống đời sống khác hơn",   và Ngài quyết định từ bỏ gia đình đi xuất gia. Khi Ngài quyết định đi xuất gia thì người vợ và sau này là bà bạn của Ngài đã tìm mọi cách ngăn cản, bà vào chùa khóc lóc  năn nỉ khổ sở đủ thứ. Thì lúc Ngài ở trong chùa bà bạn vào năn nỉ khóc lóc thì tự nhiên Ngài suy nghĩ  "lúc mình còn là vị cư sĩ mình làm cho người phụ nữ này khổ bao nhiêu thứ nhưng người này vẫn muốn như vậy và bây giờ cũng mong cầu như vậy, đúng là khổ ải."  Và Ngài đã dứt khoát tiếp tục đời sống xuất gia. 

Chúng ta  thấy một điều là tâm trạng của con người và hình ảnh ghi lại Ngài nhìn thấy người bạn đời người vợ đang mang thai khổ ải như vậy rồi Ngài thấy rằng cuộc sống vợ chồng mang lại vui và hạnh phúc cho nhau không bao nhiêu nhưng ngược lại mang đến cho nhau đủ thứ vấn đề khó khăn khổ ải thì Ngài đã khởi lên một suy nghĩ và suy nghĩ đó vốn là suy nghĩ của một người xuất gia thấy rằng đời sống như vậy tự mình làm khổ mình và làm khổ người khác vui thì ít khổ thì nhiều, nguy hiểm lại nhiều hơn, rồi Ngài từ bỏ điều đó và sống đời sống giải thoát đời sống thoát tục. Và về sau này thì chính Ngài là người đã làm một nhân tố rất quan trọng đến đỗi người sau này kêu Ngài là vị Sơ Tổ đã mang Phật giáo Nam Tông về Việt Nam. Đó chính là Ngài HT Hộ Tông.

Thì mỗi một người sống trong cuộc đời này đều có nhiều nhận thức khác nhau đối với cuộc  sống của mình nhưng một động lực khiến người ta lên đường  để làm cuộc sống khác đi đó là thấy được  vòng luẩn quẩn của đời sống hiện tại. 

Trong một bài kinh khác liên quan đến cuộc đời sống xuất gia chúng tôi đọc rất là hoan hỉ, đó là Kinh Thánh Cầu ở trong Trung Bộ Kinh. Bài kinh đó kể tâm trạng của Thái Tử Sĩ Đạt Đa khi Ngài còn ở trong hoàng cung Ngài thấy rằng chính Ngài bị bao phủ bởi sanh già đau chết, bị sanh già đau chết chi phối và cuộc sống mà Ngài đang hướng đến là ngai vàng là đế nghiệp thì cái đó nó cũng bị sanh già đau chết chi phối rồi Ngài tự hỏi một câu rằng nay ta bị sanh già đau chết chi phối tại sao ta không đi tìm cái không bị sanh già đau chết chi phối rồi từ đó Đức Thế Tôn Ngài đã lên đường làm một cuộc từ khướt vĩ đại không tiền khoáng hậu được lịch sử nhân loại ghi lại.

Chúng tôi muốn trở lại với một ý niệm khác về đời sống xuất gia bằng một câu chuyện. Đó là sau khi vua Bình Sa Vương gặp Đức Thế Tôn lúc bấy giờ Ngài là vị tu sĩ trẻ ở tại thành Vương Xá. Vua Bình Sa Vương được biết Ngài là một vị được xuất thân từ giòng dõi Sát-Đế-Lỵ từ bỏ gia đình sống đời sống không gia đình trở thành một vị Samôn thì vua Bình Sa Vương đã làm một việc ít có ai làm đó là khẩn khoản mời Ngài ở lại để cùng với nhà vua cai trị vương quốc Ma Kiệt Đà, có nghĩa là chia đôi giang sơn. Khi Đức Phật Ngài nghe lời đề nghị như vậy thì Ngài đã từ tốn từ chối bởi vì đời sống của Ngài không là đời sống hướng cầu ngai vàng đế nghiệp. Và vua Bình Sa Vương không biết phải làm gì nên đã cung thỉnh "Đức Thế Tôn khi nào Ngài thành tựu được đạo quả vô thượng xin Ngài trở về để tế độ cho trẫm". Và lời thỉnh mời đó là một sự thỉnh mời đã rất đặc biệt. 

Sau khi Đức Thế Tôn thành đạo, và sau khi Ngài Chuyển Pháp Luân  Ngài về  Uruvela độ 1000 vị đạo sĩ xong thì Đức Thế Tôn đã vào thành Vương Xá gặp lại vua lần đầu tiên. Sau khi trở thành đệ tử Phật, vua Bình Sa Vương đã cúng dường đến Đức Phật ngôi chùa Trúc Lâm cũng là ngôi chùa đầu tiên của Phật giáo. Tại ngôi chùa này nhiều sự kiện quan trọng  của lịch sử được ghi nhận. Chúng ta có thể nói rằng vua Bình Sa Vương nhỏ tuổi hơn Đức Thế Tôn và đây là những vị xuất thân từ gia cấp Sát-Đế-Lỵ đều là những vị rất khác biệt về tài năng, về trí tuệ, và đặc biệt vua Bình Sa Vương lại là một vị Thánh đệ tử Phật. 

Hai hình ảnh rất tương phản của một vị vua trẻ và một vị Samôn trẻ, khi Đức Thế Tôn trở về thành Vương Xá thì Ngài mới 36 tuổi còn rất trẻ được vua Bình Sa Vương chưa tới 30 tuổi, một bên là một vị Samôn một vị Đại Giác, một bên là một vị vua trị vì một vương quốc  hùng mạnh cho chúng ta thấy hai hình ảnh tương phản. Nhưng đặc biệt ở tại đây là vua Bình Sa Vương đã qui y Phật trở thành đệ tử Phật là một người đã đem ánh sáng của đạo chia sẻ cho người khác. Và trong kinh kể rằng vua Bình Sa Vương bản thân là một Phật tử rất ít khi làm phiền Đức Phật, hầu như nhà vua chỉ làm những gì Đức Phật dạy như là một học trò, ít khi nào lui tới làm rộn ràng Đức Phật việc này việc khác như  vua Ba Tư Nặc.

