Monday, June 22, 2015

Kinh Phúng Tụng - Năm Căn

Kinh Phúng Tụng - Năm Căn

Bài giảng trong lớp Phật Pháp Buddhadhamma ngày 10-1-2013, Minh Hạnh chuyển biên và biên tập

(Xin lưu ý: những bài chuyển biên này chúng tôi hoan hỷ với những ai tải về trang web nhà, để tôn trọng người chuyển biên xin đề rõ tên người chuyển biên) 

TT Giác Đẳng: Chữ "Căn" có nghĩa cội rễ, cái gốc, hay sự chủ đạo. Chữ "Căn" còn có tánh cách pháp gốc, pháp chủ đạo, nền tảng hay pháp có khả năng ảnh hưởng những pháp khác liên hệ. Chữ "Căn" chúng ta nói rất nhiều, thí dụ như trong đề tài Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ, chúng ta cũng có đề tài là Ngũ Căn, hay  3 Căn Bất Thiện, 3 Căn Thiện. 

Nói tóm lại, một người học Phật phải chuyên tâm nhiều về những từ dịch ở trong tiếng Phạn, chúng ta có những chữ khác biệt như  chữ "Mula", chữ "Indriya" hay  chữ "Hetu". Trong lúc đó bản chữ Hán hay chữ VN dịch là "căn" hay "quyền" v.v... Có một vài chữ cùng âm, qúi vị Phật tử thỉnh thoảng sẽ nghe rất khác biệt về ý nghĩa nhưng âm giống nhau. Về điểm này đôi khi làm người mới vào thế giới Phật học cảm thấy bối rối không ít. 

Hôm nay chúng ta nói về ngũ căn ở tại đây. Ngũ căn này được hiểu như 5 pháp từ đó có một ảnh hưởng lớn rộng đến đời sống của chúng ta. Và 5 pháp tại đây được đề cập là mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân. Chính từ mắt, tai, mũi, lưỡi và thân tạo ra 5 thức chúng ta gọi thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, hay nói một cách khác là thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác. Chính 5 căn này, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân tạo cho chúng ta một thế giới muôn hình muôn mặt. Là một người sống, một người tu tập, một người học Phật chúng ta không thể không biết về những ảnh hưởng xâu xa của 5 căn này đối với cuộc sống của chúng ta.

Chúng tôi nói ở tại đây về 3 phương diện:

-1. Phương diện thứ nhất:

 Đối với phương diện thường thức ở bên ngoài như chúng ta thấy 5 căn này chính là 5 giác quan cho chúng ta sự tiếp xúc giữa nội giới và ngoại giới. 

Nói đến ngoại giới, chúng ta nói ngoại cảnh, ngoại hình, hay ngoại vật. Nói gì đi nữa, thường thường chúng ta đề cập đến cái gì mình thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng. Ví dụ, một người thích đi chơi, một người thích ăn uống, một người thích nghe nhạc, nếu chúng ta quá ưa chuộng những thứ đó và những thứ đó trở thành một phần vô cùng quan trọng, như vậy chúng ta lệ thuộc ngoại cảnh nhiều.

Giữa thế gới ở bên trong và thế giới ở bên ngoài có sự khác biệt rất lớn. Ở thế giới bên trong chúng ta không cần phải đòi hỏi cực nhọc nhiều. Ví dụ, một người thường hay làm thơ, một người thường viết văn, người học Phật pháp, chuyện đó chỉ cần suy tư nhiều. Thậm chí, những văn sĩ có tài chỉ cần một tờ giấy và một cây bút chì đủ cho người đó có thể sáng tác, suy luận rất lớn, là người đó sống nặng về nội tâm. Nhưng, nếu một người thích sắc tướng, âm thanh, mùi hương, thích món ngon vật lạ, thích cảm xúc khoái lạc êm ái những thứ đó đòi hỏi lớn chuyện hơn nhiều. 

Thành ra thế giới của 5 giác quan thường là thế giới của ngoại cảnh nhiều hơn là thế giới nội tại. 

