Wednesday, June 10, 2015

Kinh Phúng Tụng - Năm điều lợi ích của một người có giới trì giới

Kinh Phúng Tụng - Năm điều lợi ích của một người có giới trì giới

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buđdhadhamma ngày 3-1-2013, Minh Hạnh chuyển biên

(Xin lưu ý: những bài chuyển biên này chúng tôi hoan hỷ với những ai tải về trang web nhà, để tôn trọng người chuyển biên xin đề rõ tên người chuyển biên) 

TT Giác Đẳng: Trước nhất, nói về chữ giới trong đời sống được hiểu là những nguyên tắc của những hành xử liên quan đến thân, khẩu, ý của chúng ta. Những nguyên tắc này cho chúng ta biết một lằn danh cái gì nên làm và cái gì không nên làm. 

Nói trên ngôn ngữ Phật Pháp người giữ giới là người sống có giới, ngôn ngữ ngoài đời là người sống có nguyên tắc.

Dĩ nhiên, giới có nhiều loại, nó không thuộc về giới cấm thủ, có nhiều loại là ác giới hay tà giới không phải giới luật Đức Phật ban hành. Thí  dụ như Ngũ Giới, Bát Quan Trai Giới, Sadi Giới, Tỳ Kheo Giới, Tỳ Kheo Ni Giới v.v... là những giới Đức Phật Ngài dạy cho người Phật tử thực hành.

Những nguyên tắc ngoài đời người ta hay đặt để một vài trường hợp; Thí dụ người ta nói mình sống phải sống đàng hoàng tức là không nói chuyện không nói có , chuyện có nói không, điều này cũng là một thứ nguyên tắc. Hay hoặc giả một người hứa làm chuyện gì đó thì chắc chắn họ phải tuân thủ, phải làm tuân giữ lời mình hứa, cũng là một số nguyên tắc.

 Đức Phật Ngài định nghĩa giới như một chủ tâm để tránh không làm điều gì đó cho dù ở những hoàn cảnh khó khăn. Lấy ví dụ, chúng ta không thích nói lời chia rẽ thì cho dù hoàn cảnh có bực bội khó chịu đến đâu, hay chúng ta có ghét người nào đến đâu chúng ta cũng không nói lời ly gián người đó với một người khác, đó gọi là nguyên tắc trong đời sống. Những nguyên tắc này tạo thành những xã hội văn minh, tạo thành những cá nhân và những cá nhân này được xem như sống đàng hoàng.

Đức Phật Ngài cho chúng ta biết không phải những nguyên tắc đó đơn giản chỉ tạo ra một xã hội trật tự nó còn ảnh hưởng nhiều đến nội tâm chúng ta. Nói một cách khác, nếu một người sống tùy tiện chuyện gì làm cũng được miễn người ta không thấy, người ta không biết thì mình làm gì cũng được, đó là người không có giới. Nhưng có những người sống tin có những việc mình nhất định trong hoàn cảnh nào cũng không làm, và đặc biệt nếu điều đó là điều kết hợp với Ngũ Giới hay Thập Thiện thì điều đó trở thành một thứ giới ở trong đạo Phật.

Chúng tôi lấy ví dụ trường hợp sát sanh. Một người Phật tử hiểu đạo ở trong mọi hoàn cảnh không bao giờ muốn sát hại sinh vật ngay cả khi ăn thực phẩm nào không phải là con vật còn sống, nó có sẵn thì họ ăn, còn con vật nào sống mà biểu đem giết rồi nấu cho họ thì họ từ chối. Giả xử như đi chợ, người ta nói con vật còn sống làm sẽ ngon nhưng mình là người Phật tử thì mình biết những con vật sống đó là những con vật có thức tánh mình ăn sẽ phạm tội sát sanh thì người Phật tử dứt khoát là không mua, nếu cần phải mua thì mua con vật nào đã chết rồi. Đó nó cũng là một thứ nguyên tắc ở trong cuộc sống và điều đó ảnh hưởng sâu xa đến đời sống nội tại của chúng ta. Một người trưởng thành không có được những nguyên tắc này chúng ta thường có vấn đề là chúng ta không biết lằn ranh nào phải dừng lại.