Tại Vương Xá thành ở xứ Ma Kiệt Đà ở trong giai đoạn sơ thời của Phật giáo đã có nhiều vị xuất gia trở thành để tự Phật như Ngài Mahà Kasapa - Ngài Đại-Ca-Diếp về sau này là vị thủ tọa của lần kết tập Tam Tạng lịch sử đầu tiên,  như Ngài Xá Lợi Phất, Ngài Mục Kiền Liên và những thanh niên Balamôn trí thức những vị này đã đến với Đức Phật đã là đệ tử của ngài trở thành những vị thượng thủ Thinh Văn xuất sắc và có nhiều vị xuất gia trở thành Tăng sĩ tại Ma Kiệt Đà và đến nỗi về sau này người ta có cảm tưởng như  nhắc đến Vương Xá là nhắc đến Ma Kiệt Đà nhắc đến một thời kỳ cực thịnh hoàng kim của đạo Phật mà đó đây không biết bao nhiêu chùa, không biết bao nhiêu tăng sĩ mà ngày hôm nay qúi vị Phật tử về khu vực này họ gọi là Vira tên của tỉnh bang Vihara nghĩa là chùa Phật giáo hay là tịnh xá, sở dĩ xứ Ma Kiết Đà gọi là Viha là tại vì đã có thời đã có quá nhiều chùa chiền. Điều đó cho thấy rằng sự buông bỏ để sống đời sống xuất gia thời Đức Phật còn tại thế đã được ưa chuộng

Do vậy  cái khó và cái dễ ở tại đây là tùy chúng ta nhìn vấn đề  như thế nào để chúng ta thấy rõ dễ chỗ nào và khó chỗ nào.

Monday, October 13, 2014

Truyền thống chánh pháp đúng nghĩa là gì?

Hỏi: Truyền thống chánh pháp đúng nghĩa là gì? - TT Tuệ Siêu

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 5-10-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Tuệ Siêu: Khi nói đến truyền thống chánh pháp chúng ta nên y cứ vào điều Đức Thế Tôn dạy. Ở đây, trong Tương Ưng Bộ kinh ghi một lần nọ các vị Tỳ Kheo sau khi đi khất thực trở về còn sớm các vị ghé ngang qua khu vực của các du sĩ ngoại đạo, các vị du sĩ ngoại đạo hỏi rằng:

- "Này các hiền giả, các hiền giả vì mục đích gì đã sống phạm hạnh dưới sự hướng dẫn của Samôn Gotama ".

Các vị Tỳ kheo đáp rằng:

-  "Chúng tôi vì mục đích liễu tri khổ, đoạn tận khổ nên đã sống đời sống phạm hạnh dưới sự hướng dẫn của Đức Thế Tôn".

Các vị Tỳ Kheo sau khi đàm luận vài ba việc với các du sĩ đó rồi trở về bạch với Đức Phật: 

- "Bạch Đức Thế Tôn, khi các du sĩ ngoại đạo hỏi như vậy thì chúng con nói là vì mục đích liễu tri khổ, đoạn tận khổ cho nên chúng con sống đời sống phạm hạnh dưới sự hướng dẫn của Đức Thế Tôn. Nói như vậy, chúng con có nói đúng pháp không, có đúng như lời dạy  của Đức Thế Tôn không. Hay là chúng con có phản bác lại pháp của Đức Thế Tôn không?"

Đức Thế Tôn xác nhận rằng: 

"Này các Tỳ Kheo, các ngươi trả lời như vậy là đúng pháp không có phản bác lại pháp của Như Lai".

  Đức Phật Ngài dạy thêm rằng:

 "Này các Tỳ Kheo, nếu như các du sĩ còn hỏi thêm các người: - Vậy có con đường nào để đưa đến đoạn tận khổ, liễu tri khổ không? thì các ngươi hãy trả lời "có, đó là con đường Bát Chánh Đạo là Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định".

Hai sự kiện này, mục đích tu tập phạm hạnh là để đoạn tận Khổ và con đường đưa đến mục đích đó chính là Bát Chánh Đạo. Trong một bài kinh khác cũng nằm trong Tương Ưng Bộ kinh Đức Phật Ngài dạy rằng:

- " Này Ananda, Như Lai đã thiết lập một con đường và Chư Phật cũng đã vạch ra thiết lập con đường tu tập đó là gì? Đó là Bát Chánh Đạo: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định. Này Ananda, đó là truyền thống Như Lai thiết lập cho các ngươi, các ngươi chớ là kẻ tối hậu của truyền thống này". 

Là kẻ tối hậu có nghĩa chúng ta là người sau cùng làm cho con đường Bát Chánh Đạo đó bị mai một, con đường đó bị khuất lấp. 

Thì ở đây. Truyền thống chánh pháp đúng nghĩa đó chính là con đường thực hành để đưa đến liễu tri, đoạn tận khổ là Bát Chánh Đạo, là giới định tuệ, đó là truyền thống chánh pháp Đức Phật Ngài đã vạch ra, Ngài đã nêu lên. Thì ở đây, còn nhiều vấn đề khác nhưng tựu trung lại  chúng ta nhớ rằng Đức Phật dạy:

-  "Này các Tỳ Kheo xưa và nay Như Lai chỉ dạy hai điều KHỔ và SỰ DIỆT KHỔ".

Đó chính là truyền thống của chánh pháp. Không phải khi người ta hỏi về chánh pháp chúng ta cứ nói hãy tu tập theo hệ phái này là chánh, hệ phái kia là tà là lai căn v.v... hay chúng ta tu theo bộ kinh này bộ kinh kia, đó là chúng ta nói cái vỏ ở bên ngoài không có cái gì là cơ sở, bậc trí họ nghe như vậy họ sẽ mỉm cười. Chúng ta hãy nghĩ về thực chất ở bên trong là Đức Thế Tôn đã KHỔ và SỰ DIỆT KHỔ thì đó chính là truyền thống.

Và Đức Phật Ngài cũng dạy lời dạy cuối cùng khi du sĩ Subhadda hỏi Đức Phật.

-  "các vị giáo chủ ngoại đạo họ có thể chứng được đạo quả hay không?"

  Đức Phật Ngài khuyên: 

- "Đừng có hỏi câu hỏi đó Như Lai sẽ thuyết cho ngươi nghe như thế này. Bất luận trong giáo pháp nào có thực hành Bát Chánh Đạo thì giáo pháp đó có đệ nhất Samôn, đệ nhị Samôn, và đệ tam Samôn, đệ tứ Samôn, Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, Alahán, và này Subhadda cho đến khi nào trong thế gian này còn có người thực hành theo Bát Chánh Đạo thì cho đến khi ấy thế gian không có vắng bóng vị Alahán". 

