Monday, June 22, 2015

Kinh Phúng Tụng - Năm Căn

Kinh Phúng Tụng - Năm Căn

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 10-1-2013, Minh Hạnh chuyển biên và biên tập

(Xin lưu ý: những bài chuyển biên này chúng tôi hoan hỷ với những ai tải về trang web nhà, để tôn trọng người chuyển biên xin đề rõ tên người chuyển biên) 

TT Giác Đẳng: Chữ "Căn" có nghĩa cội rễ, cái gốc, hay sự chủ đạo. Chữ "Căn" còn có tánh cách pháp gốc, pháp chủ đạo, nền tảng hay pháp có khả năng ảnh hưởng những pháp khác liên hệ. Chữ "Căn" chúng ta nói rất nhiều, thí dụ như trong đề tài Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ, chúng ta cũng có đề tài là Ngũ Căn, hay  3 Căn Bất Thiện, 3 Căn Thiện. 

Nói tóm lại, một người học Phật phải chuyên tâm nhiều về những từ dịch ở trong tiếng Phạn, chúng ta có những chữ khác biệt như  chữ "Mula", chữ "Indriya" hay  chữ "Hetu". Trong lúc đó bản chữ Hán hay chữ VN dịch là "căn" hay "quyền" v.v... Có một vài chữ cùng âm, qúi vị Phật tử thỉnh thoảng sẽ nghe rất khác biệt về ý nghĩa nhưng âm giống nhau. Về điểm này đôi khi làm người mới vào thế giới Phật học cảm thấy bối rối không ít. 

Hôm nay chúng ta nói về ngũ căn ở tại đây. Ngũ căn này được hiểu như 5 pháp từ đó có một ảnh hưởng lớn rộng đến đời sống của chúng ta. Và 5 pháp tại đây được đề cập là mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân. Chính từ mắt, tai, mũi, lưỡi và thân tạo ra 5 thức chúng ta gọi thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, hay nói một cách khác là thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác. Chính 5 căn này, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân tạo cho chúng ta một thế giới muôn hình muôn mặt. Là một người sống, một người tu tập, một người học Phật chúng ta không thể không biết về những ảnh hưởng xâu xa của 5 căn này đối với cuộc sống của chúng ta.

Chúng tôi nói ở tại đây về 3 phương diện:

-1. Phương diện thứ nhất:

 Đối với phương diện thường thức ở bên ngoài như chúng ta thấy 5 căn này chính là 5 giác quan cho chúng ta sự tiếp xúc giữa nội giới và ngoại giới. 

Nói đến ngoại giới, chúng ta nói ngoại cảnh, ngoại hình, hay ngoại vật. Nói gì đi nữa, thường thường chúng ta đề cập đến cái gì mình thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng. Ví dụ, một người thích đi chơi, một người thích ăn uống, một người thích nghe nhạc, nếu chúng ta quá ưa chuộng những thứ đó và những thứ đó trở thành một phần vô cùng quan trọng, như vậy chúng ta lệ thuộc ngoại cảnh nhiều.

Giữa thế gới ở bên trong và thế giới ở bên ngoài có sự khác biệt rất lớn. Ở thế giới bên trong chúng ta không cần phải đòi hỏi cực nhọc nhiều. Ví dụ, một người thường hay làm thơ, một người thường viết văn, người học Phật pháp, chuyện đó chỉ cần suy tư nhiều. Thậm chí, những văn sĩ có tài chỉ cần một tờ giấy và một cây bút chì đủ cho người đó có thể sáng tác, suy luận rất lớn, là người đó sống nặng về nội tâm. Nhưng, nếu một người thích sắc tướng, âm thanh, mùi hương, thích món ngon vật lạ, thích cảm xúc khoái lạc êm ái những thứ đó đòi hỏi lớn chuyện hơn nhiều. 

Thành ra thế giới của 5 giác quan thường là thế giới của ngoại cảnh nhiều hơn là thế giới nội tại. 

Và đối với người bình thường chúng ta cũng thấy có 2 sự phân biệt làm cho con người khác ở đây. Đôi khi chúng ta khó định nghĩa nhưng kỳ thật cái gọi là vật chất theo trong Phật Pháp chúng ta thấy rõ ràng người nào chuộng về 5 thức sắc, thinh, khí, vị, xúc tức là 5 đối tượng mắt, tai, mũi, lưỡi, thân quá chuộng chúng ta hiểu là người quá chuộng về vật chất. Lấy một ví dụ, mình nói mình ăn ngon mà mình đòi hỏi phải sơn hào, hải vị, kỳ trân, vị thảo, những thứ lạ lùng về hình thức, lạ lùng mùi hương, lạ lùng về cảnh vị chúng ta ăn mới cảm thấy rằng ngon, người như vậy được xem như quá nặng về vật chất. Một người không nặng về vật chất thì một bữa ăn đơn giản vừa đủ no người đó cũng cảm thấy an lạc được, không nhất thiết phải đòi hỏi quá nhiều. Và cái quá nhiều quá đủ thứ không nhất thiết làm cho chúng ta an lạc.

 Như vậy, đối với người trần gian các "căn" có sự phân biệt lớn giữa vật chất và tâm thức, vật chất và đời sống nội tâm, một người quá nghiên về sắc, thinh, khí, vị, xúc được xem như người thiên nặng về vật chất.

Căn thứ nhất: Mắt, thị giác

 Rồi chúng ta muốn nói đến đối với người thường thức ở bên ngoài mỗi một giác quan là một thế giới và thế giới đó tạo ra một lãnh vực văn hóa. Ví dụ, chúng ta nói về thế giới của cảnh sắc hay đối tượng của mắt. Nếu chúng ta với đôi mắt chỉ để thấy đường đi tiến bước, hoặc giả cần mắt để đọc sách. Nhưng đôi khi thấy cảnh sắc mà đối tượng của mắt trở thành một thế giới rất ư quan trọng. Thí dụ, có những người rất thích hội họa tranh vẽ nó là một ảnh hưởng liên quan đến thị giác và nó là cả một khung trời, là một chân trời mới đối với chúng ta thì nó có những thứ tương đối hơi nhẹ nhàng, ví dụ như mình thích một loại màu nào đó, có người thích màu tím, có người thích màu xanh, hay hoặc giả chúng ta thích một trường phái hội hoạ nào đó, có người thích tranh thủy mạc, có người thích tranh Picasso, có những người thích những pho tượng v.v... cái đó nó cũng liên quan đến mắt.

Dĩ nhiên, có một thứ cũng khiến người ta điên đảo không ít đó là sắc dục, tức sự ham mê về thanh sắc. Ví dụ trong cuộc đời có những người ưa chuộng một kiểu mái tóc nào đó, một đường nét của khuôn mặt nào đó, một, nụ cười một ánh mắt nào đó, thì những thứ đó đôi khi đến với chúng ta thường qua con mắt. Tại sao ngày nay người ta có những tiêu chuẩn về một người đẹp như thế nào, là phải có chiều cao chừng đó hay phải có kích thước như vậy, như vậy v.v... đều liên quan đến mắt. Thành ra trong thế giới chúng ta gọi cảnh sắc, thế giới của mắt, đối tượng của mắt nó muôn màu muôn vẻ. 

Căn thứ hai: Tai, thính giác

Chúng ta nói đến cảnh thinh, nói đến tai. Chúng ta thấy nếu tai để nghe như chúng tôi nói qúi vị nghe ở đây cái nghe đó rất nhẹ nhàng, cái nghe đó không có chuyện gì hết nhưng đôi khi chúng ta lại dính mắc vào thứ có tánh cách chuyên biệt hơn. Ví dụ có người thích nghe nhạc và việc nghe nhạc của họ càng nghe trình độ thẩm âm của họ càng tinh tế hơn, như họ thích nghe một loại nhạc nào đó, có người thích nghe nhạc Jazz, có người thích nghe nhạc Pop, có người thích nghe nhạc kích động hay nhạc cổ điển. Đôi khi có người thích điệu nhạc của nhạc sĩ nào đó hay giọng hát của ca sĩ nào đó và nó trở thành một thứ gì không thể thiếu trong đời sống của họ. Hay có người sống không thể không có âm nhạc chẳng hạn. Khi nhìn thấy điều đó chúng ta hiểu đơn thuần không phải tai chỉ có nghe không mà qua đó nó là cả một thế giới để thưởng thức, và khi người ta càng đi sâu càng tinh tế vào đó cảnh thinh trở nên càng tế nhị và đòi hỏi càng cao.

 Khi nói đến mắt chúng ta nói đến hội họa chúng ta nói đến thanh sắc là những thứ con người dính mắc nhiều. Thinh cũng vậy, âm nhạc hay kể cả một giọng nói của một người khác phái cũng làm người ta ảnh hưởng rất nhiều. Ngày xưa chúng tôi biết có không ít trường hợp những người họ thương một người khác chưa từng gặp mặt chỉ nghe giọng nói trong paltalk nhưng họ thương là thương âm thanh. Như chúng ta nghe câu chuyện một bi kịch của Trương Chi Mỵ Nương. Mỵ Nương thật sự bị cuốn hút bởi tiếng sáo của Trương Chi và nghĩ rằng mình đã thương Trương Chi nhưng khi gặp Trương Chi thì một trời yêu thương sụp đổ tại vì Trương Chi xấu quá không thể nào xứng hợp với Mỵ Nương được, nhưng quả thật tiếng sáo của Trương Chi có sức hút hấp dẫn mãnh liệt. Và có nhiều người trong cuộc đời này họ thương một người nào đó tại vì giọng ca tiếng hát hay giọng nói người đó hơn thương con người đó thật sự. Thì chúng ta thấy âm thanh ảnh hưởng chúng ta nhiều. Và hễ nói âm thanh chúng ta phải nói tai.

Căn thứ ba:  Mũi,  khứu giác

Chúng ta nói đến mũi, hay chúng ta nói đến khứu giác, nói đến ngửi. Cũng giống như hai căn đầu nhãn căn nhĩ căn, hay mắt và tai, mũi cũng mở ra một thế giới lớn rộng, thế giới đó một thế giới của mùi hương. Nhẹ nhàng thì khi mình ăn mình thích mùi hương nào đó. 

Chúng tôi gặp một số Chư Tăng VN qua Mỹ cũng có nhiều điều cũng hoan hỉ nhưng có một điều qúi Ngài nói chúng tôi cũng phải nhìn nhận, qúi Ngài nói rau thơm ở bên Mỹ không thơm. Qúi vị nào qua Mỹ rồi thì sẽ cảm nhận được ở VN rau răm mùi cay nồng hơn rau răm ở Mỹ, hoặc ngò gai thì gai bén hơn và thơm hơn ở Mỹ nhiều phải cầm lá ngò gai nhai trong miệng một chút mới cảm có chút mùi ngò gai thôi. Rau thơm bên này thật sự không thơm như ở các xứ nhiệt đới. 

Điều đó cũng cho chúng ta thấy mặc dầu khi mình ăn chỉ nghĩ đến vị giác nhưng chính mùi thơm tạo cho chúng ta sự đậm đà tạo cho chúng ta vị ngon của thực phẩm, đặc biệt người VN chúng ta xử dụng hương liệu mùi thơm rất nhiều. Có người hạp với cà ri, có người rất sợ mùi cà ri, trong chúng ta có người thích mùi thìa là có người không quen mùi thìa là chẳng hạn, 

 Nói chung, không phải chỉ có mắt mới quan trọng, tai mới quan trọng mà mũi cũng quan trọng. Nếu chúng ta biết về thị trường tiêu thụ nước hoa trên thế giới chúng ta mới hiểu thị trường đó là một thị trường khổng lồ, người ta không nói đến hàng triệu Mỹ kim một năm mà người ta nói hàng tỉ Mỹ kim một năm, và không phải nói hàng tỉ mà mấy mươi tỉ một năm, và việc xử dụng nước hoa đã trở thành một kỹ nghệ lớn chứ không nhỏ. Điều đó một lần nữa chứng minh cho chúng ta thấy trong 5 giác quan không phải giác quan nào thật sự có chất mê hoặc ảnh hưởng chi phối con người, mà ở trong 5 căn liên hệ đến 5 giác quan liên hệ đến 5 cảnh, cái nào cũng ảnh hưởng lớn đến chúng ta. 

Đây là điều chúng ta cần phải xác nhận. Nếu chúng ta nói về tranh ảnh đối với mắt. Chúng ta nói về âm nhạc đối với tai. Chúng ta nói về kỹ nghệ nước hoa đối với mũi. 

Căn thứ ba: Lưỡi, vị giác

Riêng đối với vị, chúng ta cũng thấy có bao nhiêu thứ và điển hình là thực phẩm. Thực phẩm ảnh hưởng chúng ta rất lớn, nhất là chúng ta quen với một số thực phẩm nào đó. Đi đâu có một bữa ăn ngon thường thường chúng ta nhớ nhiều và bữa ăn ngon đó là bữa ăn thích hợp với chúng ta về nhiều thứ. 

Một vài vị nói với chúng tôi khi bị bịnh tiểu đường hay khi bị áp huyết cao cố gắng kiên cử cảm thấy chết một phần ba cuộc đời. Chuyện đó chúng tôi có thể cảm thông được. Bởi vì khi mình bị hai bệnh này, cái ngọt mình phải giảm, cái mặn mình phải giảm, và thức ăn mình ăn nhạt nhẽo hơn, thời gian đầu đôi khi cảm thấy mất mát nhiều. 

Ẩm thực là một nghệ thuật quan trọng trong nền văn minh của nhân loại, và riêng về ẩm thực sự cầu kỳ tinh tế của nó như thế nào đã cho chúng ta hiểu tại sao lưỡi, tại sao vị giác có khả năng chiếm hữu chúng ta lớn như vậy.