 Trong những xã hội tiến bộ con người thường có những hạn chế nhất định trong cuộc sống của mình, những hạn chế này không phải mất đi tự do, những hạn chế này tạo nên trật tự của đời sống mình tuân thủ, mình sống với những nguyên tắc đó, thì điều đó chứng tỏ mình có trưởng thành. Một người sống đụng đâu xâu đó, cái gì sống cũng được, làm sao sống cũng được thì thường họ tạo nên nhiều phiền phức cho họ và cho những người chung quanh. Chúng ta lấy ví dụ, mình ở gần một người hay táy máy, họ đọc email của mình, hay họ mở thư của mình, hoặc giả người đó hay lấy đi những thứ không phải của họ thì tự nhiên mình sống gần người đó mình phải cẩn thận, vì người đó không cho mình sự an lạc. Nhưng mình sống với một người có nguyên tắc rõ ràng, chuyện nào ra chuyện đó, rất tôn trọng sự riêng tư của người khác, không bao giờ đụng đến những thứ người ta không cho phép, mình biết người đó thật sự sống như vậy thì mình cảm thấy thoải mái dễ chịu. Nó là một cống hiến nói lên sự an hoà. Mình chơi với một người bạn mình biết người kín miệng không đem chuyện chỗ này nói chuyện chỗ kia, không đem lửa ngoài vào trong nhà, không đem lửa ở trong nhà ra bên ngoài thì mình cảm thấy mình không cần giữ kẽ. Nhưng nếu người nào có tính thài lai chuyện gì họ cũng đem nói đầu trên xóm dưới thật sự mình ở gần người đó đôi khi mình phải nên cân nhắc phải cẩn thận .

Chính nguyên tắc sống làm cho cuộc sống có trật tự đâu vào đó. Người Trung Hoa ngày xưa họ nói "cha làm tròn bổn phận của cha, con làm tròn bổn phận của con", điều đó như mơ hồ nhưng cũng nói đến một thứ trật tự người nào thì biết việc của mình không đi xa khỏi ranh giới. Cuộc sống của chúng ta lớn lên càng rộng lớn, chúng ta đi nhiều, giao tiếp nhiều, sống trong nhiều trường hợp nhưng nếu chúng ta sống ở trong một thế giới to lớn và chúng ta không có nguyên tắc giống như chiếc thuyền đi trên biển không có định hướng. 

Cuộc sống tùy tiện đạo Phật gọi là cuộc sống phóng túng. Cuộc sống phóng túng là cuộc sống không có mục đích, cuộc sống không có nguyên tắc. Nguyên tắc đi chung với mục đích, chúng tôi lấy ví dụ bây giờ chúng ta sinh hoạt trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma, chúng ta vào đây để học Phật Pháp không phải khi chúng ta học Phật Pháp chúng ta nói huyên thuyên chuyện gì cũng nói, có những chuyện thích hợp những chuyện không thích hợp, ví dụ ngày hôm nay chúng tôi vào đây bàn với qúi Phật tử những đề tài không phải Phật Pháp thì điều đó không thích hợp. Như vậy cuộc sống có cái gì rõ ràng và nếu chúng ta tuân thủ những cái rõ ràng đó là chúng ta sống có nguyên tắc và càng sống có nguyên tắc đời sống của chúng ta càng có lòng tự tin.

Về điều này chúng ta ít khi nào nghĩ ảnh hưởng lớn đến đời sống mà đôi lúc chúng ta xem nó là những sợ giây ràng buột. Trong một văn hóa không có thuần chất Phật Pháp người ta hay sợ giữ giới tại vì người ta thấy giới làm cho mình lúng túng chỗ này cảm thấy phiền toái chỗ kia. Nhưng nếu chúng ta để ý kỹ ở trong một nhóm, trong cộng đồng nào những thành viên trong đó có biết tuân thủ những nguyên tắc nhất định thì đời sống sẽ an lạc. Mình đi chung trong một phái đoàn, trong một nhóm người mình biết có một người nào đó có tính ăn cắp vặt thì thật sự rất phiền, hay mình biết người nào trong nhóm họ hay nói xấu người khác mình cũng rất phiền, hay có một người nào đó sống không đàng hoàng trong đời sống mình cũng rất phiền. Nếu chúng ta những người cùng hành trình với nhau trên một con thuyền cho dù ở trong hoàn cảnh này, hoàn cảnh khác, cùng nhau tu tập, cùng nhau sống dưới mái chùa, cùng nhau đi trong một đoàn hành hương, cùng nhau làm một đề án gì đó những người đồng sự sống chung với mình những người đó sống tùy tiện quá không có nguyên tắc thì sẽ loạn.

Tại sao từ ngàn xưa người ta vẽ ra những lằn ranh, thí dụ, thế nào là một người có gia đình, thế nào là người độc thân, thế nào là một quan hệ bất chánh, thế nào là một quan hệ có khả dĩ chấp nhận được trong xã hội? Tại vì khi một xã hội quan hệ của con người loạn quá thì tự nhiên gây ra nhiều phiền não, rất nhiều phiền não lớn chứ không phải nhỏ giữa người này và người khác. 