Và đối với người bình thường chúng ta cũng thấy có 2 sự phân biệt làm cho con người khác ở đây. Đôi khi chúng ta khó định nghĩa nhưng kỳ thật cái gọi là vật chất theo trong Phật Pháp chúng ta thấy rõ ràng người nào chuộng về 5 thức sắc, thinh, khí, vị, xúc tức là 5 đối tượng mắt, tai, mũi, lưỡi, thân quá chuộng chúng ta hiểu là người quá chuộng về vật chất. Lấy một ví dụ, mình nói mình ăn ngon mà mình đòi hỏi phải sơn hào, hải vị, kỳ trân, vị thảo, những thứ lạ lùng về hình thức, lạ lùng mùi hương, lạ lùng về cảnh vị chúng ta ăn mới cảm thấy rằng ngon, người như vậy được xem như quá nặng về vật chất. Một người không nặng về vật chất thì một bữa ăn đơn giản vừa đủ no người đó cũng cảm thấy an lạc được, không nhất thiết phải đòi hỏi quá nhiều. Và cái quá nhiều quá đủ thứ không nhất thiết làm cho chúng ta an lạc.

 Như vậy, đối với người trần gian các "căn" có sự phân biệt lớn giữa vật chất và tâm thức, vật chất và đời sống nội tâm, một người quá nghiên về sắc, thinh, khí, vị, xúc được xem như người thiên nặng về vật chất.

Căn thứ nhất: Mắt, thị giác

 Rồi chúng ta muốn nói đến đối với người thường thức ở bên ngoài mỗi một giác quan là một thế giới và thế giới đó tạo ra một lãnh vực văn hóa. Ví dụ, chúng ta nói về thế giới của cảnh sắc hay đối tượng của mắt. Nếu chúng ta với đôi mắt chỉ để thấy đường đi tiến bước, hoặc giả cần mắt để đọc sách. Nhưng đôi khi thấy cảnh sắc mà đối tượng của mắt trở thành một thế giới rất ư quan trọng. Thí dụ, có những người rất thích hội họa tranh vẽ nó là một ảnh hưởng liên quan đến thị giác và nó là cả một khung trời, là một chân trời mới đối với chúng ta thì nó có những thứ tương đối hơi nhẹ nhàng, ví dụ như mình thích một loại màu nào đó, có người thích màu tím, có người thích màu xanh, hay hoặc giả chúng ta thích một trường phái hội hoạ nào đó, có người thích tranh thủy mạc, có người thích tranh Picasso, có những người thích những pho tượng v.v... cái đó nó cũng liên quan đến mắt.

Dĩ nhiên, có một thứ cũng khiến người ta điên đảo không ít đó là sắc dục, tức sự ham mê về thanh sắc. Ví dụ trong cuộc đời có những người ưa chuộng một kiểu mái tóc nào đó, một đường nét của khuôn mặt nào đó, một, nụ cười một ánh mắt nào đó, thì những thứ đó đôi khi đến với chúng ta thường qua con mắt. Tại sao ngày nay người ta có những tiêu chuẩn về một người đẹp như thế nào, là phải có chiều cao chừng đó hay phải có kích thước như vậy, như vậy v.v... đều liên quan đến mắt. Thành ra trong thế giới chúng ta gọi cảnh sắc, thế giới của mắt, đối tượng của mắt nó muôn màu muôn vẻ. 

Căn thứ hai: Tai, thính giác

Chúng ta nói đến cảnh thinh, nói đến tai. Chúng ta thấy nếu tai để nghe như chúng tôi nói qúi vị nghe ở đây cái nghe đó rất nhẹ nhàng, cái nghe đó không có chuyện gì hết nhưng đôi khi chúng ta lại dính mắc vào thứ có tánh cách chuyên biệt hơn. Ví dụ có người thích nghe nhạc và việc nghe nhạc của họ càng nghe trình độ thẩm âm của họ càng tinh tế hơn, như họ thích nghe một loại nhạc nào đó, có người thích nghe nhạc Jazz, có người thích nghe nhạc Pop, có người thích nghe nhạc kích động hay nhạc cổ điển. Đôi khi có người thích điệu nhạc của nhạc sĩ nào đó hay giọng hát của ca sĩ nào đó và nó trở thành một thứ gì không thể thiếu trong đời sống của họ. Hay có người sống không thể không có âm nhạc chẳng hạn. Khi nhìn thấy điều đó chúng ta hiểu đơn thuần không phải tai chỉ có nghe không mà qua đó nó là cả một thế giới để thưởng thức, và khi người ta càng đi sâu càng tinh tế vào đó cảnh thinh trở nên càng tế nhị và đòi hỏi càng cao.

