Saturday, July 25, 2015

Tăng Chi Bộ - Kinh Làm Bạn Với Thiện - Như Lý Tác Ý và Giác Chi

Tăng Chi Bộ - Làm bạn với thiện - Như Lý Tác Ý và Giác Chi

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 12-7-2015, Minh Hạnh chuyển biên và biên tập
 (Xin lưu ý: Tất cả những bài chuyển biên này chúng tôi hoan hỷ với những ai tải về trang web nhà, để tôn trọng người chuyển biên xin đề rõ tên người chuyển biên) 

TT Giác Đẳng: Hôm nay chúng ta nói đến 2 phần liên quan đến bài học: một là Như Lý Tác Ý, hai là Giác Chi. 

Giác Chi là những chi phần hay những yếu tố để thành tựu tuệ giác. Yếu tố thành tựu tuệ giác ở đây chỉ cho Thất Giác Chi. 

Thất Giác Chi có: - Niệm Giác Chi, Trạch Pháp Giác Chi, Tinh tấn giác chi, Hỷ giác chi, Khinh an giác chi, Ðịnh giác chi, và Xả giác chi. 

Niệm Giác Chi là khả năng tỉnh táo ghi nhận. Thí dụ, khi mình hướng tâm đến một đối tượng ở thân tâm mình như hơi thở, hoặc bước đi, hoặc cảm thọ thì chúng ta có khả năng nhìn thấy rõ: đây là thọ khổ, đây là thọ hỉ, đây là thọ lạc, đây là thọ ưu, đây là thọ xả v.v... Chẳng những hiểu như vậy chúng ta hiểu được là chúng ta ghi nhận cảm thọ này chưa có bây giờ có là sanh. Và nó có rồi bây giờ chấm dứt gọi là diệt. Thì giống hơi thở vào ra, giống như bước đi, giống như những thao tác lớn nhỏ của chúng ta. Khả năng nhận diện và biết rõ là Niệm Giác Chi. 

Trạch Pháp Giác Chi là yếu tố phân biệt không lẫn lộn pháp thiện hay pháp bất thiện, đây là pháp nên thân cận và đây là pháp không nên thân cận .v.v... 

Cần Giác Chi là yếu tố tinh tấn. Sau khi mình có khả năng nhận rõ thế nào là thiện thế nào là bất thiện, thế nào là những pháp nên thân cận và không nên thân cận thì mình nên đặt sự nỗ lực ở chỗ nào. Giống như một người làm vườn biết rõ trong vườn cây của mình cây nào nên để và cây nào không nên để, mình đã biết rõ như vậy thì rất tinh tấn, rất tinh cần để chặt những cây không nên để và rất tinh cần để trồng những cây nên làm cho tăng trưởng. 

Hỉ Giác Tri là trạng thái hân hoan, trạng thái hoan hỉ. Trạng thái hân hoan là một trong lẽ sống an lạc của một hành giả. Hỉ Giác Tri như một người làm không biết mệt vì lý do thấy công việc mình có kết quả, mình vui với công việc gọi là Hỉ Giác Chi. 

Tịnh Giác Chi hay Khinh An Giác Chi là trạng thái nhẹ nhàng, trạng thái không có yếu tố của phiền não, trạng thái an tịnh nhẹ nhàng như một người sống không bị phiền bị lụy . 

Định Giác Chi là khả năng tập trung trên một đối tượng và tập trung lâu. Thí dụ mình ngồi niệm hơi thở, mình có thể ngồi niệm hơi thở rất lâu hướng tâm đến điều gì, tâm mình không phải muốn chạy đầu này chạy đầu kia mà nó có khả năng an trú trên một đề mục là Định Giác Chi, chúng ta thường gọi có sự bền bỉ là Định Giác Chi. 

Xả Giác Chi là một trạng thái tâm điềm đạm, trạng thái tâm quân bình, trạng thái này giống như một người đã thạo việc, đã thuần thục, do thạo việc nên thuần thục, người này không có những chao đảo, mà đạt đến sự điềm đạm.

Bảy yếu tố của tuệ giác là Niệm Giác Chi, Trạch Pháp Giác Chi, Cần Giác Chi, Hỉ Giác Chi, Tịnh Giác Chi hay Khinh An Giác Chi, Định Giác Chi và Xả Giác Chi là những yếu tố để làm cho sanh khởi và tăng trưởng tuệ giác. Nó tương tự như ngày nay tại các quốc gia phát triển người ta so sánh những phát minh về khoa học, những phát minh dẫn đầu, chúng ta thấy quốc gia nào có những phát minh dẫn đầu thì quốc gia đó thường có nền kinh tế rất mạnh. Bởi do những phát minh mới tạo ra những sản phẩm mới. Và cái gọi là phát minh lệ thuộc vào nhiều yếu tố từ trường học cho đến môi trường kinh tế cho đến những công trình nghiên cứu, những yếu tố này dẫn đến những phát minh. Thì tương tự như vậy, hành giả sống có được tuệ giác để nhìn thấu triệt, nhìn xuyên suốt vấn đề phải có những yếu tố và những yếu tố này giúp cho hành giả nhận diện, giúp cho hành giả khởi sanh lên tuệ giác, yếu tố đó gọi là Giác Chi. 

Trong bài kinh này có gợi ý khác quan trọng là những Giác Chi sanh khởi do Như Lý Tác Ý. 

Lấy ví dụ như Niệm Giác Chi hay Trạch Pháp Giác Chi. Như Lý Tác Ý ở đây được hiểu là khả năng nhìn sự việc một cách tích cực hay một cách khôn khéo.

Một thí dụ đơn giản là có nhiều người nói rằng "con không thể ngồi thiền được vì tâm động quá". Khi mình thấy tâm động do đó quyết định tâm động thì không ngồi thiền nữa, đó là cái nhìn không thiết thực. Bởi vì sao vậy? Bởi vì các vị Thiền Sư đều dạy hễ ngồi thiền là tâm phải động mới bắt đầu là vậy, chúng ta là phàm nhân, nhưng chính vì tâm mình động nên cần phải ngồi thiền và khi bắt đầu ngồi thiền mình phải vượt qua một giai đoạn, giai đoạn đó là giai đoạn buồn chán, giai đoạn vật lộn với chính mình, khi vượt qua giai đoạn đó mình mới có thể tiến tới.