 Thì ở đây, Đức Phật Ngài nói đến một lãnh vực một khía cạnh khác liên quan đến giới ảnh hưởng đến cá nhân như thế nào. Hồi nãy giờ chúng ta bàn ảnh hưởng đến xã hội, ảnh hưởng đến cộng đồng, ảnh hưởng đến những người sống chung với mình, nhưng Đức Phật Ngài cũng khẳng định một người sống có nguyên tắc và hiểu những nguyên tắc của mình dầu nguyên tắc đó là 5 giới, 8 giới, Sadi giới, Tỳ kheo giới, Tỳ kheo ni giới thì những nguyên tắc đó làm cho người đó có được những lợi lạc những kết quả ở nội tâm.

Về điều này chúng ta đã nghe Chư Tăng nói đến nhưng hôm nay chúng tôi nhắc lại một số: 

- 1. Điều lợi ích thứ  nhất. Nhờ giữ giới mình giữ được tài sản.

Ví dụ nhờ giữ giới mình giữ được tài sản, một khi giới hạnh bị hỏng chúng ta rất dễ bị tổn thất. Điều này có lẽ dễ hiểu nhất ở trong thí dụ người ta nói mình có tiền mình sài có chừng mực sẽ không dẩn đến chỗ phá sản, nhưng nếu mình vung tay quá trán sẽ dẫn đến chỗ khánh kiệt. Chúng ta sống ở quốc gia giàu về vật chất chuyện đó cũng như vậy, thí dụ như phương tiện của chúng ta chỉ có chừng đó chúng ta sài nhiều hơn phương tiện mình có thì mình có vấn đề, còn chưa nói đến chuyện mình làm những điều sai trái cái giá mình trả những điều sai trái đó là mình không gìn giữ được tài sản. Ở trong những xã hội pháp trị có một điều rất rõ ràng là bảo vệ tánh mạng và tài sản, nhưng nếu muốn bảo vệ tài sản con người thì những người sống trong xứ đó phải tuân thủ những nguyên tắc hợp pháp, ví dụ như đóng thuế cho đủ, hoặc giả không làm những điều phi pháp, hoặc giả có những điều họ được làm có những điều không nên làm họ tuân thủ cho đủ thì họ gìn giữ được tài sản của họ, còn trong một xã hội pháp trị không ổn định thì tánh mạng không bảo đảm, tài sản không bảo đảm. 

Tại Hoa Kỳ chúng tôi biết có nhiều trường hợp hai vợ chồng qua đây trong thời trẻ cùng nhau xây dựng sự nghiệp, mở những cơ sở thương mại làm ăn buôn bán tới tuổi 50, 60 giàu có, nhưng sau nhiều năm vợ chồng làm việc vất vả tạo nên một tài sản đáng kể thì người chồng đi về VN coi công việc có vợ nhỏ hay có bồ bịch bên đó, người vợ ở đây buồn đi casino bài bạc, chỉ trong thời gian rất ngắn đi đến chỗ phá sản là tại vì cuộc sống của họ đã đi lệch nguyên tắc. Nguyên tắc của họ rất rõ, nếu mình muốn giàu có đừng để tiền bạc chảy ra những chỗ không đáng, nhưng một khi tiền bạc dùng vào chỗ trụy lạc như về VN kiếm vợ nhỏ hay đi vào casino chơi bài bạc không sớm thì muộn cũng bị phá sản, và chuyện đó xảy ra không phải một gia đình mà rất nhiều gia đình ở tại Hoa Kỳ.

 Thì ở đó cho chúng ta thấy trong những trường hợp như vậy một người phải có đủ tỉnh táo để đủ nhận ra nếu mình không tuân giữ một số nguyên tắc nhất định thì công lao mình đem đổ sông đổ biển, những gì mình tích tập bao nhiêu năm do công sức mồ hôi nước mắt bây giờ nó đi dễ dàng lắm. Đôi khi một người đi làm lương công nhật để dành tiền cả năm như vậy mới tích lũy vài ba chục ngàn đi casino đánh bài đứng trong một canh bạc tốn cả trăm ngàn rồi dẫn đến chỗ phá sản. 