 Khi nói đến mắt chúng ta nói đến hội họa chúng ta nói đến thanh sắc là những thứ con người dính mắc nhiều. Thinh cũng vậy, âm nhạc hay kể cả một giọng nói của một người khác phái cũng làm người ta ảnh hưởng rất nhiều. Ngày xưa chúng tôi biết có không ít trường hợp những người họ thương một người khác chưa từng gặp mặt chỉ nghe giọng nói trong paltalk nhưng họ thương là thương âm thanh. Như chúng ta nghe câu chuyện một bi kịch của Trương Chi Mỵ Nương. Mỵ Nương thật sự bị cuốn hút bởi tiếng sáo của Trương Chi và nghĩ rằng mình đã thương Trương Chi nhưng khi gặp Trương Chi thì một trời yêu thương sụp đổ tại vì Trương Chi xấu quá không thể nào xứng hợp với Mỵ Nương được, nhưng quả thật tiếng sáo của Trương Chi có sức hút hấp dẫn mãnh liệt. Và có nhiều người trong cuộc đời này họ thương một người nào đó tại vì giọng ca tiếng hát hay giọng nói người đó hơn thương con người đó thật sự. Thì chúng ta thấy âm thanh ảnh hưởng chúng ta nhiều. Và hễ nói âm thanh chúng ta phải nói tai.

Căn thứ ba:  Mũi,  khứu giác

Chúng ta nói đến mũi, hay chúng ta nói đến khứu giác, nói đến ngửi. Cũng giống như hai căn đầu nhãn căn nhĩ căn, hay mắt và tai, mũi cũng mở ra một thế giới lớn rộng, thế giới đó một thế giới của mùi hương. Nhẹ nhàng thì khi mình ăn mình thích mùi hương nào đó. 

Chúng tôi gặp một số Chư Tăng VN qua Mỹ cũng có nhiều điều cũng hoan hỉ nhưng có một điều qúi Ngài nói chúng tôi cũng phải nhìn nhận, qúi Ngài nói rau thơm ở bên Mỹ không thơm. Qúi vị nào qua Mỹ rồi thì sẽ cảm nhận được ở VN rau răm mùi cay nồng hơn rau răm ở Mỹ, hoặc ngò gai thì gai bén hơn và thơm hơn ở Mỹ nhiều phải cầm lá ngò gai nhai trong miệng một chút mới cảm có chút mùi ngò gai thôi. Rau thơm bên này thật sự không thơm như ở các xứ nhiệt đới. 

Điều đó cũng cho chúng ta thấy mặc dầu khi mình ăn chỉ nghĩ đến vị giác nhưng chính mùi thơm tạo cho chúng ta sự đậm đà tạo cho chúng ta vị ngon của thực phẩm, đặc biệt người VN chúng ta xử dụng hương liệu mùi thơm rất nhiều. Có người hạp với cà ri, có người rất sợ mùi cà ri, trong chúng ta có người thích mùi thìa là có người không quen mùi thìa là chẳng hạn, 

 Nói chung, không phải chỉ có mắt mới quan trọng, tai mới quan trọng mà mũi cũng quan trọng. Nếu chúng ta biết về thị trường tiêu thụ nước hoa trên thế giới chúng ta mới hiểu thị trường đó là một thị trường khổng lồ, người ta không nói đến hàng triệu Mỹ kim một năm mà người ta nói hàng tỉ Mỹ kim một năm, và không phải nói hàng tỉ mà mấy mươi tỉ một năm, và việc xử dụng nước hoa đã trở thành một kỹ nghệ lớn chứ không nhỏ. Điều đó một lần nữa chứng minh cho chúng ta thấy trong 5 giác quan không phải giác quan nào thật sự có chất mê hoặc ảnh hưởng chi phối con người, mà ở trong 5 căn liên hệ đến 5 giác quan liên hệ đến 5 cảnh, cái nào cũng ảnh hưởng lớn đến chúng ta. 

Đây là điều chúng ta cần phải xác nhận. Nếu chúng ta nói về tranh ảnh đối với mắt. Chúng ta nói về âm nhạc đối với tai. Chúng ta nói về kỹ nghệ nước hoa đối với mũi. 