Một ví dụ khác, thường thường hành giả tu tập những lúc tâm bị phiền não nhất là hôn trầm thụy miên hay bị buồn ngủ thì mình lấy lý do tâm mình bữa nay không phấn chấn, tâm mình bữa nay không tích cực do vậy mình nghỉ. Nhưng kỳ thật với một người có tu tập hiểu biết thì chính trạng thái tâm tinh tấn hay dã dượt, tâm có định hay không có định đều là đối tượng của chánh niệm. Vấn đề quan trọng không phải mình phải như thế này mới tu tập chánh niệm, phải như thế kia mới tu tập chánh niệm. Mà vấn đề là cái nào cũng là đối tượng của chánh niệm, cái nào cũng là đối tượng để mình ghi nhận. Điều này như vầy là, vị hành giả có khả năng để phát triển chánh niệm ở trong mỗi điều kiện ở trong mọi trạng thái tâm, và vị hành giả không đặt điều kiện mình phải tốt thế này, mình phải an lạc thế kia, mình phải thanh tịnh như thế nọ mới tu tập chánh niệm, tại vì đối tượng của chánh niệm là tất cả, tu tập chánh niệm không đòi hỏi là mình phải tốt như vậy mình mới tu tập chánh niệm, mình không tốt như thế kia mình không tu tập chánh niệm, không phải như vậy, mà tất cả đều là đối tượng của sự tu tập chánh niệm. Cái nhìn đó gọi là cái nhìn Như Lý Tác Ý, cái nhìn tích cực. 

Có lần chúng tôi đọc câu chuyện của Khuất Nguyên. Là một người bất đắc chí, khi ông cố gắng đem tài sức để giúp cho cuộc đời, nhưng ông thấy cuộc đời nhiễu nhương người ta sống tranh danh đoạt lợi, và tiếng nói của một kẻ sĩ ưu thời mẫn thế như ông không có một ảnh hưởng gì xây dựng được. Ông chèo thuyền trên sông Tương định trầm mình tự tử. Lúc đó có một ông lão chèo thuyền đi ngang hỏi Khuất Nguyên: "tại sao ông muốn tự tử?" Ông nói rằng "cả đời đều đục, chỉ mình ta trong, cả đời đều say, chỉ mình ta tỉnh và do vậy ta chọn cái chết". Ông lão nghe nói như vậy tiếp tục bơi thuyền đi và ông lão hát "Sông Tương nước chảy trong veo. Thì ta lội xuống rửa lèo mũ ta. Sông Tương nước đục chảy ra, thì ta lội xuống để mà rửa chân". Nước trong thì rửa lèo rửa mũ tức là mình giặt khăn và rửa cái nón của mình và nước đục thì rửa chân không cớ gì phải giận nước đục nước trong của sông Tương. 

Dĩ nhiên, đó là câu chuyện mang tánh cách giai thoại. Nhưng riêng đối vớì người tu tập Giác Chi thì phải giống như ông lão nói: trời mưa cũng vậy, trời nắng cũng vậy, vui cũng vậy, buồn cũng vậy, tinh tấn hay không tinh tấn, uể oải hay không uể oải, mạnh hay khỏe tất cả đều là đối tượng của chánh niệm, thắp sáng chánh niệm, tại vì chánh niệm nhận thức đây là tâm thiện, đây là tâm bất thiện, đây là tâm có định, đây là tâm không có định, đây là tâm cao qúi, đây là tâm hạ liệt, nó là cái gì đi nữa chỉ ghi nhận thôi và luôn luôn làm công việc của một người đứng ghi nhận chứ không phải một người mặc cả trả giá đôi co hay đòi hỏi việc này việc khác. Chúng ta phải thấy đa số những căng thẳng những phiền hà đến từ thái độ sai lầm của chúng ta. 

Ví dụ, chúng tôi làm trụ trì khi có chuyện rắc rồi phiền hà xảy ra chúng tôi bực bội nói rằng mình làm trụ trì đã mệt rồi còn gặp những chuyện này nữa mình bực bội, đó gọi là không Như Lý Tác Ý. Khi làm trụ trì gặp chuyện khó khăn phiền hà mình nói "đây chính là công việc trụ trì phải làm", làm trụ trì mình giải quyết những khó khăn phiền hà, đó là chuyện tự nhiên, nếu không khó khăn không có phiền hà thì không ai cần vị trụ trì, làm trụ trì là phải đối mặt với những chuyện đó gọi là Như Lý Tác Ý , vai trò của mình phải làm, ngồi đó trách móc cằn nhằn để làm gì , để phiền hà thêm chứ không được gì hết. Ở trong tất cả mọi trường hợp, ngồi xuống giải quyết làm được cái gì cần phải làm, không phải gặp khó khăn mình than thở hay cằn nhằn, than thở với ai và cằn nhằn với ai mà là trách nhiệm của mình. Đó là chúng ta gọi là cái nhìn tích cực. Hay chúng tôi lấy ví dụ những vị có trách nhiệm điều hành công việc trong room, có thể là qúi vị vào làm việc có những lúc thiếu người giúp đỡ hay có những chuyện phiền này hay phiền khác rồi qúi vị nói tại sao có nhiều chuyện phiền như vậy, nhưng công việc của tri chúng là gì? công việc của tri chúng là giải quyết những chuyện đó, công việc của tri chúng là mình có mặt để xử lý những chuyện như vậy, nếu không xử lý những việc như vậy đâu ai cần đến mình . 

Nói chung, một người tu tập Giác Chi người đó rất cần Như Lý Tác Ý để có thể vượt qua những rào cản, để vượt qua những gì mình nghĩ khó khăn. Nói cho cùng là mình tự đặt điều kiện cho mình, điều kiện tôi không thể làm thế này, tôi không thể tu thế kia, không thể tu thế nọ là bởi vì, tại, bị, là lý do này lý do khác. Đối với cái nhìn Như Lý Tác Ý là cái nhìn phải vượt qua điểm đó. 