Nói chung, nếu đời sống của chúng ta có trật tự có nguyên tắc thì cái gì mình làm được mình giữ được. Nhưng nếu đời sống chúng ta buông thả quá đi đến chỗ không đáng đi thì chuyện thất thoát, chuyện phá sản, chuyện khánh tận là chuyện rất dễ dàng xảy ra. Do vậy Đức Phật Ngài dạy một người giữ giới người đó có khả năng gìn giữ tài sản của họ.

Ngày hôm nay tại Hoa Kỳ người ta cũng nói rằng những công ty làm ăn khá họ đều có những luật gọi là "play by the rules, play by the book" có nghĩa những nguyên tắc nhất định ở trong sự quản trị và nhờ kỷ luật đó người ta có thể gìn giữ được sản nghiệp của công ty, còn nếu nguyên tắc đó không được tôn trọng thì dẫn đến chỗ phá sản là chuyện bình thường.

- 2. Điều lợi ích thứ hai, nói về một người giữ được giới hạnh có được danh thơm tiếng tốt. 

Chúng tôi nghĩ như vầy, có nhiều việc chúng ta nghĩ nó rất nhỏ không đáng kể nhưng thật sự ảnh hưởng rất lớn. Một lần sang bên Úc cách đây một năm chúng tôi ngồi nói chuyện với một số Phật tử trong một gia đình ở Sydney, các vị nói với chúng tôi; khi các vị vào sinh hoạt trong Internet các vị thấy có 2 thành phần của Tăng Ni: một thành phần vào trong Internet paltalk hay vào nơi nào khác sinh hoạt là vì ưa chuộng Phật Pháp mà vào sinh hoạt hay vì muốn cống hiến nên vào sinh hoạt. Nhưng có những vị đi vào sinh hoạt chỉ với mục đích để liên lạc đầu này đầu kia và để kêu gọi tiền bạc. Ban đầu chúng tôi nghe các vị nói vậy chúng tôi cũng đồng ý là có như vậy. Nhưng khi các vị kể cho chúng tôi một vài Chư Tăng vào internet sinh hoạt chỉ dùng để làm phương tiện liên lạc đầu này đầu kia kêu gọi tiền bạc thì lúc đó chúng tôi hơi chạnh lòng một chút, bởi vì chúng tôi cũng biết những vị đó, những vị đó cũng có khả năng nhưng các vị đó đã dùng phương tiện paltalk để phá hủy đi niềm tin của Phật tử và đã làm chuyện không đáng mà làm cho mình mất đẹp. Và cũng may mắn cho chúng ta là có rất nhiều vị trong nhiều năm tháng của cuộc sống những vị này chỉ một lòng làm việc cống hiến và những vị đó khi làm việc cống hiến không nghĩ mình vào internet để liên hệ đầu này đầu kia để được điều này được điều kia. Khi chúng tôi nghe những người Phật tử nói như vậy chúng tôi hiểu ngay một chuyện trong đời sống là có những khi người ta hy sinh một cách không đáng những điều không nên hy sinh. Nói đến điều này chúng tôi nhớ có câu nói: "Cầm lòng bán cái vàng đi, để mua những cái nhiều khi không vàng". Người ta đem vàng đi bán để lấy tiền nhiều khi lấy tiền đó để mua những cái không đáng gì so với số vàng đã có. Thì mỗi con người trong cuộc sống có một số những nguyên tắc nhất định và những nguyên tắc này làm đẹp cho bản thân, làm đẹp cho đạo, làm đẹp cho đời, nhưng nếu người đó không có đủ lòng tự trọng mà nghĩ rằng mình chỉ dùng những phương tiện này để cho mục đích này mục đích kia mang tánh cách vụ lợi hay vị ngã thì đúng là "cầm lòng bán cái vàng đi, để mua những cái nhiều khi không vàng". 

- 3. Điều lợi ích thứ ba của quả phúc đó là lòng tự tin. 

Lòng tự tin, chúng ta sống ở trong một tổ chức, hay giữa đám đông hay giữa hội chúng. Chúng ta để ý kỹ sẽ thấy những người hay nói chuyện đàm tiếu, đem chuyện chỗ này nói chuyện chỗ kia chẳng hạn, khi họ đivào trong đám đông dễ bị người khác nghĩ quấy về họ và họ dễ mất tự tin. 

