Tuesday, October 28, 2014

Pháp nhẫn nại rất quan trọng với người tu tập

 Hỏi: Pháp nhẫn nại rất quan trọng với người tu tập 

(Câu thảo luận trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 19-10-2014, Minh Hạnh chuyển biên)

TT Giác Đẳng: Trong cuộc sống chúng ta sống chúng ta càng hiểu được sự nhẫn nại rất ư quan trọng đối với người tu tập. Đức Phật Ngài trong rất nhiều đoạn kinh Ngài đề cập đến sự nhẫn nại không phải chỉ quan tâm đến sự giao tiếp với người khác mà mình phải nhẫn nại với những khó khăn từ bản thân của mình với chính mình, với những sự thiếu thốn triền miên của đời sống vị tu sĩ. 

Thí dụ, buổi sáng mỗi ngày có cafe uống bây giờ không có cafe chúng ta khó chịu, đó cũng là cái để chúng ta thực hành sự nhẫn nại của mình. Hay hoặc giả chúng ta quen sống với tiện nghi bây giờ đến chỗ nào không có tiện nghi mình phải nhẫn nại chịu đựng. Thật ra thời Đức Phật còn tại thế cái nóng cái lạnh của Ấn Độ cũng giống bây giờ. Ngày hôm nay nếu chúng ta có dịp đi sang xứ Ấn Độ sẽ thấy chung quanh châu thổ sông Hằng trời nóng thì rất nóng và trời lạnh thì rất lạnh, vị nào đi hành hương vào cuối năm sang Ấn Độ sẽ rất thích vì cảm nhận khí hậu mát mẻ khô ráo, nhưng chúng tôi nói chuyện với những người sống lâu ở đó họ phải chịu đựng cái nóng chảy mỡ vào mùa hè và cái lạnh vào mùa đông thì lạnh buốt xương. Sự chịu đựng với thời tiết với muỗi mòng nắng gió cũng là một sự chịu đựng rất quan trọng.

Hay hoặc giả đời sống chúng ta có nhiều chuyện không như ý, có những ngày liên tục nhiều chuyện xảy ra, không có việc nào làm hài lòng chúng ta, những lúc đó chúng ta đâm ra bực bội cáu kỉnh, chúng ta phải nhớ rằng đó là những dịp để chúng ta thực hành hạnh nhẫn nại. 

Đôi khi có những người họ tấn công đả kích họ trêu ghẹo mình xem ra tuy là lớn chuyện nhưng không bằng cá nhân của mình trong những khó khăn trong những hoàn cảnh không được như ý. Một điểm điển hình Đức Phật Ngài dạy: "Một vị tỳ kheo tu tập khi có đầy đủ 4 món vật dụng tức là đầy đủ về y phục, thực phẩm, chỗ ở, và thuốc men mà vị đó sống thái độ kham nhẫn sống với thái độ an hoà thì Như Lai chưa gọi vị Tỳ Kheo đó là kham nhẫn, cho đến khi nào sống trong điều kiện thiếu thốn thì mình mới thấy sự kham nhẫn như thế nào"

Ở bên Mỹ,  thành phố New Orleans là thành phố có nhiều dân Việt Nam định cư. Khi bão Katrina tàn phá thành phố, rất nhiều người tập trung vào các trung tâm trốn bão. Ở trong trung tâm trốn bão cái gì cũng thiếu thốn, về chỗ ở, về thức ăn, và phải chờ đợi và chờ đợi. Chúng ta sống ở một quốc gia đầy đủ thì thật sự bữa ăn không có nghĩa gì hết nhưng khi cơn bão kéo đến tàn phá thành phố chúng ta sống trong một nơi như trại tạm cư để trốn bão thì chúng ta thấy bản năng của con người khi đói mình dễ cau có dễ bực bội với những người chung quanh mình. 