Thời xa xưa người ta rất trọng những hương liệu, đặc biệt những hương liệu để nấu ăn, gia vị như gừng, quế hay những hương liệu khác cho thực phẩm. Và có thời gian những hương liệu những gia vị nấu ăn họ trao đổi bằng cách người ta cân một bên là hương liệu một bên là tơ lụa hay vàng để đổi lấy, tại vì có những thứ đó làm cho thực phẩm của chúng ta khác biệt đi nhiều. Tại Hoa Kỳ có vài ba nhà hàng đặt tên là "Lemon grass". Lemon grass nghĩa là cây xả gia vị người VN xử dụng rất nhiều trong các món ăn, nhiều người cảm thấy những món ăn VN bỏ xả vào có sức mê hoặc lạ lùng, và người ta lấy tên xả đặt cho quán ăn chúng ta thấy rằng những người bếp hay chủ nhà hàng họ khai thác được một lãnh vực hạp với rất nhiều người kể cả rất nhiều người ngoại quốc.

Thì khi chúng ta nói đến lưỡi, nói đến vị giác, chúng ta nói đến cảnh vị  chúng ta không thể phủ nhận một điều ăn uống là cả một lãnh vực lớn quan trọng chi phối chúng ta rất nhiều.

Căn thứ năm: thân, xúc giác

Sau cùng, chúng ta nói về thân, nói về xúc giác, nói về cảnh xúc, nói đến cái gì xúc chạm. Ví dụ nằm nệm êm, mền ấm hay ngồi trong một chỗ dễ chịu, như đi xe, đi máy bay chỗ ngồi của mình êm hay không êm ảnh hưởng đường dài nhiều. Người Tây Phương nghĩ rằng ở trong living room hay trong phòng khách nơi tiếp bạn bè ngồi nói chuyện lâu để thoái mái người ta cần những bộ salon. Hồi xa xưa ở miền quê ông bà chúng ta có bộ phản ngồi trên đó hoặc ngồi ghế đẩu đó là nhà ông ngoại ông chúng tôi ngày xưa,và ghế salon ngày xưa không ai dùng, bây giờ ghế salon càng lúc càng ảnh hưởng càng lan rộng bởi vì ngồi trên phản không êm, ngồi trên ghế đẩu không thoải mái, ngồi trên salon người mình thư thản hơn nhiều. Do vậy, người ta tạo ra một kỹ nghệ lớn cố gắng để làm sao cho thân được thoải mái. 

Rồi không phải chỉ như vậy, mà những thứ  như quần áo cũng ảnh hưởng đến xúc giác của chúng ta, cái gì tiếp xúc với thân cảm giác dễ chịu thoải mái càng ngày người ta càng chủ trương quần áo may mặc không phải chỉ đẹp mà còn thoải mái, nghĩa là mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát, khi nó xúc chạm vào trong người cảm thấy dễ chịu hơn, và những mặt hàng ngày xưa có thời người ta cảm thấy bình thường như coton chẳng hạn bây giờ loại vải coton được người ta ưa chuộng vì nó cho chúng ta cảm giác dễ chịu. 

Nói cách khác, xúc giác có vai trò lớn. Chúng ta nói đến thế giới của lục dục, sự liên hệ thể xác với người khác phái cũng là một ở trong cao điểm của cái gọi là thể xác.

Nói chung, dù là mắt, tai, mũi,  lưỡi,  thân, dù chúng ta nói thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác, dù chúng ta nói sắc, thinh, khí, vị, xúc, 5 căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân đóng một vai trò rất lớn, đó là chúng ta nói phương diện thường thức ở bên ngoài.

-2. Phương diện thứ hai:

Trên phương diện Phật học, trong A Tỳ Đàm 5 thức gọi ngũ song thức đóng một vai trò mở cho chúng ta một cánh cửa thế giới ở bên ngoài. Và 5 thức này mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý gồm có cái thuộc về quả tốt hay quả không tốt. Thí dụ mắt nhìn cảnh đẹp mình gọi là quả thiện, mắt thấy những quả không đẹp "Những điều trông thấy mà đau đớn lòng" thì cái đó gọi là cảnh do quả bất thiện. Do vậy cũng bằng mắt nhưng có cái hưởng cảnh sắc tốt, có cái bị thấy những chuyện không hay thì nó trở thành một cặp chúng ta gọi  song. Ngũ song thức ở đây là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân.

Chính ra khi chúng ta đi vào giáo lý của Đức Phật vào buổi sơ thời Đức Phật đặc biệt đề cập đến việc thu thúc 6 căn hay thu thúc lục căn, và riêng trong tạng Diệu Pháp A Tỳ Đàm hay khi con người được trình bày theo 6 căn, 6 cảnh, 6 thức, nói một cách khác là 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới thì chúng ta hiểu được, riêng về các căn đóng một vài trò rất ư đặc biệt ở trong thế giới Phật học, chẳng những vậy khi chúng ta đề cập đến A Tỳ Đàm nói về các thức thường thường như sáu thức, bên Duy Thức học chia tám thức v.v. thì 5 thức đầu nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân vẫn được nhắc đến như những thành tố rõ ràng, những thành tố quan trọng của cuộc sống. Tại vì sao vậy? Tại vì thế giới của chúng ta hay sự sống của mỗi người đều dựa trên các giác quan và chính 5 giác quan này là 5 giác quan chi phối chúng ta từ bên ngoài rất nhiều.

Chúng ta đã nói phương diện thường thức và phương diện pháp học. Bây giờ chúng ta nói phương diện thứ ba:

- 3.Phương diện tu tập của một hành giả.

Với một người bình thường nhiều khi mình thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng mình chỉ thấy mình được hưởng mùi này hay mình phải chịu mùi kia, hay mình nghe được âm thanh này hay mình phải bị nghe âm thanh kia. 

Riêng với hành giả một người tu tập có 3 pháp liên hệ đến 6 căn này.

1. Pháp thứ nhất.

Đạo Phật gọi là thu thúc hay phòng hộ 6 căn. Phiền não từ đó khởi sanh ra do đó chúng ta phải phòng hộ. Đôi khi Đức Phật Ngài gọi những thứ đó là những vết thương. tại sao là những vết thương? Vết thương đụng đến thì đau, chảy máu. 

Cũng vậy:

Hành giả hiểu tại vì có mắt nên chúng ta có lụy về sắc.

Tại vì có tai nên chúng ta lụy về âm thanh.

Có mũi chúng ta lụy về mùi hương.

Có lưỡi nên chúng ta lụy về vị.

Và có thân nên chúng ta lụy về cảm xúc. 

Và ở đâu dễ dàng cho chúng ta bị tấn công, dễ dàng tạo cho chúng ta hệ lụy, dễ dàng tạo cho chúng ta những phiền não thì ở đó mình hiểu giống như một vết thương, mình hiểu như vậy mình giảm thiểu nó đi chứ mình có đặt quá nặng. 

Đó là phương diện thứ nhất của một hành giả tu tập khi chúng ta nói về thu thúc 6 căn.

2. Pháp thứ hai. 

Pháp thứ hai khi chúng ta nói về 6 căn rất hay, đó là, chúng ta nói về tính vô ngã của đời sống. Vô ngã ở tại đây mình hiểu cuộc sống vốn dĩ kết hợp của nhiều nhân nhiều duyên. Có những nhân, có những duyên mình kiểm soát được, có những nhân duyên mình không kiểm soát được. Một câu đơn giản chúng tôi vừa nhắc, ví dụ như trong câu "Những điều trông thấy mà đau đớn lòng". Thì có những điều trông thấy mà đau đớn lòng điều đó cho chúng ta thấy có những cái mình không muốn thấy mình phải thấy, có những thứ mình không muốn nghe mình phải nghe, có những thứ mình không muốn ngửi mình phải ngửi, không muốn nếm mình phải nếm, không muốn xúc chạm mình phải xúc chạm. Thì cái phải đó cho chúng ta thấy sự bất lực, thấy sự vô chủ vô quyền của mỗi chúng ta.

Thì hễ có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân chúng ta có thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng. Nhưng không có điều gì để bảo đảm được cái gì mình thấy, cái gì mình nghe, cái gì mình ngửi, cái gì mình nếm, cái gì mình xúc chạm hoàn toàn được như ý của mình hết. Một trăm năm kiếp người và nếu chúng ta nghĩ trong đời sống hàng ngày được nghe 50 điều thoải mái dễ chịu và 50 điều không thoải mái không dễ chịu kể ra chúng ta cũng có phước lắm rồi, kể ra chúng ta có phước. Nhưng, thường thường chúng không thể có phước như vậy, cái thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng không phải là chuyện đơn giản mà chúng ta có thể quyết định được, nó còn yếu tố ngoại giới nữa.

Lấy ví dụ, khi Ngài HT Hộ Giác Ngài nằm xuống trong tang lễ của Ngài, lễ cung tin kim quan gọi theo thế tục là lễ di quan thì trời mưa rất lớn, rồi đến giờ để cung tiễn kim quan đưa đến nơi hỏa táng mưa tạnh, và rất nhiều người hoan hỉ, nhưng trong sự hoan hỉ đó chúng ta cũng thấy có một yếu tính của sự vô ngã. Tại vì sao? Vì mưa nắng chúng ta không kiểm soát được, chúng ta có thể lo được chương trình, chúng ta có lễ lo được diễn văn, chúng ta có thể lo về trang trí v.v... Nhưng khi chúng ta bước ra bên ngoài trời mưa hay nắng nói theo ngôn ngữ VN chuyện đó hên xui, chuyện đó nếu chung ta may mắn trời không mưa còn chúng ta không may mắn trời mưa thì ngay điều đó quyết định cho chúng ta thấy lý vô ngã.

Hoặc giả, nhiều khi mình nghĩ đến một bữa ăn một bữa tiệc nào đó phải ngon nhưng đến lúc ăn thì không vừa miệng. Thì cái chuyện ăn để cho ngon cũng là vô ngã. Vì sao vậy? Trừ khi chúng ta là vua thôi chứ không phải ngày nào cũng có người nấu cho chúng ta những món ăn ngon, món ăn thịnh soạn, những món ăn đặc biệt, cũng đôi khi chúng ta ăn những món ăn đặc biệt nhưng thường thường chúng ta ăn cái gì quen thuộc thôi. Thì ở đó một lần nữa cho chúng ta thấy cái lý của sự vô ngã. 

Hiểu về sự vô ngã chúng ta sẽ thấm thía vô cùng khi chúng ta học về 12 xứ, 18 giới. Tại vì sao vậy? Là tại vì mình có mắt, có tai, có mũi, có lưỡi, có thân, nhưng riêng đối với 5 cảnh là sắc, thinh, khí, vị, xúc không có cái gì bảo đảm cả, cái gì mình thấy, cái gì mình nghe, cái gì mình ngửi, cái gì mình nếm, cái gì mình xúc chạm đều thuận theo ý mình hết, bởi vì mình không sai xử được nó phải như thế này đừng như thế kia, nên chúng ta gọi nó là vô ngã.

3. Pháp thứ ba 

Và một pháp thứ ba liên quan đến hành giả tu tập pháp này chúng tôi muốn nói hành giả có thể quán sát về bản thân qua sự hoạt động của 5 căn. 

Thí dụ như đây là mắt, đây là cảnh sắc, khi con mắt và cảnh sắc gặp nhau thức sanh khởi. 

Và khi con mắt, cảnh sắc và tâm thức là nhãn thức sanh khởi cùng lúc chúng ta gọi là xúc. 

Tức là một sự gặp gỡ giữa 3 yếu tố căn cảnh và thức thì xúc đó không nằm yên nó sanh ra thọ là hoặc khổ, hoặc ưu, hoặc hỉ, hoặc lạc. 

Thọ đó mới sanh ra ái, ái ở đây là ưa thích và ái sanh ra thủ.

Thì với hành giả tu tập lâu ngày chúng ta thấy có một tác động giây truyền, cái này có mặt ảnh hưởng cái kia, cái kia ảnh hưởng cái nọ rồi  ảnh hưởng đó là một cái gì đối với hành giả rất ư quan trọng trong sự tu tập của mình. Lấy ví dụ như mình tu thiền quán một lúc  mình thấy cái vui, cái buồn, cái mình thích, hay không thích, thật ra chỉ là một sự chi phối không hơn không kém. 

Nếu chúng ta học rõ về sự hoạt động của các căn, rồi chúng ta học rõ về khả năng chi phối là vô chừng của các căn đối với sự vui buồn đối với tâm thức, và nếu chúng ta học rõ và chúng ta có thể theo dõi kỹ về những cái chợt đến, chợt đi, chợt ẩn, chợt hiện của các căn thì lúc bấy giờ chúng ta thấy cuộc sống chỉ là một sự tác động liên hồi như những đợt sóng của đại dương trùng trùng cái này nó xô đẩy nhau đi về biển đời vô tận. Những đợt sóng đó tạo ra một hình ảnh của một mặt biển không phẳng lặng của ảnh hưởng nhiều sóng nhiều gió. Nhiều khi chúng ta phải nhìn cuộc đời như vậy để chúng ta thấy trong cuộc sống này thực tại nó vốn chứa đựng nhiều phương diện và nó không có đơn thuần chỉ có một góc cạnh như chúng ta thấy. Hễ mình nhìn thấy được điều này ít nhất qua đó chúng ta thấy được yếu tính đạo Phật dạy là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Vô Thường, Khổ, Vô Ngã thấy được rõ ràng qua sự hoạt động của 5 căn này. 