Có người hỏi Ngài Ajahn Chah là "con bận quá con không có thì giờ để ngồi thiền" Ngài hỏi "có thì giờ để thở không?", người đó trả lời "dạ có", Ngài trả lời "có thì giờ để thở thì có thì giờ ngồi thiền được". Đơn giản như vậy, hễ mình muốn chuyện đó thì mình làm được mà mình không muốn thì không làm được. Chúng tôi lấy ví dụ, bây giờ có nhiều người rất thích sài Ipad, rảnh thì giờ là dùng Ipad, vì thích Ipad. Nhưng nếu họ không thích Ipad thì họ nói không rảnh thì giờ để học cách dùng Ipad vì tôi bận lắm bận việc này việc kia tôi không thể đụng vào Ipad. Nhưng nếu mình thích thì tìm mọi giá, mọi thì giờ, mình sẽ học được, và sẽ làm được. Con người mình là vậy, hễ mình đặt trọng tâm ở đó mình quyết tâm làm việc đó thì mình sẽ làm được, mà mình không thấy được cái lợi lạc của nó thì mình không bao giờ muốn dự vào, mà khi mình quyết tâm làm thì cái gì mình cũng làm được, mình phải hiểu như vậy. 

Chúng tôi có đọc ở câu chuyện Siddhartha của Hermann Hesse trong câu chuyện Tất Đạt với Kiều Lan. Tất Đạt đưa ra hình ảnh một viên sỏi quăng xuống hồ tự nó sẽ tìm tới đáy, đó là bản chất tự nhiên như vậy. Đời sống một vị Samon khi có một ý hướng rõ ràng của mình thì tự mình biết sẽ làm việc gì. Quan trọng là thái độ của chúng ta, sự nhận thức của chúng ta, mình tu mình hiểu việc gì phải làm. Mình phải hiểu những cái ngăn ngại nó đến từ thái độ của mình, từ cái nhìn của mình, tôi phải có cái này tôi mới làm, phải có cái kia tôi mới làm, tôi có thế này mới hạnh phúc, tôi không có cái kia không hạnh phúc, đó là tự mình làm khó mình, tự mình đặt điều kiện với chính mình, tự mình làm hàng rào cho mình. Và pháp Như Lý Tác ý hay là chánh tư niệm giúp cho chúng ta vượt qua những hàng rào đó, ở đây không phải là chuyện đơn giản. 

Chúng ta nghe những câu chuyện như bà hoàng phi Khema, một người rất thông tuệ nhưng qúi trọng sắc đẹp và không bao giờ muốn đến nghe Đức Phật thuyết pháp. Đức Phật Ngài đã dùng thần thông cho bà thấy hình ảnh của hai cô thiếu nữ từ tuổi trẻ cho đến tuổi già cho đến khi biến thành tử thi. Lúc bấy giờ bà vượt rào cản trở thành một vị tỳ kheo ni. Thật ra không phải bà không có đủ khả năng để nhận thức ra sanh lão bệnh tử nhưng vấn đề bà có những mặc cảm, mặc cảm đối với sự thật, mặc cảm đối với sự việc. Mặc cảm đó khiến cho mình không muốn nhập cuộc, không muốn lên đường, không mở mắt lớn ra để nhìn sự thật đó. Tất cả những người tu tập đều phải ý thức người cản trở mình nhiều đó là bản thân của mình, người khiến mình không tu được, không an lạc được chính là bản thân mình. Và Như Lý Tác Ý là khả năng để chúng ta thấy được điều đó, Như Lý Tác Ý là khả năng để chúng ta vượt qua điều đó. Đặt lại cái nhìn thôi, trời nắng cũng được, mưa cũng được, siêng cũng được, biếng cũng được, vui cũng được, buồn cũng được. Vấn đề không phải nó là cái gì, vấn đề là mình có thắp sáng được chánh niệm nhìn nó hay không, và luôn luôn mình phải tìm cách vượt qua cái nhìn tiêu cực.

Người sống Như lý Tác Ý họ có nhiều điều tốt. Bà Visàkhà cùng người tì nữ đến chùa nghe Đức Phật thuyết pháp, bà giao cho nàng tì nữ giữ áo của bà, trong lúc đó nàng tì nữ cũng mải mê nghe pháp khi về để quên cái áo thì bà dặn trở lại để tìm nếu còn đó thì lấy về, nếu Chư Tăng đã đụng tới rồi thì bà sẽ cúng dường Tam Bảo chiếc áo đó. Khi trở lại biết Tôn Giả Ananda đã cất rồi bà quyết định bán chiếc áo và dùng số tiến bán chiếc áo để xây ngôi chùa về sau này gọi là chùa Đông Phương Tự. Và thay vì trách móc cô tì nữ thì bà Vishaka lại xây chùa xong cám ơn người tì nữ đã tạo cơ hội cho bà làm phước. Thật ra trong hoàn cảnh nào cũng vậy, nhiều khi chúng ta để ý chút xíu chúng ta thấy rằng nó không có tệ giống như chúng ta nghĩ, nó vẫn có yếu tố tích cực. Người ta nói chuyện gì cũng có hai mặt của nó, mặt trái mặt phải và chúng ta muốn nhìn mặt nào là cái nhìn của chúng ta. 

Khi ở gần Ngài Hộ Giác có nhiều lần chúng tôi thấy người Phật tử bị tai nạn xe cộ họ đến nói với Ngài: "Con bị đụng xe nguyên cả cái cản phía sau bị hư xui quá, bạch Ngài" , Ngài nói: "Thật ra mình bị đụng xe mà xe hư còn mình không sao là mừng là rất là may mắn, nếu bị thương tích hay bị gì thì phiền nữa". Thì chúng tôi tin rằng lời Ngài nói không phải là chuyện xã giao mà là thái độ tích cực, chiếc xe đụng rất nặng, chiếc xe bị hư hại mình bình yên thì mình nên hoan hỉ với điều đó. Hay hoặc giả là ở trong cuộc sống của chúng ta có nhiều khi qúi Phật tử đi chùa làm phước có những chuyện phiền, có lý do này lý do khác, người này làm vừa ý người kia làm không vừa ý, nhưng việc mình vẫn cứ làm và nhiều khi làm mệt như vậy mình có công quả thêm thì mình làm đó là thái độ tích cực. 