Như chúng ta làm việc trong paltlak rơom Phật Pháp Buddhadhamma đối với nhiều Phật tử thì ở đây chỉ là ảo thôi nhưng rồi có những ngày rất hoan hỉ, có những ngày Sư Trưởng cầm mic nói được, TT Tuệ Siêu vào cũng thoải mái, rồi TT Pháp Tân, TT Pháp Đăng, TT Tuệ Quyền, ĐĐ Pháp Tín tất cả mọi người đều vào hết thì thật hoan hỉ, chúng tôi gọi đó là ngày đẹp trời. Nhưng cũng có những ngày bị trục trặc nghĩa là giảng sư thì thiếu mà đường truyền thì off and on, và thậm chí những người Phật tử cũng ít người, và ở trong rơom cũng bị trục trặc kỹ thuật khi nói nghe được khi không. Lúc đó chúng ta cần sự kiên nhẫn, lúc đó chúng ta cần một thái độ rất nhẹ nhàng, đó là lúc chúng ta tu tập hạnh nhẫn nại chứ không phải chờ đến người khác họ chửi mắng chúng ta mới tu tập được. Tại vì hoàn cảnh không có như ý. Ai trong chúng ta cũng mong hoàn cảnh như ý. Nhưng cuộc sống không được thuận buồm xuôi gió, không được mọi thứ đều thuận hết, thì chúng ta nên hiểu và chúng ta nên chấp nhận. 

Đời sống con người không phải lúc nào cũng dễ chịu, nhiều lúc có những việc rất khó nếu chúng ta lợi dụng được thì chúng ta rất có thể tu được hạnh nhẫn nại. Thí dụ như mình đi một chuyến đi xa và trong chuyến đi xa đó hoặc là quá trễ hoặc là quá sớm hoặc là quá dư hoặc là thiếu hoặc thế này hoặc thế kia, ngày hôm nay chúng ta sống thời đại có rất nhiều tiền bạc có rất nhiều tiện nghi và chúng ta hay thường dùng tiền bạc để giải quyết khiếm khuyết những  thiếu thốn trong cuộc hành trình và chúng ta cũng thấy được rằng chính là do khả năng giải quyết đó làm cho chúng ta thiếu sự kiên nhẫn. Mình lên chiếc xe  ngồi, mình nóng lòng thì cũng đi đến chỗ mà không nóng lòng mình cũng đi đến chỗ, nhưng lên xe lại nóng lòng về vấn đề chừng nào tới, còn bao lâu tới, những lúc đó mình có đặt vấn đề còn bao lâu nữa tới hay là thế này thế kia nó cũng vậy thôi, tại vì mọi việc tùy vào tài xế, mọi việc tùy vào điều kiện đường xá. Nhưng chúng ta vẫn nóng lòng, mình đến đó cũng vậy mình ngồi trên xe cũng vậy.

 Do vậy, việc tu tập nhất là niệm hơi thở giúp cho chúng ta rất nhiều. Niệm hơi thở giống như chúng ta đi một hành trình trong cuộc đời mình vội vã cũng vậy không vội vã cũng vậy lúc nào chúng ta cũng thở, lúc nào cũng có hơi thở ra tiếp nối hơi thở vào, hơi thở vào tiếp nối hơi thở ra, chúng ta phải quan tâm phải bình tâm để nhìn vào hơi thở, nhìn thật khách quan thật tỉnh táo và thật nhẹ nhàng, cứ thở và nhìn hơi thở, hơi thở vô biết thở vô, hơi thở ra biết hơi thở ra, tinh tế một chút, hơi thở vô ngắn biết hơi thở vô ngắn, hơi thở ra ngắn biết hơi thở ra ngắn, hơi thở vô dài biết hơi thở vô dài, hơi thở ra dài biết hơi thở ra dài. Và thuần thục hơn tinh tế hơn thì chúng ta có thể làm một việc khác đó là chúng ta có thể cảm nhận bằng cách nhìn hơi thở và thân của chúng ta là sự vận hành hợp nhất. 

"An tịnh thân hành tôi thở vô, an tịnh thân hành tôi thở ra". Mình thở vào thở ra với thân với hơi thở rất nhẹ nhàng, rất ổn cố không quá nặng nề. "An tịnh tâm hành tôi thở vô, an tịnh tâm hành tôi thở ra". Tức là tâm không còn đòi cái này chạy qua cái kia. 