Bây giờ chúng tôi tóm tắt lại trong bài học ngày hôm nay:

Trước nhất chúng tôi nói về 5 căn, 5 căn này là 5 cửa sổ cho chúng ta thấy có sự tiếp xúc giữa nội tại và ngoại giới. Nội tại và ngoại giới chính là yếu tố tạo cho chúng ta chủ quan hay khách quan. Ví dụ, mình là người VN lưỡi mình quen ăn nước mắm thì mình thấy nước mắm là thơm nhưng với người khác không quen thì nước mắm là hôi. Mình là người VN không quen với mùi của phô mai đôi khi nhìn thấy phô mai mình không thích nhưng có những người Tây Phương họ thích mùi phô mai họ thấy thoải mái. Thì như vậy là sự chủ quan và khách quan hết.

Rồi cũng qua 5 căn này chúng ta có sự liên hệ giữa vật chất và nội tâm, khi con mắt thấy sắc thì sắc rõ ràng là vật chất nhưng từ sự tiếp xúc đó nó chuyển hóa trở thành một quan niệm thì quan niệm đó chúng ta gọi quan niệm nội tâm. Như vậy nó đóng vai trò bắt nhịp cầu. Lấy ví dụ, cũng màu sắc đó nhưng nếu một họa sĩ tài hoa kết hợp trở thành một bức tranh và chúng ta là người thưởng thức hội họa ở một trình độ tương đối khác thì đường nét đó màu sắc đó tạo cho chúng ta bao nhiêu sự suy nghĩ về cuộc sống, về chiến tranh, về hòa bình, về tình yêu, tuổi trẻ về những khái niệm này khái niệm khác. 

Chúng ta nói về chủ quan, về khách quan, nói về vật chất, nói về nội tâm, chúng ta nói về nội giới, nói về ngoại giới đó là chúng ta nhìn vào các căn chúng ta hiểu những khái niệm như vậy. Nhưng 3 phương diện chúng tôi đề cập đến ở tại đây. 

Phương diện đầu tiên là phương diện thường thức. 

Thì từ các căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân chúng ta hiểu nó sản sinh ra một nền văn hóa vĩ đại một nền văn hóa muôn màu muôn mặt. 

Chúng ta nói về tai hay chúng ta nói về thính giác thì chúng ta cũng nói đến một nền văn hóa lớn, ví dụ như âm nhạc. 

Hay chúng ta nói về mắt chúng ta nói về hội họa.

Chúng ta nói về mũi chúng ta nói về hương liệu chúng ta nói về nước hoa.

Chúng ta nói về lưỡi chúng ta nói về ẩm thực.

Chúng ta nói về thân là nói về xúc thì chúng ta nói về giường chiếu, nói về quần áo, chúng ta nói về nhục dục. 

Nói chung lại, những chuyện đó không phải chỉ có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, mà nó rất là lớn chuyện, lớn chuyện nghĩa là nó đã tạo cho chúng ta không biết bao nhiêu những phó sản, bao nhiêu những hệ lụy, bao nhiêu ảnh hưởng, nó tạo thành một thế giới muôn màu muôn sắc, những thế giới có bao nhiêu thứ khiến cho chúng ta bị choáng ngợp, chúng ta cảm thấy chới với bởi vì sự chi phối của nó quá mạnh.

Rồi trên phương diện Phật học.

Qúi Phật tử sẽ thấy, chúng ta học Phật học nói nhiều về 5 căn này, như ngũ song thức ở trong A Tỳ Đàm hay Phật học đề cập đến 6 thức thì 5 thức đầu nói 5 thức liên hệ đến mắt, tai, mũi, lưỡi, thân rất nhiều.

Nhưng trên phương diện hành giả tu tập tức pháp hành thì điều này rất quan trọng. Hồi nãy chúng tôi có trình bày thu thúc lục căn nói thu thúc 6 căn thì cũng liên hệ đến các căn này, hay chúng ta nói về sự quán tưởng Giáo Lý Duyên Khởi; danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, nó cũng liên hệ đến những điều này. Hoặc giả chúng ta đề cập đến một vị hành thiền  vị đó quán tưởng bản thân qua sự hoạt động của 5 căn. 

Chúng tôi nói tóm lại một điều như vầy. Khi chúng ta học Phật Pháp có những lãnh vực mình đừng tưởng hiểu rồi nó yên tại đó, mình hiểu rồi cứ để mặc nó. Thật ra những pháp đó liên hệ với những pháp khác.

Nếu một người học Phật thấy được 5 căn nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân và chúng ta nhìn từ nhiều góc cạnh khác nhau thì điều đó làm cho chúng ta trở nên nhạy bén hơn, dễ hiểu hơn, dễ lãnh hội hơn khi chúng ta đề cập đến những pháp khác. 

Ví dụ Giáo Lý Vô Ngã trình bày nhiều cách. Nhưng Giáo Lý Vô Ngã có thể trình bày như vầy; con mắt tiếp xúc với cảnh sắc nhãn thức sanh khởi, và nó sanh ra thọ khi nói con mắt tiếp xúc cảnh sắc. Ví dụ mình có con mắt cũng chưa chắc mình làm chủ hoàn toàn con mắt. Tại vì sao? Tại vì con mắt có khi nó sáng, có khi nó mờ, có khi nó bị bịnh chúng ta không làm chủ được con mắt. 

Với cảnh sắc chúng ta hoàn toàn không làm chủ được, một cảnh bên ngoài rất đẹp của một ngày đẹp trời nắng, cảnh bên ngoài rất ảm đạm của một ngày trời mưa, một cảnh ở bên ngoài rất hữu tình như hồ rộng núi cao, một cảnh ở bên ngoài rất  nản như một đống rác v.v... nó đều không nằm ở trong sự kiểm soát của chúng ta.

Rồi con mắt khi nó tiếp xúc với cảnh sắc, rồi thị giác sanh khởi và cảm thọ hoặc vui hoặc buồn, hoặc không vui không buồn, mình không kiểm soát được. 

Nhiều lúc, đối với mình rất khó hiểu, tại sao cũng bữa ăn đó có nhiều khi chúng ta hờ hững, tại sao cũng bữa ăn đôi khi chúng ta cảm thấy không có thích thú. Thì một người tu tập thấy chuyện đó chúng ta học được cái lý VôThường, Khổ và VôNgã qua sự hoạt động của các căn các cảnh các thức./.

Wednesday, June 10, 2015

Kinh Phúng Tụng - Năm điều lợi ích của một người có giới trì giới

Kinh Phúng Tụng - Năm điều lợi ích của một người có giới trì giới

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 3-1-2013, Minh Hạnh chuyển biên

(Xin lưu ý: những bài chuyển biên này chúng tôi hoan hỷ với những ai tải về trang web nhà, để tôn trọng người chuyển biên xin đề rõ tên người chuyển biên) 

TT Giác Đẳng: Trước nhất, nói về chữ giới trong đời sống được hiểu là những nguyên tắc của những hành xử liên quan đến thân, khẩu, ý của chúng ta. Những nguyên tắc này cho chúng ta biết một lằn danh cái gì nên làm và cái gì không nên làm. 

Nói trên ngôn ngữ Phật Pháp người giữ giới là người sống có giới, ngôn ngữ ngoài đời là người sống có nguyên tắc.

Dĩ nhiên, giới có nhiều loại, nó không thuộc về giới cấm thủ, có nhiều loại là ác giới hay tà giới không phải giới luật Đức Phật ban hành. Thí  dụ như Ngũ Giới, Bát Quan Trai Giới, Sadi Giới, Tỳ Kheo Giới, Tỳ Kheo Ni Giới v.v... là những giới Đức Phật Ngài dạy cho người Phật tử thực hành.

Những nguyên tắc ngoài đời người ta hay đặt để một vài trường hợp; Thí dụ người ta nói mình sống phải sống đàng hoàng tức là không nói chuyện không nói có , chuyện có nói không, điều này cũng là một thứ nguyên tắc. Hay hoặc giả một người hứa làm chuyện gì đó thì chắc chắn họ phải tuân thủ, phải làm tuân giữ lời mình hứa, cũng là một số nguyên tắc.

 Đức Phật Ngài định nghĩa giới như một chủ tâm để tránh không làm điều gì đó cho dù ở những hoàn cảnh khó khăn. Lấy ví dụ, chúng ta không thích nói lời chia rẽ thì cho dù hoàn cảnh có bực bội khó chịu đến đâu, hay chúng ta có ghét người nào đến đâu chúng ta cũng không nói lời ly gián người đó với một người khác, đó gọi là nguyên tắc trong đời sống. Những nguyên tắc này tạo thành những xã hội văn minh, tạo thành những cá nhân và những cá nhân này được xem như sống đàng hoàng.

Đức Phật Ngài cho chúng ta biết không phải những nguyên tắc đó đơn giản chỉ tạo ra một xã hội trật tự nó còn ảnh hưởng nhiều đến nội tâm chúng ta. Nói một cách khác, nếu một người sống tùy tiện chuyện gì làm cũng được miễn người ta không thấy, người ta không biết thì mình làm gì cũng được, đó là người không có giới. Nhưng có những người sống tin có những việc mình nhất định trong hoàn cảnh nào cũng không làm, và đặc biệt nếu điều đó là điều kết hợp với Ngũ Giới hay Thập Thiện thì điều đó trở thành một thứ giới ở trong đạo Phật.

Chúng tôi lấy ví dụ trường hợp sát sanh. Một người Phật tử hiểu đạo ở trong mọi hoàn cảnh không bao giờ muốn sát hại sinh vật ngay cả khi ăn thực phẩm nào không phải là con vật còn sống, nó có sẵn thì họ ăn, còn con vật nào sống mà biểu đem giết rồi nấu cho họ thì họ từ chối. Giả xử như đi chợ, người ta nói con vật còn sống làm sẽ ngon nhưng mình là người Phật tử thì mình biết những con vật sống đó là những con vật có thức tánh mình ăn sẽ phạm tội sát sanh thì người Phật tử dứt khoát là không mua, nếu cần phải mua thì mua con vật nào đã chết rồi. Đó nó cũng là một thứ nguyên tắc ở trong cuộc sống và điều đó ảnh hưởng sâu xa đến đời sống nội tại của chúng ta. Một người trưởng thành không có được những nguyên tắc này chúng ta thường có vấn đề là chúng ta không biết lằn ranh nào phải dừng lại.

 Trong những xã hội tiến bộ con người thường có những hạn chế nhất định trong cuộc sống của mình, những hạn chế này không phải mất đi tự do, những hạn chế này tạo nên trật tự của đời sống mình tuân thủ, mình sống với những nguyên tắc đó, thì điều đó chứng tỏ mình có trưởng thành. Một người sống đụng đâu xâu đó, cái gì sống cũng được, làm sao sống cũng được thì thường họ tạo nên nhiều phiền phức cho họ và cho những người chung quanh. Chúng ta lấy ví dụ, mình ở gần một người hay táy máy, họ đọc email của mình, hay họ mở thư của mình, hoặc giả người đó hay lấy đi những thứ không phải của họ thì tự nhiên mình sống gần người đó mình phải cẩn thận, vì người đó không cho mình sự an lạc. Nhưng mình sống với một người có nguyên tắc rõ ràng, chuyện nào ra chuyện đó, rất tôn trọng sự riêng tư của người khác, không bao giờ đụng đến những thứ người ta không cho phép, mình biết người đó thật sự sống như vậy thì mình cảm thấy thoải mái dễ chịu. Nó là một cống hiến nói lên sự an hoà. Mình chơi với một người bạn mình biết người kín miệng không đem chuyện chỗ này nói chuyện chỗ kia, không đem lửa ngoài vào trong nhà, không đem lửa ở trong nhà ra bên ngoài thì mình cảm thấy mình không cần giữ kẽ. Nhưng nếu người nào có tính thài lai chuyện gì họ cũng đem nói đầu trên xóm dưới thật sự mình ở gần người đó đôi khi mình phải nên cân nhắc phải cẩn thận .

Chính nguyên tắc sống làm cho cuộc sống có trật tự đâu vào đó. Người Trung Hoa ngày xưa họ nói "cha làm tròn bổn phận của cha, con làm tròn bổn phận của con", điều đó như mơ hồ nhưng cũng nói đến một thứ trật tự người nào thì biết việc của mình không đi xa khỏi ranh giới. Cuộc sống của chúng ta lớn lên càng rộng lớn, chúng ta đi nhiều, giao tiếp nhiều, sống trong nhiều trường hợp nhưng nếu chúng ta sống ở trong một thế giới to lớn và chúng ta không có nguyên tắc giống như chiếc thuyền đi trên biển không có định hướng. 

Cuộc sống tùy tiện đạo Phật gọi là cuộc sống phóng túng. Cuộc sống phóng túng là cuộc sống không có mục đích, cuộc sống không có nguyên tắc. Nguyên tắc đi chung với mục đích, chúng tôi lấy ví dụ bây giờ chúng ta sinh hoạt trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma, chúng ta vào đây để học Phật Pháp không phải khi chúng ta học Phật Pháp chúng ta nói huyên thuyên chuyện gì cũng nói, có những chuyện thích hợp những chuyện không thích hợp, ví dụ ngày hôm nay chúng tôi vào đây bàn với qúi Phật tử những đề tài không phải Phật Pháp thì điều đó không thích hợp. Như vậy cuộc sống có cái gì rõ ràng và nếu chúng ta tuân thủ những cái rõ ràng đó là chúng ta sống có nguyên tắc và càng sống có nguyên tắc đời sống của chúng ta càng có lòng tự tin.