Thì rõ ràng là ở đây chúng tôi muốn đưa lên truyền thống chánh pháp đúng nghĩa tức là con đường đưa đến sự diệt khổ đó là Bát Chánh Đạo ./.

Monday, October 6, 2014

Triển khai tuệ quán

Hỏi:  Triển khai tuệ quán (Kinh Như Thị Thuyết)

(Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma, ngày 17-6-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Khi chúng ta thâm nhập thế giới kinh điển một số người thường nghĩ đến bài kinh dài nằm ở những vị trí quan trọng, nhưng kỳ thực với kinh nghiệm chúng ta đọc kinh điển thấy đó đây trong Tam Tạng kinh điển có những bài kinh ngắn nhưng đặc biệt hết sức quan trọng. Bài kinh hôm nay là một thí dụ, nói về 3 pháp tùy quán.

 Chữ "anupassati"  động từ là  "anupassanà"  được chỉ cho khả năng quán chiếu có chiều sâu, nhìn thấy rất rõ sự vật như thế nào chúng ta biết như vậy, biết một cách rõ ràng, nhận thức một cách trung thực, chúng ta gọi là tùy quán. 

Và 3 pháp tùy quán ở đây là 3 phương thức tu tập, tạm gọi là 3 sự trang bị cho bất cứ hành giả nào đi vào thế giới của sự tu tập. Ba pháp tùy quán : tùy quán về bất tịnh, tùy quán về hơi thở, tùy quán về sự vô thường. 

Trong kinh Phật đôi khi có những cách dịch rất sáng nhưng có nhiều khi làm chúng ta lẫn lộn. 

- Thí dụ như là chữ "tịnh giới"  ở bài kinh này, hay trong kinh Pháp Cú có câu: "ai nhìn tịnh tướng". Thì khi chúng ta nghe chữ "tịnh tướng" hay chữ "subhāya dhātuyā"  chúng ta dịch là "tịnh giới" mình nghe như là giới thanh tịnh, như gìn giữ giới thanh tịnh, nhưng ở đây không phải như vậy.

- Chữ "dhātu" ở đây đặc biệt chỉ cho, thí dụ chúng ta nói nguyên tố hay thành tố, yếu tố, chữ  "dhātu" chỉ cho vật chất. Chữ  "dhātu" được hiểu rất nhiều ý nghĩa, chúng ta nói về những nguyên tố để kết cấu trong cuộc sống về vật chất cũng như về tâm. Chữ "dhātu" dịch là "giới".

"Tịnh giới" ở đây chỉ cho cái gì đẹp, cái gì mỹ miều, những gì khả ái khả ý.

1. Tùy Quán Bất Tịnh

Với một người tu tập chúng ta luôn luôn phải tỉnh táo và ý thức rằng có những thứ rất đẹp, đẹp đến đỗi chúng ta không cưỡng lại được, chúng ta phải nhìn nhận rằng nó rất đẹp. Và cái đẹp ở tại đây nó đến từ nhiều thứ ở trong cuộc sống. 

Ngày hôm nay, người ta có một hệ thống quảng cáo rất tinh vi, những mặt hàng được đưa lên internet hay được chụp hình cho chúng ta một sự bắt mắt đặc biệt và chúng ta dính mắc với điều đó. Có người dính mắc điều gì đó là do ở quảng cáo. Rồi nếu chúng ta đi đến siêu thị, đi đến các cửa hàng ở các trung tâm thương mại thấy có vô số sản phẩm được làm ra được trau chuốt ở mức độ đẹp chúng ta không thể phủ nhận được. Chúng tôi nhớ, khi còn nhỏ sống ở miền quê những món đồ thấy ngoài chợ  nó đẹp nhưng thời đó tuổi thơ của chúng tôi thấy nó đẹp nhưng cái đẹp đó nó phù du nó tương đối lắm, dù là cái bàn, cái ghế đẹp cũng vậy. Sau này lớn lên ra nước ngoài sống và đôi khi tình cờ đi ngang những cửa hàng làm những sản phẩm thủy tinh, pha lê, hoặc giả ngay cả quần áo, ngay cả những tác phẩm nghệ thuật rất đẹp, đẹp một cách không có chỗ nào chê được. Chúng ta nói ở trên đời không có cái hoàn hảo nhưng thật sự người ta cố gắng làm một cái gì đó thật tinh tế rất là đẹp. Dĩ nhiên cái đẹp đó làm cho chúng ta dính mắc cuộc sống này. Nhưng đối với tất cả những cái đẹp chúng ta thấy được ở trong đời sống có lẽ cái đẹp chi phối chúng ta nhiều nhất là cái đẹp đối với những người khác phái. Thí dụ người nam đối với người nữ, người nữ đối với người nam. Trong cuộc đời, cuộc sống con người hay có sự dính mắc, nhưng có những người sanh ra họ có cái phước và cũng một phần nữa do phiền não ở trong lòng chúng ta. Chúng ta phải nhìn nhận rằng có những con người họ rất là đẹp, đẹp đến đỗi người ta gọi đẹp như tiên vậy. 

Đức Phật Ngài từng dạy rằng: "Này những tỳ kheo, ta không thấy một sắc nào cuốn hút người nam như sắc của người nữ, và không có sắc nào cuốn hút người nữ như sắc của người nam."

Rồi thinh, hương, vị, xúc, pháp cũng vậy. Thinh, hương, vị, xúc của những người khác giới quả thật là có sức hút vô cùng, bởi vì đôi khi chúng ta thấy trong lịch sử có những câu chuyện những người vì mê sắc, mê thinh làm sụp đổ cả giang sơn.