Chữ "tâm hành" ở đây là sự truy đuổi sự tìm kiếm cái gì để thoả mãn. "Tâm hành" trong đạo Phật Pháp gọi là "vitakka" nghĩa là "tầm cầu". Chúng ta ngồi ở đây nhưng chúng ta nghĩ đến ngày mai ra sao, lát nữa mình đến chỗ như thế nào. Chúng tôi đang đi với một phái đoàn và đang ở tạm trong khách sạn, nãy giờ chúng tôi ngồi đây nói chuyện với qúi vị thì các vị trong phái đoàn text chat hỏi trưa nay mình đi đâu và mình sẽ làm gì? Thật ra những vị đó biết cũng vậy không biết cũng vậy thôi,  tại vì sao vậy? Tại tính của chúng ta như vậy. Chúng ta có những giờ phút thanh thản buổi sáng sớm nếu vị trưởng phái đoàn đang bận thì mình cứ từ từ thong thả trước sau mình cũng đi, trước sau cũng đến và đến đó cũng vậy ngồi đây cũng vậy. Nhưng chúng ta có tính là chúng ta nôn nóng muốn biết là mình sẽ đi đâu và làm gì và sự nôn nóng đó làm cho chúng ta không có an lạc, trong tâm của chúng ta ở hiện tại này không tỉnh táo không chánh niệm. 

Nên sự nhẫn nại, chúng ta khoan nghĩ đến mình phải đối diện với nghịch cảnh, nghĩ đến nhẫn nại một chút với thái độ thư thả, thái độ nhẹ nhàng trong hiện tại này của chúng ta cũng là sự nhẫn nại. Nghệ thuật sống thật ra nằm phần lớn là ở thái độ nhẫn nại. Càng ôn hoà càng chịu đựng càng nhẫn nại thì chúng ta càng thoải mái. Có nhiều người sợ nhẫn nại mình phải gánh nặng nề, chúng ta vốn sợ gánh nặng nhưng chúng ta đổ lỗi cho nhẫn nại, không phải, nhẫn nại không phải làm cho chúng ta thêm gánh nặng thêm áp lực mà nhẫn nại làm cho chúng ta xả bớt áp lực, nhẫn nại làm cho chúng ta thích nghi với hoàn cảnh. 

Trong một mô tả của Vi Diệu Pháp đề cập đến trạng thái tâm tịnh hảo, tâm sở tịnh hảo hay những thuộc tính ở trong có những trạng thái là: Tịnh, Khinh, Nhu, Thích, Thuần, Chánh. 
Chữ tịnh là sự lắng đọng, 
Khinh là sự nhẹ nhàng, 
Nhu là sự mềm mại,
 Thích là thái độ thích nghi, 
Thuần là sự thuần thục, 
Chánh tức là ngay thẳng. 

Những trạng thái đó được mô tả tương đối là từ chuyên môn về những trạng thái tâm, nhưng thật ra nó cũng phản ảnh một phần tâm của chúng ta rất là thoải mái rất là an lạc rất là trong sáng. Đó là tịnh quang hay là tịnh hảo trong sáng tức là đẹp đối với cuộc sống này. Do vậy chúng ta phải tu tập với nhẫn nại chúng ta hãy bắt tay và tu tập tâm nhẫn nại là cứ xem mọi hoàn cảnh như là cơ hội để chúng ta tu tập hạnh nhẫn nại. Không biết là mình tu tập chứng đắc Niết-bàn thì mình sẽ ra sao. Nhưng mình cảm nhận. nếu chúng ta có được chánh niệm, có được sự nhẫn nại chúng ta sẽ có được hương vị của chánh pháp đi vào cuộc sống của mình . Và mong rằng tất cả chúng ta sẽ đạt đến điều đó. Đó là vài điều chúng tôi muốn chia sẻ ./.

No comments:

Post a Comment