Điều này là kinh nghiệm của chúng tôi. Trong những buổi hội họp, những buổi hội thảo, những buổi gặp gỡ làm việc từ giáo hội cho đến những tổ chức địa phương, hay trong một cộng đồng, trong nhóm, những người nào sống có giá trị riêng của mình, có nguyên tắc riêng của mình thì họ đến đi một cách rất tự tại. Nhưng người nào sống đụng đâu sâu đó, sống tùy tiện, sống thế nào cũng được thì họ không có tự tại. Ngay cả khi nói năng thì những người sống họ có giá trị riêng của họ thì khi họ nói chúng ta hiểu lời họ nói chắc nịch, lời nói của họ có nặng ký. Nhưng những người sống tùy tiện, ở trong cuộc sống họ không có nguyên tắc gì hết thì thật sự lời nói họ không có giá trị, vì lý do rất đơn giản là trong lòng của họ không có đủ tự tin. Nên trong trường hợp này nó ảnh hưởng tâm lý rất nhiều.

Ngài Thiền Sư Ajahn Liem ở Thái Lan có nói: Một vị Tỳ Kheo sống an lạc giữa Tăng chúng là vị đó không có điều gì để tự trách về bản thân của mình, nhưng một người làm những điều xấu tự bản thân của mình thì cho dù ngồi giữa Tăng chúng người đó không được an lạc. Về điều này chúng ta phải nói nó ảnh hưởng đến tinh thần mình rất lớn.

Chúng tôi nhớ trong những ngày cuối cùng của Ngài HT Hộ Giác trước khi Ngài ra đi nhiều Chư Tăng và nhiều Phật tử đến thăm viếng bên giường của Ngài. Chúng tôi có thể cảm nhận một cách sâu sắc rằng Ngài đã đối xử với tất cả bằng trọn vẹn tấm lòng của Ngài, Ngài không đối xử xấu với một ai thành ra lúc họ đến với Ngài, Ngài cảm thấy rất tự tại. Giả xử trong đời sống mình có điều gì sai quấy xử xấu với người nào mà trong những giờ phút cuối cùng của đời mình họ đến thì thật sự mình cảm thấy áy náy, có khi mình phải xin lỗi, có khi mình cảm thấy không thoải mái. Nhưng bởi vì trong cuộc sống của Ngài rất chan hoà rất tốt với tất cả mọi người, Ngài đem cái tình đối với mọi người do vậy khi người ta đến Ngài cảm thấy thanh thản không có gì vướng bận. Đó cũng là một nguyên tắc trong đời sống của mình, nguyên tắc sống là mình sống vô hại, sống với lòng từ.

- 4. Điều lợi ích thứ tư. Đó là khi đối diện với cái chết không mê loạn.

Nói đến tâm tự tại ổn định khi đối diện với cái chết thì có lẽ riêng đối với bản thân của chúng tôi trong thời gian hơn một tháng qua chúng tôi học được rất nhiều điều về điểm này. Khi Ngài HT Hộ Giác ra đi Chư Tăng và Phật tử nhắc nhiều về những điều kỳ lạ ở trong cuộc sống của Ngài, ở trong tang lễ của Ngài, ví dụ như thời tiết, thí dụ như phần di cốt của Ngài v.v... Nhưng riêng đối với cá nhân chúng tôi một điều chúng tôi thật sự cảm nhận và cảm nhận một cách hết sức thấm thía đó là sự thanh thản của Ngài khi đối diện với cái chết. Chúng tôi đọc trong kinh, Đức Phật Ngài dạy  hầu hết chúng sanh ở đời đều run rảy trước tử thần, hay nói một cách khác đều kinh hoàng trước cái chết. Nhưng cho đến bây giờ khi Ngài ra đi rồi chúng tôi có thể nói một điều những giây phút cuối cùng cuộc đời của Ngài cho thấy Ngài đã thật sự rất thanh thản điềm tỉnh trước cái chết. 

Chúng tôi từ Úc về 3 tuần lễ trước khi Ngài ra đi lúc bấy giờ Ngài dùng cơm không được chỉ uống nước, chúng tôi thỉnh Ngài đi bệnh viện nhưng Ngài không đi, Ngài nói với chúng tôi: "kỳ này Sư sẽ không qua khỏi". Và rồi ngày thứ Sáu đầu tháng 12 chúng tôi thấy không nên để như vậy, nhờ một người y tá ở clinic nơi Ngài lọc thận để thưa với Ngài là Ngài cần oxy và Ngài phải vào bệnh viện thì Ngài cũng miễn cưỡng nhận lời. Ngài ở bệnh viện tới ngày thứ Hai sau khi chúng tôi bàn với các bác sĩ được biết việc chữa trị không còn thích hợp với Ngài nữa, chúng tôi muốn rước Ngài về chùa để Ngài ra đi, chúng tôi vào thưa với Ngài: " bệnh viện cho biết việc chữa trị không còn tốt cho Ngài nữa thành ra chúng con quyết định rước Ngài về chùa để Ngài ra đi ở chùa". Ngài một cách rất bình thản, Ngài gật đầu, Ngài nói: "Như vậy là phải".