Về điều này chúng ta ít khi nào nghĩ ảnh hưởng lớn đến đời sống mà đôi lúc chúng ta xem nó là những sợ giây ràng buột. Trong một văn hóa không có thuần chất Phật Pháp người ta hay sợ giữ giới tại vì người ta thấy giới làm cho mình lúng túng chỗ này cảm thấy phiền toái chỗ kia. Nhưng nếu chúng ta để ý kỹ ở trong một nhóm, trong cộng đồng nào những thành viên trong đó có biết tuân thủ những nguyên tắc nhất định thì đời sống sẽ an lạc. Mình đi chung trong một phái đoàn, trong một nhóm người mình biết có một người nào đó có tính ăn cắp vặt thì thật sự rất phiền, hay mình biết người nào trong nhóm họ hay nói xấu người khác mình cũng rất phiền, hay có một người nào đó sống không đàng hoàng trong đời sống mình cũng rất phiền. Nếu chúng ta những người cùng hành trình với nhau trên một con thuyền cho dù ở trong hoàn cảnh này, hoàn cảnh khác, cùng nhau tu tập, cùng nhau sống dưới mái chùa, cùng nhau đi trong một đoàn hành hương, cùng nhau làm một đề án gì đó những người đồng sự sống chung với mình những người đó sống tùy tiện quá không có nguyên tắc thì sẽ loạn.

Tại sao từ ngàn xưa người ta vẽ ra những lằn ranh, thí dụ, thế nào là một người có gia đình, thế nào là người độc thân, thế nào là một quan hệ bất chánh, thế nào là một quan hệ có khả dĩ chấp nhận được trong xã hội? Tại vì khi một xã hội quan hệ của con người loạn quá thì tự nhiên gây ra nhiều phiền não, rất nhiều phiền não lớn chứ không phải nhỏ giữa người này và người khác. 

 Thì ở đây, Đức Phật Ngài nói đến một lãnh vực một khía cạnh khác liên quan đến giới ảnh hưởng đến cá nhân như thế nào. Hồi nãy giờ chúng ta bàn ảnh hưởng đến xã hội, ảnh hưởng đến cộng đồng, ảnh hưởng đến những người sống chung với mình, nhưng Đức Phật Ngài cũng khẳng định một người sống có nguyên tắc và hiểu những nguyên tắc của mình dầu nguyên tắc đó là 5 giới, 8 giới, Sadi giới, Tỳ kheo giới, Tỳ kheo ni giới thì những nguyên tắc đó làm cho người đó có được những lợi lạc những kết quả ở nội tâm.

Về điều này chúng ta đã nghe Chư Tăng nói đến nhưng hôm nay chúng tôi nhắc lại một số: 

- 1. Điều lợi ích thứ  nhất. Nhờ giữ giới mình giữ được tài sản.

Ví dụ nhờ giữ giới mình giữ được tài sản, một khi giới hạnh bị hỏng chúng ta rất dễ bị tổn thất. Điều này có lẽ dễ hiểu nhất ở trong thí dụ người ta nói mình có tiền mình sài có chừng mực sẽ không dẩn đến chỗ phá sản, nhưng nếu mình vung tay quá trán sẽ dẫn đến chỗ khánh kiệt. Chúng ta sống ở quốc gia giàu về vật chất chuyện đó cũng như vậy, thí dụ như phương tiện của chúng ta chỉ có chừng đó chúng ta sài nhiều hơn phương tiện mình có thì mình có vấn đề, còn chưa nói đến chuyện mình làm những điều sai trái cái giá mình trả những điều sai trái đó là mình không gìn giữ được tài sản. Ở trong những xã hội pháp trị có một điều rất rõ ràng là bảo vệ tánh mạng và tài sản, nhưng nếu muốn bảo vệ tài sản con người thì những người sống trong xứ đó phải tuân thủ những nguyên tắc hợp pháp, ví dụ như đóng thuế cho đủ, hoặc giả không làm những điều phi pháp, hoặc giả có những điều họ được làm có những điều không nên làm họ tuân thủ cho đủ thì họ gìn giữ được tài sản của họ, còn trong một xã hội pháp trị không ổn định thì tánh mạng không bảo đảm, tài sản không bảo đảm. 

Tại Hoa Kỳ chúng tôi biết có nhiều trường hợp hai vợ chồng qua đây trong thời trẻ cùng nhau xây dựng sự nghiệp, mở những cơ sở thương mại làm ăn buôn bán tới tuổi 50, 60 giàu có, nhưng sau nhiều năm vợ chồng làm việc vất vả tạo nên một tài sản đáng kể thì người chồng đi về VN coi công việc có vợ nhỏ hay có bồ bịch bên đó, người vợ ở đây buồn đi casino bài bạc, chỉ trong thời gian rất ngắn đi đến chỗ phá sản là tại vì cuộc sống của họ đã đi lệch nguyên tắc. Nguyên tắc của họ rất rõ, nếu mình muốn giàu có đừng để tiền bạc chảy ra những chỗ không đáng, nhưng một khi tiền bạc dùng vào chỗ trụy lạc như về VN kiếm vợ nhỏ hay đi vào casino chơi bài bạc không sớm thì muộn cũng bị phá sản, và chuyện đó xảy ra không phải một gia đình mà rất nhiều gia đình ở tại Hoa Kỳ.

 Thì ở đó cho chúng ta thấy trong những trường hợp như vậy một người phải có đủ tỉnh táo để đủ nhận ra nếu mình không tuân giữ một số nguyên tắc nhất định thì công lao mình đem đổ sông đổ biển, những gì mình tích tập bao nhiêu năm do công sức mồ hôi nước mắt bây giờ nó đi dễ dàng lắm. Đôi khi một người đi làm lương công nhật để dành tiền cả năm như vậy mới tích lũy vài ba chục ngàn đi casino đánh bài đứng trong một canh bạc tốn cả trăm ngàn rồi dẫn đến chỗ phá sản. 

Nói chung, nếu đời sống của chúng ta có trật tự có nguyên tắc thì cái gì mình làm được mình giữ được. Nhưng nếu đời sống chúng ta buông thả quá đi đến chỗ không đáng đi thì chuyện thất thoát, chuyện phá sản, chuyện khánh tận là chuyện rất dễ dàng xảy ra. Do vậy Đức Phật Ngài dạy một người giữ giới người đó có khả năng gìn giữ tài sản của họ.

Ngày hôm nay tại Hoa Kỳ người ta cũng nói rằng những công ty làm ăn khá họ đều có những luật gọi là "play by the rules, play by the book" có nghĩa những nguyên tắc nhất định ở trong sự quản trị và nhờ kỷ luật đó người ta có thể gìn giữ được sản nghiệp của công ty, còn nếu nguyên tắc đó không được tôn trọng thì dẫn đến chỗ phá sản là chuyện bình thường.

- 2. Điều lợi ích thứ hai, nói về một người giữ được giới hạnh có được danh thơm tiếng tốt. 

Chúng tôi nghĩ như vầy, có nhiều việc chúng ta nghĩ nó rất nhỏ không đáng kể nhưng thật sự ảnh hưởng rất lớn. Một lần sang bên Úc cách đây một năm chúng tôi ngồi nói chuyện với một số Phật tử trong một gia đình ở Sydney, các vị nói với chúng tôi; khi các vị vào sinh hoạt trong Internet các vị thấy có 2 thành phần của Tăng Ni: một thành phần vào trong Internet paltalk hay vào nơi nào khác sinh hoạt là vì ưa chuộng Phật Pháp mà vào sinh hoạt hay vì muốn cống hiến nên vào sinh hoạt. Nhưng có những vị đi vào sinh hoạt chỉ với mục đích để liên lạc đầu này đầu kia và để kêu gọi tiền bạc. Ban đầu chúng tôi nghe các vị nói vậy chúng tôi cũng đồng ý là có như vậy. Nhưng khi các vị kể cho chúng tôi một vài Chư Tăng vào internet sinh hoạt chỉ dùng để làm phương tiện liên lạc đầu này đầu kia kêu gọi tiền bạc thì lúc đó chúng tôi hơi chạnh lòng một chút, bởi vì chúng tôi cũng biết những vị đó, những vị đó cũng có khả năng nhưng các vị đó đã dùng phương tiện paltalk để phá hủy đi niềm tin của Phật tử và đã làm chuyện không đáng mà làm cho mình mất đẹp. Và cũng may mắn cho chúng ta là có rất nhiều vị trong nhiều năm tháng của cuộc sống những vị này chỉ một lòng làm việc cống hiến và những vị đó khi làm việc cống hiến không nghĩ mình vào internet để liên hệ đầu này đầu kia để được điều này được điều kia. Khi chúng tôi nghe những người Phật tử nói như vậy chúng tôi hiểu ngay một chuyện trong đời sống là có những khi người ta hy sinh một cách không đáng những điều không nên hy sinh. Nói đến điều này chúng tôi nhớ có câu nói: "Cầm lòng bán cái vàng đi, để mua những cái nhiều khi không vàng". Người ta đem vàng đi bán để lấy tiền nhiều khi lấy tiền đó để mua những cái không đáng gì so với số vàng đã có. Thì mỗi con người trong cuộc sống có một số những nguyên tắc nhất định và những nguyên tắc này làm đẹp cho bản thân, làm đẹp cho đạo, làm đẹp cho đời, nhưng nếu người đó không có đủ lòng tự trọng mà nghĩ rằng mình chỉ dùng những phương tiện này để cho mục đích này mục đích kia mang tánh cách vụ lợi hay vị ngã thì đúng là "cầm lòng bán cái vàng đi, để mua những cái nhiều khi không vàng". 

- 3. Điều lợi ích thứ ba của quả phúc đó là lòng tự tin. 

Lòng tự tin, chúng ta sống ở trong một tổ chức, hay giữa đám đông hay giữa hội chúng. Chúng ta để ý kỹ sẽ thấy những người hay nói chuyện đàm tiếu, đem chuyện chỗ này nói chuyện chỗ kia chẳng hạn, khi họ đivào trong đám đông dễ bị người khác nghĩ quấy về họ và họ dễ mất tự tin. 

Điều này là kinh nghiệm của chúng tôi. Trong những buổi hội họp, những buổi hội thảo, những buổi gặp gỡ làm việc từ giáo hội cho đến những tổ chức địa phương, hay trong một cộng đồng, trong nhóm, những người nào sống có giá trị riêng của mình, có nguyên tắc riêng của mình thì họ đến đi một cách rất tự tại. Nhưng người nào sống đụng đâu sâu đó, sống tùy tiện, sống thế nào cũng được thì họ không có tự tại. Ngay cả khi nói năng thì những người sống họ có giá trị riêng của họ thì khi họ nói chúng ta hiểu lời họ nói chắc nịch, lời nói của họ có nặng ký. Nhưng những người sống tùy tiện, ở trong cuộc sống họ không có nguyên tắc gì hết thì thật sự lời nói họ không có giá trị, vì lý do rất đơn giản là trong lòng của họ không có đủ tự tin. Nên trong trường hợp này nó ảnh hưởng tâm lý rất nhiều.

Ngài Thiền Sư Ajahn Liem ở Thái Lan có nói: Một vị Tỳ Kheo sống an lạc giữa Tăng chúng là vị đó không có điều gì để tự trách về bản thân của mình, nhưng một người làm những điều xấu tự bản thân của mình thì cho dù ngồi giữa Tăng chúng người đó không được an lạc. Về điều này chúng ta phải nói nó ảnh hưởng đến tinh thần mình rất lớn.

Chúng tôi nhớ trong những ngày cuối cùng của Ngài HT Hộ Giác trước khi Ngài ra đi nhiều Chư Tăng và nhiều Phật tử đến thăm viếng bên giường của Ngài. Chúng tôi có thể cảm nhận một cách sâu sắc rằng Ngài đã đối xử với tất cả bằng trọn vẹn tấm lòng của Ngài, Ngài không đối xử xấu với một ai thành ra lúc họ đến với Ngài, Ngài cảm thấy rất tự tại. Giả xử trong đời sống mình có điều gì sai quấy xử xấu với người nào mà trong những giờ phút cuối cùng của đời mình họ đến thì thật sự mình cảm thấy áy náy, có khi mình phải xin lỗi, có khi mình cảm thấy không thoải mái. Nhưng bởi vì trong cuộc sống của Ngài rất chan hoà rất tốt với tất cả mọi người, Ngài đem cái tình đối với mọi người do vậy khi người ta đến Ngài cảm thấy thanh thản không có gì vướng bận. Đó cũng là một nguyên tắc trong đời sống của mình, nguyên tắc sống là mình sống vô hại, sống với lòng từ.

- 4. Điều lợi ích thứ tư. Đó là khi đối diện với cái chết không mê loạn.

Nói đến tâm tự tại ổn định khi đối diện với cái chết thì có lẽ riêng đối với bản thân của chúng tôi trong thời gian hơn một tháng qua chúng tôi học được rất nhiều điều về điểm này. Khi Ngài HT Hộ Giác ra đi Chư Tăng và Phật tử nhắc nhiều về những điều kỳ lạ ở trong cuộc sống của Ngài, ở trong tang lễ của Ngài, ví dụ như thời tiết, thí dụ như phần di cốt của Ngài v.v... Nhưng riêng đối với cá nhân chúng tôi một điều chúng tôi thật sự cảm nhận và cảm nhận một cách hết sức thấm thía đó là sự thanh thản của Ngài khi đối diện với cái chết. Chúng tôi đọc trong kinh, Đức Phật Ngài dạy  hầu hết chúng sanh ở đời đều run rảy trước tử thần, hay nói một cách khác đều kinh hoàng trước cái chết. Nhưng cho đến bây giờ khi Ngài ra đi rồi chúng tôi có thể nói một điều những giây phút cuối cùng cuộc đời của Ngài cho thấy Ngài đã thật sự rất thanh thản điềm tỉnh trước cái chết. 