Căn thứ ba: Lưỡi, vị giác

Riêng đối với vị, chúng ta cũng thấy có bao nhiêu thứ và điển hình là thực phẩm. Thực phẩm ảnh hưởng chúng ta rất lớn, nhất là chúng ta quen với một số thực phẩm nào đó. Đi đâu có một bữa ăn ngon thường thường chúng ta nhớ nhiều và bữa ăn ngon đó là bữa ăn thích hợp với chúng ta về nhiều thứ. 

Một vài vị nói với chúng tôi khi bị bịnh tiểu đường hay khi bị áp huyết cao cố gắng kiên cử cảm thấy chết một phần ba cuộc đời. Chuyện đó chúng tôi có thể cảm thông được. Bởi vì khi mình bị hai bệnh này, cái ngọt mình phải giảm, cái mặn mình phải giảm, và thức ăn mình ăn nhạt nhẽo hơn, thời gian đầu đôi khi cảm thấy mất mát nhiều. 

Ẩm thực là một nghệ thuật quan trọng trong nền văn minh của nhân loại, và riêng về ẩm thực sự cầu kỳ tinh tế của nó như thế nào đã cho chúng ta hiểu tại sao lưỡi, tại sao vị giác có khả năng chiếm hữu chúng ta lớn như vậy.

Thời xa xưa người ta rất trọng những hương liệu, đặc biệt những hương liệu để nấu ăn, gia vị như gừng, quế hay những hương liệu khác cho thực phẩm. Và có thời gian những hương liệu những gia vị nấu ăn họ trao đổi bằng cách người ta cân một bên là hương liệu một bên là tơ lụa hay vàng để đổi lấy, tại vì có những thứ đó làm cho thực phẩm của chúng ta khác biệt đi nhiều. Tại Hoa Kỳ có vài ba nhà hàng đặt tên là "Lemon grass". Lemon grass nghĩa là cây xả gia vị người VN xử dụng rất nhiều trong các món ăn, nhiều người cảm thấy những món ăn VN bỏ xả vào có sức mê hoặc lạ lùng, và người ta lấy tên xả đặt cho quán ăn chúng ta thấy rằng những người bếp hay chủ nhà hàng họ khai thác được một lãnh vực hạp với rất nhiều người kể cả rất nhiều người ngoại quốc.

Thì khi chúng ta nói đến lưỡi, nói đến vị giác, chúng ta nói đến cảnh vị  chúng ta không thể phủ nhận một điều ăn uống là cả một lãnh vực lớn quan trọng chi phối chúng ta rất nhiều.

Căn thứ năm: thân, xúc giác

Sau cùng, chúng ta nói về thân, nói về xúc giác, nói về cảnh xúc, nói đến cái gì xúc chạm. Ví dụ nằm nệm êm, mền ấm hay ngồi trong một chỗ dễ chịu, như đi xe, đi máy bay chỗ ngồi của mình êm hay không êm ảnh hưởng đường dài nhiều. Người Tây Phương nghĩ rằng ở trong living room hay trong phòng khách nơi tiếp bạn bè ngồi nói chuyện lâu để thoái mái người ta cần những bộ salon. Hồi xa xưa ở miền quê ông bà chúng ta có bộ phản ngồi trên đó hoặc ngồi ghế đẩu đó là nhà ông ngoại ông chúng tôi ngày xưa,và ghế salon ngày xưa không ai dùng, bây giờ ghế salon càng lúc càng ảnh hưởng càng lan rộng bởi vì ngồi trên phản không êm, ngồi trên ghế đẩu không thoải mái, ngồi trên salon người mình thư thản hơn nhiều. Do vậy, người ta tạo ra một kỹ nghệ lớn cố gắng để làm sao cho thân được thoải mái. 

Rồi không phải chỉ như vậy, mà những thứ  như quần áo cũng ảnh hưởng đến xúc giác của chúng ta, cái gì tiếp xúc với thân cảm giác dễ chịu thoải mái càng ngày người ta càng chủ trương quần áo may mặc không phải chỉ đẹp mà còn thoải mái, nghĩa là mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát, khi nó xúc chạm vào trong người cảm thấy dễ chịu hơn, và những mặt hàng ngày xưa có thời người ta cảm thấy bình thường như coton chẳng hạn bây giờ loại vải coton được người ta ưa chuộng vì nó cho chúng ta cảm giác dễ chịu. 