Ngài về chùa, trước đây mỗi ngày Ngài đều phải dùng thuốc bây giờ Ngài không dùng thuốc nữa, và một tuần Ngài phải lọc thận 3 lần bây giờ không lọc thận nữa, điều đó có nghĩa cái chết gần kề. Không phải một mình chúng tôi ở với Ngài mà rất đông Chư Tăng và Phật tử vây chung quanh Ngài. Ngài biết cái chết sắp đến nhưng Ngài rất điềm tỉnh, một hình Phật treo thấp trước giường bệnh Ngài dặn treo cao lên, bởi vì sau đó Ngài cho biết treo thấp giống như chân mình hướng về Phật không tốt. Chư Tăng đến Ngài dặn lo chỗ ở lo cơm cho Chư Tăng. Qúi Phật tử ở xa về đảnh lễ Ngài, Ngài nhớ Ngài hỏi thăm những người trong gia đình, Ngài đang đối diện với cái chết nó có thể đến từ bất cứ khoản khắc nào nhưng lần đầu tiên chúng tôi tận mắt mục kích một người có thể nhìn cái chết đến một cách bình thản như vậy, rất ư bình thản.

 Hơn 2 năm qua trước khi Ngài ra đi, Ngài thường nói về kinh Girimànanda. Có một điều lạ về cuộc sống của Ngài là khi Ngài còn khỏe Ngài thường chú trọng về pháp học hơn pháp hành, và Ngài cũng chú trọng về phương pháp niệm Phật nhiều hơn những pháp khác nhưng 2 năm cuối cùng thì Ngài thường niệm về thể trược, niệm về thân bất tịnh. Chúng tôi cũng không hiểu tại sao nhưng chúng tôi biết Ngài thường tụng kinh Girimànanda và thường ngồi tụng một mình. Mỗi khi đến hầu chuyện với Ngài thì Ngài thường nói về thân bất tịnh. Chúng tôi hiểu rằng Ngài đang chuẩn bị một cái gì đó cho chính Ngài và sự chuẩn bị đó có kết quả.
Chúng tôi hoàn toàn tin Ngài đã chuẩn bị rất tốt cho hành trình của mình. Nhưng chuyện đó không có dễ dàng. Đối với Ngài Hộ Giác khi Ngài nằm ở trên giường bệnh chúng tôi có thể cảm nhận được sự nhẫn của Ngài đối với cái đau của cơ thể. Khi nói chuyện với Ngài thì Ngài trả lời, nhưng bình thường Ngài nhắm mắt kham nhẫn không rên rỉ không than thở. Lúc đó chúng tôi mới thấy cuộc tu có ý nghĩa, thật sự phải nói sự tu tập có ý nghĩa. 

Tất cả chúng ta khi đối diện với cái chết đều có sự sợ hãi và thường có những liệu toan không biết cái này rồi sẽ ra sao, cái kia ra sao, lúc đó chúng ta nhớ nhiều thứ nhưng không có thứ nào đáng nhớ cho bằng hơi thở của mình, cho bằng cảm thọ của mình, và cho bằng Phật Pháp hết. Nhưng chúng ta thường nhớ những thứ khác.  Tâm của chúng ta phải đủ mạnh, trí của chúng ta phải đủ sáng suốt để chúng ta không nhớ điều này và điều khác. Được như vầy nhờ những nguyên tắc trong đời sống của chúng ta và những nguyên tắc đó phải rõ ràng. 

Trong cuộc sống của Ngài HT Hộ Giác có một điều chúng tôi chia sẻ với qúi vị là Ngài có một bản lãnh khó có ai có thể có được, đó là Ngài rất thoải mái để nói chuyện một cách hoà ái với những người từng chống đối Ngài từng nói xấu Ngài. Đôi khi chúng tôi hỏi Ngài làm thể nào mình có thể đối diện với những người họ ghét mình họ chống đối mình một cách thoải mái như vậy? Ngài dạy là:

 "Mình hãy ban bố, hãy cho, hãy chia sẻ với người đó, khi mình cho ai một cái gì dầu một tách trà, hay một bữa cơm, hay một nụ cười thì mình không có phiền không có giận người đó nhiều".

Cách này cũng có một điểm, nếu mình giận một ai đó mình không làm gì hết thì cái giận sẽ còn hoài,và thay vào đó mình đãi người đó một bữa ăn cho ngon hay tặng cho người đó một món quà gì đó, mình tặng cho người đó một món quà đồng thời cũng có nghĩa là mình xoá đi niệm bất thiện trong lòng mình.

