Monday, October 13, 2014

Truyền thống chánh pháp đúng nghĩa là gì?

Hỏi: Truyền thống chánh pháp đúng nghĩa là gì? - TT Tuệ Siêu

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 5-10-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Tuệ Siêu: Khi nói đến truyền thống chánh pháp chúng ta nên y cứ vào điều Đức Thế Tôn dạy. Ở đây, trong Tương Ưng Bộ kinh ghi một lần nọ các vị Tỳ Kheo sau khi đi khất thực trở về còn sớm các vị ghé ngang qua khu vực của các du sĩ ngoại đạo, các vị du sĩ ngoại đạo hỏi rằng:

- "Này các hiền giả, các hiền giả vì mục đích gì đã sống phạm hạnh dưới sự hướng dẫn của Samôn Gotama ".

Các vị Tỳ kheo đáp rằng:

-  "Chúng tôi vì mục đích liễu tri khổ, đoạn tận khổ nên đã sống đời sống phạm hạnh dưới sự hướng dẫn của Đức Thế Tôn".

Các vị Tỳ Kheo sau khi đàm luận vài ba việc với các du sĩ đó rồi trở về bạch với Đức Phật: 

- "Bạch Đức Thế Tôn, khi các du sĩ ngoại đạo hỏi như vậy thì chúng con nói là vì mục đích liễu tri khổ, đoạn tận khổ cho nên chúng con sống đời sống phạm hạnh dưới sự hướng dẫn của Đức Thế Tôn. Nói như vậy, chúng con có nói đúng pháp không, có đúng như lời dạy  của Đức Thế Tôn không. Hay là chúng con có phản bác lại pháp của Đức Thế Tôn không?"

Đức Thế Tôn xác nhận rằng: 

"Này các Tỳ Kheo, các ngươi trả lời như vậy là đúng pháp không có phản bác lại pháp của Như Lai".

  Đức Phật Ngài dạy thêm rằng:

 "Này các Tỳ Kheo, nếu như các du sĩ còn hỏi thêm các người: - Vậy có con đường nào để đưa đến đoạn tận khổ, liễu tri khổ không? thì các ngươi hãy trả lời "có, đó là con đường Bát Chánh Đạo là Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định".

Hai sự kiện này, mục đích tu tập phạm hạnh là để đoạn tận Khổ và con đường đưa đến mục đích đó chính là Bát Chánh Đạo. Trong một bài kinh khác cũng nằm trong Tương Ưng Bộ kinh Đức Phật Ngài dạy rằng:

- " Này Ananda, Như Lai đã thiết lập một con đường và Chư Phật cũng đã vạch ra thiết lập con đường tu tập đó là gì? Đó là Bát Chánh Đạo: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định. Này Ananda, đó là truyền thống Như Lai thiết lập cho các ngươi, các ngươi chớ là kẻ tối hậu của truyền thống này". 

Là kẻ tối hậu có nghĩa chúng ta là người sau cùng làm cho con đường Bát Chánh Đạo đó bị mai một, con đường đó bị khuất lấp. 

Thì ở đây. Truyền thống chánh pháp đúng nghĩa đó chính là con đường thực hành để đưa đến liễu tri, đoạn tận khổ là Bát Chánh Đạo, là giới định tuệ, đó là truyền thống chánh pháp Đức Phật Ngài đã vạch ra, Ngài đã nêu lên. Thì ở đây, còn nhiều vấn đề khác nhưng tựu trung lại  chúng ta nhớ rằng Đức Phật dạy:

-  "Này các Tỳ Kheo xưa và nay Như Lai chỉ dạy hai điều KHỔ và SỰ DIỆT KHỔ".

Đó chính là truyền thống của chánh pháp. Không phải khi người ta hỏi về chánh pháp chúng ta cứ nói hãy tu tập theo hệ phái này là chánh, hệ phái kia là tà là lai căn v.v... hay chúng ta tu theo bộ kinh này bộ kinh kia, đó là chúng ta nói cái vỏ ở bên ngoài không có cái gì là cơ sở, bậc trí họ nghe như vậy họ sẽ mỉm cười. Chúng ta hãy nghĩ về thực chất ở bên trong là Đức Thế Tôn đã KHỔ và SỰ DIỆT KHỔ thì đó chính là truyền thống.

Và Đức Phật Ngài cũng dạy lời dạy cuối cùng khi du sĩ Subhadda hỏi Đức Phật.

-  "các vị giáo chủ ngoại đạo họ có thể chứng được đạo quả hay không?"

  Đức Phật Ngài khuyên: 

- "Đừng có hỏi câu hỏi đó Như Lai sẽ thuyết cho ngươi nghe như thế này. Bất luận trong giáo pháp nào có thực hành Bát Chánh Đạo thì giáo pháp đó có đệ nhất Samôn, đệ nhị Samôn, và đệ tam Samôn, đệ tứ Samôn, Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, Alahán, và này Subhadda cho đến khi nào trong thế gian này còn có người thực hành theo Bát Chánh Đạo thì cho đến khi ấy thế gian không có vắng bóng vị Alahán". 

Thì rõ ràng là ở đây chúng tôi muốn đưa lên truyền thống chánh pháp đúng nghĩa tức là con đường đưa đến sự diệt khổ đó là Bát Chánh Đạo ./.

No comments:

Post a Comment