Một điểm làm cho chúng ta trong sự tu tập bị chi phối rất nhiều, đó là những cái đẹp, những cái khả ái, những khả ý của đời sống và những điều này nó không trả chúng ta trở về với một sự tự nhiên mà nó tạo cho chúng ta có một sự dính mắc. Chúng tôi nhớ Ngài Ajahn Cha kể câu chuyện khi Ngài còn là một tăng sinh trẻ, Ngài tu tập và Ngài cảm thấy rằng có những người phụ nữ thỉnh thoảng họ đi chùa lễ Phật rồi họ cúng dường Chư Tăng gợi đến một hình ảnh rất đẹp, rất khả ái, rất hiền hoà thì Ngài thấy tâm của Ngài bâng khuâng bị giao động, bị chi phối rất nhiều. Có một năm Ngài phát nguyện ở trong 3 tháng hạ Ngài sẽ không nhìn những người phụ nữ. Đến cuối mùa an cư đó kể như sau mùa hạ có một nữ Phật tử đến cúng dường và lần đầu tiên Ngài đưa mắt nhìn thì không may là người phụ nữ đó rất đẹp và Ngài cảm thấy suốt thân Ngài bị chao động mạnh. 

Đời sống của chúng ta ngày hôm nay cái đẹp của một con người  không chỉ đơn thuần là sắc vóc mà nó còn được trau chuốt nào là y phục, nào là mỹ phẩm, nào là dáng  dấp. Có thể nói chưa có thời nào con người có thể tự khả năng hay qua những chuyên môn của y học, qua những khả năng của y học có thể làm cho con người trở nên thanh lịch đẹp đẽ hấp dẫn như thời này. Và những điều đó thật sự đôi khi làm chúng ta rất khó tu tập. Lấy ví dụ, như nghĩ đến chuyện tu mình muốn giải thoát, mình muốn rời khỏi thế giới này nhưng sống ở trong một thế giới có qúa nhiều sự cuốn hút, có quá nhiều cái đẹp, và sự tu tập thì trồi lên trụt xuống giống như người leo núi. Nhiều khi người ta nản người ta rất dễ để trở về với cuộc sống đắm chìm trong những cái đẹp đó, nhất là người ta có phương tiện để được như vậy. 

Căn bản mà nói,là một hành giả phải tự thành thật nhìn nhận rằng chúng ta không có nhiều khả năng để đương đầu với những ma chướng, đương đầu với những cám dỗ, đương đầu với những cuốn hút như vậy. Một trong những điều tốt nhất là thường tùy quán bất tịnh. Tùy quán bất tịnh ở đây hành giả thường xuyên thấy được những bất tịnh ở trên thân thể của chính mình và từ đó mình hiểu thân thể của người khác. Mình cứ lấy thân thể mình mặc dù nhìn ở bên ngoài tắm rửa thường thì không sao nhưng vài ba ngày ví dụ như đi một chuyến bay dài trở về nhà thấy thân mình cần phải tắm rửa vì nó có mùi. Và qua bao nhiêu thứ bất tịnh ở trong thân của chúng ta. 

Khi chúng ta nhìn thấy những liệt kê như: tóc, lông, móng, răng, da, thịt, xương, mật, đàm, mủ, máu,  nước tiểu, phân v.v... trong bản thể trược thì mình thấy nó vô nghĩa, mình thấy không biết nêu ra để làm gì, nhưng thật ra với mục đích hành giả tu tập thì mỗi một thể trượt như vậy nó đều cho chúng ta một cách nhìn. Như tóc mình không gội rửa không chải chuốt sẽ xấu nó có mùi. Và trên da của chúng ta cũng vậy. Móng tay móng chân chúng ta cũng vậy. Thật ra thân thể con người có một điểm rất trái ngược là ở một điểm nào đó mình đã nhìn thấy nó rất hấp dẫn, rất đẹp, rất cuốn hút nhưng nếu nhìn kỹ ở phương diện khác thì nó thay đổi liên tục, và nó là bất tịnh, là một ổ bệnh tật. Và những lần chúng ta có dịp nhìn xác chết hay những lần kể cả chất bài tiết từ trong người chúng ta ra bên ngoài thì chúng ta thấy nó uế trượt như thế nào. Có nhiều người họ rất tâm đắc về bên ngoài. Cái đẹp nó chỉ  mỏng may như lớp da bên ngoài thôi. Thân của chúng ta đẹp là nhờ lớp da. Thí dụ có người sanh ra nhờ phước nên da trắng mĩ miều rồi thêm một chút trang điểm nhưng ở bên trong bộ da đó là thịt, xương, gân và bao nhiêu thứ thể trượt và ngoài thể trượt đó còn là một ổ bịnh. Ban đầu chúng ta không dễ chịu khi quán về bất tịnh vì nó dường như làm chúng ta không có thoải mái. 

Chúng tôi sống ở bên Mỹ lúc sau này có rất nhiều trường hợp chúng tôi gặp những Phật tử nhất là những người Phật tử lớn tuổi có tiền họ muốn có một lối sống gọi là thời thượng. Là khi mình lớn tuổi rồi mình có tiền bạc mình mua một căn nhà ở nơi thích hợp, căn nhà có một phòng gọi là thiền phòng trang trí rất đẹp, rất thiền vị theo kiểu Nhật Bản, nghĩa là có treo tranh, có tượng Phật đẹp, có một khung cảnh đẹp, ánh sáng rồi màu sắc hợp với tất cả mọi thứ. Thậm chí họ còn có bộ quần áo ngồi thiền rất thoải mái bằng vải cotton, thêm cái tọa cụ trông rất kỹ càng. Những lần họ mời chúng tôi đến nhà trình bày với chúng tôi thấy những nỗ lực để làm sao làm một thiền phòng rất đẹp như vậy. Thì thật ra điều đó cũng là một thiện chí, chuyện đó cũng là một cách làm tạo nên nét văn hóa của Phật Giáo. Nhưng kỳ thực đối với một hành giả tu tập thiền định thì những điều đó nhiều khi phản tác dụng. Thay vì chúng ta có thể sống thật, quán chiếu thật với thân tâm của mình thì chúng ta lại tô hồng chuốc lục, chúng ta lại điểm trang cho nó.Dĩ nhiên, ở đây chúng ta điểm trang một cách rất thiền vị theo kiểu Nhật Bản, tức là có một không gian vắng và ở trong đó cho chúng ta cảm giác một bàn Phật rất trang nghiêm thanh tịnh, một tọa cụ, rồi quần áo ngồi thiền thích hợp. Nhưng những thứ đó không đưa chúng ta đến gần với Phật. 