Ngày xưa ở chùa có một người Phật tử, anh này rất giỏi về công việc làm dàn đồng, làm dàn xe hơi, chùa nhờ anh sơn sửa những tượng Phật, anh làm rất tốt. Nhưng anh có tật đánh vợ đánh con, vợ con ở không được ra bên ngoài, anh lên xin Ngài HT Hộ Giác nói làm sao để vợ con trở về nhưng vợ con không trở về anh lại thù Ngài Hộ Giác và thù Chư Tăng, khi anh thù như vậy anh nói nhiều chuyện rất tệ hại. Nhưng lâu lâu Ngài nhìn những tượng Phật Ngài vẫn nhắc đến công quả của người đó, của người đã từng làm mặc dầu người đó đã từng mạ lỵ Ngài bằng cách này cách khác.

Chúng tôi nghĩ, khả năng có thể nhớ cái tốt của người mà không nghĩ đến cái xấu của người cũng là một thứ nguyên tắc của đời sống, nguyên tắc đó giúp chúng ta có một thái độ tỉnh táo cái nào là cái nên làm, cái nào nên nghỉ, và như vậy trả cho chúng ta về sự bình an.

 Một người sống không có những nguyên tắc như vậy rất dễ sợ và đến lúc lâm chung chúng ta thường rối loạn tâm tư của mình. Về điểm này tương tự như chúng ta học rồi đi thi. Chúng tôi biết có những người học rất giỏi nhưng họ bị chứng bịnh đến giờ thi họ bị một áp lực rất lớn và do áp lực này họ trở lên bối rối và quên bài, mặc dù bình thường họ rất giỏi do vậy nhiều khi người ta nói "học tài thi mạng" chúng tôi không biết rõ nhưng chúng tôi biết đôi khi vào giờ chót chúng ta do bị áp lực nhiều chúng ta làm hỏng đi công trình học của mình. Đôi lúc cả đời chúng ta huân tập rất nhiều công đức nhưng giờ phút cuối cùng khi đối diện với cái chết nghĩ đến những người thân đã bỏ lại, nghĩ đến bao nhiêu tài sản vốn liếng chúng ta bỏ lại, nghĩ đến những vật qúi chúng ta có bây giờ chúng ta không làm chủ được, lúc đó có vấn đề.

 Vì vậy để khả dĩ có thể có được trạng thái thanh thản trước khi ra đi có lẽ không có điều gì tốt hơn trong cuộc sống của chúng ta nên tạo một số thói quen, đạo Phật gọi là thường nghiệp, thói quen đó là thói quen tốt. Có Phật tử nói với chúng tôi ban đầu vào trong rơom nghe pháp bởi vì buồn muốn nghe pháp, nghe lâu ngày tự nhiên tới giờ không vào nghe pháp thấy thiếu, như vậy đã trở thành thói quen tới giờ đó cho dù vị giảng sư nào, đề tài nào đi nữa cũng vào nghe được vì thành thói quen, thói quen đó là thường nghiệp tốt. Chúng tôi thật ra có đôi lúc bận việc mà duy trì rơom thật sự cũng vất vả nhưng nghĩ đến lợi lạc cho Chư Tăng và Phật tử chúng tôi nghĩ  dù thế nào mình cũng phải cố gắng. Và chúng tôi tin rằng những thường nghiệp chúng ta lập đi lập lại mỗi ngày ở trong trường hợp này Đức Phật đặc biệt Ngài nói đến trì giới nó sẽ tạo cho chúng ta những thói quen tốt không chừng những thói quen đó giúp ích cho chúng ta rất nhiều ở trong những lúc chúng ta cần đến năng lực của thường nghiệp, năng lực của nguyên tắc năng lực của lòng tự tin. 

- 5. Điều sau cùng Đức Phật Ngài dạy lợi lạc của một người trì giới đó là sau khi thân hoại mạng chung sanh về cõi an lạc.

Người Phật tử VN của chúng ta ảnh hưởng màu sắc tôn giáo đôi khi chúng ta chỉ nói đến niệm Phật khi chết sẽ sanh về cõi Phật. Thật ra còn có nhiều thứ chúng ta cần phải để ý. Một nguyên tắc chung, cái gì nhẹ nhàng cái đó đi lên và cái gì nặng nề cái đó chìm xuống. Không nhất thiết chỉ có niệm Phật về cõi Phật mới là cứu cánh của chúng ta. Chúng ta còn phải nghĩ đến làm thế nào ở trong giây phút cuối cùng chúng ta có thể ra đi không có sự dính mắc. Làm sao những giây phút cuối cùng chúng ta có thể ra đi tâm không sân, không hận. Làm thế nào những giây phút cuối cùng ra đi chúng ta đủ sự tỉnh táo để có thể nhìn vào hơi thở của mình, nhìn vào cảm thọ của mình, những điều đó có lợi cho chúng ta nhiều, có lợi hơn những thứ khác.