Nói cách khác, xúc giác có vai trò lớn. Chúng ta nói đến thế giới của lục dục, sự liên hệ thể xác với người khác phái cũng là một ở trong cao điểm của cái gọi là thể xác.

Nói chung, dù là mắt, tai, mũi,  lưỡi,  thân, dù chúng ta nói thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác, dù chúng ta nói sắc, thinh, khí, vị, xúc, 5 căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân đóng một vai trò rất lớn, đó là chúng ta nói phương diện thường thức ở bên ngoài.

-2. Phương diện thứ hai:

Trên phương diện Phật học, trong A Tỳ Đàm 5 thức gọi ngũ song thức đóng một vai trò mở cho chúng ta một cánh cửa thế giới ở bên ngoài. Và 5 thức này mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý gồm có cái thuộc về quả tốt hay quả không tốt. Thí dụ mắt nhìn cảnh đẹp mình gọi là quả thiện, mắt thấy những quả không đẹp "Những điều trông thấy mà đau đớn lòng" thì cái đó gọi là cảnh do quả bất thiện. Do vậy cũng bằng mắt nhưng có cái hưởng cảnh sắc tốt, có cái bị thấy những chuyện không hay thì nó trở thành một cặp chúng ta gọi  song. Ngũ song thức ở đây là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân.

Chính ra khi chúng ta đi vào giáo lý của Đức Phật vào buổi sơ thời Đức Phật đặc biệt đề cập đến việc thu thúc 6 căn hay thu thúc lục căn, và riêng trong tạng Diệu Pháp A Tỳ Đàm hay khi con người được trình bày theo 6 căn, 6 cảnh, 6 thức, nói một cách khác là 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới thì chúng ta hiểu được, riêng về các căn đóng một vài trò rất ư đặc biệt ở trong thế giới Phật học, chẳng những vậy khi chúng ta đề cập đến A Tỳ Đàm nói về các thức thường thường như sáu thức, bên Duy Thức học chia tám thức v.v. thì 5 thức đầu nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân vẫn được nhắc đến như những thành tố rõ ràng, những thành tố quan trọng của cuộc sống. Tại vì sao vậy? Tại vì thế giới của chúng ta hay sự sống của mỗi người đều dựa trên các giác quan và chính 5 giác quan này là 5 giác quan chi phối chúng ta từ bên ngoài rất nhiều.

Chúng ta đã nói phương diện thường thức và phương diện pháp học. Bây giờ chúng ta nói phương diện thứ ba:

- 3.Phương diện tu tập của một hành giả.

Với một người bình thường nhiều khi mình thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng mình chỉ thấy mình được hưởng mùi này hay mình phải chịu mùi kia, hay mình nghe được âm thanh này hay mình phải bị nghe âm thanh kia. 

Riêng với hành giả một người tu tập có 3 pháp liên hệ đến 6 căn này.

1. Pháp thứ nhất.

Đạo Phật gọi là thu thúc hay phòng hộ 6 căn. Phiền não từ đó khởi sanh ra do đó chúng ta phải phòng hộ. Đôi khi Đức Phật Ngài gọi những thứ đó là những vết thương. tại sao là những vết thương? Vết thương đụng đến thì đau, chảy máu. 

Cũng vậy:

Hành giả hiểu tại vì có mắt nên chúng ta có lụy về sắc.

Tại vì có tai nên chúng ta lụy về âm thanh.

Có mũi chúng ta lụy về mùi hương.

Có lưỡi nên chúng ta lụy về vị.

Và có thân nên chúng ta lụy về cảm xúc. 

Và ở đâu dễ dàng cho chúng ta bị tấn công, dễ dàng tạo cho chúng ta hệ lụy, dễ dàng tạo cho chúng ta những phiền não thì ở đó mình hiểu giống như một vết thương, mình hiểu như vậy mình giảm thiểu nó đi chứ mình có đặt quá nặng. 

Đó là phương diện thứ nhất của một hành giả tu tập khi chúng ta nói về thu thúc 6 căn.