Chúng tôi nhớ 2 năm trước khi Ngài Hộ Giác tịch có những lần chúng tôi nói chuyện với Ngài thì Ngài thích tụng bài kinh Girimànanda. Khi tụng kinh Girimànanda Ngài hay nói về những sự bất tịnh của cơ thể. Thật ra, có lẽ là vì chúng tôi quá thương Ngài, Ngài như ông Cha ông Thầy khi ở gần mình không thấy có cái gì gọi là bất tịnh. Thật sự thì Ngài cũng rất sạch sẽ nhưng phải nói rằng cái thân khi nhuốm bịnh thì  có đủ thứ chuyện, khi đi lọc máu thì máu trong người chảy ra. Hồi Ngài còn trẻ Ngài nổi tiếng là vị Pháp Sư có ngoại hình rất thanh nhã rất thanh lịch bây giờ nhìn cái thân đúng như lời cảm nhận của Ngài; da cằn cỗi đổi đồi mồi rồi trốc lên. Chúng ta mới thấy được là ở trong cuộc sống nhìn ở bên ngoài không nhìn thấy được cái bất tịnh của thân, cái mà gọi là cái đẹp cái mĩ miều của chúng ta nó chỉ bên ngoài và chỉ một thời một khắc. Hôm nào đó, mình thử ngủ buổi sáng thức dậy chưa tắm rửa nhất là những người thường trang điểm mà chưa trang điểm chưa tắm rửa thì lúc đó chúng ta thấy nó bất tịnh.  Đức Phật Ngài dạy chúng ta nên dùng cái tướng của sự bất tịnh đó để chúng ta thấy mẫu số chung là những sắc pháp dù quá khứ, hiện tại, những sắc uẩu dù quá khứ, hiện tại, vị lai, bên trong, bên ngoài, thô thiển, vi tế, hạ liệt, thù thắng, gần xa thì chỉ là sự bất tịnh mà thôi.

 Với một hành giả tu tập hiểu rằng sự dính mắc vào những cái đẹp, dính mắc vào những cái khả ái luôn luôn là sự đe dọa rất lớn đối với sự tu tập, nó chi phối rất lớn đối với chúng ta, và một cách tốt nhất để đối phó với sự chi phối đó là quán bất tịnh. Ban đầu thì không có dễ, ban đầu chúng ta cảm thấy thật là khó tại vì ai trong chúng ta cũng cần đẹp, ai trong chúng ta cũng muốn thấy là mình khả ái do vậy chúng ta thường khỏa lấp nó bằng cách trau chuốc, bằng cách tắm rửa, bằng cách điểm trang, bằng cách ăn diện. Nhưng kỳ thật nếu chúng ta thường xuyên sống với quán bất tịnh thì mình thấy cái mà mình thích nhất, cái mà mình hoan hỉ nhất, cái mà mình thường qúi trọng nhất đó là thân của mình như vậy thì thân của tất cả mọi người cũng vậy, người đẹp cũng 32 thể trượt mà người xấu cũng 32 thể trượt, nam cũng vậy, nữ cũng vậy. Điều đó có thể giúp chúng ta rất là nhiều là bớt đi sự dính mắc. 

Hình ảnh như vậy là hình ảnh của một người tu tập giống như một người đi trên đường, trên con đường đó có những chỗ rất đẹp rất hấp dẫn, nào là hoa cỏ nào là sông suối, nào là cảnh trí hữu tình, nhưng nếu chúng ta không tiếp tục lên đường mà dính mắc ở lại những nơi đó thì rồi cuối cùng chúng ta sẽ dang dở và ở tại chỗ đó không phải là chỗ mình ở lại. Tưởng tượng mình đi gặp cảnh đẹp và mình ở lại không đi đâu tiếp thì chúng ta không tiếp tục hành trình được không làm được cái gì hết. Chúng tôi nhớ khi còn nhỏ có một vài cảnh tượng rất thú vị là có một vài em bé được cha mẹ dẫn vào chợ thì những em bé này thích ở lại, mà trẻ em cha mẹ chìu rồi sanh tật, đến giờ phải đi về cha mẹ ẵm đi về thì nó không chịu nó khóc nhất định ở lại đó. Thì chúng ta cũng vậy chúng ta thường bị những cuốn hút của cuộc sống làm chúng ta dặm chân, làm cho chúng ta dính mắc, làm cho chúng ta không thể tiếp tục cuộc hành trình, chúng ta giống như một đứa trẻ đến thăm Disneyland rồi ham chơi không chịu về nhưng không thể nào sống ở đó hoài làm sao mà ở trong Disneyland từ ngày này qua ngày kia được, cuộc chơi nào cũng tàn và tất cả những cái đẹp đó trong cuộc sống cũng chỉ là một giai đoạn. 

Thì như vậy để một hành giả có khả năng tiếp tục lên đường, mình sống mà nghĩ đến tịnh tướng tức là nghĩ đến sự mĩ miều sự khả ái thì chúng ta không đi tới được. Thật ra trong cuộc sống ngày hôm nay nhất là chúng tôi có dịp đi thăm Ấn Độ, đi thăm những ngôi làng, đến những ngôi làng đó thì mình mới thấy là tại sao chúng ta ở Mỹ chúng ta bị dính mắc nhiều hơn, bởi vì có những nơi họ quá nghèo, làm ăn lam lũ một nắng hai sương, con người làm lụng vất vả nên con người cũng không có đẹp, nhà cửa không có đẹp, phố xá cũng dơ dáy, chúng ta không dính mắc thì dễ. Nhưng khi chúng ta về một nơi tương đối có tiện nghi vật chất, ra đường thì ở đâu cũng thẳng tắp cũng sạch sẽ cũng lịch sự, về nhà thì nhà cửa cũng rất đẹp, bản thân của mỗi người thì quần áo y phục trau chuốc. Tất cả những điều đó làm chúng ta dính mắc trong đời sống. Nhưng mà rồi tất cả chúng ta hiểu rằng sự dính mắc đó ngăn ngại không cho chúng ta đi tới nữa. 

Nên chi ở trong những điều kiện thuận tiện chúng ta cũng cần quán bất tịnh. Quán bất tịnh ở đây là nhìn thấy đặc biệt những cái gì không khả ái khả ý trên cái thân của mình, cái thân của mình lúc đó chưa tắm, thân mình chưa trang điểm, qua những bài tiết của thân, qua những xuyên xúc qua cái túi da đựng thân này thì ngoài cái da bên ngoài bên trong thì chúng ta thấy nào là máu, mủ, nào là bệnh tật, nào là đủ thứ hết. Nhìn được như vậy thì chúng ta mới nhẹ lòng, tâm chúng ta mới nhẹ nhàng và tiếp tục lên đường. 