Chúng tôi từ Úc về 3 tuần lễ trước khi Ngài ra đi lúc bấy giờ Ngài dùng cơm không được chỉ uống nước, chúng tôi thỉnh Ngài đi bệnh viện nhưng Ngài không đi, Ngài nói với chúng tôi: "kỳ này Sư sẽ không qua khỏi". Và rồi ngày thứ Sáu đầu tháng 12 chúng tôi thấy không nên để như vậy, nhờ một người y tá ở clinic nơi Ngài lọc thận để thưa với Ngài là Ngài cần oxy và Ngài phải vào bệnh viện thì Ngài cũng miễn cưỡng nhận lời. Ngài ở bệnh viện tới ngày thứ Hai sau khi chúng tôi bàn với các bác sĩ được biết việc chữa trị không còn thích hợp với Ngài nữa, chúng tôi muốn rước Ngài về chùa để Ngài ra đi, chúng tôi vào thưa với Ngài: " bệnh viện cho biết việc chữa trị không còn tốt cho Ngài nữa thành ra chúng con quyết định rước Ngài về chùa để Ngài ra đi ở chùa". Ngài một cách rất bình thản, Ngài gật đầu, Ngài nói: "Như vậy là phải".

Ngài về chùa, trước đây mỗi ngày Ngài đều phải dùng thuốc bây giờ Ngài không dùng thuốc nữa, và một tuần Ngài phải lọc thận 3 lần bây giờ không lọc thận nữa, điều đó có nghĩa cái chết gần kề. Không phải một mình chúng tôi ở với Ngài mà rất đông Chư Tăng và Phật tử vây chung quanh Ngài. Ngài biết cái chết sắp đến nhưng Ngài rất điềm tỉnh, một hình Phật treo thấp trước giường bệnh Ngài dặn treo cao lên, bởi vì sau đó Ngài cho biết treo thấp giống như chân mình hướng về Phật không tốt. Chư Tăng đến Ngài dặn lo chỗ ở lo cơm cho Chư Tăng. Qúi Phật tử ở xa về đảnh lễ Ngài, Ngài nhớ Ngài hỏi thăm những người trong gia đình, Ngài đang đối diện với cái chết nó có thể đến từ bất cứ khoản khắc nào nhưng lần đầu tiên chúng tôi tận mắt mục kích một người có thể nhìn cái chết đến một cách bình thản như vậy, rất ư bình thản.

 Hơn 2 năm qua trước khi Ngài ra đi, Ngài thường nói về kinh Girimànanda. Có một điều lạ về cuộc sống của Ngài là khi Ngài còn khỏe Ngài thường chú trọng về pháp học hơn pháp hành, và Ngài cũng chú trọng về phương pháp niệm Phật nhiều hơn những pháp khác nhưng 2 năm cuối cùng thì Ngài thường niệm về thể trược, niệm về thân bất tịnh. Chúng tôi cũng không hiểu tại sao nhưng chúng tôi biết Ngài thường tụng kinh Girimànanda và thường ngồi tụng một mình. Mỗi khi đến hầu chuyện với Ngài thì Ngài thường nói về thân bất tịnh. Chúng tôi hiểu rằng Ngài đang chuẩn bị một cái gì đó cho chính Ngài và sự chuẩn bị đó có kết quả.
Chúng tôi hoàn toàn tin Ngài đã chuẩn bị rất tốt cho hành trình của mình. Nhưng chuyện đó không có dễ dàng. Đối với Ngài Hộ Giác khi Ngài nằm ở trên giường bệnh chúng tôi có thể cảm nhận được sự nhẫn của Ngài đối với cái đau của cơ thể. Khi nói chuyện với Ngài thì Ngài trả lời, nhưng bình thường Ngài nhắm mắt kham nhẫn không rên rỉ không than thở. Lúc đó chúng tôi mới thấy cuộc tu có ý nghĩa, thật sự phải nói sự tu tập có ý nghĩa. 

Tất cả chúng ta khi đối diện với cái chết đều có sự sợ hãi và thường có những liệu toan không biết cái này rồi sẽ ra sao, cái kia ra sao, lúc đó chúng ta nhớ nhiều thứ nhưng không có thứ nào đáng nhớ cho bằng hơi thở của mình, cho bằng cảm thọ của mình, và cho bằng Phật Pháp hết. Nhưng chúng ta thường nhớ những thứ khác.  Tâm của chúng ta phải đủ mạnh, trí của chúng ta phải đủ sáng suốt để chúng ta không nhớ điều này và điều khác. Được như vầy nhờ những nguyên tắc trong đời sống của chúng ta và những nguyên tắc đó phải rõ ràng. 

Trong cuộc sống của Ngài HT Hộ Giác có một điều chúng tôi chia sẻ với qúi vị là Ngài có một bản lãnh khó có ai có thể có được, đó là Ngài rất thoải mái để nói chuyện một cách hoà ái với những người từng chống đối Ngài từng nói xấu Ngài. Đôi khi chúng tôi hỏi Ngài làm thể nào mình có thể đối diện với những người họ ghét mình họ chống đối mình một cách thoải mái như vậy? Ngài dạy là:

 "Mình hãy ban bố, hãy cho, hãy chia sẻ với người đó, khi mình cho ai một cái gì dầu một tách trà, hay một bữa cơm, hay một nụ cười thì mình không có phiền không có giận người đó nhiều".

Cách này cũng có một điểm, nếu mình giận một ai đó mình không làm gì hết thì cái giận sẽ còn hoài,và thay vào đó mình đãi người đó một bữa ăn cho ngon hay tặng cho người đó một món quà gì đó, mình tặng cho người đó một món quà đồng thời cũng có nghĩa là mình xoá đi niệm bất thiện trong lòng mình.

Ngày xưa ở chùa có một người Phật tử, anh này rất giỏi về công việc làm dàn đồng, làm dàn xe hơi, chùa nhờ anh sơn sửa những tượng Phật, anh làm rất tốt. Nhưng anh có tật đánh vợ đánh con, vợ con ở không được ra bên ngoài, anh lên xin Ngài HT Hộ Giác nói làm sao để vợ con trở về nhưng vợ con không trở về anh lại thù Ngài Hộ Giác và thù Chư Tăng, khi anh thù như vậy anh nói nhiều chuyện rất tệ hại. Nhưng lâu lâu Ngài nhìn những tượng Phật Ngài vẫn nhắc đến công quả của người đó, của người đã từng làm mặc dầu người đó đã từng mạ lỵ Ngài bằng cách này cách khác.

Chúng tôi nghĩ, khả năng có thể nhớ cái tốt của người mà không nghĩ đến cái xấu của người cũng là một thứ nguyên tắc của đời sống, nguyên tắc đó giúp chúng ta có một thái độ tỉnh táo cái nào là cái nên làm, cái nào nên nghỉ, và như vậy trả cho chúng ta về sự bình an.

 Một người sống không có những nguyên tắc như vậy rất dễ sợ và đến lúc lâm chung chúng ta thường rối loạn tâm tư của mình. Về điểm này tương tự như chúng ta học rồi đi thi. Chúng tôi biết có những người học rất giỏi nhưng họ bị chứng bịnh đến giờ thi họ bị một áp lực rất lớn và do áp lực này họ trở lên bối rối và quên bài, mặc dù bình thường họ rất giỏi do vậy nhiều khi người ta nói "học tài thi mạng" chúng tôi không biết rõ nhưng chúng tôi biết đôi khi vào giờ chót chúng ta do bị áp lực nhiều chúng ta làm hỏng đi công trình học của mình. Đôi lúc cả đời chúng ta huân tập rất nhiều công đức nhưng giờ phút cuối cùng khi đối diện với cái chết nghĩ đến những người thân đã bỏ lại, nghĩ đến bao nhiêu tài sản vốn liếng chúng ta bỏ lại, nghĩ đến những vật qúi chúng ta có bây giờ chúng ta không làm chủ được, lúc đó có vấn đề.

 Vì vậy để khả dĩ có thể có được trạng thái thanh thản trước khi ra đi có lẽ không có điều gì tốt hơn trong cuộc sống của chúng ta nên tạo một số thói quen, đạo Phật gọi là thường nghiệp, thói quen đó là thói quen tốt. Có Phật tử nói với chúng tôi ban đầu vào trong rơom nghe pháp bởi vì buồn muốn nghe pháp, nghe lâu ngày tự nhiên tới giờ không vào nghe pháp thấy thiếu, như vậy đã trở thành thói quen tới giờ đó cho dù vị giảng sư nào, đề tài nào đi nữa cũng vào nghe được vì thành thói quen, thói quen đó là thường nghiệp tốt. Chúng tôi thật ra có đôi lúc bận việc mà duy trì rơom thật sự cũng vất vả nhưng nghĩ đến lợi lạc cho Chư Tăng và Phật tử chúng tôi nghĩ  dù thế nào mình cũng phải cố gắng. Và chúng tôi tin rằng những thường nghiệp chúng ta lập đi lập lại mỗi ngày ở trong trường hợp này Đức Phật đặc biệt Ngài nói đến trì giới nó sẽ tạo cho chúng ta những thói quen tốt không chừng những thói quen đó giúp ích cho chúng ta rất nhiều ở trong những lúc chúng ta cần đến năng lực của thường nghiệp, năng lực của nguyên tắc năng lực của lòng tự tin. 

- 5. Điều sau cùng Đức Phật Ngài dạy lợi lạc của một người trì giới đó là sau khi thân hoại mạng chung sanh về cõi an lạc.

Người Phật tử VN của chúng ta ảnh hưởng màu sắc tôn giáo đôi khi chúng ta chỉ nói đến niệm Phật khi chết sẽ sanh về cõi Phật. Thật ra còn có nhiều thứ chúng ta cần phải để ý. Một nguyên tắc chung, cái gì nhẹ nhàng cái đó đi lên và cái gì nặng nề cái đó chìm xuống. Không nhất thiết chỉ có niệm Phật về cõi Phật mới là cứu cánh của chúng ta. Chúng ta còn phải nghĩ đến làm thế nào ở trong giây phút cuối cùng chúng ta có thể ra đi không có sự dính mắc. Làm sao những giây phút cuối cùng chúng ta có thể ra đi tâm không sân, không hận. Làm thế nào những giây phút cuối cùng ra đi chúng ta đủ sự tỉnh táo để có thể nhìn vào hơi thở của mình, nhìn vào cảm thọ của mình, những điều đó có lợi cho chúng ta nhiều, có lợi hơn những thứ khác.

Vì vậy, nếu chúng ta tin vào điều đó chúng ta chỉ lấy một tiêu chí đơn giản đó là ở trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta sẵn sàng khởi hành, sẵn sàng lên đường với một tâm tư thật sự nhẹ nhàng. Tâm tư nhẹ nhàng đó phải là tâm tư không dính mắc, tâm tư nhẹ nhàng đó phải là tâm tư không oan kết, tâm tư nhẹ nhàng đó phải là tâm tư thanh thản.

Nói không dính mắc là nếu bây giờ chúng ta còn tỉnh táo bình thường và chúng ta tâm niệm rằng rồi ai cũng phải ra đi, tất cả cái gì mình có mình đều bỏ lại cuộc đời này, nặng lòng cho lắm rồi nó cũng phải bỏ lại thôi. Và đặc biệt khi nghĩ đến cái chết của những người thân của mình mình thường quán tưởng như vầy thì giúp ích cho chúng ta nhẹ nhàng. 

Và ở trong giây phút này khi chúng ta còn khoẻ khi chúng ta chưa kề cận cái chết nếu có giận ai thì cứ giận nhưng đừng oan trái, đừng oan kết, đừng có cột với người đó. Chúng ta thường nói những câu chúng ta nghĩ rằng câu đó nói lên một sự khẳng định để chúng ta không bực bội. Thí dụ như mình nói rằng mình vĩnh viễn không bao giờ chơi với người nào, hay là không bao giờ muốn thấy một người nào, hay là mình nhất định không đội trời chung với người đó. Lâu lâu chúng tôi nhận những email hay những lời nói chửi qua chửi lại của nhóm người này nhóm người kia đôi khi chúng tôi cảm nhận một điều rất ít người thấy được hệ quả của sự oan kết, sống trong cuộc đời oan kết để làm gì, mình cột giây oan kết để mình kéo nhau vào chỗ đoạ lạc thôi, bây giờ mình cùng đi đường mình đi mình đâu muốn lấy cái giây xích cột chân mình vào chân người khác để làm cái gì. Nếu mình sống trong cuộc đời mà buổi sáng thức dậy buồi tối đi ngủ mình cứ nghĩ oan trái người này oan trái người kia thì đời sống mình khổ quá. Thành ra khi mình hiểu được   "cái gì nhẹ thì bay lên cái gì nặng chìm xuống" thì mình sẽ không thích oan trái với ai hết, tại oan trái rồi cũng vậy. Có bao giờ chúng ta thấy một người cột oan trái với người khác mà người đó an lạc, chúng tôi chưa thấy, chúng tôi không biết là qúi Phật tử có thấy ai sống giận hờn oan trái người khác mà an lạc, không có, điều đó trở lên vô nghĩa thành ra chúng ta phải để tâm của chúng ta cho thật nhẹ nhàng không oan kết. 

Và điều này nữa, đừng để tâm của chúng ta bị mê muội, bị mê muội là cái gì đó không biết rõ, một điều làm cho tâm chúng ta thắp sáng nhất đó là mình biết rõ mình đang thở vô đang thở ra, mình nghĩ rằng mình biết chuyện thiên hạ rất nhiều nhưng nó không quan trọng, vào giờ phút này mình biết mình đang thở vô hay đang thở ra, tâm mình phải biết rõ ràng mới được trong sáng.

Tâm mình không dính mắc, đạo Phật gọi là vô tham,

Tâm của mình không oan kết, nó là ở trạng thái vô sân,

Tâm của mình rõ ràng, là trạng thái vô si,

Mình ra đi khỏi cuộc đời này với tâm vô tham, vô sân, vô si, thì được  gọi là nhẹ nhàng. Nếu mình ra đi trong cuộc đời này mà với vướng bận với oan kết với tâm mê muội thì tâm không nhẹ nhàng, thì "cái gì nhẹ nhàng thì đi lên thôi". 