Chúng tôi luôn tin cái nhìn tích cực hay còn gọi là Như Lý Tác Ý như lời Đức Phật dạy ở đây đó là làm cho những thiện pháp tăng thịnh và làm cho các ác pháp suy giảm. Như Lý Tác Ý giúp cho chúng ta nhìn ở một góc cạnh tốt nhất lợi thế nhất chúng ta gọi là thế thượng phong để nhìn vào vấn đề. Nếu chúng ta muốn thắng được giặc phiền não chúng ta phải chọn cái thế thượng phong, thế thượng phong cho phép những thiện pháp của chúng ta có điều kiện tốt. Mình chưa ra quân mà mình nhìn vấn đề bi quan quá thì thật ra nó làm nản lòng tất cả mọi người. Và đặc biệt trong trường hợp sự tu tập của mình nếu mình cứ nhìn một cách tiêu cực thì sẽ nản. 

Khi chúng tôi làm việc chúng tôi nhận ra một điều ở trên đời này chỉ có hai hạng người, một hạng người có cái nhìn tích cực và hạng người có cái nhìn tiêu cực. Hạng người tích cực thì trong khó khăn nào họ cũng cố gắng nhập cuộc, cố gắng tìm cái gì đó để làm, tìm một đạo lộ để giải quyết sự bế tắc. Người tiêu cực thì lúc nào cũng than vắn thở dài, người tiêu cực lúc nào cũng nản lòng thối trí. Cuộc đời đã khổ rồi gặp họ còn khổ nhiều hơn nữa, chúng tôi gặp nhiều người là cuộc sống đã mệt rồi gặp họ còn mệt thêm nữa, luôn luôn họ muốn chúng tỏ rằng họ thấy được những cái mệt. Nhưng thật ra mình không cần, cái mình cần không phải là mình bươi móc thêm chuyện buồn phiền, cái mà mình cần mình nhìn làm sao tìm ra một ngõ ngách nào đó để khai thông, cái mình cần là làm sao có cái nhìn tích cực nhìn xuyên thấu ./. 

Friday, July 17, 2015

Kinh Mi Tiên Vấn Đạo - Ví dụ về đặc tính của vật thực

Kinh Mi Tiên Vấn Đạo - Ví dụ về đặc tính của vật thực

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 9-3-2014, Minh Hạnh chuyển biên và biên tập
(Xin lưu ý: những bài chuyển biên này chúng tôi hoan hỷ với những ai tải về trang web nhà, để tôn trọng người chuyển biên xin đề rõ tên người chuyển biên) 

TT Giác Đẳng: Câu chuyện về ẩm thực ăn uống là đề tài muôn thuở của chúng ta. Ngày hôm nay khi đề cập đến những đặc tính của vật thực hay thực phẩm chúng ta chỉ nói đến 3 đặc tính mang tánh cách  phổ thông. Khi đề cập đến văn hóa của một quốc gia người ta thường cộng vào phần văn hóa ẩm thực tức là sự ăn uống.

Riêng trong Phật Pháp chữ thực phẩm hay dưỡng tố hay thức ăn là một ở trong những đề tài lớn như chúng ta thường nghe "tất cả chúng sanh tồn tại do vật thực hay do dưỡng tố". Và dĩ nhiên, Phật Pháp đề cập đến dưỡng tố ở trong một hình thức một phạm trù rất rộng, ví dụ: 

- Cơm bánh nuôi dưỡng thân thì cơm bánh là thực phẩm.

- Xúc thực là sự gặp gỡ giữa căn cảnh và thức thì chúng ta có thể hiểu cảnh thường nuôi dưỡng tâm.

- Thức thực, chúng ta nói tâm nuôi dưỡng sự sống 

- Và sau cùng là tư niệm thực chúng ta nói đến hành vi tạo tác hay chủ tâm tạo tác nuôi dưỡng sự luân hồi. 

Nói một cách khác, một nguyên lý đạo Phật dạy tất cả mọi thứ tồn tại trong cuộc đời đều phải có chất liệu gìn giữ cho nó tồn tại. Đơn giản, chúng ta cắt một nhánh hoa cắm vào trong bình nếu không cho nước một thứ dinh dưỡng rất cần cho cây thì hoa đó khi cắm vào trong bình khô sẽ rất mau tàn chỉ một buổi đã héo rồi.

Ở đây, dĩ nhiên thực phẩm trong thí dụ này đề cập đến một loại gọi là đoàn thực tức thực phẩm ăn để sống như cơm, như bánh. Thì rõ ràng người cũng vậy vật cũng vậy, tất cả những thành phần, những động vật, phải có ăn cách này hoặc cách khác. Riêng về con người chúng ta mỗi quốc gia có một loại thực phẩm riêng, người Ấn Độ ăn cà ri nhiều, người Nhật Bản ăn những thực phẩm tươi nhiều, người Trung Hoa ăn dầu nhiều, người Tây Phương ăn thịt nhiều v.v... Nhưng những lúc chúng ta nhịn đói, những lúc chúng ta không ăn chúng ta thấy cơ thể bị ảnh hưởng rất nhiều. 

Cách đây hai năm chúng tôi bị bệnh tiểu đường, và khi bắt đầu bị bịnh tiểu đường chúng tôi thường phải cẩn thận lúc nào cũng phải có thứ gì đó để trong trường hợp đói mình ăn không để cho lượng đường xuống quá thấp. Về điều này đôi khi ăn thực phẩm vào mình cảm nhận ngay ảnh hưởng của thực phẩm đối với cơ thể như thế nào. Những người không bị tiểu đường có thì ăn cho vui không có thì thôi. Nhưng với người tiểu đường đôi khi một viên kẹo cũng làm cho chúng ta khác biệt, có khi thiếu chất ngọt con người héo úa, đói lả người, rồi có chất ngọt vào mình khác đi lúc đó mình thấy thân của mình như một thứ cây, thân mình như một nhánh hoa cần nước để tồn tại không có nước thì héo úa. 