Sự dính mắc nó là một trở lực rất lớn làm chúng ta không đi tới được và do vậy tùy quán bất tịnh nó giúp rất nhiều. 

Qúi vị nên nhớ, ở trong bài học này:

Chữ "tịnh giới" ở đây chỉ cho cái gì khả ái khả ý, cái gì đẹp, cái gì mĩ miều, cái gì hấp dẫn quyến rủ thì gọi là tịnh giới.

Tham Tùy Miên là sự dính mắc tiềm ẩn ở trong chúng ta, cái  sự tiềm ẩn đó luôn luôn là cái mà chúng ta phải rất cẩn thận.

2. Tùy Quán về Hơi Thở

 Bây giờ chúng ta nói đến pháp quán thứ hai là tùy quán về hơi thở. Tùy quán hơi thở ở đây là một người có khả năng giảm bớt "hướng ngoại". 

"Hướng ngoại" ở đây là tối ngày chúng ta nghĩ chuyện thiên hạ, chuyện ở bên ngoài mà  không quán chiếu lại chính mình. Chúng ta có một cái bịnh bởi vì chúng ta là người dục giới, chúng ta thường sống với sắc, thinh, khí, vị, xúc, do đó tâm chúng ta hướng ra bên ngoài, khi tâm hướng ra bên ngoài thì bao giờ cũng có vấn đề. Như mình muốn chỉ trích ai đó mình cứ nói về người đó một hồi mình sẽ có lý do để chỉ trích. Người ta nói "bói ra ma quét nhà ra rác", những người có tật ngồi lê đôi mách hay nói chuyện thiên hạ cứ ngồi nói thiên hạ hoài thế nào cũng có chuyện để nói. Tâm chúng ta cũng vậy, tâm chúng ta thường nghĩ chuyện đông, tây, nam, bắc, chuyện ở bên ngoài, và chúng ta càng nghĩ thì  càng lan man, mà càng lan man thì chúng ta càng có những tiêu cực của đời sống. Không  ai ngồi nói chuyện thiên hạ, không có ai ngồi lê đôi mách, không có ai chỉ trích người khác mà càng lúc càng không có vấn đề. Có những người xem chuyện đó như là lẽ sống, sống không thể nghĩ đến chuyện thiên hạ. 

Tại vì sao vậy? Tại vì bản thân của mình không có chỗ để trở về, tại vì bản thân của mình mình không có gì để an trú. Chúng ta phải hiểu rằng tâm hướng ngoại là tâm lan man, tâm hướng ngoại đó là tâm làm cho chúng ta không định tỉnh được. 

Có sự khác biệt giữa một người có tu và một người không tu: Người có tu tập trong ngày ít nhất cũng phải có vài phút, phải có vài giờ mình trở về lại với hơi thở của chính mình. Mình biết và mình ý thức được sự chi phối từ ở bên ngoài, nếu mình sống mà mình cứ lo chuyện thiên hạ mình sống cứ hướng ngoại hoài thì tâm mình không ổn được. Chúng tôi thường thấy một điều là nếu mình thường đọc Phật ngôn, thường đọc kinh sách thì tâm mình hướng về Phật pháp  nhiều hơn, nếu mình thường sống nội tâm hướng vào hơi thở thì tâm mình bớt sự chi phối ở bên ngoài và vì vậy chuyện tu không phải là sự bắt buộc, chuyện tu là phương pháp để chúng ta giảm thiểu sự chi phối. 

Ở đây, niệm hơi thở Đức Phật dạy là: ngồi xuống để niệm trước mặt. Niệm trước mặt là niệm hơi thở qua sóng mũi chẳng hạn, tập trung, có tập trú và không dự phần vào tổn hại. 

Tổn hại ở đây là chúng ta bây giờ ngồi nói chuyện với ai đó mình nói một hồi thì có phiền lụy, nói một hồi có phiền phức tại vì mình nói một hồi thể nào mình cũng chỉ trích người ta, mình chỉ trích người ta cũng là làm phiền cho mình. Sự phiền não đến từ hướng  ngoại rất là nhiều.

 Do vậy, một người có tu tập hiểu được sự an tịnh của nội tâm, ngồi nhìn vào hơi thở, làm bạn với hơi thở, thân thiết với hơi thở, và hơi thở là điểm tựa của mình. Thời giờ rảnh để làm gì, tốt hơn hết mình nhìn vào hơi thở, tốt hơn hết hướng nội, tốt hơn hết quán chiếu toàn thân hơn là nghĩ chuyện của người khác. Chúng ta cứ đem chuyện hàng xóm chuyện người khác ra nói, chúng ta nói không bao giờ hết chuyện, chúng ta càng nói thì chúng ta càng phiền não. Chúng tôi chưa thấy có một ai sống trong cuộc đời mà hay nói chuyện thiên hạ đời sống họ được thăng hoa mà chỉ thấy đi xuống. Và một điều người hành giả tu tập chúng ta phải thấy rằng thế giới này chúng ta có đàm tiếu bao nhiêu, chúng ta có thị phi bao nhiêu, chúng ta có chỉ trích bao nhiêu cũng vậy thôi, mình đừng nghĩ chuyện đó quá quan trọng để mà mình làm. Cái chuyện quan trọng nhất là mình trở về với tâm định tỉnh. 

Thật ra bài Phật ngôn này là một bài thần chú chúng ta nên tụng, nên là những câu kinh nhật tụng để chúng ta thường tụng. Bài kinh này nếu chúng ta đọc rất kỹ, rất là quan trọng đối với một hành giả tu tập, chỉ riêng về niệm hơi thở thôi Đức Phật dạy rằng:

- "Khéo an trú hơi thở vô hơi thở ra, đặt niệm trước mặt hướng về nội tâm thời các tâm hướng ngoại dự phần vào tổn hại không có". 