2. Pháp thứ hai. 

Pháp thứ hai khi chúng ta nói về 6 căn rất hay, đó là, chúng ta nói về tính vô ngã của đời sống. Vô ngã ở tại đây mình hiểu cuộc sống vốn dĩ kết hợp của nhiều nhân nhiều duyên. Có những nhân, có những duyên mình kiểm soát được, có những nhân duyên mình không kiểm soát được. Một câu đơn giản chúng tôi vừa nhắc, ví dụ như trong câu "Những điều trông thấy mà đau đớn lòng". Thì có những điều trông thấy mà đau đớn lòng điều đó cho chúng ta thấy có những cái mình không muốn thấy mình phải thấy, có những thứ mình không muốn nghe mình phải nghe, có những thứ mình không muốn ngửi mình phải ngửi, không muốn nếm mình phải nếm, không muốn xúc chạm mình phải xúc chạm. Thì cái phải đó cho chúng ta thấy sự bất lực, thấy sự vô chủ vô quyền của mỗi chúng ta.

Thì hễ có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân chúng ta có thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng. Nhưng không có điều gì để bảo đảm được cái gì mình thấy, cái gì mình nghe, cái gì mình ngửi, cái gì mình nếm, cái gì mình xúc chạm hoàn toàn được như ý của mình hết. Một trăm năm kiếp người và nếu chúng ta nghĩ trong đời sống hàng ngày được nghe 50 điều thoải mái dễ chịu và 50 điều không thoải mái không dễ chịu kể ra chúng ta cũng có phước lắm rồi, kể ra chúng ta có phước. Nhưng, thường thường chúng không thể có phước như vậy, cái thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng không phải là chuyện đơn giản mà chúng ta có thể quyết định được, nó còn yếu tố ngoại giới nữa.

Lấy ví dụ, khi Ngài HT Hộ Giác Ngài nằm xuống trong tang lễ của Ngài, lễ cung tin kim quan gọi theo thế tục là lễ di quan thì trời mưa rất lớn, rồi đến giờ để cung tiễn kim quan đưa đến nơi hỏa táng mưa tạnh, và rất nhiều người hoan hỉ, nhưng trong sự hoan hỉ đó chúng ta cũng thấy có một yếu tính của sự vô ngã. Tại vì sao? Vì mưa nắng chúng ta không kiểm soát được, chúng ta có thể lo được chương trình, chúng ta có lễ lo được diễn văn, chúng ta có thể lo về trang trí v.v... Nhưng khi chúng ta bước ra bên ngoài trời mưa hay nắng nói theo ngôn ngữ VN chuyện đó hên xui, chuyện đó nếu chung ta may mắn trời không mưa còn chúng ta không may mắn trời mưa thì ngay điều đó quyết định cho chúng ta thấy lý vô ngã.

Hoặc giả, nhiều khi mình nghĩ đến một bữa ăn một bữa tiệc nào đó phải ngon nhưng đến lúc ăn thì không vừa miệng. Thì cái chuyện ăn để cho ngon cũng là vô ngã. Vì sao vậy? Trừ khi chúng ta là vua thôi chứ không phải ngày nào cũng có người nấu cho chúng ta những món ăn ngon, món ăn thịnh soạn, những món ăn đặc biệt, cũng đôi khi chúng ta ăn những món ăn đặc biệt nhưng thường thường chúng ta ăn cái gì quen thuộc thôi. Thì ở đó một lần nữa cho chúng ta thấy cái lý của sự vô ngã. 

Hiểu về sự vô ngã chúng ta sẽ thấm thía vô cùng khi chúng ta học về 12 xứ, 18 giới. Tại vì sao vậy? Là tại vì mình có mắt, có tai, có mũi, có lưỡi, có thân, nhưng riêng đối với 5 cảnh là sắc, thinh, khí, vị, xúc không có cái gì bảo đảm cả, cái gì mình thấy, cái gì mình nghe, cái gì mình ngửi, cái gì mình nếm, cái gì mình xúc chạm đều thuận theo ý mình hết, bởi vì mình không sai xử được nó phải như thế này đừng như thế kia, nên chúng ta gọi nó là vô ngã.

3. Pháp thứ ba 

Và một pháp thứ ba liên quan đến hành giả tu tập pháp này chúng tôi muốn nói hành giả có thể quán sát về bản thân qua sự hoạt động của 5 căn. 

Thí dụ như đây là mắt, đây là cảnh sắc, khi con mắt và cảnh sắc gặp nhau thức sanh khởi. 

Và khi con mắt, cảnh sắc và tâm thức là nhãn thức sanh khởi cùng lúc chúng ta gọi là xúc. 