Do vậy, Đức Phật Ngài dạy thực phẩm có đặc tính nâng đỡ làm cho cơ thể được tồn tại làm cho sự sống của chúng sanh được tồn tại. 

Chúng tôi thấy hầu hết trong những phim tài liệu về động vật, những con vật sống trong rừng, sống trên không, hay sống trong nước tất cả khi đề cập đến cuộc sống người ta thường đề cập đến thực phẩm, loài đó ăn gì và làm sao để săn mồi, làm sao để tìm thức ăn, và khi nó ăn xong thì đặc tính gì chúng ta tìm thấy ở loài đó.

1. Thì ở đây trong thí dụ đầu tiên: 

"Tâu đại vương, giống như vật thực là sự nâng đỡ cho tất cả chúng sanh. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên là sự nâng đỡ về Đạo Lộ cho tất cả chúng sanh". 

Về điểm này, có chiêm nghiệm có tu tập chúng ta mới thấy. Riêng về bản thân của chúng tôi có thật sự cảm nhận một cách sâu sắc từ những bậc Thầy Tổ từ những vị tu tập, đôi khi chúng tôi nói chuyện với một số anh em huynh đệ nhất những vị thân thiết, chúng tôi thường tâm sự chính nhờ từ nhỏ đến lớn được sống gần những bậc Thầy Tổ như Ngài Tịnh Sự, HT Minh Châu, Sư Trưởng, sau này ra nước ngoài ở gần Ngài Taungpulu, Ngài Ajahn Chah, Ngài Ananda Maitri, hay những người cư sĩ như cô Bảy Vĩnh Phúc chẳng hạn. Chính những vị đó đã cho chúng tôi thấy một người học, một người tu, một người sống với Phật Pháp ảnh hưởng mình đến mức độ nào. Và khi chúng tôi sống tại chùa Pháp Luân một người ảnh hưởng đến chúng tôi rất nhiều, đó là Ngài HT Hộ Giác, có lẽ những ngày giờ cuối đời của Ngài ảnh hưởng với chúng tôi hơn bao giờ hết. Một điều chúng tôi nhận thấy ở Ngài đó là sự trầm tỉnh nhẹ nhàng khi nhìn thấy cái chết, Ngài vận dụng Phật Pháp, Ngài vận dụng tri kiến của mình. Thật ra khi chúng ta sống gần những vị như vậy, khi chúng ta tận mắt mục kích những vị như vậy rõ ràng chúng ta được nâng đỡ bởi những vị đó, và lúc đó chúng ta mới thấy chính sự tu tập của những vị đó cho chúng ta rất nhiều. 

Có một lần chúng tôi nói chuyện với một vị Sư người Hoa Kỳ, vị Sư đó kể cho chúng tôi nghe về kinh nghiệm khi  học ở American University đã gặp được một số học giả rất giỏi Phật Pháp nhưng họ chỉ là những nhà khảo cứu, họ giỏi tiếng Phạn, giỏi lý thuyết nhưng không mang lại cho vị này một sự tinh tấn. Khi vị này đi về các quốc gia Phật giáo gặp những người sống với Phật Pháp mới bắt đầu tìm thấy được chất liệu cho đời sống tâm linh của mình. 

Và do vậy, ở trong đời sống hàng ngày của chúng ta, thí dụ như qúi Phật tử mỗi ngày vào rơom để nghe pháp, chư vị Giảng Sư, những người Phật tử làm công quả. Nói chung tất cả chúng ta đang sinh hoạt ở đây, chúng ta cố gắng làm một điều là gặp gỡ các bậc thiện trí, góp phần vào pháp thí thể hiện sự tinh tấn của mình, sự hoan hỉ của mình đối với Phật Pháp, và mình đóng góp vào sự duy trì Phật Pháp, tất cả điều đó có ảnh hưởng chứ không phải không có ảnh hưởng, và qúi vị cũng thấy rằng nhờ nỗ lực đó  trong suốt mười mấy năm qua chúng ta đã duy trì chương trình Phật Pháp hàng ngày. Dĩ nhiên là do kỹ thuật, nhưng hơn hết và sau hết đó là tấm lòng, đó là sự thể hiện của tất cả chúng ta. Ít có Phật tử nào vào rơom nghe pháp mà biết rằng bản thân của chúng tôi, chúng tôi rất ít khi liên lạc với qúi Phật tử làm việc trong ban điều hành, đôi khi chúng tôi gặp qúi vị đó giống như những vị gặp vậy, vào đây là gặp nhau, tất cả mọi người làm việc từ Chư Tăng cho đến Phật tử làm việc trong tinh thần tự hoan hỉ, tự dấn thân, tự tài bồi công đức  không có một cái gì gọi là quyền lợi, không có cái gì ràng buộc, chúng tôi vẫn thích như vậy, chúng tôi vẫn hoan hỉ như vậy, và chúng tôi thấy điều đó có ý nghĩa khi chúng ta có thể duy trì sự tu tập lâu dài, cho dù là học, cho dù là tu, cho dù là sinh hoạt. 

Một người tu tập đôi khi chúng ta cũng nên biết chính sự tu tập của mình là một trợ duyên, là sự hổ trợ cho cuộc đời. Nói một cách khác, không có sự tu tập, không có sự nỗ lực học Phật Pháp thật ra cuộc sống nhiều khi vô nghĩa. Chúng tôi gặp một người Phật tử, anh là một người rất thành công, ra trường với bằng kỹ sư, làm cho công ty Exxon của Hoa Kỳ, một công ty lớn, cho đến một ngày anh đi chùa tham dự một khóa tu rồi anh tâm sự với chúng tôi suốt 17 năm anh sống tại Mỹ, là một người sinh viên tốt nghiệp, rồi là một kỹ sư đi làm cho một hãng lớn, anh mang theo một giấc mơ của người Hoa Kỳ, đó là từ bàn tay trắng tạo nên sự nghiệp, và anh có thành công, có quyền, có chức, có lương cao. Nhưng rồi một ngày anh nhìn lại thấy ở chung quanh chỉ là những người tranh danh đoạt lợi và đến lúc nào đó anh ngồi xuống với những người tu tập anh thấy ở đây cho mình ý nghĩa khác của đời sống. 