Tâm mà hướng ngoại tâm dự phần vào tổn hại không có nhờ sự an trú vào hơi thở. Ở đây chúng ta hiểu như vậy. Tâm của chúng ta không có chỗ tựa không có chỗ cột thì nó sanh sự. Qúi vị có con nhỏ, qúi vị không có một công việc cho nó làm như là học bài hay làm việc này việc kia để nó lang bang hồi sanh sự đâm ra có vấn đề. Tâm chúng ta cũng vậy, tâm chúng ta nếu không có chỗ nương tựa thì nó có vấn đề. Chúng tôi nói là không phải chi với một người  phàm mà ngay cả bậc thánh giải thoát khi các Ngài bình thường không có gì các Ngài luôn trú vào hơi thở, có một lần tôn giả Xá Lợi Phật ngồi trước Đức Phật ngồi cách Đức Phật không xa và trong lúc Đức Phật yên lặng thì Tôn Giả Xá Lợi Phất cũng yên lặng và Ngài nhìn vào hơi thở thì Đức Phật Ngài dạy chư tỳ kheo là phải học tập điều đó như Tôn Giả Xá Lợi Phất. Không phải như chúng ta lúc rảnh quá không có việc gì để làm rồi suy nghĩ miên man, rảnh quá không có chuyện gì làm nghĩ chuyện thiên hạ, rảnh quá không có chuyện gì làm thì chúng ta sanh ra phiền não. Thì nếu có được thời giờ như chờ đợi ở bến xe, chờ đợi đâu đó thì hướng tâm vào mình đang thở vào hay thở ra. Quán niệm hơi thở rất là mầu nhiệm.

3.Tùy Quán Vô Thường.

Tùy quán thứ ba ở đây Đức Phật dạy đó là "tùy quán vô thường đối với tất cả các hành, thời vô minh trừ diệt, minh được khởi lên". Tuỳ quán vô thường hay nói rõ hơn là tùy quán đối với sanh và diệt, nói rõ hơn nữa đó là với một sự khởi sanh chưa có bây giờ có gọi là sanh, rồi có rồi biến mất gọi là diệt. 

Thật ra, đối với các vị thiền sư cái minh và cái vô minh dễ định nghĩa, cái vô minh có nghĩa là sanh không biết diệt không hay còn minh có nghĩa là thấy rõ sanh và diệt. Bây giờ mình sống trong một ngôi nhà mà cái gì hư, cái gì thay đổi, cái gì chuyển biến chúng ta cũng không biết. Có một số vị sống ở trong chùa sống bằng tâm gọi là vô tâm, vô tâm là sự nguy hại, sự an nguy sự mất mát ở trong một ngôi chùa mà mình là vị tu sĩ sống trong chùa mình không cần biết mặc dầu đó là chỗ mình sống. Có những người sống ở trong một ngôi nhà mà người ta đi ra đi vô mình cũng không biết. Hồi nhỏ chúng tôi có nghe ông ngoại nói một câu "ở nhà thì con cái thì không có mắt, cha mẹ thì có một mắt mà ăn trộm có hai con mắt, ăn trộm thì để ý rất chi tiết cẩn thận còn người chủ nhà cũng có con mắt để ý nhưng lo chuyện khác còn con cái thì mù không để ý", cái chuyện sanh không biết diệt không hay đó là cái chuyện che mắt chúng ta tại vì chúng ta không tỉnh táo, chúng ta không ý thức rõ cái gì sanh cái gì diệt. Một niềm vui sanh khởi tự nhiên mình cảm thấy mình vui mình không biết tại sao mình vui, lúc mình buồn mình không biết tại sao mình buồn và niềm vui đó tan biến lúc nào mình cũng không biết, nó đến lúc nào không biết, lúc nó tan biến lúc nào mình không biết. Thì mấu chốt của cuộc sống đó là sanh và diệt, hễ mình nhìn thấy rõ sanh và diệt thì mình giảm bớt sự chi phối của vô minh nhưng mà nếu sanh không biết diệt không hay thì cái đó là dấu hiệu của vô minh.

Về điều này thì Phật học cho chúng ta một lý giải rất khác biệt qua cái nhìn bình thường. Đối với người bình thường thì sự sáng suốt nó nằm ở chỗ nào? Sự sáng suốt nằm ở học nhiều hiểu rộng, sự sáng suốt là mình xem một cuốn phim ý nghĩa, đọc một cuốn sách hay, sự sáng suốt ở đây có nghĩa là mình có khả năng làm chuyện gì đó một cách tài tình.
Nhưng mà riêng đối với Phật Pháp cái chữ sáng suốt đó là cái sự vắng mặt của Vô Minh và sự vắng mặt của vô minh ở đây là thấy rõ được Sanh và Diệt, thấy rõ được cái gì đến cái gì đi.

Đơn giản như vầy, cuộc sống của chúng ta luôn luôn là sự đắp đổi của nhiều yếu tố hiện hữu, mình thấy mình ngồi, khi bắt đầu vào ngồi mình cũng ý thức là mình sắp ngồi,  và khi mình đứng dậy đôi khi mình quên đi là mình đã không ngồi nữa, mình không ý thức được sự vận hành sự thay đổi của đi đứng nằm ngồi. Những cái vui buồn, không vui không buồn, sự luân chuyển đó chúng ta cũng không để ý lúc nào cái vui đến, lúc nào cái vui đi, lúc nào cái buồn đến, lúc nào cái buồn đi, hơi thở ra vào chúng ta cũng không ý thức và hầu như ít khi chúng ta nhìn thấy được sự sanh diệt ở trên thân và ở trong giờ phút này. Và tùy quán về sự vô thường Đức Phật cho chúng ta biết giúp cho chúng ta rất là nhiều để giảm thiểu sự chi phối của vô minh, chẳng những giảm thiểu được sự chi phối của vô minh mà còn làm cho chúng ta đến một mức độ chúng ta gọi là tỉnh giác.

Thật ra chữ Buddha là Phật Đà hay là bậc giác ngộ, bậc tỉnh thức, bậc luôn luôn thấy rõ thấy biết, không quên mình. Thì ở một mức độ sâu lắng nhất là một người tỉnh giác một người thấy rõ cuộc sống là một người thấy được sự sanh diệt, thấy được sự sanh diệt đó là tùy quán về sự vô thường, chúng ta hãy nhìn lại chung quanh những gì vốn đã có bây giờ không còn nữa, một người rất thân của mình hay là thưa qúi vị tuần vừa rồi cách đây một tuần chúng tôi đi với một số Phật tử sang Âu Châu ngồi trên một chuyến xe lửa ở Thụy Sĩ cảnh núi đồi ở chung quanh rất là hữu tình một ngày đẹp trời qúi vị ngồi uống một tách trà uống ly cafe ở trên xe lửa qúi vị nói ở đây giống như thiên đàng. Bây giờ nhìn lại thì nó chỉ là một dĩ vãng một quãng thời gian và bây giờ nó đã là quá khứ, hiện tại nó không còn nữa. Chúng ta thấy nó trợt đến trợt đi, nó trợt ẩn trợt hiện, cuộc sống nó là như vậy và khi nào chúng ta ý thức được"àh, hồi nãy cái này nó không có bây giờ nó có nó đang sanh khởi nó vừa sanh khởi, và bây giờ hồi nãy nó có bây giờ nó không còn nữa đó là diệt, chúng ta thấy được đầu mối sanh và diệt.