Vì vậy, nếu chúng ta tin vào điều đó chúng ta chỉ lấy một tiêu chí đơn giản đó là ở trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta sẵn sàng khởi hành, sẵn sàng lên đường với một tâm tư thật sự nhẹ nhàng. Tâm tư nhẹ nhàng đó phải là tâm tư không dính mắc, tâm tư nhẹ nhàng đó phải là tâm tư không oan kết, tâm tư nhẹ nhàng đó phải là tâm tư thanh thản.

Nói không dính mắc là nếu bây giờ chúng ta còn tỉnh táo bình thường và chúng ta tâm niệm rằng rồi ai cũng phải ra đi, tất cả cái gì mình có mình đều bỏ lại cuộc đời này, nặng lòng cho lắm rồi nó cũng phải bỏ lại thôi. Và đặc biệt khi nghĩ đến cái chết của những người thân của mình mình thường quán tưởng như vầy thì giúp ích cho chúng ta nhẹ nhàng. 

Và ở trong giây phút này khi chúng ta còn khoẻ khi chúng ta chưa kề cận cái chết nếu có giận ai thì cứ giận nhưng đừng oan trái, đừng oan kết, đừng có cột với người đó. Chúng ta thường nói những câu chúng ta nghĩ rằng câu đó nói lên một sự khẳng định để chúng ta không bực bội. Thí dụ như mình nói rằng mình vĩnh viễn không bao giờ chơi với người nào, hay là không bao giờ muốn thấy một người nào, hay là mình nhất định không đội trời chung với người đó. Lâu lâu chúng tôi nhận những email hay những lời nói chửi qua chửi lại của nhóm người này nhóm người kia đôi khi chúng tôi cảm nhận một điều rất ít người thấy được hệ quả của sự oan kết, sống trong cuộc đời oan kết để làm gì, mình cột giây oan kết để mình kéo nhau vào chỗ đoạ lạc thôi, bây giờ mình cùng đi đường mình đi mình đâu muốn lấy cái giây xích cột chân mình vào chân người khác để làm cái gì. Nếu mình sống trong cuộc đời mà buổi sáng thức dậy buồi tối đi ngủ mình cứ nghĩ oan trái người này oan trái người kia thì đời sống mình khổ quá. Thành ra khi mình hiểu được   "cái gì nhẹ thì bay lên cái gì nặng chìm xuống" thì mình sẽ không thích oan trái với ai hết, tại oan trái rồi cũng vậy. Có bao giờ chúng ta thấy một người cột oan trái với người khác mà người đó an lạc, chúng tôi chưa thấy, chúng tôi không biết là qúi Phật tử có thấy ai sống giận hờn oan trái người khác mà an lạc, không có, điều đó trở lên vô nghĩa thành ra chúng ta phải để tâm của chúng ta cho thật nhẹ nhàng không oan kết. 

Và điều này nữa, đừng để tâm của chúng ta bị mê muội, bị mê muội là cái gì đó không biết rõ, một điều làm cho tâm chúng ta thắp sáng nhất đó là mình biết rõ mình đang thở vô đang thở ra, mình nghĩ rằng mình biết chuyện thiên hạ rất nhiều nhưng nó không quan trọng, vào giờ phút này mình biết mình đang thở vô hay đang thở ra, tâm mình phải biết rõ ràng mới được trong sáng.

Tâm mình không dính mắc, đạo Phật gọi là vô tham,

Tâm của mình không oan kết, nó là ở trạng thái vô sân,

Tâm của mình rõ ràng, là trạng thái vô si,

Mình ra đi khỏi cuộc đời này với tâm vô tham, vô sân, vô si, thì được  gọi là nhẹ nhàng. Nếu mình ra đi trong cuộc đời này mà với vướng bận với oan kết với tâm mê muội thì tâm không nhẹ nhàng, thì "cái gì nhẹ nhàng thì đi lên thôi". 

Đó là vài điều chúng tôi muốn chia sẻ với qúi Phật tử đề tài ngày hôm nay nói về 5 điều lợi lạc của một người có giới trì giới ./.

No comments:

Post a Comment