Tức là một sự gặp gỡ giữa 3 yếu tố căn cảnh và thức thì xúc đó không nằm yên nó sanh ra thọ là hoặc khổ, hoặc ưu, hoặc hỉ, hoặc lạc. 

Thọ đó mới sanh ra ái, ái ở đây là ưa thích và ái sanh ra thủ.

Thì với hành giả tu tập lâu ngày chúng ta thấy có một tác động giây truyền, cái này có mặt ảnh hưởng cái kia, cái kia ảnh hưởng cái nọ rồi  ảnh hưởng đó là một cái gì đối với hành giả rất ư quan trọng trong sự tu tập của mình. Lấy ví dụ như mình tu thiền quán một lúc  mình thấy cái vui, cái buồn, cái mình thích, hay không thích, thật ra chỉ là một sự chi phối không hơn không kém. 

Nếu chúng ta học rõ về sự hoạt động của các căn, rồi chúng ta học rõ về khả năng chi phối là vô chừng của các căn đối với sự vui buồn đối với tâm thức, và nếu chúng ta học rõ và chúng ta có thể theo dõi kỹ về những cái chợt đến, chợt đi, chợt ẩn, chợt hiện của các căn thì lúc bấy giờ chúng ta thấy cuộc sống chỉ là một sự tác động liên hồi như những đợt sóng của đại dương trùng trùng cái này nó xô đẩy nhau đi về biển đời vô tận. Những đợt sóng đó tạo ra một hình ảnh của một mặt biển không phẳng lặng của ảnh hưởng nhiều sóng nhiều gió. Nhiều khi chúng ta phải nhìn cuộc đời như vậy để chúng ta thấy trong cuộc sống này thực tại nó vốn chứa đựng nhiều phương diện và nó không có đơn thuần chỉ có một góc cạnh như chúng ta thấy. Hễ mình nhìn thấy được điều này ít nhất qua đó chúng ta thấy được yếu tính đạo Phật dạy là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã. Vô Thường, Khổ, Vô Ngã thấy được rõ ràng qua sự hoạt động của 5 căn này. 

Bây giờ chúng tôi tóm tắt lại trong bài học ngày hôm nay:

Trước nhất chúng tôi nói về 5 căn, 5 căn này là 5 cửa sổ cho chúng ta thấy có sự tiếp xúc giữa nội tại và ngoại giới. Nội tại và ngoại giới chính là yếu tố tạo cho chúng ta chủ quan hay khách quan. Ví dụ, mình là người VN lưỡi mình quen ăn nước mắm thì mình thấy nước mắm là thơm nhưng với người khác không quen thì nước mắm là hôi. Mình là người VN không quen với mùi của phô mai đôi khi nhìn thấy phô mai mình không thích nhưng có những người Tây Phương họ thích mùi phô mai họ thấy thoải mái. Thì như vậy là sự chủ quan và khách quan hết.

Rồi cũng qua 5 căn này chúng ta có sự liên hệ giữa vật chất và nội tâm, khi con mắt thấy sắc thì sắc rõ ràng là vật chất nhưng từ sự tiếp xúc đó nó chuyển hóa trở thành một quan niệm thì quan niệm đó chúng ta gọi quan niệm nội tâm. Như vậy nó đóng vai trò bắt nhịp cầu. Lấy ví dụ, cũng màu sắc đó nhưng nếu một họa sĩ tài hoa kết hợp trở thành một bức tranh và chúng ta là người thưởng thức hội họa ở một trình độ tương đối khác thì đường nét đó màu sắc đó tạo cho chúng ta bao nhiêu sự suy nghĩ về cuộc sống, về chiến tranh, về hòa bình, về tình yêu, tuổi trẻ về những khái niệm này khái niệm khác. 

Chúng ta nói về chủ quan, về khách quan, nói về vật chất, nói về nội tâm, chúng ta nói về nội giới, nói về ngoại giới đó là chúng ta nhìn vào các căn chúng ta hiểu những khái niệm như vậy. Nhưng 3 phương diện chúng tôi đề cập đến ở tại đây. 

Phương diện đầu tiên là phương diện thường thức. 

Thì từ các căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân chúng ta hiểu nó sản sinh ra một nền văn hóa vĩ đại một nền văn hóa muôn màu muôn mặt. 