Bởi vậy, cuộc sống nâng đỡ chúng sanh giống như vật thực có đặc tính là chất liệu để duy trì sự hiện hữu chúng sanh trong đời này thì sự tu tập của chúng ta cũng vậy. 

Chúng tôi kể chuyện này qúi vị nghe rất lạ và có dịp thì chúng tôi cũng sẽ giới thiệu cuốn phim này cho nhiều người xem, một đoạn phim tài liệu của đài BBC nói về con voi đã tạo ra mưa đã tạo ra thời tiết ảnh hưởng như thế nào. Nếu chúng tôi nói điều này với qúi vị trong rơom có lẽ qúi vị nhìn chúng tôi cảm thấy lạ lắm. Loài người làm mưa làm gió cũng còn khả dĩ được, con voi làm gì có thể ảnh hưởng tới thời tiết? 

Nhưng đó là kết luận của rất nhiều nhà nghiên cứu. Lý do rất đơn giản như vầy, nếu chúng ta học về mưa chúng ta biết chính những khu rừng miền nhiệt đới gọi là rainforest là một lồng hấp để tạo ra mây, để tạo ra mưa và chính rừng đã ảnh hưởng đến thời tiết rất nhiều. Chúng ta quan niệm biển bốc hơi thành mây, mây xuống thành mưa nhưng thật ra trong hệ thống tuần hoàn thì rừng rainforest đóng một vai trò rất quan trọng về việc chi phối thời tiết. Những khu rừng nhiệt đới từ Nam Mỹ như rừng mưa Amzon sang những khu rừng bạc ngàn Đông Nam Á chi phối hệ thống thời tiết. Nhưng bây giờ qúi vị hỏi: Chuyện đó liên hệ đến loài voi điều gì? Thì thưa, có một sự việc, loài voi là một sinh vật rất đặc biệt khi sống ở trong rừng nó ăn lá ăn trái. Những nhà nghiên cứu cho chúng ta biết hầu như trái gì voi cũng ăn, lá gì voi cũng ăn và khi ăn thật sự nó không nhai kỹ, chúng ta tạm gọi là trẹo trạo nuốt trọng, và khi nuốt trọng những trái này đi qua đường ruột qua bộ phận tiêu hóa thì còn nguyên vẹn. Điều này là điều tại sao. Bây giờ nếu qúi vị nghe có loại cafe phân voi, ngày xưa chúng ta nghe có loại cafe phân chồn bây giờ có cafe con voi. Thì con voi ăn những trái này và những trái này đi qua đường tiêu hóa đi ra hạt giống vẫn còn nguyên vẹn và cộng với phân của con voi nó đã tạo thành một điều kiện để khiến cho những cây những trái này mọc ở nhiều nơi khác nhau. Thì con voi qua vấn đề ăn uống và bài tiết nó giống như một người làm rừng một người trồng rừng. Người ta nói ở những khu rừng nào loài voi bị tiêu diệt nhiều cây mọc không đều không tốt như những khu rừng loài voi tự do đi lại. 

Và do vậy cách ăn uống của voi, cách bài tiết của voi ảnh hưởng đến rừng và rừng ảnh hưởng đến thời tiết. Như vậy, nói sinh hoạt của voi ảnh hưởng đến mưa, đến nắng, ảnh hưởng thời tiết mình nghe lạ, nhưng thật sự đâu đó liên hệ với nhau. 

Thí dụ đó một lần nữa gợi cho chúng ta là ở trong cuộc sống có những ảnh hưởng rất lớn chúng ta không ngờ được. Hành giả tu tập nên hiểu nếu mình tu mình làm tốt việc đó thật sự mang lại chất liệu tích cực cho những người chung quanh mình. Riêng bản thân của chúng tôi cảm nhận điều đó rất sâu sắc từ những bậc Thầy Tổ từ những bậc cư sĩ thiện trí những vị đó chúng tôi được biết đi qua trong cuộc đời, nhờ các vị đó đã cho chúng tôi những chất liệu sống rất quan trọng. 

Do vậy ý nghĩa đầu tiên của vật thực là đặc tính của vật thực nâng đỡ tạo nên chất liệu tồn tại cho chúng sanh, người tu tập cũng nên làm một suối nguồn của an lạc của trí tuệ cho chúng sanh muôn loài. 

2. Trong ý nghĩa thứ hai chúng ta đề cập đến vật thực:

"Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, vật thực làm tăng trưởng sức mạnh của chúng sanh. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên tăng trưởng sự phát triển của phước báu." 

Đôi khi chúng ta không thể nói được thế nào là lực, thế nào là sức, nhưng có những ngày chúng ta rất mạnh chúng ta nhấc một món đồ lên rất dễ dàng, những lúc chúng ta mệt hay những lúc đang đói khi nhấc một vật lên cảm thấy nặng nề. Nó có một thứ gọi là cái lực cái sức của chúng ta và rõ ràng cái sức lực đến từ thực phẩm, thực phẩm ăn đúng lành mạnh cho chúng ta sức khỏe. Ví dụ người ăn trái cây nhiều có vitamin C thì chính sinh tố trái cây làm chúng ta dẻo dai làm cho chúng ta lâu mệt khi làm việc. Chúng ta cần nhiều chất như chất sắt, chất đạm v.v... để duy trì sức khỏe. Nói chung tất cả sinh tố đều có vai trò duy trì sức khỏe làm cho chúng ta mạnh khỏe, cái khỏe cái mạnh đó là giá trị đặc thù về vật chất. 

Người tu tập và người hiểu đạo biết trên phương diện tinh thần có một thứ khác gọi là phước. Cái phước lạ lắm, phước làm cho chúng ta hanh thông, phước làm cho chúng ta sáng suốt, phước làm cho chúng ta can đảm. Những người thiếu phước lúc nào cũng thiếu lòng tin cũng sợ hãi, những người thiếu phước trong cuộc sống không hanh thông, những người thiếu phước không có lòng tự tin nhất là khi đi vào đám đông, những người thiếu phước cảm thấy mình yêu đưối. Phước rất đặc biệt. 