Thì bài kinh này Đức Phật Ngài dạy cho chúng ta về ba trang bị của hành giả tu tập: Trang bị đầu tiên nói về tùy quán bất tịnh. Chúng ta nhớ tùy quán ở đây tức là sự quán chiếu có chiều sâu, sự quán chiếu thẩm thấu, sự quán chiếu như thực, sự vật như thế nào mình nhận nó như vậy gọi là "tùy quán - anupassanà" rất là quan trọng và chúng ta đọc kỹ đoạn này thì chúng ta thấy rằng đây  lời kêu gọi của Đức Phật:

"Này các Tỳ Kheo, hãy sống tùy quán bất tịnh trên thân (trên thân tức là trên chính bản thân của mình) hãy khéo an trú niệm hơi thở vô hơi thở ra, đặt niệm trước mặt, hướng về nội tâm; hãy sống tùy quán vô thường trong tất cả các hành"

Quán bất tịnh thì quán trên thân của mình, từ thân mình mình thấy rõ sự thực là vậy. An trú chánh niệm ở hơi thở vô và hơi thở ra, đặt niệm trước mặt hướng về nội tâm. Và rồi quán vô thường đối với tất cả các hành, đối với tất cả pháp hữu vi, đối với tất cả những cái mà người ta gọi là thọ tưởng hành thức hay là danh sắc. Chữ các hành ở đây nó nhiều phạm trù, chúng ta hiểu nó là danh sắc, hiểu là năm uẩn. Thì thưa qúi vị Đức Phật cũng dạy rõ thêm:

-  "Này các Tỷ-kheo, khi sống tùy quán bất tịnh trên thân tham tùy miên đối với tịnh giới được đoạn trừ" . Khi mình quán bất tịnh trên thân này thì cái dính mắc cái tham ngủ ngầm, tham tùy miên đối với những cảnh khả ái khả ý được đoạn trừ.

 "khi khéo an trú niệm hơi thở vô hơi thở ra, đặt niệm trước mặt, hướng về nội tâm, thời các tâm hướng ngoại, dự phần vào tổn hại không có". tâm hướng ngoại ở đây tức là tâm lông bông tâm miên man.

 "dự phần vào tổn hại" tức là nó tạo ra những phiền lụy rắc rối cho mình và cho người khác không có, một người mà thường niệm hơi thở thì bớt đi việc đó.

 "Khi sống tùy quán vô thường trong tất cả các hành thì vô minh được trừ diệt, minh được khởi lên". Sống mà thấy rõ sanh diệt của các pháp, cái sanh và cái diệt thì vô minh được trừ diệt và minh sanh khởi.

Những điều này không có xa lạ, những điều này không phải thế giới xa xôi với người Phật tử thường tu học, nói lên những điều rất gần rất cụ thể. Chúng ta tự hỏi mình tu mình có cái gì để mình làm hành trang, có cái gì gọi là cái sở  đắc để mình có thể xử dụng được khi mình cần, thì đó là khả năng tùy quán bất tịnh, đó là khả năng tùy quán hơi thở, đó là khả năng tùy quán vô thường, nếu chúng ta có được 3 pháp tùy quán này thì chúng ta có thể đương đầu với sự dính mắc đối với những điều quyến rủ đối với cám dỗ để chúng ta tiếp tục lên đường và để chúng ta có khả năng hướng nội bớt đi những cái miên man viễn vông ở bên ngoài tạo ra cái phiền lụy cho mình và người khác, và để cho chúng ta thắp sáng được trí tuệ diệt trừ vô minh. Ba pháp này thật ra là 3 điều rất là lợi lạc cho bất cứ hành giả tu tập nào.

Quán bất tịnh trên thân,
Niệm thở vô thở ra,
Tịnh chỉ tất cả hành,
Thường nhiệt tâm, chánh kiến,
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Ðã thấy rất chơn chánh,
Từ đấy ở nơi đây,
Vị ấy được giải thoát,
Thắng trí được thành tựu,
Lắng dịu thật an tịnh,
Vị ẩn sĩ như vậy,
Chắc vượt khỏi ách nạn.

Chúng tôi không biết rằng qúi Phật tử ở trong rơom ở đây qúi vị đến từ nơi nào, có thể qúi vị đang ở là buổi sáng, có thể là buổi tối hoặc buổi trưa nhưng ở trong cuộc sống của chúng ta có những giờ phút an lạc, chúng ta đọc những câu Phật ngôn này chúng ta nhớ rằng Đức Phật là một vị Chánh Đẳng Chánh Giác điều mà Ngài dạy mang lại cho chúng ta những giá trị thật sự trong cuộc sống những giá trị đó do Đức Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tiền vượt ngoài thời gian đến để chứng nghiệm hiện năng hướng thượng và được nhận biết bởi người có trí. Chúng ta đọc kỹ câu kinh này, chúng ta nghiệm thử bài kinh này, có giống với những điều Phật dạy như vậy không, những bài kinh này phải được khéo thuyết, có phải thiết thực hiện tiền, có phải vượt ngoài thời gian, có phải đến từ chứng nghiệm, có phải có hiệu năng hướng thượng, có phải chứng bởi bậc trí không? Chúng ta thấy được điều đó chúng ta mới thấy được tinh hoa của Phật Pháp chúng ta cảm nhận được chúng ta mới thấy cái lợi lạc mà Đức Phật Ngài đã dạy cho chúng ta.

Và chúng ta mong rằng 3 pháp này sẽ là 3 pháp trang bị cho tất cả những người con Phật cho tất cả những người tu tập và chúng ta thấy rằng ở trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta đừng nói rằng mình tay không mình phải đối diện với kẻ thù, thật ra đối diện với ma chướng thì chúng ta cần có cái trang bị của mình và mong chúng ta lên đường dũng cảm được trang bị đầy đủ giống như một chiến sĩ thiện chiến sẵn sàng đối đầu với quân địch ./.