Đó là vài điều chúng tôi muốn chia sẻ với qúi Phật tử đề tài ngày hôm nay nói về 5 điều lợi lạc của một người có giới trì giới ./.

Tuesday, June 2, 2015

Kinh Thập Thượng - Mười Thiện Nghiệp Đạo

Kinh Thập Thượng - Mười Thiện Nghiệp Đạo

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 16-6-2013, Minh Hạnh chuyển biên

(Xin lưu ý: những bài chuyển biên này chúng tôi hoan hỷ với những ai tải về trang web nhà, để tôn trọng người chuyển biên xin đề rõ tên người chuyển biên) 

TT Giác Đẳng: Hôm nay chúng ta trở lại một đề tài có lẽ trong suốt thời gian ở lớp Diệu Pháp và bây giờ là lớp Phật Pháp Buddhadhamma chúng ta được nghe nhiều lần nhưng có những điều cho dù nghe nhiều lần chúng ta cũng nên suy niệm một lần nữa và lần nữa để có thể nhìn vấn đề được từ nhiều phương diện khác nhau.

Chúng ta thường có những lời nói mang tính đại chúng rất thường nghe, rất thường được nói nhưng  đi vào chi tiết thì chúng ta không thấy sự cụ thể. Ví dụ mình nói, làm sao cho đời sống mình được trong sạch được thanh tịnh. Hoặc giả mình là người tốt không làm gì xấu ác, khi nói như vậy nếu hỏi vào chi tiết đôi khi chúng ta không có một định nghĩa rõ ràng thế nào là trong sạch, thế nào không trong sạch. Mình bỏ nhà bỏ cửa lên rừng chỉ ăn chuối ăn khoai gọi là trong sạch. thậm chí có nhiều Phật tử chỉ nghĩ rằng mình ăn chay ăn không ăn thịt là mình trong sạch, hay hoặc giả mình nghĩ đến chuyện sống làm sao tránh né không tiếp xúc với quần chúng, không tiếp xúc ai khác là mình trong sạch.

Những quan niệm như vậy thật ra mới nghe nó là những điều rất dễ hiểu. Nhưng riêng đối với Phật Pháp khi chúng ta đi sâu vào kinh điển Phật Pháp chúng ta thấy Đức Phật Ngài giảng dạy  những điều này mang tính cụ thể rõ ràng đường nét hơn. 

Ví dụ, thay vì nói đời sống thế nào là tốt đẹp là trong sạch, Đức Phật Ngài dạy một đời sống không tạo ác nghiệp và huân tập hạnh lành, thanh lọc tâm ý đó là đời sống thật sự tốt đẹp.

Bây giờ mình nói không làm việc ác, làm việc lành, thanh lọc tâm ý đi vào chi tiết như thế nào? 

Đối với Đức Phật, một người muốn nhìn bản thân của mình có nhiều cách nhìn, thí dụ như mình nhìn vào ngũ uẩn, nhìn vào lục căn. Đối với ngũ uẩn chúng ta thường hay có những sở chấp, đối với lục căn  thường chúng ta nói đến những phương diện chi phối, nhưng khi nói đến tạo tác Đức Phật Ngài dạy rằng chúng ta có 3 nơi để tạo tác nghiệp đó là thân, khẩu và ý. 
- Thân là hành động
- Khẩu là lời nói,
- Ý là sự suy nghĩ. 

Nếu chúng ta nắm 3 lãnh vực này: lời nói, hành động và ý nghĩ tương đối rất dễ để cho chúng ta thấy được đâu là nơi những nghiệp thiện và nghiệp ác phát sanh. 

Chúng ta nói đến hành động, Đức Phật Ngài đơn cử rõ ràng chứ Ngài không nói mơ hồ. Khẩu nghiệp cũng vậy cũng đơn cử rõ ràng và ý nghiệp cũng vậy Ngài cũng đơn cử rõ ràng. 

Về điểm này chúng ta nên biết,  tại vì thông thường một số lớn trong chúng ta hoặc giả mình nói một câu đại loại mình là phàm nhân "nhân vô thập toàn". Thì nhân vô thập toàn chúng ta dĩ nhiên có làm những điều lầm lỗi, tuy vậy câu đó có vẻ giống như mình nói để an ủi, mình nói để chấp nhận lẫn nhau hơn  cách nói làm thế nào để chúng ta có thể thay đổi được tự thân của mình. 

Với Đức Phật xuyên qua giáo lý của Ngài, xuyên qua những gì Ngài dạy rất rõ ràng về điểm này. Giả xử, Ngài không nói thân nghiệp trong sạch nghĩa là mình phải hoàn toàn thanh tịnh hết tham sân si. Dĩ nhiên điều đó quá lý tưởng, chỉ có bậc Thánh mới không còn phiền não. 

Tuy vậy, nếu trong tâm của chúng ta không nuôi dưỡng 3 thứ tham ác, sân ác, tà kiến ác thì được xem như tốt đẹp về ý nghiệp. 

Lời nói thế nào là thanh tịnh? Đức Phật Ngài dạy không nói dối, không nói độc ác, không nói đâm thọc, không nói nhảm nhí vô ích như vậy là thanh tịnh. 

Thì những đơn cử một cách rõ ràng này một lần nữa đưa chúng ta vào vấn đề có tánh cách cụ thể tức  không nói mơ hồ, không nói chung chung, nói một cách hoàn hảo.

Về điểm này chúng ta phải lưu ý bởi vì trong sự ứng dụng Phật Pháp vào đời sống hàng ngày người Phật tử thường vấp phải một điểm chúng ta đưa ra một cái gì quá tuyệt đối quá đẹp và đôi khi không có đơn cử, không có chi tiết, không có rõ ràng thành ra vấn đề trở nên mơ hồ. 

Ví dụ, mình nói với nhau: tôi là người có cuộc sống thanh tịnh, vị này sống thanh tịnh, vị kia sống không thanh tịnh, rồi rốt cuộc chúng ta lại nói câu làm người không ai hoàn hảo hết như vậy lâu ngày làm chúng ta có cảm giác chuyện tốt đẹp là chuyện bất khả thi, chuyện tốt đẹp là chuyện không thể làm được, và chuyện tốt đẹp của mình thường là do người khác phê phán, ví dụ như người khác họ phê phán mình thế này thế kia, nhưng điều quan trọng nhất là mình có hiểu mình hay không, nhiều khi qua con mắt của người khác mình là người rất tốt nhưng nếu mình hiểu Phật Pháp thì mình lại không được tốt như mình nghĩ. Do vậy khi chúng ta học về những điểm này là những điểm rất có lợi cho chúng ta. 

Điểm đầu tiên chúng tôi muốn nói với qúi vị là thứ nhất bây giờ chúng ta nói ở đây có 3 điểm chúng tôi vừa đề cập 

- Thứ nhất, chúng ta phải nhìn cuộc sống một cách toàn diện. Một hồ nước chỉ cần một lỗ mồi nhỏ dù lỗ mồi ở hướng đông tây nam bắc không thành vấn đề, nhưng một lỗ mồi nhỏ cũng có vấn đề. Con người chúng ta nếu phạm vào ác nghiệp dù chỉ là ác nghiệp nhỏ thôi thì ác nghiệp đó có thể chi phối cả cuộc sống của chúng ta, về điều này chúng ta nên để ý.

- Điểm thứ hai, muốn gọi là thanh tịnh tốt đẹp mình nên nhìn vào 3 cửa ngõ, qua 3 cửa ngõ đó khiến cho chúng ta xác định mình có thể nhìn biết về hạnh nghiệp hay sự tạo tác của mình. Ba cửa ngõ đó là thân, khẩu, và ý. Và khi chúng ta nói thân khẩu ý thì không nói mơ hồ chung chung, Đức Phật Ngài dạy:

- Thân nghiệp có 3 điều nên tránh.
- Khẩu nghiệp có 4 điều nên tránh.
- Ý nghiệp có 3 điều nên tránh.

Như vậy, Đức Thế Tôn Ngài cho chúng ta một hình ảnh cụ thể chi tiết đơn cử rõ ràng, chứ không nói mơ hồ. 

- Điểm thứ ba, trong một câu kinh Pháp Cú Đức Phật dạy "không làm tất cả các điều ác, tu tập hạnh lành, thanh lọc tâm ý. Đó là lời dạy của Chư Phật". 

Chúng tôi có đem điều này để thảo luận với 3, 4 vị cao Tăng, các vị đều nói một điều là cả 3 pháp đó mình thấy nó là 3 nhưng thật sự nó liên hệ với nhau rất mật thiết. Lấy ví dụ, mình không nói dối đó là không làm điều ác, nhưng trong cái không nói dối chúng ta còn phải có tâm nói lên sự thật, tôn trọng sự thật. 

Sự tôn trọng sự thật và nói sự thật là điều lành nhưng thanh lọc tâm ý ở chỗ nào? 

Thấy người ta nói dối, dầu nói dối để nói chơi mình cũng không hoan hỉ, thấy người ta nói dối mình không khen, thấy người ta nói dối mình ngăn và mình không dạy người khác nói dối không làm theo. Nhưng quan trọng nhất là tâm mình không vui theo sự nói dối đó. Hay không chửi rủa người khác, không dùng lời độc ác để chửi rủa người khác nhưng khi mình thấy ai dùng lời độc ác chửi rủa người khác mình vỗ tay khen, mình mừng mình vui thì như vậy tâm mình không thanh tịnh. Mình làm nghiệp đó nó cũng có vấn đề, mình vui theo nghiệp đó mình cũng có vấn đề. 

Thành ra khi các Ngài nói thanh lọc tâm ý không đơn giản chỉ ngồi thiền là thanh lọc tâm ý nó còn có ý nghĩa mình làm thế nào đối với những pháp bất thiện này tâm mình không tùy thuận, tâm mình không hoan hỉ, tâm mình không chấp nhận, cái đó được xem như một phần mình giữ tâm thanh tịnh, điều này khó lắm. 

Khi chúng ta nhìn vào 10 pháp này chúng ta thường hay nhìn 2 khía cạnh: Khía cạnh thứ nhất là không làm. Không làm ở đây là, thân ác không làm, khẩu ác không làm, ý ác không làm. Nhưng nếu chúng ta chỉ không làm ác nó chỉ là phân nửa câu chuyện thôi. Ở đây chúng ta gọi 10 thiện nghiệp đạo thì 10 thiện nghiệp đạo đó liên hệ đến một thái độ tích cực năng động chứ không phải một thái độ tiêu cực thụ động. 

Chữ tiêu cực, tích cực ở đây chúng tôi không nói là xấu. Ví dụ, mình nói mình không sát sanh, như vậy không sát sanh là mình tốt rồi. Nhưng ngoài ý nghĩa không sát sanh còn có ý nghĩa tôn trọng sự sống, trân trọng đối với sự sống, và làm sao cho cuộc sống được vui được đẹp được khỏe, tức là mình qúi sự sống, qúi sự an lạc. Lấy ví dụ ngoài sự không sát sanh chúng ta có những thái độ làm sao để mang lại sự sống tốt đẹp cho người khác nhất là về phương diện sức khỏe. 

Đôi khi quét dọn nhà vệ sinh chúng ta nghĩ những người khác đi vào xử dụng nhà vệ sinh họ sẽ thoải mái, sạch sẽ ,không bị ô nhiễm, tốt cho sức khỏe của họ, thì đó cũng là một thái độ một tinh thần của chúng ta gọi là có ý thức về giá trị của sự sống.

 Hay hoặc giả mình thường mong cho chúng sanh khác được vô bịnh được an lạc, đó cũng là tinh thần tích cực. Một người luôn luôn mong cho chúng sanh khác được thiểu bịnh được an lạc  người đó hoàn toàn không có ý tưởng đoạn mạng chúng sanh khác.

Hoặc giả mình phát nguyện không nói lời chia rẽ. Nhưng không nói lời chia rẽ chỉ là phân nửa câu chuyện thôi, đó là không làm điều ác. Nhưng làm các việc lành ở đây còn có nghĩa chúng ta nói lời hoà hợp. 

Chúng tôi ở gần Ngài Hộ Giác, chúng tôi thấy có rất nhiều trường hợp, kể cả Chư Tăng, kể cả vị cư sĩ thường đến gặp HT để than phiền về người này và người kia. Ví dụ như thầy A không ưa thầy B, hay Phật tử A không ưa Phật tử B, và khi họ than phiền họ có kỳ vọng: thứ nhất là họ bực quá thì họ nói làm sao cho hả giận, và thứ hai để mong Ngài ủng hộ họ. Thí dụ như thầy A nói "con đến chùa mà thầy B nói năng như vậy làm phiền phức, làm cho con, thầy bực quá". 

Nếu là chúng ta thường thường có 2 thái độ: một là nếu chúng ta có thiện cảm với một người nào liên quan  chúng ta sẽ cực lực binh vực người đó, hay hoặc giả, nếu chúng ta không ưa người đó hoặc chúng ta và người đó không quen biết nhưng muốn đổ dầu thêm lửa  chúng ta hay nói vào là "anh đó chị đó làm như vậy là không có đúng, thầy đó nói vậy là sai", ý nói sao cho vừa lòng người đối diện với mình. Nhưng cách nói đó thường đào thêm cái hố, tạo thêm sự chia rẽ, và chúng ta thường làm cái lỗi đó mà chúng ta không để ý là chúng ta thường biến mình trở thành nạn nhân của những sự chia rẽ, và đồng thời chúng ta cũng tạo sự chia rẽ trầm trọng thêm.