Tại các quốc gia Phật Giáo là mỗi lần người ta gặp khó khăn, từ một em học sinh sắp đến kỳ thi hay người vợ đang có chuyện lo cho chồng cho gia đình, hay một thương gia làm ăn buôn bán, khi người ta thấy có khó khăn thì những người Phật tử này làm phước bằng cách đơn giản nhất là buổi sáng mua gì đó để bát cúng dường bát Chư Tăng, khá hơn nữa đi chùa làm phước, khá hơn nữa tổ chức đại lễ Tăng Y. Hoặc giả không làm phước vật chất được thì vào chùa tu Bát Quan Trai, tham dự một khoá thiền, hoặc lắng nghe một thời pháp. 

Trong 10 thiện sự tạo ra hạnh phúc, tạo phước báu là bố thí, trì giới, tham thiền, cung kính, phục vụ, thính pháp, thuyết pháp, hồi hướng phước, phước tùy, hỉ phước và cải thiện tri kiến chẳng hạn. Những điều đó là những nguồn sanh phước, người ta biết rất rõ. Khi chúng tôi thấy những người Phật tử làm như vậy chúng tôi thấy ảnh hưởng tinh thần họ rất lớn, họ làm phước xong tâm họ mạnh mẽ, làm phước xong tâm họ tự tin, và họ làm phước xong họ hoan hỉ. 

Khi chúng tôi nhìn những người đó chúng tôi rất thương cho Phật tử VN. Phật tử VN chúng ta tuy rằng mình tự hào có một nền Phật giáo cả hằng 2 thiên niên kỷ, nhưng qúi vị thấy có đôi khi gặp khó khăn chúng ta chỉ đến chùa thắp nhang cầu nguyện, chúng ta chỉ biết cầu phước mà chúng ta không biết tạo phước. Hay hoặc giả khi chúng ta gặp khó khăn chúng ta tin vào thầy bói thầy phong thủy, rời cái này đổi cái kia hơn là làm phước. Đôi khi có một vài nhà sư chạy theo thời cũng học phong thủy và cũng chỉ bày cho Phật tử đổi phong thủy thế này đổi phong thủy thế kia, chúng tôi nói ở đây không phải chúng tôi chỉ trích những vị đó nhưng chúng tôi cảm nhận rằng những vị đó đang làm một việc không đẹp đối với Phật Pháp.

Đúng ra là người Phật tử khi gặp khó khăn mình không cần nghĩ đến việc rời đổi phong thủy mà mình tạo phước. Có nhiều cách tạo thí dụ như ngoài chuyện bố thí mình có thể tu tập thiền, niệm tâm từ, chúng ta mong cho tất cả chúng sanh trước mặt được an lành, sau lưng được an lành, bên tay phải được an lành, bên tay trái được an lành, ở phương trên an lành, phương dưới an lành, tâm từ là một nguồn suối phước rất lớn. Hay hoặc giả thọ Tam qui, khi ngồi không có việc gì làm mình mình tụng bài Tam Quy:

Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi - Con xin quy y Phật 

Dhammaṃ saraṇaṃ gacchāmi - Con quy y Pháp 

Saṅghaṃ saraṇaṃ gacchāmi - Con quy y Tăng 

Hoặc giả hành Tứ Niệm Xứ, hành thiền ngồi nhìn vào hơi thở ra hơi thở vào. Có nhiều cách tạo phước. Càng gặp khó khăn thì mình nên tạo phước. Nói về điều này đôi khi người ta không tin. Chúng ta tánh quen xin xỏ, thí dụ như gặp khó khăn chúng ta muốn tìm đến một ngôi chùa hay tìm đến miếu đền nào đó thắp cây nhang cầu nguyện. Đôi khi chúng tôi thấy về điểm đó chúng ta không rõ ràng, chúng ta không nhìn vào nhân quả, mình có thể làm phước được tại sao không làm, tại sao mình không làm phước để mình tạo sức mạnh tinh thần. Đôi khi người Phật tử làm những chuyện họ nghĩ là có phước nhưng thật sự không có phước. 

Ở đây hôm nay chúng tôi nói qúi vị đừng buồn, có nhiều Phật tử mong mỏi điều gì đó nguyện "xin cho con được cái đó con nguyện cạo đầu", họ nghĩ chuyện cạo đầu là chuyện đáp lễ cho thần thánh, nhưng thật sự chuyện đó chỉ là giới cấm thủ thôi. Chúng tôi nói ở đây là mình nói mình cạo đầu nhưng thay vì mình nguyện như vậy thì mình giữ một ngày Bát Quan Trai, hay mình ngồi thiền hay niệm tâm từ hay đọc Tam Quy, hoặc giả mình tạo phước, đơn giản thôi mình tạo phước. Người học Phật biết đạo thì ở trong mọi trường hợp tạo phước đó là điều quan trọng đối với chúng ta, chính chuyện tạo phước làm cho chúng ta lấy lại được niềm tin, chính chuyện tạo phước làm cho chúng ta được thanh thản trong lòng, chính chuyện tạo phước làm chúng ta hoan hỉ, và chỉ lòng tự tin, chỉ với sự hoan hỉ chúng ta đi tới. 

Do vậy ở trong ý nghĩa thứ hai: vật thực cho chúng sanh sức mạnh thì người tu tập làm sao quan niệm rằng chính sự tu tập đó mình tạo ra phước cho mình và cho những người chung quanh mình. 

Có một câu Phật ngôn rất thú vị, đó là liên hệ đến vừa là thí dụ ở đây và vừa là nghĩa bóng và nghĩa đen nữa: Đức Phật dạy: 

"Ai bố thí vật thực là cho sức mạnh" 

Những người hay bố thí vật thực người đó được những pháp: sống lâu, sắc đẹp, an vui, sức mạnh. Bốn pháp thù diệu đó, ở các quốc gia Phật Giáo người Phật tử ưa thích cúng dường thực phẩm và làm như vậy lòng được hoan hỉ. 