Chúng ta nói về tai hay chúng ta nói về thính giác thì chúng ta cũng nói đến một nền văn hóa lớn, ví dụ như âm nhạc. 

Hay chúng ta nói về mắt chúng ta nói về hội họa.

Chúng ta nói về mũi chúng ta nói về hương liệu chúng ta nói về nước hoa.

Chúng ta nói về lưỡi chúng ta nói về ẩm thực.

Chúng ta nói về thân là nói về xúc thì chúng ta nói về giường chiếu, nói về quần áo, chúng ta nói về nhục dục. 

Nói chung lại, những chuyện đó không phải chỉ có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, mà nó rất là lớn chuyện, lớn chuyện nghĩa là nó đã tạo cho chúng ta không biết bao nhiêu những phó sản, bao nhiêu những hệ lụy, bao nhiêu ảnh hưởng, nó tạo thành một thế giới muôn màu muôn sắc, những thế giới có bao nhiêu thứ khiến cho chúng ta bị choáng ngợp, chúng ta cảm thấy chới với bởi vì sự chi phối của nó quá mạnh.

Rồi trên phương diện Phật học.

Qúi Phật tử sẽ thấy, chúng ta học Phật học nói nhiều về 5 căn này, như ngũ song thức ở trong A Tỳ Đàm hay Phật học đề cập đến 6 thức thì 5 thức đầu nói 5 thức liên hệ đến mắt, tai, mũi, lưỡi, thân rất nhiều.

Nhưng trên phương diện hành giả tu tập tức pháp hành thì điều này rất quan trọng. Hồi nãy chúng tôi có trình bày thu thúc lục căn nói thu thúc 6 căn thì cũng liên hệ đến các căn này, hay chúng ta nói về sự quán tưởng Giáo Lý Duyên Khởi; danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, nó cũng liên hệ đến những điều này. Hoặc giả chúng ta đề cập đến một vị hành thiền  vị đó quán tưởng bản thân qua sự hoạt động của 5 căn. 

Chúng tôi nói tóm lại một điều như vầy. Khi chúng ta học Phật Pháp có những lãnh vực mình đừng tưởng hiểu rồi nó yên tại đó, mình hiểu rồi cứ để mặc nó. Thật ra những pháp đó liên hệ với những pháp khác.

Nếu một người học Phật thấy được 5 căn nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân và chúng ta nhìn từ nhiều góc cạnh khác nhau thì điều đó làm cho chúng ta trở nên nhạy bén hơn, dễ hiểu hơn, dễ lãnh hội hơn khi chúng ta đề cập đến những pháp khác. 

Ví dụ Giáo Lý Vô Ngã trình bày nhiều cách. Nhưng Giáo Lý Vô Ngã có thể trình bày như vầy; con mắt tiếp xúc với cảnh sắc nhãn thức sanh khởi, và nó sanh ra thọ khi nói con mắt tiếp xúc cảnh sắc. Ví dụ mình có con mắt cũng chưa chắc mình làm chủ hoàn toàn con mắt. Tại vì sao? Tại vì con mắt có khi nó sáng, có khi nó mờ, có khi nó bị bịnh chúng ta không làm chủ được con mắt. 

Với cảnh sắc chúng ta hoàn toàn không làm chủ được, một cảnh bên ngoài rất đẹp của một ngày đẹp trời nắng, cảnh bên ngoài rất ảm đạm của một ngày trời mưa, một cảnh ở bên ngoài rất hữu tình như hồ rộng núi cao, một cảnh ở bên ngoài rất  nản như một đống rác v.v... nó đều không nằm ở trong sự kiểm soát của chúng ta.

Rồi con mắt khi nó tiếp xúc với cảnh sắc, rồi thị giác sanh khởi và cảm thọ hoặc vui hoặc buồn, hoặc không vui không buồn, mình không kiểm soát được. 

Nhiều lúc, đối với mình rất khó hiểu, tại sao cũng bữa ăn đó có nhiều khi chúng ta hờ hững, tại sao cũng bữa ăn đôi khi chúng ta cảm thấy không có thích thú. Thì một người tu tập thấy chuyện đó chúng ta học được cái lý VôThường, Khổ và VôNgã qua sự hoạt động của các căn các cảnh các thức./.

No comments:

Post a Comment