Ngài HT Hộ Giác Ngài có một cách phản ứng chúng tôi nghĩ mỗi người chúng ta có thể học được điều này cũng hay. Chúng tôi lấy ví dụ bây giờ chúng tôi làm trụ trì có một cái phiền phức người nào đó chúng tôi lên trình bày với Ngài và nếu khi chúng tôi trình bày đến mức độ bực quá mình giận quá mình nói phiền người đó thì Ngài nói: "Thấy vậy chứ không phải vậy đâu". Thì Ngài nói để làm mình nguội xuống để mình bớt đi cái giận. Tại vì khi mình giận ai mình hay nghĩ quá đáng về người đó, mình hay nói phóng đại về người đó, họ làm lỗi có một mình nói đến 10, hay họ chỉ xấu một phương diện mình đổ hết cho người đó xấu hoàn toàn. Thành ra Ngài nói "Thấy vậy chứ không phải vậy đâu". Ngài nói một câu rất ngắn, nghe nó chung chung thôi nhưng tương đối trong câu nói ngắn chung chung đó giúp cho mình tỉnh táo lại một chút, mình không có nói quá nặng về một người .

Hay hoặc giả, khi nào chuyện đó quá hiển nhiên quá rõ ràng, quá hiển nhiên quá rõ ràng là thí dụ như ở trong ngày lễ một người nào đó họ làm rất sai mình bực bội và đến nói với Ngài "Sư đó làm như vậy là sai, bạch Ngài, con cảm thấy rất là phiền". Chúng tôi vẫn còn nhớ lời của Ngài, Ngài nói nhẹ nhàng, Ngài nói "Thì bởi". Ngài chỉ nói vậy thôi, Ngài không nói cách đổ dầu thêm lửa Ngài nói một câu "thì bởi" (thì nó như vậy, bởi nó như vậy, thành ra nó mới ra nông nỗi như vậy thôi). Ngài không nói thêm và Ngài tìm cách để làm sao cho mình giảm bớt đi sự phiền não.

Thì chúng ta chỉ không nói lời chia rẽ mà chúng ta cố gắng nói lời kết hợp, lời hoà ái làm sao cho người ta bớt phân hóa bớt chia rẽ. Tại vì nói lời hoà hợp tức  chúng ta làm điều lành. Không làm điều ác nhưng cũng phải làm điều lành nữa.

Đức Phật Ngài dạy chúng ta đừng nói lời độc ác nhưng không nói lời độc ác không đơn giản là chúng ta chỉ tránh không rủa xả người khác là không nói lời độc ác mà chúng ta còn nói với tâm từ nhất là ở trong những trường hợp giận dữ hay phiền phức.

Chúng tôi để ý như vậy, trong một hội chúng hay một gia đình hay một nhóm người nào mà người ta cố gắng cho nhau những lời có tôn trọng, người ta cố gắng cho nhau lời hoà ái thì đỡ, còn nếu ở trong lòng của chúng ta sẵn sàng chỉ trích gọi là có dao búa ở trong miệng (trong ngôn ngữ Ấn Độ họ hay nói có dao búa trong miệng), thật sự là chúng ta sẵn sàng chỉ trích, sẵn sàng thóa mạ, sẵn sàng nói nặng và nhất là trong những trường hợp người ta làm lỗi thật sự.

Ở trong luật pháp của Tây Phương nói như vầy "luật pháp không phải chỉ để trừng trị kẻ xấu mà còn bảo vệ kẻ xấu không để bị trừng trị một cách quá đáng". Điểm này chúng ta phải nhớ tại vì khi người có làm lỗi chúng ta hay nghĩ đến chuyện trừng phạt họ trừ khi người thân hay cha mẹ mình xót ruột mình ráng che chở được chừng nào hay chừng đó, phần lớn khi ngưòi nào xấu là thiếu điều mình muốn đem người đó bầm họ ra, khi mình giận người nào hay thấy người nào làm sai có thể mình viết bản án tử hình hay lưu đầy biệt xứ hay không đội trời chung với người đó. Không phải vậy. Nó có mức độ vừa chừng.

Thành ra khi chúng ta không nói lời độc ác cũng còn có nghĩa chúng ta nói bằng lời hoà nhã chúng ta nói với tâm từ, chúng ta nói sao mang lại một chút vị ngọt cho cuộc đời, chúng ta nói sao cho mọi người thật sự an lạc. 

Về điểm này, chúng tôi có một kinh nghiệm nhiều khi chúng tôi không can được những người thân của mình. Đó là có nhiều khi những lúc  bất hoà chúng ta hay đem ra bàn, đem ra nói, đem ra hội họp, ví dụ như có chuyện lộn xộn đem ra bàn, trong những trường hợp đó chúng tôi cảm thấy họ găng quá chúng tôi thường khuyên khoan nói đã, lúc mình đang giận thì mình cho phép mình có được một hai ngày, trong một hai ngày đó làm cho con người mình nguội xuống một chút cho tỉnh táo một chút rồi mình nói trong sự thông cảm trong sự hòa nhã như vậy mình không hối hận. Đa số những chuyện bất hoà không phải đến từ một nguyên nhân nguyên gốc nó như vậy mà nó đến từ chuyện là sào đi sào lại nói qua nói lại của chúng ta, cái nói qua nói lại nó tạo ra lỗi. Một người có trí, một người sống hiểu đạo không làm cho tình trạng tệ hơn bằng cách chúng ta tránh đi. Cách sống của chúng ta không đơn giản chỉ không nói lời độc ác mà chúng ta còn nói lời hòa ái. 

Hay hoặc giả không nên nói lời ỷ ngữ hay lời nhảm nhí vô ích, và chúng ta nói cái gì tốt,cần thiết, có lợi lạc cho người khác, một câu chuyện hay, một ý tưởng hay, hoặc giả những lời nói có tánh cách tích cực giúp cho chúng ta rất nhiều. Thường thường chúng ta hay phí nhiều thì giờ trong đời sống, trong bữa ăn, hay trong câu chuyện hàng ngày chúng ta nói toàn những chuyện phiếm, chúng ta không cho nhau những lời nói lợi lạc. Do vậy, khi chúng ta không làm điều ác ở trong đó cũng có nghĩa chúng ta không nói lời nhảm nhí vô ích, nhưng khi làm điều lành chúng ta cũng nói lời mang lại lợi lạc. Ví dụ như vào trong buổi sinh hoạt hôm nay chúng ta gặp nhau ở đây mình cũng có thể nói đủ các thứ chuyện đôi khi chúng ta nói chuyện rất vui, lâu lâu nói một câu vui thì được nhưng bình thường chúng ta cố gắng tận dụng thì giờ để nghe pháp để suy niệm và để nhớ biết về Phật Pháp như vậy là sự an lạc của đời sống, tức là thái độ tích cực, Nhưng nếu chúng ta vào đây chỉ để cho vui để nói cho hết giờ thật sự rất đáng buồn, tại vì chúng ta đang phí thì giờ của mình và những người chung quanh mình. 

Như vậy quan niệm không làm điều ác và làm điều lành nhiều khi mình lầm lẫn, phải nói nó không khác nhau nhưng thật sự nó khác nhau rất nhiều. Đôi lúc có nhiều người nói tôi đâu có làm hại ai đâu. Cái chuyện mình không làm hại ai chỉ là một chuyện thôi nhưng bên cạnh nó còn cần một thái độ tích cực nữa. 

Tháí độ tích cực đó là một thái độ khả dĩ chúng ta làm chuyện tốt đẹp, chẳng hạn như:
- Về khẩu nghiệp thì mình không nói dối rồi nhưng mình tích cực mình nói sự thật. 
- Hoặc mình không nói lời độc ác rồi nhưng mình còn nói lời hoà ái. 
- Mình không nói lời chia rẽ đã đành rồi mình còn nói lời làm cho người ta hoà hài với nhau.
- Mình không nói lời nhảm nhí vô ích mình nói những lời làm cho mang lại lợi ích cho người khác.

Thì khi nói về 10 thiện nghiệp đạo nó không đơn thuần chúng ta chỉ tránh không làm điều đó như:
- Thân không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh. 
- Khẩu không nói dối, không nói độc ác không nói chia rẽ, không nói lời vô ích. 
- Ý không tham ác không sân ác, không tà kiến ác. 

Dựa trên 10 điều này còn có tánh cách tạo nghiệp lành như nãy giờ chúng tôi nói, 

Và rồi chúng ta cũng phải nhìn nhận một điều bản chất của chúng ta thường làm những ác nghiệp do đó khi chúng ta có chủ tâm để từ bỏ 10 điều này thì tự nó là thiện nhưng mình nên hiểu yếu tánh của điều đó, ví dụ như yếu tính của điều thiện và điều ác trong Phật Pháp là cái gì hại người, hại mình, hoặc hại cả hai thì đó là điều bất thiện. Cái gì lợi cho người ,lợi cho mình, lợi cả hai đó là điều thiện. 

Khi mình nói hại người, hại mình, thì cái hại người đó có nhiều điều để hại người: 
- Thí dụ như đoạt mạng sống của chúng sanh gọi là hại chúng sanh. Mình lấy mất vật sở hữu chúng sanh khác thí dụ người ta có tài sản họ có cái gì đó mình lấy đi cái đó gọi là trộm cắp. Hay mình phá hoại hạnh phúc gia đình của người khác, cái đó là một chuyện mà mình lấy đi, hoặc giả mình làm cho người khác hiểu sai sự thật, đó là hại chúng sanh. Hoặc giả mình nói những lời đay nghiến để làm cho người khác không thể có cuộc sống bình thường mà đời sống của họ phải điêu đứng đó là mình đang hại người đó. Hay mình chia rẽ đó là mình đang hại người. Hoặc giả mình làm cho người khác phải mất thì giờ về những lời nói vô ích vô bổ của mình, đó là mình hại người.

Ý tưởng về tham ác, là mình muốn một cái gì đó bất chấp sự đau khổ của chúng sanh khác, cái đó gọi là tham ác. Chúng tôi lấy một ví dụ như ở Việt Nam bây giờ người ta có khuynh hướng ăn mà ăn cách bình thường họ không cảm thấy ngon họ ăn phải cách ác mới thấy là ngon, tức là con vật không phải chết bình thường mà phải đánh đập cho chết rồi mới ăn, đó đúng là tham ác. 

Sân ác cũng vậy, ngày xưa ở trong cung có những sự ghen tức giữa các bà hoàng hậu, hoàng phi, hoàng thái hậu v.v... và khi họ đem một cung tần được vua sủng ái ra giết thì họ không giết một cách bình thường mà họ chặt tay chặt chân và họ để vào hũ làm cho người đó dở sống dở chết, tức là ghét người đó nhưng ghét một cách rất ác độc, cái đó gọi là sân ác. 

Tà kiến ác là tà kiến mang lại khổ ải cho chúng sanh khác, chúng tôi lấy ví dụ như người Đức họ có quan niệm về tôn giáo, họ đem người Do Thái nhốt vào trại tập trung rồi tiêu diệt một cách tàn bạo mình không tưởng được, đó chúng ta có thể gọi là tà kiến ác.

Khi nói đến các ác nghiệp mình thấy rõ ràng và 10 ác nghiệp này từ sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối, nói độc ác, nói chia rẽ, nói vô ích, tham ác, sân ác, tà kiến ác đều mang tính cách hại chúng sanh khác. Cái hại này Đức Phật gọi là bất thiện tại vì nó gây ra đau khổ thương tổn cho chúng sanh khác. Đức Phật Ngài dạy  làm chuyện gì miễn sao đừng  hại người, hại mình, hại cả hai, cái gì hại cho người thì cũng như hại cho mình, không có điều gì hại cho người mà không hại cho mình. 

Ví dụ như mình sát sanh  hại chúng sanh khác nhưng điều đó cũng hại cho mình vì  mình đang tạo ác nghiệp. Mình nói lời chia rẽ mình cũng là nạn nhân vì mình tạo ác nghiệp, đó là hại người hại mình,  chúng ta phải nhớ. 

Và  Đức Phật Ngài dạy lợi cho mình lợi cho người là mình không sát sanh mình tôn trọng sự sống của chúng sanh, chẳng những tôn trọng sự sống chúng sanh mà mình còn cho chúng sanh được sự khỏe mạnh. Có những đoạn kinh  Đức Phật Ngài dạy cho vật thực là cho sức mạnh, cho đèn là cho mắt, cho xe thuyền hay phương tiện di chuyển là cho sự an vui. Khi mình cho những thứ đó mình  nghĩ đến cho sự an vui thì  nó lại nằm trong  cách  mình qúi sự sống,  mình mang lại lợi ích đến chúng sanh. 

Chúng tôi kể qúi vị nghe một tâm sự  cũng là  điều  đôi khi chúng tôi muốn qúi Phật tử biết. Đó là hồi còn nhỏ chúng tôi và TT Tuệ Siêu sống trong chùa. Nhiều Chư Tăng ở trong lớp này sống trong chùa vào thời kỳ rất nhỏ tuổi và thời kỳ sống trong chùa thì biết được cái đói biết được cái thiếu của Chư Tăng, nhất là trong chùa đông Chư Tăng, Phật tử vào chùa cúng dường họ cúng những vị lớn chứ ít có ai để ý những vị nhỏ thành ra đôi khi mình sống thiếu thốn. Thật tình mà nói,  TT Tuệ Siêu và chúng tôi không đến đỗi lắm tại vì chúng  tôi  mười mấy tuổi đã được đi dạy học thành ra cũng tương đối đỡ, nhưng  sống trong chùa có những năm khón khó nên biết cái khổ của Chư Tăng. 