Chúng ta cũng hiểu một điều mình sống khỏe là do mình có chế độ dinh dưỡng tốt, mình sống khỏe là do mình biết gìn giữ. Nhưng kỳ thật còn có một thứ nữa là mình sống khỏe là nhờ nhiều phước báu, mình có phước thì mình có nhiều thứ, mình phải tin vào điều đó.

Do vậy, điều thứ hai hành giả nên biết đặc tính của vật thực là cho sức mạnh thì đặc tính của người tu tập là phải tạo phước lành.

3. Ý nghĩa thứ ba chúng ta đề cập đến vật thực:

 "Tâu đại vương, còn có điều khác nữa, vật thực là được mong mỏi đối với tất cả chúng sanh. Tâu đại vương, tương tợ y như thế vị hành giả thiết tha tu tập nên được mong mỏi bởi tất cả thế gian". 

Đặc tính thứ ba của vật thực hay thực phẩm đó là, thực phẩm là cái gì ưa thích của chúng sanh trong đời. Con người sanh ra ở đời nói đến ăn là một lạc thú. Người Ấn Độ, người Trung Hoa, người Việt Nam, người Thái Lan, người Pháp, người Đức mỗi người có cách ăn uống riêng. Nhưng ở văn hóa nào cũng vậy, người ta rất thích thực phẩm, tại thực phẩm không phải chỉ nuôi mạng chúng ta mà thực phẩm còn cho chúng ta cái lạc thú của ăn uống. Thì ở đây nói là mình tu tập làm sao mà chính sự tu tập của mình mang lại sự ưa thích sự hoan hỉ cho người khác. 

Có những tôn giáo người ta càng tu thì càng làm phiền người khác, có những tôn giáo người ta càng thực hành thì càng làm khổ người khác. Nhưng nếu người Phật tử thực hành đúng lời Đức Phật dạy là mình sống vô hại đối với những chúng sanh khác, mình sống mang lại an lạc cho chúng sanh khác, mình sống với sự thanh tịnh, mình sống với sự bất hại, tất cả những điều đó đều mang lại niềm vui cho người khác, người tu đúng nghĩa thì người đó được sự hoan hỉ, nếu chúng ta thực sự tu tập đúng nghĩa thì được sự hoan hỉ.

Chúng tôi đã đi và đã nhìn thấy nhiều vị những vị có đức tu đều mang lại sự an lạc cho người khác. Lấy một điều bây giờ nghĩ đến chúng tôi vẫn còn rất hoan hỉ đó là tánh kham nhẫn của Ngài HT Hộ Giác, chuyện nào hoan hỉ thì Ngài nói, chuyện nào không hoan hỉ thì Ngài nói một lời nhẹ nhàng và sau đó thường Ngài nín thinh, cho đến lúc Ngài sắp ra đi cũng vậy. Bây giờ ngồi nghĩ đến chúng tôi vẫn còn cảm thấy Ngài cho chúng tôi rất nhiều với đức kham nhẫn của Ngài. 

Và như vậy, đời sống tu tập tu tập đúng nghĩa thì đó là nơi hoan hỉ của Chư Thiên và nhân loại, là nơi mong mỏi của Chư Thiên và nhân loại 

Bài học về thực phẩm là bài học lớn, hồi nãy chúng tôi nói ở trong kinh Phật nói đến thực phẩm hay là dinh dưỡng "tất cả chúng sanh tồn tại do vật thực do dinh dưỡng" là một đề tài lớn, và thực phẩm trong đời sống hàng ngày cũng là một đề tài lớn. 

Với tất cả chúng ta thì 3 điều này rất dễ hiểu: 

- Thực phẩm đem lại chất liệu cho chúng sanh tồn tại - người tu tập đời sống tu tập là đời sống mang lại lợi ích cho đời. 

- Thực phẩm mang lại sức mạnh cho chúng sanh - thì sự tu tập mang lại phước lành trong cuộc sống 

- và thực phẩm là đối tượng ưa thích mong mỏi của chúng sanh - thì người tu tập đúng nghĩa cũng phải là sự mong mỏi ưa thích của cuộc đời. 

Những ý nghĩa này rất giản dị, giản dị đến nỗi chúng ta không cần nói nhiều nữa nhưng nó cho chúng ta bài học lớn và chúng ta mong là những ý nghĩa đó sẽ được chúng ta ghi tâm khắc cốt. Cuộc sống đó làm cho chúng ta có ý nghĩa cho mình và cho những người chung quanh. 

Thì với bài học này chúng tôi xin được cầu mong một vài điều:

- 1. Điều thứ nhất là mong cho tất cả qúi Phật tử đặc biệt là những vị hằng tâm hằng sản thường cúng dường thực phẩm tứ sự cho Chư Tăng, mong cho tất cả qúi vị trong lúc luân hồi từ thân này đến thân giải thoát không bao giờ đói khổ, là người sanh ra có 4 pháp là sống lâu, dung sắc thù thắng, an vui, sức mạnh. 

- 2. Và chúng ta cũng mong rằng tất cả những phước báu mà chúng ta làm dù là tài thí hay pháp thí, ở đây thì chúng ta chủ yếu là pháp thí nhưng qúi Phật tử cũng đóng góp tài thí nhiều bằng cách này hay cách khác chúng ta hồi hướng cho những nạn nhân mới đây như những nạn nhân trên chiếc máy bay Malaysia MH 370, chúng ta không biết họ sống chết ra sao nhưng chúng ta cầu nguyện cho họ được phước báu. 

- 3. Và sau cùng chúng ta hãy nguyện hãy mong rằng tất cả những gì chúng ta đã tạo xin là một chất liệu tốt, chất liệu lành mạnh, một chất liệu bền bỉ cho cuộc sống nội tâm của chúng ta để chúng ta không sống trở nên vô nghĩa trở nên vô vị và trở nên vô vọng, mà tất cả chúng ta sống có ý nghĩa có mưu cầu an lạc cho mình và cho những người chung quanh mình.

Với bài học hôm nay tất cả chúng ta sẽ có được 3 đặc tính là mang lại lợi lạc cho đời, mang lại phước báu cho đời, và là nơi mong mỏi của Chư Thiên và nhân loại. 

xin được dứt lời ở tại đây./.