Khi chúng tôi sang bên Miến Điện một  trong những điều  chúng tôi thích làm nhất đó là chúng tôi thích đi về Phật học viện và đa số là những vị sadi nhỏ và những vị này  một ngày học nhiều giờ, các vị này thiếu đủ thứ, thiếu tập vở, thiếu tiền để mua những thứ như  đường hay thức uống cho buổi chiều thậm chí bị bịnh ghẻ thiếu thuốc để trị ghẻ bị mục nhọt v.v...Khi chúng tôi đi sang các ngôi chùa đó chúng tôi thích đi bộ thật chậm và đi ngang các giảng đường, thường thường Chư Tăng buổi sáng từ 9 giờ cho đến 11 giờ  học trong các giảng đường rồi buổi chiều Chư Tăng cũng có thời học như vậy, các vị ngồi học kinh điển  chúng tôi đi ngang nghe các vị Sadi đọc kinh điển  chúng tôi mường tượng  những vị Sadi này đang học Phật Pháp, những vị Sadi này sống ở trong điều kiện rất  thiếu thốn về nhiều thứ và nếu ngày mai này mình làm một buổi lễ trai tăng, mình cúng dường vị này có được bữa ăn tương đối  ngon tương đối đầy đủ bổ dưỡng, rồi có được tứ sự ,có được tiền, có được những vật dụng, có được thuốc men để sài nữa thì các vị sẽ có niềm vui. Khi chúng tôi nghĩ đến điều đó, thật sự chúng tôi rất hoan hỉ, tâm rất  mạnh để nghĩ đến chuyện  mình có thể làm được chuyện đó dù  chỉ một ngày nó chỉ là một mảy may, tại vì thường thường làm tốn tiền lắm, như ở trong một ngôi chùa có 1000 vị  tiền thực phẩm tiền tứ sự cúng dường cũng lên đến 4, 5 ngàn cũng lớn chuyện chứ không nhỏ. Nhưng  khi  nghĩ đến chuyện mang lại một chút an lạc cho các vị đó, mang an vui rồi mang lại sức khỏe cho các vị đó thì  nhớ câu Đức Phật Ngài dạy cho vật thực là cho sức mạnh, cho đèn  là cho mắt, cho phương tiện di chuyển là cho sự an lạc cho sự an vui, mình làm chuyện đó mình thấy nó hoan hỉ thấy thích ở trong lòng thật sự rất hoan hỉ để  làm những việc này. 

Thì như vậy,  trong cuộc sống của chúng ta  không đơn thuần là mình không sát sanh mà mình còn tôn trọng sự sống,  không phải chúng ta tôn trọng sự sống chúng ta còn tìm cách để vun bồi để bồi đắp cho sự sống cho sức mạnh cho sự an lạc cho một phương tiện gì đó để cuộc sống được tốt hơn. 

Vì vậy có khi Đức Phật Ngài nói dài là Ngài đơn cử nhiều như không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối, không nói lời độc ác, không nói lời chia rẽ, không nói nhảm nhí vô ích,  không tham ác, không sân ác, không tà kiến ác, nhưng  có nhiều khi Ngài nói Ngài dạy ngắn mình làm cái gì đó  lợi cho người lợi cho mình thì nên làm, cái gì  hại cho người hại cho mình hại cả hai thì đừng làm, chuyện đó rõ ràng. 

 Nhiều khi Đức Phật Ngài dạy rõ nhưng chúng ta bị cái bịnh thích nghe những điều mơ hồ. Chúng tôi nói điều này qúi Phật tử nghe buồn, nhiều khi qúi vị Phật tử tin lông bông quá rồi chúng tôi cũng cảm thấy không muốn nói nữa, ai muốn làm gì thì làm. Tại vì sao vậy, Phật Pháp thì nói rõ ràng lắm mà không chịu học lại đi học cái gì đó  nó lộn xộn, nó không rõ ràng, úp úp mở mở thì người ta lại thích học, người ta lại thích theo, đó thật sự là cái nghiệp của mình.

Đức Phật giống như ông cha, Ngài không dạy mình một cách khó hiểu, cầu kỳ, đến đỗi mình phải vò đầu bức trán, Ngài chỉ cho mình rất rõ, những gì  Ngài dạy rõ ràng. Bây giờ mình nói Đức Phật để lại cho mình một tài sản mình phải đi vào trong núi giống như đi tìm kho báu thì thật sự không có, những gì tài sản của Đức Phật như một quyển sách rộng mở cho tất cả mọi người.

Chúng ta cứ bắt đầu như vầy: 

- Ngài nói thế nào là thiện? Thế nào là bất thiện? Thiện là cái gì lợi người, lợi mình, lợi cả hai. Điều bất thiện là hại người, hại mình, hại cả hai. 

Thế nào là hại người hại mình? 
- Thân, sát sanh, trộm cắp, tà hạnh. 
- Khẩu, nói dối, nói đâm thọc, nói nhảm nhí, nói lời vô ích.
- Ý, tham ác, sân ác, tà kiến ác.
Là hại người và cũng hại mình. Điều đó rõ ràng, rất ư là rõ ràng.

Và thế nào là lợi người, thế nào là lợi mình?
 Thay vì mình sát sanh thì làm lợi cho mình là không sát sanh, mình tôn trọng sự sống, mình mang lại sự an lạc và sức khỏe cho người khác đó là không sát sanh. 
Mình không trộm cắp là mình tôn trọng sự sở hữu của người khác, mình tôn trọng tài sản của người khác và  làm sao để tránh những sự mất mát cho người khác. Đó là  mình làm thiện làm điều tốt.

Thì nói chung, những điều này được Đức Phật Ngài dạy và Ngài phơi bày trước mắt  chúng ta. Chúng ta hay quen nói người này  xấu người, kia tốt, tôi  trong sạch hay tôi không trong sạch. Những câu nói đó có tánh cách chung chung mơ hồ và thật ra nó không mang lại cái gì cụ thể. 

 Những điều Đức Phật dạy ở đây là những điều rất cụ thể, rất rõ ràng, bởi vì khi chúng ta nói không làm các tất cả điều ác và tu tập những hạnh lành, thanh lọc tâm ý thì ở trong một trường hợp như sát sanh chẳng hạn nó đều có thể có cả 3 phương diện. Chúng tôi nói như vầy bây giờ mình lấy ví dụ trong 10 nghiệp này có điều nói lời chia rẽ, mình cự tuyệt không bao giờ đem chuyện người này nói cho người kia, làm cho người này phân hóa người kia,  đó là mình không làm điều ác là không nói lời chia rẽ, nhưng làm điều lành là nói sao cho người ta hòa thuận, không đổ dầu vô lửa, thay vì nói làm cho tệ thêm thì mình làm sao nói cho người ta thấy nhẹ nhàng. 

 Chúng tôi nhớ hoài lời nói của Ngài HT. Khi mình giận ai điều gì đó mình nói về người đó làm điều này điều kia Ngài chỉ nói: "Thấy vậy chứ nó không đến đỗi như vậy đâu". Câu nói "thấy vậy chứ không đến nỗi vậy đâu"  mang hàm ý rất lớn là đừng có đào thêm nữa, đừng có phóng đại thêm cho nó trở thành trầm trọng nữa, mà làm sao để mình tìm cách nhìn vấn đề nhẹ nhàng hơn. Đó là cách không nói lời chia rẽ mà còn làm sao cho có sự hoà hài.

Giữ tâm thanh tịnh không phải mình không làm điều ác, không phải mình làm điều lành mà ngay cả thấy người ta làm điều ác mình không vui theo. Thí dụ chúng ta không nói lời chia rẽ nhưng thấy anh A thọc gậy bánh xe làm cho anh B và anh C ghét nhau thì mình đừng có vui theo điều đó. 

Chúng ta thường bị bịnh phe đảng, bịnh thành kiến. Do vậy mình thấy ai làm điều ác với chúng sanh nào mình ghét thì mình thích lắm. Nếu như mình ghét người đó mình thấy người đó bị chửi bới bị nói nặng mình thích lắm. Nhưng mà đừng. Mình ghét người đó mình không ưa người đó nhưng thấy người khác chửi người đó mình vui tức là mình vui theo lời nói độc ác, mình vui theo lời nói độc ác đó cũng là một nghiệp bất thiện. Do đó mình phải giữ tâm mình thanh tịnh. Việc giữ tâm thanh tịnh là cái gì rất khó.

Đôi khi chúng tôi tâm sự với Chư Tăng là thời bây giờ mình tạo nhiều ác nghiệp mà mình không hay. Có một vị Thầy nói với chúng tôi là vị Thầy này ghét mấy ông Hồi Giáo cực đoan thành ra khi thấy chính phủ Mỹ dùng những chiếc máy bay không người lái bắn lãnh tụ al-Qaeda hay bắn một nhóm khủng bố đăng trên báo vị này nói "sao mình nghe thấy thích quá". Điều đó suy nghĩ mình phải biết dù  những người đó là người khủng bố, dù đó là ai đi nữa, là chúng sanh nào đi nữa thấy họ bị sát hại mình vui thì cái vui mừng hí hửng coi chừng đó là ác nghiệp. Không có gì để vui theo hành động sát sanh. Dĩ nhiên, về điều này rất khó tiêu hóa. Trong xã hội Tây Phương người ta thích vỗ tay đối với cái gì mà họ vui mừng. 

Nhưng thật sự ở trong Phật Pháp ai vui theo sự sát sanh, ai vui trong sự trộm cắp, ai hoan hỉ với tà hạnh, ai hoan hỉ với lời nói dối, ai hoan hỉ với lời nói độc ác, ai vui với lời nói chia rẽ, ai vui với lời nói nhảm nhí, ai vui với tham ác, sân ác, tà kiến ác thì cái vui đó đều tạo bất thiện nghiệp. 

Do vậy, mình phải thanh lọc tâm mình, mình tu mình phải hiểu là bây giờ mình không thể không vui được nhưng mình giảm bớt đi, mình ý thức được cái vui đó cũng không tốt. Tại vì sao? Tại vì cái vui đó đi vào trong tâm khảm của mình lâu ngày mình chấp nhận chuyện đó. Vì vậy mình phải cẩn thận khi mình nói rằng không sát sanh, rồi không dạy người khác sát sanh, rồi không ca ngợi sự sát sanh, rồi không vui với sự sát sanh có nhiều phương diện chứ không phải là một phương diện, nên để ý. 

 Chúng tôi muốn nói tóm lại điều này là chúng tôi không muốn dùng chữ tích cực hay tiêu cực. Một người quyết định không làm 10 ác nghiệp đó là thái độ rất tích cực, mình không thể nói tiêu cực. Nhưng ở đây chúng tôi muốn nói chuyện tu có những điều không làm và có những điều nên làm và có những điều nên tránh.

Cái không làm ở đây tức là chủ tâm khẳng định rất mạnh mẽ là: 

cái gì mà đoạn đi mạng sống chúng sanh khác,

cái gì mà làm đánh mất đi vật sở hữu của người khác, 

cái gì mà làm mất đi hạnh phúc của người khác, 

cái gì làm cho người khác hiểu sai quấy, 

cái gì làm cho người khác bị đau lòng xót dạ, 

cái gì lời nói làm cho người khác chia rẽ,

cái gì làm cho người khác mất thì giờ thì chúng ta không làm. 

Cái không làm đó cũng là một thái độ tích cực, nhưng tích cực bằng cách không làm, bên cạnh tích cực không làm đó nó lại có điều nên làm. 

Như hồi nãy chúng tôi nói:

Mình không sát sanh nhưng mình bố thí vật thực là mình đem cho sức mạnh thì mình nên làm.

Mình không nói lời chia rẽ nhưng mình cố gắng nói lời hoà hợp đó là điều mình cần làm. 

Có những điều cần tránh là coi chừng ý tưởng ý thức của mình, ý tưởng ý thức là cái gì nó phản bội mình, mình nói ồ cái đó mình không làm mà người khác làm mình vui. Thí dụ như mình không sát sanh nhưng mình đi ra biển thấy người ta câu con cá lớn mình cảm thấy vui thấy hấp dẫn thì đó là thói quen của chúng ta hồi còn nhỏ, Lâu lâu chúng tôi đi bộ ở ngoài bờ biển thấy những người họ câu được con cá rồi những vị khác hoan hỉ khen con cá lớn quá v.v... mấy cái đó chúng ta phải coi chừng. Tại vì mình không có làm nhưng mình vui theo điều đó thì thật sự nó cũng tạo nghiệp, phải rất là cẩn thận. Thì cái cẩn thận này nó giúp cho chúng ta thanh lọc tâm ý của mình.

Thì nói tóm lại, đây là một đề tài chúng ta có nhiều điều để suy nghĩ từ góc này sang góc cạnh khác, từ khía cạnh này sang khía cạnh khác là chúng ta luôn luôn nhớ lời của Đức Phật:

- Cái gì hại cho người, hại cho mình, hại cả hai cái đó là bất thiện, đó là việc không nên làm. 

- Cái gì lợi cho người, lợi cho mình, hay lợi cả hai cái đó là thiện nên làm.

Thật ra như vậy chúng ta nên nhìn cho thật kỹ 10 pháp bất thiện nghiệp. Qua 10 pháp này:

- 3 điều thuộc về thân 

- 4 điều thuộc về khẩu

- 3 điều thuộc về ý. 

Ba điều về ý chúng ta thấy rõ và mong rằng sự trong sáng, sự rõ ràng, tính cô đọng ở trong lời dạy của Đức Phật sẽ mang lại những khẳng định ở trong lòng mỗi chúng ta. Chúng ta là người Phật tử đúng nghĩa là người con Phật, đúng nghĩa là người hành trì lời Đức Phật dạy "Cái gì hại cho chúng sanh khác, cái gì hại cho mình, cái gì hại cả hai không làm. Cái gì lợi cho cuộc đời, lợi cho mình, lợi cả hai thì mình nên làm". Nhớ như vậy mình gần với lời Phật dạy mình được an lạc. 

Chúng tôi xin được kết thúc bài học ở đây ./.